• Aldi cho biết vị trí siêu thị trả lương hậu hĩnh nhất nước Anh của họ đã được củng cố sau khi họ tuyên bố tăng mức lương theo giờ cho nhân viên.

    Các trợ lý bán hàng sẽ nhận được mức lương tối thiểu là 9.10 bảng một giờ, áp dụng trên cả nước, và riêng ở khu vực M25, nhân viên sẽ nhận được 10.55 bảng và nhân viên London được trả 10.89 bảng.

    Mức lương mới này cao hơn khá nhiều so với mức lương thực tế tự nguyện là 9 bảng một giờ trên cả nước và tương xứng với mức lương được khuyến khích áp dụng cho người lao động ở London là 10.55 bảng.

    Lương của Aldi cũng cao hơn rất nhiều so với mức lương đời sống toàn quốc, 7.83 bảng một giờ cho người lớn. Từ tháng Tư, con số bắt buộc này cũng sẽ tăng lên thành 8.21 bảng.

    Aldi cho biết các nhân viên cửa hàng của họ cũng sẽ nhận được thêm hỗ trợ lương hưu.

    Giám đốc điều hành của Aldi UK, ông Giles Hurley, nói: “Các đồng nghiệp của chúng tôi làm việc rất tuyệt vời mỗi ngày và dịch vụ chất lượng cao mà họ mang đến cho khách hàng là lý do chính khiến chúng tôi trở thành siêu thị tăng trưởng nhanh nhất nước Anh.

    “Chúng tôi cam kết trở thành siêu thị thuê lao động tốt nhất nước Anh và điều này đồng nghĩa với việc chúng tôi cần khen thưởng những đồng nghiệp của mình vì kết quả công việc tuyệt vời của họ. Chúng tôi thực hiện điều này bằng cách trả cho họ mức lương cao nhất thị trường và trao cho họ cơ hội thăng tiến ở Aldi.”

    Aldi có hơn 800 cửa hàng trên khắp nước Anh và dự kiến mở thêm 65 cửa hàng nữa trong năm nay, tạo ra khoảng 2,500 việc làm.

    Chuỗi siêu thị này cũng cho biết họ vẫn đang trên đà chạm tới mục tiêu dài hạn là vận hành 1,200 cửa hàng trên khắp nước Anh cho tới cuối năm 2025.

    VietHome (Theo Birmingham Live)

     

  • Nhà sáng chế James Dyson, người được mệnh danh là Thomas Edison thời hiện đại, vừa vượt qua hai tỷ phú khác để đứng vị trí thứ nhất trong bảng xếp hạng những người giàu nhất Vương Quốc Anh.

    James Dyson (71 tuổi), nhà phát minh máy hút bụi không túi, hiện là tỷ phú giàu nhất nước Anh sau khi công ty của ông đạt lợi nhuận kỷ lục năm 2018. Năm 2018, công ty công nghệ Dyson đạt lợi nhuận 1,1 tỷ bảng Anh, so với 801 triệu bảng Anh trong năm 2017. Theo Bloomberg Billionaires Index, sự thành công này mang lại 3,4 tỷ USD, nâng khối tài sản của ông lên 13,8 tỷ USD (~319.9 nghìn tỷ VND).

    Theo Bloomberg, Dyson vừa vượt qua Jim Ratcliffe (người sáng lập nhà máy hóa chất Ineos Group) và Hugh Grosvenor (Công tước thứ 7 của Westminster, Anh) để trở thành người giàu nhất nước Anh. Hugh Grosvenor từng là người giàu nhất nước Anh nhờ có đất đai gia đình sở hữu từ năm 1677, cho đến khi bị Ratcliffe soán ngôi năm ngoái. Hiện tại Công tước 27 tuổi đang là người giàu thứ 3 nước Anh với tài sản 12,4 tỷ USD (~287,4 nghìn tỷ VND).

    Nhà sáng chế James Dyson là tỷ phú giàu nhất nước Anh.

    Công ty Dyson, một trong những công ty công nghệ lớn nhất Anh Quốc, nổi tiếng với các mặt hàng thiết bị gia dụng. Năm 2018, lợi nhuận tăng lên của công ty là nhờ nhu cầu các sản phẩm chăm sóc tóc mới. Công ty thu lại lợi nhuận rất lớn từ nhóm khách hàng châu Á, nơi giúp đem lại hơn 50% doanh thu cho công ty. Vào tháng 11/2018, Tập đoàn Alibaba cho biết nhiều sản phẩm bán chạy nhất trong ngày Quốc tế độc thân 11/11 đến từ công ty Dyson.

    Sản phẩm nổi tiếng của công ty Dyson là máy hút bụi và máy sấy tóc, công ty cũng vừa mở rộng quy mô sang máy lọc không khí và sản phẩm chăm sóc tóc. Ngoài ra, dự án xe điện của Dyson cũng đang được thực hiện cho đến năm 2021.

    Các cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của tỷ phú James Dyson:

    - 1974: Phát minh ra Ballbarrow, một loại xe cút kít chân bóng

    - 1983: Hoàn thành bản thiết kế máy hút bụi không túi đầu tiên

    - 1986: Đăng ký giấy phép công nghệ máy hút bụi không túi tại Nhật Bản.

    - 1993: Bán mẫu máy hút bụi Dyson DC01 đầu tiên tại thị trường Anh Quốc.

    - 2000: Thắng kiện công ty Hoover ăn cắp ý tưởng máy hút bụi.

    - 2006: Máy sấy tóc Dyson ra đời.

    - 2007: Được Nữ hoàng Elizabeth II phong tước Hiệp sĩ tại Cung điện Buckingham.

    - 2013: Kiện Samsung vì vi phạm bằng sáng chế máy hút bụi Dyson.

    - 2014: Tài trợ cho trung tâm nghiên cứu kỹ thuật tại Đại học Cambridge.

     

    VietHome (Theo 24h)

  • Tesco PLC, tập đoàn siêu thị đồng thời là nhà bán lẻ lớn nhất tại Anh, ngày 28/1 cho biết công ty này có kế hoạch cắt giảm 9.000 việc làm tại Anh trong giai đoạn tiếp theo của chương trình tái cấu trúc quy mô lớn, trong bối cảnh Tesco tiếp tục đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ hai nhà bán lẻ Aldi và Lidl đến từ Đức.

    Tesco hiện có khoảng 300.000 nhân viên tại Anh, trong tổng số 440.000 nhân viên trên toàn cầu. Trong một tuyên bố, công ty này nhấn mạnh: "Chúng tôi ước tính rằng khoảng 9.000 việc làm sẽ bị ảnh hưởng."

    Giám đốc điều hành (CEO) phụ trách khu vực Anh và Ireland của Tesco, Jason Tarry, nói: "Trong thời gian 4 năm thực hiện tái cấu trúc, chúng tôi đã đạt được những tiến triển tốt.

    Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường đang đứng trước nhiều thách thức, Tesco cần phải tiếp tục thích ứng với sự cạnh tranh." Tesco cho hay sẽ có những thay đổi lớn về nhân sự tại khoảng 90 cửa hàng và dự định giảm số lượng văn phòng.

    Nhà phân tích thị trường David Madden, thuộc hãng CMC Markets UK, nhận định Tesco đang thực hiện kế hoạch cắt giảm chi phí nghiêm ngặt, như một phần trong nỗ lực ứng phó với sự nổi lên của hai đối thủ Lidl và Aldi. 

    VietHome (Theo VietNamPlus)

  • Bất chấp tương lai khó đoán định của nước Anh khi tiến trình Brexit chưa ngã ngũ, thủ đô London vẫn là “miền đất hứa” của giới doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) trong lĩnh vực công nghệ tại châu Âu.

    Nghiên cứu của cơ quan xúc tiến thương mại London & Partners (L&P) cho thấy, London vẫn là thành phố thu hút số lượng các start-up trong lĩnh vực công nghệ nhiều nhất ở lục địa già.

    Năm ngoái, các start-up công nghệ đã thu hút được 1,8 tỷ bảng Anh (2,3 tỷ USD) tiền đầu tư, giảm gần 30% so với năm 2017. Đây cũng là năm đầu tiên trong 6 năm qua vốn đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ ở thủ đô nước Anh sụt giảm. Tuy vậy, lượng vốn đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp kể trên tại London vẫn nhiều gấp đôi so với Berlin (Đức), thành phố đứng thứ 2 châu Âu về thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, với tổng lượng vốn đầu tư đạt 936,53 triệu bảng Anh (1,2 tỷ USD). Theo sau là Paris (Pháp), với 797,04 triệu bảng (1,02 tỷ USD).

    Thống kê của L&P cũng cho thấy, Anh tiếp tục là nước có tầm ảnh hưởng lớn trong ngành công nghệ châu Âu, với tốc độ tăng trưởng ổn định của các công ty tư nhân “unicorn” (kỳ lân)- thuật ngữ để chỉ những công ty khởi nghiệp xuất sắc và giá trị vốn trên 1 tỷ USD. Đầu tư vào các start-up công nghệ tại London được đẩy mạnh với việc tăng cường đầu tư vào các ngành công nghệ mới nổi như fintech (công nghệ tài chính), trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ chuỗi khối (blockchain).

    Lý giải về sức hút của London với giới doanh nghiệp non trẻ trong lĩnh vực công nghệ, giới chuyên gia cho rằng, thành phố này đang sở hữu nhiều thế mạnh như dân trí cao, tỷ lệ thuận với chất lượng chất xám, cùng chính sách linh hoạt trong hoạt động đầu tư cũng như chỉ số kinh tế ổn định. Đây là những yếu tố then chốt quyết định sự thành bại trong kỷ nguyên mà thông tin và sự liên kết nắm vai trò quyết định.

    Trong thời gian Brexit xảy ra, nhiều khả năng vị trí này của London sẽ bị ảnh hưởng vì chịu tác động của dòng chảy nhập cư, tự do thương mại cũng như các cơ chế về đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh đó là nỗi lo kinh tế suy giảm sẽ khiến London trở nên kém hấp dẫn hơn trong giới đầu tư công nghệ. Dự báo của Chính phủ Anh cho biết, nếu không đạt thỏa thuận Brexit với EU, kinh tế Anh suy giảm 0,2% trong năm nay. Kinh tế Anh đã giảm tốc mạnh trong nửa sau của năm 2018. Tiêu dùng và đầu tư kinh doanh ở nước này cũng đã sa sút kể từ năm 2016.

    Giới start-up công nghệ ở Anh cũng như nhiều công ty khác đang theo dõi sát sao tiến trình đàm phán giữa Anh và EU. Nhiều doanh nghiệp tại Anh đang kêu gọi hoãn kế hoạch Brexit nhằm tránh viễn cảnh xấu Anh rời khỏi EU vào ngày 29-3 mà không có thỏa thuận nào. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ Anh, 41% công ty tin rằng hỗn loạn từ Brexit sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh và họ vẫn chưa chuẩn bị cho khả năng đó.

    Từ cuộc trưng cầu dân ý về Brexit vào tháng 6-2016, giới doanh nghiệp lớn lẫn nhỏ tại Anh phàn nàn rằng việc không chắc chắn về các quy định thương mại trong tương lai khiến họ hoãn kế hoạch đầu tư. Do lo ngại Brexit, các ngân hàng và công ty tài chính đã chuyển ít nhất 800 tỷ bảng (1.000 tỷ USD) tài sản ra khỏi nước này sang các nước EU khác.

    VietHome(Theo Sài Gòn Giải Phóng)

  • Fuller, một trong những háng bia lớn nhất còn tồn tại ở London, đã đồng ý bán cơ sở kinh doanh của mình để thu về 250 triệu bảng.

    Hãng sản xuất bia ở Griffin Brewery, Chiswick này đã đồng ý nhượng lại việc kinh doanh cho người khổng lồ trong làng bia là Asahi. Công ty đến từ Nhật Bản này cũng đang sở hữu các thương hiệu Peroni và Grolsch.

    Sau khi thương vụ được hoàn tất, Asahi sẽ kiểm soát việc sản xuất và phân phối các sản phẩm bia như London Pride cũng như các sản phẩm cider. Việc mua bán cũng cho phép ông lớn Nhật bản toàn quyền sử dụng thương hiệu lâu đời của London.

    Công ty Fuller, đứng đầu bởi Simon Emeny, sẽ trả lại từ 55 đến 69 triệu bảng cho các cổ đông. Hơn 50% cổ phần của công ty nằm trong tay các nhà sáng lập là gia đình Fuller và Turner. Cổ phiếu của Fuller đã tăng hơn 18%, tương đương 166p, lên mức 1075p.

    Hãng bia này được thành lập từ năm 1845 và hiện có kế hoạch tập trung vào việc kinh doanh 381 quán rượu và khách sạn của mình.

    Ông Emeny cho hay việc sản xuất bia sẽ không bị gián đoạn và phần lớn nhân viên sẽ chuyển sang làm việc cho Asahi. Tuy nhiên, “có một vài vị trí bị trùng… Thật đáng tiếc khi nhân viên vẫn sẽ bị cắt giảm.” Được biết, hiện có trên 500 nhân viên đang làm việc trong hãng bia này.

    Ông Emeny cũng bày tỏ việc sản xuất bia là phần quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp kinh doanh của Fuller, nhưng nhánh kinhh doanh này đã bị “bóp nghẹt giữa các hãng bia quốc tế lớn.”

    Ông nói thêm: “Chúng tôi cảm thấy Asahi là đối tác có thể đưa thương hiệu của chúng tôi lên một tầm cao mới.”

    Ông Hector Gorosabel, giám đốc điều hành Asahi Châu Âu, nói: “Mạng lưới toàn cầu của chúng tôi sẽ cho chúng tôi khả năng đem những thương hiệu này ra toàn thế giới và nâng tầm quy mô cũng như giá trị của chúng.”

    Đây là thương vụ thứ hai của Asahi ở Anh. Trước đó, hãng này đã thu mua Meantime Brewery vào năm 2016.

    VietHome (Theo Evening Standard)

  • Tom Enders, Giám đốc điều hành Airbus, ngày 24/1 cảnh báo nhà chế tạo máy bay hàng đầu của châu Âu này có thể đưa ra những quyết định gây thiệt hại đối với nước Anh, nếu xảy ra kịch bản Brexit không thỏa thuận. 

    Giám đốc điều hành Airbus cảnh báo tác động từ kịch bản Brexit không thỏa thuận. Ảnh: standard

    Theo ông Enders, những lao động làm việc tại cơ sở sản xuất của Airbus ở Vương quốc Anh đang đứng trước nguy cơ mất việc làm. Hiện Airbus đang tuyển dụng 14.000 lao động tại nước Anh, trong đó có có 6.000 người tại Broughton và 3.000 người tại Filto. 

    Một số nhà lập pháp nước Anh đã lên tiếng chỉ trích Airbus và một số đơn vị khác gây ra tình trạng hoang mang. Trong khi đó, ông Enders, một người sinh ra tại Đức, khẳng định Airbus nghiêm túc với ý định của mình.

    Theo ông Enders, Airbus chắc chắn sẽ không thể ngay lập tức di dời các cơ sở sản xuất tại nước Anh sang các nước khác. Tuy nhiên, hàng không là một mảng kinh doanh dài hạn và Airbus có thể thay đổi những kế hoạch đầu tư trong tương lai, nếu để xảy ra kịch bản Brexit không thỏa thuận.

    Trước cảnh báo của Airbus, một người phát ngôn của Thủ tướng Anh Theresa May cho biết bà May đang nỗ lực làm việc để đảm bảo tiến trình nước Anh rời EU một cách suôn sẻ.

    Hiện nền kinh tế Anh cũng đã chịu nhiều tác động từ Brexit. Đầu tư kinh doanh sụt giảm khá mạnh khi các công ty ngừng kế hoạch kinh doanh do lo ngại bất ổn chính trị.

    Nhiều tập đoàn chế tạo và doanh nghiệp lớn đã cảnh báo sẽ rời khỏi Anh nếu tiến trình Brexit diễn ra mà không thỏa thuận. Tập đoàn cơ khí chế tạo Schaeffler của Đức sẽ đóng cửa hai nhà máy ở nước anh do bất ổn. 

    VietHome (Theo Báo Tin Tức|)

  • Mới đây, CEO Rolls-Royce, ông Torsten Mueller-Oetvoes đã bày tỏ mối lo ngại quá trình sản xuất các dòng xe siêu sang của hãng sẽ gặp bất lợi lớn do ảnh hưởng từ các "biến chứng tiềm ẩn" của Brexit.

    Mối lo này càng tăng thêm gấp bội sau khi kế hoạch Brexit của Thủ tướng Anh Theresa May đã bị quốc hội nước này bác bỏ. Việc này làm dấy lên lo ngại nước Anh sắp phải rời EU trong hỗn loạn.

    Rolls-Royce Phantom 2018

    Với mô hình sản xuất tức thời (just in time), về cơ bản, Rolls-Royce chỉ nhập linh kiện khi cần và không lưu kho linh kiện, phụ tùng quá 24 giờ. Bên cạnh đó, với việc phải mất 800 giờ để chế tạo một chiếc xe siêu sang của Rolls-Royce cũng tiềm ẩn nguy cơ sản xuất bị đình trệ do bị gián đoạn về nguồn cung phụ tùng. Chính vì vậy, dù Chính phủ Anh có đạt được thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU) hay không, dây chuyền sản xuất của Rolls-Royce vẫn có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Brexit.

    Để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất khi nước Anh không đạt được thỏa thuận Brexit, Rolls-Royce đã bắt đầu hướng dẫn các nhà cung cấp quy trình nhập khẩu mới như nhập khẩu một số linh kiện, phụ tùng qua đường hàng không thay vì đường biển. Ngoài ra, Rolls-Royce cũng lên sẵn kế hoạch ngừng sản xuất trong hai tuần đầu tiên của tháng 4/2019.

    "Bạn có thể lên kế hoạch cho mọi thứ, nhưng bạn không thể lưu trữ phụ tùng trong kho suốt nhiều tuần, và nếu chuỗi cung ứng bị gián đoạn, dây chuyền sản xuất sẽ bị ảnh hưởng. Chỉ cần thiếu một bộ phận, bạn sẽ không thể hoàn thành một chiếc xe”, CEO Müller-Ötvös bày tỏ sự lo lắng.

    Để sản xuất xe, Rolls-Royce phải nhập khẩu khoảng 32.000 phụ tùng từ hơn 600 nhà cung cấp khác nhau trên toàn thế giới. Mặc dù là thương hiệu xe siêu sang của Anh quốc nhưng Rolls-Royce hiện chỉ sản xuất được 8% phụ tùng tại quê nhà. Trung bình mỗi ngày, công ty thực hiện 35 chuyến xe vận chuyển phụ tùng ở khắp nước Anh để đảm bảo sự thông suốt của hoạt động sản xuất.

    Dù lo lắng Brexit có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của Rolls-Royce, nhưng trước mắt thương hiệu xe siêu sang thuộc sở hữu của tập đoàn Đức vẫn quyết định không rời khỏi Anh.

    Theo Mueller-Oetvoes, sẽ không có chuyện Rolls-Royce rời dây chuyền sản xuất ra khỏi Anh. Ngoài ra, ông cũng cho biết thêm có nhiều khách hàng ở nước ngoài thậm chí còn sẵn sàng bay tới Anh để cùng ngồi với các các kỹ sư và các nhà thiết kế của hãng vẽ ra một chiếc xe trong giấc mơ cũng như chứng kiến cách Rolls-Royce hiện thực hóa giấc mơ đó.

    Năm ngoái, doanh số bán hàng của Rolls-Royce đã lập kỷ lục mới với 4.107 xe bán ra trên toàn cầu, tăng 20% so với năm 2017. Đòn bẩy cho sự bùng nổ doanh số này là việc ra mắt mẫu Phantom thế hệ thứ 8 cũng như việc chiếc SUV siêu sang Cullinan được giao đến tay người dùng ngay trước thời điểm cuối năm. 

    VietHome (Theo Doanh Nghiệp VN)

  • Giá vé giảm thấp do sự cạnh tranh giữa các hãng hàng không là nguyên nhân khiến Ryanair - hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Âu - buộc phải cắt giảm dự báo lợi nhuận thường niên.

    Đây là lần điều chỉnh thứ hai của Ryanair chỉ trong chưa đầy 1 năm.

     

    Máy bay của hãng hàng không Ryanair tại sân bay ở Valencia, Tây Ban Nha, ngày 25/7/2018. Ảnh: AFP/ TTXVN

    Theo đó, lợi nhuận sau thuế của Ryanair chỉ có thể đạt từ 1 đến 1,1 tỷ euro (1,14-1,25 tỷ USD) trong 12 tháng kết thúc vào cuối tháng Ba tới. Hồi tháng 10 năm ngoái, hãng đã có điều chỉnh lợi nhuận xuống còn 1,1-1,2 tỷ euro (1,2-1,3 USD). 

    Ryanair cho rằng việc giá vé máy bay vào mùa Đông giảm 7% là nguyên nhân kéo doanh thu và lợi nhuận của hãng này sụt giảm dù trước đó Ryanair cho rằng mức vé giảm là 2%.

    Bên cạnh đó, Ryanair cũng không loại trừ khả năng giá vé tiếp tục đi xuống và doanh thu thường niên vẫn ảm đạm trong thời gian tới, đồng thời cho rằng tình hình kinh doanh sẽ khó khăn hơn nếu xảy ra kịch bản nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu không như mong muốn hoặc các vấn đề về an ninh. 

    Năm 2018 được xem là năm không sáng sủa đối với Ryanair khi hãng hàng không giá rẻ này phải đối mặt với cuộc đình công của nhân viên do tranh cãi về lương và phúc lợi.

    Đầu tháng 8/2018, các phi công của hãng Ryanair tại Ireland, Đức, Bỉ, Thụy Điển và Hà Lan đã tiến hành cuộc đình công phối hợp 24 giờ để yêu cầu được trả lương và điều kiện làm việc tốt hơn.

    Cuộc đình công đã khiến Ryanair phải hủy bỏ khoảng 400 trong số 2.400 chuyến bay ở châu Âu. Khoảng 55.000 hành khách bị ảnh hưởng bởi cuộc đình công.

    VietHome (Theo Bnews)

  • Chuỗi cửa hàng trên phố lớn này đang đóng cửa hơn 100 cửa hàng trong khuôn khổ kế hoạch phục hồi việc kinh doanh. Vào ngày thứ Ba (15/1), thương hiệu này đã công bố 17 cửa hàng bị đóng cửa gần đây nhất.

    Marks & Spencer đã đẩy 1,000 nhân viên vào nguy cơ mất việc khi công bố loạt cửa hàng bị đóng trong thời gian gần đây nhất.

    Các cửa hàng này bao gồm: Ashford, Barrow, Bedford, Boston, Buxton, Cwmbran, Deal, Felixstowe, Huddersfield, Hull, Junction One Antrim Outlet, Luton Arndale.

    Các cửa hàng Newark, Northwich, Rotherham, Sutton Coldfield và Weston Super Mare cũng bị ảnh hưởng.

    Việc đóng cửa này sẽ ảnh hưởng đến tổng cộng 1,045 nhân viên.

    Sacha Berendji, giám đốc tài sản của Marks & Spencer, bày tỏ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục cải tổ M&S và trong khuôn khổ kế hoạch này, chúng tôi đang nhanh chóng tiến hành kế hoạch đóng cửa hơn 100 cửa hàng – sắp xếp lại bất động sản để trở nên phù hợp hơn với khách hàng.

    “Đề xuất đóng cửa không bao giờ là việc dễ dàng đối với các đồng nghiệp, khách hàng và cộng đồng địa phương, nhưng nó là giải pháp sống còn cho tương lai của M&S.”

    VietHome (Theo Birmingham Mail)

  • Câu chuyện về Ấn Độ vẫn thường được kể lại rằng, Anh Quốc vì lòng nhân từ đã giúp đỡ phát triển đất nước thuộc địa này rất nhiều. Nhưng trong một nghiên cứu gần đây của nhà sử học nổi tiếng Utsa Patnaik đã cho thấy một góc nhìn hoàn toàn khác. Có lẽ, số tiền người Anh lấy đi khỏi Ấn Độ còn lớn hơn 17 lần so với GDP hàng năm của Vương quốc Anh ngày nay, một con số khổng lồ. 

    Nghiên cứu mới đây của nhà kinh tế học nổi tiếng Utsa Patnaik - vừa được xuất bản bởi Columbia University Press – đã giáng một đòn mạnh vào câu chuyện này. Dựa trên dữ liệu chi tiết về thuế và mậu dịch thương mại trong gần hai thế kỷ, Patnail đã tính toán và đưa đến kết luận rằng, thực ra nước Anh đã bòn rút khoảng 45 nghìn tỷ đô của Ấn Độ trong giai đoạn 1765 đến 1938. Đó là một khoản tiền đáng kinh ngạc, khi mà 45 nghìn tỷ đô lớn gấp 17 lần GPD hàng năm của nước Anh ngày nay.

    Lord Louis Mountbatten, phó quốc trưởng cuối cùng của Ấn Độ, và vợ của ông, Lady Edwina Mountbatten, đi xe ngựa về phía nhà nghỉ Viceregal

    Làm thế nào mà chuyện này có thể xảy ra được?

    Sự bòn rút được thực hiện thông qua hệ thống trao đổi thương mại. Trước thời kỳ thuộc địa, nước Anh vẫn mua một số loại hàng hóa như dệt may, lúa gạo từ các nhà sản xuất Ấn Độ và thanh toán theo phương thức thông thường – chủ yếu là bạc – như vẫn làm với các quốc gia khác. Nhưng mọi thứ đã đổi thay vào năm 1765, không lâu sau khi công ty Đông Ấn (East India Company) nắm quyền kiểm soát và thiết lập chế độ độc quyền thương mại tại Ấn Độ.

    Công ty Đông Ấn bắt đầu thu thuế ở Ấn Độ, sau đó khéo léo sử dụng một phần doanh thu từ đó (khoảng 1/3) để bảo trợ người Anh khi mua hàng hóa tại quốc gia Nam Á này. Nói cách khác, thay vì phải mất một khoản chi phí, các thương nhân người Anh được mua hàng miễn phí, "mua" từ những người nông dân, thợ dệt bằng chính những đồng tiền vừa lấy từ họ.

    Có thể xem đây như một vụ chiếm dụng quy mô cực lớn. Tuy nhiên, hầu hết người dân Ấn Độ không nhận thức được chuyện gì đang xảy ra, vì đại lý thu thuế và thương lái mua hàng là hoàn toàn khác nhau. Giả như nếu đó là cùng một người, chắc chắn người Ấn sẽ cảm nhận được điều bất thường.

    Ngoài ra, một phần đồ trộm cắp được tiêu thụ tại Anh, phần còn lại được tái xuất khẩu sang một nước khác. Hệ thống tái xuất cho phép nước Anh tài trợ cho luồng hàng nhập khẩu từ các nước châu Âu, bao gồm cả các vật liệu mang tính chiến lược như sắt, nhựa đường, gỗ; những nguyên liệu quan trọng cho quá trình công nghiệp hóa. Sự thật là, cuộc cách mạng công nghiệp tại Anh phụ thuộc phần lớn vào những phi vụ trộm cắp có hệ thống đến từ Ấn Độ.

    Trên hết, người Anh còn có thể bán những hàng hóa phi pháp này cho các quốc gia khác với giá cao hơn nhiều so với giá gốc, sau đó bỏ túi không những 100% giá trị hàng hóa ban đầu mà còn cả giá trị thặng dư.

    Sau khi British Raj tiếp quản khu vực vào năm 1847, thực dân Anh đã bổ sung thêm một số điểm mới đặc biệt vào hệ thống thương mại và thu thuế. Khi sự độc quyền của công ty Đông Ấn bị phá vỡ, các nhà sản xuất Ấn Độ được phép xuất khẩu hàng hóa trực tiếp sang các quốc gia khác. Nhưng Anh quốc đã chắc chắn được rằng, tất cả các khoản thanh toán cho hàng hóa đều phải kết thúc ở London.

    Vì sao lại thế? Về cơ bản, bất cứ ai muốn mua hàng hóa từ Ấn Độ sẽ đều sử dụng Council Bills – một loại hóa đơn giấy đặc biệt, do duy nhất Vương quốc Anh phát hành. Và cách duy nhất để có được những hóa đơn này là mua chúng từ London bằng vàng hoặc bạc. Vì thế, các thương nhân sẽ trả cho London vàng và bạc để đổi lấy hóa đơn, sau đó, sử dụng các hóa đơn này trả cho các nhà sản xuất Ấn Độ. Khi người Ấn thanh toán hóa đơn tại văn phòng địa phương, họ được "trả" bằng đồng rupee, lấy từ các khoản thu thuế, chính là khoản tiền mà họ phải nộp. Do đó, một lần nữa nhận thấy rằng, người Ấn không hề được thanh toán sòng phẳng, họ đã bị lừa gạt.

    Trong khi đó, quá trình thương mại tại London lại được kết thúc với vàng và bạc, thứ đáng lẽ ra phải là quy chuẩn trao đổi hàng hóa xuất nhập khẩu trực tiếp tại Ấn Độ.

    Với kiểu vận hành thương mại này, ngay cả khi Ấn Độ trên danh nghĩa đang có mức thặng dư ấn tượng so với các nước khác – kéo dài trong suốt ba thập kỷ đầu thế kỷ 20 – nó đã gây ra thâm hụt tài khoản quốc gia, vì thu nhập thực tế từ xuất khẩu tại Ấn Độ đã bị thực dân Anh chiếm đoạt toàn bộ một cách khéo léo.

    Do sự "thâm hụt" này, nhiều ý kiến cho rằng nước Anh đang phải hỗ trợ Ấn Độ, tuy nhiên, thực tế hoàn toàn ngược lại. Nước Anh đã ngăn nguồn thu khổng lồ, cái đáng nhẽ thuộc về các nhà sản xuất Ấn Độ lại tại Anh. Ấn Độ được coi như con ngỗng đẻ trứng vàng. Trong khi đó, cụm từ "thâm hụt" cho thấy Ấn Độ không có lựa chọn nào khác ngoài việc vay từ Anh các khoản trợ cấp cho hàng nhập khẩu. Vì vậy, toàn bộ người dân Ấn Độ buộc phải gánh một khoản nợ vô lý đối với chính quyền thực dân. Việc này tiếp tục giúp người Anh củng cố kiểm soát tại thuộc địa.

    Nước Anh sử dụng sức mạnh tài chính từ hệ thống chiếm đoạt tài sản này thúc đẩy các hoạt động bạo lực - tài trợ cho cuộc xâm lược Trung Quốc vào những năm 1840 và đàn áp cuộc nổi loại tại Ấn Độ năm 1857. Chiến phí chủ yếu được lấy trực tiếp từ tiền thuế của người dân Ấn Độ. Như Patnaik đã chỉ ra "chi phí cho tất cả các cuộc chiến tranh chinh phục bên ngoài biên giới Ấn Độ của Anh luôn phụ thuộc hoàn toàn hoặc một phần chủ yếu vào doanh thu tại Ấn Độ."

    Và đó không phải là tất cả. Nước Anh từng sử dụng luồng tài chính này từ Ấn Độ để tài trợ cho công cuộc mở rộng chủ nghĩa tư bản tại Châu Âu và các khu vực đông người châu Âu định cư như Canada, Úc. Do đó, không chỉ nền công nghiệp hóa của Anh mà cả nền công nghiệp hóa của phần lớn thế giới phương Tây cũng được tạo điều kiện dựa trên khai thác thuộc địa.

    Patnaik xác định rõ bốn thời kỳ kinh tế ở Ấn Độ thời thuộc địa từ 1765 đến 1938, tính toán mức khai thác tại từng giai đoạn, sau đó kết hợp với một lãi suất khiêm tốn (khoảng 5%, thấp hơn so với lãi suất thị trường) từ giữa mỗi kỳ hiện tại. Cộng tất cả lại, bà nhận thấy rằng, tổng số tiền lên tới 44,6 nghìn tỷ đô la. Con số này chỉ là con số ước lượng, và nó chưa bao gồm các khoản nợ mà Anh áp đặt lên Ấn Độ trong thời Raj.

    Đây là một số tiền rất lớn. Nhưng chi phí cơ hội thật sự là không thể đong đếm. Nếu Ấn Độ đã có thể đầu tư doanh thu thuế của riêng mình và thu nhập ngoại hối vào phát triển - như Nhật Bản đã làm – thì rất có thể lịch sử đã rẽ theo một hướng khác. Có khả năng Ấn Độ đã trở thành một cường quốc kinh tế. Hàng thế kỷ nghèo đói và đau khổ có thể đã được ngăn chặn.

    Tất cả những điều này giống như thể là sự cảnh tỉnh cho câu chuyện màu hồng vốn được quảng bá bởi những nhân vật có tiếng nói tại Anh. Nhà sử học trường phái bảo thủ Niall Ferguson từng tuyên bố, sự cai trị của Anh đã giúp "phát triển" Ấn Độ. Trong khi cựu thủ tướng, David Cameron khẳng định rằng chính quyền Anh đối với Ấn Độ hoàn toàn là sự giúp đỡ.

    Câu chuyện này đã giúp thay đổi đáng kể trong tư duy phổ biến tại Anh: theo khảo sát của YouGov năm 2014, có 50% người dân ở Anh tin rằng chủ nghĩa thực dân hoàn toàn có lợi cho các thuộc địa.

    Tuy nhiên, trong toàn bộ lịch sử 200 năm cai trị của Anh tại Ấn Độ, hầu như không có sự gia tăng thu nhập bình quân đầu người. Trên thực tế, trong nửa cuối thế kỷ 19 - thời hoàng kim của sự can thiệp của Anh vào Ấn Độ - thu nhập bình quân ở đây đã giảm một nửa. Tuổi thọ trung bình của người Ấn giảm 1/5 từ năm 1870 đến 1920. Hàng chục triệu người chết oan bởi nạn đói do chính sách phát triển gây ra.

    Anh không phát triển Ấn Độ. Hoàn toàn ngược lại - như Patnaik đã chỉ rõ - Ấn Độ đã phát triển nước Anh.

    Điều này đòi hỏi nước Anh của hiện tại phải làm gì? Một lời xin lỗi ư? Hẳn rồi. Vậy còn bồi thường? Có lẽ là vậy - mặc dù toàn bộ số tiền nước Anh đang có không đủ để trang trải số tiền mà Patnaik đã xác định. Cùng lúc đó, chúng ta có thể bắt đầu với một câu chuyện mới, thực tế và thẳng thắn. Chúng ta cần thừa nhận rằng, Anh giữ quyền kiểm soát Ấn Độ không phải vì lòng nhân từ mà vì sự cướp bóc; và sự phát triển công nghiệp của Anh không chỉ có bởi những nhà sáng chế hay các doanh nghiệp mạnh mẽ sách giáo khoa từng nhắc đến, mà còn là nhờ vào bạo lực, trộm cắp, chiếm dụng tài chính từ các vùng đất, các dân tộc khác.

    Các quan điểm thể hiện trong bài viết này là của riêng tác giả và không hoàn toàn phản ánh lập trường biên tập của trang Al Jazeera cũng như VnReview.

    Viethome (theo VnReview)

  • Anh sẽ tăng thuế vào ngày 17/11 tới và cắt giảm chi tiêu công dù hàng triệu người dân nước này đang phải trải qua cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trong một nền kinh tế đối mặt với suy thoái.

    Anh sẽ tăng thuế vào ngày 17/11 tới và cắt giảm chi tiêu công trong ngân sách chính phủ, báo hiệu sự trở lại của chính sách “thắt lưng buộc bụng”, dù hàng triệu người dân nước này đang phải trải qua cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trong một nền kinh tế đối mặt với suy thoái.

    ngan sach mua thu

    Thủ tướng đảng Bảo thủ của Anh Rishi Sunak, người mới nhậm chức ba tuần trước, đã tuyên bố sẽ khắc phục "sự tàn phá kinh tế" do các chính sách của người tiền nhiệm Liz Truss gây ra. Tuy nhiên, ông Sunak đặc biệt lưu tâm đến các vấn đề gồm chi phí năng lượng tăng chóng mặt, lạm phát cao hàng thập kỷ và lãi suất tăng cao đang siết chặt chi tiêu của các hộ gia đình.

    Cũng trong ngày 17/11 tới, Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt sẽ trình bày bản dự thảo ngân sách trước Quốc hội, bên cạnh các dự báo kinh tế và lạm phát chính thức , giữa bối cảnh các dữ liệu gần đây đều báo hiệu một triển vọng ảm đạm. Dự kiến Bộ trưởng Hunt sẽ công bố chương trình củng cố tài chính có tổng trị giá 50-60 tỷ bảng (từ 58,7-70,5 tỷ USD).

    Ông Hunt nói với giới truyền thông: “Tôi e rằng tất cả chúng ta sẽ phải đóng thuế nhiều hơn. Chính phủ yêu cầu mỗi người dân hy sinh một chút”. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng “nỗi đau” hiện tại sẽ không tác động quá mạnh tới những người giàu có.

    Một thông tin khác ảm đạm hơn là nền kinh tế Anh suy giảm trong quý III năm nay, khi lạm phát tăng cao. Điều này có khả năng đẩy nước này rơi vào suy thoái. Ngân hàng trung ương Anh (BoE) dự báo nền kinh tế sẽ tiếp tục suy giảm trong quý IV/2022 và tình trạng suy thoái có thể kéo dài đến giữa năm 2024.

    Nhà phân tích Ashley Webb của Capital Economics lưu ý: “Việc thắt chặt tài khóa quy mô lớn diễn ra ngay khi suy thoái kinh tế bắt đầu. Rủi ro rõ ràng là việc củng cố tài chính sẽ làm trầm trọng thêm suy thoái kinh tế”.

    Ngân sách cắt giảm thuế không được tài trợ của cựu Thủ tướng Liz Truss đã gây ra sự sụp đổ của đồng bảng Anh và chi phí đi vay của nước này tăng mạnh trong nhiệm kỳ 49 ngày của bà bắt đầu vào tháng 9/2022.

    Các nhà đầu tư lo lắng về một khoản thâm hụt lên tới 200 tỷ bảng Anh, buộc Ngân hàng trung ương Anh phải can thiệp khẩn cấp. Sau đó, bà sa thải Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng và thay thế bằng Bộ trưởng Jeremy Hunt, người bắt đầu đảo ngược kế hoạch ngân sách bị chỉ trích và giảm dần việc “đóng băng” hóa đơn nhiên liệu trong nước gây tốn kém. Tuy nhiên, điều đó không đủ để giữ bà Truss ở lại số 10 Phố Downing.

    Kể từ đó, thị trường đã lấy lại đà tăng trưởng đều sau khi ông Sunak nắm quyền lãnh đạo và tình trạng hỗn loạn chính trị lắng xuống, nhưng lãi suất thế chấp của các ngân hàng vẫn tăng cao.

    Ông Sunak nói với Sky News ở Bali, Indonesia, nơi ông đang tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20: “Những gì chúng ta đang thấy bây giờ là sự ổn định đã trở lại với Vương quốc Anh. Nhưng đó là bởi vì kỳ vọng Chính phủ sẽ đưa ra những quyết định khó khăn cần thiết để đảm bảo rằng nước Anh có thể kiểm soát được lạm phát, giảm chi phí sinh hoạt cho người dân, đồng thời hạn chế sự gia tăng lãi suất thế chấp”.

    Bức tranh kinh tế Anh có thể trở nên u tối hơn nữa trong tuần này, với dữ liệu thất nghiệp và lạm phát sẽ được công bố lần lượt vào ngày 15 và 16/11 (giờ địa phương).

    BoE trong tháng này đã thực hiện đợt tăng lãi suất lớn nhất kể từ năm 1989 để đối phó với lạm phát hiện ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua (trên 10%), khi giá năng lượng và thực phẩm tăng cao do ảnh hưởng bởi cuộc xung đột tại Ukraine.

    Công đảng đối lập đã chỉ trích ông Sunak, cho rằng làn sóng “thắt lưng buộc bụng” lần thứ hai không phải là giải pháp cho tình hình hiện tại.

    Rachel Reeves, phát ngôn viên tài chính của Labour, cho biết: “Tôi không tin rằng chính sách thắt lưng buộc bụng phiên bản 2.0, sau chính sách thắt lưng buộc bụng mà nước Anh đã trải qua trong 12 năm qua, là cách tiếp cận đúng đắn”.

    Ông Reeves, cựu chuyên gia kinh tế của BoE, nói thêm rằng khu vực dịch vụ công đang chịu tổn thương, gọi đó là một “tín hiệu đáng xấu hổ” khi các y tá cảm thấy buộc phải đình công. Hàng chục nghìn nhân viên trong các ngành công nghiệp khác nhau cũng đã đình công trên khắp nước Anh trong năm nay để yêu cầu được trả lương cao hơn.

    Theo BNews