• Tổ chức chống đói nghèo Oxfam cho biết cuộc khủng hoảng COVID-19 đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng: những người giàu có nhất nhanh chóng giàu thêm trong khi những người nghèo nhất có thể phải mất cả thập kỷ để hồi phục.

    chua lanh covid
    Cuộc khủng hoảng COVID-19 khiến những người nghèo nhất thế giới mất hơn một thập kỷ để hồi phục - Ảnh: AFP

    Trong báo cáo có tiêu đề "Virus bất bình đẳng", tổ chức Oxfam ngày 25-1 cảnh báo đại dịch cho thấy sự bất bình đẳng đang gia tăng ở hầu hết các quốc gia gần như cùng lúc, theo Hãng tin AFP.

    "1.000 người giàu nhất trên hành tinh này đã bù lại những thiệt hại vì COVID-19 của họ chỉ trong vòng 9 tháng, nhưng những người nghèo nhất có thể phải mất hơn một thập kỷ để hồi phục" - báo cáo của Oxfam nêu rõ.

    Oxfam cũng nhấn mạnh thực tế tác động của COVID-19 cũng không đồng đều, với các cộng đồng thiểu số tại một số nước nhất định có tỉ lệ tử vong cao hơn, và phụ nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn trong các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch.

    Báo cáo của Oxfam đưa ra cùng thời điểm bắt đầu hội nghị trực tuyến Davos của Diễn đàn Kinh tế thế giới. Trong sự kiện này, giới lãnh đạo sẽ có một tuần để thảo luận và chọn ra các giải pháp sáng tạo và táo bạo nhằm ngăn chặn đại dịch và thúc đẩy sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong năm tới.

    Oxfam lập luận các nền kinh tế công bằng hơn là chìa khóa quan trọng cho sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế trước các tác động của COVID-19.

    "Bất bình đẳng ở mức cực đoan không phải không thể tránh khỏi, mà đó là một lựa chọn chính sách", giám đốc điều hành Oxfam Gabriela Bucher nhìn nhận.

    Theo bà Bucher, "cuộc chiến chống bất bình đẳng phải là trọng tâm trong các nỗ lực giải cứu và phục hồi nền kinh tế" với các khoản đầu tư vào các dịch vụ công được tài trợ bằng hệ thống thuế nơi các tập đoàn và cá nhân giàu nhất trả phần thuế công bằng của họ.

  • Theo Thủ tướng Anh, Chính phủ nước này sẽ không cân nhắc giảm phong tỏa trong bối cảnh số ca lây nhiễm COVID-19 ở nước này vẫn đang rất cao.          

    Truyền thông Anh đưa tin, để phòng chống dịch, Chính phủ Anh sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp mạnh tay hơn. Tờ Điện tín của Anh dẫn lời Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 23/1 cho biết, Chính phủ Anh quyết định kéo dài thời gian phong tỏa, đồng nghĩa với việc các nhà hàng, quán bar và các khu vui chơi công cộng ở nước này sẽ tiếp tục bị đóng cửa đến ngày 17/7/2021.

    tho may

    Theo Thủ tướng Anh, Chính phủ sẽ không cân nhắc giảm phong tỏa trong bối cảnh số ca lây nhiễm COVID-19 ở nước này vẫn đang rất cao.          

    Trong khi tờ Daily Mail cũng dẫn lời ông Johnson cho biết,  Anh sẽ buộc các du khách đến từ các quốc gia có nguy cơ cao phải cách ly trong thời gian 10 ngày khi đến Anh. Quyết định chính thức sẽ được công bố trong ngày 24/1.

    Số liệu của Chính phủ Anh công bố ngày 23/1 cho thấy, nước Anh đến nay ghi nhận hơn 33.500 ca mắc COVID-19 và hơn 1.340 ca đã tử vong. Điều đáng lo ngại là số bệnh nhân mắc COVID-19 ở Anh phải thở máy đã lần đầu tiên vượt con số 4.000.

    Biến thể nCoV ở Anh có thể làm tăng 30% tỷ lệ tử vong

    Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng biến thể nCoV được phát hiện tại nước này vào cuối tháng 12/2020 có thể gây ra tỷ lệ tử vong cao hơn.

    “Chúng tôi được báo cáo rằng ngoài việc lây lan nhanh hơn, còn có một số bằng chứng cho thấy biến thể mới nCoV có thể gây ra tỷ lệ tử vong cao hơn”, thủ tướng Johnson phát biểu trong họp báo ngày 22/1.

    Theo Patrick Vallance, Cố vấn khoa học hàng đầu của Anh, nếu xét đối tượng là nam, độ tuổi 60, với chủng nCoV ban đầu, nguy cơ trung bình cứ 1.000 người nhiễm bệnh thì có khoảng 10 người tử vong. Với biến thể mới, cứ 1.000 người nhiễm thì có khoảng 13-14 người tử vong. Tức là, biến thể nCoV làm tăng 30% tỷ lệ tử vong.

    Tuy nhiên ông cho rằng kết luận này vẫn chưa đủ mạnh, cần phải nghiên cứu nhiều hơn. Về tốc độ lây lan, ông khẳng định biến thể này có khả năng lây lan cao hơn từ 30 đến 70% so với những biến thể trước đó.

    Ian Jones, giáo sư Virology tại Đại học Reading, cho biết: “Mặc dù dữ liệu còn hạn chế và các kết luận là sơ bộ, kết quả tỷ lệ tử vong gia tăng là điều hoàn toàn có thể xảy ra với một chủng virus biến thể”.

  • Toàn cầu ghi nhận hơn 99,2 triệu ca nhiễm, hơn 2,1 triệu người chết vì nCoV, Anh dự kiến cách ly bắt buộc với người nhập cảnh vào nước này.

    Thế giới ghi nhận 99.266.057 ca nhiễm và 2.128.076 người chết do Covid-19, tăng lần lượt 590.412 và 14.201 ca trong 24 giờ qua. 71.288.183 người đã bình phục, theo trang cập nhật thời gian thực Worldometers.

    Truyền thông Anh cho biết Thủ tướng Boris Johnson ngày 26/1 có thể công bố lệnh cách ly bắt buộc 10 ngày tại khách sạn với người nhập cảnh từ những quốc gia có nguy cơ Covid-19 cao như Brazil, Nam Phi và các nước láng giềng. Johnson dường như ưu tiên phương án cách ly có chọn lọc, thay vì cách ly toàn bộ người nhập cảnh vào Anh.

    900933 map photo

    Thông tin được đưa ra trong bối cảnh biến chủng nCoV ghi nhận tại nước này đã lây lan đến hơn 60 nước, có một số bằng chứng cho thấy mức độ tử vong cũng cao hơn. Anh hôm nay ghi nhận thêm 1.348 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 97.329, cao nhất ở châu Âu. Nước này báo cáo 3.617.459 ca nhiễm, tăng 33.552 ca so với hôm qua. Ca tử vong vì nCoV đã tăng 16% trong tuần qua, trong khi số người nhập viện tăng gần gấp đôi so với những ngày tồi tệ nhất của đợt bùng phát đầu tiên vào tháng 4.

    Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 163.589 ca nhiễm và 3.359 ca tử vong, đưa tổng số người nhiễm lên 25.556.809 và 427.567 người chết. Gần một năm sau khi Mỹ ghi nhận ca tử vong đầu tiên, mức độ trầm trọng của đại dịch đã lên đến mức khoảng 100.000 người chết vì Covid-19 chỉ trong tháng qua.

    Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký 10 sắc lệnh, gồm thắt chặt quy định đeo khẩu trang và ra lệnh cách ly đối với những người đến Mỹ bằng đường không. Các sắc lệnh khác gồm tái kích hoạt chương trình tiêm chủng và mở rộng yêu cầu đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng. Biden cũng công bố mục tiêu 100 triệu liều vaccine được sử dụng trong 100 ngày. Cho đến nay, chỉ mới 16,5 triệu liều được tiêm.

    Biden cảnh báo số ca tử vong vì nCoV có thể vượt 600.000 và thúc giục quốc hội xúc tiến kế hoạch 1,9 nghìn tỷ USD của ông để chống lại Covid-19 và cứu trợ kinh tế cho những người Mỹ đang gặp khó khăn.

    Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 14.891 ca nhiễm và 155 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 10.655.435 và 153.376.

    Ấn Độ bắt đầu một trong những chương trình tiêm chủng lớn nhất thế giới từ ngày 16/1. Quốc gia đông dân thứ hai thế giới này đặt mục tiêu tiêm cho khoảng 300 triệu trong số 1,3 tỷ dân trước tháng 7, tương đương gần như toàn bộ dân số Mỹ.

    Bên cạnh đó, Ấn Độ còn đem lại tín hiệu tích cực cho nỗ lực tiêm chủng toàn cầu khi hôm qua xuất khẩu lô vaccine Covid-19 đầu tiên được sản xuất trong nước. Ngoại trưởng S. Jaishankar cho biết Ấn Độ, với tư cách "kho dược phẩm của thế giới" sẽ cung cấp vaccine cho các nước khác để cùng vượt qua đại dịch.

    Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 1.146 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 216.445, Số người nhiễm nCoV tăng 61.121 ca trong 24 giờ qua, lên 8.816.254.

    Viện Butantan, nhà sản xuất dược phẩm nổi tiếng của Brazil hợp tác với công ty công nghệ sinh học Trung Quốc Sinovac, cho biết vaccine Coronavac của công ty này đã đạt mức hiệu quả 50,4% trong các thử nghiệm ở Brazil. Chính phủ Brazil đầu tháng một ký thỏa thuận với Viện Butantan để mua tới 100 triệu liều vaccine của Trung Quốc.

    Cơ quan quản lý y tế Brazil đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho cả vaccine Coronavac và Oxford/AstraZeneca nhưng kế hoạch sản xuất vaccine trong nước đang bị cản trở do chậm trễ trong khâu nhập khẩu thành phần từ Trung Quốc.

    Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận thêm 20.921 ca nhiễm nCoV và 559 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.698.273 và 68.971.

    Giới chức Nga cho biết 1,5 triệu công dân đã được tiêm vaccine, sau khi chiến dịch tiêm chủng đại trà được khởi động từ 18/1. Trước đó nước này đã bắt đầu tiêm cho nhóm nguy cơ cao, bao gồm nhân viên y tế, giáo viên và người cao tuổi. Chính quyền đánh giá đỉnh dịch thứ hai có thể đã qua và thông báo mở lại tất cả trường học từ tuần tới.

    Nga đã nộp đơn đăng ký xin cấp phép sử dụng Sputnik V tại Liên minh châu Âu và dự kiến được xem xét vào tháng 2. Sputnik V đã được phê duyệt ở Argentina, Belarus, Serbia và một số nước khác.

    Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 23.924 ca nhiễm và 230 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.035.181 và 72.877.

    Số bệnh nhân cần chăm sóc tích vực vẫn tiếp tục tăng, trong khi gần 1,21 triệu người đã được tiêm chủng. Tốc độ triển khai vaccine của Pháp bị chỉ trích chậm hơn nhiều nước châu Âu khác. Từ ngày 18/1, bất kỳ ai đến Pháp từ bên ngoài Liên minh Châu Âu phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV gần đây và tự cách ly một tuần khi đến nơi.

    Đức là vùng dịch lớn thứ 10 thế giới với 2.137.689 ca nhiễm và 52.536 ca tử vong vì Covid-19, tăng lần lượt 12.428 và 516 ca so với một ngày trước đó. Tốc độ lây lan của nCoV tại Đức gần đây đã chậm lại, nhưng số ca tử vong cao hơn mức tăng tuần trước.

    Bang North-Rhine Westphalia đông dân nhất của Đức cho biết họ sẽ phải hoãn mở cửa 53 trung tâm vaccine mới đến ngày 8/2, do quá trình cung cấp vaccine từ Pfizer và BioNTech tạm thời bị chậm lại, xuất phát từ thay đổi trong quy trình sản xuất để tăng sản lượng.

    Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết lệnh phong tỏa một phần mà nước này áp đặt nhằm ngăn chặn Covid-19 sẽ được gia hạn tới ngày 14/2 và 16 thủ hiến liên bang Đức đều đồng tình với quyết định trên.

    Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 977.474 ca nhiễm, tăng 12.191, trong đó 27.664 người chết, tăng 211.

    Quốc gia đông dân thứ tư thế giới đối mặt với thách thức khổng lồ là tiêm chủng cho 181,5 triệu người, tức 2/3 dân số. Chính quyền cho hay sẽ ưu tiên 1,5 triệu nhân viên y tế và 17,4 triệu công chức trong vòng đầu tiên dự kiến kéo dài tới tháng 4. Phần cư dân còn lại sẽ được tiêm vaccine đến tháng 3/2021.

    Philippines báo cáo 511.679 ca nhiễm và 10.190 ca tử vong, tăng lần lượt 1.797 và 54 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực.

    Giới chức Philippines hôm 10/1 cho biết nước này đã bảo đảm tiếp nhận 30 triệu liều vaccine Covid-19 do hãng dược Mỹ Novavax phát triển, đồng thời hy vọng tập trung được 148 triệu liều vaccine từ 7 công ty trong năm nay, đủ cho khoảng 70% dân số.

    Trung Quốc ngày 16/1 cam kết tặng cho Philippines 500.000 liều vaccine, Manila trước đó đã đồng ý mua 25 triệu liều Coronavac của tập đoàn dược phẩm Trung Quốc Sinovac.

    Theo Reuters

  • Ngày 22-1, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói có 1 số "bằng chứng" cho thấy biến thể SARS-CoV-2 mới lần đầu tiên được phát hiện ở Anh có thể gây chết chóc hơn so với thể thông thường.

    "Hôm nay, chúng tôi nhận được thông báo rằng ngoài việc lây lan nhanh hơn, có 1 số bằng chứng cho thấy biến thể mới, loại được phát hiện lần đầu tiên ở London và khu vực Đông Nam England, có thể liên quan đến tỉ lệ tử vong cao hơn" - ông Johnson phát biểu tại 1 cuộc họp báo.

    Ông nói thêm rằng tất cả dữ liệu cho thấy vắc-xin của Pfizer - BioNTech và AstraZeneca - ĐH Oxford, hai loại đang được sử dụng tại Anh, vẫn có hiệu quả biến thể cũ và mới của virus SARS-CoV-2.

    Phát biểu cùng ông Johnson hôm 22-1, cố vấn khoa học chính của Anh Patrick Vallance cho biết đã có bằng chứng cho thấy những người mắc biến thể virus mới gặp nguy hiểm hơn so với loại cũ. "Rủi ro trung bình là sẽ có khoảng 10 người tử vong trong số 1.000 người mắc. Tuy nhiên, với biến thể mới, sẽ có khoảng 13 hoặc 14 người tử vong trong số 1.000 người" - ông Vallance cảnh báo.

    04d615b4886b40f9bf9b4fae20999ff7 18

    Dù vậy, ông cho biết dữ liệu vẫn chưa đủ vững chắc và nhấn mạnh thêm mối lo ngại về các biến thể SARS-CoV-2 khác được tìm thấy ở Brazil và Nam Phi.

    Bằng chứng vẫn đang ở giai đoạn sơ bộ và được đánh giá bởi Nhóm Tư vấn về các mối đe dọa virus đường hô hấp mới và mới nổi, cơ quan tư vấn của chính phủ Anh. Chủng này, được gọi là B.1.1.7, có số lượng biến thể cao bất thường và liên quan tới tình trạng lây nhiễm nhanh hơn.

    Các nhà khoa học lần đầu phát hiện biến thể này hồi tháng 9 năm ngoái. Từ đó, nó đã được tìm thấy ở ít nhất 44 nước, trong đó có Mỹ. Vào tuần trước, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo quỹ đạo được mô hình hóa của biến thể ở Mỹ "cho thấy tốc độ tăng trưởng nhanh chóng vào đầu năm 2021, trở thành biến thể chiếm ưu thế vào tháng 3 tới".

    Anh đang trong giai đoạn phong tỏa toàn quốc lần thứ 3 sau khi số ca lây nhiễm tăng nhanh ngay trước lễ Giáng sinh vì biến thể mới. Trong ngày 22-1, nước này ghi nhận thêm 1.401 ca tử vong. Theo số liệu từ trường ĐH Johns Hopkins, Anh có số người tử vong vì Covid-19 cao nhất châu Âu với 96.166 người.

    Nguồn: NLD

  • Theo ECDC, các biến thể của virus SARS-CoV-2 mà các nhà khoa học cho là dễ lây lan hơn đã được phát hiện tại nhiều quốc gia châu Âu và có khả năng lan rộng hơn.

    Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) ngày 22/1 cảnh báo 3 biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở Anh, Nam Phi và Brazil gây nguy cơ cao ở châu Âu và có thể gây ra nhiều ca mắc, nhập viện và tử vong do Covid-19.

    dich benh 3 bien the
    Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Walthamstow, đông bắc London, Anh, ngày 15/12/2020. Ảnh: AFP.

    3 biến thể đặc biệt nguy hiểm của SARS-CoV-2 

    “Chúng ta thấy rằng tình hình dịch bệnh đang diễn biến xấu đi ở những khu vực có nhiều biến thể dễ lây lan của virus. Sự gia tăng số ca mắc sẽ dẫn tới việc ngày càng có nhiều ca nhập viện và ca tử vong ở mọi nhóm tuổi”, ông Andrea Ammon, giám đốc của ECDC cho biết.

    Qua việc đánh giá các rủi ro, ECDC khuyến nghị các thành viên trong Liên minh châu Âu nên “củng cố hệ thống y tế để chuẩn bị cho các tình huống nghiêm trọng hơn”.

    Bản đánh giá của ECDC nhận định, giống như các loại virus khác, SARS-CoV-2 liên tục thay đổi trong quá trình tiến hóa và thích nghi, vì thế việc xuất hiện các biến thể của virus này trên thế giới là điều dễ nhận thấy. 

    Trong bản đánh giá, ECDC đặc biệt quan tâm đến 3 biến thể mới là VOC 202012/01, 501Y.V2 và P.1. Các biến thể này đang gây ra nhiều lo ngại vì làm gia tăng khả năng lây nhiễm và khiến tình hình dịch bệnh tại những nơi chúng xuất hiện diễn biến nghiêm trọng hơn.  

    VOC 202012/01 đã nổi lên là mối quan tâm hàng đầu tại khu vực niềm nam nước Anh vào tháng 12/2020, sau khi ca nhiễm đầu tiên được xác định vào tháng 9/2020. Kể từ thời điểm đó, VOC 202012/01 đã trở thành biến chủng “thống trị” tại Anh. Đặc trưng của biến chủng này là khả năng lây lan nhanh trên người, làm tăng tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh Covid-19, nhập viện và gây áp lực đối với hệ thống y tế của Anh. Kể từ đầu tháng 1/2021, Anh đã ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 cao kỷ lục kể từ khi dịch bệnh xảy ra tại quốc gia này. Ngoài Anh, VOC 202012/01 cũng được phát hiện tại Ireland và Đan Mạch.

    Biến thể 501Y.V2 lần đầu tiên được xác định ở Nam Phi vào tháng 12/2020 và hiện đã trở thành biến thể phổ biến nhất tại khu vực này. Kết quả nghiên cứu cho thấy, 501Y.V2 cũng có khả năng lây nhiễm cao. Tuy vậy, không rõ 501Y.V2 có khiến các ca bệnh trở nên nghiêm trọng hơn hay không. Tính đến ngày 19/1/2021, 501Y.V2 đã được ghi nhận ở 10 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu.

    Biến thể P.1 cho đến nay chủ yếu được ghi nhận ở Brazil, và ở một số du khách Brazil tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Manaus, thủ phủ của bang Amazonas thuộc Brazil, hiện đang ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng vọt, gây quá tải hệ thống y tế của bang này.

    Các nước EU nỗ lực tìm biện pháp kiểm soát

    ECDC đánh giá, tần suất xuất hiện và lây nhiễm của các biến thể virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng các nước châu Âu là rất cao. Do đó, cơ quan này khuyến nghị các quốc gia trong khu vực cần theo dõi chặt chẽ tốc độ lây lan và mức độ nghiêm trọng của các ca bệnh để đánh giá sự lưu hành và ảnh hưởng của các biến thể. ECDC cho rằng các nước cũng cần, tăng cường xét nghiệm, chẩn đoán, chuẩn bị thêm nhiều phòng thí nghiệm để thực hiện sàng lọc các ca bệnh và đẩy mạnh chiến dịch tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19

    Để kiểm soát quá trình thâm nhập và lây lan của các biến thể, ECDC khuyến cáo người dân nên hạn chế đi lại, đề nghị các nước siết chặt việc kiểm tra và sàng lọc khách du lịch, đặc biệt là đối với những người đến từ các khu vực có tỷ lệ mắc biến thể mới cao hơn.

    Hiện tại, nhiều quốc gia trong Liên minh châu Âu đã tăng cường các biện pháp kiểm soát chẳng hạn như áp đặt lệnh giới nghiêm chặt chẽ hơn, yêu cầu đeo khẩu trang nơi công cộng.

    Thủ tướng Áo Sebastian Kurz khẳng định: “Chúng ta cần phải thực hiện mọi biện pháp để ngăn chặn sự xuất hiện của các biến thể mới như biến thể ở Brazil. Chúng ta cần có những quy đinh rõ ràng và thống nhất ở các khu vực biên giới, cũng như trong lĩnh vực du lịch”. Ông Kurz kêu gọi Cơ quan Dược phẩm châu Âu đẩy nhanh tiến độ làm việc để vaccine của AstraZeneca có thể nhanh chóng được phê duyệt và phân phối.

    Theo khuyến nghị của ECDC, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo đã đề xuất một lệnh cấm tạm thời đối với việc đi lại không cần thiết vào tháng 2/2021.

    Ủy ban châu Âu cho biết tình hình y tế đang ở thời điểm quan trọng và hối thúc các nước thành viên đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng, để đảm bảo rằng ít nhất 80% số người trên 80 tuổi được tiêm vaccine ngừa Covid-19 vào tháng 3/2021 và 70% số người trưởng thành được tiêm vào cuối mùa hè này.  

    Các nước thành viên EU ngày 21/1 đã nhất trí về một quy chuẩn chung cho việc sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh để phát hiện kháng nguyên SARS-CoV-2, và các nước trên toàn khối cũng đồng ý công nhận kết quả xét nghiệm PCR của nhau để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của người dân, truy vết virus và điều trị.

    Trong một tuyên bố, Hội đồng châu Âu khẳng định: “Đây là một công cụ trung tâm góp phần làm giảm thiểu sự lây lan của virus và khiến thị trường nội bộ hoạt động dễ dàng hơn”.

    Các nhà lãnh đạo EU cũng thảo luận về sự gián đoạn trong việc cung cấp vaccine ngừa Covid-19 sau khi tập đoàn Pfizer tuần trước thông báo cắt giảm tạm thời việc chuyển giao vaccine này. EU đã ký sáu hợp đồng mua hơn 2 tỷ liều vaccine, nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ có vaccine của Pfizer-BioNTech và Moderna được phê chuẩn sử dụng./.

    Nguồn: VOV

  • Chính phủ Anh đang cân nhắc trả 500 bảng (680 USD) cho bất kỳ ai dương tính với nCoV nhằm khuyến khích mọi người xét nghiệm và tự cách ly.

    Đề xuất đang được các bộ trưởng Anh thảo luận sau khi nghiên cứu cho thấy chỉ 17% người có các triệu chứng Covid-19 thực hiện xét nghiệm vì lo mất thu nhập nếu phải nghỉ việc để cách ly.

    "Muốn tránh tự cách ly hiện là rào cản lớn nhất khi yêu cầu xét nghiệm", tài liệu chính sách dài 16 trang, do Bộ trưởng Y tế và Chăm sóc Xã hội (DHSC) Matt Hancock vạch ra, cho hay, thêm rằng chỉ 1/4 người tự cách ly tuân thủ đủ 10 ngày và 15% vẫn tiếp tục làm việc.

    tra tien cho nguoi mac benh
    Người dân đi qua bảng khuyến cáo ở nhà tránh Covid-19 trên đường phố Winchester, Anh. Ảnh: PA.

    Theo đề xuất được mô tả là "ưu tiên" của DHSC, bất kỳ ai xét nghiệm dương tính với nCoV, không phân biệt tuổi tác, tình trạng việc làm hoặc khả năng làm việc tại nhà, sẽ đủ điều kiện nhận khoản Thanh toán Hỗ trợ Xét nghiệm và Theo dõi (TTSP).

    "Điều này sẽ giúp chính quyền địa phương dễ dàng quản lý, dù sẽ dẫn đến lượng đơn xin hỗ trợ lớn hơn đáng kể so với chương trình hiện tại", tài liệu cho hay.

    DHSC cũng đề nghị cho phép cảnh sát tiếp cận dữ liệu y tế nhằm trấn áp những người vi phạm cách ly, chấm dứt khoản hỗ trợ cho những người tiếp xúc gần với người mắc Covid-19.

    Kế hoạch TTSP dự kiến được uỷ ban về Covid-19 của chính phủ do Bộ trưởng Văn phòng Nội các Michael Gove xem xét, nhưng có thể vấp phải sự phản đối của Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak do chi phí khổng lồ và ông Hancock sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến nội các căng thẳng để kế hoạch được thông qua.

    Theo chương trình hỗ trợ hiện nay của Anh, chỉ những người có thu nhập thấp không thể làm việc tại nhà được nhận TTSP, bao gồm nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ, người buôn bán độc lập, các lao động tự do và cha mẹ có con cái được yêu cầu tự cách ly.

    Giới chức ước tính kế hoạch mới có thể tiêu tốn của chính phủ Anh tới 453 triệu bảng/tuần, gấp 12 lần chi phí hiện nay, nếu nước này ghi nhận 60.000 ca nhiễm mới/ngày.

    Anh hiện là vùng dịch lớn thứ năm thế giới, với hơn 3,5 triệu ca nhiễm, trong đó hơn 94.500 ca tử vong, là nước có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao nhất châu Âu.

    VnExpress (theo Sky News)

  • Hai chiếc xe buýt sẽ được sử dụng như xe cứu thương để chuyên chở các bệnh nhân mắc Covid-19 tới bệnh viện ở thủ đô London.

    Theo Guardian, Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) đã phải thay đổi kết cấu của 2 chiếc xe buýt một tầng, tháo rời các ghế hành khách và lắp vào đó 4 giường bệnh nhằm đưa các bệnh nhân mắc Covid-19 nặng tới bệnh viện.

    Phương án này được đưa ra để giảm tải cho các nhân viên vận chuyển người bệnh, vốn đã phải hoạt động hết công suất trong những ngày gần đây. Kể từ khi chủng mới của virus corona được phát hiện tại Anh, số ca nhiễm đã tăng đột biến, gây áp lực không nhỏ lên hệ thống dịch vụ y tế, đặc biệt là ở vùng Đông Nam và thủ đô London.

    1200
    Chiếc xe buýt được NHS mượn để chuyên chở bệnh nhân mắc Covid-19. Ảnh: Guardian.

    Go-Ahead, công ty sở hữu hai phương tiện này, đã cho NHS mượn chúng để vận chuyển bệnh nhân, bao gồm việc đưa tới bệnh viện dã chiến London Nightingale.

    Cơ sở này vốn được mở ra hồi năm ngoái để điều trị những bệnh nhân nặng nhất trong làn sóng Covid-19 đầu tiên ở Anh, giờ sẽ tiếp tục hoạt động để chia sẻ áp lực cho các bệnh viện khác ở London. Điều khác biệt là lúc này nó dành cho các bệnh nhân đang hồi sức thay vì những ca nặng.

    Hai chiếc xe buýt này chạy điện và ắc quy của chúng có thể cung cấp năng lượng cho các thiết bị y tế được trang bị bên trong, bao gồm cả máy thở và máy theo dõi sức khỏe bệnh nhân. Trên xe cũng có bình oxy.

    Vương quốc Anh vẫn đang ghi nhận khoảng gần 40.000 ca nhiễm mỗi ngày, mặc dù con số này đã giảm khoảng 8.000 ca/ngày so với tuần trước.

    Với 1.820 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, Anh tới nay đã có 93.290 người chết vì dịch bệnh, theo Guardian.999 - tổng đài cấp cứu ở Anh - đã lâm vào tình trạng quá tải trong những ngày qua với vô số cuộc gọi ở khu vực đô thị London, sau khi thủ đô nước Anh một lần nữa trở thành tâm điểm chết chóc trong làn sóng dịch bệnh thứ hai.

  • Mùa lễ hội vốn là thời điểm “vàng” của ngành công nghiệp làm đẹp trị giá gần 50 tỷ USD. Tuy nhiên, mọi chuyện không còn như trước do lệnh giãn cách xã hội.

    Để mừng năm mới, Tina Vo, một nhân viên dịch vụ khách hàng, 25 tuổi, thường đến Las Vegas để ăn uống và thử vận may với trò blackjack.

    Trong hành lý của mình, cô thường mang theo những vật dụng cần thiết như nước hoa, váy kim sa và giày cao gót. Ngoài ra, cô cũng sẽ chăm sóc làn da rám nắng của mình kỹ lưỡng, sơn móng tay màu đỏ thẫm và nhuộm nâu mái tóc.

    Vậy mà năm nay, Tina Vo không còn được “lấp lánh” như vậy. Cô hủy bỏ chuyến du lịch hàng năm và cũng thôi không chăm chút bản thân kỹ lưỡng như trước.

    Mùa lễ hội vốn là thời điểm “vàng” của ngành công nghiệp làm đẹp trị giá gần 50 tỷ USD. Tuy nhiên, mọi chuyện không còn tốt đẹp như trước do dịch Covid-19 và lệnh giãn cách xã hội ở California.

    Tình trạng ghế trống ở các tiệm nail đang bao trùm cả Little Saigon, nơi được biết đến như thủ phủ của nghề làm móng ở quận Cam, Mỹ. Điều này không những khiến vô số thợ làm móng phải nghỉ việc mà còn làm giảm thu nhập của cả bác sĩ thẩm mỹ, nhà trị liệu massage, thợ cắt tóc và bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, khiến nhiều người ngày càng điêu đứng.

    Một số nhân viên nói rằng doanh thu đã giảm tới 70%, những khách hàng thường xuyên đến salon để tẩy tế bào chết hoặc điều trị hầu như không còn nữa. Một số người khác than phiền rằng lệnh đóng cửa để giãn cách xã hội đã gây ra một cơn ác mộng tồi tệ về kinh tế.

    Mùa lễ hội là giọt nước tràn ly

    Chủ tiệm cho biết vấn đề tài chính của họ bắt đầu từ lệnh phong tỏa toàn tiểu bang California lần đầu tiên vào tháng 3, khi Thống đốc Gavin Newsom đổ lỗi cho một tiệm làm móng ở miền Bắc California là nơi lây truyền virus ra cộng đồng.

    Những lời cáo buộc của ông sau đó được chứng minh là sai, nhưng đối với nhiều người gốc Việt ở đây, thiệt hại kéo theo vẫn còn dai dẳng.

    nganh nail le hoi 1
    Demi Quynh tìm kiếm khách hàng với hy vọng mong manh. Ảnh: Latimes.

    Tháng trước, các quan chức và cơ quan y tế đã gia hạn vô thời hạn các hạn chế Covid-19 ở miền Nam California, bao gồm việc yêu cầu các tiệm làm tóc, tiệm làm móng và những nơi như nhà thờ, trung tâm giải trí, bảo tàng và sở thú phải đóng cửa.

    “Nó giống như một bộ phim kinh dị. Khách hàng biến mất, không có năng lượng, không có sự sống nữa”, Tina Vo chia sẻ

    “Bạn bè của tôi làm việc ở đó nói rằng mọi người chỉ còn biết cầu nguyện”, cô nói thêm.

    Chị họ của Tina, Kim Stevens, 30 tuổi, đã phải dời buổi điều trị chứng sụp mí mắt của mình vì lo lắng sẽ nhiễm virus khi đến các phòng khám y tế. Mặc dù nhận được voucher giảm 20% của một phòng khám ở Westminster, cô vẫn phải cân nhắc rất nhiều trước khi đưa ra quyết định.

    Kim hy vọng việc trì hoãn phẫu thuật có thể cho cô nhiều lựa chọn làm đẹp hơn vào cuối năm 2021, nếu dịch bệnh không kéo dài đến năm 2022.

    Các thợ làm móng nói rằng mùa lễ hội năm nay là giọt nước tràn ly cho thấy tác động của đại dịch đã ảnh hưởng đến lĩnh vực làm đẹp như thế nào.

    Nga Nguyen, 56 tuổi, một nhà tạo mẫu tóc với hơn 20 năm kinh nghiệm, cho biết những ngày tháng của cô bây giờ dành cho việc “dọn dẹp và lại dọn dẹp”.

    “Đâu còn gì khác để làm. Người ta không ăn diện nữa bởi cũng không có nơi để đi chơi. Không cần mua đồ mới, không cần làm tóc hoặc trang điểm. Tôi thật sự lo lắng cho tương lai của ngành này”, Santa Ana, người làm việc tại salon My Ngoc ở Westminster, buồn rầu.

    Ngoài ra còn có Demi Quynh, một bác sĩ massage 30 tuổi, người đang quản lý salon Revive Health Spa ở thành phố Huntington Beach, quận Cam, cho biết: “Chúng tôi đã bán ra rất nhiều thẻ quà tặng nhưng không ai mua. Một số nhân viên đang nghĩ đến chuyện tìm việc trong nhà máy trong khi số khác vay tiền từ người thân (để trang trải cuộc sống) hoặc nhờ vả họ thanh toán các khoản chi phí. Tâm trí chúng tôi lúc này lúc nào cũng nghĩ tới việc mưu sinh”.

    Demi Quynh cho biết thêm các tiệm salon và spa luôn cố gắng đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu. Họ trang bị cho nhân viên và cả khách hàng những biện pháp an toàn nhất để sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, họ vẫn không thể đón khách nếu lệnh đóng cửa vẫn còn hiệu lực.

    Quynh và những người khác chỉ còn biết hy vọng vào vaccine. Nhưng cô không biết khi nào vaccine mới được sử dụng rộng rãi.

    Hai Thanh La, phó chủ tịch điều hành của Merchant Service Group, cho biết: “Ban đầu, các chủ tiệm rất vui mừng khi có thể xây dựng các trạm làm tóc hoặc làm móng ngoài trời, vì ngoài trời sẽ ít rủi ro hơn. Họ đã đầu tư vào một phương thức kinh doanh mới. Nhưng sau khi đổ tiền vào đó, họ phải đóng cửa nhiều lần”. Merchant Service Group là một công ty về thanh toán, quản lý hơn 5.000 tài khoản thẩm mỹ viện, bao gồm hàng trăm tài khoản do người Mỹ gốc Việt sở hữu.

    “Ngành làm đẹp khác với ngành nhà hàng. Một nhà hàng không cần phải đẹp để thành công nhưng một thẩm mỹ viện phải đẹp vì mọi người đến đó để trở nên xinh đẹp. Do đó, áp lực về chi phí là rất lớn”, anh Hai Thanh La nói thêm.

    nganh nail le hoi 1
    Những chiếc giường đã sẵn sàng nhưng không có khách. Ảnh: Latimes.

    Chuyện học tập cũng bị ảnh hưởng

    Không chỉ ảnh hưởng đến kinh doanh, đại dịch còn tác động mạnh đến việc học tập của sinh viên ngành này.

    Điển hình là trường hợp của sinh viên của Cao đẳng Làm đẹp Nâng cao, Darren Luu, người đang sắp hoàn thành 1.600 giờ học bắt buộc để đủ điều kiện thi tốt nghiệp, đã phải trì hoãn việc thi cử của mình vì đại dịch.

    Darren Luu từng thắng giải ba của một cuộc thi trực tuyến về làm đẹp năm 2020, do tổ chức Supercuts tổ chức. Tuy nhiên, sự nghiệp tiềm năng của anh sẽ phải chờ thêm vài tháng.

    “Tình hình thực sự tồi tệ. Mọi người không đi chơi, họ không chụp ảnh để khoe với mọi người. Người muốn làm đẹp thì không thể và người muốn giúp họ đẹp cũng không có cơ hội”, anh nói.

    Điểm sáng duy nhất trong hoàn cảnh này là việc Hội đồng Ngành tóc và Thẩm mỹ đã cho phép sinh viên học trực tuyến với tỷ lệ 25% học tại trường và 75% trực tuyến.

    Linh Nguyen, Phó hiệu trưởng của Cao đẳng Làm đẹp Nâng cao, cho biết. “Cách học này cũng không phải lý tưởng vì khi ở nhà, bạn phải thực hành trên ma-nơ-canh thay vì có người thật. Nhưng ít nhất, việc học của bạn không bị đình trệ”.

    Đối diện nguy cơ mất khách hàng sau lệnh phong tỏa

    Điều làm các chủ tiệm đau lòng nhất là chứng kiến khách hàng của họ rơi vào tay của những dịch vụ “ngầm”, những nơi vẫn mở cửa dù cho lệnh đóng cửa đã được ban hành.

    “Họ xem mạng xã hội và thấy khách hàng của mình đăng bài về việc họ vừa cắt tóc. Lúc đó họ biết rằng mình đang mất khách hàng. Đôi khi, bạn không thể đổ lỗi cho khách hàng vì họ vẫn cần phải làm đẹp. Tuy nhiên, vẫn rất đau lòng”, Linh chia sẻ thêm.

    nganh nail le hoi 1
    Demi Quynh dọn dẹp cơ sở của mình để đón khách sau khi lệnh phong toả hết hiệu lực. Ảnh: Latimes.

    Tết Nguyên Đán và ngày lễ tình nhân đang đến gần nên dù tình hình có khó khăn thế nào, những người làm việc trong ngành làm đẹp vẫn phải luôn chuẩn bị sẵn sàng để đón tiếp những vị khách của mình, dù với hy vọng nhỏ nhất.

    Và với Tina Vo, cô cũng có nhu cầu được làm đẹp. “Hy vọng là tôi có thể thử một màu tóc mới. Tôi muốn thợ làm tóc có việc để làm và được trả công”, cô nói.

  • Một bác sĩ trong tuyến đầu chống dịch ở London cho biết bệnh viện của mình buộc phải chữa trị cho bệnh nhân tại xe cấp cứu.

    Vị bác sỹ giấu tên đã tiết lộ các nhân viên phải di chuyển giữa bệnh viện và các xe cấp cứu ở ngoài để điều trị cho bệnh nhân trong khi sắp xếp chỗ.

    Anh ấy nói: "Đây không phải là lỗi của nhân viên bệnh viện, nhưng số bệnh nhân lớn chưa từng có và tình trạng phải hoạt động ở công suất tối đa đã buộc chúng tôi cố gắng hết sức để thích nghi. Tuy nhiên, tiêu chuẩn chăm sóc trong công việc của chúng tôi hoàn toàn khác với những gì đang xảy ra. Chúng tôi vô cùng căng thẳng và phải cố gắng hết sức khi bệnh nhân có thể bị tổn thương nghiêm trọng vì bệnh viện không có chỗ”.

    Vị bác sỹ cũng bày tỏ lo ngại tình trạng hiện nay có thể làm giảm chất lượng phục vụ: "Tuần trước, tôi điều trị cho một bệnh nhân có nồng độ oxy rất thấp trong xe cấp cứu. Rõ ràng là anh ấy bị suy tim, có dịch trong phổi – anh ấy đang chết đuối".

    “Vì vậy, tôi đưa anh ấy từ xe cấp cứu vào bệnh viện để chụp X-quang. Do không có chỗ, chúng tôi phải đặt bệnh nhân lên cáng và chuyển ra xe cấp cứu, mặc dù tim của anh ấy ngày càng yếu đi”.

    15londonhospital

    Hệ thống y tế Anh quốc đang chịu rất nhiều áp lực

    Hiện số ca tử vong lẫn ca mắc tại Anh quốc đều đang ở mức báo động. Thủ tướng đã cảnh báo các đơn vị ICU hoàn toàn có thể bị quá tải và nhân viên của NHS đang phải chịu áp lực "khổng lồ".

    Tuy các bệnh viện đang gặp phải tình trạng thiếu nhân viên, vị bác sĩ trong bài viết giải thích nguyên nhân không hoàn toàn là do họ bị nhiễm Covid-19 mà còn là trầm cảm, sang chấn tâm lý và lo lắng. Anh ấy nói: "Tôi biết nhiều y tá trong đơn vị ICU phải nghỉ làm vì không ngủ được".

    Các bác sĩ cũng rất cố gắng để những bệnh nhân nặng được gặp người thân trước khi qua đời. Vị bác sỹ cho biết trong mỗi ca làm, anh ấy thường có khoảng ba cuộc điện thoại với người nhà bệnh nhân để bàn về những giây phút cuối cùng của họ.

    Vị bác sỹ nói: "Tôi đã liên lạc với con gái của một bệnh nhân lớn tuổi sắp qua đời vì Covid - cô ấy thậm chí không biết cha mình phải nhập viện. Tôi đã đồng ý khi cô ấy muốn uống một ly whisky cuối cùng với người cha. Việc này khiến tôi rất xúc động. Cô ấy đã đến bệnh viện, họ uống rượu cùng nhau và khi cô ấy bước ra khỏi phòng chăm sóc đặc biệt, người cha đã qua đời”.

    “Giữa tất cả những chuyện kinh khủng đang diễn ra, bằng cách nào đó chúng tôi đã giúp cô ấy có mặt trong thời khắc cuối cùng của cha mình”.

    Vị bác sĩ làm việc theo ca, tan làm lúc 8 giờ tối. Vào đêm Giao thừa, anh cho biết mình cảm thấy “buồn nôn” khi nhìn thấy những người đi tiệc tùng trên đường về nhà.

    “Có rất nhiều người mặc trang phục rất đẹp. Tôi cảm thấy rất khó chịu vì tôi biết họ không ăn diện để đi mua sắm, họ đang đi dự tiệc”, vị bác sỹ nói, “Tôi cảm thấy rất buồn vì khi chúng tôi phải chiến đấu cả ngày và họ dường như không quan tâm đến điều đó và giả vờ như không có chuyện gì xảy ra".

    Viethome (Theo Metro)

  • Thủ tướng Boris Johnson hôm 4/1 đã tái áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn nước Anh vì dịch Covid-19. Nguyên nhân đợt bùng dịch này được cho là phức tạp hơn những lần trước.

    Nước Anh lần đầu phải phong tỏa vì dịch Covid-19 vào đầu năm 2020. Thời điểm đó, quốc đảo sương mù chịu thiệt hại về người và suy thoái kinh tế nặng nề nhất châu Âu.

    Tình hình trở nên khả quan hơn vào mùa hè khi tỷ lệ lây nhiễm và tử vong vì dịch có dấu hiệu hạ nhiệt. Để khống chế tình hình giống nhiều quốc gia châu Âu khác, nước Anh đã phải trả giá bằng hàng nghìn sinh mạng.

    Bước sang năm mới 2021, nước Anh một lần nữa sa vào vết xe đổ của chính mình. Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, tính đến ngày 15/1, nước Anh đã ghi nhận hơn 3,2 triệu ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có hơn 86.000 trường hợp tử vong.

    Trong bài phát biểu hôm 4/1, Thủ tướng Johnson cảnh báo về nguy cơ lan rộng của biến chủng virus mới và lo ngại hệ thống bệnh viện ở Anh sẽ bị quá tải. Do đó, ông tuyên bố tái áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ ba trong vỏn vẹn 9 tháng.

    Nguyên nhân dẫn đến đợt bùng dịch mới nhất được cho là phức tạp hơn những lần trước, tạp chí Atlantic nhận định.

    duong pho anh
    Phố xá ở Anh vắng vẻ vì lệnh phong tỏa do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Reuters.

    Thiếu quyết đoán

    Giới quan sát cho rằng một trong những nhân tố trực tiếp gây ra làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới ở Anh chính là lối vận dụng “khuyến cáo khoa học” chưa hợp lý của Thủ tướng Johnson.

    Chính trị gia 56 tuổi được cho là đã không hành động quyết đoán theo lời khuyên của các chuyên gia y tế. “Tình hình hiện tại không phải là thất bại đến từ các khuyến cáo khoa học”, cựu cố vấn Mark Walport của chính phủ Anh nói với tờ Atlantic. “Các nhà hoạch định chính sách thực tế đã lường trước được những rủi ro có thể xảy đến”.

    Cố vấn Ian Boyd của chính quyền Thủ tướng Johnson cũng cho biết: “Kể từ tháng 4, mọi người đều hiểu rằng diễn biến dịch bệnh vào mùa đông (2020) sẽ rất tệ. Ai ai cũng nhận thấy đó là điều tất yếu sẽ xảy ra”.

    Ngay từ ngày 3/3/2020, khi Anh lần đầu phong tỏa toàn quốc, các chuyên gia y tế nước này đã cảnh báo về nguy cơ bùng dịch trong giai đoạn cuối năm 2020 thậm chí sẽ khó kiểm soát hơn, do đó nên chuẩn bị sẵn phương án đối phó.

    Vào tháng 7/2020, một báo cáo công bố bởi Học viện Y khoa Anh cũng đưa ra lời cảnh báo tương tự về khả năng bùng dịch trong mùa đông.

    Tờ Financial Times nhận định rằng Thủ tướng Johnson đã rơi vào chiếc bẫy của chủ nghĩa ái quốc cực đoan khi cố biến Anh trở thành trường hợp ngoại lệ trên phương diện chống dịch tại châu Âu.

    Để tách biệt với Pháp, Italy và Tây Ban Nha, ông Johnson đã chần chừ không áp dụng ngay các biện pháp giãn cách xã hội khi diễn biến dịch có dấu hiệu xấu đi, theo Financial Times. Điều này đã tạo điều kiện cho mầm bệnh Covid-19 lây lan mạnh trong nửa sau của năm 2020.

    Cả hai ông Walport và Boyd đều cho rằng Thủ tướng Johnson đang cố chống dịch một cách "trung dung": khống chế dịch bệnh mà không phá hủy cuộc sống bình thường và nền kinh tế. Điều này hoàn toàn hợp lý, cả hai đều thừa nhận. Tuy nhiên, ông Walport cho rằng cách tiếp cận "nước đôi" này hoàn toàn có thể dẫn đến tình trạng lợi bất cập hại.

    Tác động của biến chủng mới

    Mặt khác, Thủ tướng Johnson lập luận rằng sự xuất hiện của biến chủng virus mới dễ lây lan hơn ở Anh đã khiến chiến lược chống dịch của chính phủ đi vào ngõ cụt.

    Quả thực, với độc lực mạnh và khả năng phát tán nhanh, sự xuất hiện của biến chủng SARS-CoV-2 mới tại Anh là một trong những nguyên nhân khiến tình hình đại dịch ở nước này vượt ngoài tầm kiểm soát.

    Tuy nhiên, sự phức tạp của tình hình dịch bệnh trong giai đoạn cuối 2020 là điều đã được các cố vấn y tế chính phủ Anh lường trước.

    Do đó, sự “thất thủ” dẫn đến lệnh tái phong tỏa toàn quốc một phần xuất phát từ khả năng chuẩn bị đối phó với dịch bệnh chưa hiệu quả và không triệt để của giới chức Anh, tờ Atlantic nhận xét.

    Bên cạnh đó, trước khi xuất hiện biến chủng mới, dịch Covid-19 ở Anh đã có dấu hiệu tăng mạnh trong thời gian ngắn. Theo Worldometers, tính riêng trong ngày 15/12/2020, một ngày trước khi giới chức Anh công bố về sự xuất hiện của biến chủng mới, số bệnh nhân mắc Covid-19 ở nước này đã tăng 18.450 ca trong vỏn vẹn 24 giờ.

    Từ đó có thể thấy, sự lây lan rộng của mầm bệnh SARS-CoV-2 trong cộng đồng suốt quãng thời gian dài đã làm gia tăng tỷ lệ xuất hiện đột biến nguy hiểm.

    Chung quy lại, hệ quả từ quá trình Brexit và đường lối chống dịch của chính quyền Thủ tướng Johnson đã đẩy nước Anh rơi vào tình trạng cô lập trên nhiều phương diện, tờ Financial Times nhận định.

  • Đại dịch Covid-19 khiến con số tử vong vượt quá mức trung bình hàng năm ở Anh trong năm 2020 là cao nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai tới nay.

    Có gần 697.000 người tử vong năm 2020 - cao hơn gần 91.000 so với mức dự báo dựa trên số bình quân của năm năm trước.

    Con số này cho thấy số người chết tăng 15%, mức tăng cao nhất trong hơn 75 năm qua.

    Sau khi đã tính toán các chỉ số tuổi tác và quy mô dân số, tỷ lệ tử vong trong năm 2020 là cao nhất kể từ thập niên 2000 tới nay.

    Số liệu tuy mới chỉ tính đến hết tháng 11 và chưa bao gồm thống kê của tháng 12 nhưng đã cho thấy tỷ lệ tử vong tính đến thời điểm đó đã là cao nhất ở xứ Anh (England) kể từ 2008 tới nay.

     116409375 gettyimages 1230476995
    Các cửa hàng không phải diện 'thiết yếu' đóng cửa trong thời gian phong tỏa

    Phân tích của Nick Triggle - Phóng viên y tế

    Dữ liệu về tử vong có thể gây hiểu nhầm.

    Một mặt, số người tử vong vượt dự báo trung bình là cao nhất từ Thế Chiến II. Mặt khác, tỷ lệ tử vong, một khi đã xét cả về độ tuổi và quy mô dân số, là ở mức tồi tệ nhất 'chỉ' trong hơn một thập kỷ qua.

    Vậy chúng ta giải thích con số này ra sao?

    Số người tử vong vượt mức trung bình cơ bản là con số tính xem có bao nhiêu người chết nhiều hơn dự tính, dựa vào số tử vong những năm trước.

    Rõ ràng là, năm 2020 có số tử vong tăng vọt ngoài dự tính vì đại dịch, cũng như Thế chiến II dẫn đến con số tăng đột ngột.

    Nó cho thấy đại dịch đã phá hủy những tiến bộ chúng ta đạt được trong hơn một thập kỷ qua. Nhưng nó cũng giúp ta nhìn con số tử vong trong 12 tháng qua trong bối cảnh rộng hơn.

    Giám đốc quỹ King, ông Richard Murray cho biết tình hình nhiều khả năng sẽ còn xấu đi, vì số người chết do Covid tăng cao sau khi dịch lan rộng trong vài tuần qua.

    "Anh Quốc có một trong những tỷ lệ người tử vong cao nhất trên thế giới, với số người chết vượt dự tính trên một triệu dân cao hơn hầu hết các nước châu Âu và Mỹ," ông nói.

    "Cần có một cuộc điều tra công để xác định chuyện gì đã xảy ra, nhưng đã có nhiều sai lầm.

    "Trong một đại dịch, sai lầm làm mất mạng sống. Các quyết định phong tỏa liên tục ra trễ, và chính phủ không học được từ những sai lầm trong quá khứ hay kinh nghiệm của các nước khác.

    "'Vòng bảo vệ' đối với những người trong ngành chăm sóc người già được hứa hẹn trong làn sóng thứ nhất được triển khai rất chậm và thường không đủ, góp phần dẫn đến thêm nhiều ca tử vong ở các trại dưỡng lão năm ngoái.

    "Cũng như nhiều nước khác, Anh Quốc chuẩn bị rất tồi cho đại dịch loại này."

    Matthew Reed từ Tổ chức từ thiện Marie Curie nói việc tập trung vào Covid không che được thực tế là đã có "khủng hoảng thầm lặng" về những người chết ở nhà.

    Ông nói nhiều người đã chết sớm trong năm 2020 vì các nguyên nhân khác - với số người chết ở nhà tăng mạnh.

    "Chúng tôi lo ngại rằng nhiều người đã không nhận được sự chăm sóc họ cần," ông nói thêm.

    Nguồn: BBC News Tiếng Việt

     

  • Biến thể nCov khiến số ca bệnh và tử vong tăng nhanh, bệnh viện hết nơi chứa thi thể nên chính quyền phải lập nhà xác tạm.

    Anh ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong cao kỷ lục trong vài tuần qua. Sự gia tăng số ca bệnh đặc biệt cao ở London và đông nam nước Anh.

    Tại Surrey, phía nam London, nhà xác bệnh viện hạt đã hết chỗ chứa, khiến chính quyền phải bố trí một nhà xác tạm thời.

    Người phát ngôn của tổ chức liên cơ quan Y tế và Môi trường Surrey Resilience cho biết, không đành lòng để thi thể bệnh nhân Covid-19 ngổn ngang ở hành lang bệnh viện và tránh tình trạng ùn đọng, cơ sở này đã liên hệ với nhà xác dã chiến.

    nha xac da chien
    Một nhà xác tạm thời chứa 950 thi thể ở Aylesford, Kent. Ảnh: Guardian

    Nhà xác ở Headley Court có thể chứa 845 thi thể, được sử dụng lần đầu tiên vào tháng 4/2020, trong đợt bùng phát dịch đầu tiên ở Anh. Trong 12 tuần từ tháng 4 đến tháng 6/2020, cơ sở này đã tiếp nhận 700 thi thể. Ba tuần cuối tháng 12/2020, Headley Court tiếp nhận thêm 330 xác.

    Các cơ sở tương tự đang được thiết lập ở London và Kent.

    Tính đến nay, Anh ghi nhận hơn 80.000 ca tử vong do Covid-19, hơn 3 triệu ca nhiễm, cao thứ 5 toàn cầu. Ngày 11/1, Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố đây là thời điểm khó khăn đối với Dịch vụ Y tế Quốc gia trong khi các bệnh viện phải đối mặt với tình trạng quá tải.

    Trước tình trạng lây nhiễm tăng nhanh chóng, Anh đang phong tỏa toàn quốc, dự kiến kéo dài ít nhất đến tháng 2. Giữa tháng 12/2020, Anh công bố phát hiện biến thể nCoV mới B.1.1.7, có hơn 20 đột biến và khả năng lây nhiễm cao hơn 70%.

    VnExpress (theo Reuters)

  • Giới chức y tế Anh dự báo những tuần tới sẽ là khoảng thời gian khó khăn nhất của đại dịch, do số bệnh nhân Covid-19 nhập viện tăng mạnh.

    Ngày 12/1, cơ quan thống kê chính phủ cho biết năm vừa rồi Anh ghi nhận hơn nửa triệu ca tử vong, nhiều nhất trong một thế kỷ qua, vượt cả số người thiệt mạng trong đại dịch cúm năm 1918. Hơn 90.000 người thiệt mạng ngoài dự tính, là con số cao nhất kể từ Thế chiến Thứ hai.

    Dù vậy, nhà chức trách cảnh báo điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra. Đợt bùng phát gần đây khiến số trường hợp nhập viện và ca tử vong tăng lên.

    Biến thể mới, dễ lây lan hơn của nCoV xâm nhập nước Anh. Ước tính cứ 30 người London thì một người nhiễm virus. Các bệnh viện sắp quá tải dù chính phủ đã cảnh báo người dân về tình hình cấp bách.

    Thủ tướng Boris Johnson đã họp với nội các hôm 12/1 để thảo luận về việc siết chặt lệnh hạn chế. Các quán rượu, nhà hàng và điểm bán lẻ phải đóng cửa. Trường học vẫn chưa hoạt động trở lại và các cuộc tụ họp đông người bị cấm. Người dân được yêu cầu chỉ ra khỏi nhà để mua sắm nhu yếu phẩm và tập thể dục.

    Cảnh sát cho biết đã xử phạt tới 45.000 người, con số dự kiến tăng trong thời gian tới. Các siêu thị được kêu gọi xử lý những khách không đeo khẩu trang khi đi mua sắm, song nhiều người vẫn phớt lờ quy định.

    Martin Hewitt, Hội đồng Cảnh sát trưởng Quốc gia, cho biết cơ quan sẽ không ngần ngại xử phạt họ vì gây nguy hại đến an ninh sức khỏe quốc gia.

    Anh ghi nhận tín hiệu tích cực gần đây. Sau khi tăng mạnh trong nhiều tuần, số ca nhiễm nCoV bắt đầu giảm xuống. Ngày 12/1, nước này báo cáo 45.000 trường hợp dương tính, ít hơn đáng kể so với mức kỷ lục 80.000 gần đây.

    thoi khac toi te 1
    Nhân viên cấp cứu vận chuyển người mắc Covid-19 đến Bệnh viện Thành phố Birmingham, Anh, ngày 12/1. Ảnh: AP

    Tuy nhiên, giới chức cảnh báo hệ quả của kỳ nghỉ Giáng sinh vẫn chưa lộ rõ. Khi số người nhập viện gia tăng, cuộc khủng hoảng tại các cơ sở y tế sẽ ngày một nghiêm trọng.

    "Những tuần tới sẽ là thời gian tồi tệ nhất của đại dịch, nếu xét về số ca nhập viện", giám đốc cơ quan y tế Anh, Chris Whitty, cho biết hôm 11/1.

    Khoảng 35.000 bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị, cao hơn nhiều so với 14.000 hồi mùa xuân năm ngoái. Ngay cả khi tỷ lệ lây nhiễm chậm lại, đến ngày 19/1, bệnh viện ở London có thể thiếu 2.000 giường, theo dữ liệu của Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS).

    Theo thông tin chính phủ, tính đến ngày 8/1, hơn 3.000 bệnh nhân phải thở máy. Một số bệnh viện dựng nhà xác tạm thời sau khi nhà tang lễ hết chỗ. Số người chết dự kiến sẽ tăng đều trong những tuần tới.

    Các xe cứu thương chạy đua khắp London trong nhiều ngày để tìm kiếm giường cho bệnh nhân Covid-19 ốm yếu tuyệt vọng. Giờ đây, nhân viên y tế đã kiệt sức. Hàng trăm cảnh sát và lính cứu hỏa được điều động thế chỗ họ, giữ cho dịch vụ cấp cứu hoạt động.

    Nhân viên chăm sóc sức khỏe vật lộn để đối phó với lượng bệnh nhân gia tăng. Cùng lúc, họ được yêu cầu hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng tham vọng nhất lịch sử quốc gia.

    Jeremy Hunt, chủ tịch Ủy ban Lựa chọn Y tế Quốc hội, nhận định hệ thống y tế được ca tụng khắp đất nước đang trên bờ vực sụp đổ.

    Bên cạnh thiếu giường bệnh, Anh cũng không đủ y bác sĩ được đào tạo để điều trị người mắc Covid-19. Ban lãnh đạo bệnh viện cho biết họ phải tiếp nhận một lúc nhiều bệnh nhân, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc.

    Thất bại của chính phủ khi ngăn chặn biến thể lây lan đặt ra câu hỏi liệu có nên siết thêm hạn chế di chuyển. Song thành công của các lệnh đó phụ thuộc nhiều vào hành vi người dân.

    "Hầu hết họ đang làm đúng quy định để tự đảm bảo an toàn, nhưng đáng buồn là một số ít tiếp tục phớt lờ nguyên tắc. Họ tụ tập trong nhà, gặp nhau dưới tầng hầm để chơi bài hoặc đột nhập vào hầm đường sắt và tổ chức tiệc trái phép", Cressida Dick, ủy viên Sở Cảnh sát Thủ đô, cho biết.

    Lo ngại về các cụm dịch trong siêu thị, nhà chức trách kêu gọi thực hiện đeo khẩu trang nghiêm ngặt hơn. Đến nay, thói quen này vẫn chưa phổ biến. Người dân không bắt buộc đeo khẩu trang ở trong nhà lẫn ngoài trời.

    Các chuỗi cửa hàng lớn cam kết phòng ngừa nghiêm túc, phát khẩu trang cho khách tại cửa ra vào. Song ngày 12/1, báo chí Anh vẫn tràn ngập hình ảnh những người coi thường luật lệ.

    thoi khac toi te 1
    Người dân Anh đeo khẩu trang khu mua sắm tại siêu thị Sainsbury, London, ngày 11/1. Ảnh: Reuters

    Đại dịch ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế. Hiệp hội Bán lẻ báo cáo 2020 là năm tồi tệ nhất đối với toàn ngành.

    Khủng hoảng y tế và kinh tế leo thang nhấn mạnh tính cấp bách của chiến dịch tiêm chủng, vốn đang có tốc độ ổn định. Giới chức lạc quan sẽ đạt được mục tiêu tiêm liều vaccine đầu tiên cho ít nhất 15 triệu người trên 70 tuổi và nhóm có nguy có cao nhiễm virus trước ngày 15/2.

    Đến nay, hơn 2,4 người đã chủng ngừa, trong đó hơn 380.000 người đã tiêm cả hai liều.

    Stephen Powis, giám đốc Dịch vụ Y tế Quốc gia, cho biết chương trình tiêm chủng sẽ giúp làm giảm số ca nhập viện.

    "Nhưng nó sẽ không xảy ra luôn. Phải đến tháng 3, chúng ta mới thấy các dấu hiệu đầu tiên. Vaccine đem lại hy vọng, nhưng để chống lại virus ngay hôm nay, chúng ta vẫn phải lập tức tuân thủ các hướng dẫn sức khỏe".

    VnExpress (theo NY Times)

  • Giới khoa học lần đầu tiên phát hiện một bệnh nhân Covid-19, nữ, 47 tuổi, mang tới 18 đột biến khác nhau của virus trong cơ thể.

    Người này có bệnh nền ung thư hạch bạch huyết ác tính, mắc Covid-19 và điều trị từ tháng 4 đến tháng 9/2020. Nghiên cứu được nhóm chuyên gia công bố trên Virological, diễn đàn thảo luận và phân tích sự tiến hóa của virus, dịch tễ học.

    Trong hơn 4 tháng nhiễm nCoV, bộ gene của người phụ nữ có 18 đột biến mới gia tăng độc lập, bao gồm các đột biến được tìm thấy ở ổ dịch liên quan đến chồn Đan Mạch và biến thể Anh.

    Đây là bệnh nhân Covid-19 đầu tiên thế giới được ghi nhận mang một lúc quá nhiều đột biến virus.

    Với rất nhiều thay đổi, các nhà khoa học cho rằng các đột biến tạo nên biến thể mới hoàn toàn.

    Theo nhà miễn dịch học Nikolai Kryuchkov, Covid-19 thay đổi nhanh chóng ở những người có hệ miễn dịch suy yếu. Bệnh nhân này vào thời điểm đó đang trong phác đồ hóa trị ung thư, tạo điều kiện thích hợp để virus biến đổi.

    "Các chuyên gia nhận thấy tỷ lệ đột biến trong cơ thể người ốm yếu cao hơn nhiều so với người bình thường", ông nói.

    18 the covid
    Nhân viên y tế lấy mẫu dịch ngoáy họng của bệnh nhân để xét nghiệm nCoV tại Moskva. Ảnh: Reuters

    Pavel Volchkov, chuyên gia kỹ thuật bộ gene, trưởng phòng thí nghiệm tại Viện Vật lý và Công nghệ Moscow, lưu ý biến thể ở bệnh nhân này có những điểm giống với phiên bản của Anh, song cũng sở hữu đặc tính riêng.

    Ngày 12/1, Alexander Gintsburg, người đứng đầu Viện Gamaleya, nơi phát triển vaccine Sputnik V, cho biết khả năng cao Nga đã xuất hiện biến thể nCoV hoàn toàn mới.

    "Nếu biến thể đã xuất hiện ở Anh, Nam Phi và Brazil, có lẽ chúng cũng lưu hành tại đây. Nga rộng lớn hơn nhiều, đáng ra phải phát hiện biến thể từ lâu rồi", ông nói.

    Nga là vùng dịch lớn thứ 4 thế giới, với hơn 3 triệu ca nhiễm và 63.370 trường hợp tử vong vì Covid-19, tính đến ngày 14/1. Hôm 13/1, Tổng thống Vladimir Putin nhận định vaccine Sputnik V của nước này tốt nhất thế giới và ra lệnh triển khai tiêm chủng đại trà từ tuần tới. Song hiện chưa rõ sản phẩm có hiệu quả trên các biến thể của nCoV hay không.

    VnExpress (theo Reuters)

  • Ashley Gomez, 30 tuổi, sống tại Los Angeles, California, ra đi khi chưa được bế đứa con trai thứ 6.

    Ashley Gomez, làm nghề điều dưỡng 12 năm, vốn là người thích quan tâm chăm sóc người khác.

    Hôm 18/12/2020, khi đang mang thai ở tuần 37, cô nhập viện với triệu chứng khó thở. Các bác sĩ đã mổ cấp cứu đón bé Corey, đứa con trai thứ 6 của cô, chào đời. Gomez phải thở máy, qua đời hai tuần sau đó.

    "Thật không thể tin được. Gomez là người tuyệt vời", bà Gornick, mẹ của Gomez, nói.

    Gia đình cô không rõ nguồn lây nhiễm nCoV. Là nhân viên y tế, Gomez thường mặc đồ bảo hộ khi làm việc. Với ý thức nghề nghiệp, cô rất cẩn thận khi ra ngoài. Song, Gomez vẫn mắc Covid-19 với triệu chứng nặng như khó thở và sốt. Khi nhập viện, bác sĩ phát hiện thêm cô bị nhiễm trùng đường tiết niệu.

    mat me boi dich benh
    Những thành viên còn lại trong gia đình Ashely Gomez. Ảnh: Veronica Gornick

    Sau ca mổ sinh, Gomez nhắn tin cho mẹ thông báo khỏe hơn. Đến đêm hôm ấy, cơn khó thở ập đến, cô phải mở nội khí quản. Bác sĩ nghi ngờ tình trạng nhiễm trùng tiết niệu đã lan sang các bộ phận cơ thể khác và tích cực điều trị.

    Đầu tháng 1, gia đình nhận được cuộc gọi từ bệnh viện thông báo "Gomez sốt cao 43 độ C, lọc thận, thở máy và tim dần ngừng đập".

    Sáng hôm sau, mẹ và chồng của Gomez ngồi bên giường vĩnh biệt cô. Bà Gornick nhớ lại: "Bác sĩ nói hoặc tiếp tục cố gắng hồi sức hoặc ngừng lại để Gomez ra đi thanh thản. Tôi phải đối mặt với lựa chọn khó khăn".

    Gomez mất ngày 3/1.

    Gomez là mẹ của 5 đứa con trai, gồm Ryan 11 tuổi, Jacob 9 tuổi, Zachary 8 tuổi, Maverick 2 tuổi và Jordan một tuổi. Cô chưa một lần bế ẵm bé Corey mới sinh. Gia đình nhớ những khoảnh khắc cô vui đùa, tập bóng chày với con.

    Bà Gornick cho biết: "Lũ trẻ suy sụp. Jacob hỏi tôi tại sao mẹ phải ra đi? Tôi đã rất khó khăn an ủi rằng 'cháu yêu, tất cả chúng ta vẫn bên nhau, mẹ ở trong trái tim con'".

    "Gomez là một người tuyệt vời, thông minh và tốt bụng. Thật không công bằng với con bé. Tôi ước mọi người sẽ cảnh giác, đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, bởi Covid-19 thật kinh khủng", Gornick nói.

    Nguồn: Today

  • A Target, Big W và siêu thị bán đồ Việt Nam là một trong số các địa điểm mới được thêm vào danh sách các địa điểm tiếp xúc với một trường hợp coronavirus đã được xác nhận.

    sieu thi uc 1

    NSW Health đã ban hành một cảnh báo sức khỏe cộng đồng vào tối Chủ nhật cho các địa điểm Bankstown và một siêu thị ở Marrickville.

    Tin tức được đưa ra sau khi NSW ghi nhận ba trường hợp mới chỉ trong một đêm, tất cả đều được liên kết với các cụm đã biết.

    “NSW Health đã được thông báo về một số địa điểm mới ở phía tây nam của Sydney và một siêu thị ở nội ô phía tây của Sydney với những trường hợp được xác nhận nhiễm COVID 19,” NSW Health cho biết.

    “Bất kỳ ai đã tham dự các địa điểm sau đây vào những thời điểm được liệt kê dưới đây là một người tiếp xúc bình thường phải đi xét nghiệm ngay lập tức và tự cách ly cho đến khi nhận được kết quả âm tính. Nếu bất kỳ triệu chứng nào xuất hiện, hãy đi kiểm tra lại ”.

    Các địa điểm cảnh báo mới bao gồm:

    Siêu thị Thái Hưng, Marrickville, vào Thứ Năm ngày 31 tháng 12, 3h45 – 16h45

    Trung tâm mua sắm Bankstown Central, North Terrace, Bankstown vào Thứ Tư ngày 6 tháng 1, 11:30 sáng – 2 giờ chiều

    sieu thi uc 1

    Đặc biệt, các cửa hàng sau: Target, Myer, Smiggle, Big W, Best and Less, và Oporto trong khu ẩm thực

    Trung tâm mua sắm Bankstown Central, North Terrace, Bankstown vào Thứ Sáu ngày 8 tháng 1, 1 giờ chiều – 2 giờ 30 chiều

    Đặc biệt, các cửa hàng sau: Smiggle, Big W và Oporto trong khu ẩm thực

    Service NSW, 350/351 North Terrace, Bankstown vào Thứ Sáu ngày 8 tháng 1, 11 giờ 45 sáng – 1 giờ chiều

    Trong khi đó, bất kỳ ai đã đến các địa điểm dưới đây nên theo dõi các triệu chứng và đi xét nghiệm nếu có.

    Các địa điểm này là:

    Trung tâm mua sắm Bankstown Central, North Terrace, Bankstown vào Thứ Tư ngày 6 tháng 1, 11:30 sáng – 2 giờ chiều

    Trung tâm mua sắm Bankstown Central, North Terrace, Bankstown vào Thứ Sáu, ngày 8 tháng 1, 11:15 sáng đến 22:30 tối.

    Theo Báo Úc

  • Một viện dưỡng lão ở đông Sussex, Anh, bị Covid-19 tàn phá nặng nề. Phân nửa cư dân tại đây đã tử vong vì căn bệnh này trong dịp Giáng sinh năm 2020.

    Bi kịch này làm dấy lên lo ngại về virus biến thể - chủng virus dễ lây lan hơn đang càn quét phía đông nam nước Anh.

    Ông Adam Hutchison, giám đốc điều hành tại viện dưỡng lão Edendale Lodge ở Crowhurst, đông Sussex, cho biết có đến 13 trong số 27 cư dân tại viện dưỡng lão này qua đời do Covid-19, bao gồm những trường hợp nghi nhiễm và đã xác nhận, từ ngày 13/12/2020.

    Hơn một phần ba nhân viên tại đây cũng có kết quả xét nghiệm dương tính trong đợt bùng dịch - thời điểm nhiều cư dân tử vong vào đêm Giáng sinh và Ngày lễ tặng quà (Boxing Day). Cái chết mới nhất là ngày 4/2.

    vien duong lao covid
    Hình ảnh của viện dưỡng lão Edendale Lodge. Giám đốc viện cho rằng những cái chết do Covid tại đây là không thể ngăn được. Ảnh: Belmont Healthcare.

    Đợt bùng dịch mới

    "Đó là một Giáng sinh tồi tệ và khủng khiếp đối với các nhân viên", ông Hutchison cho biết. "Chúng tôi không thể ngăn cản những cái chết ấy. Chúng tôi quá dễ bị lây nhiễm".

    Trên khắp nước Anh, Covid-19 lần nữa gia tăng sự bùng phát tại các viện dưỡng lão, sau khi tỷ lệ lây nhiễm giảm xuống trong nhiều tháng nhờ các biện pháp kiểm soát.

    Ngày 5/2, hội đồng hạt Essex đã cấm tất cả chuyến viếng thăm viện dưỡng lão trong khu vực do "số lượng ca nhiễm trong đợt dịch bùng phát ngày càng tăng, gây khó khăn cho hoạt động kiểm soát dịch bệnh".

    Dịch vụ Chăm sóc Sức khỏe Tổng hợp Kent (KICA), đại diện cho các viện dưỡng lão trong khu vực, lên tiếng cảnh báo về những trường hợp tử vong do Covid-19 và sự thiếu hụt nhân viên chăm sóc, cùng với sự kiệt quệ về cả tinh thần và cảm xúc của họ. Khả năng tồn tại qua đại dịch của các viện dưỡng lão cũng đang bị đe dọa.

    Nhiều viện dưỡng lão cảm thấy nản lòng khi vaccine vẫn chưa được triển khai rộng rãi cho người dân. Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu trước nghị viện vào ngày 6/1 rằng ông muốn chương trình cung cấp vaccine được đẩy nhanh. Cho đến nay, mới chỉ có 10% cư dân và 14% nhân viên trong viện dưỡng lão đã nhận được vaccine.

    "Rõ ràng cần phải đẩy nhanh việc tiêm vaccine", Thủ tướng Johnson nhấn mạnh.

    Các bác sĩ đa khoa sẽ triển khai cung cấp vaccine AstraZeneca đến những viện dưỡng lão từ nửa cuối tuần thứ hai của tháng 1/2021.

    Những nỗ lực kiểm dịch

    Đợt bùng phát này được phát hiện bằng xét nghiệm thông thường. Theo ông Hutchison, không ai trong số 14 cư dân dương tính với virus xuất hiện triệu chứng trước khi họ có kết quả xét nghiệm. Một trong số 12 nhân viên chăm sóc có kết quả dương tính đã được nhập viện và đang trong quá trình hồi phục.

    Đợt bùng dịch này dường như đã làm rối loạn các biện pháp kiểm dịch tại viện dưỡng lão, bao gồm cấm đến thăm trực tiếp, sử dụng đồ bảo hộ cá nhân cho nhân viên chăm sóc và các nhân viên không qua lại phục vụ giữa các nhà khác nhau.

    "Thật khó để xác định virus đã lây lan như thế nào", ông Hutchison chia sẻ về đợt bùng phát.

    Ông cho biết một số cư dân của viện dưỡng lão đã có những buổi hẹn với bác sĩ tại bệnh viện trước đó và các nhân viên cũng phải có cuộc sống riêng bên ngoài công việc. Công ty của ông, Belmont Healthcare, quản lý bốn viện dưỡng lão và đều yêu cầu nhân viên khai báo nếu họ còn có công việc khác.

    Số liệu chính thức cho thấy số ca tử vong tại viện dưỡng lão trên khắp nước Anh tăng đều trong tháng 12/2020. Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, vào đầu tháng 12, các viện dưỡng lão tại nước này đã ghi nhận 440 người chết vì Covid-19 trong một tuần. Số người thiệt mạng lên đến 588 người vào tuần trước Giáng sinh.

    Trên toàn nước Anh, việc thăm hỏi phần lớn đã bị cấm tại các viện dưỡng lão, trừ khi cư dân đó trong tình trạng nguy kịch hoặc có những buồng kiểm soát lây nhiễm được lắp đặt.

    Chính phủ cung cấp các loại thiết bị bảo hộ cá nhân miễn phí cho viện dưỡng lão. Một mạng lưới chuyên tiếp nhận chất thải dương tính với Covid-19 từ bệnh viện để tránh lây nhiễm chéo cũng được thiết lập. Với tình trạng phong tỏa như hiện tại, tiếp xúc trực tiếp và tiếp xúc qua cửa sổ hay buồng riêng đều bị cấm.

    Ông Hutchison lo ngại rằng các viện dưỡng lão có thể sẽ phải đóng cửa do chi phí nhân lực và ảnh hưởng của những đợt bùng phát.

    "Điều gì sẽ xảy ra với những cư dân của viện dưỡng lão khi các viện buộc phải đóng cửa?", ông chia sẻ. "Họ sẽ đi về đâu? Tới các cơ sở y tế quốc gia không phải một lựa chọn sáng suốt, bởi điều này sẽ gây căng thẳng thêm cho dịch vụ y tế ở đó".

  • Số ca tử vong do COVID-19 tại Anh tính đến ngày 9/1 đã lên đến con số 80.868 người. Như vậy, Anh và Italy là hai quốc gia có số ca tử vong vì OCVID-19 cao nhất tại châu Âu.

    ttxvb covid19 london vang ve
    Một khách sạn tại trung tâm thủ đô London, Anh đóng cửa trong bối cảnh các biện pháp hạn chế được áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, ngày 29/12/2020.

    Anh đã ghi nhận tổng cộng hơn 3 triệu ca mắc COVID-19, sau khi chính phủ nước này công bố 59.927 ca mắc mới và 1.035 trường hợp tử vong trong ngày 9/1.

    Số ca tử vong do COVID-19 trong ngày 9/1 đã nâng tổng số người chết tại Anh do dịch bệnh lên con số 80.868 người.

    Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Anh và Italy là hai quốc gia có số ca tử vong vì OCVID-19 cao nhất tại châu Âu.

    Cũng trong ngày 9/1, Điện Buckingham cho biết Nữ hoàng Anh Elizabeth II cùng phu quân đã được tiêm vắcxin ngừa COVID-19.

    Từ đầu tuần này, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã phải lần thứ ba phải áp dụng biện pháp phong tỏa, yêu cầu mọi người dân ở yên trong nhà, trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục lây lan nhanh sau kỳ nghỉ Giáng sinh và Năm mới./.

    Anh đã triển khai tiêm vắcxin COVID-19 cho 1,5 triệu người dân

    Ngày 7/1, Thủ tướng Anh Boris Johnson xác nhận hiện đã có 1,5 triệu người dân nước này được tiêm mũi vắcxin đầu tiên ngừa bệnh COVID-19.

    Ông Johnson cũng cho biết, hơn 1.000 phòng khám bác sỹ gia đình trên toàn Anh sẽ tiến hành tiêm chủng cho hàng trăm nghìn người mỗi ngày, bắt đầu từ ngày 15/1. Bên cạnh đó, 223 bệnh viện, 7 trung tâm tiêm chủng lớn và 200 hiệu thuốc cũng sẽ cung cấp dịch vụ tiêm chủng phòng COVID-19 cho người dân.

    Theo phóng viên TTXVN tại London, tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh số ca tử vong do COVID-19 tại Anh tiếp tục gia tăng với con số kỷ lục mới trong ngày 7/1 là 52.168 ca mắc và 1.162 người tử vong.

    Thủ tướng Johnson thừa nhận quá trình triển khai chương trình tiêm chủng toàn quốc có thể sẽ gặp những khó khăn, vướng mắc cục bộ do Anh chưa bao giờ tiến hành chương trình tiêm chủng rộng như vậy, do đó cần sự nỗ lực tổng hợp từ tất cả các bên tham gia.

    Dự kiến Anh sẽ triển khai tiêm mũi vắcxin đầu tiên của AstraZeneca/Đại học Oxford tại các phòng khám bác sỹ gia đình và mũi thứ hai dự kiến sẽ tiêm trong vòng 12 tuần sau đó.

    Đây là vấn đề đang gây tranh cãi giữa chính phủ và các chuyên gia về thời gian cách giữa hai mũi tiêm. Chính phủ duy trì quan điểm rằng tiêm mũi đầu cho càng nhiều người càng tốt, sau khi sản xuất tiếp vắcxin sẽ tiêm mũi thứ hai, thay vì đảm bảo như kế hoạch trước là mỗi người sẽ được tiêm đủ 2 mũi cách nhau 3 tuần.

    Hiện số ca nhập viện do COVID-19 tại Anh đang tăng lên từng ngày, trong khi các bệnh viện của nước này đều đang đứng trước nguy cơ quá tải. Theo số liệu ngày 7/1, hiện có 30.370 người đang phải nhập viện, cao hơn rất nhiều so với đỉnh dịch hồi mùa Xuân 2020.

    Lãnh đạo nhiều bệnh viện đã lên tiếng cảnh báo rằng hiện các nhân viên y tế được đào tạo để chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 đã làm việc hết công suất, do đó rất cần tăng cường thêm những "nhân viên không đào tạo" để lấp vào chỗ thiếu hụt./.

  • Công tác phòng dịch ở thủ đô đang gặp rất nhiều khó khăn khi số bệnh nhân Covid-19 nhập viện tăng mạnh.

    Vào hôm qua 8/1, thị trưởng London Sadiq Khan đã đưa ra tuyên bố khẩn cấp để thúc giục chính phủ hỗ trợ hệ thống y tế công. Ông Khan cảnh báo NHS đang trên bờ vực bị quá tải và vi-rút đã vượt tầm kiểm soát.

    Hiện có hơn 7,000 bệnh nhân Covid tại các bệnh viện London - nhiều hơn gần 2,000 so đỉnh dịch đầu tháng 4 năm ngoái, trong đó gần 1,000 người phải sử dụng máy thở.

    Đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) cho biết người từ 19 đến 30 tuổi nhập viện sau khi nhiễm “chủng vi-rút Kent” mới và đưa ra cảnh báo cho hệ thống y tế trên khắp lục địa Châu Âu. London ghi nhận hơn 10,000 ca mắc mới vào ngày thứ Năm với tỷ lệ mắc 1,035.9 ca trên 100,000 người trong bảy ngày – mức cao nhất trên cả nước.

    08 jan daily

    Tại London, vi-rút đang lây lan vượt tầm kiểm soát 

    Trong một diễn biến đáng báo động khác, tình trạng lây lan đang tăng vọt ở những người lớn tuổi, làm dấy lên lo ngại số ca tử vong cũng tăng mạnh. Tính đến rạng sáng ngày hôm qua, London có 9,306 ca tử vong trên tổng số 78,508 ca mắc. Một số tin đáng chú ý khác:

    • Số người London trên 60 tuổi nhiễm vi-rút tăng gấp 4 lần kể từ đầu tháng 12, với nhiều ca lây lan vào dịp Giáng sinh
    • Các bác sĩ cảnh báo nhân viên ICU gần như kiệt sức với lịch trình làm việc dày đặc có thể khiến bệnh nhân bị tổn thương
    • Các chuyên gia cho biết “không có bằng chứng” cho thấy mặt nạ thở oxy cao áp CPAP có kết quả tốt hơn so với hệ thống máy thở khí xâm lấn khi một số bệnh nhân yếu đi nhanh chóng sau thời gian dài điều trị CPAP
    • Nghiên cứu mới chỉ ra vắc-xin Pfizer có thể có hiệu quả đối với các biến thể Covid-19 tại Kent và Nam Phi
    • Số lượng “sự cố” liên quan tới Covid-19 tại nhà dưỡng lão ở thủ đô tăng, với 99 ca trong vòng 7 ngày trở lại đây

    Bệnh viện Hoàng gia London – cơ sở y tế lớn nhất tại thủ đô, có hơn 120 bệnh nhân được điều trị trong ICU và còn khả năng nhận thêm khoảng 30 người vào đơn vị này.

    Giáo sư Rupert Pearse cảnh báo Hiệp hội Y học Chăm sóc Đặc biệt tại Châu Âu rằng các bác sĩ cảm thấy "kinh hoàng" trước sự gia tăng ca bệnh ở London.

    Ông Pearse nói: “Tình hình thực sự nghiêm trọng. Khối lượng công việc nhiều không tưởng. Bệnh viện của tôi có hơn 120 bệnh nhân ICU. Chúng tôi hy vọng con số này sẽ dừng lại ở khoảng 150 nhưng việc này không thể lường trước được”.

    “Nếu con số vượt mức 150, tôi thực sự không chắc bệnh viện sẽ làm gì. Chúng tôi không có giải pháp đề phòng cho tình huống đó. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục tiếp tiếp nhận thêm bệnh nhân”.

    Sir Simon Stevens, giám đốc điều hành NHS England, thừa nhận rủi ro các bệnh viện London bị quá tải trong 21 ngày tới là hoàn toàn có thể xảy ra.

    9londonmajorincident1

    Ông Khan kêu gọi toàn bộ người dân ở nhà 

    Trong tuyên bố tình trạng khẩn cấp, thị trưởng Khan nói: “Tình hình ở London đang rất nghiêm trọng khi vi-rút lây lan vượt tầm kiểm soát”.

    “Các bác sĩ, y tá và nhân viên NHS dũng cảm của chúng ta đang làm việc một cách đáng kinh ngạc, nhưng khi số ca bệnh tăng quá nhanh, các bệnh viện có nguy cơ bị quá tải. Thực tế là họ sẽ hết giường trong vài tuần tới trừ khi tình trạng vi-rút lây lan được cải thiện”.

    “Chúng tôi tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì mối đe dọa mà Covid-19 gây ra cho London đang ở mức cực kỳ nghiêm trọng. Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ, NHS sẽ bị quá tải và nhiều người phải thiệt mạng”.

    Lần cuối cùng London ban bố tình trạng khẩn cấp là sau vụ khủng bố 7/7 vào năm 2005.

    “Người dân London đã và đang hy sinh rất nhiều. Hôm nay tôi khẩn cầu mọi người hãy ở nhà và chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết”, ông Khan nói.

    Trong số những người trên 60 tuổi, số ca mắc kể từ đầu tháng 12 đã tăng lên hơn 12,000 trong vòng 7 ngày tính đến ngày 2/1. Tỷ lệ mắc ở nhóm tuổi này đang tăng nhanh, thậm chí cao hơn so với những nhóm dân số trẻ hơn.

    Viethome (Theo Evening Standard)

  • Thị trưởng London, ông Sadiq Khan, cho biết tỉ lệ lây nhiễm COVID-19 ở mức báo động này và tuyên bố dịch bệnh COVID-19 là một biến cố lớn ở thủ đô nước Anh.

    ti le mac benh o london
    Các phụ nữ đeo khẩu trang trong đại dịch COVID-19 tại London, Anh - Ảnh chụp ngày 8-1-2021 - Ảnh: REUTERS

    "Nguy cơ của virus này với thành phố chúng ta đang ở điểm khủng hoảng", Thị trưởng London, ông Sadiq Khan, viết trên Twitter. Và vì thực tế này, ông Khan tuyên bố đang có một biến cố lớn tại London.

    "Cứ 30 người London lại có một người mắc COVID-19. Nếu chúng ta không hành động ngay lập tức lúc này, Cơ quan y tế và dịch vụ dân sinh (NHS) có thể bị quá tải và sẽ có thêm người chết", ông tiếp.

    Trước đó ông Sadiq Khan đã cảnh báo virus đã "ngoài tầm kiểm soát" và NHS đang sắp sửa quá tải.

    Trong diễn biến liên quan, theo hãng tin AFP, ngày 8-1 nước Anh lại tiếp tục ghi nhận những số liệu cao kỷ lục khác về dịch bệnh với 1.325 người chết trong 24 giờ và 68.053 ca mắc mới.

    Số người chết trong một ngày vì COVID-19 này rõ ràng đã cao hơn hẳn so với con số tồi tệ nhất, 1.224 người chết, ghi nhận ngày 21-4 trong giai đoạn đỉnh dịch của làn sóng thứ nhất năm ngoái.

    Cho tới nay nước Anh đã ghi nhận tổng cộng 79.833 người chết vì virus corona và hơn 3 triệu ca mắc COVID-19.

    Sự lây lan nhanh của các biến thể virus corona mới, nhất là biến thể virus từ Nam Phi và tình trạng quá tải của các bệnh viện ở Anh đang khiến người dân sở tại rất lo lắng.

    Tuần này chính phủ Anh công bố các quy định yêu cầu người dân nên ở trong nhà, đóng cửa trường học. Các biện pháp phòng ngừa này dự kiến kéo dài ít nhất tới giữa tháng 2.

    Anh cũng đã phê chuẩn vắc xin COVID-19 của hãng Moderna. Đây là loại vắc xin thứ ba được Anh cấp phép dùng trong chương trình tiêm chủng đại trà.