• Chính phủ Anh cảnh báo đất nước có thể chứng kiến đợt bùng phát lớn của dịch bệnh do virus corona gây ra, tuy nhiên khẳng định đã chuẩn bị phương án đối phó.

     

    Trong ngày 3/3, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết 51 người đã được xác nhận nhiễm virus corona, trong đó 12 ca nhiễm mới được ghi nhận trong 24 giờ qua.

    Theo đó, 8 bệnh nhân đã trở về từ Italy, 1 từ Đức, 1 từ Singapore, 1 từ Nhật Bản và 1 từ Iran. Các bệnh nhân này sống ở London, Hampshire, Northamptonshire, Bury, Wirral, Greater Manchester, Humberside và Kent.

    Tờ Mirror liệt kê danh sách một số cơ sở từng có người mắc dịch bệnh:

    - Trường trung học Hilbre High School ở Wirral, North West England.

    - Một đại lý du lịch ở Norbiton, Kingston-upon-Thames, London.

    - Trường The Guildhall School of Music and Drama, London.

    - Wimbledon College, London.

    - Kenton Bar Primary School ở Newcastle có 3 học sinh được kiểm tra virus corona, nhưng chưa rõ các em có nhiễm bệnh hay không.

    - Một trường tiểu học ở Buxton, Derbyshire.

    - Phòng khám Buxton Medical Practice, Derbyshire.

    - Trường tiểu học Burbage Primary School, Midlands.

    - Quán rượu The Prince of Wales ở Hammer Vale, Haslemere.

    - Trường tiểu học St Mary's Primary School ở Tetbury.

    - Trường mầm non Willow Bank Infant School ở Woodley.

    - Trường tiểu học Peartree Spring Primary School ở Stevenage, Hertfordshire.

    - Trung tâm điều trị ung thư Mount Vernon Cancer Centre ở Northwood.

    - Phòng khám Davenport House Surgery, Hertfordshire.

    - Trường Churston Ferrers Grammar School, South Devon.

    - Bridgewater House, Bristol.

    - University of York.

    Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 3/3 cho biết nhiều khả năng nước Anh sẽ chứng kiến thêm nhiều ca nhiễm virus corona, có thể ảnh hưởng tới 20% người lao động nước này. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo nước Anh cho biết phần lớn bệnh nhân sẽ có "triệu chứng nhẹ".

    "Đối với phần lớn người nhiễm virus, sẽ chỉ có triệu chứng nhẹ và họ sẽ nhanh chóng hồi phục hoàn toàn như những gì chúng ta đã thấy. Tôi hoàn toàn thấu hiểu sự lo lắng của công chúng, khi virus đang lan rộng toàn cầu", Thủ tướng Johnson cho biết.

    Thủ tướng Johnson nhấn mạnh chính phủ Anh đã có sự chuẩn bị cho kịch bản dịch bệnh bùng phát. Nhà lãnh đạo nước Anh cũng khuyến cáo công chúng "rửa tay bằng xà phòng và nước nóng trong một khoảng thời gian tương đương với 2 lần thời gian hát bài Chúc mừng sinh nhật".

     
    Khu vực dành riêng cho người đi kiểm tra virus corona ở Bệnh viện Western General Hospital, Edinburgh. Ảnh: PA

     
    Bất cứ ai không có nhu cầu kiểm tra virus corona được cảnh báo tránh xa khu vực này. Ảnh: PA

    Cũng trong ngày 3/3, chính phủ Anh đã công bố kế hoạch ứng phó với sự bùng phát của virus corona. Theo đó, nhà chức trách Anh sẽ đóng cửa các trường học, triển khai làm việc tại gia và giảm quy mô các hoạt động có sự tham gia của lượng lớn người dân. Các bác sỹ và y tá nghỉ hưu có thể sẽ được yêu cầu trở lại làm việc.

    Cũng theo kế hoạch ứng phó, quân đội Anh sẽ được điều động tham gia hỗ trợ trong tình huống khẩn cấp nếu cần thiết. Trong khi đó, cảnh sát Anh được yêu cầu tập trung vào công tác duy trì trật tự xã hội và chỉ xử lý các loại tội phạm nghiêm trọng nhất.

    Theo Metro

  • Biên tập viên Nick Stylianou của kênh truyền hình Sky News đã có dịp chia sẻ trải nghiệm về quãng thời gian bị cách ly và chờ xét nghiệm Covid-19 của chính mình.

    Khi trở lại Anh vào ngày lễ Tình nhân sau chuyến đi mừng sinh nhật 30 tuổi tại Bologna, tôi cảm thấy mình có vẻ bị cảm nặng.

    Từng tham gia sản xuất một số bản tin về dịch Covid-19, nên tôi hiểu rằng, vào thời điểm đó, một số trường hợp nhiễm bệnh nghiêm trọng tại châu Âu đang rải rác tại một số vùng ở Pháp.

    5 ngày sau khi về nhà, bệnh tình của tôi có vẻ nặng hơn. Nhưng tôi vẫn phải vật lộn với sự mệt mỏi để tiếp tục đi làm và dành hẳn một ngày cuối tuần để ngủ với cảm giác nặng nề trên ngực.

    Nhưng tới sáng thứ Hai, đã rộ lên tin tức về "vùng đỏ" của Ý, khu vực mà người dân không được phép ra ngoài. Khi nói chuyện với các đội tác nghiệp tại châu Âu và kiểm tra các số liệu mới nhất, tôi mới nhận ra khu vực mình vừa đi du lịch - vùng Emilia-Romagna –vừa ghi nhận có gần 20 trường hợp nhiễm Covid-19.

    Nhưng cả Cơ quan Y tế công cộng lẫn Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) không cảm thấy trường hợp của tôi đáng phải bận tâm, do Ý lúc đó vẫn chưa nằm trong danh sách các quốc gia "có nguy cơ cao". Công ty chúng tôi, dù vậy, vẫn đưa ra lời khuyên rất rõ ràng. Tôi lập tức lái xe về nhà để chờ cuộc gọi lại từ tổng đài của NHS.

    Nick Stylianou phải tự cách ly sau chuyến di từ Ý (Ảnh: Sky News)

    Phải mất 11 tiếng tổng đài mới liên lạc lại với tôi. Đầu dây bên kia là một nữ y tá nghe có vẻ không được khỏe. Cô ấy xin lỗi vì sự chậm trễ nhưng cho biết lời khuyên dành cho tôi vẫn không thay đổi. Miền bắc nước Ý vẫn chưa có rủi ro cao. Khuyến cáo mới sẽ được cập nhật vào lúc 2 giờ chiều ngày hôm sau, nên hiện tại tôi chỉ cần nghỉ ngơi và uống Paracetamol.

    Vào lúc 8 giờ sáng thứ Ba, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock, trong chương trình bản tin sáng của biên tập viên Kay Burley, đã đưa ra khuyến cáo mới cho những ai từng du lịch đến miền bắc nước Ý. Người nào mới trở về từ 11 thị trấn Ý bị cách ly sau ngày 19.2 phải tự cách ly và đi xét nghiệm ngay lập tức.

    Những ai mới trở về từ các khu vực phía bắc vùng Pisa sau ngày 19.2 mà xuất hiện các triệu chứng giống cảm cúm nên tự cách ly trong 14 ngày và gọi 111 (số đường dây nóng của NHS) để được xét nghiệm.

    Các triệu chứng của tôi vốn không xuất hiện cho đến ngày 18.2, vì vậy tôi lại gọi 111, giải thích những gì vừa được Bộ trưởng Y tế giải thích trên truyền hình và yêu cầu làm rõ thông tin trên. Tổng đài vẫn chưa phản hồi thông tin mới trên, vì vậy tôi lại phải đợi một cuộc gọi khác.

    4 tiếng sau, tôi được nói chuyện một người trong đội phòng dịch Covid-19 ở London, và được khuyên nên tự cách ly một cách nghiêm ngặt và cần được "phết xét nghiệm". Tổng đài NHS lúc đó đang quá tải vì quá nhiều cuộc gọi đến.

    Nhân viên y tế có mặt tại nhà Nick để đưa anh đi xét nghiệm (Ảnh: Sky News)

    May mắn thay, một đội ngũ y tế công cộng vẫn có thể đến nhà tôi, nhưng do quá họ bận rộn, nên tôi sẽ phải chờ thêm 2 ngày nữa để được đưa đi xét nghiệm. Ở những khu vực khác, mọi người phải tự đi đến các bệnh viện cộng đồng.

    Vào giờ ăn trưa hôm thứ Năm, tôi được đưa đến cơ sở xét nghiệm và được chỉ đường vào trong phòng cách ly, nơi có các nhân viên y tế mặc bộ đồ bảo hộ.

    Một số người được phết mũi và cổ họng bằng tăm bông, nhưng tôi chỉ được phết ở họng. Quy trình này dù ngắn, nhưng khá khó chịu. Nó giống như việc ai đó lấy ống hút chọc vào phần amidan của bạn.

    Tôi hỏi đội y tế có bận không. "Bạn không thể hình dung nổi đâu, chúng tôi dường như đã khám hơn một nửa số dân London rồi," họ trả lời, “Rất nhiều người từng dành thời gian tại nước ngoài, phổ biến nhất trong thời gian gần đây là ở Thái Lan và Malaysia."

    Sau đó, tôi được phát một bản in giấy 3 trang với tiêu đề "Bản hành động 11 v1.0: Lời khuyên cho các cá nhân bị cách ly và chăm sóc tại nhà ", bao gồm tất cả các lời khuyên giữ gìn vệ sinh được trình bày ​​một cách chi tiết.

    Anh hiện có tổng cộng 51 trường hợp dương tính với Covid-19 (Ảnh: Sky News)

    Kết quả của đợt xét nghiệm của tôi có thể mất "tới 3 ngày", vì vậy để giết thời gian trong phòng cách ly, tôi vừa nằm đếm các ô gạch trên tường, vừa tự hỏi tôi có thể cất trữ thức ăn như thế nào, hoặc đặt hàng vận chuyển ra sao nếu bị cách ly.

    Tôi có thủ sẵn một vài khẩu trang còn sót lại từ lần đưa tin các vụ cháy rừng ở Úc vào đầu năm nay, nên đã phát chúng cho những người cùng phòng của mình, dù một thực tế tác dụng của chúng lúc này không hơn đồ trang trí là bao.

    Đến hôm thứ Sáu, tức đã 14 ngày trôi qua kể từ khi tôi trở về Anh và đáng ra đã phải chấm dứt tình trạng bị cách ly, nhưng tôi vẫn chờ đợi.

    Phải đến tối Chủ nhật, tôi cuối cùng mới được cho về sau khi nhận được kết quả xét nghiệm âm tính. Suốt 6 ngày trong phòng cách ly, tôi đã suy nghĩ luẩn quẩn về việc bao nhiêu người sẽ lây bệnh nếu tôi bị nhiễm virus, về chuyến tàu đến Ý và chuyến bay về nhà, về bữa tiệc sinh nhật của tôi, về gia đình và tòa soạn….

    Nhưng có một suy nghĩ còn đáng lo sợ hơn thế: nếu chằng may có ai đó sống gần nhà bị xét nghiệm dương tính, liệu tôi có phải trải qua điều này một lần nữa hay không.

    Theo Dân Việt

  • Hai ngày qua, sự lây lan của dịch bệnh do virus corona (Covid-19) khiến tình hình ở các nước thay đổi chóng vánh. 3 người Việt Nam đang sống và làm việc ở Nhật Bản, Iran và Italy đã chia sẻ: Chỉ trong vài ba ngày mà cảm giác thái độ của người dân đối với dịch khác hẳn. 

    Chị Phan Phương Thúy, thành phố Suzaka, tỉnh Nagano, Nhật Bản: Nhiều nơi cháy giấy vệ sinh, cháy cả gạo mì

    Tại siêu thị nơi tôi làm việc, đến hôm 1/3, giấy vệ sinh hết, gạo hết, khẩu trang thì nửa tháng nay không mua nổi một chiếc. Người Nhật cứ tưởng bình thản được, rồi cũng đến lúc không thể ngồi yên.

    Từ hôm thứ sáu vừa qua, sau khi trên mạng xã hội lan tràn tin nguồn nguyên liệu giấy vệ sinh khan hiếm do không nhập được từ Trung Quốc, người dân không rõ thực hư ra sao nên đổ xô đi mua. Hôm đó tôi đi làm ở siêu thị, không hiểu tại sao giấy vệ sinh hết nhanh thế, ai cũng mua vài bịch, về nhà đọc mới biết. Chủ nhật tôi cũng đi làm, siêu thị quá đông, một mình tôi thanh toán mấy trăm khách, có hai người ho vài tiếng cũng thấy hãi.

    Dù chính quyền có thông tin khẳng định Nhật tự túc 97% khả năng sản xuất giấy, nhưng tâm lý chung là sợ hết nên cứ đi mua - một chị người Nhật làm cùng nói với tôi nói. Hôm qua, vì tâm lý, tôi cũng định dự phòng mua một hai bịch giấy nhưng hết sạch. 

    Trên một số group người Việt tại Nhật cũng chia sẻ thông tin về vụ hết giấy vệ sinh, và cảnh báo nhau cẩn thận không bị thông tin lừa đảo. Có bạn đăng hình hôm qua ở siêu thị bạn, hàng đã về đầy ắp nhưng hạn chế mỗi người chỉ được mua một bịch.

    Cùng với đó có vẻ người dân cũng theo đà dự trữ thực phẩm luôn. Như gạo, mì gói, thực phẩm đóng hộp - chỗ tôi chưa hết hẳn nhưng chỗ bạn tôi ở Kanagawa thì cháy hàng. Một phần tâm lý lo lắng dịch bệnh, nhưng một phần do học sinh ở Nhật bắt đầu kỳ nghỉ. 

    Kệ hàng ở siêu thị nơi chị Thúy làm việc, giấy vệ sinh hết sạch, đồ ăn khô được mua nhiều chưa từng thấy. (Ảnh: P.T)

    Từ tuần này cấp 1, 2 nghỉ đến hết kỳ nghỉ xuân, khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4. Mầm non vẫn đi học, bởi ở đây các mẹ chủ yếu tự chăm con và tranh thủ làm bán thời gian khi con đi lớp.

    Công việc bán thời gian ở Nhật khá nhiều, số lượng các mẹ làm thêm khá lớn, nên nếu cho nghỉ thì vấn đề công việc sẽ bị trì trệ phần nào. Hiện tại tình hình vẫn trong tầm kiểm soát nên chưa cần thiết cho nghỉ, nhưng nếu phức tạp hơn chắc có tính đến.

    Trường mẫu giáo của con tôi cũng hủy một số hoạt động hoặc tổ chức quy mô nhỏ hơn, hạn chế tụ tập, đồng thời thông báo lịch có thể thay đổi tùy theo diễn biến dịch.

    Nhiều công ty cũng có hỗ trợ các bố mẹ phải ở nhà trông con, như cho làm tại nhà hoặc làm nửa ngày vẫn có lương, hay dùng thời gian nghỉ phép có lương.  Mà bình thường hiếm khi người Nhật dùng ngày phép có lương dù được khá nhiều.

    Siêu thị tôi làm hôm qua cũng phát giấy cho phụ huynh có con học cấp 1,2 phải nghỉ để có hỗ trợ, nhưng tôi chưa cần vì bé vẫn đến trường.

    Hiện tại với gia đình tôi dù lo lắng hơn nhưng cũng vẫn tin tưởng dịch sẽ được kiểm soát. Cảm giác mình ở vùng lũ lo 2, 3 thì ở nhà mọi người lo 6, 7. Thông tin nhiều cũng tốt, nhưng thông tin nhiễu loạn và hiểu ko đúng có thể còn phản tác dụng. Giờ có chọn về Việt Nam lánh dịch thì ít nhất cũng bị cách ly 2 tuần. Chúng tôi vẫn chọn ở lại, chỉ hạn chế đi chơi cuối tuần, chỉ ra ngoài khi cần thiết và luôn đeo khẩu trang, rửa tay nhiều lần. Mong là dịch sẽ mau hết.

    Một người Việt không nêu tên ở Tehran, Iran: Tâm lý hoài nghi của người dân tăng lên 

    Ngày 1/3 Iran thông báo có 978 người nhiễm virus corona- tăng 385 ca so với hôm trước và 54 người chết - tăng 11 người, đồng thời, có 175 người ra viện. Chỉ riêng trong một ngày đã có tới 11 người tử vong vì Covid-19, thông tin đó khiến người dân khá hoang mang lo lắng.

    Chính quyền sử dụng tin nhắn đề nghị người dân hạn chế ra đường, không tin vào các thông tin không chính thống, đi bơm xăng thì chỉ nên ngồi trong xe. Người dân mua khẩu trang rất khó. Việc hành lễ ở một số nhà thờ Hồi giáo ở 22 tỉnh đã bị hủy. Có tin nói một số đại sứ quán các nước đang cân nhắc việc chỉ để cán bộ ngoại giao ở lại, còn gia đình họ đưa về nước. Các trường học tiếp tục nghỉ. Các sự kiện như triển lãm, hội thảo đều bị hủy bỏ.

    Tôi nhận thấy người dân có tâm lý nghi ngờ nhiều hơn. Ở Iran, tỷ lệ người chết so với tỷ lệ người nhiễm cao hơn nhiều nước nên người ta không khỏi hoài nghi về con số. Số liệu không chính thức và số liệu truyền tai thì cao hơn số liệu chính thống nhiều, nhưng không có gì kiểm chứng. Riêng ở Iran, Covid-19 lây nhiễm đến quan chức cấp cao nhiều. Bây giờ, thay vì họp báo trực tiếp thì họ họp báo trực tuyến.

    Mấy hôm nay tôi hạn chế ra đường, chỉ ra để mua nhu yếu phẩm cần thiết. Đường phố rất vắng vẻ, khác hẳn cảnh tắc đường mọi khi. Mọi người tâm trạng thấy lo âu, chả biết khi nào thì dịch kết thúc. Tôi thấy nhiều người dân cảnh giác với Covid-19, đeo khẩu trang phòng bị đầy đủ nhưng một số thì vẫn hết sức chủ quan.

    Đại sứ quán của ta ở đây vẫn khuyến cáo người Việt cẩn trọng, tiến hành các biện pháp vệ sinh phòng ngừa, tránh ra ngoài, lưu ý bài học kiểm soát dịch hiệu quả ở Việt Nam. Tôi không sợ hãi, bởi đều cảnh giác cao độ theo hiểu biết của mình.

    Các hãng hàng không hủy chuyến tới Iran rất nhiều, giá vé tăng cao vì nhiều người trước mắt muốn rời khỏi Iran tránh Covid-19, sau đó sẽ chẳng ai đi nữa và giá có thể lại giảm thôi.

    21.3 tới sẽ là Tết năm mới của người Iran, gọi là Nowruz, tương tự như Tết âm lịch ở nhà. Iran sẽ được nghỉ khoảng hơn 2 tuần, như vậy cũng rất đỡ cho việc phòng tránh bệnh tật.

    Đào Trung Kiên – Nghiên cứu sinh Tiến sĩ ở Italia: Có hiện tượng kỳ thị người Châu Á

    Dịch ở Italia xuất phát từ Milan là một trung tâm lớn, nên từ đó lan ra rất nhiều vùng. Tôi mới sang 3 tuần nhưng đúng vào thời điểm dịch lây lan rất nhanh. Lúc tôi vừa sang ở Italia chỉ có 2 ca tử vong ở Roma, bây giờ đã mấy chục ca.

    Vùng tôi ở là Emilia Romagna, ngay cạnh Lombardy, trung tâm của dịch Covid-19. Tôi ở thành phố Modena khá nhỏ, nhưng cũng đã hơn 10 ca. Có bạn sinh viên mới sang thì gia đình cũng hỏi có về không. Nhưng theo ghi nhận của tôi qua bạn bè và các nhóm sinh viên Việt Nam ở đây, mọi người đều tương đối bình tĩnh. Chúng tôi chỉ hạn chế ra ngoài, hạn chế phương tiện công cộng, chuyển sang đi bộ và xe đạp.

    4 vùng phía bắc bị ảnh hưởng của dịch đã cho sinh viên nghỉ tuần này, trong đó có cả trường tôi. Nhưng tình hình này có lẽ họ sẽ cho sinh viên nghỉ thêm. Các hoạt động lễ hội bị hủy.

    Đường phố Modena vắng hẳn, nhiều người vẫn không đeo khẩu trang. (Ảnh: Đ.T.K)

    Ra siêu thị mua thực phẩm, tôi không thấy mọi người tích trữ nhiều lắm. Gần một tuần trước siêu thị chỗ tôi cũng có hiện tượng người dân mua vét hàng, nhưng chỉ một hai ngày, sau đấy lại đầy ắp. Vùng cung cấp thực phẩm của Italia ở phía nam, Italia lại cung hoa quả, rau tươi cho các nước khác nên nguồn cung không lo.

    Các hiệu thuốc ở đây không bán khẩu trang y tế. Hôm cuối tuần tôi đi 3 cửa hàng mà không mua được, nhưng nhóm bạn sang cùng tôi có mấy người cũng mang theo sẵn khẩu trang và chúng tôi có thể chia sẻ cho nhau.

    Đại sứ quán Việt Nam tại Italia đã lập 2 kênh hotline, nhắn cho các nhóm sinh viên, hội sinh viên Việt Nam, qua đó chúng tôi cũng nhận được thông báo, nếu sinh viên và kiều bào ở đây có ai bị lây nhiễm, cần hỗ trợ thì liên hệ với cán bộ phụ trach cộng đồng và lưu học sinh qua số điện thoại và email được cung cấp.

    Tôi ở cùng một bạn người Italia học ngành Y, bạn ấy cũng giải thích cho tôi các thông tin về cách phòng ngừa. Tuy nhiên ở thành phố chúng tôi cũng đã xảy ra hiện tượng kỳ thị người nước ngoài, nhất là người Châu Á. Chúng tôi đi ra ngoài gặp cư dân ở đây, họ thấy mình là người Châu Á, họ không rõ nước nào nhưng e ngại vì dịch xuất phát từ Trung Quốc thì họ lịch sự lảng đi chỗ khác. Có một bạn trong đoàn tôi, đi xe đạp buổi tối đã bị một nhóm thanh thiếu niên chặn lại ho vào mặt.

     Theo Dân Việt

  • Chỉ một số khán giả đeo khẩu trang xem trận Lazio gặp Bologna trong giải Serie A ở Rome, Italia ngày 29.2.2020. Ảnh: Xinhua

    Ngày 31.1, Italia mới có 2 ca nhiễm COVID-19, nhưng chỉ  sau 1 tháng đã có hơn 2.000 ca nhiễm và 52 ca tử vong.

    Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Châu Âu (ECDC), với con số 2.030, Italia hiện có số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất Châu Âu. Con số này đã tăng 20% so với 1 ngày trước đó. Đồng thời, số ca tử vong cũng tăng từ 34 lên 52 ca trong ngày 2.3.

    Điều gì thực sự gây ra sự bùng phát lớn ở Italia? Tại sao Italia là quốc gia bị nặng nhất Châu Âu và bị ảnh hưởng nhiều nhất ngoài lục địa Châu Á?

    Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CGTN lý giải, là một bên ký kết Thỏa thuận Schengen, Italia không có quyền kiểm soát biên giới với hầu hết các nước Châu Âu. Theo CGTN, việc Italia đơn phương cấm các chuyến bay trực tiếp đi và đến Trung Quốc không phải là sự lựa chọn hợp lý và thấu đáo, và chỉ gây ra lo lắng và rắc rối nghiêm trọng cho hàng nghìn hành khách Italia và Trung Quốc phải trở về nhà.

    Hơn nữa, ngay cả khi Italia đình chỉ tất cả các chuyến bay của Trung Quốc, hành khách khởi hành từ Trung Quốc vẫn có thể chọn đi qua các điểm dừng chân ở các điểm đến thứ ba. 

    Vấn đề về cơ bản không phải là các chuyến bay từ Trung Quốc cũng như người đến từ Trung Quốc, mà là các nước khu vực Schengen đã không cùng thực hiện kiểm soát sức khỏe chặt chẽ hơn tại các sân bay quốc tế, nếu so với những gì Trung Quốc đã làm - theo CGTN.

    Ngoài ra, ở Italia không có thói quen đeo khẩu trang ngay cả khi bị cảm lạnh và bị bệnh. Nếu một người đeo khẩu trang trên đường, người đó có thể được coi là người bị ung thư hoặc có các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác. Khác với nhiều nước Châu Á, nơi đeo khẩu trang là việc bình thường thì chuyện này rất hiếm ở Italia.

    Thực tế là có rất nhiều trường hợp COVID-19 liên quan đến những người chưa từng đến Trung Quốc hoặc tiếp xúc với ai đó từ Trung Quốc, có nghĩa là COVID-19 có thể đã lây lan ở miền bắc Italia trong nhiều tuần trước khi nó được phát hiện vì mọi người chỉ đơn giản nghĩ rằng họ bị cảm lạnh thông thường.

    CGTN cho rằng đây là hai lý do để giải thích tại sao Italia trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch COVID-19 ngoài Châu Á. Ở giai đoạn hiện tại, nếu các chính trị gia Italia không thực hiện các biện pháp ngay lập tức để hạn chế sự lây lan rộng COVID-19 ở trong nước và trên khắp Châu Âu và xa hơn thế nữa, tình hình sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn.

    Liên minh Châu Âu (EU) đã nâng cảnh báo với COVID-19 lên mức cao trước tình hình số ca nhiễm tại khu vực này đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là tại Italia.

    Theo Lao Động

  • Các biện pháp can thiệp không dùng thuốc đã chứng tỏ vai trò hiệu quả trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh COVID-19 ở Trung Quốc.

    Ông Lương Vạn Niên, đứng đầu Hội đồng chuyên gia Trung Quốc về ứng phó và xử lý ổ dịch trong cuộc phỏng vấn với Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc. Ảnh: CCTV

    Các biện pháp này còn được gọi là các biện pháp xã hội, bao gồm cách ly, quản lý nguồn nhiễm bệnh, bảo vệ và phòng ngừa cá nhân và giữ khoảng cách xã hội, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc dẫn lời ông Lương Vạn Niên, người đứng đầu Hội đồng Chuyên gia Trung Quốc về ứng phó và xử lý ổ dịch, cho biết trong một cuộc phỏng vấn độc quyền ngày 1.3.

    Ông Lương cho biết đất nước Trung Quốc là một minh chứng rõ ràng trong lịch sử y tế công cộng toàn cầu về những thành tựu đạt được từ các biện pháp can thiệp cũng như tính quyết đoán và linh hoạt trong việc xử lý các ổ dịch COVID-19.

    Dịch bệnh mới COVID-19, với tốc độ lan truyền nhanh và khả năng lây nhiễm mạnh, có tỷ lệ tử vong tương đối cao ở người già và người mắc bệnh mãn tính. Dịch bệnh bùng phát đã gây ra tác hại lớn cho nền kinh tế và toàn xã hội. 

    Có hai phương pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh. Một phương pháp là dùng thuốc và vaccine đặc trị, cho thấy hiệu quả trong điều trị nhưng có tác dụng hạn chế trong kiểm soát dịch bệnh. Phương pháp thứ hai là can thiệp bằng các biện pháp không cần dùng thuốc, trong thực tế đã đóng một vai trò quan trọng ở Trung Quốc.

    Về lý thuyết, nếu không có thuốc hoặc vaccine đặc trị, xu hướng mắc bệnh sẽ liên tục gia tăng vì dân số nhìn chung dễ bị nhiễm virus mới (COVID-19), nhưng xu hướng cũng cho thấy sự suy giảm liên tục sau khi đã đạt đến đỉnh điểm, điều đó có nghĩa là các biện pháp can thiệp đã tỏ ra hiệu quả.

    Biểu đồ tỷ lệ nhiễm bệnh ở Trung Quốc. Ảnh: CCTV

    "Biểu đồ (ảnh minh hoạ) đã chứng minh rằng căn bệnh này là có thể kiểm soát được và những hành động mang tính quyết định của Trung Quốc đã làm thay đổi tiến trình của dịch bệnh", ông Lương nhấn mạnh.

    Ông Lương Vạn Niên khẳng định: “Điều này giúp cho thế giới có thêm thời gian để tạo dựng một hệ thống phòng thủ chống lại dịch bệnh và chứng minh cho các quốc gia khác thấy rằng đừng do dự, hãy khống chế sự lây lan của COVID-19 bằng các cách mà Trung Quốc đã làm".

    Trước đó, trong một cuộc họp báo hôm 25.2, ông Bruce Aylward, một nhà dịch tễ học người Canada, dẫn đầu đoàn công tác WHO tới Trung Quốc tìm hiểu cuộc chiến chống COVID-19, đã khẳng định hiệu quả của các biện pháp chống dịch không dùng thuốc ở Trung Quốc và ca ngợi vai trò quan trọng của Trung Quốc trong việc bảo vệ cộng đồng quốc tế.

    Ông Aylward thừa nhận rằng ông từng có thành kiến về các can thiệp không dùng đến thuốc. Tuy nhiên, không có thuốc hoặc vaccine đặc trị, "Trung Quốc nói, OK, chúng tôi không có thuốc. Chúng ta hãy loại bỏ những cái cũ. Hãy điều chỉnh lại. Hãy đổi mới và hãy ngăn chặn loại virus này và cứu sống người bệnh. Và đó là những gì họ đã làm được”.

    Theo Lao Động

  • Mỹ hôm nay có thêm 4 trường hợp tử vong vì Covid-19 ở bang Washington, nâng tổng số người chết vì căn bệnh này lên 6 và khiến bang thuộc vùng tây bắc nước này trở thành tâm dịch của Mỹ.

    Nhân viên y tế vận chuyển bệnh nhân tại Washington. (Ảnh: Reuters)

    Giới chức y tế hạt King của bang Washington báo cáo 3 ca tử vong, còn hạt Snohomish ghi nhận 1 ca tử vong. Giới chức cho biết hầu hết các trường hợp chỉ có triệu chứng nhẹ. 

    Nhiều ca nhiễm ở bang này có liên quan đến một cơ sở điều dưỡng ở Kirkland, vùng ngoại ô của TP Seattle ở hạt King, nơi 2 ca tử vong đầu tiên được báo cáo. 

    Mỹ đến nay đã ghi nhận tổng số gần 100 ca nhiễm.

    Khi gặp lãnh đạo các hãng dược vào chiều 2/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump  liên tục hỏi họ rằng liệu có thể có vắc-xin “trong vài tháng tới” hay không. Lãnh đạo các doanh nghiệp nhấn mạnh rằng phát triển vắc-xin đòi hỏi phải thử nghiệm qua nhiều bước, nên tốn thời gian. 

    Ông Trump dự kiến thăm Viện Y tế quốc gia ở bang Maryland trong ngày 3/3 và trụ sở của Trung tâm phòng chống bệnh tật Mỹ (CDC) ở Atlanta vào thứ 6 tuần này. 

    Phó Tổng thống Mike Pence đã họp với các thống đốc về công việc của lực lượng chống dịch của Nhà Trắng mà ông là người đứng đầu. 

    Ông Pence cũng thừa nhận trong cuộc trả lời phỏng vấn CNN hôm Chủ nhật vừa qua rằng Mỹ đang tụt sau các nước khác trong sản xuất và phân phối bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19. 

    Phó Tổng thống ban đầu nói rằng sẽ có 15.000 bộ xét nghiệm được cung cấp vào cuối tuần, và sẽ có thêm 50.000 bộ nữa trong tuần này, đủ để xét nghiệm cho hàng ngàn bệnh nhân. CDC trước đó cho biết mỗi bộ chẩn đoán có thể xét nghiệm cho 700-800 mẫu của bệnh nhân. 

    Nhưng Bộ trưởng dịch vụ y tế và con người Alex Azar cuối tuần qua nói rằng chính quyền Mỹ sẽ phải đủ khả năng xét nghiệm cho khoảng 75.000 người. 

    Ông Trump luôn hạ thấp tính nghiêm trọng của Covid-19 tại Mỹ, trong khi dịch bệnh này đã cướp đi mạng sống của hơn 3.000 người và lây nhiễm cho hơn 90.000 người khắp thế giới. 

    Bộ Y tế Trung Quốc thông báo nước này chỉ có thêm 125 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, mức thấp nhất ở Trung Quốc kể tử ngày 20/1. Thêm 31 ca tử vong được xác nhận, tất cả đều ở tâm dịch Hồ Bắc. Cho đến nay, Trung Quốc có tổng số 80.151 ca nhiễm và 2.943 trường hợp tử vong. 

    Sự dịch chuyển của dịch Covid-19 khiến Hàn Quốc, Italia và Iran trở thành ổ dịch mới. Virus này cũng được phát hiện lần đầu tiên ở New York, Mátxcơva và Berlin, cũng như Latvia, Indonesia, Morocco, Tunisia, Senegal, Jordan và Bồ Đào Nha. Số người chết vì Covid-19 trên toàn cầu đã chạm mốc 3.000, số ca nhiễm đạt mốc 89.000 ở tất cả 70 quốc gia. 

    Giới chức y tế toàn cầu trấn an dư luận rằng virus này vẫn mối đe dọa có thể kiểm soát. “Khống chế là việc khả thi và phải lại ưu tiên hàng đầu của tất cả các quốc gia”, Tổng giám đốcWHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định.

    Trên khắp thế giới, cuộc khủng hoảng này đang đảo lộn thói quen hằng ngày của hàng triệu người. 

    Trẻ em ở nhiều nước phải nghỉ học. Những người bị cách ly ở Israel dùng quầy riêng để bỏ phiếu bầu cử. Thủ tướng Đức Angela Merkel bị một Bộ trưởng từ chối bắt tay. Liên Hợp quốc hoãn một hội nghị lớn về phụ nữ, trước đó dự kiến tập hơn 12.000 người từ 193 quốc gia thành viên đến New York trong tuần tới. 

    Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cảnh báo kinh tế thế giới sẽ suy thoái trong quý 1 năm nay, lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây hơn chục năm. “Triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn ảm đạm và không chắc chắn”, OECD dự đoán. 

    Theo Tiền Phong

  • Khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, làn sóng tẩy chay người gốc Hoa bùng lên ở Italy. Nhưng giờ đến lượt người Italy bị "quay lưng".

    Sau khi Trung Quốc trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới, du khách đến từ quốc gia châu Á này bị xa lánh, lăng mạ, thậm chí bạo hành ở Italy. Những nhà hàng Trung Quốc ở đây cũng trở nên vắng khách vì nỗi sợ nCoV. Italy cũng là quốc gia duy nhất ở châu Âu cấm toàn bộ chuyến bay thẳng từ Trung Quốc.

    Nhưng giờ, chính quốc gia châu Âu này lại trở thành ổ dịch Covid-19 lớn thứ ba thế giới, với hơn 2000 ca nhiễm và 52 trường hợp tử vong, khiến người Italy ở nước ngoài lập tức trở thành đối tượng bị xa lánh, hắt hủi.

    Nhiều quốc gia đã ban hành lệnh cấm du khách đến từ Italy. Trong khi một số quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc, yêu cầu cách ly 14 ngày đối với những người từng ở Italy thời gian gần đây.

    Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe du khách tại La Caleta trên đảo Tenerife thuộc quần đảo Canary, Tây Ban Nha hôm 28/2. Ảnh: AP.

    Gabriele Battaglia, 53 tuổi, đang trên đường từ thành phố Milan, thủ phủ vùng Lombardy, tâm dịch Covid-19 ở Italy, đến Bắc Kinh khi chính quyền Trung Quốc công bố chính sách cách ly mới hồi đầu tuần này. Ông đang phải cách ly ở Trung Quốc.

    "Tất cả mọi người đều sốc. Nhưng tôi hiểu điều Trung Quốc đang làm là hợp lý. Họ cần phải cách ly tất cả những người đến từ 'điểm đen' của dịch Covid-19, giống điều họ từng làm với người đến từ Hồ Bắc, bị các nơi khác ở Trung Quốc cách ly", Battaglia, người làm việc cho đài truyền hình Thụy Sĩ và sống ở Bắc Kinh 9 năm, chia sẻ.

    "Giờ với họ, Italy gần giống Hồ Bắc", ông nói thêm và cho biết phải đo thân nhiệt hai lần mỗi ngày để báo cáo với giới chức địa phương.

    Kể từ khi dịch bùng phát ở Italy ngày 20/2, giới chức nước này đã yêu cầu hạn chế tụ tập đông người và đóng cửa trường học ở miền bắc đất nước. 11 thị trấn ở vùng Lombardy cũng bị phong tỏa với nhiều chốt an ninh kiểm soát việc ra vào khu vực này.

    Một nhóm cực đoan người Italy đã tấn công vào tiệm nails và quán ăn của người Trung Quốc vì cho rằng họ là nguyên nhân đem virus Corona vào Italy. Ảnh: Yong Deng

    Tuy nhiên, các biện pháp trên không ngăn được dịch Covid-19 lan tới Sicily ở phía nam Italy, vượt qua dãy Alpine tới Thụy Sĩ và xuất hiện ở quần đảo Canary của Tây Ban Nha, điểm du lịch yêu thích của du khách Italy. Mặc dù dịch lây lan nhanh, Italy vẫn phản đối đề xuất cho phép các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đóng cửa biên giới với nước này để ngăn Covid-19.

    "Ý tưởng cấm công dân Italy nhập cảnh là điều không thể chấp nhận nổi ở bất kỳ nơi nào và tất nhiên là ở cả 27 quốc gia thành viên của EU", Vincenzo Amendola, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Italy, nói trong cuộc họp với đại sứ EU ở Rome hồi đầu tuần.

    Romania hiện cũng yêu cầu cách ly hai tuần đối với bất kỳ ai đến từ vùng Lombardy và vùng Veneto lân cận. Hungary thông báo kiểm tra tất cả phương tiện đi qua biên giới trên đất liền và yêu cầu cách ly những người có dấu hiệu nhiễm nCoV, không chỉ riêng người Italy.

    Bên ngoài EU, ngày càng nhiều nước tuyên bố đóng cửa với người Italy, trong đó bao gồm Mauritius và Seychelles, những điểm du lịch biển nổi tiếng với người Italy, cùng với Arab Saudi và Israel. Hôm 27/2, Israel đã buộc một máy bay của hãng Alitalia phải trở lại Rome khi vừa hạ cánh và chỉ chấp nhận cho hành khách Israel nhập cảnh.

    "Hy vọng ít nhất chúng tôi có thể lấy lại tiền", một hành khách nói với phóng viên khi hạ cánh ở Rome.

    Máy bay của hãng Alitalia tại sân bay Ramon, phía nam Israel hôm 27/2. Ảnh: AFP.

    Trong khi đó, nhiều người châu Âu khác tránh đến Italy, khiến số lượng khách du lịch sụt giảm tới mức các hãng hàng không phải hủy chuyến và các chuyến tàu ở Italy gần như vắng tanh. Các trận đá bóng và sự kiện thể thao khác liên quan đến đội Italy đều bị hủy hoặc hoãn.

    Nhiều người Italy nhận ra giờ họ không còn được chào đón nữa.

    "Tôi cảm thấy thật nhục nhã. Tôi không được tôn trọng và bị bắt nạt vô cớ, chỉ vì tôi là người Italy", Cristiano Giuriato, phục vụ bàn quán bar ở Madrid, Tây Ban Nha viết trên bài đăng Facebook sau khi một khách hàng quen đưa cho anh chiếc khẩu trang và yêu cầu đeo nó.

    Vài tuần sau khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, người châu Á hoặc người nói giọng châu Á cũng từng là mục tiêu của những hành động phân biệt đối xử tương tự. Trong một đoạn video được chia sẻ rộng rãi trên mạng, một người Italy nói với du khách Trung Quốc ở Florence rằng "hãy về nhà mà ho". Một quán cà phê gần đài phun nước Trevi ở thành phố Rome cấm du khách Trung Quốc, gây ra làn sóng phẫn nộ gay gắt.

    Căng thẳng thậm chí cũng leo thang ngay giữa các vùng ở Italy. Gần như tất cả người nhiễm nCoV ở Italy đều ở miền bắc giàu có và người dân miền nam yêu cầu phải tránh xa họ.

    "Họ đi du lịch ở đây nhưng đáng lẽ họ nên ở nhà cách ly. Bạn nên tự cảm thấy xấu hổ", một cư dân ở đảo Ischia ngoài khơi bờ biển Naples nói khi thấy du khách đến từ miền bắc Italy cập cảng.

    Binh sĩ Italy lấy rào chắn chặn đường tới làng Vo'Euganeo, vùng Veneto, Italy hôm 28/2. Ảnh: AP.

    Italy không ban hành lệnh cấm đi lại nào ngoại trừ lệnh phong tỏa 11 thị trấn ở vùng Lombardy và Veneto. Italy hiện cũng không yêu cầu kiểm tra y tế đối với người từ vùng ảnh hưởng của dịch đi đến các khu vực khác ở nước này. Tuy nhiên, chính sách này có thể sẽ sớm thay đổi.

    "Làm sao có thể để hành khách đến từ Lombardy và Veneto tới sân bay mà không kiểm tra y tế đối với họ. Sẽ thật tốt nếu không có du khách từ miền bắc nào tới đây", Nello Musumeci, thống đốc Silicy, nói sau khi phát hiện vài trường hợp bị nhiễm nCoV liên quan tới vùng Lombardy trên đảo hồi đầu tuần.

    Theo VnExpress

  • Apple khuyên bạn nên làm sạch bề mặt điện thoại bằng vải sợi nhỏ thấm một chút nước xà phòng.

     

    Một trong những cách dễ dàng và hiệu quả nhất để ngăn ngừa và phòng tránh Covid-19 là hãy giữ vệ sinh tay bạn thật tốt: Chà tay bằng xà phòng trong ít nhất 20 giây sau khi tiếp xúc với các bề mặt có khả năng chứa mầm bệnh, chẳng hạn như tay nắm cửa, cần giật nước trong nhà vệ sinh, nút bấm thang máy…

    Đó là bởi vì các bề mặt công cộng có thể trở thành nơi mà virus bám lại, sau khi được phát tán qua giọt bắn của một người bệnh. Các nghiên cứu trước đây cho thấy, khi một người hắt hơi, họ có thể phát tán vào không khí 40,000 giọt bắn trong phạm vi 6 m.

    Khi một người ho hoặc nói chuyện trong 5 phút, họ có thể phát tán 3.000 giọt bắn trong phạm vi 2 m. Và ngay cả khi một người bệnh thở thôi, các giọt bắn của họ cũng có thể bám vào các bề mặt xung quanh bán kính 1 m.

    Virus trong các giọt bắn có thể sống trên bề mặt mà nó bám lại trong nhiều giờ, và đôi khi là nhiều ngày, nhà miễn dịch học Rudra Barkappanavar tại Trung tâm Khoa học Y tế Đại học Tennessee cho biết. Và trên các bề mặt bằng kính, chẳng hạn như màn hình điện thoại của bạn, virus corona có thể tồn tại tới 96 tiếng đồng hồ, tương đương 4 ngày ở nhiệt độ phòng.

     

    Ước tính thời gian sống của virus SARS-CoV-2 được Barkappanavar đưa ra dựa trên những dữ liệu thu thập trong đợt dịch SARS năm 2003 đã được báo cáo cho Tổ chức Y tế Thế giới. Trên thực tế, hai loại virus này là những người anh em họ hàng, có sự tương đồng di truyền với nhau: Cả hai đều lây nhiễm qua đường hô hấp, có một chuỗi vật liệu di truyền được gọi là RNA và có gai protein nhô ra khỏi vỏ của chúng.

    Virus gây ra hội chứng hô hấp cấp tính SARS có tên khoa học là SARS-CoV; virus corona mới đang gây ra dịch Covid-19 có tên là SARS-CoV-2.

    Về lý thuyết, bạn rất dễ nhiễm phải virus nếu chúng bám được trên màn hình điện thoại của bạn. Giả sử có một ai đó ho hoặc hắt hơi gần bạn, trong khi bạn đang cầm điện thoại lướt facebook, các giọt bắn của họ có thể bám lại trên bề mặt kính điện thoại của bạn. 

    Nhiều khả năng tay bạn sẽ sẽ chạm phải chúng, sau đó bạn vô thức chạm lên mũi hoặc miệng của mình và rơi vào nguy cơ bị lây nhiễm.

    Hầu hết mọi người trong số chúng ta đều chạm vào màn hình điện thoại và cả mặt của mình rất nhiều lần trong ngày mà không để ý. Một nghiên cứu được thực hiện bởi Dscout trên một nhóm 94 tình nguyện viên cho thấy: Trung bình mỗi người sẽ cầm điện thoại của họ 2.600 lần trong ngày.

    Trong số đó, 76 lần họ sẽ dùng điện thoại với thời gian dài (cuộn trên màn hình để kiểm tra email hoặc đọc tin tức).

    Trên khía cạnh còn lại, một nghiên cứu nhỏ của Đại học New South Wales cho thấy mọi người chạm vào mặt mình khoảng 23 lần mỗi giờ, tương đương 368 lần trong ngày chỉ trừ lúc ngủ. Nghiên cứu này chỉ theo dõi 26 sinh viên đại học, nhưng nó vẫn có thể đi đến một kết luận: Chạm tay lên mặt là một thói quen vô thức khá phổ biến.

    Màn hình điện thoại bẩn, và có thể chứa rất nhiều vi khuẩn, virus, nấm và các mầm bệnh. Đó không phải là phát hiện mới. Hàng ngày, chúng ta vẫn tiếp xúc với vô số bề mặt chứa một lượng lớn vi khuẩn, virus khá lành tính, không khiến chúng ta bị bệnh.

    Nhưng trong thời kỳ dịch Covid-19 bùng phát như hiện nay, sẽ rất đáng để lưu tâm đến những hành động vô thức này, những nơi mà virus SARS-CoV-2 có thể bám lại và thời gian tồn tại của chúng trên đó.

    Barkappanavar nói rằng nếu có một lần nào đó khi bạn bị mắc bệnh truyền nhiễm, chẳng hạn như Covid-19, mà không biết mình đã từng phơi nhiễm với bệnh nhân nào, thì các bề mặt có khả năng chính là nguồn trung gian truyền bệnh sang cho bạn.

    Rất may, có một giải pháp dễ dàng để giải quyết vấn đề: Hãy làm sạch các bề mặt xung quanh bạn. Apple khuyên bạn nên làm sạch bề mặt điện thoại bằng vải sợi nhỏ thấm một chút nước xà phòng. Bạn cũng có thể sử dụng khăn mềm thấm dung dịch cồn pha loãng để lau điện thoại của mình.

    Chiếu đèn UV cũng là một cách giúp tiêu diệt hầu hết các vi khuẩn và virus trên bề mặt, nhưng thường thì chúng có giá khá đắt, khoảng 60 USD. Trong trường hợp bạn vẫn còn lo lắng, hãy ghi nhớ cho mình một công thức: Rửa tay thường xuyên hơn và chạm tay lên mặt ít thôi.

    Theo Trí Thức Trẻ

  • Người dân Mỹ và các nước châu Âu đang thu mua hàng hóa tại các siêu thị để tích trữ do lo ngại bị cách ly giữa đợt bùng phát virus corona.

    Mặc dù các bộ trưởng đã nhiều lần cảnh báo chống lại tâm lý bất an giữa dịch virus corona, nhiều người dân Đức vẫn đổ về các siêu thị để mua nhu yếu phẩm với số lượng lớn khi mà số trường hợp nhiễm bệnh ở Đức đã tăng gần gấp đôi trong một ngày, lên 129 ca. Các cư dân đang dự trữ thực phẩm vì sợ có thể bị cách ly. Ảnh: AP.

    Chuỗi siêu thị REWE nói với tờ DW rằng nhu càu mua thực phẩm và đồ hộp trên toàn quốc đang gia tăng nhanh chóng những ngày gần đây. Chuỗi cửa hàng giảm giá Lidl cũng ghi nhận lượng mua hàng đột biến. Theo các chuỗi bán lẻ, người Đức đang dự trữ thực phẩm dài hạn và đóng hộp, mì ống cũng như giấy vệ sinh và chất khử trùng. Ảnh: Twitter.

    Tại Vancouver, Canada, hàng dài người xếp hàng để vào siêu thị Costco vào sáng 1/3. Tại một siêu thị Metro Vancouver, hầu như không còn cuộn giấy vệ sinh nào trên kệ. Các sản phẩm như thuốc khử trùng tay, khăn lau khử trùng và các nhu yếu phẩm khác để sử dụng trong trường hợp bị cách ly đều cháy hàng. Ảnh: Daily Hive.

    Ở Virginia (Mỹ), mọi người hốt hoảng mua các mặt hàng từ các cửa hàng kể từ khi cơ quan y tế cảnh báo rằng người Mỹ nên bắt đầu chuẩn bị cho sự gia tăng của số ca nhiễm virus trong nước. Mỹ đã ghi nhận hai trường hợp tử vong vì virus, trong khi một số ca nhiễm không rõ nguồn gốc đang làm dấy lên mối lo ngại về việc virus lây lan trong cộng đồng. Ảnh: Twitter.

    Người mua hàng xếp hàng bên ngoài Costco để mua nhu yếu phẩm sau khi Sở Y tế Hawaii hôm 26/2 khuyên người dân nên dự trữ nguồn cung cấp thực phẩm, nước và các nhu yếu phẩm khác trong 14 ngày để đề phòng rủi ro của virus corona mới ở Honolulu, Hawaii, ngày 28/2. Ảnh: Reuters.

    Vơ vét hàng tại một siêu thị Costco ở Mỹ.

    Chỉ còn vài chai chất khử trùng tay vẫn còn trên kệ tại nhà thuốc Walgreen ở Miami Shores, Florida, hôm 28/2. Ảnh: AP.

    Người mua sắm đeo khẩu trang bảo vệ mua giấy vệ sinh tại một cửa hàng bán buôn ở Mountain View, California, hôm 28/2. Ảnh: PA.

    Hàng hóa trên các kệ hàng bị vét sạch ở California. Nhiều người đăng ảnh lên mạng xã hội cho thấy tình trạng khan hiếm hàng hóa trong một số cửa hàng và hiệu thuốc. Ảnh: Twitter.

    Nhiều người đã lên mạng để tìm kiếm các sản phẩm khan hiếm nhưng trên mạng cũng đã bán hết. Ảnh: London News Pictures.

    Hàng người tại một siêu thị Pak'nSave ở Auckland đã vượt ra ngoài lối đi vào tối 28/2, sau khi có xác nhận về trường hợp đầu tiên của New Zealand. Nhân viên chỉ cho phép một số ít người vào cùng lúc. Cũng có những hàng đợi rất đông tại các siêu thị ở Albany, North Shore của Auckland và Remuera. Ảnh: Newshub.

    Người mua hàng tại Pak'nSave Albany xếp hàng với xe đẩy của họ để vào cửa hàng sáng 29/2. Một số người bắt đầu xếp hàng bên ngoài Pak'nSave ở Royal Oak trước 7h30 sáng 29/2. Các cửa hàng Pak'nSave đang hạn chế khách hàng với chính sách "một người ra, một người vào". Tại Pak'nSave Wairau, cửa hàng chỉ chô phép mỗi người mua một sản phẩm khử trùng tay. Ảnh: NZ Herald.

    Ở miền Nam California, một số cửa hàng Walgreen đã hoàn toàn cạn kiệt thuốc ho, thuốc cảm cúm, bình xịt, khẩu trang và nhiệt kế. Những người mua sắm ở Hawaii đã quét sạch quầy đồ hộp, nước đóng chai, giấy vệ sinh và khăn giấy từ cửa hàng Costco địa phương. Nhiều doanh nghiệp cháy hàng, số khác giới hạn số lượng khách hàng có thể mua. Ảnh: Twitter.

    Các kệ hàng trống trơn ở chuỗi cửa hàng Superdrug của Anh. Người dân Anh được cho là bắt đầu "chạy đua" mua đồ gia dụng, thậm chí thiết lập các phòng "cách ly" tại nhà trong trường hợp các ca nhiễm virus corona đóng cửa cộng đồng của họ. Ảnh: The Sun.

    Những người đeo khẩu trang chờ vào siêu thị ở Casalpusterlengo, phía đông nam Milan, ngày 1/3. Ảnh: Getty.

    Thông báo khẩu trang đã được bán hết trong một hiệu thuốc ở Venice, ngày 2/3. Ảnh: AFP/Getty.

    Một kệ siêu thị trống hàng ở Milan. Ảnh: CNN.

    Kệ siêu thị trống sau tin tức về trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên ở New Zealand. Ảnh: RNZ.

    Các cửa hàng ở New York, Houston và San Francisco cho biết nguồn cung cấp khẩu trang đang cạn kiệt. Các nhà bán lẻ lớn như Walgreen và CVS vẫn còn hàng trực tuyến và nguồn hàng toàn quốc nhưng tình trạng khan hiếm đã bắt đầu xuất hiện. Chính phủ Mỹ cho biết họ đang lên kế hoạch dự trữ 300 triệu khẩu trang để chuẩn bị. Ảnh: Twitter.

    Theo Zing

  • Một trạm kiểm dịch ở Vũ Hán (Trung Quốc). Ảnh: Getty

    Một người đàn ông Trung Quốc vừa bị kết án tử hình vì đâm chết hai quan chức kiểm dịch trên tuyến đường bị đóng cửa vì dịch Covid-19.

    SCMP đưa tin một toà án ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã tuyên án tử hình Ma Jianguo (23 tuổi) hôm Chủ nhật, 1/3 vì tội sát hại người thi hành công vụ.

    Theo bản cáo trạng của toà án, vào ngày 6/2, Ma lái xe chở một hành khách di chuyển qua các thị trấn ở tỉnh Vân Nam.

    Khi đến một tuyến đường bị cấm để phòng dịch Covid-19, hành khách của Ma xuống xe, gỡ rào chắn để Ma lái xe qua, bất chấp sự can ngăn của quan chức kiểm dịch.

    Một quan chức có tên Zhang Guizhou dùng điện thoại quay lại cảnh vượt rào của Ma.

    Nam tài xế thấy vậy liền rút dao bấm ra đâm Zhang tới tấp vào ngực.

    Li Guomin – một quan chức cấp thị trấn lao tới bảo vệ Zhang cũng bị Ma đâm trúng. Sau đó, Zhang và Li tử vong vì vết thương quá nặng.

    Theo SCMP, Ma từng bị buộc tội hành hung trước đó. Đây là lần phạm tội thứ hai của Ma trong vòng 5 năm.

    “Ma đã phớt lờ luật pháp khi Vân Nam ở giai đoạn quan trọng về tình trạng khẩn cấp y tế cộng đồng. Anh ta đã phớt lờ chính sách về kiểm soát virus, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là 2 người thiệt mạng. Hành động này bị coi là giết người có chủ ý”, tòa án cho biết.

    Chính quyền các tỉnh thành trên khắp Trung Quốc trước đó đã áp đặt lệnh hạn chế đi lại kể từ cuối tháng Một, nhằm ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của Covid-19.

    Tính đến sáng 2/3, số ca mắc Covid-19 tại Trung Quốc đại lục đã lên tới 80.026 ca, với 2.912 ca tử vong.

    Theo Tiền Phong

  • Người dân Anh vội vàng mua nước, đồ hộp và thậm chí còn lập phòng cách ly trong nhà đề phòng trường hợp virus corona làm các hoạt động kinh doanh ở nơi họ sống dừng hoạt động.

    Dân Anh mua các món hàng trên để tích trữ trong nhà.

    Trong số những mặt hàng mà các gia đình lo xa đang tích trữ có bỉm, giấy vệ sinh, súp, hoa quả đóng hộp, đồ ăn cho vật nuôi, thuốc và rượu vang.

    Theo Daily Mail, các gia đình đã lập kho dự trữ trong nhà để đảm bảo ngôi nhà của mình “sẵn sàng cho đại dịch”. Một số nhà đã mua tủ trữ đông mới và chất đầy thực phẩm vào đó, mua cả bồn cầu di động để tránh phải dùng chung nếu một trong số những người thân bị nhiễm virus corona.

    Các loại gel diệt khuẩn cũng đang sốt trên các trang bán hàng qua mạng là eBay và Amazon khi mọi người đều sử dụng để rửa tay. Tại cửa hàng Boots, mặt hàng này cũng bán hết nhanh chóng ngay trong ngày.

    Trên mạng xã hội, một người Anh tiết lộ, gia đình anh ta đã biến một phòng nhỏ trong nhà thành khu cách ly, trang bị đủ đồ dùng nấu ăn, giường và thực phẩm, phòng trường hợp họ phải cách ly. 

    Một người dùng mạng xã hội khác thì cho hay, “Tôi đã dọn dẹp nhà lưu động để nếu cần, nó có thể trở thành phòng cách ly. Đó cũng là nơi hữu dụng để tích trữ đồ dư thừa, đồ ăn hộp…”.

    Nhiều người khác đăng các danh sách món đồ cần mua để giúp họ sống sót qua nhiều tuần, hoặc nhiều tháng cách ly.

    Giáo sư Ratula Chakraborty, chuyên về quản lý kinh doanh tại Đại học East Anglia nói: “Viễn cảnh cả thành phố bị phong toả và các cửa hàng đóng cửa đã khiến nỗi sợ dâng cao và việc tích trữ đồ đã diễn ra ở khắp”.

    Hồi đầu tuần, một quan chức thuộc Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ cảnh báo về nguy cơ cuộc sống hàng ngày sẽ bị ảnh hưởng nặng nếu Covid-19 trở thành đại dịch.

    Theo Vietnamnet

  • Hơn 50 quốc gia đã xác nhận có ca bị lây nhiễm Covid-19

    Các nhà nghiên cứu hiện cho rằng trong 1.000 người bị nhiễm virus corona thì sẽ có khoảng 5 đến 40 trường hợp dẫn đến tử vong, cụ thể là rơi vào khoảng 9 trên 1.000 người, tức 1%.

    Hôm Chủ nhật, Bộ trưởng Y tế Anh Quốc Matt Hancock cho biết theo "đánh giá tốt nhất" của chính phủ Anh thì tỷ lệ tử vong là "2% hoặc, có khả năng, thấp hơn".

    Nhưng nó phụ thuộc vào một loạt các yếu tố: tuổi tác, giới tính và sức khỏe nói chung và hệ thống y tế ở nơi bạn đang sống.

    Làm thế nào để tìm ra tỷ lệ tử vong?

    Đó là mức khó cấp độ tiến sĩ. Ngay cả việc đếm từng trường hợp đã rất khó khăn.

    Hầu hết các trường hợp nhiễm virus sẽ không đếm được vì mọi người có xu hướng không đến bác sĩ với các triệu chứng nhẹ.

    Tỷ lệ tử vong khác nhau mà chúng ta đang thấy trên thế giới dường như không phải là do các phiên bản khác nhau của virus.

    Theo nghiên cứu của Imperial College, nguyên nhân là vì mỗi quốc gia có cách phát hiện các ca nhẹ với mức hiệu quả khác nhau.

    Vì vậy với các trường hợp nhẹ không được thông kê sẽ khiến tỷ lệ tử vong bị đẩy lên qua cao so với thực tế. Đồng thời bạn cũng có thể xác định sai tỷ lệ tử vong vì những lý do khác.

    Nó thường mất nhiều thời gian trước khi nhiễm trùng dẫn đến phục hồi hoặc tử vong.

    Nếu bạn bao gồm tất cả các trường hợp chưa bộc phát thành bệnh, thì bạn sẽ đánh giá thấp tỷ lệ tử vong vì sẽ bỏ qua các trường hợp sẽ dẫn đến tử vong sau đó.

    Các nhà khoa học đã kết hợp các mẩu dữ liệu riêng lẻ để xây dựng một bức tranh tổng thể về tỷ lệ tử vong.

    Ví dụ, họ ước tính tỷ lệ các trường hợp có triệu chứng nhẹ từ các nhóm nhỏ cụ thể, những người được theo dõi rất chặt chẽ, như những người trở về từ các chuyến bay hồi hương.

    Và nếu chỉ sử dụng dữ liệu từ Hồ Bắc, nơi tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều so với các nơi khác ở Trung Quốc, thì tỷ lệ tử vong chung sẽ trông tệ hơn nhiều.

    Vì vậy, các nhà khoa học đưa ra một phạm vi cũng như ước tính tốt nhất hiện tại.

    Nhưng ngay cả điều đó cũng không nói lên toàn bộ câu chuyện vì không có một tỷ lệ tử vong nào thống nhất.

    Người giống tôi có nguy cơ thế nào?

    Một số người có khả năng tử vong cao hơn nếu mắc phải virus corona, đó là: người già, người không khỏe và có thể là nam giới.

    Trong bản phân tích số liệu quy mô đầu tiên của hơn 44.000 trường hợp tại Trung Quốc, tỷ lệ tử vong cao gấp mười lần ở người cao tuổi so với người trung niên.

    Tỷ lệ tử vong thấp nhất là ở nhóm có độ tuổi dưới 30, khi chỉ có tám trường hợp tử vong trên 4.500 trường hợp.

    Và tử vong cũng cao hơn ít nhất gấp 5 lần ở những người mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao hoặc các vấn đề về tim hoặc hô hấp.

    Số ca tử vong ở nam giới cao hơn so với nữ giới.

    Tất cả các yếu tố này liên quan với nhau và chúng tôi chưa có một bức tranh hoàn chỉnh về rủi ro cho tất cả mọi người ở mọi địa điểm.

    Nơi tôi sống có nguy cơ thế nào?

    Một nhóm người đàn ông 80 tuổi ở Trung Quốc có thể có những rủi ro rất khác so với nhóm người đàn ông cùng tuổi ở châu Âu hoặc châu Phi.

    Tiên lượng của bạn cũng phụ thuộc vào cách thức bạn được điều trị.

    Đổi lại, điều đó phụ thuộc vào những gì đã có sẵn và giai đoạn phát triển của dịch.

    Nếu dịch bệnh bùng phát, thì các hệ thống chăm sóc sức khỏe có thể bị quá tải, với số lượng đơn vị chăm sóc đặc biệt hoặc máy thở có hạn, tùy từng khu vực.

    Các bệnh nhân bị nhiễm virus corona ở Anh đang được chữa trị tại một trung tâm đặc biệt ở Bệnh viện Royal Free ở London

    Nó có nguy hiểm hơn cúm không?

    Chúng tôi không thể so sánh tỷ lệ tử vong của cúm với Covid-19 vì nhiều người có triệu chứng cúm nhẹ thường không bao giờ đến bác sĩ.

    Vì vậy, chúng tôi không biết có bao nhiêu trường hợp bị cúm, hay virus nào mới mỗi năm.

    Nhưng cúm vẫn tiếp tục giết chết người ở Anh vào mọi mùa đông.

    Khi dữ liệu mở rộng, các nhà khoa học sẽ tìm ra một bức tranh rõ ràng hơn về những người có nguy cơ cao nhất nếu một đợt bùng phát virus corona xảy ra ở Vương quốc Anh.

    Lời khuyên cơ bản từ WHO là bạn có thể bảo vệ bản thân khỏi tất cả các loại virus đường hô hấp bằng cách rửa tay, tránh những người bị ho và hắt hơi và cố gắng không chạm vào mắt, mũi và miệng.

    Theo BBC News Tiếng Việt

  • Số người ở Đức bị nhiễm bệnh đã tăng lên 129 vào ngày 1/3, tăng từ 66 vào ngày 29/2, theo DW.

    9/16 bang của Đức hiện có các trường hợp mắc Covid-19, với Frankfurt, Hamburg và Bremen trong số các thành phố báo cáo về các ca nhiễm virus đầu tiên, trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Đức, Viện Robert Koch, cho biết.

    Gần một nửa trong tổng cộng 74 trường hợp được xác nhận tại North Rhine-Westphalia, bang đông dân nhất của Đức. Bavaria có số trường hợp được xác nhận cao thứ hai, với 23 trường hợp, tiếp theo là Baden-Wurmern với 15.

    "Tôi ước tính rằng vắc-xin cần thiết sẽ có sẵn vào cuối năm nay", Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer nói với báo Bild am Sonntag của Đức.

    "Chúng ta cần phải phá vỡ chuỗi lây nhiễm", bộ trưởng Nội vụ nói thêm.

    Một phụ nữ đeo khẩu trang tại ga tàu ở Duesseldorf, Đức. Ảnh: AP.

    Một số trường học và trung tâm giữ trẻ sẽ đóng cửa vào ngày 2/3 trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 sau khi một số nhân viên đã thử nghiệm dương tính với virus.

    "Chưa rõ virus đã đạt đỉnh điểm hay chưa", chuyên gia truyền nhiễm và vắc-xin Muhammad Munir nói với DW. "Người ta đang lo ngại rằng căn bệnh này sẽ chạm tới những người chưa có tiếp xúc được biết với virus", ông nói thêm.

    Thực tế virus có tỷ lệ tử vong tương đối thấp cho phép nó lây lan nhanh hơn qua các cộng đồng. Việc kiểm dịch tại quận Heinsberg của Đức ở North Rhine-Westphalia đã kết thúc vào sáng 2/3, cho phép hàng trăm người rời khỏi nhà của họ.

    Các nhà tổ chức của Hội chợ sách Leipzig công bố hôm 1/3 trên Twitter rằng họ có kế hoạch tiếp tục sự kiện này vào ngày 12-15/3. Đây là hội chợ sách lớn thứ hai của Đức sau hội chợ sách Frankfurt. Hơn 286.000 du khách đã tham dự hội chợ năm ngoái, diễn ra tại hơn 100 địa điểm trên khắp thành phố miền Đông nước Đức.

    Tại Bavaria, Đức, tổng cộng bốn trường hợp nhiễm Covid-19 mới đã được xác nhận, bao gồm một nhân viên tại nhà sản xuất máy công cụ DMG Mori. Công ty sẽ đóng cửa vào ngày 2 và 3/3, ảnh hưởng đến tổng số 1.600 nhân viên tại nhà máy Ostallgäu.

    Theo Zing

  • Giới chức Thái Lan ngày 1/3 thông báo đã có ca tử vong đầu tiên vì nhiễm virus corona. Một bệnh nhân khác đang trong tình trạng nguy kịch.

    Suwanchai Wattanayingcharoen, Tổng giám đốc Cơ quan Kiểm soát Bệnh dịch Thái Lan, cho biết ca tử vong đầu tiên vì nhiễm virus corona ở nước này là một bệnh nhân 35 tuổi.

    Ngoài nhiễm virus gây viêm phổi, bệnh nhân còn mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue, theo Reuters.

    Kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên vào tháng 1, Thái Lan đã ghi nhận được 42 ca dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2). Trong số đó, 30 trường hợp đã phục hồi và 11 trường hợp đang được điều trị trong các bệnh viện.

    Nhân viên y tế Thái Lan phun thuốc khử trùng tại một ngôi trường phía bắc thủ đô Bangkok, nơi có một học sinh dương tính với virus corona. Ảnh: Khaosod.

    Theo Bangkok Post, bệnh nhân tử vong đã nhập viện gần 1 tháng. Anh được điều trị ở bệnh viện Bamrasnardura, thành phố Nonthaburi. Nguyên nhân tử vong là suy đa nội tạng. Người này qua đời vào ngày 28/2.

    Bộ Y tế Thái Lan vẫn đang nghiên cứu làm rõ tác động của virus corona dẫn đến cái chết của bệnh nhân.

    Tawee Chotpitayasunondh, cố vấn Cơ quan Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan, cho biết người này trong các lần xét nghiệm sau ngày 16/2 đều âm tính với virus corona, tuy nhiên vào thời điểm đó "cơ thể đã chịu tổn thương".

    Theo Khaosod, một bệnh nhân khác tại Thái Lan đang trong tình trạng nguy kịch vì cùng lúc nhiễm virus corona và vi trùng lao.

    Theo Zing

  • Thủ tướng Johnson dự đoán Anh sẽ ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm nCoV, sau khi phát hiện thêm 13 trường hợp, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 36.

    "Chúng ta đã phát hiện khoảng 36 trường hợp nhiễm bệnh ở đất nước này và rõ ràng các ca nhiễm có thể cao hơn thế. Dịch bệnh hiện nay có khả năng lan rộng hơn một chút", Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu khi tới thăm một cơ sở y tế công cộng ở London hôm 1/3, trước khi Scotland thông báo phát hiện thêm một ca nhiễm nCoV mới.

    Thủ tướng Johnson khẳng định ông rất tự tin rằng Anh có khả năng đối phó với dịch Covid-19. Thủ tướng Anh hôm nay sẽ chủ trì một cuộc họp của Ủy ban ứng phó khẩn cấp trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

    Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu khi tới thăm một cơ sở y tế công cộng ở London hôm 1/3. Ảnh: Reuters. 

    Chính phủ Anh dự kiến công bố chi tiết các kế hoạch ứng phó dịch Covid-19 vào cuối tuần này. Ông Johnson cho biết các biện pháp đóng cửa trường học 2 tháng và những sự kiện công cộng có thể được cân nhắc.

    Nếu nCoV ngày càng lan rộng, chính phủ Anh sẽ xem xét cho nhân viên y tế đã nghỉ hưu quay lại làm việc cũng như khuyến khích mọi người làm việc tại nhà cho tới mùa hè, thời điểm được cho là có thể dễ dàng xử lý dịch bệnh hơn.

    Bộ Y tế cho hay dịch Covid-19 bùng phát ở Anh vẫn trong giai đoạn "có thể kiểm soát". Bộ trưởng Matt Hancock khẳng định ông không loại trừ bất cứ biện pháp nào để ngăn chặn nCoV lây lan, song nhấn mạnh các hạn chế đều phải dựa trên bằng chứng khoa học và hiện tại mọi người vẫn nên đi làm bình thường.

    Trả lời phỏng vấn BBC, ông Hancock cho biết có 4 giai đoạn trong kế hoạch của chính phủ Anh. Giai đoạn là 1 là "Ngăn chặn" - chăm sóc y tế cho bất cứ ca nhiễm Covid-19 nào và xác định những người đã có tiếp xúc với họ.

    Giai đoạn 2 là "Trì hoãn" - gồm các hành động để làm chậm sự lây lan của virus. Giai đoạn 3 có tên "Giảm thiểu" - sẽ hạn chế thiệt hại nếu virus lây lan trên diện rộng. Giai đoạn cuối cùng là "Nghiên cứu" - sẽ liên tục diễn ra để cải thiện hiệu quả của 3 giai đoạn trên.

    Hiện tại nước Anh vẫn đang trong giai đoạn "Ngăn chặn" và giới chức y tế cho rằng các biện pháp hiện tại là đủ và phù hợp. Nếu bước vào giai đoạn tiếp theo, một số biện pháp nhằm hạn chế tiếp xúc xã hội sẽ được đưa ra.

    Cổ động viên bóng đá Anh mang khẩu trang tới sân bóng trong trận đấu giữa Chelsea và Bournemouth ở giải Ngoại hạng hôm 29/2. Ảnh: Reuters.

    Khi được hỏi liệu các thành phố của Anh có thể bị phong tỏa hay không, giống như biện pháp được thực hiện ở Trung Quốc để ngăn chặn sự lây lan của dịch, ông Hancock cho biết: "Rõ ràng sẽ có thiệt hại rất lớn về mặt kinh tế xã hội đối với việc đó. Nhưng chúng tôi không loại bỏ bất cứ phương án nào trong lúc này, vì bạn phải chắc chắn rằng bạn có tất cả các công cụ có sẵn, nếu điều đó là cần thiết".

    "Trong trường hợp xấu nhất, chúng tôi sẽ phải thực hiện một số biện pháp khá mạnh, có thể gây xáo trộn kinh tế và xã hội", ông Hancock nói thêm.

    Một đội gồm các nhà khoa học và chuyên gia truyền thông cũng được thành lập để thực hiện một chiến dịch thông tin bên trong "phòng chiến tranh" của Văn phòng Nội các. Đội sẽ đứng sau các nội dung trên mạng xã hội, yêu cầu mọi người rửa tay trong 20 giây bằng xà phòng và nước.

    Hơn 10.000 người đã được xét nghiệm virus corona ở Anh, tới nay đã có 36 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó một trường hợp công dân Anh tử vong ở Nhật Bản.

    Zing/VnExpress (theo Mirror/Metro)

  • Thêm 3 bệnh nhân ở England đã được xác định dương tính với virus corona, nâng tổng số người nhiễm bệnh ở UK lên con số 23. Các trường hợp mới nằm ở Gloucestershire, Hertfordshire và Berkshire. 

    Hai người trong số này đã trở về từ Italy, người còn lại trở về từ châu Á. Hiện cơ quan y tế đang truy tìm những người đã tiếp xúc với họ.

    Khoảng 10.483 người đã được kiểm tra virus corona ở UK. Theo đó, 10.460 cho kết quả âm tính, 23 người dương tính.

    Trong số 23 trường hợp này, có một người đàn ông trên 70 tuổi đã bị lây bệnh dù không rời UK. Hiện giới chức Anh đang đau đầu tìm hiểu xem làm sao người đàn ông ở Surrey này lại bị nhiễm virus, dường như người đàn ông đã bị lây bệnh từ một nguồn không xác định ở UK, khác với tất cả 22 trường hợp còn lại đều là khách du lịch.

    Ông được chẩn đoán nhiễm bệnh sau khi đến khám tại Phòng khám Haslemere Health Centre ở Surrey. Nơi đây đã bị đóng cửa để khử trùng.

    Các nhân viên y tế về hưu, được gọi là "Binh đoàn Ông bố", có thể sẽ trở lại làm việc theo những phương án khẩn cấp để đối phó tình huống Covid-19 bùng phát tại UK.

    Biện pháp khẩn nói trên đang được cân nhắc, giữa lúc các lãnh đạo NHS cảnh báo hệ thống y tế Anh sẽ quá tải nếu dịch Covid-19 bùng phát.

    Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock đã mô tả “cách tiếp cận tăng cường của chính phủ” trong việc chuẩn bị đối phó với sự lây lan của Covid-19. Theo đó, kế hoạch “tăng cường” sẽ bao gồm lập ra các đại diện chống dịch cho mọi cơ quan trong chính phủ, một chiến dịch thông tin ra công chúng và một đợt tăng cường các cuộc họp nội các khẩn cấp.

    Hiện Anh đang trong giai đoạn “kiềm tỏa” sự lây lan của virus, trong đó các ca nhiễm mang tính đơn lẻ được nhập viện, sau đó việc truy lùng quá trình tiếp xúc được thực hiện. Nhưng nếu virus lây lan rộng, Anh phải chuyển sang giai đoạn tiếp theo, gồm những biện pháp rộng hơn để bảo vệ công chúng và giảm tải cho hệ thống y tế.

    Các biện pháp đó có thể bao gồm đăng ký khẩn cấp các nhân viên y tế đã nghỉ hưu, bảo hiểm khẩn cấp cho các nhân viên y tế, và nới lỏng các quy định về tỷ lệ giáo viên - học sinh trong các trường học, nhà trẻ (để một nhân viên có thể trông nhiều trẻ hơn bình thường).

    Ngoài ra chính phủ cũng cân nhắc khuyến khích làm việc từ xa, giảm đi lại, và các chiến lược “hạn chế tiếp xúc” với hy vọng đẩy lùi đỉnh điểm của dịch, khi mà thời tiết nóng của mùa hè có thể giúp chống lại virus.

    “Tôi không nghi ngờ gì, nhờ vào công sức của NHS và đội ngũ không thể so sánh của NHS, Anh sẽ vượt qua thách thức này”, Thủ tướng Boris Johnson nói.

    Nhưng hai lãnh đạo NHS, trả lời tờ Observer với điều kiện giấu tên, cảnh báo rằng NHS sẽ quá tải trong tình huống bùng phát dịch bệnh vì có quá ít giường bệnh, nhân viên và thiết bị chuyên dụng.

    “Nếu bùng phát virus corona sẽ là ác mộng”, một người nói. “Bệnh viện đã kín chỗ. Sẽ rất, rất khó nếu chúng ta có thêm nhiều bệnh nhân mắc virus”.

    Họ cảnh báo rằng khoảng 17% số bệnh nhân nhiễm virus sẽ cần can thiệp y tế, tức các ca bệnh nặng, và đó là số bệnh nhân mà hệ thống y tế sẽ phải chuẩn bị tiếp nhận. Ngoài ra, việc đóng cửa các trường học sẽ buộc nhiều nhân viên y tế phải trông con.

    Rachel Harrison, đại diện một công đoàn của các nhân viên xe cứu thương, nói các thành viên của bà lo ngại về việc không có đủ thiết bị. “Áp lực lên họ đã lớn rồi”, bà nói. “Họ luôn bị gọi tới kể cả khi có những vụ việc mà họ không cần phải tới”.

    “Trong khi các biện pháp khẩn cấp đang tiến hành để đối phó virus corona là tốt, bức tranh rộng lớn hơn vẫn đáng lo ngại”, Susan Crossland, chủ tịch Hội Y học Cấp tính, cho biết. “Một vấn đề của tình huống bùng phát dịch bệnh sẽ là các ca phẫu thuật lên kế hoạch trước sẽ phải lùi lại, và như vậy thời gian chờ đợi của bệnh nhân sẽ tăng lên”. 

    Viethome (theo Metro)

  • Công ty chủ hãng bia Corona đang đối mặt với quý kinh doanh tồi tệ nhất trong 10 năm vì sự cố virus corona.

    Tập đoàn Anheuser-Busch In Bev sở hữu nhiều thương hiệu bia nổi tiếng, trong đó có Budweiser, Stella Artois, Beck’s và Corona. 

    Nhưng 2 tháng qua từ khi dịch bệnh virus corona bùng nổ ở Trung Quốc, công ty đã thất thu 170 triệu mỹ kim, tương đương 132 triệu bảng chỉ tính riêng ở nước này. Vào những năm trước, vào thời điểm Tết Nguyên đán, lượng tiêu thụ bia Corona luôn rất mạnh.

    Kinh doanh thua lỗ khiến hãng phải cắt các khoảng thưởng cho ban giám đốc và dự báo lợi nhuận giảm sâu trong quý này.

    Hãng cho rằng lý do thua lỗ ở Trung Quốc là vì ít người dân dám ra khỏi nhà, khiến đời sống về đêm trở nên ảm đạm. Nhiều quán bar, nhà hàng phải đóng cửa. 

    CEO Carlos Brito nói với kênh CNBC: ''Việc kinh doanh của chúng tôi dựa hết vào các nhà hàng, vào đời sống về đêm. Chúng tôi đang chuẩn bị cho một đà tăng trưởng mạnh trở lại sau khi cuộc sống trở về bình thường. Chúng tôi nhìn về tương lai, và lấy người dùng làm trọng tâm để phát triển sản phẩm. Doanh thu của chúng tôi không tốt trong năm 2019, chúng tôi không vui chút nào''. 

    Hãng bia bị réo tên vì trùng với virus corona

    Hai từ khoá “corona beer virus” và “beer virus” tăng vọt trên toàn cầu khi dịch viêm phổi Vũ Hán bắt đầu lan rộng.

    Từ Mỹ đến Campuchia, và thậm chí ở Israel, Ireland và Singapore, người dùng Internet nhầm lẫn giữa hiệu bia Mexico và loại virus gây ra viêm phổi Vũ Hán.

    Theo Google Trends, các tìm kiếm đầu tiên về "corona beer virus" xuất hiện hôm 9/1, ngày mà WHO cho biết các trường hợp viêm phổi ở Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc) là do một chủng virus corona mới. Số lượt tìm kiếm gia tăng khi dịch bệnh bùng phát ra khỏi Trung Quốc, lan đến nhiều nơi như Đài Loan, Mỹ, Thái Lan và Việt Nam trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

    "Corona" có nghĩa là "crown" (vương miện) trong tiếng Latin. Nó là tên hiệu bia nhưng cũng là tên của loại virus. Cụm từ "coronavirus" dùng để chỉ một họ virus có gai trên bề mặt giống như những chiếc vương miện nhỏ.

    Virus gây ra viêm phổi Vũ Hán hiện là một chủng mới được phát hiện, được lấy tên là 2019 n-CoV. Trước đó, họ coronavirus bao gồm Sars-CoV, virus gây ra dịch bệnh hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (Sars) năm 2003 và Mers-CoV, gây ra hội chứng hô hấp Trung Đông (Mers) vào năm 2012.

    Trong khi đó, bia Corona được lấy tên từ vương miện trang trí tại nhà thờ Đức Mẹ Guadalupe ở thị trấn Puerto Vallarta của Mexico. Loại bia này được ủ lần đầu tiên vào năm 1925, bốn thập kỷ trước khi chủng coronavirus đầu tiên được phát hiện.

    Cụm "corona beer virus" được tìm kiếm nhiều nhất ở Campuchia, theo sau là Slovenia, Singapore, New Zealand và UAE. Còn từ khoá "Beer virus" được tìm kiếm nhiều nhất Singapore, rồi đến Latvia, Slovenia, Australia và Canada.

    Bia Corona thậm chí còn xuất hiện trước cả loại virus này khi chai bia đầu tiên của hãng được sản xuất từ năm 1924. Trong khi đó, virus corona tuy đã được phát hiện ra từ năm 1931 nhưng phải đến năm 1965 mới xuất hiện 2 chủng virus corona gây bệnh trên người đầu tiên. 

    Viethome (theo Metro)

  • Một người đàn ông Anh quốc đã tử vong sau khi nhiễm virus trong quá trình cách ly trên du thuyền Diamond Princess, theo Bộ y tế Nhật Bản.

    Đây là ca tử vong đầu tiên của người quốc tịch Anh, nâng tổng số người tử vong do nhiễm bệnh trên chiếc tàu này lên con số 6.

    Bộ Ngoại giao cho biết họ đang hỗ trợ gia đình bệnh nhân và đang liên lạc với chính quyền địa phương. 

    Người đàn ông chưa được nêu tên, ở độ tuổi trên 70 và không sống ở UK. Ông là 1 trong 4 công dân Anh vẫn phải ở lại Nhật Bản điều trị sau khi hàng chục người khác đã được di tản về Anh sau 2 tuần cách ly.

    Tàu Diamond Princess đã bị cách ly tại bến Daikaku Pier Cruise Terminal ở Yokohama từ ngày 5/2. Ảnh: AFP
    6 người trên du thuyền này đã tử vong. Ảnh: AFP

    Chiếc du thuyền này đã bị mắc kẹt ở Nhật từ đầu tháng 2, sau khi một du khách rời khỏi thuyền ở Hong Kong bị xác định dương tính với virus. Từ đó, 700 người đã bị nhiễm virus này. Đầu ngày hôm nay, một nữ hành khách trên 70 tuổi đã trở thành người thứ 5 tử vong từ ổ dịch.

    Con tàu chở 3700 người, bao gồm 78 công dân Anh. 2/3 các công dân Anh này đã được đưa về cách ly tại bệnh viện Arrowe Park ở Wirral, Merseyside vào cuối tuần rồi. 

    Ở UK, đã có 20 người được xác định dương tính với virus corona. 

    Các chuyên gia y tế đang chạy đua với thời gian để truy lùng những hành khách ngồi gần những bệnh nhân nhiễm virus corona trên máy bay. 6 người đã được xác nhận dương tính với loại virus này sau khi trở UK những ngày gần đây: 4 người ở England, 1 người ở Bắc Ireland và 1 người ở Wales. Tất cả đều đã nhiễm bệnh từ những nổ dịch ở châu Âu và Trung Đông.

    Bộ Y tế Anh cho biết họ đang truy tìm danh tính những người đã tiếp xúc với một nam bệnh nhân đi từ Bắc Italy về Wales. Ngoài ra còn có những người ngồi trong phạm vi 2 hàng ghế cùng với một bệnh nhân từ Bắc Ireland, đã nhiễm virus trên chuyến bay từ Italy về Dublin. 2 trường hợp dương tính khác đã từng đến Iran, và hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Royal Free ở London. 

    Chưa kể, một trường hợp lây bệnh từ người sang người đã xuất hiện ở Surrey. Đây là trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh ở UK mà bệnh nhân không hề rời đất nước. 

    Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, cũng cảnh báo nước Pháp đang đứng trước bờ vực của đại dịch khi đã có 20 trường hợp nhiễm bệnh trong vòng 24 tiếng.

    Khoảng 1000 người đã bị cách ly ở Đức trong khi số ca nhiễm đã vượt 50 người. Lithuania và New Zealand cũng đã xuất hiện những ca nhiễm đầu tiên. Nhiều chính phủ và doanh nghiệp đã áp dụng các phương pháp mạnh tay để ngăn chặn người dân đi du lịch hoặc tụ tập đông người.

    Thụy Sỹ cho biết tất cả những sự kiện quy tụ hơn 1000 người sẽ bị hoãn lại sau ngày 15/3. Quy định này đã khiến Lễ hội motor quốc tế ở Geneva vào tuần tới bị hoãn.  

    Viethome (theo Metro)

     

  • Cơ quan Sức khỏe Cộng đồng Bắc Ireland cho biết họ đang cấp tốc làm việc để khoanh vùng những người từng tiếp xúc với bệnh nhân. Ảnh: PA/AFP via Getty Images/EPA

    Bắc Ireland đã xác nhận ca nhiễm virus corona đầu tiên, nâng tổng số người mắc bệnh ở UK lên 16. 

    Giám đốc Y tế, Tiến sĩ Michael McBride cho biết một người trưởng thành đã xuất hiện các triệu chứng rõ ràng của Covid-19 và việc kiểm tra đã được tiến hành tại một phòng thí nghiệm ở England.

    Bệnh nhân này đã đi từ Bắc Italy đếu Dublin. Chưa có thông tin chi tiết nào về bệnh nhân được công bố, chỉ biết rằng người này đã đến một phòng khám tư nhân và tiến hành tự cách ly sau khi cảm thấy ''nghi ngờ'' về tình trạng của bản thân. 

    Tiến sĩ Michael McBride, Giám đốc Y tế của Bộ y tế Bắc Ireland, trong một buổi họp báo tại Stormont Pavilion. Ảnh: PA
    Người đi đường mang khẩu trang y tế trên phố Regents Street ở trung tâm London. Ảnh: AFP via Getty Images

    Cơ quan Sức khỏe Cộng đồng Bắc Ireland cho biết họ đang cấp tốc làm việc để khoanh vùng những người từng tiếp xúc với bệnh nhân. Tiến sĩ McBridge nói: ''Dịch vụ của chúng tôi đã quen với các trường hợp lây nhiễm và chúng tôi muốn trấn an công chúng rằng, chúng tôi hoàn toàn chủ động. Mối nguy đối với người dân ở Bắc Ireland sẽ không trầm trọng hơn chỉ vì ca nhiễm này''.

    Trước đó, đã có thêm 2 trường hợp nhiễm virus ở England, sau khi các bệnh nhân trở về từ Italy và Tây Ban Nha. Tính đến hôm nay đã có 17 người chết tại Italy với 650 ca dương tính. 

    Giới phân tích cảnh báo rằng dịch bệnh có thể đẩy nền kinh tế mong manh của nước Italy vào cuộc suy thoái thứ 4 sau 12 năm. Nhiều doanh nghiệp ở phía bắc giàu có và các khách sạn rơi vào khủng hoảng.

    Mới đây hãng hàng không Jet2 đã từ chối chở hành khách từ khách sạn ''ổ dịch'' ở Tây Ban Nha về UK nếu họ không được kiểm tra âm tính với virus corona. 

    Hơn 100 du khách ở khách sạn H10 Costa Adeje Palace đã được ''phóng thích'' sau khi không có ai xuất hiện triệu chứng nhiễm bệnh. Bộ Ngoại giao xác nhận có 50 công dân Anh trong số này. 

    Tuy nhiên, hãng Jet2 (vốn là hãng cung cấp dịch vụ du lịch trọn gói cho khách sạn kể trên) lại ra thông báo rằng: ''Hành khách phải đợi đến sau ngày 10/3 mới được lên máy bay của hãng, trừ khi họ đã có giấy xác nhận âm tính với coronavirus''.

    Trường tiểu học Moorlands Infant and Junior School ở Bath sẽ đóng cửa vào ngày mai sau khi một nhân viên của trường trở về từ một quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch, và người này đã xuất hiện các triệu chứng giống Covid-19.

    Người này đã trở về từ ''khu vực 2'', bao gồm các nước như Campuchia, Hong Kong, Italy (miền Bắc), Nhật Bản, Lào, Macau, Malaysia, Myanmar, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam. 

    Theo thông tin từ Bath Echo, chiều tối ngày hôm nay bệnh nhân mới được kiểm tra để xác định liệu anh ấy/cô ấy có thực sự nhiễm loại virus chết người này.

    Viethome (theo Metro)

  • Hôm nay, một trường tiểu học và một phòng mạch tư nhân đã ra thông báo đóng cửa vì 2 người trở về từ Italy và Tenerife (Tây Ban Nha) được xác nhận dương tính với virus corona. 

    Trường tiểu học Burbage ở Buxton, Derbyshire, đã đóng cửa vì một vị phụ huynh của 1 học sinh đã được xác nhận nhiễm Covid-19.

    Phòng khám Buxton Medical Practice cũng thông báo đóng cửa vì một trường hợp được xác nhận dương tính. 

    Trường tiểu học Burbage
    Phòng khám Buxton Medical Practice

    Như vậy tổng cộng đã có 15 ca dương tính với virus Corona ở UK. Hai ca mới này được điều trị trong trung tâm phòng chống lây nhiễm của NHS là Royal Liverpool Hospital và Royal Free Hospital, London.

    Khoảng 160 du khách Anh đã bị phong tỏa tại một khách sạn ở Tenerife, Tây Ban Nha, và nhiều khả năng sẽ bị cách ly 14 ngày.

    Du khách mô tả quang cảnh hỗn loạn sau khi 4 người được xác định dương tính với virus corona và tiếp tục lây lan khắp châu Âu. 

    Họ than phiền rằng họ nhận được nhiều lời khuyên mâu thuẫn, một số người được khuyên nên ở trong phòng, trong khi nhiều người khác vẫn đi dạo chơi xung quanh khách sạn, thậm chí bơi trong hồ bơi.

    Du khách mặc đồ bơi và đeo khẩu trang.
    Các du khách khác tắm nắng và đeo khẩu trang.
    Khách xếp hàng lấy đồ ăn tại một nhà hàng trong khách sạn.

    Một công dân Anh cho biết có một tờ thông báo được nhét dưới cửa ra vào, khuyên họ hãy bình tĩnh và đừng rời phòng. Nhưng họ cũng nhận được một số lời khyên là chỉ cần đeo khẩu trang thì có thể ra khỏi phòng đi dạo. Nhiều người còn tụ tập để mua đồ ăn.

    Khách sạn H10 Costa Adeje Palace ở Tenerife.
    Thông báo yêu cầu khách không rời phòng.

    Chưa rõ chính xác có bao nhiêu du khách Anh mắc kẹt ở đây, nhưng số lượng dao động khoảng 160 người.

    Khách sạn H10 Costa Adeje Palace đã được đặt vào diện cách ly vào hôm thứ Hai tuần này sau khi một bác sĩ người Ý ở đây bị xác định dương tính với Covid-19. Người này đã bị sốt trong 6 ngày.

    Vợ của anh cùng 2 người Ý khác đi du lịch cùng họ cũng bị nhiễm virus, nhưng 6 người khác trong nhóm này thì âm tính. 

    Khách sạn này có gần 500 phòng, 4 hồ bơi và 1 phòng gym, với khoảng 1000 khách đang đặt phòng ở đây. 

    Vào tối thứ Ba, một bác sĩ đi từng phòng và trao cho họ một nhiệt kế, dặn dò nên kiểm tra nhiệt độ 2 lần/ngày. 

    Viethome (theo Mirror)