• Hơn nửa triệu khẩu trang - một vài trong số đó đã “xúc ra” - vừa bị thu giữ tại Southall, thuộc quận Ealing, London.

    Vào tuần trước, đội tiêu chuẩn thị trường của Hội đồng Ealing đã hành động dựa trên thông tin nhận được liên quan đến các đơn vị nhập khẩu trong khu vực.

    Hơn 60.000 khẩu trang không đạt tiêu chuẩn đã được phát hiện ngay trong cuộc kiểm tra đầu tiên. Trên các sản phẩm có ký hiệu ‘CE’ giả mạo và nội dung không khớp với các mô tả trên bao bì.

    0 PHOTO 2020 04 22 09 49 13 1

    Phát ngôn viên cho biết: “Những chiếc khẩu trang có chất lượng kém đến mức một số bị bung ra trong quá trình kiểm tra.

    “Tại một cơ sở khác, các nhân viên đã phát hiện thêm 454.500 khẩu trang bị nghi ngờ không đáp ứng các tiêu chuẩn pháp lý. Những chiếc khẩu trang này tạm thời được đưa ra khỏi chuỗi cung ứng cho đến khi đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn.

    Khoảng 2.600 lọ nước rửa tay khô bất hợp pháp cũng đã bị thu giữ.

    Lãnh đạo các hội đồng lo ngại rằng trong bối cảnh nhiều người tiêu dùng đang tìm mua PPE, những sản phẩm kém chất lượng như vậy có thể không đem lại hiệu quả và khiến người dùng gặp nguy hiểm.

    Ủy viên hội đồng Joanna Camadoo-Rothwell, giám đốc an toàn cộng đồng của Hội đồng, cho biết: “Thật đáng buồn khi một số ít các doanh nghiệp vô trách nhiệm cho thấy thái độ coi thường người tiêu dùng và đang tìm cách lợi dụng dịch bệnh để trục lợi cá nhân.

    “May mắn thay, chúng tôi đã chặn các sản phẩm này trước khi chúng được tung ra thị trường vì rõ ràng, chúng chưa được đưa vào bất kỳ cuộc kiểm tra an toàn nào và có thể mang lại cho người dùng cảm giác an toàn sai lầm.

    “Chúng tôi sẽ vẫn cảnh giác và làm việc chăm chỉ để giúp người dân không bị lừa đảo bởi những thương nhân vô đạo đức muốn lợi dụng tình hình hiện tại.

    “Chúng tôi sẽ truy tố bất cứ ai bị phát hiện bán các mặt hàng bất hợp pháp như một phần trong cam kết giúp Ealing an toàn hơn.”

    VietHome (Theo My London)

  • Các lao động được tạm nghỉ phép trong thời gian cách ly đang đối mặt với một thông tin khá ảm đạm. Nếu như trước đây chính phủ thông báo sẽ trả 80% lương cho họ, thì nay con số này có thể giảm xuống chỉ còn 60%. 

    Được biết bộ trưởng tài chính Rishi Sunak đang lên kế hoạch cắt giảm quỹ lương hỗ trợ nhân viên, vốn đang giúp đỡ 6.3 triệu lao động khắp UK.

    Phương án khả dĩ nhất của ông là cắt giảm số tiền trợ cấp hiện tại từ 80% xuống còn 60%, và sau đó sẽ còn nhiều khoản giảm nhỏ khác. Đây là nguồn tin từ Evening Standard.

    0 tro cap furlough 1

    Tuy nhiên, vẫn còn một số lựa chọn khác, chẳng hạn các lao động này sẽ quay trở lại làm việc và họ không cần phải dựa hết vào trợ cấp chính phủ. 

    Chính phủ hiện đã chi tới 8 tỉ bảng để trợ cấp cho người lao động tạm nghỉ việc.

    Phân tích ngày hôm qua cho thấy, 50% công dân Anh trưởng thành đang nhận một số loại trợ cấp nào đó từ chính phủ. Gần 2 triệu người đã nộp đơn xin trợ cấp Universal Credit kể từ khi thủ tướng Johnson công bố lệnh phong tỏa hồi tháng Ba.

    Nếu tính cả người thất nghiệp, 5.4 triệu nhân viên thuộc bộ phận công, và 12 triệu người nhận lương hưu, thì nghĩa là chính phủ hiện đang gồng gánh tới 52 triệu người trưởng thành lãnh trợ cấp.

    0 tro cap furlough 1
    Ngân khố đang gồng gánh 52 triệu miệng ăn.

    Ông Sunak đã trấn an người lao động và các doanh nghiệp rằng sẽ không có chuyện trợ cấp bị cắt giảm ngay lập tức. Tuy nhiên, ông đã nhấn mạnh mối lo lắng rằng, chi phí trợ cấp tiền lương đang tiêu tốn của chính phủ không kém gì chi phí NHS, vào khoảng 11 tỉ bảng/tháng.

    Trong một cuộc phỏng vấn vào hôm thứ Hai tuần này, ông nói với đài ITV: ''Tôi đang cố gắng tìm kiếm cách hiệu quả nhất để giảm gánh nặng trợ cấp và nới lỏng để người dân quay lại làm việc. Chúng tôi đang chi quá nhiều tiền trợ cấp, chẳng kém gì chi cho NHS. Và rõ ràng, chúng ta sắp không chịu nổi''.

    Tuần này Bộ Ngân khố sẽ họp để đề ra kế sách, trước khi Thủ tướng công bố kế hoạch nới lỏng phong tỏa vào Chủ nhật. 

    Viethome (theo Metro)

  • Neil Ferguson, nhà dịch tễ học có mô hình giúp định hình chiến lược phong tỏa của Anh, đã từ chức cố vấn chính phủ Anh sau khi để người yêu đến thăm nhà, vi phạm lệnh giãn cách.

    Ferguson dẫn dắt nhóm các nhà khoa học tại Đại học Hoàng gia London, là đồng tác giả của công trình nghiên cứu với những dự đoán đã giúp thuyết phục các bộ trưởng về sự cần thiết phải áp đặt các quy định giãn cách nghiêm ngặt, nếu không hệ thống bệnh viện NHS sẽ bị quá tải.

    Ngày 5/5, ông cho biết đã xin thôi chức vụ của mình trong Nhóm Tư vấn Khoa học cho Các trường hợp khẩn cấp của chính phủ Anh (SAGE), về “sai lầm trong nhận định”.

    Daily Telegraph tiết lộ rằng Antonia Staats, người yêu Ferguson, đã đi từ nhà của gia đình bà để thăm ông Ferguson, cả hai đều ở London, ít nhất hai lần kể từ khi các biện pháp phong tỏa được ban hành, vào ngày 30/3 và ngày 8/4. Bạn bè của bà nói với tờ báo rằng Staats không tin hành động của họ là vi phạm, vì coi hai nhà là một.

    giao su sage 2
    Giáo sư Neil Ferguson và cô Staats.

    Các chuyến thăm trái với yêu cầu ở nhà của chính phủ, trong đó kêu gọi mọi người ở nhà với gia đình của họ và không gặp gỡ các thành viên của các hộ gia đình khác.

    “Tôi thừa nhận đã có sai lầm về nhận định và đã hành động sai. Do đó, tôi xin thôi chức vụ trong SAGE”, ông Ferguson nói. “Tôi đã làm vậy vì tin rằng tôi đã được miễn dịch, đã xét nghiệm dương tính với virus corona và tự cô lập hoàn toàn trong gần hai tuần sau khi phát triển các triệu chứng”.

    “Tôi rất hối hận vì làm yếu đi thông điệp rõ ràng về sự cần thiết của tiếp tục giãn cách xã hội nhằm kiểm soát dịch bệnh tàn khốc này. Hướng dẫn của chính phủ là rõ ràng, và nhằm bảo vệ tất cả chúng ta”.

    Các cố vấn chính phủ đã nhiều lần cảnh báo công chúng không gặp người của các hộ gia đình khác. Cố vấn y tế của chính phủ Jenny Harries, khi được hỏi liệu những người yêu nhau đang ở riêng có thể thăm nhau hay không, trả lời: “Nếu hai người đang ở trong các hộ gia đình riêng biệt, tốt nhất là họ nên ở với những hộ gia đình đó”.

    Bà nói thêm: “Trong một khoảng thời gian khá dài sắp tới, họ nên thử thách mối quan hệ của mình, và quyết định xem một người có muốn chuyển sang ở hẳn gia đình bên kia hay không”.

    Ông Ferguson đã trở thành nhân vật quen thuộc trong các cuộc phỏng vấn trên báo chí Anh trong thời gian phong tỏa, giải thích cơ sở khoa học cho các quyết định của chính phủ. Ông nhiễm virus vào giữa tháng 3, sau khi tham dự các cuộc họp chính phủ ở Westminster.

    Ngoài ông Ferguson, bộ trưởng phụ trách nhà đất Robert Jenrick đang hứng chịu nhiều câu hỏi sau khi đến ở một trong những ngôi nhà bên ngoài khu vực của mình, rồi lái xe đến nhà cha mẹ để mang thức ăn và thuốc.

    Zing (theo BBC)

  • Số người chết do nCoV ở Anh vượt 32.000, vượt Italy, quốc gia từng bị coi là vùng dịch chết chóc nhất châu Âu.

    Cơ quan Thống kê Quốc gia Anh hôm nay công bố dữ liệu mới về số người chết do nCoV, trong đó ghi nhận 29.648 người chết tại Anh và Xứ Wales tính đến 24/4 với Covid-19 được đề cập trong giấy chứng tử. 

    Khi tính thêm những ca tử vong tại Scotland và Bắc Ireland, số người chết do Covid-19 trên toàn Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland hiện là 32.313. Con số này lớn hơn 29.079 ca tử vong ở Italy, dù số liệu của Rome không bao gồm các ca nghi nhiễm. 

    Anh cùng với Tây Ban Nha, Italy là ba nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh ở châu Âu. Thủ tướng Anh Boris Johnson tuần trước tuyên bố đất nước đã qua đỉnh dịch, nhưng chưa sẵn sàng dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Tuy nhiên, giám đốc Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch Bệnh châu Âu (ECDC) Andrea Ammon hôm 4/5 cảnh báo Anh chưa qua đỉnh dịch.

    anh 3990 1588671323
    Một người dân đeo khẩu trang đi qua bức vẽ tri ân những nhân viên y tế tuyến đầu trong cuộc chiến chống Covid-19 ở London, Anh, hôm 5/5. Ảnh: Reuters.

    Lệnh phong tỏa ở Anh đã kéo dài hơn một tháng. Người Anh hiện vẫn được yêu cầu ở nhà, chỉ ra ngoài để làm việc, mua nhu yếu phẩm hoặc tập thể dục, với điều kiện duy trì khoảng cách ít nhất hai mét với người khác.

    Phát ngôn viên của Thủ tướng Anh cho biết chính phủ chưa có kế hoạch mở cửa trở lại các trường học. Chính phủ Anh cũng ban hành hướng dẫn mới về giãn cách tại nơi làm việc, theo đó nhân viên văn phòng sẽ được khuyến khích làm việc ở nhà trong nhiều tháng.

    Bộ trưởng Ngoại giao Anh phát biểu trong buổi họp báo rằng không thể đánh giá công tác chống dịch của một đất nước khi dịch Covid-19 còn chưa kết thúc, dù vậy, chính quyền Thủ tướng Boris Johnson đã gặp nhiều chỉ trích vì các biện pháp chống dịch vào giai đoạn đầu.

    Italy và Tây Ban Nha, hai nước từng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất tại châu Âu, đã có những bước tiến đáng kể và đang dần nới lỏng các lệnh phong toả trong thời gian gần đây.

    Anh là một trong những nước áp đặt lệnh phong tỏa muộn nhất tại châu Âu để ngăn chặn virus corona lây lan. Trước đó, nhiều người từng cảnh báo chiến lược “miễn dịch cộng đồng” của Thủ tướng Boris Johnson sẽ khiến vài trăm nghìn người thiệt mạng.

    Covid-19 đã xuất hiện tại 212 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến hơn 3,6 triệu người nhiễm và hơn 252.000 người tử vong. Dịch bệnh tàn phá hệ thống y tế và gây thiệt hại nặng nề về kinh tế tại Mỹ và nhiều nước châu Âu.  

    Theo Reuters

  • Nhà máy sản xuất bột mì gần 1.000 năm tuổi ở tây nam nước Anh hoạt động trở lại sau thời gian dài là bảo tàng để phục vụ nhu cầu của người dân giữa đại dịch Covid-19.

    Nhà máy bột mì Sturminster Newton, từng trải qua các đại dịch toàn cầu như dịch hạch vào thế kỷ 17 và đại dịch cúm năm 1918, đã dừng toàn bộ hoạt động vào năm 1970, sau đó trở thành bảo tàng và chỉ sản xuất bột mì 2 ngày/tháng vào mùa hè.

    Tuy nhiên, nhà máy này đã sản xuất gần 1 tấn bột mì trong vài tuần qua, tương đương khối lượng mà nó thường sản xuất trong 1 năm.

    Pete Loosmoore, Giám đốc của nhà máy lịch sử, nói với CNN: “Chúng tôi chuẩn bị mở cửa cho mùa sản xuất thì đúng lúc virus corona bùng phát. Phản ứng đầu tiên của chúng tôi là đóng cửa”.

    “Nhưng chúng tôi nhận ra rằng nhiều cửa hàng địa phương không có bột mì và mọi người đang tuyệt vọng vì điều này”. Từ khi đóng cửa với khách tham quan, “chúng tôi đã xay xát vài tấn lúa mì chất lượng cao và có thể cung cấp”, ông Loosmoore nói thêm.

    0 nha may bot mi
    Nhà máy bột mì Sturminster Newton Mill tọa lạc trên sông Stour ở Anh. Ảnh: CNN.

    Để cho ra 30 kg bột mì, nhà máy phải mất 1 ngày xay xát. Cho đến nay, nhóm các nhà máy xay xát tình nguyện đã giao hơn 200 túi bột mì 1,5 kg cho các cửa hàng và tiệm bánh địa phương, theo CNN.

    Ông Loosmore hy vọng việc này sẽ giúp đỡ các cửa hàng thực phẩm địa phương. “Nhìn chung, mọi người rất hài lòng”.

    Có tài liệu cho thấy nhà máy đã tồn tại từ năm 1016, trước cuộc xâm lược của người Norman. Nó được xây dựng vào năm 1556, vài năm trước khi Nữ hoàng Elizabeth I lên ngôi. Nó được nâng cấp vào năm 1904.

    Người tiêu dùng Anh đã trải qua tình trạng thiếu bột mì trên kệ hàng siêu thị. Khi nước này thực hiện các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, người dân đã ở nhà làm bánh nhiều hơn.

    Trung bình 27,4 triệu hộ gia đình Anh khoảng 3 tháng mua 1 túi bột mì, theo số liệu mới nhất của Hiệp hội các Nhà máy xay xát Anh và Ailen (NABIM).

    Dù Vương quốc Anh có thể tự cung tự cấp bột mì và sản xuất khoảng 100.000 tấn mỗi tuần, song họ vẫn khó đóng được thành các túi nhỏ.

    Ngành công nghiệp này đang hoạt động hết công suất, đóng gói 3,5 đến 4 triệu bao bột mì mỗi tuần để đáp ứng nhu cầu.

    Zing (theo BBC)

  • Giám đốc cơ quan kiểm soát dịch bệnh EU nói đà tăng ca nCoV tại Anh chưa thay đổi đáng kể, trái ngược tuyên bố của Thủ tướng Anh Johnson.

    "Bulgaria vẫn báo cáo số ca nhiễm và tử vong mới tăng liên tục, trong khi Anh, Ba Lan, Romania và Thụy Điển chưa ghi nhận thay đổi đáng kể trong 14 ngày qua", giám đốc Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch Bệnh châu Âu (ECDC) Andrea Ammon hôm qua cho biết.

    anh da qua dinh chua
    Giám đốc Ammon trong cuộc họp tại trụ sở ECDC hồi tháng 4. Ảnh: EP.

    Phát biểu trái ngược với tuyên bố của giới chức Anh, khi khủ tướng Boris Johnson tuần trước khẳng định nước này đã vượt qua đỉnh dịch Covid-19 và số ca nhiễm, tử vong "đang đi xuống".

    Anh hiện là vùng dịch lớn thứ ba toàn cầu với 190.584 ca nhiễm, cũng là nước có số người chết cao thứ hai châu Âu và thứ ba thế giới với 28.734 người chết.

    Đánh giá của ECDC tương đồng với dữ liệu về số ca tử vong được công bố bởi EuroMOMO, dự án giám sát số người chết tại 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) cùng Anh, Na Uy và Liechtenstein.

    Giám đốc Ammon cũng nhận định đợt lây lan nCoV đầu tiên ở châu Âu đã vượt đỉnh khi số lượng ca nhiễm mới đang giảm dần.

    Thực tế thì ngày hôm qua 4/5, trong vòng 24h nước Anh ghi nhận thêm 288 ca tử vong, trong đó có 229 ca tử vong trong bệnh viện. Đây là con số thấp nhất trong suốt 5 tuần qua.

    Lệnh phong tỏa ở Anh đã kéo dài hơn một tháng. London dự kiến đánh giá công tác chống dịch vào ngày 7/5, trong khi lộ trình nới các hạn chế sẽ được công bố vào tuần sau trong bối cảnh nhiều người lo ngại về tác động kinh tế của các biện pháp cách biệt cộng đồng.

    Covid-19 đã xuất hiện tại 212 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến hơn 3,6 triệu người nhiễm bệnh và gần 252.000 người tử vong, trong đó Mỹ và châu Âu là những vùng dịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

    Theo Reuters

  • Người dân Anh và châu Âu đang được khuyến khích ăn nhiều bít tết, khoai tây chiên và phô mai để cứu vãn tình trạng dư thừa thực phẩm do các nhà hàng và quán bar phải đóng cửa.

    Mặc dù người dân đổ xô mua sắm tích trữ trong cơn hoảng loạn tại các siêu thị trên khắp châu Âu vào tháng 3, các nhà sản xuất thực phẩm giờ đây đang kêu gọi khách hàng tiếp tục tích trữ.

    Tại Bỉ, hiệp hội thương mại ngành khoai tây đang kêu gọi mọi người tiêu thụ thêm nhiều khoai tây chiên nổi tiếng thế giới của quốc gia này, vì sản phẩm này đang dư thừa do tác động của COVID-19.

    Được biết đến là nơi bắt nguồn của món khoai tây chiên, 5.000 cửa hàng bán khoai chiên của Bỉ đều phải đóng cửa.

    "Theo truyền thống, người Bỉ ăn khoai tây chiên mỗi tuần một lần và đó luôn là một khoảnh khắc lễ hội", Romain Cools, tổng thư ký của tập đoàn công nghiệp Belgapom nói.

    "Giờ đây, chúng tôi đang kêu gọi họ ăn khoai tây chiên đông lạnh hai lần một tuần tại nhà."

    Nhu cầu về khoai tây đông lạnh đã giảm mạnh trong những tuần gần đây, và ngành công nghiệp này của Bỉ phải đối mặt với khả năng mất đi 125 triệu euro (111 triệu bảng) nếu hàng ngàn tấn khoai dư thừa không được bán trong năm nay, theo ông Cools.

    Ông nói thêm: "Đây là lần đầu tiên trong sự nghiệp 30 năm của tôi, tôi phải kêu gọi chính quyền giúp đỡ."

    Ở Anh, những loại thịt cắt miếng đắt tiền, thường được các nhà hàng sử dụng, cũng đang trong tình trạng không thể bán được.

    skynews coronavirus steak chips 4981817

    Người dân Anh đang được khuyến khích ăn thêm bít tết, trong đó Ủy ban Phát triển Nông nghiệp và Trồng trọt  vừa phát động chiến dịch trị giá 1,2 triệu bảng để thúc đẩy ý tưởng này.

    Hợp tác với Quality Meat Scotland (QMS) và Hybu Cig Cymru (HCC) của Wales, chiến dịch kéo dài 12 tuần này sẽ truyền cảm hứng cho người tiêu dùng nấu nướng với thịt bò.

    Chiến dịch bao gồm các video dạy nấu món ăn, mẹo nấu ăn và quảng bá từ những người nổi tiếng.

    Các tổ chức cho biết trong một tuyên bố chung: "Đây là nỗ lực chung của AHDB, QMS và HCC mà chúng tôi hy vọng sẽ giúp thúc đẩy doanh số bán bít tết và dẻ sườn trong khi mùa BBQ đang đến gần. Đây là cơ hội tuyệt vời cho mọi người tham gia và tạo ra những món ăn tuyệt vời trong căn bếp của mình. "

    Trong khi đó, người dân ở Pháp đang được khuyến khích ăn nhiều phô mai hơn vì doanh số bán phô mai truyền thống đã giảm hơn 60% trong đại dịch.

    Các nhà sản xuất phô mai đang gặp khó khăn khi người Pháp đã "xa lánh" các loại thực phẩm ăn chơi, chẳng hạn như đĩa phô mai thập cẩm.

    Cuộc khủng hoảng đã thúc đẩy cho một chiến dịch có tên #Fromagissons, rút gọn của các từ "Fromage" và "Agissons", được dịch là "Hãy hành động vì phô mai".

    Không gian để lưu trữ thực phẩm dư thừa cũng đang thiếu hụt.

    Nhà cung cấp kho lạnh lớn nhất thế giới cho biết các kho của Anh có thể sắp hết chỗ do các công ty cung cấp thực phẩm nhà hàng và nhà cung cấp thực phẩm lớn khác đều phải đóng cửa.

    Mike McClendon, chủ tịch hoạt động quốc tế của Lineage Logistics, cho biết 15 cơ sở tại Anh đã đầy hơn 90%.

    Ông nói: "Trong ba đến năm tuần, khối lượng đồ đông lạnh và ướp lạnh tại các cơ sở của chúng tôi sẽ quá tải.”

    VietHome (Theo Sky News)
  • Nhiều cửa hàng không thiết yếu tại Anh đã phải tìm mọi cách để có thể tồn tại khi đại dịch Covid-19 đã thay đổi căn bản cuộc sống của người dân.

    Các con phố sầm uất tại Anh giờ yên ắng đến đáng sợ, nhiều cửa hàng không thiết yếu đã buộc phải đóng cửa và hàng nghìn lao động phải tạm nghỉ việc.

    Trong số này, có những cửa hàng sẽ không bao giờ mở cửa trở lại trong khi vẫn có nhiều cửa hàng tìm cách thích nghi với cuộc sống trong đại dịch khi vừa phải tuân thủ giãn cách xã hội vừa tìm cách lôi kéo những khách hàng còn ngần ngại vì lo sợ mắc Covid-19 đến với cửa hàng của mình.

    Tờ Observer đã có cuộc trao đổi với 3 chủ cửa hàng trên các con phố chính ở Anh để xem họ đã phải trải qua những khó khăn gì trong thời gian qua và những kỳ vọng của họ trong tương lai khi dịch Covid-19 bị đẩy lùi.

    0 cua hang thiet yeu xoay so 1
    Thợ cắt tóc Anne Murray và cửa hàng trên phố của cô. Ảnh: Observer

    Thợ cắt tóc

    Thợ cắt tóc Anne Murray cho biết, cô rất nhớ thời điểm bận rộn phục vụ khách hàng trước đây trên cửa hàng Mint ở High Street và những câu chuyện phiếm mà họ chia sẻ với cô trong khi cắt tóc: “Khách hàng của tôi rất cởi mở. Chúng tôi như là những “cố vấn thứ 2” cho mọi vấn đề mà họ gặp phải”.

    Cửa hàng cắt tóc Mint của cô đã phải đóng cửa kể từ khi lệnh phong toả được Chính phủ Anh công bố hồi cuối tháng 3. Cô đã phải cho nghỉ việc một thợ cắt tóc khác mà cô đã thuê và dự định dùng số tiền 10.000 bảng mà mình dành dụm được để trang trải mọi chi phí trong thời gian tới.

    Tuy nhiên, Anne Murray lo ngại, cô có thể là một trong những người còn mở cửa hàng cuối cùng còn đủ khả năng mở cửa trở lại cửa hàng khi thời hạn giãn cách xã hội kết thúc dự kiến vào cuối năm nay.

    “Khi cắt tóc cho khách, rất ít khi chúng tôi nhìn thẳng vào nhau, nhưng việc tiếp xúc quá gần giữa thợ cắt tóc và khách khiến chúng tôi không thể duy trì được khoảng cách giãn cách tối thiểu 2m”, cô Anne Murray chia sẻ.

    Anne Murray cho biết, cô đang cân nhắc mặc đồ bảo hộ y tế nếu những bộ đồ này được bán cho người lao động: “Tôi chắc chắn sẽ làm như vậy để bảo vệ khách hàng cũng như chính bản thân mình. Tuy nhiên, nghề cắt tóc là công việc khá riêng tư và mặc như vậy nhìn khá kỳ quặc”.

    Dù vậy, việc phải đóng cửa quá lâu cũng khiến cửa hàng của cô đối mặt với rất nhiều rủi ro: “Tôi không nghĩ có cửa hàng nào có thể tồn tại lâu như vậy. Tôi rất buồn và lo lắng. Cửa hàng là nguồn thu nhập chính cho cả gia đình”, cô Anne Murray chia sẻ.

    Thỉnh thoảng Anne Murray vẫn dạo qua khu vực có cửa hàng của mình và tự hỏi, mọi chuyện sẽ như thế nào khi đại dịch Covid-19 qua đi: “Không khí yên ắng đến đáng sợ, tôi đi qua một dãy cửa hàng đóng cửa và không thể không nghĩ về việc cửa hàng nào có thể tồn tại tiếp”.

    Nhân viên nhà hàng

    0 cua hang thiet yeu xoay so 1
    Brett Cahill-Moreno (trái) và Al Bramley tại nhà hàng Mexico của hai người. Ảnh: Observer

    Al Bramley luôn sẵn sàng trực nghe điện thoại đặt hàng đồ ăn mang đi tại cửa hàng đồ ăn Mexico mà ông mở cùng đồng nghiệp Brett Cahill-Moreno hồi tháng 9/2019.

    “Mọi người thường tự nấu ăn đầu tuần và sau đó gọi món ăn từ nhà hàng vào dịp cuối tuần. Có rất nhiều các buổi tiệc online qua ứng dụng Zoom và mọi người thường mua đồ về ăn trong dịp đó”, ông Al Bramley chia sẻ nhanh khi chờ 2 đầu bếp chuẩn bị đồ ăn cho khách.

    Trước khi có lệnh phong toả, cửa hàng của ông chật kín khách vào buổi trưa. Giờ thì bàn ghế chất đống trong góc tường. Bramley và Cahill-Moreno đã đóng cửa hàng được 2 tuần và cho cả 10 nhân viên nghỉ việc cho đến cuối tháng trước, họ lại thuê trở lại 2 đầu bếp và 2 nhân viên lễ tân phục vụ khách đặt đồ ăn mang đi. “Chúng tôi phải thích nghi với mọi sự thay đổi”, ông Bramley nói.

    Cuối tuần trước, họ nhận được 140 đơn đặt hàng và dự định sẽ mở rộng việc kinh doanh. Họ thậm chí đã khai trương một ứng dụng nhằm giúp khách hàng dễ dàng đặt đồ hơn. “Chúng tôi đưa ứng dụng lên mạng khoảng 1 tuần trước và đã có 650 lượt tải ứng dụng này”, ông Bramley nói.

    Dù đã rất nỗ lực, doanh thu của họ vẫn bị giảm một nửa so với trước đây và họ chỉ có thể duy trì nhà hàng nếu tiền thuê mặt bằng giảm trong dài hạn. “Chúng tôi sẽ phải đàm phán với bên cho thuê mặt bằng về việc này. Chúng tôi chưa nói gì với họ nhưng việc này chắc chắn sẽ phải xảy ra”, ông Bramley nói.

    Cũng theo ông Bramley, ông cũng đã nghĩ rất nhiều cách để bố trí các bàn cách nhau ít nhất 2m để đảm bảo giãn cách xã hội: “Chúng tôi có thể kê khoảng 25 bàn trong nhà và nếu trời nắng, chúng tôi có thể kê 30 bàn bên ngoài. Nếu tiền thuê mặt bằng được giảm, chúng tôi sẽ tồn tại được”.

    Nhân viên môi giới nhà đất

    0 cua hang thiet yeu xoay so 1
    Nhân viên môi giới nhà đất Jake Shropshire. Ảnh: Observer

    Lần cuối cùng nhân viên môi giới nhà đất Jake Shropshire có mặt tại văn phòng Jonathan Hunt là vào tháng 3. “Tôi vẫn kịp đến lấy điện thoại và máy tính”, ông Shropshire chia sẻ.

    Kể từ thời điểm đó, việc mua bán nhà đất dường như đình lại hoàn toàn. “Không ai còn màng đến việc xem đất đai nữa. Mọi thứ dừng lại hết”, ông Shropshire cho biết và nói thêm ông đang tìm mọi cách để duy trì doanh số bán nhà.

    “Chúng tôi cố gắng hết sức có thể, nhưng hơn 60% số luật sư chúng tôi từng thương thảo công việc giờ đã phải nghỉ làm. Thách thức giờ là rất lớn”. Trong khi đó, nhiều người mua nhà giờ cũng bị kẹt vì không thể bán nhà và điều này khiến cho công việc của ông Shropshire càng thêm khó khăn.

    Dù vậy, vẫn có một vài người tìm cách mua nhà trong thời gian này. Ông Shropshire chuẩn bị bàn giao chìa khoá cho một số người tìm mua nhà vào cuối tuần qua. “Chúng tôi không hề gặp nhau, sẽ không có chuyện lây nhiễm bệnh. Tôi đến đó đặt chìa khoá ngoài cửa, bấm chuông gọi họ ra và rời đi ngay”, ông Shropshire nói.

    Dù có thể tồn tại đến khi lệnh phong toả được dỡ bỏ, ông Shropshire vẫn không khỏi lo lắng về việc mở cửa trở lại văn phòng của mình. Các nhân viên vẫn sẽ nhận lương nhưng phải mất khá nhiều thời gian thị trường bất động sản mới sôi động trở lại. “Bất động sản sẽ không thể sôi động ngay lập tức, phải mất ít nhất 23 tháng để tiền lại đổ vào thị trường này. Khoảng thời gian trước đó sẽ rất cam go”, ông Shropshire nhận định./.

    VOV (theo Guardian)

  • Chính phủ Pháp ngày 3/5 cho biết, sẽ miễn cách ly đối với công dân nhập cảnh từ EU, Schengen và Anh.

    Trước đó, ngày 2/5, Chính phủ Pháp đã tuyên bố sẽ mở rộng tình trạng khẩn cấp quốc gia đối với dịch Covid-19 ít nhất là đến hết ngày 24/7 tới và bất kỳ ai nhập cảnh vào Pháp sẽ phải cách ly trong hai tuần.

    Tuy nhiên, một ngày sau đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố việc kiểm dịch và cách ly sẽ không được áp dụng cho các đối tượng đến từ Liên minh châu Âu, khu vực Schengen hoặc Anh, bất kể mang quốc tịch nào. Đối với các công dân nhập cảnh Pháp ngoài các khu vực trên phải áp dụng biện pháp kiểm dịch và cách ly ít nhất trong 14 ngày.

    0 phap mien cach ly 1
    Du khách nước ngoài tại Paris, Pháp. Ảnh: AFP

    Tính đến hết ngày 3/5, số ca tử vong vì dịch Covid-19 tại Pháp đã sắp vượt mốc 25.000 người. Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến khó lường, Chính phủ Pháp không loại trừ khả năng sẽ tạm hoãn hoặc tính toán lại kế hoạch nới lỏng phong tỏa dự tính bắt đầu từ ngày 11/5.

    Trong thông cáo ngày 3/5, Bộ Y tế Pháp cho biết, trong vòng 24 giờ, nước Pháp ghi nhận thêm 135 ca tử vong vì dịch Covid-19. Trong vài ngày qua, số ca tử vong đã giảm trông thấy, bên cạnh số lượng bệnh nhân cấp cứu và được điều trị trong bệnh viện tiếp tục xu hướng giảm từ nhiều tuần qua.

    Tổng số ca tử vong vì dịch Covid-19 trên toàn nước Pháp đã là 24.895. Với tình hình hiện nay, con số này rất có thể sẽ vượt mốc 25 nghìn trong ngày 4/5. Kể từ đầu mùa dịch, Pháp chính thức xác định hơn 131 nghìn ca dương tính với vi rút Sars-CoV-2 thông qua xét nghiệm.

    Mặc dù có xu hướng khả quan so với đầu mùa dịch nhưng tình hình dịch bệnh tại Pháp vẫn còn rất phức tạp. Trong một vài ngày gần đây, mặc dù tổng số bệnh nhân nhiễm Sars-Cov-2 trong bệnh viện liên tục giảm nhưng tốc độ giảm đang chậm dần lại. Ngày 3/5, con số này chỉ giảm 12 người so với 24 giờ trước. Nguyên nhân chính là do số ca nhiễm bệnh và nhập viện mới có xu hướng tăng trở lại.

    Trong ngày 3/5, người phát ngôn của Chính phủ Pháp, bà Sibeth Ndiaye khẳng định, tỉ lệ lây nhiễm vi rút Sars-CoV-2 đang có dấu hiệu tăng trở lại, mặc dù rất chậm. Theo bà Sibeth Ndiaye, nguyên nhân của tình trạng này là trong một vài ngày gần đây, người dân Pháp đã ra đường nhiều hơn, đồng nghĩa với việc tăng tiếp xúc và vi phạm các quy định phong tỏa nhiều hơn.

    Bộ Y tế Pháp tái khẳng định, thời điểm dự kiến dỡ bỏ phong tỏa toàn quốc vào ngày 11/5 có thể sẽ được xem xét lại nếu các ca bệnh mới tiếp tục tăng lên.

    Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Chính phủ Pháp dự kiến sẽ tổ chức lại các cuộc bầu cử địa phương vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10. Cuộc bầu cử địa phương vòng 1 tại Pháp đã diễn ra vào ngày 15/3, giữa tâm bão dịch Covid-19. Kết thúc vòng 1, khoảng 30 nghìn địa phương đã bầu được Thị trưởng và đầy đủ số thành viên trong Hội đồng địa phương. Đối với các địa phương này, lãnh đạo mới dự kiến sẽ nhận nhiệm vụ vào đầu tháng 6 tới.

    Trong khi đó, khoảng 4.800 địa phương còn lại, sẽ phải tổ chức bầu cử vòng 2. Cuộc bầu của địa phương vòng 2 vốn được dự định tổ chức vào ngày 22/3/2020 nhưng đã phải lùi lại, dự kiến là ngày 21/6. Về lý thuyết, Chính phủ Pháp vẫn đang chờ ý kiến của Hội đồng khoa học để biết liệu vòng 2 có thể được tổ chức đúng ngày 21/6 hay không.

    Tuy nhiên, xét trên thực tế tình hình dịch bệnh, khả năng Hội đồng khoa học phản đối thời điểm 21/6 là rất lớn. Vì vậy, Chính phủ Pháp quyết định xây dựng dự luật tổ chức lại các cuộc bầu cử này.

    Theo Bộ trưởng Nội vụ Pháp, ông Christophe Castaner, nếu phải lùi thời hạn tổ chức vòng 2 thì nước Pháp có thể phải tổ chức lại cả vòng 1 cuộc bầu cử tại 4.800 địa phương này. Dự luật của Chính phủ sẽ được đưa ra thảo luận tại Quốc hội vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8.

    Thời điểm dự kiến tổ chức lại vòng 1 là ngày 27/9, vòng 2 sau đó 1 tuần, tức ngày 4/10/2020./.

    Theo VOV Paris

  • Hầu hết các nước đều chọn giải pháp dỡ bỏ dần các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội để đưa cuộc sống trở lại 'bình thường mới'.

    0 cuoc song hau covid 1
    Cảnh nhộn nhịp đã trở lại ở Broadway Market, thủ đô London (Anh) ngày 3-5 - Ảnh: REUTERS

    Sau nhiều tuần áp dụng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn ngừa dịch COVID-19 lây lan, một số nước châu Âu đã bắt đầu nới lỏng phong tỏa từ ngày hôm nay 4-5. Hầu hết các nước đều bắt buộc đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

    Châu Âu chấp nhận "bình thường mới"

    Nhiều nước châu Âu đã phải chấp nhận trở lại cuộc sống sau phong tỏa trong tình trạng "bình thường mới", tức có nghĩa tiếp tục giãn cách xã hội, đeo khẩu trang ở nhiều điểm theo quy định...

    Tại Bỉ, các doanh nghiệp đóng cửa thời gian qua chuẩn bị đón nhân viên trở lại làm việc từ ngày hôm nay 4-5. Khẩu trang trở thành bắt buộc trong giao thông công cộng đối với người trên 12 tuổi. Các hoạt động thể thao ở ngoài trời như tennis, golf hoặc chèo thuyền kayak được phép nối lại. 

    Hầu hết các doanh nghiệp sẽ mở cửa trở lại từ ngày 11-5, với điều kiện đảm bảo cách ly xã hội. Một số lớp học sẽ đón học sinh vào ngày 18-5, với tối đa 10 người mỗi lớp. Các nhà hàng chỉ được mở cửa trở lại sớm nhất là ngày từ 8-6.

    Kể từ ngày 2-5, người dân Tây Ban Nha bắt đầu được phép đi dạo hoặc chơi thể thao bên ngoài. Mặc dù lệnh phong tỏa được thông báo sẽ kéo dài tới ngày 9-5, nhưng Thủ tướng Pedro Sanchez đã công bố kế hoạch bắt đầu nới lỏng từng bước các biện pháp hạn chế theo 4 giai đoạn và dự kiến kết thúc vào cuối tháng 6.

    Tây Ban Nha từng thực hiện một trong những lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất trên thế giới kể từ ngày 14-3 để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, theo đó người lớn chỉ được phép ra khỏi nhà để mua lương thực, thuốc men hoặc dắt chó đi dạo.

    Tại Ý, người dân có thể đi thăm gia đình và gặp gỡ người thân với số lượng hạn chế. Các công viên sẽ mở cửa trở lại nhưng vẫn duy trì các biện pháp giãn cách xã hội. Lĩnh vực sản xuất, xây dựng và phân phối cho đại lý được phép hoạt động từ ngày 4-5. 

    Các quán bar, nhà hàng và các cơ sở thẩm mỹ chỉ được bán cho khách hàng mang về, việc mở lại hoàn toàn phải đợi tới ngày 1-6. Vào ngày 18-5, tất cả các doanh nghiệp bán lẻ, bảo tàng, địa điểm văn hóa và thư viện có thể mở cửa trở lại.

    Bộ Giáo dục Ý thông báo đóng cửa các trường học phổ thông đến tháng 9, nhưng đang lên kế hoạch mở cửa trở lại các trường mầm non và tổ chức học hè với quy mô nhỏ để trẻ em vui chơi sau 2 tháng thực hiện lệnh cách ly nghiêm ngặt.

    Việc đóng cửa các trường phổ thông đến hết niên học từng gây tranh cãi tại Ý, do nhiều ý kiến cho rằng biện pháp này gây ảnh hưởng quá nhiều đối với những phụ nữ làm công ăn lương và trẻ em.

    Tuy nhiên, một phần của lý do tiếp tục đóng cửa các trường học là nguy cơ nhiễm bệnh đối với giáo viên cao tuổi. Theo thống kê, giáo viên tại Ý có tuổi trung bình cao nhất trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế, với gần 60% giáo viên trên 50 tuổi.

    Dù từng là một hiện tượng lây nhiễm nhanh chóng chỉ sau Trung Quốc nhưng Hàn Quốc đã kịp thời kiểm soát các ổ dịch và đang hướng đến dỡ bỏ giãn cách xã hội, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

    Hàn Quốc dự tính từ ngày 6-5

    Quốc gia Đông Bắc Á hiện đang trong kỳ lễ bốn ngày Phật đản và Ngày lễ lao động. Cơ quan chức năng nước này tính toán rằng nếu số lượng ca nhiễm mới sau kỳ nghỉ lễ tiếp tục duy trì ở trạng thái hiện nay, Hàn Quốc sẽ dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội vào ngày 6-5 tới. Tuy nhiên, giới chức y tế Hàn Quốc cũng cảnh báo về nguy cơ có thêm đợt lây nhiễm mới vào cuối năm nay.

    Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) tính đến 16h ngày 3-5 cho thấy số ca nhiễm COVID-19 ở Hàn Quốc đã lên 10.793 người (tăng 13 ca, chủ yếu là "ngoại nhập"). Số ca tử vong vẫn là 250 ca, trong đó hơn 50% là bệnh nhân trên 80 tuổi và có ít nhất một bệnh nền từ trước. 

    Số bệnh nhân được điều trị khỏi hoàn toàn tăng thêm 60 người, nâng tổng số bệnh nhân hồi phục lên 9.183 người, chiếm 85,1%. Số ca nhiễm bệnh từ nước ngoài nhập cảnh đã vượt 1.000 người, trong đó 91% là công dân Hàn Quốc.

    Tính đến thời điểm này, Hàn Quốc đã tiến hành xét nghiệm virus corona cho trên 600.000 người và hiện vẫn còn hơn 8.000 người đang chờ kết quả. Theo KCDC, xu hướng lây nhiễm tập thể chiếm trên 80% tổng số ca nhiễm ở Hàn Quốc tính đến thời điểm hiện tại và chưa có ca tử vong nào ở độ tuổi dưới 30.

    0 cuoc song hau covid 1
    Trẻ em Hàn Quốc vui đùa ở khu thương mại Gimpo ngày 1-5 - Ảnh: Reuters

    Nhật mở lại một số điểm công cộng

    Theo Hãng thông tấn Kyodo, Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết chính quyền sẽ cho phép mở cửa trở lại các công viên, bảo tàng, thư viện và một số cơ sở công cộng tại thủ đô Tokyo, các TP Osaka, Kyoto, Hokkaido, Fukuoka và 8 tỉnh khác. Các cơ sở này sẽ phải tuân thủ đầy đủ những biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

    Chính quyền của Thủ tướng Abe Shinzo cũng sẽ ban hành nhiều chỉ dẫn về cách thức nối lại các hoạt động xã hội vào ngày 4-5 khi công bố quyết định kéo dài (có thể thêm khoảng 1 tháng) thời hạn áp đặt lệnh trình trạng khẩn cấp hiện hành sẽ kết thúc vào ngày 6-5.

    Tại cuộc họp báo ngày 3-4, Bộ trưởng Nishimura cũng khẳng định chính quyền đã chuẩn bị 1.000 tỉ yen (9,3 tỉ USD) thông qua Quỹ đầu tư tiếp sức kinh tế khu vực để tài trợ cho tất cả các doanh nghiệp không thuộc thành thị đang gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. 

    "Nếu cần, chúng tôi nghĩ có thể tăng số tiền lên thêm nữa" - Bộ trưởng Nishimura cam kết. Theo đó, số tiền này sẽ được dùng cho các doanh nghiệp trả lương cho nhân công không làm việc trong những ngày đất nước bị phong tỏa.

    Singapore tiến tới nới lỏng

    Bộ trưởng Y tế Singapore Gan Kim Yong cho biết nước này sắp bắt đầu nới lỏng lần lượt một số hạn chế từng được áp đặt nhằm bẻ gãy chuỗi lây lan của dịch COVID-19. Một số hoạt động như kinh doanh tại nhà, dịch vụ giặt ủi và cắt tóc sẽ được phép mở cửa trở lại từ ngày 12-5. 

    Học sinh sẽ quay lại trường học theo nhóm nhỏ từ ngày 19-5. Một số cơ sở làm việc sẽ dần nối lại hoạt động tùy theo tầm quan trọng của những cơ sở này đối với nền kinh tế, chuỗi cung ứng và khả năng giảm thiểu rủi ro truyền nhiễm.

    Đảo quốc 5,7 triệu dân này là một trong những nước có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất ở châu Á, chủ yếu do bùng phát dịch bệnh tại các khu nhà ở tập thể chật hẹp dành cho người lao động di cư. 

    Báo cáo của Bộ Y tế Singapore chiều 3-5 cho thấy trong ngày 2-5, nước này ghi nhận thêm 657 ca mới, đưa tổng số bệnh nhân của dịch bệnh này tại đây lên 18.205 người. Đáng chú ý là số ca tử vong ở đây vẫn giữ là 17 và số ca nguy kịch chỉ là 24.

    Dân Malaysia không đồng tình

    Theo báo The Straits Times, trong sáng 2-5 đã có ít nhất 340.000 người dân Malaysia ký vào kiến nghị thư trên mạng yêu cầu chính quyền không được phép nới lỏng phong tỏa từ ngày 4-5.

    Vào ngày 1-5, Thủ tướng Muhyiddin Yassin đã thông báo sẽ cho phép nhiều doanh nghiệp khôi phục hoạt động từ ngày 4-5, nới lỏng một phần những hạn chế được áp đặt nhằm kiềm chế dịch COVID-19. Thủ tướng Yassin nêu rõ quyết định có dựa trên khuyến cáo của Bộ Y tế Malaysia và Tổ chức Y tế thế giới.

    Theo ông Yassin, một số biện pháp bao gồm đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội và duy trì vệ sinh dịch tễ vẫn được duy trì nghiêm ngặt. Các hoạt động thể thao có không quá 10 người tham gia như chạy, cầu lông và đạp xe được phép diễn ra; các hàng ăn có thể mở cửa lại nhưng phải tuân thủ giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Malaysia vẫn chưa mở cửa lại biên giới, dịch vụ du lịch nước ngoài cũng chưa được hoạt động trở lại.

    Theo Tuổi Trẻ

  • Các bộ trưởng Anh đã được cơ quan tình báo cảnh báo việc Trung Quốc che giấu quy mô Covid-19 ngay từ đầu, một cựu quan chức tình báo cho hay. 

    Nội các Anh đã được cảnh báo rằng "không nên tin vào những tuyên bố của Bắc Kinh" ngay từ đầu cuộc khủng hoảng và nên hoài nghi các thông tin mà Trung Quốc đưa ra, một cựu quan chức cấp cao của cơ quan tình báo Anh MI6 tiết lộ vào tối 3/5.

    "Cộng đồng tình báo biết những gì đang thực sự diễn ra ở Trung Quốc và chuyển thông tin cho các bộ trưởng Anh", người này cho hay. "Việc nghĩ rằng Anh sẽ tin ngay các số liệu của Trung Quốc công bố là hoàn toàn vô lý. Nếu người Trung Quốc nói dối, vai trò của cộng đồng tình báo là phải biết con số thực sự bị che giấu là gì".

    "Chúng tôi không tin những con số từ phía Trung Quốc. Chính phủ đã nhận thức đầy đủ về quy mô thực sự của Covid-19 ở Trung Quốc vào thời điểm đó", một nguồn tin khác nói thêm. 

    0 trung quoc che giau covid
    Một y tá cầm kit xét nghiệm nCoV tại bệnh viện Edinburgh, Anh. Ảnh: Guardian

    Những nghiên cứu mới nhất cũng cho rằng số người nhiễm nCoV thực sự ở Trung Quốc trong đợt bùng phát dịch đầu tiên hồi giữa tháng hai là gần 250.000, gấp 4 lần so với báo cáo chính thức của Bắc Kinh. Trung Quốc sau đó đã chỉnh sửa số ca tử vong thêm 50%.

    Phố Downing đã tiếp tục sử dụng các số liệu chính thức của Trung Quốc trong các biểu đồ so sánh quy mô của dịch bệnh, nhưng cách đây hơn một tuần đã loại bỏ nước này khỏi bảng biểu vì lo ngại dữ liệu không chính xác.  

    Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hai lần nhận được những thông tin tình báo về Covid-19 ở Trung Quốc hồi tháng một, theo một quan chức Nhà Trắng. Ngày 28/1, ông được thông báo rằng "Trung Quốc đang che giấu dữ liệu". 5 ngày trước đó, Trump được cảnh báo rằng nCoV có khả năng "lây lan toàn cầu".  

    Thủ tướng Anh Boris Johnson được cho là cũng nhận được những thông tin tương tự. Tuy nhiên, ông bị cáo buộc không hành động quyết đoán với dịch bệnh, không tham dự 5 cuộc họp khẩn cấp với nội các khi Covid-19 bùng phát và sau đó buộc phải đưa ra lệnh phong tỏa.  

    Anh ban bố phong tỏa hôm 23/3, hai tuần sau Italy và một tuần sau Pháp và Tây Ban Nha. Khi Italy áp phong tỏa hôm 9/3, Anh đã ghi nhận 5 ca tử vong vì Covid-19. 

    Dominic Grieve, chủ tịch Ủy ban Tình báo Anh (ISC), cho rằng cần điều tra những gì cơ quan tình báo đã thu thập được về đại dịch ở Trung Quốc và thông tin được truyền đạt cho các quan chức cấp cao trong những tuần trước khi dịch bệnh tấn công nước Anh. 

    nCoV là chủ đề gây tranh cãi giữa Trung Quốc và nhiều nước khác. Tờ Saturday Telegraph của Australia ngày 2/5 công bố tài liệu 15 trang mà họ thu thập được từ liên minh tình báo Ngũ Nhãn (Five Eyes), trong đó cáo buộc Trung Quốc cố tình "làm chìm xuồng hoặc hủy hoại" bằng chứng về Covid-19, đại dịch đã khiến gần 250.000 người trên thế giới tử vong.  

    Tài liệu này cho rằng chính phủ Trung Quốc che đậy thông tin về virus bằng cách bác bỏ khả năng lây từ người sang người của nCoV, "bịt miệng" các bác sĩ cảnh báo sớm, xóa bằng chứng trong phòng thí nghiệm và không chịu cung cấp mẫu sinh phẩm cho các nhà khoa học quốc tế nghiên cứu vaccine. Họ cho rằng hành động này của Bắc Kinh "gây nguy hiểm cho các nước khác" và không khác gì "đòn công kích vào sự minh bạch quốc tế".  

    Tổng thống Trump hôm 30/4 tuyên bố đã thấy bằng chứng virus có nguồn gốc từ Viện Virus học Vũ Hán, song không nêu chi tiết. Trung Quốc bác bỏ mọi giả thuyết về việc nCoV lọt ra từ phòng thí nghiệm, đồng thời hối thúc các nước không "chính trị hóa" virus và để việc tìm hiểu nguồn gốc Covid-19 cho giới khoa học.  

    Trong một thông cáo, sứ quán Trung Quốc tại Anh nhắc lại lời khẳng định của người đứng đầu Viện Virus học Vũ Hán, cho hay cơ quan này áp dụng những quy tắc quản lý rất chặt chẽ và không ghi nhận ca lây nhiễm nội bộ nào.

    "Không có bằng chứng nào cho thấy nCoV xuất phát từ phòng thí nghiệm. Việc tung tin đồn, nói xấu và bôi nhọ chỉ nhằm gây tổn hại cho tình đoàn kết quốc tế", sứ quán Trung Quốc tại Anh nói.  

    VnExpress (theo Telegraph)

  • Trong một tài liệu “Đánh giá rủi ro an ninh quốc gia” của Chính phủ Anh bị rò rỉ ra bên ngoài cho thấy các tư lệnh ngành tại nước này đã được cảnh báo rằng cần phải chuẩn bị sớm một kế hoạch cụ thể nhằm đối phó với đại dịch COVID-19, nếu không những hậu quả liên quan đến kinh tế-xã hội sẽ là khôn lường…

    0 biet truoc ve covid 1
    Giám đốc y tế Chris Whitty (phải) và Cố vấn khoa học Sir Patrick Vallance (trái) của Chính phủ Anh.

    Trong bản “Đánh giá rủi ro an ninh quốc gia” (NSRA) năm 2019 của Chính phủ Anh có chữ ký của Ngài Patrick Vallance, cố vấn khoa học của chính phủ nước này, cùng với một cố vấn an ninh quốc gia cấp cao của thủ tướng Anh được tờ The Guardian giấu tên đã ghi lại những đánh giá chi tiết liên quan đến một đại dịch cúm được đặt tên là R95-DHSC với mức độ rủi ro được đánh giá là “rất cao”.

    Những cảnh báo được đưa bao gồm thiệt hại về sinh mạng có thể lên đến hàng chục ngàn người ngay cả khi dịch bệnh chỉ “ở mức độ nhẹ”, do đó phải có một kế hoạch cụ thể nhằm đạt được những yêu cầu về năng lực phòng chống dịch bệnh để có thể giảm thiểu rủi ro cho nước Anh. Cùng với đó, tài liệu nói trên cũng nêu ra những thiệt hại tiềm tàng khác mà nước Anh có thể sẽ phải gánh chịu nếu như không có những sự chuẩn bị đúng đắn cho đại dịch cúm này (khi đó chưa có tên là COVID-19).

    Cụ thể hơn, trong những dự báo đã được đưa ra, đáng chú ý có những chi tiết như đại dịch cúm này sẽ diễn ra với tối đa ba “đợt sóng”, mỗi đợt dự kiến kéo dài 15 tuần (khoảng gần 4 tháng), đỉnh dịch sẽ xảy ra trong tuần thứ 6 và 7 của mỗi giai đoạn và khoảng 65.600 người có thể sẽ tử vong trong trường hợp đại dịch này có “độc lực vừa phải”.

    Một số dự báo đáng chú ý khác được ghi trong tài liệu này bao gồm các dịch vụ chăm sóc y tế và xã hội tại Anh nhiều khả năng sẽ phải mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm cho việc phục hồi ngay cả khi đại dịch này kết thúc và thiệt hại về mặt kinh tế của nước này có thể lên đến 2,35 nghìn tỷ Bảng Anh.

    0 biet truoc ve covid 1
    Bản “Đánh giá rủi ro an ninh quốc gia” năm 2019 của Chính phủ Anh. Ảnh: Văn phòng Nội các Anh

    Các giải pháp và khuyến nghị được các chuyên gia đưa ra gồm có việc mua tích trữ các đồ bảo vệ cá nhân (PPE) dùng cho các nhân viên y tế và nhanh chóng đạt được thỏa thuận mua các trang thiết bị y tế thiết yếu khác từ các nhà cung cấp, song song với đó là thiết lập các quy trình giám sát dịch bệnh và truy dấu những nguồn lây nhiễm.

    Bên cạnh đó, việc lên những kế hoạch bảo hộ các công dân Anh ở nước ngoài và giúp họ trở về quê hương trên những “chuyến bay giải cứu” khi cần thiết cũng được coi là ưu tiên hàng đầu.

    Các công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Anh đã được giám sát không ngừng kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát ở đảo quốc sương mù. 

    Hiện tại chính phủ Anh đang bị cáo buộc chậm trễ trong việc đưa ra những phản ứng cần thiết nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này và những áp lực đang ngày càng tăng đối với chính quyền của thủ tướng Boris Johnson trong việc đưa ra giải trình về những biện pháp đã được thực hiện trên toàn nước Anh nói chung và các địa phương nói riêng để cung cấp những sự hỗ trợ mà các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra trước đó.

    Theo Guardian

  • Các chuyên gia đứng đầu về Covid-19 ở Đức nói rằng, trẻ em đóng vai trò quan trọng trong cách phòng ngừa dịch bệnh lây lan.

    Nhiều quốc gia châu Âu đang chuẩn bị mở cửa trường học đón học sinh đi học trở lại trong các tuần tới mặc dù đi ngược lại với lời khuyên của các nhà khoa học, cảnh báo mức độ rủi ro của dịch bệnh khi trẻ nhỏ đi học trở lại.

    Theo tờ the guardian, các trường tiểu học và trường mầm non ở Đan Mạch và Na Uy đã sẵn sàng mở cửa cho học sinh đi học trở lại.

    Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đưa ra quyết định về việc trở lại trường của học sinh, trong đó các trường tiểu học và mẫu giáo sẽ bắt đầu mở cửa vào ngày 11/5.

    Học sinh sẽ đến lớp và ra khỏi lớp vào các thời điểm khác nhau, thay phiên nhằm tránh tiếp xúc vật lý gần nhằm hạn chế lây nhiễm.

    di hoc tro lai
    Ảnh minh họa. Nguồn: Guardian

    Đức đã cho mở cửa các sân chơi từ ngày 1/5 và học sinh ở độ tuổi 11-12 sẽ trở lại trường học bắt đầu tuần sau. Các lớp học sẽ chia đôi và nhóm học sẽ luân phiên đến lớp và học tại nhà.

    Các biện pháp vệ sinh trường học phải đảm bảo, trong đó học sinh đến trường phải thực hiện nghiêm túc rửa tay và quy định giãn cách trong lớp học cũng như khu vực sân chơi.

    Trong khi đó, Đức tạm hoãn các tiết học thể thao và âm nhạc ở trường bởi vì được xem là những môn học có thể gây rủi ro trong dịch bệnh. Tuy nhiên, những học sinh lớn hơn có thể tham gia các kỳ thi trong tháng trước. Các trường mầm non sẽ vẫn đóng cửa, loại trừ các trường hợp đặc biệt.

    Một tuần sau khi mở cửa lại trường học, người dân Na Uy đã bắt đầu gửi trẻ đến trường, áp dụng tối đa mỗi lớp chỉ 15 trẻ sau 1.5 tháng học trực tuyến tại nhà.

    Ở Pháp, các trường tiểu học sẽ mở cửa ở những khu vực không có rủi ro vì Covid-19 . Tất cả các sự kiện thể thao và bóng phải được cấm tuyệt đối nhằm ngăn chặn mức độ lây lan của dịch bệnh. Các lớp học chỉ tối đa là 15 học sinh và sẽ hạn chế tối đa việc tụ tập ở sân chơi cũng như hành lang trong giờ ra chơi.

    Bà Celine Prier-Cheron, một giáo viên trường tiểu học ở Eure-et-Loir nói trên truyền hình Pháp rằng: "Bằng cách nào để giải thích với trẻ mầm non phải tuân thủ nghiêm khắc quy định giãn cách xã hội trong lớp học?"

    Theo bà Celine Prier-Cheron, quy định y tế không thể áp đặt đối với trẻ nhỏ đang học ở các trường mầm non. Để phòng tránh lây nhiễm Covid-19 thì mỗi đứa trẻ phải có cách kiểm soát và tuân thủ quy định nghiêm ngặt. Tuy nhiên, điều này là không thể. Các động tác múa hát hoặc vận động trong lớp học mầm non vẫn phải bắt buộc.

    Chủ tịch Hiệp hội các giáo viên tại Đức – ông Heinz Pêtr Meidinger nói rằng, ông ủng hộ kế hoạch đưa học sinh trở lại trường luân phiên, trong đó nhấn mạnh đến biện pháp vệ sinh và xem đây là một nhiệm vụ then chốt.

    Theo tờ the guardian, mặc dù châu Âu áp dụng mở cửa trường học theo từng giai đoạn nhưng các nhà khoa học Đức vẫn nói rằng những đứa trẻ từng bị nhiễm Covid-19 vẫn có thể lây nhiễm trong trường học và cảnh báo phải hết sức thận trọng khi cho học sinh trở lại trường.

    Giới nghiên cứu cũng đưa ra các phân tích dữ liệu về những trường học lây nhiễm ở trẻ nhỏ khác chút ít so với người lớn. Trường học mở cửa đặt ra giả thuyết rằng trẻ nhỏ ít có khả năng lây virus sang các bạn được xem là một hiểu lầm cơ bản, ông Christain Drosten – chuyên gia dịch bệnh đứng đầu ở Đức nói.

    Theo nghiên cứu nhóm của ông Christain Drosten trong tuần này, việc lây nhiễm virus từ triệu chứng ho có thể lây mạnh sang người khác trong bối cảnh hơn 100 trẻ nhỏ ở Berlin đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 vào tháng Một và tháng Tư.

    Theo ông Christain Drosten, nhóm nghiên cứu đã thực hiện phân tích một số xét nghiệm ở phòng thí nghiệm Labor Berlin – một trong số các phòng thí nghiệm lớn nhất châu Âu. Vì vậy, quá trình nghiên cứu có thể thấy được các dữ liệu tương đồng và đưa ra các đánh giá về mức độ lây nhiễm của trẻ nhỏ ra cộng đồng.

    Dữ liệu ở trẻ nhỏ thường rất ít vì thiếu các xét nghiệm được tiến hành bởi vì ít có biểu hiện nếu có triệu chứng.

    " Kết quả cuối cùng nghiên cứu đã rõ như thủy tinh. Trẻ nhỏ không có mức độ virus khác nhau và phức tạp bằng người lớn nhưng khả năng lây nhiễm mạnh vẫn xảy ra", ông Drosten nói.

    Theo ông Drosten, trẻ nhỏ nhiễm Covid-19 cũng có khả năng lây lan ra cộng đồng giống với người lớn, đặc biệt nếu có tương tác xã hội mạnh mẽ. Trong trường hợp không giữ khoảng cách xã hội và có xu hướng khóc hay hát hò, các động tác cơ bản như vậy rất dễ lây lan sang các bạn khi học ở trường, thậm chí ảnh hưởng mạnh như là ho hay hắt hơi.

    Ông Lothar Wieler, người đứng đầu cơ quan kiểm soát dịch bệnh đứng đầu Đức – Viện Robert Koch cho biết, những đứa trẻ đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh bởi mức độ lây lan ra cộng đồng tương đương với người lớn.

    "Trẻ em có thể bị lây nhiễm virus và truyền sang những người khác", ông Lothar Wierler nhấn mạnh.

    Nhiều giáo viên cũng cho rằng,các quy định rõ ràng trong trường học để học sinh tuân thủ ở trường sẽ không thể khả thi, đặc biệt là trong các lớp học của trẻ nhỏ ở mầm non.

    Trí Thức Trẻ (theo Guardian)

  • Ông Boris Johnson phát biểu rằng khi các hạn chế phong tỏa được giảm bớt, việc sử dụng khẩu trang che mặt sẽ "hữu ích để “giúp mọi người tự tin quay lại làm việc".

    Hai ngày trước đó, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock nói rằng không có nhiều bằng chứng khoa học vững chắc ủng hộ lời khuyên từ chính phủ Scotland rằng mọi người nên đeo khẩu trang trong các cửa hàng và trên phương tiện giao thông công cộng.

    "Tôi thực sự nghĩ rằng việc che mặt sẽ hữu ích", Thủ tướng nói trong cuộc họp ngắn hàng ngày của chính phủ về cuộc khủng hoảng COVID-19.

    "Tôi nghĩ Sage [nhóm cố vấn khoa học của chính phủ] nói và tôi cũng chắc chắn đồng ý rằng sau khi dỡ bỏ cách ly xã hội, việc che mặt sẽ hữu ích.

    “Vừa vì lý do dịch tễ, nhưng, cũng vừa để mọi người tự tin quay trở lại làm việc.”

    download

    Lãnh đạo Scotland Nicola Sturgeon đã tuyên bố vào hôm thứ Ba 28/4 rằng mọi người nên sử dụng khẩu trang vải trong điều kiện khó duy trì khoảng cách xã hội.

    Nhưng khi được hỏi liệu đề xuất trên có khả năng được áp dụng trên toàn Vương quốc Anh hay không, ông Hancock nói rằng lập trường của chính phủ vẫn không thay đổi và không có nhiều bằng chứng khoa học chắc chắn hỗ trợ cho lời khuyên này.

    Tuyên bố mới nhất của Thủ tướng cũng mâu thuẫn với những bình luận của Giáo sư Angela McLean trong cuộc họp báo hàng ngày về coronavirus hôm thứ Ba.

    Bà nói Sage tìm thấy "không có bằng chứng rõ nét về một tác động nhỏ của khẩu trang trong việc ngăn chặn lây nhiễm từ người bệnh sang những người xung quanh".

    "Rõ ràng rằng bằng chứng khá yếu và hiệu quả cũng nhỏ, và chúng tôi đã chuyển kết quả cho các đồng nghiệp của chúng tôi trong chính phủ để đưa ra quyết định," bà nói.

    Trong khi một số người ca ngợi lời khuyên đeo khẩu trang khi đi mua sắm và trên phương tiện giao thông công cộng của Scotland, thì những người khác cho rằng quyết định này mang tính chính trị và không có cơ sở khoa học.

    Beth Rigby, biên tập viên chính trị của tờ Sky News, cho biết cả sự thay đổi lập trường của chính phủ và việc sử dụng từ "tự tin" của Thủ tướng là rất quan trọng.

    "Có một sự khác biệt lớn giữa quan điểm của thủ tướng và những gì các bộ trưởng khác đã nói," ông nói.

    "Thực tế, chỉ mới đầu tuần này, ông Matt Hancock nói chỉ có bằng chứng không rõ nét về tính hữu ích của khẩu trang, nhưng Thủ tướng hoàn toàn thay đổi quan điểm về vấn đề đó khi được hỏi.

    "Sự tự tin thực sự là một điều rất quan trọng ở đây. Chúng ta đã nói rất nhiều về việc chấm dứt phong tỏa, nhưng khi bạn nhìn vào tâm trạng của người dân, mọi người đều rất hài lòng với việc cách ly, họ cảm thấy thoải mái với điều đó, họ hiểu, và bây giờ họ cảm thấy an toàn.

    "Chính phủ phải cho mọi người tự tin để có thể bước chân ra ngoài, để bắt đầu quay lại lối sống bình thường và có lẽ khẩu trang sẽ là một phần của chiến lược đó."

    VietHome (Theo Sky News)

  • Các cơ sở thương mại ngành nail, “nền kinh tế chủ chốt” của nhiều người Việt hải ngoại được nhắc đến với nhiều câu hỏi liệu có an toàn cho chủ tiệm, nhân viên và cả khách hàng khi các tiểu bang cho “mở cửa kinh tế” hay không? Nếu “mở cửa” trở lại, các chủ tiệm cần chuẩn bị những gì để bảo vệ an toàn cho mọi người trước dịch COVID-19?

    tam chan tiem nail 1
    Một thợ nail gốc Việt đeo khẩu trang đang làm móng tay cho khách tại một tiệm nail ở Glendale, tiểu bang Arizona, Hoa Kỳ, vào hôm 3 Tháng Tư. Tiểu bang này đã “đóng cửa” từ ngày 4 Tháng Tư. (Hình: Christian Petersen/Getty Images)

    Lo thì lo, nhưng vẫn muốn đi làm

    Như bao người làm ở các tiệm nail khác trên toàn nước Mỹ, Trà Lê đã ở nhà suốt hơn một tháng vì tiệm cô làm đóng cửa theo lệnh “shut down” của tiểu bang.

    Thống đốc bang Virginia kéo dài lệnh “stay at home” và đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu đến ngày 10 Tháng Sáu. Tuy là rất buồn theo lời cô nói, nhưng cô cũng cảm thấy không an toàn nếu đi làm lại lúc này. Thêm vào đó, như rất nhiều người mẹ khác, đứa con trai nhỏ chưa vào lớp Một vẫn là quan trọng nhất đối với Trà.

    Trà nói: “Nail là việc làm đối diện trực tiếp với khách hàng ở cự ly rất gần, nên khả năng bị lây nhiễm rất cao, em cũng hoang mang lắm.”

    Ngược lại là một suy nghĩ rất tích cực, rất khả quan của Mindy, nhân viên một tiệm nail cũng ở vùng Đông Bắc.

    Khi được hỏi liệu cô có tự tin đi làm trở lại nếu lệnh bỏ cách ly và mở cửa kinh tế trong thời điểm này được thực hiện hay không? Cô thốt lên ngay: “Ở nhà mới chán mới buồn. Em muốn mở cửa liền để đi làm liền. Chủ yếu là bản thân mình tự vệ sinh sạch sẽ, khách vào mình kêu rửa tay. Em thấy vấn đề này không có gì phải gọi là bi quan hết.”

    Lý do để Mindy có suy nghĩ như vậy vì cô cho rằng “đại dịch này trăm năm mới có một lần” và nếu mỗi người giữ vệ sinh cẩn thận hơn rất nhiều lần so với thời gian trước đây thì “mọi chuyện không có gì đáng lo.’

    Cho dù có hoang mang, chưa đủ tự tin về quyết định mở cửa kinh tế trở lại trong Tháng Năm hoặc Tháng Sáu, nhưng có một yếu tố khác để cho Trà Lê cảm thấy mình được trấn an.

    Trà nói: “Nếu như ở tiệm nail họ làm tấm chắn kính, trang bị cho thợ khẩu trang, tấm che mặt, găng tay và bản thân mình có ý thức cẩn thận nhiều hơn thì em nghĩ cũng không sao.”

    Yếu tố này cũng là tấm lá chắn thứ hai giúp cho Mindy có sự tự tin lẫn lạc quan.

    Cô nói: “Bây giờ tất cả tiệm nail đã chuẩn bị các vách ngăn. Thợ phải mang cái tấm che mặt lẫn khẩu trang. Khách vào tiệm cũng phải đưa mask cho khách đeo. Khi làm tay và chân thì phải mang bao tay. Làm xong lau chùi sạch sẽ chỗ mình làm. Cũng không có gì quá lo.”

    Các chủ tiệm nail đã sẵn sàng các phương cách an toàn

    Trong khi các thợ làm nail mong muốn mau chóng quay lại làm việc “an toàn,” có thể thấy họ đặt niềm tin rất nhiều vào chủ tiệm. Người chủ tiệm, hơn ai hết là những người mong mỏi từng ngày để được mở cửa kinh doanh.

    “Nếu mình chuẩn bị đầy đủ những đồ bảo vệ như đeo tấm che mặt (Face Shield), khẩu trang, và có một miếng mica chắn giữa thợ và khách, gọi là Table Shield, thì nên mở cửa'', ông Nguyễn Hiếu, chủ tiệm nail ở Arkansas đưa ra ý kiến.

    tam chan tiem nail 1
    Ông Hiếu Nguyễn với tấm kính chắn giữa người thợ và khách hàng làm nail. (Hình: Hiếu Nguyễn cung cấp)

    Tấm chắn bằng mica mà ông Hiếu vừa nhắc đến có hình dạng như những vách ngăn thường thấy ở ngân hàng. Trường hợp này được dùng để ngăn cách và tạo an toàn cho người thợ và khách. Người khách sẽ đưa tay qua khoảng trống to được cắt rời khỏi tấm mica. Khoảng trống này vừa đủ an toàn, vừa đủ cho người thợ phía bên kia thoải mái thực hiện công việc của mình.

    Biện pháp Table Shield được dùng cho cả dịch vụ làm chân (pedicure). Một tấm mica sẽ được treo từ trên trần nhà xuống đúng vị trí ngồi làm của người thợ.

    Từ Texas, ông Nguyễn Đình Hoàng Sơn nói cụ thể thêm về những bước người chủ tiệm cần phải chuẩn bị.

    “In những qui định rõ là khách đến làm phải đeo khẩu trang. Khi họ không có, thì mình có thể phát miễn phí nếu mình có nguồn mask phong phú, hoặc mình bán 1 hoặc 2 đồng/cái. Nhất định không phục vụ nếu khách từ chối không mang mask. Đó là điều qui định trước tiên.”

    tam chan tiem nail 1
    Bàn làm nail có tấm kính ngăn cách giữa thợ và khách hàng của tiệm ông Nguyễn Đình Hoàng Sơn. (Hình: Hoàng Sơn cung cấp)

    “Thứ hai, phải để nước rửa tay diệt khuẩn trước cửa tiệm cho khách dùng trước khi bước vào. Kế nữa là ngay chỗ quầy đón khách và trước bàn của thợ, tôi để tấm chắn, gọi là Table Shield để giảm thiểu khả năng lây nhiễm. Nhiệm vụ của người thợ là trước và sau khi làm khách đều phải lau khử trùng chỗ làm, ghế ngồi.”

    Cẩn thận hơn, ông Sơn nói rằng nếu có thể, mỗi một cửa tiệm nail nên trang bị máy đo thân nhiệt để kiểm tra người thợ vào tiệm mỗi ngày. Ông cũng nhấn mạnh “đây là biện pháp ngăn ngừa tốt nhất có thể thực hiện trong tầm tay của mình.”

    Với ông Sơn, nếu xảy ra một ảnh hưởng nào với bất kỳ tiệm nail nào đó thì ngành nail của người Việt sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nếu không muốn nói là một “đại hoạ.”

    tam chan tiem nail 4
    Khẩu trang cho người thợ làm nail. (Hình: Hoàng Sơn cung cấp)

    Đồng ý điều này, ông Hiếu khẳng định đầu tư bảo vệ an toàn cho thợ và cho khách là trách nhiệm của người chủ tiệm. Ngoài ra, còn một điều khác mạnh mẽ hơn, đó là:

    “Ngoài trách nhiệm, đó còn là lòng tự trọng. Ngoài việc doanh nghiệp của mình bị mang tiếng, mình còn gây tiếng xấu cho cả cộng đồng người Việt hải ngoại của mình. Cho nên, chuẩn bị thật tốt và thật kỹ với tôi là điều bắt buộc phải làm.”

    Cho đến nay, vẫn chưa có quyết định cuối cùng của các thống đốc tiểu bang về ngày mở cửa kinh tế địa phương. Khó khăn của ngành nail và các cơ sở thương mại khác của cộng đồng người Việt vẫn còn đó.

    Tác giả: Cát Linh/Người Việt

  • Một y tá bị nghi ngờ nhiễm Covid-19 đã chết trong vòng tay con gái tại nhà riêng, sau khi cô bé 12 tuổi cố gắng hồi sức cho mẹ.

    Maria Victoria Prado, thường được gọi là Vicky, làm việc tại Elvy Court ở Sittingbourne, Kent, đã chết dù được con gái Alex cố gắng hồi sức. Vicky là nữ y tá đến từ Philippines, làm việc tại Anh và bị hen suyễn. Căn bệnh được cho là trở nên trầm trọng hơn sau khi cô bị nghi nhiễm nCoV.

    y ta phi 1
    Maria Victoria Prado và con gái 12 tuổi.

    Một website với tên gọi GoFunMe được xây dựng để quyên góp tiền ủng hộ cho đám tang của Vicky từ ngày 21/4. Số tiền ủng hộ là hơn 7.700 bảng Anh, sẽ được chuyển đến Alex - con gái Vicky - để đưa thi thể mẹ cô trở về với gia đình ở Philippines.

    Maria Theresa Guerzon, đến từ Canterbury nói: 'Cô ấy là một y tá chăm chỉ, luôn sẵn sàng đi xa hơn để giúp đỡ. Gần đây, cô làm việc trong một viện dưỡng lão với các trường hợp dương tính với Covid-19".

    "Cô ấy đã tự cách ly do nghi nhiễm nCoV, nhưng căn bệnh hen suyễn sẵn có càng khiến tình trạng nhiễm bệnh của Vicky ngày càng trầm trọng", nữ đồng nghiệp nói.

    Theo lời của Guerzon cho biết, Vicky đã dành hết tình cảm cho con gái Alex và chết trong vòng tay của chính con gái mình. "Alex là cuộc sống của Vicky và cũng là động lực để cô ấy làm việc chăm chỉ".

    "Là một người mẹ hết mực yêu thương con gái, Vicky đã chọn cách tự cách ly tại nhà vì không muốn con gái phải sống một mình. Nhưng thật bất công khi để Alex phải qua cơn ác mộng khi phải gọi 999 và tự hồi sức cho chính mẹ mình trong vô vọng", nữ đồng nghiệp nói.

    y ta phi 1
    Số tiền quyên góp sẽ đón cả gia đình Vicky sang dự đám tang và đưa thi thể của cô về quê nhà.

    Số tiền quyên góp sẽ hướng tới việc đưa cả gia đình của Vicky đến Anh dự đám tang, sau đó vận chuyển thi thể của cô về Philippines. Cô con gái 12 tuổi cũng sẽ trở về Philippines nhưng cần được hỗ trợ tài chính để tiếp tục con đường học vấn.

    "Vicky là một chiến binh trong đại dịch, nhưng thật không may khi cô ấy và con gái phải gánh chịu hậu quả của Covid-19. Xin hãy vui lòng giúp đỡ và đưa họ trở về nhà", Guerzon nói.

    Avery Heath Care Group, công ty sở hữu Elvy Court đã chia sẻ sau cái chết bi thảm của Vicky.

    Người phát ngôn cho biết: 'Các nhân viên và quản lý tại Elvy Court Care Home ở Sittingbourne vô cùng đau buồn khi nghe tin một y tá làm việc tại nhà đột ngột qua đời. Chúng tôi chia sẻ nỗi mất mát với gia đình cô ấy vào thời điểm này. Cô ấy là một thành viên nổi trội của đội chúng tôi".

    Linda Du Preez, đồng nghiệp cũ của Vicky, nói: "Tôi đã làm việc với Vicky và biết cô ấy luôn hết lòng vì con gái nhỏ của mình. Chúng tôi rất cần sự giúp đỡ để đưa gia đình cô ấy đến Anh".

    "Chúng tôi yêu sự nhiệt tình và tận tâm với bệnh nhân của Vicky. Chúng tôi rất buồn và sốc khi mất cô ấy trong thời kỳ Covid-19 bùng phát. Cô ấy là một phụ nữ đáng yêu. Hãy đưa Vicky và con gái về nhà", Sarah Weeklyks lặp lại.

    ione (theo DailyMail)

  • Temisan Oritsejafor, 41 tuổi, đã bị truy tố vì tội hành hung người thi hành công vụ khi hắn phun máu vào mắt của sĩ quan Annie Napier.

    Hình ảnh từ camera cho thấy, vào ngày 18/4, Temisan Oritsejafor đã bị bắt và bị còng tay tại một chung cư ở Coventry. Trong quá trình bị khống chế, tên này đã quay lại và phun vào mắt của sĩ quan Annie Napier.

    0 phun mau vao mat canh sat

    Nhiều người chạy lại để giúp cô. Sốc nặng và rơi nước mắt, nhưng sĩ quan Napier nói cô vẫn ổn và chỉ sợ mình ''bị nhiễm corona virus''.

    Cảnh sát West Midlands xác nhận cô không bị nhiễm bệnh hay tổn thương gì từ vụ việc.

    Oritsejafor, cư trú trên đường Attoxhall, đã bị truy tố trước đó vài tuần vì tấn công một cảnh sát khác. Hắn đang bị giam chờ ngày trình diện tại Tòa án tối cao Warwick Crown Court.

    Sự việc lần này nối dài chuỗi các vụ ho, cắn, nhỗ nước bọt vào mặt cảnh sát Anh. 

    Vào tối 8/4, các sĩ quan nhận được cuộc gọi báo cáo một người phụ nữ nghi ngờ có liên quan tới một vụ tấn công bằng dao trước đó đang trên phố Lyon ở thị trấn Hebburn, nước Anh. Sau khi tới nơi, cảnh sát tìm thấy Charlene Merrifield (39 tuổi, không có nơi ở cố định) đang đi lang thang trên phố với 2 viên gạch trong tay.

    Đột nhiên thấy bị bắt, Merrifield hỏi cảnh sát: “Tại sao lại bắt tôi?“. “Có cáo buộc rằng cô đã tiếp cận một người đàn ông với một con dao và phá hỏng xe của anh ta. Ngoài ra, cô đứng trên đường phố trong tâm trạng tức giận với 2 viên gạch trong tay. Đây là hành vi gây rối trật tự công cộng. Đó là những lý do tại sao chúng tôi bắt cô“, cảnh sát nói.

    0 ho vao canh sat 5
    Charlene Merrifield, kẻ đã ho về phía cảnh sát.

    Sau đó, cảnh sát áp giải Merrifield vào phía sau xe để đưa về đồn, lúc này cô ta liền ho về hướng của cảnh sát. “Nếu cô còn tiếp tục như vậy, tôi thề sẽ cho cô vào tù“, cảnh sát cảnh báo Merrifield trước khi đóng cửa xe lại.

    Khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến căng thẳng, việc ho vào người khác trở thành một “hành vi kinh tởm” và có thể bị bỏ tù 1 năm nếu như ho vào cảnh sát hoặc nhân viên dịch vụ y tế quốc gia (NHS).

    Merrifield sau đó nhận án 21 tuần giam với các tội danh hành hung nhân viên cấp cứu, tội phá hoại, và gây rối trật tự công cộng tại tòa án ở South Tyneside.

    Vào 27/4 lúc 11h25 tối tại thị trấn Retford thuộc Nottinghamshire, Anh, hai nhân viên cảnh sát đã được cử đến để xử lý một vụ gây rối gây ra bởi cặp chị em ruột, Danielle Pryor, 34, tuổi và Sarah, 33 tuổi.

    0 ho vao canh sat 5
    Hai chị em bị cảnh sát giam giữ.

    Trước đó, lực lượng cảnh sát đã yêu cầu hai người phụ nữ quay trở về nhà và thực hiện lệnh giãn cách xã hội theo chủ trương phòng chống Covid-19. Tuy nhiên, cặp chị em vẫn làm ngơ và tiếp tục có hành vi chống đối. Khi phía cảnh sát cố gắng thuyết phục lần nữa, Danielle và Sarah đã khuyến khích nhau nhổ nước bọt và ho vào mặt họ, đồng thời có những hành vi bạo lực khác.

    Sarah đã bị bắt giữ sau khi chống đối một viên cảnh sát, người còn lại bị cô chị Danielle dùng nạng đánh vào ống đồng và cào cấu khắp mặt.

    Để dẹp vụ ẩu đả này, lực lượng cảnh sát đã phải cử thêm bốn người nữa tới hiện trường, và họ cũng bị hai người phụ nữ tấn công.

    Cô chị Danielle đã nhổ nước bọt vào mặt một cảnh sát đến vài lần khi anh ta đang cố gắng áp giải cô lên xe. Còn cô em Sarah liên tục đá vào cánh tay của một nhân viên khác khi người này đang lái xe đưa họ về đồn.

    Hai chị em đồng thời còn bị buộc tội hành hung một nhân viên cấp cứu và vi phạm quy định Covid-19 tại Phiên tòa Sơ thẩm diễn ra ở Nottingham vào 29/4 vừa qua. 

    Danielle Pryor bị kết án 26 tuần ngồi tù, trong khi Sarah Pryor bị ngồi tù 14 tuần.

    Trước sự việc này, Sĩ quan cảnh sát Trưởng của Cục cảnh sát thành phố Nottinghamshire - Rob Griffin cho biết hành vi bạo lực này là không thể chấp nhận được.

    Theo Sky News

  • Chỉ vài giờ sau cái chết của bà vợ, người chồng cũng đã ra đi. Đây là điều cực kỳ đau xót đối với 2 cô con gái của họ.

    Ông Bill Dartnall, 90 tuổi, đã tự tháo mặt nạ thở oxy ra sau khi nghe tin người vợ của mình đã qua đời vì Covid-19. Được biết, cả hai người họ đã kết hôn được 63 năm.

    Họ đã có một cuộc sống bình dị tại Southampton, Anh. Ông Dartnall làm công việc dọn ống khói, trong khi vợ của ông là một người nuôi ong. Nhưng sau khi bà Dartnall có kết quả nhiễm Covid-19 và được chuyển tới bệnh viện tổng hợp Southampton, cuộc sống bình yên đó đã không còn nữa.

    doan tu ben nhau 1
    Họ đã có một cuộc sống rất bình dị, cho đến khi dịch bệnh Covid-19 ập tới.

    Chỉ vài ngày sau khi vợ có kết quả dương tính, ông Dartnall cũng lên cơn đột quỵ và phải nhập viện. Ở đó, người ta phát hiện ra ông chồng đã nhiễm Covid-19. Rất nhanh chóng, cả 2 người được tiến hành điều trị, tuy kết quả ban đầu là khá tích cực nhưng chỉ vài ngày sau khi nhập viện, bệnh tình của bà Dartnall trở nên xấu dần đi. Bà đã qua đời sau đó.

    Sự mất mát này là quá sức chịu đựng đối với người chồng, khi biết tin vợ đã mất, ông Dartnall đã từ chối điều trị. Chỉ 5 giờ sau cái chết của bà vợ, ông chồng cũng ra đi. Điều này đã khiến 2 cô con gái của họ là Rosemary và Ann vô cùng đau xót.

    doan tu ben nhau 1
    Ảnh đám cưới của cặp vợ chồng vào tháng 11/1956, họ có 2 người con gái là Rosemary và Ann.

    Rosemary cho biết: "Khi nghe tin mẹ qua đời, bố tôi đã tự tháo mặt nạ oxy ra, rõ ràng ông không muốn tiếp tục điều trị nữa. Lúc đó, chúng tôi cũng không rõ lý do vì sao nhưng ông ấy thực sự không hề muốn nữa. Vài giờ sau đó, bố đã ra đi nhẹ nhàng trong giấc ngủ."

    "Bố chắc chắc không thể sống thiếu mẹ. Họ là một cặp và thật khó để tưởng tượng cuộc sống thiếu đi một người thì sẽ như thế nào."

    doan tu ben nhau 1
    Ông Bill và bà Mary tại bệnh viện, ảnh chụp ngày 17/03.

    Và theo Dịch vụ y tế quốc gia (NHS), bệnh nhân có quyền từ chối điều trị. Trên trang web của NHS có nói rằng: "Nếu bạn từ chối điều trị, quyết định đó sẽ được tôn trọng. Kể cả khi việc đó có thể dẫn tới tử vong."

    Trí Thức Trẻ (theo DailyMail)

  • Khi thủ tướng Boris Johnson quay trở lại Phố Downing, ông phải đối mặt những lời kêu gọi từ đảng Lao động cần phải rõ ràng hơn về việc bắt đầu dỡ bỏ cách ly xã hội, hiện đã bước vào tuần thứ năm.

    Vào Chủ nhật 26/4, Bộ trưởng Ngoại giao Dominic Raab cảnh báo dịch bệnh vẫn còn ở giai đoạn “phức tạp và nguy hiểm,” và cho rằng thật vô trách nhiệm khi vội bàn luận về việc điều chỉnh các  quy tắc trong chiến lược “ở nhà, bảo vệ NHS, cứu mạng sống” của chính phủ.

    Hơn 20.000 người đã chết vì Covid-19 tại các bệnh viện NHS và hàng ngàn người khác trong các nhà dưỡng lão. Nhưng đồng thời, ngày càng có nhiều lo ngại về tác động kinh tế của việc cách ly xã hội.

    Gerard Lyons, cố vấn kinh tế của ông Johnson khi ông còn là thị trưởng London, mới đây đã cảnh báo rằng nền kinh tế Vương quốc Anh có thể là nền kinh tế phương Tây bị ảnh hưởng nặng nề nhất nếu không sớm dỡ bỏ cách ly.

    Keir Starmer, lãnh đạo đảng Lao động, cũng kêu gọi các bộ trưởng bắt đầu thảo luận với các giáo viên, doanh nghiệp, công đoàn và lãnh đạo tòa thị chính và mở những cuộc trò chuyện trung thực với công chúng về những thay đổi.

    Các công đoàn khẳng định sự an toàn của người lao động không nên bị thỏa hiệp bởi bất kỳ thay đổi nào và vẫn chưa rõ liệu công chúng có nên mạo hiểm đối mặt với một đỉnh dịch mới hay không. Nhưng kế hoạch sửa đổi các quy tắc hạn chế đang bắt đầu xuất hiện.

    3292

    Mua sắm

    Hệ thống một chiều và khung nhựa ngăn cách quầy thanh toán là hai trong số những chiến lược được các nhà bán lẻ sử dụng khi mở lại các quầy hàng phi thực phẩm.

    Nhà bán lẻ DIY Homebase đã thử mở lại 20 cửa hàng của mình vào thứ Bảy ngày 25/4, trong khi nhà bán lẻ điện tử Dixons Carphone cho biết họ sẽ khai trương các cửa hàng “không tiếp xúc trực tiếp”. Các cửa hàng ở Na Uy vẫn mở cửa bằng cách đặt hàng và thanh toán không tiếp xúc, nhận hàng trả trước và tăng cường vệ sinh. Phương án này cũng có thể được nhân rộng ở Anh, công ty cho biết.

    Các cửa hàng quần áo có thể mở cửa trở lại, nhưng không sử dụng phòng thay đồ, theo hướng dẫn được công bố vào Chủ nhật bởi Hiệp hội Bán lẻ Anh. Tổ chức này đã khuyến nghị các nhà quản lý cửa hàng đặt các lối vào và lối ra tách biệt và để người mua hàng di chuyển qua hệ thống các lối đi một chiều để hạn chế tiếp xúc.

    Số lượng người mua hàng cũng nên được hạn chế, các mặt hàng giảm giá cần được xếp lùi lại để tạo cho khách hàng nhiều không gian hơn và trưng bày sản phẩm làm sao để trách khách hàng phải tập trung vào một chỗ. Các quầy thanh toán sẽ được che chắn bằng khung nhựa, như đã được thấy trong một số siêu thị, và các dấu chỉ dẫn được dán trên sàn nhà để giữ khách hàng đứng cách nhau hai mét trong lúc đợi thanh toán.

    Di chuyển ra nước ngoài

    Ông Raab xác nhận rằng những hành khách cập cảng biển và sân bay ở Anh có thể bị cách ly trong 14 ngày như một phần trong kế hoạch mới giúp đưa nước Anh ra khỏi giai đoạn cách ly.

    Các quan chức tại Bộ Nội vụ, chịu trách nhiệm về an ninh biên giới, và Bộ Giao thông Vận tải đã soạn thảo kế hoạch ban hành thông báo 14 ngày tự cách ly tại nhà, tương tự như những thông báo đang được phát cho công dân Singapore trở về từ nước ngoài.

    Quy định như vậy sẽ được áp dụng cho khách du lịch nước ngoài cũng như công dân Vương quốc Anh trở về từ nước ngoài. Những người không tuân thủ sẽ phải đối mặt với các khoản phạt. Ông Raab nói: “Các biện pháp có thể bao gồm thời gian cách ly, xét nghiệm hay bất cứ biện pháp nào khác.

    Xây dựng

    Ibstock, một trong những nhà sản xuất gạch lớn nhất của Anh, đã tái khởi động sản xuất vào thứ Hai, 27/4, và các bộ trưởng có vẻ muốn các công ty xây dựng bù đắp lại thời gian đã mất trong giai đoạn cách ly.

    Các công trình xây dựng vẫn được tiếp tục kể từ khi thời gian cách ly bắt đầu, nhưng áp dụng các quy tắc giữ khoảng cách. Tuy nhiên, do nhân viên mắc bệnh hoặc tự cách ly, nhiều hợp đồng đã bị chậm trễ.

    Hai trong số các công ty xây dựng lớn nhất Vương quốc Anh, Persimmon và Vistry (trước đây là Bovid) đã mở cửa các công trường vào thứ Hai, và giám đốc điều hành của Persimmon, David Jenkinson, nói rằng công ty có “các quy tắc công trường mới kết hợp các biện pháp bảo vệ và cách ly xã hội cần thiết.”

    Các nhà xây dựng có thể được phép làm việc suốt các buổi tối và cuối tuần, trong khi tạm thời dỡ bỏ các quy tắc giảm tiếng ồn. Các điều kiện xây dựng hiện hành giới hạn thời gian dừng làm việc trong ngày và thường có xu hướng cấm làm việc vào Chủ nhật.

    Người lao động

    Sau cái chết của nhiều tài xế taxi, nhân viên chăm sóc, y tá và bác sĩ do mắc phải Covid-19 tại nơi làm việc, các công đoàn đang yêu cầu tất cả chủ lao động đưa ra đánh giá rủi ro trước khi nới lỏng cách ly.

    Trade Union Congress (TUC) cho biết, 2/5 công nhân lo ngại về việc không thể giữ khoảng cách với các đồng nghiệp và hơn một phần tư lo ngại về việc không thể giữ khoảng cách với khách hàng. Vì công nhân tại các công trường xây dựng chủ yếu là nhân công tự do, do đó việc thực thi các hướng dẫn về sức khỏe và an toàn sẽ khó khăn.

    “Chúng tôi cần các biện pháp mới cứng rắn từ chính phủ để trấn an người dân lao động rằng sức khỏe và sự an toàn của họ là ưu tiên hàng đầu,” ông Cameron O giápGrady, tổng thư ký của TUC nói.

    “Quá nhiều người lao động đã bị buộc phải đặt sức khỏe của họ vào vòng nguy hiểm trong đại dịch này. Tất cả chúng ta đều muốn mọi người quay trở lại làm việc và bắt đầu xây dựng lại nước Anh. Nhưng người lao động cần tin rằng họ sẽ không phải đặt mình hoặc gia đình vào những hoàn cảnh rủi ro không cần thiết.”

    Trường học

    Liên minh hiệu trưởng ASCL cho biết họ không nghĩ các trường học có thể mở cửa lại, ít nhất là cho đến ngày 1 tháng Sáu. Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel phát biểu vào cuối tuần rằng chính phủ sẽ không đưa ra một ngày cụ thể nào vì nó sẽ thể hiện sự “vô trách nhiệm và khiến mọi người hy vọng.” Ông Raab cho biết sẽ rất mạo hiểm khi đưa trẻ em trở lại trường mà không phải giữ khoảng cách cần thiết. Tất cả đều chỉ ra rằng trường học sẽ là một trong những đối tượng cuối cùng được dỡ bỏ cách ly.

    Đảng Lao động đang gây áp lực, thành viên nội các đảng đối lập Rachel Reeves cảnh báo những người trẻ tuổi đang bỏ lỡ rất nhiều tháng ngày quan trọng trong quá trình giáo dục của họ.

    Sutton Trust chỉ ra rằng hai phần ba học sinh đã không tham gia vào bất kỳ buổi học trực tuyến nào khi ở nhà. Nhân viên xã hội lo ngại rằng những đứa trẻ dễ bị tổn thương nhất sẽ phải chịu thiệt hại nhiều nhất khi các trường học vẫn đóng cửa.

    VietHome (Theo Guardian)

  • Thủ tướng Boris Johnson cho hay Anh "đã qua đỉnh dịch Covid-19" và đang dần chuyển sang giai đoạn nới phong tỏa.

    "Chúng ta đã qua đỉnh và đang ở phía bên kia con dốc. Chúng ta giờ có thể thấy ánh sáng mặt trời và đồng cỏ xanh ở phía trước", Thủ tướng Johnson ngày 30/4 nói trong cuộc họp báo về Covid-19 đầu tiên kể từ khi bình phục do nhiễm nCoV.     

    Ông Johnson nói thêm rằng sẽ đưa ra một "kế hoạch toàn diện" vào tuần tới về tái khởi động nền kinh tế, mở cửa trường học về cho phép người Anh quay lại làm việc sau thời gian phong tỏa. Nhiều khả năng người dân sẽ phải đeo khẩu trang nơi công cộng, nhằm giúp công chúng tự tin hơn khi ra ngoài đường.

    Tuy nhiên, ông không ủng hộ ý tưởng nới lỏng hạn chế quá sớm, bởi nó có thể gây ra đợt bùng phát thứ hai và nâng tỷ lệ lây nhiễm vượt qua một, tức là trung bình một người nhiễm nCoV lây virus cho một người khác.    

    anh da buoc qua dinh dich
    Thủ tướng Boris Johnson tại cuộc họp báo về Covid-19 tại số 10 phố Downing, London, ngày 30/4. Ảnh: AP.

    Ông Johnson cho hay nước này đã thực hiện hơn 81.000 xét nghiệm ngày 29/4 và đây là số xét nghiệm hàng ngày cao nhất ở Anh. Chính quyền Anh trước đó đặt mục tiêu tiến hành 100.000 xét nghiệm mỗi ngày vào cuối tháng 4.

    Thủ tướng Johnson thừa nhận Anh đang đối mặt với "những vấn đề về hậu cần" trong việc cung cấp đồ bảo hộ cho nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch và tiến độ tăng cường xét nghiệm chưa đủ nhanh.

    Ngoài ra, ông Johnson chia sẻ sự thấu hiểu với những nỗi khổ mà người dân Anh phải chịu đựng, như bị chia cắt bạn bè, người thân và lo lắng về công việc, trong thời gian phong tỏa vì Covid-19.  "Sự hy sinh và nỗ lực của các bạn đang mang lại hiệu quả và được chứng minh là có hiệu quả", ông nói thêm.  

    Ông Johnson cũng cảm ơn người dân đã ''nỗ lực hết mình'' để bảo vệ NHS trong đại dịch. ''NHS chưa lúc nào bị quá tải, không bệnh nhân nào bị thiếu máy thở, các bệnh nhân nặng đều được đưa vào trong phòng chăm sóc đặc biệt'', ông nói.

    ''Nhờ những nỗ lực to lớn này mà chúng ta đã tránh được tình trạng mất kiểm soát hoàn toàn, vốn có thể khiến tỉ lệ tử vong lên tới 500.000 người. Hôm nay, lần đầu tiên tôi có thể khẳng định rằng chúng ta đã vượt qua đỉnh dịch.''

    Ông Johnson cũng tự tin rằng nền kinh tế sẽ hồi phục mạnh mẽ và nhanh chóng.

    David Nabarro, trưởng đại diện của Anh về Covid-19 tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết “hoàn toàn hợp lý để Vương quốc Anh bắt đầu nới lỏng phong tỏa”. Tuy nhiên, ông khẳng định không thể dỡ bỏ hoàn toàn ngay lập tức mà chỉ có thể nới lỏng dần dần, theo Standard.

     Anh hiện là vùng dịch lớn thứ tư thế giới với 172.481 ca nhiễm và 26.842 ca tử vong.   

    Theo Sky News