• Một nhà hàng takeaway Trung Quốc đã nỗ lực kêu gọi khách hàng tiếp tục ghé thăm trong bối cảnh nỗi sợ coronavirus ngày càng tăng cao.

    Nhà hàng Pearl River, ở Reading, Berkshire, đã treo một thông báo trên cửa sổ của họ để nói với khách hàng rằng nhân viên và ông chủ không hề đến Trung Quốc trong hơn 20 năm qua.

    Chủ sở hữu của nhà hàng ở Emmer Green viết dòng chữ ‘Thông báo quan trọng’ thật đậm ở phía trước cửa hàng của họ. Thông báo nói thêm: ‘Tất cả nguyên liệu chế biến có nguồn gốc từ Vương quốc Anh và EU.’

    Một khách hàng trung thành đã phát hiện ra biển thông báo này và kêu gọi người dùng phương tiện truyền thông xã hội hãy ‘vui lòng tiếp tục ủng hộ nhà hàng takeway Trung Quốc.’

    Bài đăng nói thêm: 'Khi tôi đến nhận đồ ăn đã đặt tối nay, Pearl River ở Emmer Green đã treo thông báo này tại nhà hàng, vì kinh doanh sa sút do định kiến ​​không cần thiết liên quan đến coronavirus.'

    Thông tin xuất hiện sau khi Vương quốc Anh xác nhận ca tử vong đầu tiên do coronavirus vào thứ Năm (5/3). Bệnh nhân, một phụ nữ ở độ tuổi 70 và có những vấn đề sức khỏe nền, đã qua đời tại Bệnh viện Hoàng gia Berkshire.

    Một nhân viên tại một nhà trẻ ở Reading cũng dương tính với Covid-19 vào ngày 1 tháng 3, khiến trường phải đóng cửa trong vài ngày. Sau tin tức này, các trường học khác trong khu vực đã đóng cửa để vệ sinh khử khuẩn.

    Các doanh nghiệp trên khắp Vương quốc Anh đã báo cáo doanh số sụt giảm mạnh kể từ khi virus này bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc và bắt đầu lan rộng khắp thế giới.

    Ngay cả trước khi Vương quốc Anh có bất kỳ trường hợp nào được xác nhận, chủ nhà hàng và cửa hàng ở China Town London cũng phải chứng kiến ​​số lượng khách hàng sụt giảm rất lớn.

    Tại Úc, một trong những nhà hàng Việt Nam được nhiều người yêu thích ở Melbourne đã phải đóng cửa sau 30 năm hoạt động do ảnh hưởng của ma túy và coronavirus.

    Nhà hàng Việt Nam Tho Tho trên đường Victoria ở Richmond đã hoạt động được ba thập kỷ, nhưng đã phải đóng cửa vào thứ năm, 5/3.

    Các chủ sở hữu cho biết họ đã phải vật lộn với số tiền thuê 37,000 đô la mỗi tháng và số lượng khách hàng giảm mạnh.

    Họ nói đại dịch coronavirus và số lượng người môi giới chất cấm trong khu vực đã ảnh hưởng đến việc kinh doanh.

    “Những kẻ buôn bán ma túy đang tận dụng lợi thế của khu vực. Nó thực sự tồi tệ hơn rất nhiều so với ba năm trước,” đồng sở hữu của Tho Tho, anh Minh Nguyễn nói.

    Phố Victoria ở Richmond đã gặp khó khăn và một số hộ kinh doanh trong khu vực đã bắt đầu treo biển ‘Cho thuê.’

    VietHome (Theo Metro)

  • Số liệu mới nhất cho thấy đã có thêm 208 người đã được xét nghiệm dương tính ở UK trong vòng 24h qua. Số người Anh chết vì dịch đã lên con số 12, bao gồm 2 người ở nước ngoài. 

    - Bloomberg đưa tin bà Sophie Trudeau, vợ của Thủ tướng Canada Justin Trudeau, có kết quả dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) sau khi cùng chồng dự một sự kiện từ thiện tại Anh với hơn 13.000 người tham dự. Sự kiện này quy tụ nhiều ngôi sao nổi tiếng của Anh như đầu bếp Jamie Oliver, diễn viên Idris Elba, ca sĩ Leona Lewis và tay đua Lewis Hamilton.

    Cũng trong chuyến đi tới Anh, vợ Thủ tướng Canada đã tới thăm tòa nhà Canada House ở trung tâm London, trụ sở của cơ quan ngoại giao Canada tại Khối thịnh vượng chung. Hiện chưa rõ bà Trudeau tiếp xúc với bao nhiêu nhân viên ngoại giao ở đây.

    Hiện hai vợ chồng ông đang cách ly tại nhà ở Canada. Theo lời khuyên của các bác sĩ, ông Trudeau sẽ không được xét nghiệm ngay vì ông hiện không xuất hiện triệu chứng. Cũng vì lý do này, các bác sĩ cho rằng không có rủi ro nào cho những ngươi đã tiếp xúc với ông trong thời gian gần đây, theo CBC.

    Thủ tướng Anh mới đây công bố nhiều biện pháp mới để làm chậm sự lây lan của virus corona chủng mới, trong đó khuyến cáo những ai có triệu chứng nên ở trong nhà ít nhất 7 ngày.

    Việc xét nghiệm sẽ bị hạn chế và chỉ ưu tiên cho người đã nhập viện với các triệu chứng nặng. Trường học được yêu cầu hủy chuyến đi thực tế nước ngoài. Người già hoặc người có sức khỏe yếu được khuyên không nên đi du lịch bằng du thuyền trong thời điểm này.

    Ông Johson lập luận nếu có thể đẩy đỉnh dịch COVID-19 ra xa thêm khoảng 20%, sẽ có nhiều giường hơn cho người bệnh, nhiều thời gian hơn cho các nghiên cứu y tế và xã hội sẽ đối phó tốt hơn.

    Thủ tướng Anh cũng tiết lộ các biện pháp có thể sẽ bắt đầu áp dụng vào tuần sau, bao gồm cấm các sự kiện đông người như thể thao. "Những điều này sẽ giúp chúng ta trì hoãn đỉnh dịch và đó là cách chúng ta có thể giảm bớt tác động của dịch bệnh", ông Johnson lập luận.

    Các quan chức y tế Anh ước tính nhiều khả năng "đã có từ 5.000 đến 10.000 người nhiễm bệnh" ở nước này nhưng phần lớn đều không biết mình đang có virus corona trên người. 

    Ông Chris Whitty, một quan chức y tế Anh, dẫn ra một mô hình giả định trong đó kịch bản tồi tệ nhất là khoảng 80% dân số Anh nhiễm virus và sẽ có khoảng 500.000 người chết.

    Thủ tướng Anh nhiều lần khẳng định rửa tay là cách bảo vệ tốt nhất chống lại virus và nhắc lại vào ngày 12-3 rằng các nhà khoa học khuyên không nên đóng cửa các trường học như những nước khác.

    Ông Johnson lập luận chống COVID-19 là một cuộc chiến dài hơi, do đó nếu bắt đầu các biện pháp cứng rắn quá sớm, trước cả giai đoạn thực sự cần áp dụng, có thể tạo ra những "mệt mỏi" cho xã hội.

    Không ngạc nhiên khi cách tiếp cận của chính phủ Anh vấp phải chỉ trích từ những người cho rằng cần phải quyết liệt và cực đoan trong việc ngăn chặn dịch bệnh. Họ chỉ ra chuyện các nước châu Âu khác đã bắt đầu đóng cửa trường học, quán xá và chất vấn vì sao London không làm điều tương tự.

    Những người trung lập thì cho rằng trong khi học hỏi kinh nghiệm từ những nước khác, chính phủ Anh không nên áp dụng các biện pháp chống dịch một cách rập khuôn bởi điều kiện kinh tế, xã hội của mỗi nước mỗi khác.

    Theo Mirror/Tuổi Trẻ

  • Bệnh nhân và nhân viên tại một bệnh viện ở Liverpool đang được cảnh báo sau khi một bác sĩ phẫu thuật được phát hiện không tự cách ly sau khi trở về Vương quốc Anh từ Ý và đã dương tính với coronavirus.

    Bác sĩ phẫu thuật, làm việc tại Bệnh viện Aintree, được chẩn đoán vào thứ Hai (9/3) và là người thứ năm ở Liverpool được xác nhận bị nhiễm virus.

    Có những lo ngại cho rằng bác sĩ này có thể đã truyền virus cho các nhân viên y tế khác và bệnh nhân mà anh phẫu thuật.

    Một số đồng nghiệp đã bày tỏ mối quan ngại của họ. Một người cho biết bác sĩ này vẫn tiếp tục phẫu thuật cho bệnh nhân và làm việc với các đồng nghiệp trong khoảng thời gian một tuần sau khi trở về từ Ý.

    Một nguồn tin khác cho biết: “Nhân viên y tế này là nam giới và anh ấy là một bác sĩ phẫu thuật, đã trở về từ Ý hơn một tuần trước.

    “Sau khi trở về, anh ấy không tự cách ly, vẫn đi làm, và tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân và làm việc với các đồng nghiệp. Bốn đồng nghiệp khác có dấu hiệu sốt đã được cho về nhà để tự cách ly, nhưng không được xét nghiệm.  

    “Vì nhân viên này đã ở trong bệnh viện tiếp tục làm việc suốt một tuần, chắc chắn bệnh viện cần có cách tiếp cận nghiêm túc hơn và các biện pháp mạnh mẽ hơn để đảm bảo rằng virus không lây lan thêm nữa.”

    Đáp lại những lo ngại nêu trên, người phát ngôn của Liverpool University Hospitals NHS Foundation Trust cho biết: “Một thành viên của đội ngũ nhân viên đã tự cách ly kể từ khi được xác nhận là dương tính với COVID-19. Chúng tôi đã liên hệ với tất cả các bệnh nhân đã tiếp xúc với nhân viên này và đang làm việc với Public Health England và NHS England để thông báo và tư vấn cho những người có thể đã tiếp xúc với cá nhân này.

    "Bệnh viện Đại học Aintree vẫn mở cửa và bệnh nhân nên đến các cuộc hẹn theo kế hoạch."

    Tiến sĩ Jenny Harries bảo vệ quyết định của Chính phủ về việc trì hoãn đóng cửa trường học và áp dụng các chiến thuật nghiêm ngặt khác, cho biết các chuyên gia đang đánh giá các trường hợp mới mỗi giờ để có thể áp dụng biện pháp tương ứng.

    Nhưng các biện pháp mới - bao gồm cả những biện pháp bảo vệ người già và dễ bị tổn thương - sẽ sớm được thực hiện khi số ca mắc gia tăng nhanh chóng trên khắp Vương quốc Anh.

     

    VietHome (Theo Metro)

  • Hàng triệu người Anh sẽ cần phải nhiễm coronavirus để kiểm soát tác động của căn bệnh có khả năng quay trở lại "hàng năm", theo cố vấn khoa học của chính phủ.

    Khoảng 60% dân số Vương quốc Anh cần nhiễm coronavirus để xã hội có "miễn dịch cộng đồng" chống lại các đợt bùng phát trong tương lai, Sir Patrick Vallance nói.

    Miễn dịch cộng đồng là khả năng chống lại một căn bệnh truyền nhiễm trong dân số vì đã đủ số người có miễn dịch, và do đó bệnh dịch khó lây lan hơn.

    Hiện tại không có vắc-xin có sẵn cho coronavirus.

    Cho đến nay, 10 người ở Anh đã tử vong vì mắc COVID-19 - căn bệnh phát triển từ coronavirus.

    Số trường hợp được xác nhận ở Anh đạt tới 590 vào thứ Năm (12/3) - tăng 134 người trong 24 giờ, mặc dù Sir Patrick tin rằng số người nhiễm bệnh thực tế ở Anh vào lúc này có thể là từ 5.000 đến 10.000.

    Ngài Patrick mô tả COVID-19 là một "căn bệnh khó chịu" nhưng nhấn mạnh hầu hết mọi người sẽ chỉ trải qua một đợt ốm "nhẹ".

    Ông cho biết phần lớn dân số hơn 65 triệu người ở Anh cần phải bị nhiễm coronavirus để kìm hãm nguy cơ bùng phát lan rộng trong tương lai.

    "Chúng tôi nghĩ rằng loại virus này có khả năng sẽ xuất hiện hàng năm, trở thành một loại virus theo mùa", ông nói với Sky News.

    "Cộng đồng sẽ trở nên miễn nhiễm với nó và đó sẽ là một phần quan trọng trong việc kiểm soát lâu dài hơn. Khoảng 60% là con số cần để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng."

    Mặc dù gợi ý rằng tỷ lệ tử vong do coronavirus có thể là khoảng 1% trong số những người bị nhiễm bệnh, Sir Patrick cho biết việc ước tính số lượng người chết là "khó khăn" vì có thể còn nhiều người chưa được phát hiện.

    "Đó là lý do tại sao một số xét nghiệm mới đang được phát triển hiện nay sẽ đóng vai trò rất quan trọng giúp chúng ta thực sự có thể hiểu căn bệnh này lan rộng như thế nào", ông nói thêm.

    Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố đại dịch toàn cầu sau sự lây lan của coronavirus trên nhiều quốc gia.

    Thủ tướng Boris Johnson, vào thứ Năm, 12/3, xác nhận chính phủ đang bước vào giai đoạn ứng phó thứ hai với COVID-19 - chuyển từ kiểm soát các ca nhiễm sang trì hoãn sự lây lan của virus.

    Bất cứ ai bị ho dai dẳng hoặc sốt sẽ phải tự cách ly và ở nhà trong bảy ngày, trong khi các trường học đã được khuyến nghị hủy bỏ các chuyến đi theo kế hoạch ra nước ngoài.

    Các bộ trưởng đang phải đối mặt với những chất vấn về lý do tại sao Vương quốc Anh không hành động tương tự như các nước châu Âu khác, như Pháp và Ý, những nước đã thực hiện các biện pháp từ cấm các cuộc tụ họp lớn đến cách ly toàn bộ dân chúng.

    Sir Patrick cho biết diễn tiến dịch bệnh ở Vương quốc Anh "chậm hơn một chút" do có hành động sớm trong việc truy tìm và cách ly những người bị nhiễm bệnh.

    Sir Patrick cũng mô tả động thái hôm thứ Năm của ông Johnson là "một biện pháp rất lớn", nói thêm: "Nó sẽ có tác động khá lớn đối với một số người và một số hộ gia đình.

    "Tôi nghĩ đó là một biện pháp không tầm thường chút nào."

    Cấm các cuộc tụ họp đông người và cách ly toàn bộ các hộ gia đình là những bước tiếp theo đang được chính phủ xem xét, Sir Patrick tiết lộ.

    Nhưng, ông lập luận, hầu hết các tình huống lây nhiễm coronavirus xảy ra trong các cuộc tụ họp nhỏ thay vì các cuộc tụ họp lớn.

    VietHome (Theo Sky News)

  • Cộng đồng mạng bức xúc khi thấy các tín đồ thời trang Anh hờ hững với dịch bệnh, vẫn xếp hàng đợi mua đồ hiệu giá rẻ.

    Trong khi các quan chức y tế đang khuyến nghị mọi người hạn chế ra đường để tránh lây nhiễm, một số tín đồ thời trang vẫn tranh thủ săn quần áo với giá hời.

    Mới đây, cộng đồng mạng bày tỏ bức xúc khi nhìn thấy hình ảnh dòng người xếp hàng ở London (Anh) để mua quần áo của Fendi. Theo thông tin từ Karen Morrison - nhà báo của tờ BBC, thương hiệu xa xỉ này đang tổ chức buổi bán hàng mẫu tại Arlettie.

    Bất chấp dịch Covid-19, nhiều người vẫn xếp hàng để được mua đồ Fendi giá rẻ. Ảnh chụp màn hình.

    Chỉ sau vài giờ đăng tải lên trang cá nhân, bức ảnh của Morrison thu hút hơn 1.000 lượt thích. Đa số người dùng mạng cho rằng việc làm này không phù hợp giữa lúc dịch bệnh đang bùng phát trên toàn thế giới. Họ cũng góp ý nhà mốt Italy không nên tổ chức buổi bán thử.

    "Tôi hy vọng họ rửa tay sạch sẽ", tài khoản VanderVero bình luận.

    Đồng ý kiến, nickname Bruce Lambert nhận xét: "Họ dường như không sợ hãi dù có thể sẽ chết vì thời trang".

    Không chỉ Fendi, thương hiệu thời trang đường phố đình đám Supreme cũng đang thu hút lượng lớn người mua sắm đến khu SoHo, New York, Mỹ.

    Theo phóng viên của GQ, những khách hàng không có dấu lo lắng về việc nhiễm virus. "Bạn là người New York, bạn thật tuyệt vời", một người trong hàng nói to.

    Việc bán hàng mẫu thường xuyên được tổ chức bởi các thương hiệu thời trang đình đám. Tâm lý mua hàng giá rẻ nhưng chất lượng đã tạo nên hiệu ứng đám đông. Giá bán mẫu có thể được giảm 80-90%.

    Bên cạnh những sự kiện thu hút đám đông gây tranh cãi, một số nhà mốt lại được ủng hộ khi lựa chọn phương án hủy bỏ show diễn để phòng dịch.

    Gucci và các nhà mốt lớn đồng loạt hủy show thời trang. Ảnh: Daniele Venturelli.

    Gucci công bố hủy buổi trình diễn thời trang Cruise 2021 sắp diễn ra vào ngày 18/5 tại San Francisco, Mỹ.

    Armani hoãn triển lãm ở Dubai, UAE. Đại điện của nhà mốt này chia sẻ: "Quyết định này được đưa ra nhằm bảo vệ tất cả các bên liên quan trong ngành, nhân viên và khách sẽ tham gia".

    Ngoài ra, Ralph Lauren cũng hủy một chương trình ở New York (Mỹ) vào tháng 4. Burberry hoãn một buổi trình diễn thời trang vào ngày 23/4 tại Thượng Hải, Trung Quốc.

    Theo Zing

  • Với khoảng 360.000 USD, tương đương 8.3 tỉ đồng, gia đình bệnh nhân số 32 đã thuê máy bay riêng chở con gái về Việt Nam và ngay lập tức được cách ly. Với họ, sự an toàn của con gái cũng như cộng đồng còn quan trọng hơn tiền rất nhiều.

    Chia sẻ với báo chí, gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn chỉ ngắn gọn, rằng đối với họ, điều quan trọng là sự an toàn của con gái Tiên Nguyễn, và của mọi người. 

    Và ''siêu rich kid'' có thể thuê riêng chuyên cơ ấy, ngay lập tức tuân thủ các quy định của Bộ Y tế, ngay lập tức cách ly tại bệnh viện dã chiến.

    Có một chi tiết nhỏ không được chú ý: Vì di chuyển bằng máy bay riêng về thẳng nơi cách ly bằng xe chuyên dụng, bệnh nhân 32 đã không hề làm phát sinh F1.

    Tiên Nguyễn và em trai William Hiếu Nguyễn. 

    Hôm 13/3, đại diện truyền thông của doanh nhân Thủy Tiên (mẹ của Tiên Nguyễn) chia sẻ một số thông tin liên quan đến quá trình ở châu Âu của Tiên Nguyễn và em trai William Hiếu Nguyễn.

    Theo thông tin, Hiếu Nguyễn gặp Tiên Nguyễn tại Milan (Italy) và dự show của nhà mốt Versace. Sau đó hai chị em trở về London (Anh) vào ngày 23/2. Hai chị em được cho là ở căn hộ riêng. Tại London, Hiếu Nguyễn bận thi nên không gặp Tiên Nguyễn từ đó đến nay.

    Theo người đại diện, tính đến ngày 13/3, sức khỏe của em trai Tiên Nguyễn vẫn ổn định.

    Ngoài ra, khi Tiên Nguyễn ở London, một quản lý đi cùng cô. Theo thông tin, người này chỉ gặp Tiên vào ngày 24/2 và 25/2. Tiên Nguyễn gặp bệnh nhân số 17 vào ngày 27/2.

    Người quản lý hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất vào 2/3, đã khai rõ với cơ quan y tế và đi khám bệnh, chụp hình phổi. Người này đã tự cách ly ở nhà và sức khỏe hiện tại tốt.

    Tiên Nguyễn trở về Việt Nam từ London bằng chuyên cơ riêng vào ngày 9/3.

    "Tiên gặp N. (bệnh nhân số 17) ở Anh. Ngay sau khi có thông tin về dịch bệnh, Tiên đã đi khám bác sĩ và tự cách ly ở London, không về nhà ngay" - đại diện phía Tiên Nguyễn trả lời.

    Doanh nhân Thủy Tiên và hai con. 

    Tiên Nguyễn (sinh năm 1996) và Hiếu Nguyễn (sinh năm 1998) là con chung của doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn và Thủy Tiên. Cả hai đều du học tại nước Anh. Được mệnh danh là những rich kid, hai chị em có cuộc sống sang chảnh, du lịch nhiều nơi trên thế giới. Riêng Tiên Nguyễn thường xuyên tham gia các tuần lễ thời trang quốc tế, sở hữu nhiều món đồ hiệu đắt giá.

    William Hiếu Nguyễn là du học sinh tại Anh. 
    William Hiếu Nguyễn chụp ảnh cùng mẹ và chị gái. Anh có chị dâu là ngọc nữ màn ảnh Tăng Thanh Hà. 

    Theo Zing

  • Thủ tướng Italia Giuseppe Conte đã gọi đây là “thời khắc đen tối nhất” của đất nước, khi số người chết do virus corona vượt quá 800 người hôm 11/3, trong số hơn 12.000 ca nhiễm bệnh.

    Chính phủ Italia đã ban hành quy định “một mét” mới ở các địa điểm công cộng, và giới hạn số lượng người tối đa có thể cùng đi vào một nơi, khi cả đất nước đã bị phong toả do đại dịch Covid-19.

    Người dân xếp hàng chờ đến lượt vào siêu thị.

    Các quy định nghiêm ngặt còn bao gồm yêu cầu người dân chỉ ra khỏi nhà để đi làm, phục vụ các nhu cầu về sức khoẻ và trong các trường hợp khẩn cấp.

    Các hành khách ngồi cách xa nhau trên tàu điện ngầm.

    Phương tiện công cộng vẫn hoạt động, nhưng những người muốn sử dụng phải điền đơn giải thích lý do và mang đơn này theo người. Nếu bị phát hiện nói dối, họ sẽ bị phạt tiền hoặc thậm chí là ngồi tù.

    Các nhà hàng, quán cafe đều ế khách.
    Một quán cafe treo tấm biển ghi dòng chữ: "Hãy giữ bình tĩnh và uống cafe cách nhau một mét".

    Các siêu thị luôn luôn mở cửa để đáp ứng nhu cầu tăng cao. Các nhà hàng chỉ được phép hoạt động từ 6h sáng đến 6h tối, miễn là các thực khách phải giữ khoảng cách ít nhất 1m. Nhiều nhà hàng và quán bar đã dùng băng dính để đánh dấu khoảng cách 1m giữa các bàn.

    Kết quả là các địa điểm du lịch nổi tiếng, bao gồm các khu mua sắm vốn sầm uất ở Milan giờ đây trở nên vắng lặng, và quy luật 1m đồng nghĩa với việc dòng người xếp hàng kéo dài, lan ra cả các con phố bên ngoài, khi người dân đổ xô đi mua tích trữ các nhu yếu phẩm.

    Khi tang lễ bị cấm, một gia quyến đã nhờ một giám mục đến đọc kinh cầu nguyện trước quan tài. Mọi người đều đứng cách xa nhau 1m như quy định.

    Các quy định cách ly cũng cấm tất cả các sự kiện tụ họp đông người, bao gồm đám cưới và tang lễ. Ngoài ra, chính phủ cũng khuyến cáo người dân không nên ôm, hôn và bắt tay.

    Một số hình ảnh khác về cuộc sống dưới lệnh phong toả của người dân Italia:

    Các nhà hàng đều vắng khách và phải kê bàn cách nhau ít nhất 1m.
    Một người đàn ông đẩy xe qua con phố với sự hiện diện của đông đảo sĩ quan và phương tiện quân đội ở Rome.
    Các hành khách được quân đội và cảnh sát Italia kiểm soát nghiêm ngặt tại ga tàu trung tâm Termini Central ở Rome.
    Sĩ quan quân đội có mặt tại một ga tàu tại Brennero, ở biên giới Italia - Áo.
    Người dân xếp hàng dài bên ngoài các siêu thị.
    Dòng người xếp hàng kéo dài đến 1-2h sáng.
    Người đi siêu thị đều đeo khẩu trang và giữ khoảng cách.
    Một người đi xe đạp xuất trình giấy tờ với lực lượng quân đội.

    Theo Vietnamnet

  • Hiệp hội các bệnh truyền nhiễm và rối loạn miễn dịch thế giới (Waidid) đã cảnh báo, tỷ lệ tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Italy hiện ở mức cao nhất thế giới và gấp 12 lần các quốc gia khác. 

    Người dân đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Rome, Italy ngày 10/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

    Theo Waidid, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là không có sự thống nhất trong các phương pháp điều trị trên toàn lãnh thổ Italy. Mặt khác, sự yếu kém trong khả năng truy xuất nguồn gốc nhiễm bệnh đối với các trường hợp dương tính không có triệu chứng và không được xét nghiệm nhanh (mặc dù đã tiếp xúc gần với các trường hợp nhiễm bệnh được xác định) đã đẩy nhanh tình trạng lây lan dịch bệnh ở quốc gia Địa Trung Hải này.

    Cũng theo Waidid, ở Italy, nhiều ca dương tính với virus SARS-CoV-2 không có triệu chứng đang được tự do đi lại.

    Dựa trên kinh nghiệm của các chuyên gia Trung Quốc, Waidid đã kêu gọi Italy áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn dịch bệnh, đồng thời khuyến cáo Rome thực hiện theo phương châm: Chẩn đoán sớm, cách ly và điều trị là nền tảng để ngăn chặn dịch bệnh; truy tìm nguồn gốc nhiễm bệnh là cơ bản.

    Waidid cũng cho rằng, biện pháp của chính phủ Italy yêu cầu người dân ở trong nhà là đúng, nhưng chưa đủ, nước này cần phải giám sát chặt chẽ các mối liên hệ của những người đã được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2.

    Bên cạnh đó, đối với các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế đang điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 cũng cần phải có những biện pháp giám sát, theo dõi. Các biện pháp này cũng cần được thực hiện đối với các thành viên gia đình của những người dương tính với virus SARS-CoV-2 mà không có các triệu chứng.

    Tuy nhiên, điều quan trọng hiện nay là Italy cần phải cải tiến các phương pháp điều trị theo các tiến bộ và kinh nghiệm của những quốc gia đi trước và áp dụng thống nhất trong các bệnh viện trên toàn quốc.

    Theo Trí Thức Trẻ

  • Các du học sinh Việt Nam ở Đức đang khá lo lắng khi người dân ở đây không hề đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Thậm chí, họ còn bị kỳ thị khi đeo khẩu trang ngoài đường.

    Đặt chân xuống sân bay quốc tế Frankfurt, Đức ngày 2/3, Nguyễn Khánh Quỳnh và những người bạn đi cùng vô cùng ngạc nhiên.

    Trước khi lên máy bay, Quỳnh đã nghe tin số người nhiễm Covid-19 ở Đức tăng lên gấp đôi, từ 66 ca vào ngày 29/2 lên 129 ca vào ngày 1/3. Do đó, Quỳnh nghĩ Đức sẽ có những biện pháp kiểm dịch để ngăn ngừa số ca nhiễm tăng lên. (Đến ngày 11/3, Đức đã có 1.908 ca nhiễm virus được xác nhận, với 3 ca tử vong).

    Tuy nhiên, du học sinh 22 tuổi tại trường Đại học Khoa học Ứng dụng Frankfurt và những người bạn không phải đi qua máy đo thân nhiệt hay làm bất kỳ thủ tục khai báo nào. Tại sân bay Frankfurt cũng chỉ có một tấm biển nhỏ xíu nói về dịch bệnh, Quỳnh chia sẻ với Zing.vn khi vừa dọn xong đồ vào ký túc xá.

    Đó không phải điều duy nhất làm những du học sinh này lo lắng.

    Người dân Đức không có thói quen đeo khẩu trang khi ra đường. Ảnh: NVCC.

    “Không ai đeo khẩu trang cả”

    “Từ sân bay về ký túc xá, bọn mình phải đi tàu điện ngầm. Và trên tàu thì không ai đeo khẩu trang cả. Mấy ngày nay mình có đi đến siêu thị và trường học để làm một số việc, ở những nơi đó cũng không có ai đeo khẩu trang”, Nguyễn Phan Bảo Việt, du học sinh đi cùng Quỳnh, nói với Zing.vn đầy lo lắng.

    “Nhìn người dân Đức thoải mái như vậy mình cũng đỡ lo, nhưng mà nhìn số ca nhiễm Covid-19 ở đây tăng lên mỗi ngày thì việc nhiều người không đeo khẩu trang như vậy làm mình rất sợ. Mình cảm thấy như người Đức không hề phòng dịch”, Việt nói thêm.

    Tuy nhiên, những du học sinh này cho biết dung dịch sát khuẩn tay và khẩu trang đã bắt đầu “cháy hàng” trong các siêu thị.

    Thông báo dán trước quầy dung dịch sát khuẩn nhanh trong một siêu thị tại Đức. Dòng chữ trên thông báo có nghĩa: "Kính thưa quý khách, do tình hình hiện tại, chúng tôi đã hết dung dịch sát khuẩn. Chúng tôi đang cố gắng để có thêm hàng". Ảnh: NVCC

    “Trước khi sang đây, các anh chị có dặn mình mang giúp một ít dung dịch sát khuẩn tay và khẩu trang vì ở Đức bây giờ không thể mua được những thứ đó nữa”, Nguyễn Hồng Lam Giang, một du học sinh tại trường Đại học Khoa học Ứng dụng Frankfurt, cho biết. “May mắn là những nơi như trường học vẫn có trang bị cồn để sát khuẩn tay”.

    Dung dịch sát khuẩn nhanh "cháy hàng" tại siêu thị Đức. Ảnh: NVCC

    Giang cũng nghĩ rằng người Đức khá chủ quan. “Mình đồng ý rằng khẩu trang chỉ cần đeo khi bản thân bị bệnh để tránh lây truyền cho người khác. Nhưng lên phương tiện công cộng ở Đức mình thấy nhiều người ho liên tục mà không đeo khẩu trang gì cả, thật nguy hiểm”, Giang nói.

    "Virus corona ở đây này"

    Ngoài việc không đeo khẩu trang, người dân ở Đức cũng có cái nhìn không mấy thiện cảm với người châu Á, đặc biệt là những người đeo khẩu trang.

    “Ở đây người dân chỉ đeo khẩu trang khi có bệnh nên người Việt Nam đeo khẩu trang thường nhận được những ánh nhìn soi mói, kỳ thị”, Nguyễn Gia Khánh, du học sinh Việt Nam đã ở Đức hơn 1 năm cho biết.

    Theo Khánh, những người già thì khá tế nhị, họ chỉ âm thầm nhìn và cũng không hỏi thẳng. Khánh kể khi Đức phát hiện những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, nhiều người trong khu đã tìm đến hàng xóm để hỏi xem Khánh có phải người Trung Quốc hay không chứ không hỏi thẳng.

    Nguyễn Gia Khánh cho biết cô nhận được nhiều ánh mắt không mấy thiện cảm khi đeo khẩu trang ra ngoài ở Đức. Ảnh: NVCC

    Còn khi đeo khẩu trang ngoài đường và gặp những nhóm bạn trẻ, Khánh sẽ cố giữ khoảng cách với họ. “Có lần họ chạy đến trước mặt mình và hét lên ‘Virus corona ở đây này’ rồi cười lớn”, Khánh chia sẻ với Zing.vn.

    Khánh cảm thấy may mắn vì chỉ gặp tình huống này 3 lần. Bạn của Khánh thậm chí bị ném bật lửa vào người chỉ vì đeo khẩu trang.

    Tuy nhiên, Khánh không quá sợ hãi. “Mình tin là thành phố này an toàn. Xâm phạm thân thể người khác ở đây là tội nặng lắm. Camera có ở khắp nơi và cảnh sát cũng tới ngay khi được gọi”, Khánh nói.

    Kế hoạch bị gián đoạn

    Các du học sinh này cho biết nhịp sống ở Đức vẫn diễn ra bình thường và chính phủ Đức chưa đưa ra các biện pháp hạn chế tụ tập nơi đông người.

    “Tuần vừa rồi Đức có nhiều lễ hội carnival. Nhiều người hâm mộ bóng đá vẫn đi xem các trận đấu bình thường nên mình nghĩ sắp tới Đức sẽ phát hiện nhiều ca nhiễm hơn”, Khánh cho biết.

    Tính đến ngày 11/3, Đức đã có 1.908 ca nhiễm virus được xác nhận, với 3 ca tử vong.

    Sinh hoạt ở Đức vẫn diễn ra bình thường. Người dân không đeo khẩu trang mặc dù số ca nhiễm Covid-19 đang tăng lên ở đây. Ảnh: NVCC

    Khánh cũng đã bắt đầu tích trữ đồ ăn đề phòng dịch bệnh lan rộng. “Mình mua thêm đồ ăn đủ cho 1 tuần, mua thêm ít gạo và mì gói thôi vì mình cũng không muốn gây nên tình trạng hết hàng”, Khánh nói.

    Cô bạn cũng cho biết trong các siêu thị, ngoài khẩu trang và dung dịch sát khuẩn, mì Ý cũng bắt đầu hết hàng và những mặt hàng này có giá khá đắt.

    “Một số nhà thuốc ở nơi mình sống bán 1 chiếc khẩu trang y tế giá 1,5 euro. Còn ở chỗ bạn mình phát hiện nhiều ca nhiễm hơn, họ bán tận 10 euro một chiếc khẩu trang”, Khánh chia sẻ. Theo Khánh, những chiếc khẩu trang này mỏng hơn loại khẩu trang y tế mà cô nhờ bạn mang qua từ Việt Nam.

    Số ca nhiễm tăng nhanh ở Đức cũng làm gián đoạn kế hoạch của các du học sinh Việt Nam. Khánh chia sẻ ban đầu cô có ý định về Việt Nam vào giữa tháng 3. Tuy nhiên, cô bạn đã hủy chuyến vì sợ ảnh hưởng đến người thân của mình.

    “Mình về lúc này sẽ khiến mọi người hoang mang, chưa kể mình không biết bản thân có nhiễm bệnh hay không”, Khánh tâm sự với Zing.vn.

    Với những du học sinh mới đến Đức như Quỳnh, Việt và Giang, dịch Covid-19 khiến họ không thể thăm thú, khám phá nước Đức như kế hoạch ban đầu. “Mình có dự định tham quan nhiều nơi và gặp một số người thân ở Đức. Nhưng do dịch bùng phát, những kế hoạch này đều bị hủy hết”, Quỳnh chia sẻ.

    Họ cũng đang làm mọi cách để bảo vệ bản thân mình. “Bây giờ mình chỉ đi ra ngoài khi thực sự cần thiết. Mình cũng tập thể dục để tăng cường sức khỏe, rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang khi ra ngoài. Phải tự bảo vệ bản thân thôi”, Việt nói thêm.

    Du học sinh Nguyễn Phan Bảo Việt cố gắng hạn chế ra ngoài và làm mọi cách để bảo vệ bản thân. Ảnh: NVCC

    Nhưng trên hết, họ cũng hy vọng dịch bệnh có thể được kiểm soát sớm. “Thấy tình hình Đức như vậy, ba mẹ mình cũng lo lắm. Ba mẹ không muốn mình sang Đức học đó chứ. Tuy nhiên, mọi thứ đã lên kế hoạch từ lâu rồi, vé máy bay cũng đã mua nên bố mẹ phải để mình đi. Mình hy vọng thế giới kiểm soát được dịch bệnh để mọi người không phải lo lắng nữa”, Giang chia sẻ.

    Những du học sinh này cũng cập nhật tình hình dịch bệnh mỗi ngày để có được sự chuẩn bị tốt nhất. “Mỗi ngày mình đều xem thông tin về dịch Covid-19 trên các báo lớn của Đức. Mình cũng mong mọi người hãy giữ bình tĩnh vì hoảng loạn không giúp chúng ta chống dịch”, Quỳnh bày tỏ.

    Theo Zing

  • Iran bắt đầu đào hố chôn các nạn nhân tử vong vì Covid-19 chỉ vài ngày sau khi chính quyền tuyên bố dịch bệnh bùng phát. Tổng chiều dài của hố ngang với một sân bóng đá.

    Chỉ hai ngày sau khi Iran công bố những ca nhiễm virus corona chủng mới đầu tiên, đã có nhiều hoạt động đào đất bất thường tại một nghĩa trang gần nơi các ca nhiễm xuất hiện, theo Washington Post.

    Ảnh vệ tinh ngày 21/2 cho thấy tại khu nghĩa trang Behesht-e Masoumeh ở gần thành phố Qom, cách thủ đô Tehran 120 km về hướng nam, các rãnh đất đang được đào lên. Hoạt động này được đẩy mạnh khi virus tiếp tục lây lan.

    Khu nghĩa trang Behesht-e Masoumeh ở gần thành phố Qom. Ảnh: Maxar Technologies.

    Đến cuối tháng 2, hai rãnh đất đã có tổng chiều dài tới 90 m, ngang sân bóng đá, và có thể được nhìn thấy từ ngoài không gian. Việc đào đất vẫn tiếp tục sau đó.

    Ảnh vệ tinh từ tháng 10/2019, chưa có rãnh đất ở khoảng đất ở bên phải của ảnh. Ảnh: Maxar Technologies.

    Ảnh vệ tinh ngày 1/3 cho thấy hai rãnh đất dài. Ảnh: Maxar Technologies.
    Rãnh đất để chôn nạn nhân Covid-19.

    Một đoạn video trên mạng xã hội cho thấy khoảng đất đó là dành cho số nạn nhân tử vong Covid-19 ngày càng tăng ở Qom.

    Một nhà phân tích từ công ty công nghệ vũ trụ Maxar Technologies ở Colorado cho biết kích thước của rãnh và tốc độ đào không phù hợp với nghi thức mai táng truyền thống của Iran, trong đó mỗi người qua đời có một miếng đất riêng.

    Nhà phân tích giấu tên này cũng chỉ ra một đống vôi trắng bên cạnh, có thể được sử dụng để kiềm chế mùi và sự phân hủy của xác chết, theo Washington Post.

    Quan chức Iran trong những tuần qua đã xác nhận việc dùng vôi khi mai táng nạn nhân virus corona.

    Một đoạn video trên mạng xã hội cho thấy rãnh đất trên là dành cho số nạn nhân tử vong Covid-19. Ảnh: Chụp màn hình.

    Một video khác được BBC tiếng Farsi chia sẻ ngày 3/3 cho thấy cảnh một số người đàn ông đang đưa quan tài về phía rãnh đất có nhiều ngôi mộ.

    “Đây là khu dành cho nạn nhân virus corona”, người quay video nói, quay lại một phần của rãnh đất, cạnh đó có những vật đánh dấu đơn giản. Một số người đang mặc đồ bảo hộ màu xanh đang đợi bên cạnh.

    “Hơn 80 người đã được mai táng ở khu này cho đến nay”, người quay video nói thêm.

    Một video khác cho thấy người mặc đồ bảo hộ xanh khiêng quan tài tới rãnh. Trên mặt đất có các vật đánh dấu. Ảnh: Chụp màn hình.

    Chính quyền thành phố Qom cho biết có 846 ca nhiễm và chưa công bố số ca tử vong, theo Washington Post.

    “Mộ kéo dài tới tận cuối”

    Trong một video khác, một người cho biết đang có mặt tại nghĩa trang Behest-e Masoumeh ngày 3/3, khoảng hai tuần sau khi Iran ghi nhận những ca bệnh đầu tiên. Tới lúc đó, 77 người đã tử vong, và hơn 2.000 nhiễm bệnh, theo số liệu chính thức.

    Tuy nhiên, thông tin từ các bệnh viện ở Tehran mà Washington Post tiếp cận được cho thấy dịch bệnh lớn hơn vậy rất nhiều.

    “Một nhân viên nói với tôi rằng họ đã chôn cất hơn 250 nạn nhân cho đến nay”, giọng nói trong video trên cho biết. Người này đi dọc nghĩa trang, hướng camera vào những mộ mới.

    “Đây đều là mộ, đều là mộ mới”, người này nói, và còn chỉ tay về phía xa. “Còn đó là những ngôi mộ từ vài ngày trước... bạn có thể thấy, nó dài tới tận cuối”.

    Một phụ nữ che mũi và miệng trong lúc đi đường ở Tehran. Ảnh: Reuters

    Iran, có 80 triệu dân, đã có tỷ lệ tử vong vì virus corona cao hơn hẳn trung bình, và một số lãnh đạo cao cấp đã nhiễm bệnh. Số liệu của Bộ Y tế nước này cho biết có hơn 10.075 ca nhiễm và 429 ca tử vong, nhưng có nhiều hoài nghi liệu chính quyền có đang giảm nhẹ quy mô của dịch bệnh.

    Các nạn nhân bao gồm một số nghị sĩ, một nhà ngoại giao và cố vấn cao cấp của Lãnh đạo Tối cao.

    Trong ngày 12/3, Iran công bố thêm 1.075 ca nhiễm Covid-19 mới và 75 ca tử vong. Thủ đô Tehran hiện là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất với khoảng 2.000 ca nhiễm.

    Liên Hợp Quốc ngày 11/3 đã kêu gọi Iran thả tù nhân chính trị trong bối cảnh virus corona lan nhanh. Theo đó, Tehran đã phóng thích 70.000 tù nhân để hạn chế sự lây lan của virus. Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc tiếp tục yêu cầu thả tù nhân không phạm các tội liên quan hành vi bạo lực ra, theo Al Jazeera.

    Iran đã đóng cửa các trường học và đại học cho đến đầu tháng 4 để ngăn chặn virus corona lây lan. Tuy nhiên, khi dịp lễ đến gần, người dân bắt đầu đi du lịch, đặc biệt là đến những địa điểm thu hút du khách ở các tỉnh phía bắc, theo ông Jahanpour, người phát ngôn Bộ Y tế nước này.

    Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif gần đây đã lên Twitter để chỉ trích lệnh trừng phạt của Mỹ, cho rằng nó khiến cho Iran không thể tiếp cận các nguồn cung y tế để đối phó với dịch bệnh.

    Theo Zing

  • Thủ tướng Boris Johnson cảnh báo sẽ có thêm nhiều gia đình chứng kiến người thân qua đời vì virus corona, giữa lúc cố vấn của chính phủ nói Anh có thể đã có 10.000 người nhiễm virus.

    Tại một cuộc họp của ủy ban khẩn cấp chính phủ hôm 12/3, Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố Anh bắt đầu bước sang "giai đoạn trì hoãn" của cuộc chiến chống dịch, với mục tiêu trì hoãn đỉnh dịch cho đến mùa hè, chấm dứt giai đoạn ngăn chặn triệt để.

    "Nó sẽ lây lan rộng hơn", Reuters dẫn lời ông Johnson nói trong một cuộc họp báo, bên cạnh các cố vấn khoa học và y tế hàng đầu chính phủ.

    "Tôi phải thành thật với các bạn, thành thật với công chúng Anh rằng sẽ có thêm các gia đình, nhiều gia đình mất đi người thân trước khi họ phải ra đi".

    Thủ tướng Anh Boris Johnson trong cuộc họp báo hôm 12/3 cùng các cố vấn khoa học và y tế hàng đầu chính phủ. Ảnh: Reuters.

    {Hiện nay, một kiến nghị yêu cầu đóng cửa các trường đại học ở Anh đã đạt được hơn 100.000 chữ ký và con số này đang tăng lên mỗi phút. Bạn có thể ký tên ở đây https://petition.parliament.uk/petitions/300628}

    Chính phủ Anh đã đối diện với những câu hỏi về việc tại sao họ không thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn như nhiều nước khác. Ông Johnson nói chính phủ tuân theo khuyến cáo khoa học và sẽ "làm điều đúng đắn đúng lúc".

    Ông nói những người có triệu chứng nhiễm virus dù nhẹ cũng nên tự cách ly ít nhất 7 ngày. Trong những tuần tới, khuyến cáo sẽ là toàn bộ gia đình cần ở trong nhà nếu một người có triệu chứng.

    "Đây là cuộc khủng hoảng y tế công cộng tồi tệ nhất trong một thế hệ", ông nói.

    Số người nhiễm Covid-19, bệnh do virus corona chủng mới gây ra, đã tăng 29% trong 24 giờ hôm 12/3, lên đến 590 ca, trong đó 10 người đã tử vong.

    "Nếu bạn tính toán ý nghĩa thực sự của những con số này, khả năng cao là khoảng 5.000 đến 10.000 người đã nhiễm virus vào lúc này", cố vấn khoa học hàng đầu chính phủ Anh, Patrick Vallance, nói.

    Ông Vallance nói Anh hiện ở trên quỹ đạo đi sau 4 tuần so với Italy, nước đã ghi nhận hơn 15.000 ca nhiễm và 1.000 ca tử vong. Ông dự đoán đỉnh dịch tạ Anh có thể xảy ra trong ít nhất 10 đến 14 tuần tới.

    Thủ tướng Johnson cho biết Anh chưa ra lệnh cấm các sự kiện tập trung đông người và trường học vẫn sẽ mở cửa, nhưng khuyến cáo có thể thay đổi nếu virus lan rộng.

    Hiện nay, một kiến nghị yêu cầu đóng cửa các trường đại học ở Anh đã đạt được hơn 100.000 chữ ký và con số này đang tăng lên mỗi phút. Bạn có thể ký tên ở đây https://petition.parliament.uk/petitions/300628

    Theo Zing

  • “Bóng đen” Covid-19 tiếp tục bao phủ bóng đá châu Âu khi liên tiếp các cầu thủ, HLV của các đội bóng nhiễm bệnh.

    Mới đây, Arsenal xác nhận HLV trưởng Mikel Arteta đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona. Điều này khiến ông trở thành HLV đầu tiên tại Premier League nhiễm bệnh, đồng thời khiến cho toàn bộ các thành viên và ban huấn luyện Arsenal sẽ phải thực hiện việc cách ly.


    HLV trưởng Mikel Arteta

    Việc HLV Arteta nhiễm bệnh khiến cho các trận đấu trong 14 ngày tới của Arsenal sẽ phải hoãn lại do các cầu thủ đều thuộc diện tiếp xúc gần với ông, bao gồm trận gặp Brighton, Southampton tại Premier League và Sheffield United tại FA Cup. Trước đó, trận đá bù với Man City hồi giữa tuần của Arsenal cũng đã bị hoãn.

    Hiện tại, trung tâm huấn luyện London Colney và Học viện đào tạo Hale End cũng tạm thời bị đóng cửa, cũng như được khử trùng để đảm bảo an toàn.

    Thông tin về tình hình sức khỏe của HLV Arteta, Giám đốc Điều hành Vinai Venkatesham của Arsenal cho biết:

    "Sức khỏe của đội bóng cũng như cộng đồng luôn là ưu tiên quan trọng nhất chúng tôi hướng tới. HLV Mikel Arteta rất thất vọng, nhưng ông ấy vẫn giữ được tinh thần tốt. Đội bóng sẽ luôn đồng hành cùng Mikel.

    Arsenal hiện đang cố gắng kiểm soát tình hình. Khi đội ngũ y tế cho phép, toàn đội sẽ trở lại tập luyện và thi đấu bình thường".

    Cách đây ít ngày, ông chủ CLB Olympiakos, Evangelos Marinakism, đã bị xác nhận dương tính với virus corona. Ông này có dự khán trận đấu giữa Arsenal và Olympiakos tại Europa League. 

    Các thành viên Arsenal sau đó đã được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm tuy nhiên một chi tiết đáng chú là HLV Mikel Arteta không có tiếp xúc gần với ông chủ của Olympiakos.

    Với tình hình hiện tại, khả năng Premier League có thể tiếp tục diễn ra hay không đang bị bỏ ngỏ. Trước đó, Tây Ban Nha, Italia, Hà Lan và một số quốc gia châu Âu khác đã quyết định tạm hoãn giải vô địch quốc gia vì dịch Covid-19.

    Sau trường hợp HLV Mikel Arteta của Arsenal, đến lượt Chelsea phát hiện một cầu thủ dương tính với Covid-19.

    Ngày 12/3, CLB Chelsea chính thức phát đi thông báo về việc cầu thủ Callum Hudson-Odoi đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona. Ngay sau đó, The Blues đã tiến hành xác minh những người có tiếp xúc gần tiền vệ người Anh để tiến hành cách ly theo quy định, bao gồm toàn bộ các cầu thủ Chelsea, HLV Frank Lampard và thành viên ban huấn luyện, cũng như nhân viên CLB.

    Callum Hudson-Odoi có các triệu chứng tương tự như cảm lạnh nhẹ vào sáng 9/3 và đã không đến sân tập kể từ hôm đó để đề phòng. Hiện tại, cầu thủ này vẫn đang ở trạng thái ổn định dù nhiễm bệnh và hi vọng có thể sớm trở lại sân tập.

    Callum Hudson-Odoi sinh năm 2000 và đã có 17 lần ra sân cho Chelsea ở mùa này.

    Chelsea sẽ cho đóng cửa khu tập luyện của đội nam cũng như một số tòa nhà ở khu đào tạo có liên quan. Phần còn lại liên quan đến đội nữ, một số cơ sở khác cũng như sân Stamford Bridge vẫn được cho hoạt động như bình thường.

    Trước mắt, CLB sẽ tuân thủ các nguyên tắc y tế để đảm bảo an toàn cho cộng đồng và cùng thảo luận bước tiếp theo về các trận đấu tại Premier League trong thời gian tới. Tuy nhiên, gần như chắc chắn Chelsea cũng sẽ giống như Arsenal, buộc phải hoãn lại các trận đấu của mình do đội bóng có thành viên bị nhiễm virus corona.

    Theo Trí Thức Trẻ

  • Đại Sứ Quán Việt Nam tại Anh vừa cập nhật thêm thông báo huỷ visa nhập cảnh về VN đối với công dân một số nước ở Châu Âu. VietHome đã liên lạc với ĐSQ Việt tại Anh để xác nhận lại, VH xin chia sẻ lại để các anh chị em không có quốc tịch Việt Nam nắm rõ hơn.

    Thông báo bằng tiếng Anh vào ngày 12/3/2020 ở dưới cuối bài. Còn đây là bản dịch tiếng Việt : 

    Từ 0h ngày 12/03/2020, Việt Nam sẽ tạm thời dừng cấp visa 15 ngày cho công dân của các nước : Anh Quốc, Pháp, Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Ý và Hàn Quốc. Công dân của các nước này phải xin visa hợp lệ để vào Việt Nam. 

    Giấy chứng nhận miễn thị thực được cấp bởi các cơ quan nhà nước Việt Nam dành cho các công dân bên trên cũng sẽ bị đình chỉ cho tới khi có thông báo mới. 

    Với visa du lịch ( tourist visa), ĐSQ Việt Nam ở Anh hiện tại chỉ chấp nhận đơn xin visa có kèm thư chấp nhận của Cục Quản Lý Xuất Nhập Cảnh gửi tới ĐSQ. Các đơn xin visa diện du lịch hãy liên hệ với người bảo lãnh ở Việt Nam để làm thủ tục xin thư chấp nhận từ Cục Quản Lý Xuất Nhập Cảnh.

    Những hạn chế này sẽ bị dỡ bỏ sau khi tình hình (dịch) được củng cố. Xin hãy quay lại kiểm tra thông tin. 
    Với các loại visa khác, xin hãy liên hệ để biết thêm thông tin.

    Tôi là người mang quốc tịch Việt Nam đang sống ở các nước trên, tôi có bị cấm về VN không ? 

    VietHome: Không, người mang quốc tịch Việt Nam, sử dụng hộ chiếu VN vẫn được nhập cảnh vào nước như bình thường.

    Tôi là người Việt, quốc tịch Anh nhưng có visa miễn thị thực 5 năm, tôi có bị ảnh hưởng không ? 

    VietHome: Có. Visa miễn thị thực 5 năm của người không mang quốc tịch VN sẽ tạm thời bị đình chỉ, không có giá trị. Nếu về nước thì sẽ không được nhập cảnh vào Việt Nam.

    Tôi là người mang 2 quốc tịch: Việt Nam và Anh Quốc. Tôi có nhập cảnh về Việt Nam được không ? 

    VietHome: Phụ thuộc vào việc bạn dùng hộ chiếu nào để nhập cảnh. Nếu bạn dùng hộ chiếu VN, bạn là công dân Việt Nam nên không gặp trở ngại gì. Nếu bạn dùng hộ chiếu Anh, bạn cần phải có visa hợp lệ. Mà trong thời gian này chỉ có visa du lịch là được xét duyệt theo như thông báo phía trên.  

    Tôi cần thêm thông tin 

    VietHome: Xin hãy vào website của ĐSQ Việt Nam ở nước bạn đang sinh sống để kiểm tra thêm. Nếu ở Anh thì bạn có thể vào đây : http://vietnamembassy.org.uk/

     

    *** Bản Tiếng Anh đăng trên website ĐSQ Việt Nam tại Anh *** 

    Due to the wide spread of Covid-19 virus in Europe, from 0:00 am (Vietnamese time) the 12 of March 2020, Vietnam temporarily suspends the 15-day visa exemption for citizens of the UK, France, Germany, the Netherlands, Sweden, Norway, Denmark, and Spain in addition to the Republic of Korea and Italy. Nationals of these countries must have valid visas to enter Vietnam.

     The validity of the visa-exemption certificates already issued by Vietnamese authorities for those nationals has temporarily been suspended until further notice.

    With regard to tourist visa, in such circumstances, the Embassy of Vietnam in the UK, for the time being, only accepts requests for tourist visa applicants with visa approval letters from the Immigration Department addressed to the Embassy. Applicants with tourist purpose need to contact their sponsors in Vietnam to facilitate their visa approval letters. 

    These temporary restrictions will be removed as soon as the situation improves. Please check our regular updates.

    For other types of visa, contact the embassy’s consular/visa section for more information

  • Những ngày gần đây trên mạng xã hội lan truyền một thông tin cho rằng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh như đóng cửa trường học, ngừng khai thác một số đường bay quốc tế và đặc biệt là cách ly kiểm dịch là quá mức cần thiết. Quan điểm này gợi ý việc để virus lan truyền nhằm tạo miễn dịch nhanh trong cộng đồng là điều mà một số nước phương Tây đang áp dụng.

    Tuy nhiên, quan điểm ''để Covid-19 lan truyền đạt đỉnh'' đang trên bờ vực phá sản. 

    Ngay cả các nước phương tây như Mỹ hiện giờ cũng đã bắt đầu thực hiện các biện pháp can thiệp mạnh, bao gồm đóng cửa các đường bay tới Châu Âu.

    Trong một cuộc họp báo đầu tuần, Deborah Birx, điều phối viên phản ứng với virus corona của Nhà Trắng và Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ cũng ban hành một bộ hướng dẫn người dân Mỹ thực hành các biện pháp vệ sinh và giữ khoảng cách xã hội để hạn chế tối đa nguy cơ khiến Covid-19 lây lan trong cộng đồng.

    Nhiều trong số đó là những biện pháp mà Việt Nam đã áp dụng từ thời điểm ban đầu của dịch bệnh – khoảng thời gian vàng để thực hiện các biện pháp này.

    Các biện pháp giữ khoảng cách xã hội bao gồm cách ly bắt buộc đối với những người đã nhiễm bệnh, truy tìm và liên lạc với những người đã tiếp xúc với người bệnh, cách ly những người có thể đã phơi nhiễm, đóng cửa trường học, doanh nghiệp khi cần thiết và tránh các hoạt động tụ tập thành đám đông…

    Mục tiêu của các biện pháp này là để "làm phẳng đường cong", trì hoãn đỉnh dịch và hạn chế sự quá tải cho các bệnh viện.

    Ngược lại, để virus lan truyền một cách tự nhiên và mạnh mẽ trong cộng đồng mặc dù có thể tạo miễn dịch cộng đồng và khiến virus biến mất nhanh chóng, tuy nhiên, nó sẽ gây quá tải cho hệ thống y tế của chúng ta vì sẽ có nhiều người bệnh hơn, nhiều ca bệnh nặng hơn và chắc chắn là nhiều ca tử vong hơn.

    Một nghiên cứu của các nhà dịch tễ học Australia đã đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp vệ sinh và giữ khoảng cách xã hội:

    "Chúng tôi đề nghị thực hiện các biện pháp can thiệp chi phí thấp trước cả khi dịch bệnh xuất hiện và dự đoán xảy ra sự lây nhiễm trong cộng đồng. Các can thiệp này nên được xem xét vì chúng có thể giúp giảm cả tổng số ca nhiễm và mức độ nghiêm trọng của các ca bệnh", các tác giả viết.

    Các biện pháp được thiết kế được trên 2 nguyên tắc: Giữ khoảng cách xã hội và cải thiện vệ sinh. Theo mô hình nghiên cứu này xây dựng, điều này có thể làm trì hoãn đỉnh dịch, hạn chế sự quá tải cho các bệnh viện và đơn vị chăm sóc đặc biệt.

    Nó cho phép các nhân viên y tế có thời gian chăm sóc bệnh nhân tốt hơn, hoặc khi chính họ bị nhiễm Covid-19 có thể hồi phục và đi làm trở lại. Trì hoãn đỉnh dịch cũng có thể giúp cầm cự cho tới khi chúng ta có được một loại vắc-xin để đối phó với Covid-19.

    "Làm phẳng đường cong" được đề cập đến ở đây chính là trì hoãn và giảm thấp đỉnh dịch xuống dưới mức mà hệ thống y tế có thể đáp ứng. Nếu để virus lây lan một cách tự nhiên, hệ thống chăm sóc sức khỏe của mọi quốc gia, ngay cả Hoa Kỳ cũng có thể bị quá tải khi các phòng cấp cứu và bệnh viện sẽ tràn ngập các bệnh nhân suy hô hấp vì Covid-19.

    Một thống kê ở tiểu bang New York năm 2015 cho biết họ chỉ có 7.241 máy thở đang được khai thác và 1.750 máy trong kho dự trữ. Các cỗ máy thở là thiết bị đặc biệt cần thiết dùng để điều trị các ca bệnh Covid-19 có triệu chứng nghiêm trọng, trong đó người bệnh đã bị suy hô hấp nặng.

    Tuy nhiên, trong kịch bản một đại dịch cúm xuất hiện, tiểu bang New York cho biết họ chỉ dành ra được 15% máy thở để chăm sóc người bệnh mới, bởi các máy thở có sẵn đang phải phục vụ các bệnh nhân mắc các căn bệnh khác trước đó.

    Trong điều kiện và khả năng có hạn của hệ thống y tế, việc làm phẳng đường cong và trì hoãn đỉnh dịch là nhiệm vụ tối quan trọng.

    Để làm được điều này, mọi quốc gia đều phải áp dụng mọi biện pháp mà họ có thể trong đại dịch Covid-19. "Chúng ta cần nhớ rằng nếu chúng ta hành động sớm và quyết đoán, chúng ta có thể làm chậm virus và ngăn ngừa sự lây nhiễm", Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom cho biết trong một bình luận.

    Theo Trí Thức Trẻ

  • Số liệu mới nhất được công bố chiều nay cho thấy đã có thêm 134 người nhiễm Covid-19 ở UK, 2 người tử vong. Tình hình ở Scotland đang hết sức quan ngại khi có tới 60 người đã nhiễm bệnh. Tính đến nay ở UK đã có 10 người tử vong.


    Đồ họa: The Sun

    Dưới đây là một số tin chính:

    - 2 ca tử vong mới nhất đều ở UK. Một bệnh nhân 89 tuổi với nhiều bệnh nền đã qua đời ở bệnh viện Charing Cross Hospital. Người còn lại là một phụ nữ trên 60 tuổi, cũng mắc nhiều bệnh nền và đã tử vong ở bệnh viện Queen's Hospital tại Romford.

    - Đến nay, England đã có 491 ca nhiễm (136 ca ở London), 60 ca ở Scotland, Bắc Ailen có 20 ca, Wales có 19 ca.

    - Tại Scotland, có 11 người nhiễm bệnh ở Lothian, 10 người ở Greater Glasgow and Clyde, 7 ca ở Grampian và 7 ca ở Lanarkshire, 6 ca dương tính ở Shetland, 6 ca khác ở Forth Valley, 4 ca ở Tayside and Ayrshire and Arran, 3 ca dương tính ở Fife và 2 ca ở Borders.

    - Một nhân viên y tế thuốc Dịch vụ Cứu thương East of England đã nhiễm Covid-19. Một sinh viên của University of Bristol và một nhân viên của bệnh viện đại học Aintree University Hospital ở Liverpool cũng nhiễm bệnh. 

    - Hôm nay, chính phủ Anh nhiều khả năng sẽ quyết định chuyển sang giai đoạn 2, tức giai đoạn ''Delay - Làm chậm sự lây lan dịch ở UK''. Ở giai đoạn này, trường học sẽ đóng cửa, sự kiện thể thao bị hủy và mọi người sẽ làm việc ở nhà nếu có thể. Cách này sẽ giảm tải áp lực lên NHS trong khi chờ đợi thời tiết ấm lên.  

    - Chính phủ hôm nay tiếp tục bàn về các phương pháp ngăn dịch, trong đó có đề xuất cho các trường học đóng cửa một tháng để học sinh học tại nhà.

    - Hơn 240.000 người đã ký đơn thỉnh nguyện yêu cầu kéo dài kỳ nghỉ lễ Phục sinh thành 1 tháng. 

    - Tây Ban Nha hôm nay có đến 37 ca tử vong chỉ trong 1 ngày.

    - Ireland đã đóng cửa các trường học, đại học, công sở và phong tỏa toàn quốc. Hôm qua, một phụ nữ đã trở thành ca nhiễm virus corona đầu tiên tử vong ở Ireland. 

    - Đại học Oxford đã có 5 ca dương tính với Covid-19.  

    - Nam diễn viên Tom Hanks và vợ Rita Wilson thông báo họ đã nhiễm virus corona ở US.


    Phân biệt các triệu chứng của corona với cảm lạnh và cúm.

    - Tiến sĩ Jenny Harries, Phó giám đốc Y khoa ở England, cho biết hầu hết những người mắc Covid-19 sẽ hết bệnh trong vòng 7 ngày. ''Bệnh nhân có thể bị ho, sốt và một số triệu chứng khác. Cơ bản là bạn cảm thấy không khỏe. 2-3 ngày đầu bệnh sẽ trở nặng, sau đó sẽ giảm dần trong những ngày tới. Đối với hầu hết mọi người, họ sẽ hết bệnh trong vòng 7 ngày'', bà nói''.

    - Tiến sĩ Harries cũng cho rằng khoảng 80% dân số sẽ nhiễm bệnh, nhưng đó là một ''ước tính khá cao''. Bà cũng cho rằng những người đeo khẩu trang sẽ dễ nhiễm bệnh hơn vì virus có thể tiềm ẩn trong khẩu trang khi bạn chạm tay nhiễm khuẩn của mình vào khẩu trang, hoặc khi đặt nó lên bề mặt nhiễm khuẩn và sau đó lại hít vào. Hầu hết người khỏi bệnh sẽ không tái lại, vì cơ thể đã có khả năng tự kháng virus. 

    - Kế hoạch đám cưới của Công chúa Beatrice đang rơi vào bế tắc vì gia đình vị hôn phu người Ý của công chúa có thể bị cấm nhập cảnh vào Anh.  

    - Tesco đeo khóa an toàn cho những chai xà phòng duy nhất còn lại trong toilet. Hình ảnh này được chụp tại một siêu thị ở Warwickshire. Tất cả sản phẩm rửa tay đều đã hết hàng cả online và trên kệ. Nhiều người bắt đầu ghé bệnh viện để top-up chai nước rửa tay của họ.


    Chai nước rửa tay quý giá ở Tesco.

    - Một nhóm 23 du khách Anh đã đi trượt tuyết ở Italy hồi tháng Hai, 17 người mang theo virus trở về. Những người này sống tại nhiều nơi ở UK và nhiều khả năng đã truyền bệnh cho gia đình họ. 

    - Hãng du thuyền Princess Cruises đã thông báo ngừng các chuyến du lịch toàn cầu trong vòng 60 ngày, sau khi 2 trong số 18 con tàu của hãng này là Diamond Princess và Grand Princess trở thành ổ dịch lây lan virus.

    - Trường Trinity School ở Carlisle đã đóng cửa khử trùng sau khi trường hợp nhiễm virus corona thứ 2 được phát hiện. Trường sẽ đóng cửa đến ngày 23/3. 

    - Học viện The Oak Tree Academy ở Stockton đã đóng cửa vào hôm nay và gửi tin nhắn yêu cầu phụ huynh đến đón con ngay khi có thể, sau khi hai người được xác định nhiễm bệnh ở Stockton. 

    - Lãnh đạo Đảng quốc gia Scotland, bà Nicola Sturgeon, yêu cầu hủy các sự kiện quy tụ nhiều hơn 500 người. 

    - Hãng giao đồ ăn nhanh Deliveroo sẽ đặt đồ ăn ở trước cửa nhà, thay vì giao tận tay khách hàng.

    - Tại Ý, các bác sĩ được khuyên nên chọn người cần cứu và để mặc những người khác. Những người già hoặc bệnh nặng sẽ không được chăm sóc chu đáo và có thể bị để mặc, như vậy đội ngũ y tế mới đủ sức chăm sóc những người trẻ và có cơ hội sống sót cao hơn. 

    - Nếu virus xuất hiện ở trụ sở trị giá 1 tỷ bảng của đài BBC tại London, nhà đài này sẽ chuyển đến boongke ở Wood Norton, Worcestershire. Đây là ngôi nhà của College of Technology, một nhánh trong Học viện BBC. Tập đoàn đã mua địa điểm này vào năm 1939, với mục đích di dời cơ sở điều hành khỏi London nếu cần thiết. 

    - Bộ trưởng tài chính Rishi Sunak thông báo một thành viên khác của quốc hội đã phải tự cách ly sau khi thứ trưởng Bộ Y tế Nadine Dorries bị nhiễm virus corona. Tuy nhiên ông không nêu danh tính người này. 

    Viethome (theo Mirror)

  • Đan Mạch trở thành quốc gia thứ 2 ở châu Âu ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc trong bối cảnh số ca nhiễm virus corona chủng mới gây dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) tăng nhanh chóng ở châu lục này.

    Thủ tướng Mette Frederiksen tuyên bố tất cả các trường học, đại học và nhà trẻ trên toàn quốc sẽ đóng cửa trong hai tuần để làm chậm sự lây lan của dịch bệnh.

    Các biện pháp cứng rắn mới cũng sẽ bao gồm cấm các sự kiện trong nhà có từ 100 người tham gia trở lên và cho phép các nhân viên công chức không nắm giữ vai trò quan trọng ở nhà.

    Nhân viên ở lĩnh vực tư nhân cũng được khuyến khích làm việc tại nhà sau khi nước này ghi nhận 514 ca nhiễm tính đến hôm 11-3.

    Thủ tướng Mette Frederiksen họp báo hôm 10-3. Ảnh: EPA

    Irelandđã đóng cửa các trường học, đại học, công sở và phong tỏa toàn quốc. Hôm qua, một phụ nữ đã trở thành ca nhiễm virus corona đầu tiên tử vong ở Ireland. 

    Bộ Y tế Tây Ban Nha cùng ngày công bố số ca nhiễm virus corona chủng mới gây dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) đã vượt mốc 2.000 cùng với 48 ca tử vong được ghi nhận, khiến nước này trở thành ổ dịch lớn thứ hai tại châu Âu sau Ý.

    Thủ đô Madrid là khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất ở Tây Ban Nha, chiếm hơn 1/2 tổng số ca nhiễm được ghi nhận và đến nay đã có ít nhất 31 trường hợp tử vong.

    Các quan chức đã nhanh chóng công bố một loạt biện pháp ngăn chặn dịch bệnh, đóng cửa các trường học ở thủ đô Madrid trong hai tuần, khử trùng các phương tiện giao thông công cộng hàng ngày và cấm các chuyến bay từ Ý.

    Bộ văn hóa cùng ngày cho biết các bảo tàng ở Madrid sẽ đóng cửa từ ngày 12-3 cho đến khi có thông báo mới.

    Điều phối viên khẩn cấp của Bộ Y tế Fernando Simon dự báo có thể sẽ mất từ một đến hai tháng để ngăn chặn dịch bệnh hoặc trong trường hợp xấu nhất là lên đến 4 tháng.

    Điều phối viên khẩn cấp của Bộ Y tế Fernando Simon. Ảnh: EPA

    Còn tại Pháp, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran hôm 11-3 cho biết số người chết vì Covid-19 đã tăng gần 50% lên 48 và các biện pháp hạn chế mới sẽ được thực hiện để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

    Phát biểu trong một cuộc họp báo ở Paris ngay sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gọi Covid-19 là đại dịch, ông Veran chưa nâng phản ứng khẩn cấp của Pháp lên "Giai đoạn 3", mức cao nhất. Hiện Pháp vẫn ở giai đoạn 2 của dịch vì chưa lây lan ra cả nước.

    Theo ông Veran, số ca nhiễm mới hôm 10-3 tăng thêm 497 nâng tổng trường hợp nhiễm Covid-19 lên 2.281 trong khi số ca tử vong là 33. Hiện 105 người đang trong tình trạng nguy kịch.

    Trong khi đó, Thụy Điển ghi nhận ca tử vong đầu tiên do Covid-19 và số ca nhiễm tại nước này đã lên đến 260.

    Tính đến nay, theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông), tổng số ca nhiễm và tử vong trên toàn cầu liên quan đến Covid-19 lần lượt là 122.391 và 4.576.

    Theo Trí Thức Trẻ

  • Cũng như nhiều trường hợp dương tính với Covid-19 ở Anh, các sinh viên đã tự cách ly tại nhà để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus cho người khác.

    Theo BBC đưa tin, một sinh viên tại đại học Bournemouth (Anh) đã tự cách ly sau khi phát hiện dương tính với Covid-19. Được biết, sinh viên này đã bị lây từ một người khác, không phải sinh viên của trường.

    Về trường hợp này, đại diện của trường đánh giá cao tinh thần tự giác của sinh viên: "Chúng tôi tuyên dương tinh thần chủ động hạn chế nguy cơ lây nhiễm của sinh viên."

    Ngoài ra, đại học Bournemouth cũng nói rằng trường vẫn hoạt động bình thường và họ tự tin rằng những tòa nhà của mình được khử khuẩn an toàn.

    Trong thông báo của mình, trường cho biết: "Chúng tôi đang hỗ trợ sinh viên mọi thứ họ cần để nhanh chóng khỏi bệnh. Nhà trường cũng đang làm việc chặt chẽ cùng với cơ quan y tế công cộng Anh (PHE), chúng tôi sẽ làm theo mọi hướng dẫn và hỗ trợ hết mình trong việc nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh."

    Đại học Bournemouth nói rằng ưu tiên hàng đầu của họ là hỗ trợ sinh viên phòng chống dịch Covid-19.

    Cũng theo BBC đưa tin, Đại học Oxford đã xác nhận trường hợp thứ 5 dương tính với covid-19.

    Cơ quan y tế công cộng Anh (PHE) đang đánh giá tình hình sức khỏe của những người này và kêu gọi bất cứ ai đã có tiếp xúc gần với bệnh nhân, nhanh chóng liên lạc với họ sớm nhất có thể.

    Về phía đại học Oxford, nhà trường cho biết sẽ tuân thủ mọi chỉ định từ PHE trong việc đánh giá liệu có cần thiết phải tiến hành thêm nhiều biện pháp phòng ngừa hơn không.

    Trong thông cáo của mình, Oxford cho biết: "Ưu tiên của chúng tôi là cung cấp sự hỗ trợ cho các sinh viên bị lây nhiễm cũng như gia đình của họ. Ngoài ra, nhà trường cũng đang đề nghị sự hỗ trợ tới các trường đại học, sinh viên, du khách và cả người dân địa phương."Hiện đại học Oxford đang chờ những chỉ định tiếp theo từ PHE.

    Hiện đang có khoảng 24.000 sinh viên đang theo học tại Oxford.

    Không đồng tình với quyết định của nhà trường, bà Katherine Tyson - ủy viên hội đồng quận Cherwell đã lên án Oxford "đang đặt tính mạng sinh viên vào vùng nguy hiểm" và cho rằng việc không đóng cửa của nhà trường là một hành động "thiếu trách nhiệm".

    Theo ghi nhận của tờ Leicester Mercury, một sinh viên thuộc đại học Loughborough (Anh) cũng được xác nhận là đã nhiễm Covid-19 sau khi trở về từ Ý. Hiện sinh viên này đã tự cách ly tại nhà và không đến trường từ ngày 03/03.

    Theo Trí Thức Trẻ

  • Nhiều người cùng ký vào bản kiến ​​nghị trực tuyến, ủng hộ đuổi hai cô gái xuất hiện trong video bắt nạt học sinh gốc Việt tại trường Bolsa Grande, California. Không chỉ gọi học sinh gốc Việt là virus corona và kỳ thị vì đeo khẩu trang, 2 nữ sinh ngoại quốc còn có hành động xúc phạm văn hóa truyền thống của Việt Nam.

    Hai nữ sinh trường Trung học Bolsa Grande thuộc Khu học chánh Garden Grove Unified (Mỹ) bị lên án dữ dội vì có lời nói, hành vi xúc phạm một bạn học người Việt vì dịch Covid-19.

    Teriann Nguyen - người gốc Việt hiện sống ở Mỹ - chia sẻ với Zing.vn sự việc nhiều học sinh gốc Việt tại trường Trung học Bolsa Grande thuộc Học khu Garden Grove Unified (GGUSD - khu học chánh lớn thứ 14 ở bang California, Mỹ) bị bạn học phân biệt đối xử.

    Theo đó, trong 3 clip được quay lại, hai nữ sinh ngoại quốc liên tục có phát ngôn và hành động thù ghét nhằm vào học sinh Việt Nam.

    Tại một sự kiện được tổ chức ở trường Bolsa Grande, các nữ sinh này dùng điện thoại ghi lại phần trình diễn trang phục dân tộc của hai học sinh Việt Nam kèm theo lời chế nhạo: "Virus corona".

    Tiếp đó, tại sân trường, một trong hai học sinh nói trên lấy đạo cụ biểu diễn của nữ sinh người Việt, có hình dáng giống nón quai thao, đội lên đầu nhảy nhót và liên tục cười đùa, sau đó ném thẳng xuống đất.

    Trên hành lang dãy lớp học, nhóm nữ sinh này tiếp tục lấy tay chạm vào khẩu trang của một nữ sinh người Việt, sau đó buông lời chế nhạo và phá lên cười.

    "Sự việc trên khiến tôi cảm thấy kinh tởm", Teriann Nguyen (cựu học sinh trường Bolsa Grande) bức xúc nói.

    Hai nữ sinh trường Trung học Bolsa Grande bị lên án vì có phát ngôn, hành động kỳ thị học sinh Việt Nam.

    Teriann cho hay cô chưa từng trải qua hay chứng kiến sự việc phân biệt chủng tộc nào trong những năm học ở ngôi trường có đa phần học sinh là người Việt, người Mỹ gốc Tây Ban Nha, người Mexico và người Mỹ Latinh.

    Bởi vậy, việc hai nữ sinh miệt thị và phỉ báng văn hóa Việt Nam, cũng như bắt nạt bạn học người Việt vì cô ấy đeo khẩu trang khiến Teriann tức giận.

    Sau đó cô quyết định trao đổi sự việc với người chịu trách nhiệm quản lý Học khu Garden Grove Unified, đồng thời chia sẻ sự việc trên mạng xã hội.

    "Các hành vi được ghi lại trong video là không thể dung thứ và sẽ không được Bolsa Grande hoặc GGUSD chấp nhận".

    Teriann Nguyen cho Zing.vn biết cô đã báo cáo toàn bộ sự việc với người chịu trách nhiệm quản lý GGUSD. Phía nhà trường, học khu, Bộ Giáo dục đang phối hợp với Cảnh sát thành phố Garden Grove để điều tra sự việc.

    Cư dân mạng đã tìm ra Instagram của một trong hai cô gái xuất hiện trong các video trên. Ban đầu, nữ sinh này lên tiếng thách thức dân mạng châu Á bằng lời lẽ tục tĩu, sau đó lại đăng bài, thay avatar xin lỗi người Việt.

    Hiện lời xin lỗi đã bị xóa đi, trang Instagram này cũng được chuyển sang chế độ riêng tư.

    Bài đăng tiết lộ nữ sinh bắt nạt bạn học Việt Nam bị cảnh sát bắt giữ (trái). 

    Một bản kiến ​​nghị trực tuyến trên trang Change.org đang kêu gọi mọi người ký tên ủng hộ việc đuổi học hai học sinh trường Bolsa Grande xuất hiện trong các video bắt nạt học sinh Việt Nam trong khuôn viên trường.

    Tính đến chiều 12/3, có hơn 42.000 người ký tên đồng tình trên trang này.

    Theo Zing

  • Một người phụ nữ ở Italia không thể rời khỏi căn hộ của mình, nơi có thi thể người chồng mới qua đời vì mắc Covid-19, do lệnh cách ly.

    Một phụ nữ đeo khẩu trâng trên đường phố ở Milan, Italia (Ảnh minh họa: AP)

    Thị trưởng thành phố Borghetto Santo Spirito tỉnh Savona, vùng Liguria của Italia, ông Giancarlo Canepa, cho biết với CNN rằng, chồng của người phụ nữ nói trên được chẩn đoán mắc viêm phổi cấp Covid-19 và qua đời lúc 2h sáng ngày 9/3 theo giờ địa phương.

    “Bà ấy vẫn phải ở yên trong nhà với thi thể của người chồng, chúng tôi chưa thể đưa thi thể của ông ấy đi cho đến tận sáng 11/3”, ông Canepa nói. Ông cho biết thêm, lệnh phong tỏa, cách ly của địa phương quy định rõ, không ai được phép tiếp cận thi thể bệnh nhân Covid-19.

    "Rất tiếc là chúng tôi phải tuân thủ các quy định an ninh”, ông Canepa nói. Ông cũng cho hay, chồng của người phụ nữ trên đã nhất quyết không đến bệnh viện để điều trị nên mới tử vong.

    Tin tức trên đã nhanh chóng xuất hiện trên các mặt báo ở Italia. Đài truyền hình địa phương IVG đã đăng tải đoạn video phỏng vấn hàng xóm của người phụ nữ.

    “Giờ điều quan trọng nhất là quan tâm đến người phụ nữ này, một mình với thi thể người chồng… Không ai có thể đến gần giúp đỡ hay an ủi bà ấy. Chúng tôi hy vọng mọi việc sẽ được giải quyết nhanh chóng”, một người hàng xóm cho biết.

    Người đàn ông cầu cứu vì bị nhốt với thi thể chị gái nhiễm Covid-19

    Luca Franzese - diễn viên người Italy - đăng tải clip quay lại cảnh anh bị cách ly trong nhà riêng. Bên cạnh anh là thi thể của người chị đã mất trước đó vì nhiễm Covid-19.

    Hôm 11/3 (giờ địa phương), Independent đưa tin Luca Franzese - diễn viên người Italy - đã đăng tải một clip trên trang cá nhân quay lại cảnh anh bị mắc kẹt trong nhà cùng thi thể người chị đã mất trước đó vì nhiễm Covid-19.

    Nam diễn viên bức xúc cho biết gia đình anh đã gọi điện báo cơ quan chức năng nhưng sau 24 giờ, họ vẫn không nhận được sự giúp đỡ nào. Trong video, Franzese nói: "Chị gái tôi đã chết hôm qua, có lẽ là do virus và chúng tôi đã chờ đợi câu trả lời từ tối qua nhưng không có phản hồi nào".

    Luca Franzese mắc kẹt trong nhà cùng với thi thể người chị gái.

    Cùng với đó, diễn viên người Italy quay lại cảnh thi thể chị gái đặt trên trên nền nhà sau khi qua đời vì Covid-19. "Chính phủ Italy đã bỏ rơi chúng tôi. Hãy cùng tiếp sức cho nhau. Hãy chia sẻ video này", nam diễn viên cho biết.

    Theo Franzese, chị gái anh là Teresa Franzese mắc chứng động kinh trước đó. Gia đình anh hiện có ba người bị nhiễm Covid-19.

    Sau khi video của Franzese được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, cơ quan chức năng đã liên lạc và hỗ trợ làm lễ tang cho chị gái anh. Franzese cho biết thêm anh và các thành viên trong gia đình vẫn đang cách ly tại nhà và chưa được nhập viện điều trị.

    Luca Franzese là diễn viên nghiệp dư, từng tham gia một vai nhỏ trong series phim truyền hình Gomorrah chiếu vào năm 2008. Hiện anh làm huấn luyện viên thể hình ở thành phố Napoli (Italy).

    Theo Dân Trí

  • Một số nước trên thế giới áp dụng hình thức phạt tiền hoặc phạt tù với người cố tình khai báo không đúng sự thật hoặc vi phạm quy định về cách ly liên quan tới dịch Covid-19.

    Dòng người đeo khẩu trang trên đường phố Singapore (Ảnh: Channel News Asia)

    Theo hãng tin ReutersẢ rập Xê út ngày 9/3 tuyên bố sẽ áp dụng hình phạt 500.000 riyal (133.000 USD) với đối tượng không khai báo y tế và lịch trình di chuyển ở các điểm nhập cảnh trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 gây ra bởi virus corona mới (SARS-CoV-2).

    Động thái của Ả rập Xê út được thực hiện sau khi phát hiện ra một số trường hợp nhiễm virus corona nhưng không khai báo thông tin rằng họ từng đi tới Iran khi trở về nước thông qua quốc gia khác ở Vùng Vịnh. 

    Trong khi đó, chính phủ và cơ quan y tế Singapore hồi tuần trước phát đi cảnh báo rằng bệnh nhân nhiễm virus corona sẽ bị phạt hàng nghìn USD, thậm chí ngồi tù, nếu họ khai báo không trung thực về lịch sử di chuyển.

    Thông tin trên được đưa ra sau khi Singapore cáo buộc một cặp đôi người Trung Quốc vi phạm luật về phòng chống bệnh truyền nhiễm ở quốc gia Đông Nam Á. Cặp đôi Trung Quốc bị cho là đã cung cấp thông tin sai sự thật về hành trình của họ dẫn đến gây hiểu nhầm cho các thanh tra y tế. Hiện chưa rõ hình phạt mà cặp đôi trên sẽ phải nhận.

    Theo Nikkei, quốc hội Hàn Quốc cuối tháng trước thông qua đạo luật nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, trong đó có điều khoản phạt tối đa 1 năm tù hoặc 10 triệu won (8.200 USD) với những người cố tình vi phạm quy định về cách ly.

    Các quan chức y tế khuyến cáo những người đã tiếp xúc ở khoảng cách dưới 2 mét với bệnh nhân Covid-19 đã có triệu chứng nên ở nhà trong 2 tuần. Chính quyền sẽ có hỗ trợ tài chính với những người tuân thủ quy định, ví dụ như một gia đình 4 người sẽ nhận được 1.000 USD, theo Nikkei.

    Tại Nga, chính quyền thành phố Moscow tuần trước cảnh báo những người vi phạm quy định tự cách ly tại nhà sau 2 tuần trở về từ vùng dịch Covid-19, có thể sẽ phải ngồi tù tới 5 năm.

    Theo USA Today, luật pháp Mỹ cũng có quy định về việc bỏ tù những người vi phạm quy định về tự cách ly trong thời điểm bệnh dịch bùng phát. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết luật pháp về việc vi phạm cách ly là khác biệt ở từng bang. Tại hầu hết các bang, vi phạm lệnh cách ly của chính quyền được xem là phạm tội hình sự.

    Ví dụ, tại bang Michigan, việc vi phạm luật sức khỏe công cộng của bang có thể khiến một cá nhân bị phạt 200 USD hoặc tối đa 6 tháng tù giam hoặc chịu cả 2 hình phạt, theo USA Today.

    Theo ABC, hầu hết các trường hợp bị cách ly tại Australia hiện tại là theo tinh thần tự nguyện và đồng thuận vì người dân nước này hiểu được rằng việc tuân thủ theo các khuyến nghị y tế là điều quan trọng nhằm bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng.

    Tuy nhiên, khi cách ly trở thành yêu cầu chính thức từ chính quyền, một người không tuân thủ có thể bị phạt hàng nghìn USD và thậm chí ngồi tù. Luật pháp ở từng bang có quy định khác nhau về việc xử phạt. Ví dụ, tại Tasmania, mức phạt tối đa là 8.400 USD cho mỗi trường hợp vi phạm. Ở New South Wales, một người có thể bị phạt 11.000 USD hoặc 6 tháng ngồi tù.

    Tại South Australia, hình phạt tối đa cho hành vi trốn cách ly là 25.000 USD trong khi Western Australia quy định khoản tiền phạt là 50.000 USD hoặc ngồi tù tối đa 12 tháng.

    Theo AFP, 48 người ở Sicily, Italy đang phải đối mặt với hình phạt tối đa 234 USD và 3 tháng tù giam mỗi người vì vi phạm quy định phong tỏa toàn quốc của quốc gia châu Âu. Bất chấp lệnh của chính phủ, những người này đã tổ chức và tham gia một tang lễ vào hôm 10/3 và tổ chức đưa ma trên đường phố Porto Empedocle.

    Theo Dân Trí