• Thông tin mới nhất cho biết số ca nhiễm Covid-19 ở UK vẫn trên đà tăng. Hôm nay đã ghi nhận thêm 43 ca, nâng tổng số người nhiễm ở UK tính đến thời điểm này là 321 ca. Bất chấp đà tăng này, trong cuộc họp khẩn mới đây, Thủ tướng Boris Johnson cho rằng mọi việc vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Dưới đây là một số điểm tin chính: 

    - Tổng số ca nhiễm ở England là 280 người, ở Scotland là 23 người, ở Bắc Ailen là 12 và ở Wales là 6.

    - Một nhân viên của Tfl và một nhân viên của Bệnh viện Đại học Southampton đã nhiễm bệnh, trong khi Herefordshire có bệnh nhân đầu tiên. Nhân viên của Tfl bị nhiễm bệnh vốn làm việc tại Palestra House ở Southwark, trụ sở của Tfl. Tòa nhà hiện đã được khử trùng. 

    - Một học sinh trường trung học Rugby Free Secondary School ở Warwickshire đã phải tự cách ly tại nhà sau khi được xét nghiệm dương tính với Covid-19. Em vừa đi nghỉ giữa kỳ ở Italy. 

    - Một người ở Đại học West of Scotland cũng phải nhập viện vì nhiễm bệnh. Người này sinh hoạt tại Lanarkshire campus ở Hamilton. Bệnh nhân chỉ tiếp xúc với rất ít người trước đó, và tất cả đều không có triệu chứng gì đáng lo.

    - 2 trường hợp mới nhất ở Wales đều trở về từ Italy. Họ sống ở Newport và Neath Port Talbot.  

    - Cornwall có 2 ca mới. Leicestershire có ca nhiễm thứ 2. Cheltenham và Gloucestershire cũng xuất hiện ca nhiễm mới.  

    - Một phụ nữ hơn 20 tuổi ở Grimsby đã được xét nghiệm tại nhà sau khi trở về từ Thái Lan và bị ho. Kết quả cô không bị nhiễm bệnh.  

    - 7 du khách Anh quốc đã nhiễm bệnh ở Việt Nam. Những người này đều ngồi cùng chuyến bay với cô gái Hà Nội 26 tuổi bị nhiễm Covid-19.

    - 3 khách trượt tuyết người Anh cũng có nhiều triệu chứng đáng lo ngại ở Áo.

    - Bộ Ngoại giao đang làm việc với chính quyền Mỹ để sắp xếp một chuyến bay hồi hương cho hơn 100 công dân Anh đang mắc kẹt trên du thuyền Grand Princess ngoài khơi California. Trên tàu có 21 người nhiễm bệnh.  

    - Những công dân Anh bị mắc kẹt ở các tỉnh miền bắc Italy vẫn được phép rời khỏi đây, nhưng sẽ không có người nào ở Anh được phép tới đây trừ trường hợp cấp thiết. Tất cả những người từ Ý trở về đều phải cách ly 14 ngày dù không có triệu chứng, theo yêu cầu từ Chính phủ Anh.

    - Một số chuyến bay giới hạn vẫn chở khách đi và về từ bắc Italy. Tuy nhiên hãng easyJet thì đã hủy tất cả các chuyến và sẽ hoàn tiền hoặc chuyển hành khách sang hãng bay khác.

    - Một số du khách đã đặt vé trọn gói đến Ý trong mùa hè tới và bây giờ muốn hủy, thì họ có thể mất tiền. Cho nên bạn có thể phải chờ để xem tình hình dịch bệnh có chuyển biến gì không. (Nghĩa là nếu chuyến bay của bạn rơi vào ngay lúc này, thì bạn sẽ được hoàn tiền nếu hủy vì đang trong cao trào dịch bệnh).

    - Nước Anh vẫn đang trong giai đoạn 1 trong cuộc chiến chống dịch bệnh (gồm 4 giai đoạn). Và sau nhiều cuộc họp khẩn thì chính phủ vẫn chưa có ý định đưa nước Anh sang giai đoạn 2. Mới đây, Bộ trưởng Văn hóa Oliver Dowden còn cho rằng việc hủy các sự kiện thể thao, đóng cửa bảo tàng... là chưa cần thiết.

    - Chính phủ đang thành lập một đội để ngăn chặn các ''fake news'' lan tràn trong cộng đồng.

    Viethome (theo Mirror)

  • Một trong những nhà hàng Việt Nam được nhiều người yêu thích ở Melbourne sẽ phải đóng cửa sau 30 năm hoạt động do ảnh hưởng của ma túy và coronavirus.

    Nhà hàng Việt Nam Tho Tho trên đường Victoria ở Richmond đã hoạt động được ba thập kỷ, nhưng đã phải đóng cửa vào thứ năm, 5/3.

    Các chủ sở hữu cho biết họ đã phải vật lộn với số tiền thuê 37,000 đô la mỗi tháng và số lượng khách hàng giảm mạnh.

    Họ nói đại dịch coronavirus và số lượng người môi giới chất cấm trong khu vực đã ảnh hưởng đến việc kinh doanh.

    “Những kẻ buôn bán ma túy đang tận dụng lợi thế của khu vực. Nó thực sự tồi tệ hơn rất nhiều so với ba năm trước,” đồng sở hữu của Tho Tho, anh Minh Nguyễn nói.

    Phố Victoria ở Richmond đã gặp khó khăn và một số hộ kinh doanh trong khu vực đã bắt đầu treo biển ‘Cho thuê.’

    Số ca Covid-19 tăng nhanh tại Australia trong những ngày qua cho thấy việc ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 tại Australia đang gặp nhiều khó khăn.

    Trước tình trạng này, hôm nay, Giám đốc Y tế Australia Brendan Murphy cho biết, cơ quan y tế mở rộng đối tượng khám sàng lọc để sớm phát hiện những người bị Covid-19.

    “Điều quan trọng nhất đối với Australia nhằm làm giảm sự lây lan của dịch Covid-19 đó là những người vừa từ nước ngoài trở về mà thấy sức khỏe không tốt và có các triệu chứng giống bị cúm như ho, đau họng hay bị sốt thì phải ngay lập tức liên lạc với bác sỹ để được xét nghiệm kịp thời. Đây là cách tốt nhất để kiểm soát dịch bệnh vào lúc này”, ông Brendan Murphy nói.

    So với giai đoạn trước chỉ yêu cầu những người có nguy cơ cao khi tiếp xúc với những người bị Covid-19 mới phải đi khám thì việc Australia mở rộng đối tượng cần đi khám sàng lọc cho thấy giờ đây bên cạnh việc yêu cầu cách ly, Australia muốn có sự phân loại sớm giữa cúm thông thường với Covid-19 để có thể kịp thời cách ly và chữa trị.

    Cho đến lúc này, số ca bị Covid-19 tại Australia lên tới hơn 80 trường hợp, trong đó 3 người đã thiệt mạng và 22 người đã được chữa khỏi hoàn toàn. Đa số những người bị Covid-19 tại Australia là những người trở về từ những vùng có dịch như Trung Quốc, Iran, du thuyền Diamond Princess tại Nhật Bản và một số quốc gia có dịch khác. Trong số này có khoảng 22 trường hợp bị lây nhiễm trong cộng đồng.

    Ngày 9/3, New Zealand không phát hiện thêm trường hợp bị Covid-19 mới và số ca dương tính với Covid-19 tại nước này vẫn là 5 trường hợp./.

    VietHome (Theo 7 News)

  • Cắn móng tay là con đường dễ dàng nhất dẫn đến bất kỳ bệnh lây nhiễm nào, một chuyên gia về bệnh tật vừa cảnh báo trong bối cảnh dịch coronavirus đang bùng phát.

    Các quan chức y tế khuyên mọi người nên thường xuyên rửa tay, không chạm tay vào mặt và tránh sờ vào tay vịn, nhất là khi loại virus chết người này đã lây nhiễm cho hơn 110.000 người trên toàn cầu.

    Bên cạnh đó, một chuyên gia về bệnh dị ứng và bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Langone thuộc Đại học New York tiết lộ rằng cắn móng tay cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

    Cô Purvi Parikh nói rằng tốt nhất là luôn cắt ngắn móng tay vì chúng có thể là nơi trú ngụ của rất nhiều ‘vi khuẩn, vi rút, bụi bẩn và mảnh vụn’ có thể bị đưa vào cơ thể nếu có thói quen xấu này.

    Cô nói: ‘Nếu bạn không rửa tay đúng cách, hoặc chỉ dựa vào các loại nước rửa tay khô, tất cả những thứ đó vẫn sẽ mắc lại trong đó. Và sau đó, mỗi khi bạn chạm vào mặt - đặc biệt là miệng, mũi và mắt - bạn sẽ chuyển tất cả những vi trùng đó vào người. Và bạn có thể bị bệnh.’

    Cô nói thêm: ‘Có rất nhiều bệnh truyền nhiễm hoành hành vào khoảng thời gian này trong năm, từ vi khuẩn sang virus đến cúm. Nhưng trên hết, vì chúng ta đang phải đối mặt với coronavirus, lại có thêm nhiều lý do để không cắn móng tay.

    Như nhiều người đã biết, đối với việc từ bỏ một thói quen xấu, nói dễ hơn làm - nhưng Alec Ginsberg, một dược sĩ thuộc CO Bigelow Apothecaries, đã chia sẻ một vài mẹo đơn giản để giúp từ bỏ tật cắn móng tay.

    Anh khuyên mọi người ‘giữ răng và ngón tay của mình bận rộn,’ ví dụ như bằng cách giữ một quả bóng hoặc nhai kẹo cao su.

    Anh Ginsberg cũng tiết lộ, điều quan trọng là mọi người cần tìm hiểu điều gì khiến họ cắn móng tay, có thể là do cảm giác cô độc hay căng thẳng.

    Lời khuyên của anh được đưa ra sau khi một bệnh nhân có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn đã trở thành người đầu tiên ở Anh tử vong vì coronavirus.

    Hiện tại có 116 ca nhiễm đã được xác nhận Anh. Downing Street cảnh báo rất có khả năng virus này sẽ lây lan một cách đáng kể.

    Cách đây 2 hôm, Bệnh viện Nhi đồng Alder Hey xác nhận một bệnh nhân trẻ em đã có kết quả xét nghiệm dương tính ở Liverpool.

    Đứa trẻ là một trong hai trường hợp mới được hội đồng thành phố xác nhận và đưa tổng số người nhiễm bệnh ở Liverpool lên con số ba.

    Các lãnh đạo ngành y tế cho biết hôm thứ Năm, 5/3, rằng những người được chẩn đoán mắc coronavirus chỉ có các biểu hiện triệu chứng rất tối thiểu nên tự cách ly tại nhà thay vì đến bệnh viện.

    Chính phủ Anh cũng thường xuyên cập nhật các cảnh báo du lịch để kêu gọi bất cứ ai trở về từ Ý tự cách ly nếu họ bắt đầu có các triệu chứng nhẹ của coronavirus.

    VietHome (Theo Metro)

  • Số ca nhiễm virus Covid-19 ở Anh quốc đã tăng lên đến 278 người, trong đó 3 người đã tử vong.

    Ca tử vong thứ 3 ở vương quốc Anh là một người đàn ông hơn 60 tuổi. Người này có những dấu hiệu không khỏe sau khi trở về nước từ Italia. Sau đó, bệnh nhân được xác nhận tử vong do nhiễm virus Covid-19 tại bệnh viện North Manchester.

    Bắc Ireland đã ghi nhận thêm 5 ca nhiễm virus Covid-19, khiến số lượng người nhiễm bệnh ở vương quốc Anh tăng mạnh nhất trong vòng 2 giờ. Bộ Y tế Anh quốc thông báo đến hết ngày 8.3 nước này có 278 người nhiễm virus Covid-19, với 69 ca nhiễm mới.

    Anh quốc có 69 ca nhiễm virus Covid-19 mới trong ngày 8.3.

    Số người nhiễm virus Covid-19 mới cao nhất trong một ngày ở Anh quốc trước đó là 49 người.

    Thành phố London có số người nhiễm virus Covid-19 cao nhất ở Anh quốc với 51 trường hợp, tiếp theo là vùng đông nam nước Anh với 41 người nhiễm. Xứ Wales cho đến nay đã phát hiện 4 ca nhiễm, trong khi 18 người nhiễm được ghi nhận ở Scotland.

    Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội Anh quốc chiều 8.3 xác nhận tổng cộng 23.513 người ở quốc gia này đã được xét nghiệm virus Covid-19.

    Trước đó, các chuyên gia cảnh báo Anh quốc đang chuẩn bị cho kịch bản "xấu nhất", khi nước này có 100.000 người tử vong do nhiễm virus Covid-19.

    60 người nhiễm nCoV khi đi đám ma ở Tây Ban Nha

    Khoảng 60 người dương tính với nCoV sau khi cùng dự một đám tang tại thành phố Vitoria-Gasteiz, Basque, tháng trước.

    Nhóm trên gồm 39 người sinh sống ở khu vực La Rioja lân cận, chủ yếu ở thành phố  Haro và Casalarreina. Khoảng 25 trường hợp còn lại được báo cáo tại Basque, giới chức địa phương xác nhận trong cuộc họp báo hôm 7/3.

    "Mối liên hệ giữa đám tang và các trường hợp nhiễm nCoV mới đang được điều tra", quan chức y tế Basque nói với tờ El Pais của Tây Ban Nha

    Lãnh đạo cơ quan y tế khu vực cùng đại diện chính quyền La Rioja cho biết tình hình trên đòi hỏi phải thực hiện các biện pháp đặc biệt và mạnh mẽ để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan.

    Hiện chỉ có 6 trường hợp điều trị tại bệnh viện, nhưng giới chức cho biết cảnh sát sẽ tăng cường kiểm soát cách ly tại nhà ở thành phố Haro. Cơ quan y tế địa phương tuyên bố cảnh sát sẽ phối hợp cùng lực lượng dân sự để đảm bảo người dân tuân thủ chính xác quy định cách ly tại nhà.

    "Theo nguyên tắc kiểm dịch, chúng tôi cần thực hiện các biện pháp đặc biệt để ngăn chặn dịch bệnh lây lan giữa những công dân không tuân theo lời khuyên của cơ quan y tế. Chúng tôi đã nói chuyện với Bộ Y tế về tình hình ở Haro và nhất trí với các biện pháp đang được thực hiện cũng như chuẩn bị cho mọi kịch bản sắp tới", lãnh đạo cơ quan y tế khu vực Sara Alba cho biết.

    Fernando Simón, lãnh đạo cơ quan phụ trách các trường hợp sức khỏe khẩn cấp ở Tây Ban Nha, đã gọi sự bùng phát ở La Rioja là "tình huống đáng lo ngại". "Chúng tôi đang đề cập tới việc cách ly cả khu phố nhỏ. Với tình hình bây giờ, chúng tôi không thể biết người bệnh đang ở đâu với các biện pháp như hiện nay", Simón nói.

    Ngày 7/3, Tây Ban Nha cũng thông báo một tù nhân tại nhà giam ở Aranjuez, cách 50km về phía nam của Madrid, dương tính với nCoV. Hiện nước này ghi nhận hơn 670 ca nhiễm nCoV, trong đó 17 người đã tử vong và hơn 30 người  phục hồi.

    Theo DailyMail

  • Giữa "cơn sốt" giấy vệ sinh càn quét khắp Australia, một gia đình ở đây lại dở khóc dở cười vì trót đặt mua đến... 48 thùng giấy thay vì 48 cuộn!

    Để ngăn cản sự bùng phát của “cơn bão” mang tên giấy vệ sinh, các siêu thị lớn tại Australia đã đồng loạt giới hạn số lượng giấy mà mỗi khách hàng được mua. Trước tình hình đó, nhiều người lập tức chuyển hướng sang các trang bán hàng trực tuyến để tranh thủ mua mặt hàng “nóng hổi” này, và gia đình cô Haidee Janetzki cũng không ngoại lệ.

    Con gái của Janetzki bên cạnh “tác phẩm” trong một phút bất cẩn của mẹ.

    Tháng trước, người phụ nữ ở phía nam bang Queensland đã đặt một đơn giấy vệ sinh từ nhà bán lẻ trực tuyến Who Gives a Crap, song lại quên kiểm tra số tiền bị trừ trong thẻ tín dụng.

    Mãi đến khi một “núi” giấy vệ sinh được chuyển về nhà, kèm hóa đơn 3.264 AUD (hơn 2.100 USD), cả gia đình mới ngớ người nhận ra có gì đó không đúng!

    Cả kho hàng đầy ắp giấy vệ sinh trong nhà.

    Chia sẻ về cảm giác khi đặt mua 48 cuộn nhưng nhận về tận 48 thùng giấy vệ sinh, tức 2.304 cuộn, Janetzki cho biết: “Thật lúng túng và bối rối. Tôi thấy mình như đồ ngốc vậy”.

    Vừa ngạc nhiên vừa buồn cười vì một phút “trượt tay” của vợ, hôm 4/3, anh Chris đã đăng một tấm ảnh lên mạng xã hội để khoe “vương quốc” giấy vệ sinh mới thành lập trong nhà mình.

    Trong ảnh, “nữ vương” Haidee Janetzki chễm chệ ngồi trên ngai vàng, cầm quyền trượng trên tay và cười thật tươi với ống kính. Dĩ nhiên, cả cơ ngơi đồ sộ này đều được dựng nên từ núi giấy vệ sinh mà cô mới mua về.

    “Vương quốc” nho nhỏ do Janetzki ngự trị.

    Nói về tình trạng “sốt” giấy vệ sinh trên toàn Australia hiện nay, Janetzki nói: “Tôi thấy nhẹ nhõm khi người thân và bạn bè mình không cần phải lo lắng về điều đó”. Sau khi tính toán, cô cho biết số giấy vệ sinh khổng lồ này đủ cho cả gia đình dùng suốt 12 năm liền. Do đó, vợ chồng cô quyết định bán một phần trong đó với mức giá bằng với lúc mua vào để gây quỹ cho con gái đến trường.

    Ra tòa vì giành mua giấy vệ sinh

    Hai phụ nữ ở bang New South Wales phải ra tòa sau khi ẩu đả để tranh mua giấy vệ sinh tại một siêu thị địa phương.

    "Hai phụ nữ ở độ tuổi 23 và 60 được yêu cầu có mặt tại tòa vào ngày 28/4 vì hành vi ẩu đả, gây mất trật tự công cộng sau cuộc tranh cãi ở một siêu thị", cảnh sát bang New South Wales, Australia hôm nay ra thông cáo cho biết.

    Hình ảnh trên mạng xã hội Twitter cho thấy hai người phụ nữ hét lớn, sau đó xô xát để tranh nhau xe đẩy chứa đầy giấy vệ sinh. "Tôi chỉ muốn mua một túi giấy", một người nói, trong khi người còn lại đáp trả rằng "không một túi nào cả". Nhân viên siêu thị sau đó phải can thiệp, không có ai bị thương trong sự việc.

    Australia đang chứng kiến làn sóng tích trữ giấy vệ sinh trong bối cảnh nước này ghi nhận 78 ca dương tính với nCoV, trong đó 3 người đã tử vong. Điều này buộc các siêu thị giới hạn mỗi khách hàng chỉ được mua một túi giấy vệ sinh.

    Việc mua sắm hoảng loạn những mặt hàng không có ý nghĩa về y tế như giấy vệ sinh "mang lại cho mọi người cảm giác rằng 'tôi sẽ có những gì mình cần khi tôi muốn'", Andy Yap, một nhà tâm lý học, và Charlene Chen, chuyên gia về marketing và kinh doanh ở Singapore, chia sẻ quan điểm.

    Theo Saostar

  • Tỉnh Lào Cai cách ly 180 người tiếp xúc với hai vợ chồng người Anh dương tính nCoV, đến Việt Nam trên cùng chuyến bay với 'bệnh nhân 17". 

    Ông Phạm Văn Thinh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai, cho biết đến tối 8/3 hai bệnh nhân hết sốt, không ho, không khó thở. Dự kiến cả hai sẽ được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ở Hà Nội, tối nay.

    Bà Claddock Mary Irene Catherine sinh năm 1950, và chồng là Claddock Graham Arthur Aleck, sinh năm 1951, ngồi cùng khoang thương gia chuyến bay VN0054, số ghế 7B và 7C, từ châu Âu về Việt Nam hôm 2/3. Khoang này có Nguyễn Hồng Nhung, "bệnh nhân 17" ở ghế 5K.

    Đêm 4/3, hai vợ chồng đi tàu hỏa Livitras từ Hà Nội đến Lào Cai. Ngày 5-6/3, họ ở tại Sa Pa, chiều 7/3 được xe của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đón về cách ly tại viện. 

    Cơ quan chức năng Lào Cai xác định 180 người tiếp xúc với bệnh nhân, trong đó 54 người tiếp xúc gần, 51 người tiếp xúc gián tiếp và 75 người tiếp xúc vòng thứ 3. Tất cả đều đã được cách ly theo dõi sức khỏe.

    Hai vợ chồng này trong nhóm 9 ca dương tính nCoV được Bộ Y tế công bố chiều 8/3. Họ đều là người nước ngoài đi chung chuyến bay VN0054, gồm 7 người Anh, một người Ireland, một người Mexico, tuổi từ 58 đến 74. Trên chuyến bay, họ ngồi ở khoang hạng thương gia, có ít nhất một người ngồi hạng phổ thông. Sau khi nhập cảnh ở Hà Nội, họ tiếp tục du lịch các tỉnh.

    Đến nay Việt Nam ghi nhận 30 ca Covid-19, trong đó 16 người đã khỏi bệnh, 14 người mới phát hiện trong hai ngày qua.

    Trên chuyến bay VN0054 có 217 người, trong đó 21 người ngồi ở khoang thương gia, 180 khách hạng phổ thông, 16 người trong tổ bay và tiếp viên. Hiện cơ quan chức năng đã xác minh được nơi đến của 155 người trong số hành khách hạng phổ thông và 21 hành khách hạng thương gia. 60 người trong số họ có lưu trú tại Hà Nội.

    'Bệnh nhân 17' hết sốt

    Bệnh nhân Nguyễn Hồng Nhung, 26 tuổi, đang cách ly tại phòng áp lực âm Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương, đã hết sốt, sức khỏe ổn định.

    Tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch, giám đốc bệnh viện, cho biết sức khỏe bệnh nhân Nhung đến ngày 7/3 tạm ổn, tự thở khí trời, sinh hiệu ổn, còn ho ít. 

    Bệnh nhân Nhung tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương chiều 7/3. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

    Trước đó, người này sốt liên tục kèm ho, mệt, đi khám bệnh viện Hồng Ngọc tại phố Yên Ninh, Ba Đình và được chuyển sang Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương, huyện Đông Anh. 

    Hiện bệnh nhân được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế và theo dõi sát tại phòng cách ly. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, cho biết bệnh nhân dương tính nCoV ở Việt Nam chủ yếu được điều trị bằng thuốc, theo triệu chứng. Bệnh nhân Nhung không có các bệnh nền kèm theo, không suy hô hấp, không cần phải thở máy, quá trình điều trị vẫn theo phác đồ này.

    Theo VnExpress

  • Không như ở các nước châu Á, người châu Âu ít khi đeo khẩu trang ra đường dù dịch nCoV đang bùng phát. Người Việt ở Đức, Ý, Séc ngại đeo khẩu trang vì sợ bị kì thị, thậm chí rượt đánh.

    Người Việt ở châu Âu sợ bị kì thị, tấn công nên ngại đeo khẩu trang

    Nhiều người châu Âu quan niệm rằng chỉ ai mắc bệnh hay nhân viên y tế mới đeo khẩu trang. Vì thế, những người đeo khẩu trang ra đường ở các nước này thường bị nhìn với ánh mặt kì thị, thậm chí có nguy cơ bị tấn công vì nghi nhiễm nCoV.

    Đang sống ở thủ đô Berlin, Đức, chị Mỹ Trang kể: “Ở Đức có hơn 260 ca nhiễm nCoV rồi. Hôm qua có 2 người đeo khẩu trang bị người ta đánh cho không trượt phát nào. Thằng đánh bảo: ‘Mày bị bệnh thì ở nhà đi, ra ngoài làm gì’. Ở Đức, người ta bảo không phải đeo khẩu trang, bao giờ bị bệnh mới đeo. Tôi mua khẩu trang rồi mà không dám đeo vì sợ bị tẩn”.

    Cũng sống ở Berlin, chị Nguyễn Thị Hương cho biết: “Có hơn 6 người nhiễm ở Berlin rồi. Mọi người đi lại chủ yếu bằng tàu mà chẳng thấy ai đeo khẩu trang cả. Nghe thấy bảo, nếu đeo thì bị 112 (số điện thoại khẩn cấp - PV) đến bắt. Dù vậy, ở hiệu thuốc, khẩu trang, thuốc sát khuẩn và nước rửa tay đều hết hàng”.

    Trong khi anh Hổng Lam tiết lộ không đeo khẩu trang ở Đức vì lý do khác: “Cả nhà em sợ lắm nhưng không dám đeo vì làm dịch vụ. Đeo vào không ai đến nữa”.

    Báo Đức viết: Khẩu trang chỉ dành cho những người đã nhiễm bệnh, để họ không lan truyền virus sang người khác".

    Tính đến 15 giờ ngày 5.3, Ý có tổng cộng 3.089 ca nhiễm và 92 người chết vì nCoV. Ấy vậy mà anh Hoàng Minh (sống ở Ý) cho hay: “Khẩu trang thì không đeo mà thực phẩm thì người dân mua sạch, dự trữ kiểu như tận thế rồi ấy. Tôi ở bên này cũng không dám đeo vì ra đường cứ bị nhìn như người ngoài hành tinh”.

    Hiện sống ở Cộng hòa Séc, anh Huy Hoàng cũng gặp tình huống tương tự Hoàng Minh và còn bị người dân bản địa trêu chọc vì đeo khẩu trang khi đi tàu điện ngầm: “Đeo khẩu trang đi ra đường bị chúng nó nhìn như người ngoài hành tinh. Tối nọ đi tàu còn bị một đám nói mình bị nhiễm corona rồi. Nó còn giả vờ ho để trêu đểu mình. Mình không muốn tranh cãi nên không thèm để ý. Khi mình chuẩn bị xuống tàu, nó còn đến trước mặt mình để ho cho mình nhìn thấy rồi cười đùa với nhau”.

    Nhiều tờ báo ra tại châu Âu đều có bài khuyến cáo độc giả cách phòng tránh nCoV, song đều không khuyên dùng khẩu trang. Thậm chí, tờ báo ra tại Đức trích lời một dược sĩ rằng: "Khẩu trang chỉ dành cho những người đã nhiễm bệnh, để họ không lan truyền virus sang người khác".

    Theo Một Thế Giới

  • 64 ca nhiễm mới đã được ghi nhận ở UK hôm nay, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 273. Đây là đợt nhiễm bệnh cao nhất được xác định trong 1 ngày ở UK. Dưới đây là một số tin chính:

    - Tesco đang giới hạn khẩu phần hàng hóa mà một khách hàng có thể mua trong thời điểm người dân đang cập rập đi vét hàng. Khách hàng đã mua cạn kiệt các chai nước rửa tay, giấy cuộn và đậu hầm. Website của gã khổng lồ cho biết biết mỗi người chỉ được mua 5 mặt hàng sữa tiệt trùng, pasta và đậu hầm (baked beans), kể cả tại cửa hàng hoặc online.

    - Số lượng cuộc gọi đến NHS 111 đã tăng hơn 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái, với hơn 120.000 cuộc gọi trong tuần đầu tiên của tháng Ba. Thêm 500 nhân viên đã được huấn luyện để trả lời các cuộc gọi gia tăng này.  

    - 32 người từng bị cách ly ở bệnh viện Arrowe Park tại Wirral nay đã được ra viện. 

    - Hầu hết các ca nhiễm là ở England với 244 trường hợp, 18 ca ở Scotland, 4 ca ở Wales và 7 ca nhiễm ở Bắc Ailen. London ghi nhận 38 ca nhiễm.

    - 3 người tại phòng khám Chelston Hall ở Torquay, Devon đã bị nhiễm virus corona.  

    - 1 sinh viên của Đại học Oxford đã nhiễm virus corona. Người này vừa đi du lịch nước ngoài trở về và đã tự cách ly ngay khi xuất hiện triệu chứng. 

    - Thời tiết ấm dần lên có thể làm giảm đà lây lan của virus. Nhiệt độ ở UK có thể tăng lên tới 23 độ C trong những tuần tới, giúp giải phóng các bệnh nhân mắc bệnh cúm mùa đông và bệnh dạ dày (tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng). Kết quả là bộ phận y tế sẽ có thêm nguồn lực để tập trung điều trị và phòng chống Covid-19. 

    - Một cầu thủ bóng đá của Hanover Football Club đã được xét nghiệm dương tính với virus corona sau 1 trận đấu, khiến 2 đội bóng ở Bắc Ailen phải áp dụng các biện pháp cách ly thận trọng.

    - 2 người sống chung một nhà ở Pembrokeshire, Wales đã bị nhiễm virus corona. Họ vừa trở về từ bắc Italy.

    - Bệnh viện Northampton General Hospital bị ăn cắp nước rửa tay khô, khiến bệnh nhân gặp nhiều rủi ro. 

    - 100.000 người ở UK có thể tử vong vì Covid-19, theo tờ Sunday Times. Các giới chức Whitehall mô tả con số này chỉ là ước tính, và vẫn thấp hơn nhiều so với dự đoán trước đó là 500.000 người.

    - Bệnh viện có thể cắt giảm các công việc khác để tập trung phòng chống coronavirus.

    - Hoàng gia Anh đang lên các kế hoạch khẩn cấp nhằm hạn chế việc Nữ hoàng phải tiếp xúc với quá nhiều người trong các sự kiện. Nữ hoàng có thể phải chuyển về sống ở Sandringham hoặc Balmoral để giảm thiểu việc tiếp xúc với các nhân viên.  

    Viethome (theo Mirror)

     

  • Sau khi có kết quả dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2), người đàn ông này đã không ở nhà chờ đợi như được hướng dẫn, mà lập tức bắt taxi đi bar với lời nhắn lại: Tôi đi truyền virus đây!

    Truyền thông Nhật Bản đưa tin, mới đây quốc gia này đã có một trường hợp cực kỳ gây phẫn nộ liên quan đến dịch bệnh Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây nên.

    Cụ thể theo kênh tin tức Fuji (FNN), một người đàn ông ngoài 50 tuổi đã đến bệnh viện thuộc thành phố Gamagori (tỉnh Aichi) vào ngày 4/3, nhằm thực hiện xét nghiệm Covid-19. Dù bản thân người này chưa có bất kỳ triệu chứng nào, nhưng cha mẹ ông (sống cùng nhà) đã nhiễm bệnh rồi.

    Kết quả được trả về buổi tối 4/3 là người này dương tính với virus. Bệnh viện đã hướng dẫn bệnh nhân cần phải đợi tại nhà, để họ tìm kiếm cơ sở y tế có khả năng tiếp nhận và chăm sóc trong những ngày kế tiếp. Tuy nhiên, thay vì tự chủ động cách ly bản thân, người này nói với gia đình: "Tôi sẽ đi truyền virus đây," rồi đến 2 quán bar ngay trong buổi tối hôm đó.

    Theo Tokyo Reporter, người này đã đi taxi đến một quán bar kiêm nhà hàng để ăn uống, sau đó đi bộ tới một quán bar khác dành cho người Philippines. Tại đây sau khi ăn và uống chung với nhiều người, ông ta thậm chí còn nói với khách hàng xung quanh rằng mình đang nhiễm virus. Rốt cục, một nhân viên tại quán bar đã cảm thấy lo lắng và gọi cho nhà chức trách địa phương.

    Ngay sau đó, cảnh sát trong trang phục bảo hộ đã xuất hiện, nhưng lúc này người đàn ông ấy đã lên taxi và trở về nhà. Ngày hôm sau, ông được chuyển đến điều trị trong một cơ sở y tế. Hai quán bar hiện đã phải đóng cửa và khử trùng toàn bộ, trong khi toàn bộ nhân viên và khách hàng hôm ấy phải làm xét nghiệm và tự cách ly trong lúc chờ kết quả.

    "Tôi thực sự không hiểu nổi. Không có cách nào mô tả sự tức giận vào lúc này," - một nhân viên đài truyền hình địa phương chia sẻ. 

    Chính quyền thành phố đã tổ chức họp báo khẩn và xin lỗi vì sự việc này. "Thực sự đáng tiếc khi người này đã không ở nhà như được hướng dẫn," - thị trưởng thành phố, ông Toshiaki Suzuki cho biết.

    Cộng đồng mạng cũng không kìm nén nổi sự tức giận. "Tôi có thể thông cảm nếu anh ta sống một mình hoặc là người duy nhất kiếm cơm cho cả nhà, nhưng như thế này thì... cạn lời." - một người dùng chia sẻ.

    "Bắt hắn đi. Hắn là mối đe dọa cho cộng đồng này." - một người dùng khác gay gắt hơn.

    "Các quán bar nên kiện tên này."

    "Công bố tên mấy nơi đó đi. Tôi chắc chắn không tới ăn nữa đâu."

    Nhật Bản hiện có hơn 1000 trường hợp nhiễm bệnh Covid-19, dù đa số thuộc về du thuyền bị cách ly Diamond Princess.

    Theo Trí Thức Trẻ

  • Nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, chính quyền Italy vừa ký sắc lệnh phong tỏa vùng Lombardy và 14 tỉnh khác ở miền Bắc nước này. Điều này đồng nghĩa gần 16 triệu người dân đang nằm trong khu vực phong toả.

    Bất kỳ ai vi phạm lệnh cách ly ở Lombardy sẽ lãnh án tù cao nhất là 3 tháng. Ảnh: Reuters

    Rạng sáng nay (8/3), Thủ tướng Italy Giuseppe Conte chính thức ký, ban bố sắc lệnh phong toả toàn bộ vùng Lombardy cùng 14 tỉnh khác ở miền Bắc đất nước với dân số gần 16 triệu người, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

    Theo sắc lệnh, toàn bộ vùng Lombardy, vùng Veneto cùng một số tỉnh thuộc các vùng Piedmonte và Emilio-Romagna sẽ bị áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt từ ngày 8/3 cho đến ít nhất là ngày 3/4. 

    Đây hiện là những tâm dịch COVID-19 lớn nhất tại Italy và cũng là nơi tập trung nhiều đô thị lớn như Milan, thủ đô tài chính của Italy hay thành phố du lịch nổi tiếng Venice. Lombardy là vùng giàu có và đông dân nhất nước Ý, bao gồm 11 tỉnh, theo Reuters.

    Sắc lệnh phong toả quy định rõ: Toàn bộ cư dân trong vùng không được phép di chuyển ra ngoài, trừ những trường hợp vô cùng đặc biệt. Các hoạt động đi lại trong vùng cũng bị hạn chế đến mức tối đa, trừ người có các công việc bắt buộc và được chứng minh.

    Tất cả bảo tàng, phòng gym, trung tâm văn hóa, rạp phim, rạp hát, khu nghỉ mát trượt tuyết và bể bơi trên toàn quốc sẽ bị đóng cửa. Quán cà phê và nhà hàng chỉ được phép mở cửa với điều kiện phải đảm bảo các khách hàng ngồi cách nhau khoảng 1 mét.

    Cũng theo chỉ thị, chính phủ đã yêu cầu đóng cửa các trường học, hộp đêm và sòng bài trên toàn quốc, AFP cho hay. Bất kỳ ai vi phạm các quy định hạn chế đi lại sẽ đối mặt với án tù lên đến 3 tháng. Nhân viên y tế không được nghỉ phép.

    Các công ty được khuyến nghị cho phép nhân viên nghỉ hoặc làm việc tại nhà. Toàn bộ các hoạt động thể thao bị hủy bỏ, trừ những sự kiện thể thao chuyên nghiệp chuẩn bị cho Olympic 2020 nhưng phải thi đấu không có khán giả.

    Tuy nhiên, cư dân trong vùng phong tỏa vẫn được phép đi chợ hoặc đến các quán bar, nhà hàng với điều kiện tuân thủ chặt chẽ yêu cầu đứng cách xa nhau ít nhất 1m.

    Lệnh phong toả này cũng là biện pháp mạnh nhất mà chính quyền Italy áp dụng kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại nước này cách đây 2 tuần, giống như cách Trung Quốc áp dụng cho tỉnh Hồ Bắc và thành phố Vũ Hán.

    Hiện, tính đến hết ngày 7/3, Italy ghi nhận gần 6.000 ca nhiễm COVID-19 trong đó có 233 ca tử vong. Như vậy, Italy vẫn là ổ dịch COVID-19 lớn nhất tại châu Âu và lớn thứ 3 thế giới.

    Một giảng viên ghi hình cho khóa học trực tuyến bên trong giảng đường trống không tại một đại học ở thành phố Milan ngày 7.3. Ảnh: Reuters

    Trước khi chính phủ Ý ban hành lệnh phong tỏa, có khoảng 50.000 người bị cách ly tại 11 thị trấn ở miền bắc nước Ý, bao gồm Lombardy và Veneto.

    Dịch COVID-19 do virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra đã lan sang tất cả 22 vùng của Ý, lây nhiễm gần 5.900 người và làm chết 233 người, theo AFP.

    Kể từ khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) cuối năm ngoái, dịch COVID-19 đến nay lan sang hơn 90 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, lây nhiễm cho hơn 105.800 người và làm chết hơn 3.550 người.

    Ý đã trở thành điểm nóng COVID-19 ở châu Âu và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi nước này phải tập trung vào các biện pháp ngăn chặn dịch COVID-19 lan rộng.

    Theo Thanh Niên

  • Bộ Y tế vừa chính thức thông báo ca bệnh mới mắc Covid-19 tại nước ta. Đây là người ngồi gần hàng ghế trên máy bay với bệnh nhân N.H.N. (ngụ tại Trúc Bạch, Hà Nội).

    Sáng 8/3, Bộ Y tế công bố một trường hợp dương tính với virus corona ở Việt Nam. Đó là bệnh nhân N.Q.T., nam, 61 tuổi, ngụ đường Nguyễn Khắc Nhu, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình.

    Ông đi cùng chuyến bay VN 0054, ngồi ghế 5A, tức là ngồi cạnh bệnh nhân N.H.N. 

    Bệnh nhân N.Q.T. từ Việt Nam bay qua Ấn Độ, rồi từ Ấn Độ bay qua Anh, sau đó từ Anh bay về Việt Nam trên chuyến bay VN 0054. Theo chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, trên chuyến bay từ Ấn Độ sang Anh, ông  N.Q.T. có ngồi cạnh một hành khách người Anh có biểu hiện sốt, ho.

    "Trường hợp bệnh nhân N.Q.T. có hai khả năng lây nhiễm, có thể lây nhiễm trên chuyến bay từ Anh về Việt Nam, nhưng khả năng nhiều hơn là lây nhiễm trên chuyến bay từ Ấn Độ đến Anh" -chủ tịch Hà Nội cho biết. 

    Ông Chung cũng thông tin theo xác định sơ bộ thời gian từ sáng 2-3 đến chiều 6-3, bệnh nhân N.Q.T. đã tiếp xúc với 96 người. Hiện nay vẫn đang trong quá trình xác minh tiếp, tất cả những trường hợp tiếp xúc đã được thông báo và đang cách ly tại cơ sở y tế và gia đình.

    Ngày 6/3, bệnh nhân có dấu hiệu mệt mỏi và ho khan, chưa điều trị. 10h ngày 7/3, ông được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm và sang Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 bằng xe riêng.

    Phun khử trùng máy bay. Ảnh: Hoàng Hà.

    Trước đó, 21h30 đêm 6/3, nữ bệnh nhân N.H.N (26 tuổi, ở Trúc Bạch, Ba Đình) được xác định dương tính với Covid-19. Đây là trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên ở Hà Nội.

    20 giờ sau, Bộ Y tế tiếp tục thông báo thêm 2 người nhiễm Covid-19, đều là người tiếp xúc gần với nữ bệnh nhân trên, gồm bà L.T.H. (sinh năm 1956, bác của bệnh nhân N.), và anh D.Đ.P. (sinh năm 1993, lái xe chở bệnh nhân N.).

    Anh D.Đ.P đã lái xe đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Hồng Ngọc nhưng không đeo khẩu trang. Bà L.T.H. ngồi cạnh trên đường đến Bệnh viện Hồng Ngọc nên cả lái xe và bác ruột đều bị lây từ bệnh nhân N.H.N.

    22h đêm 7/3, những người tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Hà Nội được xác định vị trí và áp dụng các biện pháp cách ly, theo dõi sức khỏe. Như vậy, Hà Nội đã ghi nhận 4 ca mắc Covid-19. Cả nước là 21 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.

    Sau trường hợp ca bệnh đầu tiên nhiễm virus corona, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tất cả người dân cùng tham gia kiểm soát chặt chẽ những người nhập cảnh vào Việt Nam. “Tất cả đều phải khai báo y tế, bất kể là người nào, bất kể công dân Việt Nam hay nước ngoài đều phải khai báo rõ lịch trình”, ông Chung yêu cầu.

    Một chỉ đạo khác được ông đưa ra là các cơ sở y tế phải có khu khám riêng dành cho những trường hợp có dấu hiệu nhiễm Covid-19. Khi thăm khám y bác sĩ phải trang bị đẩy đủ trang phục, thiết bảo hộ y tế theo đúng quy trình, tiêu chuẩn, tránh trường hợp như Bệnh viện Hồng Ngọc.

    “Chỉ trong thời gian thăm khám, Bệnh viện Hồng Ngọc có 17 y, bác sĩ tiếp xúc với bệnh nhân nghi nhiễm mà không có bất cứ phương tiện bảo hộ nào”, ông Chung nêu thực tế. Ông đề nghị ngành y tế ngay sáng 7/3 phải tổ chức quán triệt và rút kinh nghiệm về việc này. Đồng thời, đề nghị toàn thành phố chống dịch với tinh thần quyết liệt nhưng bình tĩnh, không chủ quan.

    Theo ông Chung, Hà Nội đang bước vào giai đoạn thách thức, khó khăn hơn, nguy cơ lây nhiễm cao hơn khi dịch bệnh đã lây ra 98 nước. “Trong đó, Hà Nội có nguy cơ cao nhất vì công dân 98 nước này đều hiện diện ở Hà Nội. Công dân Hà Nội đi du lịch, công tác đều liên quan đến các nước châu Âu, đặc biệt những nước có nguy cơ lớn như Anh, Pháp, Italy”, Chủ tịch thành phố chia sẻ.

    Vì vậy, mọi người phải nhận thức mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, chỉ cần 1 người mắc có thể lây nhiễm cho cả cộng đồng nên đi đâu từ vùng dịch về phải tự giác khai báo, tự giác cách ly, tránh kéo dài thời gian làm mất “thời gian vàng”, tạo nguy cơ lây nhiễm lớn hơn.

    Đồ họa: Minh Hồng.

    16 người mắc Covid-19 ở Việt Nam đã khỏi bệnh

    1. Li Ding, 66 tuổi, ở Vũ Xương, Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc.

    2. Li Zichao, 28 tuổi (con của ông Li Ding), làm việc tại Long An.

    3. L.T.T.H., 25 tuổi, ở xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà, lễ tân tại khách sạn tại Nha Trang.

    4. N.T.T.T., 25 tuổi, ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá.

    5. P.V.C., 29 tuổi, ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc.

    6. N.T.D., nữ, 23 tuổi, ở huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

    7. T.H.K., sinh năm 1947, quốc tịch Mỹ, phát bệnh ngày 26/1.

    8. V.H.L., nữ, 29 tuổi, ở huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

    9. T.C.P., 30 tuổi, ở xã Minh Quang, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

    10. P.T.B., nữ, 42 tuổi, ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

    11. P.T.T., 49 tuổi, (mẹ của bệnh nhân N.T.D.) ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

    12. N.T.T.D., 16 tuổi, (em gái của bệnh nhân N.T.D.) ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

    13. N.T.N., nữ, 29 tuổi, ở xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

    14. N.T.Y., 55 tuổi, lao động tự do tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc (hàng xóm của công nhân N.T.D.).

    15. N.G.L., nữ, 3 tháng tuổi (sinh ngày 5/11/2019), ở xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc (cháu ngoại của bệnh nhân P.T.B.).

    16. Ông N.V.V., 50 tuổi, ngụ tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, cha của bệnh nhân N.T.D., một trong 8 người từ Vũ Hán trở về.

    5 bệnh nhân vừa phát hiện dương tính

    17. N.H.N., 26 tuổi, ngụ tại Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội, phát hiện bệnh sau chuyến du lịch châu Âu từ ngày 15/2-1/3. Bệnh nhân được xác định dương tính ngày 6/3.

    18. N.V.T., 27 tuổi, quê Ninh Bình, đến Daegu (Hàn Quốc) ngày 17/2, trở về Việt Nam trên chuyến bay VJ981 từ Busan đến Vân Đồn ngày 4/3. Bệnh nhân được xác định dương tính ngày 7/3.

    19. L.T.H., nữ, 64 tuổi, bác của bệnh nhân N.H.N.

    20. D.Đ.P., nam, 27 tuổi, lái xe riêng của gia đình bệnh nhân N.H.N.

    21. N.Q.T., nam, 61 tuổi, ở Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội. Đây là người ngồi gần hàng ghế với bệnh nhân N.H.N. trên chuyến bay VN0054.

    Theo Zing

  • Ít nhất 206 người đã cho kết quả dương tính với virus Covid-19 sau khi 42 ca nhiễm mới được ghi nhận hôm nay. Dưới đây là một số điểm tin chính:

    Cơ quan Y tế Cộng đồng Anh đang cố gắng liên lạc với những người đã tiếp xúc với một bệnh nhân ở Leicestershire. 

    - Nhà vi sinh học nổi tiếng thế giới, người đã phát hiện ra virus Ebola, tiến sĩ Peter Piot cảnh báo rằng Covid-19 sẽ hoành hành mạnh mẽ nhất vào dịp Lễ Phục Sinh, dịch bệnh sẽ bùng nổ trong nhiều tháng. Hàng ngàn người ở Anh có lẽ đã nhiễm loại virus này, nên số người được chẩn đoán dương tính sẽ tăng mạnh trong tháng tới. 

    - Cặp đôi người Anh, David và Sally Abel, nhiễm bệnh trên tàu Diamond Princess đã không thể trở lại UK sau khi anh Abel bị tái nhiễm virus corona. Trước đó họ còn bị viêm phổi. 

    - Thêm 5 người đã được xét nghiệm dương tính với Covid-19 ở Scotland, nâng tổng số ca nhiễm lên 16. Hai trường hợp mới nhất là ở Lanarkshire, các trường hợp khác ở Lothian, Greater Glasgow and Clyde, và Grampian. 

    - Hôm nay các báo Anh đã đưa tin về vụ một phụ nữ Việt Nam 26 tuổi đã nhiễm virus corona sau chuyến du lịch qua nhiều quốc gia châu Âu, kể cả Anh Quốc. Người tài xế của gia đình cũng đã bị nhiễm. 

    - Dân Anh được khuyên nên đi thăm họ hàng lớn tuổi trước khi lệnh cách ly được ban hành, vì lúc đó người lớn tuổi sẽ được yêu cầu ở trong nhà khi dịch bệnh diễn biến tệ hơn. 

    - Covid-19 là sự kết hợp nguy hiểm của SARS và AIDS. Trên tờ báo Journal of Forensic Medicine, các bác sĩ ở Vũ Hán cho rằng Covid-19 gây ra những tổn thương phổi không thể phục hồi, tàn phá hệ miễn dịch nặng nề. 

    - 115 người đã tiếp xúc với một bệnh nhân corona ở Liverpool. Nhân viên vận chuyển này đã đến khám tại một phòng khám ở Bệnh viện Broadgreen.

    - Các du khách Anh trên tàu Grand Princess ở ngoài khơi San Francisco, California, sẽ phải cách ly đến 4 tuần. 21 người trên tàu đã bị nhiễm Covid-19. Trong tổng số 3.500 hành khách, có 142 công dân Anh.

    - Một người đàn ông 88 tuổi đã trở thành người thứ 2 tử vong ở UK do nhiễm corona virus. Ông vừa trở về từ chuyến du lịch trong mơ đến Caribê. Ông đã thăm một số quốc gia, và qua đời chỉ 1 giờ sau khi được cách ly. Ông được điều trị tại Bệnh viện Milton Keynes, và đã ở chung phòng với một số bệnh nhân. Chỉ khi ông qua đời, người ta mới xét nghiệm virus corona cho ông.

    Viethome (theo Metro)

  • Những người lao động cần phải tự cách ly vì coronavirus sẽ được trả lương nghỉ bệnh ngay từ ngày nghỉ đầu tiên, ông Boris Johnson tuyên bố.

    Thủ tướng nói với các nghị sĩ rằng các quy tắc sẽ được thay đổi như một phần của các quy tắc khẩn cấp sắp được ban hành để đối phó với sự bùng phát của COVID-19, căn bệnh do coronavirus gây ra.

    Hiện tại, lương nghỉ ốm được trả từ ngày nghỉ thứ tư.

    Trước đó, người phụ trách y tế của Anh, giáo sư Chris Whitty nói sự bùng phát dịch bệnh ở UK là “gần như chắc chắn” và sẽ có “một số người tử vong.”

    Ông Johnson tiết lộ kế hoạch đối phó coronavirus của chính phủ vào thứ ba (3/3) và đây là chủ đề chính trong các cuộc trao đổi giữa ông và lãnh đạo đảng Lao động Jeremy Corbyn.

    Ông Johnson cho biết những người tự cách ly đang "giúp bảo vệ tất cả chúng ta bằng cách làm chậm sự lây lan của virus".

    "Nếu họ ở nhà và nếu chúng ta yêu cầu mọi người tự cách ly, họ có thể bị mất nguồn thu nhập", ông nói với Hạ viện.

    "Vì vậy, hôm nay tôi thông báo rằng trong khuôn khổ các luật khẩn cấp đối phó coronavirus của chúng ta, bộ trưởng y tế sẽ đưa ra các biện pháp cho phép thanh toán tiền lương theo luật định ngay từ ngày đầu tiên bạn nghỉ bệnh thay vì 4 ngày theo quy định hiện hành, và tôi nghĩ rằng đó là cách làm đúng đắn.

    "Không ai nên bị phạt vì làm điều đúng đắn."

    Chính phủ đã chịu áp lực trong những ngày gần đây trước những kêu gọi bồi thường cho các nhân viên tuân thủ lời khuyên cách ly và không đi làm.

    Theo kế hoạch đối phó coronavirus chi tiết của chính phủ, số người lao động phải nghỉ ốm tại thời điểm đỉnh dịch có thể lên tới 20%.

    Ông Corbyn hoan nghênh động thái này, nhưng yêu cầu ông Johnson làm rõ về việc liệu thay đổi này có được áp dụng cho những người lao động không được hưởng lương nghỉ ốm theo luật định hay không, để họ không bị buộc phải đưa ra lựa chọn giữa sức khỏe và công việc.

    Thủ tướng cho biết ông "nhận thức rất rõ" về các vấn đề mà người lao động tự doanh và người có hợp đồng 0 giờ phải đối mặt, nói thêm rằng "một số trong số họ sẽ được hưởng lương theo luật định."

    Tổng thư ký TUC Frances O'Grady nói rằng thông báo này là một "bước tiến quan trọng", nhưng vẫn "chưa đủ." Ông chỉ ra rằng hai triệu người lao động "vẫn không kiếm đủ tiền để được trả lương nghỉ bệnh theo luật định".

    "Họ không thể không làm việc. Và tiền lương nghỉ bệnh theo luật định vẫn không đủ sống", bà nói.

    "Chính phủ phải đi xa hơn nữa để đảm bảo rằng không ai bị phạt vì làm điều đúng đắn."

    Phó tổng giám đốc CBI Josh Hardie nói: "Các nhà tuyển dụng có vai trò lớn trong việc đảm bảo rằng các quy định cách ly được áp dụng vào thực tế một cách công bằng. Trả lương nghỉ bệnh theo luật định từ ngày nghỉ thứ nhất là bước quan trọng đầu tiên."

    Tổ chức think-tank Resolution cho rằng động thái này phần nào có thể "trấn an người lao động".

    Nhưng giám đốc nghiên cứu của tổ chức, bà Laura Gardiner, cho biết sự thay đổi này sẽ không giúp được cho khoảng năm triệu lao động tự doanh và khoảng hai triệu người lao động kiếm được ít hơn 118 bảng một tuần, mức tối thiểu để đủ điều kiện thanh toán lương nghỉ ốm.

    Theo kế hoạch của chính phủ để xử lý coronavirus, cảnh sát có thể được giảm lượng công việc và chỉ tập trung xử lý các vụ tội phạm rất nghiêm trọng và duy trì trật tự công cộng, trong khi NHS có thể chỉ phục vụ các trường hợp bệnh nặng.

    Các điểm chính khác bao gồm:

    • Cảnh sát sẽ "tập trung vào việc đối phó với các vụ phạm tội nghiêm trọng" nếu họ mất một lượng nhân viên "đáng kể" vì dịch bệnh
    • Vương quốc Anh cần có kho dự trữ thuốc cho NHS, cùng với quần áo và thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế
    • Nếu coronavirus lan rộng, dịch vụ thiết yếu sẽ ưu tiên cho những người "có nguy cơ cao nhất"
    • Bộ Quốc phòng sẽ hỗ trợ khi cần thiết
    • Sẽ có gia tăng liên lạc của chính phủ với quốc hội, công chúng và giới truyền thông
    • Các chiến lược phân tán xã hội có thể được thực hiện, bao gồm đóng cửa trường học, làm việc tại nhà và giảm số lượng các cuộc tụ họp quy mô lớn
    • Các ca mổ và điều trị không khẩn cấp có thể bị hủy bỏ và điều chỉnh số người được xuất viện để giải phóng giường bệnh
    • Các biện pháp sẽ được đưa ra để giúp các doanh nghiệp có vấn đề về dòng tiền ngắn hạn
    • Có chiến lược phân phối để gửi các loại thuốc men và thiết bị chính tới bệnh nhân chăm sóc xã hội và bệnh nhân NHS.

    VietHome (Theo Sky News)

  • Số lượng kỳ nghỉ đặt trước đã giảm mạnh khi khách du lịch ngày càng lo ngại hơn cho sự an toàn của bản thân vì số ca nhiễm coronavirus đã lên tới hơn 100.000 trên toàn cầu.

    Italia báo cáo gần 4.000 trường hợp và nhiều quốc gia châu Âu và châu Á đang đối mặt với số ca nhiễm bệnh gia tăng. Tuy nhiên, một số điểm đến du lịch nổi tiếng vẫn chưa có ca bệnh nào được xác nhận.

    Tuy nhiên, tình hình vẫn có thể thay đổi nhanh chóng vì vậy khách du lịch nên cập nhật thông tin thường xuyên và cảnh giác cao độ.

    Nước nào ở châu Âu chưa có ca nhiễm coronavirus?

    Các điểm đến ở châu Âu gần Vương quốc Anh vẫn chưa bị ảnh hưởng bao gồm Bulgaria và đảo Síp, tất cả đều không có ca nhiễm. Malta hôm nay đã có ca nhiễm đầu tiên là 1 trẻ em.

    Lanzarote cũng là một trong số ít những hòn đảo ở Tây Ban Nha không bị ảnh hưởng, cùng với Ibiza và Fuerteventura.

    Các quốc gia này hiện đang theo dõi tình hình nhưng lời khuyên du lịch nói rằng các quốc gia này là an toàn để đi du lịch mà không có bất cứ hạn chế nào.

    Mặc dù vậy, bạn vẫn nên mua bảo hiểm du lịch và kiểm tra xem bạn có được bảo hiểm trong trường hợp dịch coronavirus hay không.

    Một ổ dịch bị phát hiện có thể dẫn đến các chuyến bay bị hủy hoặc các khách sạn bị đóng cửa, cũng như các chi phí bổ sung khi đặt chuyến bay mới.

    Quốc gia nào khác trên thế giới chưa có coronavirus?

    Bạn có thể đi nghỉ xa hơn, đến Maldives hoặc Cape Verde.

    Thổ Nhĩ Kỳ cũng chưa báo cáo bất kỳ trường hợp nhiễm coronavirus nào, trong khi Lào và Myanmar ở Đông Nam Á cũng không bị ảnh hưởng. Mặc dù vậy, bạn vẫn cần thận trọng vì các quốc gia lân cận có số lượng ca coronavirus khá cao.

    Mặc dù không phải đối mặt với dịch bệnh, nhiều quốc gia vẫn đang gặp khó khăn khi số lượng khách du lịch giảm mạnh.

    Các điểm đến khác có người mắc bệnh cũng đang gặp khó khăn - Indonesia đang lên kế hoạch chi hơn 500,000 bảng Anh để hỗ trợ ngành du lịch, trong khi bộ trưởng tài chính của New Zealand cho biết nước này phải đối mặt với "tác động nghiêm trọng" từ virus.

    Tại Italia, 90% kỳ nghỉ đặt trước đã bị hủy bỏ, trong khi đặt phòng khách sạn ở Thái Lan giảm 10%.

    Mọi người được khuyến cáo không nên đi du lịch đến phía bắc nước Ý sau khi hơn 3.800 trường hợp nhiễm coronavirus đã được báo cáo trên toàn vùng Bologna và Veneto.

    VietHome (Theo The Sun)

  • Covid-19 đang gây hoang mang khắp châu Âu, trong khi các biện pháp chống dịch chưa thực sự cho thấy hiệu quả.

    Các bộ trưởng y tế Liên minh châu Âu (EU) hôm 6/3 họp khẩn ở Brussels, Bỉ, nhằm thảo luận cách ứng phó với Covid-19, trong bối cảnh số ca nhiễm nCoV ở EU đã tăng hơn 5.500 trong hơn hai tháng kể từ khi dịch bùng phát tại Trung Quốc.

    Giới quan sát cho rằng các biện pháp chống dịch tại châu Âu đến nay vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả. Hàng loạt câu hỏi về khả năng sẵn sàng ứng phó của châu lục này với dịch bệnh đã được đặt ra.

    Bộ trưởng Y tế Cộng hòa Czech Adam Vojtech cho biết tình trạng thiếu khẩu trang, thiết bị bảo hộ cùng chất khử trùng là một vấn đề "thực sự gây lo ngại". Ông kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) đẩy nhanh quá trình mua sắm thiết bị, vật tư cần thiết, điều mà EC nói sẽ làm từ cách đây hai tuần.

    Thierry Breton, ủy viên EU phụ trách thị trường nội khối, tuần trước ra tuyên bố yêu cầu các quốc gia thành viên cung cấp đánh giá về tác động của dịch bệnh tới chuỗi cung ứng mỗi tháng một lần.

    Châu Âu cũng có thể đối mặt với tình trạng thiếu thuốc vì một lượng lớn dược phẩm được nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ, John Ryan, Giám đốc Y tế Công cộng của EC, cảnh báo hôm 5/3, chưa đầy 24 giờ sau khi một quan chức EU ở Brussels dương tính với nCoV.

    Nhiều quốc gia châu Âu thực tế đã rơi vào tình trạng thiếu thuốc trước cả khi dịch bệnh bùng phát, đặc biệt là thuốc hô hấp, theo báo cáo của Hiệp hội Dược phẩm EU (PGEU).

    Dù EU đang nỗ lực vượt qua dịch bệnh, virus đã tác động sâu sắc tới hoạt động thường nhật của khu vực. Một cuộc họp giữa các đại sứ EU đã bị hủy vào hôm qua sau khi xuất hiện thông tin đại diện Croatia đã tiếp xúc với một người nhiễm nCoV.

    Theo giới chuyên gia, nếu EU chưa chuẩn bị đầy đủ trước dịch bệnh, đây không hoàn toàn là lỗi của khối. Các quốc gia thành viên tự chịu trách nhiệm với chính sách y tế và biên giới của mình. Nhưng giới chức ở Brussels cảnh báo các nước EU đang không chia sẻ đủ thông tin với nhau.

    Ủy viên châu Âu về Sức khỏe và An toàn Thực phẩm Stella Kyriakides kêu gọi các thành viên trong khối "chia sẻ thông tin với EU và với nhau về các biện pháp đã được áp dụng và lên kế hoạch thực hiện ở nước mình".

    "Chúng ta sẽ được bảo vệ tốt hơn nếu chúng ta phối hợp hành động cùng nhau", bà nhấn mạnh.

    Các biện pháp sàng lọc y tế hiện cũng không thống nhất tại châu Âu. Các chuyên gia hàng không cho biết hàng loạt quốc gia đã yêu cầu công bố tình trạng sức khỏe của những hành khách trở về từ các khu vực bùng phát dịch nặng nề như Trung Quốc hay Italy.

    Một trong những lý do nhiều nước châu Âu không hạn chế đi lại với những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch là do các quy định pháp lý quốc tế về cách các quốc gia ứng phó với dịch bệnh, theo bác sĩ Osman Dar, chuyên gia y tế công cộng tại viện nghiên cứu Chatham House, Anh.

    Được gọi là Quy định Y tế Quốc tế (IHR), khuôn khổ pháp lý nhằm khuyến khích các quốc gia báo cáo những mối rủi ro mới cho các cơ quan quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nơi sau đó có thể đưa ra những phản ứng phối hợp.

    "Các quốc gia báo cáo sớm sẽ được bảo vệ khỏi lệnh giới hạn đi lại và thương mại cũng như những tác động kinh tế xã hội khác", Dar cho hay.

    Ông đồng thời thêm rằng việc so sánh hệ thống y tế của châu Âu với các quốc gia, khu vực khác là không công bằng. "Trung Quốc đã phản ứng với dịch bệnh với tốc độ vượt trội và họ là quốc gia duy nhất có thể làm được việc đó ở quy mô như vậy", ông nhấn mạnh.

    Hệ thống y tế công cộng mạnh mẽ của châu Âu giúp các quốc gia trong khu vực đối phó với nguy cơ tốt hơn so với những nơi khác, song nCoV thực sự đã khiến châu Âu và cả thế giới không kịp trở tay.

    "Chúng ta cần hạn chế tốc độ lây lan của nCoV bởi hệ thống y tế trên toàn cầu chưa sẵn sàng", bác sĩ Michael Ryan, giám đốc điều hành Chương trình Khẩn cấp thuộc WHO, nói.

    Điều này đặc biệt đúng tại Italy, nơi Thủ tướng Giuseppe Conte đã thừa nhận một bệnh viện ở thị trấn phía bắc Codogno đã xử lý không phù hợp với ca nhiễm nCoV đầu tiên tại khu vực, góp phần khiến virus lây lan. Tuần trước, giới chức y tế Italy cảnh báo các bệnh viện đang vật lộn với một cuộc "khủng hoảng quá tải".

    Italy đã thực hiện một số biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn virus, trong đó có phong tỏa các thị trấn ở phía bắc và đóng cửa trường học trên cả nước.

    Nhiều nước châu Âu khác đang chậm rãi nối bước. Pháp đã cấm các sự kiện tụ tập trên 5.000 người và trong bối cảnh số ca nhiễm có dấu hiệu tăng, chính phủ Anh cũng công bố kế hoạch hành động hôm 3/3.

    Theo VnExpress

  • Sau thông tin về ca nhiễm Covid-19 mới nhất được công bố trong đêm 6/3, nhiều tuyến phố khu vực phường Trúc Bạch vắng vẻ, người dân thay đổi sinh hoạt.

    Ngay trong đêm 6/3, Hà Nội quyết định cách ly toàn bộ hộ dân từ số nhà 125 đến 139 phố Trúc Bạch nhằm kiểm soát dịch Covid-19.

    Các hoạt động thường ngày có sự xáo trộn. Tại khuôn viên tập thể dục ở ngã tư Trúc Bạch - Ngũ Xã vắng người dân sáng sớm 7/3.

    Người dân trong khu vực cách ly bị hạn chế đi lại. Trong sáng 7/3 sẽ có nhân viên y tế đến khám sức khoẻ, đo thân nhiệt cho toàn bộ người dân tại đây.

    Quán phở của chị Hoàng Thanh trên phố Ngũ Xã vắng hơn. Chị Thanh cho biết sẽ bán hàng nốt buổi sáng nay và từ mai sẽ đóng cửa tạm thời vì lo ngại bệnh dịch.

    Mỗi 1 giờ trôi qua, vài người trong nhà lại ngó ra, quan sát bên ngoài sau đó đóng cửa ngay.

    Nhiều người khác có việc phải ra đường cũng rất thận trọng, họ đeo khẩu trang, bao tay, và mặc thêm áo mưa.

    Phố Châu Long lúc gần 8h vắng vẻ hơn. Trong cuộc họp khẩn đêm qua, ông Vương Đình Huệ, Bí thư Hà Nội, cho biết trong tổng số 22 hộ dân với khoảng 176 nhân khẩu ở phường Trúc Bạch, phải tổ chức kiểm soát chặt chẽ, cách ly khu vực, cùng với các biện pháp tiêu trùng, khử độc.

    Ông Phú, người sống trong khu vực bị cách ly tại Trúc Bạch, nhận đồ ăn từ người thân chuyển vào sáng 7/3 với 20 kg thịt và các loại rau củ khác.

    Các lực lượng an ninh khu vực được điều động thêm tại 2 chốt chặn trên phố Trúc Bạch.

    Sáng 7/3, Binh chủng Hóa học khử trùng tất cả nhiều tuyến phố thuộc phường Trúc Bạch như Châu Long, Ngũ Xã, Trấn Vũ...

    Mặt đường, nhà dân hai bên tuyến phố đều nằm trong diện phải khử trùng.

    Đảm nhiệm công việc này là các chiến sĩ thuộc Trung tâm Ứng cứu sự cố hóa học, chất độc, phóng xạ hạt nhân thuộc Binh chủng Hoá học.

    4 xe phun dung dịch khử trùng là Cloramin B.

    Tất cả bề mặt nhà trên tuyến phố Châu Long đều được phun khử trùng. Nhiều người dân đã đến theo dõi buổi khử trùng này.

    Địa điểm khử khuẩn được tiến hành từ đoạn cách ly tại đầu phố Trúc Bạch đến khách sạn bệnh nhân thứ 17 nhiễm Covid-19 lưu trú sau khi trở về nước ngày 2/3.

    Đoàn xe cũng khử trùng toàn bộ phía ngoài của chợ Châu Long. Bà Nguyễn Thị Thuỷ, tiểu thương tại chợ, nói rất yên tâm khi có quân đội khử trùng với quy mô lớn như vậy.

    Các chiến sĩ thuộc Binh chủng Hoá học cũng khử trùng bên trong nhà một số hộ dân trên phố Trúc Bạch.

    Bài liên quan: Trở về sau khi đi chơi 3 nước Anh, Pháp, Ý: cô gái Hà Nội dương tính với Covid-19

    Theo Zing

  • Nhà chức trách Anh cho biết đã bắt giữ 2 người và đang truy tìm 2 nghi phạm khác có liên quan tới vụ tấn công du học sinh châu Á do kỳ thị chủng tộc giữa đợt bùng phát virus.

    Theo Channel News Asia, nhà chức trách Anh hôm 6/3 cho biết đã bắt giữ hai nghi phạm có liên quan tới vụ tấn công một du học sinh người Singapore hồi tháng 2, giữa đợt bùng phát của virus corona.

    Theo đó, một thiếu niên 16 tuổi đã bị bắt hôm 4/3, trong khi một thiếu niên 15 tuổi khác bị bắt ngày 5/3. Cảnh sát Anh hiện tiếp tục truy tìm 2 người khác có liên quan trong vụ tấn công.

    Hình ảnh 2 kẻ tình nghi trong vụ tấn công du học sinh người Singapore. Ảnh: Cảnh sát London.

    Sinh viên người Singapore tên Jonathan Mok, 23 tuổi, cho biết bị tấn công sau khi phản ứng lại bình luận của nhóm người này về chủng tộc và dịch Covid-19.

    Nhìn thấy Mok phản ứng lại, một người trong nhóm đã hét lớn đầy thách thức: ''Sao mày dám nhìn tao?''. Nhóm thanh niên, 3 nam 1 nữ, sau đó tiến lại phía Mok. Theo lời kể của du học sinh trên, nhóm thanh niên có vẻ không quá 20 tuổi nhưng tất cả đều cao hơn anh "một cái đầu". 

    Những người qua đường cố gắng can ngăn. Một thanh niên khác, cũng thuộc nhóm đó, hét lên: "Tao không muốn virus corona của mày vào nước tao", rồi đấm vào mặt nạn nhân. Nhóm này bỏ chạy trước khi cảnh sát đến.

    Sau đó, du học sinh người Singapore được đưa đến bệnh viện. Bác sĩ khoa cấp cứu cho biết anh gãy xương mặt, có thể phải phẫu thuật tái tạo một số xương.

    "Tôi cảm thấy thực sự phẫn nộ. Thật nực cười khi chúng tôi bị công kích chỉ vì là người châu Á", Mok nói.

    Cảnh sát London được thông báo và có mặt tại hiện trường lúc 21h15 ngày 24/2. Khi cảnh sát xuất hiện, những kẻ tấn công đã lập tức rời khỏi hiện trường. Cảnh sát London cho biết nạn nhân vụ tấn công bị đấm, đá và chịu tổn thương mặt.

    Emma Kirby, sĩ quan trách điều tra vụ tấn công, cho biết vụ việc đã khiến nạn nhân "chấn động và tổn thương".

    "Không có chỗ cho những hành vi bạo lực như thế này, chúng tôi cam kết sẽ tìm ra kẻ phạm tội. Tôi mong muốn nói chuyện với bất cứ ai có thông tin về vụ tấn công", bà Kirby nói.

    Nạn nhân Jonathan Mok.

    Tới sáng ngày 7/3, Anh đã có 164 người dương tính với virus corona, trong đó 48 ca nhiễm mới được ghi nhận trong 24 giờ qua. Số ca tử vong vì virus corona tại Anh tới thời điểm hiện tại là 2 người.

    Bài liên quan: Du học sinh châu Á bị hành hung ở London vì virus corona

    Theo Zing

  • Facebook thông báo một nhân viên ở Singapore dương tính với Covid-19 đã từng ghé các văn phòng ở London vào tháng trước. Vì thế họ phải đóng cửa các văn phòng này để khử trùng.

    Văn phòng ở London sẽ đóng cửa cho tới thứ Hai. Ảnh: PA

    Công ty sẽ đóng 3 văn phòng ở London cho tới thứ Hai sau khi một nhân viên nhiễm bệnh đã tới các cơ sở này từ ngày 24-26/2.

    Các nhân viên khác đã được yêu cầu làm việc tại nhà. Facebook hiện đang thuê 3.000 nhân viên ở London. 

    Chưa rõ có bao nhiêu người đã tiếp xúc với bệnh nhân này, nhưng Facebook sẽ cố gắng liên lạc với tất cả họ. Các nhân viên được yêu cầu tự cách ly và cảnh giác nếu cơ thể xuất hiện triệu chứng. 

    Londoner đeo khẩu trang, mặc áo mưa trên phố. Ảnh: Anadolu Agency via Getty Images

    Trung Quốc có thể bắt đầu dùng văcxin phòng COVID-19 từ tháng sau

    Cơ quan chức năng Trung Quốc cho biết nếu đúng tiến độ, nước này có thể sử dụng một số văcxin phòng COVID-19 trong thử nghiệm lâm sàng hoặc các trường hợp khẩn cấp vào tháng sau.

    Tờ South China Morning Post ngày 6-3 dẫn lời ông Zheng Zhongwei - giám đốc Trung tâm phát triển khoa học kỹ thuật của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), khẳng định nghiên cứu văcxin ngừa COVID-19 của Trung Quốc vẫn diễn ra thuận lợi.

    Trung Quốc hiện đang theo đuổi 5 hướng để phát triển văcxin và tất cả đều tiến triển tốt.

    Tuy nhiên, theo ông Zheng, Trung Quốc vẫn đang nghiên cứu thêm về chủng virus corona mới và có thể đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình phát triển văcxin.

    Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc bản tiếng Anh (CGTN) dẫn lời quan chức NHC cho biết theo các luật và quy định liên quan, một số văcxin ngừa virus corona chủng mới dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp hoặc thử nghiệm lâm sàng vào tháng 4-2020. 

    Trong khi đó, ông Ding Xiangyang, thành viên chính quyền trung ương tham gia giám sát việc chống dịch ở tỉnh Hồ Bắc, cũng xác nhận việc đưa văcxin vào thử nghiệm lâm sàng vào tháng sau.

    Trước đó, Đại học Thiên Tân (Trung Quốc) hồi cuối tháng 2-2020 công bố đã phát triển văcxin đường uống ngừa COVID-19. Thậm chí, ông Huang Jinhai, giáo sư đứng đầu dự án, đã tự uống 4 liều văcxin mới này.

    Theo đó, loại văcxin này sử dụng nấm men saccharomyces cerevisiae (thường được biết đến nhiều nhất như men bánh mì) làm chất dẫn và protein dằm (spike protein) của virus corona để sản xuất ra kháng thể chống lại virus corona chủng mới.

    Giáo sư Huang cho biết văcxin mới có thể kích thích miễn dịch niêm mạc (màng nhầy) để ngăn ngừa lây nhiễm. Ngoài ra, văcxin này cũng được sử dụng như một liệu pháp tiềm năng cho các bệnh nhân đã bị nhiễm bệnh chống lại virus corona.

    Viethome (theo Mirror)

  • Hãng hàng không Anh Flybe đã chính thức đóng cửa sau khi những lo ngại về virus corona đã khiến nhu cầu đi lại bằng đường hàng không giảm mạnh trên toàn thế giới, và chính phủ Anh từ chối khoản vay 100 triệu bảng để cứu vãn hãng này.

    Với những chuyến bay cuối cùng hạ cánh xuống các sân bay ở khắp nước Anh tối hôm 4/3, công ty có trụ sở ở thành phố Exeter này đã phải tuyên bố phá sản để dàn xếp các khoản nợ sau khi lượng vé bán ra tụt giảm nghiêm trọng trong những tháng gần đây. Quyết định này sẽ khiến hơn 2.000 người mất việc làm.

    Mặc dù vào hồi tháng 1, Flybe có cho biết việc hãng này chật vật về tài chính là do “một hỗn hợp độc hại” của tỉ giá tiền tệ lên xuống thất thường, những bất an xung quanh Brexit và giá nhiên liệu tăng cao, song một người trong cuộc ở công ty này cho biết chính đợt bùng phát dịch Covid-19 quét qua châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ mới là lý do chính dẫn đến kết cục phá sản của hãng.

    “Tác động của virus corona đã khiến một tình huống đã xấu còn trở nên tồi tệ hơn”, một nguồn tin thân cận với hãng hàng không nói với tờ Financial Times. “Hãng đã ở một vị trí bấp bênh trong một thời gian rồi, và đại dịch đã đẩy họ xuống vực”.

    Trang web chính thức của hãng đã bị gỡ chỉ vài giờ sau khi chính thức tuyên bố phá sản, khiến hàng ngàn khách hàng không thể liên lạc được với hãng một cách dễ dàng.

    Nhiều hành khách đã bị kẹt lại tại Manchester sau khi một “sự cố nhiên liệu” khiến một trong những chuyến bay cuối cùng của hãng phải đổi hướng.

    Một số hành khách khác cho biết họ đã bị từ chối check-in đối với vé đã mua trên các chuyến bay, khi nhân viên sân bay thông báo rằng các chuyến bay của hãng đã bị huỷ.

    Cả hai hãng hàng không Blue Islands và Aurigny, các hãng đối tác với Flybe, đã đề nghị cung cấp các chuyến bay với giá ưu đãi cho các hành khách đang bị kẹt ở đảo Guernsey sau tuyên bố phá sản.

    Chỉ vài giờ sau, trang web của hãng đã bị gỡ xuống

    Flybe là một trong những hãng hàng không khu vực lớn nhất tại châu Âu. Hãng này gần đây đã chuyển sở hữu sang các ông chủ mới, những người đồng ý đầu tư 30 triệu bảng Anh để giữ cho hãng tiếp tục hoạt động.

    Sau đó, công ty này đã hi vọng có được một khoản vay trị giá 100 triệu bảng từ chính phủ Anh, song đã bị từ chối hôm 4/3, sau khi những thương lượng vào phút chót đã thất bại và không thể đưa ra một thỏa thuận nào – tờ Financial Times đưa tin.

    Đại dịch Covid-19 ở hàng chục quốc gia đã gây ảnh hưởng đáng kể lên các hãng hàng không trên toàn thế giới, khi rất nhiều hành khách huỷ kế hoạch di chuyển vì lo ngại về bệnh dịch.

    Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), đại dịch sẽ khiến lưu lượng di chuyển toàn cầu giảm khoảng 5%, đánh dấu lần tụt giảm trong nhu cầu đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008-2009.

    Theo Vietnamnet

  • Ca nhiễm virus corona đầu tiên ở Hà Nội là cô gái 26 tuổi vừa trở về từ nhiều nước châu Âu. Bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

    Tham dự cuộc họp có Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và đại diện lãnh đạo thành phố, lãnh đạo các sở, ngành.

    Lúc 23h khuya hôm nay 6/3, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết chiều nay, Ban chỉ đạo nhận được tin báo từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương về việc nơi đây tiếp nhận bệnh nhân chuyển đến từ Bệnh viện Hồng Ngọc có dấu hiệu sốt và ho. Đến 21h30 kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân này dương tính với Covid-19, nâng tổng số người nhiễm virus corona ở Việt Nam lên 17.

    Bệnh nhân này tên N.H.N. (26 tuổi, làm quản lý khách sạn, ở 125 Trúc Bạch, phường Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội). Ngày khởi phát bệnh là 29/2. Đến 18h ngày 5/3, cô gái này vào viện.

    Tối cùng ngày 6/3, phố Trúc Bạch (quận Ba Đình) bị phong tỏa. Nhiều người trong trang phục bảo hộ xuất hiện. Ảnh: Phạm Thắng.

    Bệnh nhân từng đi Anh, Pháp, Italy

    Cùng lúc này, phố Trúc Bạch được phong tỏa. Khu vực phong toả từ đầu Trúc Bạch giao Ngũ Xã và đầu Ngũ Xã giao Châu Long. 

    Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, ngày 15/2, bệnh nhân xuất cảnh tại sân bay Nội Bài sang thăm người thân tại London, Anh. Đến 18/2, bệnh nhân từ London sang Milan, tỉnh Lombardy (Ý) du lịch. Thời điểm này, tỉnh Lombardy chưa ghi nhận dịch Covid-19 bùng phát.

    Đến 20/2, bệnh nhân quay trở lại London. Năm ngày sau, cô gái này từ London sang Paris (Pháp) du lịch 1 ngày và gặp chị gái (hiện có thông tin chị gái bệnh nhân nhiễm Covid-19). Sau đó, ngày 26/2, bệnh nhân quay lại London.

    Ngày 29/2, bệnh nhân có biểu hiện ho nhưng không đi khám, đến ngày 1/3, bệnh nhân xuất hiện thêm đau mỏi người, không rõ sốt. Trong ngày 1/3, bệnh nhân đáp chuyến bay có số hiệu VN0054 của hãng hàng không Vietnam Airlines trở về nước, máy bay hạ cánh xuống sân bay Nội Bài lúc 4h30 sáng ngày 2/3 (lúc này bệnh nhân không sốt).

    Xe cứu thương ra vào khu vực đang bị phong tỏa ở phố Trúc Bạch. Ảnh: Phạm Thắng.

    Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân được lái xe riêng của gia đình đưa về địa chỉ 125 Trúc Bạch. Bệnh nhân có đeo khẩu trang trong suốt quá trình từ Sân bay Nội Bài về nhà riêng.

    Trong thời gian từ khi trở về nước đến khi nhập viện, bệnh nhân tự cách ly tại phòng riêng, hạn chế tiếp xúc với người trong gia đình, không đi đâu, không ra khỏi nhà và vẫn đeo khẩu trang tại hộ gia đình. Trong thời gian này. những người sống và làm việc trong hộ gia đình gồm: bố, mẹ bệnh nhân, 2 người giúp việc, 2 người tạp vụ và lái xe riêng.

    Ngày 3/3, bệnh nhân xuất hiện sốt, vẫn tiếp tục ho, đau mỏi người. Ngày 4/3 bệnh nhân thấy đỡ hơn tiếp tục ở nhà. Đến 5/3, bệnh nhân sốt cao trở lại (39 độ) và được lái xe riêng của gia đình đưa vào Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương (cở sở Kim Chung) khám, tại bệnh viện bệnh nhân đã được làm xét nghiệm cho kết quả sơ bộ ban đầu dương tính với Covid-19.

    Hiện tại bệnh nhân đang được cách ly nghiêm ngặt tại Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương. Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân trong hộ gia đình, trên chuyến bay đang được điều tra.

    Công khai mọi thông tin về dịch để người dân nắm rõ

    Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy chuyến bay VN0054 có tổng cộng 197 hành khách và phi hành đoàn. Tại nhà riêng ở 125 Trúc Bạch, bệnh nhân tiếp xúc gần với 8 người là bố và bác họ, 5 người tạp vụ và 1 lái xe riêng. Hiện tại sức khỏe của nhũng người này đều bình thường, không ai có biểu hiện sốt, ho.

    Còn tại Bệnh viện Hồng Ngọc, có 18 người tiếp xúc với bệnh nhân. Hiện tại sức khỏe cùa những người này đều binh thường, không ai có biêu hiện sốt, ho.

    Lực lượng chức năng có mặt tại nơi nữ bệnh nhân sinh sống. Ảnh: Phạm Thắng.

    Tất cả những thông tin về hành trình của nữ bệnh nhân N.H.N, theo Chủ tịch Hà Nội sẽ được chuyển cho phía Anh và Pháp để xác minh nơi ở của chị N. tại London và Paris trước đó. Trên chuyến bay của Vietnam Airlines về Việt Nam, chị N. ngồi ghế 54 nên phải xác định tất cả hành khách hạng C ngồi cùng chuyến bay này để tiến hành cách ly.

    Hà Nội đang phối hợp với Vietnam Airlines xác định tất cả tiếp viên của chuyến bay để cách ly. Sau khi xác định được số người này, phải tiếp tục xác định những người đã tiếp xúc với cơ trưởng, cơ phó, tiếp viên của chuyến bay và đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Hồng Ngọc.

    “Việc này phải làm ngay đêm nay và sáng mai”, ông Chung chỉ đạo. Ông mong muốn tất cả mọi thông tin về dịch sẽ công khai, minh bạch để người dân Thủ đô nắm được thông tin và bình tĩnh, thường xuyên cập nhật thông tin. Thành phố cũng sẽ sớm công bố công khai danh tính những người đã tiếp xúc với nhân viên trên chuyến bay của VNA, nhân viên của sân bay Nội Bài, tìm triệt để những người tiếp xúc gần để thực hiện các biện pháp cách ly.

    Chủ tịch Hà Nội cho biết chiều nay TP đã quyết định cho học sinh cấp 3 đi học lại từ ngày 9/3 nhưng trên cơ sở diễn biến hành trình đi lại của bệnh nhân này, ngày mai Ban chỉ đạo chống dịch của TP sẽ họp và đưa ra quyết định cuối cùng, còn tạm thời trước mắt vẫn giữ nguyên quyết định như chiều nay.

    Theo ông Chung, lực lượng chức năng ngay lập tức đã tiến hành cách ly toàn bộ số nhà từ 125 đến 139 phố Trúc Bạch - nơi bệnh nhân ở. Chủ tịch Hà Nội nhận định điều đáng lo ngại nhất là người Việt Nam đi học tập, du lịch tại vùng dịch ở châu Âu, châu Mỹ.

    Ông đề nghị phải kiểm soát chặt chẽ và bất kể là người nào đều phải khai báo y tế, khai báo rõ lịch trình. Đặc biệt, rút kinh nghiệm ngay trong các cơ sở y tế, mỗi bệnh viện cần có khu khám riêng, bác sĩ mặc bảo hộ y tế theo đúng quy trình và tiêu chuẩn tiếp xúc, tránh như Bệnh viện Hồng Ngọc, trong vài ngày có 18 người tiếp xúc với bệnh nhân mà không áp dụng biện pháp y tế gì. “Kinh nghiệm của Trung Quốc đã lây nhiễm hơn 3.000 bác sĩ, y tá nên ta phải chú ý, rút kinh nghiệm và quán triệt ngay”, ông Chung chỉ đạo.

    Theo Zing