• Các chủ nợ của Debenhams, chuỗi cửa hàng bách hóa bán lẻ lớn nhất nước Anh, đã nắm quyền kiểm soát Debenhams sau khi doanh nghiệp này từ chối đề nghị rót vốn 200 triệu bảng Anh từ Sports Direct.

    Các chủ nợ của Debenhams, chuỗi cửa hàng bách hóa bán lẻ lớn nhất nước Anh, ngày 9/4 đã nắm quyền kiểm soát Debenhams sau khi doanh nghiệp này từ chối đề nghị rót vốn 200 triệu bảng Anh từ Sports Direct.

    Các quản trị viên tại công ty tư vấn tài chính FTI Consulting đã được chỉ định nắm quyền quản trị, sau khi nỗ lực của ông chủ Sports Direct Mike Ashley (cổ đông lớn nhất với 29,9%) nhằm cứu vãn Debenhams bất thành.

    Ông Ashley đã chi khoảng 150 triệu bảng để thu mua cổ phẩn của Debenhams kể từ năm 2014.

    Debenhams được phép tiếp cận khoản tài trợ mới trị giá 200 triệu bảng từ những chủ nợ của họ.

    Chủ tịch Debenhams, ông Terry Duddy, lên tiếng bày tỏ "rất lấy làm thất vọng" về việc các cổ đông bị gạt ra lề và cho biết doanh nghiệp hiện vẫn đang tập trung bảo vệ và giữ nhiều việc làm nhất có thể, tránh nguy cơ các cửa hàng bị đóng cửa.

    Thỏa thuận ngày 9/4 sẽ cho phép 165 cửa hàng và 25.000 nhân viên tại Anh quốc của Debenhams duy trì hoạt động trong thời gian trước mắt.

    Tuy nhiên, các chủ sở hữu hiện thời của Debenhams, trong đó có ngân hàng Barclays, ngân hàng Ireland và quỹ đầu tư phòng hộ Silver Point và Golden Tree, muốn đóng khoảng 50 cửa hàng để cắt giảm chi phí. Việc tái cấu trúc này có thể đe dọa khoảng 4.000 việc làm tại đây.

    Tại thời điểm suy sụp, nợ của Debenhams đã lên tới 720 triệu bảng (tương đương 940 triệu USD) và giá trị thị trường chỉ vào khoảng 22 triệu bảng. Trong năm 2018, chuỗi bán lẻ này có 19 triệu khách hàng và doanh số bán đạt 2,9 tỷ bảng.

    Theo các nhà phân tích, vụ phá sản của Debenhams là do nhiều yếu tố, như việc đưa ra những quyết định yếu kém, những khoản nợ khổng lồ đã khiến doanh nghiệp không thể theo kịp xu hướng bán hàng mới (như bán hàng trên mạng) kết hợp với bán lẻ theo phương thức truyền thống./.

    Viethome (theo TTXVN)

  • Sau khi tung ra quảng cáo đụng chạm về cách ăn burger của người Việt, nhiều cửa hàng Burger King đã bị đánh giá 1 sao.

    Trên mạng xã hội, tài khoản Burger King tại New Zealand mới đây tung ra quảng cáo với hình ảnh một người phương Tây ăn món "Vietnamese Sweet Chilli Tendercrisp Burger" mới (bánh mì kẹp ớt ngọt kiểu Việt Nam), với đôi đũa màu đỏ khổng lồ.

    Hình ảnh người phụ nữ dùng những chiếc đũa khổng lồ, chật vật ăn burger trong quảng cáo của Burger King.

    Với hình ảnh người đàn ông vật lộn để ăn bánh burger bằng đôi đũa, tài khoản chú thích "Hãy tận hưởng vị giác của bạn khi đến TP.HCM với món bánh mì kẹp ớt ngọt kiểu Việt Nam của chúng tôi".

    Không chỉ phản đối trên mạng xã hội, nhiều người Việt đã vào đánh giá 1 sao cho các địa điểm của Burger King tại Việt Nam. Theo ghi nhận, nhiều nhà hàng Burger King tại Hà Nội, TP.HCM đã nhận được hàng trăm lượt đánh giá 1 sao trong vài giờ qua.Quảng cáo này đã gây bức xúc đối với nhiều người Việt Nam trên mạng xã hội. Một bài viết trên nhóm ở mạng xã hội đã nhận được hơn 2.000 lượt cảm xúc, hàng trăm bình luận ủng hộ.

    Nhiều bài đánh giá bày tỏ Burger King đã không tôn trọng nét văn hóa ăn bằng đũa của người Việt Nam, không thể lấy đó làm trò đùa. Với những lượt đánh giá điểm thấp nhất, điểm số chung của các cơ sở này đã tụt mạnh, chỉ còn ở mức trung bình.

    Nhiều cửa hàng Burger King tại Hà Nội, TP.HCM nhận nhiều đánh giá 1 sao và các ý kiến gay gắt từ cộng đồng mạng.

    Đáng chú ý là nhiều dân mạng tràn vào đánh giá, hạ điểm hàng loạt khách sạn, resort khác không liên quan, thậm chí đánh giá 1 sao cả một trung tâm tiếng Anh có tên gần giống resort trong vụ việc.Đây là lần thứ 2 trong vòng ít ngày người Việt Nam sử dụng nền tảng Google Maps để phản đối các cơ sở kinh doanh. Trước đó, một resort xuất hiện trong clip trên mạng đã gặp làn sóng phản đối, tẩy chay.

    Trước vụ chế giễu người Việt dùng đũa ăn burger, Burger King từng phải đối mặt với làn sóng chỉ trích mạnh mẽ sau khi treo thưởng 47.000 USD cho phụ nữ nào có con với một cầu thủ tham dự World Cup.

    Năm 2018, khi World Cup được tổ chức tại Nga, chi nhánh Burger King tại quốc gia này đã tung ra một chiến dịch quảng cáo gây nhiều tranh cãi. Theo đó, bất cứ phụ nữ Nga nào có bầu với các ngôi sao bóng đá tham dự World Cup sẽ được nhận tiền thưởng 3 triệu ruble (khoảng 47.000 USD) và ăn miễn phí trọn đời bánh burger của hãng.

    "Bất cứ cô gái nào có thể nhân rộng gen của các cầu thủ tốt nhất sẽ đảm bảo thành công cho đội tuyển quốc gia Nga trong vài thế hệ tới. Cố lên. Chúng tôi tin tưởng ở các bạn”, quảng cáo của Burger King viết.

    Quảng cáo bị chỉ trích của Burger King ở Nga. Ảnh: Vkontake.

    Chiến dịch quảng cáo này nhanh chóng bị người dùng mạng xã hội lên án là phân biệt giới tính và hạ thấp phụ nữ. Trước làn sóng phẫn nộ ở nước chủ nhà World Cup, Burger King phải xóa quảng cáo trên và lên tiếng xin lỗi. 

    "Chúng tôi thực sự xin lỗi về khuyến mại rõ ràng khiến nhiều người cảm thấy bị xúc phạm. Chúng tôi đã nhanh chóng nhận ra thiếu sót này và gỡ bỏ quảng cáo. Quảng cáo đó không phản ánh giá trị cũng như thương hiệu của chúng tôi, chúng tôi sẽ có các biện pháp để tránh những hành động tương tự tái diễn", thông cáo của Burger King nêu rõ.

    Viethome (theo cafebiz/vietnamnet)

  • Đám cưới được xem là hiếm có diễn ra trong khuôn viên một trang trại nổi tiếng dành cho giới thượng lưu, thuộc vùng đồng bằng nhiệt đới ở Venezuela.

    Hôn lễ gây chú ý diễn ra ở Venezuela hồi giữa tháng hai. Trong ảnh, cô dâu Maria Fernanda Vera, 33 tuổi, được cha dẫn vào hôn trường. Cô là giám đốc một công ty thời trang. 

    Chú rể Juan Jose Pocaterra, 32 tuổi, (đứng giữa, hàng trước), là người đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Vikua, công ty công nghệ được tạp chí Forbes bầu chọn "triển vọng nhất Mỹ Latin".

    Khách mời đám cưới là những ông trùm bất động sản, Hoa hậu Hoàn vũ 2009 Stefania Fernandez, nhiều gương mặt thuộc giới thượng lưu vốn chỉ chiếm 1% dân số Venezuela hiện nay. Ngoài ra, có không ít khách mời quốc tế đến từ Miami, Mỹ hay Madrid, Tây Ban Nha và nhiều thành phố khác ở châu Âu hay Nam Mỹ.

    Suốt 3 ngày diễn ra lễ cưới, các vị khách cùng nhau uống những chai whisky đắt tiền, thư giãn tại bể bơi trong khuôn viên trang trại.

    Khi màn đêm buông xuống, những dấu vết về một cuộc khủng hoảng đang bao trùm Venezuela hoàn toàn biến mất. Những người phục vụ thắt nơ duyên dáng, trên tay cầm bia lạnh và đồ nướng, trong khi ban nhạc có đầy đủ đàn hạc, bộ gõ, đàn guitar 4 dây chơi điệu "joropo" truyền thống. Nghệ sĩ Joel Hernandez, 72 tuổi xuất hiện ấn tượng với chiếc mũ cao bồi, biểu diễn phục vụ các khách quý bằng những bản nhạc đồng quê. Không ít khách mời diện trang phục do chính cô dâu thiết kế.

    Một số người tham gia cưỡi ngựa hay leo chướng ngại vật.

    Sáng hôm sau, các vị khách thức dậy trong những căn nhà gỗ giữa tiếng chim hót. Trên đồng cỏ của trang trại, món thịt nướng được chuẩn bị và sân khấu cho một buổi biểu diễn ca nhạc đang được dựng lên.

    Sau bữa sáng với món bắp nhồi truyền thống, khách mời tham gia các hoạt động vui chơi trong ngày bao gồm leo núi, cưỡi ngựa, bơi lội và bóng bocce.

    Lễ cưới chính thức diễn ra bên hồ. Các khách nữ diện những chiếc váy mùa hè, cầm những chiếc quạt gấp được vẽ một cách tinh tế cùng những chiếc ô để che nắng. Đàn ông mặc áo sơmi trắng, thắt nơ và quần màu be, đội mũ panama được phát.

    Dẫn chương trình trong lễ cưới là MC nổi tiếng của Venezuela Maickel Malamed. Khi mặt trời lặn bên hồ, Maickel đề nghị các vị khách cùng nhắm mắt và cầu nguyện cho quê hương. Tiệc khai vị bằng rượu Johnnie Walker Black cùng các món tự chọn gồm thịt bò, thịt lợn, crepe ngô ngọt phủ phô mai trắng. Mọi người nhảy nhót và tiệc tùng cho tới 4h sáng hôm sau.

    Trước khi lễ cưới diễn ra, cô dâu, chú rể và khoảng 50 khách mời đã cùng nhau vẽ lên tường một bệnh viện nhi đang xuống cấp ở thành phố Acarigua, bang Portuguesa. Hoạt động được tổ chức dưới sự giúp đỡ của tổ chức phi chính phủ Trace Public Spaces.

    Theo lời Juan, đây là "một cách đóng góp trong bối cảnh có quá nhiều đau khổ phải đối mặt" và cho biết vợ anh thường xuyên quyên góp sữa bột và các vật tư khác cho bệnh nhi. Juan cũng nói hoạt động này giúp vợ chồng anh "lưu giữ kỷ niệm về ngày cưới giữa hoàn cảnh khó khăn của đất nước". "Đối với những doanh nhân như Juan và tôi, việc tổ chức đám cưới ở đây là rất quan trọng, vì chúng tôi đặt cược vào Venezuela", cô dâu Maria nói.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Trong một tài liệu mới đây gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Grab cho biết đã đầu tư hơn 100 triệu USD (tương đương 2.300 tỷ đồng) vào Việt Nam.

    Lần đầu tiên sau 6 năm hoạt động tại Việt Nam, hãng xe Grab đã tiết lộ con số đầu tư. Trước đây, hãng này chưa một lần công bố doanh thu lợi nhuận cũng như khoản vốn đã đầu tư bao nhiêu. Theo đó, 2.300 tỷ đồng (100 triệu USD) là khoản vốn Công ty TNHH Grab đã tiết lộ trong lá thư này. Trong khi, khoản lỗ của Grab được đưa ra tại phiên tòa xử của vụ kiện giữa Grab và Vinasun là 1.700 tỷ đồng (tính từ 2014-2017).

    Chiếm lĩnh thị trường thanh toán hàng hoá, dịch vụ trong bán lẻ chỉ mới là bước đầu, điều mà Grab hướng tới là “đồng tiền Grab” trong các ví điện tử Grab (GrabPay, Moca…) sẽ được lưu hành thông dụng tại thị trường Việt Nam.

    Đã đầu tư hơn 100 triệu USD

    Trong báo cáo gửi Bộ Tài chính, Grab cho biết công ty lỗ 938 tỷ đồng trong 2014-2016. Tuy nhiên, vì sau đó, công ty vẫn tiếp tục mở rộng kinh doanh, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế điều tra con số lỗ trên. Sau khi có kết quả, cơ quan thuế đã phạt truy thu thuế Grab 3 tỉ đồng và giảm lỗ 56,6 tỷ đồng.

    Liệu Grab đã có lợi nhuận sau 6 năm hoạt động tại Việt Nam? Theo chia sẻ của chuyên gia Đỗ Hòa, thị trường taxi công nghệ hiện nay chính là cuộc đua đốt tiền. Đối thủ của Grab là Go-Viet vào Việt Nam năm 2018 nhưng cũng không công bố con số cụ thể số tiền đầu tư. Theo con số Công ty Go-Jek (công ty mẹ của Go-Viet), đối tác này nhắm đến thị trường Đông Nam Á như, Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Malaysia, với khoản ngân sách 11.500 tỷ đồng (500 triệu USD). Go-Jek kỳ vọng sẽ chiếm được 35% thị phần tại thị trường Việt Nam. 

    Từng thừa nhận với Viện kiểm sát tại Phiên toà Vinasun kiện Grab đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hồi tháng 10 năm ngoái, ông Lim Yen Hock – Giám đốc Grab Việt Nam đã “bật mí” rằng, công ty mẹ đã lên chiến lược lỗ tại thị trường Việt Nam ngay từ trước khi xâm nhập. Grab cũng chưa biết thời điểm nào sẽ có lãi. Vậy mục tiêu của Grab là gì? Thị trường vận tải taxi phải chăng chỉ là bước đệm để Grab tiến tới mục tiêu tổng thể?

    Vẫn theo lý giải của ông Lim Yen Hock, phần lớn chi phí của Grab là để thưởng cho các tài xế. Thưởng cho tài xế thực chất là một hình thức trợ giá cho các chuyến đi giá rẻ của Grab và là nguồn thu nhập chính của các tài xế Grab. Nếu không có thưởng, các tài xế Grab sẽ không thể thực hiện các chuyến đi với giá cước thấp như hiện giờ.

    Lỗ có “tổ chức”

    Nhờ các chuyến xe khuyến mại và giá cước rẻ, Grab đã nhanh chóng mở rộng thị phần, thu hút lượng lớn người dùng tải ứng dụng Grab.Theo bà Tan Hooi Ling – đồng sáng lập Grab tiết lộ với báo chí, hiện nay cứ 10 người dân Việt Nam thì có 2 người dùng dịch vụ của Grab. Đến năm 2020, tỷ lệ này sẽ tăng lên 50%.

    Grab Việt Nam được thành lập năm 2014 theo luật doanh nghiệp Việt Nam với số vốn 20 tỷ đồng. Từ khi bắt đầu kinh doanh tới nay, Grab liên tục báo lỗ. Năm 2014, doanh thu 1,5 tỷ đồng, lỗ 51,7 tỷ đồng. Năm 2015, doanh thu 33,7 tỷ đồng, lỗ 441,8 tỷ đồng. Năm 2016, doanh thu 193 tỷ đồng, lỗ 444,7 tỷ đồng. Năm 2017, doanh thu 758 tỷ đồng, lỗ 788 tỷ đồng.

    Nhưng giá trị lớn nhất mà Grab có được – bên cạnh khoản lỗ lớn do các chương trình khuyến mãi chuyến đi với giá thấp không tưởng – chính là hàng chục triệu thuê bao di động tải phần mềm ứng dụng Grab, các thông tin hành trình, thói quen tiêu dùng, lịch trình hằng ngày và các dữ liệu riêng tư khác của người dùng.

    Nguồn thông tin sẵn có sẽ là tài nguyên quý giá cho Grab trong việc nắm bắt nhu cầu và lên kế hoạch tiếp cận người tiêu dùng. Cụ thể, ban đầu Grab sẽ cung cấp các dịch vụ giá rẻ (được trợ giá) để thu hút nhiều người cài đặt ứng dụng; sau đó là triển khai ứng dụng thanh toán GrabPay để hình thành thói quen sử dụng ví điện tử một cách rộng rãi; tiếp đến là tăng cường các tính năng thanh toán của GrabPay không chỉ thanh toán cước phí vận chuyển, mà còn mở rộng sang thanh toán tại cửa hàng bán lẻ… Và cuối cùng là nhắm đến lĩnh vực vay và cho vay ngang hàng đối với cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

    Với việc không tiếc tiền đổ vào các chương trình khuyến mại trên siêu ứng dụng, Grab chắc chắn sẽ thu hút được lượng lớn người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia hệ sinh thái của hãng, từ lĩnh vực thanh toán di động, đến cho vay ngang hàng và các lĩnh vực tài chính công nghệ khác.

    Viethome (theo NDH)

  • Hãng bán lẻ hàng hiệu LK Bennet đang bắt đầu quá trình thanh lý tự nguyện. Công ty này có hơn 500 nhân viên trên khắp nước Anh. Ngoài trụ sở chính ở London, công ty có 39 cửa hàng và 37 cửa hàng nhượng quyền ở Anh. Thông cáo chính thức mới đây xác nhận các cơ sở nước ngoài của LK Bennett không dính dáng vào quá trình thanh lý.  

    Công ty này được thành lập bởi bà Linda Bennett từ năm 1990. Là một công ty mang tầm quốc tế và sở hữu thương hiệu thời trang cao cấp, LK Bennett nổi danh với các bộ sưu tập giày dép, quần áo, túi xách và phụ kiện. Một trong số những người hâm mộ nổi tiếng nhất của hãng chính là Kate Middleton, nữ Công tước xứ Cambridge.

    Công nương 37 tuổi đã vài lần sử dụng trang phục của thương hiệu này trong các sự kiện chính thức của hoàng gia trong quá khứ.

    Mới đây, Dan Hurd, Hunter Kelly và Braig Lewis, thuộc đội Tái cơ cấu của EY, đã được chỉ định tham gia quá trình thanh lý hãng bán lẻ thời trang này.

    Ông Hurd cho biết: “Trong bối cảnh khó khăn hiện nay của các hãng bán lẻ, công ty còn bị ảnh hưởng thêm nữa bởi giá thuê mặt bằng và lãi suất kinh doanh tăng cao.

    “Vì thế, bà Linda và đội ngũ quản lý đã phải đưa ra một quyết định khó khăn là đưa công ty vào quá trình thanh lý để đảm bảo tương lai của công việc kinh doanh.”

    Việc buôn bán vẫn sẽ diễn ra như thường lệ, tuy nhiên các cửa hàng trực tuyến sẽ tạm thời dừng hoạt động.

    Động thái này là nhằm mục đích giúp đội ngũ tham gia thanh lý có thể làm việc với các đối tác buôn bán của công ty và đảm bảo đơn hàng của khách hàng được xử lý và giao như bình thường.

    Ông Hurd nói thêm: “LK Bennett là một thương hiệu mạnh, bộ sưu tập mới được đánh giá cao và việc kinh doanh gần đây có khởi sắc, do đó chúng tôi hy vọng công ty có thể thu hút được thêm nhiều người mua hàng.”

    Sau khi tin buồn này được công bố, 55 nhân viên đã bị sa thải khỏi trụ sở chính và năm cửa hàng của công ty đã bị đóng cửa.

    VietHome (Theo Express)

  • Theo một báo cáo quan trọng gần đây, hơn tám triệu người trưởng thành ở Anh sẽ phải vật lộn để đối phó với một xã hội không có tiền mặt. Báo cáo này nhận định “cơ sở hạ tầng tiền mặt” của đất nước đang trên bờ vực sụp đổ.

    Trong bối cảnh người dân đang ngày càng yêu thích các hình thức thanh toán điện tử và các chi nhánh ngân hàng cùng cây ATM bị đóng cửa ngày càng nhiều, chương trình đánh giá Access to Cash cho biết các công ty và tổ chức cung cấp các dịch vụ “thiết yếu” cần phải bảo đảm rằng người tiêu dùng có thể tiếp tục được chi trả bằng tiền mặt.

    Chương trình đánh giá này được hỗ trợ tài chính bởi hệ thống máy rút tiền Link, nhưng là một báo cáo hoàn toàn độc lập và được chỉ đạo bởi cựu giám đốc Dịch vụ Thanh tra Tài chính, bà Natalie Ceeney.

    Bà Ceeney cho hay “17% dân số Anh – hơn 8 triệu người lớn – sẽ phải vật lộn để đối phó với một xã hội không tiền mặt.”

    Trong năm ngoái, lần đầu tiên thẻ ghi nợ đã thay thế tiền mặt để trở thành hình thức thanh toán phổ biến nhất ở nước Anh, và bản báo cáo cũng đưa ra dự đoán rằng tỷ lệ sử dụng tiền mặt sẽ tiếp tục giảm và chỉ chiếm 10% thanh toán trong vòng 15 năm tới.

    Báo cáo cũng kêu gọi chính phủ, giới cầm quyền và các ngân hàng cần “hành động ngay lập tức nếu không sẽ bỏ rơi hàng triệu người lại phía sau.” Phát ngôn viên của báo cáo này cảnh báo rằng hệ thống tiền mặt của Anh đang “trên bờ vực sụp đổ”.

    Chi phí để duy trì cơ sở hạ tầng tiền mặt ở Anh – từ các cây ATM đến các trung tâm phân loại tiền – là vào khoảng 5 tỷ bảng một năm, chủ yếu được chi trả bởi các ngân hàng (và cuối cùng là người tiêu dùng). Nhưng trong khi những chi phí này gần như cố định, thu nhập lại nhanh chóng giảm.

    Kết quả là “cơ sở hạ tầng tiền mặt của chúng ta nhanh chóng trở nên thiếu bền vững.”

    Báo cáo cũng chỉ ra: “Một trong số những công ty này có thể cân nhắc việc rời khỏi thị trường khi lợi nhuận của họ sụt giảm – dẫn đến nguy cơ sụp đổ… Nếu không có một hệ thống hạ tầng tiền mặt hiệu quả, các cây ATM sẽ không được nạp tiền, tiền nạp vào sẽ không được kiểm đến, và chúng ta sẽ “không còn tin tưởng vào giá trị của đồng tiền.”

    Các tác giả của báo cáo nói rằng nước Anh “chưa sẵn sàng” ngừng sử dụng tiền mặt, và dù phương thức thanh toán bằng di động và vô tuyến đang ngày càng phát triển, một số lượng lớn người dân – khoảng 2.2 triệu người – hiện vẫn đang sử dụng tiền mặt cho các giao dịch hàng ngày.

    Tuy nhiên, lượng tiền mặt được rút khỏi các cây ATM đang giảm nhanh chóng, và tổ chức Which? ước tính các cây rút tiền trên khắp nước Anh đang bị đóng cửa với tốc độ 300 cây mỗi tháng.

    Tổ chức nghiên cứu người tiêu dùng này cũng chỉ ra mối nguy hại của hệ thống ngân hàng điện tử, tiết lộ rằng các ngân hàng ở Anh đã từng bị tấn công bởi hacker hoặc mắc lỗi an ninh khiến khách hàng không thể thanh toán.

    Nghị sĩ Nicky Morgan, chủ tịch hội đồng Commons Treasury, thể hiện sự hoan nghênh đối với bản báo cáo. Ông phát biểu rằng “không thể để mặc tương lai của tiền mặt vào tay các thế lực trong thị trường.”

    Ông Jonathan Reynolds, chịu trách nhiệm vấn đề kinh tế của đảng đối lập, cho biết đảng Lao động đồng tình với các kết luận của báo cáo và kêu gọi Kho bạc cần nhanh chóng mở một cuộc tham vấn đối với những đề xuất được nêu trong báo cáo.

    VietHome (Theo Guardian)

  • Bất chấp rủi ro từ việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit), London (Anh) vẫn là thành phố có nhiều người siêu giàu nhất năm nay, với gần 5.000 đại diện.

    Theo Báo cáo Thịnh vượng 2019 (Wealth Report) vừa được Knight Frank công bố, Việt Nam có 142 người siêu giàu (sở hữu từ 30 triệu USD trở lên) năm 2018, tăng 7 người so với năm trước đó. Trong 5 năm tới, Việt Nam cũng được dự báo là quốc gia có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nhanh hàng đầu thế giới, với 31%.

    Báo cáo cũng ghi nhận Việt Nam có 12.327 triệu phú năm 2018, tăng 5% so với năm trước đó. Năm 2023, con số này được dự báo lên tới 15.776 người.

    Báo cáo nhận định dù triển vọng kinh tế toàn cầu ngày càng u ám, của cải trên thế giới vẫn không ngừng được tạo ra. Thế giới có gần 200.000 người siêu giàu năm 2018. Hơn hai phần ba số đó nằm tại châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.

    Châu Âu đóng góp nhiều đại diện nhất, với hơn 70.000 người. Dù vậy, tốc độ tăng trưởng lại tập trung ở nhóm nền kinh tế châu Á, như Ấn Độ (39%), Philippines (38%) hay Trung Quốc (35%). Trong 5 năm tới, tổng số người siêu giàu toàn cầu được dự báo tăng 22%.

    Bên cạnh đó, bất chấp rủi ro từ việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit), London (Anh) vẫn là thành phố có nhiều người siêu giàu nhất năm nay, với gần 5.000 đại diện, Theo sau là Tokyo (Nhật Bản) với hơn 3.700 người và Singapore với gần 3.600 người. Cơ hội kinh doanh, phong cách sống, cơ sở vật chất về giao thông và bệnh viện là các yếu tố thu hút người siêu giàu đến sống tại các thành phố lớn.

    Báo cáo cũng cho rằng trong 10 năm tới, thế giới sẽ có rất nhiều thay đổi. Họ dự báo 5 xu hướng có thể ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư, trong đó có căng thẳng địa chính trị. Knight Frank nhận định nếu căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài, một số nước sẽ được hưởng lợi. Đó là các nước xuất khẩu sang Mỹ, như Mexico, Canada, Việt Nam, Bangladesh và Đức.

    Một số sở thích chi tiêu của người giàu cũng được chỉ ra trong báo cáo, đó là rượu, xe cổ và các tác phẩm nghệ thuật.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Sản lượng xe mới trong tháng Một tại nước Anh giảm 18,2%, ghi dấu tháng giảm thứ tám liên tiếp, do sự thay đổi các mẫu xe và nhu cầu yếu tại Xứ sở Sương mù cũng như các thị trường xuất khẩu lớn.

    Ảnh minh họa. (Nguồn: ACEA) 

    Hiệp hội các nhà chế tạo và buôn bán ôtô Vương quốc Anh (SMMT) ngày 28/2 cho hay sản lượng xe mới trong tháng Một tại nước Anh giảm 18,2%, ghi dấu tháng giảm thứ tám liên tiếp, do sự thay đổi các mẫu xe và nhu cầu yếu tại Xứ sở Sương mù cũng như các thị trường xuất khẩu lớn.

    Theo SMMT, sản lượng xe ôtô trong tháng 1/2019 đã giảm xuống 120.649 chiếc, do lượng xe xuất khẩu giảm 21,4%.

    Giám đốc điều hành SMMT Mike Hawes cho biết ngành công nghiệp ô tô đang đối mặt với nhiều thách thức: từ sự sụt giảm nhu cầu tại các thị trường chủ chốt, tình trạng leo thang căng thẳng thương mại toàn cầu, cho đến yêu cầu phải đi đầu trong phát triển công nghệ tương lai.

    Tuy nhiên, theo Giám đốc Hawes, nguy cơ rõ ràng hiện nay là kịch bản Brexit không thỏa thuận.

    Các chuyên gia cảnh báo rằng “Brexit cứng” có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với ngành sản xuất ôtô châu Âu.

    Nhà chế tạo ôtô Ford (Mỹ), hiện tuyển dụng 13.000 lao động tại nước Anh, từng thông báo nếu trường hợp Brexit không thỏa thuận xảy ra, Ford có thể dời cơ sở sản xuất từ nước Anh sang châu Âu.

    Gần đây, nhà sản xuất xe ôtô Honda của Nhật Bản cho biết sẽ đóng cửa nhà máy sản xuất của họ tại Swindon vào năm 2022.

    Tuyên bố này là một gáo nước lạnh dội vào ngành công nghiệp sản xuất xe ôtô của Vương quốc Anh,và đồng nghĩa với việc 3.500 lao động Anh tại nhà máy sẽ mất việc làm.

    Theo thống kê của SMMT, sản lượng ôtô tại nước Anh đã giảm 9% trong năm 2018, mức giảm nhiều nhất kể từ năm 2008-2009, với hoạt động đầu tư giảm gần 50% do những lo ngại về Brexit.

    Dự báo, doanh số bán ôtô tại nước này sẽ giảm 2% trong năm 2019 do niềm tin của người tiêu dùng thấp và các tác động bất lợi từ sự kiện Brexit. 

    VietHome (Theo VietNamPlus)

  • Nhà bán lẻ hàng đầu của Anh Marks and Spencer (M&S) đang mua 50% cổ phần của Ocado với giá lên tới 750 triệu bảng (994 triệu USD) để phân phối trực tiếp các mặt hàng thực phẩm tới các "thượng đế".

    Một cửa hàng của Marks and Spencer tại London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

    Nhằm đáp ứng với xu thế mua hàng trực tuyến đang ngày một tăng của khách hàng, nhà bán lẻ hàng đầu của Anh Marks and Spencer (M&S) ngày 27/2 thông báo đạt thỏa thuận với Ocado - một trong những siêu thị trực tuyến hàng đầu nước này - để phân phối trực tiếp các mặt hàng thực phẩm của M&S tới các "thượng đế."
     
    Theo tuyên bố được hai hãng trên đưa ra tại sàn giao dịch chứng khoán London, M&S đang mua 50% cổ phần của Ocado với giá lên tới 750 triệu bảng (khoảng 994 triệu USD).

    Các mặt hàng thực phẩm gắn nhãn của M&S sẽ được bán trực tuyến từ tháng 9/2020 sau khi thỏa thuận mà Ocado đang thực hiện với tập đoàn siêu thị Waitrose hết hiệu lực.

    Ocado kỳ vọng thương vụ làm ăn với M&S có thể làm thay đổi hoàn toàn việc mua sắm hàng hóa trên mạng tại Anh.

    Trong bối cảnh mua sắm trực tuyến đang lên ngôi, M&S, vốn đang bán cả quần áo trực tuyến, đang đóng bớt các cửa hàng của mình tại Anh. Hãng thậm chí còn lên kế hoạch đóng hơn 100 cửa hàng trước năm 2022. 

    VietHome (Theo VietNamPlus)

  • Tập đoàn dầu khí khổng lồ Total của Pháp thông báo sẽ di chuyển một số hoạt động kinh doanh từ London sang Paris và Geneva.

    Theo đài Sky News, Total đang dự định sẽ hợp nhất các hoạt động kinh doanh và marketing khí đốt hóa lỏng (LNG) sau khi đã hoàn tất thương vụ mua lại danh mục các tài sản LNG của công ty Engie vào tháng 07/2018.

    Cụ thể hơn, hoạt động kinh doanh khí đốt, xăng dầu và năng lượng của tập đoàn này sẽ tập trung tại Geneva để tạo nên “một trung tâm thương mại trao đổi hàng hóa hàng đầu của châu lục”. Trong khi đó, hoạt động tiếp thị LNG tại London sẽ được sát nhập vào nhóm marketing tại Paris. Theo hãng truyền thông nước Anh, 200 người đang có nguy cơ mất việc trước quyết định di dời này.

    Theo lời khẳng định của Total, Brexit không phải là nguyên nhân thôi thúc quyết định này. Đây chỉ qua là “kết quả của việc phải sát nhập các mảng kinh doanh đang phân tán khắp châu Âu (tại London, Paris và Geneva”. 

    VietHome (Theo Vietnambiz)

  • Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch cảnh báo cơ quan này có thể hạ mức AA đánh giá nợ của Vương quốc Anh hiện nay, cho rằng kinh tế sẽ bị tác động mạnh nếu tiến trình đàm phán rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, vẫn không đạt được thỏa thuận.

     

    Fitch cảnh báo hạ bậc xếp hạng nợ của Vương quốc Anh. Ảnh: reuters

    Fitch nhận định kịch bản Brexit không thỏa thuận sẽ dẫn tới sự đổ vỡ đối với triển vọng kinh tế, thương mại của nước Anh ít nhất trong ngắn hạn.

    Fitch cho biết nếu cơ quan này hạ bậc xếp hạng của Anh, cũng sẽ hạ bậc xếp hạng AA của Ngân hàng trung ương Anh.

    Theo sau tuyên bố của Fitch, đồng bảng đã mở rộng đà giảm so với đồng USD, khi giảm 0,1% xuống 1,3051 USD/bảng.

    Theo cơ quan đánh giá tín nhiệm này, vấn đề Brexit sẽ tác động đến đà tăng trưởng của kinh tế Anh.

    Trong quý I/2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của "xứ sở sương mù" giảm xuống 0,2%, so với 0,6% trong quý trước đó. Kết quả này khiến kinh tế Anh tăng trưởng thực 1,4% trong năm 2018.

    Fitch cảnh báo nếu Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận về thương mại, biên giới và các vấn đề khác, nước này sẽ đối mặt với nguy cơ suy thoái, từng trải qua hồi đầu những năm 1990, thời điểm GDP của Anh giảm 2% trong sáu quý.

    Tuy nhiên, nếu tránh được kịch bản Brexit không thỏa thuận, Fitch dự báo đà tăng trưởng của kinh tế Anh sẽ phục hồi lên 1,6% trong năm nay và 1,8% vào năm 2020. 

    VietHome (Theo Bnews)

  • Một bồi thẩm đoàn ở Texas hôm Thứ Tư, 13 Tháng Hai, vừa quyết định cho một cô gái 27 tuổi được bồi thường hơn $37 triệu sau khi cô đi kiện hãng xe Honda do bị liệt sau vụ đụng xe năm 2015.

    Cô Sarah Miburn đưa đơn kiện công ty Honda chuyên sản xuất dây lưng an toàn trong xe sau khi một người tài xế Uber lái xe chở cô vượt đèn đỏ và bị một chiếc xe pickup đụng vào ở thành phố Dallas (Mỹ).

    Luật sư của cô Milburn nói rằng các dây lưng an toàn trong chiếc xe loại Honda Odyssey được chế tạo quá kém làm cô bị thương tích trầm trọng.

    Vụ đụng xe khiến cô gái 27 tuổi bị gãy xương sống, và nay cô bị liệt cả tứ chi.

    Theo luật sư, các dây lưng an toàn ở hàng ghế thứ ba của chiếc xe, nơi cô Milburn ngồi, đã được chế tạo khiến khó sử dụng và nhiều người không quen dùng.

    Bản tin của tờ Dallas Morning News nói rằng hồ sơ tòa công bố hôm Thứ Tư cũng cho thấy bồi thẩm đoàn nghĩ rằng các quy định về dây lưng an toàn không đủ chặt chẽ để bảo vệ người ngồi trên xe. 

    Viethome (theo Người Việt)

  • Người đàn ông giàu nhất nước Anh dự định sẽ rời khỏi quê hương để tránh khoản tiền thuế lên đến 4 tỷ bảng.

    Ngài Jim Ratcliffe, 66 tuổi, có khối tài sản ước tính lên đến 21.05 tỷ bảng với nguồn thu chủ yếu từ vị trí chủ tịch và giám đốc điều hành tập đoàn hóa chất Ineos do ông thành lập năm 1998.

    Được biết, doanh nhân ủng hộ Brexit này đã nhờ công ty kế toán quốc tế Pricewaterhouse Coopers (PwC) giúp đỡ để có thể chuyển đến Monaco, nơi được biết đến với cái tên ''thiên đường thuế''.

    Ngài Jim Ratcliffe

    Theo tờ Sunday Times, ông có thể được phép chia sẻ từ 1 tỷ đến 10 tỷ bảng với các lãnh đạo cao cấp khác là Andy Currie và John Reece.

    Thông tin này được đưa ra không lâu sau khi ông Ratcliffe chỉ trích EU vì chính sách thuế xanh ‘ngu ngốc’ của họ và cho rằng nó đang bóp chết ngành công nghiệp hóa chất của châu Âu.

    Trong một lá thư ngỏ gửi đến chủ tịch Ủy ban Châu Âu, ông Ratcliffe cảnh báo châu Âu sẽ không còn là thị trường mang tính cạnh tranh bởi ảnh hưởng của quy định đắt đỏ về năng lượng và lao động.

    Công ty của ông có lợi nhuận hàng năm vào khoảng 45 tỷ đô và có tổng cộng 18,500 nhân viên. Trước đó, Ineos đã nhận một khoản vay trị giá 230 triệu bảng vào năm 2014 để xây dựng trang thiết bị nhằm nhập khẩu khí đá phiến. Thành phẩm từ chất khí này được sử dụng để sản xuất kem đánh răng, thuốc kháng sinh và làm sạch nước.

    VietHome (Theo Metro)

  • 27% nữ giới ở Anh không đủ khả năng mua các sản phẩm băng vệ sinh, theo một khảo sát về đói nghèo mới được tiết lộ gần đây. Trước đó, người ta cho rằng cứ 10 phụ nữ/bé gái ở England, Scotland và Wales thì chỉ có 1 người gặp phải vấn đề này, nhưng hiện nay tỉ lệ này đã tăng lên tới 27%. 

    Hơn 2/3 số người tham gia khảo sát cho biết họ phải tự chế ra băng vệ sinh để bảo vệ mình trong những ngày ấy. 

    Những phụ nữ và bé gái này phải nghỉ làm hoặc nghỉ học trong kỳ đèn đỏ. 65% số người được hỏi cho biết các sản phẩm băng vệ sinh nên được phân phát miễn phí. Tại các trường học, sản phẩm này cũng nên sẵn có cho những người có nhu cầu sử dụng.

    Nghiên cứu do GingerComms kết hợp với Bloody Big Brunch tiến hành. Bloody Big Brunch tổ chức nhiều sự kiện ở khắp nước Anh, nơi những người tham gia không phải mua vé mà chỉ cần quyên góp băng vệ sinh các loại. Chiến dịch lớn nhất của họ sẽ diễn ra vào Chủ nhật ngày 3/3 tới.

    Hồi tháng 1, chính quyền Scotland đã thông báo sẽ cấp 4 triệu bảng cho các hội đồng địa phương để cung cấp băng vệ sinh miễn phí trong các tòa nhà công cộng. Đây là động thái tiếp theo sau chiến dịch phân phát băng vệ sinh miễn phí trong các trường phổ thông, cao đẳng và đại học.

    Trong khi đó, giới chức Wales cũng đã cấp 1 triệu bảng để hỗ trợ vấn đề này, như vậy chỉ còn England là chưa có động tĩnh gì. Đó là lý do các nhà vận động đang dùng luật pháp để buộc chính phủ phải đảm bảo mỗi ngôi trường đều có đủ sản phẩm thiết yếu cho học sinh. 

    ''Quyền được học hành là quyền cơ bản của con người, và không ai phải nghỉ học chỉ vì không có tiền mua tampon'', Lea Beattie, đại diện Bloody Big Brunch, cho biết: ''Là một xã hội văn minh, chúng tôi muốn gửi thông điệp đến cộng đồng rằng chu kỳ kinh nguyệt chẳng có gì là dơ bẩn và càng không phải là một thứ đắt đỏ mà một người bình thường không đủ tài chính để chi trả. Chúng tôi muốn Westminster hãy hành động ngay bởi vì họ đã thờ ơ quá lâu rồi''. 

    Viethome (theo Metro)

  • Khách hàng trẻ mua siêu xe ngày càng nhiều nhờ những ngành kiếm tiền mới như Youtuber hay game thủ.

    "Hình ảnh một đại gia nào đó bước vào showroom một cách bất chợt, rồi ném một xấp tiền 300,000 USD để mua chiếc Lamborghini bây giờ không còn nữa. Chẳng ai còn làm điều đó ở thời đại ngày nay".

    lamborghini 1
    Showroom Lamborghini ở trung tâm thủ đô London.

    Đó là lời kể của Steve Higgins, một Giám đốc bán hàng cấp cao của HR Owen Lamborghini ở ngay trung tâm thủ đô London, Anh quốc. Người đàn ông này đã làm việc tại đây hơn 14 năm, giao dịch rất nhiều siêu xe danh tiếng của Lamborghini, như Murcielago, Gallardo, Aventador và Huracan cho giới nhà giàu và người nổi tiếng.

    "Giải pháp tài chính là vấn đề mà nhiều người quan tâm khi mua những chiếc xe bóng bẩy ở đây", Steve Higgins nói. "Có vẻ như khách hàng mua siêu xe ngày nay quan tâm tới từng đồng xu trong túi của họ".

    "Kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008, mọi người trở nên hiểu biết hơn về cách sử dụng tiền trong túi", ông cho biết. "Khách hàng của chúng tôi còn có rất nhiều thứ phải chi tiêu, như đầu tư hay bất động sản. Điều đó có nghĩa là họ có nhu cầu rất lớn về một giải pháp tài chình hợp lý khi mua xe".

    Nhưng điều thay đổi lớn nhất về khách hàng mua siêu xe trong 5 năm qua, Steve Higgins tin rằng sự thay đổi lớn nhất là độ tuổi và cách thức mua xe.

    lamborghini 1
    Showroom Lamborghini ở trung tâm thủ đô London.

    "Nếu một cậu thanh niên 19 tuổi bước vào showroom cách đây nửa thập kỷ, chúng tôi sẽ bảo cậu ta quay lại đây vào 4 năm nữa vì khi đó chúng tôi mới có thể mua bảo hiểm cho cậu ấy", Steve nói.

    "Nhưng bây giờ các công ty bảo hiểm đã nhận thức được nhóm khách hàng này, vì đây là nhóm khách hàng đang phát triển nhanh, đặc biệt là sự gia tăng của các Youtuber và các game thủ. Đồng nghĩa với việc nhóm khách hàng của chúng tôi cũng rộng ra rất nhiều so với trước đây".

    Đây là sự thật. Người trẻ kiếm tiền từ Youtube và trò chơi điện tử là một trong những nhóm khách hàng mới thúc đẩy doanh số cho các hãng siêu xe. Điều này đúng với Aston Martin, Ferrari và Lamborghini. Một thời, những thương hiệu kiểu này chỉ gắn liền với giới cầu thủ bóng đá, ngôi sao ca nhạc, diễn viên nổi tiếng hoặc những doanh nhân giàu có.

    Đối với một người đàn ông ở độ tuổi 50 như Steve, số lượng người trẻ tuổi mua siêu xe gia tăng đòi hỏi tư duy phải thay đổi, để đảm bảo những người có ảnh hưởng trong thế giới internet được vui vẻ khi đến showroom, ngay cả khi ông không biết chắc chắn họ là ai.

    "Bạn không biết ai sẽ là khách hàng", ông nói. "Khi các con trai tôi nhìn thấy tôi chụp hình với những khách hàng này, chúng đã tỏ ra rất ngờ và không tin đó là sự thật".

    Khách hàng ngày nay cũng hiểu biết về xe và tài chính hơn so với trước đây. "Họ không cần một kế toán hoặc một cố vấn tài chính riêng, vì tự biết mình phải làm gì với số tiền trong tài khoản, họ biết cả về chi phí ban đầu, bảo hiểm cho đến tất cả các chi phí khác liên quan đến việc mua và sử dụng siêu xe của họ".

    "Họ cũng không quan tâm đến lịch sử hoặc di sản thương hiệu như những khách hàng lớn tuổi - họ chỉ muốn một chiếc xe. Họ biết họ cần màu sắc thế nào, thông số nội thất cho đến kích thước mâm xe trước khi liên hệ tới showroom", ông cho biết.

    lamborghini 1
    Độ tuổi khách hàng mua siêu xe ngày càng trẻ.

    Trên thực tế, có vẻ như nhiều khách hàng trẻ cảm thấy họ hiểu rõ sản phẩm đến mức không cần phải hỏi thêm một "chuyên gia" trong ngành như Steve.

    "Chúng tôi kết nối với rất nhiều khách hàng qua email, sau khi tiếp cận họ qua kiểu tiếp thị trực tuyến như mạng xã hội và website. Chúng tôi tôi luôn cố gắng đặt lịch hẹn với họ tới showroom để họ có thể nhìn, chạm, ngửi sản phẩm", ông nói.

    "Nhưng ở thời đại ngày nay, mọi người rất bận rộn và không nhất thiết muốn đến tận showroom. Trong một số trường hợp, tôi thường thảo luận với khách hàng về đặc điểm kỹ thuật của chiếc xe qua email mà không có bất cứ cuộc nói chuyện trực tiếp nào. Nó gần giống với mua sắm trực tuyến".

    Vậy nó trường hợp nào, khách hàng mua một chiếc xe hơn 200,000 USD mà chưa từng gặp Steve Higgins? "Nó phổ biến hơn bạn tưởng tượng rất nhiều, chúng tôi đã bán nhiều chiếc xe hoàn toàn qua email mà chưa bao giờ nói chuyện trực tiếp", Steve nói. "Đã có nhiều trường hợp, lần gặp đầu tiên với khách hàng cũng là lúc bàn giao xe".

    lamborghini 1
    Ngày càng có nhiều người mua siêu xe mà chưa từng gặp người bán hàng.

    Và để khách hàng có thể sử dụng Lamborghini mỗi ngày, hãng siêu xe nước Ý cung cấp nhiều tùy chọn thêm cho khách hàng, giống như mua một chiếc Ford Fiesta hay Honda Accord.

    "Nhưng có nhiều người quan niệm sai lầm rằng, người mua Lamborghini thường tùy chọn thêm rất nhiều trang bị và tính năng", Steve cho hay. "Thực tế không phải vậy, tôi chỉ cung cấp cho khách hàng một tờ giấy tùy chọn khổ A4, và khuyên khách hàng đánh dấu "tick" vào đúng 4 ô vuông".

    "Thứ nhất là cảm biến đỗ xe phía sau có sẵn camera lùi và hệ thống treo phía trước có khả năng nâng hạ là 2 tùy chọn phải có. 95% người dùng sẽ cần 1 trong 2 thứ này trong quá trình sử dụng hàng ngày".

    "Và cuối cùng là tính năng bản đồ dẫn đường và kết nối Bluetooth", Steve nói.

    Viethome (theo Trí Thức Trẻ)

  • Nhiều triệu người châu Âu thuộc tầng lớp trung lưu đang ngày một khó khăn hơn.

    Vào những buổi sáng, cô Raquel Navarro thường uống cà phê, hôn tạm biệt chồng và nhanh chóng rời khỏi nhà đến khu vực ngoại ô phía Bắc của thủ đô Tây Ban Nha.

    Những thói quen mà cô đã duy trì suốt một thập kỷ qua giờ đây đã dần phải thay đổi khi mà khủng hoảng tài chính châu Âu xảy ra.

    Giờ đây, sau khi đưa hai con đến trường học, cô bắt tàu điện ngầm đi làm tại một công ty ở vị trí thư ký, cô thực sự cần công việc này. Mức lương cô nhận được chỉ cao hơn lương tối thiểu một chút.

    Không lâu sau đó, chồng của cô, anh José Enrique Alvarez, đến làm việc tại một cửa hàng thịt. Người đàn ông 56 tuổi từng giữ vị trí giám đốc nhân sự của một công ty, tuy nhiên sau đó công ty này thu hẹp quy mô, sa thải anh và khoảng 300 nhân viên khác.

    Sau nhiều thập niên đứng trong tầng lớp trung lưu khá giả ở Tây Ban Nha, cặp đôi tuổi trung niên này đang chật vật khi tình hình tài chính ngày một khó khăn hơn.

    Kinh tế Tây Ban Nha, cũng giống như tại phần lớn các nước châu Âu khác, đang tăng trưởng nhanh hơn so với thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008 và tạo ra việc làm. Thế nhưng công việc mà họ đang làm mang lại thu nhập quá thấp so với thu nhập thường niên 80 nghìn euro/năm mà Tây Ban Nha từng có được. 

    Với cặp đôi này, đến mùa hè năm nay, họ sẽ mất khả năng trả tiền vay thế chấp.

    Hàng triệu người châu Âu khác cũng cũng đang sống trong tình cảnh khốn khó như vậy.

    Từ khi kinh tế châu Âu suy thoái vào cuối thập niên 2000, tầng lớp trung lưu đã thu hẹp về quy mô đến 2/3 tại khắp các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Mỹ. Hai thập kỷ tăng trưởng giờ bị đảo ngược.

    Dù nhóm các hộ gia đình thuộc tầng lớp trung lưu phổ biến tại châu Âu nhiều hơn Mỹ, tương đương khoảng 60%, họ đang đối diện với tình trạng dễ bị tổn thương hơn trước rất nhiều.

    Theo các chuyên gia kinh tế, rủi ro nhóm người này tụt hạng trong nấc thang kinh tế lớn hơn cơ hội để họ có thể tiến lên được.

    Viethome (theo Bizlive)

  • Flybmi không được đầu tư thêm tiền để hoạt động vì các cổ đông lo ngại về chi phí nhiên liệu, môi trường và tiến trình Brexit.

    "Thật đau lòng khi chúng tôi phải đưa ra thông báo không thể tránh khỏi hôm nay", một đại diện của hãng hàng không khu vực Anh Flybmi hôm 16/2 viết trên website khi tuyên bố chấm dứt mọi hoạt động bay và nộp đơn xin phá sản. "Hãng đã đối mặt với nhiều khó khăn như những đợt tăng giá nhiên liệu và chi phí carbon gần đây", theo AFP.

    "Triển vọng làm ăn gần đây và trong tương lai cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những bất định do tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) gây ra", người này bổ sung.

    British Midland Regional Limited, công ty mẹ của Flybmi, cho biết họ đã đình chỉ ngay lập tức mọi chuyến bay của hãng này và sẽ không thể thay mặt khách hàng mua vé hay sắp xếp lại các lịch trình bay. Hãng khuyến cáo khách hàng không tới sân bay nếu chưa đặt được vé với các hãng hàng không khác.

    Khách hàng đã mua vé của Flybmi được đề xuất yêu cầu hoàn tiền chuyến bay bị hủy thông qua các công ty cung cấp thẻ tín dụng, website đặt vé hay công ty bảo hiểm du lịch.

    Flybmi có 376 nhân viên hoạt động tại các chi nhánh ở Anh, Đức, Thụy Điển, Bỉ, vận hành 17 máy bay tới 25 điểm đến ở châu Âu. Tuy nhiên, Flybmi đã không thể đảm bảo được các hợp đồng bay ở châu Âu thời kỳ hậu Brexit và lo sợ họ không thể tiếp tục thực hiện các chặng bay trên châu lục sau khi Anh rời khỏi EU vào ngày 29/3.

    "Trong bối cảnh đó, các cổ đông của hãng không thể tiếp tục chương trình tài trợ lớn cho việc kinh doanh, dù đã đổ vào đây hơn 51,5 triệu USD trong 6 năm qua", tuyên bố của Flybmi cho hay.

    Anh dự kiến rời khỏi EU trong chưa đầy 6 tuần tới, nhưng quốc hội nước này vẫn chưa phê chuẩn bất cứ thỏa thuận Brexit nào do Thủ tướng Theresa May đàm phán với khối. Thực tế này khiến các doanh nghiệp ngày càng lo lắng rằng nước này có thể chia tay EU mà không có bất cứ thỏa thuận chính thức nào.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Ngày 7/2, Ngân hàng Anh đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Anh trong năm nay từ mức 1,7% xuống 1,2%, do kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và ảnh hưởng của việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.

    Theo Ngân hàng Anh, tăng trưởng kinh tế Anh đã chậm lại vào cuối năm 2018 và có xu hướng yếu đi trong đầu năm 2019. Diễn biến này phản ánh sự giảm sút hoạt động ở nước ngoài, cũng như tác động lớn hơn từ những rủi lo liên quan đến Brexit.

    Tiền giấy mệnh giá 10 và 20 bảng Anh cùng với tiền xu 1 và 2 bảng Anh tại Liverpool. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

    Thống đốc Ngân hàng Anh Mark Carney cảnh báo nền kinh tế Anh "chưa được chuẩn bị" cho tình huống Brexit không thỏa thuận. Thống đốc Carney nhận định dù nhiều công ty đang thúc đẩy lập kế hoạch cho những sự kiện bất ngờ, song nền kinh tế nói chung vẫn chưa được chuẩn bị cho một sự chuyển tiếp mà không có thỏa thuận Brexit.

    Mối quan ngại về Brexit đang gây ra sự bất ổn trong ngắn hạn về số liệu kinh tế và nhiều căng thẳng trong kinh tế và thương mại. Tháng 11 năm ngoái, Ngân hàng Anh dự báo kinh tế Anh năm 2019 tăng trưởng 1,7%. Tuy nhiên, những rủi ro liên quan đến Brexit đã khiến Ngân hàng Anh phải hạ dự báo và viễn cảnh kinh tế sẽ tiếp tục phụ thuộc vào việc Anh rời EU như thế nào.

    Các kế hoạch để Anh rời EU vào ngày 29/3 theo thỏa thuận được ký giữa hai bên vào năm ngoái đã gây hoài nghi, sau khi các nghị sĩ Anh bác thỏa thuận vào tháng trước. Nếu dự báo của Ngân hàng Anh thành sự thật, mức tăng trưởng 1,2% trong năm 2019 là mức tăng thấp nhất của kinh tế Anh trong một thập kỷ. Ngân hàng Anh cũng hạ dự báo tăng trưởng năm 2020 của Anh từ 1,7% xuống 1,5%.

    Dự báo trên đã khiến tỷ giá đồng bảng Anh giảm xuống mức 1 bảng đổi được chưa đến 1,29 USD, mức thấp nhất trong 3 tuần. Những quan ngại về Brexit cũng làm giảm nhu cầu tiêu dùng và khiến các doanh nghiệp hoãn đưa ra quyết định về các dự án mới.

    VietHome(Theo VietNamPlus)

  • Ngài James Dyson được nêu danh là một trong những người trả thuế nhiều nhất cả nước ngay trong tuần tuyên bố ông sẽ chuyển trụ sở của Dyson ra khỏi nước Anh.

    Thương nhân tỷ phú ủng hộ Brexit này cho biết việc chuyển trụ sở khỏi Malmesbury, Wiltshire, tới Singapore không có liên quan gì đến Brexit hay vấn đề thuế.

    Ngài James đứng thứ ba trong danh sách nộp thuế với khoản thuế đã nộp lên đến 127.8 triệu bảng trong năm ngoái.

    Ông chủ đồng thời là nhà sáng lập Easyjet, Ngài Stelios Haji-loannou nộp 20.7 triệu bảng, gia đình sở hữu ngân hàng Warburton nộp 14.5 triệu trong khi gia đình Arora, thế lực đứng sau chuỗi cửa hàng B&M, đã nộp 25.6 triệu bảng tiền thuế.

    Hai cái tên đáng chú ý trong danh sách là Victoria và David Backham. Họ đã nộp tổng cộng 12.7 triệu bảng tiền thuế cho hai công ty lớn của mình.

    Người đứng đầu danh sách 50 người nộp thuế cao nhất năm 2017/18 là Stephen Rubin, chủ sở hữu chính của JD Sports, người đã nộp 181.6 triệu trong năm ngoái.

    Denise, John và Peter Coates, chủ sở hữu bet365, đứng thứ hai với hóa đơn thuế lên đến 156 triệu bảng.

    Mike Ashley, nhà sáng lập Sports Direct, nộp 30.4 triệu tiền thuế hồi năm ngoái và chủ tịch tập đoàn Ineos và người đứng đầu danh sách người giàu nhất của tờ Sunday Times, Ngài Jim Ratcliffe, cùng trả mức thuế 110.5 triệu.

    Ông Robert List, người lập nên danh sách đóng thuế và danh sách người giàu của tờ Sunday Times, cho biết: “Khó có thể chối cãi việc những bê bối của Panama Papers, Paradise Papers, v.v. đã tạo nên ấn tượng rằng những người giàu có hàng đầu nước Anh chẳng đóng góp một đồng xu nào cho tài chính quốc gia.

    “Nhưng danh sách nộp thuế của chúng tôi cho thấy nhiều người siêu giàu đã đóng góp tới hàng triệu bảng mỗi năm. Đây là những khoản tiền khổng lồ.”

    Ông Watts nói thêm: “Những con số này tạo nên danh tiếng vững chắc hơn nhiều so với các quỹ từ thiện hay những hành động nhân đạo khác của những người giàu có này.

    “Danh sách nộp thuế cũng đặt ra câu hỏi đất nước của chúng ta có thể lấp đầy khoảng trống bằng các nào nếu Brexit – hoặc một môi trường chính trị thiếu thân thiện hơn nữa – khiến những người siêu giàu rời bỏ nước Anh để đến với Monaco, Thụy Điển hay các quốc gia có mức thuế thấp khác.”

    VietHome (Theo Metro)

  • Hiệp hội các nhà chế tạo và buôn bán ôtô Vương quốc Anh (SMMT) vừa cho biết sản lượng ôtô của nước này đã giảm 9% trong năm 2018, mức giảm nhiều nhất kể từ năm 2008-2009, với hoạt động đầu tư giảm gần 50% do những lo ngại về Brexit.

    Lĩnh vực sản xuất ôtô - sử dụng khoảng 850.000 lao động tại nước Anh và được các chính trị gia ca ngợi là câu chuyện thành công hiếm có trong ngành chế tạo - đã chứng kiến doanh số bán xe và sản lượng sụt giảm kể từ năm 2016, thời điểm nước Anh trưng cầu ý dân về việc tiếp tục ở lại hay rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.

    Sản lượng xe ôtô cũng bị ảnh hưởng bởi nhu cầu đối với xe diesel giảm, việc các quy định siết chặt hơn về khí thải tác động và đà tăng trưởng chậm lại tại Trung Quốc, thị trường ôtô số một thế giới.

    Năm 2018 đã chứng kiến sản lượng xe ôtô sụt giảm mạnh nhất kể từ lần sụt giảm gần 30% hồi năm 2009, sau cuộc khủng hoảng tài chính và hoạt động đầu tư giảm xuống còn 589 triệu bảng (770 triệu USD), mức thấp nhất kể từ năm 2012.

    Giám đốc điều hành SMMT Mike Hawes cho hay những bất ổn xung quanh Brexit đã ảnh hưởng lớn tới sản lượng, đầu tư và việc làm, đồng thời kêu gọi chính phủ tránh một Brexit không thỏa thuận.

    Jaguar Land Rover, nhà sản xuất ôtô lớn nhất nước Anh, vốn bị ảnh hưởng bởi nhu cầu sụt giảm từ Trung Quốc, đã ghi nhận sản lượng tại thị trường nội địa giảm 15,6%. Trong lúc sản lượng của Nissan, đang vận hành nhà máy sản xuất ôtô lớn nhất nước Anh, giảm khoảng 10,7%. 

    VietHome (Theo TTXVN)