• Dù Croatia và Hy Lạp sớm đưa ra các biện pháp phong toả để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan, người dân 2 nước này rất hợp tác với chính phủ vì họ đã từng trải qua khủng hoảng.

    Khi virus corona đang tiếp tục lây lan trên toàn thế giới, một điều tưởng chừng như nghịch lý đã xảy ra: những nước giàu có vẻ như lại gặp khó khăn hơn trong việc ứng phó với cuộc khủng hoảng gây ra bởi Covid-19. Trong khi đó có nhiều nước nghèo hơn nhưng có vẻ lại đang chống chọi hiệu quả với đại dịch, bài viết của New York Times nhận định.

    Thường thì những quốc gia phát triển sẽ có thể triển khai các nguồn lực một cách nhanh chóng, và có thể nhanh chóng tuỳ biến các cơ chế của nhà nước để đối phó với khủng hoảng, nhưng nhiều nước đã không thể hiện được điều đó trước Covid-19.

    0 nha giau nha ngheo 1
    Thợ cắt tóc Marko Stanzl đang phục vụ khách hàng tại cửa tiệm của anh ở thủ đô Zagreb, Croatia. Sau khi kiểm soát được dịch bệnh với tỷ lệ tử vong thấp, nước này đã bắt đầu mở cửa trở lại. Ảnh: AFP

    Nước giàu chưa chắc chống dịch hiệu quả

    Tại châu Âu, Anh, Pháp và Italy là 3 nền kinh tế lớn nhất của khối, nhưng cũng là những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi virus corona vì đã phản ứng một cách chậm chạp và thiếu quyết liệt. Nhưng có những quốc gia nhỏ hơn, nghèo hơn tại EU đã nhanh chóng áp đặt và thực thi các biện pháp cứng rắn, kiên trì với cách tiếp cận đó và tới nay đã khống chế thành công virus.

    Theo New York Times, các quốc gia này, vốn đã bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế một cách thận trọng, có điểm chung là đều trải qua những khó khăn trong quá khứ gần đây.

    So sánh với những gì mà người dân những nước này từng phải trải qua, việc bị hạn chế ra khỏi nhà có vẻ như vẫn tương đối nhẹ nhàng. Danh sách bao gồm một số quốc gia Đông Âu, vốn có thập niên 1990 đầy khó khăn, và đặc biệt là Hy Lạp, nơi cuộc khủng hoảng nợ cách đây một thập kỷ đã khiến người dân quen với việc bị thất nghiệp.

    Thận trọng ra khỏi nhà sau nhiều tuần ở cùng vợ và 2 con gái, Ive Morovic, một thợ cắt tóc 45 tuổi ở thị trến ven biển Zadar của Croatia, chia sẻ những ký ức của ông về cuộc chiến đầu thập niên 1990, khi ông từng phải chạy lên đỉnh quả đồi gần đó để phát báo động có máy bay ném bom.

    "Tôi là một đứa trẻ, đang chơi đá bóng và nhìn thấy đạn pháo rơi từ trên trời xuống", ông Morovic kể lại. Ông cho rằng tinh thần tập thể và tuân thủ kỷ luật của người dân nước này trong thời kỳ đại dịch là một di sản từ những năm chiến tranh.

    "Mọi người giờ đây lo lắng, và sự kỷ luật mà chúng tôi từng phải tuân thủ đã giúp chúng tôi cùng đứng vào hàng", ông Morovic nhận định.

    Các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford của Anh đã phát triển một công cụ để đo lường và xếp hạng sự quyết liệt trong các biện pháp chống dịch tại nhiều quốc gia. Croatia là một trong những nước có các biện pháp nghiêm ngặt nhất thế giới, và tới nay ghi nhận 86 trường hợp tử vong vì virus corona.

    Số người chết này tương đương tỷ lệ tử vong 2,1 trên 100.000 người. Để so sánh, bang New York của Mỹ có tỷ lệ tử vong lên tới 137 trên 100.000 dân.

    0 nha giau nha ngheo 1
    Một quán cà phê ở Ljubljana của Slovenia mở cửa phục vụ khách hàng hôm 4/5. Cũng như Croatia, Slovenia là một trong những quốc gia châu Âu phong toả sớm và quyết liệt. Ảnh: AFP.

    Nhìn chung, các quốc gia Đông Âu nghiêm khắc hơn so với các nước Tây Âu trong những biện pháp đối phó với dịch bệnh, theo ông Thomas Hale, giáo sư dự bị tại Trường nghiên cứu chính phủ Blavatnik của Đại học Oxford. Nhiều nước Đông Âu được quản lý bởi một chính phủ trung hữu, vì vậy họ có xu hướng nghiêm khắc hơn trong việc triển khai và thực thi các biện pháp chống dịch.

    "Croatia nằm ở mức cao trong thang đo độ nghiêm khắc của chúng tôi... Có thể là người dân ở đây ít phản kháng hơn, và sẵn sàng chấp nhận các biện pháp khắc nghiệt", ông Hale, người đứng đầu dự án xây dựng thang đo này, nhận định.

    Kiên cường vì được tôi luyện

    Việc chống dịch nghiêm túc và quyết liệt cho phép Croatia bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong toả từ ngày 27/4, trở thành một trong những nước đầu tiên ở châu Âu bước sang thời kỳ "hậu đỉnh dịch". Hy Lạp cũng dỡ bỏ phong toả một phần vào ngày 4/5. Các nước khác ở Đông Âu như CH Czech hay Slovenia, cũng áp dụng các biện pháp phong toả nghiêm ngặt từ đầu, và bây giờ bắt đầu trở lại cuộc sống bình thường.

    "Kiên cường" là từ thường được sử dụng để mô tả những xã hội ở khu vực này ở châu Âu, theo New York Times.

    Giáo sư Frosso Motti-Stefanidi, người giảng dạy tại Đại học Athen và là nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực này, cho rằng tính chất kiên cường được định nghĩa rõ nhất khi một cá nhân hoặc xã hội tiếp tục sống ổn, bất chấp việc phải trải qua căng thẳng hay nghịch cảnh lâu dài.

    Trong bối cảnh của đại dịch, bà Motti-Stefanidi cho rằng, một mình sự kiên cường là không đủ để lý giải tại sao một số quốc gia ứng phó với khủng hoảng tốt hơn những nước khác. Theo bà, những kết quả tích cực là dựa trên việc người dân tin rằng các biện pháp mà chính phủ áp dụng là phù hợp, dẫn tới lòng tin vào nhà nước cũng như sự sẵn sàng hợp tác.

    Sự kiên cường và nghiêm khắc luôn đi đôi với nhau khi đối đầu với dịch bệnh, theo bà Motti-Stefanidi.

    Hy Lạp ghi nhận 151 ca tử vong vì virus corona, tương đương tỷ lệ 1,4 trên mỗi 100.000 dân, và giáo sư Motti-Stefanidi cho rằng chính phủ đã làm tốt trong việc thẳng thắn yêu cầu người dân tuân thủ các quy định phong toả.

    Từng đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính khiến GDP giảm tới một phần tư, người dân Hy Lạp có vẻ như đã không còn lạ lẫm khi cuộc sống trở nên khó khăn, mặc dù các dự báo mới nhất cho thấy nền kinh tế nước này sẽ tiếp tục thu hẹp 9,7% trong năm nay.

    0 nha giau nha ngheo 1
    Khung cảnh vắng vẻ tại một quảng trường ở Athens hồi tháng 3. Bất chấp nền kinh tế èo uột, nước này có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 rất thấp, chỉ 1,4 ca trên 100.000 dân. Ảnh: AFP.

    "Năm 2008, khi Lehman Brothers phá sản, tôi phải mất 3 năm để xây dựng lại công việc làm ăn. Sau đó, đến cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp, tôi gần như không có việc làm trong vòng 3 năm, và phải cực kỳ cố gắng để nuôi sống gia đình", bà Eleni Apostolidi, một chuyên gia trị liệu ở Athens, chia sẻ.

    Bà Apostolidi có một cậu con trai 15 tuổi và cũng phải chăm sóc cha mẹ cũng như cô bác sống cùng toà nhà chung cư của họ, nhưng bà tỏ ra rất lạc quan với tình hình hiện tại.

    "Chúng tôi đã trải qua đủ thứ, chúng tôi đã trở nên rắn rỏi, vì vậy tôi nghĩ chúng tôi có thể làm lại", bà cho biết.

    Theo Zing

  • Số người tử vong tại Anh vì Covid-19 đã lên đến mức trên 40.000 người, vượt xa các nước châu Âu.

    Số liệu bổ sung do Văn phòng số liệu quốc gia Anh công bố trong ngày 12/5 tiếp tục đẩy số ca tử vong vì Covid-19 tại nước này lên cao, vượt qua cột mốc 40.000 người, vượt xa các nước khác tại châu Âu.

    Trong ngày 12/5, số liệu được quan chức chính phủ Anh công bố cho thấy nước này có thêm 627 bệnh nhân thiệt mạng vì dịch Covid-19 và tổng cộng nước Anh đã có 32.692 ca tử vong từ đầu dịch.

    40000 nguoi chet
    Anh tiếp tục là nước có số người tử vong vì Covid-19 lớn nhất châu Âu. (Ảnh: The Guardian)

    Tuy nhiên, Văn phòng số liệu quốc gia Anh (ONS) trước đó đã công bố một con số hoàn toàn khác. Theo đó, các điều tra bổ sung tính đến 9/5 trên toàn Vương quốc Anh cho thấy, số ca tử vong thực tế vì Covid-19 tại nước này đã lên đến 40.496 ca, vượt xa các nước khác tại châu Âu.

    Sự khác biệt này là do Văn phòng số liệu quốc gia Anh bổ sung thêm cả những ca tử vong nghi ngờ có liên quan đến Covid-19, tức là những người có thể mắc Covid-19 nhưng không được chữa trị kịp thời.

    Trong lần công bố số liệu gần đây nhất cách đây 2 tuần, Văn phòng số liệu quốc gia Anh khi đó cũng đã nâng mức tử vong vì Covid-19 tại Anh lên trên 33.000, dù khi đó chính phủ Anh mới thông báo khoảng 26.000 người thiệt mạng.

    Việc đưa ra các số liệu mới chắc chắn sẽ tiếp tục gia tăng sức ép vốn đã rất lớn lên chính phủ Anh, bởi các đảng đối lập tại Anh đang khoét sâu vào chi tiết là chính phủ Anh đã áp đặt lệnh phong toả chậm hơn nhiều ngày so với các nước như Italia, Tây Ban Nha hay Pháp.

    Tuy nhiên, Giám đốc Y khoa của Cơ quan y tế quốc gia Anh, Stephen Powis, vẫn cho rằng, tình hình hiện nay tại Anh ít nghiêm trọng hơn nhiều so với kịch bản tệ nhất được tính đến.

    Ông Stephen Powis nhận định: "Nói về việc dự đoán số ca tử vong, trên thực tế thì ban đầu kịch bản tồi tệ nhất được Hội đồng khoa học đưa ra là có đến gần nửa triệu người có thể thiệt mạng nếu không có bất cứ hành động nào được đưa ra để kiểm soát sự lây lan của virus. Vì thế, việc nước Anh áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội từ tháng 3 đã giúp nước Anh qua đỉnh dịch trong tháng 4 và hàng nghìn người đã thoát khỏi cái chết so với kịch bản tồi tệ nhất”.

    Hiện tại, hai ngày sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson công bố bản lộ trình gỡ bỏ phong toả tại Anh, vẫn còn nhiều tranh cãi quanh chiến lược của chính phủ Anh. Lãnh đạo các vùng Scotland, xứ Wales cho biết vẫn kêu gọi người dân ở lại trong nhà, chứ không tuân theo khẩu hiệu mới bị chỉ trích là quá chung chung mà Thủ tướng Anh đưa ra là “giữ cảnh giác”.

    Mặc dù chính phủ Anh đã thông báo các cửa hàng có thể mở lại từ ngày 1/6 nhưng Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock thừa nhận, diễn biến dịch Covid-19 tại Anh còn lâu mới chấm dứt và các gia đình Anh nhiều khả năng sẽ phải huỷ bỏ kỳ nghỉ Hè năm nay do chưa đủ an toàn./.

    VOV (theo Guardian)

  • Những tên trộm vô tâm đã đánh cắp 80.000 chiếc khẩu trang từ một nhà kho ở Manchester, vốn được dành cho nhân viên NHS và nhân viên tuyến đầu đang chiến đấu với coronavirus.

    Số thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) trị giá 166.000 bảng được lấy đi từ nhà kho của một công ty vật tư y tế tại Khu thương mại Trafalgar ở Salford vào tối thứ Tư, ngày 6/5.

    Ba nghi phạm đã có mặt tại nhà kho trong khoảng hai giờ, đầu tiên là để cắt một lỗ thủng trên chiếc cửa cuốn của nhà kho với mục đích vô hiệu thiết bị báo động trộm thường được kích hoạt khi cửa nâng lên, cảnh sát cho biết.

    thievesstealfacemasksmanchester07052020

    Sau đó, chúng đã lấy đi 320 hộp khẩu trang phòng độc n95 chất lượng cao dành cho nhân viên NHS, nhân viên các hội đồng và nhân viên nhà dưỡng lão ở West Yorkshire.

    Các thiết bị y tế khác, bao gồm khẩu trang chất lượng rẻ hơn cũng được trữ ở nhà kho, không bị sờ đến.

    Cảnh sát đang rà soát CCTV và nỗ lực truy tìm ba nghi phạm, hai người đàn ông và một người thứ ba, có thể là phụ nữ, tất cả đều mặc quần áo tối màu. Chúng đã bỏ trốn cùng lô hàng trên ba chiếc xe.

    Cảnh sát cho biết các phương tiện nghi vấn là một chiếc xe Mercedes Sprinter màu trắng, một chiếc xe van Volkswagen Caddy màu xám và một chiếc xe màu xám bạc.

    Các nhà điều tra tin rằng chúng có mặt tại địa điểm vụ trộm trong khoảng thời gian từ 9h30 tối thứ Tư đến 12h20 thứ Năm, khi một nhân viên bảo vệ phát giác ra vụ việc.

    Thanh tra Christopher Mannion, từ Cảnh sát Greater Manchester, cho biết: “Thật đáng kinh ngạc khi nhận ra vụ việc đã được tính toán và nhắm mục tiêu từ đầu.

    “Những kẻ phạm tội có mặt tại hiện trường trong khoảng hai giờ và không có vật phẩm nào khác ngoài PPE bị đánh cắp.

    “Đây là một tội ác đặc biệt nghiêm trọng khi hiểu rằng PPE là dành cho nhân viên NHS và nhân viên nhà dưỡng lão và tại đúng thời điểm chúng ta đang cố gắng bảo vệ NHS và bảo vệ lẫn nhau chống lại một kẻ thù chung trong đại dịch Covid-19.

    “Thật sốc khi biết có những cá nhân ngoài kia đang muốn đánh cắp các thiết bị giữ cho nhân viên tiền tuyến và những người dễ bị tổn thương được an toàn, và chúng tôi quyết tâm tìm bắt thủ phạm càng sớm càng tốt.”

    Bất cứ ai có thông tin hãy liên hệ với cảnh sát theo số 0161 856 5345 hoặc trình báo ẩn danh theo số 0800 555111.

    VietHome (Theo Evening Standard)

  • Hành khách đến Anh bằng đường hàng không sẽ phải cách ly trong hai tuần. Đây là một trong những biện pháp của chính phủ nhằm ngăn chặn đỉnh dịch coronavirus thứ hai.

    Airlines UK, cơ quan quản lý thương mại của các hãng hàng không đăng ký tại Vương quốc Anh, đã xác nhận rằng biện pháp này sẽ được chính phủ áp dụng cho bất kỳ ai ngoài Ireland đến Vương quốc Anh, với mục đích giảm bớt sự lây lan của COVID-19.

    Thông báo do Thủ tướng Boris Johnson đưa ra khi ông vạch một lộ trình nới lỏng phong tỏa trong bài phát biểu gửi người dân cả nước hôm Chủ nhật 10/5.

    skynews heathrow coronavirus 4986666

    Các biện pháp dự kiến ​​sẽ có hiệu lực vào tháng 6, trong đó tất cả hành khách đến sân bay - bao gồm cả công dân Anh trở về từ nước ngoài - sẽ phải cung cấp địa chỉ nơi họ sẽ tự cách ly trong 14 ngày.

    Quy định cũng sẽ được áp dụng tại các cảng biển.

    Các nhà chức trách sẽ tiến hành kiểm tra tại chỗ và những người bị phát hiện vi phạm sẽ bị phạt tới 1.000 bảng hoặc thậm chí bị trục xuất.

    Một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ cho biết: "Chúng tôi không bình luận về thông tin này. Trọng tâm vẫn là người dân phải ở nhà để bảo vệ NHS và cứu thêm nhiều mạng sống."

    Tuy nhiên, cả ngành hàng không và du lịch đều lo ngại biện pháp như vậy sẽ phá hủy nghiêm trọng việc kinh doanh, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của đại dịch.

    Airlines UK khẳng định đề xuất này "sẽ giết chết du lịch quốc tế đến và đi từ UK và gây thiệt hại vô cùng lớn cho ngành hàng không cũng như nền kinh tế Anh".

    Họ nói thêm: "Không ai đi nghỉ nếu họ không thể tiếp tục cuộc sống bình thường trong 14 ngày và việc đi công tác cũng sẽ bị hạn chế nghiêm trọng.

    "Nó cũng sẽ đem lại kết quả nhưng ngành hàng không sẽ không thể sớm phục hồi, qua đó kìm hãm sự phục hồi của nền kinh tế Anh."

    Chính phủ trước đây đã phải đối mặt với nhiều chỉ trích vì cho phép hành khách vào UK mà không cần cách ly hay kiểm tra nhiệt độ.

    Các bộ trưởng cho biết vào thời điểm đó, các biện pháp như vậy sẽ không tạo ra sự khác biệt vì virus đã lan rộng trong cộng đồng.

    Tuy nhiên, một khi tốc độ lây nhiễm giảm đáng kể, việc kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn là rất cần thiết.

    Hành khách đến từ Ireland, Quần đảo Channel và Isle of Man, cũng như các tài xế xe tải chở hàng tiếp tế quan trọng sẽ được miễn cách ly.

    Các biện pháp cách ly tương tự cũng đã được áp dụng ở nhiều quốc gia khác, bao gồm Úc, New Zealand và Singapore.

    VietHome (Theo Sky News)

  • Dữ liệu dịch COVID-19 ngày 10-5 của Đức cho thấy các ca nhiễm đang gia tăng trở lại với sự xuất hiện của một số ổ dịch mới, chỉ vài ngày sau khi Thủ tướng Angela Merkel nói rằng đất nước có thể dần trở lại bình thường.

    0 ca nhiem tang o duc 1
    Đội ngũ y tế đang chuẩn bị xét nghiệm COVID-19 cho các nhân viên tại một nhà máy của công ty chế biến thịt Westfleisch ở Hamm, Đức ngày 10-5 - Ảnh: AFP

    Viện Robert Koch (RKI) cho biết tỉ lệ lây nhiễm (RO) của Đức đã tăng lên 1,1 vào ngày 10-5, nghĩa là 10 người nhiễm virus corona sẽ lây trung bình cho 11 người khác. RKI cảnh báo tỉ lệ này phải dưới 1 mới cho thấy sự lây nhiễm nằm trong tầm kiểm soát và đang chậm lại.

    Cho đến hôm 6-5, tỉ lệ lây nhiễm của Đức vẫn đứng ở mức 0,65. Tuy nhiên, sau đó nước này đã báo cáo các ổ dịch mới tại các lò mổ và các viện dưỡng lão. RKI nói rằng còn quá sớm để đưa ra kết luận nhưng cho rằng "cần phải theo dõi chặt chẽ số lượng ca nhiễm mới trong những ngày tới".

    RKI đưa ra cảnh báo trên chỉ vài ngày sau khi bà Merkel nói rằng Đức đã kết thúc giai đoạn đầu tiên trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 và các bang của nước này tuyên bố nới lỏng một số hạn chế.

    Hầu hết các cửa hàng và tụ điểm vui chơi đã mở cửa trở lại. Học sinh cũng dần trở lại trường lớp. Nhà hàng, phòng tập gym và cơ sở tôn giáo cũng mở cửa lại phần nào tùy tình hình từng bang.

    Dù vậy, các chính quyền địa phương tại Đức đồng ý sẽ dừng việc mở cửa lại và tái điều chỉnh các hạn chế xã hội nếu tỉ lệ lây nhiễm lên trên 50 ca/100.000 dân trong 1 tuần. RKI cho biết chuyện này đã xảy ra tại ít nhất 3 quận của nước này trong thời gian gần đây.

    0 ca nhiem tang o duc 1
    Khoảng 3.000 người tập trung ở Munich hôm 9-5 để phản đối các biện pháp phong tỏa nhằm hạn chế lây nhiễm COVID-19 - Ảnh: DPA

    Quận Coesfeld tại bang North Rhine-Westphalia đông dân nhất nước Đức rơi vào trường hợp trên khi phát hiện một ổ dịch mới tại một lò mổ địa phương. 

    Khoảng 200 trong số 1.200 nhân viên tại đây cho kết quả dương tính với virus corona chủng mới. Nhiều trong số này là lao động đến từ các nước Đông Âu và sống trong các khu nhà tập thể.

    Chính quyền bang North Rhine-Westphalia đã yêu cầu xét nghiệm COVID-19 cho tất cả công nhân tại các lò mổ của bang này, đồng thời hoãn việc nới lỏng một số biện pháp hạn chế của quận Coesfeld.

    Một ổ dịch khác cũng bùng phát tại một lò mổ của bang Schleswig-Holstein phía bắc nước Đức trong khi quận Greiz, bang miền đông Thuringia, đã báo cáo sự gia tăng các ca nhiễm trong cư dân và nhân viên của một số viện dưỡng lão và khoa lão của một bệnh viện địa phương.

    Ngoài ra, nhiều người cũng lo ngại nguy cơ từ việc khởi động lại giải vô địch quốc gia Bungdesliga dự kiến từ ngày 16-5, sau khi các cầu thủ đội bóng hạng 2 Dynamo Dresden buộc phải cách ly vì có 2 ca COVID-19.

    Trong khi bà Merkel đang thận trọng đưa nước Đức sang giai đoạn 2 của cuộc chiến chống COVID-19 để cho phép nhiều hoạt động kinh tế trở lại hơn thì một số chính trị gia cũng bày tỏ lo ngại về đợt sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai.

    Bất chấp những lo ngại như vậy, một số người Đức lại cho rằng chính phủ đã không hành động đủ nhanh để nới lỏng các biện pháp hạn chế. 

    Hàng ngàn người đã xuống đường ở các thành phố trên toàn nước Đức vào cuối tuần qua để phản đối những biện pháp hạn chế chưa được nới lỏng hay dỡ bỏ, bao gồm đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng và giãn cách xã hội.

    Hàng trăm người biểu tình đã hô vang "Tự do, Tự do" trong cuộc biểu tình ngày 9-5 ở Berlin. Một số người biểu tình quá khích đã ném chai lọ vào cảnh sát, dẫn đến việc cảnh sát bắt giữ hàng chục người. Tại Munich, cảnh sát đã chỉ trích người biểu tình vì không tuân thủ giãn cách xã hội sau khi khoảng 3.000 người tập trung hôm 9-5.

    Tuổi Trẻ (theo BBC)

  • Thủ Tướng Anh vừa thay mặt chính phủ công bố những lộ trình, kế hoạch mới trong việc nới lỏng phong tỏa, mở cửa lại các doanh nghiệp vào hồi 7h tối chủ nhật, ngày 10/5. Tuy nhiên, những thông điệp ông Boris Johnson đưa trên TV tương đối ngắn gọn và gây không ít tranh cãi, hiểu lầm cho người dân - đặc biệt là những người Việt đang làm trong ngành Nails. (Đọc lại bài : Công bố kế hoạch nới lỏng phong tỏa của Thủ Tướng Anh.) 

    Sau khi có thời gian ngồi kiểm tra và đọc lại diễn văn của Thủ Tướng Anh (diễn văn gốc ở đây), VietHome xin được viết rõ hơn để anh chị bạn đọc nắm được thông tin.

    2 tescoqueue2

    Mọi người quay lại đi làm được chưa? 

    Từ thứ 2 tuần tới, nhân viên làm việc ở England (nếu không thể làm việc tại nhà ) - sẽ được khuyến khích đi tới chỗ làm việc. Nhưng họ phải tránh sử dụng phương tiện giao thông công cộng nếu có thể để giữ khoảng cách với người khác. Chính phủ sẽ có hướng dẫn thêm cho chủ doanh nghiệp để có được 1 môi trường làm việc an toàn.

    Cụ thể nhân viên ở ngành nào được phép làm điều này thì chính phủ chưa thông báo. Liệu có bao gồm thợ nails hay không?

    Khi nào các shop được phép mở cửa? 

    Thủ Tướng Anh cho biết sớm nhất là từ 1/6, các shop ở England sẽ được mở cửa trở lại. Nhưng vẫn phải thực hiện giãn cách xã hội. Cụ thể những shop nào được mở và mở như nào thì chính phủ sẽ có thông báo sau. 

    Có phải shop nails tới tận tháng 7 mới được mở lại không ? 

    Đây là vấn đề đang gây tranh cãi. Trong bài phát biểu của mình, ông Boris Johnson có nói: "In step two – at the earliest by June 1 – after half term – we believe we may be in a position to begin the phased reopening of shops and to get primary pupils back into schools, in stages, beginning with reception, Year 1 and Year 6."

    VH tạm dịch: "Ở bước thứ 2, sớm nhất là 1/6 sau kì nghỉ half term, chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể bắt đầu mở cửa lại các shop và cho học sinh tiểu học đi học trở lại, theo từng giai đoạn, bắt đầu từ các lớp reception, Year 1 & Year 6"

    Tiếp đó ông có nói: "And step three - at the earliest by July - and subject to all these conditions and further scientific advice; if and only if the numbers support it, we will hope to re-open at least some of the hospitality industry and other public places, provided they are safe and enforce social distancing."

    VH tạm dịch: " Và ở bước 3 - sớm nhất là Tháng 7, phụ thuộc vào các điều kiện và lời khuyên tới từ các nhà khoa học, nếu và chỉ khi các con số thống kê tích cực, chúng tôi hi vọng có thể cho mở cửa lại 1 vài doanh nghiệp trong ngành dịch vụ hospitality và những nơi công cộng khác - miễn sao họ áp dụng giãn cách xã hội và an toàn nơi làm việc. 

    Ngành Nails & Beauty không được liệt vào nhóm dịch vụ khách hàng hospitality. Như vậy có thể nói các shop nails có thể được phép mở cửa trước tháng 7. Mọi người hãy theo dõi thêm tin tức cụ thể từ chính phủ trong vài tuần tới nhé. 

    Khi nào trường học có thể mở trở lại ?

    Ông Boris Johnson nói trường tiểu học ở England có thể quay trở lại mở cửa , sớm nhất là 1/6. Trong đó bắt đầu từ các lớp reception, Year 1 & Year 6. 

    Chính phủ hi vọng học sinh ở các Trường trung học có thể được làm bài kiểm tra vào năm sau.

    Tôi có được tụ tập bạn bè chơi thể thao hay không ? 

    • Từ thứ 4 - 13/5, người dân ở England được phép đi tập thể dục nhiều lần hơn thay vì chỉ có 1 lần. 
      Người dân có thể ngồi chơi ngoài công viên 
    • Người dân có thể chơi các môn thể thao với người ở cùng nhà. 
      Tuy nhiên, mọi người vẫn phải thực hiện giãn cách xã hội .

    Các nhà hàng, quán cafe, rạp chiếu phim khi nào được mở ? 

    Chính phủ hi vọng có thể mở một vài doanh nghiệp trong ngành dịch vụ khách hàng hospitality và các nơi công cộng khác vào đầu tháng 7. 

    Quyết định này sẽ phụ thuộc vào thống kê tình hình dịch bệnh trong thời gian tới.  

    VietHome 

  • Vào lúc 7h tối ngày Chủ Nhật, 10 tháng 5, Thủ Tướng Anh đã công bố chính xác những kế hoạch của chính phủ nhằm nới lỏng lệnh phong tỏa cho người dân và các doanh nghiệp ở Anh. Dưới đây là những thông tin đã được công bố: 

    Mở đầu Video, Thủ Tướng Anh cảm ơn người dân đã làm theo lời khuyên của chính phủ và bảo vệ được hệ thống y tế NHS. Ông nhấn mạnh UK không thể cho phép có thêm 1 đợt đỉnh dịch mới. 

    Chính Phủ Anh lập nên hệ thống cảnh báo và dựa vào đó để nới lỏng hoặc thắt chặt hơn luật phong tỏa. 

    Hiện tại chính phủ chưa thể Xóa Bỏ Phong Tỏa ngay lập tức. 

    Ông Boris cho biết UK đang ở Mức Độ 4 (có 5 mức độ) và sẽ hạ xuống mức độ 3 trong vài tuần tới. 

    Bước Thứ 1: 

    - Chính quyền sẽ tăng số tiền phạt đối với những người vi phạm trong thời gian tới. 

    - Từ thứ 4 tuần này:  người dân sẽ được phép đi tập thể dục nhiều hơn, nhưng vẫn phải giữ khoảng cách với nhau 

    - Từ thứ 4 tuần này: Người dân có thể chơi thể thao - nhưng chỉ được chơi với người thân ở cùng 1 nhà.

    Bước thứ 2 trong kế hoạch: sớm nhất là ngày 1/6 (sau half-term), chính phủ có thể đưa ra luật mới cho phép: 

    -  Trường học có thể quay trở lại hoạt đông - bắt đầu với trường tiểu học ( primary school ) 

    - 1 số shop được phép mở cửa trở lại (cụ thể là shop nào thì ông Boris chưa nói ) 

     Bước thứ 3: Sớm nhất là đầu tháng 7 - nếu các con số thống kê tình hình dịch bệnh có khả quan thì: 

    - Một số Ngành dịch vụ hospitality có thể quay trở lại hoạt động

    - Một số địa điểm tụ tập nơi công cộng cũng được mở cửa trở lại. 

    Thủ Tướng Anh cũng nói tới những người vào Anh theo đường hàng không có thể sẽ bị cách ly trong thời gian tới (nhưng ông không nói chính xác là khi nào luật này sẽ được áp dụng) 

    Nếu tình hình trở nên tồi tệ , chính phủ sẽ thắt chặt luật phong tỏa hơn nữa.

    Đọc Thêm: 06 câu hỏi người Việt cần biết về thông báo mới nhất của chính phủ Anh

    Đọc Thêm‘Cuộc sống bình thường mới’ sau khi nới lỏng phong tỏa sẽ ra sao?

    level phong toa

     5 mức độ cảnh báo tình hình dịch Covid-19 - UK đang ở mức 4 và sẽ hạ xuống mức 3  

    thoi gian noi long phong toa

    Trong vài ngày tới, người dân có thể đi tập thể dục nhiều lần trong ngày. Tới 1/6 trường học sẽ có  thể mở cửa trở lại. 

    Trước đó ông Boris Johnson đã đăng tải 1 thông điệp cho thấy chính phủ sẽ đổi câu khẩu hiệu từ : Stay At home (Hãy ở Nhà) sang khẩu hiệu : Stay Alert (Cảnh giác ) - Control the virus (kiểm soát virus ) - Save Lives (cứu mạng người).

    Tuy nhiên, khẩu hiệu này đã gây ra nhiều tranh cãi và nhầm lẫn. Những người đứng đầu các nước như Scotland, Wales và Northern Ireland cho biết họ sẽ giữ nguyên khẩu hiệu "Hãy Ở Nhà" và khuyến khích người dân làm theo khẩu hiệu đó.

    Ngày hôm nay 10/5, chỉ có 269 người tử vong ở Anh Quốc - con số thấp nhất kể từ đầu tháng 3 tới giờ.  

    noi long phong toa anh quoc

    Viethome

  • Mỹ và Anh chật vật đối phó với Covid-19 và giờ họ là hai vùng dịch chết chóc nhất thế giới.

    Tại Mỹ, một báo cáo của chính phủ dự đoán đến 1/6, nước này có thể ghi nhận trung bình 3.000 người chết mỗi ngày, giống như thảm họa 11/9 lặp lại hàng ngày. Tại Anh, báo chí mô tả tình hình dịch tại nước này "tồi tệ hơn cả Blitz", nhắc đến cuộc oanh kích của phát xít Đức vào Anh trong Thế chiến II.

    tuong dong anh my
    Nhân viên cấp cứu di chuyển bệnh nhân tại Yonkers, Mỹ ngày 14/4. Ảnh: AFP.

    Mỹ và Anh, hai quốc gia đã gắn bó thân thiết trong nhiều thập kỷ, hiện giờ có điểm chung: họ là hai vùng dịch chết chóc nhất thế giới. Mỹ ghi nhận hơn 1,3 triệu người nhiễm và hơn 80.000 ca tử vong. Anh báo cáo hơn 215.000 ca nhiễm và hơn gần 32.000 người chết.

    Ở cả hai quốc gia, các lãnh đạo ban đầu có cách tiếp cận "phớt tỉnh" trước mối đe dọa. Hồi cuối tháng hai, Trump nói rằng virus sẽ biến mất "như một phép màu" vào tháng 4 khi thời tiết ấm lên. Giờ đây, ông dường như chấp nhận rằng số người chết ở nước này có thể vượt 100.000, mất mát có thể lớn hơn thương vong của người Mỹ trong chiến tranh nửa thế kỷ qua. 

    Ở Anh, Thủ tướng Boris Johnson ban đầu theo đuổi ý tưởng "miễn dịch cộng đồng", từ chối thực hiện biện pháp nghiêm ngặt mà các nước châu Âu khác đã ban hành vào cuối tháng hai. Chỉ khi các nhà khoa học ở London đưa ra những dự báo tàn khốc, cảnh báo 250.000 người có thể mất mạng, chính quyền Johnson mới thay đổi và áp đặt phong tỏa. Nhưng sai lầm không thể đảo ngược, lượng người nhiễm tăng vọt, chính Johnson phải điều trị tích cực sau khi nhiễm nCoV.

    Cả hai quốc gia đều triển khai kém việc xét nghiệm và truy vết tiếp xúc trong giai đoạn đầu dịch bùng phát. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) hồi đầu tháng hai phát triển và phân phối kit xét nghiệm đến các bang nhưng chúng bị lỗi. CDC hứa sẽ cung cấp hàng thay thế nhưng vài tuần trôi qua, lời hứa không được thực hiện. Dù vậy, chính phủ ban đầu từ chối nới lỏng rào cản pháp lý cho phép các bang và sở y tế địa phương tự phát triển kit xét nghiệm.

    Mặc dù Mỹ giờ đã tăng cường năng lực xét nghiệm, số lượng xét nghiệm hiện vẫn chưa đủ và nhiều tháng trì hoãn cùng thiếu hụt kit đã khiến virus lây lan không kiểm soát.

    Anh chật vật triển khai xét nghiệm bên ngoài bệnh viện, không giống như Đức và Hàn Quốc, những nước được coi là hình mẫu chống dịch bằng cách thiết lập nhiều trạm xét nghiệm nhanh. Tuần này, khi số ca tử vong ngày càng gia tăng, chính quyền Johnson thừa nhận không đạt được mục tiêu xét nghiệm hàng ngày.

    Đại dịch phơi bày những vấn đề tồn tại từ trước ở cả hai nước. Tại Anh, Cơ quan Y tế Quốc gia lâm vào tình trạng thiếu thiết bị và vật tư sau nhiều năm cắt giảm tài chính. Tại Mỹ, các biện pháp hỗ trợ người nghèo còn chưa đủ nên hàng triệu người vẫn tiếp tục làm việc để mưu sinh ngay cả khi có nguy cơ trả giá bằng sức khỏe. Giống những nơi khác trên thế giới, người thiểu số và người nghèo vẫn là nạn nhân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở hai quốc gia. Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, người da màu ở Anh có nguy cơ tử vong vì nCoV cao gấp 4 lần so với người da trắng.

    Tuy nhiên, hai nước có sự khác biệt về vấn đề chính trị. Tại Mỹ, Covid-19 được nhìn qua lăng kính đảng phái. Các cuộc thăm dò cho thấy những người ủng hộ Tổng thống ít quan tâm đến dịch hơn người ủng hộ các đối thủ của ông. Khi còn 6 tháng nữa là đến bầu cử tổng thống, Trump tiếp tục tấn công truyền thông và đổ lỗi cho các đối thủ.

    Nhưng cách tiếp cận đó có giới hạn. "Không giống như báo chí, virus không thể bị công kích bằng ngôn từ. Nó cũng không thể bị sa thải hoặc giáng chức giống như các quan chức", nhà bình luận Helen Lewis viết Alantic. "Nó cũng không đọc Twitter".

    Trong khi đó, nước Anh, vốn chia rẽ sâu sắc về nhiều vấn đề như Brexit, không chứng kiến sự phân cực đó trong đại dịch. Chính quyền Johnson thống nhất về thông điệp kêu gọi người dân ở nhà, thay vì đưa ra những phát ngôn mâu thuẫn, nhà bình luận Jonathan Freedland viết trên Guardian.

    Ở cả hai quốc gia, các chính trị gia dân tộc chủ nghĩa thường đặt giá trị tự do cá nhân lên trên hết. Nhưng điều đó có thể nguy hiểm trong đại dịch.

    Nhiều người coi tự do cá nhân là biểu tượng của đất nước và điều đó làm họ miễn cưỡng áp đặt các hạn chế di chuyển và tụ họp có thể cứu sống mạng người, nhà bình luận Fintan O'toole viết trên Guardian về lệnh phong tỏa muộn màng của Anh. Johnson đã chần chừ đóng cửa các quán rượu, cho rằng đây là quyền "đã có từ lâu, không thể tước bỏ" của người Anh. Đến ngày 20/3, ông mới ra lệnh đóng cửa quán rượu và ban lệnh phong tỏa toàn quốc ngày 23/3. Điều đó cũng giống sự miễn cưỡng của các quan chức Mỹ khi áp phong tỏa.

    Tôn trọng tự do là một việc, nhưng ứng phó dịch "một mình một kiểu" là việc khác, O'Toole viết. "Vì sự tôn thờ chủ nghĩa tự do cá nhân, nhiều người đã phải bỏ mạng".

    VnExpress (theo Washington Post)

  • Hơn 1.000 người dân đã xếp hàng để lấy thực phẩm miễn phí tại Geneva hôm 9/5, cho thấy hậu quả đáng ngại của Covid-19 ngay cả ở các nước giàu như Thụy Sỹ.

    xep hang nhan thuc an o thuy si 1

    Từ 5h sáng 9/5, hàng dài người dân đã xếp hàng kéo dài hơn 1 km bên ngoài một sân trượt băng ở Geneva để chờ nhận thực phẩm miễn phí. "Đến cuối tháng, tôi nhẵn túi. Chúng tôi phải trả tiền hóa đơn, bảo hiểm, tất cả mọi thứ. Có thực phẩm miễn phí thật tuyệt, vì chúng đủ dùng cho một tuần, một tuần nhẹ nhõm... Còn tuần tới thì tôi không biết tính sao", Ingrid Berala, công dân ở Geneva, nói với Reuters.

    xep hang nhan thuc an o thuy si 1

    Trước đó, các tình nguyện viên đã được tập hợp để chuẩn bị 1.500 túi lương thực phân phát. Theo tổ chức từ thiện Caritas, năm 2018 khoảng 660.000/8,6 triệu người ở Thụy Sỹ thuộc diện nghèo, đặc biệt là cha mẹ đơn thân và những người có trình độ học vấn thấp không thể tìm được việc làm sau khi mất việc.

    xep hang nhan thuc an o thuy si 1

    Hơn 1,1 triệu người ở Thụy Sỹ cũng có nguy cơ thiếu thực phẩm. Điều này có nghĩa là thu nhập của họ chỉ bằng 60% thu nhập trung bình, tức 6.736 USD nếu làm việc toàn thời gian vào năm 2018.

    xep hang nhan thuc an o thuy si 1

    Theo ước tính của ngân hàng UBS của Thụy Sỹ, Geneva là thành phố đắt đỏ thứ hai cho một gia đình ba người sinh sống, chỉ đứng sau Zurich của nước này. Dù thu nhập trung bình ở ngưỡng cao nhưng nhiều người dân tại đây vẫn phải chật vật mưu sinh.

    xep hang nhan thuc an o thuy si 1

    Tình nguyện viên phát lương thực miễn phí cho người dân. "Tôi nghĩ rất nhiều người biết đến sự kiện này, nhưng thật khó tin khi tận mắt chứng kiến", Silvana Matromatteo, người đứng đầu nhóm viện trợ Geneva Solidarity Caravan, nói với Reuters.

    xep hang nhan thuc an o thuy si 1

    "Chúng tôi thấy nhiều người rơi nước mắt khi nói 'thật khó tin khi chuyện này lại xảy ra ở đất nước tôi'. Nhưng sự thật là nhiều người đang rơi vào cảnh khó khăn và Covid-19 đã đưa thực trạng này ra ánh sáng. Tôi thấy điều đó cũng tốt, vì chúng tôi sẽ có thể thực hiện các biện pháp để hỗ trợ tất cả những người lao động này, bởi trên hết họ vẫn là người lao động", cô Matromatteo nói thêm.

    xep hang nhan thuc an o thuy si 1

    Patrick Wieland, trưởng phái đoàn của nhóm Bác sĩ không biên giới, dẫn kết quả cuộc khảo sát được thực hiện trong tuần qua cho thấy hơn 1/2 số người đến nhận thực phẩm là người cư trú bất hợp pháp, còn lại đều có tư cách pháp lý, là người Thụy Sỹ hoặc đang xin tị nạn.

    xep hang nhan thuc an o thuy si 1

    "Tại Geneva, một trong những thành phố giàu nhất thế giới, luôn có những người sống trong cảnh bấp bênh, đặc biệt là những người làm bảo vệ, làm nông nghiệp, làm trong các công trường xây dựng hoặc trong khách sạn. Do ảnh hưởng của Covid-19, họ đã mất việc", ông Wieland cho biết.

    xep hang nhan thuc an o thuy si 1

    Một người nhập cư bất hợp pháp tự xưng là Fernando cho biết anh đã mất việc ở nhà hàng do khủng hoảng Covid-19 và giờ không có tiền lương. "Tôi rất biết ơn khi nhận được sự giúp đỡ này và nếu tình hình của tôi khá hơn, tôi cam đoan sẽ trả ơn những gì mà họ giúp đỡ tôi hôm nay", Fernando nói.

    xep hang nhan thuc an o thuy si 1

    Tính đến ngày 9/5, số ca nhiễm Covid-19 ở Thụy Sỹ là 30.251 trường hợp và số ca tử vong là 1.830 người.

    Zing (theo Guardian)

  • Thống đốc bang California Gavin Newsom gây sốc khi tuyên bố rằng ca lây nhiễm Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng ở Mỹ bắt nguồn từ một tiệm nail trên địa bàn tiểu bang.

    nail viet phan ung
    Ngành nail ở California đang vượt qua giai đoạn khó khăn. Ảnh: REUTERS

    Đại diện ngành nail Việt tại California (Mỹ) lên tiếng bày tỏ sự thất vọng trước tuyên bố gây sốc của Thống đốc Gavin Newsom rằng ca lây nhiễm Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng ở Mỹ bắt nguồn từ một tiệm nail trên địa bàn tiểu bang, theo Đài NBC News hôm 9.5.

    “Tất cả đều bắt đầu ở bang California, ca lây nhiễm đầu tiên trong cộng đồng, cụ thể là từ một tiệm nail”, Thống đốc Newsom phát biểu trong buổi họp báo hôm 7.5 tại TP.Sacramento.

    Sau cáo buộc trên, ông từ chối tiết lộ thêm thông tin về vị trí của tiệm nail, cũng như bằng cách nào giới chức y tế bang California lần theo dấu vết trước khi đưa ra kết luận này.

    Trước đó, ca Covid-19 đầu tiên lây lan trong cộng đồng ở California đã được ghi nhận ở hạt Solano vào cuối tháng 2. Gần đây, giới chức cập nhật thêm thông tin rằng ca tử vong đầu tiên vì Covid-19 đã xảy ra ở hạt Santa Clara. Cả hai trường hợp đều rơi vào miền Bắc California.

    Phát biểu của Thống đốc Newsom lập tức gây rúng động trong ngành nail của California, tiểu bang có đông người Mỹ gốc Việt nhất trên toàn quốc.

    “Trong khi bản thân ông từng kinh doanh nhà hàng, thống đốc lẽ ra phải biết rõ sự chật vật của giới kinh doanh nhỏ lẻ, giống như 11.000 tiệm nail ở California, hiện phải đối mặt”, ông Mike Vo, Chủ tịch Hiệp hội Ủng hộ ngành nail trụ sở tại TP.Irvine (California), nói và nhấn mạnh: “Điều đó càng khiến chúng tôi, các công dân sinh sống và làm việc tuân thủ luật pháp của Mỹ, cảm thấy đau lòng. Nhận xét của thống đốc có thể thổi bùng thêm tâm trạng lo lắng và sợ hãi trong bối cảnh đầy bất hạnh như hiện nay”.

    Theo thông tin của Hiệp hội Ủng hộ ngành nail, người Mỹ gốc Việt đang sở hữu và kinh doanh 80% số tiệm trên địa bàn tiểu bang.

    Sau phản ứng của cộng đồng nail Việt, Thống đốc Newsom đã vội vã trấn an rằng thông tin mà ông cung cấp không nhằm đổ lỗi cho ngành nail. Thay vào đó, ông chỉ muốn giải thích lý do tại sao các dịch vụ làm đẹp tiếp tục bị đóng cửa cho đến giai đoạn 3 của kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế của bang California, chứ không thể sớm hơn.

    “Ngành nail thật sự đáng khâm phục, nó mang đến cơ hội thoát khỏi cảnh nghèo đói. Ngành nail là một trong những ngành sản sinh ra nhiều doanh nhân nhất cho nước Mỹ. Tôi vô cùng kính trọng họ”, Thống đốc bang California cho hay.

    Hiện California vào ngày 8.5 đã bước vào giai đoạn 2, theo đó cho phép khách nhận hàng bên ngoài các cửa hàng bán lẻ, đồng thời mở cửa các công viên.

    Tham khảo thêm bài viết tiếng Anh, clip ông Newsom nói tiệm nail là nơi lan truyền dịch bệnh đầu tiên. Anh chủ tiệm nail họ Phạm yêu cầu ông cung cấp bằng chứng về vấn đề này. https://abc7news.com/first-case-of-coronavirus-in-california-nail-salon-covid-nails/6164770/

    Theo Thanh Niên

  • Trong ngày 8/5, nước Anh có thêm 626 bệnh nhân thiệt mạng vì Covid-19 và trên 4600 ca nhiễm mới.

    Các quan chức chính phủ Anh ngày 8/5 cảnh báo người dân Anh không nên chờ đợi có những thay đổi lớn trong việc gỡ bỏ phong toả từ tuần sau, trong bối cảnh nước Anh tiếp tục có thêm hơn 600 bệnh nhân thiệt mạng vì Covid-19.

    Trong thông báo đưa ra trong cuộc họp báo thường nhật về dịch Covid-19 chiều ngày 8/5, Bộ trưởng Môi trường Anh George Eustice kêu gọi người dân Anh không nên ra khỏi nhà vào cuối tuần này dù thời tiết đẹp, và cũng không nên chờ đợi quá nhiều vào kế hoạch nới lỏng phong toả sẽ được Thủ tướng Anh trình bày vào Chủ nhật này, 10/5.

    han che noi long
    Cảnh sát Anh kiểm tra người dân ra đường. (Ảnh:The Guardian)

    “Chúng ta phải thực tế. Sẽ không có bất cứ thay đổi lớn nào ngay lập tức. Chúng tôi sẽ cực kỳ thận trọng khi nới lỏng các biện pháp hạn chế bởi nhìn vào những số liệu mà chúng tôi nhận được hàng ngày thì rõ ràng là nước Anh vẫn chưa ra khỏi tâm bão của đại dịch. Vẫn còn những thách thức rất lớn với virus này và chúng ta phải sống với nó trong một thời gian dài nữa.”, ông George Eustice nói.

    Trong ngày 8/5, số liệu do ông Eustice công bố cho thấy, nước Anh có thêm 626 bệnh nhân thiệt mạng vì Covid-19 và trên 4600 ca nhiễm mới. Tổng cộng, Anh hiện có 31.241 ca tử vong và trên 211 ngàn ca nhiễm, là nước có tổn thất nhân mạng cao nhất châu Âu và cao thứ hai thế giới, sau Mỹ.

    Theo kế hoạch, Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ trình bày một bản kế hoạch vào Chủ nhật này, 10/5, trong đó vạch ra lộ trình từng bước chấm dứt lệnh phong toả đã kéo dài hơn 6 tuần qua tại nước này.

    Tuy nhiên, bất chấp sức ép từ một số đảng đối lập cũng như giới doanh nghiệp, rất nhiều lực lượng khác tại Anh hiện cho rằng nước Anh chưa đủ an toàn để nới lỏng phong toả.

    Đại diện cảnh sát Anh tuyên bố, nếu nới lỏng phong toả từ tuần sau, họ sẽ không đủ khả năng buộc người dân phải tuân thủ một số yêu cầu quan trọng về giữ an toàn nơi công cộng. Các công đoàn giáo dục cũng gửi thư đề nghị chính phủ Anh chưa sớm mở lại trường học vì cho rằng diễn biến dịch Covid-19 hiện nay tại Anh vẫn còn quá nhiều rủi ro./.

    VOV (theo Standard)

  • Ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên được ghi nhận ở California là từ một tiệm nail, thống đốc Newsom cho biết. 

    Thông tin này được công khai khá bất ngờ trong bản tin cập nhật hàng ngày về tình hình bệnh dịch ở tiểu bang California. 

    ''Tất cả mọi chuyện bắt đầu ở California, sự lây lan đầu tiên, là từ một tiệm nail'', ông Newsom nói, nhấn mạnh rằng virus đã lây lan mặc dù thợ nail đã đeo bao tay. ''Tôi rất lo lắng về điều đó'', ông nói.

    Thông tin chi tiết không được đề cập, không rõ ai là người bị nhiễm và tiệm nail nằm ở khu vực nào.

    Ông Newsom chỉ đề cập đến tiệm nail khi một phóng viên hỏi tại sao các tiệm làm móng và làm tóc lại phải mở cửa trễ, ở giai đoạn 3 của lộ trình nới lỏng phong tỏa. 

    tiem nail

    Trường hợp lây nhiễm cộng đồng đầu tiên ở Mỹ là tại quận Solano vào ngày 27/2. Đây là thông tin từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh CDC.

    Quận này cũng không cung cấp thêm thông tin về bệnh nhân, ngoài việc người này không đi nước ngoài trước đó. Chưa rõ tiệm nail mà ông Newsom đề cập có liên quan tới bệnh nhân này hay không.

    Cơ quan Y tế Quận Santa Clara nói với đài KTVU rằng cái chết của bệnh nhân Mỹ đầu tiên, bà Patricia "Trish" Dowd 57 tuổi, không liên quan đến tiệm nail. 

    Viethome (theo Fox11)

  • Chính quyền đang cảnh báo các tiệm làm tóc không nên nhận hẹn ở nhà khách. Một số khách hàng cho biết họ đã nhận được lời đề nghị cuộc hẹn cho tuần tới.

    Các tiệm làm đẹp đã bị đóng cửa từ hôm 23/3, nhưng bằng hình thức online, một số thợ cắt tóc vẫn quảng cáo dịch vụ chăm sóc tóc tại nhà.

    Nhiều khách hàng cho biết họ đã được đặt hẹn cho tuần tới, trong khi phải cuối tuần này ông Johnson mới công bố lộ trình nới lỏng phong tỏa.

    Hiệp hội Tóc và Làm đẹp (NHBF) đã cảnh báo các thợ cắt tóc rằng họ không được phá vỡ các quy định giới nghiêm trước khi chính phủ bật đèn xanh. 

    Trong một lá thử gửi cho thành viên, NHBF thuyết phục họ không nên vượt qua ranh giới: ''Việc tự ý nhận khách là vi phạm nghiêm trọng quy tắc giãn cách xã hội, vốn yêu cầu bạn phải ở nhà và không ra ngoài trừ khi cần thiết. Chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn sự lây lan virus. Nên nhớ rằng bảo hiểm có thể không chi trả nếu bạn làm việc trong salon''.

    0 tho cat toc di dong

    Lời khuyên cũng được gửi đến các stylist có ý định đến nhà khách làm tóc. Dù có duy trì được khoảng cách 2m, thì bạn cũng sẽ gặp rủi ro nếu khách bị dị ứng hoặc phàn nàn về kết quả không như ý.

    Tuy nhiên, nhiều thợ làm tóc freelance vẫn tiếp tục quảng cáo dịch vụ trên Gumtree, Facebook và Instagram.

    Một thợ tóc thực tập đã quảng cáo trên Gumtree ở Chester-le-Street, County Durham như sau: ''Dịch vụ cắt tóc tại nhà ở vùng đông bắc. Cắt tóc miễn phí để giúp khách hàng và cũng để giúp tôi có được tấm bằng thợ tóc level 3''.

    Nhiều thợ cắt tóc nhận được vô số order từ khách, tha thiết cầu xin họ phớt lờ lệnh cách ly.

    Một phụ nữ đến từ Kew ở tây London viết trên Twitter: ''Thật là một tin tức đầy hứa hẹn; thợ cắt tóc của tôi đã đồng ý cho tôi một cuộc hẹn vào thứ Ba tuần tới vì chính phủ có thể cho phép họ làm việc. Thật là phấn khích quá!

    Một thợ làm tóc nói với Sky News cô đang nhận lịch với khách từ ngày 26/5 và đang hóng tin của thủ tướng vào cuối tuần này. 

    Bà mẹ trẻ làm việc tại nhà ở Buckinghamshire nói cô đã nhiều lần nhận khách rồi phải hủy vì những thông báo nhiễu loạn từ chính phủ. 

    Cô nói: ''Tôi hy vọng được làm việc trở lại vào ngày 26/5, nhưng chúng tôi phải sắp xếp lại mọi thứ chứ không thể giống như lúc xưa được''.

    Ở Ireland, thợ làm tóc được trả tiền cao gấp 4 lần giá bình thường, cụ thể giá cắt tóc dao động từ €40 - €50 và trên thị trường chợ đen là €200 (£174).

    Các tiệm làm đẹp ở Ireland sẽ mở cửa trở lại vào ngày 20/7, theo lộ trình nới lỏng phong tỏa của chính quyền nước này.

    Viethome (theo SkyNews)

  • Ngoại trưởng Dominic Raab nhấn mạnh, Anh hiện có đủ thông tin, dữ liệu và những kế hoạch thích hợp để thực sự hạ thấp tỷ lệ lây nhiễm ở các bệnh viện cũng như các cơ sở dưỡng lão.

    anh tu tin mien dich
    Ngoại trưởng Anh Dominic Raab. (Ảnh: AFP/TTXVN)

    Ngày 7/5, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab khẳng định chính phủ nước này có những kế hoạch khả thi để ngăn chặn khả năng lây lan của đại dịch COVID-19 ở những nơi có nguy cơ cao như các cơ sở dưỡng lão và bệnh viện.

    Phát biểu tại một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Raab nhấn mạnh, Anh hiện có đủ thông tin, dữ liệu và những kế hoạch thích hợp để thực sự hạ thấp tỷ lệ lây nhiễm ở các bệnh viện cũng như các cơ sở dưỡng lão.

    Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Raab cũng cho hay, hiện vẫn chưa có bất cứ thay đổi nào về lệnh phong tỏa trên toàn quốc. Theo ông Raab, bất cứ thay đổi nào được công bố cũng sẽ chỉ là những thay đổi nhỏ. Trước đó, Tổng thống Boris Johnson cho biết Anh có thể bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong toả từ ngày 10/5.

    Trong khi đó, Trung tâm An ninh mạng quốc gia Anh (NCSC) cho biết đã tiếp nhận hơn 160.000 thư điện tử từ người dân trình báo về những hình thức lừa đảo liên quan tới đại dịch COVID-19.

    Các thủ đoạn lừa đảo này gồm giả mạo chào hàng các bộ xét nghiệm và khẩu trang, thậm chí là rao bán vắcxin ngừa COVID-19. Ngoài ra, kẻ gian còn giả mạo các trang thông tin chính thức của chính phủ và những người truy cập vào các trang web này bị lừa cung cấp các thông tin cá nhân

    NCSC cũng ghi nhận sự gia tăng các vụ tội phạm mạng lợi dụng tình hình dịch bệnh trong 2 tuần qua, trong khi các cơ quan an ninh cũng đã dỡ bỏ hơn 300 trang web giả mạo.  Cùng với việc dỡ bỏ các trang web giả mạo, NCSC cũng sẽ hỗ trợ cảnh sát Anh bằng cách cung cấp các thông tin phân tích cũng như xác định các thủ đoạn lừa đảo mới trên mạng./.

    Theo Sky News

  • Truyền thông thế giới đã liên tiếp chỉ trích tả tơi cách Chính phủ Anh phản ứng với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sau khi số người tử vong ở Anh cao nhất châu Âu.

    Theo tờ Dailymail, các tít báo mô tả Anh là “đứa trẻ khó bảo của châu Âu” và chính sách của Chính phủ Anh là “thất bại lớn nhất trong một thế hệ”.

    chinh phu bi che toi ta

    Thiếu thiết bị bảo hộ, quyết định phong tỏa chậm trễ và xét nghiệm không đủ là những lý do khiến Anh có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 cao nhất châu Âu.

    Những lời chỉ trích không chỉ tới từ những nước xử lý dịch COVID-19 tốt như Đức và Australia mà còn tới từ cả những nước như Italy và Mỹ - nơi mà khủng hoảng dịch bệnh cũng nghiêm trọng không kém.

    Báo chí Italy nói rằng Anh không nghe lời cảnh báo từ miền Bắc Italy – nơi mà dịch bùng phát mạnh nhất trong hai tuần trước khi tới giai đoạn tương tự ở Anh.

    Con số tử vong ở Anh là 30.615 tính tới ngày 8/5, vượt cả Italy (29.958 ca) và chỉ kém Mỹ (76.868 ca).

    Ở Australia, nước mới có 97 ca tử vong sau khi sớm đóng cửa biên giới, tờ Sydney Morning Herald đã chạy một bài báo về Anh với tít: “Thất bại lớn nhất trong một thế hệ: Anh sai ở chỗ nào?”

    chinh phu bi che toi ta 1
    Tít trên tờ Sydney Morning Herald của Australia. Ảnh: Dailymail

    Tờ báo cho biết ngày càng nhiều chuyên gia và người dân cho rằng Anh vấp phải một loạt sai lầm khi phản ứng với dịch bệnh. Tờ báo liệt kê bốn thất bại chính: thiếu thiết bị bảo hộ, phong tỏa chậm, xét nghiệm không đủ, không bảo vệ nhà dưỡng lão. Thủ tướng Johnson mãi tới 23/3 mới phong tỏa đất nước.

    Một chuyên gia y tế công cộng cho biết các nước hành động nhanh đã kiềm chế được dịch bệnh, còn các nước trì hoãn hành động thì chưa.

    Tại Đức, nước có ít ca tử vong hơn nhiều so với dân số, tạp chí tin tức Focus gọi Anh là “đứa trẻ khó bảo của châu Âu”.

    chinh phu bi che toi ta 1
    Tít trên tờ Focus của Đức. Ảnh: Dailymail

    Tờ Focus cho rằng Chính phủ Anh “bất cẩn và ngạo mạn” và nói: “Có nhiều dấu hiệu cho thấy hàng loạt quan chức chính phủ ở London đánh giá thấp đại dịch”. Tờ báo cho rằng Thủ tướng Johnson không quan tâm mấy tới đại dịch hồi tháng 2, khi số ca ở Anh vẫn thấp.

    Tại Áo, nước được ca ngợi vì chiến lược xét nghiệm hàng loạt, tờ Kleine Zeitung cũng đã sử dụng cụm từ “đứa trẻ khó bảo” để mô tả Anh. Tờ báo cho biết quy mô khủng hoảng ở Anh là câu chuyện về những biện pháp sai lầm và thiếu biện pháp hạn chế.

    Tại Italy, tờ La Repubblica cũng liệt kê hàng loạt sai lầm của giới chức Anh với dòng tít: “Từ miễn dịch cộng đồng cho tới trì hoãn đeo khẩu trang: Mọi sai lầm của chính phủ ông Johnson”.

    Trong một bài viết trên tờ HuffPost phiên bản Italy, bài viết nói rằng số người tử vong ở Anh là kết quả của những lựa chọn mâu thuẫn. Bài có đoạn: Số người tử vong ở Anh cao bất chấp thực tế là đại dịch tác động tới Anh muộn hơn hai tuần so với Italy, cho Chính phủ Anh có nhiều thời gian để tổ chức những biện pháp phù hợp nhất để đối phó với đại dịch.

    Tờ báo ở Italy khác là Positano News mô tả tình hình ở Anh là thảm họa với trên 30.000 nạn nhân.

    Tại Tây Ban Nha, nơi cũng có số ca tử vong cao, tờ El Pais chạy một bài báo có tên “Cuộc phiêu lưu bất ngờ của ông Johnson”, trong đó nói về Thủ tướng Anh và cách xử lý đại dịch.  

    Tại Pháp, tờ Sud Ouest cho rằng ông Johnson đang chịu áp lực nặng nề vì ảnh hưởng kinh tế cũng như số người chết. Bài báo trên tờ Sud Ouest viết: “Thiệt hại của Anh đã vượt quá Italy. Áp lực đè nặng lên Thủ tướng”.

    Tại Thụy Điển, quốc gia cũng bị nước ngoài chỉ trích tương tự vì chiến lược không phong tỏa khác người, đài truyền hình SVT cho rằng số ca tử vong cao ở Anh là do thất bại trong xét nghiệm và theo dõi người tiếp xúc.

    Tại Na Uy, tờ điện tử Nettavisen nhận định phản ứng của Anh với đại dịch là chậm và không rõ ràng. Bài báo viết: “Anh có ca tử vong nhiều nhất châu Âu và chỉ trích nhằm vào giới chức ngày càng gia tăng vì không quan tâm đúng mức tới đại dịch”.

    Báo Tin Tức (theo DailyMail)

  • Nguyên nhân chính là do các bất lợi và phân biệt về điều kiện kinh tế-xã hội của các nhóm sắc tộc này so với người da trắng bản địa.

    Các thông tin do Văn phòng số liệu quốc gia Anh công bố trong ngày 7/5 cho thấy, do các bất lợi về kinh tế-xã hội, người da màu tại Anh có nguy cơ tử vong vì Covid-19 cao hơn nhiều so với người da trắng.

    Theo các con số do Văn phòng số liệu quốc gia Anh (ONS) đưa ra sau các cuộc điều tra từ đầu dịch Covid-19, đàn ông da đen tại nước này có tỷ lệ tử vong cao gấp 4,2 lần đàn ông da trắng, còn phụ nữ da đen có tỷ lệ cao gấp 4,3 lần.

    Với các cộng đồng da màu khác như Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, tỷ lệ này ở mức cao hơn khoảng 1,8 lần.

    Giải thích cho các con số này, Văn phòng số liệu quốc gia Anh cho rằng nguyên nhân chính là do các bất lợi và phân biệt về điều kiện kinh tế-xã hội của các nhóm sắc tộc này so với người da trắng bản địa. Tuy nhiên, cũng có những nguyên nhân khác chưa được làm rõ.

    Đây tiếp tục là một thống kê khác có thể gây sức ép lớn lên chính phủ Anh bởi cách đây vài ngày, Văn phòng thống kê quốc gia Anh cũng đã thông báo con số tử vong thực tế vì Covid-19 tại Anh cao hơn trên 3300 người so với công bố của chính phủ Anh.

    0 nguoi da mau covid
    Anh là nước chịu tổn thất nặng nề nhất vì Covid-19 ở Châu Âu.

    Trong ngày 7/5, theo thông báo của Ngoại trưởng Anh Dominic Raab, nước Anh có thêm 539 nạn nhân thiệt mạng vì dịch Covid-19, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 30.615 người, chưa tính hơn 3300 ca tử vong do Văn phòng Thống kê quốc gia Anh đưa ra. Với con số này, Anh vẫn là quốc gia có tổn thất nhân mạng vì Covid-19 lớn nhất châu Âu và thứ hai thế giới, sau Mỹ.

    Các tranh cãi gay gắt nhất quanh chiến dịch chống Covid-19 tại Anh hiện nay là về thời điểm sẽ nới lỏng phong toả. Trong ngày 7/5, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết sẽ thận trọng đến mức tối đa khi đưa ra bản kế hoạch nới lỏng vào ngày 10/5 này.

    Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab khẳng định, bất cứ sự nới lỏng nào vào lúc này, dù nhỏ, cũng mang đến rủi ro lớn nhất.

    “Để trả lời cho các thắc mắc, tôi sẽ nói luôn là không có bất cứ thay đổi nào trong các hướng dẫn và quy định của chính phủ, nhưng Thủ tướng Boris Johnson sẽ trình bày một bản lộ trình vào Chủ nhật tới. Bất kỳ thay đổi nào trong thời gian ngắn trước mắt cũng đều rất nhỏ, rất vừa phải và được giám sát cực kỳ chặt chẽ, còn bây giờ thì không có thay đổi nào cả.", Ngoại trưởng Anh nói./.

    VOV (theo Sky News)

  • 400.000 áo khoác bảo hộ chống dịch COVID-19 trong lô hàng đặt mua từ Thổ Nhĩ Kỳ đã bị Anh từ chối sau khi phát hiện không đạt các tiêu chuẩn của nước này.

    Theo The Guardian, 400.000 áo khoác bảo hộ trong lô hàng được chính phủ Anh đặt từ Thổ Nhĩ Kỳ tháng trước đã bị lực lượng thanh tra thẩm định là "không có hiệu quả" và không đạt tiêu chuẩn của Anh.

    Theo xác nhận từ Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội Anh (DHSC) hôm 6.5, số áo khoác bảo hộ này đang được giữ trong một nhà kho gần sân bay Heathrow và có khả năng cao sẽ được trả về Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng thời, DHSC sẽ đề xuất hoàn lại các chi phí đã thanh toán.

    Trước đó, hôm 18.4, Bộ trưởng Nhà ở, Cộng đồng và Chính quyền địa phương Anh Robert Jenrick cho biết chính phủ đã đặt mua 84 tấn thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) từ Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ nhân viên của Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) trong cuộc chiến chống lại đại dịch.

    Vụ việc diễn ra khi áp lực về việc thiếu PPE cho các nhân viên y tế tuyến đầu tại Anh đang gia tăng đáng kể, thậm chí các cơ quan chuyên môn còn cảnh báo rằng nhân viên NHS có thể từ chối làm việc nếu không có PPE. Đồng thời, các nhân viên y tế cũng đã lên tiếng phản đổi ý kiến của nhà chức trách về việc một số đồ bảo hộ có thể được tái sử dụng.

    ppe turkey

    Mới đây, một cuộc khảo sát của Hiệp hội Y khoa Anh cho biết gần một nửa số bác sĩ nước này đã tự trang bị PPE hoặc dựa vào nguồn được đóng góp khi các kênh phân phối của NHS không đủ đáp ứng.

    Với 30.076 ca tử vong, Anh hiện là nước có số người chết vì COVID-19 cao thứ 2 thế giới sau Mỹ. Tính đến chiều 7.5, Anh đã ghi nhận 201.101 ca nhiễm virus SARS-CoV-2.

    Theo Guardian

  • Thủ tướng Anh cho biết sẽ bỏ khuyến cáo người dân ở nhà như một phần trong kế hoạch dần nới lỏng các biện pháp hạn chế ứng phó Covid-19.

    "Chúng ta phải chắc chắn dữ liệu sẽ hỗ trợ khả năng chúng ta thực hiện điều này. Dữ liệu đó sẽ liên tục đến trong vài ngày tới. Nếu có thể, tôi muốn chúng ta sẽ thực hiện một số biện pháp nới phỏng tỏa vào đầu tuần sau", Thủ tướng Anh Boris Johnson nói trong cuộc họp ở số 10 phố Downing hôm 6/5.

    Ông Johnson cho biết sẽ thông báo kế hoạch nới phong tỏa trong cuộc họp ngày 10/5. Các biện pháp dỡ hạn chế sẽ không thực hiện đồng loạt mà theo từng giai đoạn, trong đó bỏ khuyến cáo ở nhà, cho phép cá nhân hoặc các thành viên cùng một gia đình ra ngoài tập thể thao "không giới hạn".

    EXVGaatU8AEn Px

    Ông cũng dự định khuyến khích mọi người quay trở lại làm việc nếu an toàn, nhưng đề nghị người dân che mặt khi đi trên các phương tiện giao thông công cộng.

    Các trường học có thể bắt đầu mở cửa trở lại "theo giai đoạn" vào đầu tháng 6, nhưng các nhà hàng, quán bar và quán cà phê vẫn chưa được ấn định thời điểm chính xác có thể nối lại hoạt động.

    Cách ứng phó của chính phủ Anh với Covid-19 từng hứng nhiều chỉ trích do xét nghiệm hạn chế và thiếu hụt thiết bị bảo hộ cho các nhân viên y tế. Nước này hiện phải đối mặt với câu hỏi liệu sẽ nới phong tỏa như thế nào để không gây ra làn sóng bùng phát dịch lần hai.

    Anh đã thực thi lệnh phong tỏa hơn một tháng, khiến các doanh nghiệp phải đóng cửa và người dân được yêu cầu ở nhà nếu không có việc cần thiết. Cố vấn y tế chính phủ Anh Chris Whitty cảnh báo cần kéo dài cách biệt cộng đồng cho đến khi tìm ra vaccine hoặc phương pháp điều trị nCoV. 

    Patrick Vallance, trưởng nhóm cố vấn khoa học chính phủ Anh, cho rằng đa số ca nhiễm nCoV ở nước này có nguồn gốc châu Âu, không phải Trung Quốc.

    "Vào đầu tháng 3, Anh ghi nhận rất nhiều ca nhiễm nCoV du nhập từ nhiều nơi khác nhau, đặc biệt là từ các nước châu Âu có dịch", ông Vallence phát biểu trước Ủy ban Chăm sóc Y tế và Xã hội của Hạ viện Anh hôm 5/5. Bộ gene virus vào thời điểm đó cho thấy phần lớn ca nhiễm "có thể đến từ Italy và Tây Ban Nha", ông nói.

    "Có thể đó là những du học sinh về nghỉ giữa kỳ, người đi công tác, nhưng chúng tôi không chắc lắm. Nhưng rất nhiều ca nhiễm không đến từ Trung Quốc hay từ những nơi bạn nghĩ. Họ quả thực đến từ châu Âu và tới Anh với tần suất cao vào khoảng thời gian đó", Vallance nói.

    VnExpress (theo Sky News)

  • Số người chết vì nCoV tại Anh vượt Italy và cao thứ hai thế giới sau Mỹ, sau khi giới chức công bố số liệu thống kê mới.

    Hai tháng trước, nước Anh khó lòng mường tượng được dấu mốc nghiệt ngã này. Anh ghi nhận ca tử vong vì nCoV đầu tiên ngày 5/3, khi Thủ tướng Boris Johnson nói rằng nước này "đã chuẩn bị cực kỳ tốt".

    Nhưng đúng hai tháng sau, Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS), cơ quan phụ trách thống kê tất cả trường hợp tử vong, thông báo số liệu mới, cho biết 32.313 người đã tử vong vì Covid-19, bao gồm cả những người chết ngoài bệnh viện. Con số này vượt Italy với hơn 29.000 và chỉ thấp hơn Mỹ với hơn 72.000.

    Trưởng ban cố vấn khoa học của chính phủ Anh Patrick Vallance từng nói giới hạn ca tử vong tại Anh ở mức 20.000 sẽ là "một kết quả tốt". Thủ tướng Johnson khẳng định luôn tuân thủ theo lời khuyên của chuyên gia.

    0 vung dich lon nhat
    Người đàn ông dự lễ tang người thân chết vì nCoV tại một nghĩa trang ở London, Anh, ngày 28/4. Ảnh: Reuters.

    Song chính phủ Anh đối mặt với chỉ trích ngày càng gia tăng vì phản ứng chậm trễ và sai lầm trước đại dịch. "Thật kinh khủng khi số ca tử vong sắp đạt 30.000. Chúng ta đang trong giai đoạn phản ứng, vì thế tôi chỉ trích rất kịch liệt tình trạng chậm trễ", David King, từng là cố vấn khoa học cao cấp cho chính phủ Anh năm 2000-2007, nói với BBC hồi tuần trước.

    Thủ tướng Johnson, người phải nằm phòng chăm sóc tích cực trong ba ngày để chiến đấu với nCoV, bị cáo buộc không đánh giá đủ mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi đầu tháng 3 cảnh báo về một đại dịch tiềm tàng, chính phủ Anh khuyến cáo rửa tay kỹ là biện pháp phòng vệ tốt nhất, đồng thời triển khai truy vết giới hạn một số ca nhiễm.

    Johnson còn khoe rằng ông vẫn bắt tay mọi người khi gặp các bệnh nhân hôm 3/3. Hai ngày sau, giới chức Anh thông báo người đầu tiên chết vì nCoV.

    Khi số ca nhiễm tại Anh bắt đầu tăng lên vào giữa tháng 3, nước này gần như bỏ rơi truy vết, tìm kiếm và xét nghiệm những người tiếp xúc với người nhiễm. Chiến lược truy vết đã được nhiều quốc gia, như Hàn Quốc và New Zealand, sử dụng rộng rãi để giảm tốc độ lây nhiễm và hạn chế số ca tử vong.

    Thay vào đó, chính phủ Anh cho biết sẽ cố gắng giảm ca nhiễm, ngăn tình trạng quá tải đối với Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) bằng các biện pháp cách biệt cộng đồng. Quyết định được đưa ra sau khi Đại học Hoàng gia London cảnh báo hạn chế đi lại "là lựa chọn chính sách ưu tiên" để ngăn virus lây lan và chặn hàng nghìn ca tử vong tiềm tàng.

    Thay đổi này dường như là sự thừa nhận tình trạng lây nhiễm tại Anh đã vượt tầm kiểm soát. Nhưng Thủ tướng Johnson ban đầu vẫn lưỡng lự ban hành lệnh phong tỏa. Trong khi đó, cố vấn Vallance gây nhầm lẫn khi đề xuất cho phép hình thành "miễn dịch cộng đồng". Các bộ trưởng Anh nhanh chóng phủ nhận đây là ý định của họ và nói đó là "một khái niệm khoa học, không phải là mục tiêu".

    Ngày 20/3, khi số ca nhiễm và tử vong tăng vọt, Anh lệnh đóng cửa trường học, quán rượu, nhà hàng, phòng gym và các địa điểm công cộng khác. Thủ tướng Johnson ba ngày sau yêu cầu dân chúng chỉ nên ra ngoài mua thức ăn, tập thể dục một lần trong ngày, hoặc chỉ đi làm nếu không thể làm việc tại nhà.

    Vào giữa tháng 4, Anh vào nhóm các quốc gia ghi nhận nhiều người chết vì nCoV nhất, ghi nhận khoảng 10.000 ca tử vong tại các bệnh viện, trong đó hơn 1.000 ca hôm 8/4. Tổng số người chết tại Anh tăng gấp đôi gần hai tuần sau. Số ca tử vong thật sự tại Anh vẫn là chủ đề gây tranh cãi bởi các phương pháp thống kê khác nhau và cách so sánh tỷ lệ lây nhiễm, tử vong.

    Trong khi các biện pháp phong tỏa đang làm nền kinh tế Anh tê liệt và chưa rõ khi nào sẽ được nới lỏng, Anh đang muốn quay lại sử dụng chiến lược truy vết người tiếp xúc, vốn được nhiều chuyên gia khuyến cáo không nên từ bỏ.

    Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cam kết sẽ tăng tốc độ xét nghiệm lên 100.000 lượt/ngày từ cuối tháng 4. Giới chức y tế Anh thuê hơn 18.000 người làm nhiệm vụ theo dõi với một ứng dụng mới, chương trình sẽ được triển khai vào giữa tháng 5. Dù đã đạt tốc độ xét nghiệm như cam kết và ứng dụng truy vết tiếp xúc đang được thử trên đảo Wight, giới chuyên gia chỉ trích chính phủ đã để mất quá nhiều thời gian.

    Richard Horton, biên tập viên của tạp chí y khoa Lancet, mô tả phản ứng tổng thể trước Covid-19 của Anh là "thất bại chính sách khoa học lớn nhất" trong một thế hệ.

    "Nếu chúng ta sử dụng hai tháng qua để tăng quy mô xét nghiệm, truy vết tiếp xúc và tăng công suất sử dụng giường chăm sóc đặc biệt, rõ ràng chúng ta sẽ cứu được nhiều người", Richard Horton cho biết.

    VnExpress (theo AFP)

  • Hackney có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao thứ ba ở Anh và xứ Wales, theo số liệu gần đây nhất của Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS).

    Báo cáo của ONS cho thấy cư dân ở những khu vực thiếu thốn hơn có tỷ lệ tử vong cao gấp đôi so với những người ở các khu vực giàu có hơn, trong đó Hackney có 127,4 người chết trên 100.000 người liên quan đến Covid-19 trong khoảng thời gian từ 1 tháng 3 đến 17 tháng 4 – cao hơn 3,5 lần con số trung bình ở Anh và xứ Wales.

    Thị trưởng Hackney, ông Philip Glanville, đã mô tả các số liệu là “cứng nhắc,” đồng thời chỉ ra những thách thức hàng ngày mà những người sống trong cảnh thiếu thốn phải đối mặt chính là lý do gây ra tỷ lệ tử vong cao.

    memori wall 1 620

    Do đó, ông nói thêm rằng các yếu tố như béo phì, tỷ lệ hút thuốc, sức khỏe tâm thần và sự cô lập là “một vài lý do chúng tôi muốn chỉ ra, không chỉ trong cuộc khủng hoảng này, mà còn trong tương lai.”

    Thị trưởng Glanville cho biết: “Rất khó để tiếp nhận những con số này. Chúng tôi đã xem báo cáo về những người chúng tôi quen biết đã ra đi mãi mãi - những cá nhân nổi bật, các nhà lãnh đạo cộng đồng, nhân viên NHS, tài xế xe buýt và cả những người làm việc ngay tại hội đồng – rồi sau đó bạn thấy những con số thống kê này.

    “Đối với tôi, cần nhớ rằng mỗi con số thống kê là một cá nhân, một cộng đồng, một gia đình đau thương và buồn tủi. Hackney có tất cả những thách thức mà một khu vực nội đô có thể phải đối mặt - nghèo đói, sức khỏe và bất bình đẳng, nhiều người tham gia mua bán nhỏ lẻ và nhiều người đến từ các nền tảng khác nhau.

    “Những gì bạn nhìn thấy trong các số liệu thống kê là thực tế khắc nghiệt cho thấy nghèo đói và bất bình đẳng về y tế và cách họ đang phải chống chọi với căn bệnh khủng khiếp này.

    “Chúng ta biết rằng những người có bệnh lý nền dễ mắc Covid-19 hơn và đó là những gì đã diễn ra qua các số liệu thống kê mà chúng tôi nhận được.”

    Nhà lãnh đạo quận nói thêm rằng thách thức của ông bây giờ là xác định chính xác các yếu tố trong hệ thống dẫn đến kết quả bi thảm này, đặc biệt là khi các vấn đề như bệnh viện bị quá tải hoặc thiếu PPE không nghiêm trọng bằng các nơi khác.

    Tòa thị chính hiện đang tiến hành mô hình hóa để xác định tác động của virus đối với các cộng đồng khác nhau, theo lời kêu gọi của Thị trưởng Glanville và lãnh đạo hội đồng Carole Williams, yêu cầu đánh giá độc lập về Covid và chiến lược của chính phủ đối với cộng đồng BAME (người da đen, châu Á và thiểu số).

    Nick Stripe, trưởng bộ phận phân tích sức khỏe của ONS, cho biết: “Vào giữa tháng 4, khu vực có tỷ lệ tử vong cao nhất liên quan đến Covid-19 là London, trong đó virus có liên quan đến hơn bốn trong số 10 ca tử vong kể từ khi dịch bệnh bắt đầu vào Tháng Ba.

    Ngược lại, khu vực có tỷ lệ tử vong Covid-19 thấp nhất là South West, chỉ có hơn 1/10 trường hợp tử vong liên quan đến coronavirus. 11 chính quyền địa phương có tỷ lệ tử vong cao nhất đều là các quận của London, với Newham, Brent và Hackney có tỷ lệ tử vong liên quan đến Covid-19 cao nhất.

    “Những người sống ở các khu vực thiếu thốn hơn có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao hơn gấp đôi so với những người sống ở các khu vực ít bị thiếu. Tỷ lệ tử vong chung thường cao hơn ở những khu vực thiếu thốn hơn, nhưng cho đến nay Covid-19 dường như càng đẩy con số lên cao hơn nữa.”

    VietHome (Theo Hackney Citizen)