• Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết các biến thể mới SARS-CoV-2, bao gồm biến thể được tìm thấy ở Anh, có thể dẫn đến kết quả âm tính giả trong một số xét nghiệm sinh học phân tử Covid-19.

    vaccine bien the moi
    Nhân viên y tế thu thập mẫu xét nghiệm Covid-19 ở thành phố Dallas, bang Texas. Ảnh: REUTERS

    Tuy nhiên, FDA lưu ý nhìn chung nguy cơ các biến thể đột biến của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng đến độ chính xác của xét nghiệm vẫn là thấp, theo Reuters.

    FDA đã gửi văn bản cảnh báo các nhân viên phòng thí nghiệm và bệnh viện về vấn đề kết quả âm tính giả có thể xảy ra.

    FDA đồng thời khuyến cáo cộng đồng y tế cần xem xét kỹ lưỡng kết quả xét nghiệm kết hợp với theo dõi, chẩn đoán lâm sàng và sử dụng biện pháp xét nghiệm khác nếu vẫn nghi ngờ bệnh nhân mắc Covid-19.

    Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ Francis Collins ngày 8.1 cho biết biến thể dễ lây lan hơn của SARS-CoV-2 lan rộng khắp nước Anh và được ghi nhận tại ít nhất 5 bang ở Mỹ.

    Cùng ngày, Thị trưởng thủ đô London (Anh), ông Sadiq Khan cho biết số ca mắc Covid-19 hiện “vượt quá tầm kiểm soát" và gây quá tải hệ thống y tế, đồng thời cảnh báo các bệnh viện sắp lâm vào tình trạng không còn giường bệnh.

    Trong ngày 8.1, nước Anh ghi nhận con số kỷ lục 1.325 người chết vì Covid-19, nâng tổng số trường hợp tử vong lên 79.833 người.

    Tuy nhiên, các nhà khoa học tại Đại học Texas (Mỹ) cho biết vắc xin của liên danh Mỹ-Đức Pfizer/BioNTech cũng có hiệu quả chống lại biến thể mới, bao gồm biến thể được phát hiện ở Anh và châu Phi.

  • Tháng 3/2020, khi công chúng kêu gọi các biện pháp nghiêm ngặt hơn để chống Covid-19, chính phủ Anh vẫn chần chừ.

    Giới chức Anh khi đó dường như băn khoăn về việc liệu đất nước đã sẵn sàng cho một lệnh phong tỏa toàn quốc hay chưa, dù tình hình nCoV lây lan nghiêm trọng khiến đây trở thành một lựa chọn khó có thể tránh khỏi. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết công chúng Anh có thái độ cương quyết hơn nhiều so với chính phủ.

    Tới tận cuối tháng 3, khi gần như tất cả quốc gia châu Âu đã áp lệnh phong tỏa, giới chức Anh mới hành động, nhưng quyết định này dường như quá muộn màng. Cái giá phải trả là tỷ lệ tử vong trên đầu người vì Covid-19 cao hàng đầu khu vực, với hàng nghìn người thiệt mạng.

    Tháng 9/2020, các nhà khoa học phát hiện biến thể nCoV mới, với khả năng lây nhiễm cao hơn 70% so với chủng đầu tiên, nhưng chính quyền Thủ tướng Anh Boris Johnson vẫn chưa tiếp thu được bài học từ mùa xuân, các bình luận viên của Guardian nhận định.

    nuoc anh hon loan

    Johnson hôm 14/10/2020 bác bỏ lời kêu gọi phong tỏa theo mô hình "cầu dao" của lãnh đạo Công đảng Keir Starmer, đồng thời chỉ trích "chủ nghĩa cơ hội" của phe đối lập. Trong khi đó, Scotland, nơi tỷ lệ lây nhiễm nCoV thấp hơn, đã tuyên bố phong tỏa.

    Đến tháng 11/2020, chủng nCoV mới đã hoành hành khắp đất nước, chiếm 1/4 số ca nhiễm mới ở London, thúc đẩy Johnson ban lệnh phong tỏa toàn quốc mới kéo dài 4 tuần từ ngày 5/11. Tuy nhiên, chỉ hơn một tuần sau, Anh thông báo sẽ áp dụng chính sách rút ngắn thời gian cách ly dành cho hành khách thông qua một chương trình xét nghiệm từ ngày 15/12.

    Sự thiếu nhất quán trong cách ứng phó đại dịch của Anh tiếp tục được thể hiện vào ngày 23/11, khi chính phủ công bố hệ thống nghiêm ngặt gồm ba cấp, yêu cầu những khu vực nằm trong vùng nguy cơ dịch bệnh cao nhất đóng cửa quán rượu và nhà hàng.

    Lệnh phong tỏa toàn quốc lần hai kết thúc hôm 2/12, sau đó các biện pháp hạn chế mới phân theo cấp được thực thi. London và hầu hết khu vực phía đông nam, nơi số ca nhiễm gia tăng nhanh chóng, được đặt ở cấp độ hai. Đến ngày 14/12, các biện pháp hạn chế tại thủ đô và một số vùng được nâng lên mức ba, trong bối cảnh gần 2/3 số ca nhiễm mới ở London là do chủng nCoV mới.

    Trước tình thế nguy hiểm, Tạp chí Y khoa Anh và Tạp chí Dịch vụ Y tế đăng một bài xã luận chung kêu gọi chính phủ hủy kế hoạch nới lỏng hạn chế trong 5 ngày nhân dịp Giáng sinh. Tuy nhiên, giới chức quyết định không thay đổi chính sách chống dịch.

    "Tôi muốn nói rõ rằng chúng tôi không muốn cấm và hủy Giáng sinh. Theo tôi, điều đó thực sự vô nhân đạo và trái với mong muốn tự nhiên của nhiều người trên đất nước này", Thủ tướng Johnson phát biểu hôm 16/12.

    Bước ngoặt một lần nữa diễn ra vào ngày 19/12, với việc Johnson công bố các biện pháp hạn chế ở cấp độ 4 trên toàn vùng đông nam nước Anh. Các hộ gia đình khác nhau không còn được tụ tập vào Giáng sinh như quy định trước đó của chính phủ, những cửa hàng không thiết yếu cũng bị đóng cửa.

    Tình hình hỗn loạn càng thêm nghiêm trọng khi tính đến ngày 22/12, hơn 40 quốc gia đã đình chỉ nhập cảnh với hành khách từ Anh, một số tuyến đường di chuyển huyết mạch bị chặn trong nỗ lực kiểm soát chủng nCoV mới, khiến dòng xe ùn tắc suốt nhiều ngày.

    Theo các bình luận viên của Guardian, chính phủ Anh luôn chậm một bước so với diễn biến của đại dịch và dường như liên tục bị bất ngờ. "Cách xử lý khủng hoảng tốt nhất là tiên liệu và hành động trước, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với những quyết định không vừa lòng người dân. Tuy nhiên, Phố Downing luôn từ chối đối mặt và hành động nhằm ngăn chặn viễn cảnh xấu nhất, trước khi điều tồi tệ thực sự xảy ra", tờ báo nhận định.

    Hậu quả là hệ thống bệnh viện, với khả năng điều trị Covid-19 vốn đã được cải thiện, giờ đây lại đối mặt với nguy cơ bị quá tải. Theo ước tính, khu vực đông nam nước Anh hiện ghi nhận số ca nhập viện vì nhiễm nCoV cao hơn 50% so với giai đoạn cao điểm hồi tháng 4/2020. Trên khắp những vùng còn lại của đất nước, tỷ lệ nhập viện cũng đang tăng lên mỗi ngày. Cột mốc đáng sợ 100.000 người chết vì Covid-19 ở Anh được cho là không thể tránh khỏi nếu không có bước ngoặt đáng kể.

    Hôm 4/1, Thủ tướng Johnson cho biết chính phủ rõ ràng sẽ cần siết chặt hạn chế để đối phó với mức độ lây nhiễm đang gia tăng nhanh chóng. Giữa hàng loạt lời kêu gọi thay đổi chiến lược lớn, ông tuyên bố Anh sẽ bước vào đợt phong tỏa toàn quốc thứ ba, dự kiến được duy trì đến giữa tháng 2. Tuy nhiên, Bộ trưởng Văn phòng Nội các Anh Michael Gove thừa nhận nước này có khả năng phải phong tỏa đến tháng 3.

    VnExpress (Theo Guardian)

  • Thế giới ghi nhận hơn 86,7 triệu ca nCoV với hơn 1,87 triệu người chết, Anh báo cáo kỷ lục hơn 60.000 ca nhiễm một ngày.

    Thế giới ghi nhận 86.756.013 ca nhiễm và 1.873.560 người chết do Covid-19, tăng lần lượt 761.676 và 14.469 ca một ngày, trong khi 61.483.542 người đã bình phục, theo trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers.

    Anh, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, ghi nhận 2.774.479 ca nhiễm và 76.305 ca tử vong, tăng lần lượt 60.916 và 830 trường hợp. Đây là lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát nước này báo cáo trên 60.000 ca nhiễm mới một ngày.

    dich benh nghiem trong o anh
    Nhân viên y tế di chuyển một bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19 tại London, Anh, hồi tháng trước. Ảnh: Reuters.

    Trong một thông báo ngày 5/1, Giám đốc Cơ quan Y tế Công cộng Anh Yvonne Doyle cho biết "tốc độ gia tăng nhanh chóng số ca nhiễm là một dấu hiệu đáng lo ngại" và sẽ gây thêm áp lực đáng kể cho hệ thống y tế của đất nước. "Chúng ta cần ở nhà, giảm thiểu tiếp xúc càng nhiều càng tốt nhằm ngăn chặn virus lây lan", bà nói.

    Tình hình dịch bệnh tại Anh diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của chủng nCoV mới, được cho là có khả năng lây nhiễm cao hơn 70% so với chủng ban đầu.

    Thủ tướng Anh Boris Johnson tối 4/1 thông báo tái phong tỏa toàn quốc, kêu gọi người dân ở nhà và đóng cửa trường học để kiểm soát biến chủng nCoV siêu lây nhiễm. Thủ tướng Johnson cho rằng biến chủng nCoV mới đang lây lan với tốc độ rất nhanh, buộc London áp dụng những hành động kịp thời để chặn đà lây lan và ngăn hệ thống y tế vỡ trận trước khi chương trình tiêm chủng vaccine đạt số lượng cần thiết.

    Theo lệnh phong tỏa mới, toàn bộ cửa hàng không thiết yếu và cơ sở tiếp đón khách sẽ tiếp tục đóng cửa. Trường tiểu học và trung học sẽ đóng cửa từ ngày 5/1, chỉ tiếp nhận học sinh dễ tổn thương hoặc con của những lao động thiết yếu trong xã hội. Biện pháp mới này đồng nghĩa với việc khó tổ chức những đợt thi cuối cùng cho học sinh vào mùa hè, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch giáo dục trong hai năm liên tiếp.

    Thủ tướng Johnson cho biết các lệnh phong tỏa có thể được nới lỏng từ giữa tháng 2, nếu chương trình tiêm vaccine diễn ra theo kế hoạch và số ca tử vong mới giảm dần. Tuy nhiên, ông vẫn khuyến cáo cẩn trọng với mốc thời gian này và kêu gọi người dân tuân thủ quy định hạn chế.

    Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 195.747 ca nhiễm và 2.984 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm lên 21.548.798, trong đó 365.107 người chết. Nước này khép lại năm 2020 với tháng 12 chết chóc nhất và có số ca lây nhiễm nhiều nhất kể từ thời điểm đại dịch bùng phát. Hơn 77.000 người đã chết và 6,4 triệu người nhiễm virus trong tháng cuối cùng của năm 2020, vượt qua con số kỷ lục được ghi nhận trước đó vào tháng 4/2020 với 58.000 người chết.

    Giới chức y tế công cộng ngày 3/1 cảnh báo những ngày tai họa vẫn còn ở phía trước khi mà số ca nhiễm mới mỗi ngày có thể tiếp tục tăng liên quan đến hoạt động tụ tập, họp mặt kỳ nghỉ lễ.

    "Đó là một viễn cảnh tồi tệ, không may nhưng đã được dự đoán trước", tiến sĩ Anthony S. Fauci, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Mỹ, cho biết.

    Mỹ bắt đầu báo cáo những ca đầu tiên nhiễm biến chủng Covid-19 từ Anh. Thống đốc New York Andrew Cuomo ngày 5/1 trong một cuộc họp báo cảnh báo biến chủng này thực sự là một vấn đề nghiêm trọng và có thể thay đổi toàn bộ tình hình. Cuomo kêu gọi tất cả những ai từng tiếp xúc với ca nhiễm biến chủng Covid-19 đầu tiên ở thị trấn Saratoga, New York, liên hệ ngay với nhà chức trách để có biện pháp can thiệp kịp thời.

    Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 17.908 ca nhiễm và 265 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 10.375.477 và 150.151.

    Cơ quan quản lý dược phẩm Ấn Độ ngày 3/1 phê duyệt hai vaccine Covid-19 cho sử dụng khẩn cấp, một loại là vaccine do công ty dược phẩm AstraZeneca phối hợp cùng Đại học Oxford, Anh, phát triển, và loại còn lại là vaccine mang tên COVAXIN do công ty Ấn Độ Bharat Biotech nghiên cứu.

    Quốc gia đông dân thứ hai thế giới này dự kiến bắt đầu chương trình tiêm chủng Covid-19 quy mô lớn trong vài tuần nữa với chủ đạo là vaccine AstraZeneca/Oxford, trong khi vaccine COVAXIN sẽ được quản lý với điều kiện nghiêm ngặt hơn do chưa có dữ liệu nào về tính hiệu quả của nó được công bố.

    Theo lãnh đạo cơ quan quản lý dược phẩm Ấn Độ V.G. Somani vaccine AstraZeneca/Oxford đạt hiệu quả ở mức 70,42% còn vaccine COVAXIN "đủ an toàn và cho thấy phản ứng miễn dịch mạnh mẽ".

    Somani giải thích rằng vaccine của Bharat Biotech được phê duyệt "vì lợi ích cộng đồng, như một biện pháp phòng ngừa... để có nhiều lựa chọn hơn cho việc tiêm chủng, đặc biệt trong các trường hợp nhiễm chủng virus đột biến".

    Ấn Độ đã đình chỉ tất cả chuyến bay từ Anh từ ngày 23/12 tới ngày 7/1 do lo ngại nguy cơ lây lan chủng nCoV mới, nhưng khoảng 33.000 hành khách đã bay đến từ cuối tháng 11, trước khi lệnh cấm được thực thi.

    Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 1.141 người chết vì Covid-19, tăng gần gấp đôi so với một ngày trước, nâng tổng số ca tử vong lên 197.732. Số người nhiễm nCoV tăng vọt 55.840 ca trong 24 giờ qua, lên 7.810.400.

    Với áp lực bủa vây Tổng thống Jair Bolsonaro về việc bắt đầu tiêm chủng cho người dân, chính phủ Brazil hôm 29/12 kêu gọi các nhà sản xuất vaccine Covid-19 tăng tốc đăng ký phê duyệt sử dụng vaccine tại nước này. Thứ trưởng Y tế Brazil Elcio Franco cam kết cải thiện đối thoại với Pfizer, sau khi hãng dược phẩm Mỹ phàn nàn về những thủ tục khó khăn khi đăng ký cấp phép.

    Cơ quan quản lý y tế Brazil Anvisa cho biết đã phê chuẩn nhập khẩu hai triệu liều vaccine AstraZeneca/Oxford dù vaccine này chưa được chấp thuận sử dụng cho tiêm chủng đại trà.

    Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận thêm 24.246 ca nhiễm nCoV và 518 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.284.384 và 59.506.

    Trong bài phát biểu năm mới 2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận làn sóng Covid-19 thứ hai đang tàn phá đất nước. "Thật không may khi đại dịch vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. Cuộc chiến chống lại nó không thể ngừng nghỉ trong một phút giây nào", ông nói.

    Nga đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine Sputnik V như một phần của chương trình tiêm chủng quốc gia vào đầu tháng 12, tập trung vào nhóm chịu rủi ro cao. Bộ trưởng Công nghiệp Denis Manturov cho biết Nga đã sản xuất tổng cộng hơn 2 triệu liều Sputnik V và phân phối một triệu liều trong nước trước khi kết thúc năm 2020.

    Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 20.489 ca nhiễm, tăng gần 5 lần so với ngày hôm trước, và 378 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 2.680.239 và 66.282.

    Pháp ngày 31/12 lần đầu ghi nhận ca nhiễm chủng nCoV mới từ Nam Phi, là một người ở vùng Haut-Rhin, gần biên giới Thụy Sĩ, mới trở về từ quốc gia châu Phi này. Chủng 501.V2 được giới chức Nam Phi phát hiện từ giữa tháng 12. Trước đó, ngày 25/12, Pháp ghi nhận ca nhiễm chủng nCoV mới từ Anh đầu tiên, là một công dân Pháp sống ở Anh.

    Kể từ 2/1, Pháp áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm sớm hơn tại 15 khu hành chính đông bắc và đông nam, bắt đầu từ 18h thay vì 20h. Pháp đang bị chỉ trích vì triển khai vaccine chậm hơn nhiều các quốc gia châu Âu khác. Chưa đến 200 người được tiêm vaccine Pfizer/BioNTech ở nước này.

    Bộ trưởng Y tế Olivier Veran ngày 1/1 thông báo kế hoạch mở rộng chiến dịch tiêm chủng vốn chỉ nhắm mục tiêu vào cư dân viện dưỡng lão và nhân viên y tế trên 65 tuổi. Veran nói rằng kể từ 4/1, nhân viên y tế trên 50 tuổi cũng được tiêm vaccine.

    Iran, một trong những vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 55.748 người chết, tăng 98, trong tổng số 1.255.620 ca nhiễm, tăng 6.113.

    Iran hôm 29/12 khởi động giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đầu tiên đối với loại vaccine Covid-19 do nước này tự phát triển, bằng việc tiến hành tiêm cho ba người trên truyền hình. Nhóm tình nguyện viên này bao gồm hai quan chức cấp cao và con gái chủ tịch Tập đoàn EIKO, nhà tài trợ cho dự án vaccine.

    Ngoài ra, Iran đang tiếp tục phát triển một loại vaccine khác, đồng thời đặt khoảng 16,8 triệu liều thông qua Covax, cơ chế phân phối vaccine do Tổ chức Y tế Thế giới thành lập.

    Hàn Quốc ghi nhận 715 ca nhiễm mới trong 24 giờ, nâng tổng số lên 64.979, trong đó 1.007 ca tử vong, tăng 26 ca so với hôm trước.

    Chính phủ Hàn Quốc tuần qua bổ sung các hạn chế mới như cấm tụ tập trên 4 người, đồng thời đình chỉ các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết, các môn thể thao du lịch, nhằm ngăn chặn virus lây lan trong dịp Giáng sinh và năm mới. Nước này cũng tuyên bố đẩy nhanh công tác tiêm chủng Covid-19, sau khi phát hiện ra những ca đầu tiên của biến chủng nCoV liên quan đến Anh.

    Trái ngược với cảnh người chen chúc đón năm mới như những năm trước, đường phố thủ đô Seoul của Hàn Quốc đêm qua vắng tanh do các hạn chế ngăn Covid-19. Những địa điểm nổi tiếng cũng không có bóng người, chỉ có những tốp cảnh sát làm nhiệm vụ để ngăn người dân tụ tập.

    Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 779.548 ca nhiễm, tăng 7.445, trong đó 23.109 người chết, tăng 198. Indonesia đã cấm mọi du khách đến từ Anh và thắt chặt quy định với người đến từ châu Âu và Australia để hạn chế lây lan biến chủng virus.

    Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin hôm 29/12 cho biết nước này đang hoàn tất các thoả thuận mua 50 triệu liều vaccine Covid-19 từ Pfizer và AstraZeneca. Ông Sadikin nói thêm rằng 1,3 triệu nhân viên y tế tuyến đầu sẽ được ưu tiên tiêm vaccine trước. 500 người trong số họ đã tử vong vì Covid-19.

    Hôm 31/12, Indonesia nhận 1,8 triệu liều vaccine Trung Quốc Sinovac. Đây là lô thứ hai sau khi họ nhận 1,2 triệu người hôm 6/12. Tổng cộng, Indonesia đã bảo đảm 329 triệu liều vaccine, trong đó có khoảng 125 triệu liều từ Sinovac, 50 triệu từ Novavax và 54 triệu từ chương trình vắc xin toàn cầu Covax. Mục tiêu của Indonesia là tiêm chủng miễn phí cho toàn bộ 267 triệu dân.

    Philippines báo cáo 479.693 ca nhiễm và 9.321 ca tử vong, tăng lần lượt 937 và 58 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực.

    Quan chức Philippines tuần trước cho biết một số bộ trưởng và binh sĩ đã được tiêm vaccine Covid-19, nhưng với số lượng không lớn. Quan chức không cho biết loại vaccine được sử dụng. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Bộ Y tế hôm 28/12 đều cảnh báo phản đối việc sử dụng vaccine chưa được phê duyệt và việc nhập khẩu, phân phối hoặc bán vaccine chưa được phê duyệt là bất hợp pháp.

    Kể từ 2/1, Philippines cấm người đến từ Mỹ sau khi nước này phát hiện thêm ca nhiễm chủng nCoV mới từ Anh. Trước đó, Manila đã ra lệnh cấm nhập cảnh với hành khách từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ phát hiện chủng mới từ 29/12.

    Thái Lan ghi nhận thêm 527 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số ca nhiễm lên 8.966, trong đó 65 người chết, giữ nguyên so với hôm trước.

    Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha hôm 4/1 thông báo 28 tỉnh, gồm thủ đô Bangkok, là khu vực nguy cơ cao và yêu cầu người dân làm việc tại nhà, tránh tụ tập hoặc đi khỏi tỉnh của họ khi ca nhiễm tăng lên sau đợt bùng phát được phát hiện tháng trước tại một chợ hải sản gần Bangkok.

    Chính quyền Bangkok đã ra lệnh cho các nhà hàng và người bán thức ăn đường phố tạm dừng dịch vụ ăn uống từ 19h đến 6h hôm sau, bắt đầu từ 5/1, để giảm nguy cơ virus lây lan. Người dân được phép mua đồ ăn mang đi.

    Việc bán rượu trong các nhà hàng bị cấm và các quán bar cũng như các tụ điểm giải trí ở các tỉnh nguy cơ cao đã phải đóng cửa. Các thống đốc tỉnh được trao quyền áp đặt các hạn chế riêng ở địa phương. Các trường học và trung tâm giáo dục trên toàn quốc đã bị đóng cửa trong một tháng.

    Làn sóng Covid-19 mới tại Thái Lan bắt nguồn từ một chợ hải sản ở tỉnh Samut Sakhon, gần thủ đô Bangkok. Giới chức hôm 25/12 cảnh báo nếu không thực hiện giãn cách xã hội, cùng nhiều biện pháp phòng dịch khác, Thái Lan có nguy cơ phải đóng cửa toàn quốc vào tháng 3 tới.

    Singapore ghi nhận 58.749 ca nhiễm, tăng 28 ca trong 24 giờ qua. Số ca tử vong duy trì ở mức 29.

    Đảo quốc này ngày 30/12 bắt đầu tiêm chủng vaccine Covid-19 của Pfizer, ưu tiên nhân viên y tế, người cao tuổi. Chính phủ dự kiến có đủ vaccine cho 5,7 triệu công dân vào quý 3/2021, theo đó người dân Singapore và người nước ngoài định cư lâu dài được tiêm miễn phí.

    VnExpress (Theo AFP, Reuters, CNN)

  • Chính phủ Anh ghi nhận cứ 50 người có một người mắc Covid-19, trong bối cảnh nước này phong tỏa toàn quốc lần ba.

    Số liệu thống kê từ chính phủ được Thủ tướng Anh Boris Johnson công bố hôm 5/1 cho thấy số bệnh nhân nhập viện vì Covid-19 ở nước này hiện cao hơn 40% so với thời điểm đỉnh dịch hồi tháng 4.

    Lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát, Anh ghi nhận trên 60.000 ca nhiễm mới một ngày, hôm 5/1, đưa tổng số ca mắc Covid-19 lên 2.774.479 và 76.305 ca tử vong.

    Giáo sư Chris Whitty, cố vấn y tế trưởng của chính phủ, cho biết số người chết hàng ngày trung bình là khoảng 530 người, dự kiến sẽ còn tăng lên.

    Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến khó lường, Thủ tướng Boris Johnson đã công bố lệnh phong tỏa toàn quốc mới kéo dài đến ít nhất giữa tháng 2, với hy vọng làm chậm sự lây lan của biến thể nCoV.

    Ông Johnson cũng cảnh báo những tuần tới sẽ là "khó khăn nhất", khi các trường học và cơ sở kinh doanh không thiết yếu bị đóng cửa, người dân được yêu cầu ở nhà.

    so luong nguoi nhiem
    Người dân London đeo khẩu trang, đi lại trên đường phố vắng vẻ trong ngày đầu tiên thành phố áp đặt lệnh hạn chế cấp độ 3. Ảnh: NY Times

    Thủ tướng hứa sẽ tập trung nỗ lực vào việc triển khai chương trình tiêm chủng rộng khắp nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới.

    Với gần ba triệu người bệnh, nước Anh đang phải chạy đua với thời gian để phân phối vaccine đến người dân.

    "Chúng ta đều biết còn nhiều tuần phía trước phải kiên trì với những biện pháp hạn chế này. Tuy nhiên, tôi muốn cung cấp cho người dân Anh sự minh bạch tối đa nhất về việc triển khai vaccine. Mọi người có thể cập nhật thông tin từng ngày và thấy chúng ta đã đạt được tiến bộ ra sao", ông Johnson cho biết.

    Nước Anh sẽ phong tỏa cho đến khi chương trình tiêm chủng được triển khai với bốn nhóm dễ bị tổn thương nhất: cư dân trong viện dưỡng lão và những nhân viên chăm sóc họ, công dân trên 70 tuổi, nhân viên y tế tuyến đầu, người dễ bị tổn thương.

    Theo Nadhim Zahawi, Bộ trưởng phụ trách hoạt động triển khai vaccine, bốn nhóm mà Thủ tướng nêu ra bao gồm 13,9 triệu người ở Anh. Mục tiêu này có thể đạt được vào giữa tháng 2 với điều kiện đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.

    Kể từ khi chiến dịch tiêm chủng bắt đầu từ ngày 8 đến 27/12/2020, chưa đến 800.000 người ở Anh được tiêm phòng.

    Tuy nhiên, với việc triển khai lô vaccine đầu tiên do Đại học Oxford/AstraZeneca phát triển hôm 5/1, các quan chức Anh cho rằng chiến dịch hiện có thể được đẩy nhanh vì vaccine Oxford dễ vận chuyển và không cần bảo quản ở nhiệt độ quá lạnh.

    Nguồn: New York Times

  • Thủ tướng Borish Johnson ca ngợi hàng triệu người dân chấp nhận "hy sinh to lớn" khi Anh bước vào đợt tái phong tỏa toàn quốc chống Covid-19.

    "Hàng triệu người phải làm việc tại nhà, giáo viên và học sinh dần quen với việc học trực tuyến. Các doanh nghiệp trong khi đó phải gánh chịu hậu quả từ các đợt phong tỏa liên tiếp. Đội ngũ nhân viên y tế tuyệt vời cũng đang vật lộn với biến chủng nCoV mới", Thủ tướng Johnson nói trong cuộc họp báo ở London hôm 5/1, chỉ vài giờ trước khi Anh bắt đầu đợt phong tỏa mới.

    Johnson khẳng định khi nhìn vào tình hình hiện nay, mọi người dân đều hiểu rằng chính phủ của ông "không còn lựa chọn nào khác" ngoài áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc, bắt đầu có hiệu lực từ nửa đêm 5/1.

    boris johnson ca ngoi
    Thủ tướng Anh Borish Johnson nói trong cuộc họp báo ở số 10 phố Downing, London, hôm 5/1. Ảnh: AP.

    Thủ tướng Anh cũng trích dẫn số liệu thống kê từ chính phủ, cho biết số bệnh nhân nhập viện vì Covid-19 ở nước này hiện cao hơn 40% so với thời điểm đỉnh dịch hồi tháng 4. Johnson nói thêm trong nỗ lực chống lại Covid-19, Anh đã tiêm vaccine cho hơn 1,3 triệu người,

    "Chúng ta đều biết còn nhiều tuần phía trước phải kiên trì với những biện pháp hạn chế này. Tuy nhiên, tôi muốn cung cấp cho người dân Anh sự minh bạch tối đa nhất về việc triển khai vaccine. Mọi người có thể cập nhật thông tin từng ngày và thấy chúng ta đã đạt được tiến bộ ra sao", Thủ tướng Anh cho biết.

    Theo lệnh phong tỏa mới ở Anh, người dân được yêu cầu làm việc từ xa bất cứ khi nào có thể, chỉ được rời nhà để tập thể dục hoặc làm những việc cần thiết như mua sắm nhu yếu phẩm. Toàn bộ cửa hàng không thiết yếu và cơ sở chăm sóc cá nhân như tiệm làm tóc sẽ tiếp tục đóng cửa. Nhà hàng chỉ được phép bán đồ ăn mang đi.

    Trường tiểu học và trung học sẽ đóng cửa từ ngày 5/1, chỉ tiếp nhận học sinh dễ tổn thương hoặc con em của những lao động thiết yếu trong xã hội. Biện pháp mới này đồng nghĩa với việc Anh khó tổ chức những đợt thi cuối kỳ cho học sinh vào mùa hè, ảnh hưởng lớn đến chương trình giáo dục trong hai năm liên tiếp.

    Thủ tướng Johnson cho biết các lệnh phong tỏa có thể được nới lỏng từ giữa tháng 2, nếu chương trình tiêm vaccine diễn ra theo kế hoạch và số ca tử vong mới giảm dần. Tuy nhiên, ông vẫn khuyến cáo cẩn trọng với mốc thời gian này và kêu gọi người dân tuân thủ quy định hạn chế.

    Theo số liệu từ trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers, Anh đang là vùng dịch lớn thứ năm thế giới với hơn 2,7 triệu ca nhiễm và hơn 76.000 ca tử vong do nCoV.

    Theo Fox News

  • Bệnh viện King's College (Anh) tạm dừng phẫu thuật ung thư khẩn cấp vì phải nhường giường chăm sóc đặc biệt cho người điều trị Covid-19.

    Theo The Guardian, nhiều nhân viên y tế trong Bệnh viện King's College lo ngại việc trì hoãn có thể khiến bệnh nhân bị ảnh hưởng, tăng nguy cơ ung thư phát triển hoặc không thể phẫu thuật được.

    Hầu hết giường trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) tại đơn vị này đều dành cho những người mắc Covid-19 nặng hoặc có sức khỏe kém. Một số bệnh nhân ung thư không có giường tại ICU sau khi phẫu thuật. Vì vậy, các cuộc phẫu thuật không thể tiếp tục cho đến khi bệnh viện có đủ giường cho việc đó.

    Người phát ngôn của bệnh viện cho biết do sự gia tăng đáng kể người nhập viện vì Covid-19 cần chăm sóc đặc biệt, đơn vị này phải đưa ra lựa chọn là hoãn tất cả thủ tục y tế, bao gồm cả phẫu thuật ung thư, để tập trung nguồn cho nạn nhân đại dịch. Một số bệnh nhân có thể được hóa trị như biện pháp ngắn hạn để ngăn khối u phát triển.

    benh vien o Anh

    "Điều quan trọng cho những người bị ung thư là được phẫu thuật trong vòng 4 tuần. Nếu trì hoãn, ung thư có thể lây lan. Khi đó, phẫu thuật cũng không thể loại bỏ ung thư", nhân viên y tế tại Bệnh viện King's College cho biết.Khi được thông báo, người bệnh rất khó chịu và lo lắng về việc hủy bỏ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. Bệnh viện King's College cũng chịu áp lực lớn vì các ca Covid-19 nhập viện ngày càng tăng và không thể cho bệnh nhân ung thư biết cụ thể thời gian được tiếp tục phẫu thuật.

    Reuters đưa tin các quan chức y tế của Anh cảnh báo nguy cơ nghiêm trọng về hệ thống y tế ở một số khu vực quá tải do Covid-19 trong 21 ngày tới nếu không có biện pháp mới. Họ khuyến nghị mức cảnh báo Covid-19 của Vương quốc Anh nên chuyển từ cấp 4 lên cấp 5.

    Số ca mắc Covid-19 tại Vương quốc Anh vượt quá 50.000 ca mỗi ngày trong gần một tuần qua, và số ca nhập viện vượt qua đỉnh điểm hồi tháng 4/2020.

    Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết số bệnh nhân Covid-19 trong các bệnh viện ở Anh vào ngày 4/1 đã tăng 30% so với một tuần trước đó, gây nguy cơ quá tải cho hệ thống bệnh viện.

  • Thủ tướng VN yêu cầu tạm dừng tổ chức các chuyến bay về Việt Nam từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có lây nhiễm chủng biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và đang có dịch diễn biến phức tạp, trước hết là từ Anh, Nam Phi.

    Tại Chỉ thị số 01/CT-TTg về tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ngày 5-1-2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, UBND các tỉnh biên giới chỉ đạo tăng cường quản lý biên giới, ngăn chặn triệt để nhập cảnh trái phép, đặc biệt tại các tuyến đường mòn, lối mở, đường biển...

    tam dung bay ve vn

    Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tiếp tục quản lý chặt chẽ việc cách ly người nhập cảnh, bảo đảm cách ly tập trung đủ 14 ngày và đủ thời gian theo dõi y tế sau cách ly tập trung theo quy định; tuyệt đối không để lây lan dịch bệnh trong khu cách ly và lây lan từ khu cách ly ra cộng đồng.

    Bộ Ngoại giao chủ trì chỉ đạo thực hiện nghiêm việc rà soát các trường hợp công dân ở nước ngoài có nguyện vọng về nước, bảo đảm đúng đối tượng, lưu ý thực hiện bảo hộ công dân, tạo điều kiện cho các đối tượng là người già neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn, người ra nước ngoài chữa bệnh, người hết hạn visa, hết hạn hợp đồng lao động, hết hạn học tập… về nước.

    Thủ tướng yêu cầu tạm dừng tổ chức các chuyến bay về Việt Nam từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có lây nhiễm chủng biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và đang có dịch diễn biến phức tạp, trước hết là từ Anh, Nam Phi. Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải xác định cụ thể các nước để áp dụng biện pháp này.

    Thủ tướng yêu cầu trường hợp phát hiện ca mắc bệnh, các Bộ: Y tế, Công an, Quốc phòng, UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương liên quan phải thần tốc truy vết, áp dụng ngay các biện pháp cần thiết, không để dịch lây lan ra cộng đồng.

    Bộ Công an chỉ đạo tăng cường điều tra, xử lý theo pháp luật các trường hợp: nhập cảnh trái phép, tổ chức nhập cảnh trái phép; cơ sở lưu trú, khách sạn nhận người nhập cảnh trái phép lưu trú; chống đối, không chấp hành quy định phòng, chống dịch.

    Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch trước, trong và sau chuyến bay chở người nhập cảnh, bảo đảm phát hiện sớm và áp dụng các biện pháp phù hợp đối với các trường hợp mắc bệnh, có nguy cơ mắc bệnh nhập cảnh qua đường hàng không.

    Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý các trường hợp nhập cảnh trái phép trên địa bàn; giao nhiệm vụ cho lực lượng công an chính quy ở cấp xã, phát động phong trào quần chúng, huy động mặt trận và các đoàn thể tại cơ sở, đề nghị mỗi người dân, từng gia đình, tổ dân phố, khu dân cư chủ động phát hiện, khai báo về các trường hợp nhập cảnh trái phép.

    Chỉ đạo thực hiện nghiêm ngặt quy định về cách ly tập trung và theo dõi y tế sau cách ly tập trung.

    Thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, xử phạt các trường hợp không đeo khẩu trang theo quy định; hạn chế tập trung đông người, hạn chế tổ chức các lễ hội. Các sự kiện tập trung đông người phải tuân thủ yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan y tế về phòng, chống dịch.

    Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các tổ chức, đơn vị, khu dân cư, các nơi có nguy cơ cao như siêu thị, nhà ga, sân bay, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, nhà máy… xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra vi phạm.

    Chỉ thị này nhằm triển khai điện của Thường trực Ban Bí thư ngày 5-1 về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh hiệu quả trong thời điểm hết sức quan trọng này, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và đón Tết Nguyên đán Tân Sửu an toàn.

    Nguồn: NLD

  • Các phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) tại 3 bệnh viện lớn của Anh đã 'chật ních' trong đêm giao thừa với nhiều ca thở máy nguy kịch. Giữa lúc đó, thông tin bệnh viện dã chiến 3.000 giường ở London biến mất khiến nhiều người tức giận.

    benh vien da chien bi do bo 1
    Khung cảnh trống trải trong trung tâm triển lãm từng là bệnh viện dã chiến lớn nhất Anh - Ảnh chụp màn hình

    Trong một email đề ngày 23-12, Cơ quan dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) lưu ý các bệnh viện được chỉ định điều trị COVID-19 đừng quên vẫn còn các bệnh viện dã chiến. NHS là cơ quan quản lý các bệnh viện, y bác sĩ và các nguồn lực y tế khác của Anh.

    Email nhằm mục đích nhắc nhở những bệnh viện này đừng từ chối tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 vì vẫn còn nhiều nguồn lực. Tuy nhiên, nó lại khiến nhiều người chú ý tới các bệnh viện dã chiến đã bị lãng quên suốt nhiều tháng.

    "Mọi thứ biến mất rồi, bị tháo dỡ và chất vào thùng hay bị bán đi đâu đó" - ông Richard Tice, một thành viên của đảng Brexit, nhấn mạnh trong video đăng trên Twitter cá nhân ngày 23-12. Trong video, ông Tice đứng bên ngoài trung tâm triển lãm ExCel London, một trong những nơi được huy động để xây dựng bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19.

    Đây là 1 trong 7 bệnh viện dã chiến được đặt theo tên nữ y tá Florence Nightingale, trong đó bệnh viện ở ExCel London là lớn nhất với quy mô 3.000 giường và được mở cửa chỉ sau 10 ngày xây dựng.

    Phóng viên của tờ The Sun đã xâm nhập vào bên trong ExCel London và nhận ra bên trong không còn một chiếc giường hay thiết bị y tế nào. Tất cả đều trống rỗng.

    benh vien da chien bi do bo 1
    Kho chứa các tấm lắp ghép bệnh viện dã chiến Nightingale ở London - Ảnh: TWITTER

    Tờ Daily Mirror sau đó còn tiếp cận được kho chứa các miếng lắp ghép bệnh viện dã chiến. "Đây là những gì bên trong bệnh viện dã chiến Nightingale London mà NHS khẳng định đang trong trạng thái chờ", tờ báo của Anh chú thích bên dưới ảnh chụp ngày 30-12.

    Theo tìm hiểu của các tờ báo này, mặt bằng ExCel London thuộc sở hữu của một công ty ở Trung Đông. Sau khi mở cửa hồi tháng 4, bệnh viện dã chiến ở ExCel London tiếp nhận chưa tới 20 bệnh nhân COVID-19. Đây có thể là nguyên nhân khiến bệnh viện bị dỡ bỏ để trả mặt bằng cho doanh nghiệp.

    "Thật đáng xấu hổ vì những gì đã xảy ra với bệnh viện Nightingale. Giống như chính phủ hiện tại, các bệnh viện này chỉ là chiêu làm màu tốn kém" - nghị sĩ Angela Rayner, phó lãnh đạo phe đối lập Công Đảng, chỉ trích trên Twitter.

    Đáp lại, Thủ tướng Boris Johnson khẳng định các bệnh viện dã chiến như Nightingale "luôn sẵn sàng". "Chúng tôi đã hứa các bệnh viện này sẽ có sẵn. Chúng sẽ không được sử dụng cho tới khi những bệnh viện khác vẫn còn chỗ".

    benh vien da chien bi do bo 1
    Bệnh viện Nightingale lúc mới được mở cửa hồi tháng 4-2020 - Ảnh: AFP

    Trong email đề ngày 31-12, NHS lưu ý tình trạng quá tải tại 3 bệnh viện lớn ở phía tây bắc và trung tâm London. Đây đều là các khu vực ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 mới trong những ngày qua.

    Trước tình trạng này, NHS phải gởi công văn tới các bệnh viện khác, yêu cầu họ tiếp nhận thêm bệnh nhân COVID-19 vào ICU hoặc "cho mượn" y tá, điều dưỡng.

    Một phát ngôn viên của NHS xác nhận các email trên là có thật. "Số ca nhiễm tăng mạnh do biến thể COVID-19 mới. NHS vùng London được yêu cầu tái lập các bệnh viện dã chiến và sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân nếu cần. Điều quan trọng là người dân phải làm mọi thứ có thể trong khả năng để tự bảo vệ mình và giảm lây nhiễm", vị này kêu gọi.

    Là một trong những nước bị ảnh hưởng nhất thế giới, Anh ghi nhận hơn 53.000 ca nhiễm và 613 ca tử vong mới tính đến cuối ngày 1-1.

  • Với số ca COVID-19 tăng vọt vì xuất hiện biến thể mới, các liên đoàn giáo viên tại Anh đang gây áp lực với chính phủ, kêu gọi tiếp tục đóng cửa trường học thêm ít nhất hai tuần.

    dich benh tang cao

    Một xe cấp cứu tại London, Anh ngày 2-1 - Ảnh: REUTERS

     Anh ghi nhận kỷ lục 57.725 ca nhiễm mới trong ngày 2-1. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp số ca bệnh mới ở quốc gia này vượt mức 50.000 người. Con số được ghi nhận cũng cao gấp đôi con số cách đó chỉ vài tuần.

    Xứ sở sương mù có nguy cơ thay thế Ý trở thành quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 với gần 75.000 ca tử vong.

    Hiện Anh ghi nhận khoảng 2,6 triệu ca COVID-19 và người dân tại đây lo lắng số ca nhiễm cũng như số người chết còn tiếp tục tăng trong những tuần tới.

    Chính phủ Anh đã quyết định đóng cửa toàn bộ trường học ở London đến hết tuần sau để kiểm soát dịch bệnh. Các liên đoàn giáo viên muốn quy định này được áp dụng đối với toàn nước Anh, vì lo sợ cho sức khỏe của cả giáo viên và học sinh.

    Sau cuộc họp khẩn ngày 2-1, Liên đoàn Giáo dục quốc gia - tổ chức đại diện cho hơn 450.000 lao động trong ngành giáo dục, đã kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson áp dụng mô hình học trực tuyến trong ít nhất 2 tuần.

    Liên đoàn cho biết các thành viên của họ có quyền hợp pháp, không cần phải làm việc trong "môi trường thiếu an toàn" khi số ca COVID-19, số trường hợp nhập viện và số người chết tăng cao.

    "Chúng tôi đang thực hiện trách nhiệm của mình khi thông báo với các thành viên rằng họ có quyền từ chối làm việc ở những điều kiện thiếu an toàn, gây nguy hiểm cho sức khỏe của họ cũng như của cộng đồng trường học" - ông Kevin Courtney, lãnh đạo liên đoàn, cho biết.

    Theo Channel News Asia, Anh đang đối mặt với thách thức lớn khi biến thể virus corona mới được cho dễ lây nhiễm hơn 70%.

    Đặc biệt, biến thể này lây lan mạnh tại London và các khu vực lân cận. Bộ trưởng Giáo dục Anh Gavin Williamson đã buộc phải rút lại kế hoạch cho phép một số trường tiểu học tại London mở cửa từ ngày 4-1.

    Đa số các trường tiểu học khác tại Anh vẫn thực hiện theo kế hoạch trên, trong khi chính quyền Anh trì hoãn việc mở cửa lại các trường trung học phổ thông.

  • Anh sử dụng lại các bệnh viện dã chiến được xây dựng từ khi mới bùng phát dịch Covid-19 để đối phó với tình trạng số ca nhiễm virus SARS CoV-2 đang tăng nhanh tại nước này.

    Với hơn 50.000 ca mắc Covid-19 mới hàng ngày trong 4 ngày qua, cơ quan y tế Anh cho biết đang chuẩn bị thêm giường bệnh để đón một lượng lớn bệnh nhân trong những ngày tới.

    Các bệnh viện dã chiến “Chim họa mi” (Nightingale) được quân đội xây dựng từ khi bùng phát dịch, trước đó hầu như không sử dụng nhưng vẫn ở chế độ chờ, nay bắt đầu được đưa vào sử dụng.

    benh vien da chien
    Anh sử dụng lại các bệnh viện dã chiến được xây dựng từ khi mới bùng phát dịch Covid-19 (Ảnh: Reuters)

    Hôm qua, Anh ghi nhận hơn 53.000 trường hợp mắc Covid-19 trong đó có 613 trường hợp tử vong.

    Trước đó, bệnh viện Hoàng gia London thông báo rằng, bệnh viện hiện đang ở "chế độ y tế thảm họa" và không thể cung cấp dịch vụ chăm sóc tiêu chuẩn cao. Truyền thông Anh cho biết, buồng chăm sóc đặc biệt của 3 bệnh viện ở London đã kín chỗ trong đêm giao thừa, buộc các bệnh nhân phải được chuyển đến các bệnh viện khác để chăm sóc.

  • Một phụ nữ từ Anh mới về VN được phát hiện mang theo biến thể virus corona mới có khả năng lây lan nhanh hơn nhiều lần.

    Đây là bệnh nhân số 1435, từ Anh về Việt Nam ngày 22/12/2020.

    Xét nghiệm tại Viện Pasteur TP.HCM ghi nhận bà bị nhiễm chủng virus biến thể dễ lây lan SARS-CoV-2.

    Đây là chủng mới được ghi nhận ở Anh gần đây.

    Bệnh nhân 1435 sau khi nhập cảnh được cách ly một ngày thì có triệu chứng đau họng, sốt nhẹ và được lấy mẫu chuyển về Viện Pasteur TP.HCM làm xét nghiệm. Kết quả dương tính ngày 24/12/2020.

    Chồng của bệnh nhân này đang sống tại Anh cũng đã tự đi xét nghiệm và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

    Cho đến ngày 31/12/2020, bệnh nhân 1435 ho nhẹ, không đau họng, không sốt, chưa ghi nhận khó thở, hình ảnh X-quang có tổn thương mờ không đồng nhất hai đáy phổi.

    phu nu anh ve vn
    Người dân Đà Nẵng xét nghiệm Covid-19 ngày 31/7/2020

    Biến thể virus mới nguy hiểm tới mức nào?

    Một nghiên cứu của Anh đã phát hiện ra rằng biến thể mới của Covid-19 có khả năng lây truyền cao hơn 'rất nhiều lần' so với phiên bản trước của virus.

    Nghiên cứu kết luận rằng biến thể mới làm tăng số lượng Sinh sản hoặc số R từ 0,4 đến 0,7.

    Số R mới nhất của Vương quốc Anh được ước tính là từ 1,1 đến 1,3. Nó cần phải dưới 1,0 để số ca nhiễm bắt đầu giảm.

    Giáo sư Axel Gandy của Đại học Hoàng gia London cho biết sự khác biệt giữa các loại virus là "khá nghiêm trọng".

    Ông nói với BBC News: "Có một sự khác biệt rất lớn về mức độ dễ dàng lây lan của virus biến thể. Đây là sự thay đổi nghiêm trọng nhất của virus kể từ khi dịch bắt đầu."

    Nghiên cứu của Đại học Hoàng gia cho thấy khả năng lây truyền của biến thể mới đã tăng gấp ba lần trong thời gian nước Anh phong tỏa tháng 11 trong khi phiên bản trước đó giảm một phần ba khả năng lây truyền.

    Các ca nhiễm Covid-19 đã bắt đầu tăng nhanh trong đợt tăng đột biến thứ hai, và số trường hợp được ghi nhận trong một ngày đã đạt mức cao mới vào thứ Năm.

    Các kết quả ban đầu chỉ ra rằng virus lây lan nhanh hơn ở những người dưới 20 tuổi, đặc biệt là ở trẻ em lứa tuổi trung học.

    Nhưng dữ liệu mới nhất chỉ ra rằng nó đang lan nhanh trên tất cả các nhóm tuổi, theo Giáo sư Gandy, một thành viên của nhóm nghiên cứu.

    "Một lời giải thích khả dĩ là dữ liệu ban đầu được thu thập trong thời gian phong tỏa tháng 11, lúc các trường học mở cửa và các hoạt động của người lớn bị hạn chế hơn. Hiện chúng ta đang thấy rằng loại virus mới đã gia tăng khả năng lây nhiễm trên tất cả các nhóm tuổi."

    Theo BBC News Tiếng Việt

  • Dù đã đề phòng đủ cách để tránh dịch nhưng gia đình tôi cuối cùng cũng dính con virus quái ác này theo cách khó ngờ nhất.

    gia dinh goc viet nhiem benh 1

    Ông Nguyễn H. - cựu doanh nhân, 62 tuổi - từ California, Mỹ đã chia sẻ về trải nghiệm vượt qua bệnh Covid-19 của các thành viên trong gia đình, cũng như những biến chuyển trong lòng nước Mỹ vì dịch bệnh.

    Ông bà sui gia với gia đình - cha mẹ của con rể tôi - đều trên 70 tuổi nên từ khi dịch Covid-19 xảy ra, hai cụ đều "cố thủ" trong nhà, thậm chí không cho con cháu đến thăm. Tính người Việt mình hay lo xa, chứ không như nhiều người Mỹ khác ở đây.

    Sau gần 9 tháng phòng tránh cẩn thận, thấy tình hình cũng đã ổn hơn, sự cảnh giác ban đầu bắt đầu giảm dần. Hơn nữa, ông bà sui gia cũng nhớ con cháu vì lâu ngày không được gặp.

    Vậy nên, trong dịp Lễ Tạ ơn (ngày 26/11), ông bà tổ chức bữa cơm tối và mời toàn bộ 3 gia đình con trai cùng các con dâu - trong đó có con gái tôi - về sum họp. Ai ngờ sau bữa tối đó, tất cả, từ ông bà đến các con trai, con dâu và vài đứa cháu (tổng cộng 11 người) đều mắc Covid-19.

    California trở thành tâm dịch của nước Mỹ

    Từ khi tới Mỹ, tôi và bà xã sống với gia đình con gái ở bang California. Khi hai vợ chồng con gái tôi có triệu chứng nhiễm bệnh và có kết quả xét nghiệm dương tính, nguy cơ lây nhiễm cho người trong nhà rất cao, vì thế tôi và bà xã ra ngoài thuê nhà Airbnb để ở.

    Sau hơn 10 ngày, bà xã tôi ngã bệnh và dương tính với virus. Vợ chồng tôi quay về nhà vì vợ chồng con gái đã khỏi bệnh.

    Ban đầu, khi các thành viên trong gia đình bị lây nhiễm, điều lo lắng và hoang mang nhất hướng về cháu trai gần 5 tuổi - con của vợ chồng con gái tôi. Tuy nhiên, cháu tôi may mắn không bị lây nhiễm. Về phần mình, tôi cố gắng chú ý việc sát trùng tay, đeo khẩu trang trong nhà thường xuyên. Đến nay, sau gần một tháng, cả gia đình đã bình phục và tôi chưa một lần xét nghiệm dương tính. Tôi cũng không hiểu vì sao tôi không bị lây bệnh.

    Triệu chứng tiêu biểu của những người mắc bệnh Covid-19 trong gia đình tôi là sốt, ho, đắng miệng, mệt mỏi, biếng ăn. Cách điều trị bao gồm uống thuốc hạ sốt, thêm các thuốc bổ để tăng đề kháng, uống thêm C và nước cam tươi.

    Con gái tôi mua lều, ấm xông hơi bằng điện và gói lá xông ở ngoài tiệm thuốc bắc để xông hàng ngày.

    Tất cả thức ăn đều đặt qua mạng và được giao tận nhà nên cũng đỡ phải ra ngoài. Sau chừng 3-5 ngày thì cơn bệnh lui dần và chừng 10 ngày sau là khỏe hẳn. Ở Mỹ, mỗi ngày có trên 200.000 ca nhiễm, ca tử vong lên tới 2.000 đến 3.000. Gia đình tôi nhiễm bệnh nhưng đều bình phục tốt cũng có thể gọi là điều may mắn.

    Hiện nay, cộng đồng người Việt ở California đã có rất nhiều người nhiễm bệnh và nhiều người chết vì Covid-19. California đã trở thành tiểu bang có số người nhiễm trên 2 triệu, cao nhất nước Mỹ và lệnh "Ở nhà" lần 2 đã được ban hành.

    Mong sớm được tiêm chủng để về thăm mẹ ở Việt Nam

    Trận đại dịch đã tàn phá nước Mỹ, bộc lộ nhiều điểm yếu của hệ thống an sinh xã hội, nhất là vấn đề chăm sóc y tế. Nền kinh tế đi xuống, người thất nghiệp gia tăng, sự điều hành của chính quyền thiếu hiệu quả càng làm trầm trọng thêm những vết thương do dịch bệnh gây ra.

    Đến nay, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho phép tiêm chủng 2 loại vaccine chống Covid-19. Những lô vaccine đầu tiên đã được tiêm nhưng số lượng còn hạn chế, còn phải nhiều tháng nữa mới có đủ vaccine cho những người muốn tiêm phòng.

    Tôi chỉ mong sớm được tiêm chủng và các chuyến bay thương mại có thể bắt đầu trở lại để có tôi dịp về quê ở với mẹ ở Việt Nam. Điều mong ước nhỏ nhoi đó chắc sớm thành rồi, và đó là điều vui nhất mà đứa con đi xa mong đợi bấy lâu nay.

    Tôi đã lưu lại nước Mỹ gần tròn một năm, bằng thời gian khởi phát dịch Covid-19 từ Vũ Hán và lan đi khắp thế giới.

    Những ngày đầu tiên, chính xác là những tháng đầu tiên, cho đến tận tháng 3/2020, nước Mỹ vẫn còn bình thản trước những biến động của đại dịch, chính quyền vẫn chưa thực sự có những cảnh báo cho dân chúng. Còn người dân Mỹ, vốn tính ưa đi lại và tụ tập, cũng chẳng để ý gì những hiểm nguy đang rình rập. Họ vẫn vô tư đi ra ngoài cà phê, ăn uống, đi làm, đi chơi... mà chẳng bao giờ đeo khẩu trang.

    Chỉ đến khi dịch bùng phát dữ dội, số lượng người nhiễm và người chết tăng chóng mặt thì chính quyền cấp tiểu bang mới bắt đầu có những biện pháp hướng dẫn phòng tránh dịch như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách xã hội khoảng 1,8 m.

    Thế nhưng, hầu như chẳng mấy ai thực hiện, trừ người dân từ các nước châu Á như Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Tuy vậy, ngay cả một số người đến từ châu Á như Ấn Độ cũng ít khi đeo khẩu trang.

    gia dinh goc viet nhiem benh 1
    Hiện số ca tử vong vì Covid-19 ở California đã lên tới hơn 24.000. Ảnh: Getty.

    Cảnh tượng giống như ngày tận thế

    Đến gần cuối tháng 3, tình hình trở nên tồi tệ quá mức, thống đốc tiểu bang California ban bố lệnh "Shelter at home" - mọi người dân phải ở nhà, chỉ đi ra ngoài cho những nhu cầu thiết yếu như đi chợ hay đến bệnh viện - nhằm làm chậm sự lây lan của virus corona.

    Nước Mỹ hùng mạnh nhất thế giới đã bị tổn thương trước đòn tấn công của virus "nhỏ xíu", khiến nhiều người không khỏi liên tưởng tới cuộc đọ sức Goliath và David trong Thần thoại Hy Lạp.

    Chuyện tưởng như khó tin nhưng đã thực sự xảy ra ngay trên đất nước cờ hoa! Vào buổi chiều trước khi lệnh "Ở nhà" có hiệu lực, dân chúng đổ xô đi mua thực phẩm và hai nhu yếu phẩm chống dịch là giấy vệ sinh và khẩu trang.

    Hàng hóa trong các cửa hàng thực phẩm bị vét sạch, từ thịt cá rau quả tươi đến đồ hộp, đồ khô. Gạo cũng cạn sạch! Các kệ hàng trống trơn, ngay cả những nhân viên đứng quầy bán thịt cá cũng sửng sốt, họ không hiểu chuyện gì đang xảy ra, cảnh tượng giống ngày tận thế vậy.

    Những cửa hàng bán sỉ như Cotsco hạn chế số lượng lương thực và thực phẩm được mua, giấy vệ sinh luôn trong tình trạng cháy hàng dù mỗi người chỉ được mua một lốc.

    Khẩu trang khan hiếm tới mức gần như không thể mua được, mãi sau đó vài tuần mới thấy khẩu trang được rao bán với giá cao gấp hàng chục lần.

    Dân Mỹ thay đổi cách sống

    Số người mắc bệnh ở Mỹ quá nhiều nên không phải ai nhiễm virus đều được nhập viện điều trị. Nhiều bệnh viện quá tải, chỉ còn chỗ cho những ca bệnh nặng. Những ca bệnh nhẹ phải tự điều trị ở nhà.

    Dụng cụ xét nghiệm virus hạn chế nên không phải ai cũng được xét nghiệm khi có triệu chứng, điều đó làm gia tăng sự lây nhiễm trong cộng đồng.

    Các cơ sở giáo dục từ nhà trẻ đến đại học đều đóng cửa. Cháu ngoại tôi gần 5 tuổi cũng phải nghỉ học ở nhà trẻ, con rể tôi nghỉ việc, ở nhà và nhận trợ cấp thất nghiệp, để trông con. Những đứa trẻ lẽ ra cần được gặp gỡ bạn bè đồng trang lứa và thầy cô, nay phải quẩn quanh ở nhà vì đại dịch, quả là một thiệt thòi không nhỏ.

    Tuy vậy, nhờ có chương trình học online mà bọn trẻ có dịp gặp lại thầy cô và bạn bè, dù chỉ là qua chiếc iPad. Có điều, học online có những hạn chế khiến việc giao tiếp của cô giáo và học trò gặp trở ngại. Không theo kịp với quá trình học, đôi lúc bọn trẻ cảm thấy bị bỏ rơi.

    gia dinh goc viet nhiem benh 1
    Các nhân viên y tế trong phòng bệnh điều trị Covid-19 ở Apple Valley, California. Ảnh: New York Times.

    Trong điều kiện dịch bệnh, việc tổ chức học online kịp thời là điều tốt nhất có được với trẻ nhỏ, còn mong gì hơn được.

    Về mặt tiêu dùng, tôi nhận thấy dịch bệnh đang tạo nên những thay đổi lớn trong cách sống của người Mỹ. Việc hạn chế ra ngoài đang thúc đẩy mua hàng qua mạng tăng mạnh hơn, khi ngay cả những người lớn tuổi cũng chuyển qua mua hàng trực tuyến, chứ không còn chỉ có những người trẻ tuổi như trước đây.

    Người Mỹ trước đây ít nấu ăn ở nhà vì quá bận rộn với công việc, một người đôi khi làm nhiều công việc mới đủ trang trải cho những nhu cầu trong cuộc sống, họ thường ăn nhà hàng nhưng nay lại chuyển sang nấu nướng ở nhà nhiều hơn.

    Xu hướng này còn kéo dài và có thể sẽ thay đổi cách sống của người Mỹ sau dịch. Các nhà hàng, công ty du lịch, hãng máy bay… sẽ ít khách hơn và có nguy cơ giảm doanh thu rất cao.

  • Hàng trăm du khách được yêu cầu cách ly tại khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Verbier của Thụy Sĩ đã bỏ trốn. Một số trường hợp được phát hiện đã đến Pháp.

    Theo Jean-Marc Sandoz, người phát ngôn chính quyền vùng Bagnes của Thụy Sĩ, khoảng 420 du khách đến từ Anh đã được yêu cầu cách ly tại khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Verbier từ trước Giáng sinh. Thông báo được đưa ra bất ngờ nhằm ngăn đà lây lan của biến chủng virus corona mới.

    Theo AFP, ngay sau khi nhận thông báo, khoảng 50 du khách đã bỏ đi. Trong số 370 người còn lại, chỉ còn hơn 10 người tự cách ly tại khu nghỉ dưỡng tính đến ngày 27/12.

    Ôn Sandoz nói chính quyền địa phương thông cảm với sự giận dữ của các du khách. Ông cũng chia sẻ bức xúc khi các yêu cầu cách ly được đưa ra quá hấp tấp, trong khi khu nghỉ dưỡng không đủ khả năng cách ly số lượng lớn.

    du khach anh tron cach ly
    Du khách tại khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Verbier của Thụy Sĩ. Ảnh: AFP.

    Một số du khách Anh trốn cách ly đã được nhìn thấy tại Pháp trong vài ngày qua."Nhiều gia đình có trẻ em đột ngột bị giữ trong một không gian rộng chưa đến 20 m. Điều này là không thể chấp nhận được", Sandoz chia sẻ.

    Để ngăn chặn biến chủng mới của virus corona được cho là có khả năng lây nhiễm cao hơn thông thường rất nhiều, Thụy Sĩ từ ngày 20/12 đã cấm mọi chuyến bay đến từ Anh và Nam Phi.

    Chỉ một ngày sau, nhà chức trách Thụy Sĩ yêu cầu mọi trường hợp nhập cảnh từ ngày 14/12 phải được cách ly trong 10 ngày (tính từ ngày nhập cảnh).

    Thụy Sĩ đang là một trong những nước có mức lây nhiễm virus corona nghiêm trọng nhất châu Âu kể từ khi làn sóng thứ hai bùng phát. Bộ trưởng Y tế Alain Berset thừa nhận nước này đã nới lỏng quá mức và quá sớm các biện pháp phòng dịch, đồng thời trông chờ quá nhiều vào ý thức trách nhiệm cá nhân.

    Quốc gia châu Âu có dân số chỉ 8,6 triệu người. Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 11 đến nay, số người nhiễm được phát hiện mỗi ngày đã tiến gần mốc 5.000 ca. Số ca tử vong trong một ngày tại Thụy Sĩ cũng đã đạt mốc 100.

  • Các nhà nghiên cứu đã và đang tìm hiểu mối liên quan giữa Covid-19 và các vấn đề thần kinh từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch.

    Các bác sĩ ở bang Missouri cho biết một cậu bé 3 tuổi đã trải qua cơn đột quỵ sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona. Họ gọi đây là một ví dụ thực tế về những ảnh hưởng thần kinh liên quan đến đại dịch Covid-19.

    Cậu bé Colt Parris đã hồi phục sức khỏe vào ngày 24/12 tại Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em của Đại học Missouri ở Columbia, bang Missouri, sau khi được phẫu thuật xử lý cục máu đông, tờ NBC đưa tin. Các bác sĩ cho biết cậu bé sẽ hồi phục hoàn toàn.

    3 tuoi dot quy
    Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em của Đại học Missouri ở Columbia, Missouri. Ảnh: NBC Chicago.

    "Việc chẩn đoán Covid rất quan trọng vì chúng tôi nghĩ lý do bệnh nhân Covid-19, bao gồm cả trẻ em, bị đột quỵ và một loạt các vấn đề khác là họ có xu hướng hình thành những cục máu đông", tiến sĩ Gomez chia sẻ.Tiến sĩ Camilo Gomez, một nhà thần kinh học tại bệnh viện, cho biết các bác sĩ đang tìm hiểu mức độ liên quan giữa Covid-19 và các vấn đề thần kinh.

    Các nhà nghiên cứu đã xem xét mối liên quan này, bao gồm cả những nguyên nhân ảnh hưởng đến não của bệnh nhân, kể từ khi bắt đầu đại dịch.

    Một nghiên cứu dựa trên 214 bệnh nhân vào đầu năm nay ở Vũ Hán, Trung Quốc, cho thấy hơn một phần ba có biểu hiện của bệnh thần kinh, bao gồm mất ý thức và đột quỵ. Các bác sĩ Mỹ cũng đã ghi nhận và nghiên cứu các cục máu đông và chứng đột quỵ ở bệnh nhân Covid-19.

    Bé Colt có kết quả dương tính với kháng thể Covid-19 và vài giờ sau đó mất khả năng cử động tay và chân phải, mẹ cậu bé là cô Sara Parris cho biết. Cô nhận thấy sự khác biệt của cậu bé khi em chộp lấy con thú nhồi bông.

    "Tôi đưa con thú bông cho bé và nhận thấy bé không sử dụng cánh tay thuận để nắm lấy nó", cô nói. "Bé đưa tay ra để nhận lấy chú thỏ, và sau đó, tôi biết có điều gì đó không ổn".

    Tiến sĩ Paul Carney, một nhà thần kinh học nhi khoa, cho biết cơn đột quỵ của cậu bé đã cắt đứt nguồn cung cấp máu cho não trái.

    "Thực sự chưa có trường hợp nào khác như thế này", tiến sĩ Carney cho biết. "Nếu điều này xảy ra với bất kỳ ai trên 40 hoặc 60 tuổi, họ có thể sẽ có một kết cục rất khác".

    Cha mẹ của Colt hy vọng rằng trải nghiệm của con trai mình sẽ giúp nâng cao nhận thức về Covid-19.

    Cha cậu bé, Tim Parris, nói: "Mọi người cần phải đeo khẩu trang. Điều này rất quan trọng. Nếu không muốn con cái mình phải trải qua chuyện này, mọi người cần phải có ý thức hơn".

  • Phần lớn các quốc gia khác đang vật lộn với đại dịch, các nhà thờ hạn chế hoặc cử hành lễ trong giới hạn, các khu phố buôn bán thưa vắng người, các thành phố lớn im lìm vì các lệnh phong tỏa. Thì tại Việt Nam, không khí Giáng Sinh lại rất tấp nập, đông đúc và vui vẻ. Và người nước ngoài không khỏi thắc mắc, thậm chí đặt ra những nghi vẫn là người Việt Nam coi thường đại dịch, giấu dịch...

    132876625 4237382256307662 3990348235669357345 o

    Tài khoản William Wong đặt câu hỏi: Không cách ly xã hội? Có nhiều tài khoản khác vào phản hồi:

    - Vì Việt Nam đã làm rất tốt và có thể nói rằng Việt Nam đã hết đại dịch.

    - Buồn cười là một số quốc gia như Anh Quốc cho rằng chúng tôi giấu dịch.

    - Hết dịch rồi, cách ly làm gì nữa?

    Một tài khoản có cái tên rất Việt Nam là Anh Hoang Pham đặt ra câu hỏi: Những kẻ ngu ngốc đang muốn nhiễm Covid-19 à? Một chút vui vẻ như vậy có đáng không?

    - Ủa, tại Việt Nam đâu còn Covid-19 trong cộng đồng? Chúng tôi tin tưởng Chính phủ, nếu Chính phủ yêu cầu ở nhà, chúng tôi sẽ ở nhà.

    - Bạn là người Việt Nam à? Hay là người gốc Việt? Chính phủ cho phép chúng tôi làm điều đó.

    "Việt Nam đang đón Giáng Sinh hộ phần còn lại của thế giới " - một tài khoản khác bình luận hóm hỉnh. Bình luận này nhận được nhiều lời phản hồi vui vẻ: "Phần lớn người Việt Nam không theo đạo, nhưng họ vẫn đi chơi vào ngày lễ Giáng Sinh. Phần lớn thế giới đang chống dịch, nhưng họ thì lại mặc kệ".

    Craig Murphy, một người từ Úc bình luận: Họ không sợ Covid-19 thật hả?

    - What is covid?

    - Họ tin tưởng vào Chính phủ của họ, đã nhiều lần hướng dẫn người dân thoát khỏi các đợt sóng Covid-19 rồi.

    "Bức ảnh này được chụp tại Việt Nam trong năm nay thật à?". Một người nước ngoài khác phản hồi: "Rất có thể vì họ đều đang đeo khẩu trang".

    Một người nước ngoài từ New Zealand bình luận: "Đây là cách ly xã hội kiểu Việt Nam". Nhiều người Việt Nam và nước ngoài vào bình luận rằng:

    - Vì Chính phủ của chúng tôi cho phép làm điều đó?

    - Bạn không cần phải dạy họ về cách ly xã hội đâu, tôi ở Việt Nam và ý thức của người Việt Nam rất tốt.

    - Hạn chế tiếp xúc xã hội? Đó là câu chuyện cũ tại Việt Nam rồi bạn ạ.

    "Bạn sẽ không phải đối mặt với Covid-19, bạn sẽ phải đối diện với tắc đường, những con đường đông nghẹt người, những cửa hàng đông đúc người mua sắm, những nhà hàng đã hết bàn. Chúa ơi, tôi yêu Việt Nam"

    "Tôi có một người bạn gốc Việt, người này liên tục nói Việt Nam giấu dịch và không tin vào Chính phủ Việt Nam. Tôi cho họ xem mấy bức ảnh của bạn, cô ấy vẫn nói là được dàn xếp, những người trong ảnh là những người được đào tạo bởi Chính phủ Việt Nam và làm theo lệnh".

    Một người gốc Việt có tài khoản là Thi Tuyet Anh Le đang sống tại Úc bình luận: "Đông quá, Covid?" - Một người Việt Nam vào bình luận: "Hết dịch rồi bạn ạ". Một thầy giáo đang dạy tiếng Anh tại Việt Nam vào tiếp lời: "Họ sợ giao thông đông đúc hơn là đại dịch bạn ạ. Tôi đang làm việc tại Việt Nam. Họ chống dịch tốt lắm, hơn Úc nhiều".

    Có khá là nhiều người nước ngoài không tin Việt Nam đã hết dịch, họ đặt những câu hỏi kiểu như: "Lễ hội Covid-19", "Tại sao họ dám tụ tập đông người như vậy", "Xin chào, Covid-19 đang đến" - một người Hàn Quốc vào bình luận...

    "Tôi biết là nhiều người nước ngoài sẽ nói về Covid-19. Họ nghĩ chúng tôi coi thường đại dịch và thờ ở với sức khỏe. Nhưng xin hãy đọc những bài báo của chính quốc gia của các bạn, Việt Nam đã chống dịch thành công, chúng tôi vui chơi nhưng không quên nhiệm vụ. Chúng tôi tin tưởng Chính phủ Việt Nam, họ sẽ làm những điều gì tốt nhất cho người dân Việt Nam và người ngoại quốc ở Việt Nam. Nếu không tin, hãy hỏi những người ngoại quốc đang sinh sống ở Việt Nam thì rõ". - Tài khoản Duong Pham Duc bình luận.

    Ngay bên dưới, một người bạn Philippines bình luận: "Nếu hết dịch thì sử dụng khẩu trang làm gì". Một tài khoản người Singapore vào giải thích: "Thời tiết miền Bắc Việt Nam rất lạnh, đường nhiều bụi và họ đeo vì sự an toàn chính họ và người khác. Đó là vì sao mà Việt Nam duy trì được sự an toàn trong đại dịch. Về mà bảo Rodrigo Duterte học theo Việt Nam chống dịch đi".

    Tối qua, trong lúc tiến hành đại lễ, Tổng giám mục chính tòa Tổng Giáo phận Hà Nội nói: "Chúng ta may mắn đêm nay được cử hành lễ Giáng Sinh trong khi trên thế giới nhiều quốc gia không thể cử hành đại lễ như chúng ta. Đây là một điều may mắn và là phúc lành Thiên Chúa ban cho chúng ta". Ngài cũng nói thêm rằng hy vọng và cầu nguyện cho đội ngũ y tế, các chính trị gia vững vàng chống lại đại dịch.

    Tại Anh và các quốc gia phương Tây, Giáng Sinh dường như chưa bao giờ ảm đạm như vậy. Lướt qua một vài quốc gia châu Á, thì tình hình cũng không khả quan hơn là bao nhiêu. Nhiều người nước ngoài và gốc Việt vẫn không tin và đặt nghi vấn rằng Việt Nam giấu dịch hoặc cái gì đó tương tự.

    Nhưng đúng là phải ở trong chăn, mới biết ấm dường nào.

  • Bộ Y tế Anh cho biết đã nhận được thông báo về ổ bùng phát dịch Covid-19 tại Phòng thí nghiệm Hải đăng Milton Keynes, song khẳng định hiện không có báo cáo nào ghi nhận vi phạm về quy định an toàn trong công tác phòng chống dịch.

    Truyền thông Anh đưa tin, ba trong số bốn nhóm khoa học thuộc Phòng thí nghiệm Hải đăng Milton Keynes có các thành viên được xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 và một số trường hợp lây nhiễm khác cũng đã được báo cáo xuất hiện trong bộ phận hành chính và lưu trữ của phòng thí nghiệm này.

    o dich moi bung phat
    Bệnh viện Milton Keynes. Ảnh: BBC.

    Hiện không rõ có bao nhiêu người bị ảnh hưởng, song khoảng 20 người trong số 70 nhân sự của phòng thí nghiệm hiện đang được cách ly.

    Diễn biến dịch bệnh thời gian qua đã gây áp lực lớn lên phòng thí nghiệm Milton Keynes. Do nhu cầu xét nghiệm ngày càng tăng, phòng thí nghiệm này cần thực hiện xét nghiệm khoảng 70.000 mẫu mỗi ngày.

    Các phòng thí nghiệm ở Anh đều được yêu cầu thực hiện các cơ chế nhất định để đảm bảo quy định giãn cách xã hội giữa các nhân viên với nhau. Tuy nhiên, theo một số báo cáo, do thiếu lao động, các cơ chế như vậy không được thực thi một cách nghiêm ngặt tại phòng thí nghiệm Milton Keynes. Ngoài ra, việc các nhân viên ở các bộ phận khác nhau, được tự do di chuyển tới nhiều địa điểm khác nhau cũng làm tăng gia tăng nguy cơ lây nhiễm chéo.

    Người phát ngôn Bộ Y tế Anh cho biết đã nhận được thông báo về ổ bùng phát dịch Covid-19 tại phòng thí nghiệm kể trên, song khẳng định hiện không có báo cáo nào ghi nhận vi phạm về quy định an toàn trong công tác phòng chống dịch./.

  • Patricia Szeweczyk, tài xế từ Ba Lan, là một trong hàng nghìn người đã mắc kẹt trên xe tải hai ngày qua gần biên giới Anh, thậm chí không có nước uống.

    Trong chiếc áo bảo hộ màu vàng, Szeweczyk tranh cãi với một cảnh sát, giữa lúc hàng chục người chặn một vòng xuyến bên ngoài sân bay Manston ở hạt Kent, phía đông nam nước Anh, hôm 23/12. Đám đông tài xế xô đẩy cảnh sát và la hét. Họ tức giận vì tình trạng thiếu cơ sở vật chất và xét nghiệm nCoV trong thời gian mắc kẹt tại đây.

    Hơn 5.000 xe tải ùn tắc gần cảng Dover trên đường chở hàng qua eo biển Manche, sau khi Pháp hôm 20/12 ban lệnh cấm người từ Anh nhập cảnh và đóng cửa đường hầm biên giới qua eo biển, do lo ngại về chủng nCoV mới được cho là lây lan dễ hơn so với những chủng cũ.

    giang sinh trong xe tai 1
    Một xe tải chặn ngang cao tốc M20 dẫn đến cảng Dover ở hạt Kent, Anh, hôm 23/12. Ảnh: Reuters.

    Đến cuối ngày 22/12, Pháp đồng ý tái mở cửa biên giới với Anh, nhưng những người muốn nhập cảnh phải trình kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV. Giới chức Anh cam kết tiến hành xét nghiệm bằng que thử nhanh cho các tài xế, bởi phương pháp này có thể giúp phát hiện nCoV chủng mới và cho kết quả trong 40 phút, thay vì phải chờ 24 giờ như xét nghiệm PCR.

    Những người dương tính với nCoV khi xét nghiệm bằng que thử nhanh sẽ được xét nghiệm lại bằng PCR. Nếu kết quả vẫn là dương tính, họ sẽ được đưa vào khách sạn để cách ly. Công tác xét nghiệm cho các tài xế xe tải ở cảng Dover bắt đầu được tiến hành từ chiều 23/12.

    Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps cho biết họ đang tìm cách giải quyết tình trạng ùn tắc giữa Anh và Pháp. Bộ Quốc phòng Anh cũng điều 170 binh sĩ tới hỗ trợ công tác xét nghiệm nCoV. Tuy nhiên, Shapps cảnh báo "sự trì hoãn nghiêm trọng vẫn tiếp diễn" và kêu gọi người dân tránh đi vào hạt Kent.

    Trên thực tế, dòng xe dường như không có dấu hiệu nhúc nhích và cách đăng ký xét nghiệm nCoV cũng mơ hồ, khiến các tài xế nổi cơn thịnh nộ. Nhiều người đến từ Đông Âu, không nói được tiếng Anh, trở nên mất bình tĩnh bởi họ sẽ không thể về nhà đón Giáng sinh với gia đình.

    Cảnh sát cho biết vài vụ lộn xộn đã xảy ra "liên quan đến những cá nhân mong muốn vượt eo biển", khiến họ phải tiến hành một vụ bắt. Tuy nhiên, Mekki Coskun, tài xế đến từ thành phố Dortmund của Đức, cho rằng mọi chuyện không nên được giải quyết theo cách đó. "Chúng tôi không có thông tin gì. Mọi người cần có thông tin", Coskun giải thích.

    giang sinh trong xe tai 1
    Các tài xế trú trong một xe tải trong lúc chờ đợi vào cảng Dover ở hạt Kent, Anh, hôm 23/12. Ảnh: AFP

    Các tài xế dự đoán họ sẽ còn mắc kẹt nhiều ngày và sẽ phải đón Giáng sinh trên xe tải của mình. "Giới chức nói rằng chúng tôi sắp được xét nghiệm nCoV, nhưng chưa có gì xảy ra. Chẳng có điều gì sắp đến", tài xế Ba Lan Ezdrasz Szwaja cho hay.

    "Chúng tôi đã ở đây hai ngày rồi. Tôi nghĩ sẽ mất thêm hai ngày nữa để xử lý tình trạng này. Có vô cùng nhiều xe tải", tài xế Tây Ban Nha Pablo Mora trả lời phỏng vấn trong lúc ngồi chờ bên trong xe tải ở thị trấn Folkestone, gần cảng Dover.

    Tài xế Đức Sergej Merkel cũng nằm trong số những người đang hướng về biên giới. Anh đoán mình sẽ được xét nghiệm nCoV trong vòng một ngày tới hoặc lâu hơn, nhưng rồi vẫn phải chờ đến lượt mới vượt qua được eo biển. "Vậy là chúng tôi sẽ mắc kẹt trên chiếc xe tải này vào lễ Giáng sinh", Merkel cho hay, nói thêm rằng nhiều tài xế có lẽ không muốn trở lại Anh sau "những ngày khủng khiếp" này.

    Nhiều người trong đám đông tài xế không có đồ ăn nóng giữa thời tiết giá lạnh, cũng không có chỗ để tắm, khiến họ nghĩ rằng mình là nạn nhân trong căng thẳng chính trị giữa Anh và Liên minh châu Âu. "Chúng tôi không có đồ ăn, nước uống, không có bất cứ thứ gì. Không ai quan tâm đến chúng tôi", tài xế Bulgaria Stella Vradzheva nói.

    Trong khi đó, tài xế Ba Lan Szwaja nghẹn ngào xúc động khi nhắc đến chuyện phải xa hai con nhỏ trong dịp Giáng sinh. "Tôi chỉ muốn về nhà", anh cho hay.

    VnExpress (Theo AFP, Reuters)

  • Chính phủ Anh tuyên bố sẽ phong tỏa thêm nhiều khu vực ở miền nam nước này vì biến thể đột biến của virus SARS-CoV-2 gây Covid-19 với độ lây nhiễm cao đã đẩy số ca nhiễm mới lên mức kỷ lục.

    phong toa them khu vuc
    Đường Oxford ở thủ đô London, Anh thưa vắng mùa Giáng sinh 2020. Ảnh: REUTERS

    Anh ghi nhận gần 40.000 ca nhiễm mới trong ngày 24.12 do biến thể đột biến có khả năng lây nhiễm cao hơn 70% so với SARS-CoV-2 ban đầu, khiến số ca nhiễm mới và số người nhập viện tăng vọt, theo Reuters.

    Số người chết vì Covid-19 được ghi nhận cùng ngày là 744, con số cao nhất kể từ tháng 4, nâng tổng số trường hợp tử vong lên hơn 69.700.

    Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock nói: “Trong bối cảnh số ca nhiễm mới cùng số người nhập viện lẫn số người chết vì Covid-19 tăng vọt, điều tối quan trọng là chúng ta phải hành động. Chúng ta không thể có một kỳ nghỉ Giáng sinh mà tất cả chúng ta đều khao khát".

    Người dân ở thủ đô London (Anh) cùng các khu vực lân cận đang được lệnh phải ở nhà vì sự xuất hiện của biến thể SARS-CoV-2, ảnh hưởng đến 16 triệu người.

    Bộ trưởng Hancock tuyên bố các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt như ở London sẽ được mở rộng ra nhiều khu vực khác ở miền nam nước Anh kể từ ngày 26.12.

    Ông Hancock cho biết thêm trung bình có 1.909 bệnh nhân Covid-19 nhập viện mỗi ngày và hiện có 18.943 người đang nằm viện vì Covid-19, mức chưa từng thấy kể từ đỉnh dịch hồi tháng 4.

    Ở Đức, cơ quan y tế bang Baden-Wuerttemberg ngày 24.12 xác nhận biến thể mới của SARS-CoV-2 xuất hiện tại bang này.

    Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố đình chỉ các chuyến bay thẳng đến và đi từ Anh vô thời hạn vì lo ngại về biến thể mới của SARS-CoV-2.

  • Thêm một biến thể mới của virus gây dịch COVID-19 dễ lây lan hơn được phát hiện tại Anh khiến tình hình dịch bệnh ở quốc gia này trở nặng.

    Hôm 23-12, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết một biến thể mới của COVID-19, có khả năng lây nhiễm cao hơn, đã được tìm thấy ở Anh trong các trường hợp có liên quan đến Nam Phi, kênh Channel News Asia đưa tin. 

    Thêm một biến thể COVID-19 mới

    Trong tuần trước, Bộ Y tế Nam Phi cho biết một biến thể mới của virus đã được phát hiện và có thể là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các ca nhiễm bệnh gần đây ở quốc gia này.

    Hiện tại, Anh đang cố gắng hạn chế sự lây lan của dòng biến thể có khả năng lây truyền cao hơn tới 70% các biến thể đã được phát hiện trước đây. Đồng thời, các nhà khoa học cũng đang tiến hành các nghiên cứu sâu hơn trên biến thể mới. 

    Ông Hancock tiết lộ rằng cho đến nay đã có hai trường hợp nhiễm biến thể virus mới gây dịch COVID-19 đã được phát hiện ở Anh khi tiếp xúc với những người từ Nam Phi trở về nước trong những tuần gần đây.

    Ông Hancock nói: “Biến thể mới này rất được quan tâm, vì nó vẫn dễ lây lan hơn, và nó dường như đã đột biến xa hơn so với biến thể đã được phát hiện ở Anh”

    bien the moi Matt Hancock
    Biến thể mới Matt Hancock.

    Theo ông Hancock, Anh đã liên hệ chặt chẽ với những người nhiễm biến thể virus mới này, và toàn bộ những ai đã ở Nam Phi trong hai tuần qua, hoặc tiếp xúc gần với người nhiễm virus phải tiến hành cách ly để tránh gây lây lan.

    Theo ông, nước này sẽ ra lệnh hạn chế ngay lập tức đối với việc đi lại từ Nam Phi.

    Các nước trên thế giới trong những ngày gần đây đã đóng cửa biên giới của họ với cả Anh và Nam Phi sau khi xác định được các biến thể mới, lây lan nhanh của virus gây dịch COVID-19.

    "Biến thể mới được xác định ở Anh rất khác với biến thể ở Nam Phi” - đại diện Dịch vụ Y tế Công cộng Anh Susan Hopkins cho biết.

    "Cả hai đều có vẻ dễ lây lan hơn. Chúng tôi đã có thêm bằng chứng về khả năng lây truyền của biến thể ở Vương quốc Anh vì chúng tôi đã nghiên cứu rất chi tiết về nó. Còn về biến thể ở Nam Phi, chúng tôi vẫn đang tìm hiểu thêm" - bà cho biết thêm.

    Bà bày tỏ tin tưởng rằng sự lây lan của biến thể có liên quan đến Nam Phi sẽ được kiểm soát và cho biết các loại vắc xin đã được phát triển sẽ có hiệu quả.

    "Hiện tại, chúng tôi không có bằng chứng nào cho thấy vaccine sẽ không hoạt động. Vì vậy trên thực tế điều đó có nghĩa là nó sẽ có hiệu quả, bởi vì vaccine sẽ tạo ra cơ chế miễn dịch mạnh mẽ, trên diện rộng và có thể hoạt động chống lại rất nhiều biến thể của virus gây dịch COVID-19" - bà nói.

    Anh không thể có một Giáng sinh an lành

    Anh đã báo cáo gần 40.000 ca nhiễm mới do biến thể mới của COVID-19 gây ra, khiến số ca mắc và nhập viện tăng vọt.

    Theo số liệu ghi nhận được, có tổng cộng 744 người chết do biến thể virus mới gây ra. Đây cũng là con số cao nhất kể từ tháng 4.

    Bộ trưởng Y tế Matt Hancock phát biểu trong một cuộc họp báo: "chúng ta không thể có một lễ Giáng sinh mà tất cả chúng ta đều khao khát."

    Hôm 19-12, các biện pháp hạn chế tụ tập đông người đã được áp dụng cho London, đông nam nước Anh và xứ Wales trong khi các kế hoạch giảm bớt hạn chế trong dịp Giáng sinh trên toàn quốc đã được thu hẹp đáng kể hoặc bị loại bỏ hoàn toàn.

    Ông Hancock cho biết từ ngày 26-12, nhiều khu vực khác ở miền nam nước Anh cũng sẽ được thêm vào các hạn chế tập trung xã hội ở mức cao nhất. Trong khi đó, các khu vực khác trên toàn quốc hiện ở các cấp thấp hơn cũng sẽ phải đối mặt với các hạn chế chặt chẽ hơn .

    Các chính phủ ở Scotland và Bắc Ireland đã thông báo rằng gần như tất cả mọi người sống ở các quốc gia này sẽ phải chịu mức hạn chế cao nhất sau Giáng sinh.

    Ông Hancock cho biết trung bình có 1.909 ca nhiễm COVID-19 nhập viện mỗi ngày, với 18.943 người hiện đang nằm viện vì COVID-19. Được biết, đây là mức chưa từng thấy kể từ đỉnh điểm của đợt bùng phát đầu tiên vào tháng 4.

  • Giáng sinh của người Việt ở một số nước châu Âu trầm lắng và ảm đạm khi dịch bệnh hoành hành. Lệnh phong tỏa khiến nhiều người không thể đoàn tụ với gia đình.

    Dịch Covid-19 lây lan mạnh dẫn đến hàng loạt lệnh phong tỏa, khiến kế hoạch về với người thân ăn Giáng sinh phải hủy bỏ. Các quy định giãn cách khiến nhiều người Việt phải “ai ăn Giáng sinh nhà nấy”, không còn được chúc tụng thoải mái, ấm cúng như truyền thống.

    Mùa lễ ở những thành phố đẹp nhất châu Âu năm nay giảm hẳn sự lung linh, nhộn nhịp vốn có - “một Giáng sinh buồn của người châu Âu”, như một người Việt ở Đức mô tả.

    giang sinh buon o chau au 1
    Trang trí mùa lễ ở khu Convent Garden của London, bình thường sẽ đông khách mua sắm Giáng sinh. Ảnh: New York Times

    Giáng sinh từ xa vì London bất ngờ phong tỏa

    Hào hứng về lần đầu tiên trải nghiệm Giáng sinh ở London, Minh Anh, đang học thạc sĩ ngành giảng dạy tiếng Anh, đã chuẩn bị đủ quà tặng cho gia đình bạn trai ở Brighton. Họ dự định trao đổi quà vào sáng ngày Giáng sinh như truyền thống, tuân thủ hướng dẫn của chính phủ là chỉ tối đa 3 hộ được phép tụ tập.

    Nhưng tuyên bố ngày 19/12 của Thủ tướng Boris Johnson, nâng London và nhiều vùng đông nam nước Anh thành vùng dịch cấp 4, khiến Minh Anh và khoảng 17 triệu người khác phải chịu giới hạn đi lại.

    “Kế hoạch của em bị ảnh hưởng toàn bộ... chắc em sẽ gọi video với gia đình bạn em”, cô nói với Zing. Cô và gia đình đang tính tổ chức đố vui qua video để làm “Giáng sinh từ xa” thú vị hơn.

    giang sinh buon o chau au 1
    Giáng sinh “đúng nghĩa” đầu tiên của Minh Anh ở Anh lại là giữa đại dịch và lệnh phong tỏa. Ảnh: NVCC

    Chị gái của bạn trai cô cũng phải hủy kế hoạch về ăn Giáng sinh, vì bị lây Covid-19 từ bệnh nhân tại bệnh viện mà chị làm việc.

    Từ trước ngày Giáng sinh, mùa lễ của Minh Anh đã bị gián đoạn bởi hai đợt cách ly - đầu tiên là 14 ngày do hai học sinh của cô nhiễm virus, sau đó là 10 ngày do tiếp xúc ca nhiễm khi ra ngoài mua đồ ăn.

    “Nhờ ứng dụng ‘Test and Trace’... người nào tiếp xúc với mình khoảng cách 2 m mà bị báo là mắc Covid-19 thì sẽ có tin nhắn gửi về điện thoại mình, mình bắt buộc phải cách ly, trước là 14 ngày, nhưng quy định mới là 10 ngày”, Minh Anh cho biết.

    Kèm theo đó là nỗi lo không có người thân bên cạnh, nếu mắc bệnh sẽ không ai chăm sóc.

    Số ca mắc Covid-19 ở Anh đang tăng chóng mặt, khiến phần lớn nước Anh phải nâng lên thành vùng dịch cấp độ 4.

    Nước này ghi nhận con số kỷ lục 36.804 ca nhiễm mới ngày 22/12, theo sau 33.364 ca ngày 21/12 và 35.928 ca ngày 20/12 - một phần do biến chủng virus mới lây lan mạnh hơn.

    Cảm giác mông lung, không thể lên kế hoạch

    Nguyễn Hải An, 28 tuổi, sống ở London, cho biết bố mẹ chồng cô ở Peterborough đã chuẩn bị đồ ăn cho tiệc Giáng sinh. Quà cũng được các thành viên gửi về nhà ông bà, chờ được bóc và trao cho nhau vào sáng ngày Giáng sinh.

    Nhưng kế hoạch phải hủy sau khi cả London và Peterborough được nâng thành vùng dịch cấp độ 4. Đồ ăn ở nhà bố mẹ chồng ở Peterborough phải để vào tủ đông, còn Hải An và chồng phải gấp rút rời London ngay trong ngày 19/12, tới nhà một người chị chồng ở vùng khác cấp độ 2.

    giang sinh buon o chau au 1
    Nguyễn Hải An (trái) không thể về ăn Giáng sinh ở nhà bố mẹ chồng do lệnh phong tỏa. Ảnh: NVCC

    “Chị ấy gọi điện bảo tụi em là tình hình như thế thì có qua nhà chị luôn được không. Tụi em bảo phải suy nghĩ đã, một tiếng sau gọi lại thì chị nức nở khóc”, Hải An, đang dạy kèm môn toán tại một trường trung học, nói.

    “Mọi chuyện quá áp lực không như ý, gia đình của chị ấy cũng vừa mắc Covid-19, cũng vừa cách ly rồi khỏi bệnh, cũng bị mệt dù đã tuân thủ rất nghiêm ngặt các lệnh của chính phủ... Giáng sinh không tổ chức nữa thì nhiều việc dồn dập quá”, Hải An cho biết thêm.

    Người Anh đang bất bình với Thủ tướng Boris Johnson vì tuyên bố các lệnh phong tỏa quá sát Giáng sinh.

    Đầu năm nay, ông Johnson phong tỏa Anh muộn hơn hẳn so với các nước châu Âu khác, khiến Anh có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao gần nhất châu lục. Đến hè, chính phủ lại khuyến khích mọi người trở lại làm việc - còn trợ giá bữa ăn trưa - khiến virus lây lan mạnh trở lại, theo New York Times.

    Cho đến tận ngày 16/12, ông Johnson vẫn kiên quyết muốn nới lỏng giới hạn đi lại cho dịp lễ. Đường phố London nhộn nhịp người mua sắm, cho tới ngày 19/12 khi thủ đô nước Anh bất ngờ thành vùng dịch cấp độ 4.

    “Đầu tiên, chính phủ nói Giáng sinh có thể nới lỏng cho mọi người... bây giờ mọi người thất vọng, tức giận cảm giác nước sát đến chân rồi thì nhà nước mới báo cho mọi người”, Hải An nhận xét.

    Cô nhớ lại Giáng sinh năm trước “rất ấm cúng”, đi khu vui chơi Winter Wonderland, và đi xem kịch cùng gia đình chồng. “Bây giờ ai tự làm Giáng sinh nhà nấy, rồi gọi video cho nhau, có thể chơi trò gì đó qua Zoom”.

    giang sinh buon o chau au 1
    Đường St. Martin’s ở trung tâm London ngày 21/12. Ảnh: New York Times

    Trước đó, tiệc Giáng sinh ở cơ quan, mà cô thấy “khá háo hức”, cũng bị hoãn sang ngày 4/1 năm sau khi mọi người đi làm lại. Nhưng chưa ai biết có tổ chức được không, vì lệnh phong tỏa London không có ngày kết thúc.

    “Ở đây rất mông lung, bây giờ phải nghe ngóng tin tức theo từng tuần, không thể tính xa đến tháng 1. Nếu vẫn là vùng dịch cấp 4, vẫn làm ở nhà, thì kế hoạch đổ bể hết”, Hải An nói.

    Sự bất trắc còn nằm ở cuộc đàm phán giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) về quan hệ thương mại hậu Brexit. Người Anh đón một Giáng sinh ảm đạm trong bối cảnh có thể xảy ra gián đoạn lớn trong giao thương vào cuối năm, nếu Anh và EU không đạt được thỏa thuận.

    Người Việt ở Đức và một Giáng sinh “rất khó khăn”

    Không chỉ Anh, mà hàng loạt nước châu Âu trải qua Giáng sinh với những biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhất, sau nhiều tuần dịch bệnh hoành hành.

    Chẳng hạn, Đức phong tỏa toàn quốc ngày 16/12, cho đến ngày 10/1 năm sau. Mọi cửa tiệm, trường học, nhà hàng, điểm giải trí phải đóng cửa. Tối đa chỉ 5 người (từ hai hộ gia đình) được vào cùng một nhà, theo BBC.

    Italy cũng phong tỏa toàn quốc trong phần lớn dịp lễ Giáng sinh và năm mới. Mỗi nhà chỉ được có hai khách. Lệnh giới nghiêm 22h đến 5h sáng được áp dụng trên cả nước.

    Trong khi đó, Pháp nới lỏng bớt giới hạn, theo đó người dân không còn phải điền đơn khi ra khỏi nhà. Trường trung học vẫn mở, nhưng nhà hàng, điểm giải trí phải đóng. Vẫn có lệnh giới nghiêm toàn quốc từ 20h đến 6h sáng.

    giang sinh buon o chau au 1
    Quảng trường Gendarmenmarkt của Berlin năm nay vắng bóng người, không còn tiếng nhạc và tiếng xì xèo của món xúc xích. Ảnh: New York Times.

    Bà Phạm Thị Xuyên, 61 tuổi, sống ở trung tâm thủ đô Berlin đang là tâm dịch ở Đức, nói cuộc sống của người Việt tại đây đang “rất khó khăn”. Qua trò chuyện với những người quen, bà Xuyên cho biết người Việt sang đây chủ yếu bán các đồ tặng phẩm, quần áo hoặc hàng ăn.

    “Cửa hàng quần áo thì phải đóng cửa hoàn toàn, còn hàng ăn thì thưa thớt, không có người”, bà nói với Zing.

    Ở München, hiện là một tâm dịch khác ở Đức, Huỳnh Hải Đăng, 36 tuổi, kỹ sư phần mềm, nói: “Người Việt đa phần làm quán, ở đây còn được mở cửa để giao hàng, sau 21h là giới nghiêm. Quán xá ế ẩm nên nhiều chỗ cũng đóng luôn”.

    Anh cho biết tình hình căng thẳng khiến nhiều người chọn ăn Giáng sinh ở nhà, không đi đâu thăm ai. Có lệnh phong tỏa trước Giáng sinh gần hai tuần, “nên ai chưa mua quà Giáng sinh cũng khổ, mà khổ nhất là những người bán chợ Giáng sinh”.

    Tại Berlin, vì biết bà Xuyên sống một mình sau khi chồng mất, một số người thân sống xung quanh mời bà qua ăn Giáng sinh. Nhưng quy định chỉ cho phép tụ tập 5 người, nên họ cho biết sẽ bảo con hoặc cháu tránh đi, khiến bà Xuyên cảm thấy ngại.

    giang sinh buon o chau au 1
    Bà Phạm Thị Xuyên cho biết người Việt đang “rất khó khăn” mùa Giáng sinh năm nay. Ảnh: NVCC

    “Chắc tôi sẽ không tới, chỉ gọi điện chúc nhau thôi. Tôi cũng cao tuổi rồi, tránh cho mình, tránh cho người ta. Con trai tôi ở xa, nếu tôi làm sao thì cũng không thăm được nhau”, bà Xuyên nói.

    Bà dự định sang Áo đón Giáng sinh cùng vợ chồng con trai và ba cháu, như các năm gần đây. Nhưng kế hoạch này phải hủy từ tháng 11 do các giới hạn đi lại, chỉ có thể thay bằng gọi video.

    Dành phần lớn thời gian ở nhà, bà vẫn cố gắng ra ngoài đi bộ hai tiếng mỗi ngày, vì “trong nhà đợt này, toàn lò sưởi, khô hết cả cổ, không chịu nổi”. Trên TV là cảnh các bệnh viện quá tải ở thành phố Berlin, và cảnh thiếu hụt nhân viên y tế.

    Trung bình 7 ngày tính đến 22/12 trên toàn nước Đức có hơn 25.000 ca nhiễm virus mới. Số ca tử vong trung bình 7 ngày là khoảng 650.

    Sống trong chung cư chủ yếu là sinh viên và người cao tuổi sống độc thân, bình thường bà Xuyên có thể bấm chuông hàng xóm để chúc nhau ly rượu vang sủi sekt phổ biến trong dịp Giáng sinh của Đức, nhưng năm nay thì không.

    “Bây giờ nếu ra đường, gặp hàng xóm thì mới chuyện trò với nhau thôi. Nhưng chán lắm, đứng cách 2 m nói chuyện thì còn ra gì nữa”, bà Xuyên thở dài.

    giang sinh buon o chau au 1
    Một thánh lễ tại nhà thờ Apostel Paulus ở Berlin ngày 20/12. Thánh lễ được rút ngắn và không cho phép hát nhạc Giáng sinh. Ảnh: New York Times.

    Thiếu vắng những cuộc vui

    Đối với Nguyễn Ngọc Bách, 21 tuổi, sinh viên Đại học Kỹ thuật Hamburg, dịch bệnh khiến Giáng sinh thiếu vui đi so với các năm trước.

    Mọi người ít ra ngoài đường, nên Bách không còn được vừa đi dạo vừa uống rượu Gluhwein “để chống rét” khi đi chơi Giáng sinh ở Đức.

    “Chợ Giáng sinh cũng rất vui, có nhiều đồ ăn ngon”, anh nhớ lại các dịp lễ năm trước. Bách cũng thường đi chơi thành phố khác với các bạn.

    “Năm nay không ai đi đâu cả, hạn chế nhiều thứ quá. Nhưng mình cũng không buồn, vì quen như vậy từ đầu năm rồi”, Bách nói.

    giang sinh buon o chau au 1
    Một chợ bán đồ Giáng sinh ở Berlin vài ngày trước lệnh phong tỏa. Ảnh: New York Times.

    Năm nay, nhóm sinh viên ở trường Bách không thể tổ chức sự kiện mừng dịp lễ như mọi năm. Một lễ hội khác thường được mở ba lần một năm, và thường tổ chức lớn vào mùa lễ, thì Giáng sinh năm nay cũng không còn.

    Từ thủ đô Rome của Italy, Lý Dật Thụ, học thạc sĩ ngành y Đại học Rome, cho biết bạn bè của anh mọi năm thường lên kế hoạch du lịch trong Italy hoặc quanh châu Âu vào dịp Giáng sinh, nhưng năm nay thì không thể.

    “So với hồi tháng 3, người dân giờ đây có ý thức hơn, 99% mọi người tuân thủ đeo khẩu trang, tất nhiên không còn sợ như hồi tháng 3 nữa”, Thụ nói.

    Các tân sinh viên Việt Nam ở đại học bên Italy phần lớn học online từ Việt Nam, thay vì sang Italy.

    Dù sự trầm lắng bao trùm Giáng sinh nhiều nước châu Âu, khiến người Việt không có được không khí nhộn nhịp, họ vẫn tìm được đâu đó tinh thần của mùa lễ, không mất đi trong đại dịch.

    Từ Berlin, bà Xuyên cho biết vẫn thường xuyên gọi video cho gia đình con trai, các cháu ở Áo. Con trai tuy bận rộn nhưng vẫn thường gọi điện. “Con nghe được tiếng mẹ là con thấy yên tâm rồi”, anh thường nói với bà.

    Ở London, Minh Anh cho biết các nhóm bạn của cô khi nói chuyện vẫn thường bảo nhau giữ gìn sức khỏe. Các bạn cùng nhà đã mua đồ ăn hộ trong những ngày cô phải cách ly.

    “Anh bạn của em ở Leeds, điện thoại hết pin phải nhờ một bà ngồi cạnh (trên tàu), thì bà còn cho anh ấy cái bánh, rồi nói ‘Merry Christmas’ (Giáng sinh vui vẻ)”, Minh Anh nói.

    Nguồn: Zing