Chính phủ Pháp ngày 3/5 cho biết, sẽ miễn cách ly đối với công dân nhập cảnh từ EU, Schengen và Anh.
Trước đó, ngày 2/5, Chính phủ Pháp đã tuyên bố sẽ mở rộng tình trạng khẩn cấp quốc gia đối với dịch Covid-19 ít nhất là đến hết ngày 24/7 tới và bất kỳ ai nhập cảnh vào Pháp sẽ phải cách ly trong hai tuần.
Tuy nhiên, một ngày sau đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố việc kiểm dịch và cách ly sẽ không được áp dụng cho các đối tượng đến từ Liên minh châu Âu, khu vực Schengen hoặc Anh, bất kể mang quốc tịch nào. Đối với các công dân nhập cảnh Pháp ngoài các khu vực trên phải áp dụng biện pháp kiểm dịch và cách ly ít nhất trong 14 ngày.
Du khách nước ngoài tại Paris, Pháp. Ảnh: AFP
Tính đến hết ngày 3/5, số ca tử vong vì dịch Covid-19 tại Pháp đã sắp vượt mốc 25.000 người. Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến khó lường, Chính phủ Pháp không loại trừ khả năng sẽ tạm hoãn hoặc tính toán lại kế hoạch nới lỏng phong tỏa dự tính bắt đầu từ ngày 11/5.
Trong thông cáo ngày 3/5, Bộ Y tế Pháp cho biết, trong vòng 24 giờ, nước Pháp ghi nhận thêm 135 ca tử vong vì dịch Covid-19. Trong vài ngày qua, số ca tử vong đã giảm trông thấy, bên cạnh số lượng bệnh nhân cấp cứu và được điều trị trong bệnh viện tiếp tục xu hướng giảm từ nhiều tuần qua.
Tổng số ca tử vong vì dịch Covid-19 trên toàn nước Pháp đã là 24.895. Với tình hình hiện nay, con số này rất có thể sẽ vượt mốc 25 nghìn trong ngày 4/5. Kể từ đầu mùa dịch, Pháp chính thức xác định hơn 131 nghìn ca dương tính với vi rút Sars-CoV-2 thông qua xét nghiệm.
Mặc dù có xu hướng khả quan so với đầu mùa dịch nhưng tình hình dịch bệnh tại Pháp vẫn còn rất phức tạp. Trong một vài ngày gần đây, mặc dù tổng số bệnh nhân nhiễm Sars-Cov-2 trong bệnh viện liên tục giảm nhưng tốc độ giảm đang chậm dần lại. Ngày 3/5, con số này chỉ giảm 12 người so với 24 giờ trước. Nguyên nhân chính là do số ca nhiễm bệnh và nhập viện mới có xu hướng tăng trở lại.
Trong ngày 3/5, người phát ngôn của Chính phủ Pháp, bà Sibeth Ndiaye khẳng định, tỉ lệ lây nhiễm vi rút Sars-CoV-2 đang có dấu hiệu tăng trở lại, mặc dù rất chậm. Theo bà Sibeth Ndiaye, nguyên nhân của tình trạng này là trong một vài ngày gần đây, người dân Pháp đã ra đường nhiều hơn, đồng nghĩa với việc tăng tiếp xúc và vi phạm các quy định phong tỏa nhiều hơn.
Bộ Y tế Pháp tái khẳng định, thời điểm dự kiến dỡ bỏ phong tỏa toàn quốc vào ngày 11/5 có thể sẽ được xem xét lại nếu các ca bệnh mới tiếp tục tăng lên.
Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Chính phủ Pháp dự kiến sẽ tổ chức lại các cuộc bầu cử địa phương vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10. Cuộc bầu cử địa phương vòng 1 tại Pháp đã diễn ra vào ngày 15/3, giữa tâm bão dịch Covid-19. Kết thúc vòng 1, khoảng 30 nghìn địa phương đã bầu được Thị trưởng và đầy đủ số thành viên trong Hội đồng địa phương. Đối với các địa phương này, lãnh đạo mới dự kiến sẽ nhận nhiệm vụ vào đầu tháng 6 tới.
Trong khi đó, khoảng 4.800 địa phương còn lại, sẽ phải tổ chức bầu cử vòng 2. Cuộc bầu của địa phương vòng 2 vốn được dự định tổ chức vào ngày 22/3/2020 nhưng đã phải lùi lại, dự kiến là ngày 21/6. Về lý thuyết, Chính phủ Pháp vẫn đang chờ ý kiến của Hội đồng khoa học để biết liệu vòng 2 có thể được tổ chức đúng ngày 21/6 hay không.
Tuy nhiên, xét trên thực tế tình hình dịch bệnh, khả năng Hội đồng khoa học phản đối thời điểm 21/6 là rất lớn. Vì vậy, Chính phủ Pháp quyết định xây dựng dự luật tổ chức lại các cuộc bầu cử này.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Pháp, ông Christophe Castaner, nếu phải lùi thời hạn tổ chức vòng 2 thì nước Pháp có thể phải tổ chức lại cả vòng 1 cuộc bầu cử tại 4.800 địa phương này. Dự luật của Chính phủ sẽ được đưa ra thảo luận tại Quốc hội vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8.
Thời điểm dự kiến tổ chức lại vòng 1 là ngày 27/9, vòng 2 sau đó 1 tuần, tức ngày 4/10/2020./.
Theo VOV Paris