• Cụ bà họ Lu, 96 tuổi, hồi phục sau ba ngày được điều trị trong khoa đặc biệt của bệnh viện Hàng Châu vì nhiễm virus corona.

    Bà Lu được coi là bệnh nhân cao tuổi nhất hồi phục sau khi nhiễm virus corona ở Trung Quốc. Bà nhiều hơn 4 tuổi so với người nắm kỷ lục này trước đó, một bệnh nhân 92 tuổi hồi phục vào tuần trước.

    Bà Lu được chuyển từ bệnh viện địa phương ở quê nhà Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang tới bệnh viện thứ nhất đại học Chiết Giang ở thủ phủ Hàng Châu hôm 10/2. Bà được đưa vào khoa chăm sóc đặc biệt do tuổi đã cao kèm các triệu chứng nghiêm trọng.

    Sức khoẻ của bà được cải thiện sau khi các bác sĩ tại bệnh viện đại học Chiết Giang áp dụng một loạt biện pháp điều trị virus. Bà xuất viện chiều 13/2 sau hai lần xét nghiệm âm tính với virus và kết quả chụp CT phổi khả quan, bệnh viện cho biết trong một thông cáo trên mạng xã hội hôm qua. Bà sẽ được đưa về bệnh viện Ninh Ba để tiếp tục điều trị.

    Bà Lu rời khỏi bệnh viện thứ nhất đại học Chiết Giang ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang chiều 13/2. Ảnh: CCTV Weibo

    Một video do báo địa phương Zhejiang News đăng cho thấy bà Lu ngồi trên xe lăn được các nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ của bệnh viện Hàng Châu đưa lên xe cứu thương để trở về quê nhà.

    Bác sĩ Sheng Jifang, chủ nhiệm Khoa Bệnh truyền nhiễm, cho biết bà nhiễm nCoV từ một cô con gái. Cô này bị nhiễm virus trong một cuộc gặp mặt bạn bè rồi về nhà lây cho mẹ. Hiện hai con gái của bà đang được cách ly điều trị tại các bệnh viện ở Ninh Ba.

    Ông Liang Tingbo, bí thư đảng ủy của bệnh viện, cho hay việc điều trị cho những bệnh nhân cao tuổi như bà Lu gặp nhiều khó khăn vì họ thường có sẵn bệnh nền như áp huyết cao, bệnh tim. Một nhóm y bác sĩ đã nỗ lực chạy chữa cho bà Lu để tình trạng của bà không xấu đi trong vòng 48 giờ đầu. Bà bị huyết áp cao nhưng rất lạc quan suốt thời gian điều trị và hồi phục rất nhanh, ông cho biết thêm.

    Tuần trước, một cụ ông 92 tuổi mắc Covid-19 đã hồi phục sức khoẻ và rời bệnh viện Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc. Khi đó, ông là người cao tuổi nhất ở Trung Quốc khỏi bệnh sau hai tuần điều trị.

    Khởi phát từ thành phố Vũ Hán, dịch Covid-19 lan rộng 31 tỉnh thành của Trung Quốc và xuất hiện ở 27 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến hơn 67.000 người lây nhiễm và hơn 1.500 người tử vong trên toàn cầu, trong đó có một cụ bà hơn 80 tuổi ở Nhật Bản.

    Theo VnExpress

  • 8 máy bay ở phi trường Heathrow đã bị cầm chân trên đường băng vào sáng ngày 14/2 sau khi hành khách phàn nàn về các triệu chứng giống như nhiễm virus corona. 

    Các hành khách trên một máy bay của hãng United Airlines từ San Francisco được yêu cầu ở nguyên vị trí sau khi máy bay hạ cánh, vì ai đó trên tàu có thể đã bị lây nhiễm căn bệnh viêm phổi chết người này.

    Cơ trưởng thông báo rằng hành khách có thể phải ở lại trên đường băng một thời gian sau khi 7 máy bay khác cũng nhận được yêu cầu tương tự. 

    Một máy bay của hãng British Airways từ Kuala Lumpur đã bị cầm chân suốt 2 tiếng sau khi phi hành đoàn lo ngại rằng một gia đình 8 người Malaysia có thể đã nhiễm virus corona.

    Andy West, một hành khách đến từ Henley-on-Thames, cho biết tâm trí ông hoãn loạn khi nhận được thông báo.

    Tuy nhiên, giới chức sân bay thì lại nói rằng chỉ có một người bị tình nghi nhiễm bệnh.

    Hiện tại, cơ quan y tế Public Health England và giới chức sân bay Heathrow vẫn không cung cấp bất kỳ thông tin nào về vụ việc này, nhưng United Airlines đã xác nhận có một người ''không khỏe'' trên chuyến bay 901 từ San Francisco.

    Hành khách được yêu cầu ký vào một bảng cam kết trước khi những nhân viên mặc đồ bảo hộ lên khử trùng máy bay. 

    Một hành khách được đưa tới cuối con tàu để chờ nhân viên y tế tới kiểm tra. Phi hành đoàn không hề đeo khẩu trang hay mặc đồ bảo hộ khi tiếp xúc với vị hành khách này. Nửa tiếng sau, những người còn lại được rời khỏi máy bay.  

    Một người được đưa xuống phía sau đuôi máy bay. Ảnh: Any West/Hotwire PR

    Hiện ở Mỹ đã có 15 người nhiễm virus corona, chưa có trường hợp nào được ghi nhận ở San Francisco nhưng 6 người đã được chẩn đoán nhiễm bệnh ở California, 2 người ở San Jose.

    Hiện 9 người ở Anh đã được kiểm tra dương tính với virus corona. Nỗi lo sợ càng gia tăng ở London sau khi một người quốc tịch Trung Quốc đã lên một chiếc xe Uber đến một bệnh viện ở Lewisham và được chẩn đoán mắc bệnh. Một bệnh nhân khác nằm trong số 250 đại biểu tham gia hội nghị UK Bus Summit ở trung tâm QEII tại Westminster hôm 6/2. 

    Những người tham gia hội nghị này toàn nhân vật tầm cỡ của đất nước, bao gồm bộ trưởng xe buýt khu vực Norbiton, bà Charlotte Vere. Nghị sĩ đảng Lao Động khu vực Tây Bắc Leeds, ông Alex Sobel, cũng tham gia hội nghị này và cho biết ông sẽ đi kiểm tra xem mình có nhiễm virus không. 

    Một nhân viên của kênh Channel 4 cũng đã vào viện kiểm tra sức khỏe sau một chuyến đi tới châu Á. 

    Viethome (theo Metro)

  • Một người đàn ông Ấn Độ có ba con đã tự kết liễu đời mình sau khi cho rằng ông đã nhiễm virus corona và sẽ lây nhiễm cho gia đình.

    K. Bala Krishna - sống trong ngôi làng nhỏ ở quận Chittoor của Andhra Pradesh - được các bác sĩ cho biết ông đã nhiễm một loại virus chưa xác định sau khi ngã bệnh.

    Tuy nhiên, người đàn ông 50 tuổi này cho rằng ông đã nhiễm virus corona, hiện được gọi là Covid-19, sau khi xem các video trực tuyến.

    Các clip đáng báo động đã được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội về các nạn nhân Trung Quốc gục ngã ở nơi công cộng và bị đưa vào các cơ sở y tế của chính phủ.

    Hình cận cảnh đầu tiên về coronavirus do Trung Quốc công bố. Ảnh: Reuters

    Sự lo lắng của ông tăng lên vào tuần trước, khi ba trường hợp được xác nhận ở Kerala. Chính quyền đã tuyên bố "tình trạng khẩn cấp" khi tiết lộ hơn 3.000 công dân đã bị cách ly sau khi xuất hiện các triệu chứng.

    Gia đình ông Bala Krishna đã cố gắng khuyên nhủ ông với lập luận rằng ông chưa tiếp xúc với ai bị nhiễm virus.

    Tuy nhiên, ông đã tự cách ly và ném đá vào gia đình và bạn bè khi họ đến gần. Theo Times of India, ông đã lẻn khỏi nhà sáng 10/2 và tự kết liễu đời mình.

    Theo Telegraph, đây được cho là cái chết đầu tiên do tự tử trên thế giới liên quan đến sự bùng phát của virus corona.

    Người đàn ông từ quận Chittoor ở Andhra đã tự tử sau khi nghi ngờ mình bị nhiễm virus corona. Ảnh: Indiaglitz

    "Cha tôi đã liên tục xem các video liên quan đến virus corona cả ngày, khăng khăng rằng ông có các triệu chứng tương tự và ông đã nhiễm loại virus chết người này. Ông nói với chúng tôi rằng ông sợ virus chết người có thể lây lan và những người khác cũng có thể bị nhiễm nếu họ đến gần ông", con trai nạn nhân nói với Times of India.

    Hôm 11/2, công dân Ấn Độ thứ tư được xác nhận nhiễm virus khi sống ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Ba trường hợp trước đó ở Kerala là những sinh viên trở về từ Vũ Hán, thành phố Trung Quốc nơi dịch bệnh khởi phát.

    Theo Zing

  • Virus Corona đã xuất hiện ở London, làm dấy lên lo ngại rằng căn bệnh chết người có thể lây lan nhanh chóng trên hệ thống tàu điện.

    Trong khi các chuyên gia khuyên người dân thủ đô nên giữ nguyên nếp sống như thường lệ, tình hình dịch bệnh chắc chắn sẽ gây một số lo ngại trên những chuyến tàu giờ cao điểm chật chội, trong đó hành khách buộc phải tiếp xúc khoảng cách rất gần với những người hoàn toàn xa lạ.

    Trong thực tế, câu hỏi nhiều người London thắc mắc có lẽ là: làm thế nào để tôi tự bảo vệ mình khi đi tàu điện?

    Mặc dù không có lời khuyên cụ thể cho hệ thống tàu điện, Tổ chức Y tế Thế giới và NHS đã đưa ra các hướng dẫn đáng tin cậy để phòng tránh căn bệnh đã khiến 1.380 người thiệt mạng và hơn 63.000 người mắc phải.

    Làm thế nào tôi có thể tự bảo vệ mình trên tàu điện?

    Hiện tại không có vắc-xin cho virus Corona và NHS khuyên mọi người tránh tiếp xúc gần gũi với những người không khỏe.

    Điều này thật khó khăn khi các triệu chứng thường không xuất hiện trong vòng hai đến 14 ngày sau khi một người nào đó nhiễm virus, với một số trường hợp tại Trung Quốc được báo cáo là không xuất hiện triệu chứng sau 24 ngày.

    Tuy nhiên, dịch vụ y tế công cộng cho biết có những nguyên tắc cơ bản mà tất cả hành khách nên tuân thủ để giảm khả năng bị nhiễm bệnh.

    Các chuyên gia khuyên tất cả mọi người tránh dùng tay che miệng và mũi khi hắt hơi, thay vào đó, hãy sử dụng khăn giấy hoặc tay áo.

    Sau khi hắt hơi, giữ chặt khăn giấy đã sử dụng trong phần còn lại của hành trình và vứt nó vào thùng ở rác ngay khi có thể.

    Những người muốn phòng bệnh nên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch thường xuyên hoặc sử dụng nước rửa tay khô khi không có sẵn xà phòng.

    Mọi người cũng nên tránh chạm vào mắt, mũi và miệng quá nhiều vì bệnh có thể được truyền từ các bề mặt qua tay.

    Tôi có nên đeo khẩu trang?

    Khi cuộc khủng hoảng dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm, có vẻ như ngày càng nhiều người London sử dụng khẩu trang - nhưng thật không may, chúng có thể không phải thứ cứu rỗi chúng ta như nhiều người nghĩ.

    Các quan chức y tế đã đặt ra nghi ngờ về hiệu quả của việc sử dụng khẩu trang để bảo vệ bản thân khỏi virus.

    Loại khẩu trang được công chúng sử dụng phổ biến nhất là khẩu trang y tế không khít mặt, chỉ có thời gian sử dụng ngắn và “không mang lại sự bảo vệ tối ưu nếu sử dụng kéo dài,” Science Media Centre cho biết.

    Bác sĩ Jake Dunning, người đứng đầu bộ phận các bệnh lây nhiễm và bệnh truyền từ động vật của Public Health England, cho biết có rất ít bằng chứng về lợi ích rộng rãi của việc sử dụng khẩu trang bên ngoài các cơ sở y tế.

    Ông nói thêm: “Những người lo ngại về truyền nhiễm nên ưu tiên vệ sinh cá nhân, vệ sinh đường hô hấp và vệ sinh tay.”

    Khoảng cách nên giữ với các hành khách khác trên tàu điện là bao nhiêu?

    Thực tế đáng buồn là chúng ta thường bị buộc phải tiếp xúc với những hành khách khác gần hơn mong muốn - nhưng chúng ta có cần cẩn trọng hơn trong việc giữ khoảng cách?

    Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo rằng mọi người nên duy trì khoảng cách ít nhất một mét (ba feet) với người khác, đặc biệt là những người có dấu hiệu ho, hắt hơi và sốt.

    Lý do là bởi khi một người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi, họ làm bắn ra những giọt nhỏ chứa virus.

    Tuy nhiên, Giáo sư John Oxford, thuộc Đại học Queen Mary, đã đưa ra giả thuyết rằng coronavirus có thể là một loại “virus xã hội” và khuyên mọi người nên suy nghĩ nhiều hơn về các hành vi tương tác xã hội của họ.

    Phát biểu trên chương trình Today của BBC Radio 4, ông nói: “Những gì chúng ta cần làm là ít bắt tay, ôm, hôn, những hành động kiểu như vậy, bởi vì loại virus này có vẻ như có thể lây lan qua hơi thở thông thường, không nhất thiết chỉ khi cảm lạnh, hắt hơi và ho.”

    Tôi nên làm gì nếu có triệu chứng bệnh?

    Các triệu chứng của coronavirus bao gồm ho, sốt và khó thở.

    Nếu bạn có các triệu chứng nhiễm bệnh và tin rằng có thể đã tiếp xúc với loại virus chết người này, hãy tự cách ly ngay lập tức.

    Trong bất cứ trường hợp nào, bạn cũng không nên tự ý đến bệnh viện hoặc gặp bác sĩ vì điều này có thể gây rủi ro cho người khác.

    Thay vào đó, hãy gọi cho đường dây trợ giúp NHS 111 và nói với các chuyên gia về việc di chuyển gần đây và triệu chứng đang mắc phải.

    VietHome (Theo Metro)

  • Một cậu bé gốc Á ở Mỹ đã bị giáo viên buộc phải xuống phòng y tế sau khi ho trong lớp, trong khi những học sinh khác bị ho không phải chịu thái độ tương tự.

    Một bé trai đã phải xuống phòng y tá trường học sau khi ho trong lớp. Mẹ của cậu bé cho biết điều này là vì lo ngại về virus corona mới (Covid-19), theo Fox News.

    “Nó là một đứa trẻ cứng cáp, khỏe mạnh, không phải là một bông tuyết”, mẹ cậu bé, bà Leyna Nguyen, một cựu phát thanh viên lâu năm ở Los Angeles. “Đây không phải vấn đề về một đứa trẻ quá nhạy cảm, đây là về một giáo viên vô cảm”.

    Bà Nguyen nói rằng giáo viên đã bắt con trai bà đến phòng y tế tại trường trung học Walter Reed hôm 12/2 vì cậu bé bị sặc khi uống nước.

    Bà Leyna Nguyen kể lại vụ việc với Fox News. Ảnh: Fox News

    “Con tôi nói với tôi những đứa trẻ khác cũng ho nhưng không phải đi xuống phòng y tế vì chúng không phải là người châu Á”, bà Nguyen nói.

    Cô y tá đã cho cậu bé lớp 8 Dylan Muriano quay trở lại lớp học. Cậu bé sau đó bị các bạn cùng lứa trêu chọc rằng cậu nhiễm virus corona. Cậu bé cũng nói rằng giáo viên của cậu không hài lòng khi thấy cậu trở lại và làm ngơ cậu suốt thời gian còn lại của lớp học.

    Muriano nói rằng giáo viên đó đã buộc tội cậu gây rối và bắt cậu đến văn phòng hiệu trưởng ngày hôm sau.

    Bà Nguyen đã gọi điện đến trường học và đăng lên Facebook về việc này. Thật bất ngờ, hàng trăm người khác bình luận họ cũng trải qua điều tương tự, tại cửa hàng tạp hóa, trên một chiếc máy bay, không ai muốn ngồi bên một anh chàng châu Á.

    Ngay cả trang web của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cũng nói: “Đừng thể hiện thành kiến ​​với những người gốc Á vì sợ loại virus mới này. Đừng cho rằng một người gốc Á có nhiều khả năng nhiễm virus này hơn người khác”.

    Học khu Los Angeles đang xem xét vụ việc và nói rằng họ không thể bình luận về các vấn đề của học sinh hoặc nhân viên vì đây là vấn đề bí mật nhưng người phát ngôn nói của học khu nói: “Học khu vẫn cam kết giữ an toàn cho tất cả học sinh và không bỏ qua hoặc không dung thứ bất kỳ loại bạo lực nào”.

    Theo Zing

  • Việc tìm kiếm “bệnh nhân số 0” này là rất quan trọng để khoanh vùng tất cả những người có khả năng nhiễm bệnh, nhưng để càng lâu thì việc này càng trở nên khó khăn.

    Hội nghị bán hàng tháng 1 của công ty phân tích khí đốt Servomex tại khách sạn Grand Hyatt ở Singapore đã trở thành “thảm hoạ” khi một trong số những người tham gia chính là “bệnh nhân số 0” phát tán virus corona ra phạm vi toàn cầu.

    Mặt tiền khách sạn Grand Hyatt, Singapore ngày 05/02/2020. Ảnh: Tim Chong/Reuters.

    Ba tuần sau đó, các cơ quan y tế toàn cầu vẫn đang ráo riết truy tìm ra ai là người đã mang mầm bệnh vào cuộc họp này để rồi từ đó lây lan sang năm quốc gia từ Hàn Quốc đến Tây Ban Nha thông qua việc lây nhiễm cho hơn chục người khác.

    Tốc độ lây lan khủng khiếp

    Việc tìm kiếm “bệnh nhân số 0” này là rất quan trọng để khoanh vùng tất cả những người có khả năng nhiễm bệnh, để càng lâu thì việc này càng trở nên khó khăn.

    Các nhà chức trách ban đầu nghi ngờ các đại biểu Trung Quốc, trong đó có một người đến từ “tâm dịch” Vũ Hán. Nhưng người phát ngôn của Servomex đã tuyên bố rằng các đại biểu Trung Quốc có kết quả xét nghiệm âm tính với virus.

    Các chuyên gia đã so sánh cuộc họp ở Singapore này với sự cố tương tự tại một khách sạn ở Hong Kong năm 2003 khi một bác sĩ Trung Quốc nhiễm SARS đã lây lan căn bệnh này trên khắp thế giới.

    Theo Sarvomex, hơn một tuần sau cuộc họp, trường hợp dương tính đầu tiên xuất hiện ở Malaysia.

    Thời gian ủ bệnh lên đến 14 ngày khiến người bệnh có thể lây cho người khác trước khi các triệu chứng xuất hiện.

    Công ty cho biết đã ngay lập tức áp dụng các biện pháp khẩn cấp để khoanh vùng người nhiễm virus, bảo vệ sức khoẻ nhân viên và cộng đồng, bao gồm cách ly tất cả 109 người tham dự, trong đó có 94 người nước ngoài đã rời Singapore.

    Nhưng virus vẫn lây lan.

    Hai đại biểu Hàn Quốc đã nhiễm bệnh sau khi ăn cùng đại biểu Malaysia, người cũng đã vô tình lây bệnh cho chị gái và mẹ vợ. Ba trong số các đại biểu Singapore cũng đã dương tính với virus.

    Sau đó, các trường hợp bắt đầu xuất hiện ở châu Âu.

    Một đại biểu người Anh bị nhiễm bệnh đã đi từ hội nghị đến một khu trượt tuyết ở Pháp và lây cho 5 người khác. Một trường hợp khác sau đó cũng đã xuất hiện ở Tây Ban Nha, và cả khi đại biểu người Anh trở về nhà ở miền nam nước Anh tiếp tục “phát tán” virus.

    Chạy đua với thời gian

    Trở lại Singapore, các nhà chức trách đang theo dõi sát sao các trường hợp lây nhiễm mới.

    Quản lý khách sạn Grand Hyatt Singapore cho biết đã phun thuốc khử trùng và đang theo dõi tình hình sức khoẻ của các nhân viên và khách. Tuy nhiên, họ không thể biết những người tham dự hội nghị đã bị nhiễm bệnh từ ai, lúc nào và như thế nào. Các vũ công múa lân trong sự kiện khẳng định không hề có bệnh.

    Ông Paul Tambyah, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết: “Mọi người chỉ cho rằng đó là một đại biểu nhưng thực tế nó cũng có thể là một lao công hay người phục vụ”. Ông nói thêm, việc tìm ra người này rất quan trọng để xác định và thiết lập “chuỗi lây nhiễm”.

    Nhưng thời gian có thể sắp hết. Bộ Y tế Singapore cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục cố gắng xác định “bệnh nhân số 0” này cho đến khi dịch bệnh kết thúc, nhưng càng nhiều ngày trôi qua, việc này càng trở nên khó khăn hơn, thậm chí có thể không bao giờ tìm ra được.

    Singapore ngày 13/2 ghi nhận thêm 8 ca nhiễm virus corona, đánh dấu số ca tăng lớn nhất trong 1 ngày cho tới nay, nâng tổng số ca ở nước này lên tới 58. Giới chức y tế Singapore cho biết các ca nhiễm mới này đều có liên quan tới những trường hợp trước đó.

    Trong khi đó, hậu quả của hội nghị này tiếp tục gieo rắc nỗi lo sợ nhiều tuần sau, ở nhiều nơi có khi cách Singapore tới hàng nghìn dặm.

    Các văn phòng của Servomex ở vùng ngoại ô Seoul, Hàn Quốc đã đóng cửa và nhân viên đang làm việc tại nhà.

    Theo Zing

  • Các bác sĩ đã cảnh báo rằng London Underground có thể là điểm nóng lây nhiễm coronavirus - vài giờ sau khi một trường hợp mới nhất được xác nhận xuất hiện ở thủ đô.

    Tổng cộng có chín người ở Anh được xác nhận mắc COVID-19, căn bệnh do coronavirus gây ra.

    Bệnh nhân mới nhất, đang được điều trị tại Bệnh viện Guy và St Thomas, được cho là một phụ nữ bay đến London từ Trung Quốc.

    Có những lo ngại cho rằng mạng lưới giao thông công cộng của thành phố có thể làm trầm trọng thêm sự lây lan của virus, nhưng các bác sĩ đã nhấn mạnh rằng nguy cơ lây nhiễm vẫn còn ở mức thấp.

    Tiến sĩ Robin Thompson, thuộc Đại học Oxford, cho biết: "Nói chung, nếu xuất hiện trường hợp ban đầu ở khu vực đông dân cư, thì nguy cơ lây truyền từ người sang người sẽ cao hơn.

    "Điều này sẽ càng trầm trọng hơn bởi London là một trung tâm giao thông và London Underground có thể trở thành mạng lưới phát tán virus một cách nhanh chóng.

    "Kết quả là, vì ca bệnh mới xuất hiện ở London, có thể dự đoán rằng ca bệnh này mang lại rủi ro cao hơn so với những trường hợp khác mà chúng ta đã thấy."

    Tiến sĩ Michael Head, từ Đại học Southampton, cho biết nguy cơ lây lan virus sẽ phụ thuộc vào sự tiếp xúc của người phụ nữ nhiễm bệnh trước khi cô bị cách ly.

    "Nếu mức độ tiếp xúc thấp, nguy cơ lây truyền từ người sang người cũng thấp", ông giải thích.

    Public Health England đã thừa nhận rằng "rất có thể" đã có nhiều trường hợp nhiễm COVID-19 ở Anh - nhưng Tiến sĩ Nathalie MacDermott, từ Viện Nghiên cứu Sức khỏe quốc gia, cho biết những người đi làm nên duy trì di chuyển như bình thường.

    Điểm tin nhanh:

    • Một trường hợp mắc COVID-19, căn bệnh do coronavirus gây ra, đã được xác nhận tại London
    • Tổng cộng, chín người ở Anh đang được điều trị COVID-19
    • Steve Walsh, doanh nhân được cho là người “siêu lây nhiễm” ở Anh, đã khỏi bệnh và xuất viện
    • Tại Trung Quốc, hơn 14.800 trường hợp mới mắc COVID-19 đã được báo cáo tại tỉnh Hồ Bắc
    • Tính đến thứ Tư (12/2), tổng cộng 242 người đã chết vì COVID -19 ở Hồ Bắc, con số cao nhất kể từ khi dịch bệnh bắt đầu

    Tình hình cách ly

    Hơn 80 người Anh bay về nước từ Vũ Hán sẽ được ra khỏi khu vực cách ly ngày hôm nay (13/2).

    Bộ trưởng Bộ Y tế Baroness Blackwood cho biết rằng họ hoàn toàn không còn gây rủi ro cho công chúng vì họ đã qua thời kỳ ủ bệnh mà không có triệu chứng nào.

    Nhóm này là những người đầu tiên được hồi hương từ thành phố trung tâm dịch bệnh và đã trải qua hai tuần tại Bệnh viện Arrowe Park ở Merseyide.

    Một bệnh nhân đã đe dọa bỏ trốn khỏi khu vực cách ly hồi đầu tuần - khiến chính phủ phải áp dụng quy định mới buộc mọi người bị cách ly cưỡng bức nếu họ đe dọa sức khỏe cộng đồng.

    Những người bị cách ly hiện đang đóng gói đồ đạc và chuẩn bị về nhà, và một trong những người bị ảnh hưởng tâm sự anh đang rất nóng lòng được gặp bạn bè và gia đình.

    Kharn Lambert nói: "Rõ ràng vẫn còn một chút lo ngại - mặc dù rất nhỏ - rằng mọi người sẽ thể hiện thái độ tiêu cực đối với bạn, tìm cách tránh mặt bạn.

    "Tôi không quá lo lắng về điều đó - tôi có rất nhiều bạn bè tốt, gia đình và đã gặp thêm nhiều người tốt trong hai tuần qua.

    "Mối quan tâm lớn nhất của tôi là các thành viên của cộng đồng người Trung Quốc, những người đang bị phân biệt đối xử."

    Có hai bác sĩ trong số những ca nhiễm bệnh

    Thông tin chi tiết đã được đưa ra về hai bác sĩ nằm trong số chín người ở Anh mắc COVID-19.

    Được biết, hai bác sĩ này đã làm việc tại một viện dưỡng lão, khoa A & E tại Bệnh viện Worthing ở West Sussex và hai phòng khám.

    Public Health England cho biết họ đã truy tìm và tư vấn cho tất cả những người đã tiếp xúc gần với hai bác sĩ nêu trên, bao gồm khoảng 12 người.

    Trong khi đó, tại Brighton, học sinh tại một số trường học có thể phải ở nhà sau khi một số giáo viên và gia đình sợ rằng các em đã tiếp xúc với virus.

    VietHome (Theo Sky News)

  • Học viên đang làm móng cho khách hàng tại trường dạy nghề nail, tóc và trang điểm Advance Beauty College ở Westminster. (Hình: Tâm An/Người Việt)

    BREA, California (NV) – “Tôi về Việt Nam ăn Tết và trở lại Mỹ được gần một tuần rồi, mà chủ không cho đi làm. Lúc đầu bà chủ nói khéo rằng ‘mùa này tiệm đang vắng khách, em cứ ở nhà nghỉ ngơi vài tuần đi’. Tôi không hiểu nên cứ khăng khăng đòi đi làm, không cần nghỉ ngơi. Lúc đó bà chủ mới nói là bà ấy muốn tôi ở nhà ít nhất 14 ngày để phòng ngừa… virus Corona.”

    Đó là tâm sự của chị Mỹ Tiên, 35 tuổi, thợ nail giỏi 15 năm kinh nghiệm ở Brea.

    Chị Mỹ Tiên cũng như một số thợ nail, tiệm nail của người Việt tại Mỹ cũng ít nhiều bị cuốn vào không khí hoang mang, lo lắng trước tin dịch bệnh gây ra bởi virus Corona, dù rằng cả nước Mỹ cho đến ngày 12 Tháng Hai, chỉ mới có 14 người nhiễm bệnh này.

    Chị Mỹ Tiên cho biết thêm: “Tôi là thợ chính của tiệm nên mọi năm vừa trở lại Mỹ là bà chủ hối đi làm liền. Nhưng nay bị chủ ‘cách ly’, khiến tôi phải chơi thêm nửa tháng, thu nhập cũng mất đi một nửa. Tôi biết rằng bà ấy rất cẩn thận. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, dù buồn nhưng tôi nghĩ đó cũng là điều tốt.”

    Chị Vicky Lê, ở Cypress, cũng đang ở trong tình cảnh tương tự, chị cho hay: “Tôi mới từ Việt Nam qua cách đây 10 ngày. Bà chủ tiệm nail nói tôi hãy ở nhà ít nhất hai tuần để theo dõi tình hình, rồi hãy trở lại làm việc. Có lẽ tôi cũng nên đi xét nghiệm virus Corona cho yên tâm trở lại, chứ nghỉ ở nhà hoài cũng tiếc thời gian quá.”

    Chị cho biết thêm: “Bà chủ tôi là người Việt, tiệm tôi làm ở khu Mỹ trắng nên bà ấy cẩn thận lắm. Có một số tiệm của bạn bè tôi ở khu người Mexico, thì họ không sợ gì cả, vẫn nhận thợ đi làm bình thường dù mới về Việt Nam qua như tôi.”

    Gần mười năm nay, chị Vicky mới về Việt Nam ăn Tết nhưng xui thay, chị về đúng đợt bùng phát dịch bệnh corona ở Trung Quốc, rồi lây lan sang Việt Nam.

    Trường dạy nghề nail, tóc và trang điểm Advance Beauty College ở Westminster vẫn đông học viên và khách hàng, chưa bị ảnh hưởng về thông tin dịch virus Corona. (Hình: Tâm An/Người Việt)

    Chị Vicky kể: “Tôi về trước Tết tới ba tuần, lúc đó chưa có nhiều tin tức về dịch bệnh này, nên đã lên kế hoạch đi du lịch khắp nơi, từ Phan Thiết, Đà Lạt ra tới Vịnh Hạ Long ở phía Bắc Việt Nam. Khoảng những ngày gần Tết, tôi chợt thấy người dân khắp nơi, từ khu chung cư tôi ở tạm tới phi trường, trên khoang máy bay, ai ai cũng đeo khẩu trang hết. Lúc đó tôi mới biết tình hình chắc là khá nghiêm trọng.”

    “Trên chuyến bay từ Việt Nam sang Đài Loan, có rất nhiều người đeo khẩu trang. Nhưng chuyến bay từ Đài Loan sang Mỹ, thì hầu như chỉ có người Châu Á đeo khẩu trang còn người Mỹ thì không,” chị Vicky cho biết.

    Từ miền Đông Hoa Kỳ, chị Nancy Lưu, chủ một tiệm nail ở Fairfax, Virginia, cho hay: “Tiệm của tôi đa phần là khách Mỹ trắng, ở khu sang, nhưng chúng tôi không hề nhận thấy sự kỳ thị nào từ phía khách hàng. Dường như họ không quan tâm tới virus Corona vì họ cho rằng nó xảy ra ở tận Trung Quốc, một nước cách xa đây cả nửa vòng trái đất.”

    Bà Ann Phan, 62 tuổi, thợ làm nail 25 năm kinh nghiệm tại Los Angeles, cho hay: “Tiệm của tôi làm ở khu người Hoa rất đông, mùa này có hơi vắng khách nhưng mọi năm đều như vậy, có lẽ không phải do dịch virus Corona vì khách tới đây cũng không ai nói gì về chuyện này. Tuy vậy, tại tiệm chúng tôi có để sẵn nước rửa tay tiệt trùng và khẩu trang cho khách ngay ở cạnh quầy lễ tân. Một điều nhỏ vậy thôi nhưng được khách hàng rất khen ngợi.”

    “Thợ nail chúng tôi bình thường vẫn đeo khẩu trang để tránh hóa chất độc hại. Bây giờ có dịch Corona, ngoài khẩu trang, chúng tôi đeo cả gang tay. Cho dù có gặp khách người Hoa hay từ Trung Quốc sang, chúng tôi cũng vẫn phải phục vụ. Nếu từ chối sẽ rất dễ bị cho là kỳ thị,” bà nói thêm.

    Michelle Phan (trái), chuyên gia trang điểm nổi tiếng gốc Việt, bị một số người vào trang Instergram và Twitter của cô chỉ trích vì nghĩ rằng cô là người Trung Quốc. (Hình minh họa: Emma McIntyre/Getty Images)

    Ông Tâm Nguyễn, chủ nhân trường dạy nghề nail, tóc và trang điểm Advance Beauty College ở Westminster, cho biết: “Tôi chưa nghe nói về sự ảnh hưởng của dịch virus Corona tới trường học chúng tôi. Khách hàng vẫn tới bình thường. Nhưng thông tin về dịch bệnh virus Corona ảnh hưởng ít nhiều tới đời sống của người Châu Á chúng ta, nhất là người gốc Việt.”

    “Có một chuyện mà tôi nghe từ anh bạn hiện là cư dân ở thành phố Temecula, đây là một thành phố rất ít dân Châu Á, đa số là dân Mỹ trắng. Trong một lần đi chợ, vợ anh ấy chỉ bị ho một tiếng thôi, vậy mà tất cả mọi người Mỹ xung quanh ở trong chợ vừa bịt miệng vừa chạy. Phản ứng của người Mỹ với người Á Châu mình kinh khủng quá!” ông Tâm nói.

    “Hiện giờ rất nhiều người Việt cũng như người Á Châu nói chung đang bị kỳ thị vì dịch virus này. Làm cho tôi cũng cảm thấy mặc cảm. Tôi mới đọc một bài báo về cô gái gốc Việt rất nổi tiếng là Michelle Phan. Qua bài đọc của cô ấy, tôi rất buồn trước sự thiếu hiểu biết của người Mỹ. Họ đã nhầm lẫn cô ấy là người Trung Quốc,” ông cho biết thêm.

    Trên tạp chí Dailymail.co.uk, ngày 5 Tháng Hai, đăng tải bài viết về chuyên gia trang điểm gốc Việt nổi tiếng Michelle Phan, một số người vào trang Instergram và Twitter của cô, buông những lời lẽ khiếm nhã. Họ lên án người Trung Quốc và người Á Châu về việc ăn thịt các loài động vật hoang dã như rắn, dơi, chuột… gieo rắc mầm bệnh virus Corona cho cả thế giới. Họ nhầm lẫn cô là người Trung Quốc.

    Michelle Phan đã phải lên tiếng rằng cô là người Mỹ gốc Việt, hiện đang ở Mỹ và cha mẹ cô là người Việt Nam, không phải là người Trung Quốc.

    Nhân viên hãng hàng không Korean Air tại phi trường quốc tế LAX mang khẩu trang chống ảnh hưởng viruscorona COVID-19 hôm Thứ Tư, 12 Tháng Hai, 2020. (Hình: Daniel Slim/Getty Images)

    Anh Hòa Nguyễn, chủ tiệm nail ở Missourri kể một câu chuyện vui có thật khi anh ra phi trường để bay từ Kansas về Los Angeles: “Tôi lỡ đi tới phi trường muộn, chỉ còn có 45 phút nữa là tới giờ bay. Tại cửa kiểm tra an ninh, mọi người xếp hàng dài chờ đợi. Thấy tôi vừa đeo khẩu trang lại vừa ho vài tiếng, mọi người xếp hàng trước tôi đều giật mình, họ quay lại nhìn tôi. Tôi bèn thử chào họ bằng tiếng Hoa ‘ní hảo’. Không ngờ mọi người đang xếp hàng đứng trước tôi, không ai bảo ai, đều né ra hết, ưu tiên cho tôi lên kiểm tra an ninh trước. Hên quá, nếu không thì tôi trễ giờ bay rồi.”

    “Tôi không nghĩ là họ kỳ thị, mà là họ sợ bị lây bệnh. Nhìn chung đa số người Mỹ bản xứ rất lịch sự, kín đáo, không hề tỏ thái độ khinh khi mà chỉ là nhường đường, ưu tiên cho người bệnh đi trước để an ninh phi trường họ kiểm tra xem tôi có sốt hay bệnh không. Lúc đó tôi có cảm giác họ nghĩ tôi như một ổ dịch bệnh, khiến ai cũng phải né. Nhưng tôi rất vui vì nhờ thế mà không bị trễ chuyến bay,” anh Hòa vui vẻ nói thêm.

    Bà Lương Thị Hoa, 47 tuổi, là thợ nail ở Santa Ana, cho biết: “Từ Tết ta tới giờ, gia đình tôi tuyệt đối không đi ăn ngoài nhà hàng, không đi tiệc tùng, hội họp, khiêu vũ cuối tuần. Chúng tôi cũng không về Việt Nam. Chúng ta không thể coi thường dịch bệnh này vì hiện chưa nước nào có thuốc chữa cũng như vaccine phòng ngừa.”

    Bà Hoa lo ngại: “Nghề nail là một nghề rất dễ bị lây nhiễm, kể cả các loại nấm, vi khuẩn chứ chưa nói gì tới virus này. Mỗi ngày một thợ phải tiếp xúc với hàng chục khách hàng, cả tiệm phải đón cả trăm khách. Chúng tôi phải sờ vào tay, chân và nói chuyện, giao tiếp với khách, cho nên thực sự tôi rất lo lắng. Nhất là mỗi khi có dịch virus nguy hiểm như thế này. Tôi đã tự xin nghỉ một tháng để chờ xem tình hình thế nào rồi tính tiếp, dù chủ tiệm không ép buộc tôi nghỉ.”

    Tác giả: Tâm An/Người Việt

  • Nhóm nghiên cứu của ĐH Hoàng gia London (Anh) cho biết đã chế tạo được loại vaccine tiêu diệt chủng virus Corona mới và đang bắt đầu thử nghiệm trên chuột. 

    Theo đài CNA đưa tin ngày 11-2, một nhóm nghiên cứu của Anh đã bào chế  được một loại vaccine chống chủng virus Corona mới (vừa được Tổ chức Y tế Thế giới gọi tên chính thức là COVID-19) và đang bắt đầu thử nghiệm trên động vật. 

    Các nhà nghiên cứu của ĐH Hoàng gia London (Anh) cho biết họ tin mình là những người đầu tiên trên thế giới bắt đầu các thử nghiệm trên động vật để có được vaccine tiêu diệt virus COVID-19.

    Hai chi nhánh của một trung tâm y tế ở TP Brighton (Anh) đóng cửa vì hai nhân viên có kết quả xét nghiệm dương tính. Ảnh: AFP 

    Trả lời đài AFP ngày 10-2, nhà nghiên cứu Paul McKay của ĐH Hoàng gia London cho biết nhóm nghiên cứu của ông đang tiến hành đưa vi khuẩn vào cơ thể các con chuột. 

    "Chúng tôi hy vọng có thể xác định phản ứng trong máu và phản ứng kháng thể của những con chuột này với virus Corona (COVID-19)" - ông cho biết. 

    Dù đã có những tiến triển đầu tiên trong bào chế vaccine chống virus COVID-19 nhưng các nhà khoa học vẫn cần rất nhiều thời gian nữa để đi đến kết luận có thành công hay không. 

    Quá trình nghiên cứu vaccine thường mất nhiều năm thử nghiệm trên động vật, sau đó là thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể người. 

    Vaccine sau khi đã được xác nhận tính hiệu quả trên cơ thể người vẫn cần được kiểm tra độ an toàn và hiệu quả khi sản xuất hàng loạt. Khi tất cả giai đoạn trên hoàn thành, vaccine mới chính thức được đưa vào sử dụng. 

    Ông McKay cho biết nhóm nghiên cứu của ông hy vọng có thể đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu vaccine chống virus COVID-19 dựa trên những nghiên cứu có được trước đó về loại virus cùng chủng Corona đã gây ra dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) năm 2003. 

    "Có thể chúng ta sẽ có vaccine để dùng vào cuối năm 2020" - ông McKay lạc quan chia sẻ. 

    Hiện tại đang có rất nhiều nhóm nghiên cứu trên thế giới tham gia chế tạo vaccine chống virus COVID-19. Liên minh các sáng kiến chống dịch bệnh (Coalition for Epidemic Preparedness Innovations, viết tắt CEPI) đang tài trợ nhiều công trình nghiên cứu. 

    Đây là liên minh được thành lập trong Diễn đàn Kinh tế toàn cầu năm 2017 tại Davos, nhằm mục đích hỗ trợ các nhóm nghiên cứu của các công ty dược và trường đại học trên thế giới thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh. 

    Nhóm nghiên cứu của ĐH Hoàng gia London không nhận tài trợ từ CEPI mà có nguồn quỹ riêng của mình. Ông McKay chia sẻ ông hy vọng thành công của giai đoạn thử nghiệm vaccine trên động vật có thể mang về nhiều nguồn hỗ trợ hơn cho nghiên cứu. 

    Ông McKay cũng cho rằng không phù hợp khi miêu tả bối cảnh chung của giới nghiên cứu hiện nay là một cuộc cạnh tranh.

    Ông cho biết dù các nhóm nghiên cứu đang làm việc riêng lẻ và đều mong muốn mình là người đầu tiên tìm ra vaccine tiêu diệt virus COVID-19 và thông tin vẫn được chia sẻ rất cởi mở trên toàn cầu. 

    "Vì vậy nên gọi đây là một cuộc cạnh tranh hợp tác" - ông kết luận. 

    Tính đến sáng 12-2, Anh ghi nhận tám ca lây nhiễm virus COVID-19, không có ca tử vong. Hai chi nhánh của một trung tâm y tế ở TP Brighton buộc phải đóng cửa từ khi xác nhận ít nhất hai nhân viên có kết quả xét nghiệm dương tính với virus này. 

    Theo Plo

  • 2 tù nhân này đang bị cách ly ở nhà tù Bullingdon, chỉ một ngày sau khi số lượng ca mắc virus corona ở UK tăng gấp đôi lên 8 người.


    Nhà tù Bullingdon

    2 người đàn ông này đã được kiểm tra virus corona ở Oxfordshire và tất cả chúng ta đang nín thở chờ kết quả. Họ và đang bị biệt giam trong nhà tù Bullingdon. Việc tiếp xúc và thăm non rất hạn chế. 

    Nhà tù này có sức chứa 1,114 tù nhân và vẫn hoạt động trong khi Cơ quan Y tế cộng đồng Public Health England đang cố gắng kiểm soát tình hình ở đây. Nhà tù này giam giữ cả những thanh niên từ 18-21 tuổi.

    Mới đây, WHO đã công bố tên của loại virus corona chủng mới là COVID-19.  

    Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết loại vaccine đầu tiên sẽ sẵn sàng sau 18 tháng, vì thế ''chúng ta phải sử dụng mọi vũ khí hiện có để chống loại virus này''. 

    8 người ở UK đã được xác nhận dương tính với virus corona. Họ đã tiếp xúc với một doanh nhân tên Steve Walsh, người được tin là ''kẻ siêu lây nhiễm'' sau khi 11 người ở cùng với ông trong một căn nhà gỗ ở Pháp đã nhiễm bệnh. Walsh có triệu chứng viêm phổi sau khi tham dự một hội nghị ở Singapore.


    ''Kẻ siêu lây nhiễm'' Steve Walsh.

    Steve Walsh hôm nay vẫn ở trong khu cách ly tại Bệnh viện Guy ở London dù thông tin mới nhất cho biết, ông đã hồi phục. Gia đình ông cũng được yêu cầu tự cách ly "như một biện pháp phòng ngừa". Servomex, công ty của Walsh, cho biết họ sẽ tiếp tục hỗ trợ ông và gia đình. 

    Cảnh sát Anh được cưỡng chế người nghi nhiễm virus corona

    Quy định mới cho phép cảnh sát Anh dùng vũ lực đưa người nghi nhiễm virus corona đi cách ly, nhằm ngăn dịch lây lan.

    Biện pháp chưa từng có tiền lệ này được áp dụng ngay từ ngày 10/2, khi Bộ trưởng Y tế Anh cảnh báo sự lây lan của chủng virus corona mới (nCoV) là "mối đe dọa nghiêm trọng và nhãn tiền" với người dân nước này.

    Theo quy định mới, bất cứ người nào bị cho là có nguy cơ lan truyền dịch viêm phổi có thể bị bắt giữ ngoài ý muốn để đưa đi cách ly trong hai tuần. Cảnh sát được phép sử dụng vũ lực hợp lý khi cần thiết để khống chế và bắt những người có nguy cơ nhiễm nCoV. Những người này sẽ bị kiểm tra sức khỏe và theo dõi trong thời gian hai tuần.

    Biện pháp này được Anh đưa ra sau khi một trong 93 người bị cách ly tại bệnh viện Arrowe Park đe dọa sẽ bỏ trốn.

    Các nhà khoa học Anh cảnh báo dịch viêm phổi do nCoV có thể trở thành đại dịch, ảnh hưởng đến 80% dân số, trong bối cảnh các nhà khoa học Trung Quốc hôm nay công bố thời gian ủ bệnh của virus có thể lên tới 24 ngày.  

    Viethome (theo Sky News)

  • Trung Quốc sáng 11/2 công bố có 1.016 ca tử vong vì virus corona với số ca nhiễm lên tới 42.638 trường hợp.

    Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc sáng 11/2 báo cáo 2.478 ca nhiễm mới ở đại lục, nâng tổng số ca lên 42.638.

    Tổng số ca tử vong ở đại lục đã lên tới 1.016 tính tới cuối ngày 10/2, sau khi 108 ca tử vong mới được ghi nhận trong ngày (gồm 103 ở Hồ Bắc, và Bắc Kinh, Thiên Tân, Hắc Long Giang, An Huy, Hà Nam mỗi nơi một ca tử vong).


    Ông Tập Cận Bình đi kiểm tra tình hình chống dịch hôm 10/2 tại Bắc Kinh. Ảnh: Xinhua. 

    Tính đến nay tổng cộng 3.996 ca khỏi bệnh được ghi nhận. Theo Worldometer, trang web đã theo dõi số ca nhiễm trên toàn cầu kể từ đầu dịch bệnh, tổng số ca nhiễm trên toàn cầu là trên 43.000.

    Số người chết ở tỉnh Hồ Bắc, tâm điểm dịch virus corona, tiếp tục lập kỷ lục mới với số ca tử vong ngày trước đó lên tới 103 người.

    Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc báo cáo 2.097 ca nhiễm mới, nâng tổng số ở tỉnh này lên thành 31.728 ca nhiễm và 974 ca tử vong.

    Tỉnh Hồ Bắc cũng cho biết còn 16.687 trường hợp nghi nhiễm, đồng thời cam kết xét nghiệm toàn bộ những trường hợp nghi nhiễm trong vòng một ngày, theo Reuters.


    Đồ họa: Minh Hồng. 

    Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết một nhóm chuyên gia của tổ chức này đã tới Trung Quốc ngày 10/2 để hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh.

    WHO cho biết đây là đoàn “tiền trạm” và có nhiệm vụ “chuẩn bị cho một nhóm chuyên gia quốc tế lớn hơn” sẽ tới nơi “sớm nhất có thể”, CNN dẫn lời Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.


    Người dân tại một ga tàu ở Thượng Hải trong mùa dịch. Ảnh: Reuters. 

    Tuy nhiên, một số bác sĩ tin rằng số ca tử vong và nhiễm bệnh theo số liệu chính thức chưa phản ánh con số thực tế vì các cơ sở y tế đang bị quá tải, nhiều người chưa được chăm sóc y tế.

    “Chúng ta có thể mới chỉ đang thấy phần nổi của tảng băng”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo trên Twitter, và nói các nước chưa có nhiều ca nhiễm vẫn có nguy cơ phát hiện thêm.

    Theo Zing

  • Các quan chức y tế đang chịu áp lực phải tiết lộ chi tiết về lộ trình của người đàn ông Anh được mệnh danh là "kẻ siêu lây lan" virus corona.

    Doanh nhân giấu tên, người nhiễm virus ở Singapore, hiện được biết đã lây nhiễm ít nhất bảy người Anh tại một khu nghỉ mát trượt tuyết của Pháp, trước khi trở về Brighton và bị ốm khoảng năm ngày sau đó.

    Theo Telegraph, những người mà ông này nhiễm bệnh bao gồm người thứ tư mắc bệnh ở Anh và bệnh nhân ở Tây Ban Nha và Pháp, tất cả những người này được cho là đã ở cùng "kẻ siêu lây nhiễm" ở Pháp.

    Nhưng các cơ quan y tế đã từ chối cung cấp bất kỳ chi tiết nào về lộ trình của người đàn ông trong suốt năm ngày ông ta ở Anh trước khi xuất hiện các triệu chứng - tất cả những gì được biết là ông ta đã dành hai giờ trong một quán rượu địa phương vào đêm trước khi gục ngã vì dịch bệnh.

    Hôm 9/2, có thông tin cho biết người đàn ông đã đi lại bằng máy bay của hãng EasyJet từ Geneva đến Gatwick trên chuyến bay lúc 18h50 vào ngày 28/1. Hãng hàng không giá rẻ cho biết họ đã được Bộ Y tế thông báo vào tối 6/2. Bộ Y tế cho biết tất cả hành khách ngồi gần người đàn ông đã được liên lạc và nhận lời khuyên.

    Bộ Y tế Anh đang bị chỉ trích vì từ chối cung cấp bất kỳ thông tin nào về nơi ở của "kẻ siêu lây nhiễm" trong thời kỳ mà ông này có khả năng bị lây nhiễm.

    Các quan chức y tế cho biết họ đang theo dõi bất cứ ai ở cách ông này khoảng 2 m trong hơn 15 phút trong hai tuần trước khi được chẩn đoán, bao gồm cả những người trên chuyến bay với ông ta. Những người không được liên lạc và không có tiếp xúc gần không cần lo ngại.

    Nhưng quan điểm này bị nghi ngờ trong bối cảnh lo ngại rằng virus dường như dễ lây lan hơn nhiều so với dự đoán ban đầu.

    5 ngày lây nhiễm trước khi phát bệnh

    Người đàn ông trung niên nhiễm virus trong một hội nghị ở Singapore trước khi bay đến Alps để nghỉ ngơi bốn ngày với bạn bè.

    Trong thời gian nghỉ ngắn, ông đã lây nhiễm cho bảy người, bao gồm nhà tư vấn môi trường Bob Saynor, 48 tuổi, và con trai chín tuổi của ông. Hai trong số các trường hợp chỉ được xác định vào ngày 9/2; một người đã bay trở về nhà của anh ta gần Palma ở Majorca và người kia đã trở về London.

    Bà Catriona, vợ của ông Saynor, đang ở một bệnh viện ở Anh, mặc dù không rõ liệu bà có phải là trường hợp mới nhất được chẩn đoán ở Anh hay không.

    Khu nghỉ mát trượt tuyết nơi bùng phát dịch bệnh đã bị đóng cửa.

    Les Contamines-Montjoie, nơi năm người quốc tịch Anh được chẩn đoán nhiễm virus. Ảnh: Sky News

    Mãi đến ngày 2/2, năm ngày sau khi trở về, doanh nhân mới ngã bệnh. Cục Y tế Quốc gia đã cho ông này cách ly tại Bệnh viện Hoàng gia Sussex, trước khi chuyển đến London để điều trị chuyên khoa.

    Ông này vẫn cảm thấy ổn khi ghé thăm quán rượu địa phương trước khi thực sự đổ bệnh. Ông đã dành hai giờ tại The Grenadier ở Hove tối 1/2.

    Năm thành viên của nhóm nhân viên làm việc tối hôm đó đã được thông báo về việc tự cách ly, trong khi một sinh viên tại Học viện Cộng đồng Portslade Aldridge gần đó, người được cho là đã tiếp xúc với người đàn ông, đã được khuyên nên cách ly trong hai tuần.

    Lần theo dấu vết của "kẻ siêu lây nhiễm"

    Giáo sư Richard Tedder, giáo sư thỉnh giảng về virus học tại Đại học Hoàng gia London, cho biết việc virus này có thể đã được truyền qua một người mà không có triệu chứng cho thấy dịch bệnh có thể tồi tệ hơn SARS và biến thành đại dịch.

    Với các phương pháp thử nghiệm hiện tại, "chúng tôi thực sự mù mờ nếu đó là trường hợp virus corona có thể lây truyền qua những người không có triệu chứng", ông nói.

    Người dân Brighton bày tỏ sự tức giận trước việc chính quyền từ chối cung cấp thêm thông tin.

    Valerie Painter, bệnh nhân thông thường tại Bệnh viện Hoàng gia Sussex, cho biết: "Dân cư của Brighton và Hove rất dày đặc. Chúng tôi sống san sát nhau trên những con đường nhỏ hẹp". "Người này đã ở đâu trên xe buýt và xe lửa? Cơ quan chức năng đang lần theo những dấu vết gì", cô đặt câu hỏi.

    Người phát ngôn của Bộ Y tế Anh cho biết đang liên hệ với những người có tiếp xúc gần với bất kỳ trường hợp nào đã được xác nhận ở Anh để cung cấp cho họ lời khuyên về sức khỏe và đang làm việc chặt chẽ với chính quyền Pháp.

    Bộ Y tế Anh cho biết họ sẽ không tiết lộ thông tin nhận dạng bệnh nhân, chẳng hạn như lộ trình của bất kỳ cá nhân nào là một phần của cuộc điều tra y tế công cộng.

    Các trường hợp mới được xác nhận khi chiếc máy bay thứ hai và cuối cùng chở công dân Anh di tản khỏi thành phố Vũ Hán của Trung Quốc đã hạ cánh ở Oxfordshire.

    Chuyến bay, với hơn 200 người trên máy bay, bao gồm một số công dân nước ngoài, đã đến RAF Brize Norton ngay trước 7h30 sáng 9/2, đưa người di tản đến một trung tâm hội nghị ở Milton Keynes.

    Số người chết ở Trung Quốc do virus hiện ở mức 904, vượt qua số người tử vong do Sars trong năm 2002 - 2003.

    Theo Zing

  • Hơn 350.000 người đã ký bản kiến nghị trực tuyến kêu gọi người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus từ chức vì thiếu sót khi xử lý dịch virus corona.

    Bản kiến nghị được khởi xướng trên Change.org vào ngày 31/1. Người khởi xướng, tên "Osuka Yip" chỉ trích sự lãnh đạo của ông Ghebreyesus dẫn tới sự lây lan nhanh chóng của virus, nguyên nhân làm hơn 900 người chết và lây nhiễm gần 41.000 người ở 29 quốc gia chỉ trong vài tuần.

    "Chúng tôi nghĩ rằng Tedros Adhanom Ghebreyesus không phù hợp với vai trò là Tổng giám đốc WHO. Chúng tôi kêu gọi Tedros Adhanom Ghebreyesus từ chức ngay lập tức", đơn kiến nghị viết.

    Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay trước cuộc họp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 28/1. Ảnh: Reuters

    "Vào ngày 23/1/2020, Tedros Adhanom Ghebreyesus từ chối tuyên bố sự bùng phát virus Trung Quốc là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Như chúng ta đã biết, virus corona không thể điều trị được vào lúc này.

    Số lượng người mắc bệnh và tử vong đã tăng hơn 10 lần (bị nhiễm từ 800-gần 10.000) chỉ trong năm ngày. Một phần của nó có liên quan đến Tedros Adhanom Ghebreyesus (người) đã đánh giá thấp virus corona".

    Theo Korea Times, người kiến nghị đã đặt câu hỏi về tính trung lập chính trị của ông Ghebreyesus, người nhiều lần bảo vệ các nỗ lực của Bắc Kinh.

    "Rất nhiều người trong chúng tôi thực sự thất vọng", bản kiến nghị viết. "Chúng tôi tin rằng (WHO) được cho là trung lập về chính trị. Không cần điều tra, Tedros Adhanom Ghebreyesus chỉ tin vào tỷ lệ tử vong và những con số bị nhiễm bệnh Bắc Kinh cung cấp cho họ".

    Đồ họa: Minh Hồng

    Làm thế nào và khi nào virus nhiễm vào người đầu tiên ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng. Nhưng khi mối đe dọa khiến chính quyền Trung Quốc và sau đó là toàn thế giới chú ý vào tháng 12/2019, ông Ghebreyesus vẫn do dự tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu - cho đến ngày 31/1.

    Hôm 9/2, WHO cho biết nhóm chuyên gia quốc tế cao cấp của họ đã rời Bắc Kinh để điều tra dịch bệnh, gần hai tuần sau khi ông Ghebreyesus nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tháng 1.

    Theo Zing

  • Tin tức lan ra sau khi Anh tuyên bố nCoV là mối đe dọa khẩn cấp. Anh tuyên bố virus corona là mối đe dọa khẩn cấp và nghiêm trọng với sức khỏe cộng đồng, cho phép chỉnh phủ thêm quyền hạn đối phó dịch và cách ly người bệnh.

    Một xe khách chở công dân Anh di tản từ Vũ Hán đến khách sạn Kents Hill Park ở Milton Keynes vào hôm Chủ nhật. Ảnh: Hollie Adams/Getty Images

    Số lượng ca nhiễm virus corona ở Anh đã tăng gấp đôi từ 4 lên 8 người sau kết quả kiểm tra vào cuối tuần qua.

    4 ca nhiễm mới - bao gồm 3 nam giới và 1 phụ nữ - đã được chuyển từ Brighton lên London trong cuối tuần để nhận sự chăm sóc đặc biệt.

    Một bệnh nhân trong số này là bác sĩ, anh đang đi trượt tuyết trong khu resort gần Chamonix và đã tiếp xúc với người đàn ông đang là trung tâm làm bùng phát dịch ở Brighton.

    Bác sĩ này đang được điều trị ở bệnh viện St Thomas' ở nam London, một trong những trung tâm phòng chống bệnh truyền nhiễm cao cấp của NHS. 

    Một trường hợp nhiễm bệnh khác đã được chuyển lên bệnh viện Royal Free ở bắc London. 2 người Trung Quốc bị phát hiện nhiễm bệnh đầu tiên vẫn đang được điều trị ở Newcastle.  

    HÀNH TRÌNH CỦA CÔNG DÂN ANH GÂY RA ÍT NHẤT 7 CA LÂY NHIỄM VIRUS CORONA 

    Theo báo cáo từ Bộ Y tế, công dân Anh này đã bị nhiễm virus từ một hội nghị doanh nghiệp ở Singapore, và từ đó truyền bệnh cho ít nhất 7 người khác ở England, Pháp và Tây Ban Nha.  

    Hành trình của người đàn ông trung niên này như sau:

    - Họp hội nghị ở Singapore.

    - Gặp gỡ nhóm người ở khu trượt tuyết Pháp vào ngày 24/1.

    - Ngày 28/1, bay từ Geneva (Thụy Sỹ) về sân bay Gatwich (Anh) trên chuyến bay của hãng easyJet.

    - Được xác định nhiễm bệnh ở Brighton, 4 trường hợp khác cũng được xác định nhiễm bệnh trong cuối tuần. Hiện ông này đang được điều trị tại bệnh viện St Thomas'.

    Đại diện easyJet cho hay, Cơ quan y tế Anh Public Health England đang liên hệ với tất cả những hành khách ngồi cùng chuyến với bệnh nhân kể trên, trên chuyến bay EZS8481 từ Geneva đi London Gatwich vào ngày 28.1.

    ''Tất cả hành khách đều không có triệu chứng gì, nguy cơ đối với những hành khách khác trên máy bay là rất thấp'', easyJet nói.

    Vào 2h chiều Chủ nhật, Bộ Y Tế cho biết đã có 795 trường hợp đã được kiểm tra ở UK, trong đó 4 người dương tính và 791 người âm tính. Những công dân Anh bay về từ Vũ Hán đang bị cách ly trong 14 ngày.

    Chuyến bay cuối cùng chở công dân Anh từ Vũ Hán đã hạ cánh vào 7h30 sáng Chủ nhật tại sân bay không quân Brize Norton ở Oxfordshire. Trong số này có 105 công dân Anh và gia đình họ, 95 người ngoại quốc và gia đình họ, 13 nhân viên và chuyên viên y khoa. Tất cả hành khách đều được đưa về khách sạn Kents Hill Park ở Milton Keynes để cách ly. 

    Tính đền ngày 10/2, dịch bệnh đã khiến 910 người chết và hơn 40.000 ca nhiễm nCoV, chủ yếu ở Hồ Bắc, Trung Quốc.

    Viethome (theo Guardian)

  • Một máy bay chở công dân Anh được di tản từ tâm dịch Vũ Hán đã hạ cánh tại Oxfordshire vào hôm nay, giữa lúc 811 ca tử vong đã được ghi nhận ở Trung Quốc, vượt xa số người tử vong do dịch SARS năm 2002-2003.

    Chuyến bay chở hơn 200 người, bao gồm những người quốc tịch khác, đã về đến sân bay không quân Brize Norton vào 7h30 sáng Chủ nhật. Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung cho biết đây là chuyến bay cuối cùng do Chính phủ Anh điều đến, và có nhân viên chính phủ Anh cùng nhân viên y tế Anh trên máy bay.

    Các hành khách sẽ được đưa đến khách sạn & trung tâm hội nghị Kents Hill Park ở Milton Keynes, Buckinghamshire, nơi họ được cách ly 14 ngày. 

    Đại diện cơ quan y tế cho biết sự hiện diện của nhóm người này ở Milton Keynes sẽ không mang đến nguy cơ nào cho cộng đồng địa phương. 

    Chuyến bay chở hơn 200 người về đến UK. Ảnh: PA
    Hành khách sẽ được cách ly tại khách sạn Kents Hill Park ở Milton Keynes. Ảnh: PA
    Học sinh ở Bangkok, Thailand, xếp hàng nhận khẩu trang sau khi ca nhiễm bệnh thứ 32 ở nước này được công bố. Ảnh: Lauren DeCicca/Getty

    Số trường hợp lây nhiễm mới được công bố trong hôm nay đã giảm, làm dấy lên hy vọng căn bệnh đang được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, mới đây lại xuất hiện những trường hợp ''siêu lây lan'' đáng lo ngại.

    Một bệnh nhân nhập viện tại Vũ Hán, Trung Quốc, đã lây virus corona mới cho ít nhất 10 nhân viên y tế và 4 bệnh nhân khác, New York Times cho biết.

    Đây được cho là chi tiết đáng lo ngại trong báo cáo mới về 138 bệnh nhân nhiễm virus corona mới ở Vũ Hán giúp giải thích bệnh tiến triển và lây lan như thế nào.

    Ảnh chụp CT phổi của một bệnh nhân nhiễm virus corona. Ảnh: Reuters

    Khả năng có những ca "siêu lây lan"

    Báo cáo được Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA) công bố vào ngày 7/2. Đây là một trong những bài viết toàn diện nhất cho đến nay về những người bị nhiễm virus corona Vũ Hán. Hôm 7/2, JAMA cũng công bố một bài báo khác về virus corona mới.

    Các bệnh nhân trong báo cáo có độ tuổi từ 22 đến 92 và được đưa vào Bệnh viện Zhongnan của Đại học Vũ Hán từ ngày 1/1 đến ngày 28/1. Tuổi trung bình của những bệnh nhân này là 56. 41% bệnh nhân trong số đó được cho là đã nhiễm virus corona mới ở trong chính bệnh viện. Những người này bao gồm 17 người đã nhập viện vì các bệnh khác và 40 nhân viên y tế.

    Bệnh nhân lây virus cho rất nhiều nhân viên y tế đã được đưa vào khu phẫu thuật vì các triệu chứng ở bụng. Ban đầu, người ta không nghi ngờ bệnh nhân này nhiễm virus corona. 4 bệnh nhân khác trong cùng phòng bệnh đó cũng nhiễm virus corona, khả năng cao do lây từ bệnh nhân đầu tiên.

    Trường hợp này là lời gợi nhắc về những bệnh nhân có khả năng “siêu lây lan” trong các đợt bùng phát dịch do virus corona khác gây ra như SARS và MERS. Đây là những bệnh nhân lây nhiễm virus cho nhiều người khác, đôi khi là hàng chục người. Giới chuyên gia vẫn chưa biết nhiều về hiện tượng này. Nó là hiện tượng không thể đoán trước và là một cơn ác mộng của các nhà dịch tễ học. Những cá nhân “siêu lây lan” đã dẫn đến việc lây truyền đáng kể dịch MERS và SARS trong bệnh viện.

    Các tác giả của báo cáo được đăng tải tên JAMA cho biết dữ liệu của họ cho thấy rằng có sự lây lan nhanh chóng từ người sang người trong những bệnh nhân này. Điều đó một phần là do những trường hợp như bệnh nhân được đưa vào khoa phẫu thuật trên có triệu chứng khiến các bác sĩ nghi ngờ các bệnh khác và không thực hiện các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn sự lây lan của virus cho đến khi quá muộn.

    Khoảng 10% bệnh nhân ban đầu không có các triệu chứng thông thường của việc nhiễm virus corona mới như ho và sốt mà thay vào đó, họ bị tiêu chảy và buồn nôn. Các triệu chứng không phổ biến khác bao gồm đau đầu, chóng mặt và đau bụng.

    Một nguyên nhân khác gây lo ngại là một số bệnh nhân ban đầu xuất hiện triệu chứng ở mức độ nhẹ hoặc vừa phải sau đó đã trở nặng trong vài ngày hoặc thậm chí một tuần khi mắc bệnh. Thời gian trung bình từ khi họ có các triệu chứng đầu tiên đến khi bị khó thở là 5 ngày, đến khi nhập viện là 7 ngày và đến khi khó thở nghiêm trọng là 8 ngày. Các chuyên gia nói rằng mô hình này có nghĩa là bệnh nhân phải được theo dõi cẩn thận và không nên cho rằng một bệnh nhân có vẻ khỏe trong giai đoạn đầu đã hết gặp nguy hiểm.

    Viethome (theo Metro)

  • Theo tin từ Sina Sports ngày 9-2, vận động viên thể hình Trung Quốc Qiu Jun được nhận định là 'người không bao giờ bị bệnh' đã qua đời ở Vũ Hán do nhiễm virus corona. 

    Ông Qiu Jun được mệnh danh là "người không bệnh" kể từ khi tập thể hình nhưng đã không thoát khỏi virus corona - Ảnh: Sina Sports

    Qiu Jun là công nhân bình thường ở Vũ Hán (Trung Quốc), sau khi nghỉ hưu ông bắt đầu chuyển sang tập thể hình và tham gia nhiều giải đấu trong nước. 

    Dù bắt đầu sự nghiệp muộn nhưng ông đã giành chiến thắng ở nhiều giải đấu thể hình quốc gia. Ông cũng xếp thứ 2 giải đấu thể hình quốc tế mang tên "Đêm thế giới Olympic" 2019 diễn ra ở Trung Quốc.  

    Vào tháng 11-2019, câu chuyện thành công muộn của ông Qiu Jun từng được các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin rộng rãi. Hình ảnh ông Qiu Jun đã 72 tuổi nhưng thân hình đầy cơ bắp, khỏe mạnh và rất đẹp khiến hàng triệu người Trung Quốc ngưỡng mộ. 

    Đặc biệt kể từ khi tập thể hình vào năm 42 tuổi, ông Qiu Jun có sức khỏe rất tốt và chưa từng đổ bệnh ngày nào. Tuy nhiên sau khi dịch bệnh corona bùng phát, ông Qiu Jun đang sinh sống ở Vũ Hán đã không thoát khỏi vận mệnh khi nhiễm bệnh và qua đời vào ngày 6-2.

    Gia đình của ông Qiu Jun đã gửi tin nhắn thông báo cái chết của ông cho bạn bè như sau: "Người cha không bao giờ bị bệnh của chúng tôi đã không thoát khỏi thảm họa...".

    Trái ngược với tình cảnh này, một cụ ông 91 tuổi lại vừa vui mừng xuất viện sau khi thắng virus corona. 

    Theo Daily Mail, bệnh nhân 91 tuổi nói trên là một công dân tỉnh Hồ Bắc, trước đó nhập viện ngày 23/1 và được chẩn đoán dương tính với virus corona.

    Hình ảnh ghi lại cảnh cụ ông xuất viện trên xe lăn đã được đăng tải bởi Tân Hoa Xã.

    Đây là bệnh nhân nhiễm virus corona lớn tuổi nhất tại Trung Quốc.

    "Tôi rất vui mừng khi được ra viện", cụ Vương nói. "Tôi muốn cảm ơn các bác sĩ và các tổ chức vì sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt."

    Ngoài bệnh nhân lớn tuổi này, ít nhất 5 trẻ em nhiễm virus corona đã được xuất viện sau khi bình phục hoàn toàn ở thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) hôm 6/2. Trong đó có một bé 2 tuổi.

    Fang Yurong, một bác sĩ nhi khoa tại bệnh viện Vũ Hán cho biết triệu chứng nhiễm virus của trẻ em khác với người lớn.

    “Chúng sẽ nói rằng con mệt, có thể bỏ ăn, buồn chán, khóc lóc”, bà Fang nói.

    Hiện, đa số các bệnh nhân nhiễm virus corona đều là người trưởng thành và người lớn tuổi. Số trẻ em nhiễm virus rất ít, và nếu mắc bệnh cũng thường nhẹ hơn.

    Theo Tuổi Trẻ/Tiền Phong

  • 5 công dân Anh, bao gồm 1 trẻ em, đã cho kết quả dương tính với virus Corona trên dãy Alps ở Pháp.

    5 người ở chung trong một căn nhà gỗ tại khu resort trượt tuyết Alpine ở xã Contamines-Montjoie, thuộc vùng đông Haute-Savoie.

    Bộ trưởng y tế Pháp Agnès Buzyn xác nhận hôm nay rằng một người đàn ông mang hộ chiếu UK đã tới Pháp vào ngày 24/1 sau khi kết thúc chuyến du lịch 3 ngày ở Singapore. Người này sau đó đã tiếp xúc với 11 người khác.

    Tất cả đã được đưa đến bệnh viện kiểm tra như một biện pháp phòng ngừa. 5 trong số này đã cho kết quả dương tính, trong đó có 1 đứa trẻ.

    Cả 5 người đã ở chung trong 1 căn nhà gỗ tại khu resort trượt tuyết ở Les Contamines-Montjoie, trên dãy Alps ở Pháp. Ảnh: Shutterstock
    Một người đàn ông đeo khẩu trang tại quảng trường Trocadero ở trước tháp Eiffel, Paris. Ảnh: Reuters

    Bà Buzyn cho biết các bệnh nhân đang trong tình trạng ổn định và được kiểm tra thường xuyên tại một bệnh viện ở Haute-Savoie. ''Tình trạng sức khỏe của họ không có dấu hiệu gì là nghiêm trọng'', bộ trưởng nói. Chính quyền Pháp cũng đang liên hệ với gia đình họ ở Anh.

    Bà Buzyn đã phát biểu trong một hội nghị báo chí ở Paris rằng Thủ tướng Edouard Philippe sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp vào ngày hôm nay.

    Tin tức này xuất hiện sau khi 40 người pháp được lên kế hoạch di tản khỏi Trung Quốc, nơi 722 người đã chết và 34.546 người đã nhiễm virus corona.

    Số người dương tính với virus corona ở Pháp là 11, sau khi ca đầu tiên xuất hiện vào cuối tháng 1. Số người nhiễm bệnh ở châu Âu là 35. Mới đây, 1 công dân Mỹ đã tử vong ở Vũ Hán vì virus này.

    Một chuyên gia phòng thí nghiệm cầm mẫu vật của bệnh nhân tại Viện Pasteur ở Paris. Ảnh: AFP
    Du khách mang mặt nạ bảo vệ trên đường phố Paris hồi tháng 1 (Ảnh: AFP)

    Tuần này, UK đã xác nhận trường hợp thứ 3 nhiễm virus sau khi một người đàn ông từ Singapore bay về Anh. Người này đã được đưa vào bệnh viện kiểm tra ở Brighton. Thông tin cho hay đây là một người đàn ông trung niên, hiện đã được chuyển tới Bệnh viện St Thomas' ở London vào hôm nay.

    2 trường hợp còn lại vẫn đang được điều trị tại trung tâm dịch bệnh nguy hiểm Royal Victoria Infirmary ở Newcastle upon Tyne. 

    Tại Majorca, Tây Ban Nha, 4 công dân Anh đã được đưa vào bệnh viện sau khi người bố tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm virus corona. Chính quyền địa phương cho biết đây là hai vợ chồng và 2 đứa con. Người bố đã được cách ly tại bệnh viện Son Espases trên đảo. Vợ con anh cũng được đưa vào bệnh viện này kiểm tra.  

    Viethome (theo Metro)

  • Một công dân Mỹ ở Vũ Hán đã chết vì chủng virus corona mới, được cho là ca tử vong đầu tiên của một người Mỹ từ dịch bệnh.

    Chưa có nhiều chi tiết về người Mỹ đã tử vong ngày 6/2 này. Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh cho biết người này khoảng 60 tuổi. Hai người biết về ca tử vong cho biết người này là phụ nữ và đã có một số chứng bệnh.

    “Chúng tôi gửi lời chia buồn chân thành nhất tới gia đình bệnh nhân về sự mất mát của họ”, người phát ngôn của đại sứ quán cho biết. “Tôn trọng sự riêng tư của gia đình, chúng tôi không có bình luận gì thêm”.

    Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết có 86 ca tử vong mới do virus corona và 3.399 ca nhiễm mới trong ngày 7/2. Trong số ca tử vong, có 81 ca ở tỉnh Hồ Bắc.

    Tính đến sáng 8/2, tổng số ca nhiễm virus corona ở Trung Quốc là 34.546 trường hợp. Tổng số ca tử vong ở nước này hiện là 722.

    Nhân viên đại sứ quán Mỹ trên một chuyến bay chở hàng được Bộ Ngoại giao Mỹ thuê để sơ tán người Mỹ và Canada từ Trung Quốc. Ảnh: Reuters

    Trong một diễn biến khác, một người đàn ông Nhật Bản ở tuổi 60 bị nghi nhiễm virus corona đã chết vì viêm phổi tại bệnh viện Vũ Hán, theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

    Nếu được xác nhận là nhiễm virus corona, bệnh nhân này sẽ là công dân Nhật Bản đầu tiên tử vong vì dịch bệnh. Bệnh viện đã chữa trị cho bệnh nhân này cho biết họ chưa thể kết luận về nguyên nhân ông bị viêm phổi.

    CNN và New York Times đưa tin Trung Quốc vẫn chưa mời các chuyên gia Mỹ tới hỗ trợ cuộc chiến chống dịch virus corona, mặc dù Mỹ đã đề nghị trợ giúp hơn một tháng trước, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Con người Alex Azar cho biết ngày 7/2, trái với một tuyên bố trước đó từ Nhà Trắng rằng chuyên gia Mỹ sắp tới Trung Quốc.

    Ông Azar nói chuyên gia Mỹ “sẵn sàng, mong muốn và có khả năng” tới trợ giúp Trung Quốc, và ông có thể sắp xếp để họ lên đường rất nhanh. Tổ chức Y tế Thế giới cũng đề nghị tương tự và cũng không được Trung Quốc hưởng ứng, dù không lý do nào được đưa ra.

    Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân có thể là người ngoài sẽ phát hiện những khía cạnh mới gây bê bối cho Trung Quốc. Chẳng hạn, nước này chưa công bố có bao nhiêu y bác sĩ tử vong khi chiến đấu với dịch bệnh, theo New York Times.

    Theo Zing

  • Lặng người nhìn kết quả dương tính với virus corona, đôi vợ chồng hơn 80 tuổi nghẹn ngào siết chặt tay nhau, bởi rất có thể đây là lần cuối trong đời họ được gần gũi đến thế.

    Theo ước tính, đã có ít nhất 426 người tử vong vì nhiễm bệnh do virus corona, 20.620 trường hợp bị lây nhiễm trên toàn cầu. Trong đó, đa số bệnh nhân tập trung ở khu vực Trung Quốc đại lục.

    Nỗi đau sinh ly tử biệt vẫn đang rình rập xung quanh từng con người ở vùng trung tâm dịch bệnh. Mới đây, một tài khoản Twitter đã chia sẻ câu chuyện cảm động về một đôi vợ chồng cao tuổi ở Trung Quốc cùng bị chẩn đoán nhiễm virus corona.

    Biết được mình đã bị lây nhiễm virus, song hai ông bà không hề hoảng loạn hay than thở nửa lời, chỉ lặng lẽ nắm tay nhau cùng vượt qua thời khắc khó khăn này. Bên dưới clip, người đăng bài viết: “Bầu bạn cả đời là trải nghiệm như thế nào? Hai bệnh nhân hơn 80 tuổi bị nhiễm virus corona đang nói lời tạm biệt trong thầm lặng ở phòng ICU. Đây có lẽ là lần cuối cùng trong đời họ còn nhìn thấy nhau”.

    Cụ ông nắm chặt tay vợ.

    Sức khỏe của cụ bà có vẻ không ổn định, phải dùng đến trang thiết bị y tế mới có thể duy trì nhịp thở bình thường. Thế nhưng, khi nghe tiếng chồng thủ thỉ trò chuyện, nhìn thấy ánh mắt lo lắng ấy, bà vẫn nắm chặt tay ông, lặng lẽ trấn an người đàn ông đã ở bên mình hơn nửa đời người.

    Tình cảm keo sơn của hai cụ già khiến nhiều người không kiềm được nước mắt khi nghĩ đến hoàn cảnh họ phải đối mặt. Virus corona rất khó tiêu diệt đối với người có hệ miễn dịch yếu như người già hoặc trẻ nhỏ, do vậy, khả năng sống sót qua bệnh dịch của hai cụ thực sự không cao. Đây rất có thể là lần cuối cùng họ được nhìn thấy bạn đời ngay trước mắt, chỉ để nói lời hẹn ước kiếp sau.

    Nhiều cư dân mạng đã gửi lời chúc phúc và cầu nguyện cho vợ chồng cụ ông vượt qua tai ương này. Thế nhưng, dù tình huống xấu nhất có xảy ra, ít nhất họ cũng đã ở bên nhau trong giây phút cuối đời.

    Theo Saostar

  • Sau khi vô tình đứng cạnh người bệnh khoảng 15 giây tại chợ rau mà không đeo khẩu trang, người đàn ông này đã nhiễm virus corona. Đây là ca lây virus corona nhanh nhất từng được ghi nhận.

    Vào ngày 4/2 vừa qua, một người đàn ông 56 tuổi sống ở quận Giang Bắc, thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, được chuẩn bị bị nhiễm virus corona. Người đàn ông này hiện đã được cách ly điều trị tại cơ sở y tế chỉ định.

    Theo điều tra dịch tễ ban đầu, trong vòng 14 ngày trước trước khi xác nhận lây nhiễm bệnh, người đàn ông này không có lịch sử cư trú hay đi qua khu vực có dịch, không tiếp xúc với động vật hoang dã và không có mối liên quan tới các ca nhiễm bệnh trước đó tại quận Giang Bắc. Người đàn ông này chỉ hoạt động quanh nơi sinh sống như lui tới các chợ rau, siêu thị và một số cửa hàng.

    Thế nhưng, các đoạn video giám sát do công an địa phương công khai ngày 5/2 cho thấy, vào lúc 7h47 sáng 23/1, nam bệnh nhân đã đứng gần một người phụ nữ 61 tuổi (người sau đó được xác định dương tính với virus corona) ở một sạp bán rau tại khu chợ địa phương. Hai người đứng cạnh nhau khoảng 15 giây và cả hai đều không đeo khẩu trang. Hiện tại, 19 người tiếp xúc gần với người phụ nữ kia cũng bị cách ly để theo dõi.

    Chỉ đứng cạnh người bệnh tại chợ rau khoảng 15 giây mà không đeo khẩu trang, người đàn ông đã nhiễm virus corona. Ảnh minh họa

    Vào ngày 5/2, thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang có 10 trường hợp mới nhiễm virus corona, trong đó có một cặp vợ chồng (chồng họ Từ, vợ họ Vương) được xác nhận đồng thời. Điều tra dịch tễ ban đầu cũng cho thấy, cặp vợ chồng này trong 14 ngày trước đó không có lịch sử cư trú hay đi qua khu vực có dịch, không tiếp xúc với động vật hoang dã và không có mối liên quan tới các ca nhiễm bệnh trước đó tại địa phương.

    Tuy nhiên, 3 ngày trước khi phát bệnh, anh Từ từng đến một phòng khám địa phương. Theo video từ camera giám sát ghi lại, vào lúc 14h21 phút ngày 22/1, anh Từ bước vào phòng khám và có tiếp xúc chính diện với bệnh nhân họ Dương, người được xác nhận nhiễm virus corona vào ngày 22/1.

    Cụ thể, anh Từ đứng chờ lấy thuốc tại quầy và anh Dương cũng đứng gần đó. Hai người đứng gần nhau trong khoảng 50 giây và trong thời gian đó, cả hai đều không đeo khẩu trang. Tới ngày 25/1 và 27/1, anh Từ và chị Vương lần lượt phát bệnh và tới ngày 5/2, cả hai bị xác nhận đã nhiễm virus corona.

    Theo Saostar