• Chuyên gia cho rằng việc Anh không theo đuổi chiến lược dập dịch tối đa đã tạo điều kiện cho virus lây lan qua nhiều vật chủ và dẫn đến biến chủng.

    Ngày 14/12, Anh công bố phát hiện một chủng nCoV mới, có hơn 20 đột biến so với phiên bản gốc và có khả năng lây nhiễm cao hơn 70%. Các nhà khoa học phát hiện biến thể mang tên "VUI – 202012/01" này lần đầu tiên vào tháng 9. Đến tháng 11, khoảng 1/4 số ca nhiễm mới ở London là do chủng mới và đến giữa tháng 12, con số này tăng lên gần 2/3.

    Mặc dù đột biến virus là điều bình thường và các biến chủng nCoV đã được phát hiện ở một số quốc gia khác, VUI – 202012/01 khiến nhiều quốc gia trên thế giới lo ngại và đã quyết định cấm du khách tới từ Anh như một biện pháp đề phòng.

    Anthony Costello, giáo sư về y tế toàn cầu và phát triển bền vững tại Đại học London, cựu giám đốc mảng sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại WHO, nhận định cách xử lý dịch của chính phủ Anh là một trong những nguyên nhân đằng sau dẫn đến sự xuất hiện của chủng nCoV mới.

    vui
    Biển thông báo Pháp đóng biên với Anh ngày 21/12, sau khi phát hiện chủng nCoV mới. Ảnh: AP.

    Ông chỉ ra rằng trong làn sóng Covid-19 đầu tiên ở Anh, nhiều nhà khoa học đã khuyên chính phủ nên theo đuổi chiến lược "dập dịch tối đa" hoặc "xóa sổ Covid", vì khi virus lây lan, sống trong các vật chủ khác nhau, nó sẽ tiến hóa và đột biến.

    Tuy nhiên, chiến lược của chính phủ Anh trong suốt đại dịch là làm chậm sự lây lan của virus và giảm áp lực lên Dịch vụ Y tế Công, thay vì loại bỏ hoàn toàn nCoV. Ngày 13/3, Nhóm Cố vấn Khoa học cho Các trường hợp Khẩn cấp (Sage) ra biên bản nói rằng "các biện pháp tìm cách ngăn chặn hoàn toàn sự lây lan của nCoV sẽ dẫn đến đỉnh dịch thứ hai".

    Các cố vấn Anh cảnh báo rằng những quốc gia như Trung Quốc, nơi đã thực hiện biện pháp mạnh để dập dịch, "sẽ trải qua đỉnh dịch thứ hai khi các biện pháp được nới lỏng". Logic của họ là thay vì loại bỏ nCoV, nước Anh sẽ học cách sống chung với nó.

    Tuy nhiên, 9 tháng sau, trong khi Trung Quốc và Hàn Quốc lần lượt ghi nhận 3 và 12 ca tử vong trên một triệu người, Anh ghi nhận 970 ca tử vong do Covid-19 trên một triệu người.

    Các nhà khoa học cho rằng nCoV trải qua 1-2 đột biến mỗi tháng, nhưng với khoảng hơn hai triệu người nhiễm nCoV ở Anh - vùng dịch lớn thứ sáu thế giới - có rất nhiều cơ hội để virus đột biến. "Điều chắc chắn là số lượng người nhiễm càng lớn thì virus càng có nhiều cơ hội phát triển", Costello viết.

    "Không thể chỉ đổ lỗi sự gia tăng ca nhiễm nCoV gần đây cho chủng virus mới. Thực tế, sự quản lý yếu kém của chính phủ đã khiến thêm nhiều người nhiễm nCoV, tạo điều kiện cho biến chủng xảy ra", Costello viết thêm.

    Theo Nick Davies, cố vấn của Sage, nếu Anh phong tỏa sớm hơn một tuần vào mùa xuân, họ đã có thể giảm một nửa tỷ lệ tử vong. Costello cho rằng các bộ trưởng Anh đã lãng phí hàng tỷ USD vào việc thuê ngoài các công ty tư nhân phụ trách hệ thống xét nghiệm và truy vết tiếp xúc. Trong khi đó, họ không giám sát chặt chẽ những người tự cách ly và cung cấp hỗ trợ tài chính ít ỏi cho những người này. Gánh nặng tài chính có thể khiến các lao động không được hưởng lương nghỉ ốm vi phạm quy trình tự cách ly vì họ không có thu nhập nếu không làm việc.

    "Sau đợt phong tỏa vào mùa xuân, tỷ lệ lây nhiễm ở Anh đã giảm, nhưng chính phủ lại không thực hiện kịp thời những biện pháp cần thiết để ngăn chặn virus", Costello viết.

    Để đối phó với chủng nCoV mới, Thủ tướng Anh ra lệnh siết chặt biện pháp phòng dịch. London và và nhiều vùng ở miền nam và miền đông nước Anh bước vào hạn chế Cấp 4, tương đương phong tỏa. Các hộ gia đình sẽ không được tiếp xúc với nhau vào dịp Giáng sinh. Tại những khu vực khác có rủi ro thấp hơn, bạn bè và người thân chỉ được phép quây quần vào một ngày Giáng sinh duy nhất. Ưu tiên của chính phủ Anh là mở rộng quy mô tiêm chủng càng nhanh càng tốt và cung cấp hỗ trợ thích hợp cho những người bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phong tỏa và tự cách ly.

    Thông báo của Anh làm dấy lên lo ngại nCoV có thể tiến hóa đến mức độ kháng được những vaccine vừa ra mắt. Họ phỏng đoán một số thay đổi trong mã di truyền của virus bảo vệ nó trước các kháng thể nhất định. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng phải mất nhiều năm, thay vì vài tháng, để virus đủ sức kháng lại vaccine. Dù vậy, một loạt nước và vùng lãnh thổ đã đóng biên với Anh, bao gồm Hà Lan, Bỉ, Canada, Đức, Ireland, Italy, Ấn Độ và Hong Kong.

    "Anh đã bị cộng đồng quốc tế 'cách ly'. Việc Thủ tướng liên tục thiếu quyết đoán, trì hoãn và dường như không có khả năng đưa ra các biện pháp mạnh vì chúng không được lòng dân đã khiến Anh là một trong những nước có tỷ lệ tử vong tồi tệ nhất trên thế giới", Costello nói.

    "Giờ chúng ta phải hủy các kế hoạch Giáng sinh và khiến cộng đồng quốc tế lo lắng. Chúng ta chỉ có thể hy vọng sẽ không còn lâm vào tình thế này vào Lễ Phục sinh", ông nói thêm.

    Theo VnExpress (Theo Guardian)

  • Một số quốc gia đã thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về hơn 10 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 biến thể mới được phát hiện ở Anh.

    Theo bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của bộ phận phụ trách dịch bệnh khẩn cấp thuộc Tổ chức Y tế Thế giới, các quốc gia xuất hiện virus SARS-CoV-2 biến thể là Iceland, Italy, Hà Lan, Đan Mạch, Séc, và Australia.

    photo 1 1608623777113437770479

    Điều trị Covid-19 ở Anh 

    Hiện Séc là quốc gia mới nhất thông báo xuất hiện virus SARS-CoV-2 biến thể.

    Các nhà khoa học cho rằng đây có thể là lý do khiến một số người bị nhiễm Covid-19 lần thứ hai.

    Hôm 19/12, Anh cho biết biến thể virus mới này có tỷ lệ lây nhiễm cao hơn tới 70% so với dòng virus chính gây bệnh Covid-19.

    Gần 30 quốc gia đã đóng cửa biên giới với những người đi lại từ Anh hay Nam Phi - nơi cũng xuất hiện một biến thể khác của virus SARS-CoV-2, để ngăn dịch bệnh tiếp tục lây lan.

    Trong khi đó, hãng bưu chính quốc gia Anh (Royal Mail) hôm 21/12 cho biết, hãng này tạm ngừng giao bưu phẩm và hàng hóa đến hầu hết các nước châu Âu và nhiều quốc gia khác trên thế giới do đường bay bị đóng cửa vì chủng virus SARS-CoV-2 biến thể xuất hiện tại nước này.

    Động thái này đưa ra sau khi ngày 19/12, chính phủ Anh lên tiếng báo động về một biến thể virus SARS-CoV-2 khiến tốc độ lây nhiễm tăng tới 70%. Ngay sau thông báo của Văn phòng Thủ tướng Anh, nhiều quốc gia châu Âu đã bắt đầu đóng cửa với người đến từ Anh sau khi nước này siết chặt các hạn chế phòng Covid-19 ở thủ đô London và khu vực miền Nam England để ngăn chặn chủng mới của virus SARS-CoV-2 lây lan.

    Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyến cáo các quốc gia đánh giá một cách độc lập nguy cơ lây lan của biến thể virus SARS-CoV-2 và tự đưa ra quyết định về việc có nên tạm dừng hoạt động giao thông hàng không hay không.

  • Nam Cực vốn là châu lục duy nhất chưa bị Covid-19 chạm đến. Nhưng rồi "danh hiệu" ấy cũng đã bị phá vỡ.

    Tính đến thời điểm ngày 20/12, Nam Cực vẫn là châu lục duy nhất trên thế giới chưa bị ảnh hưởng bởi Covid-19, là thành trì cuối cùng chưa bị đại dịch tấn công. Nhưng thành trì ấy cuối cùng đã sụp đổ. Theo The Guardian đưa tin, ngày 21/12 đã xuất hiện 36 ca nhiễm tại một cơ sở nghiên cứu của Chile tại Nam Cực, trong đó có 26 là thành viên quân đội, và 10 nhân viên bảo trì. 

    Cụ thể, ổ dịch xuất hiện tại trạm nghiên cứu General Bernardo O’Higgins Riquelme. "Nhờ vào những hành động kịp thời, việc giải cứu các nhân viên dương tính với Covid-19 qua xét nghiệm PCR đã được thực hiện," - trích trong báo cáo của quân đội Chile trên trang Newsweek. Ngoài ra, 3 thành viên thuộc đội cung cấp nhu yếu phẩm cũng đã dương tính với Covid-19 sau khi trở về từ Nam Cực.

    2301 1608633301759212613107

    Toàn bộ 36 bệnh nhân đã được giải cứu, đưa trở về thành phố Punta Arenas. Họ được đưa đi cách ly ngay lập tức, tình trạng sức khỏe vẫn tốt.

    Được biết, General Bernardo O’Higgins Riquelme là 1 trong 13 căn cứ của Chile tại Nam Cực. Việc ngăn chặn virus tại châu lục này cũng kéo theo một cái giá đắt: toàn bộ dự án nghiên cứu lớn bị cắt giảm. Hệ quả, việc nghiên cứu của giới khoa học trên toàn cầu bị ảnh hưởng trầm trọng.

    Nam Cực xuất hiện ca nhiễm Covid-19: Thành trì cuối cùng trên thế giới chưa bị đại dịch tấn công đã sụp đổ - Ảnh 2.

    Nam Cực trên thực tế là một châu lục không có người ở, nhưng có khoảng 1000 nhà nghiên cứu cùng nhiều người đến đây vào mùa đông. Hồi tháng 3, khi nhiều nước trên thế giới bước vào phong tỏa vì Covid-19, các chương trình nghiên cứu tại Nam Cực nhận định đại dịch có thể tạo ra thảm họa. Với sức gió cực mạnh và nhiệt độ lạnh bậc nhất, sẽ rất nguy hiểm cho con người làm việc tại đây.

    "Một loại virus mới với khả năng lây nhiễm cao, cộng thêm tỷ lệ tử vong cao và bệnh tật tại môi trường khắc nghiệt ở Nam Cực, cùng việc thiếu hụt nguồn lực y tế sẽ có nguy cơ gây ra thảm họa nghiêm trọng."

  • Lo lắng về biến chủng virus mới ở Anh đã gia tăng hôm 21/12 khi hơn 30 quốc gia cấm nhập cảnh với người đến từ nước này, tạm dừng các chuyến bay và hoạt động thương mại.

    Anh gần như đã bị cắt kết nối với phần còn lại của châu Âu. Sự lo lắng trở nên rõ ràng khi London và Liên minh châu Âu (EU) chỉ còn 10 ngày trước thời hạn đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit.

    Tình hình làm dấy lên nỗi sợ hãi về hoảng loạn mua sắm trong các siêu thị ở Anh, theo New York Times. Vốn quan ngại trước sự gia tăng số ca nhiễm mới và việc phong tỏa vội vã ở phần lớn đất nước, người Anh nay lại phải tính đến chuyện hết thực phẩm tươi trong những ngày trước Giáng sinh.

    30 nuoc dong cua voi anh
    Xe tải chở hàng bị mắc kẹt ở cảng Dover ở Anh hôm 21/12. Ảnh: AP

    Thủ tướng Boris Johnson hôm 19/12 cho biết biến chủng virus corona đã được chứng minh là có khả năng lây lan cao hơn 70% so với các chủng khác. Con số này mới chỉ là ước tính dựa trên mô hình và các quan chức Anh nói vẫn chưa có lý do để khẳng định biến chủng mới gây bệnh nghiêm trọng hơn.


    Song số liệu thống kê đã làm dấy lên báo động trên toàn thế giới. Pháp đã áp đặt lệnh đình chỉ 48 giờ vận chuyển hàng hóa qua eo biển Manche. Động thái này khiến hàng nghìn tài xế bị mắc kẹt trong xe tải hôm 21/12, trong khi đường dẫn đến các cảng của Anh bị biến thành bãi đậu xe.

    Áo, Bỉ, Bulgaria, Pháp, Đức, Ireland, Italy và Hà Lan cùng nhiều nước khác đã công bố hạn chế đi lại. Hành khách bay từ Anh đến Đức đã bị giữ lại tại các sân bay vào đêm 20/12. Ba Lan cho biết họ sẽ đình chỉ các chuyến bay giữa hai nước bắt đầu từ 21/12.

    Trong khi đó, Tây Ban Nha thông báo chỉ công dân và thường trú nhân nước này mới được phép bay đến từ Anh. Nước này đồng thời tiến hành kiểm tra biên giới gắt gao hơn với Gibraltar, lãnh thổ thuộc Anh nằm ở cực nam của Tây Ban Nha.

    Hy Lạp đã kéo dài thời hạn cách ly lên 10 ngày đối với người bay đến từ Anh, một ngày sau khi nâng lên 7 ngày, nhưng không đình chỉ các chuyến bay.

    Hôm 21/12, Hong Kong đóng cửa biên giới đối với người đến từ Anh, cho biết toàn bộ chuyến bay chở khách từ nước này sẽ bị cấm bắt đầu từ nửa đêm. Lệnh cấm sẽ được mở rộng lần đầu tiên đối với cư dân Hong Kong. Canada, Ấn Độ, Iran và Nga cũng ban hành các hạn chế mới.

    Về cơ bản, Israel sẽ đóng cửa bầu trời với hầu hết công dân nước ngoài từ chiều 23/12. Saudi Arabia thậm chí còn đi mạnh tay hơn khi thông báo lệnh cấm một tuần đối với mọi đường bay quốc tế. Kuwait tối 21/12 đã đình chỉ toàn bộ chuyến bay thương mại với nước ngoài và đóng cửa biên giới trên bộ, trên biển cho đến ngày 1/1.

    Tại Mỹ, bác sĩ Anthony S. Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của quốc gia, nói với CNN rằng ông sẽ khuyên không nên tạm dừng các chuyến bay từ Anh, nhưng giới chức nên theo dõi chặt chẽ biến chủng virus này.

    "Hãy theo dõi nó một cách cẩn thận, nhưng đừng phản ứng quá mức với nó", ông nói.

    Biến chủng mới, được phát hiện lần đầu từ vài tháng trước, lây lan ở đông nam nước Anh và cũng đã được xác định với số lượng nhỏ ở Đan Mạch, Hà Lan và Australia, theo các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới.

  • Nhà chức trách Anh và Nam Phi nói các biến chủng mới của virus corona có khả năng lây lan cao hơn, giữa lúc vaccine Covid-19 thắp lên hy vọng thoát khỏi đại dịch cho thế giới.

    Giới chức Anh tuần qua báo động trước một biến chủng mới của virus corona, với khả năng lây nhiễm cao hơn, đang lan rộng trong cộng đồng.

    Dựa trên tốc độ lây lan của biến chủng mới ở London và khu vực lân cận, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất tại nước này kể từ tháng 3.

    "Khi virus thay đổi cách tấn công, chúng ta phải thay đổi cách phòng thủ", ông nhấn mạnh.

    Ngay trước khi các biện pháp hạn chế bắt đầu có hiệu lực, người dân thủ đô London đã lũ lượt chen chúc trên các chuyến tàu rời thành phố. Ngày 20/12, nhiều nước châu Âu bắt đầu cấm nhập cảnh với hành khách đến từ Anh, ngăn chặn dịch bệnh diễn biến phức tạp.

    6yly9kGc4u28onNHEyiPEp
    Thủ tướng Boris Johnson thị sát cơ sở sản xuất vaccine tại Anh vào tháng 11. Ảnh: Reuters.

    Bí ẩn về biến chủng mới 

    Các nhà khoa học bắt đầu lo ngại về các biến chủng mới, nhưng họ không quá bất ngờ trước diễn biến này của đại dịch Covid-19. Giới nghiên cứu đã ghi nhận hàng nghìn biến đổi nhỏ trong vật chất di truyền virus corona khi dịch bệnh lan rộng khắp thế giới.

    Khi điều kiện sinh tồn thay đổi với vaccine và mức miễn dịch cao hơn trong dân số, virus có khả năng xuất hiện những đột biến mới giúp lây lan hiệu quả hơn và tránh được hệ miễn dịch ở người.

    Một số biến chủng lan rộng trong dân số chủ yếu nhờ may mắn, chứ không phải những biến đổi di truyền khiến chúng trở nên nguy hiểm vượt bậc.

    Tại Nam Phi, một phiên bản tương tự với biến chủng tại Anh đã xuất hiện. Theo các nhà khoa học, biến chủng virus corona ở Nam Phi và biến chủng tại Anh có cùng 1 điểm đột biến. Nó được tìm thấy trong gần 90% mẫu bệnh phẩm ở Nam Phi được giải trình tự gene kể từ giữa tháng 11.

    "Đây là tín hiệu cảnh báo mà chúng ta cần theo dõi sát sao", Jesse Bloom, nhà sinh vật học tiến hóa thuộc Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, Seattle, chia sẻ.

    "Hiển nhiên những biến chủng này sẽ lan rộng. Cộng đồng khoa học cần theo dõi chúng, đánh giá biến chủng nào có thể gây ra tác động", ông nói.

    Các nhà nghiên cứu phát hiện biến chủng virus corona tại Anh có khoảng 20 đột biến, trong đó có một một vài điểm tác động lên cách virus bám vào tế bào cơ thể người và truyền bệnh.

    Theo Muge Cevik, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học St.Andrews ở Scotland và cố vấn khoa học cho chính phủ Anh, các đột biến này cho phép biến chủng virus corona nhân bản và lây nhiễm hiệu quả hơn.

    Nhà chức trách Anh thông báo biến chủng mới ở khu vực đông nam nước Anh có khả năng lây nhiễm cao hơn mức bình thường khoảng 70%. Tuy nhiên, bà Cevik lưu ý đây mới là con số dựa trên mô hình tính toán và chưa được xác nhận trong phòng thí nghiệm.

    "Chúng tôi cần thêm dữ liệu thí nghiệm. Chúng tôi không thể loại bỏ hoàn thoàn thực tế rằng mức lây nhiễm này có thể liên quan đến hành vi của mọi người", bà nhận định.

    Phản ứng quyết liệt ở châu Âu

    Các nhà khoa học Nam Phi chia sẻ quan điểm tương tự. Họ vẫn chưa thể xác định chính xác bằng số liệu mức ảnh hưởng từ đột biến lên khả năng lây nhiễm của virus corona. Trong khi đó, một điều khá dễ nhận diện là hành vi của mọi người đang tác động đến diễn biến dịch.

    Thông báo của chính phủ Anh cũng gây nhiều lo ngại về khả năng virus corona tiến hóa và kháng lại các vaccine vừa được phát triển thành công.

    Tuy nhiên, một số chuyên gia đã kêu gọi cộng đồng quốc tế bình tĩnh. Họ lưu ý rằng virus muốn vô hiệu hóa hoàn toàn vaccine sẽ cần nhiều năm để tiến hóa, chứ không chỉ vài tháng.

    "Mọi người không nên lo ngại sẽ xuất hiện một biến chủng thảm họa khiến toàn bộ cơ chế miễn dịch và kháng thể trở nên vô dụng", bác sĩ Jesse Bloom lưu ý.

    "Đó là quá trình diễn ra trong nhiều năm và cần nhiều đột biến cộng lại chứ không bật, mở như công tắc", ông nói.

    Những lời trấn an bằng khoa học không còn nhiều ý nghĩa với tâm lý chủ động đề phòng của hàng xóm nước Anh.

    Lo lắng trước nguy cơ hành khách từ Anh nhiễm biến chủng mới, Hà Lan đã thông báo cấm mọi chuyến bay từ đảo quốc này từ ngày 20/12 đến 1/1/2021.

    Italy, Bỉ và Đức cũng siết chặt quản lý hành khách đến từ Anh và cả Nam Phi. Một số nước khác như Pháp, Áo và Ireland đang cân nhắc đưa ra lệnh cấm nhập cảnh. Chính phủ Tây Ban Nha còn đề nghị Liên minh châu Âu (EU) điều phối một lệnh cấm hành khách từ Anh đến lục địa bằng đường hàng không.

    Phía bên kia Đại Tây Dương, Thống đốc New York Andrew Cuomo cũng đề nghị chính phủ Mỹ cân nhắc biện pháp tương tự.

    Tại Anh, quan chức ngành giao thông đã tuyên bố kế hoạch tăng cường cảnh sát ở những nút giao thông, ga tàu điện để đảm bảo chỉ những ai có nhu cầu cấp thiết được sử dụng phương tiện công cộng.

    Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock ngày 20/12 chỉ trích những người chen chúc trên tàu trốn khu vực phong tỏa là "vô trách nhiệm". Ông cho biết các biện pháp chống dịch vừa được Thủ tướng Johnson công bố có thể kéo dài trong vài tháng.

    Cuộc chiến với "kẻ biến hình"

    Kể từ khi đại dịch bùng phát trên diện rộng vào cuối năm 2019 ở Trung Quốc, các nhà khoa học ít nhất 3 lần phát hiện đột biến ở virus corona ảnh hưởng đến mức nhạy của kháng thể: biến chủng trên chồn ở Đan Mạch, biến chủng ở Anh và một bệnh nhân bị ức chế miễn dịch, cơ thể phản hồi chậm với huyết tương của người đã khỏi bệnh.

    Giống như mọi loại virus khác, virus corona cũng là "kẻ biến hình" qua những biến đổi di truyền trong quá trình lây nhiễm trên người. Một số đột biến không tạo ra khác biệt, nhưng một số khác có thể khiến dịch bệnh thay đổi.

    Các nhà khoa học đang lo ngại kịch bản thứ hai. Việc tiêm phòng vaccine cho hàng triệu người sẽ tăng khả năng xuất hiện phiên bản thích ứng mới của virus, giúp chúng đánh lừa hoặc khắc chế thành công phản ứng miễn dịch.

    "Chủng virus này lây lan, phát triển và thích ứng liên tục. Nhưng mọi người lại không muốn lắng nghe những điều chúng tôi cảnh báo: Virus này sẽ đột biến", bác sĩ Ravindra Gupta, nhà virus học tại Đại học Cambridge, cho biết.

    Theo bác sĩ Deepti Gurdasani, nhà dịch tễ học tại Đại học Nữ hoàng Mary ở London, giới khoa học ban đầu phỏng đoán virus corona đã ổn định và khó có khả năng thoát được phản ứng miễn dịch bằng vaccine. Tuy nhiên, những phát hiện trong vài tháng qua đã chứng tỏ virus có thể đột biến.

    "Với sức ép chọn lọc sinh tồn tăng lên vì chiến lược tiêm ngừa trên diện rộng, tôi nghĩ những biến chủng này sẽ dần trở nên phổ biến hơn", bà cảnh báo.

    Chuyên gia dịch tễ học phân tử Emma Hodcroft của Đại học Bern, Thụy Sĩ, vẫn tự tin. Cô cho rằng kịch bản quá trình chọn lọc ở virus tạo ra biến chủng nguy hiểm chưa diễn ra ngay và thế giới chỉ cần lo ngại về dài hạn. Virus gây ra cúm mùa cũng cần 5-7 năm để tập hợp đủ đột biến cần thiết trong một biến chủng và đánh lừa hệ miễn dịch ở người.

    Theo Hodcroft, các nước trước mắt cần tiêm phòng khoảng 60% dân số và giữ số ca nhiễm thấp trong cùng giai đoạn. Chiến lược này có thể giảm đáng kể khả năng virus đột biến nguy hiểm.

  • Khác với trước đây, biến thể mới của nCoV tại Anh khiến trẻ em dễ dàng bị lây nhiễm như người trưởng thành.

    Nghiên cứu được thực hiện bởi Nhóm tư vấn về Mầm bệnh hô hấp mới nổi (NERVTAG) của chính phủ Anh, công bố hôm 22/12. Các chuyên gia cho biết chủng virus đã nhanh chóng lan rộng ở miền nam nước Anh, sẽ sớm lây lan diện rộng.

    Peter Horby, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm mới nổi tại Đại học Oxford kiêm chủ tịch NERVTAG, cho biết: "Chúng tôi tin rằng biến thể này có lợi thế về lây truyền hơn so với các chủng cũ ở Anh".

    Giáo sư Neil Ferguson, chuyên gia dịch tễ tại Đại học Imperial College London, nhận định: "Một số phân tích cho thấy mầm bệnh có thể tỷ lệ lây truyền sang trẻ em cao hơn. Chúng tôi chưa kết luận về nguyên nhân và kết quả, song có thể nhìn ra điều này trong cơ sở dữ liệu. Chúng tôi cần thu thập thêm thông tin, xem virus hoạt động thế nào trong tương lai".

    Theo các nhà khoa học của chính phủ, biến thể mới của nCoV có khả năng lây truyền cao hơn 70% so với trước đó. Điều này khiến một số quốc gia phải đóng cửa biên giới đối với Anh, đồng thời đẩy các khu vực đông dân của đất nước vào tình trạng hạn chế nghiêm ngặt ngay trước Giáng sinh.

    chung covid moi lay lan
    Người dân đi bộ trên đường phố của thủ đô London, Anh, ngày 16/12. Ảnh: Reuters

    Wendy Barclay, giáo sư của NERVTAG, cho biết đột biến đã thay đổi về phương pháp xâm nhập tế bào người, vì vậy "trẻ em cũng nhạy cảm với virus như người lớn".

    "Do đó, có thể sắp tới nhiều trẻ em sẽ mắc Covid-19 hơn", ông nói.

    Báo cáo mới của Anh cũng làm dấy lên lo ngại nCoV có thể tiến hóa đến mức độ kháng được những vaccine vừa ra mắt. Họ phỏng đoán một số thay đổi trong mã di truyền của virus bảo vệ nó trước các kháng thể nhất định.

    Song chuyên gia cho rằng phải mất nhiều năm, thay vì vài tháng, để virus đủ sức kháng lại vaccine.

    Công nghệ được sử dụng trong vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna dễ dàng điều chỉnh, cập nhật hơn nhiều so với liều tiêm thông thường. Các loại vaccine mới cũng tạo ra phản ứng miễn dịch lớn, vì vậy, nCoV có thể cần đột biến trong nhiều năm trước khi cần sửa đổi vaccine

    VnExpress (Theo Reuters)

  • Ông Lê Văn Lộc, chủ của chuỗi hơn 60 nhà hàng Jimmy's Egg, qua đời ở tuổi 75 do những biến chứng liên quan tới Covid-19.

    Ông Lộc qua đời hôm 10/12 và được an táng 17/12 tại nghĩa trang Rose Hill ở thành phố Oklahoma, bang Oklahoma. Trong khi đó, vợ ông, bà Kim, vẫn điều trị Covid-19 trong bệnh viện và phải dùng máy thở.

    Sự ra đi của ông chủ gốc Việt gây bàng hoàng và tiếc thương cho toàn ngành công nghiệp dịch vụ nhà hàng địa phương.

    "Ông Lộc luôn nói điều tích cực khi dùng bữa tại một nhà hàng. Ông ấy tự hào được làm trong ngành công nghiệp này. Ngành công nghiệp nhà hàng ở Oklahoma đã mất đi một cá nhân tuyệt vời", đồng nghiệp lâu năm và cũng là đối thủ cạnh tranh Peter Holloway, thuộc Tập đoàn Nhà hàng Holloway, nói. "Ông ấy sẽ thực sự được ghi nhớ. Ông ấy đã xây dựng một đế chế vĩ đại".

    "Tôi không thể nghĩ ra nhà tiên phong nào giỏi hơn cho các nhà hàng ở Oklahoma và đại sứ cho văn hóa Việt Nam tại Oklahoma. Ông ấy sẽ được tưởng nhớ rất lâu", đầu bếp Kurt Fleischfresser của nhà hàng Vast, nói.

    nha hang jimmy egg 1
    Ông Lê Văn Lộc, chủ chuỗi nhà hàng Jimmy's Egg. Ảnh: Oklahoman.

    Ông Lộc sinh ra trong một gia đình giàu có với 8 người con ở Đà Nẵng năm 1945. Ông từng làm việc cho cha mình từ khi còn học cao đẳng, sau đó trở thành một nhà môi giới bất động sản và nhà thầu. Trong những năm chiến tranh, ông sở hữu một công ty vận tải và là đối tác của một xưởng thịt lợn đóng hộp.

    Tuy nhiên, sau chiến tranh, khi sang Mỹ tị nạn cùng vợ và 4 con ở thành phố Oklahoma năm 1978, cuộc sống của ông mới thực sự bắt đầu khi rơi vào cảnh không nhà cửa, không xu dính túi và không thông thạo tiếng Anh. Sau một thời gian kiếm sống bằng công việc vặt, ông Lộc cuối cùng trở thành giám sát viên của công ty Đường sắt Santa Fe nhờ kinh nghiệm làm trong ngành vận tải, còn bà Kim mở một tiệm bán tóc giả trên phố.

    Năm 1980, bà Kim mở thêm hai cửa hàng nhờ việc làm ăn thuận lợi và bắt đầu để mắt tới một khoản đầu tư mới, đó là nhà hàng ăn sáng cafe Jimmy's Egg. Hai vợ chồng bà đã bán hết 3 cửa hàng tóc giả và một số trang sức cá nhân để gom đủ 40.000 USD mua lại Jimmy's Egg.

    Chỉ 3 năm sau, họ phát triển nhà hàng lên 3 địa điểm và thêm hai điểm mới vào năm 1990. Hiện nay, với sự giúp sức từ con rể, Jimmy’s Egg đã có hơn 60 nhà hàng tại 8 bang của Mỹ, từ New York tới Texas.

    Ông Lộc đã 3 lần về thăm Việt Nam, trong đó lần gần nhất là để thành lập quỹ từ thiện nhằm giúp đỡ người khó khăn ở Việt Nam.

    nha hang jimmy egg 1
    Nhà hàng Jimmy's Egg ở thành phố Oklahoma. Ảnh: Oklahoman.

    "Câu chuyện thành công của ông Lộc trong ngành công nghiệp nhà hàng là một ví dụ điển hình về sự kiên trì, chăm chỉ và cống hiến một cách xuất sắc", Jim Hopper, giám đốc điều hành Hiệp hội Nhà hàng Oklahoma, nói sau khi nghe tin ông chủ gốc Việt qua đời. "Niềm đam mê với những món ăn ngon và dịch vụ tuyệt vời cho khách hàng đã giúp ông ấy phát triển Jimmy's Egg từ ban đầu khiêm tốn với một cửa hàng lên hơn 60 cửa hàng trên toàn quốc ngày nay. Lộc Lê đã ghi dấu ấn trong ngành nhà hàng không thể phai mờ suốt nhiều năm tới".

    Năm 1990, khi được hỏi về thành công của mình sau những thử thách đã vượt qua, ông Lộc đáp: "Tôi hài lòng vì mình đã làm tốt những gì mình lựa chọn. Tôi không phải lúc nào cũng thành công nhưng tôi không phải là người hay than thở về điều đó. Tôi tạo ra hạnh phúc trong bất kỳ điều kiện nào mà Chúa ban cho tôi".

    VnExpress (Theo Oklahoman)

  • Pháp đóng cửa đường hầm qua eo biển Manche để ngăn chủng virus nguy hiểm từ Anh, khiến tuyến giao thương quan trọng này rơi vào hỗn loạn.

    Hơn 10 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng như nhiều nước khác như Canada, Thổ Nhĩ Kỳ đã áp lệnh hạn chế đi lại với du khách Anh trong nỗ lực ngăn chặn chủng nCoV mới mà Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố có khả năng lây truyền cao hơn 70% so với chủng đầu tiên.

    bien gioi anh hon loan
    Xe tải đỗ trên cao tốc M20 gần Folkestone, Kent, Anh, sau lệnh cấm của Pháp hôm 21/12. Ảnh: AP.

    Tổng thống Pháp Emanuel Macron hôm 20/12 thậm chí còn thực hiện động thái quyết liệt hơn, khi cấm du khách Anh nhập cảnh và đóng cửa đường hầm biên giới Eurotunnel qua eo biển Manche trong ít nhất 48 giờ. Lệnh cấm của Pháp lập tức gây ra cảnh tượng hỗn loạn ở biên giới Anh, khi hàng nghìn xe tải không thể băng qua eo biển để vào lục địa.

    Các xe tải bị dồn ứ bên ngoài cảng Dover của Anh sau đó đã được nhà chức trách phân luồng tới sân bay Manston bỏ hoang gần đó, nơi có thể chứa tới 4.000 xe. Mỗi ngày có khoảng 10.000 xe tải đi qua cảng Dover, chiếm gần 20% sản lượng thương mại của Anh.

    Các công ty vận tải hậu cần cũng cảnh báo sẽ có nhiều xe tải chở nhu yếu phẩm như thực phẩm và đồ uống từ châu Âu sẽ không thể thực hiện hành trình tới Anh do lệnh cấm này.

    Ian Wright, CEO của Liên đoàn Thực phẩm và Đồ uống Anh, tối 20/12 cảnh báo lệnh cấm "có khả năng gây gián đoạn nghiêm trọng tới nguồn cung cấp thực phẩm tươi cho nước Anh vào Giáng sinh" bởi "lái xe tải không muốn tới đây vì sợ mắc kẹt lại".

    Bất chấp rủi ro với nguồn cung thực phẩm của Anh, Alex Veitch, tổng giám đốc Công ty Hậu cần Anh, khuyến cáo người dân không nên mua sắm hoảng loạn. "Người mua hàng không nên tích trữ hàng hóa, bởi các nhà bán lẻ sẽ cố gắng hết sức đảm bảo hàng hóa trong hệ thống, bao gồm thực phẩm tươi", ông nói.

    Andrew Opie, giám đốc mảng thực phẩm của Hiệp hội Bán lẻ Anh, cho biết các nhà bán lẻ đã dự trữ hàng hóa chuẩn bị cho Brexit và có thể ứng phó được tình hình trước mắt.

    Tuy nhiên, Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps sáng 21/12 thừa nhận nguy cơ thiếu hụt nguồn cung thực phẩm tăng lên nếu Pháp gia hạn lệnh cấm đối với người và phương tiện đến từ Anh.

    Hệ thống siêu thị Sainsbury sáng 21/12 cảnh báo các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu dễ hỏng như trái cây, súp lơ, bông cải xanh và rau diếp sẽ thiếu hụt nếu lệnh cấm được áp dụng quá 48 giờ.

    Sự hỗn loạn tại biên giới Anh diễn ra chỉ 10 ngày trước khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp Brexit, khi các đợt kiểm tra mới đối với hàng hóa đến và đi từ EU tại các cảng của Anh có thể tăng thời gian chờ và dẫn tới thiếu hụt nguồn cung.

    Phát ngôn viên của Thủ tướng Anh chiều 21/12 cho biết những người lái xe tải mắc kẹt ở Anh do lệnh cấm vận chuyển hàng hóa đã được trợ cấp dụng cụ vệ sinh và thực phẩm.

    Anh đã ghi nhận hơn 2 triệu ca nhiễm và hơn 67.000 ca tử vong vì Covid-19, cao thứ hai châu Âu, sau Italy. Bộ trưởng Y tế Matt Hancock ngày 20/12 cho biết chính phủ phải áp lệnh phong tỏa dịp Giáng sinh ở thủ đô London và phía đông nam đất nước do chủng nCoV mới đã "vượt tầm kiểm soát".

    VnExpress (Theo Business Insider)

  • Thông tin về các biến chủng mới của virus corona tại Anh với mức lây nhiễm cao hơn bình thường đang khiến nhiều nước lo ngại.

    Virus tiến hóa một cách tự nhiên khi lây nhiễm trong cộng đồng. Một vài loại virus có khả năng biến đổi cao hơn bình thường. Đây cũng là lý do mà một số nước cần tiêm phòng cúm mới mỗi năm.

    Hiện tượng này đã được ghi nhận nhiều lần kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát gần một năm trước tại Trung Quốc. Biến chủng mới nhất vừa được phát hiện ở Anh đang đặc biệt gây nhiều lo ngại. Các nhà khoa học chưa thể xác định khả năng biến chủng này tác động lên nỗ lực phổ biến vaccine hiện nay, theo AP.

    Biến chủng mới tại Anh được phát hiện từ tháng 9 ở các vùng đông nam nước này và chủ yếu mới lây lan trong khu vực, theo thông báo của một quan chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với BBC. Các chuyên gia y tế Anh và Mỹ nhận định biến chủng mới của virus corona dễ lây nhiễm hơn trước đây, nhưng chưa tìm thấy bằng chứng về độc tính gia tăng.

    Ngày 19/12, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thông báo hàng loạt biện pháp hạn chế nghiêm ngặt cho người dân để đối phó biến chủng mới của virus corona.

     doti bien virus chung moi
    Chính phủ Anh ngày 19/12 đã đưa ra nhiều biện pháp chống dịch nghiêm ngặt vì biến chủng mới của virus corona. Ảnh: AFP.

    Một điểm gây lo ngại khác của biến chủng này là nó có hơn 20 đột biến so với "phiên bản gốc" của virus corona. Một số đột biến nằm ở gai protein, vốn là mục tiêu trong cơ chế hoạt động của vaccine.Một số nước châu Âu đã bắt đầu cấm hoặc hạn chế chuyến bay đến từ Anh để giảm nguy cơ biến chủng mới lan rộng. Theo ông Patrick Vallance, trưởng cố vấn khoa học cho chính phủ Anh, biến chủng mới đang "lây lan nhanh và trở thành biến chủng chủ đạo", gây ra hơn 60% ca nhiễm ở London tính đến tháng 12. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết tình hình cực kỳ nghiêm trọng khi biến chủng mới được phát hiện của virus corona ở nước này đang lây lan "vượt ngoài tầm kiểm soát".

    Theo Trevor Bedford, chuyên gia di truyền học tại Seattle, "ngày càng có thêm bằng chứng" rằng virus corona đang đột biến protein để kháng thuốc hoặc đối phó hệ miễn dịch của con người. Ông lưu ý giới khoa học đã ghi nhận "sự xuất hiện và lây lan của một số biến chủng" thể hiện điều này. Một số biến chủng virus corona còn kháng lại biện pháp điều trị bằng kháng thể.

    Bác sĩ Moncef Slaoui, trưởng cố vấn khoa học cho chính phủ Mỹ về phân phối vaccine Covid-19, đánh giá khả năng xuất hiện một biến chủng kháng được các vaccine đã phát triển xong là rất thấp, nhưng "không phải là không tồn tại".

    "Biến chủng ở Anh có lẽ không thoát được hệ miễn dịch nhờ vaccine", ông chia sẻ.

  • Bộ Y tế Italy cho biết nước này đã phát hiện một bệnh nhân Covid-19 chủng mới, loại virus lây lan "ngoài tầm kiểm soát" vừa được tìm thấy ở Anh.

    Bộ Y tế Italy cho biết bệnh nhân Covid-19 này và bạn đời vừa trở về từ Anh trong vài ngày qua. Họ hạ cánh ở sân bay Fiumicino của Rome. Cả hai người này đều đang bị cách ly, Reuters đưa tin.

    Ngày 19/12, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết nước này đã phát hiện ra một chủng virus corona mới có khả năng lây truyền cao hơn 70% so với các chủng hiện có. Chủng virus này dường như đang khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng ở London và miền Nam nước Anh.

    Mặc dù London kiểm soát dịch tương đối tốt trong suốt mùa thu, thành phố này đang có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất ở Anh. Các quan chức cho biết khoảng 60% ca bệnh ở London là virus corona chủng mới.

    0a1 111
    Hành khách ở sân bay Fiumicino, Rome sau khi chính phủ Italy đóng cửa không phận với Anh.

    Chris Whitty, Cố vấn Y tế của chính phủ Anh, cho biết Anh đã báo cáo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về chủng virus mới này.Để ngăn dịch lây lan mạnh hơn, Anh đã siết chặt các biện pháp hạn chế ở London và miền Nam. Kế hoạch Giáng sinh của nhiều người cũng phải hủy bỏ vì các hạn chế mới.

    Các nước láng giềng của Anh, bao gồm Italy, đã bắt đầu ngưng cho người đến từ Anh nhập cảnh ngày 20/12 trong bối cảnh báo động về chủng virus corona mới lây lan nhanh chóng.

    Chính phủ Hà Lan cũng cho biết sẽ dừng tiếp nhận các chuyến bay chở khách từ Anh cho đến ngày 1/1/2021. Nước này sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình để xem xét các biện pháp hạn chế bổ sung liên quan đến các phương thức vận tải khác.

  • Nước Mỹ vừa trải qua một tuần với số ca tử vong vì COVID-19 cao kỷ lục: hơn 17.000 người chết - con số lớn nhất kể từ khi đại dịch xuất hiện, với các bang Bắc Dakota, Nam Dakota và Iowa có số người qua đời nhiều nhất.

    Hãng tin Reuters cho biết số ca tử vong trong tuần từ ngày 7-12 đến 13-12 tại Mỹ đã tăng 12%, nâng tổng số bệnh nhân qua đời vì nạn dịch ở nước này lên tới hơn 300.000 người kể từ khi COVID-19 bùng phát.

    Ngay cả khi những người Mỹ đầu tiên được tiêm vaccine ngừa COVID-19 do tập đoàn dược phẩm Pfizer kết hợp sản xuất cùng công ty công nghệ sinh học Đức BioNTech, các quan chức y tế vẫn cảnh báo rằng số ca nhiễm sẽ tiếp tục gia tăng trong những tuần tới khi các gia đình tụ tập cho kỳ nghỉ lễ.

    Hơn một nửa các bang của Mỹ đã ban hành các lệnh hạn chế mới về việc phong tỏa vì nhiều cơ sở y tế và khu vực chăm sóc đặc biệt của các bệnh viện đã gần đầy. 

    kansas
    Nhân viên y tế chuẩn bị làm thủ tục xuất viện cho một bệnh nhân đã được cách ly sau khi tiếp xúc với người nhiễm COVID-19 tại một bệnh viện ở Lakin, Kansas, vào ngày 19-11.

    Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe của trường Đại học Washington dự đoán số ca tử vong do COVID-19 sẽ vượt quá 500.000 người ở Mỹ vào ngày 1-4-2021.

    Số ca nhiễm COVID-19 mới tại Mỹ cũng tăng 15%, lên gần 1,6 triệu người nhiễm vào tuần trước, bao gồm gần 65.000 ca báo cáo trễ tại Texas. Ngay cả khi loại trừ các ca bệnh được báo cáo sau, số ca nhiễm mới trong tuần trước vẫn đạt mức cao kỷ lục.

    Theo Reuters, các tiểu bang Rhode Island, Tennessee và Ohio có số ca nhiễm mới tính theo đầu người cao nhất cả nước Mỹ vào tuần vừa rồi.

    Trên khắp nước Mỹ, 12% các ca xét nghiệm cho kết quả dương tính, tăng từ 10,5% vào tuần trước.

    Trong số 50 tiểu bang, 32 bang có tỷ lệ xét nghiệm dương tính tăng từ 10% trở lên. Tỷ lệ nhiễm tăng cao nhất là ở Iowa và Alabama với 50%.

    Số liệu thống kê từ trang Worldometers cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ tính đến thời điểm hiện tại là 16.935.729 ca, trong đó có 308.017 bệnh nhân đã tử vong.

  • Văn phòng biện lý liên bang ở New York hôm Thứ Năm, 10 Tháng Mười Hai, đã gửi ra bản thông cáo cho hay có ba người trong cùng một gia đình đã bị bắt vì gian dối sổ lương nhân viên của một chuỗi các tiệm nail do họ làm chủ, để nhận trợ giúp cho doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng đại dịch COVID19 (PPP), với số tiền lên tới $13 triệu.

    Văn Phòng Biện Lý Liên Bang New York và cơ quan FBI nói rằng ba người bị bắt là ông Ngoc Manh Nguyen (Nguyễn Mạnh Ngọc?), 44 tuổi, còn có tên là “Peter Nguyễn;” Victoria DieuY Ho (Hồ Diệu Ý?), 31 tuổi, còn có tên là “Vicky Hồ” ở thành phố Hicksville, New York; và Dat Tat Ho (Hồ Tất Đạt?), 33 tuổi, ở khu Bronx, New York, là chủ của một công ty có hơn 15 tiệm nail, có tên “Victoria Nails & Spa” ở vùng Brooklyn, Bronx và Long Island.

    nail gian lan
    Một tiệm nail làm việc trong đại dịch.

    Những người này bị cáo buộc đã nộp đơn tại hai ngân hàng từ Tháng Tư để nhận trợ giúp từ chương trình có tên Paycheck Protection Program, do cơ quan Small Business Administration điều hành, theo các công tố viên.

    Theo Văn Phòng Biện Lý New York thì những người này được chấp thuận số tiền cho vay tổng cộng là $13 triệu, và sau đó chính phủ chuyển vào các trương mục của họ số tiền $7.8 triệu.

    Tuy nhiên, sau khi một ngân hàng nghi ngờ có sự gian lận và tạm thời phong tỏa trương mục, các nghi can này bắt đầu lên mạng để tìm hiểu về các đề tài liên quan đến “gian lận PPP, các hình phạt, và làm sao trả tiền lại cho PPP,” theo hồ sơ truy tố.

    Các nghi can này sau đó rút lại đơn xin trợ giúp và trả tiền lại cho ngân hàng đã nghi ngờ về họ.

    Để được cho vay tiền, các chủ nhân công ty khai gian rằng họ có 34 nhân viên ở các tiệm và trả lương cho các nhân viên này số tiền $2,320,170 trong năm 2019, theo công tố viên. Tuy nhiên, các điều tra viên thấy công ty thời gian trước đó chỉ báo cáo có bốn nhân viên.

    Hồ sơ truy tố nói rằng khi nộp đơn xin vay tiền, các nghi can sử dụng tên của cùng nhân viên cho các tiệm nail khác nhau, có người thấy tên làm việc ở bảy tiệm trong cùng thời gian.

    Nếu bị kết tội, mỗi nghi can này có thể bị bản án tới 30 năm tù, theo bản thông cáo của văn phòng biện lý. 

    Nguồn: Người Việt

  • "Một điều gì đó không đúng đang diễn ra. Tôi xét nghiệm COVID-19 bốn lần trong ngày hôm nay. Hai lần có kết quả âm tính, hai lần dương tính. Cùng một máy, cùng một xét nghiệm, cùng một y tá", Musk đăng trên Twitter cá nhân.

    eleon musk covid 1
    Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk tại một sự kiện về ôtô ở Berlin, Đức, ngày 12-11-2019 - Ảnh: REUTERS

    Được biết, Elon Musk thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh từ hãng Becton Dickinson.

    Ông chủ Tesla cũng cho biết ông đã xét nghiệm thêm bằng phương pháp PCR từ các phòng thí nghiệm khác nhau và phải chờ 24 giờ tới để biết kết quả.

    Khi được một người dùng Twitter hỏi đang có triệu chứng gì không, Elon Musk nói rằng ông có triệu chứng của "một cơn cảm lạnh điển hình".

    "Không có gì bất thường cho tới nay" - Elon Musk nói thêm.

    eleon musk covid 1
    Dòng tweet của Elon Musk - Ảnh: Twitter

    Vào tháng 9, Becton Dickinson cho biết họ đang điều tra báo cáo từ các viện dưỡng lão ở Mỹ, rằng bộ xét nghiệm COVID-19 nhanh của họ cho kết quả dương tính giả.

    Hiện Becton Dickinson chưa bình luận về vụ việc của Elon Musk.

    Vị tỉ phú Mỹ cũng nổi tiếng là người xem nhẹ tác động của COVID-19. Trong bài trả lời phỏng vấn với báo New York Times, Elon Musk cho biết ông không lo lắng về khả năng lây nhiễm virus corona, đồng thời khẳng định bản thân và gia đình sẽ không tiêm vắcxin phòng COVID-19.

    Tỉ phú Bill Gates, đồng sáng lập Microsoft, hồi tháng 7 từng nhận xét Elon Musk nên gắn với lĩnh vực chuyên môn thay vì lan truyền thông tin thất thiệt về COVID-19.

    Trong chương trình “Squawk Box” của Đài CNBC, tỉ phú Bill Gates cho rằng Elon Musk có quyền nói về những thứ như xe điện, tên lửa nhưng Gates hi vọng vị CEO Tesla không nên phát ngôn nhiều về các lĩnh vực không liên quan.

  • Toàn cầu ghi nhận hơn một triệu người chết vì nCoV trong hơn 35,1 triệu người đã nhiễm, tình hình dịch vẫn phức tạp ở nhiều quốc gia.

    213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 35.118.504 ca nhiễm và 1.037.457 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 322.516 và 5.207 ca sau 24 giờ, 26.106.956 người đã bình phục, theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers.

    Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 7.599.107 ca nhiễm và 214.263 người chết, tăng lần lượt 47.186 và 741 ca so với một ngày trước đó.

    Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2/10 thông báo ông và vợ nhiễm nCoV. Tổng thống có triệu chứng nhẹ và đã đến bệnh viện quân y ở Maryland điều trị . Cụm dịch ở Nhà Trắng lan rộng khi phát hiện nhiều phóng viên làm việc tại đây nhiễm nCoV. Bill Stepien, giám đốc chiến dịch tranh cử của Trump, cùng nhiều quan chức Cộng hòa cũng được xác nhận dương tính với virus.

    Sức sống mới đang dần trở lại thủ đô Washington, khi nhiều điểm tham quan nổi tiếng bắt đầu tái mở cửa sau 6 tháng ngừng hoạt động, dù các rạp chiếu phim vẫn đóng cửa và nhà hàng chỉ được hoạt động một nửa công suất. Những biện pháp hạn chế nhằm phòng chống nCoV khác nhau giữa các bang, thậm chí thay đổi theo hạt.

    Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, hôm qua báo cáo thêm 75.479 ca nhiễm và 937 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 6.547.413 và 101.812.

    Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ hôm 29/9 cho biết, một cuộc khảo sát quốc gia được thực hiện từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9 cho thấy khoảng 63,78 triệu người Ấn Độ đã nhiễm Covid-19, cao hơn khoảng 10 lần số liệu được công bố. Có rất nhiều lý do cho điều này, nhưng chủ yếu do người dân không được xét nghiệm đầy đủ.

    Ban đầu, Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới các thành phố lớn bao gồm trung tâm tài chính Mumbai và thủ đô New Delhi, nhưng sau đó đã lây lan đến các vùng nông thôn, nơi hệ thống chăm sóc sức khỏe còn nhiều yếu kém. Thủ tướng Narendra Modi tiếp tục kêu gọi mọi người tiếp tục đeo khẩu trang khi rời khỏi nhà.

    35 trieu nguoi nhiem covid

    Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 556 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 145.987. Số người nhiễm nCoV tăng 24.602 trong 24 giờ qua, lên 4.906.833.

    Giới chuyên gia Brazil nhận định các mô hình cho thấy nước này đã qua đỉnh dịch, nhưng vẫn cảnh báo tình hình có thể đột ngột xấu đi nếu chính quyền địa phương cho phép tái mở cửa kinh tế quá sớm, không siết chặt các biện pháp cách biệt cộng đồng.

    Nga báo cáo thêm 174 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 21.251. Số ca nhiễm tăng 9.859, lên 1.204.502. Nga đã nối lại đường bay quốc tế với một số nước từ tháng trước.

    Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin hôm 29/9 quyết định kéo dài kỳ nghỉ của các trường học thêm một tuần để hạn chế virus lây lan, đồng thời khuyến cáo những người có bệnh mạn tính hoặc trên 65 tuổi nên ở nhà.

    Tổng thống Nga Vladimir Putin cuối tháng trước cảnh báo cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 còn rất lâu mới tới hồi kết, đề nghị mọi người không được buông lỏng và mất cảnh giác.

    Nam Phi, vùng dịch lớn thứ 10 thế giới và là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi, ghi nhận 679.716 ca nhiễm và 16.938 ca tử vong, tăng lần lượt 1.883 và 29 ca.

    Chính phủ Nam Phi mở biên với tất cả quốc gia châu Phi từ ngày 1/10, trong khi vẫn cấm du khách từ 50 quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao, bao gồm Anh, Mỹ, Ấn Độ, Nga, Pháp. Những người đi lại vì mục đích công việc, nhà ngoại giao, nhà đầu tư và người thi đấu thể thao từ các quốc gia rủi ro cao được phép nhập cảnh.

    Tây Ban Nha, vùng dịch lớn nhất châu Âu, vẫn chưa cập nhật số liệu Covid-19 mới. Nước này hiện báo cáo 810.807 ca nhiễm và 32.086 ca tử vong do nCoV.

    Thủ đô Madrid và 9 thành phố xung quanh từ 2/10 bắt đầu phong tỏa một phần trong 14 ngày. Người dân không được rời khỏi khu vực nếu không vì mục đích thiết yếu nhưng không bắt buộc phải ở nhà. Quán bar và nhà hàng phải đóng cửa từ 23h mỗi ngày, công viên và sân chơi bị đóng cửa, chỉ cho phép tụ tập tối đa 6 người.

    Số ca nhiễm mới ở Pháp cũng tăng trở lại sau giai đoạn Covid-19 được kiềm chế. Nước này ghi nhận thêm 16.972 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số lên 606.625 ca, trong đó 32.198 người chết, tăng 49 trường hợp.

    Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran hôm 1/10 cho biết thủ đô Paris có nguy cơ bị áp lệnh phong tỏa lại vào tuần tới, khi tình hình Covid-19 ở đây được nhận định ngày càng tệ hơn.

    Anh ghi nhận 480.017 ca nhiễm và 42.317 ca tử vong, tăng lần lượt 7.070 và 49 trường hợp.

    Chính phủ Anh thông báo thắt chặt hơn các biện pháp giãn cách xã hội ở khu vực đông bắc đất nước từ hôm nay, nhằm ứng phó với tỷ lệ nhiễm nCoV cao và ngày càng tăng tại đây.

    Iran, vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 26.746 người chết, tăng 179, trong khi tổng số ca nhiễm là 468.119, tăng 3.523. Số ca nhiễm nCoV đã gia tăng ở gần như toàn bộ 31 tỉnh của Iran.

    Các trường học, thư viện, nhà thờ Hồi giáo và các cơ sở công cộng khác ở thủ đô Tehran bắt đầu đóng cửa trong một tuần từ ngày 3/10 để ngăn các ca nhiễm ngày càng tăng cao.

    Tại Đông Nam Á, Philippines là vùng dịch lớn nhất khu vực với 319.330 ca nhiễm và 5.678 ca tử vong, tăng lần lượt 2.674 và 62 ca.

    Philippines áp các biện pháp hạn chế tại thủ đô Manila và khu vực xung quanh đến ngày 31/10. Các thành viên nhóm chuyên trách Covid-19 của chính phủ cho biết họ không thể lơ là, mặc dù muốn thúc đẩy nền kinh tế.

    Indonesia, vùng dịch lớn thứ hai khu vực, ghi nhận 299.506 ca nhiễm, tăng 4.007 so với hôm trước, trong đó 11.055 người chết, tăng 83 ca.

    Thủ đô Jakarta nối lại các biện pháp giãn cách xã hội trên quy mô lớn từ hôm 14/9, có hiệu lực trong hai tuần, do tình trạng số ca nhiễm mới tăng vọt. Thống đốc Jakarta Anies Baswedan cho biết điều này là cần thiết nhằm ngăn hệ thống y tế sụp đổ. Bất kỳ ai dương tính nCoV, bao gồm cả những người không có triệu chứng, vẫn bị cách ly bắt buộc tại cơ sở của chính quyền.

    Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 27 người chết và 57.800 người nhiễm, tăng 6 ca. Phần lớn các ca nhiễm mới vẫn là người lao động nhập cư sống trong các khu ký túc xá.

    Singapore sẽ thí điểm chương trình thẻ thông hành cho các lãnh đạo doanh nghiệp cần đi công tác thường xuyên, khi họ tiếp tục nới lỏng một số hạn chế liên quan đến Covid-19. Chính phủ cho biết số lượng thẻ sẽ bị giới hạn trong giai đoạn đầu.

    Phát ngôn viên WHO Margaret Harris hôm 30/9 thừa nhận việc hơn một triệu người chết vì nCoV trên toàn cầu là "một cột mốc vô cùng đáng buồn", thêm rằng nhiều nạn nhân đã phải ra đi một cách "khó khăn và cô đơn" trong khi gia đình họ không thể nói lời từ biệt. Tuy nhiên, bà Harris chỉ ra "điều tích cực" về đại dịch là nó "có thể ngăn chặn được, không phải bệnh cúm".

    (Theo Reuters/ AFP)

  • Ngay khi phát hiện ra bà đang trong tình trạng bất tỉnh, người cháu trai không màng đến chuyện bà nhiễm Covid-19 mà đã thực hiện hô hấp nhân tạo.

    Tình hình Covid-19 hiện vẫn đang diễn ra khá phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới. Rất nhiều gia đình đã phải trải qua nỗi đau khi mất đi người thân yêu vì không qua khỏi khi nhiễm bệnh.

    Mới đây, những bức ảnh được chụp lại tại bệnh viện Đa khoa Mexico đã khiến nhiều người xúc động. Hình ảnh người cháu trai khóc lóc trong đau khổ khi chứng kiến bà mình ra đi vì Covid-19 đã làm nhiều người rơi nước mắt.

    cap cuu ba nhiem covid 1
    Cháu trai không ngần ngại hô hấp nhân tạo cho người bà nghi nhiễm Covid-19. Ảnh: 24-horas

    Theo trang 24-horas đưa tin, cách đây ít ngày tại bãi đỗ xe của bệnh viện Đa khoa Mexico đã ghi nhận cảnh tượng vô cùng đau lòng. Một chàng thanh niên khoảng 30 tuổi đã cố gắng thực hiện thao tác CPR (hô hấp nhân tạo) cho người phụ nữ lớn tuổi ngồi trong xe ngay khi bà bắt đầu có biểu hiện ngưng thở và không còn phản ứng gì.

    cap cuu ba nhiem covid 1
    Anh chàng ôm bà bật khóc vì không thể cứu được. Ảnh: 24-horas

    cap cuu ba nhiem covid 1
    Anh chàng ôm bà bật khóc vì không thể cứu được. Ảnh: 24-horas

    cap cuu ba nhiem covid 1
    Các nhân viên y tế của bệnh viện sau đó đã đến đưa thi thể người bà đi. Ảnh: 24-horas

    Được biết, người phụ nữ trên là bà của chàng trai đang trên đường được đưa tới bệnh viện. Tuy nhiên khi vừa tới nơi thì bà đã được phát hiện ngưng thở. Không hề để tâm đến chuyện sẽ có khả năng bị lây nhiễm, anh chàng này đã trực tiếp làm hô hấp nhân tạo với hi vọng giành giật lại sự sống cho bà.

    Ngay khi tiếp nhận được thông tin về trường hợp này, các nhân viên y tế của bệnh viện đã lập tức chạy ra khu vực bãi đỗ xe và xác nhận rằng người bà đã qua đời. Người cháu trai liền bật khóc, ôm lấy người bà đã mất của mình.

    Những hình ảnh đau lòng trên được nhiếp ảnh gia Moises Pablo tình cờ ghi lại được. Các nhân viên y tế sau đó cũng đã thực hiện những xét nghiệm cần thiết và xác nhận người bà đã ra đi vì Covid-19 nhưng trước đó lại không có biểu hiện gì của bệnh. Về phần người cháu thì cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa rõ liệu anh có bị nhiễm Covid-19 sau khi tiếp xúc gần như thế với bà hay không.

    Theo 24-horas

  • Một nghiên cứu lớn về di truyền học của các nhà nghiên cứu từ Đại học Oxford, Đại học Edinburgh và COVID-19 Genomics UK Consortium (COG-UK) đã chỉ ra, tại Anh có ít nhất 1.356 ca nhiễm COVID-19 là người nhập cảnh, chủ yếu đến từ châu Âu.

    Hầu hết số du khách nhiễm bệnh đến từ Tây Ban Nha và Pháp, trong khi tỉ lệ đến từ Trung Quốc, nơi khởi nguồn của coronavirus, chỉ chiếm chưa tới 1%.

    12.06.skynews airport passengers 5010524

    Các nhà nghiên cứu đã xem xét mã di truyền của hơn 24.000 mẫu từ những người mắc COVID-19 ở Anh và trên toàn thế giới, cũng như phân tích số lượng người nhập cảnh vào Vương quốc Anh và số ca nhiễm ước tính trên toàn thế giới.

    Các nhà di truyền học sau đó đã truy vết quá trình lây nhiễm COVID-19 của từng người trước khi họ mang nó vào nước Anh và lây lan cho những người khác.

    Họ nhận ra virus có 1.356 nguồn lây khác nhau - không phải một - và tin rằng từ trước đến nay chúng ta đang đánh giá quá thấp vấn đề này.

    Họ ước tính 80% số ca nói trên đã đến Vương quốc Anh và phát tán COVID-19 trong khoảng thời gian từ 28 tháng 2 đến 29 tháng 3 - khi Vương quốc Anh đang tranh luận về việc có nên tạm dừng du lịch quốc tế và tiến hành phong toả hay không.

    Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện số du khách đến Anh và làm lây lan coronavirus đã tăng nhanh vào đầu tháng 3 rồi đạt đỉnh vào khoảng 15 tháng 3, sau đó nhanh chóng giảm xuống mức thấp vào tháng 4 sau khi bắt đầu phong toả từ ngày 23 tháng 3.

    Các trường hợp đầu tiên đến từ Ý và Trung Quốc, nhưng sang đầu tháng 3, số người nhập cảnh từ Tây Ban Nha mang theo COVID-19 đã vượt qua cả hai quốc gia nói trên, sau đó là những người đến từ Pháp từ giữa đến cuối tháng 3.

    12.06.untitled

    Người ta đã từng đổ lỗi cho trận bóng giữa Liverpool và Atletico Madrid trên sân Anfield vào ngày 11 tháng 3 là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự gia tăng COVID-19 ở Anh.

    Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nói rằng sự kiện này tác động không đáng kể đến con số lây nhiễm vì ước tính chỉ có 3.000 người hâm mộ đến từ Tây Ban Nha, trong tổng số 20.000 người Tây Ban Nha tới Anh mỗi ngày vào thời điểm giữa tháng Ba.

    Mặc dù số hành khách từ Pháp không nhập cảnh đều đặn như từ Tây Ban Nha, các nhà nghiên cứu cho biết dịch bệnh ở Pháp đã xảy ra ngay sau đó, vào thời điểm có ít du khách hồi hương hơn. Trong tổng số người hồi hương vào năm 2020, 50% là công dân Anh.

    12.06.skynews airport passengers 5010525

    Giáo sư Sharon Peacock, Giám đốc của COG-UK, cho biết: "Tập đoàn COG-UK hiện đã giải mã hơn 24.000 bộ gen. Điều này tạo cơ sở để hiểu rõ hơn về sự bùng phát dịch bệnh.

    "Nó cũng giúp chúng tôi định hình cách ứng phó trong tương lai, bao gồm cả việc phát triển các hệ thống dự đoán mầm mống SARS-CoV-2 xâm nhập vào Vương quốc Anh.

    "Kết quả nghiên cứu này cũng có thể giúp đưa ra các quyết sách về du lịch và cung cấp thông tin hữu ích cho các quốc gia khác thông qua hợp tác quốc tế."

    VietHome/ Theo Sky News

  • Sự hồi phục của bệnh nhân 91 đã thu hút được sự chú ý của người dân Việt Nam cũng như nhiều người khác trên thế giới.

    Mới đây, tờ Daily Mail (Anh) đã viết về trường hợp bệnh nhân nhiễm COVID-19 số 91 tại Việt Nam có sự hồi phục thần kỳ sau nhiều ngày nguy kịch.

    benh nhan 43 tuoi 2
    Bệnh nhân người Anh đang hồi phục dần ở bệnh viện VN.

    Theo đó, bệnh nhân là phi công người Anh, hiện đã tỉnh táo, có thể cười và nói chuyện với các bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy ở thành phố Hồ Chí Minh.

    Các bức ảnh được y bác sĩ chụp lại cho thấy bệnh nhân phi công đã có thể mỉm cười, được bác sĩ hỗ trợ ăn uống.

    Bệnh nhân này nhập viện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tại TP. HCM từ ngày 18/3 và trở thành trường hợp nguy kịch nhất vì COVID-19 ở Việt Nam. Có những lúc phổi của bệnh nhân chỉ còn hoạt động dưới 10%.

    Tổng lãnh sự Anh Ian Gibbons đã viết một lá thư cảm ơn gửi tới Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tại Việt Nam vì nỗ lực của họ trong cuộc chiến với tử thần, giành lại sự sống cho phi công người Anh.

    Ông viết: "Họ đã làm việc không ngừng nghỉ và nỗ lực hết sức để giúp đỡ bệnh nhân người Anh trong tình trạng nguy kịch. Phía chúng tôi đã liên hệ thường xuyên với các cơ quan y tế trong suốt thời gian điều trị cho bệnh nhân này. Chúng tôi cũng thường xuyên liên lạc với gia đình và người thân của bệnh nhân. Phi công người Anh đã nhận được sự điều trị tốt nhất có thể. Một lần nữa, tôi xin chân thành cảm ơn những người đã tham gia điều trị cho bệnh nhân này".

    benh nhan 43 tuoi 2
    Bức thư của Tổng lãnh sự Anh Ian Gibbons

    Theo các nguồn tin, bệnh nhân 91 đang được điều trị vật lý trị liệu 2 lần một ngày, liên tục hồi phục cử động cơ tay và chân. Ngoài ra, bệnh nhân người Anh vẫn phải điều trị vi khuẩn trong phổi.

    Thận của bệnh nhân đã hồi phục từ ngày 27/5 với những kết quả xét nghiệm tích cực trong 3 ngày liên tiếp. Ngoài ra, bệnh nhân 91 đã ngừng sử dụng thiết bị tim phổi nhân tạo ECMO sau hơn 50 ngày phải liên tục thở qua thiết bị này. Trước đó, các y bác sĩ Việt Nam đã tính tới trường hợp ghép phổi cho bệnh nhân 91.

    Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, nói bệnh viện đã "hoàn thành nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân người Anh".

    Được biết, bệnh nhân 91 bị hội chứng cơn bão cytokine khi hệ miễn dịch phản ứng quá mạnh với virus corona và gây ra những tổn thương nghiêm trọng tới các bộ phận trong cơ thể người bệnh.

    Bình luận tích cực

    Nhiều độc giả đã bình luận tích cực về bài viết của Daily Mail. Một người viết: "Cảm ơn Việt Nam, nơi có những người dũng cảm nhất trên thế giới. Tôi tới đây lần đầu tiên năm 1973 và từ đó tới nay vẫn tới nhiều lần - rất khâm phục người Việt Nam".

    Một người khác viết: "Một câu chuyện tuyệt vời về Việt Nam, đất nước có hơn 90 triệu dân, chung biên giới với Trung Quốc nhưng cách họ chặn đứng virus corona cũng đủ khiến nhiều nước phải nể phục. Họ đã thiết lập hệ thống 14 ngày cách ly đối với tất cả người nhập cảnh sau khi có ca bệnh Trung Quốc ĐẦU TIÊN tử vong vì COVID-19 vào hồi tháng 1.

    Sau đó, Việt Nam đã hạn chế tất cả người nước ngoài nhập cảnh, bắt đầu chương trình truy dấu người bệnh và thậm chí còn tự viết ứng dụng theo dõi bệnh lý - tất cả từ đầu tháng 2!! Họ có KHÔNG ca tử vong. Đây là bệnh nhân nặng nhất tại Việt Nam. Họ đã chặn đứng được virus corona ở biên giới".

    Bên cạnh đó, một số độc giả cũng tự hỏi liệu bệnh nhân 91 "có qua khỏi không nếu ở Anh". Nhiều người khác cũng khẳng định các số liệu về dịch bệnh tại Việt Nam luôn được minh bạch và chính xác.

    Tham khảo https://www.dailymail.co.uk/news/article-8385225/British-pilot-43-pictured-beating-coronavirus-Vietnamese-hospital.html

  • Thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến 6 giờ sáng 6/6, Việt Nam ghi nhận thêm một ca mắc COVID-19, là du học sinh từ Anh về nước, đã được cách ly sau khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

    Bệnh nhân 329 là nam, 22 tuổi, du học sinh tại Anh, có địa chỉ tại phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

    Ngày 4/6, bệnh nhân từ Anh về Sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM trên chuyến bay VN50, được cách ly tập trung ngay tại Trường Thiếu sinh quân, Khu C, Củ Chi, TPHCM. Bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm vào ngày 4/6 và có kết quả xét nghiệm vào ngày 5/6 của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP, là dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi.

    du hoc sinh anh nhiem covid 0
    Ảnh minh họa

    Như vậy đến thời điểm này Việt Nam ghi nhận 329 trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19. Tổng cộng 189 ca mắc COVID-19 từ bên ngoài đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Trong cộng đồng, đã 51 ngày không có ca lây nhiễm.

    Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này, tổng số trường hợp mắc COVID-19 được chữa khỏi là 307/329 (chiếm 93,3%). Còn 22 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế, đa số có sức khỏe ổn định.

    Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khỏe tại các cơ sở y tế, hiện 10 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 và 3 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên.

    Đưa hơn 300 công dân Việt Nam từ Thụy Điển và Phần Lan về nước

    Trong hai ngày 5 và 6/6/2020, các cơ quan chức năng Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam ở Thụy Điển, Phần Lan và các nước châu Âu khác cùng hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại đã đưa hơn 300 công dân Việt Nam về nước an toàn từ hai sân bay ở Stockholm và Helsinki.

    Hành khách trên chuyến bay chủ yếu là học sinh, sinh viên đã hoàn thành khóa học, gặp khó khăn về chỗ ở, trẻ em dưới 18 tuổi (trong đó có trẻ sơ sinh), phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người có bệnh nền, người đi du lịch, thăm thân, người lao động hết hạn thị thực và hợp đồng lao động bị kẹt lại từ các nước Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch, Ba Lan, Hungary, Bồ Đào Nha, Latvia, Séc, Bulgaria...

    Để tổ chức thành công chuyến bay, trong những tuần qua, các cơ quan đại diện Việt Nam ở Bắc Âu đã liên tục làm việc và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại để thông tin đến công dân Việt Nam đăng ký về nước, xin phép bay và hỗ trợ công dân ta di chuyển đến các sân bay.

    Tại Phần Lan, do quy định về quá cảnh, một số công dân đến từ các nước khác để tham gia chuyến bay xuất phát từ sân bay Helsinki đã không thể nhập cảnh và phải lưu trú tại sân bay.

    Trước tình hình đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Phần Lan đã cử cán bộ trực tiếp ra sân bay hỗ trợ, động viên, cung cấp đồ ăn, thức uống và một số nhu yếu phẩm cần thiết khác cho các công dân.

    Tại Thụy Điển, Đại sứ cùng các cán bộ ngoại giao cũng đã trực tiếp đến sân bay ở Stockholm để hỗ trợ công dân hoàn tất các thủ tục trước khi lên máy bay về nước.

    Theo CAND

  • Sau khi tăng thêm 357 người chết vì corona trong vòng 24h ngày 5-6, tổng số người chết vì COVID-19 của xứ sở sương mù đã vượt mốc 40.000 ca.

    summit vaccine
    Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh vắcxin toàn cầu (GAVI) thông qua ứng dụng họp trực tuyến Zoom tại phòng họp ở số 10 phố Downing, London, Anh ngày 4-6-2020 - Ảnh: REUTERS

    Theo Hãng tin AFP, Bộ trưởng Y tế Anh, ông Matt Hancock, nói việc đi tới cột mốc u ám này là "thời khắc đau buồn với tất cả chúng ta". Tuy nhiên ông cũng nói "điều đó khiến tôi nhân đôi quyết tâm giải quyết chủng virus này".

    Theo số liệu thống kê chính thức của chính phủ Anh, tính tới 8h sáhg ngày 5-6, nước Anh đã có 40.261 người chết vì COVID-19.

    Anh cũng là nước có số người chết vì bệnh này cao thứ 2 thế giới sau Mỹ. Các thống kê rộng hơn còn cho thấy nhiều khả năng số người chết trên thực tế cao hơn nhiều so với thống kê chính thức của Bộ y tế Anh.

    Văn phòng thống kê quốc gia Anh (ONS), cơ quan tập hợp số liệu cả những trường hợp nghi ngờ chết vì COVID-19 hoặc có đề cập tới nguyên nhân này trong giấy báo tử, cho rằng tổng số người chết vì COVID-19 ở Anh đã là 48.106.

    Dù vậy Thủ tướng Anh Boris Johnson vẫn sẽ tiếp tục xúc tiến những kế hoạch nới lỏng các hạn chế phòng dịch được áp dụng từ 23-5 sau khi có những tín hiệu cho thấy Anh đã qua giai đoạn đỉnh dịch.

    Tuần này các trường học dành cho những lớp bé nhất đã mở lại tại Anh. Các cửa hàng kinh doanh dịch vụ không thiết yếu cũng đã được phép hoạt động lại từ thứ hai (1-6).

    Một nghiên cứu độc lập công bố ngày 5-6 cho biết có khoảng 53.000 người dân Anh đã nhiễm virus corona trong hai tuần cuối cùng của tháng 5. Tuy nhiên chỉ 29% trong số đó có biểu hiện bệnh.

    Theo trang Worldometers, thống kê theo thời gian thực tính tới 7h00 sáng nay 6-6, toàn thế giới đã có 6.826.932 người mắc COVID-19. Trong đó 397.429 người đã chết, tổng số ca bình phục tới nay là 3.312.914 người.

    Tuổi Trẻ (theo Metro)

  • "Nhiều lắm, hàng trăm người Việt dính Covid rồi. Sợ quá!"

    "Tụ họp đánh bạc, liên hoan sinh nhật hàng trăm người, làm gì chả chết."

    "Cứ lây lan tốc độ này chả mấy chốc thì chết hết."

    "Nghe nói nhà N., nhà K. cả nhà H. dính rồi đấy. Nhà T. cũng bị. Ông M. vừa kể mình thế mà."

    "Chả dám đi chợ người Việt nữa"...

    Những mẩu đối thoại như vậy đang sôi nổi ở Berlin mấy ngày qua. Không khí cộng đồng người Việt ở Đông Berlin đang nóng nhanh gấp nhiều lần so với thời tiết vẫn đang đủng đỉnh mãi chưa chịu ấm hẳn ở Đức.

    covid o berlin 1

    NỖI SỢ

    Người Việt Berlin khuyên nhau "Có bệnh thì cứ công khai cho mọi người biết để thông cảm giúp đỡ chứ ai lại cứ giấu bệnh đi như thế?"

    Trời, bài học các "phạm nhân Covid" mang số 17, 19, 21... vài tháng trước với đầy đủ mặt mũi, địa chỉ đăng đầy trên báo Việt trong nước, họ bị ném đá tơi bời, bao người còn nhớ như in.

    Công khai danh tính, bị người người lánh xa, tẩy chay hàng hóa, dịch vụ của mình, trung tâm mua bán của mình thì sẽ sống làm sao?

    "Mọi người không nên kỳ thị những người bị nhiễm Covid-19, họ đáng thương hơn đáng giận", bà con ở Berlin lại khuyên nhau.

    Đó là lời khuyên rất có tình, nhưng rất tiếc chưa được trải qua thử thách thực tế xem có dễ dàng áp dụng hay không?

    Hỏi các nhà báo cả Tây và Ta, có ai biết con số chính xác bao nhiêu người Việt ở Berlin bị dính Covid -19 không?

    Tất cả đều lắc đầu, làm sao mà biết được? Luật "Datenschutz"/"Bảo vệ dữ kiện cá nhân" chắc gì có cơ quan nào người ta dại dột cung cấp cho số liệu đó, biết đâu lại làm mồi ngon cho đám cực hữu chống người nước ngoài có lý do để bài xích người Việt?

    "Đã có ai là người Việt bị chết chưa?"

    "Chưa! Chỉ thấy nói về một trường hợp ở tít bên Tây Đức thôi, bởi có bệnh nền nặng thật".

    Mấy cuối tuần vừa qua có nhiều cuộc biểu tình rầm rộ ở Đức, nhiều nhất ở Berlin đòi xóa bỏ các giới hạn phong tỏa. Khỏi lo đi, các sinh hoạt chính trị ở Đức có thấy bóng người Việt nào tham gia bao giờ đâu mà sợ lây nhiễm ở đó.

    Đi dạo, đạp xe, thể thao trong công viên, trong rừng.v.v... nói thật, vốn dĩ không phải là thói quen phổ biến của người Việt ta.

    Có chăng chỉ một vài nhóm các bà, các chị túm năm, tụm ba rủ nhau ra công viên tranh thủ biểu diễn thời trang áo dài sặc sỡ, được người bản xứ rất để ý dõi theo mà thôi.

    Một hai tuần nay người ta bắt gặp trên đường phố Berlin càng ngày càng nhiều hơn cảnh người Đức, đặc biệt người Thổ, người Ý gặp nhau tay bắt, mặt mừng, họ thậm chí ôm hôn nhau thắm thiết.

    Người Việt ta gặp nhau có mấy khi thế, thường chỉ nhìn nhau bẽn lẽn, nên Covid-19 đâu có mấy cơ hội.

    NGUY CƠ LÂY NHIỄM TRONG CỘNG ĐỒNG

    Nhưng ngược lại phải công nhận rằng "tình làng, nghĩa xóm", thói quen "tắt lửa tối đèn có nhau" của người Việt lại chính là liên lạc viên dẫn đường cho virus corona tới với dân ta rất tốt.

    "Chiến dịch may khẩu trang" gặp nhau bàn soạn nhiều, vài ba gia đình gặp gỡ "cho trẻ nó chơi với nhau", tới nhà nhau thắp hương chia buồn gia đình có hậu sự, đặc biệt tặng quà cáp, mua bán giúp nhau thứ nọ thứ kia, cho nhau đồ ăn thức uống mà không hề nghĩ rằng các đồ vật bị sờ, nắm chung nhau là những ngả lây lan rất tiện lợi.

    Còn tin đồn rằng có cả "ổ bạc người Việt" bị cảnh sát Đức bắt quả tang, có tới mấy chục người xúm xít tham gia, số tiền phạt nghe nói tới cả chục nghìn. Song điểm qua các đầu báo chí Đức trong cả nước và riêng Berlin tuần qua chẳng hề thấy có mẩu tin nào nói về vụ này cả.

    Vậy từ đâu ra con số hàng trăm người Việt đột nhiên bị dính nhiễm Covid-19 ở Berlin?

    Các con số thống kê của cơ quan y tế Berlin họp báo hàng ngày công bố cho thấy, số lây nhiễm ở Berlin trong tuần lễ 25-31/05/2020 tăng chậm, không có đột biến lớn. Từ 6641 người hôm 24/05 lên 6799 người vào 31/05, tức tăng khoảng 158 người (trong khi dân số cả Berlin vào khoảng hơn ba triệu rưỡi).

    covid o berlin 1
    'Chợ Đồng Xuân' Berlin là nơi tập trung buôn bán của nhiều người Việt ở thủ đô nước Đức

    Quận Lichtenberg ở phía Đông Berlin được mệnh danh là "thủ phủ", "Hà Nội thu nhỏ" của người Việt Nam ở Đức, nơi có rất nhiều người Việt làm ăn, sinh sống ở đây, từ đầu mùa đại dịch lại luôn là nơi có số người dương tính thuộc loại thấp nhất Berlin.

    Trong tuần lễ vừa rồi có ngày tăng cao nhất là chín người, còn lại thường chỉ một, hai người, thậm chí có ngày không hoàn toàn. Không lẽ chín trường hợp kia hoàn toàn là người Việt Nam? Con số chín sao có thể so với con số "hàng trăm"?

    Từ đâu ra những tin đồn "rất nhiều người Việt ở Berlin dính Covid-19" vậy?

    Các doanh nhân thuộc các trung tâm mua bán lớn ở Berlin tìm mọi cách bào chữa cho mình rằng nếu có dịch bùng phát thì phải là từ trung tâm khác chứ không phải từ trung tâm của mình.

    Ai cũng lo không bán được hàng, bị đóng cửa tiệm. Họ đùn đẩy "trách nhiệm gây bùng phát dịch" cho nhau cứ như hai quốc gia lớn Mỹ - Trung thời gian vừa qua vậy.

    Một số "nhà báo cộng đồng" người Việt ở Berlin sốt sắng đưa ra các tin tức, cảnh báo nóng hổi về dịch bệnh bùng phát kèm các lời khuyên giải mà chẳng ai có cách nào kiểm chứng được.

    Người Việt ở Berlin hoang mang, không ít người đổ xô tới một số phòng mạch xin được xét nghiệm. Họ tới đông quá khiến các nhân viên y tế ở đây tá hỏa.

    Mặc dù hai ngày 31/05 và 01/06 là ngày lễ, Hội Người Việt Nam ở Berlin kết hợp với một số tổ chức và cá nhân khác đã phải lo tổ chức hẳn hai buổi xét nghiệm riêng cho người Việt Nam tại một địa điểm gần chợ Đồng Xuân, dự kiến sẽ có khá đông người đến thử.

    Ai sống hợp pháp, có bảo hiểm thì được xét nghiệm miễn phí, không giấy tờ tùy thân thì phải trả tiền mặt tại chỗ 96 euro.

    Vì sao với đại dịch Covid-19 này, cộng đồng người Việt ở Berlin lại tỏ ra có sự khác biệt so với con số hơn 3,5 triệu cư dân còn lại của thủ đô Berlin như thế, với những nỗi lo sợ riêng, cách thức đối phó với dịch riêng?

    Có lẽ cũng phải nói rằng với mức độ lây nhiễm Covid-19 ở châu Âu như vừa qua (trong khi Đức là quốc gia được đánh giá khá thành công trong công tác chống dịch) thì việc nếu có người Việt bị lây nhiễm cũng là điều tất yếu, hoàn toàn bình thường, không thể là ngoại lệ.

    Quá trình phòng ngừa lây lan, phát hiện và chữa trị cho bệnh nhân người Việt cũng được hoàn toàn chú trọng như mọi sắc dân khác ở đây. Giả sử có xuất hiện "ổ dịch" bất thường trong cộng đồng người Việt, chắc chắn ngành y tế Đức cũng sẽ đặc biệt quan tâm tới với mức độ không khác gì đối với những nơi khác.

    Thận trọng giữa người Việt với nhau không nên có nghĩa là mất cảnh giác với khả năng lây nhiễm từ những người thuộc các sắc dân khác.

    "Virus corona như con ma ấy," một chị bán hàng lớn tuổi nói. Chẳng nhìn thấy nó và cứ bị nó lởn vởn ám ảnh quanh mình suốt ngày, nhập vào mình lúc nào không hay.

    Nhưng có nên sợ Covid-19 như sợ con ma?

    Mọi biện pháp chống dịch được qui định rộng rãi, thống nhất rất chặt chẽ, rõ ràng cho tất cả mọi người dân. Tin tức về diễn biến dịch bệnh được truyền đi từng giờ, từng ngày trên rất nhiều phương tiện truyền thông có uy tín của Đức. Vấn đề còn lại chỉ là bà con ta có chịu khó cập nhật thông tin hay không thôi.

    Không nghe những lời đồn đoán, đừng dễ tin vào các thông tin "ma" để rồi chỉ lại vô tình thổi phồng sự sợ hãi con virus corona như sợ con ma mà thôi.

    Bài thể hiện quan điểm riêng của anh Nguyễn Hải Nghĩa, hiện sinh sống tại Berlin, CHLB Đức.

    Theo BBC News Tiếng Việt