• Theo số liệu chính thức, quý gần nhất chứng kiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh sụt giảm là quý 4/2012.

    Trụ sở Ngân hàng Trung ương Anh ở London. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

    Kinh tế Anh dường như đã suy giảm lần đầu tiên kể từ cuối năm 2012 trong quý 2 vừa qua, trước những lo ngại về việc nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, cũng như tình hình căng thẳng thương mại trên toàn cầu.

    Một ngày sau khi Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) Mark Carney cảnh báo những nguy cơ gia tăng từ một Brexit không thỏa thuận và các chính sách bảo hộ thương mại, công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit/CIPS ngày 3/7 công bố kết quả thăm dò cho thấy Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực dịch vụ đã giảm xuống còn 50,2 điểm trong tháng Sáu, suýt soát mốc 50 - mức cho thấy một lĩnh vực đang không tăng trưởng.

    Các chuyên gia kinh tế trong cuộc khảo sát trước đó của hãng tin Reuters dự đoán PMI dịch vụ của Anh sẽ vẫn ở mức 51 điểm như tháng Năm.

    Các chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất và xây dựng được công bố trước đó trong tuần này cho thấy các ngành này đã suy giảm trong tháng Sáu. Điều này có nghĩa là kinh tế Anh có thể giảm 0,1% trong quý 2, theo IHS Markit/CIPS.

    Theo số liệu chính thức, quý gần nhất chứng kiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh sụt giảm là quý 4/2012.

    Và lần gần nhất GDP của nước này suy giảm trong hai quý liên tiếp trở lên, dấu hiệu được xem là suy thoái kinh tế, là vào năm 2008-2009, tức thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu.

    Ông Chris Williamson, nhà kinh tế kinh doanh trưởng của IHS Markit, cho rằng kinh tế Anh suy giảm là do nhu cầu giảm dần trong năm qua, khi sự bất ổn liên quan đến vấn đề Brexit ngày càng làm trầm trọng thêm tác động từ sự giảm tốc của kinh tế thế giới nói chung.

    Giới đầu tư nhận thấy lãi suất có khả năng sẽ bị cắt giảm sau bài phát biểu ngày 2/7 của ông Carney.

    Thống đốc BoE cho rằng kinh tế Anh có thể cần hỗ trợ nhiều hơn để ứng phó với cú sốc của một Brexit không thỏa thuận, cũng như sự leo thang của căng thẳng thương mại toàn cầu.

    Đường cong lợi suất của trái phiếu chính phủ của Anh kỳ hạn 2-5 năm đã lần đầu tiên đảo chiều kể từ năm 2008 trong phiên ngày 3/7, cho thấy giới đầu tư đang nhận thấy nguy cơ của một đợt suy thoái kinh tế.

    Viethome (theo TTXVN)

  • Đồng nội tệ của Anh hạ 0,8% xuống 1,2409 USD/bảng – mức thấp trong 27 tháng so với đồng USD và chạm các mức thấp mới trong sáu tháng so với đồng euro, nối dài đà giảm giá trong phiên trước.

    Phiên 16/7 chứng kiến đồng bảng Anh hạ xuống mức thấp trong 27 tháng so với đồng USD và chạm các mức thấp mới trong sáu tháng so với đồng euro, nối dài đà giảm giá trong phiên trước.

    Tại thị trường London, đồng nội tệ của Anh phiên này hạ 0,8% xuống 1,2409 USD/bảng – mức “đáy” kể từ tháng 4/2017.

    So với đồng tiền chung châu Âu, đồng bảng Anh phiên này hạ 0,5% xuống 90,42 xu Anh/euro - mức thấp nhất kể từ phiên 11/1.

    Vasileios Gkionakis, người phụ trách mảng chiến lược thị trường ngoại hối toàn cầu tại Lombard Odier, cho biết thị trường đang “đặt cược" cao hơn vào việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) mà không đạt một thỏa thuận nào và sức ép kinh tế gia tăng.

    Đồng bảng Anh phiên này tiếp tục giảm giá ngay cả khi dữ liệu tuyển dụng cho thấy mức thu nhập trung bình một tuần tại Anh trong ba tháng tính đến tháng 5/2019 bất ngờ tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

    Các thị trường tiền tệ đặt cược rằng có khoảng 50% cơ hội để Ngân hàng trung ương Anh (BoE) tiến hành cắt giảm lãi suất cho đến cuối năm nay.

    20% các nhà đầu tư tham gia cuộc khảo sát của Bank of America Merrill Lynch dự đoán nước Anh “chia tay” EU trước hoặc đúng hạn chót vào tháng 10/2019, trong khi khoảng 60% các nhà đầu tư cho rằng khả năng xảy ra Brexit “cứng” là chưa đầy 40%./.

    Viethome (theo TTXVN)

  • Người đứng đầu Thomas Cook cho rằng kế hoạch giải cứu công ty sẽ là một “liều thuốc đắng” bởi tập đoàn du lịch đang gặp khó khăn này sẽ bị đơn vị khác thâu tóm.

    Trong khi gói cứu trợ là cần thiết để đưa công ty điều hành kỳ nghỉ trọn gói lâu đời nhất thế giới quay trở lại quỹ đạo ổn định, giám đốc điều hành công ty, ông Peter Fankhauser, bày tỏ niềm hối tiếc rằng kế hoạch sẽ khiến các cổ đông rất trung thành phải "thất vọng”.

    Theo thông tin trước đó, công ty đã xác nhận rằng họ đang thương lượng với cổ đông lớn nhất của mình, đơn vị Trung Quốc sở hữu Club Med, để nhận một khoản tiền mặt trị giá 750 triệu bảng.

    Tập đoàn du lịch Fosun và các công ty cho vay đang xem xét các đề xuất cho phép tập đoàn này tiếp quản hoạt động kinh doanh của Thomas Cook.

    Cổ phiếu đã giảm hơn 44% trong phiên giao dịch sớm ngày thứ Sáu (12/7) sau khi tin tức về kế hoạch được tung ra.

    Ông Fankhauser phát biểu tại chương trình Ian King Live của Sky News: "Đây là một giải pháp thiết thực để đảm bảo công việc kinh doanh trong tương lai và đưa doanh nghiệp lên một nền tảng tài chính vững chắc.

    "Đó là vì lợi ích của các cổ đông, khách hàng và nhà cung cấp của chúng tôi.

    "Liều thuốc đắng ở đây chính là việc chúng tôi buộc phải khiến các cổ đông hiện tại, những người rất, rất trung thành với chúng tôi trong những năm qua, thất vọng.

    "Đó là một sự thất vọng đối với cá nhân tôi. Không ai trong chúng tôi muốn có kết quả này, nhưng đó là một giải pháp bảo đảm tương lai của doanh nghiệp."

    Người phát ngôn của Fosun nói: "Fosun là một cổ đông của Thomas Cook, bởi vì đây là một công ty của Anh hoạt động trong ngành du lịch toàn cầu, lĩnh vực chúng tôi có nhiều kinh nghiệm.

    "Chúng tôi là những nhà đầu tư giữ chữ tín, với thành tích lâu dài đã được chứng minh với các thương hiệu mang tính biểu tượng bao gồm ClubMed và Wolverhampton Wanderers FC."

    Thomas Cook đã phải vật lộn với tình trạng sụt giảm doanh thu và viễn cảnh Brexit bất ổn, mà theo họ đã góp phần vào khoản lỗ 1,5 tỷ bảng công khai hồi tháng Năm.

    Công ty đang phải cắt giảm chi phí trong nửa cuối năm tài chính của mình khi đối mặt với tình thế giao dịch khó khăn và chi phí nhiên liệu cao hơn, bao gồm kế hoạch cắt giảm 150 nhân viên tại trụ sở chính ở Peterborough.

    Bên cạnh thông báo đàm phán tái cấu trúc, công ty đã công bố một bản cập nhật về giao dịch hiện tại cho thấy tỷ lệ đặt tour du lịch giảm 9% và đặt vé máy bay giảm 3%.

    VietHome (Theo Sky News)

  • Tổng giám đốc Deutsche Bank cho biết đã khiển trách một số nhân sự cấp cao may đo vest có giá tới 1.800 USD/bộ trong ngày ngân hàng Đức "thanh lọc" 18.000 nhân viên.

    Theo CNBC, CEO Deutsche Bank Christian Sewing cho biết đã khiển trách một số thành viên ban lãnh đạo ngân hàng vì thể hiện sự vô cảm trong ngày các chi nhánh tại London, New York và Tokyo đồng loạt sa thải 18.000 nhân viên.

    Báo chí chụp được cảnh 2 thợ may bước ra khỏi văn phòng Deutsche Bank tại London (Anh) hôm 8/7. Ban đầu, người ta lầm tưởng rằng đây là 2 nhân viên Deutsche Bank bị sa thải. 

    Hai thợ may rời văn phòng Deutsche Bank ở London. Ảnh: Reuters

    Trên thực tế, Financial Times chỉ ra rằng đó là 2 thợ may, đến đo kích cỡ của một số thành viên ban lãnh đạo ngân hàng để may những bộ vest có giá lên đến 1.800 USD. 

    "Việc gọi thợ may đến văn phòng trong ngày hôm đó là hành vi rất thiếu tôn trọng. Cách hành xử đó không phù hợp với những giá trị của chúng tôi", CEO Christian Sewing tuyên bố. 

    Khi được hỏi liệu những người này có bị kỷ luật hay không, ông Sewing cho biết ông đã khiển trách họ nặng nề. "Tôi tin chắc 2 đồng nghiệp này sẽ không thể quên được cuộc điện thoại của tôi", CEO Deutsche Bank nhấn mạnh. 

    Hôm 7/7, Deutsche Bank tuyên bố dừng hoạt động kinh doanh chứng khoán toàn cầu và cắt giảm tới 18.000 nhân sự để cải tổ tài chính ngân hàng.

    CEO Christian Sewing, người đứng sau kế hoạch cải tổ đầy "đau đớn" của Deutsche Bank. Ảnh: Getty Images.

    Cho đến tháng 2/2019, doanh thu của ngân hàng Đức giảm quý thứ 8 liên tiếp. Những năm qua, Deutsche Bank cũng lao đao vì dính hàng loạt scandal.  

    Năm 2017, Deutsche Bank nộp phạt và bồi thường 7,2 tỷ USD để dàn xếp với Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc lừa dối nhà đầu tư chứng khoán. Ngoài ra, ngân hàng này bị phạt 630 triệu USD vì cáo buộc rửa tiền.

    Còn trước đó 2 năm, ngân hàng Đức nộp phạt 2,5 tỷ USD do vi phạm các chính sách lãi suất của Anh và Mỹ.

    Viethome (theo Zing)

  • Chủ sở hữu của British Gas, Centrica, sẽ cắt giảm khoảng 700 vị trí quản lý và hỗ trợ văn phòng theo kế hoạch được công bố trước đây do công ty đang phải đối mặt với "những thách thức ngày càng gia tăng".

    Công ty cho biết nhân viên đã được thông báo về việc cắt giảm, và đó là một phần của "quá trình thay đổi đang diễn ra".

    Centrica tuyên bố vào năm ngoái rằng họ sẽ loại bỏ 4.000 việc làm vào năm 2020, sau khi lợi nhuận giảm mạnh.

    Vào tháng Hai, tập đoàn cho biết họ đang cố gắng đạt được khoản tiết kiệm 1,25 tỷ bảng mỗi năm vào năm 2020.

     

    Khoảng 65% khoản tiết kiệm sẽ đến từ chi phí hoạt động và khoảng 350 triệu bảng đến từ bộ phận người tiêu dùng British Gas.

    Công ty tiết lộ quá trình cắt giảm việc làm sắp chính thức diễn ra sau khi ​​lợi nhuận hoạt động của họ giảm 17% xuống còn 1,25 tỷ bảng cho năm 2018.

    Một phát ngôn viên của Centrica nói: "Quyết định khó khăn này được đưa ra bởi vì chúng tôi cần phải đáp ứng với những thách thức ngày càng tăng.

    "Thị trường năng lượng đang trải qua sự thay đổi nhanh chóng, cạnh tranh rất khốc liệt, khách hàng đang rời bỏ chúng tôi mặc dù chúng tôi tuân thủ đúng quy định điều tiết giá cả thị trường.

    "Trong 45 ngày tới, như là một phần của quá trình tham vấn đầy đủ, chúng tôi sẽ thảo luận về các đề xuất và tìm hiểu quan điểm của nhân viên và đại diện của họ."

    Công đoàn cho biết cắt giảm việc làm là một “đòn giáng khủng khiếp" đối với lực lượng lao động.

    Centrica đã quyết liệt phản đối các quy định điều tiết về giá có hiệu lực vào tháng 1, nói rằng "sự can thiệp chính trị" vào thị trường đã góp phần làm hiệu suất suy yếu.

    Từ năm 2016 đến 2017, Centrica đã mất khoảng 10% khách hàng năng lượng gia đình tại Vương quốc Anh, tương đương sụt giảm lợi nhuận từ 14,2 triệu đến 12,8 triệu.

    Cổ phiếu của Centrica đã giảm 0,6% trong phiên giao dịch buổi chiều muộn ngày thứ Tư 19/6.

    VietHome (Theo Sky News)

  • Khách hàng mua sắm ở Aldi sẽ tiết kiệm được gần 5 bảng khi mua một giỏ hàng hóa từ siêu thị này.

    Chuổi siêu thị giá rẻ đã khai trương cửa hàng đầu tiên ở Vương quốc Anh tại Birmingham. 

    Và kể từ đó, nhà bán lẻ Đức đã thu hút được nhiều người tiêu dùng với mức giá thấp. Aldi không chỉ đem lại trải nghiệm mua sắm tuyệt vời cho khách hàng mà còn tạo ra rất nhiều việc làm tiềm năng.

    Giờ đây, Aldi được đánh giá là cửa hàng mua sắm tiết kiệm nhất.

    Aldi đã chiến thắng trong cuộc cạnh tranh gay gắt với các đối thủ trong cuộc thăm dò siêu thị hàng tuần của The Grocer để dành vị trí đứng đầu.

    Cuộc thăm dò cho thấy Aldi rẻ hơn so với các cửa hàng đối thủ, Asda, Tesco, Morrisons, Sainsbury's và Waitrose, khi so sánh 33 mặt hàng chủ lực.

    Cuộc khảo sát chỉ ra tổng số 36,73 bảng của Aldi rẻ hơn 4,47 bảng so với á quân Asda.

    Báo cáo cho thấy Asda là siêu thị duy nhất chạm được gần tới Aldi về mặt giá cả.

    Ở vị trí thứ ba, Morrisons đắt hơn 8,71 bảng với 45,44 bảng, tiếp theo là Tesco với 47,19 bảng và Sainsbury's là 47,71 bảng.

    Julie Ashfield, tại Aldi, cho biết: "Kết quả này cho thấy một lần nữa chúng tôi là siêu thị giá thấp nhất của Anh, đó là lý do chính khiến hơn một triệu người mua sắm mới chuyển từ các siêu thị đắt tiền hơn sang Aldi trong 12 tháng qua.

    "Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc chăm chỉ để giữ giá thấp cho khách hàng, cũng như mở rộng mạng lưới cửa hàng để tiếp cận nhiều người mua hơn nữa."

    VietHome (Theo Birmingham Live)

  • Các hộ gia đình ở nước Anh có thể phải đối mặt với tổng hóa đơn tiềm năng là 172 triệu bảng từ các nhà cung cấp năng lượng đã sụp đổ kể từ đầu năm ngoái, theo tính toán từ Citizens Advice.

    Citizens Advice cho biết đang cố gắng bảo vệ đến mức có thể cho những khách hàng nợ tiền nhà cung cấp năng lượng khi phá sản.

    Các nhà cung cấp năng lượng có nghĩa vụ phải trả các hóa đơn công nghiệp khác nhau, bao gồm cả năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng và chi phí đo lường.

    Nhưng nghiên cứu của Citizens Advice, phân tích báo cáo từ tháng 1/2018 cho biết các công ty phá sản đã để lại 172 triệu bảng trong các hóa đơn công nghiệp chưa thanh toán.

    Tổ chức từ thiện cảnh báo rằng khách hàng trên khắp Vương quốc Anh cuối cùng có thể nhận được các hóa đơn đó, với chi phí cung cấp bị cộng thêm thông qua tài khoản chi trả năng lượng của chính họ.

    Nhà cung cấp cuối cùng (SoLR) của Ofgem chỉ định một nhà cung cấp mới cho khách hàng để đảm bảo cung cấp năng lượng liên tục, trong khi nhà cung cấp cũ làm thủ tục phá sản. Trong một số trường hợp, các nhà cung cấp mới sẽ thu mua nợ và thay mặt nhà cung cấp cũ trả dần. 

    Philippa Pickford, giám đốc của Ofgem cho các thị trường bán lẻ trong tương lai, cho biết: Cạnh tranh trên thị trường năng lượng đã giúp giảm giá cho người tiêu dùng. Tuy nhiên cũng từ đó dễ phát sinh các công ty kinh doanh thất bại. Hệ thống cung cấp năng lượng an toàn Under Ofemem đang bảo vệ số dư tín dụng của khách hàng khi nhà cung cấp năng lượng bị phá sản.

    Viethome (theo baophapluat)

  • Chủ sở hữu Trung Quốc của Club Med đang đàm phán bí mật để mua lại doanh nghiệp điều hành tour du lịch Thomas Cook, mở đường cho sự ra đi của công ty du lịch Anh 178 năm tuổi đời này.

    Tập đoàn Du lịch Fosun – lên sàn ở Hồng Kông và đã là cổ đông lớn nhất của Thomas Cook với 18% cổ phần – trong những ngày gần đây đã bày tỏ ý định ngã giá để mua lại công du lịch nổi tiếng nhất nước Anh.

    Fosun đang làm việc với các chủ ngân hàng tại JP Morgan về việc mua bán. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận mới chỉ ở giai đoạn đầu.

    Nếu thương vụ thành công, nó sẽ là một trong những vụ mua thương hiệu quan trọng và nổi bật nhất bởi một đối thủ Trung Quốc tính cho đến nay.

    Nó sẽ trao cho Fosun quyền kiểm soát một doanh nghiệp có doanh thu gần 7,4 tỷ bảng và phục vụ 11 triệu khách hàng trong năm ngoái.

    Một mức giá đấu thầu chính thức, có thể được công bố trong vài tuần tới, sẽ không bao gồm hoạt động kinh doanh hàng không của Thomas Cook, vì Fosun sẽ không được phép mua lại nó theo quy tắc sở hữu hàng không của EU.

    Thomas Cook đã trải qua một khoảng thời gian khó khăn khi phải vật lộn để củng cố tài chính của mình. Công ty đã quyết định mở một cuộc đấu giá các hoạt động hàng không của mình. Các nhà phân tích tin rằng việc đấu giá có thể đem lại khoảng 1 tỷ bảng Anh.

    Thomas Cook được thành lập vào năm 1841 bởi một người thợ đóng đồ nội thất 32 tuổi, người khởi xướng thực hiện các chuyến du ngoạn đường sắt một ngày từ Leicester đến Loughborough với giá chỉ một shilling. Từ đó, nó tiếp tục trở thành một trong những công ty du lịch lớn nhất thế giới, đánh dấu ngày kỷ niệm thứ 175 của mình ba năm trước.

    Tập đoàn Trung Quốc Fosun đã là cổ đông của Thomas Cook kể từ tháng 4 năm 2015, và họ đã tăng gấp đôi cổ phần lên 10% vào đầu năm 2017.

    Thomas Cook và Fosun hiện đang có một doanh nghiệp liên doanh tại Trung Quốc với khả năng tăng trưởng mạnh mẽ và lượng khách hàng tăng gấp tám lần vào năm ngoái.

    Tuy nhiên, việc đồng ý giao dịch với nhà đầu tư Trung Quốc cũng sẽ không dễ dàng bởi sự can thiệp từ Triton, một công ty cổ phần tư nhân có mong muốn mua lại việc kinh doanh điều hành tour và hàng không của Thomas Cook ở Bắc Âu.

    Triton, công ty đã mua lại công ty du lịch Sunweb Group vào tháng 12 năm ngoái, đang tìm cách mua một phần của Thomas Cook và sử dụng chung khoảng 20% ​​lực lượng lao động của Thomas Cook.

    Nếu một thỏa thuận được ký kết giữa các bên, điều đó sẽ ảnh hưởng đến cả thương vụ với Fosun và những nhà thầu khác đang có hứng thú với các hoạt động hàng không còn lại của hãng.

    Các cơ quan xếp hạng tín dụng đã hạ cấp Thomas Cook, cảnh báo rằng cơ cấu nợ hiện tại của công ty là không bền vững trong bối cảnh họ tìm cách mở rộng kinh doanh khách sạn riêng có lợi nhuận cao và kinh doanh trực tuyến.

    Khoản lỗ gần đây của công ty phần lớn xuất phát từ vụ sáp nhập năm 2007 với MyTravel.

    Cổ phiếu của công ty đã giảm hơn 85% trong 12 tháng qua và tình hình còn tồi tệ hơn nữa khi các nhà phân tích tại Citi quy định giá trị bằng không đối với vốn chủ sở hữu của nó.

    Thomas Cook gần đây cho biết họ sẽ đóng cửa 21 cửa hàng trên phố lớn và giảm bớt lực lượng bán lẻ của mình như là một phần của nỗ lực nhằm kiểm soát chi phí chặt chẽ hơn.

    Thomas Cook từ chối bình luận về thông tin thương vụ với Fosun, trong khi Fosun không hồi đáp yêu cầu bình luận.

    VietHome (Theo Sky News)

  • Ford dự kiến ​​sẽ công bố kế hoạch đóng cửa nhà máy động cơ tại Bridgend, khiến 1.700 nhân viên đang bị đe dọa mất việc.

    Nhà sản xuất xe hơi đã đề nghị mở một cuộc họp với các lãnh đạo công đoàn vào ngày 6/6, khi một thông báo về tương lai của cơ sở sản xuất ở South Wales sắp được công bố.

    Cùng với lực lượng lao động 1.700 người, hàng trăm người khác cũng đã được tuyển dụng vào các doanh nghiệp cung cấp nguyên vật liệu cho nhà máy có tuổi đời 40 năm này.

    Người phát ngôn của Công đoàn cho biết: "Ưu tiên của chúng tôi là công việc của các thành viên, cộng đồng và sinh kế trong chuỗi cung ứng mà Ford Bridgend hỗ trợ."

    Jeff Beck, nhà tổ chức khu vực của liên minh GMB, cho biết việc đóng cửa nhà máy sẽ "là thảm họa cho cả các thành viên của chúng tôi ở Bridgend và cộng đồng nói chung".

    Ông nói thêm: "Điều trớ trêu là, ngay trong tuần Donald Trump gặp thủ tướng Anh để nói về một mối quan hệ đặc biệt và thỏa thuận thương mại với Anh và Mỹ, nếu nhà máy đóng cửa thì dây chuyền mới có thể sẽ bị chuyển đến Mexico bởi một công ty Mỹ.”

    Về tương lai của nhà máy, một phát ngôn viên của Ford cho biết: "Chúng tôi không có bình luận nào.”

    Việc đóng cửa dự kiến ​​là một cái tát vào ngành công nghiệp xe hơi của Anh sau khi Honda quyết định đóng cửa nhà máy Swindon vào năm 2021, khiến 3.500 người mất việc làm, và Nissan hủy bỏ kế hoạch sản xuất mẫu X-Trail tại Anh.

    Vào tháng 2, Sky News tiết lộ Ford đã cắt giảm tới 400 việc làm tại Bridgend trong một nỗ lực dự phòng tự nguyện - một phần trong kế hoạch cắt giảm 1.000 nhân công tại nhà máy trong hai năm tới.

    Trong khi đó, công ty đã tuyên bố vào tháng trước rằng họ đang cắt giảm 7.000 việc làm bàn giấy trên toàn thế giới, với dự kiến ​​lên tới 550 người ở Anh.

    Công ty có trụ sở tại Hoa Kỳ sử dụng khoảng 13.000 lao động ở Anh, tương đương gần một phần tư tổng lực lượng lao động 54.000 người trên khắp châu Âu.

    Vào tháng Tư, chủ tịch của Ford đã nói với Sky News rằng họ sẽ cẩn thận giám sát các hoạt động tại Vương quốc Anh trong trường hợp Brexit không có thỏa thuận.

    Steven Armstrong cho biết Ford đã chi hàng chục triệu euro để chuẩn bị cho việc Vương quốc Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận, bao gồm cả việc dự trữ linh kiện cho các nhà máy của mình.

    VietHome (Theo Sky News)

  • Thông tin vừa được công khai cho biết hơn 200 cửa hàng Boots có nguy cơ bị đóng cửa.

    Chủ sở hữu người Mỹ của chuỗi, Walgreen Boots Alliance (WBA), được cho là đang kiểm tra xem xét hàng trăm cửa hàng trong một phần của kế hoạch tái cấu trúc.

    Hơn 200 cửa hàng của chuỗi đã được đưa vào chương trình đánh giá hai năm.

    Các nguồn cho biết một số lượng đáng kể các cửa hàng có khả năng bị loại bỏ, mặc dù không có quyết định chính thức nào được đưa ra.

    Các thành phố có một số chi nhánh của chuỗi hóa mỹ phẩm này sẽ được đánh giá kỹ lưỡng, trong khi các chi nhánh sắp hết hợp đồng thuê nhà cũng sẽ được xem xét.

    Nếu có thể, nhân viên sẽ được phân đến một cửa hàng khác trong khu vực hoặc cửa hàng mới.

    Một phát ngôn viên của Boots nói hiện tại, không có chương trình lớn nào trong kế hoạch nhưng công ty "luôn xem xét đánh giá các cửa hàng hoạt động kém hiệu quả và tìm kiếm cơ hội hợp nhất".

    Họ thông báo thêm: “Đối với một doanh nghiệp có quy mô như chúng tôi, chúng tôi thường xuyên mở, đóng cửa hay di dời vị trí các cửa hàng, nhưng chúng tôi đã có khoảng 2.500 cửa hàng mở mới trong vài năm nay.

    “Trên thực tế, chúng tôi đầu tư nhiều vào các cửa hàng. Năm ngoái, chúng tôi đã hoàn thành một dự án bán hàng khổng lồ để cải tiến các khu vực tự chọn mỹ phẩm trong 2.200 cửa hàng.

    “Gần đây, chúng tôi đã công bố kế hoạch mở một cửa hàng quy mô lớn mới ở Covent Garden, London và tái phát triển hoạt động kinh doanh làm đẹp của chúng tôi tại 24 cửa hàng trên khắp Vương quốc Anh.

    “Chúng tôi đang có cái nhìn thực tế về tương lai và cần phải nhanh nhẹn để thích nghi với thay đổi trên thị trường.”

    Walgreen Boots Alliance cho biết vào tháng Tư rằng họ đã phải trải qua "quý khó khăn nhất" trong lịch sử và cảnh báo cần phải thực hiện "các bước đi quan trọng để giảm chi phí ở Anh". Họ cũng đang thực hiện đánh giá về Boots The chemist.

    Với khoảng 56.000 nhân viên, Boots là một trong những nhà bán lẻ lớn nhất ở Anh tính theo số lượng cửa hàng.

    VietHome (Theo Evening Standard)

  • Mức lỗ 760 tỷ đồng năm 2018 của Tiki trở nên quá nhỏ bé khi mà cả Lazada và Shopee cùng đẩy mức lỗ lên "một tầm cao" mới.

    Sau một thời gian đầu tư quyết liệt, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã dần định hình được một số tay chơi lớn như Adayroi, Lazada, Tiki, Shopee hay Sendo. Các doanh nghiệp này đều được chống lưng bởi những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh hoặc những tập đoàn thương mại điện tử nước ngoài.

    Sức hấp dẫn của thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã được phân tích và mổ xẻ từ lâu nhưng đây là cuộc chơi cực kỳ khốc liệt. Ngành thương mại điện tử vẫn thường được ví von là "cuộc đua nướng tiền" của đại gia khi mà biên lợi nhuận vô cùng thấp trong khi các chi phí liên quan đến bán hàng, logistics, khuyến mãi thu hút người dùng… đều rất lớn và ngày càng lớn hơn.

    Vấn đề mấu chốt của các trang thương mại điện tử còn trụ lại gần như chỉ xoay quanh vấn đề tiềm lực tài chính khi mà các doanh nghiệp này đều đang lỗ rất lớn và sẽ tiếp tục lỗ thêm rất nhiều nữa để duy trì vị trí của mình bằng không sẽ phải chấp nhận tay trắng rời cuộc chơi.

    Với việc chịu lỗ trên mỗi đơn hàng thì hiện tại khi quy mô giao dịch càng tăng lên thì mức lỗ cùng ngày càng nhiều thêm. Nếu như năm 2015-2016, mức lỗ xấp xỉ 1.000 tỷ đồng/năm của Lazada đã gây kinh ngạc trong ngành thì giờ đây cả Lazada và đối thủ nặng ký nhất là Shopee đều đã đẩy mặt bằng lỗ lên đến hơn 2.000 tỷ đồng/năm.

    Gia nhập thị trường thương mại điện tử Việt Nam chưa đầy 3 năm, Shopee đang chi rất mạnh để thu hẹp khoảng cách với Lazada. Chính thức ra mắt vào tháng 8/2016, Shopee lỗ 164 tỷ đồng ngay trong năm 2016. Sang năm 2017, Shopee lỗ hơn 600 tỷ đồng và đến năm 2018, mức lỗ tăng gấp 3 lên 1.900 tỷ đồng.

    Dù lỗ lũy kế gần 2.700 tỷ đồng trong 3 năm qua nhưng điểm đáng chú ý là Shopee chưa hề phát sinh doanh thu. Đến tận đầu quý 2/2019, trang thương mại điện tử này mới bắt đầu tính đến việc thu phí của người bán hàng trên nền tảng của mình.

    Trong khi doanh thu của Shopee bằng 0 - do không trực tiếp bán hàng - thì cả Lazada và Tiki (thông qua Tiki Trading) đều trực tiếp kinh doanh, qua đó cũng ghi nhận doanh thu đáng kể.

    Năm tài chính kết thúc vào 31/3/2018, doanh thu của Lazada tăng vọt từ 1.100 tỷ lên 2.800 tỷ đồng. Tuy vậy, mức lỗ cũng tăng gần gấp đôi từ 1.200 tỷ lên 2.150 tỷ đồng, chủ yếu là do tăng chi phí tài chính cũng như chi phí bán hàng.

    Với việc luôn chấp nhận mức lỗ vượt trội so với ngành, tính đến 31/3/2018, lỗ lũy kế của Lazada đã lên đến hơn 5.300 tỷ đồng. Giả sử vẫn duy trì mức lỗ khoảng 500 tỷ đồng/quý thì đến cuối năm 2018, tổng lỗ lũy kế của Lazada và Shopee đã lên đến gần 10.000 tỷ đồng!

    Mặc dù lỗ rất lớn, nhưng vốn điều lệ của Lazada từ nhiều năm nay vẫn chỉ giữ nguyên ở mức 15 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn vốn hoạt động đều được công ty mẹ - trước đây là Rocket Internet và hiện là Alibaba Group - hỗ trợ.

    Với nguồn tài chính eo hẹp hơn so với 2 trang thương mại điện tử nước ngoài, mức lỗ của Tiki cũng "khiêm tốn" hơn rất nhiều với 760 tỷ đồng. Dù vậy, mức lỗ này cũng bằng 2,5 lần so với năm 2017.

    Nếu như Lazada hay Shopee đều có công ty mẹ là các tập đoàn công nghệ có nguồn lực tài chính dồi dào luôn sẵn sàng bơm vốn thì Tiki lại đang có khá nhiều cổ đông trong và ngoài nước như VNG, JD.com, Sumitomo...

    Với nguồn lực tài chính không dư giả, Tiki luôn phải thực hiện thêm các vòng gọi mới để bổ sung vốn. Năm 2018, Tiki huy động được thêm 920 tỷ đồng nhưng cũng tiêu gần hết do mức lỗ lớn trong năm. Để tiếp tục chạy đua trong năm 2019 thì việc công ty phải gọi thêm vốn là yêu cầu bắt buộc.

    Trong số các cổ đông của Tiki thì cái tên đáng chú ý nhất hiện nay là JD.com - đối thủ chính của Alibaba tại thị trường Trung Quốc. Nhiều khả năng JD.com sẽ tiếp bơm thêm vốn vào Tiki để tăng tỷ lệ sở hữu so với mức 25% hiện tại.

    Viethome (theo Trí Thức Trẻ)

  • Arcadia, tập đoàn của Sir Philip Green, đã xác nhận kế hoạch đóng cửa 23 cửa hàng, khiến 520 người có nguy cơ mất việc.

    Các cửa hàng Dorothy Perkins, Burton, Topshop và Topman sẽ bị đóng cửa như một phần của quy trình sắp xếp tự nguyện của công ty (CVA).

    Đề xuất của tập đoàn bán lẻ này cũng sẽ bao gồm việc cắt giảm tiền thuê tại 194 cửa hàng khác.

    Tất cả 11 cửa hàng Topman và Topshop của nhà bán lẻ Mỹ cũng sẽ đóng cửa.

    Giám đốc điều hành Arcadia, ông Ian Grabiner, cho biết: "Trong bối cảnh thị trường bán lẻ đang gặp nhiều thách thức, thay đổi thói quen tiêu dùng và cạnh tranh trực tuyến ngày càng tăng, chúng tôi đã nghiêm túc xem xét tất cả các lựa chọn chiến lược có thể để đưa tập đoàn trở lại nền tảng tài chính ổn định.

    "Đây là một quyết định khó khăn nhưng cần thiết cho doanh nghiệp.

    "Chúng tôi sẽ đảm bảo tất cả các đồng nghiệp có khả năng bị ảnh hưởng sẽ được thông báo đầy đủ khi chúng tôi tìm kiếm sự chấp thuận từ các bên cho vay về các đề xuất CVA."

    Cũng trong một phần của kế hoạch, Lady Green, vợ của Sir Philip và chủ sở hữu cuối cùng của Arcadia, đã đề nghị chuyển cho các chủ đất 20% cổ phần của số tiền thu được nếu cuối cùng tập đoàn được bán đi.

    Lady Green cũng sẽ bơm thêm 50 triệu bảng tiền vốn vào doanh nghiệp, thêm vào khoản 50 triệu bảng mà bà hiện đã cho công ty vay.

    Giám đốc Arcadia sẽ gặp các chủ nợ tại các cuộc họp vào ngày 5 tháng 6 để tìm kiếm sự chấp thuận cho các đề xuất. 75% chủ nợ sẽ phải phê duyệt để kế hoạch được thông qua.

    Daniel Butters, đối tác tại Deloitte, cho biết: "Những kế hoạch CVA này sẽ cung cấp nền tảng ổn định cho đội ngũ lãnh đạo giàu kinh nghiệm của Arcadia, giúp họ thực hiện kế hoạch quay vòng và đảm bảo tính bền vững lâu dài cho tập đoàn."

    Từ đầu năm nay đã có thông tin cho rằng Sir Philip sẽ tìm cách bán tháo công ty hoặc đóng các cửa hàng. Vào tháng 3, Arcadia xác nhận họ đang tìm hiểu các lựa chọn để cải thiện hiệu quả trong kinh doanh.

    Cuối tháng đó, họ đã thuê các cố vấn tài sản để đánh giá bất động sản của mình trong khi vạch ra các kế hoạch tái cấu trúc.

    Tháng trước, nhà đầu tư Mỹ Leonard Green & Partners đã bán 25% cổ phần của mình trong Topshop và Topman cho công ty mẹ, trong một động thái mà Arcadia cho biết đã đơn giản hóa cấu trúc của tập đoàn và sẽ cho phép hội đồng quản trị tập trung vào tái cấu trúc.

    Tin tức này được tiết lộ chỉ vài tuần sau khi Sir Philip không xuất hiện trong Danh sách Người giàu của Sunday Times lần đầu tiên sau 17 năm.

    Danh tiếng của ông đã bị hủy hoại bởi sự sụp đổ của BHS năm 2016, khiến 11.000 người mất việc làm.

    VietHome (Theo ITV)

  • Hơn 1.000 người có nguy cơ mất việc khi chuỗi nhà hàng do đầu bếp nổi tiếng Jamie Oliver thành lập phải xin chỉ định quản lý sau lần suýt phá sản hai năm trước đó.

    Chuỗi cửa hàng Ý Jamie’s Italian và các địa điểm khác của Oliver đã đăng ký với công ty kiểm toán KPMG để tiến hành quy trình xử lý mất khả năng thanh toán.

    Động thái này khiến 1.300 người có nguy cơ mất việc và cũng giáng một đòn mạnh vào vị đầu bếp truyền hình có phong cách độc đáo này. Việc kinh doanh đã đem đến cho ông một khối tài sản khổng lồ trong suốt 20 năm qua.

    Các nguồn tin nói rằng quy trình quản trị sẽ được tiến hành ở các nhà hàng Barbecoa còn lại của ông Oliver cũng như nhà hàng Fiffteen London, trang web mà ông đã mở sau khi ông nổi tiếng thông qua chương trình TV Chef Chef.

    Quá trình mất khả năng thanh toán có thể khiến HSBC, ngân hàng cho vay chính của công ty, phải chịu một khoản lỗ hàng triệu bảng.

    KPMG có thể sẽ tiến hành một cuộc tìm kiếm chủ sở hữu mới sau khi doanh nghiệp của ông Oliver đưa ra quy trình tái cấu trúc vào năm 2017 xử lý một số cơ sở thua lỗ.

    Tình trạng mất khả năng thanh toán của Jamie’s Italian và các thương hiệu liên quan xảy ra trong giai đoạn các chuỗi nhà hàng bình dân trên phố lớn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.

    Cau đã biến mất trong khi người anh em Gaucho đang được tái cơ cấu, và nhiều chuỗi khác, bao gồm cả Prezzo và Carluccio cũng bị buộc phải đóng một loạt cửa hàng.

    Người phát ngôn của Tập đoàn Jamie Oliver cho biết: "Hội đồng quản trị của Jamie Italian Limited đã chỉ định Will Wright và Mark Orton của KPMG để đưa hoạt động kinh doanh nhà hàng có trụ sở tại Anh của mình vào quy trình quản lý.

    “Jamie Oliver Holdings, công ty điều hành Jamie Oliver Limited và Jamie Oliver Licensing Limited, cũng như doanh nghiệp nhượng quyền nhà hàng quốc tế, Jamie Italian International Limited, sẽ tiếp tục giao dịch như bình thường.

    "Fifteen Cornwall, hoạt động dưới hình thức nhượng quyền, cũng không bị ảnh hưởng."

    Jamie Oliver trả lời: "Tôi vô cùng đau buồn trước kết quả này và xin cảm ơn tất cả các nhân viên và nhà cung cấp của chúng tôi đã đặt cả trái tim và tâm hồn của họ vào doanh nghiệp này trong hơn một thập kỷ qua.

    "Tôi hiểu những người bị ảnh hưởng đang phải đối mặt với khó khăn. Tôi cũng muốn cảm ơn tất cả các khách hàng đã yêu thích và ủng hộ chúng tôi trong thập kỷ qua, thực sự vui khi được phục vụ các bạn.”

    KPMG từ chối bình luận.

    VietHome (Theo Sky News)

  • Giá vé của Ryanair đã giảm 6% trong năm tính đến tháng 3 năm 2019, dẫn đến sự sụt giảm 29% trong lợi nhuận của hãng hàng không này.

    Nhưng với lợi nhuận cả năm trên 1 tỷ euro (880 triệu bảng), hãng hàng không có ngân sách lớn nhất châu Âu vẫn giữ được phong độ tốt hơn nhiều so với các đối thủ.

    Năm ngoái, giá vé trung bình một chiều của hãng vận chuyển là €37 (£32), giảm 6%.

    Ryanair cho biết họ vẫn thận trọng về giá cả và giá vé thậm chí có thể giảm thấp hơn do cạnh tranh.

    Số lượng hành khách tăng 7% lên 139 triệu lượt, tương ứng lợi nhuận trên mỗi hành khách là 6,33 bảng.

    Chi phí ngoài nhiên liệu tăng 5%, phần lớn là do tăng lương - đặc biệt là cho các phi công.

    Ngoài ra, hãng hàng không nói rằng sự gián đoạn gây ra bởi thiếu hụt nhân viên kiểm soát không lưu khiến hãng phải chi thêm 50 triệu euro (44 triệu bảng).

    Ryanair cũng cho biết hãng đã trì hoãn việc bàn giao 5 máy bay Boeing 737 Max đầu tiên của hãng đến cuối tháng 10.

    Dòng máy bay này đã bị cấm sử dụng sau hai vụ tai nạn nghiêm trọng cướp đi sinh mạng của 346 người.

    Hãng hàng không cho biết: “Chúng tôi tiếp tục tin tưởng tối đa vào những chiếc máy bay này, có thêm 4% chỗ ngồi, tiết kiệm nhiên liệu hơn 16% và tạo ra lượng khí thải tiếng ồn thấp hơn 40%.”

    VietHome (Theo Independent)

  • Chủ sở hữu của Richer Sounds đã từ bỏ quyền kiểm soát doanh nghiệp và trao nó cho nhân viên của mình, tạo ra cấu trúc sở hữu theo phong cách John Lewis.

    Julian Richer, người sáng lập nhà bán lẻ hệ thống âm thanh và TV vào năm 1978, cho biết ông đã đưa ra các kế hoạch trong bản di chúc của mình để thành lập một quỹ thuộc sở hữu của nhân viên. Hiện tại, ông đã trao quyền kiểm soát hàng ngày cho đội ngũ quản lý và tư vấn nhân viên hội đồng.

    Ông nói quỹ nhân viên sẽ sở hữu 60% giá trị công ty.

    Trong khi ông kiếm được 9,2 triệu bảng nhờ cổ phần của mình, 3,5 triệu bảng sẽ được trao lại bằng hình thức tiền thưởng cho 522 nhân viên.

    Mức thưởng cá nhân sẽ phụ thuộc vào thời gian phục vụ, với £1.000 cho mỗi năm. Richer Sounds cho biết 39 người đã gắn bó với doanh nghiệp được hơn 20 năm.

    Ông Richer đã mở cửa hàng đầu tiên của mình ở London 5 năm sau khi ông bắt đầu bán hệ thống âm thanh cho các học sinh ở trường và việc kinh doanh đã phát triển thành 53 địa điểm trên khắp Vương quốc Anh.

    Ông luôn nhấn mạnh triết lý của công ty là nhân viên phải có được cảm giác hạnh phúc tương đương với khách hàng.

    Ông Richer nói: "Tôi luôn có kế hoạch để lại công ty cho quỹ nhân viên sau khi mình qua đời vì lợi ích của các đồng nghiệp trong doanh nghiệp.

    "Tôi đã bước sang tuổi 60 vào tháng 3, tôi cảm thấy đã đến thời điểm, thay vì để mặc mọi chuyện cho đến khi tôi ra đi, để đảm bảo rằng quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ và tôi có thể là một phần của nó."

    Chủ tịch công ty, ông David Robinson, nói: "Đó là thời gian cực kỳ thú vị và cho phép các đồng nghiệp của chúng tôi cảm thấy kết nối nhiều hơn với công ty.

    "Họ có phần thực sự trong thành công của doanh nghiệp và có thể tự hào khi biết rằng họ là cổ đông và có thể góp phần xây dựng cho tương lai."

    VietHome (Theo Sky News)

  • Tại một chi nhánh nhỏ của Sainsbury's ở trung tâm London, một đặc điểm chính phổ biến ở các siêu thị truyền thống đang vắng mặt. Đó chính là quầy thanh toán.

    Bắt đầu từ tuần này, những người mua sắm tại chi nhánh High Holborn sẽ chỉ cần quét các mặt hàng họ mua bằng một ứng dụng và sau đó ra về.

    Gã khổng lồ siêu thị có kế hoạch sử dụng thử nghiệm này để phát triển ứng dụng mà theo họ sẽ giúp việc mua sắm nhu yếu phẩm trở nên nhanh chóng và thuận tiện hơn. Nhưng nó cũng đồng thời thúc đẩy xu hướng sử dụng máy tính nhiều hơn và dẫn đến ít nhân viên hơn.

    Như vậy, một tương lai không quầy thanh toán sẽ có ý nghĩa gì đối với các siêu thị ở Anh và cụ thể hơn là đối với 2,7 triệu người lao động đang làm việc trong ngành bán lẻ?

    Rõ ràng loại bỏ quầy thanh toán tại các siêu thị có nghĩa là sẽ có ít cơ hội việc làm hơn trong ngành bán lẻ, một lĩnh vực sử dụng nhiều nhân công hơn bất kỳ ngành nghề nào khác ở Anh, vượt xa cả ngành đông nhân công thứ hai là ngành xây dựng với 1,8 triệu người.

    Sainsbury's cho rằng công nghệ mới chỉ đơn giản là giải phóng nhân viên, giúp họ có nhiều thời gian giúp đỡ khách hàng và sắp xếp kho kệ.

    Nhưng hiển nhiên thật vô lý khi tin rằng các nhà bán lẻ sẽ giữ lại tất cả 200.000 nhân viên thu ngân ước tính đang làm việc ở Anh khi các ông chủ không còn nhu cầu sử dụng họ.

    Bên cạnh tiền thuê mặt bằng, tiền lương cho người lao động là một trong những chi phí tốn kém nhất và họ cần phải cắt giảm nhân lực nếu phải đối mặt với thách thức từ các nhà bán lẻ trực tuyến, bao gồm cả Amazon hùng mạnh.

    Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) ước tính khoảng hai phần ba nhân viên thu ngân có nguy cơ cao bị thay thế bởi công nghệ. Điều đó có nghĩa là khoảng 135.000 việc làm sẽ biến mất.

    Các định dạng cửa hàng mới thực sự không phải là phát kiến mới. Sainsbury’s vốn đã thử nghiệm ứng dụng tự phục vụ của mình tại các cửa hàng tiện lợi và đối thủ của họ bao gồm Marks & Spencer và Co-op đã thử nghiệm các dịch vụ tương tự của riêng họ.

    Trong khi đó, hàng ngàn công việc siêu thị đã biến mất tại tất cả các hãng lớn khi các hãng này phải chiến đấu với các chương trình giảm giá liên tiếp như ở Lidl và Aldi, nơi sử dụng ít nhân viên thu ngân hơn.

    Mọi người hẳn đều đã nhận thấy các siêu thị ngày càng sử dụng nhiều hơn phương thức tự thanh toán. Ứng dụng tự quét mã sản phẩm chỉ là bước tiếp theo trong xu hướng đó.

    Tại sao phải bỏ tiền đầu tư công nghệ quầy thanh toán đắt tiền khi hầu hết người mua sắm hiện nay đều có máy quét mã vạch cầm tay trong túi dưới dạng điện thoại thông minh của họ?

    Vì vậy, dù xu hướng tự động hóa được thiết lập tốt, nhưng đó vẫn còn một chặng đường dài.

    Phần lớn chuỗi cung ứng mang thực phẩm (và các sản phẩm khác) đến tận cửa nhà chúng ta cũng có thể được tự động hóa trong vòng một thập kỷ tới.

    Với trí thông minh nhân tạo, xe tự lái và robot, công nghệ thay thế người lái xe tải, nhân viên kho và nhân viên hành chính đã có mặt.

    Có lẽ một nửa số công việc liên quan đến bán lẻ có thể được tự động hóa khi công nghệ được cải tiến và chi phí giảm.

    Điều này không nhất thiết là một xu hướng xấu. Cải thiện hiệu quả của một trong những bộ phận quan trọng nhất của nền kinh tế nên là việc được hoan nghênh, và theo quy luật, việc làm mới sẽ được tạo ra khi những công việc cũ biến mất. Nhưng tác động của những thay đổi này phụ thuộc rất nhiều vào cách quản lý quy trình.

    Tự động hóa thường được gọi là “cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.”

    Chính phủ phải đóng vai trò chủ động hơn nhiều so với những cuộc cách mạng trước đó. Chính phủ phải chủ động dự báo những thay đổi và chủ động giúp đỡ những người bị ảnh hưởng được đào tạo và kiếm được việc làm khác thay vì lẩn trốn với cái cớ rằng quy luật thị trường sẽ tự làm mọi việc.

    Có vẻ như các quầy thu ngân sẽ dần biến mất, nhưng nhân viên tại cửa hàng vẫn sẽ đóng một vai trò đáng kể.

    Cuối cùng, mọi quyết định sẽ nằm ở ý muốn của khách hàng. Thực ra, các siêu thị đã giới thiệu các ứng dụng tự quét (không dựa trên điện thoại thông minh) vào những năm 1990 nhưng ý tưởng này chưa bao giờ thực sự được phát triển mạnh mẽ.

    Liệu chúng ta sẽ sẵn sàng trả thêm một chút để đến một cửa hàng có thêm một vài nhân viên hỗ trợ hay chúng ta sẽ chọn lựa chọn rẻ nhất?

    Hẳn sẽ có cả hai nhóm khách hàng. Như nhiều nhà bán lẻ cho biết, giá cả là một yếu tố quan trọng quyết định hành vi của người tiêu dùng nhưng nó không phải là duy nhất.

    Do đó, sẽ có chỗ cho trải nghiệm mua sắm không rườm rà, không quầy thu ngân bên cạnh các dịch vụ truyền thống hơn, có lẽ kèm với cả một số lượng nhỏ các trợ lý bán lẻ có kiến ​​thức sâu rộng mà các đối thủ trực tuyến không thể cung cấp.

    Các nhà bán lẻ truyền thống đang ngày càng nhận thức rõ nét rằng những trải nghiệm của chúng ta khi mua sắm trong một cửa hàng thực tế - hình ảnh, âm thanh, kết cấu và tương tác cá nhân - là lợi thế chính của họ.

    Vì vậy, một tương lai nơi chúng ta lướt đi trong đơn độc qua các lối đi, lấp đầy giỏ của chúng ta mà không bao giờ tương tác với bất cứ ai dường như - rất may – còn khá xa xôi.

    VietHome (Theo Independent)

     

  • Sainsbury's báo cáo giảm 41,6% lợi nhuận trước thuế xuống còn 239 triệu bảng do chi phí tái cấu trúc và thất bại trong quá trình sáp nhập với Asda.

    Chuỗi siêu thị cho biết họ đã chi 46 triệu bảng để chuẩn bị cho thỏa thuận với đối thủ, nhưng đã bị các cơ quan cạnh tranh chặn lại vào tuần trước.

    Chi phí của vụ sáp nhập Asda là một trong các khoản phí một lần với tổng trị giá 396 triệu bảng nằm trong quyết toán của siêu thị, cũng như dự toán thay đổi lương hưu và tái cơ cấu các cửa hàng.

    Sainsbury cho biết nếu không tính những khoản này, lợi nhuận trong năm tính đến ngày 9 tháng 3 cao hơn 7,8% - nhờ vào "hiệu suất tiêu thụ thực phẩm" cũng như 160 triệu bảng tiết kiệm khi tiếp tục tích hợp với Argos, hãng bán lẻ mà Sainsbury's mua lại từ năm 2016.

    Giám đốc điều hành Mike Coupe đã bác bỏ suy đoán về tương lai của mình sau khi sáp nhập thất bại, nói rằng ông sẽ không nghỉ việc và cam kết trung thành với hãng - và ông cũng nhận được sự hỗ trợ của hội đồng quản trị và các cổ đông.

    Ông Coupe, người bị quay lại cảnh đang hát bài "We’re in the money" sau khi thỏa thuận với Asda được công bố lần đầu tiên cách đây một năm, nói với các phóng viên: "Tôi vẫn sẽ là người trò chuyện với các bạn trong nhiều tháng và nhiều năm tới."

    Siêu thị tiết lộ rằng doanh số bán hàng đã giảm 0,9% trong quý cuối cùng của năm tài chính - quý giảm thứ hai liên tiếp - với doanh số giảm 0,2% trong cả năm.

    Doanh số bán hàng tạp hóa tăng cao khi giá cả tiêu dùng nói chung đều tăng nhưng khối lượng tiêu thụ thực phẩm và đồ uống lại giảm. Trong khi đó, các mặt hàng khác không có sự thay đổi và doanh số bán quần áo giảm.

    Sainsbury's đã cảnh báo về một thị trường "cạnh tranh cao và nhiều khuyến mại" trong bối cảnh không chắc chắn đối với người tiêu dùng.

    Các nhà đầu tư đã rất muốn xem Sainsbury's sẽ phản ứng thế nào sau khi nỗ lực hợp tác với Asda - một vụ sáp nhập mà họ tuyên bố sẽ tiết kiệm cho người mua đến 1 tỷ bảng nhờ giá hàng hóa thấp hơn  - đã thất bại.

    Ông Coupe cho biết công ty sẽ tăng và đẩy nhanh đầu tư vào hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình, với hàng loạt cải tiến tại 400 siêu thị trong năm nay, đồng thời tăng cường chi tiêu cho công nghệ trực tuyến và nỗ lực giảm nợ.

    Một số nhà phân tích cho rằng lãnh đạo của công ty có thể đã mất tập trung vào doanh nghiệp khi sự chú ý của họ được chuyển sang thỏa thuận Asda.

    Nhưng ông Coupe cho biết Sainsbury's đã cải thiện đáng kể các tiêu chuẩn cửa hàng trong những tháng gần đây và rằng hãng "tập trung vào việc giảm chi phí để chúng tôi có thể đầu tư cho sản phẩm hàng hóa mang đến giá trị tốt hơn cho khách hàng".

    Ông nói thêm: "Tôi tin tưởng vào chiến lược của chúng tôi và cũng rõ ràng về những gì chúng tôi cần làm để tiếp tục phát triển kinh doanh trong một thị trường cạnh tranh cao, nơi thói quen mua sắm không ngừng thay đổi."

    Tin tức này được đưa ra một ngày sau khi các số liệu trong ngành cho thấy Sainsbury's là một trong "bốn đại gia" siêu thị không thể tăng doanh số gần đây.

    VietHome (Theo Sky News)

  • Warren Buffett cho biết ông đã sẵn sàng đầu tư vào Anh. Ngay cả đối với một nhà đầu tư huyền thoại như ông, điều này có thể là một cú "đặt cược" khó khăn.

    "Kỷ niệm đau thương" của Warren Buffett ở Vương quốc Anh là khá nhiều. Ông từng đề cập đến khoản đầu tư của mình vào chuỗi siêu thị Tesco là một "sai lầm lớn". Và một nỗ lực của công ty Kraft Heinz được Berkshire Hathaway hậu thuẫn để mua Unilever vào năm 2017 đã sụp đổ sau khi gã khổng lồ trong lĩnh vực hàng tiêu dùng này nói rằng họ không quan tâm.

    Tuy nhiên, Buffett đã nói rõ rằng ông rất muốn đầu tư một số tiền mặt của Berkshire vào một thương vụ lớn, và nước Anh vẫn còn đang trong diện "xem xét" của ông. Trong lá thư thường niên gửi cho cổ đông vào tháng 2, Buffett tiết lộ rằng Berkshire Hathaway hiện có 112 tỷ USD trong tay, và sẵn sàng thực hiện "một vụ thôn tính có kích thước ‘khủng’".


    Warren Buffett từng thất bại đau thương khi đầu tư vào Tesco.

    Thành công và thất bại

    Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Financial Times, Buffett cho biết ông đã "sẵn sàng mua một thứ gì đó ở Anh vào ngày mai".

    "Chúng tôi hoan nghênh cơ hội bỏ tiền ra ở bất cứ nơi nào mà chúng tôi nghĩ rằng mình hiểu và tin tưởng vào hệ thống. Chúng tôi sẽ không bao giờ hiểu bất kỳ nền văn hóa hoặc luật thuế hoặc hải quan nào khác rõ như Mỹ, nhưng chúng tôi có thể gần như đạt được điều đó ở Anh".

    Từ trước đến nay, Buffett đầu tư chủ yếu ở Mỹ. Berkshire, tập đoàn có trụ sở tại Omaha, Nebraska, đã đầu tư vào một số công ty nước ngoài như Paytm của Ấn Độ. Nhưng cổ phần lớn nhất của họ là ở Apple, Bank of America, Wells Fargo, Coca-Cola và American Express.

    Trong khi đó, đầu tư của Buffett vào các công ty Anh không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Vào năm 2015, ông đã mất 444 triệu USD cho khoản đầu tư vào Tesco, chuỗi siêu thị lớn nhất nước Anh. Cổ phiếu của Tesco đã giảm 44% trong năm 2014 vì lợi nhuận giảm và bê bối kế toán. Buffett thừa nhận với các nhà đầu tư trong lá thư hàng năm của mình vào năm đó rằng ông đã chờ quá lâu để bán. Vào năm 2017, ông đã phải đối mặt với một sự thất vọng khác, khi Kraft Heinz bị buộc phải rút lại giá thầu đưa ra để mua Dove và Lipton của Unilever.

    Buffett nhắm đến điều gì?

    Vương quốc Anh không phải là lựa chọn duy nhất của Buffett. Đã có một số suy đoán rằng ông có thể mua một hãng hàng không lớn, vì Berkshire đã sở hữu cổ phần ở Tây Nam, American, Delta và United. Ông cũng đã cam kết dành 10 tỷ USD để giúp đỡ Occidental trong nỗ lực mua Anadarko. Và một vụ mua lại cổ phiếu với số lượng lớn cũng đang được xem xét.

    Nếu Buffett chọn đầu tư vào Anh, đó sẽ là một dấu hiệu của niềm tin vào nước này vào thời điểm Brexit đang đến rất gần. Danh tiếng "môi trường ổn định cho các nhà đầu tư" của Anh đã bị hủy hoại nghiêm trọng bởi sự bất ổn suốt ba năm khi họ quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Trong năm qua, chỉ số FTSE 100 của London đã giảm 1,7%, trong khi S&P 500 đã tăng gần 12%.

    Dữ liệu khảo sát cho tháng 4 cho thấy sự trì hoãn Brexit "đã có tác động rất ít trong việc vực dậy niềm tin của doanh nghiệp hoặc người tiêu dùng", Samuel Tombs, nhà kinh tế trưởng của Vương quốc Anh tại Pantheon Macroeconomics, cho biết.

    Tuy nhiên, điều đó có thể không khiến Buffett phải bận tâm, vì ông là người thích tìm kiếm các công ty mà ông tin rằng đang bị thị trường định giá thấp (dù gần đây ông nhắm vào các cổ phiếu tăng trưởng như Amazon ).

    "Ông ấy đang tìm kiếm những thương hiệu tốt mà có thể đang giao dịch ở mức giá giảm và cần tài chính. Ở châu Âu, hàng chục, nếu không muốn nói là hàng trăm, công ty có thể phù hợp với điều đó", Biggar nói.

    Viethome (theo Trí Thức Trẻ)

  • Một nhóm năm người và công ty chuyển tiền tên Vina Money Transfer vừa bị truy tố vì điều hành một băng nhóm thỏa hiệp tội phạm, trong đó có hành vi ấn định tỉ giá và phí dịch vụ chuyển tiền. Cảnh sát buộc tội nhóm này đã đổi trái phép hàng trăm triệu đô la Úc qua tiền đồng Việt Nam, thông qua các cửa hàng chuyển tiền ở Sydney và Melbourne.

    Theo sau một cuộc điều tra phối hợp giữa Cảnh sát Liên bang Úc (AFP) và Ủy ban Cạnh tranh và Người Tiêu dùng Úc (ACCC), Operation EUPORIE năm 2014, trong đó phát hiện các hành vi băng nhóm thỏa hiệp (cartel conduct) từ năm 2011 và 2016 của các công ty chuyển tiền, trong đó có Vina Money Transfer.

    Theo đó, cáo buộc Vina Money Transfer, bao gồm các chi nhánh ở tiểu bang Victoria (Footscray, Springvale) và New South Wales (Bankstown, Blacktown, Cabramatta, Hurstville), ấn định tỉ giá trao đổi tiền đô Úc qua tiền đồng Việt Nam và phí chuyển tiền mà khách hàng phải trả, trái với Đạo luật Cạnh tranh và Tiêu dùng 2010 (Cth).

    Cảnh sát cho rằng hoạt động này do Ngân hàng Thương Mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín Sacombank tại Việt Nam “chỉ đạo”.

    Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc Rod Sims mô tả hành vi bị cáo buộc, mà cảnh sát tuyên bố liên quan đến việc thỏa thuận để thiết lập tỷ giá và phí dịch vụ chuyển tiền giữa ba doanh nghiệp chuyển tiền, là “vô cùng nghiêm trọng”.

    “Ấn định giá (price fixing) là hành vi các đối thủ đồng thuận với nhau một mức giá thay vì cạnh tranh công bằng với nhau. Hành vi băng nhóm thỏa hiệp như vậy lừa dối người tiêu dùng, và gây thiệt hại cho các doanh nghiệp khác và toàn bộ nền kinh tế.”

    Ông Sims dùng chữ “chuyện làm ăn lớn” khi mô tả việc chuyển tiền từ Úc về Việt Nam.

    “Tiền gửi từ Úc về Việt Nam – thường là từ người Việt sống ở đây (Úc) gửi tiền về quê nhà – khoảng $700 triệu đôla mỗi năm,” ông Sims cho biết.

    Đồng nhất với số liệu của Ngân hàng Thế giới ước tính, tổng số tiền đã được chuyển từ Úc về Việt Nam trong giai đoạn này khoảng $700 triệu đôla mỗi năm.

    Tuy nhiên Cảnh sát Liên bang Úc (AFP) và Ủy ban Cạnh tranh và Người Tiêu dùng Úc (ACCC) không tiết lộ lợi nhuận mà các bị cáo kiếm được khi làm việc cho doanh nghiệp bị cáo buộc phạm pháp này.

    Ông Sims cho biết hành vi bị cáo buộc chiếm hơn hai phần ba tổng số giao dịch chuyển tiền và gần một phần tư tổng số tiền được chuyển từ Úc sang Việt Nam trong thời gian này.

    Trên cơ sở đó, 25 phần trăm của $700 triệu đôla tương đương với $175 triệu đô la mỗi năm.

    “Ngoài những khoản tiền phạt rất lớn có thể được áp dụng đối với các tập đoàn có hành vi liên quan đến tội phạm băng nhóm thỏa hiệp hình sự, những cá nhân bị kết tội có liên quan đến tội phạm băng nhóm thỏa hiệp hình sự có thể bị phạt tù tới 10 năm và bị phạt tiền lên tới $420,000 đô la cho mỗi vi phạm,” ông Sims cho biết.

    Công ty Vina Money Transfer phải đối mặt với bảy buộc tội cho việc lập và thực hiện các hợp đồng, thỏa thuận hoặc hiểu biết (CAU), theo hiểu biết của tập đoàn, có các điều khoản băng nhóm thỏa hiệp, liên quan đến việc ấn định tỷ giá và phí chuyển tiền.

    Hôm qua, ông Van Ngoc Le, 58 tuổi, ở Cabarita NSW ra Tòa Sơ thẩm Melbourne, bị buộc sáu tội, biết và có liên quan đến một số hoặc tất cả các hành vi được cho là phạm tội của Vina Money Transfer với tư cách là cựu thư ký và giám đốc của doanh nghiệp.

    Jamie Le, 30 tuổi, đến từ NSW và từ Queensland, Tony Le, 32 tuổi, cùng sống ở Cabarita, đối mặt với một buộc tội tương tự nhau, làm việc với Vina Money Transfer với tư cách là thư ký và giám đốc, và cựu thư ký và giám đốc.

    Cả ba đều được tại ngoại hầu tra.

    Van Khai Tran, 63 tuổi, ở Mitcham VIC, bị buộc tội với hai tội danh tương tự, liên quan đến hoạt động chuyển tiền nhanh của Hong Vina Fast Money Transfer với tư cách là cựu thư ký và giám đốc.

    Thi Nguyen, cựu cổ đông của Hong Vina, 58 tuổi ở Springvale bị buộc sáu tội, biết và có liên quan đến một số hoặc tất cả các hành vi được cho là phạm tội của Hong Vina Fast Money Transfer.

    Cả năm người này sẽ ra Tòa Sơ thẩm Melbourne lần nữa vào ngày 18 tháng 7 năm 2019, và được cho là sẽ chuyển lên tòa Liên bang nếu Tòa Sơ thẩm thấy đủ bằng chứng.

    Công ty chuyển tiền thứ ba liên quan đến hành vi cáo buộc ấn định giá là Hai Ha Money Transfer.

    Theo những gì SBS Vietnamese tìm hiểu được, cảnh sát cáo buộc cả ba công ty có tên trên đã được ngân hàng Sacombank tiếp cận để khớp với tỷ giá hối đoái. Cả ba công ty này đều thực hiện thanh toán tại Việt Nam thông qua ngân hàng Sacombank.

    Viethome (theo SBS Vietnamese)

  • Tờ CNBC vừa chỉ ra một vài nguyên nhân khiến McDonald’s và Burger King không thể thu hút được một lượng lớn khách hàng tại Việt Nam.

    Mới đây, tờ CNBC đã có video lý giải nguyên nhân tại sao những chuỗi đồ ăn nhanh lớn bậc nhất thế giới như McDonald’s và Burger King phải chịu cảnh thất bại thảm hại tại Việt Nam.

    Đầu tiên không thể phủ nhận việc các cửa hàng fastfood đang ngày một thống trị thế giới. Nếu như Burger King có tới 16.000 cửa hàng thì Mc Donald’s có hơn 36.000 cửa hàng tại hơn 100 quốc gia.

    Riêng các khách hàng của Mc Donald’s có thể thưởng thức các món ăn trong nhiều không gian hết sức đa dạng, như một cabin sang trọng của máy bay đã ngừng hoạt động ở Taupo, New Zealand chẳng hạn. Thị trường đồ ăn nhanh hiện đạt giá trị 651 tỷ USD theo số liệu của IBIS World. Tuy nhiên, có một nơi mà những ông lớn này không thể chinh phục, đó là Việt Nam.

    Còn nhớ thời điểm năm 2014 khi MCDonald’s mở cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam, đã có hàng dài người xếp hàng chờ nhiều tiếng đồng hồ để được mua những chiếc bánh BigMac. Nhưng ở thời điểm hiện tại, tức là sau 4 năm, McDonald’s mới chỉ có 17 cửa hàng trên cả nước.

    Tình hình của Burger King cũng không khả thi hơn khi họ mới chỉ có 11 cửa hàng kể từ khi gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2011.

    Tờ CNBC nhân định thất bại của McDonald’s và Burger King tại thị trường đầy tiềm năng như Việt Nam là khá "kỳ lạ". Không chỉ trên toàn thế giới, ở châu Á nói riêng những chuỗi này đã chứng minh được thành công vang đội ở nhiều thị trường.

    Riêng tại Trung Quốc và Nhật Bản, các chuỗi này sở hữu tới hàng nghìn cửa hàng. Burger King đã nâng số lượng cửa hàng tại Nhật Bản từ con số 12 trong năm 2008 lên mức 98 vào năm 2017. Trong khi đó McDonald’s đứng thứ 2 trong số 4 chuỗi đồ ăn nhanh nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc chỉ sau KFC, Burger King đứng thứ 4.

    Ở Việt Nam lại là câu chuyện hoàn toàn khác…

    Khi McDonald’s vào Việt Nam vào năm 2014, họ đặt kế hoạch mở tới 100 cửa hàng trong 10 năm, nhưng cho đến nay con số mới dừng lại ở 17. Trong khi đó Burger King đầu tư tới 40 triệu USD vào Việt Nam vào năm 2012 và đặt mục tiêu có 60 cửa hàng cho tới năm 2016 nhưng con số ở thời điểm hiện tại chỉ dừng ở mức 13.

    Lý do là gì?

    Hảo Trần - Đồng sáng lập website Vietcetera chia sẻ với CNBC: "Các chuỗi đồ ăn nhanh nước ngoài không được ưa chuộng ở Việt Nam vì khi người Việt ăn hàng họ có thể dễ dàng mua đồ ăn ví như 1 bát phở hay 1 cái bánh mì từ những gánh hàng rong trên đường phố. Dường như các ông lớn fastfood đã đánh giá quá thấp các đối thủ tại địa phương mà họ sẽ phải cạnh tranh. Người dân ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh - nơi McDonald's và Burger King mở cửa hàng có rất nhiều lựa chọn".

    Đầu bếp, tác giả sách Andrea Nguyễn thì cho biết: "Bánh mì truyền thống của Việt Nam có giá rất rẻ so với bánh kẹp của McDonald’s và Burger King".

    Theo số liệu của EC, người Việt chi một lượng lớn thu nhập cho thực phẩm và 78% số tiền đó được tiêu cho các hàng hoá rong ven đường, chợ truyền thống. Chỉ 1% được chi tiêu vào các cửa hàng fastfood.

    Ngành dịch vụ đồ ăn của Việt Nam có hơn 540.000 cửa hàng, trong đó hơn 430.000 là những hàng bán rong và các cửa tiệm nhỏ lẻ trên phố của người dân địa phương. 80.000 cửa hàng là phục vụ cả khách ăn tại chỗ, mang về hay đặt hàng trực tuyến, gồm cả đồ ăn và đồ uống. 22.000 là các quán bar và cà phê. 7.000 trong số đó là các cửa hàng thuộc về các chuỗi fastfood.

    Hảo Trần chia sẻ thêm rằng: "30 - 40 năm qua thị trường đã tăng trưởng mạnh mẽ nhưng thực chất khoảng 20 năm trở lại đây mới bùng nổ các cửa hàng ngay trên phố. Người ta chỉ cần bước ra khỏi cửa nhà là có thể được phục vụ với rất nhiều lựa chọn".

    Năm 1997, KFC mở cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam nhưng thời điểm đó thị trường đồ ăn ở Việt Nam đã rất sôi động. 7 năm sau, KFC cũng mới chỉ có 10 cửa hàng tại đây. Giải pháp được KFC đưa ra là thay đổi thực đơn để phù hợp hơn với khẩu vị của người dân bản địa. Trong đó món cơm gà bánh humburger là dành riêng cho thị trường Việt Nam. Kểt quả là đến nay KFC đã có 130 cửa hàng tại 21 thành phố.

    Mức giá cho một bữa ăn tại KFC dường như dễ được chấp nhận ở Việt Nam hơn. So với đó giá tại các chuỗi fastfood nước ngoài, trong đó có cả McDonald’s và Burger King được cho là quá cao, chưa kể so với các cửa hàng truyền thống, khoảng cách này càng xa hơn. 1 bữa ăn tại các cửa hàng truyền thống có thể đủ cho số lượng người cao gấp đôi trong khi giá chỉ bằng một nửa.

    Iny Trần - một chủ nhà hàng tại TP HCM cho biết: "Người Việt chỉ cần chi khoảng 1 - 3 USD cho mỗi bữa trưa. Mọi người thường đi theo nhóm, hôm nay vào McDonald’s, mai lại có nhiều lựa chọn đồ ăn truyền thống trên phố".

    Tuy nhiên giá cao chỉ là một phần nguyên nhân, cách phục vụ đồ ăn cũng là một lí do phổ biến. Nếu như ở Mỹ, các vị khách sẽ vào cửa hàng, chọn món mà họ thích từ thực đơn và tự đặt hàng thì ở Việt Nam thiên về hướng gia đình. Burger không bán chạy vì đây là món ăn khó chia phần. Theo doanh nhân Thomasen thì: "Có 2 nguyên tắc cơ bản, đầu tiên người Việt cần đồ ăn có thể chia được và thứ 2 là phải có gà. Khi nhìn vào chiếc burger, gà không phải là thứ tồi tệ, mà đơn giản chỉ là bởi món ăn đó không khiến người Việt thích thú".

    Điều đáng nói là tình hình tồi tệ như hiện tại chưa có dấu hiệu cải thiện trong một sớm 1 chiều. Lượng khách đến các chuỗi đồ ăn nhanh đã giảm 31% trong giai đoạn từ năm 2016 - 2018 trong khi đó, lượng khách tới các cửa hàng ven đường đã tăng tới 70% trong cùng giai đoạn. Ông Thomasen nói thêm: "Khi nhìn vào những chuỗi fastfood của Mỹ đang có mặt ở Việt Nam, có thể chia chúng thành 3 loại: Burger, gà và các món Ý. Đối với các món Ý, chúng dễ tiếp cận hơn với nhiều quốc gia châu Á bởi bạn có thể dễ dàng chia thức ăn thành nhiều phần".

    Dẫu vậy không phải mọi chuỗi fastfood nước ngoài đều thất bại ở Việt Nam. Hiện McDonald’s và Burger King chỉ chiếm 2,8% thị phần, trong khi đó KFC chiếm tới 11,4% còn Pizza Hut chiếm 21,3%.

    Dù tình hình kinh doanh ảm đạm nhưng McDonald’s và Burger King chưa có ý định từ bỏ thị trường Việt Nam. Cả hai hiện đang nỗ lực điều chỉnh thực đơn cho hợp với khẩu vị người Việt.

    McDonald’s là một ví dụ, họ bổ sung thêm món thịt heo nướng và trứng ốp la trong khi đó Burger King xuất hiện món cơm cá. Dẫu vậy, các chuyên gia phân tích cho rằng cần phải làm nhiều hơn thế nếu muốn cạnh tranh với đồ ăn truyền thống vốn hết sức đa dạng. Nhìn chung thì McDonald’s và Burger vẫn phải đối mặt với tương lai khá u ám trong nỗ lực thoả mãn khẩu vị của người Việt.

    Viethome (theo Trí Thức Trẻ)