• 18 hội đồng này vẫn chưa qua đỉnh dịch tử vong, theo thống kê mới nhất của Cục thống kê Quốc gia ONS.

    Dù England về tổng thể đã chứng kiến số ca tử vong do Covid-19 giảm dần trong các bệnh viện cũng như trong cộng đồng, nhưng một số nơi ở nước này tình hình vẫn chưa thuyên giảm. 

    North Somerset, Preston, Doncaster, Carlisle, Cumbria, Lancashire, South Yorkshire và Kent là 8 trong số 18 hội đồng đang phải gánh chịu số ca tử vong nhiều nhất trong những tuần qua. 

    18 hoi dong 1

    Dữ liêu của ONS cho thấy một sự khác biệt đáng kể giữa các khu vực, khiến người ta lo ngại về kế hoạch nới lỏng phong tỏa của chính phủ.

    Các bộ trưởng cho rằng các lệnh phong tỏa nên được quản lý ở cấp độ địa phương, bằng cách này sẽ giúp hạn chế tình trạng lây nhiễm, cũng như truy vết được các ca nhiễm trong cộng đồng. 

    Nhiều ý kiến cũng đề nghị nên tiếp tục giới nghiêm ở các trường học hay doanh nghiệp ở những nơi mà tình hình dịch bệnh vẫn còn nghiêm trọng.

    18 hội đồng nơi đỉnh dịch vẫn chưa xuất hiện:

    18 hoi dong 1

    Một trong các khu vực còn đang chịu áp lực dịch bệnh nặng nề là North Somerset. Bệnh viện Weston General ở đây đã phải đóng cửa không nhận bệnh nhân mới vì quá tải ca bệnh Covid-19. Các nhân viên đều phải làm xét nghiệm Covid-19 giữa lo ngại về tình trạng nhiều nhân viên y tế cho kết quả dương tính dù không có triệu chứng.

    18 hoi dong 1
    Bệnh viện Weston General ở North Somerset phải tạm ngưng nhận bệnh nhân mới vì quá tải. (Ảnh: AFP)

    Những thông số này xuất hiện sau khi ông Boris Johnson bật đèn xanh cho việc dỡ bỏ dần lệnh phong tỏa, nói rằng UK đã đáp ứng đủ 5 tiêu chí cần thiết để đảm bảo không xuất hiện đợt sóng dịch thứ hai.

    Tổng số ca tử vong ở UK tính đến ngày 29/5 là 38,161 người, tăng thêm 324 ca so với hôm trước. Số ca tử vong được thống kê trên mọi mặt trận, kể cả nhà dưỡng lão. 

    Hơn 4,043,686 lượt xét nghiệm đã được tiến hành, với 131,458 lượt vào hôm 28/5. Tổng cộng 271,222 người đã cho kết quả dương tính với Covid-19. Downing Street vẫn giữ nguyên mục tiêu thực hiện 200,000 ca xét nghiệm mỗi ngày. 

    Bộ trưởng tài chính Rishi Sunak tối qua thông báo từ tháng Chín, các chủ doanh nghiệp sẽ phải trả 10% tiền lương cho các nhân viên đang tạm nghỉ việc, và tới tháng Mười thì phải trả 20%. 

    Ông Sunak thông báo các chủ doanh nghiệp phải bắt đầu đóng góp từ tháng 8 khi lệnh giới nghiêm được dỡ bỏ hầu hết để khởi động lại nền kinh tế.

    Chính phủ tới nay đã chi trả 15 tỉ bảng Anh cho 8.4 triệu nhân viên đang tạm nghỉ việc, nhưng ông Sunak nói rằng dòng tiền này sẽ không có mãi. 

    Viethome (theo Metro)

  • Những con khỉ đã tấn công một nhân viên y tế Ấn Độ và lấy đi các mẫu máu xét nghiệm Covid-19 khiến nhiều người lo ngại chúng sẽ lây lan dịch bệnh tại thành phố Meerut.

    khi tan cong phong lab 2
    Một con khỉ đu dây điện ở một bãi đỗ xe tại New Delhi. Có thể nhìn thấy khỉ con đang bám vào người mẹ.

    Sau khi cướp ba lọ chứa mẫu máu xét nghiệm hồi đầu tuần này ở thành phố Meerut (Ấn Độ), những con khỉ đã đi lang thang gần đó và một con còn cố gắng nhai lọ chứa mẫu máu, theo AFP.

    Vụ việc khiến nhiều người lo ngại những con khỉ làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

    Tuy nhiên, ông Dheeraj Raj, giám đốc bệnh viện đại học y dược Meerut, cho biết: “Chúng tôi tìm được các lọ đựng mẫu máu xét nghiệm không bị hư hại nên không có khả năng làm lây lan dịch bệnh. Ba người có mẫu máu bị khỉ lấy đi đã được xét nghiệm trở lại”.

    khi tan cong phong lab 2
    Bầy khỉ hoang ở gần đền Taj Mahal ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Ảnh: AFP

    Lâu nay, chính phủ Ấn Độ đau đầu trước tình trạng khỉ hoang cướp thức ăn và cả điện thoại di động của người dân.

    Ở vùng nông thôn, nông dân nhiều lần yêu cầu chính quyền địa phương can thiệp sau những vụ khỉ phá hoại cây trồng.

    Chính quyền thủ đô New Delhi còn phải dùng những voọc xám đuôi dài để xua đuổi các loài loài khỉ nhỏ thường tập trung quanh tòa nhà quốc hội Ấn Độ.

    khi tan cong phong lab 2
    Khi đu xe máy ăn trái cây từ một thùng giấy ở New Delhi.

    Ấn Độ đang từng bước dỡ lệnh phong tỏa lớn nhất thế giới, nhưng phải đối mặt nguy cơ ca nhiễm nCoV tăng và hệ thống y tế quá tải.

    Nối lại đường bay nội địa trong tuần này là dấu hiệu rõ ràng rằng Ấn Độ đang dần dỡ hoàn toàn lệnh phong tỏa lớn nhất thế giới, điều chưa từng có tiền lệ với hơn 1,3 tỷ người nước này. Các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát Covid-19 đã khiến nhiều người mất việc, đe dọa an ninh lương thực và khiến nhiều lao động rời thành phố lớn về quê.

    Nhưng thách thức đang chờ đợi Ấn Độ. Lệnh phong tỏa đã làm chậm tốc độ lây lan của nCoV, nhưng không giúp làm phẳng đường cong của dịch, theo giới chuyên gia. Số ca nhiễm mới vẫn gia tăng. Ấn Độ là quốc gia thứ 4 trên thế giới ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất, chỉ sau Nga, Brazil và Mỹ. Quốc gia Nam Á đã báo cáo gần 160.000 ca nhiễm và hơn 4.500 ca tử vong vì Covid-19.

    Vài tuần gần đây, chính phủ Ấn Độ đã nới lỏng hạn chế đi lại, hoạt động giao thông vận tải, thương mại và sản xuất. Tụ tập đông người vẫn bị cấm, trong khi đường bay quốc tế chưa được nối lại. Nhiều chuyên gia cảnh báo nới lỏng phong tỏa đồng nghĩa số ca nhiễm sẽ tăng nhanh hơn, gây áp lực lên hệ thống bệnh viện và ảnh hưởng tới việc tiếp cận dịch vụ y tế nói chung.

    Mumbai và Delhi, hai thành phố lớn nhất Ấn Độ, đang chuẩn bị ứng phó với đợt gia tăng số ca nhiễm mới. Tại Mumbai, thành phố chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của Covid-19, nhiều phòng bệnh Covid-19 đã hết chỗ, trong khi đội ngũ y bác sĩ thiếu hụt khiến giới chức địa phương phải kêu gọi giúp đỡ từ các bang khác.

    Tại Delhi, giới chức đã trưng dụng thêm một bệnh viện lớn thuộc quản lý của nhà nước làm trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19, đồng thời yêu cầu tất cả bệnh viện tư phải dành riêng 20% giường bệnh cho người nhiễm nCoV.

    "Mọi thứ sẽ trở nên hỗn loạn", Jayaprakash Muliyil, nhà dịch tễ học hàng đầu Ấn Độ, nhận định. Ông thêm rằng với một thành phố đông dân như Mumbai, "việc kiểm soát lây nhiễm nCoV là gần như không thể".

    Mumbai, thủ đô tài chính của Ấn Độ, đã ghi nhận gần 33.000 ca nhiễm nCoV. "Phòng bệnh dành cho người nhiễm nCoV của chúng tôi đã hết chỗ từ ba tuần trước. Chúng tôi buộc phải từ chối tiếp nhận bệnh nhân", Lancelot Pinto, chuyên khoa hô hấp tại Bệnh viện P.D. Hinduja, cơ sở y tế tư nhân lớn của thành phố, cho hay.

    Chính phủ Ấn Độ đã thay đổi rất nhiều cách tiếp cận với đại dịch. Hồi thàng 3, Thủ tướng Narendra Modi thông báo một trong những lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới có hiệu lực chỉ sau vài giờ, khi quốc gia này báo cáo hơn 500 ca nhiễm nCoV. Ở nhà trong 21 ngày là cần thiết để "cắt đứt chuỗi lây nhiễm", Thủ tướng Modi nói và tự tin cho rằng Ấn Độ sẽ chiến thắng đại dịch.

    Tuy nhiên, trong bài phát biểu đầu tháng này, Thủ tướng Modi không còn nhắc tới việc ngăn chặn hay đánh bại Covid-19. "Chúng ta sẽ sống chung với nCoV trong thời gian dài", ông nói.

    Hạn chế sẽ được nói lỏng và mỗi bang tự đưa ra các quyết định riêng tùy theo tình hình thực tế, theo Modi. 

    Thay đổi này cho thấy chính quyền ông Modi thừa nhận phong tỏa có thể gây ra thiệt hại kinh tế lớn cho quốc gia có mạng lưới an sinh xã hội yếu như Ấn Độ. Trong năm tài khóa này, nền kinh tế Ấn Độ dự kiến sẽ chứng kiến lần sụt giảm đầu tiên kể từ năm 1980 và hơn 100 triệu người mất việc làm.

    Giới chức chính phủ nhấn mạnh thực tế rằng số người chết ở Ấn Độ vẫn tương đối ít so với nhiều vùng dịch lớn khác trên thế giới. Tỷ lệ tử vong của Ấn Độ là 2,9%, trong khi Mỹ là 5,9%.

    Lệnh phong tỏa đã giúp Ấn Độ có thời gian chuẩn bị để không phải đối đầu với tình trạng "quá tải" số ca nhiễm, theo V.K Paul, thành viên bộ phận phụ trách lập kế hoạch của chính phủ. "Chúng tôi đã sẵn sàng đương đầu với thách thức sắp tới", ông nói tại cuộc họp báo tuần trước.

    Paul từ chối đưa ra bất kỳ dự đoán về tốc độ gia tăng số ca nhiễm mới. Tháng trước, ông từng chia sẻ một biểu đồ cho thấy số ca nhiễm nCoV ở Ấn Độ sẽ giảm.

    Mô hình dự đoán của các nhà thống kê và dịch tễ học tại Đại học Michigan, Mỹ cho rằng tới 15/7, Ấn Độ sẽ ghi nhận gần một triệu ca nhiễm nếu không "thận trọng" khi mở cửa đất nước sau phong tỏa. "Tại Ấn Độ, đường cong của dịch chưa được làm phẳng và dịch cũng chưa đạt đỉnh", Bhramar Mukherjee, nhà thống kê sinh học tại Đại học Michigan, nhận định.

    Nhiều người vẫn hoài nghi liệu số ca nhiễm và tử vong được báo cáo có phản ánh đúng quy mô của Covid-19 tại Ấn Độ. Trong hai tháng qua, quốc gia Nam Á này cũng tăng cường khả năng xét nghiệm và hiện có thể tiến hành khoảng 110.000 xét nghiệm mỗi ngày. Tuy nhiên, với một quốc gia có dân số đông như Ấn Độ, điều này đồng nghĩa chỉ một tỷ lệ rất nhỏ dân số đã được sàng lọc nCoV.

    Chương trình xét nghiệm nCoV ở Ấn Độ vẫn đối mặt với nhiều vấn đề. Thái độ kỳ thị với Covid-19 đã khiến nhiều người không đi xét nghiệm trong giai đoạn đầu của bệnh, theo K. Sujatha Rao, người từng làm việc trong Bộ Y tế, cho hay.

    Trong cuộc chiến với Covid-19, nhiều bang của Ấn Độ đã hành động rất quyết liệt và hiệu quả. Bang Kerala ở miền nam đã huy động hệ thống y tế công cộng để theo dõi, điều trị và cách ly người dương tính với nCoV. Số ca nhiễm của bang đã giảm xuống 16 hồi đầu tháng, nhưng tăng trở lại khi cư dân từ nơi khác ở Ấn Độ trở về hoặc trên các chuyến bay đưa người từ nước ngoài về nước.

    Tuy nhiên, ở nhiều bang khác, Covid-19 đã phơi bày những lỗ hổng về cơ sở hạ tầng y tế của Ấn Độ, đặc biệt là trong các bệnh viện công thường là lựa chọn đầu tiên của người nghèo. Một cơ quan đánh giá của bang Gujarat gần đây cho biết bệnh viện công lớn ở thành phố Ahmedabad, nơi chuyên điều trị cho bệnh nhân Covid-19, có điều kiện "tệ hơn ngục giam".

    Tiếp cận dịch vụ y tế, vốn là thách thức với nhiều người nghèo ngay cả thời điểm bình thường, giờ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Trong suốt thời gian dài phong tỏa, nhiều bệnh viện đã dừng phẫu thuật không cấp thiết và đóng cửa khoa điều trị ngoại trú để giảm nguy cơ lây nhiễm. Một số bệnh viện ở Mumbai và Delhi thậm chí đã dừng tiếp nhận bệnh nhân mới sau khi nhân viên nhiễm nCoV.

    R.V Singh Pundhir, 64 tuổi, bán máy kéo ở thành phố Agra, phía nam Ấn Độ, bị bệnh thận và phải lọc máu thường xuyên. Hồi tháng 4, cơ sở y tế mà ông hay điều trị đóng cửa do phát hiện ca nhiễm nCoV gần đó. Vài ngày sau, ông bắt đầu thấy khó thở, theo con gái Akansha Pundhir.

    Gia đình vội đưa ông tới một bệnh viện công gần nhà nhưng nơi này không có đủ khả năng tiếp nhận bệnh nhân cần lọc máu. Một bệnh viện tư khác yêu cầu ông phải xét nghiệm nCoV để chứng minh không mang virus. Nhưng mọi thứ đã quá muộn. Ông Pundhir đã chết trên xe ngay bên ngoài bệnh viện này. Kết quả xét nghiệm được trả cùng ngày hôm đó cho thấy ông âm tính với nCoV.

    "Chúng tôi không thể tin những gì đã xảy ra. Tôi cứ nghĩ sẽ có bệnh viện nào đó tiếp nhận điều trị cho bố tôi. Cái chết của ông là điều hoàn toàn có thể tránh được", cô Akansha Pundhir nói. 

    Thanh Niên (theo Sky News)

  • Cụ bà 94 tuổi ở thành phố Glasgow được giải cứu sau 5 ngày không ăn gì vì không dám ra khỏi nhà do lo sợ bị nhiễm Covid-19.

    Cụ bà ở thành phố Glasgow, Scotland, được tổ chức từ thiện Cứu Thế Quân phát hiện và giải cứu hôm 23/3, sau 5 ngày không có gì vào bụng. Bà sống một mình ở tầng trên cùng của một khu chung cư, không có ai mua đồ ăn cho và "quá sợ" nên không dám ra khỏi nhà. Bà sau đó được cung cấp một bát súp nóng và một túi thực phẩm. 

    "Nhiều người già rất sợ hãi, không dám ra ngoài vì nghĩ họ sẽ nhiễm nCoV ngay lập tức và phải nhập viện", Tracy Bearcroft, đại diện của Cứu Thế Quân, cho hay trong tuyên bố hôm 29/5.

    Sự việc nhấn mạnh mức độ mất an ninh lương thực ngày càng gia tăng ở Anh, khi những người thu nhập thấp vật lộn với tình cảnh khó khăn, mất việc làm do Covid-19. Cứu Thế Quân cho biết số hộ gia đình nhận thực phẩm miễn phí từ 665 trung tâm của tổ chức này ở Anh đã tăng 63% từ tháng hai đến tháng tư.

    food banuk 2206 1590741885
    Người dân quyên góp đồ cho một điểm phát thực phẩm miễn phí tại London hồi tháng ba. Ảnh: Rex

    Theo Bearcroft, nhu cầu hỗ trợ thực phẩm trong những tuần gần đây tăng gấp 10 lần. Dự án của bà đang cung cấp 100 suất ăn/ngày và 140 túi thực phẩm/tuần. 

    Anthony Cotterill, ủy viên của Cứu Thế Quân, cảnh báo rằng Covid-19 đã đẩy Anh đến gần một "đỉnh đói nghèo".

    "Trọng tâm trước mắt của chúng tôi là mở rộng chương trình của mình để hỗ trợ cho những người cần giúp ngay bây giờ, từ các gia đình không thể thanh toán chi phí sinh hoạt cho đến những người ngủ ngoài đường đang vật lộn để nuôi sống bản thân", Cotterill nói.

    Trussell Trust, mạng lưới ngân hàng thực phẩm lớn nhất Anh, hồi đầu tháng báo cáo lượng người tìm đến ngân hàng thực phẩm đã tăng tới 81%, mức cao chưa từng có, do Covid-19. Quỹ Lương thực tuần trước ước tính 5 triệu người ở Anh đang không được đảm bảo về thực phẩm. 

    Anh hiện ghi nhận hơn 269.000 ca nhiễm, trong đó gần 38.000 ca tử vong. Số người chết vì Covid-19 của Anh cao thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.

    Từ 28/5, Anh khởi động chiến lược "xét nghiệm và truy vết", cho phép bất cứ ai có triệu chứng Covid-19 được xét nghiệm, những người đã tiếp xúc gần với người nhiễm nCoV sẽ được truy vết và yêu cầu cách ly trong 14 ngày, ngay cả khi họ không có triệu chứng.

    Chính phủ Anh khuyến khích người dân quay trở lại làm việc nếu công việc của họ không thể làm từ xa, như ngành sản xuất hoặc xây dựng. Người dân cũng được tập thể dục ngoài trời không giới hạn, có thể tham gia các môn thể thao nhiều người như đánh golf, tennis và câu cá, miễn là những người đi cùng đều là thành viên trong một gia đình.

    VnExpress (theo Guardian)

  • Theo phân tích của Sky News, số người qua đời tại các nhà dưỡng lão ở Anh, xứ Wales và Scotland trong đại dịch coronavirus cao hơn gấp đôi so với thời điềm bình thường.

    Từ ngày 13 tháng 3 đến ngày 8 tháng 5, có tổng cộng 39.404 người đã chết trong các nhà dưỡng lão ở Anh và xứ Wales.

    Trong điều kiện không có dịch bệnh, Số người chết trung bình trong vòng năm năm tại các nhà chăm sóc là 17.591, theo Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS).

    Điều này có nghĩa là đã có thêm 21.813 cái chết giữa tuần 12 và tuần 19, tăng 124%.

    Số liệu từ ONS và National Records of Scotland (NRS) cho thấy đã có 11.414 trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19 được ghi nhận tại các nhà chăm sóc.

    Con số này bao gồm cả các ca nghi ngờ nhiễm cũng như khi bệnh nhân đã xét nghiệm dương tính với virus.

    skynews care home generic 4973704

    Nhưng chỉ nhìn vào những người có COVID-19 được nhắc đến trong giấy chứng tử sẽ không thể thấy được bức tranh toàn cảnh về những gì đang xảy ra trong các nhà dưỡng lão.

    Một thước đo chính xác hơn chính là "tỷ lệ tử vong vượt mức", một thuật ngữ được sử dụng để mô tả tình trạng nhiều người chết hơn so với điều kiện bình thường.

    Một số người chết vì coronavirus có thể đã tử vong vì một vấn đề sức khỏe khác. Tuy nhiên, bằng cách nhìn vào sự vượt mức của các số liệu tỷ lệ tử vong, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về tác động của đại dịch.

    Con số tỷ lệ tử vong vượt mức cũng tính đến những người đã chết do hậu quả gián tiếp của đại dịch, chẳng hạn như việc thiếc hụt một nguồn tài nguyên nào đó dẫn đến tử vong.

    Tổng số người chết tại các nhà dưỡng lão ở Scotland cũng cao gấp đôi mức trung bình năm năm.

    Đã có thêm 2.054 người chết tại đây, với tổng số 4.070 người chết so với mức trung bình 2.016 trước đó, theo NRS.

    Những số liệu này bao gồm các trường hợp tử vong được chứng tử tại các nhà dưỡng lão trong khoảng thời gian gần như trùng với các số liệu của Anh và xứ Wales, cụ thể, số liệu của Scotland tính từ tuần 12 (16-22 tháng 3) đến tuần 19 (4-10 tháng 5).

    Chủ tịch Hiệp hội Chăm sóc Quốc gia, Nadra Ahmed, tin rằng có nhiều lý do giải thích cho sự gia tăng lớn như vậy.

    Bà nói: "Chúng ta đang đối mặt với một đại dịch [và] phải mò mẫm tuân theo các hướng dẫn khá hỗn loạn trong khi có rất ít hỗ trợ lâm sàng."

    Bà cho biết khi những cư dân trong viện dưỡng lão cảm thấy không khỏe, thông thường bác sĩ đa khoa sẽ được gọi đến và bệnh nhân sẽ được chăm sóc để có cơ hội phục hồi tốt nhất.

    Nhưng việc này đã trở nên khó khăn, trong đó có trường hợp phải tham khảo ý kiến ​​từ bác sĩ đa khoa thông qua iPad, và nó cũng có nghĩa là không thể tiến hành khám lâm sàng.

    Ngoài ra, bà lo ngại rằng một số cư dân có thể sợ phải vào bệnh viện vì virus, do vậy cố gắng che giấu tình trạng sức khỏe của mình trong bối cảnh đội ngũ nhân viên bị quá tải không có nhiều thời gian để chú ý đến.

    "Mọi người có thể không đề cập tới tình trạng sức khỏe của họ. Những người tỉnh táo đều có thể cho rằng, 'Tôi không muốn dính líu vào tất cả những chuyện này, tôi sẽ giữ im lặng, tôi có thể xoay sở được'.

    "Tôi không muốn đổ lỗi ở đây, nhưng vấn đề là ở chỗ không có mức hỗ trợ chăm sóc đầy đủ như thông thường mà [nhà dưỡng lão] thường có", bà nói.

    Bà tiếp tục: "Tình huống ở đây là các nhân viên đang không chỉ cố gắng thực hiện đầy đủ việc cung cấp dịch vụ chăm sóc cá nhân mà họ còn phải chăm sóc sức khỏe xã hội và tinh thần nếu có thể."

    Bà Ahmed nói rằng "nhiều đặc điểm của loại virus này rất nguy hiểm đối với người già", ví dụ điển hình là rất khó để giúp nhóm người mắc chứng mất trí nhớ tự cách ly hoặc nhớ rửa tay thường xuyên. Đặc biệt đối với người già, căng thẳng và sợ hãi có thể ảnh hưởng lớn đến tâm trí và cơ thể.

    Tình trạng tỷ lệ tử vong vượt mức đang diễn ra ở cả nhà dưỡng lão và trong bệnh viện, nhưng số lượng ở viện dưỡng lão cao hơn.

    Tổng số ca tử vong được đăng ký chứng tử từ tuần 12 đến 19 tại các bệnh viện ở Anh và xứ Wales cao hơn 40% so với thông thường.

    Có thêm 15.787 người chết: nâng tổng số lên 54.862 người chết so với mức trung bình năm năm là 39.075 người.

    Gần một nửa số ca tử vong tại bệnh viện này liên quan đến COVID-19 và được nhắc đến trong giấy chứng tử.

    Trong khi đó, ở Scotland, đã có thêm 548 trường hợp tử vong tại các bệnh viện trong khoảng từ tuần 12 đến 19. Con số này cao hơn 13% so với con số dự kiến thông thường.

    Trong số 4.871 người đã qua đời tại các bệnh viện Scotland, một phần ba được ghi nhận có liên quan đến COVID-19.

    Người phát ngôn của Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội cho biết: "Mỗi cái chết vì virus đều là một thảm kịch và chúng tôi xin gửi sự cảm thông sâu sắc nhất đến những gia đình của người đã khuất.

    "Hỗ trợ ngành chăm sóc xã hội trong suốt đại dịch này là ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi đang làm việc suốt ngày đêm để cung cấp cho ngành các thiết bị và sự hỗ trợ mà họ cần.

    "Chúng tôi đảm bảo hàng triệu bộ PPE được chuẩn bị sẵn sàng cho nhân viên chăm sóc, tăng cường năng lực xét nghiệm cho các cư dân và nhân viên tại nhà dưỡng lão bất kể triệu chứng và áp dụng mô hình quỹ kiểm soát lây nhiễm trị giá 600 triệu bảng mới để giúp ngăn chặn sự lây lan trong nhà dưỡng lão."

    VietHome (Theo Sky News)

  • Thủ tướng Anh Boris Johnson đang đặt cược uy tín chính trị của mình để bảo vệ cho cố vấn Dominic Cummings. Ông nhận nhiều chỉ trích khi không sa thải ông Cummings.

    Giữa phong tỏa ở Anh, ông Cummings lái xe tới Durham, phía bắc nước Anh hồi cuối tháng 3 để thăm vợ. Thủ tướng Johnson ngày 24/5 tuyên bố ông Cummings “đã hành xử có trách nhiệm, hợp pháp và liêm chính”.

    “Tôi nghĩ ông theo bản năng của mọi người cha, và tôi không muốn phạt ông ta vì điều đó”, ông Johnson nói tại buổi họp báo ở Phố Downing.

    Vài giờ sau đó, Guardian và Daily Mirror tiết lộ ông Cummings đang đối mặt với khả năng bị cảnh sát điều tra vì vi phạm lệnh phong tỏa, khi đã lái xe thêm 45 km nữa để đến danh thắng Barnard Castle.

    Chuyến đi Barnard Castle của ông Cummings là do một nhân chứng, giáo viên dạy hóa học nghỉ hưu Robin Lees, báo với cảnh sát Durham.

    sa thai cummings
    Ông Cummings rời số 10 Phố Downing ngày 24/5 mà không trả lời câu hỏi. Ảnh: Getty Images

    Tiết lộ mới trên là diễn biến “sóng gió” mới nhất vây quanh chính phủ ông Johnson, sau hàng loạt thông tin đầy bất lợi.

    Thủ tướng Anh không phủ nhận việc ông Cummings có đi đến Barnard Castle giữa lúc mà việc đi lại không thiết yếu bị cấm, mà chỉ nói ông Cummings đã tự cách ly 14 ngày. Ông Johnson không phản hồi một số chi tiết, như liệu thủ tướng có biết về chuyến đi của ông Cummings từ trước hay không, hay liệu ông Cummings có dừng ở đâu trong chuyến đi hay không.

    Ngoài ra, một nhân chứng khác lên tiếng cho biết đã thấy ông Cummings ở Durham vào ngày 19/4, tức 5 ngày sau khi chính phủ nói ông đã về lại London và chỉ ở London.

    9 nghị sĩ đảng Bảo thủ đã kêu gọi ông Cummings từ chức, trong đó ba thành viên của một ủy ban cố vấn khoa học cho chính phủ lên tiếng chỉ trích việc “bỏ qua” lời khuyên khoa học, ảnh hưởng tới lòng tin và tinh thần tuân thủ lệnh phong tỏa.

    Lãnh đạo Công đảng Keir Starmer nói quyết định của ông Johnson không hành động gì đối với ông Cummings là “xúc phạm đối với sự hy sinh của người Anh... công chúng sẽ nghĩ là có một quy tắc cho các cố vấn của thủ tướng và quy tắc khác cho người dân”.

    Nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ nói quyết định của Thủ tướng Johnson và việc không trả lời các câu hỏi chi tiết sẽ ảnh hưởng tới uy tín lãnh đạo của ông.

    Zing (theo Metro)

  • Ông Joseph Ngô Văn Võ và bà Huỳnh Thị Bảy qua đời do Covid-19 được 5 ngày thì con gái cả của họ cũng ra đi vì dịch bệnh này.

    Khi được đưa tới bệnh viện St. Vincent Hospital, thành phố Worcester, bang Massachusetts, hôm 8/5, ông Võ và bà Bảy được phép nằm chung phòng. Họ có những triệu chứng mà gia đình ban đầu nghĩ là do cúm hoặc dị ứng. 

    Hôm 14/5, họ qua đời vì Covid-19. Ông Võ thọ 85 tuổi, còn bà Bảy 82 tuổi.

    "Hai người nắm tay nhau. Cha qua đời trước và khoảng 90 phút sau, mẹ cũng ra đi", Dominic, 48 tuổi, một trong 11 người con của họ, cho biết.

    Cùng ngày, con gái cả của họ là Kim Chi Nguyễn Ngô, 50 tuổi, một doanh nhân, được đưa tới bệnh viện. 5 ngày sau, cô tử vong, cũng vì Covid-19.

    3 nguoi 1 nha tu vong vi covid 19
    Ông Võ (thứ ba từ phải sang) và bà Bảy cùng các con trai. Ảnh: Telegram

    Dominic và em gái Thuy Ngô cho hay giống như lúc ra đi, cha mẹ họ đã bên nhau không tách rời suốt nhiều thập kỷ qua. Dù hôn nhân do gia đình hai bên sắp đặt, ông Võ và bà Bảy lại rất hòa hợp và yêu thương nhau. Họ luôn nắm tay và thường xuyên trao nhau những nụ hôn.

    Ngày 20/4 đánh dấu 60 năm hai người kết hôn. Gia đình họ đã phải lên kế hoạch từ trước 6 tháng để mọi thành viên có thể trở về Worcester tổ chức tiệc kỷ niệm vào hôm 17/5. 

    Thuy, 46 tuổi, cho biết chị gái Kim Chi là mẹ đơn thân có 3 con và khoảng 4-5 năm nay cô luôn là người chăm sóc cha mẹ tại nhà khi sức khỏe của họ yếu đi. Cô cũng rất thích nấu ăn đãi 30 thành viên của gia đình.

    "Chị gái tôi ở bên cha mẹ 24/7, kể cả khi họ đến quán cafe", Thuy kể. "Tôi nghĩ đó là lý do Chúa đưa họ đi cùng nhau. Họ luôn luôn gắn bó với nhau".

    gia dinh viet tu vong
    Những thành viên trong gia đình của ông Joseph Vo Van Ngo và bà Bay Thi Huynh mang khẩu trang trong tang lễ dành cho hai ông bà và người con gái lớn nhất nhà. Ảnh: Telegram&Gazette.

    Ông Võ cùng bà Bảy đưa 11 con đến Mỹ vào năm 1981. Lynnzie Ngô, 42 tuổi, cho hay hàng năm, chị gái Kim Chi cùng cha mẹ thường trở về Việt Nam để phát gạo cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Gia đình họ còn lập một quỹ từ thiện để tiếp tục công việc giúp đỡ những người thiệt thòi tại Việt Nam cũng như những nơi khác.

    "Tôi nghĩ cha mẹ đã đưa chị tôi tới thiên đường. Họ là những hình mẫu mà chúng tôi hướng tới", Dominic nói.

    Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, hiện ghi nhận hơn 99.000 ca tử vong trong tổng số gần 1,7 triệu ca nhiễm. Bang Massachusetts báo cáo gần 93.000 ca nhiễm, trong đó hơn 6.300 ca tử vong vì nCov.

    Giới chức y tế Massachusetts cho biết dù số ca nhiễm và tử vong tiếp tục tăng, có những tín hiệu tích cực khi mức tăng hàng ngày đã chậm lại trong vài tuần qua so với hồi tháng 4. Đến hôm 21/5, bang này đã tiến hành 500.000 xét nghiệm nCoV.

    Thống đốc Charlie Baker đề nghị người dân tiếp tục áp dụng những biện pháp đề phòng như đeo khẩu trang, giữ gìn sức khỏe, duy trì giãn cách với người khác, kể cả gia đình và bạn bè.

    VnExpress (theo Telegram)

  • Ông Dominic Cummings, cố vấn hàng đầu của Thủ tướng Anh, bị nghi vi phạm lệnh phong tỏa vì rời London khi đang có triệu chứng Covid-19 hồi tháng ba.

    Cummings rời nhà ở London hôm 30/3 và được trông thấy xuất hiện cùng con trai gần nhà cha mẹ ở Durham, cách London hơn 400 km. Theo lệnh phong tỏa Anh ban hành ngày 23/3, bất kỳ ai có triệu chứng phải tự cách ly tại nhà. Những người trên 70 tuổi như cha mẹ Cummings không được phép tiếp khách.

    cumming
    Dominic Cummings rời nhà ở London ngày 23/5. Ảnh: Reuters.

    Công đảng nói hành động của Cummings cho thấy ông coi mình đứng trên pháp luật. Đảng Dân chủ Tự do đánh giá ông cần phải từ chức. "Ông ấy sẽ phải rời ghế, thật quá kiêu ngạo", một bộ trưởng giấu tên nói.

    Tuy nhiên, phát ngôn viên của Thủ tướng Boris Johnson nói rằng chuyến đi của Cummings là cần thiết và ông đã hành động "phù hợp với khuyến cáo về Covid-19".

    "Do vợ ông ấy nhiễm nCoV và có khả năng cao ông ấy cũng nhiễm virus, Dominic Cummings cần phải đảm bảo con trai nhỏ có người chăm sóc", phát ngôn viên hôm nay nói tại London. "Chị và các cháu của Cummings tình nguyện giúp đỡ. Ông ấy đã đến một ngôi nhà lân cận nhưng tách biệt với gia đình, để đề phòng trường hợp cần sự giúp đỡ của họ".

    Hôm 24/3, quan chức y tế cấp cao Anh Jenny Harries nói rằng "mặc dù chúng tôi khuyến khích mọi người ở trong nhà mình, rõ ràng nếu người trưởng thành trong gia đình không thể chăm sóc cho trẻ nhỏ thì đó là trường hợp ngoại lệ".

    Cummings đã gây nhiều tranh cãi trong chính trường Anh kể từ khi cùng Johnson dẫn đầu chiến dịch Brexit năm 2016. Phố Downing cuối tháng ba thông báo Cummings tự cách ly do có triệu chứng Covid-19. Thủ tướng Johnson vào thời điểm đó dương tính với nCoV và được điều trị tích cực.

    Anh là vùng dịch lớn thứ năm thế giới với hơn 254.000 người nhiễm. Tuy nhiên, họ ghi nhận số ca tử vong cao thứ hai với hơn 36.000 người chết, chỉ sau Mỹ. Chính quyền Johnson đã hứng chịu nhiều chỉ trích vì chậm trễ chống dịch quyết liệt trong giai đoạn đầu. Anh đã nới phong tỏa từ giữa tháng này.

    Hồi đầu tháng, nhà dịch tễ học hàng đầu Neil Ferguson rời khỏi hội đồng chính phủ về Covid-19 sau khi thừa nhận vi phạm lệnh phong tỏa để đi gặp bạn gái.

    VnExpress (Theo AFP)

  • Một tài xế taxi người Anh đã tử vong vì nhiễm Covid-19 sau khi bị một hành khách nổ nước bọt vào người để tránh phải trả cước taxi.

    Tài xế taxi Trevor Belle, 61 tuổi, đã tử vong vào tháng trước tại Bệnh viện Hoàng gia London, vài tuần sau khi tranh cãi với một hành khách, gia đình của ông nói với Press Association.

    Ông Belle đã bị một hành khách nhổ nước bọt vào người và từ chối trả khoảng tiền taxi 11 USD sau khi xuống xe ở West Ham Lane.

    “Tôi nhiễm Covid-19 và giờ ông cũng đã nhiễm bệnh”, người hành khách này nói với ông Belle.

    "Vài ngày sau, ông ấy được đưa vào bệnh viện. Ông ấy đã chiến đấu với căn bệnh trong 3 tuần và không may là ông đã không qua khỏi", Damian Briggs, bạn của ông Belle nói với Press Association.

    tai xe bi nho nuoc bot
    Tài xế taxi Trevor Belle, 61 tuổi, người tử vong do virus corona sau khi bị khách nhổ nước bọt. Ảnh: Gia đình nạn nhân cung cấp.

    Ông Belle vừa lên chức ông nội và ông qua đời ba ngày sau khi bước sang tuổi 61.

    Cảnh sát London nói với NBC News hôm 22/5 rằng họ đã biết về vụ việc này và đang cố gắng trao đổi với gia đình của ông Belle.

    “Chúng tôi tiếp tục tìm kiếm bất kỳ hồ sơ cảnh sát hoặc báo cáo nào liên quan đến vụ việc này", cảnh sát cho biết. “Cảnh sát trưởng sẽ cố gắng liên lạc với gia đình tìm hiểu xem họ có muốn đưa ra cáo buộc hình sự hay không".

    Vài tuần trước, một nhân viên bán vé tại nhà ga Victoria cũng đã tử vong vì Covid-19 sau khi bị một kẻ tấn công nhổ nước bọt vào người.

    Người phụ nữ Anh tên Belly Mujinga (47 tuổi), là nhân viên phòng vé tại nhà ga Victoria, London. Ngày 22/3, tại phòng chờ nhà ga, một vụ tấn công đã xảy ra. Một người đàn ông tuyên bố rằng mình bị nhiễm virus Corona, ông này cũng liên tục nhổ nước bọt và ho vào mặt Mujinga cùng đồng nghiệp của cô, theo CNN.

    ga victoria 2
    Bà Mujinga tử vong sau khi bị khách nhổ nước bọt vào người. (Ảnh: Daily Mail)

    Vài ngày sau vụ tấn công, cả 2 nhân viên phòng vé đã ngã bệnh. Hiệp hội nhân viên vận tải (TSSA) cho biết, ngày 2/4, tức 11 ngày sau vụ việc, Mujinga đã được đưa đến Bệnh viện Barnet và phải đặt máy thở với tình trạng nghiêm trọng.

    Tuy nhiên, 3 ngày sau, người phụ nữ này không may tử vong. Trong khi đó, đồng nghiệp của cô đã qua khỏi. Sự ra đi của Mujinga khiến nhiều người vô cùng bất ngờ. Người phụ nữ xấu số ra đi đã bỏ lại cô con gái nhỏ 11 tuổi. 

    Zing (theo Metro)

  • Jacky Pham và vợ mất việc do lệnh phong tỏa trong Covid-19, phải bỏ một bữa ăn, dành dụm để trả 1.400 AUD/tháng tiền thuê nhà. 

    Vợ chồng Jacky Pham đều là thợ làm móng. Họ mất việc từ cách đây hai tháng, khi cửa hàng bị đóng cửa do lệnh phong tỏa. Hai tuần một lần, họ phải thanh toán 700 AUD tiền thuê nhà ở Sandy Bay, ngoại ô thành phố Hobart, thủ phủ bang Tasmania, Australia.

    "Tôi đang ở trong tình trạng khó khăn vì Covid-19. Tôi không đủ tiền để trả tiền thuê nhà", Jacky nói. "Thi thoảng chúng tôi nhịn ăn một bữa trong ngày. Bình thường chúng tôi ăn hai bữa một ngày".

    bo an vi dich benh
    Gia đình Jacky Pham ở Sandy Bay, ngoại ô thành phố Hobart, thủ phủ bang Tasmania, Australia. Ảnh: ABC News

    Jacky cho hay đã liên hệ với công ty cho thuê nhà Harcourts về việc bị mất thu nhập vào ngày 26/3. Anh được gửi cho một mẫu đơn xin khấu trừ tiền thuê nhà và đã điền ngay lập tức nhưng vẫn phải chờ đợi. Công ty cho biết chủ nhà "đang làm ngơ họ" và công ty không thể giảm phí nếu không được chủ nhà cho phép.

    Hai tháng sau khi mất việc, vợ chồng người Việt này vẫn phải thanh toán đầy đủ tiền thuê. Anh thậm chí phải xin gia đình ở Việt Nam hỗ trợ và đó là lần đầu tiên anh thanh toán phí bị trễ một ngày.

    "Tôi đã thông báo với công ty là mình không có đủ tiền và phải mượn tiền từ bạn bè và gia đình. Đó là lý do tôi trả muộn một ngày", anh nói.

    Giám đốc công ty Harcourts xác nhận Jacky đã thông báo về tình trạng tài chính của mình và đề nghị được giảm tiền thuê nhà. Chủ nhà không phản hồi đề nghị này và Harcourts không thể tự đưa ra quyết định. Tuy nhiên, Jacky có thể trả được chừng nào hay chừng đó.

    Australia hiện ghi nhận gần 7.100 ca nhiễm nCoV, trong đó 101 người chết. Riêng trong tháng 4, gần 600.000 người ở nước này đã bị mất việc do những biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn Covid-19. Hồi đầu tháng này, chính phủ Australia đã nhất trí kế hoạch gồm 3 bước nhằm dỡ bỏ dần những hạn chế cho tới tháng 7, nhưng hành động cụ thể tùy thuộc vào từng bang.

    Là công dân nước ngoài và chưa phải là thường trú nhân, Jacky không đủ điều kiện để nhận hỗ trợ từ chính phủ trong đại dịch. Tuy nhiên, từ tuần tới, anh có thể nộp đơn vào quỹ hỗ trợ tiền thuê nhà Covid-19 của chính quyền bang Tasmania.

    Hôm 19/5, chính quyền Tasmania tuyên bố người dân và những người có visa phải chi ít nhất 1/3 thu nhập để thuê nhà, có chưa đến 5.000 AUD tiền tiết kiệm, và chứng minh được rằng họ đang "vô cùng khó khăn" có thể nhận được hỗ trợ.

    Khoản hỗ trợ sẽ được chi trả một lần trị giá 2.000 AUD hoặc bao hàm tiền thuê nhà trong 4 tuần và cũng có thể mở rộng ra với những người không nằm trong Đạo luật Thuê nhà ở.

    Bộ trưởng Tư pháp Elise Archer cho hay nhiều người không được tiếp cận chương trình hỗ trợ việc làm trong Covid-19 và gói cứu trợ mới mang lại lợi ích cho những người trước đó đã rơi vào tình trạng này.

    "Chúng tôi tin rằng vẫn còn những người vô cùng khó khăn và cần trợ giúp thêm các khoản tiền thuê nhà", bà nói.

    Bà Archer ước tính có khoảng 1.000 người thuê nhà ở Tasmania cần trợ giúp và cần khoảng 1,5 triệu AUD để đáp ứng việc chi trả.

    Ben Bartl, luật sư của Hiệp hội Người thuê nhà Tasmania, cho biết có khoảng 26.000 người như Jacky ở Tasmania không được chính phủ hỗ trợ trong đại dịch toàn cầu.

    "Hàng ngày chúng tôi nhận được nhiều cuộc gọi từ những người không thể trả tiền thuê nhà. Có những trường hợp chủ nhà yêu cầu họ bán tài sản để thanh toán", ông nói. "Đây là những người tuyệt vọng trong hoàn cảnh tuyệt vọng và chính phủ nếu có thể thì nên hỗ trợ cho họ".

    Ông hoan nghênh chính quyền Tasmania đưa ra gói hỗ trợ tiền thuê nhà nhưng cho rằng lẽ ra họ nên hành động sớm hơn.

    "Chúng tôi biết rằng sáng kiến này được thực hiện cho đến ngày 30/6, đó là khi tình trạng khẩn cấp dự kiến chấm dứt", ông nói. "Nếu Covid-19 tiếp diễn và những người thuê nhà có thể chứng minh họ đang gặp khó khăn về tài chính, chúng tôi hy vọng rằng chính quyền sẽ vào cuộc và cung cấp thêm tiền".

    Chủ của Jacky cho hay anh không thể quay lại làm việc sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ. Bất kỳ khoản hỗ trợ nào từ chính phủ cũng sẽ mất nhiều thời gian mới nhận được.

    "Tôi chắc chắn sẽ nộp đơn vào gói giảm tiền thuê nhà. Với sự hỗ trợ tài chính này, tôi có thể tiếp tục trả tiền thuê nhà cho đến khi tìm được một công việc mới," anh nói.

    VnExpress (Theo ABC News)

  • Đại sứ quán Việt Nam tại Anh trân trọng thông báo:

    Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ về việc hỗ trợ đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước vì các lý do đặc biệt cần thiết, Đại sứ quán Việt Nam xin thông báo về chuyến bay sắp tới như sau:

    1. Đối tượng ưu tiên:

    – Công dân Việt Nam là học sinh dưới 18 tuổi, sinh viên gặp khó khăn về chỗ ở, trường, ký túc xá đóng cửa hoặc có bệnh nền.

    – Công dân Việt Nam đi công tác, lao động ngắn hạn bị kẹt lại Anh, hết visa hoặc có bệnh nền.

    2. Thông tin về chuyến bay cụ thể như sau:

    – Về thời gian và địa điểm: Chuyến bay dự kiến khởi hành từ sân bay Heathrow thành phố London vào ngày 03 tháng 06 năm 2020.

    – Về chi phí cho chuyến bay: Vietnam Airlines đã ký hợp đồng thuê chuyến đặc biệt với đối tác thuê chuyến để thực hiện chuyến bay đưa công dân về nước. Vietnam Airlines thông báo giá vé một chiều London-Hanoi dự kiến là 1300 đô la Mỹ.

    – Về hành lý: không quá 12kg hành lý xách tay và 01 kiện hành lý ký gửi không quá 23kg (hành lý ký gửi phải được đóng cẩn thận, có quai xách và đúng quy định của hàng không).

    3. ĐSQ đề nghị công dân Việt Nam thuộc diện ưu tiên, có nguyện vọng trở về Việt Nam trên chuyến bay tới, đăng ký nguyện vọng bảo hộ công dân trên trang web của ĐSQ (Những trường hợp đã đăng ký từ trước không cần đăng ký lại).

    Trên cơ sở tổng hợp nguyện vọng của công dân, ĐSQ sẽ liên lạc trực tiếp với các trường hợp đủ điều kiện về nước trên chuyến bay sắp tới. Các công dân Việt Nam, người Việt Nam chưa thuộc diện ưu tiên về nước trên chuyến bay ngày 03/06 sẽ tiếp tục được xem xét nguyện vọng trên các chuyến bay tiếp theo.

    Xem thông tin trên website Đại sứ quán VN ở Anh: https://vietnamembassy.org.uk/vi/2020/05/20/thong-bao-ve-viec-dua-cong-dan-viet-nam-ve-nuoc-ngay-03-6-2020/

    vn heathrow

  • Tổng cộng có 14.244 khoản phạt cho các hành vi vi phạm luật phong tỏa coronavirus đã được cảnh sát ở England và xứ Wales đưa ra.

    Hội đồng Cảnh sát trưởng Quốc gia cho biết 13.445 thông báo phạt cố định đã được ghi nhận bởi các lực lượng ở England trong khoảng thời gian từ 27 tháng 3 đến 11 tháng 5, trong khi 799 phiếu phạt được ban hành tại Wales trong cùng thời gian này.

    Các thông báo phạt được ban hành trước khi quy định phong tỏa được nới lỏng ở Anh từ thứ Tư 13/5, với mức phạt 60 bảng, giảm xuống còn 30 bảng nộp trong vòng hai tuần. Khoản tiền phạt được nhân đôi cho mỗi lần tái phạm, lên đến mức tối đa £960.

    Mức phạt cao hơn hiện đang được áp dụng ở Anh - 100 bảng, giảm xuống còn 50 bảng nếu nộp trong vòng 14 ngày và tăng lên tối đa 3.200 bảng cho các lần vi phạm tiếp theo.

    PRI 151786496

    Trong số 43 lực lượng cảnh sát khu vực ở Anh và xứ Wales, Cảnh sát Metropolitan đã ghi nhận số lần phạt cao nhất, 906 trường hợp, tiếp theo là Cảnh sát Thames Valley, với 866 vụ, và Bắc Yorkshire, với 843 vụ. Warwickshire ban hành số thông báo phạt ít nhất, chỉ 31 vụ.

    Chủ tịch Hội đồng Cảnh sát trưởng Quốc gia, ông Martin Hewitt, nói: 'Đại đa số người dân đang tiếp tục hành động đúng đắn, bảo vệ NHS và giúp cứu các mạng sống. Các số liệu cho thấy cách tiếp cận xử phạt của chúng tôi chỉ phản ánh 0.02% dân số ở Anh và xứ Wales.

    ‘Tôi muốn cảm ơn mọi người vì đã tiếp tục tuân thủ các quy định – Tôi công nhận điều đó không dễ dàng và đây là thời điểm thử thách cho tất cả chúng ta. Chúng tôi sẽ duy trì cách tiếp cận của mình – tiếp xúc, giải thích và khuyến khích, và chỉ phạt khi đó là phương sách cuối cùng. Phương thức này đang có hiệu quả trên khắp Vương quốc Anh. Tôi kêu gọi công chúng tiếp tục duy trì, tiếp tục làm theo lời khuyên.

    ‘Cảnh sát vẫn đang làm việc chăm chỉ để giữ cho tất cả chúng ta an toàn trước đủ loại tội phạm trong hoàn cảnh đầy thách thức này, vì vậy chúng tôi kêu gọi mọi người hợp tác và hãy nhớ rằng nếu bạn cần sự giúp đỡ, chúng tôi sẽ luôn ở đây.'

    Mới đây, Dịch vụ Công tố Hoàng gia xác nhận hàng chục người đã bị buộc tội sai theo luật coronavirus.

    Tất cả 44 khoản phạt được ban hành theo Đạo luật coronavirus đều không chính xác. Kể từ khi được giới thiệu vào ngày 27 tháng Ba, đạo luật này cho phép cảnh sát di chuyển hoặc giam giữ ‘một người bị nghi ngờ là đã nhiễm bệnh’ để sàng lọc và đánh giá.

    CPS cho biết 12 cáo buộc theo Quy định bảo vệ sức khỏe năm 2020, cho phép các lực lượng giải tán các cuộc tụ họp và phạt những người vi phạm các quy tắc di chuyển, cũng có sai sót.

    Các số liệu được đưa ra sau khi xem xét tất cả 231 cáo buộc của cảnh sát theo luật coronavirus ở Anh và xứ Wales cho đến cuối tháng 4, trong đó quyết định truy tố hoặc bị dừng lại hoặc kết thúc với một bản án.

    Giám đốc dịch vụ pháp lý, Gregor McGill, cho biết: ‘Theo quy định, đại đa số, 175 trong số 187, đã được ban hành một cách chính xác.

    ‘Và những quyết định phạt này bao gồm người lái xe từ London đến Leicester để dự tiệc, các nhóm uống rượu và có hành vi sai trái trong công viên và các nhóm khác dạo quanh trung tâm thị trấn sau khi bị cảnh sát yêu cầu về nhà nhiều lần.

    ‘Trong các trường hợp có sai sót, thường lý do là bởi các quy định của xứ Wales bị áp dụng nhầm ở Anh hoặc ngược lại.

    'Theo Đạo luật, tất cả 44 khoản phạt đều không chính xác vì chúng không được áp dụng cho những người có khả năng lây nhiễm, vốn là những gì mà quy định này nhắm đến.'

    Vào tối Chủ nhật, Boris Johnson đã tuyên bố nới lỏng dần các hạn chế và mọi người có thể thực hiện một số hoạt động bên ngoài nhưng vẫn phải tuân thủ các quy tắc xa cách xã hội.

    Các lãnh đạo liên đoàn cảnh sát, đại diện cho các sĩ quan chuyên nghiệp, cho biết việc chuyển thông điệp từ ‘ở nhà’ sang ‘cảnh giác’ được thực hiện không hợp lý. Họ cảnh báo rằng giờ đây, việc nới lỏng hạn chế sẽ khiến công việc của cảnh sát càng khó khăn hơn.

    John Apter, Chủ tịch Quốc gia Liên đoàn Cảnh sát Anh và xứ Wales, nói: 'Những gì chúng tôi cần từ Thủ tướng và Chính phủ là một thông điệp và hướng dẫn rõ ràng, giải thích chính xác những gì công chúng nên làm, để các đồng nghiệp của tôi có thể hết sức thực thi nó.

    ‘Các sĩ quan cảnh sát sẽ tiếp tục cố gắng hết sức, nhưng công việc của họ phải dựa trên hướng dẫn rõ ràng, không phải những quy định lỏng lẻo cần giải thích - bởi vì điều đó sẽ không công bằng cho các sĩ quan vốn đang phải đối mặt với nhiều thách thức.”

    VietHome (Theo Metro)

  • Lây nhiễm chéo trong bệnh viện đang trở thành vấn đề nhức nhối, khi có tới 20% bệnh nhân nội trú ở Anh nhiễm Covid-19, làm tăng tỷ lệ tử vong.

    Có tới một trên năm bệnh nhân trong bệnh viện ở Anh bị nhiễm Covid-19 khi đang điều trị các căn bệnh khác, Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) của Anh cho biết. Virus được cho là đã lây lan qua các nhân viên trong bệnh viện, những người đã mang virus nhưng không có triệu chứng, những người này lại bị nhiễm bệnh từ bệnh nhân của họ, Guardian cho biết.

    Số liệu đại diện cho ước tính đầu tiên của NHS về quy mô của vấn đề lây nhiễm Covid-19 trong bệnh viện mà tuần trước Thủ tướng Boris Johnson từng cảnh báo đang làm tăng tính phức tạp của dịch bệnh.

    Trong một cuộc họp giao ban vào tháng trước về kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện, NHS đã cảnh báo với giám đốc các bệnh viện, rằng họ đã phát hiện 10-20% số bệnh nhân nội trú trong bệnh viện đã nhiễm Covid-19.

    Giám đốc các bệnh viện nói rằng nhân viên của họ đã vô tình lây nhiễm virus cho bệnh nhân, vì không đủ thiết bị bảo hộ cá nhân, hoặc không được xét nghiệm sàng lọc virus. Các bác sĩ nói rằng nhiễm trùng trong bệnh viện là vấn đề rất nguy hiểm và nhiều bệnh nhân nội trú đã chết sau khi nhiễm Covid-19.

    lay nhiem cheo trong benh vien anh
    Lây nhiễm chéo trong bệnh viện đang là vấn đề nhức nhối ở Anh. Ảnh: AP.

    “Nhiều bệnh nhân mà khoa của tôi điều trị là bệnh nhân nội trú trước khi có lệnh phong tỏa xã hội đã bị nhiễm virus và qua đời. Rõ ràng họ đã bị nhiễm Covid-19 từ nhân viên bệnh viện và các bệnh nhân khác”, một bác sĩ nói.

    Giám đốc NHS vẫn lo ngại về mức độ của vấn đề mà các bác sĩ gọi là lây nhiễm trong bệnh viện. Một nghiên cứu gần đây được NHS tiến hành trên các nhân viên trong một bệnh viện ở miền bắc nước Anh cho thấy 7% nhân viên bệnh viện mang virus, nhưng không có triệu chứng, kéo theo nguy cơ lây nhiễm rất cao cho bệnh nhân của họ.

    Tuần trước, Thủ tướng Johnson thừa nhận một số người đã chết sau khi nhiễm Covid-19 trong bệnh viện và mô tả vấn đề này là một bệnh dịch. Một số bác sĩ và chuyên gia y tế cảnh báo rằng NHS không có số liệu đáng tin cậy về lây nhiễm trong bệnh viện.

    Tuy vậy, cơ quan này đang ban hành một số hướng dẫn để giúp các bệnh viện ngăn ngừa lây nhiễm Covid-19. Một số chuyên gia tư vấn cao cấp về Covid-19 cho biết lây nhiễm chéo trong bệnh viện kéo theo nguy cơ mất an toàn đối với các bệnh nhân đang đến bệnh viện để phẫu thuật theo kế hoạch, khi NHS cố gắng trở lại hoạt động bình thường như trước đại dịch.

    Các bệnh nhân và nhân viên y tế bày tỏ sự lo lắng về rủi ro lây nhiễm chéo trong bệnh viện. NHS cần sớm có dữ liệu đầy đủ về lây nhiễm trong bệnh viện để ngăn ngừa lây lan và trấn an bệnh nhân cũng như nhân viên bệnh viện.

    Zing (theo Guardian)

  • Cục An toàn Công nghệ Quốc gia (NCSC) cho biết chỉ trong tháng trước, họ đã triệt phá hơn 2.000 vụ lừa đảo online liên quan đến coronavirus. Trong đó, có 471 shop online bán các vật tư y tế giả mạo (chẳng hạn khẩu trang...)

    Thông tin này được công bố cùng với các lời khuyên cảnh giác từ NCSC, đây là một phần trong chiến dịch tuyên truyền chống giả mạo toàn quốc.

    NCSC cũng công bố một dịch vụ report thông qua email, để người dân có thể báo cáo khi phát hiện những trường hợp đáng nghi.

    ban hang gia 1

    Nhiều website giả mạo (phishing) hoặc chứa mã độc (malware) đã bị đánh sập. Gần 900 vụ lừa đảo tiền lệ phí (advance-fee scam) bị phát hiện, trong đó nạn nhân được cam kết sẽ nhận một khoản tiền lớn sau khi đóng 1 khoản phí tham gia nhỏ.

    Bọn tội phạm đang lợi dụng việc mọi người sử dụng internet nhiều hơn trong mùa dịch để trục lợi. 

    ''Bọn tội phạm đang khai thác việc chúng ta sử dụng email, hội nghị video và các công nghệ khác để lừa đảo. Chúng dùng đại dịch để ngụy tạo và lừa đảo mọi người'', Bộ trưởng An ninh James Brokenshire nói.

    Người dân nên forward các email đáng ngờ về địa chỉ report@phishing.gov.uk. Một hệ thống tự động sẽ kiểm tra website và email này, đồng thời chặn các thành phần được kết luận là đáng ngờ. Các loại hình lừa đảo này luôn bắt đầu từ 1 email.

    Dịch vụ Report Email Đáng ngờ của NCSC cung cấp một cách giúp bạn report những tin nhắn lừa đảo. Vấn đề là người dùng không biết đó là trò lừa đảo.

    ban hang gia 1
    Giờ đây bạn có thể report thông tin giả đến chính phủ.

    Chẳng hạn chúng ngụy tạo một email từ WHO với lời lẽ gọn gàng súc tích, logo chính xác, chữ ký rõ ràng giống hệt một thông điệp do chính WHO gửi.

    Và nếu bạn tải bất cứ tài liệu nào từ email này (chẳng hạn lời khuyên giữ vệ sinh...), đồng nghĩa bạn đã trao cho hacker quyền kiểm soát dữ liệu tài chính cá nhân của bạn.

    NCSC khuyên người dân cảnh giác cao độ. Đừng download hoặc click vào bất cứ thứ gì trừ khi bạn biết rõ về người gửi. Nếu lời đề nghị là quá hời, quá tốt đến mức khó tin, thì chắc chắc đó là scam.

    Nhiều gã khổng lồ công nghệ cũng đã cam kết sẽ trừng trị việc lan truyền những thông tin sai sự thật liên quan tới Covid-19.

    Một số kẻ lừa đảo sau khi bị chặn bán hàng trên eBay và Amazon, đã chuyển qua sử dụng LinkedIn để bán hàng giả, đặc biệt là vật tư y tế.

    Viethome (theo BBC)

  • Sau 14 năm hoạt động, nhà hàng Việt được nhiều người yêu thích của ông Tuan Nguyen ở Chicago phải đóng cửa vì không trụ nổi qua đại dịch Covid-19. 

    Tuan Nguyen mở Simply It ở khu Lincoln Park, Chicago, bang Illinois vào tháng 5/2006. Ông mô tả những năm đầu tiên là "thời điểm vàng" khi công việc kinh doanh bùng nổ.

    "Đam mê của tôi là nhà hàng. Tôi yêu ẩm thực và thích nấu nướng", ông nói. Nhưng trên tất cả, ông yêu mến những thực khách tới đây và họ cũng quý ông. "Họ gọi tôi là chú Tuan nhỏ. Tôi là một người thấp bé".

    Tuy nhiên, từ năm 2012, doanh thu của nhà hàng sụt giảm dần, do một bệnh viện trẻ em cùng nhiều khách hàng của ông Tuan rời khỏi Lincoln Park đến quận Gold Coast. Khi Covid-19 bùng phát và khiến các nhà hàng ở Illinois sụt giảm tới 80% doanh thu, ông Tuan không còn lựa chọn nào khác ngoài đóng cửa Simply It.

    Ông hy vọng được trợ giúp bằng cách nộp đơn lên Chương trình Bảo vệ Tiền lương của chính phủ Mỹ, nhưng giấc mơ đã tiêu tan khi chương trình hỗ trợ vay gần 350 tỷ USD cho các doanh nghiệp nhỏ đã cạn kiệt chỉ trong hai tuần.

    "Thậm chí nếu Simply It vượt qua được đại dịch, tương lai cũng rất đáng sợ", ông nói. "Người Mỹ sẽ vật lộn để trả tiền thế chấp và chăm sóc cho gia đình họ, chẳng còn tiền đâu đi ăn nhà hàng. Ngành công nghiệp nhà hàng sẽ không còn như trước".

    simply it dong cua 1
    Ông Tuan Nguyen đứng bên ngoài nhà hàng Simply It, với biển thông báo đóng cửa. Block Club Chicago

    Ông Tuan đóng cửa Simply It vào ngày 30/4. "Rất buồn. Nó giống như một đứa con của tôi 14 năm qua", ông nói.

    Ông Tuan bước vào ngành công nghiệp nhà hàng bằng chân rửa bát trong 10 năm, trước khi chuyển tới Chicago và cùng các em mở Pasteur, một trong những nhà hàng Việt Nam đầu tiên ở thành phố này. Sau khoảng 20 năm, ông mới tách riêng ra mở Simply It.

    Nhà hàng này là nơi giấc mơ Mỹ của ông trở thành hiện thực.

    "Tôi rời Việt Nam tới Mỹ không một xu dính túi", ông nói. "Nhưng bây giờ, 45 năm sau khi ra đi, tôi rời khỏi Simply It và quay lại với cảnh không một xu dính túi".

    Khi Simply It tạm thời đóng cửa vào tháng trước do lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn nCoV lây lan, Bi Nguyen, một khách hàng lâu năm cảm thấy như "mất đi một mái nhà nhỏ".

    Anh tình cờ biết nhà hàng ấm cúng này khi đến Chicago công tác và trở thành khách hàng quen mỗi lần có dịp tới thành phố. Tuy nhiên, chính ông Tuan Nguyen, chủ của Simply It, mới là điều níu chân Bi.

    "Chú Tuan gọi món cho tôi và nhận ra tôi cũng là người Việt Nam, vì thế chú đã ngồi xuống cùng. Chúng tôi bắt đầu trò chuyện bằng tiếng Việt và chú đã cho tôi một cốc đồ uống miễn phí để mang về khách sạn", anh kể. "Năm ngoái, tôi chuyển tới Chicago và Simply It trở thành một ngôi nhà xa xứ đối với tôi".

    Câu chuyện của ông Tuan không phải là cá biệt trong ngành dịch vụ ăn uống, khi lệnh đóng cửa các cơ sở kinh doanh nhiều tuần qua vì đại dịch trở thành giọt nước tràn ly. Hiệp hội Nhà hàng Illinois ước tính 20% trong tổng số nhà hàng trên toàn bang có thể không bao giờ mở cửa trở lại do ảnh hưởng nặng nề của Covid-19. Doanh thu toàn bang giảm 80% và trong số gần 600.000 nhân viên nhà hàng ở Illinois, gần một nửa đã bị sa thải hoặc cho nghỉ phép.

    "Covid-19 đã hủy hoại giấc mơ của tôi", ông Tuan nói.

    Trong một lá thư gửi đến khách hàng được chia sẻ lên mạng, ông cho biết nhà hàng sẽ không bao giờ mở cửa lại và viết: "Cuộc sống sẽ ngày càng khó khăn hơn, nhưng những kỷ niệm đẹp sẽ cho tôi sức mạnh và can đảm để tiến về phía trước". 

    Ông ký tên là "Chú Tuan nhỏ", cái tên thân thuộc mà các khách hàng quen đã gọi ông nhiều năm qua.

    simply it dong cua 1
    Bi Nguyen (trái) và ông Tuan Nguyen. Ảnh: Block Club Chicago

    "Giống như tạm biệt một người bạn thân yêu", anh Bi nói. "Chú Tuan giống như một người cha ở thành phố này. Tôi vẫn sẽ gặp chú, nhưng không phải ở đây nếu không có Simply It".

    Simon Hyun, một khách hàng quen, đã quyên được 1.000 USD ủng hộ ông Tuan. 

    "Mọi người đều biết chú ấy và biết chú thân thiện thế nào", Hyun nói. "Tất cả chúng tôi ngưỡng mộ đạo đức làm việc và cách chú ấy nở nụ cười thật tươi khiến mọi người vui vẻ. Ít nhất đây là những gì chúng tôi có thể làm".

    Bà Ald. Michele Smith, ủy viên Hội đồng thành phố Chicago, một thực khách thường xuyên lui tới Simply It, cho hay nhà hàng là nơi tụ họp của cộng đồng Lincoln Park.

    "Chúng tôi thực sự sẽ nhớ ông ấy và muốn động viên mọi người đặt hàng từ các nhà hàng địa phương vì họ thực sự đang gặp khó khăn vào lúc này", bà nói.

    Đã hai tuần kể từ ngày đóng cửa Simply It, ông Tuan vẫn khóc khi nhìn đống bàn ghế xếp gọn trong nhà hàng. Ông dự tính quay lại làm việc ở Pasteur, giúp em dâu chèo lái nhà hàng qua đại dịch. Ông sẽ làm không lương vì Pasteur cũng đang gặp khó khăn tài chính.

    Ông đang dựa vào khoản trợ cấp thất nghiệp để thanh toán các hóa đơn và nuôi vợ cùng 3 con. Bà làm chủ một tiệm nail nhưng cũng đang đóng cửa do Covid-19.

    "Tôi đã mất khoản tiền đầu tư vào Simply It, nhưng ít nhất tôi cũng chia tay nhà hàng với những kỷ niệm đẹp và tình bạn tuyệt vời", ông nói.

    (Theo CBS Chicago, Block Club Chicago)

  • Hãng tin Reuters (Anh) cho biết Việt Nam đang nỗ lực hết mình để cứu sống bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng nhất, một phi công người Anh đang làm việc cho hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines.

    Thông qua hàng loạt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và cách ly xã hội, Việt Nam là quốc gia có số ca mắc thấp hàng đầu thế giới dù nằm sát ổ dịch Trung Quốc. Tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam chỉ có 312 trường hợp mắc Covid-19 với một nửa từ nước ngoài trở về. Việt Nam bước sang ngày thứ 29 không có ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng. Chưa có ai ở Việt Nam chết vì virus corona, Reuters cho biết.

    Hiện tại, Việt Nam đang nỗ lực hết sức để cứu mạng phi công 43 tuổi người Anh được biết đến với cái tên "bệnh nhân 91". Người này được xác định nhiễm virus khi tới một quán bar ở thành phố Hồ Chí Minh vào giữa tháng 3. Hơn 4.000 người có liên quan tới quán bar này đã được xét nghiệm Covid-19 với 18 trường hợp bị nhiễm.

    cuu phi cong anh

    Trong khi gần như tất cả những người khác đều đã khỏe trở lại, phi công người Anh đang lâm vào tình trạng nguy kịch với tình hình sức khỏe xấu đi đáng kể. Ngày 12/5, Bộ Y tế Việt Nam đã tổ chức cuộc họp với các chuyên gia từ những bệnh viện hàng đầu của đất nước và cho rằng ghép phổi là cách duy nhất cứu mạng phi công người Anh.

    Theo Reuters, tình trạng sức khỏe của người đàn ông 43 tuổi này đang rất được chú ý ở Việt Nam, quốc gia mà người dân dành rất nhiều sự ủng hộ cho Chính phủ trong công cuộc ngăn chặn Covid-19 lây lan. Hôm 14/5, Việt Nam ghi nhận 50 người, trong đó có một cựu chiến binh 70 tuổi, đăng ký hiến phổi cho phi công người Anh đang rất nguy kịch.

    "Chúng tôi cảm ơn lòng tốt của họ nhưng quy định hiện hành không cho phép chúng tôi ghép tạng từ những người còn sống khỏe mạnh cho bệnh nhân", Reuters dẫn lời một vị đại diện Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia trong cuộc phỏng vấn với báo Tuổi trẻ.

    Hiện tại, phổi của bệnh nhân người Anh chỉ còn 10% có thể hoạt động. Sự sống của bệnh nhân này hoàn toàn phụ thuộc vào máy móc. Tháng trước, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam cho biết thuốc hiếm dùng điều trị cho bệnh nhân này phải nhập từ nước ngoài để xử lý tình trạng đông máu của bệnh nhân.

    Việt Nam đã chi hơn 5 tỷ đồng, tương đương 200.000 USD để chữa trị cho bệnh nhân mang quốc tịch Anh.

    Cơ hội để cứu sống bệnh nhân nặng nhất vẫn còn. Vào tháng 3, truyền thông Trung Quốc cho biết họ thực hiện thành công một ca ghép phổi với bệnh nhân mắc Covid-19, một phương pháp được ca ngợi là quan trọng trong việc cứu mạng những bệnh nhân nặng nhất của virus corona.

    Theo Reuters, nếu cứu sống được bệnh nhân người Anh, Việt Nam sẽ tiếp tục củng cố vị thế của mình như là điểm đến an toàn cho kinh doanh và du lịch. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi các nhà sản xuất quốc tế đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình ra khỏi Trung Quốc, nơi khởi phát dịch Covid-19 đang làm hơn 4,36 triệu người mắc và 295.796 trường hợp tử vong trên toàn thế giới.

    Theo Tuổi Trẻ

  • Thứ trưởng Y tế Anh nói nước này có tỷ lệ chết do Covid-19 trên đầu người tương tự Pháp, Italy và Tây Ban Nha, song không cao như Bỉ.

    "Nếu nhìn vào tỷ lệ tử vong trên 100.000 hoặc một triệu người, thực tế chúng ta chỉ ở mức tương tự Pháp, Italy và Tây Ban Nha. Tỷ lệ này của Bỉ cao hơn, còn của Mỹ thấp hơn Anh", Thứ trưởng Y tế Anh Edward Argar nói với Sky News hôm 14/5. "Số liệu thống kê khác nhau có thể được miêu tả theo những cách khác nhau".

    Tuyên bố của Argar được đưa ra trong bối cảnh Anh trở thành vùng dịch chết chóc nhất châu Âu khi ghi nhận hơn 40.000 người chết do nCoV trong gần 230.000 ca nhiễm. Bỉ hiện ghi nhận gần 54.000 ca nhiễm và hơn 8.800 người chết do nCoV.

    Tỷ lệ tử vong trên một triệu người của Bỉ, quốc gia có hơn 11,4 triệu dân, là 774,2. Trong khi đó, tỷ lệ này của Anh, quốc gia có gần 66,5 triệu dân, là 499,12. Tỷ lệ của Tây Ban Nha là 580,09, của Italy là 514,73, còn của Mỹ là 256,76.

    ElephantandCastleGettyImages 847234214

    Thủ tướng Anh Boris Johnson hồi đầu tuần công bố kế hoạch nới lỏng theo từng giai đoạn các biện pháp hạn chế để ngăn Covid-19 sau hơn 6 tuần áp lệnh phong tỏa. 

    Bắt đầu từ tuần này, chính phủ Anh sẽ "tích cực khuyến khích" mọi người quay trở lại làm việc nếu công việc của họ không thể làm từ xa, như sản xuất hoặc xây dựng.

    Người dân cũng được phép tập thể dục ngoài trời không giới hạn từ ngày 13/5. Họ có thể tham gia các môn thể thao nhiều người như đánh golf, tennis và câu cá, miễn là những người đi cùng đều là thành viên trong một gia đình.

    Trong giai đoạn thứ hai, Johnson cho biết một số loại hình kinh doanh không thiết yếu có thể nối lại hoạt động, trong khi trẻ em có thể bắt đầu trở lại trường học sớm nhất từ ngày 1/6.

    Covid-19 đã xuất hiện tại hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ sau khi khởi phát từ Vũ Hán hồi tháng 12/2019. Toàn cầu hiện ghi nhận hơn 4,4 triệu ca nhiễm và gần 300.000 người chết do nCoV.

    VnExpress (theo Reuters)

  • duong lao anh
    Ít nhất 20.000 người đã chết vì Covid-19 trong các viện dưỡng lão ở Anh và xứ Wales. Ảnh: EPA

    Ít nhất 20.000 người đã chết vì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) trong các viện dưỡng lão ở Anh và Xứ Wales, theo tính toán của hãng tin Reuters dựa trên số liệu chính thức.

    Theo dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS), trong 8 tuần tính đến ngày 1-5, có khoảng 37.627 người qua đời ở các nhà dưỡng lão tại Anh và xứ Wales vì nhiều nguyên nhân.

    Dựa trên sự so sánh số ca tử vong trung bình hàng tuần tại các nhà chăm sóc người cao tuổi trong cùng kỳ hơn 5 năm qua, hãng tin Reuters ước tính số ca tử vong vượt mức đã lên tới hơn 19.900 ở Anh và xứ Wales.

    Tổng số ca tử vong này không bao gồm hàng trăm trường hợp tử vong ở Scotland và những ca tử vong tính từ ngày 1-5 đến nay. Những bệnh nhân trong các viện dưỡng lão được chuyển đến bệnh viện và qua đời tại đây cũng không được tính vào thống kê này.

    Việc so sánh số trường hợp tử vong vượt quá tỉ lệ tử vong trung bình được các nhà thống kê nhận xét là cách chính xác nhất để đánh giá hậu quả của đại dịch Covid-19, bao gồm các trường hợp tử vong trực tiếp do Covid-19 hoặc các trường hợp tử vong gián tiếp do giảm dịch vụ chăm sóc dành cho các vấn đề sức khỏe khác.

    Tổng số ca tử vong do dịch Covid-19 tại Vương quốc Anh hiện vượt mức 40.000. Cho đến nay, đây là con số tồi tệ nhất được ghi nhận tại châu Âu, làm dấy lên hoài nghi về cách xử lý dịch bệnh của Thủ tướng Boris Johnson.

    Trong khi những cách tính khác nhau khiến cho việc so sánh giữa các quốc gia trở nên khó khăn, thì số liệu nói trên cho thấy Anh là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc khủng hoảng đại dịch đã cướp đi hơn 290.000 sinh mạng trên toàn cầu.

    Các số liệu được công bố một ngày sau khi ông Johnson vạch ra kế hoạch dần mở cửa lại nước Anh, bao gồm khuyến cáo làm khẩu trang tự chế, bất chấp những nỗ lực dỡ bỏ phong tỏa gây nhầm lẫn.

    Số người chết cao ở Anh do Covid-19 làm gia tăng áp lực lên Thủ tướng Johnson. Các đảng đối lập ở Anh chỉ trích ông Johnson quá chậm để thực thi lệnh phong tỏa, xét nghiệm hàng loạt và chậm trong việc cung cấp các thiết bị bảo hộ đầy đủ cho các bệnh viện.

    NLD (theo Reuters)

  • Minh Trí, người Việt 26 tuổi làm việc trên tàu của Hà Lan, mong muốn được về nước khi tàu phải lênh đênh ngoài khơi Panama tránh Covid-19.

    "Hơn hai tháng nay tôi không được lên bờ, do công ty quản lý yêu cầu tất cả thuyền viên ở trên tàu để phòng Covid-19", Trí nói với VnExpress qua email gửi từ tàu hàng đông lạnh của Công ty Seatrade, Hà Lan, ngày 12/5. 

    Trí, sĩ quan boong, cho biết tàu đang neo ngoài khơi Panama, chờ lệnh của chủ. Điểm cuối cùng anh được tự do đi lại là ở Bremen, Đức, vào cuối tháng 2/2020. Sau đó tàu không cập cảng ở nước ngoài, dù đi qua Tây Ban Nha, Australia, Bắc Mỹ.

    "Hiện chúng tôi vẫn chưa có hải trình tiếp theo", Trí nói. Anh là người Việt duy nhất trong 14 thủy thủ trên khoang.

    0 tau vien duong
    Một tàu hàng của Seatrade. Ảnh: Seatrade.

    Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc từ cuối 2019. Dịch hiện lan tới hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến gần 298.000 người chết, hơn 4,4 triệu ca nhiễm. Dịch bệnh đã khiến nhiều người mắc kẹt trên các tàu và du thuyền. 

    Trên tàu ngoài khơi Panama, Trí và các đồng nghiệp được đảm bảo đủ thực phẩm, có các hình thức giải trí như thư viện, hồ bơi, phòng tập và thiết bị điện tử. Tuy nhiên, họ thiếu đồ dùng cá nhân và thuốc men, do không được lên bờ mua sắm. Không có internet thường xuyên, Trí thỉnh thoảng sử dụng modem phát wifi để xem thông tin và liên hệ với gia đình.

    Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành hàng hải ở Hà Lan, Trí đã có hơn ba năm kinh nghiệm làm việc trên tàu viễn dương. Anh bắt đầu làm việc trên tàu của công ty Seatrade từ tháng 10/2019, nhập tàu tại cảng Dunkirk, Pháp. 

    Theo kế hoạch, Trí kết thúc hợp đồng trên tàu vào tháng 2/2020. Anh muốn về quê ở Vũng Tàu nên chọn phương án rời tàu và tự chịu chi phí lưu trú trên bờ. Hiện Trí có visa dành cho thủy thủ nhưng visa này không có hiệu lực trên bờ nếu anh chấm dứt hợp đồng với chủ tàu. Do đó, Trí cần có visa khác để nhập cảnh ở điểm dừng tiếp theo của tàu.

    Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) khuyến cáo chính phủ các nước có thuỷ thủ làm việc trên các tàu ở nước ngoài liên lạc với chính phủ và cơ quan chức năng liên quan để hỗ trợ công dân hồi hương. Các thủy thủ cần được miễn trừ hạn chế đi lại khi họ cung cấp đủ giấy tờ; được các hãng hàng không đảm bảo điều kiện bảo vệ sức khỏe và hành trình về nước. 

    Trong khi đó, Uỷ ban châu Âu (EC) đề nghị các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tạo thuận lợi để công dân của khu vực này và công dân nước thứ ba đang làm việc trên các tàu ở nước ngoài có visa dài hạn trong quá trình hồi hương, không bị hạn chế đi lại khi Covid-19 lan rộng. EC thống kê đầu tháng 4/2020, gần 600.000 thủy thủ từ nhiều nước làm việc trên các tàu của EU.

    Theo quy định, Trí sẽ được công ty trả tiền vé cho chặng bay từ cảng nước ngoài về Đông Nam Á. Tuy nhiên, anh chưa biết khi nào và ở đâu có chuyến bay thương mại về Việt Nam. Trí cũng biết tin một số bạn bè gặp hoàn cảnh tương tự. 

    Từ giữa tháng 4, khi các nước trên thế giới dừng chuyến bay thương mại để chặn Covid-19, Việt Nam đã phối hợp với một số quốc gia để tổ chức các chuyến bay đưa công dân hồi hương. Đến nay hàng nghìn người Việt đã về nước, sau khi bị kẹt ở các nước Mỹ, Canana, Pháp, Anh, Italy, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, UAE, Nga.

    "Tôi rất mong các cơ quan chức năng Việt Nam hỗ trợ lãnh sự, để tôi và các thủy thủ kẹt trên các tàu viễn dương khác, có thể sớm về nước", Trí nói. 

    Theo VnExpress

  • Một kiến nghị tại xứ Anh (England) của sinh viên đòi các trường đại học giảm hoặc hoàn lại học phí năm nay vì các khoá học bị gián đoạn bởi dịch Covid-19 'đã không được lắng nghe'.

    Kiến nghị do nữ sinh viên Sophie Quinn thu hút 330,000 chữ ký, và được chuyển đến Ủy ban Kiến nghị của Hạ viện Anh (House of Commons Petitions Committee).

    Tuy nhiên, theo BBC News, các đại học Anh nói với nghị viện rằng họ “đang gặp khó khăn kinh tế nghiêm trọng” nên việc trả lại học phí đã nhận của sinh viên “sẽ đặt nhiều trường vào tình thế nguy cấp về tài chính”.

    dai hoc anh boi hoan tien 1
    Các trường đại học ở Anh đóng cửa trong thời gian lệnh phong tỏa được áp dụng trên toàn quốc

    Chỉ tịch của UK Universities, tổ chức đại diện các trường đại học Anh, bà Julia Buckingham nói: "Các đại học đang làm tất cả có thể được để sinh viên đạt kết quả học tập họ cần.”

    Nhưng sinh viên Sophie Quinn thì nói với Ủy ban của Hạ nghị viện Anh qua video rằng sinh viên “thất vọng nặng nề” trước cách giảng dạy qua mạng hiện nay.

    Cô cho rằng dạy 'online' không xứng đáng với chi phí sinh viên bỏ ra.

    Học phí cho sinh viên Anh và EU đến nay là gần 10 ngàn bảng Anh một năm. Sinh viên nước ngoài, từ châu Á, như Trung Quốc, Việt Nam, Singapore...trả nhiều hơn, tùy môn, và tùy trường.

    Theo BBC News Tiếng Việt tìm hiểu, một số đại học tại London vẫn giao bài qua mạng cho sinh viên tại Anh và cả những sinh viên nước ngoài hiện về quê hương tạm thời “lánh dịch Covid-19”.

    Các khóa trên mạng cần hoàn tất đến cuối tháng 6 năm nay, nhưng chương trình học không “phủ sóng” các bộ môn cần tiếp xúc, làm bài trực tiếp trong phòng thí nghiệm khoa học hoặc trong phòng tập, phòng vẽ cho các môn nghệ thuật.

    Theo BBC News, sinh viên đại học tại England sẽ vẫn phải trả học phí toàn phần dù học được dạy qua mạng internet.

    Thứ trưởng giáo dục chuyên trách về đại học, bà Michelle Donelan nói “chúng tôi không tin rằng sinh viên có quyền nhận tiền hoàn lại học phí nếu chất lượng học vẫn tốt”.

    Điều đáng nói là ngành đại học Anh xin chính phủ trợ cấp 2 tỷ bảng nhưng bị bác đơn.

    Sinh viên nước ngoài thì sao?

    Các đại học Anh cũng cảnh báo rằng nếu sinh viên nước ngoài không quay lại hoặc quay lại ít hơn trước vì virus corona, đại học Anh sẽ gặp khó khăn nghiêm trọng.

    Theo BBC News Tiếng Việt tìm hiểu thì hiện nhiều sinh viên Trung Quốc và Việt Nam vẫn chưa trở lại Anh sau khi rời đi vì dịch Covid-19 và lệnh phong tỏa.

    Một số nhỏ ở lại các khu ký túc xá (campus) chỉ mở cửa hạn chế, theo cách cho những ai đã trọ bên trong có bảo vệ, thường trực và các dịch vụ tối thiểu.

    Jin Yang, một sinh viên Trung Quốc đã về nước chia sẻ với bạn bè trên mạng WeChat rằng cô cảm thấy thất vọng về nước Anh.

    dai hoc anh boi hoan tien 1
    Có thể có tới 1.200 công ăn việc làm tại các trường đại học của Anh sẽ bị đóng do ảnh hưởng của Covid-19, theo một phân tích mới đây.

    Cho đến nay, các chuyến bay từ Trung Quốc sang Anh vẫn duy trì, nên không có vấn đề cho những người có visa sinh viên quay lại Anh nhưng Jin Yang không tính việc quay lại vội.

    Ngược lại, theo cô, vẫn có các bạn sinh viên muốn về Trung Quốc, ít ra cho đến lúc hết hè năm nay rồi tính tiếp.

    Tình hình là giá vé để ai muốn rời London bay về Bắc Kinh, Thượng Hải đều tăng cao chóng mặt, có rất ít chuyến, và hành khách về TQ phải cách ly chống dịch Covid-19.

    Hôm 22/04, báo The Guardian ở Anh có bài nói Hiệp hội Sinh viên Anh (NUS) cho rằng việc dạy qua mạng (online courses) gây thất vọng cho nhiều sinh viên vì “chất lượng không đều”.

    Bài báo cũng cho hay vẫn còn khá nhiều sinh viên Anh và nước ngoài “trụ lại ở ký túc xá” và cảm thấy bị cô đơn.

    Các lễ tốt nghiệp đều đã bị hủy cho những sinh viên ra trường năm nay. NUS công bố một điều tra với 10 nghìn sinh viên và nghiên cứu sinh trên cả nước Anh nói rằng tới 85% người phải làm thêm để tồn tại và theo đuổi việc họ, nay gặp khó khăn tài chính.

    Các việc làm thêm của họ, trong trường hay ở bên ngoài đều chấm dứt cùng đợt phong tỏa từ cuối tháng 3/2020.

    Tính đến tuần đầu tháng 5/2020, chính phủ Anh chưa đưa ra quyết định là niên khóa mùa thu năm nay cho đại học sẽ chính thức mở lại như bình thường vào tháng và 10 hay muộn hơn.

    Công bố nới lỏng một chút lệnh phong tỏa (lockdown) mà Thủ tướng Boris Johnson đưa ra hôm 10/05 chỉ mới nhắc tới trường tiểu học và trung học.

    Các đại học vì thế cho đến nay vẫn tạm coi là họ sẽ mở lại đúng hạn vào mùa thu nhưng điều chắc chắn sẽ là dạy qua mạng, chừng nào chưa có quyết định mới.

    Theo BBC News Tiếng Việt

  • Nhân viên tại phòng vé của 1 nhà ga ở London đã có kết quả dương tính với Covid-19 sau khi bị nhổ nước bọt, bà qua đời sau đó, bỏ lại cô con gái 11 tuổi.

    Mới đây, CNN đưa tin, người phụ nữ người Anh tên Belly Mujinga (47 tuổi) đã tử vong vì Covid-19. Điều đáng nói, nguyên nhân khiến cô mắc căn bệnh này lại là do bị 1 người đàn ông nhổ nước bọt vào người khi đang làm nhiệm vụ.

    ga victoria 2
    Bà Mujinga tử vong sau khi bị khách nhổ nước bọt vào người. (Ảnh: Daily Mail)

    Người phụ nữ tử vong vì Covid-19 sau khi bị nhổ nước bọt vào người

    Được biết, Mujinga là nhân viên phòng vé tại nhà ga Victoria, London. Ngày 22/3, tại phòng chờ nhà ga, một vụ tấn công đã xảy ra. Một người đàn ông tuyên bố rằng mình bị nhiễm virus Corona, ông này cũng liên tục nhổ nước bọt và ho vào mặt Mujinga cùng đồng nghiệp của cô, theo CNN.

    Vài ngày sau vụ tấn công, cả 2 nhân viên phòng vé đã ngã bệnh. Hiệp hội nhân viên vận tải (TSSA) cho biết, ngày 2/4, tức 11 ngày sau vụ việc, Mujinga đã được đưa đến Bệnh viện Barnet và phải đặt máy thở với tình trạng nghiêm trọng.

    Tuy nhiên, 3 ngày sau, người phụ nữ này không may tử vong. Trong khi đó, đồng nghiệp của cô đã qua khỏi. Sự ra đi của Mujinga khiến nhiều người vô cùng bất ngờ. Người phụ nữ xấu số ra đi đã bỏ lại cô con gái nhỏ 11 tuổi. 

    Bồi thường cho nhân viên tiền tuyến

    Agnes - một đồng nghiệp của Mujinga đã chia sẻ trên The Guardian: "Chúng tôi muốn tìm công lý cho Belly. Họ cần tìm ra người đã làm lây lan dịch bệnh. Và công ty nên bồi thường cho gia đình, con gái của cô đã không còn mẹ nữa. Họ nên bảo vệ những người còn lại".

    TSSA cũng đã báo cáo vụ việc với Thanh tra Đường sắt, cơ quan an ninh của Văn phòng Đường bộ và Đường sắt (ORR) để điều tra vụ việc. Tổng thư ký TSSA, ông Manuel Cortes nói: "Chúng tôi thực sự bất ngờ trước cái chết của Belly. Cô ấy là một trong số rất nhiều nhân viên tuyến đầu đã mất mạng vì virus Corona".

    Ngoài ra, TSSA cũng kêu gọi Chính phủ thực hiện các biện pháp bổ sung để bồi thường và bảo vệ cho những nhân viên ngành đường sắt khi vẫn phải tiếp tục công việc trong thời gian khó khăn này.

    Trước tình hình dịch bệnh diễn ra căng thẳng, câu chuyện của Mujinga mới chỉ là một trong nhiều trường hợp đáng buồn khác. Bởi vậy, nhiều người dân tại đây cho rằng, thay vì nói về việc nới lỏng lệnh cách ly, trước tiên chính phủ Anh phải đảm bảo các biện pháp phòng ngừa và bảo vệ đúng đắn.

    Thể thao & Văn hóa (theo CNN)