• Trước sự lây lan nhanh chóng của virus corona, nhiều người tìm mua khẩu trang để bảo vệ cơ thể. Loại khẩu trang được bán và săn lùng nhiều nhất là N95. Không ít người cho rằng chỉ có loại khẩu trang này mới đủ kín để phòng dịch tiết lây lan khi tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh hoặc khu vực có tiếp xúc dịch tễ.

    Dưới đây là bài chia sẻ của ông Trương Hoàng Hưng, bác sĩ Nhi khoa và giảng dạy lâm sàng tại Texas Tech University (TTU), Texas, Mỹ, về tác dụng thực sự của khẩu trang N95, loại được cho rằng có thể chống virus tốt nhất hiện nay.

    Thị trường có 2 loại chính là khẩu trang y tế 3 lớp (Surgical mask); N95 (có và không có van thở). Việc sử dụng khẩu trang nào là tuỳ theo mục đích, môi trường, độ tuổi để lựa chọn.

    N95 có nghĩa là lọc được 95% bụi mịn 0,3 micron trong không khí. Như vậy, N95 lọc tốt hơn khẩu trang y tế. Tuy nhiên, N95 phải đeo khít, kín khuôn mặt mới đạt được hiệu quả mong muốn. Đây là điểm lợi cũng là khuyết điểm, trong khi khẩu trang y tế hai bên đều hở.

    N95 phải đeo kín nên trẻ em không dùng được vì mặt nhỏ. Người râu nhiều cũng không đeo được. Vì kín nên chúng gây cảm giác khó thở khiến người có bệnh phổi, bệnh tim mạch cũng không thể đeo lâu. Nhà sản xuất đã làm thêm van để khắc phục nhược điểm này.

    N95 giá thành đắt hơn khẩu trang y tế nên đeo mỗi ngày sẽ có chi phí cao hơn.

    Chữ "kín" khi đeo N95 nghe nhẹ nhàng nhưng không phải dễ. Ở các bệnh viện tại Mỹ, khi vào làm việc hay đăng ký khám chữa bệnh, họ phải làm thử nghiệm mang N95 đúng cách.

    Tôi đã thử qua bài kiểm tra này. Nhân viên y tế đưa cho tôi một chiếc N95. Tôi đeo chúng lên và họ xịt một dung dịch có mùi khá nồng vào mặt tôi. Khi tôi còn ngửi được mùi đó là chưa đạt, phải chỉnh lại thanh kim loại sao cho ôm kín sống mũi, phần dưới ôm sát mặt. Tôi phải thử tới lần thứ 3-4 mới đạt.

    Thử xong, tôi đi về, vừa đi vừa nghĩ đeo 3-4 lần mới đạt, mỗi lần đeo một cái N95 lên không biết làm sao cho nó khít hoàn toàn như vừa thử nghiệm.

    Tôi chia sẻ chuyện này để các bạn thấy rằng đeo N95 đúng cách rất khó. Nếu đeo sai cách, chúng cũng không tốt hơn khẩu trang y tế là bao.

    Đeo khẩu trang chống ô nhiễm

    Chống ô nhiễm, cụ thể hơn là chống bụi mịn vì bụi to đường hô hấp có thể cản gần hết. Dùng khẩu trang N95 mới có khả năng chặn bụi mịn. Khẩu trang thông thường không lọc được các hạt bụi cực nhỏ, chủ yếu tác dụng là chống nắng.

    Khi đeo N95, bạn phải cố gắng đeo sát với khuôn mặt. Trẻ em không thể đeo được nên phải dùng khẩu trang thường và hạn chế tiếp xúc không khí ô nhiễm.

    Những dấu hiệu khi mắc bệnh viêm phổi lạ do virus corona. Đồ họa: Minh Hồng.

    Đeo khẩu trang ngừa lây nhiễm bệnh

    N95 lọc tốt hơn khẩu trang y tế nên ngừa lây nhiễm hiệu quả vượt trội? Không hẳn vậy.

    Kích thước virus nhỏ hơn khả năng lọc của hai loại trên nên chúng có thể xuyên qua. Tuy nhiên, virus trong không khí thường không đi một mình mà nằm trong các hạt chất tiết li ti ở đàm nhớt. Kích thước các hạt này lớn hơn, đều bị chặn lại bởi 2 loại khẩu trang trên. Vì vậy, lợi thế về khả năng lọc của N95 không quá cao.

    N95 kín hơn nên có thể giúp hạn chế hít các hạt nước chứa virus trong không khí? Điều này là đúng nhưng chỉ khi đeo N95 đúng cách và không có kẻ hở giữa khẩu trang và da mặt.

    Vì vậy, N95 có khả năng ngừa lây nhiễm bệnh cao hơn khẩu trang y tế khoảng 10-20% (trên nghiên cứu với virus cúm mùa). Chỉ khi kết hợp với rửa tay, khả năng ngừa bệnh mới tăng lên 30%.

    Ai nên đeo khẩu trang?

    Có người cho rằng chỉ ở gần người bệnh mới cần đeo khẩu trang. Thực tế không phải vậy.

    Người bệnh chắc chắn cần sử dụng khẩu trang, mỗi lần ho hay hắt hơi sẽ phát tán hàng chục nghìn con virus vào không khí. Người không mắc bệnh nên đeo khẩu trang khi phải làm việc hay đi vào môi trường có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Khẩu trang giúp ngăn chặn các chất tiết như nước bọt bắn vào mặt hay vào không khí xung quanh khi người bệnh xung quanh ho khạc.

    Nguy cơ nhiễm bệnh cao khi:

    - Tiếp xúc trực tiếp với người bệnh truyền nhiễm.

    - Trong môi trường có khả năng tiếp xúc virus gây bệnh qua đường hô hấp, vùng dịch vì nguy cơ gặp người bệnh xung quanh cao.

    - Phải sống, sinh hoạt trong một không gian kín với thời gian kéo dài như xe buýt, máy bay.

    - Đám đông trong vùng dịch.

    Thực tế, không có loại khẩu trang nào ngăn cản hoàn toàn mầm bệnh. Bạn nên sử dụng N95 trong môi trường nguy cơ cao. Tuy nhiên, nếu không có, khẩu trang y tế vẫn rất tốt. Ngoài ra, hãy nhớ rửa tay thường xuyên.

    N95 chỉ nên sử dụng một ngày rồi bỏ. Bạn đừng tiếc tiền và sử dụng nhiều lần. Lúc này, không phải bạn đang ngừa bệnh mà là nuôi vi trùng rồi hít đi hít lại.

    Theo Zing

  • Nhiều gia đình có người quốc tịch Trung Quốc buộc phải bị chia cắt với người thân họ trong bối cảnh nhiều biện pháp đối phó với virus corona được đưa ra.

    Một gia đình đến từ Anh bị mắc kẹt trong trung tâm dịch cúm do virus corona gây ra ở Vũ Hán đang đối mặt với “cơn ác mộng tồi tệ nhất” sau khi được thông báo rằng một thành viên gia đình sẽ không được phép rời khỏi Trung Quốc, Guardian cho biết.

    Cô Sindy Siddle đến tỉnh Hồ Bắc cùng chồng, Jeff Siddle, và cô con gái chín tuổi, Jasmine, để đón Tết nguyên đán cùng gia đình ở làng Hongtu.

    Bộ Ngoại giao Anh (FCO) nói với Sindy rằng vì cô có quốc tịch Trung Quốc, cô sẽ không được phép lên chuyến bay để di tản công dân Anh trong vài ngày tới.

    Trung Quốc không công nhận đa quốc tịch. Bất kỳ công dân nào muốn có quốc tịch khác đều phải từ bỏ quốc tịch Trung Quốc.

    Cô Siddle, 42 tuổi, đã có thị thực cư trú vĩnh viễn ở Anh từ năm 2008.

    Sindy Siddle cho biết cô vô cùng tuyệt vọng khi nghe tin: “Đây là khoảng thời gian rất khó khăn với chúng tôi vì con gái tôi mới chín tuổi và tôi không muốn mạo hiểm để con bé ở đây trong một thời gian dài. Chúng tôi sẽ cố gắng làm bất cứ điều gì để có thể đưa con bé khỏi đây, vì vậy chúng tôi đã đưa ra quyết định rằng Jeff và Jasmine sẽ đi”.

    Sindy Siddle cùng chồng Jeff và cô con gái 9 tuổi Jasmine. Ảnh: Guardian

    Gia đình Siddle từ Prudhoe, Northumberland, Anh cho biết không có cảnh báo y tế nào khi họ đến Trung Quốc vào ngày 15/1. Tuy nhiên, họ nhanh chóng bị cuốn vào dịch bệnh nguy hiểm đã cướp đi hơn một trăm mạng sống.

    Một gia đình khác cũng bị chia cắt bởi dịch cúm này như nhà Siddle. Natalie Francis, một giáo viên mẫu giáo 31 tuổi đến từ York, Anh cho biết cô đã được thông báo rằng con trai ba tuổi của mình sẽ không đủ điều kiện để được sơ tán.

    Con của Natalie có quốc tịch Trung Quốc. Tuy nhiên, cậu bé cũng có quyền cư trú ở Anh theo Đạo luật Quốc tịch năm 1981.

    “Cuối cùng tôi cũng nhận được một cuộc điện thoại vào lúc 10h từ Bộ Ngoại giao ở London. Họ nói rằng tôi đủ điều kiện để sơ tán nhưng họ không thể đưa con trai tôi theo”, Natalie nói. “Tôi thực sự có một lá thư từ Bộ Ngoại giao công nhận rằng con trai tôi là công dân Anh nhưng điều này chẳng thay đổi được gì cả”.

    “Họ nói bất cứ ai có quốc tịch Trung Quốc hoặc quốc tịch khác đều không được Bộ Ngoại giao Anh di tản”, cô chia sẻ.

    Theo Zing

  • Sử dụng khẩu trang có giúp bạn tránh lây nhiễm virus corona là một trong nhiều câu hỏi liên quan đến đại dịch mới đang lưu hành trên thế giới.

    Tính đến sáng 28/1, thế giới có hơn 4.200 người nhiễm virus corona. Trung Quốc ghi nhận 106 người đã tử vong vì loại virus này. Nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh dịch bệnh mới đang hoành hành trên khắp thế giới.

    1. Virus corona có thể lây truyền từ người sang người không?

    Trả lời: Có.

    Ông Zhong Nanshan, chuyên gia hàng đầu về Sars của Trung Quốc, đã xác nhận trong một bài báo trên SCMP, virus corona có thể lây truyền từ người sang người. Xác nhận này dựa trên kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet vào ngày 24/1. Nghiên cứu do các nhà khoa học Đại học Hong Kong (Trung Quốc) và phòng thí nghiệm bệnh truyền nhiễm trọng điểm của chính phủ Trung Quốc thực hiện.

    Tuy nhiên, các chuyên gia đang cố gắng lý giải cách virus lây truyền từ người sang người và liệu rằng virus có tồn tại trong không khí hay không.

    Hiện, tốc độ lây lan bệnh rất nhanh, ông Ma Xiaowei, Giám đốc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, lo sợ nó sẽ tiếp tục tăng lên chóng mặt trong thời gian ngắn.

    Những người nhiễm bệnh chủ yếu ở độ tuổi từ 40 đến 60. Tuy nhiên, một số ca bệnh là trẻ em, điển hình như bé gái hai tuổi ở Quảng Tây (đã hồi phục) và một trẻ sơ sinh 9 tháng tuổi ở Bắc Kinh. Điều đó khiến các phụ huynh cần cảnh giác, quan tâm sát sao tới sức khỏe của trẻ nhỏ.

    2. Đã có cách chữa trị cho người nhiễm virus corona chưa?

    Trả lời: Chưa có.

    Các nhà khoa học Mỹ đang nỗ lực tìm kiếm vắc xin phòng ngừa corona, dự kiến sẽ có thử nghiệm trên người trong vòng 3 tháng tới. Trong khi đó, nhóm nghiên cứu Trung Quốc và Mỹ tại Đại học Y Baylor ở Houston (Texas, Mỹ), Đại học Texas (Mỹ) và Đại học Fudan (Thượng Hải, Trung Quốc) cũng đang trong giai đoạn đầu phát triển một loại vắc xin riêng biệt.

    Ngày 26/1, một số bệnh viên đang thử nghiệm thuốc chữa HIV cho các bệnh nhân nhiễm virus corona. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chưa có cách điều trị hiệu quả virus corona,

    Hầu hết bệnh nhân tử vong đều là người già và trung niên, có một số bệnh tiềm ẩn như tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp. Nạn nhân trẻ nhất tử vong là một người đàn ông 36 tuổi ở Hồ Bắc (Trung Quốc).

    3. Các loại thảo dược dân gian như banlangen có hiệu quả điều trị virus không?

    Trả lời: Không, các loại thảo dược như banlangen chỉ dành cho chữa cảm lạnh thông thường, không có tác dụng với virus corona.

    Một số thông tin lan truyền trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc quảng cáo cách điều trị virus tự nhiên như súc miệng nước muối, ăn tỏi sống sẽ giúp chữa khỏi corona. Tuy nhiên, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc khẳng định rằng những tin đồn trên không có căn cứ.

    Thậm chí, hỗn hợp giấm hun khói và thảo dược banlangen truyền thống của Trung Quốc cũng không mang lại hiệu quả cho điều trị virus corona. Theo Zhang Hua, một bác sĩ hô hấp tại Bệnh viện Hepingli (Bắc Kinh), thảo dược cổ truyền chỉ có hiệu quả chống cảm lạnh và không có tác dụng với virus viêm phổi lạ.

    4. Tôi sẽ ngừa được 100% virus corona khi đeo khẩu trang?

    Trả lời: Không.

    Đeo khẩu trang là biện pháp mà nhiều quốc gia áp dụng như động thái để ngăn chặn tăng thêm các ca lây nhiễm virus corona. Điều này khiến cho giá khẩu trang tăng lên chóng mặt, tình trạng hàng khan hiếm.

    Khẩu trang y tế có thể giúp các dịch tiết của người đeo (các giọt nước chứa vi khuẩn, vi trùng từ miệng, mũi) không văng ra và lây lan sang người khác. Nhưng không có nghĩa là đeo khẩu trang giúp bạn tránh hoàn toàn khỏi nguy cơ nhiễm virus corona.

    Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo công dân toàn cầu nên tự bảo vệ bản thân bằng cách rửa tay thường xuyên, che miệng khi ho, hắt hơi và tránh tiêu thụ thịt động vật chưa nấu chín.

    5. Kiểm tra nhiệt độ khách du lịch tại sân bay, nhà ga có ngăn ngừa được virus lây lan qua biên giới không?

    Trả lời: Không.

    Ngày 26/1, ông Ma Xiaowei, Giám đốc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết virus corona có thể lây lan trong thời gian ủ bệnh. Thời gian ủ bệnh kéo dài tới 14 ngày.

    Do đó, David Heyman, nhà dịch tễ học tại Trường Y học Nhiệt đới London khẳng định giám sát nhiệt độ của khách du lịch không thể sàng lọc 100% những người nhiễm virus. Bởi nếu chưa có triệu chứng sốt, biện pháp này không thể phát hiện người bệnh.

    6. Đã xác nhận rằng virus có nguồn gốc từ động vật hoang dã được buôn bán trong chợ hải sản Huanan?

    Trả lời: Cần nhiều nghiên cứu hơn để khẳng định, nhưng việc buôn bán động vật hoang dã tại Trung Quốc đã bị cấm.

    Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết ngày 26/1, 33 mẫu môi trường được thu thập từ chợ hải sản Huanan (Vũ Hán) cho kết quả dương tính với chủng corona. Chúng chủ yếu đến từ các quầy bán động vật hoang dã.

    Ít nhất có hai nghiên cứu chỉ ra virus có thể bắt nguồn từ dơi. Tuy nhiên, vẫn chưa xác định được chính xác loài vật nào truyền bệnh cho người.

    Trong khi đó, một báo cáo được công bố trên The Lancet ngày 26/1 cho thấy 13 trong số 41 bệnh nhân nhập viện đầu tiên chưa từng ghé qua chợ hải sản Vũ Hán. Điều này khiến việc xác định nguồn gốc virus càng khó khăn hơn.

    Dù vậy, Trung Quốc đã cấm buôn bán động vật hoang dã vô thời hạn, kể từ ngày 27/1.

    Theo Zing

  • Theo GS.TS Sazaly Abu Bakar, tỷ lệ tử vong của người nhiễm virus corona tương đối thấp, khoảng 3%. Ông nhận định những ca tử vong có thể còn liên quan nguyên nhân khác.

    GS.TS Sazaly Abu Bakar, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Bệnh truyền nhiễm, Đại học Malaya Malaya (TIDREC), cho biết không giống như SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng), virus corona (2019-nCoV) có tỷ lệ tử vong (CFR) khá thấp, New Straits Times đưa tin.

    Theo đó, CFR của virus corona khoảng 3%.

    Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính CFR của SARS dao động từ 0 đến 50%, tùy thuộc nhóm tuổi bị ảnh hưởng. Tính trung bình, tỷ lệ tử vong của SARS khoảng 14-15%. Trong khi đó, CFR của MERS đứng ở mức 35%.

    GS.TS Sazaly Abu Bakar cho rằng chỉ số CFR của virus corona khoảng 3%, tỷ lệ phục hồi tương đối cao.

    GS Sazaly là chuyên gia về virus học, an toàn sinh học. Ông cho biết chỉ số CFR của 2019-nCoV hiện tại dường như ít động lực hơn, ngoại trừ người già và người có bệnh tiềm ẩn như tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp.

    Tuy nhiên, GS Sazly nhấn mạnh virus có thể lây lan trước khi các triệu chứng xuất hiện khiến bệnh khó ngăn chặn, vì vậy nên tiếp tục tăng cường biện pháp phòng ngừa, bao gồm cả sàng lọc nhiệt tại các điểm nhập cảnh.

    Theo ông Sazaly, tỷ lệ tử vong của người nhiễm 2019-nCoV tương đối thấp, khoảng 3%, cho thấy không ngoại trừ người bệnh có thể tử vong vì những nguyên nhân khác. Hầu hết bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn. Nếu theo con số ước tính của giáo sư Sazaly, tỷ lệ phục hồi lên tới 97%.

    Quá trình lây lan của virus đang được xác định. Quan sát thấy người cao tuổi dễ có nguy cơ lây nhiễm virus corona, GS Sazaly nói với New Straits Times.

    Ông cho biết thêm chủng 2019-nCoV chứa mã di truyền tương tự virus SARS. Về lý thuyết, người mắc SARS hoặc các virus tương tự có khả năng miễn dịch với corona nhưng cần kiểm nghiệm thực tế mới khẳng định được điều này.

    Về những nguy cơ xảy ra với dịch bệnh tại Vũ Hán, Trung Quốc, GS Sazaly phán đoán virus corona có thể là sự pha trộn từ nhiều động vật khác nhau, trao đổi các bộ phận của mã di truyền và lây nhiễm sang người.

    Một khả năng khác là virus có nguồn gốc từ loài động vật lạ. Nó thích nghi với môi trường khi ủ bệnh ở người và tạo ra bản sao phù hợp và lây lan bệnh.

    Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Virus Y học (Journal of Medical Virology) ngày 22/1, các nhà nghiên cứu nhận định 2019-nCoV dường như là hỗn hợp, hoặc tái tổ hợp của hai virus corona - một chủng virus lây nhiễm từ dơi và một loài vật khác chưa rõ nguồn gốc. Phân tích sâu hơn, có thể virus còn lại đến từ rắn.

    Tính đến ngày 29/1, virus corona đã cướp đi sinh mạng của 132 người. Số ca nhiễm lên tới hơn 6.000, vượt qua tổng số ca nhiễm Sars trong đợt dịch năm 2003.

    Theo Zing

  • Macau đã gần như không một bóng người sau khi chính quyền đặc khu hành chính này dùng các biện pháp để hạn chế sự lây lan của virus corona từ Trung Quốc đại lục.

    Đặc khu hành chính Macau trông giống một thành phố ma trong thời điểm đáng lẽ đông khách nhất tại khu sòng bạc lớn nhất thế giới này. Tình trạng này xảy ra sau khi chính quyền đặc khu công bố một loạt các biện pháp hạn chế du khách để ngăn virus corona lây lan, Reuters đưa tin.

    Cuối ngày 28/1, chính quyền Macau thông báo sẽ hạn chế nhập cảnh theo cá nhân từ Trung Quốc đại lục vài ngày sau khi dừng nhận khách đoàn. Từ ngày 24/1, lượng khách đến Macau đã giảm 69%.

    Động thái này diễn ra trong bối cảnh số người chết do virus corona tại Trung Quốc lên tới 132 người với 1.500 trường hợp mắc virus mới vào hôm 29/1. Đã có 7 trường hợp nhiễm virus được phát hiện tại Macau.

    Sòng bạc Grand Lisboa và các tòa nhà khác ở Macau ngày 19/12/2019. Ảnh: Reuters

    Dịch bệnh do virus corona gây ra bùng phát trùng dịp Tết nguyên đán, thời điểm thường có đông khách du lịch đến Macau, khiến các nhà phân tích dự báo doanh thu từ các sòng bài sẽ giảm ít nhất 30% trong thời gian hạn chế nhập cảnh.

    Giá cổ phiếu của các nhà điều hành sòng bạc ở Macau đã giảm mạnh vào ngày 29/1. MGM China Holdings Ltd giảm 6%, Sands China Ltd giảm 5,7%, Wynn Macau Ltd giảm 4,8% và Galaxy Entertainment Group Ltd giảm 4,7%.

    Đặc khu hành chính Macau là nơi duy nhất ở Trung Quốc việc đánh bài là hợp pháp. Hơn 90% du khách ở đây đến từ Trung Quốc đại lục.

    Hôm 28/1, một trong những điểm thu hút khách du lịch nhất Macau - di tích Nhà thờ Thánh Paul - gần như không một bóng người, trong khi các khu phố mua sắm và ăn uống nổi tiếng trở nên vắng tanh vì người dân địa phương cũng ở nhà.

    Sòng bạc vẫn mở cửa mặc dù các nhà điều hành đã đóng cửa các nhà hàng và hủy bỏ tất cả các chương trình biểu diễn. Đặc khu trưởng Macau Hạ Nhất Thành cho biết các sòng bạc có thể bị đóng cửa nếu virus tiếp tục lây lan.

    Chính quyền Macau đã hướng dẫn tất cả khách du lịch từ Hồ Bắc rời khỏi thành phố và còn khoảng 270 du khách vẫn chưa rời đi, các quan chức cho biết.

    Theo Zing

  • Bộ Y tế yêu cầu 11 tỉnh phối hợp ngành y tế điều tra, xử lý ổ dịch trong trường hợp phát hiện ca mắc hoặc nghi ngờ viêm phổi do virus nCoV.

    Các tỉnh gồm Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Kiên Giang. 11 tỉnh thành này phải giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe của khách du lịch, người lao động đến từ các khu vực đang có dịch tại Trung Quốc trong vòng 14 ngày. Nếu phát hiện trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế khám, điều trị và báo cáo đến cơ quan y tế.

    Các tỉnh, thành phố này phải lập danh sách những người bị ốm, những người có tiếp xúc gần trong vòng 2 mét để tổ chức cách ly tạm thời ngay, nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

    Bộ Y tế cũng đề nghị 5 Bộ gồm Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Giao thông Vận tải, Thông tin - Truyền thông, Văn hóa, Thể thao - Du lịch, cùng phòng chống dịch bệnh. Các đơn vị chia sẻ thông tin về họ tên, tuổi, số hộ chiếu, lịch trình đi lại trong vòng 14 ngày gần nhất, số ghế ngồi trên các phương tiện vận tải, địa chỉ nơi cư trú Việt Nam, thông tin liên hệ và số điện thoại nếu có của công dân các nước khi nhập cảnh vào Việt Nam, được phát hiện mắc bệnh/nghi ngờ mắc bệnh viêm phổi Vũ Hán.

    Một bệnh nhân đang điều trị viêm phổi cấp tại Vũ Hán. Ảnh: Scmp.

    Giới chức Trung Quốc hôm nay cho biết số người thiệt mạng do dịch viêm phổi cấp đã tăng lên 106 và số ca bệnh vượt 4.500. Phần lớn bệnh nhân ở tỉnh Hồ Bắc, nơi bùng phát dịch vào tháng trước với vùng khởi phát Vũ Hán.   Ngoài ra, có thêm gần 7.000 ca nghi mắc viêm phổi Vũ Hán đang chờ xác nhận.

    Trong khi đó, Thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng thừa nhận xử lý khủng hoảng chưa tốt, không công bố thông tin kịp thời và sẵn sàng từ chức để xoa dịu dư luận. Tỉnh trưởng Hồ Bắc Vương Hiểu Đông cũng nói rằng ông "rất đau khổ và cảm thấy có lỗi".

    Tính đến ngày 27/1, Việt Nam đã ghi nhận 63 trường hợp sốt và có tiền sử đi về từ vùng dịch ở Trung Quốc. Trong đó 25 trường hợp loại trừ nCoV do nhiễm các tác nhân khác và hiện 38 bệnh nhân tiếp tục cách ly, theo dõi, điều trị.

    Bệnh viện Chợ Rẫy đã xác nhận 2 ca bệnh dương tính với virus nCoV là ông Li Ding, sinh năm 1954 và con trai Li Zichao, sinh năm 1992. Hai cha con người Trung Quốc đã lây bệnh viêm phổi cấp cho nhau, do người cha từ Vũ Hán sang Việt Nam.

    Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, sáng 28/1 cho biết bệnh nhân Li Zichao hiện tỉnh táo, tự thở, ăn uống sinh hoạt bình thường. Phết họng làm xét nghiệm PCR 3 lần đều âm tính với virus nCoV, có thể sắp xuất viện.

    Người bố Li Ding, 66 tuổi hiện tỉnh, ăn ngủ được, thở oxy qua máy, chỉ số SpO2 96%. Bệnh nhân ngưng sốt từ chiều 25/1, chức năng gan thận bình thường. Xét nghiệm PCR ngày 26 và 27/1 vẫn còn dương tính, tiếp tục cách ly điều trị.

    Theo VnExpress

  • Một bác sĩ hàng đầu Trung Quốc, người được xác nhận nhiễm virus Corona, cho biết, virus này có thể lây qua mắt. Vị bác sĩ này đã viện dẫn lý do để bảo vệ nhận định của mình. 

    Bác sĩ Wang Guangfa

    Theo Mirror, bác sĩ Wang Guangfa, chuyên gia về hô hấp đồng thời là nhân vật hàng đầu trong việc giúp Trung Quốc chống lại dịch SARS năm 2003, cho biết ông bị nhiễm virus Corona nhưng hiện tại đang có dấu hiệu hồi phục tích cực.

    Theo vị bác sĩ đang làm việc tại Bệnh viện số 1 Đại học Bắc Kinh, ông bị lây nhiễm do không đeo kính bảo hộ mắt khi tới làm việc tại các phòng khám và khu vực cách ly hồi tháng 12/2019 ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc - nơi được coi là tâm dịch.

    "Thời điểm đó, chúng tôi cảnh giác khá cao khi mặc đồ bảo hộ và đeo mặt nạ N95. Nhưng sau đó, tôi nhận ra mình và mọi người đều không đeo kính bảo vệ mắt", chuyên gia hô hấp cho hay.

    Guangfa cho biết ông có biểu hiện đau mắt trái sau khi trở về Bắc Kinh và khoảng 3 giờ sau bắt đầu sốt nặng. Vị bác sĩ ban đầu nghĩ rằng mình chỉ bị cảm cúm thông thường vì chưa từng chứng kiến bệnh nhân nhiễm virus Corona bị đau mắt trước đó.

    Nhưng sau khi uống thuốc không hiệu quả, Guangfa làm xét nghiệm và kết quả dương tính với virus Corona. Vị bác sĩ tin rằng lý giải hợp lý nhất của việc ông bị lây nhiễm là qua đường mắt.

    Li Lanjuan, chuyên gia tại Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, cho biết toàn bộ nhân viên tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân nhiễm virus Corona đều cần mặc đồ bảo hộ và đeo kính bảo vệ mắt.

    Theo CNN, có hơn 4.500 ca lây nhiễm virus Corona được xác định trên toàn thế giới tính tới ngày 28/1.

    Theo thống kê của CNN tính tới chiều 28/1, có 106 người chết và hơn 4.500 trường hợp lây nhiễm virus Corona chỉ tính riêng tại Trung Quốc. Trên toàn thế giới, số ca lây nhiễm là 4.591 trường hợp.

    Người chết vẫn chưa hết chuyện!

    Các nạn nhân chết do virus Corona vẫn có thể gây ra những hiểm họa tiềm ẩn với người khỏe mạnh, theo các chuyên gia y tế Anh.

    Theo Mirror, cơ quan Y tế công cộng Anh (PHE) đã đưa ra lời khuyên chi tiết cho các bác sĩ và y tá về cách xử lý các trường hợp nghi nhiễm virus Corona.

    Một tài liệu được PHE tổng hợp cảnh báo rằng các bệnh nhân mới nên được đưa vào phòng cách ly và nhân viên y tế tiếp xúc, chăm sóc các bệnh nhân này phải mặc đồ bảo hộ toàn thân, đeo kính che mắt.

    Một cảnh báo khác của PHE bao gồm việc không đặt thi thể người nhiễm virus Corona nằm xuống giường vì những chuyển động trong lúc này sẽ đẩy không khí bị nhiễm loại virus chết người ra khỏi phổi, làm tăng nguy cơ lây nhiễm.

    Các nhân viên y tế Anh được hướng dẫn sử dụng túi đựng thi thể và các trang thiết bị bảo vệ cá nhân.

    "Kiểm soát dịch bệnh phải dựa vào việc đánh giá kịp thời, nhận định rủi ro, kiểm soát và cách ly các trường hợp lây nhiễm hoặc nghi bị lây nhiễm", tài liệu của PHE cho hay. 

    Mới đây, Bộ trưởng Y tế Trung Quốc Ma Xiaowei xác nhận virus Corona có thể lây từ người qua người trước cả khi họ có triệu chứng bệnh.

    Theo tờ SCMP, giới chức Trung Quốc sáng 28/1 xác nhận, số người tử vong mới nhất do virus Corona tại quốc gia này là 106, hơn 4.000 người khác bị lây nhiễm, trong khi vẫn phát hiện nhiều trường hợp lây nhiễm hoặc nghi bị lẫy nhiễm ở ít nhất 15 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

    Tờ Taiwan News hôm 27/1 đưa tin, trong số những người tử vong vì virus Corona có ông Wang Xianliang, 62 tuổi, giám đốc Cục các vấn đề tôn giáo và thiểu số tại Vũ Hán. Ông Wang qua đời hôm 26.1, trở thành quan chức Trung Quốc đầu tiên tử vong do virus Corona.

    Ông trút hơi thở cuối cùng tại một bệnh viện ở Vũ Hán. Thành phố là tâm dịch ở tỉnh Hồ Bắc hiện đã bị phong tỏa toàn diện, người dân được khuyến cáo không nên ra ngoài nếu không cần thiết.

    Theo Dân Việt

  • Chuyên gia Hồng Kông cho biết các nhà khoa học đặc khu này đã phát triển được vắc xin cho bệnh viêm phổi Vũ Hán do vi rút corona mới gây ra nhưng cần thời gian để thử nghiệm.

    Các nhà khoa học ở Hồng Kông nói sẽ mất nhiều thời gian để thử nghiệm vắc xin ngừa vi rút corona mới. Ảnh: Reuters

    Giáo sư Viên Quốc Dũng tại Đại học Hồng Kông ngày 28.1 cho biết nhóm nghiên cứu của ông đã sản xuất được vắc xin ngừa vi rút corona mới nhưng sẽ cần nhiều thời gian để thử nghiệm trên động vật.

    Tờ South China Morning Post dẫn lời vị chuyên gia về bệnh truyền nhiễm này tiết lộ vắc xin được tách ra từ vi rút trong ca nhiễm đầu tiên tại Hồng Kông.

    Giáo sư Viên nói sẽ mất vài tháng để thử nghiệm vắc xin trên động vật và ít nhất 1 năm để thử nghiệm lâm sàng trên người trước khi có thể đưa vào sử dụng.

    Nếu được thử nghiệm thành công, loại vắc xin này sẽ là lời giải cho dịch bệnh hiện lây nhiễm cho hơn 4.500 người tại Trung Quốc đại lục và 106 người thiệt mạng.

    Hình dáng của con vi rút đã khiến 106 người thiệt mạng. Ảnh: Trung tâm Dữ liệu vi trùng học quốc gia Trung Quốc

    Tại Hồng Kông đến nay đã có 8 ca nhiễm vi rút corona mới và hiện có 103 người đang bị cách ly tại các bệnh viện công vì nghi ngờ nhiễm bệnh.

    Trong khi đó, Tân Hoa xã đưa tin bệnh viện Đông Thượng Hải thuộc đại học Đồng Tế (Thượng Hải) đã phê chuẩn một dự án phát triển vắc xin chống vi rút corona mới.

    Vắc xin sẽ do bệnh viện và công ty công nghệ sinh học Stemirna Therapeutics ở Thượng Hải phát triển. Lãnh đạo công ty này tuyên bố mẫu vắc xin sẽ được sản xuất trong không quá 40 ngày và sẽ được thử nghiệm trước khi đưa vào sử dụng sớm nhất có thể.

    Theo Thanh Niên

  • Tom Williams, giáo viên ngoại ngữ người Anh sống tại Vũ Hán, vừa chia sẻ lá thư trên Twitter mong được chính phủ giải cứu khỏi tâm dịch.

    Đài CTV của Canada cho biết người đàn ông cùng người vợ gốc Canada đang mang bầu và con trai hơn 2 tuổi hiện đã sống và làm việc tại Vũ Hán, được 5 năm.

    Theo Williams, mặc dù có đủ thức ăn cho gia đình, anh lo ngại việc đường phố bị chặn sẽ gây khó khăn cho việc sinh đẻ của vợ, đồng thời mong chờ những giải pháp ngoại giao từ chính phủ Anh và Canada để đưa họ khỏi Vũ Hán cũng như khẳng định sẵn sàng ở lại, miễn là có thể “đảm bảo sự an toàn của vợ, con trai và đứa trẻ chưa ra đời”.

    Tom William bên cạnh vợ và con trai. Ảnh: Twitter của nhân vật

    Nguyên văn lá thư:

    Xin chào,

    Tên tôi là Tom Williams. Tôi là giáo viên người Anh (từ Cheltenham, Anh) người đã sống và làm việc tại Vũ Hán, Trung Quốc, được 5 năm cùng người vợ Canada 8 năm, Lauren (từ Langley, B.C.) và con trai, James (2 tuổi rưỡi, sinh tại White Rock, B.C.) Vợ tôi hiện mang thai 35 tuần và chúng tôi bị cách ly tại thành phố này.

    Đường phố đã bị phong tỏa, khiến việc tới bệnh viện sinh đẻ trở nên khó đoán chắc. Bệnh viện sinh đẻ cũng rất gần với khu vực đầu tiên bùng phát virus.

    Chúng tôi hiện an toàn và có đủ thực phẩm. Các cửa hàng địa phương vẫn mở và có đủ dự trữ. Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị chính phủ Canada hoặc Anh xem xét di tản chúng tôi. Lời khuyên từ đường dây hỗ trợ lãnh sự khẩn từ cả Ottawa và London tới nay là chúng tôi nên rời đi nếu có thể… Tuy nhiên, họ vẫn chưa hướng dẫn cụ thể phải làm thế nào. Không có hỗ trợ ngoại giao, việc rời đi sẽ gần như là bất khả thi. Chúng tôi sẵn sàng chịu cách ly khi tới Canada hay Anh để đảm bảo sự an toàn của công dân tại đó, nhưng tôi cũng muốn đảm bảo sự an toàn của chính vợ, con trai tôi và đứa trẻ chưa sinh ra. Nếu phải ở lại tôi cũng sẵn sàng. Gia đình tôi là ưu tiên số một.

    Tôi không viết lá thư này để thử trở nên nổi tiếng. Tôi chỉ muốn chia sẻ câu chuyện của chúng tôi để có cơ hội đưa gia đình rời khỏi thành phố an toàn.

    Xin cảm ơn.

    Lá thư hiện nhận được hơn 1.100 lượt chia sẻ trên Twitter.

    Thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hiện là tâm dịch với hàng nghìn ca mắc bệnh.

    Theo số liệu mới nhất, virus corona đã khiến hơn 80 người tử vong và 2.800 người mắc bệnh. Vũ Hán cùng 13 thành phố lân cận hiện bị cách ly, trong khi Bắc Kinh vừa nâng mức báo động đỏ đối với 23/26 tỉnh thành đối với dịch viêm phổi mới.

    Theo Zing

  • Giới chức y tế Đức xác nhận các trường hợp đầu tiên nhiễm virus corona, khi số người chết vì dịch viêm phổi cấp tăng lên.

    Một người đàn ông ở thị trấn Starnberg, bang Bavaria, đông nam Đức, đã bị nhiễm loại virus mới thuộc chủng corona (nCoV), phát ngôn viên cơ quan y tế bang cho biết hôm nay, thêm rằng bệnh nhân đang được giám sát tại một phòng cách ly. Giới chức không cung cấp chi tiết về việc người này bị nhiễm bệnh như thế nào nhưng cho hay anh ta đang ở trong "tình trạng sức khoẻ tốt".

    Đức đã khuyến cáo công dân tránh những chuyến đi "không cần thiết" tới Trung Quốc để tránh lây lan virus. Nước này cũng đang cân nhắc kế hoạch sơ tán công dân khỏi thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, nguồn bùng phát dịch bệnh từ tháng trước.

    Các bác sĩ điều trị cho một bệnh nhân viêm phổi cấp tại Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: Chine Nouvelle/SIPA

    Hôm 27/1, giới chức y tế tỉnh Ontario, Canada xác nhận trường hợp nhiễm virus nCoV đầu tiên tại nước này là một người đàn ông trong độ tuổi 50, từ Vũ Hán đến Toronto hôm 22/1 và đang bị cách ly tại một bệnh viện. Vợ của người đàn ông này cũng được tin là nhiễm virus và đang bị cách ly.

    David Williams, giám đốc y tế tỉnh Ontario, cho hay có 19 người đang được theo dõi nhưng xác định nguy cơ lây nhiễm virus nCoV với người dân địa phương ở mức "thấp". Giới chức đang liên hệ với những người ngồi gần bệnh nhân trên trong chuyến bay của China Southern Airlines và thêm rằng những người ngồi cách ông từ hai mét trở lên không cần phải lo lắng.

    Bộ Ngoại giao Canada đã phát cảnh báo khuyến cáo công dân "tránh tất cả hoạt động đi lại" đến tỉnh Hồ Bắc.

    Sri Lanka cũng vừa xác nhận ca nhiễm virus corona đầu tiên, theo mạng lưới truyền hình Trung Quốc CGTN. Bệnh nhân là một du khách Trung Quốc đến quốc gia Nam Á này hôm 19/1 nhưng đến 25/1 mới phát bệnh.

    Nhiều quốc gia gồm Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Mỹ và Nhật Bản đang lên kế hoạch đưa công dân rời khỏi Vũ Hán. Mỹ đã nâng mức cảnh báo lên cấp độ 3, khuyến cáo công dân tránh những chuyến đi không cần thiết tới Trung Quốc và không đến Hồ Bắc. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chuyến bay sơ tán các công dân khỏi Vũ Hán sẽ khởi hành vào ngày 29/1 thay vì hôm nay như dự kiến ban đầu.

    Theo Uỷ ban Y tế tỉnh Hồ Bắc, số người thiệt mạng do dịch viêm phổi cấp tại Trung Quốc đã tăng lên 106 và gần 1.300 ca nhiễm bệnh mới được xác nhận, nâng tổng số ca trên cả nước lên hơn 4.000.

    Theo VnExpress

  • Ba trường hợp ghi nhận nhiễm bệnh viêm phổi cấp do chủng virus corona mới phát sinh tại Pháp (tức đầu tiên ở châu Âu) đều là người Trung Quốc, là người dân ở Vũ Hán hoặc từng có thời gian ghé qua Vũ Hán.

    Người dân ở sân bay Trung Quốc - Ảnh: AFP

    Từ hôm nay (26-1), theo đài France Info, Pháp bắt đầu thiết lập đội ngũ y tế phòng dịch ở sân bay quốc tế Roissy-Charles de Gaulle tập trung cho các chuyến bay trực tiếp đến từ Trung Quốc.

    Đây là những phản ứng khẩn cấp đầu tiên của bộ Y tế Pháp kể từ khi xác nhận 3 trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên ở nước này vào tối 24-1.

    Ba trường hợp này đều ở Trung Quốc, trong đó 1 nhập viện tại Bordeaux và 2 tại thủ đô Paris, và họ đang được điều trị theo chế độ cách ly.

    Theo lời nữ bộ trưởng Y tế Pháp Agnès Buzyn, bệnh nhân tại Bordeaux "48 tuổi, trở lại Pháp (nơi ông đang làm việc), từ Trung Quốc và ông từng có thời gian ghé qua thành phố Vũ Hán (hiện được xem là ổ dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng virus corona mới phát sinh). Ông ta vào viện khám vào ngày 23-1 sau khi thấy có các dấu hiệu bệnh".

    Sau khi có thông báo về trường hợp nhiễm bệnh tại Bordeaux, chính quyền đã hủy các chương trình lễ tết Nguyên đán của cộng đồng người châu Á và đã thông báo yêu cầu theo dõi cho 10-15 cá nhân có khả năng đã tiếp xúc trước bệnh nhân tại địa phương này.

    Bệnh nhân này đã có chuyến bay nội địa từ Paris về Bordeaux (nơi ông làm việc trong nghề làm rượu vang) trên chuyến bay của hãng Air France. Theo báo Le Parisien, hãng bay đã lên kế hoạch thông báo thông tin cho các hành khách trên cùng chuyến bay đó.

    Bệnh viện Pellegrin ở Bordeaux (Pháp) - nơi đang điều trị cách ly cho bệnh nhân người Trung Quốc từng có thời gian ghé qua TP Vũ Hán - Ảnh: AFP

    Hai người nhiễm bệnh đang nhập viện tại Paris là một cặp đôi độ tuổi 30 người Vũ Hán đến Paris du lịch từ ngày 18-1.

    Theo bác sĩ Yazdan Yazdanpanah, trưởng Khoa bệnh truyền nhiễm BV Bichat (quận 18, Paris), 2 người ta "không có dấu hiệu bệnh" khi nhập cảnh vào Pháp và hiện sức khỏe đã tốt hơn.

    Trong ngày 25-1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo nước này đối mặt với "tình huống nghiêm trọng", trong bối cảnh nhà chức trách đang khẩn trương ngăn chặn dịch bệnh hô hấp này lan rộng, vốn khiến nhiều hoạt động đón Tết Nguyên đán trên cả nước phải hủy bỏ cũng như làm các cơ sở y tế ở Hồ Bắc bị quá tải.

    Hiện Vũ Hán và hàng chục thành phố khác tại Hồ Bắc đã được đặt trong tình trạng bị phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. 

    Hàng trăm bác sĩ quân y cũng được triển khai đến Hồ Bắc, trong khi nhà chức trách gấp rút xây dựng 2 bệnh viện dã chiến để ứng phó với tình hình do các cơ sở y tế địa phương đã rơi vào tình trạng quá tải.

    Số người thiệt mạng bởi dịch viêm phổi do virus corona được xác nhận tại Trung Quốc đã tăng lên con số 54, sau khi nhà chức trách tỉnh Hồ Bắc xác nhận, vào ngày 25-1, đã có thêm 13 trường hợp tử vong và 323 ca nhiễm mới.

    Dựa trên con số thống kê chính thức trước đó, những ca lây nhiễm mới tại Hồ Bắc đã nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận trên cả nước Trung Quốc lên 1.610.

    Theo Ủy ban Y tế Hồ Bắc, hiện tâm dịch vẫn ở thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, với 7 ca tử vong và 46 trường hợp nhiễm mới.

    Theo Tuổi Trẻ

  • Những người ngoại quốc ở tâm dịch viêm phổi Vũ Hán cho biết đang phải chôn chân tại nhà, dần cạn sạch thực phẩm và mong từng ngày được trở về nước.

    Chính quyền Trung Quốc đã cấm mọi hoạt động di chuyển đến và đi khỏi tỉnh Hồ Bắc cũng như thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh, nơi ca mắc bệnh viêm phổi cấp do chủng virus Corona mới (nCoV) đầu tiên được phát hiện, trước khi nó lan rộng ra khắp Trung Quốc và nhiều quốc gia khác.

    Một số thành phố lớn của Trung Quốc cũng đã ban hành lệnh hạn chế đi lại nhằm kiềm chế dịch bệnh. Dịch viêm phổi cấp đến nay khiến 80 người thiệt mạng và gần 2.000 người bị nhiễm.

    Một hành khách đi qua tấm bảng thông báo tình trạng chuyến bay tại sân bay Bắc Kinh ngày 23/1. Ảnh: AP

    "Tuần qua, tôi không thể ra ngoài và mua bất cứ thứ gì để ăn", Mashal Jamalzai, sinh viên khoa học chính trị từ Afghanistan đang học tại Đại học Sư phạm Hoa Trung ở Vũ Hán, cho hay.

    Jamalzai và các bạn học phải sống nhờ bách bích quy và Đại sứ quán Afghanistan tại Trung Quốc chưa phản hồi yêu cầu giúp đỡ của anh. "Chúng tôi muốn được sơ tán càng sớm càng tốt bởi nếu không phải virus thì cơn đói và nỗi sợ cũng sẽ giết chết chúng tôi", Jamalzai nói.

    Hàng nghìn sinh viên nước ngoài và người ngoại quốc đang sống ở Vũ Hán, một trung tâm giao thương nhộn nhịp ở miền trung Trung Quốc, nơi có ngành công nghiệp thép và ôtô phát triển. Nhưng trong bối cảnh Vũ Hán đang rơi vào tình trạng "nội bất xuất, ngoại bất nhập", trường học và các cơ quan nhà nước đều đóng cửa, sinh viên Siti Mawaddah từ Đại học Hồ Bắc mô tả thành phố giờ đây "không khác gì một thị trấn ma".

    "Tình hình ở Vũ Hán hiện tại rất căng thẳng và đáng lo ngại", Mawaddah, 25 tuổi, đến từ Indonesia, chia sẻ, nói thêm rằng dịch bệnh gây ảnh hưởng rất nhiều tới tâm lý của cô và các bạn cùng lớp. "Nếu còn lưu lại Vũ Hán, nó như thể là chúng tôi đang chờ đến lượt mình nhiễm bệnh", cô cho hay.

    Mawaddah đã nghe tin về việc Washington lên kế hoạch sơ tán nhân viên lãnh sự quán và một số công dân Mỹ sống trong thành phố. Cô hy vọng chính phủ Indonesia cũng có động thái tương tự.

    Bộ Ngoại giao Mỹ đang cử một máy bay tới Vũ Hán để đón các nhân viên lãnh sự quán đưa họ về San Francisco, song cảnh báo chuyến bay không đủ chỗ cho khoảng 1.000 công dân Mỹ đang sống tại thành phố.

    Diana Adama, giáo viên Mỹ sống ở Vũ Hán, cho biết cô thấy thất vọng vì tình trạng thiếu thông tin liên quan tới dịch bệnh nhưng khẳng định sẽ không rời khỏi thành phố trên chuyến bay của chính phủ nếu điều này khiến cô mang virus về nước. "Tôi sẽ không gây nguy hiểm cho bất kỳ ai", cô nhấn mạnh.

    Pháp cũng đang lên kế hoạch sơ tán công dân bị mắc kẹt ở Hồ Bắc bằng xe buýt. Nhà sản xuất ôtô Pháp PSA thông báo đang xây dựng phương án sơ tán nhân viên công ty cùng người thân tới cách ly ở một tỉnh lân cận.

    Sri Lanka trong khi đó có kế hoạch đưa 150 sinh viên từ Trung Quốc về nước trong hai ngày tới.

    Trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường hạn chế đi lại trên cả nước, bao gồm cả Bắc Kinh và Thương Hải, các quốc gia nước ngoài đã khuyến cáo công dân tránh xa khỏi Vũ Hán.

    Theo VnExpress

  • Năm triệu người đã kịp rời thành phố Vũ Hán để "chạy trốn" lệnh phong tỏa hoặc đi nghỉ dịp Tết Nguyên đán, trong khi 9 triệu người còn ở lại thành phố.

    Theo South China Morning Post, Thị trưởng Vũ Hán Zhou Xianwang ngày 26/1 cho biết 5 triệu người đã rời Vũ Hán trước khi lệnh phong tỏa được đưa ra. Còn 9 triệu người ở lại thành phố, ông Zhou nói trong một cuộc họp báo.

    Trong số 2.700 người đang được theo dõi tại thành phố, có 1.000 người gần như chắc chắn sẽ được xác nhận có nhiễm virus. Tính đến ngày 26/1, Vũ Hán có 533 trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh.

    Nhà ga Hankou tại Vũ Hán hôm 22/1, một ngày trước lệnh cấm phương tiện công cộng tại thành phố vì bệnh viêm phổi do virus corona. Ảnh: AP

    Chính quyền trung ương đang ban bố lệnh phong tỏa tại Vũ Hán và một số thành phố thuộc tỉnh Hồ Bắc từ ngày 23/1, hy vọng ngăn chặn bớt sự lây lan của loại virus corona mới. Tuy nhiên, trước lúc đó, nhiều người đã kịp rời thành phố để về nghỉ Tết Nguyên đán, trong khi một số khác tháo chạy khi lệnh cấm đi lại được thông báo vào tối 22/1.

    Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ dẫn đầu một nhóm quan chức cấp cao để đối phó với dịch bệnh này. Bệnh do virus corona gây ra đã giết chết 56 người, tất cả tại Trung Quốc, và gây nhiễm cho hơn 2.000 người khác.

    Trong ngày 26/1, các quan chức y tế cho biết khả năng lây lan của loại virus mới này đang mạnh hơn, và có thể lây ngay cả trong thời gian ủ bệnh, điều không xảy ra với dịch Sars.

    17 lưu học sinh Việt Nam và người nhà tại Vũ Hán đều an toàn

    Bộ Ngoại giao cho biết toàn bộ lưu học sinh Việt Nam tại Vũ Hán đều ở trong tình trạng sức khỏe tốt, chưa ghi nhận trường hợp lưu học sinh nào nhiễm virus corona.

    Theo tin từ Bộ Ngoại giao, liên quan đến dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona, ngày 26/1, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc thông tin 17 lưu học sinh Việt Nam và người nhà đang ở Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) đều trong tình trạng sức khỏe và tâm lý ổn định.

    Đại sứ quán cũng đã hướng dẫn các biện pháp xử lý ứng phó với dịch bệnh, đồng thời liên hệ với cơ quan chức năng sở tại để gia hạn visa trong trường hợp quá hạn với 1 công dân Việt Nam, đi du lịch bị mắc kẹt tại Hồ Bắc.

    Hiện nay, Đại sứ quán chưa ghi nhận trường hợp lưu học sinh Việt Nam nào bị lây nhiễm bệnh.

    Hành khách đến từ Vũ Hán đang được kiểm tra thân nhiệt tại sân bay ở Bắc Kinh hôm 22/1. Ảnh: AP.

    Bộ Ngoại giao chỉ đạo các Cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục theo dõi sát tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona, thường xuyên cập nhật tin tức, trực đường dây nóng để hỗ trợ công dân Việt Nam trong trường hợp cần thiết.

    Để nhận được sự hỗ trợ trong trường hợp cần trợ giúp, đề nghị công dân liên hệ theo số đường dây nóng Bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc: +8613120363638; Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải: +8613661537498; Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Côn Minh: 0086 13099948529; Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh: +8618587897059; Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu: +8613247675268; Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong: +85225914510 hoặc số điện thoại của Tổng đài Bảo hộ công dân: +84981 84 8484.

    Theo Zing

  • Nhà chức trách Anh đang cố gắng tìm kiếm khoảng 2.000 người mới đây bay từ Vũ Hán, tâm điểm dịch viêm phổi cấp do virus Corona, tới nước này.

    Cơ quan y tế đã phối hợp với lực lượng kiểm soát biên giới và các hãng hàng không nhằm "tìm kiếm nhiều người nhất có thể". Họ là những người từ Trung Quốc đến Anh trong vòng nửa tháng qua.

    Giáo sư Chris Whitty, giám đốc chuyên môn y tế Anh, cho biết có 14 người đã được kiểm tra và xác nhận không nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán song vẫn còn nhiều người nữa đang chờ xét nghiệm. Ông cho rằng "có khả năng" các trường hợp mắc bệnh sẽ xuất hiện ở Anh.

    Kiểm tra thân nhiệt tại sân bay quốc tế Vũ Hán - Vũ Hà. Ảnh: AP

    Một trung tâm y tế công cộng vừa được thiết lập tại sân bay Heathrow để hỗ trợ hành khách đến Anh nhưng nhà chức trách chưa có kế hoạch tiến hành công tác sàng lọc tại chỗ.

    Pháp xác nhận đã có ba trường hợp nhiễm bệnh, tất cả đều vừa từ Trung Quốc trở về. Mỹ hiện có hai trường hợp và Australia có một.

    Dịch viêm phổi do virus Corona (nCoV) xuất hiện lần đầu ở thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc. Nguồn cơn của chủng virus mới được cho là từ động vật hoang dã trong chợ hải sản. Dịch đến nay khiến 41 người thiệt mạng và 1.300  người bị nhiễm bệnh trên khắp Trung Quốc.

    Trung Quốc đã đóng cửa một phần Vạn Lý Trường Thành cùng các địa danh nổi tiếng khác ở Bắc Kinh và nhiều thành phố để kiểm soát dịch bệnh. Một loạt các lễ hội mừng Tết Nguyên đán cũng bị hủy bỏ. 13 thành phố tại tỉnh Hồ Bắc áp lệnh cấm đi lại nhằm ngăn nguy cơ lây lan, khiến khoảng 41 triệu người bị ảnh hưởng.

    Một số nhà thuốc tại Vũ Hán đang bắt đầu cạn kho thiết bị y tế, trong khi nhiều cư dân đổ tới các bệnh viện vì lo lắng. Thành phố đang gấp rút xây bệnh viện mới với 1.000 giường, dự kiến bắt đầu hoạt động từ ngày 27/1.

    Theo VnExpress

  • Mới đây, một thầy giáo bộ môn mỹ thuật đã trải qua 72 giờ đồng hồ trong phòng cách ly vì bị chẩn đoán nhiễm virus corona gây ra bệnh viêm phổi cấp.

     

    Michael Hope, 45 tuổi, vừa trở về thành phố Newscastle, Anh, từ Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Vừa đáp máy bay, anh cảm thấy không khỏe nhưng chỉ đơn giản nghĩ rằng mình bị jetlag. Thế nhưng, sau khi biết Michael vừa trở về từ Vũ Hán, nơi làm bùng phát dịch viêm phổi gây ra bởi virus coron, bác sĩ bệnh viện Royal Victoria đã yêu cầu anh nhập viện và đưa vào phòng cách ly.

    Tiếp đến, Michael trải qua hàng loạt những cuộc kiểm tra sức khỏe bởi các bác sĩ mặc đồ bảo hộ kín mít như phi hành gia. Sau đó, anh bị chẩn đoán đã bị cúm và cần nằm viện để theo dõi xem có chuyển sang viêm phổi cấp hay không.

    "Tôi cảm giác như mình là người ngoài hành tinh. Điều này thực sự quá sức tưởng tượng" - Michael chia sẻ.

     
    Thầy giáo Michael Hope. Ảnh: PA

    Michael kể rằng trong suốt thời gian bị cách ly, các y tá mỗi khi muốn đi vào đưa cho anh bữa sáng, dù chỉ là một quả chuối, đều phải cẩn thận mặc đồ bảo hộ. Giáo viên mỹ thuật miêu tả các y bác sĩ trông hệt như các phi hành gia. Anh vô cùng ấn tượng với thái độ làm việc chuyên nghiệp và nhanh chóng của họ.

    "Họ đi vào một cửa rồi rời đi qua một cánh cửa khác. Sau khi trở ra, họ vứt bỏ bộ đồ bảo hộ mặc trên người" - Michael nói.

    Michael cho biết quy trình chăm sóc bệnh nhân được bệnh viện tiến hành một cách bài bản. Anh hiểu rằng đây không phải là lợi ích của riêng mình mà còn là để bảo vệ sức khỏe của cả cộng đồng. Sau 72 giờ, Michael cuối cùng cũng được xuất viện.

    Nói về những đồng nghiệp người Trung Quốc của mình, Michael cảm thấy tiếc vì họ không có được một mùa Tết trọn vẹn và thừa nhận bản thân đã rất may mắn khi đã rời khỏi Vũ Hán. 

     
    Bệnh nhân được điều trị tại Vũ Hán. Ảnh: Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán/Reuters

    Hiện tại, dịch viêm phổi cấp đã ảnh hưởng đến 1.300 người trên thế giới và gây ra cái chết của 41 người. Pháp và Úc là 2 quốc gia mới nhất phát hiện bệnh nhân mắc bệnh cho virus corona gây ra.

    Helino/Theo Metro

  • 4 chuyến bay từ Anh, Pháp, Đức về Việt Nam lần lượt hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất và Vân Đồn sáng nay được kiểm soát y tế nghiêm ngặt.

    180 hành khách trên 4 chuyến bay do Vietnam Airlines vận chuyển về chủ yếu là công dân Việt Nam.

    Hành khách phải đeo khẩu trang suốt chuyến bay.

    Có 3 chuyến hạ cánh tại sân bay Vân Đồn là: VN54 từ London hạ cánh lúc 5h20, chuyến bay VN18 từ Paris hạ cánh lúc 6h08 và chuyến bay VN36 từ Frankfurt hạ cánh lúc 6h22.

    Chuyến bay còn lại mang số hiệu VN10 từ Paris về Tân Sơn Nhất chỉ có 21 hành khách người Việt Nam. 

    3 chuyến bay hạ cánh tại sân bay Vân Đồn sáng nay. Sau khi hạ cánh, hành khách được đưa đi cách ly tập trung trong vòng 14 ngày theo quy định của Bộ Y tế.

    Tất cả chuyến bay đều được thực hiện theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất để đảm bảo an toàn cho hành khách, người lao động và hạn chế nguy cơ lây lan dịch tới cộng đồng.

    Tại sân bay Vân Đồn, sau khi máy bay hạ cánh, hành khách làm thủ tục nhập cảnh và kiểm tra hải quan tại khu vực phía ngoài nhà ga, đảm bảo không ảnh hưởng tới hoạt động chung của sân bay.

    Ngay khi xuống máy bay, hành khách phải khai báo y tế bắt buộc. Trung tâm kiểm dịch y tế và các đơn vị liên quan đã tiến hành kiểm tra sàng lọc để phát hiện các trường hợp nghi ngờ qua máy đo thân nhiệt từ xa; phun khử trùng hành lý xách tay của hành khách.

    Tất cả nhân sự tại sân bay Vân Đồn tiếp xúc trực tiếp với hành khách đều được trang bị đồ bảo hộ y tế tránh nguy cơ lây nhiễm virus corona. 

    Sau đó, toàn bộ khu vực làm thủ tục, luồng di chuyển của hành khách và các thiết bị tại sân bay được phun xịt khử trùng.

    Toàn bộ phi hành đoàn trên các chuyến bay này đều được đo thân nhiệt trước khi lên máy bay, được trang bị đồ y tế đặc chủng ngay từ khi ở Việt Nam, gồm quần áo bảo hộ, găng tay, kính chắn, khẩu trang, khăn y tế tẩm cồn và dung dịch sát khuẩn.
    Kiểm tra thân nhiệt phi hành đoàn trước khi lên máy bay.
    Các tiếp viên mặc quần áo bảo hộ y tế phục vụ hành khách trên chuyến bay.

    Máy  bay sau khi hạ cánh cũng được khử trùng toàn bộ khu vực của phi hành đoàn, khoang hành khách và hầm hàng hóa.

    Trên cơ sở rà soát yêu cầu, nguyện vọng và làm việc với các cơ quan chức năng, Vietnam Airlines đang duy trì tối thiểu các chuyến bay giữa Việt Nam và các nước Anh, Pháp, Đức để phục vụ nhu cầu về nước của công dân Việt Nam, với điều kiện hành khách phải đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về sức khỏe cũng như xuất, nhập cảnh.

    Theo Vietnamnet

  • Thủ tướng Boris Johnson tin rằng việc xét nghiệm hàng loạt và giãn cách xã hội có thể giúp Anh "đảo ngược tình thế" trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

    Thủ tướng Johnson cho rằng các biện pháp như xét nghiệm hàng loạt và "giãn cách xã hội" có thể giúp nước Anh bình thường trở lại vào mùa hè này.

    Nhìn vào tất cả, tôi nghĩ rằng chúng ta có thể đảo ngược tình thế trong 12 tuần tới và tôi hoàn toàn có thể khiến virus "cuốn gói" khỏi đất nước này. Tuy nhiên, tất cả chỉ đạt được khi chúng ta thực hiện tốt các biện pháp đã được vạch ra. Đó là điều sống còn”, ông Johnson cho biết.

    Thủ tướng Anh cũng nhấn mạnh, các biện pháp cứng rắn hơn như đóng cửa các thành phố có thể được xem xét thực hiện.

    Thủ tướng Anh Boris Johnson. (Ảnh: Independent)

    Thủ tướng Anh đưa ra các đánh giá dựa trên những phương pháp điều trị đang được thử nghiệm đối với virus.

    Ông Johnson tiếp tục phủ nhận các tin tức xung quanh việc áp đặt các lệnh hạn chế ở London như đóng cửa quán rượu, hạn chế di chuyển, song nhấn mạnh yêu cầu thực hiện nghiêm quy tắc "giãn cách xã hội".

    Về các biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng Anh cho biết: “Chúng tôi sẽ sát cánh cùng các doanh nghiệp và hy vọng doanh nghiệp sẽ đồng hành cùng người lao động”.

    Theo dữ liệu của Johns Hopkins và Trung tâm Khoa học kỹ thuật, tính đến tối 19/3, tại Anh đã có 3.269 trường hợp dương tính với virus và 144 người tử vong, 65 người đã phục hồi.

    Phát biểu bên cạnh Thủ tướng Johnson, giáo sư Chris Whitty, cố vấn y tế trưởng của Chính phủ Anh, cảnh báo về việc sẽ có độ “trễ” nhất định trước khi các nỗ lực tổng thể hiện tại bắt đầu phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh.

    Ông cũng thừa nhận lo lắng của đội ngũ nhân viên Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) về sự thiếu hụt các trang thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) trong bối cảnh đây là tình trạng đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Chính phủ Anh được cho là đang đàm phán về việc mua “hàng trăm nghìn” bộ kit xét nghiệm virus trong thời gian sớm nhất có thể.

    Theo VTC