• Ngày 24/2, khi cậu bé 6 tuổi mở cửa cho các nhân viên y tế đi kiểm tra thân nhiệt ở thành phố Thập Yển (tỉnh Hồ Bắc) đã tiết lộ sự việc đau lòng.

    Các cán bộ y tế vô cùng bất ngờ khi biết suốt mấy ngày qua, kề cận bên cậu bé là người ông 71 tuổi đã qua đời. Ông cụ không mất vì bệnh Covid-19, tuy nhiên chưa thể xác định lý do và thời gian tử vong. Việc điều tra vẫn đang gấp rút tiến hành.

    Cậu bé đã ở bên cạnh thi thể ông trong suốt mấy ngày (Ảnh: Sina)

    Theo Thời báo Hoàn cầu, một nhân viên bệnh viện địa phương cho biết ông cụ đã mất khoảng 2-3 ngày. Trước đó, ông dặn dò cháu trai không được mở cửa bởi vì "virus ở ngoài kia".

    Các nhân viên y tế vận động người dân đo thân nhiệt tại nhiều nơi thuộc tỉnh Hồ Bắc (Ảnh: Tân Hoa Xã).

    Tin tức nói trên khiến người dùng mạng xứ Trung vô cùng buồn bã, đến 90 triệu người đã đọc tin và hàng vạn người để lại bình luận. Đây cũng là 1 trong 20 chủ đề được chú ý nhất trên mạng xã hội Weibo vào chiều thứ tư, 26/2.

    Mọi người đặc biệt quan tâm đến tình hình của cậu bé đã mất đi người thân, không có ai chăm sóc. "Các nhân viên xã hội nên tìm kiếm sự giúp đỡ cho bé trai về mặt tâm lý" - một dân mạng bình luận. "Thật khó tưởng tượng những gì em đã phải trải qua, thậm chí em có thể đói khát nếu cán bộ thành phố không đến vận động đo thân nhiệt kịp thời" - một người khác bày tỏ. 

    Sau đó, cảnh sát cho biết đã liên lạc được với bố của cháu bé. Anh đang ở tỉnh Quảng Tây, do điều kiện khách quan vẫn chưa thể trở về với con; hậu sự của bố cũng đành nhờ chính quyền lo liệu. Còn cháu bé đang được một nhân viên xã hội chăm sóc, sức khỏe vẫn ổn định.

    Đến sáng 26/2, tỉnh Hồ Bắc đã ghi nhận thêm 402 ca nhiễm Covid-19, ngoài ra có 52 người tử vong và 2.058 người đã hồi phục. Trên toàn Trung Quốc đại lục, chỉ có thêm 4 ca nhiễm mới và không có người tử vong bên ngoài Hồ Bắc - chuyện lần đầu tiên xảy ra trong suốt 23 ngày qua. 

    Con số nhiễm bệnh đến hiện tại là 78.064 người, với 2.715 người qua đời. Tình hình dịch bắt đầu chuyển biến tích cực ở Trung Quốc đã khiến ít nhất 13 tỉnh thành hạ mức cảnh báo khẩn cấp.

    Theo Trí Thức Trẻ

  • Sau khi trở về từ miền bắc Italy, nơi phát hiện hàng trăm ca nhiễm COVID-19, 4 em học sinh cùng trường với Hoàng tử George và Công chúa Charlotte đã lập tức cách ly.

    Mới đây, 4 em học sinh thuộc trường Thomas’s Battersea ở phía tây nam thành phố London (Anh), ngôi trường mà hai anh em hoàng gia đang theo học, đã được chỉ định cách ly tại nhà trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm COVID-19 vì xuất hiện triệu chứng cảm cúm. Đáng quan ngại hơn, có 2 em vừa quay về từ miền bắc Italy, nơi dịch COVID-19 khiến hàng trăm nghìn người bị lây nhiễm.

    William và Kate cùng hai con đến trường.

    Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, chưa có học sinh nào trong trường Thomas’s Battersea bị chẩn đoán nhiễm virus nCoV. Đây là một trong số 40 ngôi trường ở Anh bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh phức tạp tại Italy, khi COVID-19 bùng phát ở nước này trong mùa trượt tuyết. Một số trường học trên khắp nước Anh đã đóng cửa, còn những trường khác tạm thời cho học sinh nghỉ ngơi ở nhà để chờ diễn biến mới.

    Trường học của George và Charlotte có 4 học sinh xuất hiện triệu chứng cúm.

    Theo nhận định của Tổ chức Y tế Công cộng Anh (PHE), đây không phải là thời điểm thích hợp để đóng cửa trường học. Giám đốc Paul Cosford cho biết: “Các ngôi trường gặp nhiều khó khăn khi đưa ra quyết định, bởi vấn đề mà họ phải đối mặt hết sức phức tạp. Chúng tôi kiến nghị không nên đóng cửa trường học vào lúc này”. 

    Trước tình hình đó, Thomas’s Battersea đã đưa ra biện pháp giải quyết. Đại diện nhà trường phát biểu: “Giống như các trường học khác, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến sự lây lan của COVID-19. Nhà trường luôn tuân thủ hướng dẫn của chính phủ trong công tác phòng chống nhiễm bệnh, cũng như xử lý các trường hợp học sinh, công nhân viên của trường bị nghi nhiễm virus, hoặc có bất kỳ triệu chứng lây nhiễm nào”.

    Thomas’s Battersea là trường học ở tây nam thành phố London.

    “Nhà trường đã tiến hành kiểm tra cho một số lượng nhỏ học sinh, hiện các em đang ở nhà để chờ kết quả xét nghiệm. Chúng tôi đã thông báo tình hình cụ thể đến phụ huynh, đồng thời giữ liên lạc với các ban ngành liên quan để đảm bảo cập nhật thông tin quan trọng. Nhà trường sẽ không tiết lộ thông tin cá nhân của học sinh và công nhân viên, cũng không bình luận về các trường hợp nhiễm bệnh cụ thể”, phát ngôn viên nhà trường nói.

    Bên cạnh đó, Zara Tindall, cháu gái của Nữ hoàng, vừa trở về sau chuyến đi trượt tuyết ở thị trấn Bormio, miền bắc Italy cùng chồng. Tuy nhiên, cặp đôi sẽ không tiến hành tự cách ly, bởi cho đến nay, họ vẫn không xuất hiện triệu chứng nhiễm bệnh nào.

    Zara và Mike trong ngày cưới.

    Saostar/theo Mirror

  • Một vài tập đoàn lớn có trụ sở tại thủ đô London, Vương quốc Anh đã yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà nhằm đề phòng lây nhiễm virus Covid-19.

    Tập đoàn năng lượng đa quốc gia Chevron có trụ sở tại khu phức hợp Canary Wharf nằm ở quận Tower Hamlets đã đề nghị 300 nhân viên của mình không đến văn phòng làm việc khi một nhân viên của tập đoàn này đã có kì nghỉ cuối tuần trước tại Italia, nơi đang là tâm dịch Covid-19 của châu Âu và đã trở lại làm việc vào đầu tuần này.

    Giống như Chevron, các nhân viên của công ty đường sắt Crossrail có chung trụ sở với tập đoàn này và công ty truyền thông OMD có trụ sở tại trung tâm London cũng đã được yêu cầu làm việc tại nhà trong thời gian này. Tuy nhiên, hai doanh nghiệp nói trên không cho biết cụ thể số lượng nhân viên bị ảnh hưởng bởi quyết định này.

    Trước những quyết định trên đến từ phía các doanh nghiệp, công ty bất động sản đang quản lý khu phức hợp Canary Wharf cho rằng các doanh nghiệp đã có những phản ứng “cẩn thận trên mức cần thiết”. 

    Cơ quan bảo vệ sức khỏe công cộng Anh cũng cho biết những tổ chức hay cá nhân đang có trụ sở tại London chỉ cần tuân thủ những khuyến cáo đến từ các cơ quan y tế tại nước này và không nhất thiết phải tạm đóng cửa văn phòng làm việc kể cả khi có trường hợp nhân viên bị xác nhận nhiễm Covid-19.

    Mặc dù vậy, một vài doanh nghiệp khác có trụ sở tại Anh cũng có những biện pháp phòng ngừa của riêng mình. Công ty dầu khí Anh Quốc (BP) đã hoãn tất cả những chuyến công tác không cần thiết đến những quốc gia có dịch Covid-19 bao gồm Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore cho đến khi có thông báo tiếp theo.

    Trong ngày hôm qua (26/2), Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock đã thông báo rằng tất cả công dân Anh trở về từ những vùng bị phong tỏa tại Italia phải tự cách ly kể cả khi không có triệu chứng nghi nhiễm Covid-19.

    Hãng hàng không quốc gia Anh British Airways cũng đã hủy một số chuyến bay đến thành phố Milan (Italia) khi nhu cầu đến một trong những “kinh đô thời trang” của thế giới này sụt giảm với sự bùng phát dịch Covid-19 tại đất nước hình chiếc ủng.

    Châu Âu lo sợ khi virus corona từ Italy lây lan rộng

    Đợt bùng phát dịch virus corona tại Italy đang có dấu hiệu lan rộng ra toàn châu Âu khi liên tiếp 5 quốc gia trong khu vực phát hiện ca nhiễm có liên quan đến nước này.

    Italy đang là nước có số ca nhiễm virus corona cao nhất ngoài châu Á. Tính đến hết ngày 25/2, có 322 người tại quốc gia Nam Âu xét nghiệm dương tính và 11 ca tử vong có liên quan đến chủng virus corona mới, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên là SARS-CoV-2.

    Ở bờ bên kia Địa Trung Hải, Algeria cũng ghi nhận một công dân Italy dương tính với virus, nhưng chưa thể xác minh người này có về nước trong thời gian qua hay không. Dịch bệnh do virus corona (được WHO gọi tắt là Covid-19) đã xuất hiện tại 5 châu lục: Á, Âu, Phi, Mỹ và châu Đại Dương.

    Những ca nhiễm mới khiến các nước lo ngại dịch bệnh có thể lan rộng nhanh chóng trên khắp châu Âu, đặc biệt khi Hiệp ước Schengen cho phép người dân 26 nước thành viên tại châu Âu tự do đi lại trong khối. Trước lo ngại này, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran tiết lộ cuộc họp vừa qua với những người đồng cấp ở châu Âu đã thống nhất xây dựng "một chiến lược tập thể".

    "Hiện nay, cần nhấn mạnh rằng không có lý do gì để đóng cửa biên giới giữa các quốc gia thành viên. Đây là cách phản ứng thái quá và cũng thiếu hiệu quả", Bộ trưởng Veran trả lời báo giới tại Rome.

    ANSA dẫn lời Michele Capone, quan chức cảnh sát nội địa Italy, cho biết các cơ quan chức năng nước này đã thiết lập chốt kiểm soát và triển khai cả quân đội đến "vùng đỏ" dịch bệnh ở Lombardy. Chính phủ siết chặt lệnh cấm tụ tập đông người. Trận đấu sắp đến của câu lạc bộ Inter Milan vẫn diễn ra nhưng không có khán giả đến xem.

    Tại miền Nam Italy, chính quyền vùng Basilicata thông báo sẽ buộc cách ly người đến từ phía bắc. Trong khi đó, hai vùng Puglia và Calabria đã yêu cầu người đến từ vùng dịch phải khai báo với giới chức địa phương. Dù vậy, Thủ tướng Giuseppe Conte vẫn cho rằng phản ứng mạnh tay tại các địa phương là "không thích đáng".

    Trong khi Croatia nhấn mạnh nước này đã sẵn sàng và sẽ bình tĩnh ứng phó dịch bệnh, nhiều chuyên gia cảnh báo nước láng giềng của họ là Hungary không được trang bị đầy đủ để đối đầu đợt bùng phát virus corona.

    Sân bay quốc tế Budapest thông báo họ mới mua một camera đo thân nhiệt vào tuần trước và sẽ thuê thêm một camera mới để giám sát sức khỏe hành khách đến sân bay.

    Giới chuyên gia cảnh báo đợt bùng phát virus ở châu Âu sẽ là thách thức lớn đối với hệ thống y tế của vùng Balkans vốn không được quan tâm đầu tư thời gian qua. Y bác sĩ những nước trong khu vực thường tìm đường sang Tây Âu để làm việc.

    Tính đến nay, 11 quốc gia tại châu Âu đã ghi nhận các ca nhiễm virus corona với gần 400 bệnh nhân. Phái đoàn của WHO tại Trung Quốc ngày 24/2 đã cảnh báo thế giới chưa đủ sẵn sàng để ứng phó một đợt bùng phát dịch quy mô lớn.

    Nhiều chuyên gia bệnh truyền nhiễm nhấn mạnh thế giới cần một chiến lược ứng phó thống nhất để giảm thiểu thiệt hại từ dịch bệnh và giảm tốc độ bùng phát, đồng thời thừa nhận không thể chặn đứng đà lây lan của virus corona.

    Theo Tiền Phong

  • Tòa nhà văn phòng của tập đoàn Chevron ở Canary Wharf. Ảnh: Google

    Hàng trăm nhân viên đã được cho về sau khi một tòa nhà văn phòng ở Canary Wharf, London, bị đóng cửa vì nỗi sợ lây nhiễm virus corona.

    Công ty dầu khí Mỹ Chevron đã khuyên 300 nhân viên của mình làm việc từ xa sau khi một nhân viên của họ có triệu chứng giống cúm sau khi trở về từ một quốc gia bị ảnh hưởng bởi loại virus này.

    Các nhân viên đã được gửi đi khám bệnh và được yêu cầu không trở lại làm việc cho đến khi nhận được kết quả âm tính.

    Đại diện phát ngôn của tập đoàn cho biết: ''Chevron sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình, tuân theo hướng dẫn ngăn ngừa dịch bệnh của chính quyền địa phương và quốc tế. Mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi là sức khỏe và sự an toàn của hàng trăm nhân viên, và chúng tôi đang áp dụng các phương pháp thận trọng để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh''.

    Hàng trăm nhân viên của Chevron đã được cho làm việc tại nhà sau khi một người xuất hiện triệu chứng giống cúm. Ảnh: Getty Images

    Thông tin này xuất hiện sau khi Cơ quan Y tế Cộng đồng Anh cảnh báo hàng ngàn bệnh nhân có triệu chứng giống cúm sẽ được kiểm tra nhằm ngăn chặn tình trạng bùng nổ dịch bệnh giống như đã xảy ra ở Italy, khi số ca nhiễm bệnh đã tăng 50% trong vòng 24 giờ, làm 322 người nhiễm và 11 người chết.

    Theo báo cáo của The Sun, chính phủ dự đoán tình huống tồi tệ nhất là 80% dân số Anh sẽ nhiễm bệnh, trong đó 1-2% (tương đương 500.000 - 1 triệu) người có thể tử vong. 

    Thư ký Bộ y tế, ông Matt Hancock khuyến cáo những người trở về từ Italy nên tự cách ly nếu họ xuất hiện triệu chứng giống cúm trên đường trở về UK. 

    18 trường học ở Anh đã đóng cửa và cho học sinh học từ xa giữa lo ngại virus corona lây lan trên diện rộng. 

    Brazil và Hy Lạp nghi nhận trường hợp nhiễm nCoV bắt nguồn từ Italy, nâng tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ phát hiện dịch lên 41.

    Ca nhiễm tại Hy Lạp là một phụ nữ 38 tuổi gần đây đến Italy. "Người phụ nữ đang được điều trị tại bệnh viện Thessaloniki và đang trong tình trạng ổn định", đại diện Bộ Y tế Hy Lạp Sotiris Tsiodras hôm nay cho biết tại Athens. Giới chức đang xác định những người cô đã tiếp xúc và họ sẽ cách ly những người từng tiếp xúc gần.

    Trường hợp nhiễm tại Brazil là một người đàn 61 tuổi ở Sao Paulo, đã đến Lombardy, bắc Italy ngày 9-21/2, một nguồn tin giấu tên hôm nay nói với Reuters.

    Viethome (theo Metro)

  • Một nam công dân Anh được di tản khỏi Vũ Hán cùng với người vợ đang mang thai của mình, hiện đối mặt với khoản phí hơn 10,000 bảng Anh nếu họ muốn sinh con ở UK.

    Jed Jones, 28 tuổi và vợ Liu Pan hiện đang ở tại Lydney, Gloucestershire. Ảnh: Gloucestershire Live

    Anh Jed Jones, 28 tuổi và vợ Liu Pan hiện đang ở tại Lydney, Gloucestershire sau khi được cách ly 14 ngày ở Milton Keynes. Cặp đôi nhẹ nhõm khi được thông báo họ hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng nay lại đối mặt với khoản phí khổng lồ nếu cô Liu Pan, quốc tịch Trung Quốc, muốn sinh con tại một cơ sở của NHS.

    Anh Jones cho biết người vợ mang thai 24 tuần của mình không đủ điều kiện để được sinh con miễn phí vì cô chỉ có visa 6 tháng. Họ không hề biết mình phải đối mặt với mức phí này khi rời Trung Quốc, và nhiều khả năng họ phải quay lại Trung Quốc vì khoản phí sinh con ở UK quá đắt đỏ.

    Jed và Lui từng phải cách ly ở Milton Keynes và mới được ''giải phóng'' vào hôm qua. Ảnh: Gloucestershire Live

    Anh Jones nói: ''Chúng tôi đã tuân theo lời khuyên di tản của chính phủ, chúng tôi làm theo mọi thủ tục. Thật bất công khi bất chợt nhật ra chúng tôi phải gánh nợ gần chục ngàn bảng để đảm bảo sự an toàn cho vợ con tôi. Tôi phải đóng khoản phí trước khi sinh là £1,500, nhưng nó có thể tăng lên đến £4,500. Phí sinh con mất từ £2,600 đến £7,800. Nếu không đủ tiền đóng hết một lần, khoản nợ của chúng tôi sẽ tăng lên và sẽ khó cho cô ấy nếu muốn xin visa sau này''.

    Anh Jones đến sống ở Trung Quốc vào năm 2013 với công việc phát triển phần mềm. Anh kết hôn với cô Liu, một chuyên viên đồ họa, được 5 năm. Anh Jones đóng thuế và bảo hiểm cho UK thông qua công ty Anh ở Trung Quốc, nơi anh làm việc. Bộ Nội vụ khuyên anh liên hệ đường dây nóng của trung tâm nhập cư nhưng họ không giúp được gì.

    Cặp đôi được cách ly tại khách sạn Kents Hill Park ở Milton Keynes. Ảnh: PA

    Người phát ngôn của Bộ Sức khỏe và Chăm sóc Xã hội cho biết: ''Chúng tôi hiểu đây là một tình huống khó khăn, và NHS sẽ không từ chối bất kỳ một sản phụ nào. Nhưng NHS là một dịch vụ dành cho người cư trú, do đó những người sử dụng visa thăm thân phải đóng tiền điều trị, giống như những người đóng thuể ở Anh vậy. Tuy nhiên, NHS luôn cung cấp dịch vụ thai sản cho những ai cần đến, bao gồm cả những người hồi hương từ Trung Quốc''.

    Dịch coronavirus đã khiến gần 80,000 người nhiễm bệnh và giết hơn 2,500 người ở Trung Quốc, chủ yếu ở tỉnh Hồ Bắc.

    Viethome (theo Metro)

  • Mới đây, trang QQ đưa tin Thành Long và nhiều nghệ sĩ kỳ cựu và danh tiếng Hong Kong như Tăng Chí Vỹ, Đàm Vịnh Lân, Phương Trung Tín, Lâm Quốc Bân... đã bị cách ly do nghi ngờ nhiễm Covid -19.

    Trước đó, một video ghi lại cảnh Thành Long cùng các nghệ sĩ như Tăng Chí Vỹ, Đàm Vịnh Lân, Phương Trung Tín, Lâm Quốc Bân,...đang tụ tập ăn uống, ca hát và nhảy múa trong một bữa tiệc sau trận đấu giao hữu thường thường niên của đội bóng ngôi sao Thần Hy được chia sẻ rầm rộ trên khắp mạng xã hội Weibo. Thậm chí, trong bữa tiệc, Thành Long và Đàm Vịnh Lân còn khoác vai nhau khi hát bài “Bằng hữu” với mọi người.

    Mặc dù vẫn chưa rõ thời gian tổ chức bữa tiệc này nhưng vì nó xuất hiện trên Weibo giữa thời điểm cả Hong Kong (Trung Quốc) và Trung Quốc đại lục đang “oằn mình” vì dịch Covid -19 nên nhiều người hâm mộ tỏ ra phân nộ và chỉ trích gay gắt Thành Long cũng như các nghệ sĩ khác có mặt tại bữa tiệc.

    Sau đó, có 4 người trong số đó đã xác định dương tính với Covid -19, do đó những người còn lại đều là những nghệ sĩ nổi tiếng, có địa vị tại làng giải trí Hong Kong đều bị cách ly theo dõi.

    Giữa thời điểm ngành giải trí Trung Quốc bị đóng băng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong khi nhiều nghệ sĩ nước này được khen ngợi vì tích cực đóng góp, ủng hộ người dân Vũ Hán thì một số sao lại gây thất vọng vì sang nước ngoài để du lịch, nghỉ dưỡng nhằm tránh dịch.

    Cụ thể, mới đây, cộng đồng mạng Trung Quốc đã thống kê một bảng danh sách có tên "Minh tinh đã đi đâu thế?" kể từ khi đất nước này bùng phát đại dịch Covid -19. Trong đó, họ phát hiện rất nhiều người nổi tiếng chọn cách rời quê nhà để sang những nước có tình hình bệnh dịch không quá nghiêm trọng để nghỉ ngơi, du lịch.

    Những nghệ sĩ nổi tiếng có trong danh sách bao gồm Tạ Đình Phong, Vương Phi, Trương Hàn, Ngô Tuyên Nghi, Dương Siêu Việt, Trần Dịch Tấn, Trương Vũ Kỳ, gia đình Lục Nghị, vợ chồng Quách Bích Đình - Hướng Tả, … Trong đó, có hơn chục nghệ sĩ chia sẻ hình ảnh du lịch ở Nhật Bản và thậm chím họ còn hẹn gặp mặt để ăn uống tại xứ sở mặt trời mọc.

    Hành động của các ngôi sao trên bị chỉ trích dữ dội vì nhiều người cho rằng họ ra nước ngoài vì muốn "chạy nạn" bởi thời điểm khi Trung Quốc mới bùng phát dịch Covid -19, Nhật Bản chưa ghi nhận ca bệnh nào dương tính với virus corona. Trong khi đó, ngay từ đầu mùa dịch Covid-19, Chính phủ Trung Quốc đã ban bố chỉ thị khuyến cáo mọi người dân hạn chế ra ngoài, tụ tập ở những nơi đông người để giảm thiểu sự lây lan của virus corona trong cộng đồng với thông điệp: "Ở nhà chính là việc làm cống hiến lớn lao nhất cho xã hội".

    Đồng thời, Tạ Đình Phong, Vương Phi, Trương Vũ Kỳ...còn bị “soi” ra việc không quyên góp tiền cho Vũ Hán trong khi trước đó, gần 100 nghệ sĩ nước này gồm vợ chồng Huỳnh Hiểu Minh – Angelabay, Ngô Kinh – Tạ Nam, Lâm Chí Linh, Viên San San, Dương Tử, Diêu Thần, Phạm Băng Băng…đã tích cực quyên góp tiền để giúp đỡ người dân vùng dịch, đặc biệt là Vũ Hán.

    “Đất nước đang chật vật chống dịch mà họ lại vui vẻ đi du lịch khắp nơi. Nhiều người có thể bỏ cả triệu USD để hưởng lạc nhưng lại không chịu bỏ ra một xu giúp đỡ Vũ Hán. Thật ích kỷ”, “Đã đi du lịch rồi còn đăng ảnh nói tôi ổn, các bạn có ổn không, họ đang khoe khoang mình giàu có nên dễ dang ra nước ngoài ư”,…là hai trong số nhiều bình luận của cộng đồng mạng.

    Theo Sina, hiện tại 70% nghệ sĩ trong showbiz Hoa ngữ đã sang nước ngoài “lánh nạn”, những người này âm thầm xuất ngoại để tránh bị cánh săn ảnh chụp hình và bị dân mạng chỉ trích.

    Theo Tiền Phong

  • Nguồn tin cho biết những người trở về UK chưa được xác định âm tính với virus corona khi họ rời khỏi Nhật Bản. Ảnh: Reuters

    4 trong số 32 công dân Anh trên du thuyền Diamond Princess đã được đưa đến bệnh viện Arrowe Park, Merseyside. Tại đây họ được xác nhận dương tính với virus corona. Cả 4 người đã được chuyển vào trung tâm điều trị bệnh truyền nhiễm của NHS. 

    Những công dân Anh trên du thuyền Diamond Princess ở Nhật Bản đã hạ cánh tại Anh vào hôm thứ Bảy và ngay lập tức được đưa vào khu cách ly. Trước khi lên máy bay, không ai có triệu chứng đáng nghi nào. Tính đến nay đã có 13 công dân Anh được xác nhận nhiễm virus corona, trong đó 8 người đã xuất viện.

    Công dân Anh trở về từ Nhật Bản đã được cách ly tại Bệnh viện Arrowe Park. Ảnh: AFP
    Chuyến bay di tản cất cánh từ sân bay Haneda ở Tokyo vào hôm thứ Sáu. Ảnh: Getty

    Con tàu đã bị đặt trong tình trạng cách ly sau khi hơn 600 người được xác nhận dương tính với virus corona. Đã có 3 người trên tàu này tử vong, nguyên nhân được xác định là do viêm phổi. 

    Italy hiện trở thành quốc gia có nhiều người nhiễm bệnh nhất bên ngoài Asia. Hiện đã có 133 người ở nước này nhiễm bệnh. 

    Italy đã hủy lễ hội carnival Venice sau khi nước này bùng phát dịch bệnh. Ảnh: Cobra Team / BACKGRID

    Chính quyền Italy đã áp dụng nhiều phương pháp để cấm dân chúng tập trung đông đúc, bao gồm việc hủy nhiều lễ hội carnival danh tiếng ở Venice, vốn thu hút hàng chục ngàn người tới tâm điểm mới của dịch bệnh.

    Italy hiện là ổ dịch lớn thứ tư trên thế giới, sau Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc và du thuyền Diamond Princess ở Nhật. Nước này ghi nhận 3 ca tử vong vì nCoV chỉ trong 48 giờ, đều là người cao tuổi. Một cụ bà 77 tuổi và cụ ông 78 tuổi ở Italy trở thành những người châu Âu đầu tiên tử vong trong dịch Covid-19.

    Trong khi đó, người thứ 5 đã tử vong ở Hàn Quốc sau khi được chẩn đoán mắc bệnh. Hiện có 833 ca nhiễm bệnh ở nước này. Hàn Quốc hiện là ổ dịch nCoV lớn thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc đại lục. Trước đó, du thuyền Diamond Princess neo đậu ở Nhật bị coi là ổ dịch Covid-19 lớn thứ hai với tổng cộng 634 ca nhiễm.

    Giáo phái Tân Thiên Địa trở thành tâm điểm chú ý của đợt bùng phát dịch Covid-19 tại Daegu, thành phố lớn thứ 4 Hàn Quốc, sau khi một nữ tín đồ 61 tuổi lây virus cho hàng chục người khác. 

    Dịch Covid-19 đã xuất hiện tại 34 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, khiến ít nhất 79.570 người nhiễm và 2.623 người chết.

    Viethome (theo Metro)

  • Giới chức Italy đóng cửa trường học, quán bar và các địa điểm công cộng ở 10 thị trấn miền bắc sau khi số ca nhiễm nCoV tăng mạnh.

    Hơn 50.000 người ở các thị trấn này từ ngày 21/2 được yêu cầu ở trong nhà, trong khi các hoạt động ngoài trời như lễ hội hóa trang, cầu nguyện ở nhà thờ và các sự kiện thể thao đã bị cấm trong một tuần.

    Đường phố các thị trấn này trở nên vắng tanh, chỉ vài người qua lại, trong khi các biển báo được dựng lên, thông báo về việc đóng cửa các địa điểm công cộng. Ở thị trấn Casalpusterlengo, một bảng điện tử bên ngoài tòa thị chính khuyến cáo người dân ở trong nhà để phòng ngừa dịch bệnh.

    Công ty đường sắt Trenord hôm nay thông báo các tàu liên vùng sẽ không dừng lại tại các ga ở khu vực có dịch.

    Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho biết "mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát", và nhấn mạnh chính phủ đang "cảnh giác cao độ" với dịch Covid-19.

    Khu phố mua sắm ở thị trấn Codogno, bắc Italy vắng bóng người hôm 21/2. Ảnh: AP

    Thị trấn đầu tiên bị đóng cửa là Codogno, với dân số 15.000 người. Đây là nơi có ba trường hợp dương tính với nCoV, trong đó có một người đàn ông 38 tuổi làm ở công ty Unilever và người vợ đang mang thai 8 tháng. 

    Người đàn ông 38 tuổi đang trong tình trạng nguy kịch và được chăm sóc đặc biệt. Người này hồi đầu tháng đã ăn tối với một người từng đến Trung Quốc hồi tháng 1. Ông sau đó xuất hiện các triệu chứng bệnh, song kết quả xét nghiệm cho thấy ông âm tính với nCoV, theo truyền thông Italy.

    Một người bạn của người đàn ông này là con trai một chủ quán bar ở Codogno cũng dương tính với nCoV. Ba người sống ở thị trấn nhỏ Castiglione d'Adda nhưng thường đến quán này sau đó cũng nhiễm nCoV. Lãnh đạo thị trấn cho hay người dân ở đây vô cùng lo ngại về khả năng lây lan của dịch bệnh.

    Khoảng 250 người đã được cách ly tại nhà sau khi tiếp xúc với ba người này và 60 nhân viên Unilever phải xét nghiệm nCoV.

    Lãnh đạo vùng Veneto, Luca Zaia, cho biết một cặp vợ chồng 78 tuổi và 67 tuổi đến từ làng Vo' Euganeo, gần thành phố Padua, có kết quả dương tính với nCoV. Zaia cho biết "một vành đai y tế" sẽ được thiết lập bao quanh ngôi làng và các địa điểm công cộng sẽ bị đóng cửa. 

    Số ca nhiễm tại Italy tăng đột biến ngày 21/2 với 17 ca mới, tất cả đều ở miền bắc, nâng tổng số ca tại nước này lên 20. Giới chức Italy hôm qua xác nhận trường hợp nhiễm nCov đầu tiên tử vong ở nước này là một người đàn ông 78 tuổi, qua đời tại một bệnh viện ở Veneto.

    Dịch Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán và lan ra 31 tỉnh thành Trung Quốc. Tính tới sáng 22/2, 30 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận dịch Covid-19 với hơn 77.000 ca nhiễm nCoV. Dịch đã khiến 2.251 người chết, chủ yếu tại Trung Quốc đại lục.

    Theo VnExpress

  • Nhà hàng Trung Quốc của Sonia Hang ở Rome từng rất tấp nập, nhưng giờ số phóng viên đến đây còn nhiều hơn thực khách.

    "Mọi thứ vô cùng tồi tệ. Tôi không nghĩ tình hình có thể tệ đến vậy", Hang, chủ của Hang Zhou, nhà hàng Trung Quốc nổi tiếng nhất thủ đô Rome của Italy, cho biết. "Nhà hàng của tôi thành lập từ năm 2010, tối nào cũng đông khách và thứ 6, thứ 7 luôn có một hàng dài đợi bên ngoài. Bây giờ chẳng có ai."

    Sau khi dịch Covid-19 khởi phát từ thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc và xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới, truyền thông Italy liên tục đăng những câu chuyện về người Trung Quốc, gồm cả du khách lẫn người nhập cư gốc Hoa, bị xúc phạm trên đường phố.

    "Thật đáng ghê tởm, dơ dáy. Đi về mà ho trong nhà của chính mình đi. Các người đang lây bệnh cho xã hội", một người đàn ông buông lời lăng mạ cặp vợ chồng Trung Quốc bằng tiếng Italy trong lúc họ cố gắng bước đi thật nhanh, theo một video trên mạng xã hội.  

    Một nhà hàng tại phố người Hoa ở London, Anh hôm 13/2. Ảnh: AFP

    Thị trưởng Rome Virginia Raggi từng tới nhà hàng Hang Zhou dùng bữa như một cử chỉ ủng hộ. Nhiều chính trị gia Italy khác cũng hỗ trợ cộng đồng người Hoa tại địa phương bằng cách chụp ảnh dùng bữa trong các nhà hàng Trung Quốc.

    Tuy nhiên, chính mối quan hệ kinh tế ngày càng gần gũi giữa Trung Quốc với Italy lại khiến nhiều người dân Italy tức giận, bởi họ cho rằng đây chính là nguyên nhân dẫn tới suy giảm sản xuất tại các địa phương, cũng như làn sóng di cư từ Trung Quốc đại lục trong vòng 10 năm qua. Việc dịch Covid-19 bùng phát giống như "đổ thêm dầu vào lửa".

    Từ Rome đến London, cộng đồng trong các khu phố người Hoa vốn đối mặt với sự bài xích giờ đây thêm lo lắng.

    Phố người Hoa tại London, Anh, nơi chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế của thành phố, cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của nCoV. Các nhà hàng cho biết việc kinh doanh giảm khoảng 50%, khiến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người bị ảnh hưởng.

    "Thật tồi tệ khi cộng đồng người Hoa phải đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc ngày càng tăng, đồng thời chịu thiệt hại kinh doanh tới hơn 50% vì dịch Covid-19. Tôi đã tới phố người Hoa ở Manchester, thành phố kết nghĩa với Vũ Hán 33 năm qua. Chúng tôi đoàn kết với cộng đồng người Hoa", lãnh đạo Công đảng Anh Jeremy Corbyn viết trên Twitter.  

    Để xoa dịu nỗi sợ hãi về nCoV, các doanh nghiệp trong phố người Hoa trên khắp thế giới đã treo biển cho biết họ thường xuyên khử trùng nội thất. Một số nhà hàng thậm chí đặt sẵn nước rửa tay sát khuẩn cho khách, trang bị khẩu trang và găng tay cao su cho nhân viên.

    Tuy nhiên, những biện pháp này dường như không hiệu quả. Rebecca Lyu, một sinh viên Trung Quốc đang sống ở London, vô cùng vất vả khi thuyết phục các bạn cùng đi ăn hoặc mua sắm. "Một số người bạn của tôi từ chối dùng bữa tại các nhà hàng trong phố người Hoa, bởi họ lo lắng về nCoV", Lyu cho hay.

    Tuần trước, một tin đồn lan truyền rằng ai đó từ siêu thị chính ở phố người Hoa tại London bị ốm, khiến lượng khách giảm đáng kể. "Tôi đã nói với người dân rằng nếu chuyện đó có thật, báo chí sẽ đưa tin", David Tang, phó chủ tịch Hiệp hội người Trung Quốc tại phố người Hoa ở London, cho hay.

    Tang bày tỏ lo ngại về tương lai các doanh nghiệp nếu tình trạng ế ẩm tiếp diễn. Ông cho biết cộng đồng người Hoa tại London đang lên kế hoạch gặp chính quyền địa phương và đề nghị họ hỗ trợ, như giảm thuế. "Nếu các ông chủ không có tiền, nhân viên sẽ phải hứng chịu và doanh nghiệp có thể đóng cửa", Tang nói.

    "Phố người Hoa là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất trung tâm London. Chính quyền ít nhất có thể công bố một số sự thật", Wing Poon, quản lý nhà hàng Tao Tao Ju, nêu ý kiến.

    Thông thường, các nhà hàng tại phố người Hoa ở London sẽ kín khách cả những ngày trong tuần, nhưng giờ đây lúc đông nhất cũng chỉ lấp đầy được một nửa số ghế, đôi khi chỉ có vài khách. Tuy nhiên, điều đáng chú ý nhất là du khách và sinh viên người Trung Quốc cũng gần như "biến mất" hoàn toàn.

    "Những người xa lánh nơi đây chính là dân Trung Quốc. Tôi không trách họ. Có lẽ họ chỉ đang tránh tới nơi đông người. Họ nghĩ London cũng giống Trung Quốc, hoặc thậm chí là Vũ Hán", Poon nói.

    Tuy nhiên, vẫn có nhiều dấu hiệu cho thấy người Trung Quốc ở nước ngoài không hoàn toàn đơn độc. Những nhà hàng trên phố Via Paolo Sarpi ở thành phố Milan, Italy, vừa tổ chức một sự kiện đặc biệt nhằm thể hiện "sự đoàn kết về ẩm thực" với người Trung Quốc. 50% lợi nhuận từ sự kiện sẽ được gửi tới một quỹ từ thiện để giúp trẻ mồ côi ở Trung Quốc.

    Tại thành phố Prato thuộc vùng Tuscany, nơi tập trung đông người Trung Quốc nhất Italy do phát triển ngành công nghiệp dệt may, Gennaro Brandi, dược sĩ sở hữu một hiệu thuốc địa phương, đã quyên góp 10.000 khẩu trang cho một trung tâm Phật giáo để gửi đến Trung Quốc.

    "Chúng tôi cảm thấy có nghĩa vụ phải thực hiện việc này, xuất phát từ tình hữu nghị sâu sắc giữa hai bên, cũng như sự hòa hợp đã diễn ra trong nhiều năm", Brandi cho hay.

    Tại quảng trường Vittorio ở Rome, trung tâm của cộng đồng người nhập cư, nghệ sĩ đường phố Leika vẽ một bức tranh tường hình bà Sonia Hang đeo khẩu trang và cầm một bát cơm, bên cạnh là dòng chữ: "Dịch bệnh thiếu hiểu biết đang diễn ra. Chúng ta phải tự bảo vệ bản thân".

    Theo VnExpress

  • Tự hào về sự cố gắng của con cái, nhiều bậc phụ huynh đã bỏ ra cả đống tiền để bay sang dự lễ tốt nghiệp cùng con, nhưng phút chót họ nhận được tin Đại học London sẽ hoãn lễ tốt nghiệp vì lo sợ virus corona.

    Người thân của nhiều du học sinh dự kiến sẽ bay đến London vào tuần này, nhưng chỉ cách đây 2 ngày, họ nhận được thông báo lễ tốt nghiệp sẽ bị hủy. Thông báo chậm trễ này khiến nhiều người không kịp hủy chuyến bay và phòng khách sạn.

    Nhiều du học sinh cho biết họ không nhận được email về quyết định này, mà chỉ biết thông tin qua mạng xã hội.

    Sinh viên luật Akarsha Weerasooriya nói với Metro: ''Thật là buồn. Đây là cơ hội hiếm hoi để người thân của tôi được đến đất nước này. Nhiều người đã phải để dành tiền hàng năm trời. Nhiều sinh viên không nhận được email sớm, một số bạn bè tôi chỉ phát hiện thông tin hủy lễ tốt nghiệp qua Instagram''.

    Gia đình của Akarsha tự chụp hình vì không được tham dự lễ tốt nghiệp. Ảnh: Nayomini Weerasooriya 
    Akarsha Weerasooriya và gia đình của anh đã chờ đợi nhiều năm để tham dự lễ tốt nghiệp vào ngày 3/3 tới ở Barbican Centre. Ảnh: Nayomini Weerasooriya

    Akarsha, 21 tuổi, đến từ Sri Lanka, cho biết nhà trường vẫn chưa công bố ngày chính thức diễn ra lễ tốt nghiệp, và anh tin rằng gia đình anh sẽ không thể đến dự nếu ngày đó thực sự đến.

    Anh thắc mắc tại sao nhà trường không thể tổ chức một buổi lễ nhỏ hơn để giảm rủi ro mọi người sẽ mắc phải virus Covid-19. 

    Trong một nỗ lực tự chúc mừng, Akarsha đã chụp ảnh với bố mẹ và em gái trong tấm ảnh kỷ niệm của riêng họ. Gia đình anh đã bỏ ra £6,130 tiền visa, vé máy bay và đặt phòng khách sạn cho gia đình 4 người và sẽ đến London vào hôm nay, nghĩa là không còn thời gian để hủy kế hoạch. 

    Mẹ anh, bà Nayomini, là một đại lý tiếp thị. Bà đã lên kế hoạch 1 năm cho chuyến đi này. Bà và người chồng luật sư đã cố sắp xếp cho chuyến du lịch châu Âu 3 tuần, và chắc chắn còn lâu lắm họ mới có thể thực hiện điều này lần thứ 2.

    Bà Nayomini nói: ''Khi con trai nói buổi lễ đã bị hủy, tôi vô cùng sốc, vì ngày hôm sau là chúng tôi phải lên máy bay rồi. Thật là một bi kịch. Con gái tôi đã xin nghỉ học 3 tuần để đi theo bố mẹ''.

    Hơn 4,000 người từ 100 quốc gia dự kiến sẽ tham dự buổi lễ tốt nghiệp dành cho những sinh viên theo học chương trình từ xa của University of London. Những sinh viên này đã học tại đất nước của mình, do đó được đến London để tham dự lễ tốt nghiệp là một dịp đáng tự hào đối với cả gia đình. 

    Bà Nayomini cho rằng nhà trường nên tổ chức một buổi lễ nhỏ hơn hoặc chỉ mời gia đình từ các quốc gia ít chịu ảnh hưởng của virus corona. Bà nói: ''Rất nhiều gia đình đã dành dụm cho chuyến đi này, họ quá thất vọng''.

    Sinh viên ngành kinh doanh và tiếp thị, Lukas Delport 43 tuổi, cho biết anh không nhận được email từ nhà trường mà chỉ biết qua mạng xã hội. Anh tâm sự với Metro: ''Chẳng gì có thể ngăn cản người ta đến đây. Hủy lễ tốt nghiệp làm gì khi mà người ta cũng vẫn sẽ bay đến London. Nhiều gia đình còn chẳng biết lễ tốt nghiệp đã bị hủy''.

    Nhiều người trên Instagram đã thắc mắc liệu gia đình có được bồi thường cho chi phí đi lại hay không, bởi vì đó không phải số tiền nhỏ.

    Một người bình luận: ''Những người qua được hải quan thì chắc chắn sức khỏe của họ không có vấn đề gì. Ở ga tàu điện ngầm còn có nhiều người hơn cả một buổi lễ tốt nghiệp. Những người điều hành University of London họ đã trốn khỏi London rồi à? Hành động này thật thiếu suy nghĩ''.

    Một người tên Sam Liew viết: ''Cái trường đó làm sao họ ngủ ngon được khi họ ra quyết định như thế? Bạn của tôi đã bỏ ra nhiều năm tuyệt vời nhất của cuộc đời để hoàn tất cái khóa học điên rồ của mấy người. Cô ấy phải làm nhiều việc lương thấp để theo đuổi việc học ở cái trường này. Thật buồn khi nhìn cô ấy vắt từng đồng để tham dự buổi lễ này. Không chỉ cho cô ấy, mà cả gia đình cô, những người chưa từng đặt chân ra khỏi đất nước của họ. Cô ấy sẽ nói gì với bố mẹ mình, những người đã trông đợi từng giây phút cho đến ngày này?''

    Nhiều gia đình vẫn sẽ bay đến London vì không còn đủ thời gian để hủy kế hoạch. Ảnh: Nayomini Weerasooriya.

    Trong một thông báo, hiệu phó Đại học London, ông Chris Cobb tuyên bố: ''Phải rất khó khăn chúng tôi mới ra quyết định trì hoãn sự kiện này vì vấn đề corona virus. Chúng tôi rất tiếc về những bất tiện mà việc này gây ra, nhưng sau khi xem xét hết sức cẩn thận, chúng tôi cảm thấy cần phải giảm thiểu rủi ro lây lan virus cho sinh viên và khách mời. Sự kiện này tập trung rất nhiều người từ nhiều nơi khác nhau, do đó những người ở vùng bị ảnh hưởng nặng có thể gây nguy hiểm cho những người đến từ các quốc gia không chịu ảnh hưởng của dịch bệnh''.

    Viethome (theo Metro)

  • Khu phố người Hoa (China Town) ở London vốn nổi tiếng về sự phồn hoa bỗng trở nên vắng vẻ, hiu quạnh khác thường vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

    Đoạn đường đèn lồng nổi tiếng với sắc đỏ và nhộn nhịp người qua lại giờ gần như vắng tanh sau khi nước Anh công bố ca nhiễm đầu tiên tại London là một khách du lịch đến từ Trung Quốc.

    Con phố nhộn nhịp ngày nào giờ lại trầm mình trong cảnh hoang lạnh, chỉ còn lác đác bóng người là chủ các cửa hàng kinh doanh đi lại trên đường.

    Tình trạng hiện giờ của con đường trung tâm của khu phố, nơi mà trước đó luôn luôn chật cứng du khách.

    Ca nhiễm Co-vid thứ 9 của Anh được xác nhận vào hôm 12/2 (giờ địa phương). Bệnh nhân là một phụ nữ và hiện đang được điều trị tại bệnh viện Guy’s and St. Thomas ở phía Nam London.

    Gần như không thấy một du khách nào tới phố người Hoa vào tối ngày valentine vừa qua vì nỗi lo về sự lây lan của Covid-19 vì chưa có thuốc đặc trị này.

    Theo một cuộc điều tra xã hội, cứ 10 người Anh thì có 3 người cho biết rằng họ tránh tụ tập nơi đông người hoặc đi máy bay và hầu hết đều cho biết họ sẽ tránh xa các vùng có dịch.

    Ngày 20/2, NHK cho biết 2 khách trên tàu du lịch Diamond Princess đang neo đậu ngoài khơi Nhật Bản vừa thiệt mạng. Được biết hai người thiệt mạng là một cặp vợ chồng ở độ tuổi 80.

    Ở Iran cũng đã xác nhận 2 trường hợp tử vong ở thành phố thiêng Qom. Cả hai đều dương tính với virus corona.

    Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết chính phủ Anh sắp xếp một chuyến bay để chở các công dân Anh trên du thuyền Diamond Princess về nước ngày 21/2 và sẽ hỗ trợ các công dân nếu họ muốn ở lại Nhật.

    Một nhà hàng ở phố người Hoa ế ẩm mặc dù không có nhân viên nào bị mắc Covid-19.

    Nhà hàng này thậm chí còn không một bóng khách.

    Các khu phố người Hoa trên khắp thế giới cũng đều chịu ảnh hưởng tương tự. Một nhà hàng vây cá mập ở Melbourne, Úc đã bị buộc phải đóng cửa sau 3 thập kỉ bởi khách hàng không đến vì sợ lây bệnh.

    Một người đàn ông bịt kín khẩu trang bước đi một cách vội vã trên một khu phố Người Hoa vắng lặng.

    Hình ảnh thường ngày của khu phố người Hoa trước khi dịch Covid-19 xảy ra.

    Bài liên quan: Chinatown ở London biến thành “phố ma” vì coronavirus

    Theo Đời sống & Pháp luật

  • Favilavir, một loại thuốc chứng minh tính hiệu quả trong việc điều trị cho người nhiễm COVID-19 (nCoV), đã được phép sản xuất và bán ra thị trường.

    Dẫn thông báo từ chính quyền thành phố Thái Châu thuộc tỉnh Chiết Giang ngày 16/2, tờ Chinadaily cho biết Cơ quan Quản lý Dược phẩm Quốc gia đã thông qua giấy phép bán thuốc Favilavir, trước đó được biết đến với tên gọi Fapilavir, ra thị trường.

    Là sản phẩm của Công ty Dược Hisun Chiết Giang, và ban đầu dùng để điều trị viêm mũi họng, Favilavir giờ đây được mong đợi đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa và chữa trị bệnh COVID-19 (nCoV).

    China Daily cho hay thuốc kháng virus Favilavir đã bắt đầu được sản xuất từ ngày 16/2.

    Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc ngày 15/2 thông báo Favilavir là một trong ba loại thuốc chứng minh hiệu quả rõ rệt trong việc điều trị người bị mắc COVID-19 trong các thử nghiệm lâm sàng. Theo nguồn tin trên, thuốc Favilavir đã được thử nghiệm ở 70 bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 tại thành phố Thâm Quyến.

    Trong nỗ lực tìm ra thuốc chống lại loại virus chết người nCoV, các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng kêu gọi bệnh nhân phục hồi hoàn toàn trước COVID-19 hiến tặng huyết tương để họ dựa vào đó bào chế thuốc chữa bệnh dịch. 

    Ông Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới, ngày 17/2 cho biết phương pháp trên, được gọi là liệu pháp globulin miễn dịch, đã được sử dụng trong hàng chục năm để điều trị các bệnh do virus gây ra.

    Theo lý thuyết, những người đã hồi phục sau khi nhiễm virus có kháng thể chống lại loại virus này trong máu và những kháng thể đó có thể được truyền cho người bệnh khác bằng phương pháp truyền máu. Tuy nhiên, điểm mấu chốt trong việc chữa trị hiệu quả là thời gian - việc truyền máu cần được thực hiện đủ sớm trong quá trình nhiễm bệnh để các kháng thể hoạt động.

    Tính đến thời điểm ngày 17/2, tỉnh Chiết Giang ghi nhận 1.167 ca nhiễm COVID-19. Đây là địa phương có số ca nhiễm COVID-19 cao thứ hai sau tỉnh Hồ Bắc – vùng tâm dịch được coi là nơi xuất phát của bệnh dịch.

    Trước đó, một vài thành phố thuộc tỉnh Chiết Giang như Thái châu, Ôn Châu, Ninh Ba đã bị áp lệnh phong tỏa một phần, với tổng cộng hơn 30 triệu người được đặt trong tình trạng hạn chế đi lại. Cư dân tại các thành phố này cho biết họ nhận được "một giấy thông thành" cho mỗi hộ gia đình. Chỉ có người nào cầm giấy thông hành này mới được phép ra khỏi nhà với giới hạn 2 ngày/lần.

    Theo số liệu cập nhật của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, trong ngày 17/2 có 98 ca tử vong và 1.886 ca nhiễm mới dịch viêm đường hô hấp cấp - COVID-19 (nCoV) được ghi nhận tại Trung Quốc đại lục, theo đó số người tử vong tại nước này kể từ khi dịch bệnh bùng phát là 1.873 ca và tổng số người nhiễm là 73.332 người.

    Trong đó, riêng tại tỉnh tâm dịch Hồ Bắc trong ngày 17/2 có 93 ca tử vong mới, tỉnh Hà Nam có 3 ca, Hà Bắc có 1 ca và Hồ Nam 1 ca. Giới chức y tế Trung Quốc cũng cho biết tính đến hết ngày 17/2 đã có tổng cộng 12.552 bệnh nhân nhiễm COVID-19 (nCoV) được xuất viện, trong đó riêng ngày 17/2 có 1.701 người bình phục về nhà.

    Theo Báo Tin Tức

  • Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết giám đốc của một bệnh viện tại Vũ Hán, tâm điểm của dịch bệnh do virus corona chủng mới gây ra, vừa qua đời.

    Bác sĩ Lưu Trí Minh, giám đốc Bệnh viện Vũ Xương ở Vũ Hán, Hồ Bắc, đã qua đời vì nhiễm virus, theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV).

    Bản tin trên truyền hình dẫn lời đội ngũ y bác sĩ tại Bệnh viện Hiệp Hòa Bắc Kinh xác nhận cái chết của vị bác sĩ.

    CCTV cho biết bác sĩ Lưu, 51 tuổi, qua đời lúc 10h30 ngày 18/2.

    Nhân Dân Nhật báo nói bác sĩ Lưu là giám đốc bệnh viện đầu tiên qua đời vì virus corona chủng mới. Ngày 14/2, Ủy ban Y tế Trung Quốc công bố 1.716 nhân viên y tế nhiễm virus corona, trong đó 6 người đã tử vong, và gần 90% đến từ tâm dịch tỉnh Hồ Bắc.

    Số ca nhiễm virus trong đội ngũ y tế chiếm khoảng 3,8% tổng số ca nhiễm tại Trung Quốc đại lục, tính đến ngày 11/2, nêu bật lên rủi ro của các y bác sĩ ở tuyến đầu do thiếu thiết bị bảo vệ.

    Trước bác sĩ Lưu, truyền thông đua tin bác sĩ Lâm Chính Bân, giáo sư về cấy ghép nội tạng tại Bệnh viện Đồng Tế thuộc Đại học Khoa học Công nghệ Hoa Trung, qua đời vì virus hôm 10/2. Bác sĩ Lâm nổi tiếng với việc thực hiện hàng nghìn ca ghép thận khi còn sống.

    Bác sĩ Lưu Trí Minh. Ảnh: Weibo.

    Bác sĩ Lưu tốt nghiệp Đại học Y Vũ Hán năm 1991 với chuyên môn về chẩn đoán và điều trị chấn thương sọ não, u não, các bệnh mạch máu não. Ông được xem là chuyên gia về điều trị và phẫu thuật ngoại thần kinh.

    Bệnh viện Vũ Xương là một trong những bệnh viện đầu tiên được chỉ định điều trị người nhiễm virus corona chủng mới khi dịch bệnh bùng phát tại Vũ Hán.

    Virus đến nay đã lây nhiễm cho hơn 73.000 người trên toàn cầu, và làm tử vong hơn 1.800 người, tập trung chủ yếu tại Hồ Bắc, Trung Quốc.

    Số ca nhiễm virus corona tại Trung Quốc đại lục tính đến hết ngày 17/2 là 72.463 trường hợp với 1.886 người nhiễm mới. Số ca tử vong ở nước này là 1.868, tăng 98 ca.

    Ngày 17/2 cũng là ngày đầu tiên kể từ đầu tháng 2 con số người nhiễm mới được ghi nhận thấp hơn 2.000 ca.

    Hoàn Cầu Thời báo đưa tin một chiến dịch "kiểu bố ráp" đang diễn ra tại Vũ Hán để đảm bảo tất cả người nhiễm virus được "gom lại". Chiến dịch này do Bí thư thành ủy mới của Vũ Hán, ông Vương Trung Lâm chỉ đạo. Chiến dịch bắt đầu hôm 16/2 và đặt mục tiêu hoàn thành trong 3 ngày. Dữ liệu lớn và AI cũng được triển khai để hỗ trợ chiến dịch.

    Theo Zing

  • Một khách sạn gần sân bay Heathrow đã được sử dụng làm trung tâm cách ly bệnh nhân nhiễm virus corona và công dân Anh được di tản từ nước ngoài về. 

    Khách sạn Holiday Inn London - Heathrow Ariel đã bị Bộ Y Tế chặn đặt phòng trong vòng 1 tháng để chuẩn bị cho những trường hợp nhiễm bệnh mới và hàng chục người được di tản đang trở về UK. 

    Hệ thống đặt phòng online với giá 60 bảng/đêm đã hiển thị ''không còn phòng'' cho đến ngày 17/3.

    Khách sạn sẽ được dùng để cách ly những người đang trở về Anh, có nguy cơ nhiễm bệnh nhưng không có nơi nào khác để đi. 

    Những khách hàng đã lỡ đặt phòng ở khách sạn 3 sao này sẽ được dời đến các khách sạn ''chị em'' của nó. 

    Khách sạn Holiday Inn London - Heathrow Ariel không còn phòng trống cho đến ngày 17/3. (Ảnh: Google)

    Tập đoàn InterContinental Hotels Group, chủ sở hữu thương hiệu the Holiday Inn, cho biết khách sạn đã bị ''chặn đặt phòng'' và vẫn sẽ mở cửa, nhưng từ chối cung cấp thêm chi tiết. 

    Các phòng được dành cho những người được khuyên tự cách ly sau khi trở về từ những quốc gia ''rủi ro cao'', nhưng lại không có nơi độc lập để tự cách ly. Họ sẽ được đưa thẳng từ Heathrow về đây. 

    Khách sạn có không gian để hành khách được kiểm tra tình trạng nhiễm bệnh và họ có thể chờ để nhận kết quả.

    Bất cứ ai cần được điều trị y tế sẽ được đưa tới một cơ sở của NHS.

    Hơn 70 công dân Anh đang mắc kẹt trên con tàu nhiễm virus corona Diamond Princess, hiện đang neo tại cảng ở Yokohama, Nhật Bản. Họ có thể được Bộ Ngoại giao đưa về UK.

    Đại diện Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết những người trên con tàu ''xui xẻo'' này đã được liên lạc để sắp xếp lên một chuyến bay hồi hương. Bộ Ngoại giao đang đối mặt với áp lực dữ dội về việc giải cứu công dân Anh trên con tàu này.

    Du khách đeo khẩu trang trên con tàu Diamond Princess. Ảnh: FRANCK ROBICHON/EPA-EFE/REX

    Sir Richard Branson cho biết hãng bay Virgin Atlantic đang ''thảo luận'' với chính phủ về ý định giải cứu những người mắc kẹt sau khi nhận được lời cầu cứu từ David và Sally Abel, là 2 trong số những du khách Anh mắc kẹt trên tàu suốt thời gian qua. 

    Alan Steele, người cho kết quả dương tính với virus corona hồi đầu tháng này, và vợ Wendy (âm tính), cũng đã chỉ trích cách chính phủ Nhật xử lý khủng hoảng trong khi chính phủ Anh thì chẳng có động thái gì.

    Vẫn chưa có thông tin chắc chắn liệu du khách có được rời tàu sau hạn 14 ngày cách ly vào thứ Tư này hay không.

    Mỹ đã hồi hương 340 công dân của mình trên 2 chuyến bay. Canada, Hong Kong và Úc cũng đang tổ chức các chuyến bay để đón công dân về.

    14 người Mỹ trong số này đã được phát hiện dương tính với virus corona.

    Tính đến sáng thứ Hai ngày 17/2, 454 du khách và thủy thủ đoàn đã được kiểm tra dương tính với virus corona. 

    4 công dân Anh dương tính với corona hiện đang nằm tại một bệnh viện ở Nhật Bản. 

    Còn ở UK, tính tới giờ vẫn chỉ có 9 người được xác nhận dương tính với corona, trong đó 8 người đã xuất viện. 

    Con tàu du lịch neo ở cảng Yokohama. Ảnh: FRANCK ROBICHON/EPA-EFE/REX

     

    Viethome (theo Mirror)

  • Cảnh sát đang kêu gọi thông tin sau khi một người đàn ông châu Á bị hai thanh niên hét to ‘coronavirus’ rồi tấn công và trấn lột ở phía tây nam London.

    Pawat Silawattakun, 24 tuổi, vừa đến trạm xe buýt gần nhà ở đường Fulham thì bị hai tên côn đồ lăng mạ trước khi bị đấm gãy mũi.

    “Tôi vừa xuống xe buýt tại Fulham thì nghe thấy một âm thanh nhỏ như hướng về phía mình từ bên trái,” anh kể lại.

    “Tôi đang đeo tai nghe chống ồn nên tháo chúng ra và nghe thấy những kẻ này hét ‘Coronavirus! Coronavirus! Ha, ha! vào mặt tôi trong khi quay phim lại.

    “Tôi đã không có cơ hội để nói bất cứ điều gì - ‘Làm ơn dừng lại,’ hay‘ Tại sao các anh lại làm vậy?’ – rồi một trong hai người giật tai nghe từ cổ tôi.”

    Chuyên gia tư vấn thuế đuổi theo hai kẻ côn đồ, nhưng một kẻ quay lại và đấm vào mặt anh Silawattakun.

    “Máu phun ra khắp nơi,” anh nói thêm.

    Anh Silawattakun nói rằng anh đã kêu cứu, nhưng dường như không có ai xung quanh quan tâm tới vụ việc. Cuối cùng, có hai người đã giúp anh gọi Uber đến bệnh viện.

    Sở Cảnh sát Met đã mở một cuộc điều tra về vụ cướp nghiêm trọng này.

    Một phát ngôn viên cho biết: “Nạn nhân, một người đàn ông 24 tuổi, báo cáo bị phân biệt chủng tộc bởi một nam nghi phạm chưa biết tên ở đường Fulham.

    “Một nam nghi phạm thứ hai sau đó tiếp cận nạn nhân từ phía sau và lấy trộm tai nghe, rồi tấn công anh ấy. Nạn nhân bị gãy mũi và đã được điều trị tại bệnh viện.

    “Sự cố xảy ra vào khoảng 5.15 chiều ngày thứ Bảy 8 tháng 2.”

    Chưa có ai bị bắt giữ và việc điều tra vẫn đang tiếp diễn.

    Bất cứ ai có thông tin hãy gọi cảnh sát theo số 101 trích dẫn 5823 / 08FEB20, hoặc gọi ẩn danh thông tới Crimestoppers theo số 0800 555 111.

    VietHome (Theo Evening Standard)

  • Trường học không nhất thiết phải đóng cửa hay cho nhân viên nghỉ phép, học sinh học tại nhà nếu có một trường hợp nào đó bị nghi nhiễm virus corona. Đây là lời khuyên của Cơ quan Y tế Cộng đồng Anh - Public Health England (PHE).

    Thứ Hai này, PHE sẽ ban hành hướng dẫn mới, trong đó nói rằng nhà trường không cần phải cách ly hay kiểm soát đặc biệt trong khi chờ đợi kết quả kiểm tra của người bị nghi nhiễm Covid-19. 

    Chỉ khi nào trường hợp này được xác định dương tính, thì đội bảo hộ y tế sẽ nói chuyện với hiệu trưởng và lúc đó họ mới hành động. 

    Hướng dẫn mới được đưa ra một tuần sau khi có ít nhất 7 trường học ở Brighton, Hove và Eastbourne đã nói với phụ huynh rằng nhân viên và học sinh phải được cách ly tại nhà trong 14 ngày. 

    Nhà trường đã nhắn tin cho phụ huynh nếu có nhu cầu cho con em tự cách ly ở nhà, thì nhà trường sẽ đồng ý.

    Học viện Cộng đồng Portslade Aldridge ở Brighton có một học sinh bị cách ly.  

    Phòng Y tế và Chăm sóc Xã hội (DHSC) cho biết tính đến ngày Chủ nhật 16/2, ở UK đã có 3.109 người được kiểm tra tình trạng nhiễm virus corona, kết quả 9 người dương tính, trong đó 8 người đã xuất viện. 

    Tuy nhiên, hàng triệu người Anh mắc các triệu chứng giống cúm được yêu cầu tự cách ly ở nhà trong 2 tuần nếu số ca dương tính ở UK vượt quá 100 người, theo tờ Sunday Telegraph. Giới chức NHS được thông báo ngừng kiểm tra Covid-19 khi 100 ca dương tính được xác nhận ở UK.

    NHS England cho biết tất cả 94 người bị cách ly ở bệnh viện Arrowe Park Hospital tại Wirral đều đã được xuất viện. Hiện vẫn còn hơn 100 người bị cách ly tại khách sạn Kents Hill Park ở Milton Keynes. 

    Số người tử vong do nhiễm nCoV đã tăng thêm 105, nâng tổng số người chết lên 1.775 trong 71.330 ca nhiễm trên toàn thế giới.

    Tỉnh Hồ Bắc, tâm điểm dịch viêm phổi corona (Covid-19), ghi nhận thêm 100 ca tử vong và 1.933 ca nhiễm mới, nâng tổng số người chết và nhiễm bệnh tại tỉnh lên lần lượt là 1.696 và 58.182, theo số liệu được Ủy ban Y tế tỉnh này công bố hôm nay.

    So với hôm qua, số ca nhiễm mới tại Hồ Bắc đã tăng gần 5%, nhưng số người tử vong đã giảm so với 139 ca trước đó. Gần 90% các ca nhiễm mới được phát hiện tại Vũ Hán.

    Toàn thế giới hiện có 71.330 trường hợp nhiễm bệnh, 1.775 người chết và 10.607 người được chữa khỏi. 5 ca tử vong được ghi nhận ngoài Trung Quốc đại lục ở Nhật Bản, Hong Kong, Pháp, Philippines và Đài Loan.

    Viethome (theo Metro)

  • Bộ trưởng Y tế Pháp thông báo một du khách Trung Quốc đã tử vong vì virus corona ở nước này, trở thành ca tử vong đầu tiên vì dịch ở châu Âu.

    Bộ trưởng Y tế Pháp Agnes Buzin hôm 15/2 cho biết trường hợp tử vong là một du khách Trung Quốc 80 tuổi, nhiễm virus corona chủng mới và trước đó được nhập viện điều trị ở Paris.

    "Một du khách Trung Quốc từ tỉnh Hồ Bắc đến Pháp vào ngày 16/1. Người này nhập viện tại bệnh viện Bichat và được cách ly nghiêm ngặt cho tới ngày 25/1. Tình trạng của ông ấy nhanh chóng chuyển biến xấu và rơi vào nguy kịch, được chăm sóc đặc biệt", Bộ trưởng Buzin nói tại buổi họp báo hôm 15/2.

    Châu Âu đã có trường hợp tử vong đầu tiên vì virus corona. Ảnh: AFP.

    Theo Reuters, đây là ca tử vong đầu tiên vì virus corona chủng mới tại châu Âu và cũng là trường hợp đầu tiên ở ngoài châu Á.

    Ông Buzin cho biết thêm con gái của bệnh nhân tử vong cũng bị nhiễm virus corona và đang được chăm sóc tại bệnh viện Bichat. "Tình trạng sức khỏe của cô ấy không còn là vấn đề đáng lo ngại nữa và cô ấy sẽ sớm được ra viện", ông nói.

    Trước đó, tối 30/1 (giờ địa phương), Pháp tuyên bố ca nhiễm thứ 6 tại nước này là một bác sĩ. Bác sĩ này tự xét nghiệm và xác nhận mình nhiễm virus corona và đang trong bệnh viện ở Paris.

    Giới chức y tế Pháp nói đây là ca nhiễm đầu tiên lây từ người sang người ở Pháp, theo Guardian.

    Ngoài Pháp, nhiều quốc gia châu Âu đã xác nhận trường hợp nhiễm virus corona, bao gồm Anh, Đức và Italy.

    Nhật Bản công bố ca tử vong đầu tiên vì virus corona

    Nhật Bản vừa ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì virus corona, Bộ trưởng Y tế Katsunobu Kato công bố hôm 13/2. Theo Guardian, nạn nhân là một phụ nữ trong độ tuổi 80, sinh sống ở tỉnh Kanagawa gần Tokyo.

    Chưa rõ nạn nhân nhiễm virus corona (tên chính thức là Covid-19) từ đâu, nhưng ca tử vong này không liên quan đến tàu du lịch Diamond Princess đang bị cách ly ngoài cảng Yokohama.

    Bộ trưởng Y tế Katsunobu Kato cho biết người phụ nữ được xác nhận nhiễm virus corona sau khi đã tử vong. Ông Kato cũng nói rằng người này không có liên hệ gì với tỉnh Hồ Bắc - tâm điểm của đợt bùng phát. Theo NHK, người phụ nữ này được chẩn đoán mắc viêm phổi vào ngày 1/2, nạn nhân qua đời hôm 13/2 sau khi tình hình sức khỏe diễn biến xấu đi vào ngày hôm trước.

    Virus corona lan đến châu Phi, Ai Cập phát hiện ca đầu tiên

    Bộ Y tế Ai Cập công bố ca nhiễm virus corona đầu tiên ở châu Phi vào ngày 14/2, nhưng không công bố quốc tịch, mà chỉ cho biết không phải người Ai Cập.

    Đã có nhiều lo ngại về khả năng đối phó của châu Phi nếu dịch bệnh lan sang đây, do các mối liên kết thương mại sâu rộng với Trung Quốc cũng như hệ thống y tế quá tải.

    Đầu tháng này, Ai Cập dừng toàn bộ chuyến bay của hãng hàng không quốc gia tới Trung Quốc cho tới hết tháng. 301 người Ai Cập được sơ tán từ tâm dịch Vũ Hán, và đang cách ly 14 ngày.

    Theo Zing

  • Stephanie Adlam là một bà mẹ Anh. Con trai 8 tháng tuổi của cô đến bác sĩ điều trị chấn thương ở chân, nhưng vị bác sĩ này mới đây đã được xác nhận nhiễm virus corona, đẩy 2 mẹ con Stephanie vào diện phải cách ly. 

    Stephanie và bé James. Ảnh: Chris Eades
    Bà mẹ 2 con sẽ nhận được kết quả kiểm tra vào cuối tuần này để biết cô và con trai có nhiễm loại virus đã giết chết 1.710 người trên toàn thế giới hay không. Ảnh: Chris Eades
    Stephanie ấp ủ con yêu trong căn hộ của họ ở Worthing, West Sussex. Cả 2 đều mang khẩu trang cả khi ở trong nhà. Ảnh: Chris Eades.

    Bà mẹ 28 tuổi lo lắng khi phát hiện con mình bộc lộ các triệu chứng đáng ngờ. Cô đau khổ: ''Từng giây từng phút, tôi không biết liệu thằng bé có sống sót không''. 

    Các nhân viên y tế nói rằng con trai cô đã tiếp xúc ''trực tiếp, đáng kể'' với vị bác sĩ nhiễm bệnh. Từ hôm đó, cậu bé xuất hiện nhiều triệu chứng nặng nề, như thân nhiệt tăng cao đổ mồ hôi, ho từng cơn, chảy mũi và vô cùng mệt mỏi.

    Stephanie chỉ trích giới lãnh đạo của Bệnh viện Worthing (nơi vị bác sĩ nhiễm bệnh làm việc) đã không hề ngó ngàng gì tới 2 mẹ con cô sau khi phát hiện họ nằm trong diện có nguy cơ lây nhiễm cao. Cô cũng chỉ trích bệnh viện đã không xác nhận sớm là vị bác sĩ kia bị nhiễm bệnh. 

    Cô nói: ''Tôi lo sốt vó, mất ăn mất ngủ trong khi bệnh viện Worthing không một lời động viên hỏi han. Họ chỉ bảo nếu có vấn đề gì thì gọi 111''. 

    ''Tôi luôn phập phòng lo sợ căn bệnh này sẽ giết chết tôi, con trai, con gái và cả chồng cũ của tôi'',

    ''James bị sốt tới 38.3C. Nó bị cảm lạnh nặng, ho nhiều, nước mũi chảy ròng ròng. Con gái tôi cũng bị ho nhiều. Tôi cũng bệnh nặng. Thật là ác mộng''.  

    Stephanie và bé James. Ảnh: Chris Eades

    Ác mộng bắt đầu khi bé James, vốn bị mắc chứng khó cầm máu, được đưa đến bệnh viện Worthing vào hôm 2/2 sau khi bị vấp ngã dẫn đến chân bị xuất huyết trong. Tại đây 2 mẹ con đã tiếp xúc với nam bác sĩ nhiễm virus corona. 

    Sau khi trở về nhà, Stephanie nhận được điện thoại từ Cơ quan y tế Cộng đồng Anh cho biết họ có rủi ro nhiễm virus corona. 

    Chỉ trong tích tắc, các nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ gõ cửa nhà và đưa 2 mẹ con vào bệnh viện để kiểm tra. 

    ''Chúng tôi ngồi trong căn phòng chỉ có 2 cái ghế và 1 cái điện thoại. Tôi cầu nguyện thằng bé không nhiễm virus chết người này'', bà mẹ đau khổ nói. 

    Chúng tôi phải đeo khẩu trang và được yêu cầu về nhà ngay, không được ra khỏi nhà. 

    Cả James và chị gái 5 tuổi, Fran, đều được kiểm tra nhiệt độ cứ mỗi 2 tiếng 1 lần. 

    Anh Nick, cha của 2 đứa trẻ, buồn rầu nói: ''Chẳng khác gì địa ngục. Chúng tôi cho bọn trẻ uống Calpol và paracetamol nhưng bệnh tình vẫn không giảm. Chỉ khi có người tới giao đồ ăn chúng tôi mới dám mở cửa''.  

    Vị bác sĩ nhiễm bệnh đến từ Brighton, vị này đã có chuyến du lịch ''định mệnh'' tại khu trượt tuyết ở Pháp, nơi anh tiếp xúc với ''siêu sao lây nhiễm'' Stephen Walsh. 

    Viethome (theo The Sun)

  • Cơ quan Y tế Cộng đồng Anh đã liên hệ với 250 người, bao gồm một số nghị sỹ vì lo ngại họ có thể đã tiếp xúc với một người nhiễm bệnh tại hội nghị ở trung tâm London. 

    Cơ quan Y tế Cộng đồng Anh mới đây gửi thư tới những người tham gia Hội nghị UK Bus Summit ở Westminster sau khi xác nhận 1 bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới (Covid-19) từng tham gia sự kiện diễn ra hôm 6/2.

    "Một trong những ưu tiên của chúng tôi là xác định bất cứ người nào mà chúng tôi cho rằng từng tiếp xúc gần gũi với các trường hợp nhiễm Covid-19 để cung cấp lời khuyên về sức khỏe cộng đồng vì họ có nguy cơ lây nhiễm", bác sỹ Yimmy Chow, một chuyên gia tư vấn tại Cơ quan Y tế Cộng đồng Anh cho hay.

    Hội nghị diễn ra tại trung tâm Queen Elizabeth II Centre, ngay gần Tòa nhà Quốc hội. Theo Guardian, 2 trong số các nghị sỹ tham dự hội nghị cho biết họ đã tự cách ly 14 ngày ở nhà sau khi hay tin.

    250 người, trong đó có cả các nghị sỹ tham dự hội nghị ở Anh. (Ảnh: Twitter)

    Lilian Greenwood và Alex Sobel, 2 nghị sỹ Đảng Lao động nói rằng họ cảm thấy ổn nhưng vẫn quyết định hủy các cuộc hẹn theo lời khuyên của các quan chức y tế.

    Hội nghị UK Bus Summit là sự kiện thường niên, nhưng năm nay số đại biểu tới tham gia nhiều hơn các năm trước khi mà các đảng chính trị lớn đưa vấn đề xe buýt vào chương trình nghị sự của họ.

    Giới chức Anh từ chối cung cấp danh tính người nhiễm bệnh tham dự hội nghị trong khi Daily Mail khẳng định tin đồn người này là công dân Trung Quốc là không chính xác.

    Dư luận Anh những ngày qua vẫn đang hết sức quan tâm tới trường hợp một công dân thành phố Brighton, Steve Walsh 53 tuổi, lây nhiễm bệnh cho ít nhất 11 người sau khi tham dự hội nghị ở Singapore.

    Ông này được cho là lây truyền virus cho 5 người tại khu trượt tuyết ở Pháp, 5 người khác ở Anh và trường hợp còn lại ở Tây Ban Nha.

    Người đàn ông Anh hiện đã khỏi bệnh, nhưng 2 trung tâm y tế, 1 viện dưỡng lão, 1 trường học ở Brighton buộc phải đóng cửa vì lo ngại nguy cơ lây nhiễm.

    Hiện ở UK có 9 người được xác nhận là nhiễm virus Corona, 1 trong 9 người này đã tham dự hội nghị kể trên. Hiện tại, có thể hiểu rằng người đàn ông này đã bị nhiễm bệnh từ ông Steve Walsh khi cùng du lịch ở khu trượt tuyết tại Pháp. 

    Bệnh nhân có thể lây nhiễm cho người khác trong bán kính 2m và thời gian 15 phút. 

    Cơ quan Y tế Cộng đồng Anh đã gửi email cho những người tham gia hội nghị, khuyên họ ở trong nhà và tránh tiếp xúc với người khác nếu họ bắt đầu xuất hiện triệu chứng đáng ngờ.  

    Trong số 250 đại biểu có Bộ trưởng đường bộ khu vực Norbiton, bà Baroness Vere. Ngoài ra còn có nghị sỹ Lao động Lilian Greenwood, David Brown, giám đốc điều hành tập đoàn vận tải Go-Ahead, giám đốc điều hành giao thông trên mặt đất của Tfl, ông Gareth Powell. 5 giám đốc xe buýt khác của Tfl cũng tham gia hội nghị.  

    Công dân Anh Steve Walsh đã khỏi bệnh. Ảnh: Unknown

    Viethome (theo Mirror)

  • Tiger Ye, 21 tuổi, sốt cao, đau đớn tưởng như sắp chết, phải tự chẩn đoán cho mình bởi bộ xét nghiệm quý giá chỉ dành cho bệnh nhân nặng.

    Tiger Ye là một sinh viên tại Vũ Hán, thành phố trung tâm của dịch bệnh. Ngày 21/1, cảm thấy mệt mỏi đến nỗi không ăn nổi bữa tối, anh nghi ngờ mình nhiễm nCoV. Kiểm tra thân nhiệt, Ye biết mình bị sốt.

    Khi đó, các thông tin về nCoV còn vô cùng hạn chế. Tuy nhiên người dân đã bắt đầu hoang mang khi giới chức y tế của thành phố 11 triệu dân xác nhận, virus rất dễ lây lan ở người.

    Tiger Ye đã trải qua ba tuần nhiễm Covid-19. Ảnh: Tiger Ye

    Ye đến Bệnh viện Tongji vào lúc nửa đêm, thấy một phòng chờ chật kín người, tất cả đều như anh. Dù sốt cao, anh biết mình sẽ phải đợi hàng giờ liền mới được khám bệnh.

    "Tôi đã rất sợ. Trên bàn chất đống giấy khám và các bác sĩ đều mặc đồ bảo hộ, điều mà tôi chưa từng thấy trước đây", anh kể lại.

    Ye bỏ xếp hàng tại Bệnh viện Tongji để đến khám và mua thuốc ở một cơ sở y tế nhỏ hơn gần đó. Bác sĩ nói các triệu chứng chưa nghiêm trọng và khuyên anh nên tự cách ly tại nhà.

    Bốn ngày tiếp theo, Ye vô cùng khổ sở.

    "Tôi bị sốt cao và đau đớn khắp cơ thể", anh nói. Ye thường dành cả ngày xem phim hoạt hình để quên đi cơn khó chịu.

    Gần đến ngày hẹn khám tiếp theo của anh, chính quyền đột ngột phong tỏa thành phố Vũ Hán để ngăn chặn sự lây lan của virus. Người dân bị đặt trong tình cảnh "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Mọi thứ thay đổi nhanh chóng. Đường phố vắng vẻ, rau quả tươi tăng giá, người dân không chắc liệu họ có được rời khỏi nhà hay không.

    Tiếp theo đó là hơn hai tuần lo lắng và tuyệt vọng. Chưa được bác sĩ khám, Ye cố tự chẩn đoán để xác định liệu mình có nhiễm virus viêm phổi corona hay không. Các triệu chứng của anh ngày càng nghiêm trọng. Ye may mắn khi có cha là một nhân viên y tế. Ông đã nhận ra các triệu chứng bệnh sớm hơn hầu hết người dân tại Vũ Hán.

    Bệnh nhân viêm phổi được điều trị trong khu vực cách ly. Ảnh: Reuters

    Tình trạng sức khỏe của Ye xấu đi.

    "Tôi ho như thể sắp chết", anh nói.

    Kết quả chụp CT tại bệnh viện sau đó cho thấy, khả năng cao Ye mắc Covid-19, bệnh đã lan đến phổi. Các bác sĩ xét nghiệm axit nucleic cho anh, sau đó phân tích trình tự gene để xem anh có nhiễm virus hay không. Tuy nhiên, trường hợp của Ye được đánh giá là chưa nghiêm trọng. Bệnh viện để dành bộ kit xét nghiệm quý giá cho những người nguy kịch hơn.

    Quá trình chẩn đoán cũng là trở ngại chính trong công tác dập dịch ở Hồ Bắc, nơi số người nghi nhiễm bệnh vượt xa khả năng xét nghiệm của các bệnh viện.

    Sau lần khám này, Ye nghỉ ngơi tại nhà, vẫn không biết mình có mắc bệnh hay không. Anh trai và bà của anh cũng bắt đầu biểu hiện bất thường. Qua một đêm, tình trạng của Ye tồi tệ đến mức anh nghĩ mình sắp chết.

    "Tôi tưởng mình đã gõ cửa địa ngục", anh nói.

    Ye buộc phải trở lại bệnh viện khi sốt cao 39 độ C. Bác sĩ tiến hành tiêm truyền tĩnh mạch và cho anh sử dụng Kaletra, loại thuốc dùng để điều trị HIV trước đó cho thấy khả năng chống lại virus corona chủng mới. Cuối ngày, thân nhiệt của anh giảm còn 37 độ C.

    Sức khỏe của Ye cải thiện đáng kể. Ngày 29/1, anh được xét nghiệm axit nucleic, kết quả dương tính với nCoV. Bác sĩ kê cho anh đơn thuốc kháng virus Aluvia uống trong 5 ngày. Anh về nhà, phần vì bệnh viện không đủ giường nằm.

    Ngày 7/2, kết quả xét nghiệm của anh âm tính. Tuy nhiên anh lại được đưa đến một khách sạn để tiếp tục cách ly dưới sự giám sát của lực lượng an ninh. Trước đó, nhiều bệnh nhân dù đã âm tính vẫn đột ngột trở nặng.

    Anh về nhà ngày 13/2, kết thúc ba tuần là bệnh nhân Covid-19. Ye cảm thấy biết ơn vì mình còn sống sót. Anh tạm biệt các y tá, những người đã đặt mạng sống vào vòng nguy hiểm để cứu chữa cho các bệnh nhân như anh.

    Nhiều bác sĩ cho biết, họ nghi ngờ mình cũng nhiễm bệnh, song vẫn tiếp tục làm việc ngày đêm.

    Theo VnExpress