Forever 21 chính thức nộp đơn xin phá sản

Thương hiệu bán lẻ Forever 21 tuyên bố vào ngày chủ nhật rằng họ đã nộp đơn xin phá sản theo Chương 11 nhằm tái cấu trúc mảng kinh doanh.

Như vậy Forever 21 trở thành một "nạn nhân" khác trong số những hãng bán lẻ vật lý ở Mỹ – những đơn vị đã trải qua xu hướng người tiêu dùng thay đổi, chuyển sang mua sắm trực tuyến thay vì đến các trung tâm thương mại.

Forever 21 nói rằng họ đã nhận một vài khoản trợ cấp vốn gồm 275 triệu USD từ ngân hàng JPMorgan Chasse và 75 triệu USD từ một quỹ mới là TPG Sixth Street Partners.

Việc nộp đơn phá sản sẽ giúp công ty loại bỏ những cửa hàng không mang lại lợi nhuận và tái cơ cấu lại nguồn vốn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều đó cũng gây ra vấn đề lớn với các đơn vị sở hữu những trung tâm thương mại như Simon Property và Brookfield Property Partners. Forever 21 là một trong những khách hàng lớn nhất thuê mặt bằng kinh doanh tại những trung tâm thương mại vẫn hoạt động sau làn sóng phá sản diễn ra trong ngành bán lẻ.

Một khi Forever 21 tuyên bố đóng hàng loạt cửa hàng, ngay lập tức các trung tâm thương mại sẽ rơi vào tình trạng bỏ trống. Đại diện Simon Property nói rằng Forever 21 là khách hàng lớn thứ 6 của họ với 99 cửa hàng trải rộng trên diện tích gần 140.000 m2.

Một người phát ngôn của hãng này cho biết công ty đã thông qua đề xuất đóng 178 store ở Mỹ. Ngoài ra, họ sẽ rút lui hoàn toàn ra khỏi thị trường châu Á và châu Âu. Đơn vị này sẽ tiếp tục hoạt động ở Mexico và châu Mỹ Latin.

Forever 21 thành lập năm 1984, bởi hai vợ chồng Jin Sook và Do Won Chang. Chuỗi cửa hàng này nhanh chóng mở rộng ra khắp các trung tâm mua sắm, chủ yếu phục vụ khách hàng nữ trẻ tuổi với sản phẩm thời trang cơ bản, bình dân. Đến nay, họ đã có hơn 800 cửa hàng tại Mỹ, châu Âu, châu Á và Mỹ Latin.

Dù vậy, các hãng bán lẻ truyền thống tập trung vào nhóm khách hàng trẻ gần đây liên tục gặp khó. Nguyên nhân là vòng đời các xu hướng thời trang ngắn lại, và người trẻ chuyển từ mua sắm tại trung tâm thương mại sang mua hàng online.

Làn sóng phá sản đang càn quét ngành bán lẻ Mỹ. Đầu tháng này, hãng bán lẻ hàng cao cấp Barneys New York cũng thông báo phá sản và sẽ đóng cửa 15 trên 22 cửa hàng. Hầu hết hãng bán lẻ gặp khó khăn đều đặt gian hàng tại trung tâm thương mại - nơi ngày càng ít người đến mua sắm. Ngoài doanh thu giảm, họ còn phải tốn thêm chi phí cho công nghệ, để cạnh tranh với các thương hiệu bán hàng trực tuyến.

Forever 21 hiện vẫn thuộc sở hữu của các nhà đồng sáng lập. Theo Forbes, Won và Chang hiện có tài sản 1,5 tỷ USD. Forever 21 có doanh thu hàng năm 3,4 tỷ USD với 30.000 nhân viên. 

Theo VnExpress