• Thủ tướng Anh Liz Truss phải đối mặt với nhiều sóng gió xảy đến liên tiếp kể từ khi chính quyền của bà công bố những biện pháp kinh tế mới.

    Không lâu trước khi Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng công bố chương trình cắt giảm thuế trị giá 45 tỷ bảng Anh (khoảng 48 tỷ USD) cách đây 10 ngày, phát ngôn viên của Công đảng Bắc Ireland, Peter Kyle, đã nhận được một tin nhắn, theo Guardian.

    Tin nhắn này được gửi bởi một cựu bộ trưởng nội các của đảng Bảo thủ.

    Ông Kyle, giống như mọi nghị sĩ khác, hiểu những vấn đề xảy ra với đảng Bảo thủ vào lúc này, nhưng nội dung của tin nhắn đó cũng khiến ông choáng váng.

    “Hãy chắc chắn ông sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tiếp theo. Tôi là một người yêu nước”, tin nhắn viết.

    Ngày hôm đó, ông Kyle và Công đảng có ý định chuẩn bị cho hội nghị đảng sắp tới của họ ở Liverpool. Tuy nhiên, những gì diễn ra trong những ngày qua đã thay đổi mọi thứ.

    Trong một tuần bất thường sau đó, sáng kiến chính trị đã chuyển sang phía của Công đảng, khi danh tiếng của đảng Bảo thủ về năng lực kinh tế đã tan thành mây khói.

    gia tri dong bang anh bap benh
    Giá trị đồng bảng Anh đã lao dốc sau thông báo của ông Kwarteng. Ảnh: AP.

    Mỗi biện pháp đều là một quả bom

    Trong khi ông Kwarteng phát biểu về chính sách “ngân sách ngắn hạn”, Thủ tướng Liz Truss và Bộ trưởng Simon Clarke đã cười trong phần lớn thời gian, như thể họ đã tìm ra công thức kỳ diệu để khởi động sự tăng trưởng.

    Giờ đây, họ thấy mình rơi tự do trong các cuộc thăm dò, với thị trường tài chính hỗn loạn, và các nghị sĩ của chính họ tuyệt vọng.

    Trong khoảng hơn hai tuần, một số ít nghị sĩ đảng Bảo thủ đã nói rằng tốt nhất là đảng của họ có thể thua trong cuộc bầu cử tiếp theo.

    Chi tiết về tuyên bố của bộ trưởng Tài chính đã vượt xa những gì mà bất kỳ nghị sĩ đảng Bảo thủ nào từng dự kiến. Ông Kwarteng không chỉ xác nhận rằng sẽ đảo ngược quyết định tăng mức bảo hiểm quốc gia và hủy bỏ kế hoạch áp thuế doanh nghiệp vào năm tới, mà còn cắt giảm thêm thuế.

    Điều đó có thể khiến một số người vui mừng, nhưng lại khiến phần lớn các nghị sĩ của đảng Bảo thủ chết lặng.

    Mỗi biện pháp đều là một quả bom, và bản thân nó là một rủi ro khổng lồ, vào thời điểm lạm phát leo thang. Thuế suất cơ bản sẽ được cắt giảm vào năm tới, sớm hơn 12 tháng so với quy định trước đó.

    Điều đó nhằm kích thích doanh nghiệp nhưng không mang lại nhiều lợi ích cho những người có thu nhập thấp nhất.

    Tối 23/9, Công đảng bắt đầu cảm nhận được cơ hội chính trị đang mở ra. Vài giờ sau phát biểu của ông Kwarteng, tỷ giá đồng bảng Anh so với đồng USD đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985, khi các nhà đầu tư lo sợ.

    Nguy cơ khổng lồ của "ngân sách ngắn hạn" (mini-budget) đang dội xuống thị trường, và các nghị sĩ của đảng Bảo thủ đã rơi vào nỗi tuyệt vọng ngày càng lớn.

    Khi Công đảng bắt đầu hội nghị vào hôm 24/9 với việc hát quốc ca và một phút mặc niệm nữ hoàng quá cố, điều đó báo hiệu một sự thay đổi sâu sắc so với khoảng thời gian lãnh đạo của ông Jeremy Corbyn. "Chúng tôi hiện là đảng yêu nước bây giờ!", một quan chức nói.

    Cơ hội bất ngờ ập đến với đảng Bảo thủ

    Tuy nhiên, chính kinh tế và quản lý tài chính, vốn là một điểm yếu đối với Công đảng, đã đột nhiên trở thành thế mạnh của họ.

    Đảng viên tham dự hội nghị cảm thấy lạc quan về một kế hoạch tăng trưởng xanh đầy tham vọng và một sự chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Điều đó sẽ cung cấp năng lượng rẻ hơn trong dài hạn.

    Một cách tình cờ, vào sáng 26/9, khi ông Kwarteng được nhìn thấy đến văn phòng và từ chối bình luận về cuộc khủng hoảng thị trường, đó cũng là ngày tranh luận về kinh tế của Công đảng.

    Trong cuộc tranh luận hôm 26/9, quan chức phe đối lập Ed Miliband đã được cổ vũ hết mình khi ông tuyên bố rằng “đảng Bảo thủ tin vào thị trường, nhưng thị trường không còn tin vào đảng Bảo thủ".

    Khi lãnh đạo Công đảng Keir Starmer phát biểu, ông tuyên bố rằng thời của đảng này đang đến gần và tuyên bố rằng đảng Bảo thủ đã “mất quyền kiểm soát nền kinh tế Anh”.

    Đối với bà Truss và ông Kwarteng, những đòn giáng vào mức độ tín nhiệm của họ xảy đến mỗi ngày. Vào hôm 27/9, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã chỉ trích các kế hoạch cắt giảm thuế của Anh và kêu gọi chính phủ của bà Truss xem xét lại điều đó. Theo họ, điều đó có khả năng làm gia tăng bất bình đẳng, Politico đưa tin.

    Hôm 28/9, Ngân hàng Trung ương Anh thông báo họ sẽ mua trái phiếu chính phủ Anh để "khôi phục trật tự thị trường", ngăn chặn sự rối loạn sau sự lao dốc của đồng bảng Anh, theo Reuters.

    Sáng hôm đó, ông Kwarteng gặp gỡ nhiều nhà tài chính để thảo luận về kế hoạch ngân sách của chính phủ. Họ đến với mong đợi được nghe ông lên kế hoạch khôi phục trật tự như thế nào sau 48 giờ căng thẳng. Nhưng thay vào đó, ông Kwarteng đã quay sang các vị khách để tìm câu trả lời, khi hỏi chính phủ có thể làm gì để trấn an thị trường.

    Đến nay, việc bà Truss vắng mặt trên sóng đang bắt đầu gây khó khăn cho các nghị sĩ.

    Bi kịch của cuộc khủng hoảng càng thêm trầm trọng khi nhiều người gọi chiến dịch cắt giảm thuế của bà Truss là chiến dịch Rolling Thunder (sấm rền). Nhiều nghị sĩ mất niềm tin vào bà Truss, đến mức một số đã công khai dự tính gửi một lá thư bất tín nhiệm tối 28/9.

    Khi thủ tướng Anh tái xuất, bà phải trả lời một loạt cuộc phỏng vấn, trong đó tập trung vào sự can thiệp về giá năng lượng và đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng là do “chiến dịch quân sự” của Nga.

    Khi nhiều nghị sĩ đã cố gắng suy nghĩ thấu đáo thực tế về những gì mà nhà lãnh đạo mới của họ đang lên kế hoạch, tối 29/9 lại mang đến một vụ việc gây xôn xao khác.

    Nếu các nghị sĩ còn nghi ngờ về mức độ nghiêm trọng của tình trạng khó khăn của đảng họ, thì một cuộc thăm dò trên YouGov cho thấy Công đảng đã dẫn trước 33 điểm phần trăm.

    Vào hôm 30/9, các nghị sĩ đã yêu cầu biết các quy tắc về việc loại bỏ một nhà lãnh đạo mới. Tuy nhiên, ông Graham Brady, Chủ tịch Ủy ban 1922, cho biết rằng bà Truss được bảo vệ trong một năm.

    Bên cạnh đó, bà Truss còn hứng thêm chỉ trích khi quyết định sa thải những người ủng hộ đối thủ Rishi Sunak, cũng như bổ nhiệm những người thân cận vào các chức vụ hàng đầu.

    Một nghị sĩ khác sắp đệ trình một lá thư bất tín nhiệm nói rằng bà Truss không được phép sử dụng ông Kwarteng làm "con cừu hiến tế".

    Cuối tuần qua, đảng Bảo thủ bắt đầu hội nghị đảng ở Birmingham. Lẽ ra đây là dịp để bà Truss ăn mừng chiến thắng, song thay vào đó, bà đang chiến đấu cho chiếc ghế của chính mình chỉ sau một tháng làm thủ tướng.

    Theo CNN, đây có thể trở thành một thời điểm quan trọng trong nhiệm kỳ thủ tướng của bà.

    Đảng Bảo thủ hiện bị chia rẽ một cách cay đắng. Kể từ khi trở thành thủ tướng, mức độ tín nhiệm cuộc thăm dò đã giảm xuống thấp hơn người tiền nhiệm Boris Johnson.

    Theo Zing

  • Thủ tướng Anh Liz Truss đang phải vật lộn để đối phó trước cuộc khủng hoảng kinh tế mà những người tiền nhiệm để lại.

    Người dân cần "vật tế thần" trong các cuộc khủng hoảng và vì thế, phần lớn thế giới đã đổ lỗi cho kế hoạch kinh tế của Thủ tướng Liz Truss khi đồng bảng Anh trượt giá.

    Bộ trưởng Tài chính Pháp ngày 30/9 cho biết ông lo lắng trước tình hình hỗn loạn tài chính ở Anh, đồng thời chỉ trích các chính sách kinh tế của Thủ tướng Truss vì đã gây ra "thảm họa" lãi suất vay cao cho chính nước này, AFP đưa tin.

    dieu gi dang xay ra voi nuoc anh
    Nước Anh đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kinh tế từ trước khi bà Truss nhậm chức thủ tướng. Ảnh: Reuters.

    Trước đó, trong kế hoạch “Ngân sách nhỏ” được trình bày trước Quốc hội, chính phủ Truss đã đưa ra biện pháp cắt giảm thuế, trợ cấp năng lượng và các cải cách trị giá gần 225 tỷ USD nhằm thúc đẩy tăng trưởng và chấm dứt “chu kỳ đình trệ”.

    Theo đó, chính phủ Anh sẽ cần vay thêm 79 tỷ USD trong vòng 6 tháng tới.

    "Nó làm xáo trộn cân đối tài chính", Bộ trưởng Pháp Bruno Le Maire nói. "Và nó dẫn đến một thảm họa thực sự với lãi suất 4,5% hoặc thậm chí cao hơn ở Anh".

    Quỹ Tiền tệ Quốc tế và chính quyền Biden cũng lên tiếng chỉ trích chiến lược kinh tế mới của Anh - động thái mà Wall Street Journal cho rằng có thể giúp họ chuyển sự chú ý khỏi các chính sách thất bại dẫn đến lạm phát và tăng trưởng chậm lại.

    Dù vậy, tờ báo này nhận định giữa lúc trò chơi đổ lỗi vẫn tiếp diễn, thật sai lầm khi nói nước Anh rơi vào khủng hoảng sau khi Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng công bố gói cắt giảm thuế lớn, vì nền kinh tế Anh vốn đã rối ren.

    Tương tự, Bloomberg đưa tin các chính sách kinh tế được chính phủ mới đưa ra trong bối cảnh ngân hàng Anh cho rằng nền kinh tế "có thể đã rơi vào suy thoái".

    Bất ổn từ trước

    Đồng bảng Anh đã mất khoảng 17% giá trị so với đồng USD kể từ đầu năm, trong khi đó chi phí vay nợ lên mức kỷ lục và nền kinh tế được dự đoán tăng trưởng chậm nhất so với các quốc gia lớn khác.

    Đồng bảng Anh đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 4 thập kỷ vào đầu tuần này. Ảnh: Reuters.

    Trên thực tế, tình trạng bất ổn đó là đỉnh điểm sau 12 năm chính phủ mở rộng theo chủ nghĩa bảo thủ cầm quyền. Chính phủ mở rộng là thuật ngữ chính trị dùng để chỉ một hình thức chính phủ có đặc điểm là chi tiêu công cao và tập trung quyền lực chính trị.

    Bắt đầu với việc cựu Thủ tướng David Cameron lên nắm quyền vào năm 2010, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính ảnh hưởng nặng nề đến nước Anh.

    Ông và bộ trưởng Tài chính Anh thời điểm đó George Osborne đã triển khai một số chính sách thúc đẩy tăng trưởng, như cắt giảm thuế suất doanh nghiệp và cải cách phúc lợi để khuyến khích việc làm.

    Nhưng họ lại để lại di sản là một cái nhìn sai lệch về chính sách “thắt lưng buộc bụng”.

    Theo số liệu của IMF, chi tiêu của chính phủ chiếm 44% và nợ gần 70% GDP sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Nhận thức được sự cần thiết của việc cắt giảm ngân sách, chính quyền Cameron đã tuyên bố thắt chặt chi tiêu công.

    Họ nghiêng về quan điểm cân bằng tài khóa trong ngắn hạn, thay vì tăng trưởng kinh tế trung hạn. Ông Osborne gọi những thay đổi trên đánh dấu “ngày nước Anh trở lại từ bờ vực”.

    Tuy nhiên, chi tiêu công chỉ giảm xuống 39% GDP vào cuối nhiệm kỳ của ông Cameron. Nền kinh tế tăng trưởng, nhưng chỉ nghiêng về một số ngành.

    Trong khi đó, một cuộc khủng hoảng hiệu suất đã xảy ra khi đầu tư bị đình trệ, khiến nền kinh tế không thể duy trì tốc độ tăng trưởng tiền lương.

    Theo sau ông Cameron là bà Theresa May, vị thủ tướng mà hầu hết thời gian trong nhiệm kỳ của bà bị tiêu hao bởi các cuộc tranh luận về việc Anh rời Liên minh châu Âu.

    Khi ông Boris Johnson trở thành thủ tướng với cam kết chấm dứt tình trạng bất ổn, kết thúc việc Anh rời khỏi EU (Brexit), ông đã mở ra một chính phủ mở rộng nhất theo chủ nghĩa bảo thủ.

    Ông đã lên kế hoạch cho một chương trình nghị sự “nâng cấp" nhằm mục đích thúc đẩy kinh tế ở các khu vực khó khăn thông qua khoản chi tiêu công lớn.

    Bên cạnh đó, sau cú sốc tài chính do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, cựu Thủ tướng Johnson đã tăng 2,5% thuế tiền lương, trong khi tiếp tục để lạm phát gia tăng đẩy các cá nhân vào khung thuế cao hơn.

    Theo một số tính toán, điều này giúp ngân sách của chính phủ Anh tăng nhờ khoản doanh thu từ thuế đạt mức cao nhất so với GDP kể từ những năm 1950.

    Vấn đề tồn đọng

    Hai vấn đề khác cũng kéo dài xuyên suốt ba thời kỳ chính phủ Anh. Trước hết là chính sách năng lượng yếu kém.

    Trong nhiệm kỳ của mình, ông Cameron chấp nhận chạy theo cuộc đua biến đổi khí hậu một cách vô điều kiện để làm dịu hình ảnh của đảng. Ông phản đối điện than và chỉ ủng hộ điện hạt nhân một cách kín đáo. Khi nhậm chức, cựu thủ tướng Anh đã đưa ra các khoản trợ cấp mới cho năng lượng tái tạo.

    Trong khi đó, ông Johnson đã tự làm khó mình khi tuyên bố các mục tiêu cắt giảm khí thải để đạt mức phát thải ròng bằng 0. Cuối năm 2021, ông đã công bố chiến lược quốc gia bao gồm cấm ôtô sử dụng động cơ đốt trong và buộc các hộ gia đình phải trả hàng nghìn bảng Anh cho máy bơm nhiệt mới.

    Và trong khi giá năng lượng liên tục tăng, kéo theo nền kinh tế bấp bênh, không ai trong ba cựu thủ tướng sẵn sàng thừa nhận các chính sách năng lượng của họ có thể là vấn đề.

    Thay vào đó, họ để lại cho bà Truss những cử tri đang nhìn chằm chằm vào việc hóa đơn năng lượng của các hộ gia đình sẽ tăng 80% trong tháng 10.

    Một vấn đề khác là chính sách tiền tệ. Trước đó, ngân hàng Anh dưới thời các cựu Thống đốc Mervyn King và Mark Carney đã bỏ qua nhiệm vụ ổn định giá cả của mình để giữ lãi suất ở mức thấp trong lịch sử, trong khi kiềm chế chi phí vay nợ của chính phủ bằng cách nới lỏng định lượng.

    Điều này gây ra lạm phát giá tài sản, đặc biệt với nhà ở, đồng thời hạn chế đầu tư sản xuất và thu nhập thực tế. Theo thống kê, mức lương trung bình được điều chỉnh theo lạm phát đã giảm 6,7% từ năm 2009-2014.

    Trong khi đó, người kế nhiệm của ông Carney là Andrew Bailey đã rót tiền vào các khoản kích thích tiền tệ hào phóng trong thời kỳ đại dịch, và rút lại khi cuộc khủng hoảng lạm phát ngày càng sâu sắc.

    Một ngày trước khi ông Kwarteng công bố gói cắt giảm thuế, ông Bailey đã gây bất ngờ tồi tệ cho thị trường với việc tăng lãi suất 50 điểm, thay vì mức 75 điểm sẽ theo sự hướng dẫn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

    Không có gì ngạc nhiên khi các thị trường đặt câu hỏi về độ tin cậy chính sách của nước Anh khi ông Kwarteng công bố kế hoạch thuế mới.

    Bà Truss và ông Kwarteng đang kêu gọi thêm thời gian để giải quyết sai lầm của những người tiền nhiệm. Chính phủ Anh dường như quyết tâm theo đuổi việc cắt giảm thuế suất, cải cách mã số thuế và bãi bỏ quy định kinh tế để thúc đẩy đầu tư tư nhân hiệu quả.

    Thế nhưng, các nhà đầu tư đang dần mất kiên nhẫn sau nhiều lần hứa hẹn “suông" về chính sách hỗ trợ tăng trưởng từ những nhà lãnh đạo của đảng Bảo thủ.

    Vấn đề là nước Anh đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kinh tế từ trước khi bà Truss nhậm chức, và khó có thể đảo ngược được sự suy thoái, vốn là kết quả của những chính sách thất bại sau 12 năm. Giờ đây, chính phủ Anh phải đứng trước canh bạc: Hoặc có một cuộc đại tu chính sách, hoặc tiếp tục chứng kiến sự suy thoái.

    Theo Zing

  • Nền kinh tế toàn cầu đang phát đi nhiều tín hiệu cảnh báo, trong bối cảnh lạm phát cao, chiến dịch tăng lãi suất, và cuộc chiến tranh Nga-Ukraine cùng lúc gây áp lực lên tăng trưởng...

    kinh te toan cau suy thoai
    Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

    Trang CNN Business dẫn một mô hình khả năng của công ty nghiên cứu kinh tế Ned Davis Research nói rằng ở thời điểm hiện tại, khả năng kinh tế toàn cầu rơi vào một cuộc suy thoái là 98,1%.

    Mô hình này chỉ phản ánh nguy cơ suy thoái cao đến như vậy trong những đợt suy giảm nghiêm trọng khác của kinh tế thế giới, gần đây nhất là vào năm 2020 - khi Covid mới trở thành đại dịch - và trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

    “Điều này phản ánh rằng khả năng xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu nghiêm trọng trong năm 2023 đang tăng lên”, các chuyên gia kinh tế của Ned Davis Research nhận định trong một báo cáo.

    Trong lúc các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đẩy mạnh nỗ lực nhằm đưa lạm phát về tầm kiểm soát, giới chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư ngày càng lo lắng hơn.

    Trong một cuộc khảo sát mới đây của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), cứ 10 chuyên gia kinh tế được hỏi lại có 7 người cho rằng nền kinh tế toàn cầu có khả năng rơi vào suy thoái. Các chuyên gia cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và cho rằng tiền lương sau khi trừ đi lạm phát sẽ tiếp tục giảm trong thời gian còn lại của năm nay và năm tới.

    Với giá lương thực-thực phẩm và năng lượng tăng cao, đang có những mối lo rằng chi phí sinh hoạt đắt đỏ có thể dẫn tới bất ổn xã hội ở nhiều quốc gia. 79% chuyên gia tham gia cuộc khảo sát của WEF dự báo giá cả leo thang sẽ gây bất ổn xã hội ở các quốc gia thu nhập thấp; 20% cho rằng bất ổn tương tự sẽ xảy ra ở các quốc gia thu nhập cao.

    Tâm trạng bi quan của nhà đầu tư được thể hiện qua sự sụt giảm của thị trường chứng khoán toàn cầu. Hôm thứ Hai tuần này, chỉ số Dow Jones của chứng khoán Mỹ rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market) lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020.

    “Kịch bản chính của chúng tôi là một cuộc hạ cánh cứng xảy ra trước cuối năm 2023” - nhà đầu tư nổi tiếng Stanley Druckenmiller phát biểu tại một sự kiện do hãng tin CNBC tổ chức hôm 28/9. “Tôi sẽ ngạc nhiên nếu suy thoái không xảy ra ở Mỹ trong năm 2023”.

    Ngay cả các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng thừa nhận rằng nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ đang ngày càng lớn.

    Dù vậy, vẫn đang có một số điểm sáng ở Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thị trường việc làm của nước này đang mạnh so với chuẩn lịch sử, với tỷ lệ thất nghiệp gần mức thấp nhất kể từ năm 1969. Người tiêu dùng vẫn chi tiêu và lợi nhuận doanh nghiệp vẫn ổn. Nhiều chuyên gia dự báo nếu kinh tế Mỹ suy thoái, đó sẽ không phải là một cuộc suy thoái sâu.

    Theo VnEconomy

  • Anh sẽ được nhớ đến vì đã theo đuổi các chính sách kinh tế vĩ mô kém nhất so với bất kỳ quốc gia lớn nào khác trong suốt một thời gian dài.

    dong bang anh tuot doc 100 nam

    Đồng bảng Anh phản ánh rõ nét thị trường

    Không phải đến tận lúc này các nhà đầu tư mới lo ngại về kinh tế Anh. Trên thực tế, cuộc khủng hoảng niềm tin vào nước Anh đã kéo dài nhiều năm và đến từ nhiều yếu tố, trong đó có tiến trình Brexit chậm chạp suốt nhiều năm qua, các hành động của một số quan chức trong đại dịch, trong đó có cả của cựu Thủ tướng Boris Johnson khiến người dân bất bình hay những bê bối trong Bộ Tài chính Anh gần đây đã khiến các nhà đầu tư không còn lòng tin.

    Allan Monks, một nhà kinh tế tại tổ chức xếp hạng tín dụng toàn cầu JPMorgan ở London, cho biết các nhà đầu tư "không tin tuyên bố của chính quyền Truss rằng bà ấy sẽ mang lại một chính sách tài khóa bền vững khi mọi thứ mới dừng ở lời nói. Điều đó phản ánh sự ngờ vực rộng rãi hơn của các nhà đầu tư về cách thức hoạch định chính sách của Vương quốc Anh''.

    dong bang anh tuot doc 100 nam 2
    Đà giảm giá của đồng bảng Anh một thế kỷ qua. Nguồn: Bloomberg.

    Sự ngờ vực của thị trường đã được thể hiện rõ bằng giá trị của đồng bảng Anh. Tỷ giá của đồng bảng Anh đã giảm từ mức cao hơn 2 USD vào năm 2007, ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính, xuống còn 1.50 USD vào thời điểm diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về Brexit và hiện đang trên đà ngang giá với đồng USD.

    Nhà kinh tế cao cấp Kallum Pickering tại Ngân hàng Berenberg cho biết: "Vương quốc Anh đã làm tổn hại đến uy tín vững chắc của mình khi Brexit diễn ra yếu kém, gây ra cuộc chiến thương mại dai dẳng giữa Anh và EU''.

    Hiện tại, dư luận đang chờ đợi chính phủ của bà Truss sẽ công bố chi tiết hơn về cách bù đắp cho 45 tỷ bảng Anh tiền cắt giảm thuế và thêm 60 tỷ bảng Anh nữa để bù đắp hóa đơn năng lượng. Trong khi các giải pháp bù đắp còn chưa rõ ràng thì riêng các con số trên cũng đã có thể khiến ngân sách nước này thâm hụt lớn, có thể chiếm tới 4,5% GDP. Theo đánh giá của Bloomberg, điều đó đủ để đẩy gánh nặng nợ của nước này tăng vọt, có thể đạt 101% GDP vào năm 2030.

    Nhân sự lãnh đạo thay đổi xoành xoạch

    Một vấn đề trọng tâm hiện tại là liệu chính quyền mới được ba tuần của bà Liz Truss có thể khôi phục uy tín của mình với các nhà đầu tư hay không. Không chỉ là những lo ngại ngắn hạn về việc cắt giảm thuế vào thời điểm lạm phát gần chạm mức cao nhất trong bốn thập kỷ và Ngân hàng Trung ương Anh không kiềm chế được tốc độ tăng chi phí sinh hoạt hàng ngày, mà đây còn phản ánh một sự ngờ vực lâu nay của giới đầu tư về nước Anh sau khi quan hệ của Anh với các đối tác thương mại thân cận nhất bị rạn nứt và sự thay đổi chính quyền liên tục trong thời gian gần đây. Những điều này khiến các nhà đầu tư không tin tưởng vào những gì các chính trị gia kế nhiệm hứa hẹn.

    Peter Kinsella, trưởng bộ phận lập kế hoạch chiến lược tại ngân hàng Union Bancaire Privee UBP SA ở London, cho biết: "Đây là quyết định mới nhất trong một loạt các quyết định tự áp đặt kinh tế. Nó bắt đầu với Brexit và bây giờ là lần lặp lại mới nhất."

    Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đã ra tay giải cứu Vương quốc Anh vào năm 1976, đang thúc giục chính phủ Anh xem xét lại việc cắt giảm thuế. Các nhà kinh tế nổi tiếng đang mạnh mẽ lên tiếng cảnh báo rằng Vương quốc Anh đang hành động như những thị trường mới nổi.

    Vấn đề đối với bà Truss là bà ấy đã đưa việc cắt giảm thuế trở thành trọng tâm trong chương trình nghị sự của chính phủ. Do đó, nếu bà tìm cách thay đổi điều này ngay sẽ rất nguy hiểm về mặt chính trị: Vì bà chủ yếu nhờ sự hậu thuẫn của các đảng viên cấp cơ sở để trở thành Thủ tướng. Hầu hết các nghị sĩ trong đảng đã bỏ phiếu chống lại bà. Và nếu bà Truss thay đổi lập trường vào ngay lúc này, bà sẽ phải hứng chịu phản ứng dữ dội nếu họ cảm thấy các chính sách của bà sẽ dẫn đến thất bại.

    Trong khi chính phủ Anh muốn cắt giảm thuế nhưng chưa tìm được nguồn tiền nào để bù vào thì các nhà đầu tư đang lo ngại về hai rủi ro chính: các ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất hơn nữa trong vòng vài tuần để tìm thêm nguồn thu và liệu Ngân hàng trung ương Anh có hỗ trợ tài chính cho chính phủ hay không.

    "Giữa tình hình Brexit, Ngân hàng Trung ương Anh đã hành động chậm và bây giờ thì đến những chính sách tài khóa này, tôi nghĩ Anh sẽ được nhớ đến vì đã theo đuổi các chính sách kinh tế vĩ mô kém nhất so với bất kỳ quốc gia lớn nào khác trong suốt một thời gian dài", cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers, hiện là giáo sư tại Đại học Harvard, đưa ra ý kiến.

    Còn người Anh, trong khi người Anh đang chờ xem liệu chiến lược kinh tế của bà Truss có thành công hay không thì họ cũng phải đối mặt với nguy cơ là việc đi vay ngân hàng sẽ tốn kém hơn – điều có thể kéo theo sự sụp đổ trong lĩnh vực nhà ở và làm trầm trọng thêm nguy cơ cuộc suy thoái.

    Trước tình hình này, các chủ ngân hàng hàng đầu ở thành phố London ngày 28/9 đã hối thúc Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng tìm cách trấn an thị trường. Còn bà Truss cũng đang chuẩn bị cho bài phát biểu đầu tiên của mình trước hội nghị của Đảng Bảo thủ trên cương vị Thủ tướng mới vào tuần tới.

    Theo Vietnamplus

  • ando wucg

    Ông Arvind Virmani, cựu cố vấn kinh tế chính và Chủ tịch Quỹ Phúc lợi và Tăng trưởng Kinh tế, tin rằng Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới vào năm 2028 - 2030. "Trong 20-30 năm qua, mọi người thấy chúng tôi xếp phía sau Trung Quốc rất xa. Điều này sẽ bắt đầu thay đổi", ông Virmani nói.

    Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, hiện Ấn Độ đã vượt Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và hiện chỉ xếp sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức. Đây là lần thứ hai Ấn Độ nhận được kết quả tốt hơn nền kinh tế Anh. Lần đầu tiên, New Delhi đạt được thành tích này là vào năm 2019.

    Ông Sachin Chaturvedi, Tổng giám đốc Nghiên cứu và Hệ thống thông tin cho các nước đang phát triển đã nêu ra những lý do khác nhau dẫn đến sự cải thiện hiệu quả kinh tế của Ấn Độ. Theo ông, đó là nhờ tập trung vào chi tiêu vốn, nỗ lực để giảm chi thu và chiến lược lạm phát đã giúp nền kinh tế phát triển rất cân bằng.

    Một thập kỷ trước, Ấn Độ đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng nền kinh tế lớn nhất toàn cầu và Anh đứng thứ 5.

    Nhà kinh tế học Charan Singh chỉ ra rằng, trong khi Ấn Độ đang hoạt động rất tốt, với tốc độ tăng trưởng và nền kinh tế đang được quan tâm và lạm phát gần như được kiểm soát, thì nền kinh tế của Anh đang bị sụt giảm nghiêm trọng và không hoạt động tốt. Hơn nữa, sự sụt giảm của nền kinh tế Anh có thể có tác động đến cuộc bầu cử của nước này.

    Cần phải lưu ý rằng mặc dù tổng tỷ suất sinh của Ấn Độ đã giảm xuống mức thay thế "con số vàng" hai lần sinh trên một phụ nữ, dân số của quốc gia này sẽ tăng lên hơn 1,5 tỷ người vào năm 2030, trở thành nền dân số đông nhất trên thế giới. Trong khi đó, dân số Nhật Bản, quốc gia có nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, sẽ giảm xuống dưới 120 triệu người.

    Nguồn: TTXVN

  • Yếu tố duy nhất giúp Anh khác biệt với một nền kinh tế mới nổi là một cuộc khủng hoảng tiền tệ. Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cảnh báo nền kinh tế Anh sẽ rơi vào cuộc suy thoái dài nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 từ quý IV tới.

    Bất ổn về chính trị, gián đoạn chuỗi cung ứng, khủng hoảng năng lượng, và lạm phát leo thang khiến cho nước Anh ngày càng giống “một nền kinh tế mới nổi”, Ngân hàng đầu tư Saxo, Đan Mạch, nhận định.

    Ngân hàng trung ương Anh (BoE) tuần trước cảnh báo nền kinh tế Anh sẽ rơi vào cuộc suy thoái dài nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 từ quý IV tới, kéo tụt tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia này hơn 2,1%. Trong khi đó, lạm phát được dự báo đạt đỉnh ở ngưỡng 13% vào tháng 10 năm nay.

    Đáng chú ý, ngân hàng này dự báo kinh tế Anh sẽ không sớm phục hồi sau giai đoạn suy thoái này khi dự báo GDP tại thời điểm giữa năm 2025 vẫn thấp hơn 1,75% so với ngưỡng hiện tại.

    nuoc anh giong nen kinh te moi noi
    Người dân Anh đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng chi phí sống nghiêm trọng. Ảnh: Getty.

    Trong báo cáo nghiên cứu vào công bố ngày 8/8, Trưởng nhóm phân tích vĩ mô của ngân hàng Saxo Christopher Dembik nhận định nước Anh “ngày càng giống một nền kinh tế mới nổi.”

    Thủ tướng mới sẽ ra mắt người dân Anh vào ngày 5 tháng 9 tới sau khi ông Boris Johnson từ chức, với hai ứng cử viên Đảng Bảo thủ Liz Truss và Rishi Sunak đang khẩn trương chạy đua để trở thành chủ nhân mới của số 10 phố Downing. Ngoài việc khuyết vị trí người đứng đầu chính phủ, quốc gia này còn phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng chi phí sống nghiêm trọng nhất trong lịch sử, kéo tụt mức sống của người dân.

    Mức giá trần năng lượng tại Anh dự kiến sẽ tăng thêm 70% vào tháng 10 tới, kéo chi phí hóa đơn năng lượng trung bình hàng năm của quốc gia này lên trên ngưỡng 3.400 bảng (tương đương 4.118 USD),  đẩy hàng triệu hộ gia đình vào cảnh nghèo đói. Mức giá này dự kiến tiếp tục tăng vào đầu năm tới..

    Quốc gia này cũng đang phải đối mặt tình trạng đứt gãy dòng chảy thương mại gây ra bởi Brexit và đại dịch Covid-19.

    Dembik cho biết yếu tố duy nhất giúp Anh khác biệt với một nền kinh tế mới nổi là một cuộc khủng hoảng tiền tệ, nhờ vào sự ổn định của đồng bảng trong suốt thời gian qua dù phải đối diện với không ít “cơn gió chướng”.

    “Đồng bảng Anh chỉ giảm 0,7% so với đồng euro và 1,5% so với USD trong tuần qua. Đánh giá của chúng tôi là: sau khi thành công duy trì được tính ổn định trong giai đoạn hậu Brexit, không có nhiều yếu tố có thể khiến giá trị đồng tiền này rơi tự do ”.

    Tuy nhiên, ông nhận định khó khăn vẫn đang bủa vây lấy kinh tế Anh trong thời gian tới. Ví dụ, số lượng xe ôtô đăng ký mới, thường được coi như một chỉ dấu hàng đầu phản ánh sức khỏe của nền kinh tế Anh, đã giảm từ 1,835 triệu xe vào tháng 7/2021 xuống còn 1,528 triệu xe vào cùng kỳ năm nay.

    “Đây là mức thấp nhất kể từ cuối thập niên 70 của thế kỷ trước. Suy thoái sẽ kéo dài, sâu, rộng, và không sớm kết thúc. Đây là điều đáng lo ngại nhất theo quan điểm của chúng tôi", Dembik chia sẻ.

    “Suy thoái là điều mà Brexit chưa thể một mình làm được, nhưng cùng với đại dịch Covid và lạm phát leo thang, điều đó sẽ sớm xảy ra. Kinh tế Anh đang đổ vỡ”, ông nói.

    Theo ngân hàng này, niềm an ủi đối với kinh tế Anh chính là đợt tăng lãi suất tiếp theo của BoE vào tháng 9/2022, lần tăng lãi suất thứ 7 liên tiếp, có thể là đợt tăng lãi suất cuối cùng. 

    “Ngoài thị thị trường việc làm, xuất hiện một số các dấu hiệu cho thấy lạm phát có thể đang bắt đầu hạ nhiệt”, Dembik chia sẻ. 

    “Thêm vào đó, viễn cảnh về một cuộc khủng hoảng kéo dài (5 quý tăng trưởng âm bắt đầu từ quý IV/2022 cho đến quý IV/2023) chắc chắn sẽ khiến BoE thận trọng hơn trong mỗi quyết định chính sách tiền tệ của mình”

    Tác động lâu dài

    Ngân hàng này cho rằng cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ để lại những tác động lâu dài đối với xã hội Anh.

    "Hãy tưởng tượng hoàn cảnh của các sinh viên mới tốt nghiệp khi tham gia lực lượng lao động vào tháng 10/2009. Họ được an ủi rằng cuộc khủng hoảng tài chính năm đó chỉ là một sự cố hiếm gặp. Và hiện tại, khi ở độ tuổi ngoài 30, họ lại trải qua một giai đoạn khó khăn chưa từng có của nền kinh tế”, Dembik chia sẻ.

    “Trong hai năm qua, họ phải đối mặt với một nền kinh tế mà ở đó thu nhập suy giảm mạnh, khả năng sở hữu một căn nhà vượt khỏi tầm tay, hai năm cách ly xã hội vì Covid-19, hóa đơn năng lượng và tiền thuê nhà tăng cao. Và giờ đây, họ còn phải đối mặt với một cuộc suy thoái dự báo sẽ kéo dài. Điều này sẽ đẩy không ít người dân Anh vào cảnh nghèo đói và tuyệt vọng”, ông nói.

    BoE dự báo thu nhập khả dụng thực tế sau thuế của các hộ gia đình sẽ giảm 3,7% trong giai đoạn 2022-2023, trong đó, các hộ gia đình thu nhập thấp bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Dembik nhấn mạnh những nghiên cứu gần đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) chỉ ra rằng các hộ gia đình nghèo nhất ở Anh chịu tác động nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng chi phí sống tại châu Âu.

  • Kinh tế Anh đã giảm trong quý 2 vừa qua trong bối cảnh nền kinh tế nước này được dự báo có nguy cơ rơi vào suy thoái dưới thời một thủ tướng mới.

    Số liệu do Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) công bố ngày 12/8 cho thấy kinh tế Anh đã giảm trong quý 2 vừa qua trong bối cảnh nền kinh tế nước này được dự báo có nguy cơ rơi vào suy thoái dưới thời một thủ tướng mới.

    Theo ONS, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh trong quý 2 vừa qua đã giảm 0,1% sau khi tăng 0,8% trong 3 tháng trước đó.

    Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự báo kinh tế nước này có nguy cơ rơi vào suy thoái kéo dài 1 năm từ cuối năm nay khi mà người dân Anh tiếp tục phải hứng chịu cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt cùng với lạm phát ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ qua.

    nuoc anh suy thoai
    Người dân mua sắm tại một siêu thị ở London, Anh, ngày 13/2/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

    Giám đốc bộ phận thống kê kinh tế của ONS Darren Morgan cho rằng vấn đề sức khỏe cộng đồng là nguyên nhân chính khiến kinh tế Anh suy giảm trong khi nhiều nhà bán lẻ cũng trải qua một quý nhiều khó khăn.

    Mặc dù vậy, theo chuyên gia này, việc GDP quý 2 của Anh chỉ giảm 0,1%, thấp hơn mức dự báo trước đó (0,3%) là nhờ sự tăng trưởng trong các lĩnh vực như khách sạn, quán bar, làm đẹp và các sự kiện ngoài trời trong thời gian từ tháng 4-6, trong đó một phần là nhân dịp Đại lễ Bạch kim kỷ niệm 70 năm Nữ hoàng Anh Elizabeth II lên ngôi.

    Sau khi dữ liệu trên được công bố, Bộ trưởng Tài chính Anh Nadhim Zahawi cho biết ông sẽ làm việc với BoE để có thể kiềm chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế.

    Tuy nhiên, Thủ tướng Boris Johnson có thể sẽ không triển khai các biện pháp can thiệp tài chính lớn nào trước khi rời nhiệm sở vào tháng tới trong bối cảnh nhiều ý kiến kêu gọi chính phủ hành động ngay lập tức để giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt./.

    Theo TTXVN

  • Theo tờ Metro UK, 1/3 nhà hàng phục vụ fish and chips có thể đóng cửa vào cuối năm 2022 do giá dầu ăn tăng.

    Cụ thể, các chuyên gia ước tính rằng trong số khoảng 10,500 cửa hàng bán đồ ăn nhanh truyền thống của Anh - món cá và khoai tây chiên. Khoảng 3,500 số này có thể ngừng hoạt động. Nguyên nhân là do giá dầu hướng dương tăng, giá của một bình dầu 20 lít đã tăng từ 30 lên 44 bảng Anh.

    Ông Andrew Crook, chủ tịch Liên đoàn Các sản phẩm từ cá quốc gia Anh (NFFF), người sở hữu một quán ăn ở Lancashire, chia sẻ với Metro rằng ông tiêu thụ 200 lít dầu hướng dương mỗi tuần.

    fish and chips dong cua
    Anh có thể đóng cửa các quán ăn phục vụ cá và khoai tây chiên vì thiếu dầu ăn. (Ảnh: Global Look Press)

    Theo ông Crook, rất khó để thay thế chúng bằng các chất tương tự ở dạng dầu hạt cải dầu và dầu cọ. “Dầu hạt cải không có nhiều do năm ngoái mất mùa. Và giá dầu cọ đã tăng gấp đôi”, ông Crook nói.

    Gần đây, giá dầu hướng dương tăng mạnh liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine - quốc gia xuất khẩu sản phẩm này lớn nhất thế giới, chiếm 48% thị trường thế giới. Vị trí thứ hai thuộc về Nga chiếm 24%.

    Tại Tây Ban Nha, dầu ăn từ Ukraine đang ngày càng khan hiếm trên các kệ hàng siêu thị. Nhiều đơn vị bán lẻ đã phải áp dụng hạn mức mua từ 2-5 lít với mỗi khách hàng. Giá cả cũng đã tăng khoảng 2-3 lần, khiến gánh nặng chi phí lên doanh nghiệp và người tiêu dùng lại càng lớn hơn.

    Ông Javier Alvarez, chủ một nhà hàng cho biết: “Một năm trước chúng tôi có thể mua dầu với giá chỉ 0,8 Euro/lít, nhưng giờ đã lên tới 2,6 Euro - tăng 300%”.

    Trong khi đó, tại châu Á, Indonesia sẽ cấm xuất khẩu dầu cọ thô và dầu ăn nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng giá dầu ăn tăng mạnh ở nước này.

    Theo Bộ Công thương Indonesia, kể từ ngày 28/4/2022, Indonesia sẽ cấm xuất khẩu toàn bộ dầu cọ thô (CPO) và dầu ăn với thời hạn cấm không xác định.

    Việc này đưa ra trong bối cảnh chính phủ Indonesia ứng phó với cuộc khủng hoảng giá dầu ăn trong nước tăng mạnh từ đầu năm 2022 trở lại đây, tăng hơn 40%.

    “Chính phủ đã quyết định cấm xuất khẩu mặt hàng dầu ăn và các nguyên liệu thô kể từ ngày 28/4. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi để đảm bảo nguồn dầu ăn trong nước dồi dào và có giá cả hợp lý”, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói.

    Dù là nước xuất khẩu dầu ăn số 1 thế giới, chủ yếu là dầu cọ, nhưng nước này lại thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu hụt. Giới chức Indonesia cho biết, đây là giải pháp cuối cùng, sau khi nhiều biện pháp giữ giá và đảm bảo nguồn cung nội địa không đạt kết quả.

    Bộ Công thương Indonesia nhận định, nhiều khả năng, Jakarta sẽ sớm phải xem xét, điều chỉnh quyết định này do lệnh cấm sẽ dẫn tới tác động tiêu cực ngành công nghiệp dầu cọ của nước này khi có khả năng dư thừa nguồn cung tới 60%.

    Theo Infonet

  • london lay lai ngoi vuong 2

    New York, Tokyo và Paris có số lượng người siêu giàu cao nhất, trong khi London được xếp hạng là thành phố hàng đầu về lối sống và đầu tư.

    Hai năm trước, đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều tỷ phú USD phải lên máy bay rời khỏi các thành phố lớn trên thế giới. Tuy nhiên, khi đại dịch phần lớn đã được khống chế, các siêu đô thị cũng đang dần lấy lại được vị thế của mình trong mắt giới siêu giàu.

    Theo Báo cáo về tài sản 2022 của Knight Frank, New York, Tokyo và Paris là những nơi sinh sống hàng đầu được giới siêu giàu ưa thích, tiếp theo là London và Los Angeles. Thủ đô của Vương quốc Anh được xếp hạng là nơi hàng đầu về lối sống và đầu tư.

    Flora Harley, phó tổng biên tập của Wealth Report tại Knight Frank, cho biết: "Khả năng phục hồi của các thành phố khi đối mặt với đại dịch Covid-19 là rất rõ ràng. Khi nhớ lại cuộc di cư ồ ạt vào năm 2020 đã nhanh chóng dẫn đến "hiệu ứng boomerang", cho thấy cỏ không phải lúc nào cũng xanh hơn khi tránh khỏi nhịp sống hối hả và nhộn nhịp của cuộc sống đô thị".

    london lay lai ngoi vuong 2
    Các quốc gia có nhiều người sở hữu khối tài sản lớn nhất

    Báo cáo này của Knight Frank được đối chiếu trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, gây ra cuộc khủng hoảng địa chính trị tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Thị trường chứng khoán cũng đã sụt giảm trong năm nay do lo ngại về tốc độ thắt chặt tiền tệ. Điều này đã làm "bay màu" một số khoản thu về tài sản lớn nhất trong lịch sử, mặc dù phần lớn vẫn còn nguyên vẹn.

    Báo cáo cho thấy số lượng cá nhân sở hữu khối tài sản cực lớn tăng 9,3% trong năm ngoái khi ngân hàng trung ương nới lỏng để chống lại ảnh hưởng của đại dịch đã dẫn đến sự gia tăng giá nhà và cổ phiếu. Sàn môi giới dự đoán số người có tài sản hơn 30 triệu USD sẽ tăng hơn gấp đôi trong vòng một thập kỷ, đến năm 2026 sẽ lên 783.671 người.

    Trong đó, châu Á vượt qua châu Âu để trở thành khu vực có số lượng người siêu giàu thứ hai bất chấp chiến dịch "thịnh vượng chung" của Trung Quốc. Theo Chỉ số tỷ phú Bloomberg, Trung Quốc là quốc gia có nhiều tỷ phú hàng đầu sau Mỹ.

    Báo cáo của Knight Frank cũng cho thấy chi phí của những ngôi nhà sang trọng đã tăng kỷ lục vào năm ngoái. Trong khi Dubai dẫn đầu với mức tăng 44%, Monaco là nơi dùng 1 triệu USD mới có thể mua được bất động sản đắc địa nhất.

    london lay lai ngoi vuong 2
    Monaco được xếp hạng là nơi có giá bất động sản đắt nhất

    Theo Cafef

  • Vương quốc Anh đã ghi nhận mức tăng trưởng nhanh nhất trong G7 vào năm 2021, theo số liệu công bố ngày 11/2.

    Mức tăng GDP 7,5% của Vương quốc Anh trong năm 2021 là mức tăng trưởng nhanh nhất được thấy trong số các nước G7. Con số này vượt qua Mỹ (tăng trưởng 5,7%), Pháp (+ 7%), Đức (+ 2,7%) và Ý (+ 6,5%) cũng như EU (+ 5,2%), và có khả năng sẽ cao hơn Canada và Nhật Bản.

    Con số 7,5% cũng là mức tăng trưởng năm cao nhất của Anh kể từ 1941. Sự lạc quan mới nhất trái ngược với kinh tế Anh kết thúc năm 2020 với mức suy giảm nghiêm trọng, đạt âm 9,9%.

    kinh te anh cao nhat G7

    Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Anh vừa qua lại cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP, cảnh báo rằng tác động của lạm phát có nghĩa là nền kinh tế có khả năng tăng trưởng 3,75% vào năm 2022 thay vì 5% như dự kiến trước đó.

    Ngân hàng Trung ương Anh cũng cảnh báo rằng tăng trưởng vào năm 2022 sẽ bị kéo xuống do thu nhập thực tế của hộ gia đình bị thu hẹp lớn nhất trong 30 năm vì lạm phát gia tăng, thuế cao hơn và chi phí năng lượng tăng cao.

    Bất chấp những dự báo ảm đạm, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak vẫn lạc quan. Ông nói: "Nhờ gói hỗ trợ trị giá 400 tỷ bảng và các quyết sách phù hợp vào đúng thời điểm, nền kinh tế đã có khả năng phục hồi đáng kể. Vương quốc Anh chứng kiến mức tăng trưởng nhanh nhất trong G7 vào năm 2021 và GDP duy trì ở mức trước đại dịch vào tháng 12."

    "Tôi tự hào về quyết tâm mà cả đất nước đã chứng minh, và tự hào về chương trình vaccne tuyệt vời của chúng tôi đã cho phép nền kinh tế mở cửa."

    Những tin vui đã đến với nước Anh vào đầu năm mới 2022, khi nền kinh tế ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ, vượt mức trước đại dịch Covid-19. Nới lỏng dần các biện pháp hạn chế kết hợp đẩy mạnh tiêm chủng là yếu tố then chốt giúp phát triển kinh tế sau khoảng thời gian nước Anh lao đao vì đại dịch.

    Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) tuyên bố, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ước tính tăng 0,9% trong tháng 11/2021, cao hơn mức trước khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát. Đây là một tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế của “xứ sở sương mù”.

    Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak nhấn mạnh, kết quả lạc quan này chính là minh chứng cho sự gan dạ và quyết tâm của người dân Anh. Mức độ phục hồi của nền kinh tế Anh thậm chí còn vượt qua các dự báo được đưa ra trước đó. Hồi tháng 10/2021, giới chuyên gia cho rằng, kinh tế Anh sẽ phục hồi về bằng mức trước đại dịch vào cuối năm 2021, đầu năm 2022. 

    Sở dĩ nước Anh, một trong những quốc gia châu Âu từng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, đạt được những triển vọng tăng trưởng kinh tế tươi sáng nêu trên là bởi nhu cầu tiêu dùng gia tăng sau khi Anh quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế. Hồi quý II/2021, giữa lúc phần lớn các nước châu Âu bước vào những đợt phong tỏa mới để kiểm soát số ca mắc Covid-19 gia tăng, Thủ tướng Anh Boris Johnson lại thông báo kế hoạch nhằm giảm bớt các biện pháp hạn chế chống dịch và dần nối lại hoạt động du lịch quốc tế. Người dân được phép tới các cửa hàng bán đồ không thiết yếu, nhà hàng, quán bar; các trường học cũng được mở cửa trở lại. Ngay sau đó, bức tranh kinh tế Anh dần khởi sắc, với sự phục hồi mạnh mẽ của lĩnh vực dịch vụ. Nước Anh đạt mức tăng trưởng khá ấn tượng trong quý II/2021, với sản lượng trong lĩnh vực lưu trú và thực phẩm tăng vọt 87,6%.

    Mặc dù kinh tế Anh đang trên đà phục hồi song vẫn được cảnh báo là còn nhiều rủi ro phía trước. Nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn nghiên cứu kinh tế Pantheon Macroeconomics, ông Samuel Tombs nhận định, triển vọng kinh tế của Anh thời gian tới chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng khi các hộ gia đình phải tuân thủ một số biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm của biến thể Omicron của vi-rút SARS-CoV-2. Sự hoành hành của biến thể Omicron, đang dần thay thế biến thể Delta trở thành biến thể chủ đạo ở một số nước châu Âu, chính là rào cản lớn nhất đối với nỗ lực phát triển kinh tế ở Anh. 

    Mới đây, Hiệp hội Bán lẻ Anh cảnh báo, các hạn chế nhằm ứng phó nguy cơ lây nhiễm biến thể Omicron có nguy cơ làm chệch hướng đà phục hồi kinh tế. Hiện các siêu thị tại Anh đang nỗ lực tránh thua lỗ. Siêu thị Tesco, nhà bán lẻ lớn nhất nước Anh, công bố doanh số bán hàng tăng 3,2% trong dịp nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới vừa qua. 

    Biến thể Omicron là nguyên nhân khiến tỷ lệ trẻ em nhập viện đang gia tăng ở Anh. Nghiên cứu mới đây cho thấy, 42% số trẻ em mắc Covid-19 phải nhập viện là dưới 1 tuổi, cao hơn so với tỷ lệ khoảng 30% trong các đợt bùng phát dịch trước đó. Giới chức Anh khẳng định, tất cả người dân đều đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đời sống, công việc của cả cộng đồng, do đó cần sớm tiêm mũi vắc-xin ngừa Covid-19 tăng cường nhằm bảo vệ các thành quả phục hồi kinh tế. 

    Triển vọng phát triển kinh tế của các quốc gia phụ thuộc phần nhiều vào diễn biến dịch bệnh. Khi dịch Covid-19 vẫn tiếp tục hoành hành trên thế giới với sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron như hiện nay, tiếp tục áp dụng các quy định phòng dịch và thúc đẩy chương trình tiêm vắc-xin tăng cường là những biện pháp cần thiết để góp phần bảo vệ các thành tựu kinh tế mà nước Anh đã phải trải qua nhiều khó khăn mới đạt được.

    Theo BBC Tiếng Việt

  • Trung Quốc sở hữu tài sản ròng 120 nghìn tỷ USD, tăng gấp 17 lần trong hai thập kỷ qua và vượt mặt Mỹ, nước có 90 nghìn tỷ USD.

    Bloomberg ngày 15/11 dẫn báo cáo của nhóm nghiên cứu công ty tư vấn quản lý McKinsey & Co, một trong ba công ty tư vấn lớn nhất toàn cầu, cho thấy giá trị tài sản ròng của thế giới đã tăng lên 514 nghìn tỷ USD năm 2020, mức chưa từng có, so với 156 nghìn tỷ USD trong năm 2000.

    Trong đó, khối tài sản của Trung Quốc đã tăng từ mức 7 nghìn tỷ USD năm 2000 lên 120 nghìn tỷ USD năm nay, chiếm 1/3 tài sản ròng của thế giới. Đây là mức tăng trưởng khổng lồ so với thời điểm nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001.

    Tài sản của Mỹ cũng tăng gấp đôi trong giai đoạn 2000-2020, lên mức 90 nghìn tỷ USD, nhưng đã bị Trung Quốc soán ngôi giàu nhất thế giới. "Thế giới đang giàu có hơn bao giờ hết", Jan Mischke, một đối tác tại McKinsey Global Institute ở Zurich, Thụy Sĩ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

    Để thực hiện báo cáo này, McKinsey & Co nghiên cứu các báo cáo tình hình tài chính quốc gia của 10 nước đại diện cho hơn 60% thu nhập của thế giới. Nhóm nghiên cứu của công ty xây dựng báo cáo bằng cách cộng tất cả tài sản thực trong nền kinh tế cũng như tất cả tài sản tài chính trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực tài chính, tương tự cách một công ty xây dựng báo cáo tình hình tài chính.

    trung quoc giau nhat the gioi
    Một góc thành phố Thượng Hải, Trung Quốc năm 2016. Ảnh: AFP.

    Trung Quốc và Mỹ là những nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng tỷ lệ tài sản lớn nhất thế giới lại do 10% gia đình giàu nhất nắm giữ. Báo cáo cho thấy họ đang ngày càng giàu hơn trong hai thập kỷ qua.

    Báo cáo của McKinsey cũng cho biết 68% giá trị ròng toàn cầu gắn liền với bất động sản. Các tài sản còn lại bao gồm máy móc, cơ sở hạ tầng, thiết bị, bằng sáng chế và tài sản trí tuệ.

    Mức tăng giá trị tài sản ròng trong hai thập kỷ qua đã vượt mức tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, phần lớn do giá bất động sản tăng cao.

    Giá trị bất động sản tăng mạnh có thể khiến nhiều người không có khả năng mua nhà và làm tăng nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài chính, như cuộc khủng hoảng xảy ra tại Mỹ năm 2008 sau khi bong bóng nhà đất vỡ. Trung Quốc có thể gặp rắc rối tương tự vì nợ của các nhà phát triển bất động sản như China Evergrande Group.

    Theo VnExpress

  • Trong phiên giao dịch 31/3, giá cổ phiếu của công ty cung cấp dịch vụ giao đồ ăn trên nền ứng dụng Deliveroo (Anh) đã giảm 23% khi ra mắt trên thị trường chứng khoán London.

    Thương vụ IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) của Deliveroo được đánh giá là lớn nhất tại “xứ sở sương mù” trong 10 năm qua với trị giá 7,6 tỷ bảng Anh (tương đương khoảng 10,45 tỷ USD), sau khi công ty 8 năm tuổi này “tận hưởng” doanh thu tăng vọt trong thời kỳ đại dịch COVID-19 bùng phát.

     117380416 gettyimages 1230412922

    Vào đầu tuần này, Deliveroo nhận định các tổ chức trên toàn cầu có nhu cầu rất lớn đối với cổ phiếu của công ty này.

    Tuy nhiên, một số doanh nghiệp quản lý tài sản đã quyết định không mua cổ phiếu của Deliveroo, với lý do điều kiện làm việc của những nhân viên giao hàng không được đảm bảo.

    Ngay khi ra mắt thị trường, giá cổ phiếu của Deliveroo đã giảm xuống 3,02 bảng/cổ phiếu sau đợt chào bán công khai lần đầu là 3,90 bảng/cổ phiếu.

    Mở cửa phiên giao dịch 31/3 giá cổ phiếu của công ty trên đã giảm 15% trước khi các nhà đầu tư tổ chức - những người đầu tiên được phép mua và bán cổ phiếu Deliveroo - đẩy giá xuống thấp hơn.

    Deliveroo mới chỉ bán hơn 1/5 lượng cổ phiếu của công ty, và công chúng có thể bắt đầu giao dịch cổ phiếu của công ty này từ ngày 7/4.

    Trong một tuyên bố, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Will Shu cho biết với tư cách là một công ty đại chúng, trong giai đoạn tiếp theo Deliveroo sẽ tiếp tục đầu tư vào những cải tiến giúp các nhà hàng và cửa hàng tạp hóa phát triển hoạt động kinh doanh, mang đến cho khách hàng nhiều sự lựa chọn hơn đồng thời tạo thêm nhiều việc làm hơn.
    Đến nay, Deliveroo vẫn khẳng định rằng những nhân viên giao hàng của công ty này - khoảng 100.000 người tại 800 thành phố trên toàn thế giới - đánh giá cao tính linh hoạt mà công việc mang lại.

    Tuy nhiên, mô hình kinh doanh của công ty này đang chịu sự giám sát chặt chẽ, tại cả ở Anh, Pháp và Tây Ban Nha, trước các cuộc biểu tình, đình công tại Australia, Anh và Pháp.

    Dù vậy, thương vụ IPO nói trên của Deliveroo được xem là một cú huých lớn cho lĩnh vực tài chính của London, vốn đã đánh mất “ngôi vương” về giao dịch chứng khoán ở châu Âu cho Amsterdam sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU)./.

    Nguồn: BNews

  • Covid-19 đã "thổi bay" tất cả thành quả tăng trưởng của kinh tế Anh trong 7 năm qua, đưa nước này trở về quy mô tương đương với năm 2013...

    photo1613216740858 1613216741258693200109

    Theo số liệu từ Bộ Tài chính Anh, nền kinh tế nước này vừa có một năm giảm mạnh nhất trong hơn 300 năm với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sụt 9,9% trong năm 2020. 

    Dù mức lao dốc 9,9% bớt nghiêm trọng hơn so với các dự báo, nhưng con số này đã vượt qua mức giảm 9,7% của kinh tế nước này trong Đại Suy thoái năm 1921. Đây cũng là mức suy giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1709, theo dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Anh. Đó là khi châu Âu trải qua mùa đông khắc nghiệt nhất trong 500 năm, gây ra tử vong trên diện rộng và hủy hoại nền kinh tế nghiêm trọng.

    "Lần này, một đại dịch là thủ phạm, còn khi đó (năm 1709) thủ phạm là Khủng hoảng Sương mù với biển Bắc đóng băng và cuộc chiến giành quyền kế vị tại Tây Ban Nha", chiến lược gia Kit Juckes của Societe Generale cho biết trong một báo cáo nghiên cứu ngày 12/2.

    Dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cho thấy kinh tế nước này đã có dấu hiệu phục hồi phần nào trong những tháng cuối của năm 2020 với GDP tăng 1% trong quý 4. Tuy nhiên, GDP có sự chênh lệnh lớn giữa tháng 10 và tháng 12, chủ yếu do các biện pháp hạn chế đi lại và giãn cách được tái áp dụng để ngăn chặn dịch bệnh.

    Anh là một trong những nền kinh tế lớn hứng chịu suy thoái mạnh nhất trong năm 2020. Đức, nền kinh tế lớ nhất châu Âu, có mức suy giảm ít nghiêm trọng hơn trong năm qua so với thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ước tính sơ bộ cho thấy kinh tế Đức giảm 5% trong năm 2020. Trong khi đó, GDP của Liên minh châu Âu (EU) được dự báo sẽ giảm 6,4%, theo Eurostat. Kinh tế Mỹ thậm chí "làm tốt hơn" với GDP chỉ giảm 3,5% so với năm trước.

    "Số liệu công bố hôm nay cho thấy kinh tế Anh đã chịu cú sốc lớn gây ra bởi đại dịch - cuộc khủng hoảng cũng xảy ra tại các quốc gia khác trên thế giới", Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết. "Dù có một số tín hiệu tích cực về sự phục hồi của nền kinh tế trong mùa đông, chúng tôi biết rằng các biện pháp phong tỏa phòng dịch hiện tại sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới người dân và doanh nghiệp Anh".

    Đợt phong tỏa trên toàn quốc mới tại Anh, được áp dụng từ ngày 5/1, được dự báo sẽ gây tác động lớn tới nền kinh tế nước này trong quý 1/2021, đảo ngược đà tăng trưởng của quý 4/2020.

    "Có vẻ như Anh chỉ có thể trì hoãn được đợt suy thoái kép chứ không tránh được hoàn toàn", Sam Miley, nhà kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh tại London, nhận xét.

    Các nhà xuất khẩu tại Anh đang phải vật lộn để đưa sản xuất vào châu Âu do bị trì hoãn tại biên giới cũng như hàng loạt quy định mới trong hệ thống hải quan mới sau khi Anh rời khỏi EU. Các công ty bán thực phẩm tươi, như thủy hải sản và thịt, thậm chí phải bỏ sản phẩm vì không thể xuất khẩu. Kể cả khi tình hình được cải thiện, các thỏa thuận thương mại mới được dự báo sẽ làm tăng chi phí cho các doanh nghiệp Anh - vốn có hoạt động xuất nhập khẩu phụ thuộc lớn vào châu Âu.

    Đại dịch Covid-19 đã khiến hơn 25% người trưởng thành tại Anh bị ảnh hưởng tài chính, với khối nợ khổng lồ hoặc không có đủ tiết kiệm để vượt qua những "những sự kiện tiêu cực trong đời" như bị sa thải, giảm giờ làm hoặc bệnh tật, theo một khảo sát được Cơ quan Quản lý Tài chính (FCA) công bố ngày 11/2.

    Kết quả khảo sát cho thấy gần 40% người trưởng thành Anh bị ảnh hưởng tài chính do đại dịch, trong đó người lao động trẻ, người da màu và những người tự doanh chịu tác động lớn nhất.

    Tuy nhiên, 50% số người tham gia khảo sts của FCA cho biết đại dịch không làm xáo trộn tình hình tài chính của họ, trong đó có khoảng 15% giàu hơn trong đại dịch. Ông Andy Haldane, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương Anh, cho rằng đây sẽ là nền tảng để thúc đẩy tiêu dùng.

    "Việc triển khai nhanh chóng chương trình tiêm chủng trên khắp Vương quốc Anh là yếu tố quyết định để xoay chuyển tình thế trong cuộc chiến chống Covid-19", ông Haldane cho biết. "Đây cũng là yếu cố quyết định để xoay chuyển nền kinh tế, với một lượng lớn năng lượng tài chính dồn nén đang chờ được giải phóng, giống như một chiếc lò xo cuộn vậy".

    Theo VnEconomy

  • Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp dự đoán rằng việc phong tỏa vì virus corona do chính phủ Anh thực hiện sẽ buộc ít nhất 1/4 triệu doanh nghiệp nhỏ phải đóng cửa Anh nếu họ không nhận được tiền cứu trợ.

    doanh nghiep nho o anh
    (Ảnh minh họa)

    Theo một cuộc khảo sát do Liên đoàn các doanh nghiệp nhỏ Anh (FSB) thực hiện, dự kiến trong năm tới ít nhất 250.000 doanh nghiệp nhỏ sẽ phá sản.

    Số lượng doanh nghiệp cho biết họ đang trên bờ vực sụp đổ là cao nhất kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng kinh tế do virus corona gây ra và các hạn chế hà khắc tiếp theo được đưa ra buộc công chúng phải tuân theo.

    Số liệu này không đại diện cho các doanh nghiệp đang hy vọng tránh được việc phá sản bằng cách đóng băng các hoạt động của mình, sa thải nhân viên, hoặc gánh một khoản nợ đáng kể để duy trì hoạt động.

    Trong số các doanh nghiệp được khảo sát, 23% doanh nghiệp nhỏ đã cắt giảm số lượng nhân viên trong quý vừa qua, tăng 10% so với đầu năm ngoái.

    Khoảng 14% doanh nghiệp nhỏ cho biết họ sẽ buộc phải cắt giảm số lượng nhân viên trong ba tháng tới.

    Số lượng doanh nghiệp nhỏ dự đoán lợi nhuận của họ sẽ giảm trong quý tới cũng đạt mức cao kỷ lục, với 58% doanh nghiệp lo sợ lợi nhuận sẽ giảm.

    Chủ tịch quốc gia của Liên đoàn các doanh nghiệp nhỏ, ông Mike Cherry, cho biết: “Hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp không theo kịp các biện pháp hạn chế ngày càng tăng. Do đó, chúng ta có nguy cơ mất đi hàng trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ rất hữu ích trong năm nay, gây ra tổn thất khổng lồ cho các cộng đồng địa phương và sinh kế cá nhân.”

    “Một con số kỷ lục [doanh nghiệp] cho biết họ lên kế hoạch đóng cửa trong 12 tháng tới, và họ đã nói điều đó thậm chí trước khi có tin tức về đợt phong tỏa mới nhất.”

    Ông Cherry nói thêm: “Có những biện pháp cứu trợ có ý nghĩa không thể tốt hơn nữa đối với các doanh nghiệp bán lẻ, dịch vụ giải trí, và dịch vụ du lịch-nhà hàng-khách sạn rất được hoan nghênh. Tuy nhiên, Chính phủ này cần phải nhận ra rằng cộng đồng doanh nghiệp nhỏ lớn hơn nhiều so với ba lĩnh vực này.”

    Chủ tịch FSB kết luận: “Chính phủ này có thể ngăn chặn tổn thất và bảo vệ các doanh nghiệp trong tương lai, nhưng chỉ khi họ hành động ngay bây giờ.”

    Những cảnh báo nghiêm trọng của các doanh nghiệp nhỏ được đưa ra khi lệnh phong tỏa quốc gia mới nhất do Thủ tướng Boris Johnson áp đặt dự kiến sẽ đẩy hàng triệu công nhân quay lại chương trình nghỉ phép. Nguồn tiền của chương trình nghỉ phép tại Anh đến gần như hoàn toàn từ tiền của người đóng thuế. Chương trình này đã làm Bộ Tài chính Anh tiêu tốn hơn 46 tỷ bảng Anh và dự kiến sẽ chỉ có tăng cao hơn nữa trong thời gian tới.

    Viện Nghiên cứu Việc làm (IES) dự đoán rằng việc đóng cửa các trường học có thể dẫn đến 5 đến 6 triệu người bị buộc phải nhận các khoản trợ cấp của chính phủ để tồn tại, tăng từ mức 3 triệu người vào cuối năm ngoái.

    Trong một cuộc phỏng với với Breitbart London vào tháng 10, một nữ doanh nhân người Anh cho biết cô đổ lỗi “100%” cho chính phủ về việc doanh nghiệp của cô sụp đổ, nói rằng việc phong tỏa “đã giết chết” doanh nghiệp của cô và khiến cô mất “tất cả những gì cô có”.

    Cô ấy chỉ trích: “Điều đó [việc phong tỏa] đang giết chết nền kinh tế, nó đang giết người, ngăn chặn mọi người đến thăm người thân đang nằm trong bệnh viện, trong nhà chăm sóc, nó đang gây tổn hại cho mọi lĩnh vực của cuộc sống.”

    Gia Huy (Theo Breitbart/Trí Thức VN)

  • Báo cáo kết quả kinh doanh của tập đoàn năng lượng BP cho biết họ lỗ ròng trong cả năm 2020 sau 12 tháng đầy biến động với ngành dầu khí toàn cầu với hàng loạt tin xấu.

    ga khong lo bp

    Công ty dầu khí có trụ sở tại Vương quốc Anh vừa công bố khoản lỗ lên tới 5,7 tỷ USD trong năm 2020, cao hơn so với dự báo của các chuyên gia kinh tế.

    Giá dầu và khí đốt giảm được coi là nguyên nhân chính dẫn tới cú lỗ của BP. Công ty tiếp tục cảnh báo đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu được kiểm soát có thể tiếp tục ảnh hưởng lên hoạt động của BP.

    "Đó là một năm khó khăn với tất cả mọi người. Kết quả kinh doanh cả năm của chúng tôi bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19", CEO Bernard Looney của BP chia sẻ với báo giới ngay sau khi kết quả kinh doanh được công bố.

    Ông Looney gọi những gì mà con người trải qua trong năm 2020 là "cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ những năm 40". Với ngành kinh doanh dầu mỏ, Looney mô tả đó là "một năm tàn bạo" khi giá dầu có lúc âm, nhu cầu giảm 14% trong khi một nửa nhu cầu xăng dầu của ngành hàng không cũng đã bị sụt giảm. Hàng loạt những điều chỉnh tác động tới toàn bộ các hoạt động kinh doanh.

    Những cú sốc lịch sử với giá dầu năm 2020 khiến người đứng đầu cơ quan Năng lượng Quốc tế phải nói rằng đây có lẽ là năm tồi tệ nhất lịch sử thị trường dầu mỏ. Các công ty dầu mỏ lớn không tránh được ảnh hưởng. Họ chỉ còn biết hy vọng vào sự phục hồi kinh tế trong năm 2021, kéo theo nhu cầu với nhiên liệu phục hồi trong những tháng tới.

  • Anh chính thức bỏ thuế giá trị gia tăng (VAT) 5% đối với các sản phẩm dành riêng cho phụ nữ khi đến chu kỳ, còn được gọi là “thuế băng vệ sinh”.

    thue bang ve sinh
    Các sản phẩm vệ sinh phụ nữ ở Anh đã được miễn thuế. ẢNH CHỤP MÀN HÌNH CNN

    Theo CNN, quy định áp dụng từ ngày 1.1 và chính phủ Anh cho hay thay đổi này được áp dụng vào cuối thời kỳ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), và không bị ràng buộc bởi luật pháp của EU bắt buộc áp thuế VAT đối với các sản phẩm như băng vệ sinh.

    “Tôi tự hào rằng ngày nay chúng ta đã thực thi được lời hứa loại bỏ thuế băng vệ sinh. Các sản phẩm vệ sinh đó là thiết yếu nên việc không áp thuế VAT là điều đúng đắn”, theo Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak.

    Các nhà vận động trước đó trong nhiều năm liền đã kêu gọi hủy bỏ thuế suất này vì cho rằng điều đó “lạc hậu” và “phân biệt giới tính”.

    “Thật là một chặng đường dài để đến được đây, nhưng sau cùng thuế suất phân biệt giới tính và xem các sản phẩm vệ sinh là xa xỉ, không thiết yếu đã có thể đi vào sử sách”, theo bà Felicia Willow đứng đầu tổ chức Fawcett Society, tổ chức lâu đời nhất ở Anh hoạt động vì quyền phụ nữ và bình đẳng giới.

    Vào tháng 11.2020, Scotland trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép tiếp cận miễn phí các sản phẩm vệ sinh phụ nữ tại các cơ sở công cộng.

    Trên thế giới, chỉ có vài nước không áp thuế đối với nhóm sản phẩm này, gồm Canada, Ấn Độ, Úc, Kenya và nhiều bang ở Mỹ. Năm ngoái, Đức bỏ phiếu giảm thuế đối với băng vệ sinh phụ nữ sau khi xem đó là nhóm hàng thiết yếu chứ không phải xa xỉ.

  • SACRAMENTO, California (NV) – Trong dịch COVID-19, các doanh nghiệp nhỏ phải chịu nhiều khó khăn nhất vì phải đóng cửa hay phải thay đổi cách làm việc. Vì vậy, California có chương trình trợ cấp mới, bỏ ra $500 triệu để giúp các doanh nghiệp nhỏ vào đầu năm 2021.

    california tro cap doanh nghiep nho 1
    California ưu tiên trợ cấp cho các doanh nghiệp như nhà hàng. (Hình minh họa: Patrick T. Fallon/AFP via Getty Images)

    Các doanh nghiệp nhỏ phải chịu nhiều giới hạn do các quy định y tế và an toàn trong đại dịch, ảnh hưởng nhiều đến chuyện làm ăn. Vì vậy, họ có thể nhận được tiền trợ cấp tối đa $25,000 vào đầu năm 2021 nếu được chọn.

    Chủ doanh nghiệp có thể ghi danh cho chương trình trợ cấp này trong hai đợt. Đợt đầu bắt đầu từ ngày 30 Tháng Mười Hai đến 8 Tháng Giêng, và những tổ chức bất vụ lợi cũng có thể ghi danh.

    Nếu được chọn, các doanh nghiệp nhỏ có thể được trợ cấp ít nhất $5,000 và tối đa là $25,000.

    Điều kiện

    1-Doanh nghiệp nộp đơn phải hoạt động trong dịch COVID-19.

    2-Doanh nghiệp phải khai trương từ ngày 1 Tháng Sáu, 2019, hoặc trước đó.

    3-Thu nhập mỗi năm trong khoảng $1,000 đến $2.5 triệu.

    4-Doanh nghiệp phải bị ảnh hưởng vì các giới hạn y tế và an toàn trong dịch COVID-19.

    5-Phải sử dụng tiền trợ cấp của tiểu bang cho các chi phí liên quan đến dịch COVID-19.

    6-Doanh nghiệp phải có kế hoạch mở cửa lại rõ ràng khi tiểu bang California cho phép họ mở cửa lại.

    Các giấy tờ cần nộp

    1-Các doanh nghiệp phải nộp đơn ghi danh cho chương trình trợ cấp. Xin tải đơn tại trang web careliefgrant.com/wp-content/uploads/2020/12/Fillable-Business-Certifications-For-Profit-vFINAL-12.29.20-1.pdf.

    2-Căn cước (ID) có hình do chính phủ cấp.

    california tro cap doanh nghiep nho 1
    Tiệm hớt tóc là một trong những doanh nghiệp được ưu tiên. (Hình: Valerie Macon/AFP via Getty Images)

    3-Hồ sơ thuế mới nhất (năm 2019 hoặc năm 2018).

    Những doanh nghiệp được chọn để nhận trợ cấp phải nộp thêm các giấy tờ như giấy phép thương mại, hay giấy chứng minh thành lập doanh nghiệp. Họ cũng phải nộp thêm giấy chứng minh từ ngân hàng.

    Một doanh nghiệp có nhiều chi nhánh chỉ được ghi danh và nhận trợ cấp một lần.

    Quá trình xét duyệt

    Chương trình trợ cấp cho doanh nghiệp nhỏ của California này sẽ do tiểu bang xét duyệt từng doanh nghiệp. Những doanh nghiệp nộp đơn sớm hơn không có nghĩa là được chọn.

    Công ty Lendistry sẽ thay mặt tiểu bang California để chọn những doanh nghiệp được trợ cấp.

    Những doanh nghiệp có các điều kiện dưới đây sẽ được ưu tiên:

    1-Nằm trong những khu vực chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tiêu chuẩn chọn sẽ dựa theo quy định an toàn của tiểu bang và tình trạng của quận hạt ra sao.

    2-Mất thu nhập nhiều vì dịch COVID-19.

    3-Thuộc các ngành nghề bị ảnh hưởng như bán lẻ, thực phẩm, sức khỏe, và chăm sóc bản thân như tiệm nail, tiệm tóc.

    4-Các doanh nghiệp do phụ nữ hoặc người thiểu số hay cựu chiến binh làm chủ.

    5-Các doanh nghiệp tại những khu có thu nhập thấp hay những vùng hẻo lánh.

    Những điều cần lưu ý

    Công ty Lendistry sẽ chọn những doanh nghiệp được trợ cấp theo hai vòng.

    Trong vòng đầu tiên, các doanh nghiệp phải nộp đơn ghi danh cùng căn cước và hồ sơ thuế. Nếu được chọn vào vòng hai, các doanh nghiệp sẽ phải nộp thêm các giấy tờ cần thiết do Lendistry yêu cầu, trong đó có giấy phép thương mại.

    Lendistry sẽ thay mặt tiểu bang California và gửi tiền trợ cấp đến các doanh nghiệp được chọn.

    california tro cap doanh nghiep nho 1
    Mẫu đơn phải được scan và gửi qua đường điện toán cho Lendistry như hình bên trái. Người ghi danh không được chụp hình đơn ghi danh. (Hình: CA Relief Grant)

    Đợt ghi danh đầu tiên bắt đầu từ ngày 30 Tháng Mười Hai và kết thúc ngày 8 Tháng Giêng. Những doanh nghiệp chưa được chọn trong đợt đầu sẽ được đưa vào đợt thứ hai.

    Tuy nhiên, California chưa công bố đợt ghi danh nhận trợ cấp cho doanh nghiệp nhỏ bắt đầu vào ngày nào.

    Những doanh nghiệp có thu nhập từ $1,000 đến $100,000 mỗi năm sẽ nhận được trợ cấp $5,000.

    Những doanh nghiệp có thu nhập từ $100,000 đến $1 triệu sẽ nhận được $15,000.

    Những doanh nghiệp có thu nhập $1 triệu đến $2.5 triệu sẽ nhận được trợ cấp $25,000.

    Các doanh nghiệp phải nộp các giấy tờ cần thiết qua máy điện toán. Nếu không máy scan, tiểu bang California đề nghị họ sử dụng các “app” miễn phí như Genius Scan và Adobe Scan trên điện thoại để lưu các giấy tờ cần nộp vào máy điện toán. Người ghi danh không được chụp hình các hồ sơ cần nộp.

    Để ghi danh và biết thêm chi tiết về chương trình trợ cấp cho doanh nghiệp nhỏ của California, xin vào trang web sbdc.mylendistry.com/grant

    Nguồn: Người Việt

  • Anh có thể cạn nguồn thực phẩm tươi sau vài ngày nữa do hàng nghìn xe tải chở hàng đang bị tắc tại cảng Dover.

    can nguon thuc pham
    Xe tải xếp hàng dài chờ qua cảng Dover sau khi Pháp áp đặt hạn chế đi lại với Anh. Ảnh: AP

    Ngành bán lẻ Anh ngày 23/12 cho biết nguồn cung thực phẩm tươi, nhất là hoa quả và rau tươi, đang đứng trước nguy cơ hết hàng. Tình hình chỉ có thể được cải thiện nếu như giải quyết được tình trạng ách tắc xe chở hàng ở cảng Dover và đưa tuyến đường nối giữa Anh và Pháp trở lại hoạt động bình thường. 

    Trước tình trạng biến chủng mới virus SARS-CoV-2 gây bùng phát số ca nhiễm mới tại Anh, chính quyền Pháp đã phong tỏa một phần hoạt động đi lại với Anh, khiến hàng nghìn xe tải đang bị tắc ở cảng Dover, cửa ngõ chính nối Anh với châu Âu, ngay trước thời điểm lễ Giáng sinh. Hôm 22/12, hai nước đã đạt thỏa thuận cho phép lái xe có chứng nhận âm tính với COVID-19 có thể lên chạy xe lên phà để tới Calais. 

    Hàng dài xe tải hiện ùn ứ trên đường cao tốc dẫn vào đường hầm Eurotunnel và Dover ở đông nam hạt Kent. Nhiều phương tiện khác cũng phải đỗ tràn lan tại khu vực sân bay cũ gần Manston. Các lái xe đã đồng loạt hú còi, bấm đèn phát sáng để phản đối tình trạng ách tách.

    Ước tính, Kent hiện có khoảng 10.000 xe tải đang bị kẹt và tình hình rất căng thẳng khi hệ thống xét nghiệm vẫn chưa sẵn sàng hoạt động. 

    Nguồn: Straitimes

  • Thực trạng hiện tại của Anh là điều mà những bên trong nội bộ nước thuộc phe thúc đẩy nước Anh ra khỏi EU (Brexit) và cá nhân Thủ tướng Boris Johnson đều không thể ngờ tới.

    hoa vo don chi
    Xe tải nối đuôi chờ vào đường hầm Eurotunnel từ phía Anh. Ảnh: Reuters

    Kể từ sau Thế chiến 2, Anh chưa khi nào trải qua mùa Giáng sinh buồn tẻ như năm nay. Chuyện Brexit vẫn chưa ra ngô ra khoai. Đại dịch Covid-19 không những nhấn chìm Anh trong làn sóng dịch bệnh, mà còn bị các nước châu Âu cô lập và cách biệt hoàn toàn vì chủng mới của SARS-CoV-2. Đối với ông Johnson, hiện tại thật đúng là họa vô đơn chí.

    Thời hạn mà EU và ông Johnson thỏa thuận với nhau cho việc kết thúc đàm phán, ký kết và phê chuẩn thỏa thuận về khuôn khổ quan hệ hợp tác song phương ở thời kỳ sau Brexit là ngày 31.12 tới. Cho dù hai bên đạt được thỏa thuận thì việc phê chuẩn ở Nghị viện Châu Âu và ở quốc hội Anh cũng bất khả thi trước ngày 31.12 tới.

    Vì thế, Brexit bây giờ chỉ còn có thể theo một trong hai kịch bản là ông Johnson phải đề nghị EU gia hạn thời gian quá độ để xử lý công việc cần thiết sau ngày 31.12 tới, hoặc Anh ra khỏi EU không với bất kỳ thỏa thuận nào về khuôn khổ quan hệ song phương hậu Brexit. Cả hai kịch bản đều lợi bất cập hại đối với ông Johnson và thể diện của Anh.

    Dịch bệnh càng hoành hành thì càng chứng tỏ ông Johnson không thành công với việc dẫn dắt nước Anh vượt qua đại dịch Covid-19. Vấn đề Brexit càng dai dẳng càng cho thấy ông Johnson không vận hành được chuyện này như đã cam kết. Có đổ hết lỗi cho EU thì cá nhân có thể thoát hiểm, nhưng quốc gia đâu đã hết họa.

  • Sau khi rơi vào suy thoái kỷ lục do các biện pháp phong tỏa nhằm khống chế sự lây lan của dịch Covid-19, kinh tế Anh đã khởi sắc mạnh mẽ trong quý III-2020. Đây là dấu hiệu phục hồi tích cực nhưng chưa đủ để giới phân tích lạc quan vào triển vọng thời gian tới.

    Chinh phu Anh dang co nhieu
    Chính phủ Anh đang có nhiều nỗ lực duy trì việc làm cho người lao động, kích thích tiêu dùng để vực dậy nền kinh tế.

    Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý III-2020 tăng trưởng kỷ lục tới 15,5% so với quý trước đó. Riêng tháng 9 với mức tăng 1,1% đã nối dài chuỗi tăng trưởng 5 tháng liên tiếp của nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới này. Đây được xem là hệ quả trực tiếp từ việc các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường tiêu dùng khởi sắc.

    Các trường học bước vào năm học mới không chỉ thúc đẩy mảng giáo dục mà còn tác động tích cực tới hàng loạt lĩnh vực khác giúp sản lượng trong sản xuất, xây dựng và dịch vụ đều tăng ở mức kỷ lục. Bên cạnh đó, khoản chi tiêu khẩn cấp trị giá hơn 200 tỷ bảng, cùng với chính sách cắt giảm thuế và chương trình mua trái phiếu trị giá gần 900 tỷ bảng của Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã tỏ rõ hiệu quả, giúp các doanh nghiệp nước này vượt qua khó khăn và phục hồi ngay khi tình hình chuyển biến tích cực trong quý vừa qua.

    Tuy nhiên, những con số trên cũng cho thấy đà hồi phục chưa nhanh như kỳ vọng. Ngay trong tháng 9, tăng trưởng kinh tế đã chậm lại do một số chương trình kích cầu tiêu dùng kết thúc. Đáng ngại hơn, đảo quốc Sương mù đã trở thành nước châu Âu đầu tiên có số ca tử vong do Covid-19 vượt quá 50.000 người trong khi số ca nhiễm mới tiếp tục tăng mạnh, buộc Thủ tướng Boris Johnson phải phong tỏa vùng England trong một tháng, tới ngày 2-12. Thực tế này khiến Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak đưa ra những đánh giá thận trọng rằng tốc độ tăng trưởng sẽ còn bị kéo lùi trong quý IV-2020.

    Theo các chuyên gia kinh tế, nếu rơi vào kịch bản xấu nhất, kinh tế Anh sẽ suy thoái trong ít nhất hai quý tới. BoE dự báo mức suy giảm GDP năm 2020 có thể lên tới con số kỷ lục 11%, gấp đôi so với dự báo 5,4% đưa ra hồi tháng 8. Trong khi đó, theo ONS, lượng việc làm bị cắt giảm trong quý III-2020 cũng ở mức cao kỷ lục từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, đưa tỷ lệ thất nghiệp tại Anh lên mức 4,8%, cao nhất trong vòng 4 năm qua. Hai “gọng kìm” này đang dần siết chặt và trở thành nút thắt đối với chính quyền của Thủ tướng B.Johnson, đặc biệt khi mức thâm hụt ngân sách năm tài khóa 2020 được dự báo có thể lên tới 20% GDP, là mức tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ II.

    Tuy nhiên, các cơ quan chức năng Anh đang tiếp tục các nỗ lực đưa ra những biện pháp ứng phó mang tính tổng thể. Nước này đang theo đuổi tiến trình triển khai tiêm vắc xin ngừa Covid-19 sớm nhất có thể, nhằm giúp người dân quay về nhịp sống bình thường, đồng thời sớm mở cửa lại nền kinh tế. Theo Thống đốc BoE Andrew Bailey, mặc dù hiện vẫn chưa có vắc xin nhưng tin tức tích cực liên quan đến lĩnh vực này đã đem đến hy vọng cho giới đầu tư và các doanh nghiệp.

    Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak khẳng định, nhà chức trách sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân, trong đó có việc gia hạn và tăng các gói hỗ trợ thu nhập, đặc biệt là cho nhóm lao động mất việc do dịch bệnh và các hộ kinh doanh gia đình. Với những nỗ lực này, kinh tế Anh được kỳ vọng có thể tăng trưởng trở lại trong năm 2021 ở mức 7%.

    Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến đầy thách thức, sự tăng trưởng của nền kinh tế Anh là tín hiệu rất tích cực. Điều này mang đến niềm tin rằng khi đại dịch được kiểm soát trên thế giới thì phục hồi kinh tế là mục tiêu hoàn toàn khả thi, đặc biệt nếu các quốc gia có chiến lược phù hợp và cùng hợp tác để có thành quả chung.