• Moody’s hôm qua (16/10) hạ xếp hạng tín nhiệm của Anh do cú sốc kinh tế lớn từ Covid-19, Brexit và chính phủ thiếu kế hoạch ngân sách rõ ràng.

    Xếp hạng tín nhiệm của Anh bị hạ từ Aa2 xuống Aa3, cùng mức với Bỉ và Cộng hòa Séc. Nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới cũng ghi nhận GDP giảm mạnh nhất nhóm G7 trong quý II. Nợ công của họ cũng đã chạm 2.000 tỷ bảng - cao hơn GDP.

    Moody’s đánh giá tăng trưởng của Anh "yếu hơn đáng kể so với dự báo và có thể vẫn còn yếu trong tương lai". Kinh tế Anh đang chịu sức ép lớn từ đại dịch, ngành dịch vụ bị ảnh hưởng từ các quy định giãn cách và rủi ro Covid-19 lây lan mạnh hơn.

    anh xep hang tin nhiem

    Tin tức này là thách thức mới nhất lên Thủ tướng Anh Boris Johnson, vốn đang bị các đảng đối lập và chính nghị sĩ trong đảng Bảo thủ của ông chỉ trích vì cách xử lý đại dịch. Anh hiện có nhiều người tử vong nhất vì Covid-19 tại châu Âu.

    Moody’s cho biết việc Anh chưa thể đạt thỏa thuận thương mại quy mô lớn với Liên minh châu Âu (EU) sẽ càng làm tăng thiệt hại gây ra bởi Covid-19. Hôm qua, ông Johnson cho biết việc tiếp tục đàm phán thương mại hiện tại là vô ích.

    "Kể cả nếu có thỏa thuận thương mại giữa Anh và EU cuối năm 2020, quy mô có thể sẽ rất hẹp", Moody’s nhận xét. Hãng này cũng cho rằng Anh không tuân thủ kỷ luật về ngân sách và mức nợ cao không thể giảm nhanh chóng. Việc giảm chi tiêu có thể khó thực hiện về mặt chính trị, còn tăng thuế sẽ bóp nghẹt đà phục hồi kinh tế.

    Chính phủ Anh thì cho biết họ không có cách nào khác ngoài tăng chi để giảm tác động của đại dịch. "Theo thời gian, khi nền kinh tế phục hồi, chính phủ sẽ có các bước đi cần thiết để ổn định tài chính công trong dài hạn", người phát ngôn của Bộ Tài chính Anh cho biết.

    Theo Reuters

  • Boris Johnson kêu gọi người dân đi xem phim, sau khi ngành công nghiệp điện ảnh tiếp tục có một tuần khó khăn.

    Các rạp chiếu tiếp tục “chịu đòn” sau khi bộ phim sắp tới của James Bond - No Time To Die, bị lùi lịch phát hành đến năm 2021.  Việc này đã khiến Cineworld tuyên bố đóng cửa tất cả các rạp ở Anh và Ireland, ảnh hưởng đến 45.000 việc làm.

    notimetodieNo Time To Die lại rời lịch chiếu

    Trước thông tin trên, Thủ tướng cho biết ông sẽ "khuyến khích mọi người ra rạp, xem phim và ủng hộ ngành giải trí”.

    Tin tức về việc hoãn chiếu No Time To Die xuất hiện như một đòn giáng mạnh vào các rạp chiếu phim, sau khi những dấu hiệu tích cực ban đầu từ việc phát hành Tenet nhanh chóng trở nên mờ nhạt. Bộ phim mới nhất của Christopher Nolan đã thu về 5,4 triệu bảng trong tuần đầu công chiếu vào cuối tháng 8.

    Cineworld chưa đưa ra thêm thông tin nào về thời điểm 127 rạp của họ ở Anh có thể mở cửa trở lại.

    “Chúng tôi đã làm mọi thứ trong khả năng của mình để hỗ trợ việc mở cửa trở lại an toàn và bền vững ở tất cả các thị trường”, với giám đốc điều hành Mooky Greidinger nói.

    Nhiều rạp chiếu phim hy vọng No Time To Die sẽ thu hút những người yêu điện ảnh trở lại rạp vào tháng 11. Lịch ra mắt bộ phim trước đó đã bị hoãn lại từ tháng 3.

    Tuy nhiên, vào thứ 6 (2/10) vừa rồi, đoàn làm phim đã xác nhận No time To Die bị dời lịch công chiếu lần thứ hai. Người hâm mộ của bộ phim sẽ phải đợi đến tháng 4 năm sau. Tin này đã vẽ nên những gam màu u ám trong bức tranh tương lai của ngành điện ảnh.

    Viethome (Theo Evening Standard)

  • Nợ quốc gia của Vương quốc Anh đạt mức cao kỷ lục

    Số liệu mới nhất cho thấy nợ quốc gia của Anh đã đạt mức kỷ lục mới vào cuối tháng 8 khi lĩnh vực công vay khoảng 35,9 tỷ bảng Anh.

    gettyimages 1052462520 wide f78d67c31de65de060ebaa8cc2c7cfb9d9170cff

    Khoản nợ đạt 2.023,9 tỷ bảng Anh chỉ vài tuần sau khi vượt qua 2 nghìn tỷ bảng lần đầu tiên vào tháng 7. Con số này cao hơn 249,5 tỷ bảng Anh so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu mới từ Văn phòng Thống kê Quốc gia.

    Lĩnh vực công vay khoảng 35,9 tỷ bảng Anh vào tháng 8, đẩy tỷ trọng  khoản vay lên đến 101,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

    Nguyên nhân của tình trạng này là do Chính Phủ đã chi hàng nghìn tỷ bảng Anh- để bù đắp cho sự hỗn loạn của nền kinh tế do khủng hoảng Covid-19 gây ra. Thông tin được công bố chỉ một ngày sau khi Bộ trưởng tài chính Rishi Sunak thông báo gia hạn các chương trình cho vay và chương trình hỗ trợ việc làm mới để thay thế cho chương trình nghỉ phép có lương của người lao động.

    Vào tháng 7,  lần đầu tiên kể từ đầu những năm 1960, khoản vay đã tăng cao hơn GDP.

    Tất cả những điều trên được mô tả như một bức tranh rõ nét về những khoản chi phí khổng lồ liên quan đến việc chống lại đại dịch.

    Hầu hết các quốc gia đều vay tiền ngay cả trong thời điểm thuận lợi. Theo đó, nước Anh đã vay 5,4 tỷ bảng Anh vào tháng 8 năm ngoái. Nhưng năm nay quy mô của khoản vay là điều chưa từng có

    Tuy nhiên các khoản vay vẫn ít hơn so với con số mà các nhà phân tích dự đoán. Pantheon Macroeconomics đã đưa ra một con số trung bình về những gì mà các nhà phân tích dự đoán. Khoản vay được dự đoán trị giá 38 tỷ bảng Anh vào tháng 8.

    Khi đưa ra các biện pháp mới để bảo vệ việc làm và nền kinh tế trong những tháng tới, Ông Sunak tuyên bố chương trình cho người lao động nghỉ phép có lương cho đến nay đã tiêu tốn của Bộ Tài chính hơn 39 tỷ bảng Anh.

    Các quan chức đã buộc phải chuyển sang các khoản vay để bù đắp tiền mặt, đặc biệt là khi số thuế thu được giảm.

    Số liệu từ ONS cho thấy thuế mà chính phủ thu được đạt 37,3 tỷ bảng vào tháng trước, thấp hơn 7,5 tỷ bảng so với một năm trước. Bên cạnh đó, thuế VAT, thuế thu nhập Doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân đã được giảm đáng kể.

    Số tiền này được sử dụng để tài trợ cho khoản chi tiêu hàng ngày trị giá 78,5 tỷ bảng Anh của Chính Phủ- cao hơn 19,5 tỷ bảng Anh so với tháng 8 năm 2019.

    Bên cạnh đó, Chính Phủ đã chi hơn 6 tỷ bảng Anh để hỗ trợ tiền lương cho người lao động nghỉ phép, trong khi 4,7 tỷ bảng Anh dùng để hỗ trợ cho những hộ tự kinh doanh.


    Viethome (Theo Metro)

  • Sau 83 ngày chìm trong trạng thái “ngủ đông”, các cửa hàng tại Anh đã mở cửa hoạt động trở lại từ ngày 15/6 với hy vọng lợi nhuận và doanh số bán hàng sớm “trở lại đường đua”.

    DN ban le1
    Doanh nghiệp bán lẻ tại Anh bắt đầu hoạt động trở lại sau phong tỏa từ 15/6.

    Trước đó, các cửa hàng không thiết yếu đã phải đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh từ ngày 23/3 sau khi Thủ tướng Boris Johnson áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn sự bùng phát và lây lan của đại dịch Covid-19.

    Trong khi các khu chợ ngoài trời và salon ô tô được “bật đèn xanh” để mở cửa từ ngày 1/6, thì cột mốc 15/6 sẽ là sự trở lại “đường đua” của các DN và cửa hàng bán lẻ tại Anh.

    Tuy nhiên, việc nới lỏng lệnh phong tỏa được chính phủ Anh chưa được áp dụng đối với các cửa hàng bán lẻ tại Scotland và Wales. Trong khi đó, các cửa hàng ở khu vực phía Bắc Ireland đã sớm được “trở lại đường đua” từ hôm 12/6.

    Kích cầu và cuộc đua “đại hạ giá” là giải pháp cấp bách trong tình hình hiện nay nhằm thúc đấy sự tăng trưởng của nền kinh tế hậu Covid-19.

    Theo số liệu được công bố hôm 12/6 vừa qua, tăng trưởng kinh tế của Anh sụt giảm mạnh trong tháng 3 và tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái.

    Trong khi đó, Hiệp hội Bán lẻ Anh cho biết việc áp đặt lệnh phong tỏa đã khiến các DN và cửa hàng bán lẻ tại Anh thâm hụt 1.8 tỷ bảng Anh/tuần.

    Mô hình hoạt động của các cửa hàng bán lẻ tại Anh sẽ có một số thay đổi so với thời gian trước khi ban hành lệnh phong tỏa nhằm tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu về vấn đề vệ sinh và đảm bảo khoảng cách giãn cách an toàn.

    Nhiều chuỗi cửa hàng bán lẻ dự định sẽ đồng loạt mở cửa trở lại trong khi một số DN khác lại lên kế hoạch tái khởi động kinh doanh theo từng giai đoạn khác nhau.

    Điển hình là chuỗi thời trang Primark dự định mở tất cả 153 cửa hàng tại Anh trong khi hãng Marks & Spencer quyết định chỉ mở lại các gian hàng bán quần áo và đồ gia dụng. Tương tự, Rival Next đang mở lại 25 cửa hàng, trong khi chuỗi cửa hàng bách hóa John Lewis chỉ đưa vào hoạt động 2 cửa hàng.

    Hãng nghiên cứu Springboard nhận định rằng sự bùng nổ doanh số đơn hàng vào đầu tháng 6 đã minh chứng rõ nét cho việc dồn nén nhu cầu mua sắm của khách hàng trong suốt thời gian áp đặt lệnh phong tỏa.

    Tuy nhiên, giám đốc tài chính của hãng Primark Associated British Food, ông John Bason khẳng định, việc “bật đèn xanh” cho các cửa hàng bán lẻ không thiết yếu được mở cửa trở lại không đồng nghĩa với việc “cơn bão” Covid-19 đã suy yếu.

    Theo kinhtedothi

  • Luật giao thương ngày Chủ nhật có thể tạm hoãn trong một năm theo kế hoạch của Chính phủ nhằm thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng coronavirus.

    08.06. Morrisons0182aNgười dân xếp hàng vào mua sắm tại cửa hàng của Morrisons (Ảnh: Getty Images)

    Báo chí cho rằng Phố Downing đang soạn thảo luật cho phép các siêu thị lớn mở cửa hơn sáu tiếng vào Chủ nhật, theo Times. Các quán cà phê và quán rượu cũng sẽ được cấp phép nhanh hơn khi phục vụ thức ăn và đồ uống bên ngoài, không cần đến thời gian tham vấn tối thiểu 28 ngày theo luật hiện hành.

    Cố vấn chính của Thủ tướng, ông Dominic Cummings, Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Bộ trưởng Kinh doanh Alok Sharma có vẻ như sẽ ủng hộ đề xuất mới này.

    08.06.Coronavirus18290aMột người đàn ông đeo khẩu trang ở ga tàu. (Ảnh: PA)

    Tuy nhiên, ông Mark Spencer, Tổng nghị viên, quan ngại rằng nó sẽ bị ngăn cản bởi đảng Lao động và cả các nghị sĩ bảo thủ có xu hướng truyền thống.

    Đề xuất này được đưa ra khi các nhà khoa học hàng đầu cho biết cần có một cuộc điều tra về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 ở Anh trước khi đợt sóng thứ hai xảy ra, khi số người chết đã tăng lên hơn 40.000.

    Nhiều chính trị gia trước đây đã từng cố gắng nới lỏng luật giao thương ngày Chủ nhật nhưng vấp phải sự phản kháng. Gần đây nhất, vào năm 2016, cựu thủ tướng David Cameron đã buộc phải bỏ kế hoạch kéo dài giờ giao dịch vào Chủ nhật, sau khi chịu thất bại nhục nhã ở Hạ viện, chứng kiến ​​27 Nghị sĩ bảo thủ bắt tay hợp tác với các đảng đối lập.

    Một số siêu thị lớn có cửa hàng tiện lợi tại địa phương không bị ảnh hưởng bởi luật giao dịch vào Chủ nhật, tỏ ra không ủng hộ cuộc cải cách này, nhưng các siêu thị khác như Asda và Morrisons rất mong muốn nhìn thấy kế hoạch được triển khai.

    08.06.tesco coronavirusMọi người xếp hàng tại Tesco theo hướng dẫn về giãn cách xã hội (Ảnh: PA)

    Luật giao dịch vào Chủ nhật được điều chỉnh sẽ kết hợp với một gói cứu trợ lớn hơn nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ và khách sạn khi các quy định phong tỏa được nới lỏng.

    Kế hoạch phong tỏa đối với các bất động sản trên các khu phố thương mại sầm uất sẽ được nới lỏng dần, do đó việc chuyển đổi giữa các mục đích mở cửa hàng, bán lẻ và nhà ở cũng dễ dàng hơn.

    Các phương thức và trình tự thực hiện của luật giao thương ngày Chủ nhật mới có thể được đưa ra ngay khi quá trình phong tỏa kết thúc, các bộ trưởng tin chắc rằng những thay đổi sẽ tạo ra thuận lợi lớn giúp các khu vực thương mại thích ứng với nền kinh tế hậu coronavirus.

    Ngoài ra, các khu phố đi bộ, chợ ngoài trời sẽ được phát triển hơn giúp doanh nghiệp thích nghi nhanh với các biện pháp giãn cách xã hội.

    Đạo luật Giao thương ngày Chủ nhật năm 1994 cho phép các cửa hàng lớn mở không quá sáu tiếng liên tục trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 6 giờ chiều, mặc dù một nhóm gồm 40 nghị sĩ liên đảng đang gây áp lực buộc chính phủ hủy bỏ quy định này.

    Tuy nhiên, các đề xuất được đưa ra trong bối cảnh lo ngại về tốc độ lây lan của coronavirus ở khắp nước Anh, với dữ liệu mới cho thấy giá trị R ở North West hiện đang xấp xỉ 1.

    Giá trị R được Chính phủ sử dụng vẫn nằm trong khoảng từ 0.7 đến 0.9 trên toàn quốc, mặc dù con số này có độ trễ từ hai đến ba tuần, do đó, không phản ánh tác động của việc nới lỏng phong tỏa gần nhất.

    Một báo cáo riêng từ Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) và Đại học Cambridge, ước tính giá trị hiện tại ở vùng North West là 1.01 và South West là 1.

    Bộ trưởng Y tế Matt Hancock phát biểu trong cuộc họp báo hàng ngày ở Phố Downing rằng các số liệu mới xác nhận vùng North West phải đối mặt với thách thức ở một mức độ cao hơn, so với South West.

    Ông cho biết Nhóm tư vấn khoa học về tình trạng khẩn cấp (Sage) tin rằng giá trị R hiện ở mức dưới 1 trên khắp Vương quốc Anh nhưng Chính phủ muốn “đẩy mạnh phương thức tiếp cận khoanh vùng phong tỏa địa phương ngay khi có dịch bệnh bùng phát”.

    VietHome/ Theo Evening Standard

  • Công ty kiểm toán Deloitte cho biết tin tức này tiếp tục là một minh chứng sống về tác động của đại dịch COVID-19 đối với ngành bán lẻ.

    Hàng trăm người có nguy cơ thất nghiệp sau khi chi nhánh Victoria's Secret ở UK rơi vào khủng hoảng.

    Hãng bán lẻ đồ lót có 25 cửa hàng ở Anh và 785 nhân viên đã phải tạm nghỉ có lương khi các cửa hàng không thiết yếu bị đóng cửa theo quy định phong tỏa của chính phủ.

    06.06. skynews victoria secret 4925535

    Deloitte đã được thuê để tiến hành quản trị Victoria's Secret theo phương thức "giảm sốc", bằng cách tìm kiếm người mua lại thương hiệu đồ lót nay, trong khi giám đốc của hãng vẫn chịu trách nhiệm điều hành công việc thường nhật.

    Rob Harding, quản lý của Deloitte, cho biết: "Đây lại là một đòn giáng mới vào lĩnh vực thương mại của Anh và là một ví dụ nữa về tác động của đại dịch COVID-19 đối với toàn bộ ngành bán lẻ.

    "Ảnh hưởng của quá trình phong tỏa, kết hợp với những thách thức ngày càng lớn mà các cửa hàng trên phố đang phải đối mặt, đã dẫn đến nhu cầu hỗ trợ về tài chính và cuối cùng là đẩy doanh nghiệp vào tình trạng buộc phải đệ trình phá sản như hiện nay.

    "Bây giờ chúng tôi sẽ làm việc với đội ngũ quản lý hiện tại và các bên liên quan để đánh giá tất cả các phương án phù hợp cho tương lai của doanh nghiệp.

    Qing Wang, giáo sư marketing tại Trường kinh doanh Warwick và chuyên gia về các thương hiệu xa xỉ, cho biết: "Victoria’s Secret đã từng là một câu chuyện thành công điển hình, nhưng hiện nay nó đã gắn liền với chủ nghĩa phân biệt giới tính, coi phụ nữ như công cụ tình dục và thiếu tính đa dạng.

    "Quyến rũ, gợi cảm và nổi bật vốn không phải là vấn đề. Bản thân những đặc điểm này cũng gắn với nhiều thương hiệu thời trang mang tính biểu tượng khác như Tom Ford, Abercrombie & Fitch và Alexander McQueen. Là một thương hiệu có cá tính, điều mà Victoria's Secret thiếu là tính bền vững và sự cam kết.

    "Mọi thương hiệu đều cần một câu chuyện để truyền cảm hứng tới khách hàng và công chúng. Với Victoria's Secret, kênh truyền thông chính là show thời trang thường niên. Nó từng là một sự kiện văn hóa đại chúng, thu hút hàng triệu người xem mỗi năm. Đó là một khía cạnh quan trọng trong câu chuyện thành công của thương hiệu và một thành tựu tiếp thị đáng chú ý.

    "Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi và một show từng mang lại cho thương hiệu rất nhiều thành công, gần đây, lại góp phần vào sự sụp đổ của nó. Nó đã không theo kịp các giá trị mạnh mẽ của thế hệ Millennials (thế hệ Y) và hậu Millennials, họ mới chính là khách hàng mục tiêu của công ty."

    Bà nói thêm: "Mặc dù công chúng đã thể hiện quan điểm bằng cách từ bỏ Victoria's Secret, nhưng tình yêu của họ dành cho các siêu mẫu mà thương hiệu tạo ra - như Tyra Banks, Heidi Klum và Miranda Kerr – vẫn không dao động. Điều này cho thấy vấn đề cốt lõi là sự mất định hướng chung, chứ không phải là các yếu tố riêng lẻ của thương hiệu.

    "Nếu chi nhánh Victoria's Secret ở Vương quốc Anh được cứu, họ cần một khởi đầu mới và cải tổ lại chiến lược tiếp thị và thương hiệu. Họ cần tự cập nhật, cải tiến, để phản ánh các giá trị của bình đẳng giới, tính bền vững và đa dạng, thu hút khách hàng hiện đại và cạnh tranh với các thương hiệu đang qua mặt họ."

    VietHome/ Theo Sky News

  • Các hợp đồng chính phủ trị giá hơn 1 tỷ bảng đã được trao cho các công ty tư nhân đang đối phó với đại dịch coronavirus, mà không cho các công ty khác cơ hội được tham gia đấu thầu.

    Trong quyết định được coi là vận may Covid-19 đối với các công ty, giới chức đã đình chỉ các quy tắc tiêu chuẩn để cho phép các hợp đồng được thông qua với tiến độ “cực kỳ khẩn cấp.”

    Theo lộ trình khẩn cấp này, các công ty tư nhân được trao hợp đồng trực tiếp để quản lý các xét nghiệm Covid-19, cung cấp kiện thực phẩm và thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE), và điều hành các văn phòng cùng với nhân viên chính phủ.

    Trong số các công ty được hưởng lợi từ các hợp đồng do người đóng thuế tài trợ theo quyền hạn khẩn cấp nêu trên có Deloitte, PricewaterhouseCoopers và Ernst & Young.

    firms

    Những điều luật được thiết kế nhằm đảm bảo tính minh bạch và đảm bảo hiệu suất của chi tiêu công thường yêu cầu chính phủ và các cơ quan nhà nước quảng bá hợp đồng mới với một mức giá trị nhất định và mời một số nhà thầu cạnh tranh.

    Tuy nhiên, vào tháng 3, các bộ trưởng thông báo với Whitehall, NHS, hội đồng địa phương và các cơ quan khác rằng trong trường hợp họ cần phải hành động nhanh chóng vì những rủi ro sức khỏe cộng đồng do đại dịch gây ra, họ có thể ký hợp đồng với các công ty tư nhân mà không cần cạnh tranh hay mời thầu.

    Dữ liệu chính thức được phân tích bởi The Guardian cho thấy các cơ quan chính phủ đã trao ít nhất 177 hợp đồng trị giá 1,1 tỷ bảng cho các công ty thương mại để đối phó với đại dịch Covid-19.

    Trong số đó, 115 hợp đồng - với tổng giá trị chỉ hơn 1 tỷ bảng Anh - đã được trao theo các điều luật khẩn cấp, bỏ qua đấu thầu cạnh tranh. Chúng bao gồm hai hợp đồng trị giá hơn 200 triệu bảng, cả hai được trao bởi Whitehall.

    Daniel Bruce, giám đốc điều hành của tổ chức vận động chống tham nhũng Transparency International UK, cảnh báo chính phủ không nên sử dụng cuộc khủng hoảng như một tờ ''séc khống'' để loại bỏ các biện pháp kiểm soát tính minh bạch và trách nhiệm.

    “Một số lượng hợp đồng nhiều đến đáng báo động dường như được trao mà không có bất kỳ rủi ro cạnh tranh nào, tạo ra tiền lệ nguy hiểm có thể gây tổn hại đến lợi ích cộng đồng và làm giảm sự tin tưởng,” ông nói. “Khi các giao dịch sinh lợi được trao đi mà không có đấu thầu cạnh tranh và không phải chịu sự giám sát của công chúng, tiền của người nộp thuế có thể dễ dàng bị lãng phí cho các thiết bị quá đắt hoặc các dịch vụ không đạt tiêu chuẩn.”

    Hợp đồng lớn nhất, trị giá lên tới 234 triệu bảng, được Bộ Giáo dục trao cho một công ty thuộc sở hữu của Pháp, Edenred, để cung cấp cho hơn một triệu học sinh các bữa ăn tại trường miễn phí. Kể từ đó, Edenred đã bị buộc tội về những bữa ăn nghèo nàn, khiến trẻ em bị đói và các bậc phụ huynh cảm thấy phẫn nộ.

    Edenred nói rằng họ “chịu trách nhiệm cho mỗi đồng xu chi tiêu cho chương trình này và mọi ý kiến cho rằng hợp đồng này chỉ mang tính chất ‘sinh lời’, được điều hành mà không có kiểm tra và kiểm soát là hoàn toàn sai lầm.”

    Các hợp đồng lớn khác đã được trao mà không có đấu thầu cạnh tranh cho các công ty đa quốc gia nước ngoài, chẳng hạn như Tập đoàn Brake Brothers thuộc sở hữu của Hoa Kỳ và Tập đoàn BFS do Nam Phi điều hành, cả hai đã được bộ môi trường ký kết hợp đồng trị giá 208 triệu bảng để cung cấp gói thực phẩm cho những người dễ bị tổn thương.

    Đầu tuần này, tờ The Guardian tiết lộ Randox, một công ty chăm sóc sức khỏe thuê nghị sĩ Bảo thủ Owen Paterson làm người tư vấn, đã được bộ y tế cấp cho một hợp đồng trị giá 133 triệu bảng để sản xuất bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19.

    Randox đã từ chối cho biết liệu ông Paterson, người mà họ trả 100,000 bảng mỗi năm, có tham gia bảo đảm hợp đồng khi nó được trao mà không đấu thầu hay không.

    Đối với một số công ty, phi vụ kinh doanh mới có vẻ sẽ thay đổi vận may của họ. Derry, một công ty sản xuất rèm cửa sổ, đang được trả 48 triệu bảng để làm tấm chắn mặt cho dịch vụ y tế ở Bắc Ireland.

    Để sản xuất 30 triệu thiết bị bảo vệ, Bloc Blinds đã hợp tác với gã khổng lồ bao bì Phần Lan Huhtamaki, tuyển dụng hàng trăm công nhân làm thêm, tái cơ cấu nhà máy hiện có và biến một trung tâm thể thao thành xưởng thứ hai.

    Bắc Ireland đã chi hơn 160 triệu bảng để mua thiết bị bảo vệ cho nhân viên y tế và chăm sóc xã hội. Người phát ngôn của Bộ Y tế tại Belfast cho biết giá đã được “định chuẩn so với các mức giá khác hiện có trên thị trường.”

    Một công ty của Hertfordshire, Computacenter, có hợp đồng trị giá 60 triệu bảng cho bộ giáo dục để cung cấp máy tính xách tay cho giáo viên và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong thời gian phong tỏa. Bộ giáo dục cho biết không có đủ thời gian để quảng bá và sàng lọc thông thông tin chào giá cạnh tranh.

    Bộ y tế đã trao một thỏa thuận trị giá 8 triệu bảng cho Amazon, công ty đang giúp giao các bộ dụng cụ xét nghiệm tại nhà thông qua bưu điện. Tuy nhiên, phát ngôn viên của gã khổng lồ bán lẻ Mỹ cho biết họ đã miễn tất cả các khoản phí và đang tự trang trải chi phí.

    Các hợp đồng nhỏ hơn đã được trao cho những công ty tư nhân được giao nhiệm vụ phát triển dịch vụ mai táng, phát triển ứng dụng truy tìm liên lạc NHS và cung cấp nhà ở cho người vô gia cư. Một công ty tàu du lịch, Noble Caledonia, đã được trả 1,5 triệu bảng để đưa 118 người trở về từ Nam Cực mà không phải đi qua Quần đảo Falkland.

    Ở Bắc Ireland, Ernst & Young và PricewaterhouseCoopers đã được thuê để giúp thiết lập một phòng hoạt động trong Văn phòng điều hành để quản lý ứng phó với đại dịch. Các công ty từ chối bình luận.

    Chính phủ Anh cũng đã chi gần 20 triệu bảng để dự trữ các loại thuốc HIV và thuốc sốt rét vì chúng được coi là hữu ích trong cuộc chiến chống lại coronavirus.

    Nghiên cứu của Guardian dựa trên cơ sở dữ liệu công cộng ở Anh và EU, và được hỗ trợ bởi thông tin được tổ chức nghiên cứu Tussell thu thập, chỉ ra sự gia tăng số lượng hợp đồng không cạnh tranh trong những tuần gần đây.

    “Kể từ khi cuộc khủng hoảng Covid bắt đầu, chúng tôi đã chứng kiến ​​sự gia tăng đột biến các hợp đồng trực tiếp không cạnh tranh khi các cơ quan công cộng đổ xô đi mua các sản phẩm và dịch vụ mà họ rất cần,” ông Gus Tugendhat, người sáng lập Tussell, cho biết.

    Các hợp đồng được xem xét bởi Guardian và Tussell có thể chỉ là một phần trong số các hợp đồng không đấu thầu phục vụ Covid-19. Chính phủ đang từ chối công bố danh sách đầy đủ, bất chấp hướng dẫn quy định bất kỳ hợp đồng nào được trao bằng quyền hạn khẩn cấp sẽ được công bố trong vòng 30 ngày.

    Các hợp đồng chưa được công bố bao gồm một số lĩnh vực then chốt trong công cuộc chống đại dịch. Các chuyên gia tư vấn quản lý tại Deloitte, các công ty gia công G4S, Sodexo, Serco và Mitie, Boots, và các công ty công nghệ Palantir và Faculty đã và đang điều hành các trung tâm xét nghiệm và tạo ra một kho dữ liệu Covid-19 kể từ tháng 3.

    Deloitte từ chối tiết lộ các điều khoản trong hợp đồng của mình, bao gồm lời khuyên về việc mua PPE và công việc hậu cần xung quanh mạng lưới 50 trung tâm xét nghiệm không cần xuống xe.

    Người phát ngôn của Boots cho biết họ chỉ được hoàn trả chi phí và đây không phải là “hoạt động thương mại.” Sodexo thông báo hợp đồng của họ đã được ký vào tháng Ba.

    Thông thường các cơ quan công cộng có thể mất vài tháng để thông qua hợp đồng. Để đẩy nhanh tốc độ hợp đồng, chính phủ đã đưa ra một điều khoản trong Quy định hợp đồng công năm 2015.

    Trả lời thay mặt cho tất cả các bộ, người phát ngôn của bộ y tế cho biết họ đã “nhờ đến chuyên môn và nguồn lực của một số đối tác thuộc cả khu vực công và tư nhân để hỗ trợ NHS và lĩnh vực chăm sóc xã hội của chúng ta. Điều này hoàn toàn phù hợp với các quy định ký kết hợp đồng cho các trường hợp đặc biệt, trong đó việc có thể kịp thời thực hiện hợp đồng là rất quan trọng trong phản ứng quốc gia chống Covid-19.”

    Người phát ngôn nói thêm: “Ngay từ đầu, chúng tôi đã làm rõ rằng các cơ quan công quyền phải mang lại giá trị cho người nộp thuế và sử dụng phán quyết thương mại hợp lý, và việc công bố thông tin hợp đồng đang được thực hiện nhanh nhất có thể theo hướng dẫn minh bạch của chính phủ.”

    VietHome (Theo Guardian)

  • Ngài bộ trưởng cảnh báo về một "cuộc suy thoái nghiêm trọng mà chúng ta chưa từng chứng kiến" khi các số liệu chính thức cho thấy số người xin trợ cấp thất nghiệp đang gia tăng ở mức kỷ lục.

    Ông Rishi Sunak, Bộ trưởng Bộ Tài chính, tuyên bố với ủy ban quốc hội rằng "sẽ còn nhiều thách thức phải vượt qua" sau khi dữ liệu cho thấy 856.500 người đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tháng 4 do cuộc khủng hoảng virus corona gây ra.

    Theo đó, tổng số người đề nghị trợ cấp đã lên tới 2.1 triệu người, mức cao nhất kể từ năm 1996 - theo Văn phòng Thống kê Quốc gia - với mức tăng hàng tháng cao nhất từng được ghi nhận.

    skynews april claimant count 4993729

    Tuy nhiên,  đây mới chỉ là số liệu trong vài tuần đầu tiên phong tỏa và ông Sunak chỉ ra rằng mặc dù đang nỗ lực “hết mức có thể” để ngăn chặn thất nghiệp hàng loạt, chính phủ "cũng không thể bảo vệ mọi công việc và mọi doanh nghiệp".

    Ông Sunak nói với Ủy ban Kinh tế - Việc làm Quốc gia: "Chúng tôi đã xem xét các số liệu và chắc chắn sẽ còn nhiều thách thức nữa cần phải vượt qua”.

    "Có khả năng chúng ta sẽ phải đối mặt với một cuộc suy thoái nghiêm trọng chưa từng thấy và tất nhiên, điều đó sẽ  ảnh hưởng lớn đến tình trạng việc làm của người dân."

    Theo ước tính chính thức mới nhất, Bộ Tài chính đã tài trợ 80% tiền lương cho tám triệu lao động được nghỉ việc tạm thời theo Chương trình Hỗ trợ duy trì việc làm trong thời gian dịch bệnh, với chi phí là 11 tỷ bảng và dự kiến ​​sẽ tăng lên 50 tỷ bảng.

    Covid-19 đang gây ra giảm phát, nhưng kinh tế sẽ lạm phát trở lại một cách ngoạn mục

    Cả đại dịch Covid-19 và chính các biện pháp được thực hiện để ngăn chặn nó, đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế toàn cầu.

    Chúng ta đã được biết rằng kinh tế thế giới được dự báo sẽ giảm 3% vào năm 2020, đập tan thành quả là mức tăng trưởng 2,9% của năm ngoái, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Và dự kiến, kinh tế ​​sẽ chứng kiến ​​sự tăng trưởng toàn cầu yếu nhất trong năm nay, kể từ cuộc Đại khủng hoảng vào những năm 1930.

    Giá dầu rơi tự do. Không ai mua sắm. Thất nghiệp tăng mạnh. Tất cả đều dẫn đến giảm phát. Thế nhưng, có nhiều yếu tố chỉ ra rằng, kinh tế sẽ lạm phát trở lại một cách ngoạn mục. Chuyên gia Karen Ward của JP Morgan Asset Management đã nói với Financial Timesd: Trong vòng một năm - hiện tượng giảm phát do Covid-19 có thể bị đảo ngược.

    Vậy điều đó diễn ra như thế nào?

    Một phần là do giá dầu tăng trở lại. Bạn có thể hoài nghi về điều này. Rốt cuộc, bất chấp những nỗ lực rõ ràng nhất của Ả Rập Xê Út, Nga và Mỹ tuần trước, giá dầu vẫn còn yếu.

    Như Derek Brower chỉ ra , trong khi nguồn cung toàn cầu có thể bị cắt giảm gần 10% hoặc thậm chí 20% (giả sử các quốc gia tuân thủ thỏa thuận, điều mà lịch sử cho thấy là không thể), điều đó cũng không giúp ích gì khi nhu cầu giảm mạnh hơn 30%.

    Tuy nhiên, thị trường không chỉ là những gì đang xảy ra ngày hôm nay. Thị trường luôn có các xu hướng. Vậy xu hướng "hậu Covid-19" sẽ là gì? Câu trả lời là: Tốc độ tăng của cầu sẽ nhanh hơn cung. Cung sẽ bắt đầu cân bằng lại với nhu cầu. Và quá trình này sẽ xảy ra nhanh hơn khi nhu cầu tăng mạnh trở lại khi việc giãn cách xã hội kết thúc.

    "Trong mọi trường hợp, câu chuyện không chỉ là về giá dầu", Ward nói. "Sự gia tăng lạm phát sẽ bao trùm một loạt các loại hàng hóa và dịch vụ". Ward lập luận rằng nhu cầu của người dân sẽ tăng ồ ạt trở lại khi họ được phép ra khỏi nhà. Song, cũng có rất nhiều sự hoài nghi trong các bình luận bên dưới bài viết của bà Karen. 

    Chúng ta không thể biết chính xác khi nào Covid-19 sẽ bị đánh bại. Nhưng rồi nó sẽ bị đánh bại vào một lúc nào đó. Và đến khi đó, nó sẽ chỉ là một ký ức xa vời, hầu hết các thói quen xã hội cũ của chúng ta sẽ trở lại và "lợi hại" hơn xưa.

    Vì vậy, kinh doanh sẽ sôi động như trước, chỉ là vấn đề sớm muộn. Nếu hi vọng sự phục hồi đến vào cuối năm thì có vẻ là lạc quan thái quá. Nhưng sự thật là mọi người sẽ quên rất nhanh, Covid-19 sẽ chìm vào quá khứ nhanh hơn nhiều so với sức  tưởng tượng của hầu hết chúng ta.

    Giờ hãy giả sử rằng nhu cầu sẽ quay trở lại nhanh chóng. Để mọi thứ cân bằng, nguồn cung sẽ phải tăng theo để phù hợp với cầu. Tuy nhiên, khi nguồn cung sẽ quay trở lại, tốc độ sẽ thấp hơn so với nhu cầu. Bà Karen Ward lưu ý: Sẽ mất một thời gian dài để giải quyết vấn đề trật tự trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời sẽ có ít sự cạnh tranh hơn, do một số công ty phá sản vì khủng hoảng.

    Đó là con đường đến lạm phát. Và thậm chí, sự mất giá còn kéo dài. Tất nhiên, đến một lúc nào đó, nguồn cung sẽ bắt kịp. Câu hỏi sau đó sẽ trở thành - làm thế nào để kiềm chế vấn đề lạm phát đang diễn ra? Đó là vấn đề của các chính phủ và ngân hàng trung ương.

    Để cứu nền kinh tế khỏi Covid-19, các chính phủ sẽ chi rất nhiều tiền - tiền vay. Rồi hệ quả là rất nhiều khoản nợ. Tiền để trả nợ sẽ đến từ đâu? 

    "Người nộp thuế? Quên đi. Nghiêm túc đấy. Quên đi. Tiền đó là không đủ để chi trả" - bà Karen nhấn mạnh. "Vậy tiền đến từ đâu? Từ ngân hàng trung ương. Nói một cách đơn giản, bạn sẽ in thêm tiền mới vào nền kinh tế".

    Quan trọng hơn, ban đầu sẽ ít ai quan tâm đến lạm phát, vì lạm phát là điều chúng ta mong muốn trong suốt thời gian này. Tại một số thời điểm, lạm phát là cái mọi người mong muốn, đơn giản vì họ đang hứng chịu hậu quả từ giảm phát. Đó sẽ là lúc chúng ta phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo.

    Nhưng bây giờ, các nền kinh tế hãy lo lắng về giai đoạn đầu trước đã. Bởi vì những điều đó đã đủ rắc rối rồi.

    VietHome (Theo Sky News)

  • Vương quốc Anh vẫn áp dụng thuế quan 10% đối với ô tô nhưng cắt giảm hàng chục tỷ USD thuế quan lên hàng nhập khẩu phục vụ chuỗi cung ứng của nước này.

    Sau nhiều thập kỷ áp dụng chính sách thuế quan chung của EU, với chính sách thuế quan mới Anh đang tìm kiếm các thỏa thuận thương mại tự do với các quốc gia trên thế giới sau Brexit, nhằm đưa các thỏa thuận thương mại vào áp dụng đối với 80% hàng hóa giao thương của Anh vào năm 2022.

    Theo công bố hôm 19/5, Anh sẽ chính thức áp dụng thuế quan mới từ tháng 1/2021, đánh dấu sự ra đi khỏi EU mà một số quan chức Anh cho rằng đây là một hệ thống quá phức tạp. Điều này cũng tạo cơ hội cho Anh đàm phán hiệp định thương mại với cả Mỹ và EU.

    Nhưng nếu Anh và EU không đạt được thỏa thuận thương mại tự do vào cuối năm nay, giá cả một số mặt hàng nhập khẩu từ EU như thực phẩm, ô tô và nguyên liệu hóa chất đầu vào sẽ tăng mạnh.

    hang nhap khau vao anh

    Phía Anh cho biết biểu thuế quan trên được gọi là “Thuế quan Toàn cầu của Anh” sẽ đơn giản và thấp hơn Biểu Thuế quan Bên ngoài EU (CET). Theo đó, biểu thuế này sẽ áp dụng cho hàng hóa từ các quốc gia chưa có thỏa thuận thương mại với Anh và các mức thuế quan dưới 2% sẽ bị xóa bỏ toàn bộ.

    “Cơ chế thuế mới sẽ có lợi cho người tiêu dùng và hộ gia đình Anh nhờ việc gỡ bỏ các rào cản thủ tục hành chính và hạ giá thành của hàng nghìn sản phẩm tiêu dùng hàng ngày”, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss cho biết.

    Chính phủ Anh cho biết một loạt mặt hàng nhập khẩu sẽ được miễn thuế, theo đó 60% hàng hóa nhập khẩu vào Anh được miễn thuế theo các điều khoản của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hoặc theo các điều kiện tiếp cận ưu đãi thuế quan hiện hành.

    Anh sẽ duy trì thuế quan đối với các sản phẩm nhập khẩu có cạnh tranh với một số ngành như nông nghiệp, ô tô và thủy sản, nhưng loại bỏ thuế quan đối với 30 tỷ bảng Anh (tương đương 37 tỷ USD) giá trị hàng nhập khẩu phục vụ chuỗi cung ứng của nước này.

    “Bảo vệ ngành nông nghiệp được xem là quân cờ quan trọng của Anh khi đàm phán thương mại với EU và Mỹ. Tuy nhiên, chi phí cho nông sản nhập khẩu của Anh sẽ tăng vọt nếu Anh và EU không đạt được thỏa thuận thương mại tự do”, PGS. Thomas Sampson của Đại học Kinh tế London nhận định.

    Anh cũng sẽ bỏ thuế quan đối với các sản phẩm nhập khẩu giúp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và áp thuế 0% đối với các mặt hàng chống dịch Covid-19, trong đó có các thiết bị bảo hộ cá nhân.

    Trên thực tế, chính sách thuế quan mới không đáp ứng được hết kỳ vọng của phía doanh nghiệp. Đại diện một công ty hóa chất (Anh) cho hay công ty này đã được cam kết rằng thuế quan đối với các sản phẩm đầu vào của ngành hóa chất sẽ được loại bỏ, nhưng tình hình hiện nay khiến Hội đồng quản trị của công ty rất thất vọng.

    Báo Đầu Tư

  • Thủ tướng Anh Boris Johnson yêu cầu chính phủ lên kế hoạch chấm dứt sự phụ thuộc của nước này vào Trung Quốc đối với các thiết bị y tế quan trọng và sản phẩm chiến lược khác.

    Theo Reuters, kế hoạch này có bí danh là "Project Defend" (Dự án Bảo vệ), sẽ xác định các điểm yếu kinh tế của Anh mà chính phủ thù địch nước ngoài có thể khai thác, đây là một phần của cách tiếp cận mới rộng hơn đối với an ninh quốc gia, và những nỗ lực này đang được phụ trách bởi Ngoại trưởng Dominic Raab.

    Hai nhóm công tác đã được thành lập như một phần của dự án, theo tờ Times và nguồn tin cho biết mục đích của kế hoạch là để đa dạng hoá nguồn cung và không còn bị phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất đối với nhu yếu phẩm không phải là thực phẩm.

    Thủ tướng Johnson nói với các thành viên quốc hội rằng ông sẽ thực hiện các bước để bảo vệ cơ sở công nghệ của Anh, với đánh giá của chính phủ bao gồm cả các mặt hàng như thiết bị bảo hộ y tế và dược phẩm.

    hang hoa trung quoc

    Anh phụ thuộc chặt chẽ vào Trung Quốc đối với một số hàng hoá quan trọng, bao gồm thành phần dược phẩm cần thiết để chế tạo thuốc giảm đau, kháng sinh và thuộc kháng virus.

    Trung Quốc chiếm 50% nguồn cung sản xuất những loại thuốc này. Các mặt hàng quan trọng khác mà Anh cần phải dựa vào Bắc Kinh bao gồm hoá chất công nghiệp, kim loại và điện tử.

    Trung Quốc sản xuất tới 95% các thành phần tạo nên thuốc paracetamol.

    Động thái này được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang hứng chịu sự chỉ trích quốc tế về việc xử lý sự bùng phát của virus corona.

    Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 18/5 cũng kêu gọi các nước EU chủ động hơn đối với các mặt hàng chủ chốt, bao gồm thiết bị y tế quan trọng.

    Theo Times/Reuters

  • Tạp chí Sunday Times ngày 16/5 đã đăng tải Danh sách người giàu ở Anh năm 2020, cho thấy những người giàu nhất nước Anh đã mất hàng chục tỷ bảng trong giai đoạn đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, theo đó, tổng tài sản hằng năm của họ giảm lần đầu tiên trong một thập kỷ qua.

    0 tai san ty phu boc hoi
    Nhà phát minh, tỷ phú người Anh James Dyson. Ảnh: AFP

    Báo The Sunday Times hôm 17.5 công bố Danh sách Người giàu Anh năm 2020, theo đó giới siêu giàu Anh đã mất đi 54 tỉ bảng trong vòng 2 tháng qua.

    Trong bảng xếp hạng 1.000 người giàu nhất của Anh năm nay, hơn phân nửa số tỉ phú nước này phát hiện họ tổn thất đến 6 tỉ bảng, đánh dấu mức giảm chưa từng có kể từ năm 2009.

    Lần đầu tiên, nhà phát minh James Dyson, chủ nhân của đế chế thiết bị gia dụng Dyson, vượt lên đứng đầu danh sách với tài sản ước tính 16,2 tỉ bảng. Ông chỉ đứng ở vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng 2019.

    Nếu năm trước đứng hạng nhất với 22 tỉ bảng Anh, anh em nhà Hinduja chứng kiến tổng tài sản bị ngót mất 6 tỉ bảng, rơi xuống vị trí đồng hạng 2 với các doanh nhân David và Simon Reuben.

    Người thứ hai bị tổn thất nặng nhất là trùm thép Lakshmi Mittal, mất gần 4 tỉ USD so với năm 2019, đứng hạng 19.

    Tổng cộng, danh sách năm 2020 tính toán được tài sản gộp của giới siêu giàu Anh là 743 tỉ bảng, giảm 29 tỉ bảng so với năm ngoái.

    Bên cạnh đó, 4 người rơi khỏi danh sách tỉ phú, có nghĩa là tỉ phú của Anh chỉ còn 147 người, nhưng London vẫn là thủ đô tỉ phú của thế giới với 89 người sinh ra, định cư hoặc duy trì khối tài sản đáng kể tại thành phố này.

    Báo Sunday Times nhận định phân tích chi tiết đầu tiên về tài sản của giới siêu giàu tại Anh kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19 càng làm gia tăng quan ngại về khả năng "Xứ sở sương mù" lâm vào suy thoái sâu và kéo dài.

    Dưới đây là danh sách 10 tỷ phú hàng đầu nước Anh năm 2020 theo bình chọn của Sunday Times:

    1. James Dyson và gia đình (sở hữu tài sản tổng trị giá 16,2 tỷ bảng)

    2. Anh em Sri & Gopi Hindujia và gia đình (16 tỷ bảng)

    3. David và Simon Reuben (16 tỷ bảng)

    5. Leonard Blavatnik (15,8 tỷ bảng)

    5. Chủ công ty hóa dầu Ineos Jim Ratcliffe (12,2 tỷ bảng)

    6. Kirsten and Jorn Rausing (12,1 tỷ bảng)

    7. Alisher Usmanov (11,7 tỷ bảng)

    8. Guy, George & Galen Jr Weston và gia đình (10,5 tỷ bảng)

    9. Charlene de Carvalho-Heineken và Michel de Carvalho (10,3 tỷ bảng)

    10. Công tước xứ Westminster và gia đình Grosvenor (10,3 tỷ bảng).

    Theo Thanh Niên

  • Mới đây, một cửa hàng lớn tại Bullring, Birmingham, được thông báo đóng cửa vĩnh viễn.

    Cửa hàng Debenhams khổng lồ - có diện tích lớn và tọa lạc tại một đầu của trung tâm thương mại ba tầng - sẽ không mở cửa trở lại sau thời gian phong tỏa.

    Bốn chi nhánh Debenhams khác, bao gồm một cửa hàng tại trung tâm mua sắm Oracle ở Reading, cũng đã đóng cửa vĩnh viễn, khiến 1.400 nhân viên mất việc.

    1 debenhams

    Tất cả các cơ sở bị ảnh hưởng đều nằm trong các trung tâm mua sắm thuộc sở hữu của Hammerson. Tin tức được công bố tiết lộ một thỏa thuận trị giá 400 triệu bảng để sang nhượng bảy khu vực bán lẻ đã sụp đổ do các cổ đông tư nhân rút vốn.

    Giao dịch này sẽ là phi vụ bán các cơ sở bán lẻ lớn nhất ở Anh trong một thập kỷ qua nhưng nó đã bị gián đoạn nghiêm trọng bởi đại dịch coronavirus, dẫn đến việc đóng cửa tất cả các cửa hàng bán lẻ không thiết yếu.

    Debenhams đã bị ảnh hưởng tài chính nghiêm trọng trong những tháng gần đây và đã đệ trình xin quản trị lần thứ hai trong vòng một năm.

    Hãng cho biết bảy trong số 142 cửa hàng của mình sẽ đóng cửa vĩnh viễn, bao gồm một chi nhánh ở Stratford-upon-Avon, với 420 người mất việc làm.

    Nhưng hãng thừa nhận rằng sẽ còn thêm một số ít cửa hàng nữa dự kiến đóng cửa.

    Cửa hàng tại trung tâm mua sắm The Fort, gần Erdington, cũng nằm trong số những cơ sở phải dừng hoạt động trước đó.

    VietHome (Theo Birmingham Live)

  • Sản lượng kinh tế của Anh có thể giảm 14% trong năm 2020 - mức giảm hàng năm lớn nhất kể từ năm 1706 và lớn gấp ba lần mức giảm trong đợt suy thoái kinh tế 2008-2009.

    Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) ngày 7/5 cảnh báo nền kinh tế Xứ sở sương mù đang hướng tới cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong hơn 300 năm qua do ảnh hưởng bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

    Trong một báo cáo mà BoE gọi là một “kịch bản minh họa” thay vì dự báo thông thường, ngân hàng này cho rằng nền kinh tế Anh đang trên đà suy giảm 25% trong quý 2/2020, với tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng gấp hơn hai lần lên hơn 9%.

    Bất chấp các gói kích thích kinh tế và tài chính khổng lồ mà chính phủ đã đưa ra, sản lượng kinh tế của Anh có thể giảm 14% trong năm 2020 - mức giảm hàng năm lớn nhất kể từ năm 1706 và lớn gấp ba lần mức giảm trong đợt suy thoái kinh tế 2008-2009.

    kinh te anh giam 14
    Cảnh vắng lặng và ảm đạm tại một điểm du lịch ở Chester, Anh do dịch COVID-19 ngày 21/4/2020. 

    Tuy nhiên, theo BoE, khi các biện pháp phong tỏa được nới lỏng, kinh tế Anh có thể bật tăng mạnh trở lại trong năm 2021, với mức tăng trưởng có thể lên tới 15%, cao nhất kể từ năm 1704.

    Cũng theo BoE, lạm phát trong vài tháng tới có thể rơi xuống dưới 1%, bằng một nửa mục tiêu của BoE, song các chỉ dấu kinh tế gần đây dù ở mức thấp vẫn cho thấy nhu cầu ổn định.

    Do tình hình kinh tế hiện nay, BoE đã giữ nguyên lãi suất cơ bản thấp kỷ lục ở mức 0,1% và ngừng mục tiêu mua trái phiếu, chủ yếu là nợ chính phủ, trị giá 645 tỷ bảng (797 tỷ USD), trong bối cảnh các gói kích thích kinh tế đưa ra trong tháng Ba tiếp tục được duy trì.

    Thống đốc BoE Andrew Bailey khẳng định ngân hàng này sẽ nỗ lực ổn định tài chính và tiền tệ vì triển vọng lâu dài cũng như đáp ứng nhu cầu của người dân.

    Sau hơn sáu tuần tiến hành phong tỏa, Thủ tướng Anh Boris Johnson dự định sẽ phác thảo các bước tiếp theo của Anh trong nỗ lực ngăn chặn dịch COVID vào cuối tuần này.

    BoE ước tính việc phong tỏa xã hội nếu kéo dài thêm hai tuần nữa sẽ khiến nước này mất khoảng 1,25% GDP trong ngắn hạn và khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng thêm 0,75 điểm phần trăm, cho dù tác động dài hạn sẽ gần bằng 0.

    Sau khi BoE đưa ra động thái trên, tỷ giá đồng bảng Anh so với USD đã tăng, lên mức 0,8080 bảng Anh đổi 1 USD./.

    Vietnam+ (Theo Sky News)

  • Giai đoạn tiếp theo của công trình xây dựng Ruskin Square bên cạnh nhà ga East Croydon dự kiến ​​sẽ được hoàn thành vào năm 2023.

    Hồ sơ quy hoạch cho tòa nhà Two Ruskin Square đã được đệ trình lên Hội đồng Croydon và vào thứ ba (14 tháng 4) và thông tin cho biết một cơ quan của chính phủ đã đồng ý chuyển đến đây.

    Cơ quan Quản lý Tài sản Chính phủ (GPA) đã ký một thỏa thuận với hai công ty phát triển dự án là Schroder Estate và Stanhope để được chuyển tới tòa nhà văn phòng 10 tầng mới, tọa lạc ở góc đường Dunwall Road và Caithness Walk.

    Giai đoạn đầu tiên của công trình Ruskin Square, khối văn phòng One Ruskin Square, đã hoàn thành và HMRC đã chuyển về đây từ năm 2017.

    0 ruskinsquare

    Chủ tịch Hội đồng Croydon, ông Tony Newman, phát biểu, "Chúng tôi luôn nói rằng những gì Croydon, mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp, cùng với liên kết giao thông tuyệt vời khiến khu vực này trở thành đối thủ cạnh tranh của Central London.

    "Trong vài năm qua, chúng tôi đã chứng kiến ​​một số công ty lớn nhất của Vương quốc Anh chuyển văn phòng đến trung tâm của khu vực này và thỏa thuận phát triển 25 năm chứng tỏ ngày càng nhiều nhà tuyển dụng nhận ra điều này."

    Dự án mới sẽ là tòa nhà văn phòng thứ hai tại khu vực Ruskin Square được chấp thuận xây dựng.

    Nếu hồ sơ quy hoạch xây dựng mới được thông qua, công việc có thể bắt đầu sớm nhất là vào mùa hè này và được hoàn thành vào cuối năm 2023.

    Dự án phát triển trị giá nhiều tỷ bảng Anh này không chỉ cung cấp các tòa nhà văn phòng, mà lô đầu tiên gồm 161 căn hộ, được gọi là Vita, đã mở cửa vào năm 2016.

    Tòa nhà mới sẽ mang lại 625 căn hộ.

    Ủy viên Hội đồng Manju Shahul-Hameed, thành viên nội các về kinh tế và việc làm, nói thêm: "Tôi mong được chào đón thêm một cơ quan chính phủ khác đến với khu vực, qua đó mang lại cơ hội công việc và đào tạo cho cư dân, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng."

    VietHome (Theo My London)

  • Hai ông lớn của làng thời trang là Oasis và Warehouse cũng đã đệ trình hồ sơ xin chỉ định quản trị viên.

    Thông báo này đồng nghĩa với việc 1.800 nhân viên sẽ được cho nghỉ phép, trong khi 202 người đã bị cho nghỉ việc trong khi các ông chủ vật lộn tìm cách tiếp tục vận hành doanh nghiệp.

    Công ty kiểm toán Deloitte đã được chỉ định để tiến hành quá trình quản trị.

    Tập đoàn sở hữu Oasis và Warehouse, bao gồm cả trang web thời trang nam The Idle Man, hiện đang thuê 2.000 nhân sự ở Anh.

    Tổng cộng có 41 nhân viên ở trụ sở chính sẽ được giữ lại để hỗ trợ các quản trị viên.

    Oasis, Warehouse và Idle Man sẽ tiếp tục giao dịch trực tuyến trong khi quản trị viên đề xuất các lựa chọn cho tương lai của các thương hiệu này.

    0 GPY BEM 090120shops 124JPG

    Oasis và Warehouse có 92 cửa hàng độc lập ở Anh, cùng với 437 gian hàng nằm trong các trung tâm thương mại.

    Vẫn chưa rõ bao nhiêu cửa hàng sẽ phải đóng cửa.

    Các cửa hàng hoạt động tại Ireland, Thụy Điển và các đối tác nhượng quyền trên toàn thế giới không bị ảnh hưởng bởi quy trình quản trị.

    Rob Harding, đồng quản trị của Deloitte, cho biết: “Covid-19 đang tàn phá toàn bộ ngành bán lẻ chứ không phải chỉ Oasis và Warehouse.

    “Bất chấp những nỗ lực hết mình của các nhà quản lý trong những tuần gần đây và sự quan tâm đáng kể từ những người mua tiềm năng, với tình trạng hiện tại, doanh nghiệp chưa thể được cứu sống.

    “Vì vậy hôm nay, những thương hiệu này đã được chỉ định quản trị.

    “Với tư cách là nhà quản trị, chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ từ ban quản lý, nhân viên, khách hàng, chủ cho thuê mặt bằng và nhà cung cấp, trong khi chúng tôi nỗ lực tìm kiếm các lựa chọn khả thi cho doanh nghiệp.

    “Đây rõ ràng là một thời điểm khó khăn chưa từng thấy.”

    Tin tức được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Anh đang đứng trước nguy cơ nghiêm trọng với mức sụt giảm GDP tồi tệ nhất trong một quý kể từ năm 1908.

    Khi số người chết do coronavirus ở Anh đã lên tới 15.464 người (tính đến 18/4), quy mô đầy đủ của cuộc khủng hoảng Covid-19 đã dần xuất hiện trong các số liệu của chính phủ, dự đoán nền kinh tế quốc gia có thể sụt giảm kỷ lục tới 35% vào tháng 6.

    Thất nghiệp có thể tăng vọt lên 3,4 triệu và thâm hụt có thể tăng lên 218 tỷ bảng trong năm nay, Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách cảnh báo.

    Thị trường đường phố lớn của Anh đã bị ảnh hưởng nặng nề: nghiên cứu được công bố mới đây cho thấy một nửa các nhà bán lẻ phải đối mặt với nguy cơ chỉ định quản trị viên vào cuối mùa hè do cách ly xã hội.

    Hash Ladha, giám đốc điều hành của Oasis Warehouse, đã ca ngợi sự chăm chỉ và cống hiến của đội ngũ nhân viên công ty.

    “Đây là một tình huống mà một tháng trước, không ai trong chúng ta có thể dự đoán được, và đây là một tin tức gây sốc và khó khăn cho tất cả chúng ta,” ông nói.

    “Chúng tôi với tư cách là đội ngũ quản lý đã làm mọi thứ có thể để cứu lấy các thương hiệu mang tính biểu tượng mà chúng ta yêu quý.

    “Đây là những thương hiệu tuyệt vời và công ty có những nhân viên kiên cường, tài năng và quyết đoán.

    “Tôi tin tưởng rằng các đồng nghiệp của tôi, cùng với Deloitte, sẽ tìm ra được phương án tốt nhất để cứu vãn các thương hiệu này.”

    Các cửa hàng Oasis và Warehouse trên khắp Vương quốc Anh hiện đang đóng cửa theo hướng dẫn của chính phủ sau khi dịch coronavirus bùng phát.

    VietHome (Theo The Sun)

  • DEBENHAMS đã chính thức  xin chỉ định quản trị lần thứ hai sau 12 tháng, đẩy tương lai của chuỗi cửa hàng bách hóa và 22.000 nhân viên vào vòng nguy hiểm.

    Công ty đã chỉ định công ty tư vấn kinh doanh FRP Advisory giám sát quá trình này, sau khi đệ trình thông báo về ý định xin chỉ định quản trị viên vào thứ Hai (6/4).

    Đây sẽ là lần thứ hai trong vòng một năm nhà bán lẻ có tuổi đời 241 năm này xin chỉ định quản trị, lần trước đó là vào tháng 4 năm 2019.

    142 cửa hàng ở UK của Debenhams hiện đang đóng cửa theo hướng dẫn của chính phủ sau khi dịch coronavirus bùng phát.

    Nhưng nhà bán lẻ cho biết họ sẽ làm việc để "mở lại và tiếp tục giao dịch ở càng nhiều cửa hàng càng tốt" khi các hạn chế được dỡ bỏ.

    Debenhams administration MAIN

    Tuy nhiên, việc kinh doanh ở Ireland, bao gồm 11 cửa hàng với khoảng 1.400 nhân viên, sẽ ngừng hoạt động.

    Debenhams sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ trực tuyến ở Anh, Ireland và Đan Mạch.

    Đơn đặt hàng của khách hàng, thẻ quà tặng và hàng trả lại đang được chấp nhận và xử lý như bình thường, Debenhams cho biết.

    Hãng xác nhận 22 cửa hàng đã đóng cửa trong năm nay.

    Thêm 28 cửa hàng sẽ đóng cửa vào năm tới cùng với việc dừng kinh doanh ở Bắc Ireland, nâng tổng số đóng cửa mới lên 39.

    Trong khi đó, phần lớn nhân viên của Debenhams ở Anh hiện đang được trả lương theo chương trình trợ cấp của chính phủ.

    Chương trình duy trì việc làm trong đại dịch coronavirus cho phép các nhà tuyển dụng yêu cầu chính phủ chi trả 80% tiền lương cho nhân viên nếu họ tạm thời không thể làm việc.

    Stefaan Vansteenkiste, giám đốc điều hành của Debenhams, cho biết: "Việc bổ nhiệm các quản trị viên sẽ bảo vệ doanh nghiệp, nhân viên của chúng tôi và các bên liên quan quan trọng khác để chúng tôi có thể tiếp tục giao dịch ở các cửa hàng của mình.

    "Chúng tôi rất lấy làm tiếc vì không thể duy trì hoạt động kinh doanh ở Ireland nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác trong điều kiện hiện tại.

    "Quyết định này không hề bị xem nhẹ và không thể hiện bất cứ điều gì về các đồng nghiệp Ireland của chúng tôi, những người luôn chuyên nghiệp và cam kết phục vụ khách hàng."

    Debenhams đã phải vật lộn với điều kiện kinh doanh khó khăn từ lâu trước khi coronavirus tấn công Vương quốc Anh.

    Vào tháng 4 năm 2019, nhà bán lẻ rơi vào vòng kiểm soát của các chủ nợ, một nhóm các ngân hàng và quỹ phòng hộ do công ty Silver Point Capital của Hoa Kỳ lãnh đạo.

    Sự kiện này khiến ​​50 cửa hàng đóng cửa vĩnh viễn, cũng như giá thuê giảm ở hàng chục chi nhánh khác.

    Nó cũng khiến các cổ đông, bao gồm cả tỷ phú Sports Direct Mike Ashley, mất sạch tiền đầu tư.

    Dù vẫn tiếp tục giao dịch, nhưng Debenhams vẫn tiếp tục buộc phải đóng cửa thêm một số cửa hàng.

    VietHome (Theo The Sun)

  • Thủ tướng Anh Boris Johnson đã bổ nhiệm ông Rishi Sunak làm bộ trưởng Bộ Tài chính thay cho ông Sajid Javid, sau khi ông Javid xin từ chức ngày 13-2, một tháng trước khi ông có kế hoạch công bố ngân sách thường niên của chính phủ.

    Tân Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak - Ảnh: REUTERS

    Hãng tin AFP dẫn nguồn tin cho biết ông Javid đã xin từ chức sau khi Thủ tướng Johnson Boris đang bắt đầu tiến hành đợt cải tổ nội các đầu tiên kể từ sau chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 12-2019.

    Ông Johnson Boris muốn sa thải một số cố vấn của ông Javid, nhưng ông này không chấp nhận.

    Sau đó, Thủ tướng Johnson Boris đã bổ nhiệm ông Rishi Sunak (40 tuổi) làm bộ trưởng Bộ Tài chính mới. Ông Sunak là người quyền lực thứ hai sau ông Javid tại Bộ Tài chính. 

    Theo Hãng tin Reuters, ông Sunak tốt nghiệp khoa kinh tế, chính trị và triết học của ĐH Oxford (Anh) và có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của ĐH Stanford (Mỹ). Trước khi bước chân vào con đường chính trị, ông Sunak từng làm việc cho ngân hàng Goldman Sachs.

    Sau nhiều năm rối ren chính trị vì Brexit, ông Johnson Boris mong muốn chính phủ của ông sẽ tập trung vào các vấn đề đối nội trong năm 2020, bao gồm chính sách đầu tư cho an ninh, y tế và cơ sở hạ tầng.

    Theo Tuổi Trẻ

  • Mới chỉ có một tháng của năm 2020 trôi qua nhưng Vương quốc Anh đã mất gần 10.000 việc làm trong lĩnh vực bán lẻ.

    Một phần của sự mất mát này đến từ các tên tuổi lớn như Debenhams, Mothercare và Asda do họ dẹp các cửa hàng hoặc thông báo kế hoạch cắt giảm nhân sự.

    Các nhà bán lẻ khác cũng đóng nhiều cửa hàng hoặc cắt giảm nhân viên bao gồm Game, HMV, Arcadia và Morrisons. Phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Bán lẻ (CRR) cho thấy tổng cộng có 9,949 vị trí việc làm đã ra đi.

    Hơn 1.200 việc làm đang bị đe dọa cùng với sự sụp đổ của cửa hàng bách hóa và nhà bán lẻ đồ chơi Beales Hawkin’s Bazaar gần đây.

    Các số liệu nêu trên không tính đến số lượng công việc mới được tạo ra, vì thế đây không phải là con số ròng.

    Tuy nhiên, chúng đã tạo ra một khởi đầu năm mới ảm đạm cho nhiều người, những người có thể đã phải đón năm mới với một thông báo cắt giảm nhân sự.

    Khoảng ba triệu người đang làm việc trong lĩnh vực bán lẻ ở Anh, vì vậy các số liệu cho thấy khoảng 1 trên mỗi 300 công việc đã biến mất trong vòng chưa đầy một tháng.

    CRR cho biết lĩnh vực bán lẻ đã mất 143.100 việc làm trong năm 2019.

    Sự thay đổi hướng tới thói quen mua sắm trực tuyến của khách hàng được cho là nguyên nhân gây ra việc đóng cửa quy mô lớn của hàng loạt cửa hàng.

    Đầu tháng này, Mothercare biến mất khỏi đường phố lớn với những cửa hàng cuối cùng trong tổng số 79 chi nhánh đang dần đóng cửa. Sau 59 năm kinh doanh, chuỗi sản phẩm trẻ em đã phải xin hỗ trợ quản lý vào năm ngoái.

    Các cửa hàng đã có những đợt giảm giá lớn kể từ đầu tháng 12 để tiêu thụ hết hàng tồn, với các ưu đãi đặc biệt bao gồm xe đẩy trẻ em với giá 69,99 bảng thay vì £334,95.

    Trong khi đó, nhà bán lẻ khác là Debenhams xác nhận rằng 19 trong số 160 chuỗi trên khắp Vương quốc Anh cũng phải dừng hoạt động trong khoảng thời gian từ ngày 11 đến 19 tháng 1. Một phát ngôn viên của chuỗi nói rằng dự kiến ​​sẽ có 660 người mất việc làm.

    Cửa hàng bách hóa chuyên bán quần áo đang gặp khó khăn và đã đệ trình xin quản trị vào tháng 4 năm 2019 khi họ tìm cách cắt giảm nợ và bắt đầu một quá trình tái cấu trúc lớn.

    Công ty này đã ra thông báo vào năm ngoái rằng sau khi các cửa hàng đóng cửa vào tháng 1, các chi nhánh tiếp theo dự kiến ​​sẽ đóng cửa vào năm 2021 để đưa tổng số lên 50.

    VietHome (Theo Metro)

  • Ikea sẽ dẹp cửa hàng ở trung tâm thành phố Coventry vào mùa hè này, đánh dấu lần đầu tiên đóng cửa một trong những chi nhánh lớn ở Anh, khiến 350 người có nguy cơ mất việc.

    Chuỗi nội thất Thụy Điển cho biết cửa hàng đã liên tục thất thu kể từ khi mở cửa vào năm 2007 và số lượng khách hàng đến cửa hàng đã giảm đi khi họ chọn mua sắm tại các địa điểm bán lẻ hoặc mua bán trực tuyến.

    Nhà bán lẻ nói rằng họ sẽ tham gia các cuộc tham vấn với 352 nhân viên bị ảnh hưởng và muốn giữ lại càng nhiều người càng tốt. Công ty nói rằng họ sẽ giúp nhân viên Coventry “tìm kiếm một tương lai mới” tại các cửa hàng của mình ở phía tây bắc Birmingham và Nottingham, cách địa điểm cũ khoảng 30 đến 50 dặm.

    Theo các chuyên gia tư vấn tài sản Altus Group, sự ra đi của Ikea có thể để lại một lỗ hổng lớn trong bức tranh tài chính của thành phố, vì cửa hàng này là đơn vị thanh toán lãi suất kinh doanh lớn thứ 11 của họ, nộp gần 1 triệu bảng mỗi năm.

    Việc đóng cửa IKEA là cú đánh mới nhất vào khu vực bán lẻ và hệ thống mua sắm trên phố lớn của Vương quốc Anh. Theo Trung tâm nghiên cứu bán lẻ, hơn 140.000 việc làm đã bị mất vào năm ngoái và hơn 10.000 việc đã bị cắt giảm kể từ đầu tháng 1. Tập đoàn cửa hàng bách hóa Beales và chuỗi cửa hàng đồ chơi Hawkin’s Bazaar là những cái tên vừa sụp đổ mới nhất.

    Các nhà bán lẻ đã bị ảnh hưởng bởi sự kết hợp của các yếu tố như chi phí cao hơn, bao gồm mức lương tối thiểu và tình hình kinh doanh, cùng sự thay đổi lớn đối với xu hướng mua sắm trực tuyến.

    Coventry là nơi chứng kiến nỗ lực mở một cửa hàng định dạng mới đầu tiên của Ikea nhằm đáp ứng thói quen thay đổi của khách hàng. Hàng ngàn người đã xếp hàng để vào cửa hàng vào ngày khai trương, ngay trước Giáng sinh năm 2007, và cảnh sát đã được huy động thêm để kiểm soát đám đông.

    Nhưng sự phổ biến của nó đã giảm dần và Ikea đổ lỗi cho quy mô của tòa nhà bảy tầng khiến chi phí vận hành cao hơn và nói rằng họ không thể tiết kiệm chi phí hơn hay tái sử dụng cửa hàng.

    Peter Jelkeby, giám đốc bán lẻ quốc gia và giám đốc phát triển bền vững của Ikea UK và Ireland, cho biết việc đóng cửa Coventry không phải là một quyết định dễ dàng, nhưng điều đó rất quan trọng đối với sự thành công lâu dài của Ikea ở Anh.

    “Tại Ikea, chúng tôi không ngừng thử thách bản thân để tìm cách đáp ứng nhu cầu của khách hàng và chúng tôi sẽ tiếp tục thử nghiệm, đầu tư vào các định dạng cửa hàng cũng như nâng cao khả năng kỹ thuật số của chúng tôi để làm cho Ikea trở nên hợp lý, thuận tiện hơn và bền vững hơn,” ông nói.

    Trong những năm gần đây, chuỗi đã thử nghiệm mở các cửa hàng trung tâm thành phố nhỏ hơn, trên đường Tottenham Court Road ở trung tâm London và Bromley ở phía đông nam London, để thu hút khách hàng không di chuyển bằng ô tô đến thăm cửa hàng. Ikea hiện có 22 cửa hàng tại Vương quốc Anh và cho biết họ vẫn đang tập trung vào tăng trưởng, bất chấp những gì họ gọi là “môi trường bán lẻ thay đổi.”

    Vào tháng 1, Ikea đã mua Kings Mall, một trung tâm mua sắm ở Hammersmith ở phía tây London, với dự định tái phát triển, và họ cũng đang tìm kiếm nhiều trung tâm khác ở Anh. Chuỗi đã sở hữu 44 trung tâm tự xây dựng trên toàn cầu. Ikea cho biết vào tháng 10 năm ngoái rằng họ đã tăng cường đội ngũ bất động sản ở Anh vì mong muốn có thể tận dụng giá cả hời trong thị trường bất động sản bán lẻ đang khủng hoảng ở Anh.

    Cửa hàng Ikea Coventry có một vị trí nổi bật ở trung tâm thành phố. Tòa nhà lớn và đặc biệt này sẽ đóng cửa vào mùa hè.

    VietHome (Theo Guardian)

  • Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường (CMA) vừa cảnh báo Amazon và Deliveroo rằng việc sáp nhập của họ có thể phải đối mặt với một cuộc thẩm tra đầy đủ.

    Cơ quan giám sát cạnh tranh của Anh cho biết họ lo ngại việc sáp nhập này có thể làm giảm đáng kể tính cạnh tranh trong thị trường bán hàng và tạp hóa trực tuyến của Anh.

    CMA cho hai công ty năm ngày để đề xuất các biện pháp khắc phục trước khi công bố một cuộc điều tra toàn diện.

    Andrea Gomes da Silva, giám đốc điều hành CMA, cho biết: “Hàng triệu người ở Anh sử dụng các nền tảng trực tuyến để mua đồ ăn, và hơn bao giờ hết, ngày càng có nhiều khách hàng sử dụng các dịch vụ tương tự để giao hàng rau củ tạp hóa trong ngày. Có tương đối ít người chơi trên thị trường nên chúng tôi lo ngại ảnh hưởng của Amazon với Deliveryoo có thể làm giảm bớt sự cạnh tranh mới nổi lên giữa hai doanh nghiệp.”

    VietHome (Theo Evening Standard)