• Một nhà hàng của người Việt tại Pháp đã gửi tặng bệnh viện Kremlin Bicetre (Paris) hơn 100 suất bánh mì Việt Nam nhằm hỗ trợ các y bác sĩ trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

    banh mi viet nam 5

    Tính tới hết ngày 11/4, Pháp là 1 trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19, với 124,869 người nhiễm bệnh và 13,197 người tử vong. Hệ thống y tế của Pháp đang chịu gánh nặng lớn trong khi đội ngũ y bác sĩ bị quá tải, phải làm việc liên tục để chữa trị, cứu sống tính mạng người bệnh.

    Giữa bối cảnh đó, một nhà hàng của người Việt tại Pháp đã có sự ủng hộ quý báu dành cho các nhân viên y tế thuộc bệnh viện Kremlin Bicetre (tại thủ đô Paris, Pháp), một trong những bệnh viện tuyến đầu đang trực tiếp chống chọi với đại dịch ở Pháp.

    banh mi viet nam 5

    Chị Nguyễn Phương Anh, chủ nhà hàng Bún Mì ở Paris cho biết đã tự tay chuẩn bị từng nguyên liệu, cùng các nhân viên cửa hàng làm hơn 100 chiếc bánh và đóng gói gọn gàng để gửi tặng các y bác sĩ.

    "Đợt này, nhà hàng phải đóng cửa theo chỉ thị của chính phủ Pháp từ ngày 15/3. Dù không có doanh thu, gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề nhân viên, chi phí vận hành nhưng nghĩ lại tôi thấy mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người," chị Phương Anh chia sẻ.

    banh mi viet nam 5

    "Tôi rất khâm phục lực lượng bác sĩ, cảnh sát, những người đang chiến đấu trên tuyến đầu phòng chống dịch nên muốn đóng góp một chút tâm huyết của mình. Dù cửa hàng còn nhiều món ăn ngon và thuần Việt khác, nhưng tôi muốn chọn bánh mì vì đây là món ăn yêu thích và là biểu tượng của Việt Nam với bạn bè quốc tế".

    banh mi viet nam 5

    Kể về công đoạn chuẩn bị nguyên liệu, chị Phương Anh cho biết chị đã quyết định làm bánh mì gà nướng sả bởi đây là món ăn được khách hàng ưa chuộng và gọi nhiều nhất. Ngoài ra, một phần lí do cũng bởi thịt gà dễ ăn và hợp khẩu vị nhiều người hơn những loại thịt khác. Việc lọc thịt gà, làm nguyên liệu bánh mì hết khoảng 7-8 tiếng nhưng vẫn "dễ thở" hơn những công đoạn khác.

    banh mi viet nam 5
    Nguyễn Phương Anh, chủ nhà hàng món ăn Việt Nam tại Pháp. Ảnh: NVCC

    "Khó khăn nhất là lúc đi mua sắm. Ở Paris, ra ngoài phải khai báo giấy tờ đầy đủ. Các cửa hàng đóng cửa hết, chợ châu Á thì mở theo khung giờ nhất định nên tôi phải tranh thủ đi sớm, xếp hàng rất lâu mới tới lượt để vào trong mua đồ," chị Phương Anh nói.

    "Việc xin giấy tờ để được cấp phép mang đồ ăn đến tài trợ cho bệnh viện cũng rất phức tạp. Tôi phải gửi email đi nhiều bệnh viện khác nhau và chờ để được hướng dẫn thủ tục. Để được thông qua, Bún Mì cần phải đảm bảo được 3 tiêu chí.

    banh mi viet nam 5

    Thứ nhất, đây là nhà hàng hoặc cơ sở kinh doanh được cấp phép. Thứ hai, nhà hàng phải đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Thứ ba, phải được bệnh viện cấp phép mới được đưa đồ ăn vào".

    Những nỗ lực và cống hiến của nhà hàng đã được bệnh viện Kremlin Bicetre ghi nhận. Sau khi hơn 100 chiếc bánh mì tới tận tay các y bác sĩ, bệnh viện đã nhiều lần gọi điện và gửi lời cảm ơn hành động ý nghĩa của nhà hàng.

    "Dù không phản hồi về bánh mì, nhưng các bác sĩ Pháp cho biết rất biết ơn và quý trọng tình cảm của người Việt Nam," chị Phương Anh xúc động kể lại.

    Chị Phương Anh cũng cho biết, đợt đóng góp này chỉ là "thử nghiệm" trước khi kêu gọi các nhà hàng Việt Nam tại Pháp và các doanh nghiệp Pháp cùng tham gia đóng góp với quy mô lớn hơn.

    "Để yêu thương lan tỏa yêu thương, tôi sẽ cố gắng hết sức thực hiện kế hoạch này," chị Phương Anh khẳng định.

    Theo Nhịp Sống Việt

  • Ông Phạm Trường Giang - tổng lãnh sự Việt Nam tại Frankfurt/Main - cho biết người tử vong là ông Nguyễn Đức Sơn, sinh năm 1962, quê Bến Tre. Trước đó ông Sơn đã bị lây bệnh COVID-19 từ vợ.

    covid 19 15866562178891611574833
    Nhân viên y tế lấy dịch mũi họng một phụ nữ ở Munich, Đức để tầm soát COVID-19 hôm 11-3- Ảnh: REUTERS

    Ngày 11-4, một người Đức gốc Việt đã qua đời tại bang München do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp - COVID-19. Đây có thể là trường hợp người gốc Việt ở Đức đầu tiên tử vong do nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2).

    Đại sứ quán Việt Nam tại Đức cũng như Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt/Main đã xác nhận thông tin trên, đồng thời đã cử đại diện thăm hỏi gia quyến cũng như trao đổi về các bước tiếp theo.

    Ông Phạm Trường Giang - tổng lãnh sự Việt Nam tại Frankfurt/Main - cho biết người tử vong là ông Nguyễn Đức Sơn, sinh năm 1962, quê quán tại xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Trước đó, ông Sơn đã bị lây bệnh COVID-19 từ vợ.

    Liên quan tình hình dịch ở Đức, tính đến 20h ngày 11-4 theo giờ Đức, trên cả nước Đức đã ghi nhận gần 123.900 ca dương tính với SARS-CoV-2, trên 58.200 ca khỏi bệnh và 2.736 ca tử vong. 

    Đã có nhiều dấu hiệu cho thấy số ca nhiễm mới bắt đầu giảm ở Đức trong vài ngày qua, tuy nhiên lãnh đạo nhiều bang ở Đức vẫn phản đối việc sớm nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội hiện nay. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng khẳng định sẽ không có nới lỏng giãn cách xã hội cho tới ít nhất ngày 19-4 tới.

    Y bác sĩ được giới thiệu và hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị được trang bị trên xe ông Sơn đã rời nhà từ ngày 18-3 và ngày 19 nhằm đảm bảo công tác cấp cứu người bệnh.

    Ngày 16/3 theo giờ Mỹ tại thành phố Seattle thuộc bang Washington, một phụ nữ gốc Việt sinh năm 1946 đã tử vong. 

    Người này được phát hiện có dấu hiệu nhiễm virus SARS-CoV-2 trong một trại dưỡng lão ngày 9/3, sau đó được đưa vào một trung tâm y tế xét nghiệm và có kết quả dương tính. Bệnh nhân tử vong sau một tuần nhập viện. 

    Bệnh nhân gốc Việt thứ hai là một người cao tuổi khiếm thị, sống tại một viện dưỡng lão cũng ở tiểu bang Washington. Bệnh nhân có dấu hiệu sốt từ thứ 5 tuần trước và sau đó có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Mặc dù bệnh nhân đã được chuyển đến bệnh viện để chữa trị nhưng qua đời sau đó 24 giờ.

    Đây được xem là 2 ca người Việt đầu tiên tử vong trên toàn thế giới, kể cả ở Việt Nam.

    Theo Tuổi Trẻ

  • Phủ Thủ tướng cho biết ông Boris Johnson đã tiến triển rất tốt trong quá trình hồi phục từ căn bệnh Covid-19. 

    Hôm nay ông đã tạm gác những trăn trở về công việc để chơi game và xem phim trong bệnh viện, tuy nhiên, chưa biết khi nào thì ông được xuất viện. 

    Các phim Thủ tướng đã xembao gồm Withnail And I và 3 tập phim Lord Of The Rings. Ông cũng chơi sudoku.

    thu tuong anh 04145978

    Hôn thê của Thủ tướng, cô Carrie Symonds đã đều đặn gửi thư hàng ngày cho ông kèm ảnh scan đứa con sắp chào đời của 2 người, để giúp ông bớt căng thẳng trong thời gian điều trị ở phòng chăm sóc đặc biệt. 

    Cặp đôi chưa được gặp nhau kể từ khi ngài Thủ tướng nhập viện cách đây gần 1 tuần. Cô Symonds dự sinh vào 2 tháng nữa. 

    Sau khi được ra khỏi phòng chăm sóc đặc biệt vào hôm 9/4, ông Johnson đã có thể đi bộ những quãng ngắn.  

    "Thủ tướng có thể đi bộ được đoạn ngắn, giữa các quãng nghỉ. Điều này cho thấy ông ấy đang dần bình phục sau khi nhận được sự hỗ trợ từ đội ngũ y tế. Ông ấy đã nói chuyện được với bác sỹ của mình và cảm ơn toàn bộ đội ngũ y tế vì sự chăm sóc tuyệt vời mà ông ấy nhận được", Người phát ngôn Phủ Thủ tướng Anh cho hay. 

    Mới đây, Max Johnson, em cùng cha khác mẹ của Thủ tướng Anh, nói anh trai mình không được khám bệnh sau khi nhiễm nCoV nhiều ngày, nhưng Phố Downing bác bỏ.

    Max Johnson, 34 tuổi, hôm nay cho hay anh cảm kích vì sự chăm sóc mà anh trai mình, Thủ tướng Boris Johnson, nhận được từ Cơ quan Y tế Quốc gia, song chỉ trích những gì ông trải qua trước khi nhập viện.

    max johnson
    Max Johnson

    "Theo những gì tôi nắm được, không ai gọi bác sĩ khám cho anh ấy suốt hơn 10 ngày", Max Johnson nói. "Anh ấy dương tính nCoV nên không có gì phải nghi ngờ về những vấn đề anh ấy sẽ gặp phải. Tôi chỉ có thể dùng từ 'hỗn loạn' để mô tả". 

    "Có nhiều vệ sĩ để làm gì khi không có lấy một bác sĩ. Văn phòng Thủ tướng cần được bảo vệ tốt hơn", Max nói thêm.

    Đáp lại những cáo buộc trên, Văn phòng Thủ tướng Anh ở Phố Downing nói rằng sức khỏe của ông Johnson là "vấn đề riêng tư" và việc ông không được bác sĩ khám là "không chính xác".

    Max cho biết anh đã "bớt căng thẳng" khi thấy anh trai hồi phục và hy vọng Thủ tướng có thể nghỉ ngơi để hồi phục hoàn toàn. Anh cũng cho rằng đại dịch Covid-19 là lời nhắc nhở về sự cần thiết phải đảm bảo tất cả nhân viên tuyến đầu, gồm nhân viên y tế, cảnh sát, tài xế và nhân viên chăm sóc, được tiếp cận với thiết bị bảo hộ phù hợp và được xét nghiệm.   

    Viethome (theo SkyNews)

  • Một đoạn clip đang được lan truyền mạnh mẽ trên mạng với mục đích lên án shop nails Việt ở Prestatyn (gần Liverpool), Anh Quốc - vẫn mở cửa làm khách dù chính phủ đã ra lệnh phong tỏa, bắt đóng cửa.

    Đoạn clip chỉ có 14 giây nhưng không nhìn rõ khách hàng trong tiệm. 

    Đoạn status của 1 người dùng có tên Heather Reynolds

    "XXX (VietHome đã xoá tên tiệm) ngang nhiên tự đưa ra các quy định của riêng mình. 3 cuộc gọi tới cảnh sát địa phương và họ vẫn được phép mở cửa, nhận tiền của khách hàng. Và thêm nữa, PETER - chủ cửa tiệm này cho biết anh ta đi từ Liverpool xuống đây cùng vài người thợ để làm cho khách. Thật phẫn nộ khi các tiệm nail, tiệm tóc và làm đẹp khác phải đóng cửa vào lúc này. Quá đáng xấu hổ PETER ạ. Tôi cho rằng anh nên quyên góp số tiền đó cho NHS vì anh không xứng để nhận chúng. "

    nguoi dung fb 01

    Đoạn status được đăng tải bởi người dùng Heather Reynolds

    Đoạn video đã thu hút được hơn 16k lượt xem, 650 lượt chia sẻ và hơn 500 lượt bình luận tại thời điểm VietHome viết bài. 

    Lập tức người dùng ở vùng Prestatyn đã nhảy vào chỉ trích shop này cũng như các thợ nails đã bất chấp nguy hiểm tính mạng của mọi người và vẫn mở cửa. Mọi người cùng kêu gọi tẩy chay shop nails này.

    VietHome ghi nhận có gần 20 người vào trang Facebook của shop này và đánh giá 1 sao cùng với nhiều lời bình luận bất bình về sự việc.

    review tiem nail

    Nhiều người đã vào Facebook của tiệm nails trên để bày tỏ sự bất bình trước sự việc, và đánh giá 1 sao 

    Tuy nhiên, khi VietHome tìm hiểu kĩ hơn về đoạn clip, thì câu chuyện này chưa dừng lại ở đó. Người quay và đăng clip đó lên là chủ của 1 tiệm nails ở ngay cạnh đó - chỉ cách có 0.3 mile. (6 phút đi bộ) .

    Nhiều người dùng FB sau đó có vào bình luận cho rằng  đoạn clip trên cho thấy có 1 vài người đang ở trong shop nails, nhưng không chỉ rõ là có khách hay không. Hình ảnh quá kém nên chưa thể khẳng định là chủ shop hay thợ mở cửa để làm khách hay để dọn dẹp. 

    Theo chủ của video này, Heather Reynolds - thì tiệm đó định làm 10 khách ngày hôm đó và chính chủ shop tên Peter đã nói như vậy với chồng của cô. Nhưng khi bị hỏi về bằng chứng, thì cô này không trả lời lại. 

    Còn về phía chủ shop của tiệm, người này giải thích rằng: "Hôm đó mình có tới shop để lấy thư từ quan trọng, tiện thì dọn dẹp qua shop luôn. Lúc sau có 2 khách Tây vào hỏi làm nails nhưng shop mình từ chối làm. Sau đó họ có xin khẩu trang thì mình tặng cho họ, họ đòi trả tiền nhưng mình không nhận. Mình có đứng nói chuyện 1 tẹo với họ thôi. Tuy nhiên, có 2 vợ chồng người Tây khác đi qua họ thấy mình mở shop nên mới quay video lại. Họ gọi điện cho cảnh sát nhưng khi tới thì mình có giải thích là không có làm việc, chỉ là dọn dẹp nên cảnh sát không làm gì cả. Vậy mà cặp đôi kia đăng video không rõ ràng lên mạng, và tạo nên 1 câu chuyện hoàn toàn khác làm người dân quanh khu đó hiểu nhầm"

    Còn dưới đây là thông báo chính thức từ Facebook của tiệm nails nói trên: (Có vẻ như chủ tiệm copy lại đoạn văn của 1 người dùng "thông thái" nào khác để thanh minh sự việc) : 

    "Tôi nghĩ có sự hiểu lầm ở đây. Điều đầu tiên rằng, trong đoạn video đó không có khách trong tiệm. Tôi chỉ thấy có nhân viên thôi. Họ đang dọn dẹp, hãy nhìn xuống dưới đất phía ngoài cửa shop đang bị ướt. Biển hiệu của shop cũng đặt bên trong và có thông báo trên cửa sổ. Có nhiều khả năng xảy ra, nhưng tôi có thể nói rằng: có thể họ cần phải dọn dẹp shop, có thể họ cần lấy thư của council, sở thuế, giấy tờ quan trọng hoặc có thể họ tới để lấy đồ dùng cá nhân và đã được hẹn trước vào 1 ngày - đó là ngày hôm nay. Vì vậy làm ơn đừng phán xét và hãy gỡ bỏ các bài đó xuống (và để những người khác biết được sự thật ) bởi vì bạn đang làm ảnh hưởng trầm trọng tới uy tín của shop . 

    Cập Nhật Mới: Chủ shop đã xác nhận là họ tới để lấy thư và dọn dẹp. Có khách vào hỏi nhưng họ không làm và chỉ tặng khẩu trang. Cảnh sát có tới nhưng không bị làm sao cả. "

     

    thong bao tu tiem nail viet

    Đoạn thông báo do shop đăng lên

    Tại thời điểm VietHome sắp hoàn thành bài viết này thì đã có thêm nhiều người dùng "thông thái" vào phản biện lại nội dung của tác giả. Hầu hết mọi người đều muốn tác giả đăng thêm bằng chứng xác đáng hơn trước khi chỉ trích, quy tội cho chủ tiệm nails này. Đồng thời một số người cũng cho rằng tác giả đoạn video này là chủ tiệm khác, nên mục đích đăng lên có thể để giảm uy tín, kêu gọi người khác tẩy chay. 

    Theo bạn thì nên xử lý ra sao với những tai nạn từ trên trời rơi xuống như thế này?

    VietHome thực hiện

  • Trong tình thế nước sôi lửa bỏng khi số người tử vong vì COVID-19 lên cao đỉnh điểm, nhiều người dân Anh vẫn vô tư dạo chơi bên bãi biển, bất chấp nguy cơ bị lây nhiễm.

    Tính đến ngày 10/4, đã có 65.863 bệnh nhân COVID-19 được ghi nhận trên toàn nước Anh, trong đó có 8.931 người không qua khỏi. Đáng sợ hơn, chỉ riêng hôm 10/4, giới chức y tế nước này đã nhận được báo cáo về 953 ca tử vong mới, khiến ngày này trở thành cột mốc đau thương nhất của xứ sở sương mù từ khi dịch bệnh bùng phát, vượt qua cả con số 881 bệnh nhân tử vong hôm 9/4 và 938 người thiệt mạng vào ngày 8/4.

    di choi good friday 1
    Dòng người vui vẻ tập thể dục trong tiết trời nắng ấm, bỏ qua quy định cách nhau ít nhất 2m khi ra ngoài.

    Trong số các ca tử vong, có 48 trường hợp xuất hiện tại Scotland, 29 ca ở Wales và 10 ca ở Bắc Ireland. Vừa đón tin vui Thủ tướng Boris Johnson rời khoa chăm sóc đặc biệt chưa bao lâu, làn sóng tấn công mới của COVID-19 đã lại nhấn chìm nước Anh trong bầu không khí nặng nề.

    Anh đã áp dụng lệnh phong tỏa từ ngày 23/3, theo đó người dân không được phép ra khỏi nhà nếu không có lý do chính đáng, ai vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật. Nhà chức trách Anh nỗ lực kêu gọi người dân đừng phá hỏng nỗ lực của cả nước trong giai đoạn quyết định này, nhất là khi kỳ nghỉ lễ Phục Sinh đang đến rất gần, khiến nhiều người không thể kháng cự sức hấp dẫn của việc thoát ly cuộc sống tự cô lập. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Dominic Raab cảnh báo hiện vẫn còn quá sớm để cơ quan chức năng tiến hành nới lỏng lệnh phong tỏa và cách ly xã hội.

    di choi good friday 1
    Nhiều người đi bộ trên đường Long Walk dẫn tới Lâu đài Windsor.

    Thế nhưng, giữa lúc cả nước đang khuyến khích nâng cao ý thức chung tay chống dịch, một bộ phận dân Anh lại sẵn sàng đầu hàng cám dỗ của việc quay lại nhịp sống bình thường. Dù đã nhiều lần nhắc nhở về tầm quan trọng của tự cách ly xã hội trong việc phòng tránh lây nhiễm COVID-19, song cảnh sát vẫn bắt gặp nhiều người nằm dài tắm nắng bên bãi biển Brighton. Chẳng những vậy, họ còn kiên nhẫn xếp hàng dài trước một tiệm kem trong khu nghỉ mát bên bờ biển, chỉ để hưởng thụ cảm giác mát lạnh của que kem tan trong miệng giữa tiết trời 22°C.

    di choi good friday 1
    Cảnh sát nhắc nhở một cặp đôi đang nghỉ ngơi bên bãi biển Brighton.

    Những con đường xinh đẹp tại Công viên hoàng gia Windsor Great cũng chật ních người tập thể dục, tản bộ và đi xe đạp, bất chấp lời kêu gọi khẩn thiết của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Dominic Raab được đưa ra trước đó chỉ 24 giờ.

    Nhà chức trách Anh không chỉ một lần nhấn mạnh sức ảnh hưởng của chính sách cách ly xã hội đối với việc bảo vệ sức khỏe của mọi người, giảm áp lực cho Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS), song những lời thấm thía này dường như đã bị một số người dân bỏ ngoài tai.

    Để trấn áp hành vi chống đối công tác phòng chống dịch của những người này, cảnh sát Anh đã tăng cường tuần tra khắp các bãi biển và thắng cảnh du lịch, ra tay ngăn cản những cuộc tụ họp của người dân, kể cả khi phải dùng biện pháp xối thẳng nước biển vào bếp lò BBQ của nhóm người đang nướng thịt bên bờ. Bên cạnh địa điểm du lịch, lực lượng chức năng Devon & Cornwall cũng sẽ tuần tra khắp các con đường cao tốc, cũng như khu vực giáp ranh giữa Somerset và Devon để tránh có người “liều mạng” du lịch vào thời điểm này.

    di choi good friday 1
    Vô số người đổ ra bãi biển để vui chơi dịp lễ.

    Trong khi đó, nhiều chuyên gia có kinh nghiệm phòng chống dịch ủng hộ chính sách kéo dài thời gian phong tỏa của chính phủ. Giáo sư Paul Cosford, Giám đốc Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE), chia sẻ: “Tôi nghĩ gia hạn lệnh phong tỏa thêm vài tuần là quyết định hợp lý. Hãy hy vọng là chúng ta có thể kết thúc sớm. Theo kinh nghiệm của tôi, một khi đã kiểm soát được dịch bệnh, phải tiến hành trấn áp nó quyết liệt hơn nữa, để căn bệnh hoàn toàn bị đẩy lùi trên toàn quốc. Sau đó, lệnh phong tỏa có thể được nới lỏng từ từ, theo từng giai đoạn”.

    di choi good friday 1
    Hàng người chật ních bên bờ kè Putney ở London.

    Stephen Powis, Giám đốc Y khoa của NHS England, nhận định các biện pháp cách ly xã hội sẽ không còn quá nghiêm ngặt khi số ca tử vong vì COVID-19 bắt đầu giảm, song cũng cho biết viễn cảnh đó không diễn ra trong một sớm một chiều, ít nhất cũng phải đến 1 – 2 tuần tiếp theo mới có thể kết luận. “Chúng tôi muốn thấy các nhân viên NHS bớt áp lực, muốn chứng kiến số bệnh nhân phải vào phòng chăm sóc đặc biệt và nhập viện vì nhiễm virus giảm xuống. Chúng tôi muốn nhìn thấy virus không lây lan nhanh trong cộng đồng”, ông nói.

    Theo Giáo sư Neil Ferguson của Đại học Hoàng gia, chính sách phong tỏa và cách ly xã hội có vẻ mang đến hiệu quả tốt hơn mong đợi, song chính phủ cần đưa ra số liệu rõ ràng để thuyết phục người dân tin tưởng vào biện pháp này.

    Theo Mirror

  • Ông Jonathan Stafford Nguyen Van-Tam MBE(sinh năm 1964, quốc tịch Anh) là một chuyên gia về bệnh cúm. Ông tham gia vào công tác chống dịch bệnh, bao gồm các khía cạnh như dịch tễ học, bệnh truyền nhiễm, vaccine, thuốc kháng virus. Ông được trao tặng Huân chương Hoàng gia MBE vào dịp năm mới 1998.

    Từ ngày 2/10/2017, ông đảm nhận vai trò Phó Giám đốc Y khoa Anh (Giáo sư Chris Whitty là Giám đốc Y khoa Anh), nhận nhiệm vụ quan trọng trong công tác chống siêu đại dịch coronavirus 2020 ở Vương quốc Anh. 

    ong van tam 1
    Ông Van-Tam hiện là Phó Giám đốc Y khoa Anh

    Tiểu sử

    Ông Jonathan Van-Tam theo học trường Boston Grammar School, nơi bố của ông là Paul Nguyen Van-Tam làm giáo viên dạy toán. Ông tốt nghiệp Y khoa ở University of Nottingham vào năm 1987. 

    Sự nghiệp

    Sau 5 năm làm công việc lâm sàng tại bệnh viện, ông theo đuổi ngành học sức khỏe cộng đồng và dịch tễ học, và thể hiện sự quan tâm nghiên cứu bệnh cúm và các bệnh lây nhiễm đường hô hấp do virus. Ông là học trò của Giáo sư Karl Nicholson trong nhiều năm.

    ong van tam 1
    Ông phát biểu bên cạnh Bộ trưởng Y tế Matt Hancock trong buổi cập nhật hằng ngày về tình hình dịch bệnh Covid-19.

    Vào năm 1997, ông trở thành Giảng viên cấp cao ở University of Nottingham (và là cố vấn dịch tễ học tại Phòng thí nghiệm Y tế Cộng đồng Public Health Laboratory Service). Sau đó ông tham gia vào ngành công nghiệp dược phẩm với vai trò là Phó Giám đốc công ty dược phẩm SmithKline Beecham vào năm 2000.

    Vào tháng 4/2001, ông rời công ty cũ để gia nhập hãng dược Roche với vai trò là Trưởng phòng Y khoa, sau đó vào tháng 2/2020, ông trở thành Giám đốc Y khoa UK của tập đoàn chuyên về vaccine Aventis Pasteur MSD.

    Ông Van-Tam quay trở lại lĩnh vực y tế cộng đồng vào năm 2004, với vai trò là Giám đốc Phòng Dịch bệnh Cúm tại trung tâm Health Protection Agency Centre. Ông giữ vị trí này tới tháng 10/2007. Sau đó ông trở lại Nottingham với chức danh Giáo sư khoa Bảo vệ Sức khỏe.

    Ông đã xuất bản hơn 100 nghiên cứu khoa học và viết sách giáo khoa. 

    Ông đảm trách Ban Chuyên gia Cố vấn cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (ECDC) về nghiên cứu vaccine H5N1 ở người. 

    Xem phần phát biểu của ông từ phút 25 trở đi.

    Ông trở thành ủy viên của Ủy ban khoa học Dịch cúm Quốc gia UK (SPI), và là một thành viên của Ban Cố vấn Khoa học các vấn đề khẩn cấp UK (SAGE) trong đại dịch 2009-2010.

    Ông là đồng tác giả cuốn sách giáo khoa Nhập môn Đại dịch cúm (Introduction to Pandemic Influenza)và là Tổng biên tập tờ báo Influenza and Other Respiratory Viruses từ năm 2014-2017.

    Văn phòng của ông là một trung tâm nghiên cứu về dịch cúm do Trung tâm Phối hợp của WHO thiết kế, và đây là địa điểm đào tạo lĩnh vực nghiên cứu National Treasure của Phòng Y tế Công cộng UK. 

    Từ năm 2014, ông đã trở thành Giám đốc của Cơ quan Cố vấn chính phủ về các hiểm họa virus mới nổi New and Emerging Respiratory Virus Threats Advisory Group (NERVTAG)

    Ông Van-Tam được trao tặng Huân chương Hoàng gia MBE vào dịp năm mới 1998 nhờ những cống hiến của ông trong việc thiết kế bộ kit sơ cứu (first aid kit) đáp ứng các tiêu chuẩn đặc biệt dành cho các nhóm thanh thiếu niên trong khu huấn luyện quân sự Lincolnshire Army Cadet Force. Ông đã thực hiện nghiên cứu này từ năm 1988. Ý tưởng của ông được Bộ Quốc Phòng chấp nhận.

    Từ ngày 2/10/2017, ông đảm nhận vai trò Phó giám đốc Y khoa Anh, nhận nhiệm vụ quan trọng trong công tác chống siêu đại dịch coronavirus 2020 ở Vương quốc Anh. 

    Viethome (theo Wikipedia)

  • do uong nong 2

    Có một số lời khuyên kỳ quặc được lan truyền về cách giữ mình an toàn trước virus corona.

    BBC Future dưới đây sẽ xem xét xem liệu có bằng chứng nào ủng hộ cho một lời khuyên cực kỳ phổ biến hiện nay hay không.

    Đồ uống nóng có thể khiến cho ta cảm thấy thoải mái, nhất là vào những ngày se lạnh. Nó có thể giúp cho tâm trí đang rối bời cảm thấy dịu bớt, và làm chúng ta cảm thấy gần gũi hơn với những người khác. Nó thậm chí có thể giúp chúng ta hạ nhiệt vào những lúc tiết trời nóng bức.

    Tuy nhiên, dẫu cho nhiều người muốn có một tách cà phê, một cốc trà hoặc một ly cocktail nóng hot toddie pha từ whiskey để cảm thấy đỡ căng thẳng trong thời điểm khó khăn này, thì một điều mà món đồ uống không giúp ích được gì cho bạn, đó là bảo vệ, giúp bạn chống lại Covid-19.

    Trên mạng xã hội và các app nhắn tin có những nội dung lưu truyền rộng rãi theo đó đưa ra thông tin ngược lại - chúng là một trong nhiều tin giả đang được chia sẻ, theo đó đưa ra lời khuyên y tế sai.

    Có một tin mang nội dung là nước nóng sẽ đủ để bảo vệ mọi người khỏi virus, và điều đó thậm chí đã khiến Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (Unicef) ra tuyên bố rằng đó không phải là lời khuyên mà tổ chức này đưa ra.

    "Không có bằng chứng cho thấy đồ uống nóng sẽ bảo vệ con người chống lại tình trạng nhiễm virus," Ron Eccles, chuyên gia về các bệnh hô hấp tại Đại học Cardiff ở Anh và là cựu giám đốc Trung tâm Cảm lạnh Thông thường, nói.

    Eccles trước đây đã tiến hành nghiên cứu về tác dụng thức uống nóng khi bị cảm cúm.

    Ông phát hiện ra rằng tuy đồ uống nóng có thể giúp giảm bớt các triệu chứng cảm lạnh, nhưng nhiều khả năng một phần là nhờ vào tác dụng của nó trong việc thúc đẩy bài tiết nước bọt và chất nhầy trong miệng và mũi, làm dịu tính trạng viêm tấy.

    Nhưng ông cũng kết luận rằng nhiều khả năng đó là một dạng hiệu ứng giả dược mạnh mẽ.

    do uong nong 2
    Việc uống thức uống nóng không giúp bảo vệ bạn chống lại Covid-19, nhưng việc duy trì giãn cách xã hội thì có. Ảnh: Getty

    Tuy nhiên, đồ uống nóng không loại bỏ được virus gây bệnh.

    Trong trường hợp Sars-CoV-2, loại virus corona gây ra bệnh Covid-19, BBC Future đã có bài phân tích về việc uống nước không giúp bảo vệ bạn tránh được bệnh dịch. Virus này đơn giản là không thể bị cuốn trôi đi khi bạn uống nước hoặc súc họng thường xuyên.

    Tuy virus này xâm nhập cơ thể thông qua đường mũi, miệng, từ các giọt bắn li ti mà người đã nhiễm ho hắt ra, nhưng nó về căn bản là làm nhiễm vào các tế bào ở đường hô hấp. Các tế bào này có chứa một loại enzyme trên bề mặt, là thứ mà virus cần để xâm nhập được vào bên trong tế bào.

    Khi ta hít phải những giọt này, hơi thở của ta sẽ vận chuyển chúng xuống phổi, cách xa những nơi mà nước hay chất lỏng ta uống có thể đi qua được.

    Uống thức uống nóng không giúp làm tăng nhiệt độ trong đường hô hấp của ta cao tới mức có thể tiêu diệt bất kỳ con virus nào bên trong các tế bào đó.

    Một khi vào bên trong cơ thể chúng ta, virus nhanh chóng xâm nhập vào các tế bào của vật chủ, sau đó nó sẽ tự nhân lên một cách từ từ, nghĩa là nó sẽ dễ dàng tránh được mọi nỗ lực gột tẩy nó.

    Một số nghiên cứu ban đầu cho thấy có thể mất tới 30 giờ kể từ khi các tế bào đầu tiên bị nhiễm bệnh, để virus bắt đầu bùng phát, lây nhiễm sang nhiều tế bào khác.

    Tương tự như vậy, một khi xâm nhập được vào bên trong các tế bào của chúng ta, virus này sẽ được bảo vệ khỏi mọi sự khắc nghiệt của nhiệt độ. Cơ thể con người có xu hướng giữ ở mức 37 độ C (98,6F), là mức nhiệt độ rất phù hợp để virus nhân lên và lây lan.

    Việc uống thức uống nóng không làm nhiệt độ trong đường hô hấp của ta tăng cao lên tới mức có thể tiêu diệt được bất kỳ virus nào bên trong các tế bào ở đó.

    Cần phải đạt nhiệt độ 56 độ C (132,8F) trở lên mới có thể tiêu diệt hiệu quả các virus corona gây ra bệnh Sars, là chủng gần gũi nhất với Covid-19; và một số xét nghiệm cho thấy mức nhiệt có thể còn cần phải cao hơn nữa, đạt mức 60-65 độ C (140-149F) mới đủ.

    Mặc dù chưa có nghiên cứu nào được công bố về virus gây ra Covid-19 và khả năng chống chịu nhiệt độ cao của nó, nhưng nhiều khả năng nó sẽ có khả năng kháng nhiệt tương tự như các loại virus corona khác.

    Ta có thể dùng nhiệt độ 70 độ C (158F) trở lên để tiêu diệt virus trên thực phẩm bằng cách đem nấu thức ăn, nhưng mức nhiệt đó thì cũng đủ nóng để làm bỏng da và gây thương tích cho con người.

    do uong nong 2
    Mức nhiệt cần thiết để tiêu diệt Covid-19 đủ khiến ta bị bỏng và bị các vết thương nghiêm trọng. Ảnh: Getty

    Thật dễ dàng để thấy là, giống như khi ta trèo vào bồn tắm chứa nước nóng bỏng vậy, cách uống nước nóng như một số lời tư vấn sai lầm nêu ra sẽ khó có thể áp dụng được lâu, và nó sẽ gây hại nhiều hơn là làm lợi cho chúng ta.

    Ngay cả khi bạn có thể bước vào bồn nước nóng đủ mức thì nó cũng không tiêu diệt được bất kỳ loại virus nào đã xâm nhập được vào bên trong cơ thể bạn.

    Lý do là bởi bất kể ở bề ngoài bạn nóng đến mức nào, thì cơ thể bạn vẫn sẽ làm việc chăm chỉ để giữ nhiệt độ bên trong ở khoảng 37 độ C (98,6F). Bạn nhiều khả năng sẽ làm bỏng và gây hại nghiêm trọng cho chính mình thay vì tiêu diệt được virus.

    Tăng nhiệt độ cơ thể bên trong thậm chí lên mới chỉ 40 độ C (104F) thôi là đã có thể dẫn đến tình trạng sốc nhiệt nghiêm trọng. Nhiệt độ cơ thể cao hơn mức này có nguy cơ dẫn đến tử vong nếu không được điều trị nhanh chóng.

    Một số tuyên bố sai lệch cũng nói rằng các hợp chất trong trà có tác dụng bảo vệ chống lại virus Covid-19, nhưng không có bằng chứng khoa học nào chứng minh điều này, như BBC đã tường thuật trong các bài báo khác.

    Vì vậy, thức uống nóng có thể làm dịu bớt cảm giác khó chịu. Nhưng hơn bao giờ hết, cách tốt nhất để bảo vệ bạn khỏi virus Covid-19 là hãy tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội, rửa tay bằng xà phòng và nước sau khi chạm vào các bề mặt có khả năng bị nhiễm bệnh, và làm theo lời khuyên y tế chính thức, được cập nhật thường xuyên.

    Theo BBC News Tiếng Việt

  • Cảnh sát Greater Manchester cho biết họ đã nhận được các cuộc gọi trình báo về 494 bữa tiệc tại nhà chỉ trong vòng bốn ngày, bất chấp các hạn chế xã hội do coronavirus.

    Từ thứ Bảy (4/4) đến thứ Ba (7/4), các sĩ quan cũng phải giải quyết 166 bữa tiệc đường phố, 122 hoạt động thể thao và 173 cuộc tụ họp trong công viên.

    Cảnh sát cho biết một số bữa tiệc tại nhà thậm chí còn có lâu đài hơi, DJ và pháo hoa.

    dan manchester 1
    Bản đồ trùng điệp các nơi mọi người tụ tập vui chơi ở Manchester.

    Các số liệu được đưa ra khi nhiều cá nhân trong khu vực lên tiếng kêu gọi mọi người ở nhà vào dịp lễ Phục sinh này.

    Trong số những người gửi lời kêu gọi video từ nhà riêng, có cầu thủ đội Manchester United, Marcus Rashford, đồng đội cũ của anh Michael Carrick, cầu thủ Manchester City Steph, Houghton, Dan Brocklebank, người đóng vai cha của Billy trong Coronation Street và ca sĩ Happy Mondays, Shaun Ryder.

    Các nhân viên chủ chốt tại địa phương như nhân viên và sĩ quan cảnh sát, y tá và giáo viên cũng tham gia chiến dịch video này.

    26995534 8203615 image a 69 1586426123192

    Cảnh sát trưởng Ian Hopkins nói: 'Chúng tôi hiểu mong muốn dành thời gian cho gia đình và bạn bè trong lễ Phục sinh của người dân. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta phải tuân theo các hướng dẫn của Chính phủ.

    'Chúng ta phải làm điều này để bảo vệ bản thân, gia đình, cộng đồng và NHS, bằng cách ngăn chặn sự lây lan của bệnh truyền nhiễm.

    'Tôi vô cùng biết ơn tất cả những người đã cung cấp video tự quay của mình để hỗ trợ cho chiến dịch #StayHomeSaveLives vì, như Thủ tướng nhấn mạnh, hành động quan trọng nhất chúng ta có thể thực hiện khi chiến đấu với coronavirus là ở nhà để cứu người.

    'Tôi sẽ khuyến khích tất cả mọi người tận hưởng thời gian ở nhà với những người thân yêu của họ nhưng xin vui lòng không giao tiếp với tất cả những người không phải người thân mà bạn sống cùng.

    'Xin đừng tham gia vào các cuộc tụ họp xã hội khác bất kể trong nhà hay ngoài trời, bất kể lớn hay nhỏ. Chúng tôi đang cố gắng can thiệp, giải thích và khuyến khích mọi người làm theo hướng dẫn của Chính phủ.

    'Tuy nhiên, khi mọi người không tuân thủ các hướng dẫn, chúng tôi sẽ sử dụng các quyền lực của mình. Chúng tôi hy vọng không cần thiết phải dùng đến những hành động cứng rắn như vậy và công chúng sẽ hợp tác với chúng tôi trong thời gian thử thách này.'

    VietHome (Theo Daily Mail)

  • Người Việt dù ở bất kì quốc gia nào trên thế giới đều luôn nêu cao tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong hoàn cảnh khó khăn. Trước diễn biến của đại dịch COVID-19 lan rộng toàn cầu, cộng đồng người Việt Nam tại Đức, Nhật, Mỹ đã đồng lòng cùng nhau may khẩu trang, tặng cho mọi người để cùng chống dịch. 

    Tại Đức

    Phong trào may tặng khẩu trang của người Việt tại Đức có thể nói rất mạnh mẽ và rộng khắp với nhiều Hội, nhóm. Câu lạc bộ phụ nữ thành phố Dresen và các vùng lân cận là một trong những tập thể đã và đang tích cực tham gia may tặng hàng ngàn khẩu trang cho người dân Đức.

    chung tay may khau trang 1
    Chị Thu một thành viên của Câu lạc bộ rất tích cực tham gia phong trào may khẩu trang.

    Câu lạc bộ Phụ nữ thành phố Dresden và vùng lân cận do Hoa hậu Đặng Bích Lan giữ cương vị Chủ tịch đã có những hành động chia sẻ vô cùng thiết thực và ý nghĩa. Các hoạt động của Câu lạc bộ đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, cùng chung tay đóng góp của đông đảo người Việt tại đây. 

    chung tay may khau trang 1
    Nhiều cá nhân đã tài trợ cho Câu lạc bộ những chiếc khẩu trang họ tự may.

    Sau mỗi ngày, các sản phẩm khẩu trang được gửi tới bà con trong cộng đồng, đồng thời chuyển đến các bệnh viện, nhà dưỡng lão, trung tâm Điều dưỡng, Công an, các cơ quan, người dân Đức…

    chung tay may khau trang 1
    Món quà ý nghĩa của Câu lạc bộ phụ nữ thành phố Dresden và vùng lân cận gửi tặng các đơn vị, tổ chức của Đức.

    Tại Nhật

    Các chị em nhân viên của Tập đoàn FPT Việt Nam chi nhánh Nhật Bản hưởng ứng phong trào tự may khẩu trang để tặng cho các nhân viên công ty.

    chung tay may khau trang 1
    Các chị em nhân viên FPT tại Nhật Bản tranh thủ may khẩu trang để bảo vệ các thành viên của công ty.

    Trước đại dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh tại Nhật, chị em đã tự mang máy khâu mini đến văn phòng, tự mua vải và các nguyên phụ liệu và nếu ai cần thì chỉ sau vài phút là có những chiếc khẩu trang đẹp mắt.

    chung tay may khau trang 1
    Những chiếc khẩu trang handmade trở nên vô cùng quý giá trong mùa COVID-19.

    chung tay may khau trang 1
    Các thành viên có nhu cầu là chị em sẵn lòng may tặng.

    Trước thực trạng COVID-19 đang lan rộng tại Mỹ, nhóm phụ huynh Liên đoàn hướng đạo Hoa Lư đã cùng nhau gom tiền , mua vải và may tặng những chiếc khẩu trang cho các bác sĩ tại Bệnh viện California.

    chung tay may khau trang 1
    Những chiếc khẩu trang nhiều màu sắc được các phụ huynh may tặng các bệnh viện tại California.

    Chị Kim Uyên-thành viên nhóm phụ huynh Liên đoàn hướng đạo Hoa Lư tại California tâm sự: "mỗi ngày một chút, một hai tiếng sau khi đi làm về, bọn mình may một ít khấu trang để dùng rồi đem tặng bệnh viện và văn phòng bác sĩ và những bác lớn tuổi".

    chung tay may khau trang 1
    Khẩu trang handmade vừa là cách để các mẹ, các chị bảo vệ mình, bảo vệ người thân và bảo vệ cộng đồng trước COVID-19.

    Theo Thời Đại

  • Anh Phan Việt Phong - ông chủ kiêm bếp trưởng nhà hàng Obobun chia sẻ: “Mình có niềm tin mạnh mẽ rằng khi mình thực sự hết lòng với ai đó, họ sẽ không quay lưng lại với mình lúc khó khăn. Và đây là thời điểm để mình trải nghiệm những sự ấm áp đó. Có khách hàng, có nhân viên ủng hộ, mình không sợ nếu phải làm lại từ đầu”.

    bun bo viet o phap 1
    Những tô bún bò rất ngon miệng, đầy đủ dinh dưỡng và vô cùng đẹp mắt.

    Lời tri ân từ tô bún bò Việt Nam

    Gần 20 năm sống tại Pháp, anh Phong-một đầu bếp gốc Việt tâm sự chưa bao giờ anh cảm thấy hạnh phúc đến thế. Anh gọi đó là “mùa xuân trong mùa dịch”.

    “Cảm ơn bạn một lẫn nữa, tuyệt vời ngon và thật ấm áp”. Đó là tin nhắn từ khoa hồi sức cấp cứu bệnh viện CHU Grenoble gửi tới anh Phan Việt Phong-ông chủ kiêm bếp trưởng nhà hàng Obobun, người đã nấu hàng trăm tô bún bò miễn phí cho các y bác sĩ nơi đây.

    Thực hiện quy định của Chính phủ Pháp, anh Phan Việt Phong đóng cửa nhà hàng của mình tại thành phố Grenoble. Buổi sáng trước giờ đóng cửa, anh đến chia tất cả số thực phẩm còn dư cho nhân viên và khách để tránh lãng phí đồ ăn.

    “Cậu bạn bán gaufre đầu đường thích ăn nem, mình mang tặng 20 cái. Ông bạn tặng lại mình cả kiện rau củ. Ai cũng vui vẻ nhưng không giấu khỏi chút trầm lắng, tương trợ nhau, cứ như sắp vào một cuộc chiến”, anh Phong tâm sự trên trang cá nhân.

    Vài ngày sau đó, trong lúc đang xem tin tức trên mạng, anh Phong đọc được dòng thư của một bếp trưởng nổi tiếng trong vùng, kêu gọi các nhà hàng kết nối nấu ăn luân phiên, tiếp sức cho các y bác sỹ trong bệnh viện. Không chút suy nghĩ, anh để lại bình luận xác nhận tham gia. May mắn, khi anh đề nghị sự hỗ trợ từ các nhân viên của mình, hai nhân viên đã đồng ý tới giúp anh.

    bun bo viet o phap 1
    Anh Phong đã vào bếp: “Và mình sẽ làm với tất cả lòng biết ơn và yêu thương”.

    Anh Phong chia sẻ: “Bước vào thời điểm căng thẳng của cả nước Pháp, bệnh viện CHU Grenoble như mọi bệnh viện khác, bị quá tải. Ít ai biết, bình thường các nhân viên y tế ở Pháp phải tự chuẩn bị đồ ăn từ nhà mang đi hoặc mua đồ ăn bên ngoài. Song những ngày phong tỏa, các cửa hàng đều đóng cửa, nhiều y bác sỹ trực chiến liên tục tại bệnh viện, công việc kết thúc muộn, không có thời gian nấu ăn. Nhiều người cũng có con nhỏ mà không được ở nhà chăm sóc, phải thuê người trông nom”.

    Ngay khi anh Phong đăng bài lên nhóm kết nối, món bún bò của anh đã nhận được ba đơn hàng từ khoa Hồi sức cấp cứu và khoa Phổi-Tim mạch của CHU Grenoble, với tổng cộng 101 suất cho bữa trưa.

    bun bo viet o phap 1
    Trên mỗi nắp hộp đều ghi những thông điệp đến các y bác sĩ.

    Sáng hôm đó, anh Phong ra nhà hàng từ 5 giờ, vào bếp và tới 9h30 sáng thì hai bạn nhân viên tới hỗ trợ. Đến trưa, 101 suất bún bò được bày biện đẹp đẽ, ngon mắt. Anh Phong cẩn thận viết vào nắp hộp những lời chúc, lời cảm ơn đến các y bác sĩ: “Dành cho những con người đẹp đẽ”, “Cảm ơn vì đã ở đây lúc này” …

    Anh cũng nhận lời nấu bún bò lần thứ hai với 100 suất cho hai bệnh viện khác. Mới đây, anh nhận được lá thư đề nghị giúp đỡ từ một y tá ở Bệnh viện Belledonne. Trong thư có đoạn viết: “Người bạn thân nhất của tôi, cũng là một y tá đã bị nhiễm COVID-19 trong quá trình làm việc, hiện đang phải nhập viện trong khoa Phổi. Sau khi trải qua quá trình hồi sức, cô ấy đã khỏe hơn rất nhiều và một trong những yêu cầu đầu tiên của cô là khao khát khủng khiếp được ăn món bún bò của bạn. Tôi đã hứa với cô ấy sẽ tặng cô ấy và tôi không muốn phá vỡ lời hứa của mình. Cảm ơn bạn rất nhiều”.

    Một hành động tốt sẽ tạo ra những việc tốt khác

    Ngay khi biết tin nhà hàng của anh Phong tham gia nấu ăn tiếp sức cho các y bác sĩ chống dịch, nhiều khách hàng và bạn bè đã nhắn tin cho anh xin được chung tay đóng góp. Người bày tỏ muốn gửi tiền, người trực tiếp đến bếp hỗ trợ, người gửi cho anh khẩu trang để vào viện an toàn hơn.

    Một đối tác chuyên cung cấp rau củ quyết không lấy tiền vì: “đây là điều bình thường ai cũng làm vào lúc này. Tôi mà tính tiền cậu thì tôi là kẻ chẳng ra gì”.

    bun bo viet o phap 1
    Các nhân viên sẵn lòng làm việc không lương để giúp anh Phong làm từ thiện.

    Anh Phong chia sẻ: “Mình có niềm tin mạnh mẽ rằng khi mình thực sự hết lòng với ai đó, họ sẽ không quay lưng lại với mình lúc khó khăn. Và đây là thời điểm để mình trải nghiệm những sự ấm áp đó. Có khách hàng, có nhân viên ủng hộ, mình không sợ nếu phải làm lại từ đầu”.

    Anh Phong cho hay, việc trở lại bếp trong bối cảnh phần lớn các nhà hàng phải đóng cửa có ý nghĩa tương trợ rất lớn. Một mặt giúp các y bác sĩ giải quyết vấn đề ăn uống, đảm bảo sức khỏe để làm việc, một mặt hỗ trợ phần nào những người nông dân, các nhà phân phối nông sản đang thiếu nơi tiêu thụ.

    Theo Thời Đại

  • Anh đang trải qua tuần lễ thứ 3 thực hiện những biện pháp hạn chế ngặt nghèo nhất trong thời bình để đối phó với dịch COVID-19.

    Nhà chức trách Anh ngày 9/4 đã kêu gọi người dân ở yên tại nhà trong dịp Lễ Phục sinh sắp tới do lo ngại rằng nhu cầu gặp mặt gia đình và bạn bè tăng cao trong dịp lễ này sẽ khiến các nỗ lực ngăn chặn sự lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bị đổ xuống sông xuống bể.

    0 The spread of the coronavirus disease COVID 19 in Chessington

    Anh đang trải qua tuần lễ thứ 3 thực hiện những biện pháp hạn chế ngặt nghèo nhất trong thời bình để đối phó với dịch COVID-19, trong đó người dân được yêu cầu ở nhà và cảnh sát được quyền trừng phạt các trường hợp vi phạm.

    Trong một tuyên bố mới nhất, người phát ngôn Chính phủ nêu rõ mỗi người dân Anh cần ý thức được vai trò của mình ở thời điểm này và cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và những người thân yêu của mình là hãy ở nhà trong dịp lễ Phục sinh sắp tới.

    Chính phủ Anh cho biết mặc dù lệnh phong tỏa toàn quốc được chấp hành rộng rãi và đã giúp phần nào giảm bớt đà lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 song sức chịu đựng của người dân đang bị thử thách trong bối cảnh thời tiết đang ấm áp dần lên mỗi ngày, thôi thúc người ta ra ngoài để tận hưởng không khí dễ chịu mùa Xuân.

    Tại thành phố Manchester miền Bắc xứ England, cảnh sát cho biết đã nhận được báo cáo về gần 500 vụ tụ tập ăn uống đông người và hơn 600 vụ vi phạm khác trong 2 tuần tính đến ngày 7/4. Cảnh sát cho biết sẽ sử dụng biện pháp nghiêm khắc để người dân tuân thủ lệnh phong tỏa.

    Theo số liệu trên tờ "The Guardian", tính đến ngày 9/4, tại Anh có 243.421 người đã được xét nghiệm COVID-19, trong đó có 65.077 người có kết quả dương tính và số người phải nhập viện để điều trị các triệu chứng bệnh là 16.781 ca.

    Số ca tử vong do dịch COVID-19 tại Anh trong ngày 9/4 đã tăng 881 ca lên 7.978 người. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab - người đang tạm thay Thủ tướng Boris Johnson điều hành Chính phủ - khẳng định còn quá sớm để nới lỏng các biện pháp phong tỏa./.

    TTXVN 

  • Thủ tướng Anh đã được ra khỏi phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) nhưng vẫn đang được điều trị trong bệnh viện vì có kết quả dương tính với Covid-19 từ ngày 27/3.

    Văn phòng thủ tướng Anh tối 9/4 tuyên bố sau 3 đêm ở phòng chăm sóc đặc biệt, ông Boris Johnson đã được đưa trở lại bệnh viện và đang có "tinh thần cực kỳ tốt". Ông sẽ "được theo dõi chặt chẽ trong giai đoạn đầu của quá trình hồi phục".

    Ông Dominic Raab, người tạm thời làm thay nhiệm vụ cho ông Johnson trong thời gian này, trước đó cho biết thủ tướng đang có "những bước tiến triển tích cực", theo Guardian.

    Phát biểu tại cuộc họp báo hàng ngày trên phố Downing, ông Raab thừa nhận ông đã không nói chuyện với Thủ tướng Johnson kể từ khi thủ tướng được đưa vào bệnh viện, nhưng khẳng định chính phủ vẫn tiếp tục hoạt động hiệu quả.

    0 thu tuong khoi benh
    Thủ tướng Anh Boris Johnson đã được ra khỏi phòng chăm sóc đặc biệt tối 9/4 và đang trong quá trình hồi phục vì nhiễm Covid-19. Ảnh: AFP.

    Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock bày tỏ vui mừng về việc ông Johnson được ra khỏi phòng chăm sóc đặc biệt. Ông nói: "Tôi biết nhân viên của hệ thống y tế quốc gia (NHS) tuyệt vời của chúng tôi đã dành cho ông ấy sự chăm sóc đẳng cấp thế giới".

    Thủ tướng Johnson được đưa vào bệnh viện hôm 5/4 sau khi xuất hiện triệu chứng mắc Covid-19, bao gồm ho và sốt không dứt. Ông được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt hôm 6/4.

    Khoa điều trị đặc biệt (ICU) có nhiều hệ thống hỗ trợ duy trì sự sống, bao gồm liệu pháp ôxy và dùng máy thở. Đối với các ca nhiễm Covid-19 nặng, các biện pháp này nhằm giảm gánh nặng cho các cơ quan thiết yếu trong cơ thể, cho cơ thể cơ hội chống trả.

    Tối 6/4, theo các quan chức Anh, Thủ tướng Boris Johnson chưa cần phải thở máy nhưng vẫn được hỗ trợ thở ôxy qua mặt nạ, Telegraph dẫn lời chuyên gia.

    Ông Johnson có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 vào ngày 27/3, nhưng vẫn tự cách ly tại văn phòng thủ tướng và tiếp tục làm việc, bao gồm việc chủ trì các cuộc họp trực tuyến.

    Theo Guardian