Đời sống của 3 người Việt tại tâm dịch: Italy, Iran và Nhật Bản

Hai ngày qua, sự lây lan của dịch bệnh do virus corona (Covid-19) khiến tình hình ở các nước thay đổi chóng vánh. 3 người Việt Nam đang sống và làm việc ở Nhật Bản, Iran và Italy đã chia sẻ: Chỉ trong vài ba ngày mà cảm giác thái độ của người dân đối với dịch khác hẳn. 

Chị Phan Phương Thúy, thành phố Suzaka, tỉnh Nagano, Nhật Bản: Nhiều nơi cháy giấy vệ sinh, cháy cả gạo mì

Tại siêu thị nơi tôi làm việc, đến hôm 1/3, giấy vệ sinh hết, gạo hết, khẩu trang thì nửa tháng nay không mua nổi một chiếc. Người Nhật cứ tưởng bình thản được, rồi cũng đến lúc không thể ngồi yên.

Từ hôm thứ sáu vừa qua, sau khi trên mạng xã hội lan tràn tin nguồn nguyên liệu giấy vệ sinh khan hiếm do không nhập được từ Trung Quốc, người dân không rõ thực hư ra sao nên đổ xô đi mua. Hôm đó tôi đi làm ở siêu thị, không hiểu tại sao giấy vệ sinh hết nhanh thế, ai cũng mua vài bịch, về nhà đọc mới biết. Chủ nhật tôi cũng đi làm, siêu thị quá đông, một mình tôi thanh toán mấy trăm khách, có hai người ho vài tiếng cũng thấy hãi.

Dù chính quyền có thông tin khẳng định Nhật tự túc 97% khả năng sản xuất giấy, nhưng tâm lý chung là sợ hết nên cứ đi mua - một chị người Nhật làm cùng nói với tôi nói. Hôm qua, vì tâm lý, tôi cũng định dự phòng mua một hai bịch giấy nhưng hết sạch. 

Trên một số group người Việt tại Nhật cũng chia sẻ thông tin về vụ hết giấy vệ sinh, và cảnh báo nhau cẩn thận không bị thông tin lừa đảo. Có bạn đăng hình hôm qua ở siêu thị bạn, hàng đã về đầy ắp nhưng hạn chế mỗi người chỉ được mua một bịch.

Cùng với đó có vẻ người dân cũng theo đà dự trữ thực phẩm luôn. Như gạo, mì gói, thực phẩm đóng hộp - chỗ tôi chưa hết hẳn nhưng chỗ bạn tôi ở Kanagawa thì cháy hàng. Một phần tâm lý lo lắng dịch bệnh, nhưng một phần do học sinh ở Nhật bắt đầu kỳ nghỉ. 

Kệ hàng ở siêu thị nơi chị Thúy làm việc, giấy vệ sinh hết sạch, đồ ăn khô được mua nhiều chưa từng thấy. (Ảnh: P.T)

Từ tuần này cấp 1, 2 nghỉ đến hết kỳ nghỉ xuân, khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4. Mầm non vẫn đi học, bởi ở đây các mẹ chủ yếu tự chăm con và tranh thủ làm bán thời gian khi con đi lớp.

Công việc bán thời gian ở Nhật khá nhiều, số lượng các mẹ làm thêm khá lớn, nên nếu cho nghỉ thì vấn đề công việc sẽ bị trì trệ phần nào. Hiện tại tình hình vẫn trong tầm kiểm soát nên chưa cần thiết cho nghỉ, nhưng nếu phức tạp hơn chắc có tính đến.

Trường mẫu giáo của con tôi cũng hủy một số hoạt động hoặc tổ chức quy mô nhỏ hơn, hạn chế tụ tập, đồng thời thông báo lịch có thể thay đổi tùy theo diễn biến dịch.

Nhiều công ty cũng có hỗ trợ các bố mẹ phải ở nhà trông con, như cho làm tại nhà hoặc làm nửa ngày vẫn có lương, hay dùng thời gian nghỉ phép có lương.  Mà bình thường hiếm khi người Nhật dùng ngày phép có lương dù được khá nhiều.

Siêu thị tôi làm hôm qua cũng phát giấy cho phụ huynh có con học cấp 1,2 phải nghỉ để có hỗ trợ, nhưng tôi chưa cần vì bé vẫn đến trường.

Hiện tại với gia đình tôi dù lo lắng hơn nhưng cũng vẫn tin tưởng dịch sẽ được kiểm soát. Cảm giác mình ở vùng lũ lo 2, 3 thì ở nhà mọi người lo 6, 7. Thông tin nhiều cũng tốt, nhưng thông tin nhiễu loạn và hiểu ko đúng có thể còn phản tác dụng. Giờ có chọn về Việt Nam lánh dịch thì ít nhất cũng bị cách ly 2 tuần. Chúng tôi vẫn chọn ở lại, chỉ hạn chế đi chơi cuối tuần, chỉ ra ngoài khi cần thiết và luôn đeo khẩu trang, rửa tay nhiều lần. Mong là dịch sẽ mau hết.

Một người Việt không nêu tên ở Tehran, Iran: Tâm lý hoài nghi của người dân tăng lên 

Ngày 1/3 Iran thông báo có 978 người nhiễm virus corona- tăng 385 ca so với hôm trước và 54 người chết - tăng 11 người, đồng thời, có 175 người ra viện. Chỉ riêng trong một ngày đã có tới 11 người tử vong vì Covid-19, thông tin đó khiến người dân khá hoang mang lo lắng.

Chính quyền sử dụng tin nhắn đề nghị người dân hạn chế ra đường, không tin vào các thông tin không chính thống, đi bơm xăng thì chỉ nên ngồi trong xe. Người dân mua khẩu trang rất khó. Việc hành lễ ở một số nhà thờ Hồi giáo ở 22 tỉnh đã bị hủy. Có tin nói một số đại sứ quán các nước đang cân nhắc việc chỉ để cán bộ ngoại giao ở lại, còn gia đình họ đưa về nước. Các trường học tiếp tục nghỉ. Các sự kiện như triển lãm, hội thảo đều bị hủy bỏ.

Tôi nhận thấy người dân có tâm lý nghi ngờ nhiều hơn. Ở Iran, tỷ lệ người chết so với tỷ lệ người nhiễm cao hơn nhiều nước nên người ta không khỏi hoài nghi về con số. Số liệu không chính thức và số liệu truyền tai thì cao hơn số liệu chính thống nhiều, nhưng không có gì kiểm chứng. Riêng ở Iran, Covid-19 lây nhiễm đến quan chức cấp cao nhiều. Bây giờ, thay vì họp báo trực tiếp thì họ họp báo trực tuyến.

Mấy hôm nay tôi hạn chế ra đường, chỉ ra để mua nhu yếu phẩm cần thiết. Đường phố rất vắng vẻ, khác hẳn cảnh tắc đường mọi khi. Mọi người tâm trạng thấy lo âu, chả biết khi nào thì dịch kết thúc. Tôi thấy nhiều người dân cảnh giác với Covid-19, đeo khẩu trang phòng bị đầy đủ nhưng một số thì vẫn hết sức chủ quan.

Đại sứ quán của ta ở đây vẫn khuyến cáo người Việt cẩn trọng, tiến hành các biện pháp vệ sinh phòng ngừa, tránh ra ngoài, lưu ý bài học kiểm soát dịch hiệu quả ở Việt Nam. Tôi không sợ hãi, bởi đều cảnh giác cao độ theo hiểu biết của mình.

Các hãng hàng không hủy chuyến tới Iran rất nhiều, giá vé tăng cao vì nhiều người trước mắt muốn rời khỏi Iran tránh Covid-19, sau đó sẽ chẳng ai đi nữa và giá có thể lại giảm thôi.

21.3 tới sẽ là Tết năm mới của người Iran, gọi là Nowruz, tương tự như Tết âm lịch ở nhà. Iran sẽ được nghỉ khoảng hơn 2 tuần, như vậy cũng rất đỡ cho việc phòng tránh bệnh tật.

Đào Trung Kiên – Nghiên cứu sinh Tiến sĩ ở Italia: Có hiện tượng kỳ thị người Châu Á

Dịch ở Italia xuất phát từ Milan là một trung tâm lớn, nên từ đó lan ra rất nhiều vùng. Tôi mới sang 3 tuần nhưng đúng vào thời điểm dịch lây lan rất nhanh. Lúc tôi vừa sang ở Italia chỉ có 2 ca tử vong ở Roma, bây giờ đã mấy chục ca.

Vùng tôi ở là Emilia Romagna, ngay cạnh Lombardy, trung tâm của dịch Covid-19. Tôi ở thành phố Modena khá nhỏ, nhưng cũng đã hơn 10 ca. Có bạn sinh viên mới sang thì gia đình cũng hỏi có về không. Nhưng theo ghi nhận của tôi qua bạn bè và các nhóm sinh viên Việt Nam ở đây, mọi người đều tương đối bình tĩnh. Chúng tôi chỉ hạn chế ra ngoài, hạn chế phương tiện công cộng, chuyển sang đi bộ và xe đạp.

4 vùng phía bắc bị ảnh hưởng của dịch đã cho sinh viên nghỉ tuần này, trong đó có cả trường tôi. Nhưng tình hình này có lẽ họ sẽ cho sinh viên nghỉ thêm. Các hoạt động lễ hội bị hủy.

Đường phố Modena vắng hẳn, nhiều người vẫn không đeo khẩu trang. (Ảnh: Đ.T.K)

Ra siêu thị mua thực phẩm, tôi không thấy mọi người tích trữ nhiều lắm. Gần một tuần trước siêu thị chỗ tôi cũng có hiện tượng người dân mua vét hàng, nhưng chỉ một hai ngày, sau đấy lại đầy ắp. Vùng cung cấp thực phẩm của Italia ở phía nam, Italia lại cung hoa quả, rau tươi cho các nước khác nên nguồn cung không lo.

Các hiệu thuốc ở đây không bán khẩu trang y tế. Hôm cuối tuần tôi đi 3 cửa hàng mà không mua được, nhưng nhóm bạn sang cùng tôi có mấy người cũng mang theo sẵn khẩu trang và chúng tôi có thể chia sẻ cho nhau.

Đại sứ quán Việt Nam tại Italia đã lập 2 kênh hotline, nhắn cho các nhóm sinh viên, hội sinh viên Việt Nam, qua đó chúng tôi cũng nhận được thông báo, nếu sinh viên và kiều bào ở đây có ai bị lây nhiễm, cần hỗ trợ thì liên hệ với cán bộ phụ trach cộng đồng và lưu học sinh qua số điện thoại và email được cung cấp.

Tôi ở cùng một bạn người Italia học ngành Y, bạn ấy cũng giải thích cho tôi các thông tin về cách phòng ngừa. Tuy nhiên ở thành phố chúng tôi cũng đã xảy ra hiện tượng kỳ thị người nước ngoài, nhất là người Châu Á. Chúng tôi đi ra ngoài gặp cư dân ở đây, họ thấy mình là người Châu Á, họ không rõ nước nào nhưng e ngại vì dịch xuất phát từ Trung Quốc thì họ lịch sự lảng đi chỗ khác. Có một bạn trong đoàn tôi, đi xe đạp buổi tối đã bị một nhóm thanh thiếu niên chặn lại ho vào mặt.

 Theo Dân Việt