Số người qua đời ở các nhà dưỡng lão cao gấp đôi bình thường

Theo phân tích của Sky News, số người qua đời tại các nhà dưỡng lão ở Anh, xứ Wales và Scotland trong đại dịch coronavirus cao hơn gấp đôi so với thời điềm bình thường.

Từ ngày 13 tháng 3 đến ngày 8 tháng 5, có tổng cộng 39.404 người đã chết trong các nhà dưỡng lão ở Anh và xứ Wales.

Trong điều kiện không có dịch bệnh, Số người chết trung bình trong vòng năm năm tại các nhà chăm sóc là 17.591, theo Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS).

Điều này có nghĩa là đã có thêm 21.813 cái chết giữa tuần 12 và tuần 19, tăng 124%.

Số liệu từ ONS và National Records of Scotland (NRS) cho thấy đã có 11.414 trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19 được ghi nhận tại các nhà chăm sóc.

Con số này bao gồm cả các ca nghi ngờ nhiễm cũng như khi bệnh nhân đã xét nghiệm dương tính với virus.

skynews care home generic 4973704

Nhưng chỉ nhìn vào những người có COVID-19 được nhắc đến trong giấy chứng tử sẽ không thể thấy được bức tranh toàn cảnh về những gì đang xảy ra trong các nhà dưỡng lão.

Một thước đo chính xác hơn chính là "tỷ lệ tử vong vượt mức", một thuật ngữ được sử dụng để mô tả tình trạng nhiều người chết hơn so với điều kiện bình thường.

Một số người chết vì coronavirus có thể đã tử vong vì một vấn đề sức khỏe khác. Tuy nhiên, bằng cách nhìn vào sự vượt mức của các số liệu tỷ lệ tử vong, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về tác động của đại dịch.

Con số tỷ lệ tử vong vượt mức cũng tính đến những người đã chết do hậu quả gián tiếp của đại dịch, chẳng hạn như việc thiếc hụt một nguồn tài nguyên nào đó dẫn đến tử vong.

Tổng số người chết tại các nhà dưỡng lão ở Scotland cũng cao gấp đôi mức trung bình năm năm.

Đã có thêm 2.054 người chết tại đây, với tổng số 4.070 người chết so với mức trung bình 2.016 trước đó, theo NRS.

Những số liệu này bao gồm các trường hợp tử vong được chứng tử tại các nhà dưỡng lão trong khoảng thời gian gần như trùng với các số liệu của Anh và xứ Wales, cụ thể, số liệu của Scotland tính từ tuần 12 (16-22 tháng 3) đến tuần 19 (4-10 tháng 5).

Chủ tịch Hiệp hội Chăm sóc Quốc gia, Nadra Ahmed, tin rằng có nhiều lý do giải thích cho sự gia tăng lớn như vậy.

Bà nói: "Chúng ta đang đối mặt với một đại dịch [và] phải mò mẫm tuân theo các hướng dẫn khá hỗn loạn trong khi có rất ít hỗ trợ lâm sàng."

Bà cho biết khi những cư dân trong viện dưỡng lão cảm thấy không khỏe, thông thường bác sĩ đa khoa sẽ được gọi đến và bệnh nhân sẽ được chăm sóc để có cơ hội phục hồi tốt nhất.

Nhưng việc này đã trở nên khó khăn, trong đó có trường hợp phải tham khảo ý kiến ​​từ bác sĩ đa khoa thông qua iPad, và nó cũng có nghĩa là không thể tiến hành khám lâm sàng.

Ngoài ra, bà lo ngại rằng một số cư dân có thể sợ phải vào bệnh viện vì virus, do vậy cố gắng che giấu tình trạng sức khỏe của mình trong bối cảnh đội ngũ nhân viên bị quá tải không có nhiều thời gian để chú ý đến.

"Mọi người có thể không đề cập tới tình trạng sức khỏe của họ. Những người tỉnh táo đều có thể cho rằng, 'Tôi không muốn dính líu vào tất cả những chuyện này, tôi sẽ giữ im lặng, tôi có thể xoay sở được'.

"Tôi không muốn đổ lỗi ở đây, nhưng vấn đề là ở chỗ không có mức hỗ trợ chăm sóc đầy đủ như thông thường mà [nhà dưỡng lão] thường có", bà nói.

Bà tiếp tục: "Tình huống ở đây là các nhân viên đang không chỉ cố gắng thực hiện đầy đủ việc cung cấp dịch vụ chăm sóc cá nhân mà họ còn phải chăm sóc sức khỏe xã hội và tinh thần nếu có thể."

Bà Ahmed nói rằng "nhiều đặc điểm của loại virus này rất nguy hiểm đối với người già", ví dụ điển hình là rất khó để giúp nhóm người mắc chứng mất trí nhớ tự cách ly hoặc nhớ rửa tay thường xuyên. Đặc biệt đối với người già, căng thẳng và sợ hãi có thể ảnh hưởng lớn đến tâm trí và cơ thể.

Tình trạng tỷ lệ tử vong vượt mức đang diễn ra ở cả nhà dưỡng lão và trong bệnh viện, nhưng số lượng ở viện dưỡng lão cao hơn.

Tổng số ca tử vong được đăng ký chứng tử từ tuần 12 đến 19 tại các bệnh viện ở Anh và xứ Wales cao hơn 40% so với thông thường.

Có thêm 15.787 người chết: nâng tổng số lên 54.862 người chết so với mức trung bình năm năm là 39.075 người.

Gần một nửa số ca tử vong tại bệnh viện này liên quan đến COVID-19 và được nhắc đến trong giấy chứng tử.

Trong khi đó, ở Scotland, đã có thêm 548 trường hợp tử vong tại các bệnh viện trong khoảng từ tuần 12 đến 19. Con số này cao hơn 13% so với con số dự kiến thông thường.

Trong số 4.871 người đã qua đời tại các bệnh viện Scotland, một phần ba được ghi nhận có liên quan đến COVID-19.

Người phát ngôn của Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội cho biết: "Mỗi cái chết vì virus đều là một thảm kịch và chúng tôi xin gửi sự cảm thông sâu sắc nhất đến những gia đình của người đã khuất.

"Hỗ trợ ngành chăm sóc xã hội trong suốt đại dịch này là ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi đang làm việc suốt ngày đêm để cung cấp cho ngành các thiết bị và sự hỗ trợ mà họ cần.

"Chúng tôi đảm bảo hàng triệu bộ PPE được chuẩn bị sẵn sàng cho nhân viên chăm sóc, tăng cường năng lực xét nghiệm cho các cư dân và nhân viên tại nhà dưỡng lão bất kể triệu chứng và áp dụng mô hình quỹ kiểm soát lây nhiễm trị giá 600 triệu bảng mới để giúp ngăn chặn sự lây lan trong nhà dưỡng lão."

VietHome (Theo Sky News)