• Wetherspoons tuyên bố sẽ mở thêm nhiều quán rượu và khách sạn mới trên khắp Vương quốc Anh trong gói đầu tư 200 triệu bảng, tạo ra khoảng 10.000 việc làm.

    Trong bốn năm tới, công ty cho biết sẽ mở rộng trên khắp Vương quốc Anh và Cộng hòa Ireland. Hầu hết các khoản đầu tư sẽ tập trung vào phát triển thương hiệu tại các thị trấn nhỏ và vừa, nhưng cũng sẽ bao gồm các thị trấn và thành phố lớn hơn.

    Một số quán rượu sắp được khai trương bao gồm Bourne ở Lincolnshire, Waterford ở Ireland, Hamilton ở Scotland, Ely ở Cambridgeshire, Diss ở Norfolk, Felixstowe ở Suffolk, Newport Pagnell ở Buckinghamshire, và Prestatyn ở Bắc Wales.

    Công ty cũng sẽ đầu tư vào các thành phố lớn bao gồm London, Dublin, Edinburgh, Glasgow, Birmingham, Leeds và Galway.

    Người sáng lập và chủ tịch của Wetherspoons, ông Tim Martin, cho biết: “Chúng tôi mong muốn mở thêm nhiều quán rượu mới cũng như đầu tư vào các quán rượu hiện có trong bốn năm tới.

    “Chúng tôi đặc biệt hài lòng rằng một tỷ lệ lớn khoản đầu tư sẽ được phân bố cho các thị trấn và thành phố nhỏ hơn, những nơi đã chứng kiến ​​sự suy giảm đầu tư trong những năm gần đây. Tin tuyệt vời là chúng tôi sẽ tạo ra khoảng 10.000 việc làm.”

    Wetherspoons hiện đang điều hành 875 quán rượu và 58 khách sạn trên khắp Vương quốc Anh và Cộng hòa Ireland với 44.000 nhân viên.

    Nhà sáng lập cực kỳ ủng hộ Brexit và trước đó tuyên bố sẽ giảm giá bia sau khi nước Anh rời EU.

    VietHome (Theo Evening Standard)

  • Công ty năng lượng khổng lồ Npower đã công bố kế hoạch tái cấu trúc hoạt động kinh doanh tại Vương quốc Anh. Điều này khiến công đoàn lo ngại sẽ khiến 4.500 người mất việc và một số tổng đài điện thoại bị đóng cửa.

    Tin tức này được một quan chức liên đoàn mô tả là “đòn tấn công” giáng vào người lao động, đặc biệt là chỉ còn vài tuần trước lễ Giáng sinh.

    Ông Julian Teyssen, giám đốc điều hành của E.ON, chủ sở hữu Npower, cho biết: “Thị trường Anh hiện đang trong giai đoạn đặc biệt thách thức. Chúng tôi đã nhấn mạnh nhiều lần rằng chúng tôi sẽ thực hiện tất cả các hành động cần thiết để đưa doanh nghiệp hướng đến sinh lợi ổn định.

    “Vì mục đích này, chúng tôi đã đưa ra các đề xuất và bắt đầu thảo luận với các công đoàn của Anh.”

    Theo Chris Jukes, thuộc công đoàn GMB, nguy cơ mất việc luôn là một đòn đau đối với người lao động, đặc biệt là gần dịp Giáng sinh.

    E.ON thông báo họ đang đẩy mạnh "những nỗ lực cắt giảm chi phí đầy tham vọng" của mình mà không để mất khách hàng, giải thích rằng: "Kế hoạch này dựa trên các quy trình kỹ thuật số ngày càng tinh gọn hơn cũng như giúp cải thiện trải nghiệm của khách hàng".

    Một phát ngôn viên của E.ON nói: "Thật đúng đắn và công bằng khi các đồng nghiệp của chúng tôi được thông báo trước về bất kỳ khả năng thay đổi nào và chúng tôi sẽ không đưa ra bình luận gì thêm vào lúc này."

    Tổng thư ký Unison Dave Prentis nói: "Đây là một đòn tấn công độc ác đối với nhân viên của Npower. Họ đã thấp thỏm lo lắng về công việc của mình trong nhiều tháng. Bây giờ, nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của họ đã thành hiện thực, chưa đầy một tháng trước Giáng sinh.

    "Thị trường năng lượng của Anh có nguy cơ sụp đổ thực sự. Nếu không có giải pháp nào được thực hiện, sẽ sớm có những tương tàn khác.

    "Sự sụp đổ của Npower có nghĩa là không còn thời gian để lãng phí. Nó chính là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy cần đưa các công ty năng lượng Big Six trở thành sở hữu công cộng.

    "Điều này sẽ giúp bảo đảm công ăn việc làm, bảo đảm khách hàng có được sản phẩm và dịch vụ tốt hơn và cho phép Vương quốc Anh đạt được các mục tiêu giảm thiểu carbon."

    VietHome (Theo ITV)

  • Poundland đã bỏ khẩu hiệu ‘đồng giá £1’, đơn giản vì mọi thứ không còn có giá £1 nữa.

    Vậy là cửa hàng nơi bạn không cần hỏi giá đã thay đổi.

    Thay vì chỉ cung cấp mọi thứ với giá 1 bảng, các mặt hàng sẽ có giá từ 50p đến 5 bảng, cùng một số mặt hàng đặc biệt có giá 10 bảng.

    Cửa hàng đã bán các mặt hàng ưu đãi đặc biệt ngoài phạm vi £1 thông thường kể từ năm 2017 nhưng lần này, mức giá cao áp dụng với nhiều mặt hàng hơn.

    75% mọi món đồ vẫn sẽ có giá 1 bảng nhưng điều đó có nghĩa là họ có thể cung cấp nhiều loại mặt hàng hơn, với một số món được định giá thấp hơn và một số cao hơn 1 bảng.

    Động thái này được đưa ra sau khi thử nghiệm thành công tại 24 cửa hàng ở West Midlands, và hiện tại, nó đã được triển khai trên khắp Vương quốc Anh.

    Poundland cũng giới thiệu cửa hàng quần áo theo hình thức ‘cửa hàng nằm trong cửa hàng’ ở khoảng 300 chi nhánh và các quầy bán đồ tươi và đông lạnh tại năm cửa hàng ở Yorkshire và Derbyshire.

    Barry Williams, giám đốc điều hành Poundland cho biết: ‘Chúng tôi đã kịp giới thiệu hệ thống giá mới đúng dịp Giáng sinh để có thể cung cấp cho khách hàng nhiều sự lựa chọn hơn và thậm chí là những món đồ đáng tiền hơn.

    ‘Người mua hàng của chúng tôi yêu thích giá trị tuyệt vời mà chúng tôi mang lại, và giờ đây, chúng tôi có thể bắt đầu mang giá trị đó trên phạm vi rộng hơn.

    ‘Đội ngũ nhân viên tài năng của chúng tôi đã làm việc vất vả để mang những món hàng này đến cửa hàng đúng dịp Giáng sinh và tôi xin cảm ơn họ vì tất cả khó khăn vất vả mà họ đã trải qua.’

    VietHome (Theo Metro)

  • De La Rue, nhà máy sản xuất tiền giấy thương mại lớn nhất thế giới, hiện không chắc chắn về khả năng tiếp tục hoạt động trong tương lai vì thiếu… tiền.

    Nhiều người vẫn nói rằng các chính phủ không thể hết tiền hoạt động bởi vì họ luôn in thêm tiền để chi trả. Thật không may cho công ty in tiền De La Rue nổi tiếng của nước Anh, ý tưởng này không thể áp dụng với chính họ.

    Hãng tin Bloomberg đưa tin hôm 26/11 cổ phiếu của De La Rue đã bị mất hơn 1/5 giá trị sau khi nhà máy này tạm dừng chia cổ tức cũng như cảnh báo về năng lực vận hành trong tương lai.

    De La Rue tạm dừng chia cổ tức để tập trung quản lý nợ. Ảnh: Telegraph

    Sau động thái dứt áo ra đi gần đây của giám đốc điều hành, chủ tịch hội đồng quản trị cùng với các nhà quản lý hàng đầu khác, cảnh báo trên của De La Rue có thể khiến những khách hàng trong chính phủ và thương mại phải lo âu. Bên cạnh việc in tiền giấy, công ty này cũng liên quan đến các hoạt động nhạy cảm như sản xuất hộ chiếu và nhãn mác chống hàng giả.

    Giám đốc điều hành mới của công ty là ông Clive Vacher từng dày dặn kinh nghiệm trong việc xoay chuyển tình hình kinh doanh, thế nhưng, hiếm thách thức nào lại khó khăn như lần này.

    Đối với những người chủ yếu thực hiện giao dịch thanh toán thông qua thẻ và Apple Pay, cú rơi tự do của De Le Rue dường như là điều không thể tránh khỏi, bởi hoạt động in tiền đóng góp phần lớn doanh thu của nhà máy này. Xu hướng chuyển sang “xã hội không tiền mặt” cũng là một thách thức lâu dài với De Le Rue.

    Năm 2018 là khoảng thời gian thảm hại đối với De La Rue, thậm chí còn dìm công ty này khó "ngóc đầu" lên được trong năm 2019. Khoản nợ ròng 220 triệu USD của De La Rue hiện nay đã vượt quá mức vốn hóa thị trường của công ty, vốn đã giảm gần 80% kể từ năm 2017.

    Năm ngoái, De La Rue đã để mất bản hợp đồng sản xuất hộ chiếu màu xanh thời hậu Brexit đầy béo bở vào tay một đối thủ của Pháp.

    Lệnh cấm giao thương với Venezuela cũng khiến công ty có trụ sở tại Anh này không thể sản xuất tiền cho Ngân hàng Trung ương Venezuela. Cùng lúc đó, công ty còn đối mặt với cuộc điều tra tham nhũng tại Nam Sudan. Sự ra đi của ban lãnh đạo đã làm suy yếu đáng kể tinh thần và hiệu suất của nhân viên.

    Giới quan sát đang chờ đợi ông Clive Vacher tìm ra phép màu để vực dậy tình hình hoạt động cho nhà máy in tiền lớn nhất thế giới này, bất kể khả năng thành công dường như không cao.

    Theo Báo Tin Tức

  • Mothercare đã công bố kế hoạch đưa doanh nghiệp của mình vào tình trạng xin tiếp quản, khiến 2.500 người đứng trước nguy cơ mất việc.

    Công ty chuyên bán sản phẩm dành cho trẻ em có 79 cửa hàng trên khắp Vương quốc Anh và là chuỗi cửa hàng cao cấp mới nhất sụp đổ. Hãng cho biết họ sẽ nộp thông báo đề nghị bổ nhiệm quản trị viên sau ngày hôm nay (4/11).

    Hãng bán lẻ đang gặp khó khăn này đã đóng cửa 55 cửa hàng vào năm ngoái và cố gắng rao bán chi nhánh tại Anh trong một thời gian.

    Doanh thu của Mothercare UK đã giảm tới 36,9 triệu bảng trong năm tài chính tính đến tháng 3 vì phải vật lộn giữa thời kỳ khủng hoảng của ngành bán lẻ.

    Có khả năng, Mothercare sẽ theo gót Bonmarche, Jack Wills và Karen Millen, những thương hiệu đã phá sản trong vài tháng gần đây do sự cạnh tranh gay gắt từ các siêu thị và nhà bán lẻ trực tuyến.

    Được biết, Mothercare có 500 nhân viên toàn thời gian và 2.000 nhân viên hợp đồng bán thời gian ở Anh.

    Tập đoàn Mothercare toàn cầu cho biết họ đã thực hiện quy trình đánh giá về hoạt động kinh doanh ở Vương quốc Anh và nhận thấy rằng các chi nhánh ở nước này không còn khả năng quay trở lại mức độ lợi nhuận tối thiểu.

    Cổ phiếu của công ty mẹ đã sụt giảm tới 29,2% xuống còn 8p trong phiên giao dịch sớm ngày thứ Hai (4/11).

    Trên bình diện quốc tế, công ty có khoảng 1.000 cửa hàng nhượng quyền tại trên dưới 50 quốc gia.

    Mothercare nói thêm rằng tập đoàn kinh doanh vẫn có lãi bất chấp các vấn đề họ phải đối mặt ở Anh.

    VietHome (Theo Metro)

  • Trong tháng 9, ​​lạm phát giá tiêu dùng ở Anh vẫn ở mức thấp nhất trong ba năm qua, trong bối cảnh giá nhiên liệu và giá rượu bia đã giảm. Mức lạm phát này thấp hơn 2% so với tỷ lệ Bank of England dự đoán.

    Không thay đổi kể từ tháng 8, tốc độ tăng giá hàng năm trong tháng 9 là 1,7%. Trước đó, một số nhà kinh tế đã dự đoán mức tăng 1,8%.

    "Lạm phát vẫn không thay đổi vào tháng 9 và đang ở mức thấp nhất kể từ cuối năm 2016", Mike Hardie, người đứng đầu mảng lạm phát của ONS, cho biết.

    Chi phí nhiên liệu đã giảm trong tháng 9 cùng với giá đồ uống có cồn và xe hơi cũ đều giảm.

    Nhưng những sự sụt giảm này đã được bù đắp bằng sự gia tăng đáng kể trong giá cả hàng gia dụng, bao gồm giá đồ nội thất, tăng 2,1% và chi phí ăn nhà hàng cũng tăng. Chi phí trò chơi điện tử tăng cũng giúp duy trì lạm phát ở mức hiện tại.

    Xăng giảm 1p mỗi lít so với tháng trước, trong khi dầu diesel giảm 0,8p.

    Giá xe cũ, giảm 1,4% so với tháng 8, cũng gây áp lực làm giảm lạm phát.

    Giá đồ uống có cồn cũng giảm do giá rượu mạnh giảm 1,7%.

    Howard Archer, cố vấn kinh tế của EY Item Club cho biết: "Đây là tin tức tốt cho người tiêu dùng và tạo điều kiện cho Ngân hàng Anh cắt giảm lãi suất nếu Brexit ‘không thỏa thuận’ xảy ra hoặc nếu nền kinh tế tiếp tục gặp khó khăn.”

    Tuy nhiên, bà Frances O'Grady, tổng thư ký Công đoàn (TUC) bày tỏ một số lo ngại về những con số thống kê kể trên.

    "Lạm phát thấp cùng với tình trạng thất nghiệp gia tăng là một dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy nền kinh tế đang suy yếu", bà nói.

    "Chính phủ cần một kế hoạch khẩn cấp để bảo vệ tăng trưởng bằng cách đẩy nhanh đầu tư khu vực công. Và các nghị sĩ phải ngăn thủ tướng thông qua kịch bản Brexit tiêu cực nhất bởi nó sẽ gây tổn hại đến việc làm, quyền lợi và sinh kế của người dân."

    VietHome (Theo Sky News)

  • Số lượng người mua sắm trên các khu phố lớn, khu bán lẻ và trung tâm mua sắm ở Anh đã giảm 10% trong bảy năm qua, nghiên cứu mới nhất cho thấy.

    Xu hướng này tiếp tục diễn ra trong tháng 9, khi các nhà bán lẻ phải chịu thêm áp lực do các trận mưa lớn và mối lo Brexit khiến người tiêu dùng không màng mua sắm, theo Hiệp hội Bán lẻ Anh (BRC) và công ty dữ liệu Springboard. Doanh số bán lẻ giảm 1,7% trong tháng trước so với cùng kỳ năm ngoái và 1,6% trong ba tháng trở lại đây.

    Các nhà bán lẻ có cửa hàng trên phố đang tiếp tục vật lộn khi người tiêu dùng chuyển sang mua sắm trực tuyến. Chi phí gia tăng cho việc điều hành các cửa hàng, bao gồm tiền thuê nhà, tiền lương và doanh số kinh doanh gây thêm áp lực cho các nhà bán lẻ.

    “Các nhà bán lẻ đang phải đối mặt với sự sụt giảm liên tục, số lượng khách giảm hơn 10% trong bảy năm qua. Với viễn cảnh Brexit còn chưa rõ nét, nhiều người tiêu dùng đang trì hoãn tất cả các giao dịch mua sắm thiết yếu,” bà Helen Dickinson, giám đốc điều hành của BRC cho biết.

    “Sự biến đổi liên tục của ngành bán lẻ đang gây áp lực ngày càng lớn đối với các nhà bán lẻ, những người hiện đang bị ảnh hưởng bởi bóng ma của một Brexit không thỏa thuận,” bà nói thêm.

    “Nếu chính phủ muốn hỗ trợ người tiêu dùng và các nhà bán lẻ, họ nên đảm bảo sẽ có thỏa thuận, đồng thời giải quyết các chi phí chính sách công như lãi suất cho vay, thứ đang cản trở các cửa hàng đầu tư vào dịch vụ bán lẻ của họ.”

    Một báo cáo được công bố vào tháng trước cho thấy số lượng cửa hàng, quán rượu và nhà hàng bỏ trống đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần một thập kỷ qua. Debenhams và Marks & Spencer là hai trong số những tên tuổi lớn đã công bố kế hoạch đóng cửa hàng.

    Dữ liệu của BRC-Springboard cho thấy các trung tâm mua sắm bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong tháng 9, khi số lượng khách ra vào giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Các phố lớn cũng bị ảnh hưởng, với mưa lớn trong tuần cuối cùng của tháng 9 khiến lượng khách giảm xuống 1,8%. 

    Diane Wehrle, giám đốc tiếp thị và phân tích của Springboard, cho biết có thể có một số hy vọng cho các nhà bán lẻ khi cả nước bước vào mùa mua sắm Giáng sinh.

    “Trước những thay đổi lớn trong bối cảnh giao dịch bán lẻ của thập kỷ qua, không có gì đáng ngạc nhiên khi lượng khách hàng xu hướng giảm,” cô nói. “Tuy nhiên, 80% chi tiêu của khách hàng vẫn là ở trong cửa hàng, do đó, vẫn còn nhiều cơ hội cho các cửa hàng trong quý IV năm 2019, tất nhiên bao gồm cả giai đoạn mua sắm lễ hội quan trọng.”

    VietHome (Theo Guardian)

  • Bonmarche đã trở thành nạn nhân mới nhất của cuộc đại suy thoái ngành bán lẻ sau khi thông báo nguy cơ phá sản, khiến 2.887 người đứng trước nguy cơ mất việc.

    Hãng bán lẻ trang phục phụ nữ, nhắm vào phân khúc những người trên 50 tuổi, được ban giám đốc đệ trình xin hỗ trợ quản trị sau một "thời gian duy trì hoạt động giữa các thách thức và áp lực dòng tiền". Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không thể đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của mình.

    Công ty có trụ sở tại Wakefield với 2.887 nhân viên, bao gồm 200 nhân viên tại trụ sở chính và giao dịch qua 318 cửa hàng trên khắp Vương quốc Anh, cả kênh bán hàng trực tuyến và qua điện thoại.

    Tony Wright, Đối tác kiêm Đồng quản trị của FRP Advisory, cho biết: "Bonmarche từng là một nhãn hàng chủ lực trên đường phố lớn ở Anh trong gần ba thập kỷ, nhưng những thách thức dai dẳng đối với ngành bán lẻ đã gây ra hậu quả và dẫn đến tình cảnh hiện tại.

    "Có nhiều dấu hiệu cho thấy chúng tôi vẫn có thể tiếp tục giao dịch trong quá trình rao bán Bonmarche và tin rằng sẽ có nhiều nhà đầu tư hứng thú với việc mua lại nhãn hiệu này."

    Ông Wright, Alastair Massey và Phil Pierce từ công ty tư vấn chuyên nghiệp FRP, đã được bổ nhiệm làm đồng quản trị cho Bonmarche.

    "Tất cả các cửa hàng vẫn mở và chưa có ai bị cho nghỉ việc," các nhà điều hành nói trong một tuyên bố.

    Đây là lần thứ hai Bonmarche rơi vào tình trạng phải xin hỗ trợ trong bảy năm qua, sau khi nó được Công ty cổ phần tư nhân Sun European Partners mua lại trong một thỏa thuận giải cứu vào năm 2012.

    Vào tháng 6, Bonmarche đề nghị các cổ đông của mình chấp nhận giá thầu mua lại trị giá 5,7 triệu bảng trước đây của tỷ phú Philip Day, vì tình trạng kinh doanh tồi tệ tiếp tục xảy ra.

    Cổ phiếu Bonmarche đã giảm 22% sau thông báo. Một số lượng lớn cổ đông sau đó đã bán cổ phần của mình cho tỷ phú Day, chủ sở hữu của chuỗi thương hiệu Edinburgh Woolen Mill, bao gồm Jane Norman, Austin Reed và Peacocks, giúp ông nắm trong tay 95% cổ phần của hãng bán lẻ này.

    VietHome (Theo Sky News)

  • Chuỗi cửa hàng bánh sandwich mà ứng viên thị trưởng London, ông Rory Stewart, từng bày tỏ niềm yêu thích, đã bị sụt giảm 7% lợi nhuận xuống còn 91,4 triệu bảng trong năm 2018, so với 97,8 triệu bảng của năm trước.

    Thua lỗ vẫn xảy ra bất chấp doanh thu tăng 11% lên tới 710 triệu bảng.

    Công ty cho biết lợi nhuận giảm là kết quả của một số “áp lực thương mại”, bao gồm cả tình trạng bất ổn Brexit và lãi suất cho vay tăng ở 389 cửa hàng của hãng.

    Pret nói: “Người tiêu dùng Vương quốc Anh tiếp tục phải đối mặt với áp lực lạm phát và bất ổn chính trị trở nên trầm trọng hơn bởi viễn cảnh một Brexit không thỏa thuận. Ngoài ra, vì số lượng cửa hàng khá nhiều nên Pret đang phải đối mặt với sự gia tăng đáng kể lãi vay ngân hàng''.

    Ứng viên chức Thị trưởng London, ông Rory Stewart

    Tuy nhiên, ban quản lý vẫn tỏ ra lạc quan và có kế hoạch mở rộng cũng như mở thêm cửa hàng mới trong năm nay, đặc biệt là ở trung tâm London.

    Vào tháng 7, hãng đã thâu tóm đối thủ nhỏ hơn Eat và đang tiến hành chuyển đổi hầu hết 94 cửa hàng thu được thành Veggie Prets vì hãng muốn tận dụng xu hướng ăn chay ngày càng phổ biến.

    Hãng cho biết: “Việc mua lại Eat là một cơ hội quan trọng để phát triển kinh doanh tại các thị trường cốt lõi của Pret ở UK. Kế hoạch là chuyển đổi thật nhiều cửa hàng Eat thành Veggie Prets nhắm đến mục đích phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng ăn chay và thuần chay.”

    Kết quả kinh doanh được công bố trong bối cảnh các chuỗi cửa hàng thực phẩm trên phố lớn đang phải vật lộn để cạnh tranh với nhu cầu giao hàng tận nhà ngày càng tăng, hiện được cung cấp bởi những đơn vị như Deliveroo và Just Eat.

    Mới đây, thông tin lộ ra cho biết Pizza Express đang vật lộn để trả hết nợ, ước tính khoảng 1,8 triệu bảng cho mỗi nhà hàng.

    VietHome (Evening Standard)

  • Trong 3 năm của cuộc khủng hoảng Brexit, London vẫn là trung tâm tài chính quốc tế và tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng.

    Từ tầng 62 của tòa nhà cao nhất London, nhà phát triển bất động sản Stuart Lipton đang đặt cược 1,2 tỷ USD rằng thủ đô của Anh vẫn là trung tâm tài chính quốc tế cho dù điều gì xảy ra với Brexit.

    Ông Stuart Lipton là nhà phát triển của 22 Bishopsgate - tòa nhà chọc trời cao thứ hai ở Tây Âu sẽ mở cửa vào năm tới - cùng một loạt các nhà đầu tư toàn cầu, trong đó có công ty dịch vụ tài chính Axa của Pháp.

    Các cảnh báo rủi ro trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 rằng London sẽ mất ngai vàng tài chính nếu bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU), cho đến nay, đã được chứng minh là sai.

    London có khả năng phục hồi rất nhanh và tương lai vẫn là một trung tâm tài chính an toàn, bởi theo ông Lipton, những gì London có là độc nhất vô nhị.

    6 tháng đầu năm, London đã thu hút đầu tư bất động sản thương mại xuyên biên giới nhiều hơn bất kỳ thành phố nào khác. Thủ đô nước Anh cũng vượt qua New York để trở thành điểm đến cho đầu tư fintech, thống trị thị trường ngoại hối có quy mô giao dịch hàng ngày 6,6 nghìn tỷ USD của thế giới.

    Kể từ khi bỏ phiếu để rời EU, Anh đã vượt Mỹ trở thành trung tâm hoán đổi lãi suất lớn nhất, bất chấp lời kêu gọi của cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande nhằm chấm dứt sự thống trị của London trong việc thanh toán vốn phái sinh bằng đồng euro.

    London đảm bảo cho Vương quốc Anh là một trong những vị trí hàng đầu của chính trị thế giới khi tách ra khỏi EU.

    Điều đó có nghĩa là các công ty EU vẫn sẽ đến London để huy động tài chính bên ngoài khối sau Brexit.

    Chỉ cách 22 Bishopsgate một dặm, Goldman đã mở trụ sở châu Âu mới rộng 1 triệu ft2 vào tháng 7/2019, 3 năm kể từ cuộc trưng cầu dân ý năm 2016.

    Ngành dịch vụ tài chính của London đã phát triển kể từ năm 2016 vì không có đối thủ cạnh tranh thực sự trong cùng một múi giờ. Các nhân viên ngân hàng cao cấp đã quá gắn bó với văn hóa Anglo-Saxon, làm hết sức, chơi hết mình.

    Giám đốc điều hành tại Anh của một trong những ngân hàng lớn nhất Châu Âu cho biết mặc dù một số doanh nghiệp sẽ chuyển sang các nước EU, hầu hết các chủ ngân hàng cao cấp không muốn rời London. Ông sẽ xem xét khoản cắt giảm 20% tiền lương để ở lại thành phố này.

    "Nếu bạn là một nhân viên ngân hàng người Ý, chuyển đến London 20 năm trước và con bạn đang học ở trường tư thì bạn sẽ không chuyển đến Frankfurt," ông nói.

    Trung tâm tài chính toàn cầu

    Là một trung tâm toàn cầu về giao dịch, cho vay và đầu tư, London là nhà xuất khẩu dịch vụ tài chính ròng lớn nhất thế giới.

    Cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 đã gây ra sự sụt giảm lớn nhất trong một ngày của đồng bảng Anh kể từ đồng tiền này bắt đầu được thả nổi tỷ giá vào những năm 1970.

    Nhưng cho đến nay, hầu hết các tổ chức tài chính lớn chưa chuyển nhân viên và hoạt động sang nơi khác cho đến khi chính thức mất quyền gia nhập vào thị trường sinh lợi duy nhất của EU này.

    Các ngân hàng, công ty bảo hiểm và quản lý tài sản đã chuyển hơn một nghìn tỷ euro tài sản như vốn phái sinh và trái phiếu khỏi London và mở các trung tâm mới tại EU như một hàng rào chống lại London nếu Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận chính thức.

    Ngân hàng Anh ước tính khoảng 4.000 nhân viên sẽ rời đi vào thời điểm Anh chính thức ra khỏi EU. Nhưng các quyết định quan trọng vẫn được đưa ra ở London.

    Reuters đã liên lạc với JP Morgan và Goldman và các đối thủ Citi, Bank of America, UBS, Morgan Stanley, Credit Suisse và Deutsche Bank để tìm kiếm chi tiết về cách "Brexit không thỏa thuận" có thể đẩy nhanh việc chuyển giao các nguồn lực và hoạt động từ London.

    Tất cả các ngân hàng cho biết họ đã chuẩn bị cho Brexit không có thỏa thuận từ lâu.

    Ông James Gorman, giám đốc điều hành của Morgan Stanley, nói rằng ông hiếm khi lo lắng về Brexit, "điều đó không nằm trong số 200 vấn đề ưu tiên hàng đầu" của ông.

    Dữ liệu của Anh cho thấy tổng số người làm việc tại London trong giai đoạn 2016 - 2018 đã tăng 31.000, mặc dù tổng số người làm việc trong ngành ngân hàng và bảo hiểm đã giảm 3.000 trong giai đoạn này.

    Không rõ mức giảm đó bao nhiêu là do Brexit và bao nhiêu là do các quy định mới hoặc thay đổi cấu trúc, chẳng hạn như số lượng chuyên gia công nghệ tăng tại các công ty cho vay trong khi việc làm tại ngân hàng truyền thống bị thu hẹp.

    Ước tính ban đầu về tổn thất việc làm dao động từ khoảng 30.000 vị trí trong vòng một năm khi Anh rời EU, theo ước tính của nhóm nghiên cứu Bruegel có trụ sở tại Brussels, lên tới 75.000 vào năm 2025 bởi Oliver Wyman.

    Theo Oliver Wyman, điều quan trọng là phải phân biệt giữa mất việc làm vào ngày đầu tiên của Brexit và trong dài hạn. Con số dự báo cuối cùng chưa rõ ràng, phụ thuộc vào mức độ tiếp cận thị trường.

     Giữ vững vị thế?

    Ông Youssef Cassis, giáo sư lịch sử kinh tế chuyên về các trung tâm tài chính cho biết, thủ đô tài chính như London rất bền vững và sự dao động thường xảy ra với tốc độ rất chậm.

    Không có tiền lệ cho việc tách rời giữa một cường quốc kinh tế - trong trường hợp này là Liên minh châu Âu - và trung tâm tài chính của nó - London, ông nói.

    Một số hoạt động chính đã chuyển khỏi London trước Brexit. Giao dịch trái phiếu chính phủ khu vực đồng Euro và thỏa thuận mua lại trị giá khoảng 230 tỷ euro mỗi ngày, cùng với thanh toán bù trừ, đã chuyển sang Amsterdam, Milan và Paris vào đầu năm nay.

    CBOE Châu Âu có trụ sở tại London, địa điểm giao dịch cổ phiếu lớn nhất EU, đã bắt đầu giao dịch cổ phiếu euro tại trung tâm mới tại Amsterdam vào đầu tháng 10.

    Sau Brexit, nền kinh tế EU 27,9 nghìn tỷ USD vẫn sẽ phụ thuộc vào một nguồn vốn tài chính bên ngoài khu vực.

    Một quan chức của Ủy ban châu Âu cho rằng EU không có ý định bóp nghẹt ngành tài chính của Vương quốc Anh để đẩy nhanh kế hoạch của riêng mình cho một liên minh thị trường vốn EU. Nhưng thị trường vẫn hoài nghi về những cam kết như vậy.

    Ông Xavier Rolet, cựu giám đốc của Sở giao dịch chứng khoán London và Giám đốc điều hành của CQS cho biết, tại sao mọi người lại mong đợi EU đưa ra câu trả lời kinh tế cho một thách thức chính trị?

    "Tôi mong họ trả lời về mặt chính trị, ngay cả khi những câu trả lời đó không vì lợi ích kinh tế tốt nhất của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và ngân hàng có trụ sở tại EU."

    Ông Rolet, người từng nói sau cuộc trưng cầu dân ý rằng một nửa số việc làm tài chính ở London có thể bị cắt giảm nếu các thanh toán vốn phái sinh rời khỏi đó, cho biết còn quá sớm để đánh giá tác động của Brexit.

    Theo Trí Thức Trẻ

  • Ngày 8/10, Chính phủ Anh đã sửa đổi chế độ thuế quan sẽ có hiệu lực nếu nước này rời Liên minh châu Âu mà không có thỏa thuận Brexit, làm cho 88% tổng lượng nhập khẩu theo giá trị đủ điều kiện được hưởng tiếp cận thị trường Anh miễn thuế.

    Phía Anh cho biết, theo quy trình rà soát đặc biệt mới, họ có thể thay đổi chế độ thuế quan từ ngày đầu Brexit nếu cần, nhằm tìm cách cân bằng nhu cầu giữ giá tiêu dùng giảm mà không phá hủy các nhà sản xuất trong nước.

    Bộ trưởng Chính sách thương mại Anh Conor Burns cho biết, Vương quốc Anh là một quốc gia thương mại tự do và doanh nghiệp Anh đang ở thế mạnh để cạnh tranh trong một môi trường giao dịch mở và tự do.

    Chỉ còn chưa tới 20 ngày nữa là Vương quốc Anh sẽ rời khỏi EU - khối thương mại lớn nhất thế giới - và có thể không có thỏa thuận Brexit nào - Chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson đang đẩy mạnh quá trình chuẩn bị cho một sự ra đi đầy hỗn loạn.

    London lần đầu tiên công bố một chế độ thuế quan tạm thời trước ngày rời khỏi Liên minh châu Âu ban đầu vào tháng 3, như là một phần của sự chuẩn bị để rời khỏi “ngôi nhà chung” mà nước này gia nhập vào năm 1973.

    Kế hoạch sửa đổi chế độ thuế quan được thực hiện sau phản hồi từ ngành công nghiệp, nhằm giảm thuế đối với xe tải, áp dụng thuế đối với các sản phẩm quần áo và điều chỉnh thuế đối với ethanol sinh học để duy trì hỗ trợ cho các nhà sản xuất nhiên liệu đối với cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng của Anh.

    Chính phủ Anh cũng đã duy trì một số biện pháp bảo vệ cho các nhà sản xuất Anh, ví dụ như đối với các nhà sản xuất ô tô và nông dân, trong khi nhiều ngành công nghiệp khác sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ hàng hóa giá rẻ hơn từ nước ngoài.

    Theo Công thương

  • Dave Lewis, CEO của Tesco, đã quyết định sẽ rời khỏi siêu thị mà ông đã lãnh đạo kể từ tháng 9 năm 2014. Ông sẽ được thay thế bởi Ken Murphy, người từng lãnh đạo Boots.

    Ông Lewis nói: “Quyết định của tôi từ chức CEO của tôi là một vấn đề mang tính cá nhân. Tôi tin rằng nhiệm kỳ của CEO nên là hữu hạn và bây giờ là thời điểm thích hợp để chuyển giao quyền lực.

    “Sứ mệnh của chúng tôi đã hoàn tất, chúng tôi đã đạt được tất cả các mục tiêu đặt ra cho chính mình. Đội ngũ lãnh đạo hiện rất mạnh, chiến lược của chúng tôi rất rõ ràng và nó đang mang lại kết quả.”

    Ông Dave Lewis

    Chủ tịch Tesco John Allan cho biết ông Lewis đến gặp ông “cách đây không lâu” để giải thích bản thân đã sẵn sàng bước tiếp, cho phép ông Allan có cơ hội bắt đầu một cuộc săn lùng người thay thế.

    Ông Allan nói: “Thật tiếc vì tôi đã chấp nhận đề nghị từ chức CEO của Dave Lewis, anh ấy đã quyết định rằng anh ấy muốn rời khỏi đây vào mùa hè năm 2020.

    “Dave đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của mình trong quá trình xây dựng lại Tesco và anh ấy luôn nhận được sự hỗ trợ không ngừng từ ban giám đốc.

    “Tuy nhiên, cách đây không lâu, anh ấy nói với tôi rằng anh ấy đang xem xét thời điểm tốt nhất để bàn giao cho người kế nhiệm. Thái độ cởi mở của anh ấy cho phép tôi bắt đầu một quy trình kỹ lưỡng để tìm kiếm ứng cử viên tiềm năng thay thế.”

    Ông Murphy đã dành cả sự nghiệp của mình với Boots - đầu tiên là với Alliance Unichem, sau đó là Boots.

    Ông từng là giám đốc điều hành Boots tại UK và Ireland trước khi trở thành phó chủ tịch điều hành, giám đốc thương mại và chủ tịch của các thương hiệu toàn cầu tại Walg Greens Boots Alliance.

    Hồi tháng 8, Tesco đã ra quyết định cắt giảm khoảng 4.500 nhân viên trong lần tái cơ cấu nhân sự mới nhất tại chuỗi siêu thị lớn nhất nước Anh. Phần lớn nhân viên sẽ được cắt giảm từ 153 cửa hàng Metro cỡ trung, cũng như từ chuỗi cửa hàng Express nhỏ hơn và các siêu thị lớn hơn. 

    Tesco muốn tập trung cải tổ các cửa hàng Metro của mình vì cho rằng người mua sắm có xu hướng đến siêu thị khi mua hàng hóa lặt vặt hơn là thực hiện những cuộc mua sắm giá trị cao.

    "Định dạng Metro ban đầu được thiết kế cho các hoạt động mua sắm hàng tuần lớn hơn, nhưng ngày nay, gần 70% khách hàng sử dụng chúng như cửa hàng tiện lợi, chủ yếu mua thực phẩm cho ngày hôm đó", siêu thị cho biết.

    Đồng thời, 134 cửa hàng Tesco Express – trong tổng số 1.750 - sẽ giảm giờ mở cửa do số lượng khách hàng thấp.

    Tesco - nhà tuyển dụng lớn nhất trong lĩnh vực tư nhân ở Anh với hơn 300.000 nhân viên - cũng cho biết họ đang thay đổi cách thức nhập hàng cho các cửa hàng, trong đó nhiều sản phẩm sẽ được trưng bày và ít hàng hóa lưu trữ hơn.

    Nhân viên được kỳ vọng sẽ hoạt động linh hoạt hơn, có thể làm việc ở nhiều bộ phận khác nhau và tập trung hơn vào việc giữ hàng hóa ổn định trong thời gian cao điểm bận rộn vào giờ nghỉ trưa.

    Công ty cho biết sẽ có một "cấu trúc quản lý tinh gọn hơn" và nhân viên sẽ được trang bị tai nghe để giao tiếp dễ dàng hơn.

    Cổ phiếu của Tesco đã giảm gần 2% sau thông báo cắt giảm nhân viên. Động thái này được đưa ra sau khi Tesco tuyên bố hồi tháng 1 về nỗ lực cắt giảm 9.000 việc làm với mong muốn tái cấu trúc các chức năng của cửa hàng và trụ sở chính.

    Vào thời điểm đó, Tesco cho biết họ sẽ đóng cửa quầy thu ngân tại 90 siêu thị lớn nhất của mình.

    Họ nói rằng thay đổi thói quen của khách hàng còn bao gồm việc các khu vực dịch vụ thịt, cá hoặc đồ nguội sẽ không còn được sử dụng thường xuyên và loại bỏ bớt dịch vụ thu ngân tại 700 cửa hàng còn lại.

    Những cải cách khác bao gồm các thói quen nhập hàng mới với mục đích giảm nhu cầu nhân sự.

    VietHome (Theo ITV)

  • Thương hiệu bán lẻ Forever 21 tuyên bố vào ngày chủ nhật rằng họ đã nộp đơn xin phá sản theo Chương 11 nhằm tái cấu trúc mảng kinh doanh.

    Như vậy Forever 21 trở thành một "nạn nhân" khác trong số những hãng bán lẻ vật lý ở Mỹ – những đơn vị đã trải qua xu hướng người tiêu dùng thay đổi, chuyển sang mua sắm trực tuyến thay vì đến các trung tâm thương mại.

    Forever 21 nói rằng họ đã nhận một vài khoản trợ cấp vốn gồm 275 triệu USD từ ngân hàng JPMorgan Chasse và 75 triệu USD từ một quỹ mới là TPG Sixth Street Partners.

    Việc nộp đơn phá sản sẽ giúp công ty loại bỏ những cửa hàng không mang lại lợi nhuận và tái cơ cấu lại nguồn vốn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều đó cũng gây ra vấn đề lớn với các đơn vị sở hữu những trung tâm thương mại như Simon Property và Brookfield Property Partners. Forever 21 là một trong những khách hàng lớn nhất thuê mặt bằng kinh doanh tại những trung tâm thương mại vẫn hoạt động sau làn sóng phá sản diễn ra trong ngành bán lẻ.

    Một khi Forever 21 tuyên bố đóng hàng loạt cửa hàng, ngay lập tức các trung tâm thương mại sẽ rơi vào tình trạng bỏ trống. Đại diện Simon Property nói rằng Forever 21 là khách hàng lớn thứ 6 của họ với 99 cửa hàng trải rộng trên diện tích gần 140.000 m2.

    Một người phát ngôn của hãng này cho biết công ty đã thông qua đề xuất đóng 178 store ở Mỹ. Ngoài ra, họ sẽ rút lui hoàn toàn ra khỏi thị trường châu Á và châu Âu. Đơn vị này sẽ tiếp tục hoạt động ở Mexico và châu Mỹ Latin.

    Forever 21 thành lập năm 1984, bởi hai vợ chồng Jin Sook và Do Won Chang. Chuỗi cửa hàng này nhanh chóng mở rộng ra khắp các trung tâm mua sắm, chủ yếu phục vụ khách hàng nữ trẻ tuổi với sản phẩm thời trang cơ bản, bình dân. Đến nay, họ đã có hơn 800 cửa hàng tại Mỹ, châu Âu, châu Á và Mỹ Latin.

    Dù vậy, các hãng bán lẻ truyền thống tập trung vào nhóm khách hàng trẻ gần đây liên tục gặp khó. Nguyên nhân là vòng đời các xu hướng thời trang ngắn lại, và người trẻ chuyển từ mua sắm tại trung tâm thương mại sang mua hàng online.

    Làn sóng phá sản đang càn quét ngành bán lẻ Mỹ. Đầu tháng này, hãng bán lẻ hàng cao cấp Barneys New York cũng thông báo phá sản và sẽ đóng cửa 15 trên 22 cửa hàng. Hầu hết hãng bán lẻ gặp khó khăn đều đặt gian hàng tại trung tâm thương mại - nơi ngày càng ít người đến mua sắm. Ngoài doanh thu giảm, họ còn phải tốn thêm chi phí cho công nghệ, để cạnh tranh với các thương hiệu bán hàng trực tuyến.

    Forever 21 hiện vẫn thuộc sở hữu của các nhà đồng sáng lập. Theo Forbes, Won và Chang hiện có tài sản 1,5 tỷ USD. Forever 21 có doanh thu hàng năm 3,4 tỷ USD với 30.000 nhân viên. 

    Theo VnExpress

  • Công ty lữ hành Anh Thomas Cook thành lập từ 1841 đóng cửa hôm nay, khiến hàng trăm nghìn khách mắc kẹt trên toàn cầu.

    Peter Fankhauser, giám đốc điều hành Thomas Cook, sáng nay cho biết công ty phải ngừng hoạt động sau khi không đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ với các bên cho vay sau những cuộc đàm phán suốt cuối tuần qua.

    "Tôi muốn gửi lời xin lỗi hàng triệu khách hàng, hàng nghìn nhân viên, nhà cung cấp và đối tác, những người đã hỗ trợ chúng tôi trong nhiều năm qua. Đây là việc vô cùng đáng tiếc đối với tôi cũng như hội đồng quản trị vì chúng tôi đã không thành công", Fankhauser nói.

    Thomas Cook được doanh nhân người Anh cùng tên thành lập năm 1841, ban đầu hoạt động trong lĩnh vực tham quan đường sắt, sau đó đi tiên phong trong việc cung cấp các kỳ nghỉ trọn gói và du lịch theo đoàn. Công ty kinh doanh khách sạn, khu nghỉ dưỡng và hãng hàng không, phục vụ 19 triệu người tại 16 quốc gia mỗi năm.

    Việc Thomas Cook đóng cửa có thể châm ngòi cho sự hỗn loạn trên khắp thế giới với những du khách bị mắc kẹt trong các khách sạn chưa được thanh toán ở những địa điểm xa xôi như Goa, Gambia và Hy Lạp. Về lâu dài, nó có thể ảnh hưởng ngành du lịch tại các điểm đến lớn nhất của công ty như Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, tổn thất doanh thu của các nhà cung cấp nhiên liệu và buộc hàng trăm đại lý du lịch trên khắp nước Anh đóng cửa.

    Hành khách hỗn loại tại các điểm check-in của Thomas Cook ở sân bay Mallorca (Tây Ban Nha) vào sáng hôm nay ngày 23/9 giờ Anh quốc. Các chuyến bay bị hủy khiến hàng trăm ngàn khách du lịch bị mắc kẹt. Ảnh: Enrique Calvo/Reuters

    Cơ quan Hàng không Dân dụng Anh (CAA) xác nhận Thomas Cook đã ngừng giao dịch vào sáng nay. CAA và chính phủ Anh đã chuẩn bị phi đội máy bay sẵn sàng đưa hơn 150.000 khách hàng của Thomas Cook bị mắc kẹt tại các điểm du lịch trên thế giới về nhà trong hai tuần tới.

    Những hình ảnh đăng trên mạng xã hội cho thấy các máy bay của Thomas Cook bị chuyển khỏi chỗ đậu trong sân bay. Một số phi cơ bị bỏ trống khi hành khách và nhân viên đã rời đi. Nhân viên cũng đăng hình ảnh cho thấy họ đang đi trên các chuyến bay cuối cùng.

    "Tôi yêu công việc của mình rất nhiều, tôi không bao giờ muốn kết thúc", Kia Dawn Hayward, một thành viên của phi hành đoàn đăng trên Twitter.

    Nhân viên của Cơ quan Hàng không Dân dụng Anh CAA đang trình bày sự việc và hướng giải quyết với hành khách. Ảnh: Enrique Calvo/Reuters

    Chính phủ Anh và CAA nói rằng do quy mô của tình hình, việc gián đoạn dịch vụ là không thể tránh khỏi. Công ty hiện có 600.000 người ở nước ngoài, buộc chính phủ và các công ty bảo hiểm phải điều phối hoạt động giải cứu khổng lồ.

    Tất cả chuyến bay của Thomas Cook đều đã bị hủy. Khách hàng được khuyến cáo không tới sân bay cho tới khi họ được thông báo qua trang web thomascook.caa.co.uk rằng họ đã có chuyến bay trở về do chính phủ tổ chức.

    Cơ quan quản lý của Anh cũng đang liên lạc với các khách sạn có khách hàng của Thomas Cook lưu trú để nói với họ rằng chính phủ sẽ chi trả thông qua chương trình bảo hiểm.

    Nhân viên của Cơ quan Hàng không Dân dụng Anh CAA đang trình bày sự việc với hành khách. Ảnh: Enrique Calvo/Reuters

    Thomas Cook liên tục gặp khó khăn bởi khoản nợ 2,1 tỷ USD cùng sự cạnh tranh của các đối thủ, thị trường du lịch thay đổi và những tác động từ Brexit. Năm ngoái, nhiệt độ châu Âu tăng cao trong mùa hè cũng tác động mạnh đến công ty khi nhiều khách hàng hủy đặt phòng vào phút chót.

    Công ty gần như được giải cứu khi họ đồng ý các điều khoản chính của kế hoạch tái cấu trúc trị giá hơn 1,1 tỷ USD trong thỏa thuận với cổ đông lớn nhất là tập đoàn Fosun của Trung Quốc và các ngân hàng hồi tháng 8. Tuy nhiên, khi hoàn tất điều khoản của thỏa thuận, các ngân hàng cho Thomas Cook vay gần đây yêu cầu thêm gần 25 triệu USD để đề phòng trường hợp khẩn cấp.

    Thomas Cook tích cực liên lạc và đàm phán với nhiều nhà đầu tư cuối tuần qua nhưng không đạt được thỏa thuận để cứu công ty.

    Hành khách rất mệt mỏi và bất ngờ trước sự sụp đổ của hãng lữ hành quen thuộc. Ảnh: Enrique Calvo/Reuters
    Tất cả các chuyến bay của Thomas Cook đều bị hủy hoàn toàn. Ảnh: Enrique Calvo/Reuters
    Hình ảnh máy bay của Thomas Cook cất cánh từ sân bay Skiathos ở Hy Lạp. Ảnh: Markus Mainka/Alamy

    Viethome (theo VnExpress)

  • Nền kinh tế của Vương quốc Anh đã trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý toàn cầu kể từ khi quốc gia này bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu EU vào năm 2016. Kể từ đó, cuộc bỏ phiếu Brexit lịch sử đã thúc đẩy các công ty Anh chạy trốn sang các nước EU khác và khiến đồng bảng Anh sụt giảm nghiệm trọng. Các thông số chính xác về việc Anh rời khỏi EU vẫn chưa rõ ràng, tuy nhiên nền kinh tế của quốc gia này đang rơi vào tình trạng bất ổn.

    Nền kinh tế của Vương quốc Anh, giống như người dân của mình, vẫn kiên cường phát triển. Dưới đây là tám sự thật khó tin về nền kinh tế của Vương quốc Anh.

    Vương quốc Anh có GDP lớn thứ 5 thế giới mặc dù là nước lớn thứ 80

    Bất chấp ảnh hưởng của Brexit, Vương quốc Anh đã đạt tổng sản phẩm quốc nội 2,64 nghìn tỷ đô la trong năm 2017, theo Ngân hàng Thế giới. Đất nước này tiếp tục có GDP lớn thứ năm trên thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức.

    Con số này còn ấn tượng hơn nữa khi Vương quốc Anh chỉ lớn thứ 80 về mặt diện tích đất liền, gần bằng kích thước của bang Michigan của Mỹ. 

    Dầu thô là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 3 trong năm 2018

    Dù không nổi tiếng là một quốc gia dầu mỏ, nhưng các giàn khoan dầu ngoài khơi và dầu thô Brent cũng là một phần lớn của nền kinh tế Anh. Xuất khẩu dầu mỏ của nước này đạt 17,8 tỷ đô la trong năm 2018, theo Trung tâm quan sát kinh tế thuộc Đại học MIT. CIA World Factbook xếp Anh là quốc gia sản xuất dầu thô lớn thứ 21 thế giới, với sản lượng ước tính 933.000 thùng/ngày vào năm 2016.

    Đồng bảng Anh của Anh đã mất 14% giá trị từ năm 2016

    Kể từ cuộc trưng cầu dân ý về Brexit vào tháng 6/2016, đồng bảng Anh đã giảm 14% giá trị so với đồng đô la Mỹ. Dù đã nhiều lần tăng giá, nhưng so với thời điểm trước năm 2016, giá trị của đồng tiền này vẫn duy trì ở mức thấp. Theo BBC, mỗi hộ gia đình Anh mất khoảng 900 Bảng Anh, tương đương 1.140 USD, kể từ sau quyết định Brexit cho tới nay do tình trạng bất ổn tiền.

    Brexit có thể gây ra suy thoái tồi tệ hơn năm 2008

    Bên cạnh ảnh hưởng tới đồng Bảng Anh, Brexit có gây ra suy thoái kinh tế tồi tệ hơn so với khủng hoảng năm 2008 nếu nước Anh rời EU mà không đạt được thoả thuận nào. Theo dự báo của Ngân hàng Trung ương Anh, nếu kịch bản này xảy ra, GDP của Anh có thể sụt tới 8% và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 7,5%. Đây cũng là dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát Triển Kinh tế (OECD).

    Vương quốc Anh có số lượng tỷ phú cao thứ 5 thế giới

    Vương quốc Anh có 145 tỷ phú vào năm 2018, khiến nước này trở thành quốc gia có nhiều tỷ phú thứ năm trên thế giới. Vương quốc Anh có dân số 67 triệu người, nghĩa là cứ 462.000 người Anh thì có một người là tỷ phú. Nước này sở hữu tỷ lệ tương tự như Hoa Kỳ, nơi một trên 46.000 người Mỹ là tỷ phú.

    Cung điện Buckingham là căn nhà đắt nhất thế giới

    Theo Architectural Digest, Cung điện Buckingham của hoàng gia Anh là căn nhà đắt nhất thế giới, trị giá 1,55 tỷ USD. Theo ước tính của CNBC, tài sản ròng của hoàng gia Anh là 1 tỷ USD, chỉ đứng sau hoàng gia Saudi Arabia.

    Một hòn đảo tư nhân ở Anh có giá 351.000 USD (hơn 8 tỷ VND)

    Nếu bạn có ngân sách khiên tốn, bạn vẫn có thể đủ khả năng chi trả cho một hòn đảo tư nhân ở Anh. Đảo Linga tại nước này vừa được rao bán với giá khoảng 351.000 USD. Giá mua Linga đã bao gồm giấy phép xây dựng nhưng không có cấu trúc hoàn chỉnh trên hòn đảo này.

    Vương quốc Anh đánh thuế VAT 20% đối với hầu hết hàng hóa và dịch vụ

    Trước khi bạn càu nhàu về việc trả thuế 10% cho mỗi lần mua hàng tại Mỹ, hãy xem xét thuế VAT (thuế giá trị gia tăng) của Vương quốc Anh. Mức thuế 20% được áp dụng đối với hầu hết các hàng hóa và dịch vụ. Không giống như ở Mỹ, các doanh nghiệp Vương quốc Anh phải bao gồm VAT trong giá bán ra, vì vậy bạn có thể không thấy được chi phí mình phải bỏ ra.

    Viethome (theo Dân Việt)

  • Đồng bảng Anh đã sụt giảm nghiêm trọng. Đây là lần đầu tiên trong suốt 35 tháng qua, đồng bảng yếu ớt nhất, chỉ còn đổi được $1.1971USD vào sáng ngày 3/9 khi thủ tướng Boris Johnson chuẩn bị cho cuộc tranh luận với các nghị sĩ đảng đối lập và những nghị sỹ Tory chống đối Brexit không thỏa thuận.

    Đồng bảng Anh sụt giảm sau khi sản lượng của các nhà máy tại Anh giảm xuống mức thấp nhất trong 7 năm trước một thảm kịch suy thoái Brexit. Trước đó, đại diện Liên minh châu Âu (EU) cho biết tổ chức này sẽ không thay đổi thỏa thuận "ly hôn" với Anh và cũng không lạc quan về việc London có thể tránh được kế hoạch rời khỏi EU vào ngày 31/10 tới mà không có thỏa thuận. 

     

    Đồng bảng Anh đang ở mức thấp nhất so với đồng dollar kể từ năm 1985, chưa kể vụ lao dốc cực mạnh vào tháng 10/2016 khi người Anh bỏ phiếu rời khỏi EU. Đó là vào ngày 07/10/2016, GBP đã giảm 6% trong vòng 2 phút, làm tỷ giá GBP/USD trở về mốc thấp nhất kể từ 1985. Tỷ giá GBP/USD phục hồi vài phút sau đó nhưng những thiệt hại gây ra là vô cùng lớn.  

    Chuyên gia Neil Wilson của trang Markets.com cho biết: ''Tỷ giá GBP/USD có thể sụt giảm xuống mức 1.15, thậm chí là 1.10 trong vài tuần tới nếu các thương nhân quyết định bán tháo đồng bảng''. Đồng bảng Anh hiện cũng giao dịch thấp hơn đồng euro, giảm 0,6% xuống còn 1 bảng chỉ đổi được €1.09

    Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cho rằng mức thấp kỷ lục này có thể bị vượt qua. Đồng bảng và USD có thể ngang giá nếu Vương quốc Anh rời EU mà không có một thỏa thuận chính thức.

    Ông Samuel Tombs, nhà kinh tế tại công ty tư vấn kinh tế vĩ mô Pantheon có trụ sở chính tại Newcastle, dự báo đồng bảng sẽ xuống mức 1,05 USD/bảng nếu Brexit không thỏa thuận xảy ra vào tháng 10 tới. Ông Paul Dales đến từ công ty tư vấn Capital Economics, có trụ sở chính tại London, thì lạc quan hơn một chút khi dự báo đồng bảng sẽ xuống mức 1,15 USD/bảng. 

    Theo tờ Telegraph của Anh, nếu kịch bản đó xảy ra, các nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ bán tài sản ở Anh cũng như các tài sản định giá bằng đồng bảng, từ đó tạo ra sự bất ổn đối với nền kinh tế và chính trị nước Anh.

    Tuy nhiên, các nhà kinh tế cũng cho rằng vẫn có một số yếu tố có thể làm đồng bảng tăng giá. Theo ông Samuel Tombs, nếu Brexit được kiểm soát trong tháng 10 tới với Thủ tướng tiếp theo của nước Anh đạt được một thỏa thuận với EU, đồng bảng có thể tăng lên mức 1,35 USD/bảng.

    Trong trường hợp Chính phủ Anh đảo ngược tiến trình Brexit, tiếp tục ở lại EU, ông Samuel Tombs cho rằng đồng bảng sẽ tăng giá trở lại, quay về mức 1,4 USD/bảng như trước khi diễn ra trưng cầu dân ý.

    Các nhà kinh tế còn cho rằng Brexit không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến giá trị của đồng bảng. Các chuyên gia tiên lượng đồng bảng có thể lao dốc mạnh hơn khi quốc hội tiến hành tái cấu trúc sau kỳ nghỉ hè giữa tin đồn Thủ tướng Anh sẽ tổ chức một cuộc bầu cử vào ngào 14/10 nếu ông mất một lượng phiếu bầu cần thiết để níu kéo một Brexit không thỏa thuận. Triển vọng của việc có một chính phủ do Lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn làm Thủ tướng cũng đang đè nặng lên thị trường chứng khoán và tiền tệ.

    Nếu diễn ra Tổng tuyển cử, ông Samuel Tombs cho rằng trong trường hợp đảng Bảo thủ giành đa số, đồng bảng sẽ ở mức 1,2 USD/bảng. Còn nếu một Chính phủ của Công đảng được hình thành thì đồng bảng sẽ tăng lên mức gần 1,3 USD/bảng. Theo ông, các kế hoạch chi tiêu của Công đảng có thể khiến Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất nhanh hơn và lãi suất cao hơn thường hỗ trợ cho đồng tiền này.

    Còn ông Paul Dales cho rằng các chính sách của Công đảng trong các lĩnh vực quan trọng có những tác động đối lập nhau. Lập trường ôn hòa hơn trong vấn đề Brexit giúp đồng bảng tăng giá, trong khi những lời tuyên bố chống lại doanh nghiệp của ông Jeremy Corbyn có thể châm ngòi việc các dòng vốn “chảy” khỏi nước Anh.

    Ông Paul Dales nói rằng các nhà đầu tư đang tỏ ra lo ngại với chính sách thuế cao và lợi nhuận thấp của Công đảng. Họ cũng e ngại khả năng Công đảng quốc hữu hóa một số ngành công nghiệp và không bồi thường thỏa đáng cho các nhà đầu tư. Chuyên gia này nhận định nhiều khả năng những mặt tiêu cực sẽ vượt xa những mặt tích cực, dẫn đến đồng bảng Anh xuống thấp hơn trong trường hợp có một chính phủ Công đảng so với các kịch bản khác. 

    Viethome (theo Independent)

  • Thái độ khó chịu của Bắc Kinh đối với HSBC khi có dính líu tới việc khiến Huawei gặp rắc rối là một trong những thách thức của ngân hàng này khi họ đang nỗ lực đi lên giữa những căng thẳng của Trung Quốc và phương Tây.

    Bài liên quan: Ngân hàng HSBC của Anh dính líu tới vụ bắt sếp Huawei

    Khi Lưu Hiểu Minh, đại sứ Trung Quốc tại Anh, phát biểu tại bữa tiệc mừng năm mới của HSBC hồi tháng 2, ông đã hết lời khen ngợi ngân hàng này. Trong phòng tiệc Liên Hợp Quốc ở khách sạn Four Seasons London, ông đã ca ngợi công ty về việc "lan toả niềm tin tại Trung Quốc bằng những hành động cụ thể."

    "Mầm mống" của sự việc: Vụ bắt giữ CFO của Huawei

    Chỉ vài ngày trước bữa tiệc, ông Lưu đã triệu tập John Flint - vị giám đốc điều hành gần đây đã bị sa thải, đến đại sứ quán và thẩm vấn ông về vai trò của công ty trong vụ bắt giữ và truy tố bà Mạnh Vãn Chu - CFO của Huawei. Theo nguồn tin thân cận, ông Flint nói với đại sứ rằng HSBC không có lựa chọn nào khác ngoài xem xét lại những thông tin đã giúp các công tố viên Mỹ thực hiện vụ kiện chống lại bà Mạnh. 

    Sự khó chịu của Bắc Kinh đối với HSBC khi có dính líu tới việc khiến Huawei gặp rắc rối là một trong những thách thức của ngân hàng này khi họ đang nỗ lực đi lên giữa những căng thẳng của Trung Quốc và phương Tây.

    Ronit Ghose, một nhà phân tích ngành ngân hàng tại Citi, cho hay: "Họ đang cố gắng khắc phục vấn đề này giữa phương đông và phương tây, và trong vài thập kỷ qua thì đó là một vị thế đôi bên cùng có lợi." Thế nhưng, với dòng chảy giữa Trung Quốc và phương Tây được dự đoán sẽ giảm tốc vì chiến tranh thương mại, thì HSBC sẽ mất lợi thế. Ông nói: "Những gì đã từng là cơn gió mạnh thúc đẩy họ phát triển, giờ đây đã trở thành những cơn gió ngược chiều."

    Khi Flint gặp đại sứ, ông đã giải thích rằng ngân hàng trao tài liệu của Huawei cho Bộ Tư pháp Mỹ vào năm 2017, thì hành động đó được thực hiện bởi bộ phận giám sát của công ty. Bộ phận này được thành lập năm 2012 sau khi HSBC bị phạt 1,9 tỷ USD do vi phạm lệnh trừng phạt và tiếp tay cho các băng đảng ma tuý Mexico rửa tiền. DoJ yêu cầu cung cấp thông tin liên quan, thì ngân hàng phải tuân thủ.

    Sau đó, mới đây, ông Flint đã bị cách chức nhưng vẫn không rõ việc này có thể xoa dịu Bắc Kinh hay không. Tờ Global Times, tháng trước đưa tin rằng HSBC có thể bị đưa vào danh sách "các công ty không đáng tin cậy" của nước này, đây là một động thái "ăn miếng trả miếng" cho lệnh trừng phạt của Mỹ với các công ty Trung Quốc.

    Tờ báo cho biết HSBC đã giao nộp tài liệu "một cách phi đạo đức" và trích dẫn một nguồn giấu tin cáo buộc ngân hàng đã tạo "bẫy" cho Huawei. Khi được hỏi về thông tin gần đây của Global Times, Tucker từ chối bình luận nhưng cho biết rằng ngân hàng "hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Trung Quốc về sự tăng trưởng và sự thịnh vượng của nền kinh tế."

    Thế khó của HSBC ở thời điểm hiện tại

    Tucker cũng chỉ ra việc ngân hàng "tích cực có mặt" trong một loạt dự án cao cấp ở nước này, bao gồm việc quốc tế hoá đồng NDT, tạo ra một khu kinh tế theo hướng công nghệ khu Greater Bay và Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI). Trong một lưu ý gửi tới các nhà đầu tư của HSBC sau thông tin của Global Times, một nhà phân tích tại Autonomous, cho biết ngân hàng có thành tích tốt trong việc đảm bảo những giấy phép cần thiết để phát triển ở đại lục. "Tuy nhiên, nếu HSBC bị hạn chế tham gia vào việc mở cửa thị trường tài chính Trung Quốc trong tương lai, thì cơ hội tăng trưởng sẽ bị hạ thấp."

    Trung Quốc bày tỏ thái độ giận dữ về vụ Huawei khi HSBC đang trong tình thế khó khăn khi chứng kiến những cuộc biểu tình ngày càng căng thẳng ở Hồng Kông. Ngân hàng này đang nỗ lực bước đi như những gì một giám đốc điều hành miêu tả là "thờ ơ với vấn đề chính trị." Tuy nhiên, Chris Patten, thống đốc người Anh cuối cùng của Hồng Kông trong khoảng thời gian từ 1992 đến 1997, cho biết HSBC nên có cách tiếp cận tích cực hơn. Ông nói: "Tôi hy vọng HSBC, như những thành viên của cộng đồng doanh nghiệp, đang cố gắng để chính phủ Hồng Kông tìm cách hoà giải."

    Một số nhân viên thì phàn nàn rằng việc HSBC không lên tiếng là một biểu hiện của việc họ muốn chiều lòng Bắc Kinh hơn tất thảy. Các giám đốc điều hành của bộ phận nghiên cứu ngân hàng tại châu Á đặc biệt cảnh giác với hành vi phạm tội, theo nguồn thạo tin. Họ cho biết những tin tức tiêu cực về kinh tế Trung Quốc đáng ra nên được báo cáo thì thuờng bị che lấp hoặc công bố những thông tin tích cực để "đánh bóng".

    Một bài báo của nhà kinh tế đến từ HSBC hồi năm ngoái có tựa đề "Tại sao chiến tranh thương mại sẽ thúc đẩy Trung Quốc - mối quan hệ khăng khít hơn với những quốc gia mới nổi khiến căng thẳng của Mỹ trở thành một điều kỳ diệu trong việc nguỵ trang" đã bị khách hàng bày tỏ thái độ không hài lòng vì "là chiêu marketing cho chính phủ Trung Quốc."

    Từng là "ngân hàng ưa thích" của các doanh nhân đại lục và Trung Quốc

    HSBC thành lập năm 1865 bởi một nhóm thương nhân người Anh ở Hong Kong. Đến những năm 1980, ngân hàng này bắt đầu nhận được ưu ái của Bắc Kinh nhờ việc cho các doanh nhân địa phương ở Trung Quốc vay tiền. Một phần nhờ những khoản đi vay từ HSBC mà những doanh nhân như Lý Gia Thành có thể trở nên cạnh tranh hơn và thậm chí thay thế vị trí của các doanh nhân ngoại kiều đến từ Anh.

    Đầu những năm 2000, HSBC "bắt tay" vào thực hiện một thương vụ mua lại lớn để giảm bớt sự phụ thuộc vào Hồng Kông. Hai trong số những thương vụ lớn nhất của họ đều là sự thất bại. Thương vụ mua lại Household Finance ở Mỹ năm 2003 đã khiến công ty chìm trong khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn. Ngân hàng mà họ mua ở Mexico hồi năm 2002 là một ngân hàng các băng đảng ma tuý rửa tiền, HSBC chìm vào bê bối và đối mặt với sự đe doạ sống còn. 

    Sau đó, HSBC đã phải thành lập một tổ giám sát vào năm 2012, chính việc này đã khiến ngân hàng này dính líu tới Huawei. Stuart Gulliver, giám đốc điều hành HSBC từ năm 2012 đến 2018, dành phần lớn thời gian đương nhiệm để dọn dẹp những rắc rối. Năm 2015, Gulliver đã công bố chiến lược "trọng tâm hướng tới châu Á". Theo đó, ông có ý định đưa ngân hàng trở lại con đường như hồi năm 1884, khi chủ tịch cho biết họ chỉ nên phát triển hoạt động kinh doanh "có tầm quan trọng trực tiếp đối với thương mại của Trung Quốc."

    Khi công bố chiến lược trên, Gulliver chỉ ra ít nhất 3 tỷ USD doanh thu hàng năm mà ngân hàng có thể đạt được trong trung hạn, thường là 3 đến 5 năm. 4 năm sau đó, hiệu quả từ kế hoạch trên vẫn khó để xác định dù một số quan điểm lạc quan vẫn có thể chỉ ra những điểm tích cực. 

    HSBC đã thực hiện nhiều động thái hơn để tăng mức độ "phủ sóng" ở Trung Quốc so với những đối thủ. Ngân hàng này mở nhiều chi nhanh hơn bất kỳ nhà cho vay phi nội địa nào khác và là ngân hàng đầu quốc tế đầu tiên nắm quyền kiểm soát đa số của một công ty chứng khoán ở đại lục. Giám đốc của một đối thủ cạnh tranh lớn ở Trung Quốc nhận định rằng HSBC đã "rất khôn ngoan và có tầm nhìn" khi tập trung vào khu Greater Bay.

    Tuy nhiên, HSBC cũng đối mặt với tình huống khó xử về mặt ngoại giao. Khi đại sứ phát biểu tại bữa tiệc mừng năm mới, ông đã kết thúc bằng 2 câu thơ của Lý Bạch:

    "Cưỡi gió phá sóng hẳn có ngày,

    Treo thẳng buồm mây vượt biển cả!"

    Lời trích dẫn này được coi như một thông điệp gửi tới HSBC khi họ đang đối mặt với sự lựa chọn giữa phương Đông và phương Tây: "Một doanh nghiệp tốt phải tìm ra đúng thời điểm, thì sẽ có thể treo buồm vượt qua biển lớn."

    Viethome (theo Trí Thức Trẻ)

  • Asda cho biết viễn cảnh bất ổn của Brexit đang gây tổn hại tới khách hàng của mình, bằng chứng là báo cáo doanh số của hãng đã giảm trong nửa đầu năm nay.

    Chuỗi siêu thị cho biết sự sụt giảm niềm tin của người tiêu dùng đã ảnh hưởng đến nhu cầu đối với các dòng sản phẩm phi thực phẩm.

    Doanh số cũng thể hiện dấu hiệu tiêu cực so với năm ngoái, khi doanh số bán hàng được thúc đẩy bởi thời tiết nắng nóng và World Cup.

    Asda, thuộc sở hữu của công ty bán lẻ khổng lồ Walmart của Mỹ, cho biết doanh số tăng 0,5% trong quý hai đến cuối tháng 6, nhưng ngừng tăng từ đó tới thời điểm Phục sinh.

    Trong sáu tháng đầu năm, doanh số đã giảm 0,3%.

    Giám đốc điều hành Asda, Roger Burnley nói: "Kết quả kinh doanh nhóm hàng phi thực phẩm của chúng tôi đang gặp khó khăn trong giai đoạn này, tuy nhiên chúng tôi hài lòng rằng việc kinh doanh thực phẩm của chúng tôi tiếp tục hoạt động tốt và tăng trưởng trực tuyến của chúng tôi tiếp tục dẫn đầu thị trường."

    Ông chủ Walmart, Doug McMillon, cho biết kết quả mới nhất "phản ánh những thách thức mà người mua hàng ở thị trường này phải đối mặt khi tình trạng bất ổn Brexit tiếp tục diễn ra".

    Lợi nhuận của Asda - siêu thị lớn thứ ba của Anh - đã bị siết chặt khi doanh số bán nhiên liệu được cải thiện nhưng nhu cầu đối với các sản phẩm phi thực phẩm có tỷ suất lợi nhuận cao lại xuống thấp, trong khi doanh nghiệp cũng phải đầu tư thêm để bình ổn giá.

    Vào tháng trước, số liệu được công bố cũng cho thấy doanh số siêu thị nói chung đã giảm lần đầu tiên sau ba năm trong 12 tuần tính đến 14 tháng 7.

    Các kế hoạch sáp nhập của Asda với đối thủ Sainsbury's đang bị ách tắc do vướng phải luật cạnh tranh.

    Bốn siêu thị lớn của Anh - bao gồm Tesco và Morrisons – buộc phải chứng kiến ​​cảnh thị phần ngày càng bị thu hẹp trong những năm gần đây do sự phát triển nhanh chóng của các đối thủ đến từ Đức là Aldi và Lidl.

    VietHome (Theo Sky News)

     

  • Hãng bán lẻ giày dép Office đang lên kế hoạch đóng cửa gần một nửa số cửa hàng ở Anh và trở thành thương hiệu mới nhất phải đối mặt với tác động của bất ổn kinh tế.

    Doanh nghiệp có trụ sở tại Nam Phi này đang vạch ra kế hoạch loại bớt hàng chục trong số 100 cửa hàng của mình khi hợp đồng thuê địa điểm hết hạn trong vài năm tới.

    Office đang nghiên cứu một kế hoạch tái cấu trúc trong vài tuần qua, nhưng không còn thông qua Thỏa thuận Tự nguyện (CVA) - một cơ chế thường được sử dụng để thực hiện việc đóng cửa hàng và cắt giảm tiền thuê.

    Các nguồn tin mới đây cho hay Truworths International, chủ sở hữu của Office từ năm 2015, có khả năng chốt lại các kế hoạch của mình trong tương lai gần.

    Các quyết định về tương lai của một số cửa hàng sẽ được đưa ra ngay khi hết thời hạn thuê đất. Truworths, lên sàn ở Johannesburg, dự kiến ​​sẽ báo cáo kết quả kinh doanh cả năm vào tuần tới.

    Người phát ngôn của Office cho biết: "Chúng tôi không có kế hoạch ngay lập tức đóng cửa các cửa hàng. Chúng tôi vẫn trong quá trình thảo luận với các bên cho vay và các cuộc đàm phán đang tiến triển tốt."

    Các bên cho vay của Office đang được tư vấn bởi Deloitte, một trong bốn công ty kiểm toán uy tín nhất.

    Truworths đã mua chuỗi Office vào năm 2015 trong một thỏa thuận trị giá khoảng 250 triệu bảng.

    Ngoài các cửa hàng ở Anh, thương hiệu này còn kinh doanh các cửa hàng ở Đức và Ireland.

    Hiện vẫn chưa rõ liệu các cửa hàng ở nước ngoài có bị ảnh hưởng bởi chương trình tái cấu trúc hay không.

    Dự định đóng cửa hàng khiến Office trở thành cái tên mới nhất trong giới thời trang và các nhà bán lẻ bị buộc phải thu hẹp thị trường trên đường phố lớn giữa hàng loạt vụ phá sản.

    Tập đoàn Arcadia của Sir Philip Green, công ty sở hữu Top Shop và Burton, gần đây đã phê duyệt CVA nhưng đang chờ phán quyết pháp lý.

    Debenhams cũng đang đối mặt với một rắc rối pháp lý – đứng sau bởi ông trùm Sports Direct, Mike Ashley –  đối với quá trình tái cấu trúc.

    Trong hai năm qua, Capetright, House of Fraser, Mothercare, New Look và Toys R Us UK đều đã chọn CVA để tìm kiếm cơ hội sống sót.

    Một số đã sụp đổ ngay cả sau khi CVA được phê duyệt.

    Office từng là một trong những chủ nợ của House of Fraser khi hãng này rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán vào năm ngoái.

    Office phát biểu hồi đầu năm nay rằng "những bất ổn vẫn đang tiếp diễn do Brexit và nhu cầu tiêu dùng đi xuống" đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của hãng, nhưng nhấn mạnh rằng hãng vẫn đang "có tiềm lực để tiếp tục phát triển".

    VietHome (Theo Sky News)

  • Tesco sẽ cắt giảm khoảng 4.500 nhân viên trong lần tái cơ cấu nhân sự mới nhất tại chuỗi siêu thị lớn nhất nước Anh.

    Phần lớn nhân viên sẽ được cắt giảm từ 153 cửa hàng Metro cỡ trung, cũng như từ chuỗi cửa hàng Express nhỏ hơn và các siêu thị lớn hơn.

    Tesco muốn tập trung cải tổ các cửa hàng Metro của mình vì cho rằng người mua sắm có xu hướng đến siêu thị khi mua hàng hóa lặt vặt hơn là thực hiện những cuộc mua sắm giá trị cao.

    "Định dạng Metro ban đầu được thiết kế cho các hoạt động mua sắm hàng tuần lớn hơn, nhưng ngày nay, gần 70% khách hàng sử dụng chúng như cửa hàng tiện lợi, chủ yếu mua thực phẩm cho ngày hôm đó", siêu thị cho biết.

    Đồng thời, 134 cửa hàng Tesco Express – trong tổng số 1.750 - sẽ giảm giờ mở cửa do số lượng khách hàng thấp.

    Tesco - nhà tuyển dụng lớn nhất trong lĩnh vực tư nhân ở Anh với hơn 300.000 nhân viên - cũng cho biết họ đang thay đổi cách thức nhập hàng cho các cửa hàng, trong đó nhiều sản phẩm sẽ được trưng bày và ít hàng hóa lưu trữ hơn.

    Nhân viên được kỳ vọng sẽ hoạt động linh hoạt hơn, có thể làm việc ở nhiều bộ phận khác nhau và tập trung hơn vào việc giữ hàng hóa ổn định trong thời gian cao điểm bận rộn vào giờ nghỉ trưa.

    Công ty cho biết sẽ có một "cấu trúc quản lý tinh gọn hơn" và nhân viên sẽ được trang bị tai nghe để giao tiếp dễ dàng hơn.

    Jason Tarry, giám đốc điều hành tại Vương quốc Anh và Ireland của Tesco cho biết: "Trong một môi trường bán lẻ đầy thách thức, liên tục phát triển, với áp lực chi phí ngày càng tăng, chúng tôi phải tiếp tục nghiên cứu cách điều hành các cửa hàng để đảm bảo hiểu rõ và đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách hàng theo cách hiệu quả nhất.”

    Cổ phiếu của Tesco đã giảm gần 2% sau thông báo cắt giảm nhân viên. Động thái này được đưa ra sau khi Tesco tuyên bố hồi tháng 1 về nỗ lực cắt giảm 9.000 việc làm với mong muốn tái cấu trúc các chức năng của cửa hàng và trụ sở chính.

    Vào thời điểm đó, Tesco cho biết họ sẽ đóng cửa quầy thu ngân tại 90 siêu thị lớn nhất của mình.

    Họ nói rằng thay đổi thói quen của khách hàng còn bao gồm việc các khu vực dịch vụ thịt, cá hoặc đồ nguội sẽ không còn được sử dụng thường xuyên và loại bỏ bớt dịch vụ thu ngân tại 700 cửa hàng còn lại.

    Những cải cách khác bao gồm các thói quen nhập hàng mới với mục đích giảm nhu cầu nhân sự.

    Công đoàn USDAW, đại diện cho hơn 160.000 nhân viên của Tesco, cho biết họ đã kêu gọi chính phủ can thiệp để giải quyết cuộc khủng hoảng bán lẻ ở Anh.

    Pauline foukes, đại diện quốc gia của tổ chức, cho biết: "Các thành viên của chúng tôi tại Tesco đã bị sốc và mất tinh thần bởi một lần nữa lại phải đối mặt với nguy cơ mất việc, chỉ vài tháng sau khi 9.000 nhân viên đã bị cắt giảm trong các cửa hàng trước đó.

    "Chúng tôi sẽ làm việc chăm chỉ để đảm bảo rằng bất kỳ thành viên nào có khả năng bị ảnh hưởng bởi các đề xuất này đều được hỗ trợ tại thời điểm khó khăn này và trong suốt thời gian tham vấn.

    "Vấn đề này không chỉ tồn tại ở Tesco, các chuỗi bán lẻ trên phố lớn của chúng ta đang gặp khủng hoảng, nhiều người mất việc do các cửa hàng đóng cửa, các nhà bán lẻ lao đao và các doanh nghiệp buộc phải tái cấu trúc để tồn tại.

    "Chúng tôi cần Chính phủ giải quyết những lo lắng và băn khoăn của các nhân viên cửa hàng và các thành viên của chúng tôi."

     VietHome (Theo Sky News)