Hãng bán lẻ giày dép Office buộc phải xóa sổ hàng chục cửa hàng

Hãng bán lẻ giày dép Office đang lên kế hoạch đóng cửa gần một nửa số cửa hàng ở Anh và trở thành thương hiệu mới nhất phải đối mặt với tác động của bất ổn kinh tế.

Doanh nghiệp có trụ sở tại Nam Phi này đang vạch ra kế hoạch loại bớt hàng chục trong số 100 cửa hàng của mình khi hợp đồng thuê địa điểm hết hạn trong vài năm tới.

Office đang nghiên cứu một kế hoạch tái cấu trúc trong vài tuần qua, nhưng không còn thông qua Thỏa thuận Tự nguyện (CVA) - một cơ chế thường được sử dụng để thực hiện việc đóng cửa hàng và cắt giảm tiền thuê.

Các nguồn tin mới đây cho hay Truworths International, chủ sở hữu của Office từ năm 2015, có khả năng chốt lại các kế hoạch của mình trong tương lai gần.

Các quyết định về tương lai của một số cửa hàng sẽ được đưa ra ngay khi hết thời hạn thuê đất. Truworths, lên sàn ở Johannesburg, dự kiến ​​sẽ báo cáo kết quả kinh doanh cả năm vào tuần tới.

Người phát ngôn của Office cho biết: "Chúng tôi không có kế hoạch ngay lập tức đóng cửa các cửa hàng. Chúng tôi vẫn trong quá trình thảo luận với các bên cho vay và các cuộc đàm phán đang tiến triển tốt."

Các bên cho vay của Office đang được tư vấn bởi Deloitte, một trong bốn công ty kiểm toán uy tín nhất.

Truworths đã mua chuỗi Office vào năm 2015 trong một thỏa thuận trị giá khoảng 250 triệu bảng.

Ngoài các cửa hàng ở Anh, thương hiệu này còn kinh doanh các cửa hàng ở Đức và Ireland.

Hiện vẫn chưa rõ liệu các cửa hàng ở nước ngoài có bị ảnh hưởng bởi chương trình tái cấu trúc hay không.

Dự định đóng cửa hàng khiến Office trở thành cái tên mới nhất trong giới thời trang và các nhà bán lẻ bị buộc phải thu hẹp thị trường trên đường phố lớn giữa hàng loạt vụ phá sản.

Tập đoàn Arcadia của Sir Philip Green, công ty sở hữu Top Shop và Burton, gần đây đã phê duyệt CVA nhưng đang chờ phán quyết pháp lý.

Debenhams cũng đang đối mặt với một rắc rối pháp lý – đứng sau bởi ông trùm Sports Direct, Mike Ashley –  đối với quá trình tái cấu trúc.

Trong hai năm qua, Capetright, House of Fraser, Mothercare, New Look và Toys R Us UK đều đã chọn CVA để tìm kiếm cơ hội sống sót.

Một số đã sụp đổ ngay cả sau khi CVA được phê duyệt.

Office từng là một trong những chủ nợ của House of Fraser khi hãng này rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán vào năm ngoái.

Office phát biểu hồi đầu năm nay rằng "những bất ổn vẫn đang tiếp diễn do Brexit và nhu cầu tiêu dùng đi xuống" đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của hãng, nhưng nhấn mạnh rằng hãng vẫn đang "có tiềm lực để tiếp tục phát triển".

VietHome (Theo Sky News)