Bị nhổ nước bọt vào người, nhân viên ga Victoria tử vong

Nhân viên tại phòng vé của 1 nhà ga ở London đã có kết quả dương tính với Covid-19 sau khi bị nhổ nước bọt, bà qua đời sau đó, bỏ lại cô con gái 11 tuổi.

Mới đây, CNN đưa tin, người phụ nữ người Anh tên Belly Mujinga (47 tuổi) đã tử vong vì Covid-19. Điều đáng nói, nguyên nhân khiến cô mắc căn bệnh này lại là do bị 1 người đàn ông nhổ nước bọt vào người khi đang làm nhiệm vụ.

ga victoria 2
Bà Mujinga tử vong sau khi bị khách nhổ nước bọt vào người. (Ảnh: Daily Mail)

Người phụ nữ tử vong vì Covid-19 sau khi bị nhổ nước bọt vào người

Được biết, Mujinga là nhân viên phòng vé tại nhà ga Victoria, London. Ngày 22/3, tại phòng chờ nhà ga, một vụ tấn công đã xảy ra. Một người đàn ông tuyên bố rằng mình bị nhiễm virus Corona, ông này cũng liên tục nhổ nước bọt và ho vào mặt Mujinga cùng đồng nghiệp của cô, theo CNN.

Vài ngày sau vụ tấn công, cả 2 nhân viên phòng vé đã ngã bệnh. Hiệp hội nhân viên vận tải (TSSA) cho biết, ngày 2/4, tức 11 ngày sau vụ việc, Mujinga đã được đưa đến Bệnh viện Barnet và phải đặt máy thở với tình trạng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, 3 ngày sau, người phụ nữ này không may tử vong. Trong khi đó, đồng nghiệp của cô đã qua khỏi. Sự ra đi của Mujinga khiến nhiều người vô cùng bất ngờ. Người phụ nữ xấu số ra đi đã bỏ lại cô con gái nhỏ 11 tuổi. 

Bồi thường cho nhân viên tiền tuyến

Agnes - một đồng nghiệp của Mujinga đã chia sẻ trên The Guardian: "Chúng tôi muốn tìm công lý cho Belly. Họ cần tìm ra người đã làm lây lan dịch bệnh. Và công ty nên bồi thường cho gia đình, con gái của cô đã không còn mẹ nữa. Họ nên bảo vệ những người còn lại".

TSSA cũng đã báo cáo vụ việc với Thanh tra Đường sắt, cơ quan an ninh của Văn phòng Đường bộ và Đường sắt (ORR) để điều tra vụ việc. Tổng thư ký TSSA, ông Manuel Cortes nói: "Chúng tôi thực sự bất ngờ trước cái chết của Belly. Cô ấy là một trong số rất nhiều nhân viên tuyến đầu đã mất mạng vì virus Corona".

Ngoài ra, TSSA cũng kêu gọi Chính phủ thực hiện các biện pháp bổ sung để bồi thường và bảo vệ cho những nhân viên ngành đường sắt khi vẫn phải tiếp tục công việc trong thời gian khó khăn này.

Trước tình hình dịch bệnh diễn ra căng thẳng, câu chuyện của Mujinga mới chỉ là một trong nhiều trường hợp đáng buồn khác. Bởi vậy, nhiều người dân tại đây cho rằng, thay vì nói về việc nới lỏng lệnh cách ly, trước tiên chính phủ Anh phải đảm bảo các biện pháp phòng ngừa và bảo vệ đúng đắn.

Thể thao & Văn hóa (theo CNN)