• 9 công dân Việt Nam bị cảnh sát Berlin và 4 bang của Đức bắt trong chiến dịch đột kích 33 địa điểm liên quan tới hoạt động buôn người.

    Khoảng 300 cảnh sát đã tham gia vào các cuộc đột kích ở Berlin, Brandenburg, Saxony, Mecklenburg-West Pomerania và North Rhine-Westphalia, tịch thu nhiều điện thoại di động, tài liệu và tiền mặt, các công tố viên Berlin cho biết hôm 13/9.

    Chiến dịch này nhắm vào những nghi phạm bị cáo buộc dàn xếp kết hôn giả và quan hệ cha con giả để giúp các công dân Việt Nam có quyền cư trú tại Đức. Theo các công tố viên, 9 người Việt bị bắt không có quyền cư trú hợp lệ.

    Cảnh sát Đức áp giải một phụ nữ trong chiến dịch truy quét buôn người ở các nhà thổ và chung cư vào tháng 4/2018. Ảnh: Federal Police Germany

    Đức là điểm trung chuyển, tổ chức cũng là đích đến của các đường dây buôn người ở châu Âu, trong đó nhiều nạn nhân là phụ nữ và trẻ em bị cưỡng ép lao động hoặc bán dâm. Phần lớn nạn nhân đến các nước trong khu vực, ngoài ra có một phần nhỏ từ châu Phi, châu Á và châu Mỹ. 

    Theo luật pháp Đức, hành vi buôn người có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 10 năm. Tuy nhiên, thống kê của Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy phần lớn tội phạm buôn người nhằm mục đích cưỡng ép lao động và bán dâm ở Đức không phải ngồi tù, gây lo ngại rằng các hình phạt không đủ tính răn đe.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Có thể có “yếu tố buôn người” trong vụ một phụ nữ Việt Nam 32 tuổi bị buộc tội trồng cần sa tại ngôi nhà ven hồ sang trọng, Tinarana House.

    Tại Tòa án quận Ennis hôm 19/8, luật sư của T.T.Nguyễn, ông John Casey đã đưa ra nhận xét trên và yêu cầu gia hạn thời gian chứng nhận trợ giúp pháp lý để cho phép Trung tâm Quyền của Người di cư Ireland (MRCI) cung cấp hỗ trợ cho khách hàng của mình.

    Trong vụ việc này, cô T.Nguyễn, không có nơi ở cố định, bị buộc tội liên quan đến một xưởng cần sa quy mô công nghiệp tại ngôi biệt thự kiểu Victoria bên bờ hồ Lough Derg gần Killaloe ở phía đông Clare hồi tháng Năm.

    Tinarana House

    Hơn 500 cây cần sa ở các giai đoạn tăng trưởng khác nhau đã được tìm thấy tại dinh thự 16 phòng ngủ vào ngày 31 tháng 5 vừa qua, và ước tính ban đầu giá trị thị trường của số cần sa này là 900.000 euro.

    Quan tòa Marie Keane nói rằng bị cáo trong vụ án là một người dễ bị tổn thương.

    Cô T.Nguyễn đã bị tạm giam tại khu dành cho nữ của nhà tù Limerick kể từ lần đầu tiên xuất hiện tại tòa vào ngày 2 tháng 6. Không có đơn xin bảo lãnh nào được đưa ra.

    Bị cáo T.Nguyễn

    Luật sư John Casey nói trước tòa: “Cô Nguyễn là người nước ngoài. Cô ấy biết rất ít hoặc không biết tiếng Anh. Cô ấy đang gặp rất nhiều khó khăn.”

    Ông Casey trình bày rằng MRCI có trụ sở tại Limerick, Ireland, muốn tham gia giúp đỡ khách hàng của ông và họ đã lắng nghe những gì xảy ra đối với vụ án của cô.

    Ông Casey đã nói với MRCI rằng các khoản phí phát sinh phải được phê duyệt bởi Ủy ban Trợ giúp Pháp lý. Đáp lại, Quan tòa Keane nói rằng bà sẽ cấp cho ông Casey quyền tự do nộp đơn xin trợ cấp pháp lý sau khi nhận được hướng dẫn từ Giám đốc Cơ quan Công tố (DPP).

    Bà nói: “Có lẽ sẽ phải có một mức hỗ trợ nào đó dành cho người phải đối mặt với loại phí này.”

    Ông Casey nói rằng cô T.Nguyễn hiện có số điện thoại của gia đình và được phép liên lạc với họ, và điều này đã an ủi cô rất nhiều.

    Trung sĩ Aiden Lonergan thuộc Sở cảnh sát Ennis Garda yêu cầu tạm giam cô T.Nguyễn đến ngày 11 tháng 9 và đã được quan tòa Keane chấp nhận.

    Quan tòa Keane yêu cầu DPP cung cấp cho tòa án một báo cáo về tiến trình vụ án.

    Chuyên án của cảnh sát dẫn đến việc bắt giữ cô T.Nguyễn có sự tham gia của các thành viên thuộc Đơn vị chống Chất cấm Clare, Sở cảnh sát Ennis Garda, Đơn vị Hỗ trợ Vũ trang Vùng Tây và Đơn vị Cảnh khuyển Cork.

    Tại phiên tòa đầu tiên của cô Nguyễn vào tháng 6, cô nói: “Tôi cảm thấy buồn và sợ hãi vì họ buộc tôi phải làm điều đó.”

    Cô Nguyễn bị buộc tội trồng cần sa mà không có giấy phép tại Tinarana House vào ngày 31 tháng 5, vi phạm Mục 17 của Đạo luật về Lạm dụng Chất cấm.

    VietHome (Theo Breaking News)

  • Minh, một cậu bé người Việt 16 tuổi, bị bắt cóc, cưỡng hiếp và bị đem bán ở Anh, sau đó cậu bị nhốt và buộc phải tham gia trồng cần sa. Khi cảnh sát tìm thấy Minh, cậu bị đối xử như một tên tội phạm thay vì là một nạn nhân.

    Ngày 25/10/2013, khi cảnh sát đến phá cánh cửa của một ngôi nhà hoang hai tầng ở Chesterfield, họ phát hiện ra bên trong ngôi nhà là một trang trại cần sa với hàng chục cây được nuôi trồng với đèn và thiết bị điện cùng một cậu bé Việt Nam.

    Cậu bé đang ngủ trên nệm ở phòng khách khi cuộc đột kích của cảnh sát bắt đầu. Cậu giật mình tỉnh giấc vì tiếng động mạnh va vào cửa và tiếng gỗ vỡ vụn ở bên ngoài. Ngôi nhà đã rất lâu không có tiếng người và ánh sáng tự nhiên, bỗng trở nên ồn ào với những tiếng la hét và bước chân rầm rập. Minh (không phải tên thật) lùi lại một góc khi bị bao vây bởi cảnh sát, những người hỏi cậu bằng thứ tiếng mà cậu không thể hiểu được.

    Minh nhớ lại khoảnh khắc đó và nói rằng: "Tôi rất sợ những người đàn ông này. Nhưng sau đó tôi bình tĩnh hơn và tin rằng họ đến để giải cứu tôi."

    Minh là một trong hàng trăm trẻ em Việt Nam bị bắt cóc và buộc phải làm việc trong các trang trại cần sa bí mật trên khắp Vương quốc Anh dưới hình thức nô lệ hiện đại. Những đứa trẻ như Minh là tài sản quý giá cho những người điều hành các trang trại cần sa: giá rẻ, dễ kiểm soát và có thể đe dọa được.

    Theo ước tính, có khoảng 13.000 cá nhân đã trở thành nô lệ hiện đại trên khắp nước Anh, và số người Việt chiếm thứ 3 trong nhóm các nạn nhân. Thêm nữa, hơn một nửa trong số đó dưới 18 tuổi.


    Minh là một trong hàng trăm trẻ em Việt Nam bị bắt cóc và buộc phải làm việc trong các trang trại cần sa bí mật trên khắp Vương quốc Anh dưới hình thức nô lệ hiện đại.

    Trong 3 năm trở lại đây, chính phủ Anh đã xác nhận có đến 491 trẻ vị thành niên Việt Nam có khả năng là nạn nhân của hoạt động buôn bán trẻ em, phần lớn chúng là những cậu bé tuổi vị thành niên bị bắt phải trồng và chăm sóc những cây cần sa. Con số này chỉ thống kê những người đã được tìm thấy, còn theo ước tính có hàng ngàn người khác đang làm việc trong những trang trại bí mật ở vùng ngoại ô, nhà hoang, nhà kho hay các khu công nghiệp vô chủ. Những người khác thì bị buộc phải làm việc trong quán bar, nhà thổ, nhà hàng hay giúp việc.

    Cuộc đời nô lệ của cậu bé Việt trên Vương quốc Anh

    Minh đến Anh khi mới 16 tuổi. Khi đặt chân đến đây, cậu không hề biết mình đang ở đâu, cậu chỉ biết rằng cậu ở đây để làm việc. Kí ức về 3 tháng bị nhốt trong nhà đã phai dần và bị bóp méo bởi nỗi sợ hãi, sự cô đơn, căng thẳng. Trong nhiều tháng, cậu chỉ tiếp xúc với một vài người đàn ông Việt Nam. Những người này cứ khoảng vài tuần sẽ đến kiểm tra xem cậu có chăm sóc cây đúng cách hay không. Họ hầu như không nói chuyện mà chỉ để lại những hộp thịt đông lạnh cho cậu hâm nóng trong lò vi sóng để ăn qua ngày.

    Những người đàn ông này luôn khóa cửa giam cậu lại một mình sau khi họ bỏ đi. Trong căn nhà thiếu ánh sáng mặt trời, ngày hòa vào đêm và cậu thui thủi trong bóng tối mỗi ngày, Minh lúc nào cũng đói và luôn sợ hết thức ăn. Ngoài ra, cậu ý thức rõ rằng mình sẽ gặp rắc rối như nào nếu những cây cần sa chết.

    Một lần, Minh cố gắng trốn thoát nhưng đã bị bắt lại và được đưa trở lại căn nhà hoang. Cậu hiểu rằng mình sẽ bị giết nếu cố gắng trốn thoát một lần nữa. Cuộc sống của Minh giống như ở một thế giới khác, cậu không thực sự cảm nhận được con người và rất nhanh chóng, Minh hiểu rằng những cái cây mà cậu đang chăm sóc còn có giá trị hơn cuộc sống của mình.

    Ngày cảnh sát đột kích căn nhà đánh dấu sự kết thúc kiếp nô lệ của Minh và giải thoát cậu khỏi những kẻ buôn người. Nhưng thử thách dành cho cậu vẫn chưa kết thúc. Thay vào đó, Minh trở thành tội phạm buôn ma túy chứ không phải là nạn nhân của những kẻ buôn người.

    Cuộc sống của Minh khi ở Việt Nam và chuyến di cư bất hợp pháp đến Anh

    Cuộc đấu tranh cho công lý của Minh đã dẫn đến một cuộc chiến ở tòa án tối cao, đặt ra những câu hỏi đau đớn và sâu sắc về cách Vương quốc Anh đối xử với những đứa trẻ nước ngoài là nạn nhân của việc buôn bán nô lệ.

    Được biết, Minh sinh ra trong một ngôi làng nhỏ nghèo khó ở miền nam Việt Nam. Mẹ và cha cậu là những người nông dân, gia đình chỉ trồng đủ lúa để nuôi cả 3 người. Năm 16 tuổi, Minh khao khát được thoát khỏi cuộc sống bần cùng và khi cơ hội đến, cậu theo một vài người bạn lên phố lớn và không gặp lại cha mẹ kể từ đó.

    Tại TP. HCM, Minh đã gặp bạn bè và họ đã đưa anh đến gặp những người đàn ông lớn tuổi. Những người này nói rằng họ biết cậu nghèo và cần một công việc, rồi họ đề nghị Minh có muốn đi Anh làm việc hay không. Bằng trực giác, cậu cảm thấy không tin tưởng những người này và nói rằng mình muốn về nhà. Minh tìm đến bạn bè để tìm kiếm sự giúp đỡ nhưng không ngờ cậu lại bị kéo vào một căn phòng rồi bị tra tấn một cách dã man.

    Vài ngày tiếp theo, Minh bị giam trong nhà, bị lạm dụng tình dục và bị hãm hiếp. Tiếp theo, Minh bị gán cho một khoản nợ là 20.000 bảng Anh cho chuyến đi Châu Âu mà cậu không hề nợ. Thêm vào đó, những người đàn ông còn đe dọa rằng chúng biết bố mẹ cậu sống ở đâu, nếu cậu không trả lại số tiền này, bố mẹ cậu sẽ gặp nguy hiểm.

    Cuộc hành trình của Minh bắt đầu từ đó. Cậu đi xuyên qua Nga, đến Đông Âu rồi Pháp và kết thúc ở Chesterfield, Anh bằng một chiếc xe tải. Trong cuộc hành trình, Minh bị chuyển từ băng đảng này sang băng đảng khác, ngủ trong những căn hộ bẩn thỉu với hàng tá những trẻ em Việt Nam khác. Cậu bị đánh đập, bỏ đói và bị tấn công. Khi đến Anh, cậu không biết mình đang ở đâu, không quen một ai, một chữ tiếng Anh bẻ đôi không biết và cậu trở nên hoảng loạn.

    Sự khác biệt giữa di cư và buôn người bất hợp pháp

    Các chuyên gia bảo vệ trẻ em cho biết sự khác biệt giữa di cư và buôn bán người bất hợp pháp là một điều mong manh. Mimi Vue, một chuyên gia tư vấn bảo vệ trẻ em cho biết: "Tôi đã phỏng vấn khoảng 40 trẻ em Việt Nam đã đi trên tuyến đường này và tất cả chúng đều không có ngoại lệ. Có một niềm tin rất sâu xa rằng trách nhiệm hiếu thảo của họ là cung cấp cho gia đình và nợ là gánh nặng của họ. Nó mang lại cho những người đang tìm cách khai thác và kiếm lợi nhuận từ họ một đòn bẩy lớn.

    Đây chỉ là những điều kiện chính để khai thác. Vào thời điểm này, những người duy nhất mà những đứa trẻ này biết và có thể dựa vào là những kẻ buôn người, những người hoàn toàn kiểm soát cuộc sống của họ.

    Những đứa trẻ Việt Nam luôn bị buôn bán bất hợp pháp, nhưng cần sa là một ngành công nghiệp hoàn hảo để khai thác. Thật dễ dàng để che giấu ai đó trong một ngôi nhà trống, cảnh sát coi việc trồng cần sa là ưu tiên thấp, và nếu họ đột kích vào nhà, đứa trẻ thường quá kinh hoàng để chia sẻ bất cứ điều gì có giá trị với họ. Và họ đã vi phạm pháp luật, vì vậy họ sẽ trở thành tội phạm."

    Khoảng thời gian bị giam cầm như một tội phạm và những trải nghiệm kinh hoàng của Minh

    Khi bị bắt vào năm 2013, Minh không hé bất kì một lời nào với cảnh sát. Vì mới 16 tuổi, Minh được trả lại cho chính quyền địa phương để quản lý. Một nhân viên xã hội gửi cậu đến B&B ở ngoại ô Chesterfield và sau đó cậu được trả tự do.

    Với số tiền là 30 Bảng Anh trong người, Minh lên xe buýt đến Sheffield. Minh cảm giác như mình đang ở trong một thành phố xa lạ. Sau đó, một cảm giác tội lỗi xuất hiện, lúc này cậu chỉ muốn được trở về nhà nhưng lại không biết làm sao để trở về.

    Cậu lang thang vô định quanh Sheffield trong 2 ngày, ngồi trong công viên, nhặt thức ăn từ thùng rác và ngủ ở ga tàu. Đến ngày thứ 3, khi đang ngồi trên ghế đá công viên, cậu được một người đàn ông lớn tuổi Việt Nam tiếp cận, nói chuyện và mời ăn uống.

    Minh sau đó ở cùng với gia đình người đàn ông này trong hơn hai năm, di chuyển từ Sheffield đến Liverpool. Nhưng tất cả đã thay đổi vào tháng 2/2016, khi cậu bị bắt trong một cuộc đột kích nhập cư ở Liverpool.

    Lần này, Minh nói với cảnh sát tất cả những gì xảy ra trong nhà trồng cần sa ở Chesterfield. Cảnh sát gọi cho Home Office, sau đó một quan chức nhập cư đã đến phỏng vấn và chuyển thông tin chi tiết của Minh cho NRM, nơi xác định và cung cấp sự bảo vệ cho các nạn nhân của nạn buôn người. Vài ngày sau, Bộ Nội vụ cho biết có cơ sở hợp lý để thấy rằng Minh là nạn nhân của nạn nô lệ.

    Tại thời điểm đó, các cáo buộc hình sự của cậu bị đình chỉ, thế nhưng luật sư của Minh do không có kinh nghiệm về các vụ buôn người nên đã khuyên cậu nhận tội. Một tháng sau, vụ án của Minh ra tòa và cậu bị kết án 8 tháng tù giam tại nhà giam giữ phạm nhân trẻ Glen Parva với tội danh sản xuất cần sa.

    Bị nhốt ở Glen Parva đã gây ra hậu quả nặng nề lên tinh thần của Minh. Trước khi nhà tù này đóng cửa vào năm 2017, Glen Parva nổi tiếng là một trong những nơi tồi tệ nhất ở Vương Quốc Anh dùng để giam giữ con người. Đây được miêu tả là một nơi nguy hiểm, bẩn thỉu, thiếu nguồn lực và các tù nhân thường xuyên chia băng đảng, bị bắt nạt và sai khiến.

    Minh khi đó bị nhốt trong phòng giam 21 giờ mỗi ngày. Cậu bị bắt nạt bởi cả tù nhân và nhân viên, không được cho ăn và bị lạm dụng. Có một số thanh niên Việt Nam khác cũng bị giam giữ ở đây, hầu hết trong số họ bị buộc tội trồng cần sa nhưng chẳng ai thoải mái với nhau.

    Trong 4 tháng tù giam, Minh được công nhận là một tù nhân mẫu mực và sẽ được hưởng khoan hồng sớm. Nhưng 2 ngày trước khi được thả ra, Minh được thông báo rằng Bộ Nội vụ đã quyết định giam giữ cậu vô thời hạn dưới quyền lực nhập cư.

    Tháng 6/2016, cậu bị đưa ra khỏi phòng giam với chiếc còng tay và tiếp tục bị giam giữ 13 tháng trong một trung tâm giam giữ người nhập cư trái phép.

    Sự thừa nhận sai lầm của Chính phủ và nỗ lực xóa bỏ tội danh cho Minh

    Bây giờ, sau 6 năm khi Minh được tìm thấy tại trang trại cần sa ở Chesterfield, cảnh sát Derbyshire đã thừa nhận những lỗi nghiêm trọng của mình dẫn đến việc cậu bị giam giữ như một tội phạm. Các sĩ quan khi tìm thấy Minh đáng lẽ phải xác định cậu là một nạn nhân tiềm năng của nạn buôn người.

    Cách tiếp cận và nhận thức về chế độ nô lệ của cảnh sát Derbyshire đã thay đổi kể từ năm 2013, đặc biệt là sau khi Đạo luật nô lệ hiện đại của nước Anh ra đời năm 2015. Vì thế, ngày nay, bất kì một đứa trẻ nào được tìm thấy trong trang trại cần sa sẽ tự động được giải thoát và được liên hệ với tổ chức chăm sóc xã hội. Tuy nhiên, hiện nay trên khắp đất nước Anh, những đứa trẻ được tìm thấy trong các trang trại cần sa vẫn đang bị hình sự hóa.

    Tháng 3/2017, Kate Macpherson, một luật sư thực tập sinh của công ty luật Duncan Lewis đã đến Brook House, một trung tâm di trú và gặp được Minh. Cô ngay lập tức nhận thấy Minh đang trong trạng thái đau khổ, khuôn mặt cậu tái nhợt và chân tay run rẩy, cơ thể nổi lên những nốt mẩn đỏ. Cậu không thể giao tiếp và ngay cả khi nói chuyện bằng tiếng Việt, cậu cũng không thể trả lời được những câu hỏi rất cơ bản. Thậm chí, cậu không thể giao tiếp được bằng mắt và cậu dường như hoàn toàn thu mình lại.

    Sau đó, Kate Macpherson và đồng nghiệp của cô là Ahmed Aydeed đã nhiều lần đến gặp Minh để tìm hiểu những gì đã xảy ra với cậu kể từ khi cậu đặt chân đến Vương quốc Anh. Mặc dù dần dần cậu cũng đã tiết lộ câu chuyện của mình nhưng Aydeed vẫn cảm thấy có một điều gì đó thực sự khủng khiếp đã xảy đến với cậu trong thời gian bị giam giữ. Phải mất vài tuần họ mới có được lòng tin của Minh trước khi cậu tiết lộ toàn bộ câu chuyện.

    Vào tháng 10/2016, một vài tháng sau khi bị chuyển đến trung tâm di trú Morton Hall, cậu bị một tù nhân khác tấn công tình dục. Cuối ngày, Minh gặp kẻ tấn công mình trong phòng ăn và một cuộc ẩu đả đã xảy ra. Khi được nhân viên ngăn lại, Minh đã thuật lại toàn bộ câu chuyện. Theo chính sách của Morton Hall, đáng lẽ họ phải lập tức mở một cuộc điều tra và báo cáo cuộc tấn công đó với cảnh sát, nhưng cuối cùng họ lại chẳng làm gì cả.

    Cuộc tấn công đó đã gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần vốn đã mong manh của Minh. Cậu đã từng nói rằng: "Tôi cảm thấy như cuộc sống của mình đã kết thúc. Tôi hiểu ra rằng tôi không có được sự an toàn dù ở bất cứ đâu. Tôi đã rất sợ những tù nhân khác và càng sợ hãi hơn khi những chuyện như thế này sẽ lại xảy ra. Tôi cũng không thể tin tưởng rằng các nhân viên ở đó sẽ bảo vệ mình."


    Trung tâm giam giữ nhập cư Morton Hall.

    Sau những lời kể kinh hoàng đó, các luật sư đã yêu cầu Home Office xem xét lại trường hợp của Minh. Ngày 12/5/2017, Home Office chính thức xác nhận Minh là nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại, nhưng vẫn từ chối xóa bỏ tội danh của cậu.

    Sau khi Minh được xác định là nạn nhân của nạn buôn người, Duncan Lewis đã đưa ra một đánh giá y tế độc lập. Tiến sĩ Frank Arnold của Forrest Medico-Legal Services, một chuyên gia toàn cầu, người giúp ghi lại những kinh nghiệm của các nạn nhân bị tra tấn, đã đến thăm Minh tại Brook House. Sau đó, Arnold đã viết một báo cáo kết luận rằng vết sẹo vật lý của Minh phù hợp với lịch sử lạm dụng thể chất, lạm dụng tình dục và cậu đang bị PTSD (Rối loạn stress sau sang chấn) cấp tính. Ông cũng báo cáo rằng Minh đã phải chịu thiệt hại đáng kể dưới bàn tay của những kẻ buôn người và Chính phủ Anh.

    Sáng ngày 14/6/2017, Minh rời khỏi nhà tù nhập cư và được đưa đến một ngôi nhà an toàn.

    Sang chấn tâm lý và những nỗ lực trở lại với cuộc sống bình thường

    Đã 3 năm 8 tháng sau khi được tự do, cậu đã luôn nỗ lực đấu tranh để thích nghi với cuộc sống hiện tại. Tuy có nhiều thanh niên Việt Nam khác tại ngôi nhà an toàn, nhưng cậu vẫn luôn trong trạng thái lo lắng cao độ vì suy nghĩ có thể ai đó sẽ đến và đưa cậu trở lại trại giam.

    Rachel Thomas, một nhà tâm lý học lâm sàng chuyên về sức khỏe tâm thần và chấn thương phức tạp, đã viết trong báo cáo của mình về trường hợp của Minh rằng: "Giấc ngủ của Minh bị giới hạn trong khoảng 4 giờ/ngày. Cậu bị đánh thức bởi những cơn ác mộng về việc bị tấn công và truy đuổi. Cậu bị ám ảnh bởi những kí ức về sự xâm hại và những trải nghiệm của mình dưới bàn tay của kẻ buôn người. Cậu trở nên căng thẳng và đau khổ hơn sau khi bị giam giữ và đỉnh điểm là sau vụ bị lạm dụng tình dục ở Morton Hall."

    Trong quá trình đánh giá, Minh đã tiết lộ một điều kinh khủng khác khiến bác sĩ Frank Arnold không thể tưởng tượng ra được, rằng sau cuộc tẩu thoát không thành khỏi nhà trồng cần sa ở Chesterfield, Minh bị những kẻ buôn người bắt giữ lại và cắt bỏ một phần bộ phận sinh dục, đồng thời chúng cũng nói với cậu rằng chúng đã nhét thiết bị theo dõi vào cơ thể của cậu.

    Rachel Thomas nói rằng, ngay cả khi không có thiết bị theo dõi thật, tác động tâm lý lên Minh vẫn vô cùng lớn. Cho dù cậu có ở nơi nào an toàn và được xã hội công nhận là nạn nhân, cậu vẫn luôn tin rằng những kẻ buôn người đang kiểm soát tối đa cuộc sống của mình.

    Sau khi Minh được thả ra, Aydeed và nhóm của Duncan Lewis đã tiến hành các thủ tục tố tụng pháp lý chống lại cả Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp vì đã không bảo vệ được Minh, và đã không mở một cuộc điều tra sau vụ tấn công tình dục tại Morton Hall.

    18 tháng tiếp theo, nhóm cũng đã theo đuổi một bản đánh giá tư pháp riêng đối với Home Office. Các luật sư lập luận rằng Minh là nạn nhân của nạn buôn bán người nhưng đã bị Home Office hình sự hóa và giam giữ bất hợp pháp trong suốt 4 năm, đồng thời cố gắng trục xuất cậu về Việt Nam trước khi vụ điều tra hình sự về buôn bán người của Minh được kết luận.

    Đối với Minh, cuộc chiến vì công lý này vô cùng quan trọng. Cậu nói rằng: "Sau vụ tấn công tình dục, tôi như trở thành người khác. Tôi không biết mình là ai nữa nhưng tôi nghĩ rằng có lẽ vẫn có cách để xây dựng lại cuộc sống của mình. Tôi đã từng nói rất nhiều và cười rất nhiều, tôi cũng từng muốn gặp gỡ mọi người và muốn được nhìn thấy mọi thứ, nhưng bây giờ tôi không còn cảm thấy như vậy nữa. Khi tôi nhìn vào gương, tôi thấy một người khác trong đó, một người mà tôi không nhận ra, già hơn và đau khổ hơn."

    Tháng 6/2018, Home Office đã thừa nhận những gì họ đối xử với anh trong suốt thời gian qua là một sự bất công và sai lầm. Chính phủ cũng đã thừa nhận rằng họ giam giữ Minh bất hợp pháp trong tù.

    Tháng 11/2018, bản án của Minh về việc trồng cần sa đã bị hủy bỏ. Cậu không còn là tội phạm trong mắt chính quyền Anh. Đối với Minh, điều này giống như một sự tái sinh. Hiện tại, Minh đang cố gắng học lại cách sống của một người bình thường và đã tìm lại được một chút bình yên cho cuộc sống của mình.

    Hiện tại, Minh được chính phủ Anh cho phép được lưu lại đất nước vì những lo sợ cậu sẽ bị buôn bán trở lại hoặc bị giết bởi chính băng đảng đã khiến cậu trở thành tội phạm. Minh nói: "Tất cả những gì tôi có thể làm là cố gắng hy vọng. Cuộc sống của tôi khởi đầu không tốt nhưng điều đó không có nghĩa là nó sẽ như thế mãi đối với tôi."

    Bài viết được lược dịch theo bài báo Enslaved on a British cannabis farm: 'The plants were more valuable than my life'  đăng tải trên The Guardian ngày 26/7/2019.

    Link gốc: https://www.theguardian.com/news/2019/jul/26/vietnamese-cannabis-farms-children-enslaved

    Viethome (theo Helino/The Guardian)

  • Một nam thiếu niên 17 tuổi người Việt, sau khi được giải cứu từ đường dây buôn người tại Anh, đã viết một bức thư đầy xúc động đến nơi mà cậu đã mang ơn trong suốt một năm qua.

    Một thiếu niên Việt Nam được giải cứu thành công khỏi đường dây buôn người tại Anh hồi giữa năm 2018 (Ảnh minh họa).

    Thiếu niên này, tên thường gọi là Phong, từng được phát hiện trong tình trạng nguy kịch khi cậu bị nhốt trong một vali ở phía sau một chiếc xe tại Dover, Anh vào năm ngoái. Báo chí Việt Nam đã đưa tin về vụ việc này hồi tháng 6.2018. 

    Theo BBC, nhân viên hải quan cảng Dover ngày 30/5/2018 đã tìm thấy thiếu niên 16 tuổi trong chiếc vali, được đặt trong thùng xe ô tô. Chiếc xe này dừng tại cảng và được khám xét cùng với những xe khác đi từ Pháp sang Anh bằng phà. Thiếu niên người Việt được giải cứu và đưa vào viện sau khi đi chuyến phà dài 90 phút từ thành phố Calais, Pháp sang Anh.

    Cậu đã phải nằm viện suốt 6 tuần, trong khi thủ phạm vụ bắt cóc trên, một người đàn ông có quốc tịch Romania tên Adrei Iancu, đã bị xét xử 18 tháng tù giam vì hành vi buôn người.

    Người thiếu niên đến từ Việt Nam, từng bị bọn buôn người hành hạ đến thập tử nhất sinh ngày nào, giờ đang được nhận nuôi bởi một gia đình tại Ashford, Kent, Vương quốc Anh, thông qua các dịch vụ xã hội của nước này.

    Sau gần 1 năm sống tại một đất nước mới cùng với một gia đình mới, Phong đã gửi một bức thư cảm ơn bằng tiếng Anh với nội dung vô cùng cảm động đến nơi đã giang tay cứu vớt và cưu mang cuộc đời cậu trong suốt thời gian qua:

    “Nước Anh thân mến,

    Tôi viết bức thư này để nói cho bạn biết về điều khác biệt mà bạn tạo ra đối với cuộc đời tôi. Bạn đã cứu sống tôi. Bạn đã cho tôi một gia đình và một mái nhà mới.

    Tôi đã đến nước Anh khi mới chỉ vừa thức giấc trên giường bệnh. Lúc đó tôi đã vô cùng sợ hãi và hoảng loạn. Tôi không biết mình đang ở đâu, toàn thân đau ê ẩm và thậm chí không thể tự ăn được. Tôi chỉ có thể cử động cổ và các ngón tay được chút ít.

    Điều khiến tôi cảm mến đầu tiên là những con người ở trong bệnh viện. Các y tá và bác sĩ đều mỉm cười với tôi và đã cho tôi ăn các loại bánh quy, cam và nước. Họ đã chăm sóc tôi rất chu đáo. Sau 6 ngày trong viện, Melissa, một nhân viên xã hội, đã đến thăm và đưa tôi đến một mái nhà mới. Tôi không hiểu Melissa định làm gì cho đến khi cô ấy chỉ cho tôi những gì sẽ xảy ra.

    Giờ tôi đã có một phòng ngủ riêng, cũng là phòng ngủ đầu tiên trong đời, và có một người mẹ, một người cha, cùng với các anh chị em, ông bà… Ban đầu tôi không thể nói tiếng Anh tốt, nhưng chúng tôi đã cùng luyện tập với nhau mỗi ngày. Sau đó, tôi đã được phép đến trung tâm của Mạng lưới Hành động vì Người di cư tại Kent để được học thêm tiếng Anh. Tại đây, tôi đã gặp Jo, nhân viên xã hội mới của mình.

    Một phần bức thư cảm ơn được Phong viết bằng tiếng Anh (Ảnh: Kent Online).

    Sau 3 tháng tại Anh, giờ tôi đã có thể đến trường Cao đẳng để học tiếng Anh và Toán. Tôi chưa từng nghĩ mình có thể thi đậu vào đại học, nhưng tôi đã vượt qua được 2 kỳ kiểm tra tiếng Anh đầu vào chỉ sau 11 tháng sống tại Anh. Cảm ơn mọi người đã giúp tôi học tiếng Anh và hoàn thiện bản thân mình. Giờ tôi đã trở nên tự tin hơn và nghĩ nhiều hơn về những điều tích cực.

    Cảm ơn nước Anh vì đã tìm thấy và giúp tôi bình phục tốt hơn trong bệnh viện. Cảm ơn nước Anh vì đã cho tôi một gia đình, nơi chúng tôi đều có thể yêu thương lẫn nhau. Cảm ơn nước Anh vì đã giúp tôi được học hành. Cảm ơn những dịch vụ xã hội và Chính phủ Anh vì đã giúp đỡ và chăm sóc tôi. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình lại được yêu thương nhiều đến vậy. Cuộc đời tôi giờ đã là ánh cầu vồng tươi sáng thay vì bóng đêm đen tối.

    Tôi đang rất nóng lòng cho kỳ thi đầu vào thứ 3 của mình tại trường Cao đẳng vào tháng 9 tới. Dù chưa chắc mình có thể qua môn thi nhưng tôi sẽ làm hết sức mình. Tôi hy vọng có thể làm gia đình cảm thấy tự hào.

    Mẹ tôi đã giúp tôi viết bức thư này. Một lần nữa, xin cảm ơn nước Anh vì đã thay đổi cuộc đời tôi.”

    Thị trấn biển Dover, nơi Phong được tìm thấy và giải cứu (Ảnh: Kent Online)

    Bà Christine Burge, mẹ nuôi của Phong ở thời điểm hiện tại, cho biết: “Nó là một đứa trẻ phi thường, và đang dần trưởng thành rất nhiều kể từ lần đầu đến đây. Nó đã vượt qua rất nhiều bài kiểm tra, ngày càng trở nên tự tin và có thêm nhiều bạn thân. Tôi luôn tự hào về nó mỗi ngày.”

    Còn đối với người dân tại Ashford, Phong “là một người biết quan tâm và giàu nghị lực nhất” mà họ từng được biết.

    Viethome (theo Dân Việt/Kent Online)

  • Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward khẳng định Anh sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong việc đấu tranh phòng, chống tệ nạn buôn bán người và nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này. 

    Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward chiều nay 30/7 đã tham dự sự kiện giới thiệu thông điệp về phòng chống buôn bán người trên một số tuyến xe buýt và nhà chờ xe buýt tại bến xe Kim Mã, Hà Nội. Tham dự sự kiện còn có các cán bộ cấp cao của Bộ Nội vụ Anh, các cán bộ của Đại sứ quán Anh và diễn viên Bảo Thanh.

    Sự kiện do Đại sứ quán Anh thực hiện, được tổ chức nhân ngày Thế giới Phòng chống Buôn bán Người 30/7 nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống buôn bán người. Thông điệp chính là “Ai cũng có thể là nạn nhân buôn bán người. Nếu nghi ngờ, hãy trình báo”. Thông điệp được quảng cáo trên 3 tuyến xe buýt và 3 nhà chờ trong một tháng.

    Nói về lý do chọn xe buýt và nhà chờ xe buýt là nơi truyền tải thông điệp, Đại sứ Gareth Ward cho biết xe buýt là phương tiện giao thông phổ biến tại Việt Nam và rất nhiều người tham gia giao thông có thể nhận được thông tin từ đây. Theo nhà ngoại giao Anh, đó là cách hiệu quả để góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề phòng, chống buôn bán người.

    Đại sứ Gareth Ward cho biết trong năm 2018, tại Vương Quốc Anh, ít nhất 300 công dân Việt Nam là nạn nhân của buôn bán người. Trong khi đó, theo số liệu của Liên Hợp Quốc, trên thế giới có hơn 40 triệu người là nạn nhân của tội phạm buôn bán người, trong đó có nhiều trẻ em, và đây là con số rất lớn.

    Đại sứ Gareth Ward khẳng định chính phủ Anh cam kết hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn bán người.

    “Phía Vương Quốc Anh muốn hợp tác nhiều hơn nữa với Việt Nam về vấn đề tội phạm có tổ chức, bao gồm tội phạm buôn bán người, vì các nhóm tội phạm có tổ chức bây giờ đã quốc tế hóa. Hai nước cần chia sẻ thông tin để có thể ngăn chặn loại hình tội phạm này”, Đại sứ Gareth Ward nhấn mạnh.

    “Mặc dù nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của buôn bán người đang tăng lên nhưng chúng ta cần nỗ lực hơn nữa, cả trong phạm vi quốc gia lẫn quốc tế, để cùng đấu tranh chống lại vấn nạn này. Chúng ta cần người dân nhận thức được những rủi ro mà họ sẽ gặp phải nếu bị dụ dỗ bởi các băng nhóm tội phạm nghiêm trọng. Chúng ta cần các chính phủ phải hành động để bắt giữ và khởi tố tội phạm cũng như cần bảo vệ và hỗ trợ các nạn nhân”, Đại sứ Anh tại Việt Nam nói.

    Theo Đại sứ Gareth Ward, ngoài chiến dịch tuyên truyền trên xe buýt và nhà chờ xe buýt, chính phủ Anh đã và đang hỗ trợ tài chính và kỹ thuật giúp Việt Nam củng cố khung pháp lý, tăng cường thực thi pháp luật và hỗ trợ nạn nhân. Chính phủ Anh đã và đang hỗ trợ Việt Nam các dự án tập huấn nâng cao năng lực cho các cơ quan thực thi pháp luật về kỹ năng điều tra và phát hiện tội phạm, tập huấn cho lực lượng biên phòng về hải quan và chống buôn lậu.

    Hiện nay rất nhiều băng nhóm tội phạm núp bóng dưới hình thức là các Trung tâm tuyển dụng và môi giới lao động trong khu vực Đông Nam Á và Việt Nam. Vì vậy, chính phủ các nước cần tiếp tục đẩy mạnh quản lý nhà nước và tăng cường kiểm soát các đơn vị tuyển dụng lao động nhằm ngăn chặn các hành vi phi đạo đức, đồng thời cân nhắc ban hành các quy định nghiêm cấm các trung tâm này thu phí môi giới và tuyển dụng đối với người lao động.

    Tham dự sự kiện, nữ diễn viên Bảo Thanh chia sẻ thông điệp rằng: “Buôn bán người đã bóc lột những người có hoàn cảnh khó khăn và dễ bị tổn thương nhất ở Việt Nam. Họ được hứa hẹn có một cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng thực tế lại rất khác. Đừng để những người thân của bạn rơi vào tay của các băng, nhóm tội phạm này”.

    Viethome (theo Dân Trí)

  • Số liệu chính thức vừa được tiết lộ vào năm ngoái, cho thấy hơn 500 người có khả năng là nạn nhân buôn người và nô lệ hiện đại đã bị nhốt tại các trung tâm giam giữ nhập cư của Anh.

    Các nạn nhân tiềm năng đã bị giam giữ theo quy định nhập cư nhưng họ vẫn có quyền được hỗ trợ về mặt pháp lý, bao gồm tư vấn và phân chỗ ở, theo tổ chức After Exploitation.

    Dự án lập bản đồ dữ liệu đã tiến hành thu thập số liệu từ Bộ Nội vụ thông qua các yêu cầu Tự do Thông tin. Số liệu có được cho thấy 507 người bị giam giữ tại các trung tâm di trú trong năm 2018 có khả năng từng là nạn nhân buôn người.

    Chế độ nô lệ hiện đại xuất hiện dưới nhiều hình thức, có thể bao gồm bóc lột, lao động cưỡng bức, nô lệ trong nước và buôn bán người.

    Ông Pierre Makhlouf, trợ lý giám đốc của tổ chức từ thiện Bail for Immigration Detainees, cho biết các số liệu là bằng chứng khẳng định chính phủ "cố tình giam giữ nạn nhân của chế độ nô lệ trên diện rộng".

    Ông Makhlouf mô tả các số liệu của Bộ Nội vụ là "đáng kinh ngạc" và nói: "Nạn nhân của nạn buôn người thường bị coi là người phạm tội nhập cư hơn là nạn nhân.

    "Chừng nào cơ quan chịu trách nhiệm về người nhập cư còn quản lý luôn các chương trình liên quan đến nô lệ hiện đại, thì chính phủ sẽ không thể thực hiện đúng nghĩa vụ bảo vệ nạn nhân buôn người."

    Những người từng làm việc với các nạn nhân đã trình bày với các nghị sĩ vào tuần trước rằng cách tiếp cận của chính phủ là bắt giữ chỉ vì cách đó mang lại sự "thuận tiện hành chính".

    Thông tin này được công bố sau một báo cáo riêng của tổ chức Women for Refugee Women, trong đó chỉ trích Bộ Nội vụ đối xử tồi tệ với nạn nhân của nạn nô lệ hiện đại và buôn bán tình dục.

    Báo cáo đã kêu gọi chính phủ cung cấp cho các nạn nhân hỗ trợ kéo dài một năm – thay vì 45 ngày như hiện nay - và bảo vệ họ khỏi bị trục xuất hoặc giam giữ trong thời gian đó.

    Tổ chức cũng kêu gọi bất cứ ai được đánh giá là nạn nhân của nạn buôn người cần phải được tự động thả ra khỏi các trung tâm tạm giữ.

    Bộ Nội vụ cho biết họ đã thực hiện "nhiều cải tiến đáng kể" trong cách đối phó với nạn nhân trong những năm gần đây và cho biết 479 trong số 507 người nêu trên đã được đánh giá trong thời gian tạm giữ.

    Trong số đó, 328 đã được thả trong vòng hai ngày sau khi được đánh giá và tổng cộng là 422 người được trả tự do trong vòng một tuần.

    Phát ngôn viên của Bộ Nội vụ cho biết: "Bất kỳ ai tuyên bố họ là nạn nhân của nạn buôn người, nếu đồng ý, sẽ được một chuyên gia đánh giá và sẽ không phải rời khỏi đất nước trong khi chờ xử lý hồ sơ.

    "Khi được đánh giá đúng là nạn nhân, họ sẽ được hỗ trợ và hướng dẫn và được xem xét khi quyết định trường hợp nhập cư của họ."

    Tranh cãi nổ ra khi chính phủ cam kết chi 10 triệu bảng để xây dựng một cơ sở nghiên cứu mới nhằm giải quyết chế độ nô lệ hiện đại và buôn người.

    Trung tâm chính sách nô lệ hiện đại, được tài trợ bởi Quỹ ưu tiên chiến lược nghiên cứu và đổi mới (UKRI) của Vương quốc Anh, sẽ tập hợp các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và nạn nhân.

    Một nghiên cứu được thực hiện vào năm ngoái bởi Walk Free Foundation cho thấy có thể có đến 136.000 nạn nhân nô lệ trên khắp đất nước.

    VietHome (Theo Sky News)

  • 25 người bị nghi ngờ là người nhập cư - bao gồm tám trẻ em - đã được giải cứu ngoài khơi Kent.

    Một chiếc thuyền được cho là đã chở năm người lớn và tám trẻ em - một số trẻ mới chỉ hai tuổi. Họ đã được giải cứu bởi một chiếc xuồng cứu sinh ở Dover.

    Được biết, Lực lượng Biên phòng đã được triển khai để đón lõng một chiếc thuyền thứ hai, đang chở tới 12 người lớn tiến về phía Folkstone. Cả hai sự việc được phát hiện nhờ hệ thống camera.

    Ngư dân David Catt, người chứng kiến ​​cuộc giải cứu, nói: "Chúng tôi đang đi ra eo biển để đi câu cá thì phát hiện ra một chiếc thuyền nhỏ ở đằng xa.

    "Khi đến gần hơn, chúng tôi thấy có khoảng năm người lớn và tám trẻ em trên đó - một vài đứa trẻ chỉ khoảng hai tuổi.

    "Đó là một ngày nắng đẹp và biển êm ả, vì vậy đây sẽ là thời điểm tốt để băng qua eo biển. Nhưng ngoài trời vẫn rất lạnh và những đứa trẻ tội nghiệp đều ướt sũng và rất lạnh.

    "Sau khi xuồng cứu sinh cứu được bọn họ, chúng tôi quay trở ra để đi câu cá và lại thấy một chiếc thuyền nhỏ khác với khoảng 10 đến 12 người đàn ông đang đi theo hướng Folkstone."

    Vụ việc lần này xảy ra sau khi 16 người tình nghi là người di cư - bao gồm hai trẻ em - đã bị bắt gặp khi cố vượt qua Eo biển Anh vào ngày hôm qua (11/5).

    Chính quyền Pháp cảnh báo cho Lực lượng Biên phòng về những chiếc thuyền nhỏ di chuyển về hướng Kent vào đầu giờ sáng. Bộ Nội vụ cho biết những người trên thuyền được cho là đến từ Iran và Iraq.

    Đầu tháng này, bảy người di cư, tự nhận là người Iran, đã được tìm thấy ngoài khơi bờ biển Kent và được bàn giao cho các nhân viên di trú sau đó.

    Vụ việc xảy ra vào ngày 2 tháng 5, một ngày sau khi 13 người di cư khác, cũng nói rằng họ là người Iran, đi về phía Anh trên hai chiếc thuyền nhỏ. Họ đã bị cảnh sát chặn lại ở Cảng Dover.

    VietHome (Theo Sky News)

  • Các nhân viên di trú đã đột kích vào khu vực công trường xây dựng của một tòa nhà tại Circus Street (thuộc Central Brighton) vào sáng ngày 7/5 trong một nỗ lực triệt phá một đường dây buôn người Albania.

    Những người biểu tình chống hành vi đột kích nhập cư đã đụng độ với cảnh sát khi Bộ Nội vụ tiến hành vây bắt những người bị nghi ngờ nhập cư bất hợp pháp.

    Trước đó, người dân đã báo cáo về tình trạng nhiều thợ xây ngủ qua đêm tại địa điểm này. Các nhân viên di trú của Bộ Nội vụ và Cảnh sát Sussex đã có mặt tại công trường vào sáng nay.

    Người dân cho biết họ được thông báo rằng một nhóm tội phạm có tổ chức đã đưa lậu người Albania tới địa điểm này.

    Adrian Hart, chủ tịch của Diễn đàn hành động khu vực Amex, cho biết: “Có nhiều cảnh sát với chó nghiệp vụ ở trên tầng cao nhất của công trình, nơi những người bị tình nghi nhập cư trái phép đang ẩn náu.

    “Các cư dân của Milner Flats đã trình báo việc nhiều công nhân ngủ lại công trường hồi tháng 3 nhưng công ty Henry Construction đã phủ nhận việc này. Tôi cảm thấy tiếc cho những công nhân này.”

    Một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ cho biết: “Hành động theo tin tình báo nhận được, các nhân viên của Cục Di trú đang tiến hành một loạt cuộc kiểm tra tại Brighton. Chúng tôi sẽ không đưa thêm bình luận về một chiến dịch đang tiến hành.

    “Thông tin chi tiết sẽ được cung cấp thêm vào thời điểm thích hợp.”

    Người phát ngôn của tập đoàn bất động sản U+I cho biết: “U+I cam kết tuân thủ các nguyên tắc đạo đức, hợp đồng của chúng tôi với các nhà thầu xây dựng yêu cầu họ phải tuân thủ luật lao động và luật nhập cư. Tất cả nhân viên tại công trường đều phải đáp ứng được các yêu cầu để có mặt ở đây.

    “Chúng tôi biết việc nhân viên Bộ Nội vụ có mặt tại công trường vào sáng nay và chúng tôi không thể cung cấp thêm thông tin chi tiết nào cho đến khi cuộc điều tra của họ hoàn tất.”

    VietHome (theo Brighton & Hove News)

  • Hai người đàn ông thừa nhận vi phạm Luật Nhập cư và Nô lệ Hiện đại của Anh sau khi bị phát hiện vận chuyển nhóm người Việt nhập cư lậu.

    Cảnh sát kiểm tra tàu cá chở 29 người Việt nhập cư trái phép ở cảng Newlyn, hạt Cornwall, Anh hôm 12/4. Ảnh: Cornwall Live

    Frank Walling, 72 tuổi và Glen Bennett, 55 tuổi, hôm 7/5 xuất hiện trước tòa án thành phố Truro, hạt Cornwall và thừa nhận hai tội danh theo Luật Nhập cư và Nô lệ Hiện đại, bao gồm lợi dụng một phụ nữ và điều khiển tàu cá chở người nhập cư trái phép.

    Walling và Bennett bị cảnh sát bắt sáng 12/4 trên đường cao tốc M5 với 29 người Việt, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em, đang chen chúc trong thùng xe tải. Cảnh sát xác nhận đây cũng là nhóm người vừa bỏ trốn khỏi một tàu cá trước đó vài giờ khi giới chức đến kiểm tra cảng Newlyn ở hạt Cornwall.

    Xe cảnh sát tại hiện trường hôm 12/4. Ảnh: Cornwall Live

    Các nhân chứng kể rằng sự việc nghiêm trọng đến mức cảnh sát phải phong tỏa khu vực.

    "Khoảng 30 người bỏ chạy trên cầu cảng, trèo qua hàng rào và bỏ trốn", nhân chứng Clive Oxley cho biết. "Cảnh sát đã chặn tất cả các tàu cá ra biển. Có một chiếc xuồng chở 6 người quay ngược trở lại biển khi thấy cảnh sát".

    Oxley cho biết thêm rằng mọi người rất sốc, cảnh sát có mặt khắp nơi, trong đó có cảnh sát vũ trang, và hầu hết mặt trước của cảng bị phong tỏa.

    Hai nghi phạm Walling và Bennett sẽ bị giam cho đến lúc bị tuyên án vào ngày 11/10.

    Cảnh sát phong tỏa cầu cảng. Ảnh: Cornwall Live
    Những người Việt này di chuyển từ tàu cá sang xe tải. Ảnh: Cornwall Live
    Rất nhiều cảnh sát tham gia vào vụ truy bắt 29 người nhập cư bất hợp pháp này. Ảnh: Cornwall Live
    Rất nhiều cảnh sát tham gia vào vụ truy bắt 29 người nhập cư bất hợp pháp này. Ảnh: Cornwall Live
    Trong xe chỉ có balo và nước uống. Ảnh: Cornwall Live

    Viethome (theo VnExpress)

  • Khi vừa về đến Đồng Nai, trưa 16-4, 5 lao động "bị kẹt" ở Nga đã gặp phóng viên Báo Người Lao Động để gửi lời cảm ơn và chia sẻ rằng gia đình rất vui khi họ trở về an toàn. 

    Tuy nhiên, kèm theo niềm vui đoàn tụ là nỗi ám ảnh và gánh nặng nợ nần hiện rõ trên gương mặt và lời kể của các lao động vừa trở về khi mỗi người phải bồi thường hơn 100 triệu đồng. Nhớ lại 5 tháng ở xứ người, chị Th. chỉ có thể khái quát đó là "địa ngục"!

    Phần 1: 30 ngày đeo bám nhóm người Việt "bị kẹt" ở Nga

    Ngập nợ, ngập nước mắt

    "Chúng tôi gần như bị giam lỏng trong xưởng. Hoàn cảnh vốn đã khó khăn, tưởng rằng kéo nhau đi làm thợ nơi miền đất hứa để được cải thiện cuộc sống, ai ngờ mất cả chì lẫn chài, cuộc sống càng thêm lận đận…" - chị Th. tâm sự trong nước mắt khi nghĩ đến món nợ đang phải đối diện.

    Số là, sau khi sang Nga, ngoài mức thu nhập theo hứa hẹn không đạt được, thì theo chị Th., trong lúc làm việc luôn bị chửi bới, đe dọa. "Họ đâu có coi chúng tôi là người, nếu thực sự việc làm không nặng nhọc ngoài sức tưởng tượng thì chúng tôi đâu phải cầu cứu để được trở về quê và chấp nhận đền bù hợp đồng cả trăm triệu đồng. Rõ ràng chúng tôi bị gài bẫy mà" - chị Th. tiếp tục khóc.

    Tiếp lời chị Th., anh Q. kể dù là sức đàn ông nhưng anh vẫn không thể chịu nổi áp lực và lượng công việc phải làm, trong khi điều kiện sống và ăn uống quá kham khổ. "Trời lạnh, ăn uống thất thường, lương thấp, bị chửi mắng, bị nhốt không được tự do, sức khỏe không cho phép vì lao động quá sức… Thoát về được đây, chúng tôi mới thấy mình đã quá dại, quá ngây thơ khi nghe lời "rỉ tai" của người môi giới" - anh Q. buồn bã nói nhưng cũng không quên gửi lời cảm ơn đến Báo Người Lao Động khi đã kịp thời lên tiếng để anh và 4 lao động nêu trên được sớm trở về quê.

    Gương mặt trầm ngâm, anh S. nhẩm tính tổng cộng mỗi lao động bị "mắc kẹt" khi trở về quê bị mất 5.000 USD, trong đó bao gồm các chi phí vé máy bay, phí làm thủ tục cư trú, xuất nhập cảnh và tiền bồi thường 100% hợp đồng. Theo anh S., tất cả họ đều là lao động phổ thông ít học, khó nắm rõ hết các điều khoản hợp đồng với đơn vị sử dụng lao động cũng như thủ tục về cư trú nước sở tại nên đã bị bắt chẹt. "Tiền đền bù hợp đồng cộng với số tiền thế chân hiện tôi đang gánh món nợ hơn 150 triệu đồng. Lãi mẹ đẻ lãi con giờ vẫn chưa biết tính thế nào…" - anh S. rơi nước mắt.

    Còn ông Dương Viết H. có vợ là bà Phạm Thị S. (người duy nhất trong nhóm vẫn bị "mắc kẹt" ở Nga) thì chia sẻ gia đình vừa mới cắt đi khoảnh đất để rao bán, những mong không phải vay nợ để bồi thường hợp đồng… "Khổ thì cũng đã khổ rồi. Mắc bẫy thì cũng đã thấy rồi. Giờ chỉ mong vợ chồng con cái được đoàn tụ" - ông Viết H. nói.

    Những người trong nhóm lao động “bị kẹt” ở Nga vừa trở về đã lập tức gặp phóng viên Báo Người Lao Động để kể về những gì họ đã phải gánh chịu. Ảnh: XUÂN HOÀNG

    Yêu cầu làm rõ hành vi môi giới

    Trong buổi nói chuyện, từ ông Dương Viết H. cho đến 5 lao động vừa trở về đều mong muốn cơ quan chức năng làm rõ vai trò của bà B., được cho là người môi giới. "Chúng tôi đề nghị làm rõ hành vi môi giới của bà B., làm rõ việc tổ chức đi lao động xuất khẩu có hợp pháp hay không. Không thể để hành vi lập lờ, có dấu hiệu lừa đảo, đưa nhiều người vào hoàn cảnh khốn khổ như chúng tôi nữa" - ông Viết H. và những lao động vừa trở về từ nước Nga nêu đề nghị.

    Theo hồ sơ mà chúng tôi có được, bước đầu xác định đơn vị sử dụng lao động là công ty may mặc ở Nga nhưng do ông Th. người Việt Nam làm chủ tịch hội đồng quản trị. Cũng theo tìm hiểu, dù đến hiện tại chưa xác định việc tuyển dụng lao động tại đơn vị nói trên và các thủ tục liên quan có tính hợp pháp như thế nào nhưng trước mắt có thể thấy những người đi xuất khẩu lao động trước khi đi đã không tìm hiểu kỹ nên phải trả giá đắt.

    Với cách tuyển dụng lao động kiểu "rỉ tai" với việc qua đến Nga mới ký hợp đồng, dù lao động có từ chối ký, đơn vị sử dụng vẫn nắm đằng cán; còn khi ký vào thì coi như làm việc gần như không công trong cả năm trời để trả món nợ chi phí khi xuất cảnh. Đặc biệt, hủy hợp đồng thì chủ sở hữu lao động càng "mừng" vì ngoài việc phải bồi thường 100% hợp đồng, người lao động còn phải trả chi phí ăn ở theo tính toán của chủ sử dụng trước khi về nước.

    Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) đề nghị cơ quan chức năng cần làm rõ hành vi của người môi giới, nếu có yếu tố lừa đảo thì xử lý hình sự. Ngoài ra, làm rõ động cơ, hoạt động của đơn vị sử dụng lao động cũng như việc xuất khẩu lao động như trên có hợp pháp hay không.

    Cảnh báo từ cơ quan chức năng

    Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Đồng Nai khẳng định qua rà soát, thời gian qua không có trường hợp cá nhân nào đăng ký đi lao động xuất khẩu sang Nga thông qua sở. Theo quy định, các trường hợp xuất khẩu lao động đăng ký theo hồ sơ cá nhân buộc phải đăng ký qua sở này. Còn nếu làm hồ sơ tập thể, trong đó những người đi xuất khẩu lao động bằng cách hợp tác với các doanh nghiệp dịch vụ cung ứng lao động hợp pháp thì không phải thông qua sở.

    Đáng chú ý, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai còn khẳng định hiện tỉnh không có doanh nghiệp dịch vụ cung ứng lao động ra nước ngoài. Thế nhưng, thời gian qua, đã có không ít trường hợp lao động tại tỉnh Đồng Nai bị mắc "bẫy lừa" của các công ty dịch vụ "ma" khi đóng tiền cọc tham gia thi tuyển, làm hồ sơ, ký hợp đồng… Do đó, người dân chỉ nên đi xuất khẩu lao động theo đường chính thống, không đi "chui" qua đường du lịch, du học… Ngoài ra, phải tìm hiểu kỹ chi phí, tiền đặt cọc, quy trình, thủ tục, công việc cụ thể, thu nhập, phúc lợi… trước khi ra nước ngoài làm việc. 

    Quay trở lại việc 5 lao động bị kẹt" ở Nga vừa mới về nước, ông Phạm Văn Cộng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai, cho hay thông qua Báo Người Lao Động ông mới biết vụ việc. Sở sẵn sàng hỗ trợ người lao động nếu có thông tin từ gia đình. 

    Chiều 16-4, một điều tra viên của Công an tỉnh Đồng Nai cho biết hiện công an đang làm rõ sự việc và sẽ thông báo khi có kết quả.

    Đại sứ quán Việt Nam sẽ can thiệp

    Khi chúng tôi đang viết bài báo này cũng là lúc bà Phạm Thị S. (người duy nhất trong nhóm vẫn bị "mắc kẹt" ở Nga) nhắn tin với nội dung: "Họ nói do tôi chống đối, rồi do thủ tục làm chưa xong, cứ chờ chưa biết lúc nào sẽ về. Tôi gần như bị giam lỏng. Tôi sợ lắm. Mong quý báo và ban, ngành can thiệp giúp cho tôi được về nước...".

    Một góc xưởng may nơi bà S. nói rằng bà đang gần như bị giam lỏng. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

    Sau khi trấn an, chúng tôi khuyên bà S. tiếp tục liên lạc với nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Nga. Đến chiều 16-4, bà S. nhắn lại với nội dung: "Họ (tức nhân viên Đại sứ quán) cho biết sẽ tiếp cận vụ việc để có động thái hỗ trợ". Ngoài ra, bà S. còn thông tin nhân viên Đại sứ quán đề nghị các lao động làm đơn nêu rõ nội dung sự việc để có cơ sở giải quyết. "Do hiện tại tôi không tiện viết đơn tại chỗ nên đã liên lạc về gia đình ở Việt Nam, nhờ chính quyền địa phương và các đơn vị tư vấn pháp luật hỗ trợ làm đơn để chuyển đến Đại sứ quán Việt Nam tại Nga nhờ can thiệp" - bà S. nhắn.

    Ở một diễn biến khác, Vụ Báo chí - Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã có động thái tiếp cận hồ sơ để tìm hiểu vụ việc.

    Phần 1: 30 ngày đeo bám nhóm người Việt "bị kẹt" ở Nga

    Viethome (theo Người Lao Động)

  • Người thân của gần chục lao động quê Đồng Nai bị kẹt ở Nga đã tìm đến Báo Người Lao Động cầu cứu. Sau 1 tháng vào cuộc điều tra, phóng viên đã góp phần tác động đưa ít nhất 5 lao động về nước an toàn.

    Trở lại sự việc cách đây đúng 1 tháng - chiều 16-3, với gương mặt âu lo, ông Vũ Trọng H. (57 tuổi; ngụ thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) đã tìm gặp phóng viên Báo Người Lao Động để nhờ lên tiếng về trường hợp vợ ông là bà Nguyễn Thị Ánh H. cùng con ông và một số người hàng xóm, đi lao động và bị "mắc kẹt" ở Nga, dù họ đang khẩn thiết muốn trở về Việt Nam ngay nhưng không được.

    "Quý báo đã từng theo đuổi và giải cứu thành công những lao động ở miền Tây dính bẫy xuất khẩu lao động sang Nga nên nhiều người chỉ tôi tìm đến" - ông H. mở đầu câu chuyện.

    Khi chồng xót vợ, thương con

    Ông H. kể giữa tháng 11-2018, với sự môi giới của bà Phạm Thị Lệ B. (58 tuổi; ngụ phường Xuân An, thị xã Long Khánh), vợ ông cùng con là Vũ Đình Kh. và những người hàng xóm là Tr., T., S., Q., Th. đã theo một đường dây xuất khẩu lao động sang Nga làm việc. Theo đó, mọi thủ tục được công ty lo. Công việc theo hợp đồng thuộc ngành may mặc. Mức thu nhập theo giao kèo từ 500-700-1.000 USD/tháng. Mức phí để được đi xuất cảnh là 2.000 USD/người, trong đó trước khi đi mỗi người trả trước 500 USD, số còn lại trừ vào lương trong quá trình làm việc.

    "Những tưởng với 2 lao động làm việc ở Nga sẽ giúp gia đình cải thiện đời sống. Ấy vậy mà trong ngôi nhà chục năm chưa sửa tường thấm khắp nơi, hằng đêm tôi còn bị ám ảnh bởi tiếng kêu cứu của vợ con nơi xứ người…" - ông H. kể tiếp câu chuyện trong nấc nghẹn.


    Ông Vũ Trọng H. (trái) cầm trên tay lá đơn cầu cứu khi trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động Ảnh: XUÂN HOÀNG

    Sau thời gian chờ đợi, ngày 15-11-2018, vợ con ông H. cùng những người hàng xóm được làm thủ tục xuất cảnh đến nước Nga. Nhưng chưa đầy 1 tháng sau đó, vợ và con ông liên lạc về kêu cứu, bởi cuộc sống nơi "miền đất hứa" không như mô tả của người môi giới hay trong suy nghĩ của vợ con ông.

    "Họ đang sống trong địa ngục! Hãy lên tiếng để cứu lấy vợ con tôi cũng như cảnh báo những người muốn sang Nga lao động thông qua môi giới kiểu "rỉ tai" - ông H. thảng thốt.

    Theo lá đơn kêu cứu tập thể mà ông H. gửi, chúng tôi lập tức tìm gặp ông Dương Viết H., có vợ là bà Phạm Thị S. (ngụ phường Xuân Bình, thị xã Long Khánh) đang ở Nga cùng với vợ con ông H. Vừa nghe chúng tôi giới thiệu, ông Viết H. đã nói: "Giờ chỉ có công luận lên tiếng và chất vấn kẻ môi giới hòng tác động cho chủ sở hữu lao động bên Nga thì vợ tôi mới mong sớm thoát được cảnh bị "giam lỏng" nơi xứ người".

    Theo ông Viết H., cũng như những gia đình trót dại khác, vì quá tin viễn cảnh tốt đẹp mà người môi giới vẽ ra cũng như mong sớm có tiền sửa lại nhà mà vợ ông đã chạy vạy để vay mượn hòng được sang Nga lao động với mức thu nhập cao. "Nay thì tiền sửa sang nhà cửa đâu chưa thấy, chỉ thấy vợ thì cầu cứu, cả nhà ăn không ngon ngủ không yên, nợ vay để có tiền sang Nga thì đến ngày phải trả… Lần này mà vợ về nước an toàn, tôi hứa có rau ăn rau, có cháo ăn cháo chứ không bao giờ để vợ đi kiểu này nữa…" - ông Viết H. nói.

    Những tin nhắn, cuộc gọi khẩn thiết

    Để có những bằng chứng xác thực về vụ việc, thông qua người thân của những lao động bị "mắc kẹt", cuối tháng 3, phóng viên bắt đầu tìm bằng chứng từ các nạn nhân bằng tin nhắn và cuộc gọi nhờ tính năng của mạng xã hội. Nếu như ngày đầu thông tin qua lại giữa phóng viên và nạn nhân còn hạn chế vì các nạn nhân lo sợ bị "gài bẫy" thì ngay sau khi phóng viên chứng minh bằng hình ảnh gặp gia đình nạn nhân, các nạn nhân mới hoàn toàn tin tưởng. Thông tin chuyển về càng lúc càng nhiều với lời lẽ ngày càng khẩn thiết từ nạn nhân.

    Cụ thể, qua trao đổi, bà Phạm Thị S., cho hay cả 6 lao động trong đợt đi chung với bà đang hết sức bất an. "Khi vừa qua, một phần thấy nhiều cái bị phạt vạ vô lý, một phần bị bắt làm việc với cường độ cao hơn bình thường nên cả 6 người chúng tôi đuối sức không thể kham được, riêng tôi đã ngã bệnh. Đặc biệt, vì bị phạt vạ vô lý nên nếu có làm đến kiệt sức thì phải đến 3 năm may ra mới trả hết nợ nần chi phí khi đi, vì vậy cả nhóm xin được về nước với lý do trái với những lời hứa ban đầu từ người môi giới" - bà S. nhắn.


    Kể từ khi sang Nga, nhóm lao động ở Đồng Nai không được bước chân ra khỏi xưởng, ăn uống kham khổ và mọi sinh hoạt chỉ ở trong căn phòng nhỏ hẹp này. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

    Theo bà S., kể từ khi chủ xưởng biết được ý định của nhóm bà cũng là lúc cả nhóm rơi vào cảnh bị "giam lỏng", với việc lo sợ nguy hiểm có thể xảy đến bất cứ lúc nào. "Đến giờ ăn thì họ cho ăn, tất cả thời gian còn lại trong ngày chúng tôi không được rời xưởng dù là nửa bước. Mọi di chuyển của chúng tôi đều bị giám sát chặt chẽ. Chúng tôi sợ lắm…" - bà S. lo lắng.

    Tương tự, khi trao đổi với chúng tôi, bà H. và 4 người còn lại nói rằng khi mới vào làm, họ bị người của chủ xưởng bắt phạt liên tục vì cho là không hoàn thành công việc. Đến khi thấy sức khỏe đi xuống, khả năng trả nợ chi phí kéo dài không lối thoát bà H. xin được về nước thì mọi việc càng trở nên tồi tệ. Bằng chứng là từ các hình ảnh do nạn nhân chụp và quay clip gửi về, cho thấy cảnh ăn ở, sinh hoạt của các lao động này đang trong môi trường hết sức tồi tàn. "Ở lại thêm ngày nào, chúng tôi càng sợ hãi ngày ấy. Đó là chưa kể, chủ xưởng còn khẳng định những ngày ở lại đây, chúng tôi phải gánh chịu tất cả chi phí phát sinh. Tôi cầu cứu các anh (tức PV) cùng chính quyền địa phương, ban ngành ở Đồng Nai can thiệp, giúp đỡ để chúng tôi được về nước với gia đình" - các nạn nhân khẩn cầu thông qua cuộc gọi trao đổi với phóng viên.

    Kẻ môi giới... phủi tay!?

    Quay lại những buổi tiếp xúc với gia đình các nạn nhân, chúng tôi nhận thấy đa phần họ không hề biết rõ về đường dây lao động xuất khẩu sang Nga mà người thân họ tham gia. Theo họ, tất cả đều do người môi giới và đơn vị sử dụng lao động lo. "Chúng tôi tin tưởng bà B. là chỗ quen biết, nói có công ty của người quen bên Nga đang tuyển dụng lao động. Bà này cũng nói là công ty này sẽ lo hỗ trợ hết các thủ tục, chúng tôi chỉ việc đóng tiền. Thế là chúng tôi gom góp kinh phí, lo cho vợ và con, cháu xuất ngoại làm ăn để cải thiện cuộc sống..." - những người trong gia đình các lao động đang ở Nga trình bày.

    Khi trao đổi với phóng viên, các nạn nhân khẳng định toàn bộ việc đi xuất khẩu lao động của đường dây này là do bà B. lo. "Bà B. cho biết ngày đi là chúng tôi đi. Còn visa và vé máy bay tất cả tới sân bay chúng tôi mới nhận. Trong thời gian chờ đợi xuất cảnh, chúng tôi có hỏi bà B. là chúng tôi có phải đi phỏng vấn không nhưng bà bảo không cần vì công ty là của cháu bà, còn tất cả giấy tờ thì khi sang Nga chúng tôi sẽ ký như bà B. đã hứa" - bà S. khẳng định.

    Thế nhưng, khi phóng viên liên lạc được với bà Phạm Thị Lệ B. thì bà này cho hay bà và những người lao động trên quen biết nhau nên bà mới giới thiệu cho họ sang Nga làm việc. Tuy nhiên, bà B. cho rằng bà không phải là người môi giới để lấy tiền huê hồng. "Tôi chỉ làm ơn, giúp hai bên chứ không ăn tiền. Những người tôi giới thiệu toàn thân quen, việc ký hợp đồng là do hai bên. Giờ họ đòi về thì phải đền bù hợp đồng. Khi đền bù hợp đồng, họ phải đền đủ tiền và cần có thời gian làm thủ tục theo quy định mới có thể về nước được…" - bà B. nói và khẳng định mình vô can(!?). 

    Những lời hứa từ địa phương

    Để hỗ trợ các lao động đang "mắc kẹt" tại Nga sớm về nước, ngay sau khi xác minh sự việc là có thật, chúng tôi đã liên hệ với chính quyền địa phương. Thông qua phóng viên, lãnh đạo các địa phương hứa sẽ hỗ trợ thủ tục để thúc đẩy việc "giải cứu" công dân về nước. "Chúng tôi sẽ hỗ trợ người dân trong phạm vi trách nhiệm của mình. Chúng tôi sẽ tiếp nhận thông tin từ gia đình của các lao động" - lãnh đạo các xã, phường nơi các lao động bị "mắc kẹt" cho biết.

    “Sau khi biết mình mắc bẫy, chúng tôi đã tìm cách liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Nga để nhờ can thiệp nhưng lại nhận được câu trả lời đây chỉ là vấn đề quan hệ lao động nên phải tự thỏa thuận, giải quyết” - bà Phạm Thị S. hiện đang “mắc kẹt” ở Nga nói. 

    Phần 2: Sự trở về của nhóm người Việt ở Nga: ngập nợ, ngập trong nước mắt

    Viethome (theo Người Lao Động)

  • Tại Anh, thỉnh thoảng lại có tin một số trẻ em mất tích ở vùng Đông Nam, mà đáng chú ý là tới phân nửa các trường hợp đều mang quốc tịch Việt Nam.

    Vào tháng 11/2018, bốn trẻ Việt Nam bị thông báo mất tích chỉ vài ngày sau khi được địa phương nhận chăm sóc.

    Phóng viên BBC Glen Campbell đã lần theo hành trình vào Anh bất hợp pháp của các em, và của người Việt nhập cư lậu nói chung, từ "điểm tập kết" của họ tại Pháp, và tìm hiểu lý do những người Việt này thường bỏ trốn khi được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội, cũng như nguyện vọng của họ nếu tới được Anh.

    Từ làng Vietnam City đến Vietnam City mới

    Điểm bắt đầu của phóng viên Campbell là một thị trấn khai thác than cổ ở miền Bắc nước Pháp - Angres, nơi có khu lán trại được gọi là 'Vietnam City'.

    Vào năm 2010, người dân địa phương khi đi bộ qua đã phát hiện thấy một số người Việt sống trong khu lán trại bỏ hoang của khu khai mỏ, nằm trong rừng.

    'Vietnam City' tồn tại tám năm tại khu lán trại bỏ hoang trong rừng, trước khi bị chính quyền địa phương phá bỏ vào 2018.

    Nơi này được biết đến với tên gọi Vietnam City, và những người trú ngụ ở đó được dân địa phương giúp đỡ. Họ được cho quần áo, thức ăn và các nhu yếu phẩm khác.

    Tuy nhiên, hồi cuối 2018, nơi này đã bị chính quyền địa phương phá bỏ.

    Benoit Decq, đại diện cho một chuyên giúp đỡ những người Việt này, nói rằng tại Vietnam City, luôn có khoảng từ 20 đến 200 người trú ngụ trong suốt thời gian tám năm tồn tại.

    Trước khi bị phá bỏ, nơi đó có một ngôi nhà, một nhà kho, khu vệ sinh, một vài nhà tắm, thậm chí một vườn rau nơi họ trồng trọt và nuôi vài con gà để thịt.

    Dân địa phương nói tại trại Vietnam City luôn có từ 20 đến 200 người trú ngụ, tất cả đều là di dân người Việt và đều là nam giới.

    Sau khi bị phá bỏ, các di dân bất hợp pháp người Việt chuyển tới một nơi ở mới, nằm cách chỗ cũ 45km, nằm gần đường cao tốc.

    Ở chỗ mới, phóng viên BBC thấy mọi thứ trông tươm tất, ngăn nắp. Khu Vietnam City mới có khu bếp, khu ở, nhà vệ sinh và chỗ tắm.

    Lucille Vallin, một trong những người dân địa phương giúp đỡ các di dân Việt Nam, nói rằng "Vietnam City mới xuất hiện rất nhanh chóng", và chỉ trong hai tuần đã xong việc dựng nhà.

    Điều đặc biệt là tại đây chỉ toàn người Việt, và tất cả đều là nam giới, khác với các trại di dân khác ở miền bắc nước Pháp.

    'Cơ ngơi' hiện nay của các di dân Việt, Vietnam City mới, nằm gần đường cao tốc và cách một bãi đỗ xe tải khoảng 2km.

    Vào Anh bằng cách chui vào xe tải

    Đây là trạm trung chuyển cuối cùng trước khi họ đến điểm cuối là Anh, và nó nằm gần bãi đỗ xe tải, phương tiện chính để người Việt vào lậu nước Anh.

    Một trong những thanh niên có mặt tại khu trại nói với BBC rằng anh đã trả 16 ngàn đô la Mỹ để được đưa tới đây.

    Hoàng từng tìm cách vào Anh nhưng đến nay vẫn thất bại.

    Anh nói anh quyết tâm bằng được.

    "Tôi từng đến Bỉ và nghĩ đó là Anh. Tôi bị bắt sau khi nhảy ra khỏi xe tải," Hoàng nói.

    "Tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc, ngày nào cũng sẽ tìm cách."

    Tại bãi xe tải cách đó 2km, 'mục tiêu công thành' của những người này, phóng viên BBC nhận thấy đó là nơi thiếu giám sát an ninh, không có bảo vệ, không có camera giám sát và tương đối tối tăm.

    Khi đi quanh bãi xe, phóng viên Campbell nhận thấy nhiều xe đã bị phá khóa. Nếu lọt được vào thùng xe, các di dân sẽ theo hành trình tới bến phà Calais của Pháp, từ đó sang các bến phà của Anh.

    Phóng viên Glen Campbell đứng tại trại Vietnam City đã bị phá.

    Clip Hành trình đi lậu từ Vietnam City ở Pháp đến Anh Quốc - BBC News Tiếng Việt

    ''Trẻ vị thành niên Việt mất tích''

    Trong trường hợp bị giới chức phát hiện, bắt giữ khi đã vào tới lãnh thổ Anh, các di dân nếu dưới 18 tuổi sẽ được đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội địa phương.

    Tuy nhiên, hiện tượng chung là họ đều biến mất chỉ vài ngày sau đó.

    Debbie Beadle từ ECPAT, tổ chức từ thiện bảo vệ trẻ em khỏi nạn buôn người, cho biết:

    "Dù đã được đưa vào trung tâm chăm sóc tại địa phương, nhiều em đã quay lại với kẻ buôn người vì các em sợ những hậu quả khi không trả nợ."

    "Từ nhiều năm trở lại đây, trẻ em Việt mất tích là một vấn nạn lớn. Chúng tôi có thể khẳng định nhiều trong số các em là nạn nhân của hoạt động buôn người."

    "Các em khi tới được đây là đã mắc nợ những kẻ buôn người. Các em sẽ bị bắt trả nợ. Đó là một áp lực lớn. Rõ ràng nếu không trả hết nợ, bản thân các em hoặc gia đình sẽ gặp rắc rối."

    Phóng viên BBC nói chuyện với các di dân người Việt (thông qua phiên dịch) tại trại Vietnam City mới.

    Ước mơ

    Khi BBC nói chuyện với những người trú tại trại Vietnam City mới ở Pháp, tất cả họ đều nói thông qua phiên dịch viên rằng họ muốn làm việc trong tiệm móng tay sau khi tới Anh.

    Nhưng vì sao lại là tiệm móng tay?

    "Có một mạng lưới tiệm móng tay to lớn của người Việt ở Anh, cho nên có vẻ họ sẽ dễ tiếp cận được mảng thị trường đó. Và đây là điều bọn buôn người dễ dàng lợi dụng khai thác," bà Debbie Beadle giải thích.

    Năm 2016, cảnh sát nghi ngờ một tiệm móng tay của chủ người Việt bóc lột lao động trẻ em. Vụ này dẫn tới việc truy tố thành công đầu tiên dựa theo Đạo luật Nô lệ Hiện đại 2015 liên quan tới trẻ em.

    Bà Eran Cutliffe, công tố viên chính trong vụ án trên nói rằng buôn người là một loại tội phạm hình sự có tổ chức, và liên quan tới rất nhiều tiền.

    "Con người bị hoa mắt bởi lợi nhuận từ tội ác này," bà nói.

    "Những nạn nhân bị coi là món hàng. Dù là những món hàng đắt giá, nhưng vẫn chỉ là những món hàng. Việc đối xử với con người như vậy là tội ác nghiêm trọng."

    Phóng sự đã được phát trong chương trình Inside Out của BBC hồi 2/2019.

    Viethome (theo BBC)

  • Tiếp theo vụ việc Duy Mạnh tức giận khi bị gọi tên trong vụ cô trợ lý ''hờ'' trốn ở lại Anh, mới đây trên facebook của anh Tuan Vu lại xuất hiện những email được cho là bằng chứng vợ chồng ca sĩ Duy Mạnh đã sắp đặt cho cô gái tên S. trốn ở lại Anh. Nguyên văn bài post của anh Tuan Vu như sau:

    ''Một tuần qua chúng tôi chưa đưa ra bằng chứng là trên cơ sở đã để cho ca sĩ Duy Mạnh (CS) và những kẻ tòng phạm tự giải quyết nội vụ: CS đưa người sang được thì CS đưa người về được; cô S. (người mà CS Duy Mạnh nhận là "trợ lý") nếu trở về bây giờ cũng chưa muộn. Tuy nhiên, cho đến nay chúng tôi nghĩ là đã đến lúc cần thiết để mọi người, và cơ quan chức năng biết:

    1- Ca sĩ Duy Mạnh đã tự bán rẻ danh dự của mình; bán rẻ lòng tin tưởng tuyệt đối của chúng tôi vào một người nổi tiếng như CS.

    2- Ca sĩ Duy Mạnh càng đưa ra lý luận và bằng chứng của mình thì càng chứng tỏ CS đang tìm cách chống chế mà thiếu sự trung thực với chính bản thân mình.

    3- Chúng tôi hy vọng rằng các cơ quan chức năng ở Việt Nam như Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Cục Biểu diễn hãy xem xét tư cách của ca sĩ Duy Mạnh để có hình thức kỷ luật thích đáng về hành vi vi phạm pháp luật. Về phía công ty chúng tôi, chúng tôi đã báo cáo sự việc lên Cục Di trú VQ Anh.

    Sau đây là toàn bộ diễn tiến sự việc theo thời gian.

    * Ngày 13/1/2019: CS Duy Mạnh chuyển cho chúng tôi 2 emails liền về hồ sơ cô trợ lý. Những thông tin này được vợ của CS (chị Huyền) chuyển đến cho CS. Đặc biệt thông tin hồ sơ cá nhân người trợ lý được chị Huyền đánh máy giúp.

    Điều này làm chúng tôi suy nghĩ liệu người đó có phải thực sự là trợ lý của CS? Vì thông thường người trợ lý phải rất nhanh nhẹn, và chính là người chạy lo các giấy tờ cho CS vì các ca sĩ thường rất bận rộn. Nhưng đây lại là CS lo giấy tờ cho trợ lý?


    Email vợ ca sĩ Duy Mạnh cung cấp thông tin cá nhân của cô S. để bên công ty CED Corporation Limited lo hồ sơ visa

    * Ngày 14/1/2019: Vì thế, ngoài việc tôi đã giải thích với CS Duy Mạnh qua phone những hệ quả nghiêm trọng nếu sự việc xảy ra trái chiều, tôi buộc phải viết email đề nghị CS xác nhận một lần nữa. Điều này được CS xác nhận (ngay sáng 14/1/2019). Ngoài ra, CS Duy Mạnh còn nói cho chúng tôi biết cô S. quen vợ CS, sống cùng nhà với vợ chồng CS và làm cùng công ty biểu diễn với ca sĩ. Những thông tin này đều ghi trong hồ sơ xin visa lao động biểu diễn nghệ thuật ngắn hạn của CS và cô trợ lý. Trên cơ sở này chúng tôi không còn lý do để nghi ngờ và tiến hành thủ tục xin visa cho cả CS và cô "trợ lý".


    Email yêu cầu Duy Mạnh phải xác nhận không có hành vi lợi dụng show diễn để cho người đi chui.

    Sau đó một thời gian, cô S. đã được cấp visa lao động có thời hạn hiệu lực từ 2/3/2019 đến 24/3/2019.

    * Sáng ngày thứ Bảy 9/3/2019, CS và cô "trợ lý" hạ cánh Luân Đôn để phục buổi biểu diễn tại Club 701 đêm cùng ngày.

    Tuy nhiên đêm hôm đó 9/3/2019, cô S. không có mặt tại Club và kể cả những ngày sau đó. Vì chuyến bay về Việt Nam của cô S. là ngày 14/3/2019, nên ngày 12/3/2019 tôi nhắn tin cho CS Duy Mạnh đề nghị anh nhắc cô S. gửi cho tôi dấu nhập cảnh VN ngày 15/3/2019 như tôi đã đề nghị CS từ lúc bắt đầu làm thủ tục visa. CS cũng đồng ý sẽ như vậy (xem hình tin nhắn của CS). Đến lúc này, ngày 13/3/2019 (sau khi CS trả lời tôi 1 hôm), cô S. nhắn cho tôi nói lý do là ốm và nói lùi ngày về 23/3/2019 sát nút hạn cuối visa của cô. Chẳng còn cách nào khác tôi buộc phải chờ đến 25/3/2019 là ngày cô chắc chắn phải ở VN rồi. Tôi nhắn tin cho cô S., thấy lặng lẽ, tôi nhắn tin cho CS. Đến lúc này CS Duy Mạnh mới nói là anh Tuấn (người thuộc bên thuê club đêm 9/3/2019, và không thuộc công ty chúng tôi) chuyện âm mưu và đồng phạm.


    Tin nhắn trao đổi với Duy Mạnh.

    Chúng tôi là đơn vị kinh doanh, và không phải là cơ quan hình sự hay nhà chức trách mà đi truy cứu xem anh Tuấn có phải đồng lõa hay không. Chúng tôi đã báo cáo sự việc sang Cục Di trú VQ Anh theo đúng nguyên tắc quy định và sẽ đáp ứng những yêu cầu điều tra sắp tới. Tuy nhiên những điều chúng tôi cần nói ở đây là những điều đã được liệt kê ở trên, và là, khi chúng tôi bảo lãnh cho CS và cô trợ lý của CS sang biểu diễn cho chúng tôi, thì đó là trách nhiệm và uy tín của CS trực tiếp đáp trả cho chúng tôi bằng hành động trung thực của mình. Tại sao CS lại nói do người này người khác? Và CS nói rằng công ty chúng tôi cũng lợi dụng CS để đưa người. Xin thưa rằng, nếu chúng tôi định làm điều phạm pháp như vậy thì chúng tôi không cần nhờ đến bất cứ ai, kể cả CS.


    Tin nhắn trao đổi với cô gái tên S.

    CS là một người nổi tiếng, có tiền có của so với số đông bình dân khác; bình thường không ai nghĩ CS lại làm chuyện này. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng người ta có thể "Khôn ba năm, dại một giờ". Rất tiếc chiếc bình vỡ không thể nào gắn lại được như ban đầu''.

    Nguyên văn bài đăng trên facebook Tuan Vu. Trái với lần bị tố cáo trước đây, lần này ca sĩ Duy Mạnh hầu như không có phản ứng gì trước bằng chứng được cho là ''rõ ràng'' này. Ở lần trước, nam ca sĩ đã vào thẳng facebook Tuan Vu để mạt sát, dùng những lời lẻ hết sức chợ búa để phủ bỏ hết mọi sự liên quan của mình và cô S.

    Dưới đây xin đăng lại nội dung bài tố cáo đầu tiên của facebook Tuan Vu:

    ''THÔNG BÁO KHẨN

    Công ty www.cedcorporation.ltd.uk chúng tôi thông báo nếu bạn bè FB nào biết cô gái sau đây, tên thật là Trần Thị S., sinh năm 1996 (23 tuổi), sinh tại Quảng Bình, hiện đang ở địa chỉ nào ở Vương quốc Anh, bất kể từ nay về sau, xin báo cho chúng tôi được rõ (Chúng tôi sẽ giữ kín thông tin).

    Nguyên cô gái này được ca sĩ Duy Mạnh, đứng bảo lãnh với cty chúng tôi là trợ lý của ca sĩ Duy Mạnh, sang để phục vụ hát của ca sĩ Duy Mạnh buổi biểu diễn tối 9/3/2019 vừa qua tại Club 701, London. Tuy nhiên, khi sang đến nơi, cô gái này đã không có mặt trong buổi biểu diễn, và chúng tôi hoàn toàn mất liên lạc. Theo thông tin chúng tôi nhận được từ sự thừa nhận của ca sĩ Duy Mạnh và những bằng chứng thông tin khi làm việc với ca sĩ Duy Mạnh, ca sĩ Duy Mạnh đã bảo lãnh cô gái này trên cơ sở thông đồng với một vài người đang sống tại VQ Anh mục đích ăn tiền và đưa người vượt biên trái phép trên cơ sở bán đứng sự tin tưởng tuyệt đối của cty chúng tôi vào ca sĩ Duy Mạnh để bảo lãnh giấy phép lao động cho cô ta.

    * Nếu bà con cho biết thông tin thì sẽ giúp công ty chúng tôi và Phòng Điều tra Tội phạm Nghiêm trọng và Cục Di trú VQ Anh tìm ra những kẻ âm mưu đưa người vượt biên trái phép này và nghiêm trị để răn đe những người khác có ý định lạm dụng pháp luật.

    * Việc làm trên đây của ca sĩ Duy Mạnh đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cty chúng tôi trong việc tiếp tục bảo lãnh anh chị em nghệ sĩ khác từ Việt Nam qua biểu diễn tại VQ Anh.

    * Cô Trần Thị S. nếu sớm trở về VN vẫn chưa muộn. Và những người dính lứu vào việc tổ chức, bao che cho cô ta hãy kịp thời thức tỉnh.''

    Tuy nhiên, ngay dưới bài post này, ca sĩ Duy Mạnh (fb Thien Manh Nguyen) đã tuyên bố mình không liên quan, bởi vì cô S. là người quen của bầu show và chuyện kí kết, lo giấy tờ cho cô S. sang đây là chuyện giữa bầu show và công ty tổ chức sự kiện. Ca sĩ Duy Mạnh chỉ có nhiệm vụ đi hát và về nước, nên nếu ai cho rằng anh ''được tiền ăn chia'' để đưa cô này sang Anh là hoàn toàn sai. Duy Mạnh không buôn người hay làm gì phạm pháp.

    Duy Mạnh còn cho rằng chắc gì cô gái đã có ý định trốn, có thể cô chỉ đi thăm người quen mà thôi. Bên cạnh đó, Duy Mạnh còn tố ngược rằng chính những người tổ chức sự kiện này đã tìm cách đưa cô gái sang với danh nghĩa trợ lý của anh. Vì mâu thuẫn trong chuyện tiền bạc mà lôi anh vào làm ầm lên vì anh là người nổi tiếng.

    Viethome

  • Thủ tướng ban hành Kế hoạch thực hiện Bản Ghi nhớ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland về hợp tác phòng, chống mua bán người.

    Mục đích của Kế hoạch nhằm xác định cụ thể nội dung, tiến độ thực hiện nhiệm vụ và phân công trách nhiệm cho các bộ, ngành và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong triển khai thực hiện bản Ghi nhớ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland về hợp tác phòng, chống mua bán người; thúc đẩy hợp tác sâu rộng giữa các cơ quan hữu quan của hai bên trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, chương trình phòng, chống mua bán người giữa hai nước. 

    Các nạn nhân được giải cứu về Ngôi nhà Nhân ái do Tổ chức Vòng tay Thái Bình tài trợ. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

    Bộ Công an là cơ quan chủ trì thực hiện Kế hoạch, có trách nhiệm tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ thành lập Nhóm công tác liên ngành thực hiện Bản Ghi nhớ; xây dựng kế hoạch, chiến lược và tổ chức thực hiện hoạt động ưu tiên hợp tác giữa cơ quan chức năng hai nước để thực hiện có hiệu quả Bản Ghi nhớ.

    Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác nghiệp vụ cơ bản, chủ động nắm chắc tình hình, tập trung điều tra, thu thập, kịp thời bổ sung, điều chỉnh thông tin về địa bàn, tuyến trọng điểm, các đường dây, tổ chức, cá nhân có biểu hiện nghi vấn; tăng cường công tác quản lý xuất nhập cảnh, nhất là các địa phương có nhiều người bị mua bán hoặc di cư trái phép nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn tội phạm mua bán người và lợi dụng người di cư trái phép để lừa bán nạn nhân sang Vương quốc Anh.

    Bộ Công an tổ chức tiếp nhận, xác minh các nguồn tin báo, tố giác tội phạm của công dân, thông tin, tài liệu trên báo chí hoặc của cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội, cơ quan chức năng Vương quốc Anh chuyển giao nhằm phát hiện, khởi tố điều tra vụ, việc có dấu hiệu tội phạm mua bán người và di cư trái phép xuyên quốc gia, có liên quan đến nạn nhân từ Việt Nam và Vương quốc Anh hoặc các nhóm tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến mua bán người hoạt động trên lãnh thổ hai nước.

    Bộ Công An cũng tổ chức tiếp nhận, xác minh, xác định nạn nhân bị mua bán hoặc người nghi bị mua bán từ Vương quốc Anh về Việt Nam và ngược lại; thực hiện các biện pháp bảo vệ nạn nhân, trẻ em đi cùng nạn nhân và người thân thích của họ trong quá trình tiếp nhận, xác minh, xác định nạn nhân theo quy định của pháp luật mỗi nước và Bản Ghi nhớ này.

    Bộ Công an chủ trì, phối hợp giữa các ngành, địa phương trong nước hoặc giữa cơ quan chức năng của Việt Nam với cơ quan hữu quan Vương quốc Anh và các nước, các tổ chức quốc tế trong trao đổi thông tin, thiết lập đường dây nóng, xác định đầu mối hợp tác xác minh, điều tra, bắt giữ, dẫn giải, chuyển giao, truy nã; xử lý đối tượng phạm tội mua bán người và các đối tượng có liên quan; giải cứu, tiếp nhận, xác minh, xác định, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân bị mua bán liên quan trên lãnh thổ hai nước.

    Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển tích cực phối hợp với cơ quan hữu quan, chính quyền địa phương tuyên truyền pháp luật về phòng, chống mua bán người tại khu vực biên giới, hải đảo nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cho nhân dân; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát biên giới, vùng biển, quản lý chặt chẽ an ninh, trật tự khu vực biên giới, hải đảo.

    Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet truyền tải các thông điệp, thông tin về phòng, chống mua bán người bằng nhiều hình thức khác nhau.

    Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức hỗ trợ nạn nhân bị mua bán từ Vương quốc Anh về Việt Nam và ngược lại, bố trí nơi lưu trú và thực hiện chế độ hỗ trợ cho nạn nhân theo quy định pháp luật, đảm bảo quá trình hòa nhập an toàn và hiệu quả cho nạn nhân hoặc người có nguy cơ trở thành nạn nhân; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về chế độ, chính sách hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, đảm bảo phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế.

    Bộ Ngoại giao chỉ đạo cơ quan đại diện Việt Nam tại Vương quốc Anh và các quốc gia khác có liên quan thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân, đặc biệt là nạn nhân bị mua bán hoặc nghi bị mua bán sang Vương quốc Anh; tăng cường hỗ trợ các cơ quan chức năng trong nước hợp tác với các cơ quan chức năng Vương quốc Anh kịp thời phối hợp điều tra các vụ án, triệt phá các đường dây mua bán người có liên quan đến hai nước.

    Viethome (TTXVN/Vietnam+)

  • Nhiều trẻ em Việt Nam sống trong trại tị nạn ở Hà Lan có thể đã bị bọn buôn người chuyển sang Anh để trồng cần sa hoặc làm móng. 

    Một cuộc điều tra phối hợp giữa tờ Observer và đài phát thanh Argos của Hà Lan tiết lộ trong 5 năm qua, ít nhất 60 đứa trẻ Việt Nam biến mất khỏi những trung tâm tị nạn này. Cảnh sát cùng cơ quan quản lý di cư Hà Lan nghi ngờ những đứa trẻ đã bị buôn bán sang Anh trồng cần sa hoặc làm việc trong các tiệm làm móng.

    S, thanh niên 19 tuổi người Việt Nam, bị bắt cóc và vận chuyển sang Anh từ năm 10 tuổi để làm nô lệ trong các trang trại trồng cần sa. Ảnh: Guardian.

    Một ngày mùa đông buốt giá, giữa ngôi làng nhỏ ở miền bắc Hà Lan, một ngôi nhà gạch trông giống như mọi ngôi nhà khác xung quanh. Nhưng nếu hướng mắt nhìn lên mái nhà, người ta sẽ thấy những chiếc camera giám sát an ninh. Và điều khác biệt lớn nhất nằm ở những người sống bên trong căn nhà này: những đứa trẻ là nạn nhân của hoạt động tội phạm buôn bán người xuyên biên giới. Chính phủ Hà Lan dùng căn nhà này làm nơi trú ẩn và che chở cho những đứa trẻ thoát khỏi bàn tay của những kẻ buôn người. Nhiều em trong số đó mang quốc tịch Việt Nam.

    Nghi ngờ này trùng khớp với kết quả một báo cáo do tổ chức hoạt động vì trẻ em EPCAT công bố hồi tháng trước rằng Việt Nam là nước dẫn đầu về số lượng nạn nhân trẻ em bị buôn bán sang Anh. Trẻ em Việt Nam bị cưỡng bức lao động từ việc ép trồng cần sa, làm móng tay, hoặc phải bán dâm để trả nợ cho những kẻ buôn người đưa các em đến châu Âu.

    Kết quả của cuộc điều tra này làm dấy lên những câu hỏi về năng lực của Liên minh châu Âu trong cuộc chiến chống lại nạn buôn bán trẻ em cũng như sự bất lực của cơ quan công quyền Anh và Hà Lan trong việc bảo vệ những nạn nhân chưa đến tuổi thành niên. 

    Cảnh sát Hà Lan ghi nhận nhiều trường hợp trẻ em Việt Nam không có giấy tờ tùy thân đang trên đường di chuyển đến London và Birmingham. Cơ quan chức năng chỉ có thể xác định danh tính được rất ít các em trong số đó. 

    Những cá nhân chưa đến tuổi thành niên đến Hà Lan mà không có người lớn đến cùng sẽ được chính phủ nước này bảo trợ theo quy trình dành cho người tị nạn. Với một đứa trẻ có nguy cơ bị buôn bán, cơ quan chức năng Hà Lan sẽ đưa đứa trẻ đó vào sống trong trại tị nạn. 

    Johan van der Have, lãnh đạo của cơ quan tiếp nhận người tị nạn COA, nói mặc dù tổ chức này đã nỗ lực bảo vệ trẻ em Việt Nam, nhiều em vẫn biến mất khỏi các trại tị nạn. "Bọn trẻ cứ biến mất, dù chúng tôi có làm gì đi chăng nữa", Johan nói. 

    Hàng loạt email trao đổi giữa tổ chức COA và cảnh sát cho thấy những đứa trẻ tị nạn người Việt đã nghiên cứu kỹ bản đồ, dùng dao sắc nhọn để nậy cửa sổ hoặc dàn cảnh báo cháy giả để trốn chạy. Dù các nhân viên của COA dùng nhiều biện pháp, họ hiếm khi ngăn chặn được các vụ chạy trốn. Phát hiện này làm dấy lên nghi ngờ bọn tội phạm buôn người đã tiếp cận những trung tâm tị nạn. 

    Victoria, một điều phối viên làm việc cho COA, nghi ngờ những trung tâm tị nạn ở Hà Lan đã trở thành nơi trung chuyển của bọn buôn người. "Tôi nhận ra rằng chỗ chúng tôi trở thành điểm dừng chân (của những đứa trẻ bị buôn bán) trước khi chúng vào Anh". Bọn tội phạm thường đỗ xe ở bên ngoài khu tị nạn và đợi những đứa trẻ trốn ra ngoài.

    Tuy nhiên, Mark Harbers, bộ trưởng tư pháp và an ninh Hà Lan, cho rằng chưa có bằng chứng chứng minh những vụ trẻ em tị nạn mất tích có liên quan đến tội phạm buôn người. "Hiện các tổ chức thực thi của chúng tôi không nhận được thông tin nào cho thấy các mạng lưới buôn bán người có liên quan đến việc trẻ em vị thành niên Việt Nam mất tích", ông Harbers nói.

    Anh hiện được xem là điểm đến cuối cùng của đường dây buôn người từ Việt Nam qua ngả Đông Âu, vào Hà Lan rồi tới Pháp. Các nghiên cứu cho thấy bọn buôn người yêu cầu nạn nhân trả tới 40.000 USD chi phí đi lại và sắp xếp một công việc tốt ở Anh. Tuy nhiên, không như hứa hẹn về "công việc tốt", nạn nhân thường bị bóc lột trong các trang trại trồng cần sa hoặc các tiệm làm móng. 

    Cơ quan chức năng Anh ước tính mỗi năm có hàng trăm trẻ em Việt Nam bị buôn bán vào Anh, tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn. Kể từ năm 2009 đến 2018, thống kê của chương trình hỗ trợ nạn nhân buôn bán người (NRM) cho thấy có 3.187 người Việt Nam, bao gồm cả trẻ em, bị buôn bán vào Anh.

    Các tổ chức thiện nguyện chống nạn buôn người ra cảnh báo về thực trạng vận chuyển người Việt trái phép tới Anh. Vào năm 2015, Thủ tướng Anh lúc bấy giờ, ông David Cameron, trong một chuyến thăm Việt Nam đã nêu ra vấn đề này để cả hai bên cùng giải quyết. Lực lượng cảnh sát Anh cũng liên tục triệt phá các trang trại trồng cần sa sử dụng lao động người Việt. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nhiều người Việt đang bị bóc lột như nô lệ tại các tiệm làm móng ở Anh. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một tên tội phạm buôn người nào bị truy tố.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Chiếc xe tải đông lạnh chở nhóm người Việt vượt biên vào Anh được ví như "một con tàu nô lệ phiên bản hiện đại".

    Tài xế Andrut Mihai Duma, 29 tuổi, người Romania, hôm 26/3 bị tòa án thị trấn Guildford, Anh, tuyên 6 năm tù sau khi nhận tội tiếp tay cho hành vi nhập cư trái phép.

    Chiếc xe tải đông lạnh chở 21 người Việt vượt biên trái phép vào Anh. Ảnh: PA

    Tháng 11/2018, Duma bị Lực lượng Biên giới ở cảng Newhaven, hạt Đông Sussex, phát hiện giấu 21 người Việt trong hai khoang hàng đông lạnh dài chỉ 4 mét, rộng 1 mét và cao 49 cm trên xe tải. Trong số này có 6-8 trẻ em, nhỏ nhất 12 tuổi.

    "Đó là một chiếc xe tải đông lạnh không có không khí. Những người đó thực sự đang ở trên phiên bản hiện đại của một con tàu nô lệ", thẩm phán Rufus Taylor nói tại tòa, nhấn mạnh chỗ trú ẩn tạm bợ trên xe "rõ ràng cực kỳ nguy hiểm". 

    Khoang hàng chật chội nơi 21 người Việt ẩn náu trên xe tải. Ảnh: PA

    Theo công tố viên Nicholas Corsellis, những khoang hàng trên chiếc xe tải được lắp đặt để chở nước đóng chai đến một doanh nghiệp ở phía bắc London nên rất nguy hiểm cho nhóm người nhập cư nếu chúng sập xuống.

    "Đó là lý do phương pháp xây dựng này được gọi là một cỗ quan tài ẩn nấp", ông nói và thêm rằng hành vi buôn người của Duma là hoạt động của một nhóm tội phạm có tổ chức. "Chắc hẳn những người nhập cư đã trả một lượng tiền đáng kể cho những kẻ buôn người". 

    Ban đầu, khi tiếp cận chiếc xe tải của Duma, lực lượng an ninh ở biên giới Anh không phát hiện dấu hiệu gì khả nghi, cho đến lúc một nhân viên soi đèn pin vào giữa các khe hở và nhìn thấy những mẩu áo khoác lộ ra. Một người Việt bập bẹ tiếng Anh khai rằng họ đã co ro trên xe tải suốt 7 giờ.

    "Không thể nào thoát khỏi chỗ ẩn náu này nếu nó bị sập trong quá trình di chuyển và cũng không ai thoát được ra khỏi xe tải vì hàng hóa được xếp chồng khít còn cửa xe đã khóa", ông Corsellis nói.

    Chiếc xe tải mang biển đăng ký giả và đồng hồ đo tốc độ cũng bị chỉnh sửa.

    Tài xế Andrut Mihai Duma. Ảnh: PA

    Luật sư biện hộ Ahmed Hossain cho rằng Duma không tham gia vào việc lắp đặt các khoang ẩn nấp trên xe. "Vai trò của anh ta rất hạn chế. Anh ta chỉ nhận được thù lao ít ỏi", ông Hossain nói.

    Duma khai rằng được trả 1.000 bảng (1.300 USD) để chở nhóm người Việt vào Anh nhưng các công tố viên cảm thấy không thuyết phục. Tài xế này tham gia phiên tòa với sự hỗ trợ từ một phiên dịch viên Romania và cúi đầu khi thẩm phán cho biết sẽ đề nghị trục xuất anh ta khỏi Anh.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Trong ngôi làng của những kẻ buôn lậu nằm ven biển Địa Trung Hải, khoảng 2.000 đàn ông và nam thanh, thiếu niên đã biến mất vì giấc mộng tới châu Âu đổi đời.

    Trên bãi biển đầy cát và gió, 2 người đàn ông Ai Cập đứng nhìn chúng tôi (phóng viên CNN) phỏng vấn các gia đình có con bị đưa sang châu Âu. Một lúc sau, người đàn ông cao hơn xông vào và giải thích lý do những con tàu tiếp tục đưa người đi bằng giọng nói như hét. “Chính phủ đã làm được gì cho chúng ta? Chúng ta là ngư dân nhưng chẳng có gì để đánh bắt ngoài biển”, ông nói.


    Những đứa trẻ ở "làng buôn lậu" nằm ven biển Địa Trung Hải. Ảnh: CNN

    Theo Bộ Lao động Italy, trẻ em Ai Cập đang tràn vào đất nước này vì những kẻ buôn người lợi dụng kẽ hở của luật pháp, cho phép trẻ em dưới 18 tuổi nhập cư bất hợp pháp và người đi cùng được định cư. Tuy nhiên Mahmoud, thuyền trưởng của chiếc tàu chở người buôn lậu, cho biết nhiều đứa trẻ phải bỏ cha mẹ tới châu Âu vì gia đình nghĩ chúng sẽ tìm được việc làm và gửi tiền về nhà.

    Burj Mughayzil được gọi là “làng buôn lậu”. Khoảng 2.000 đàn ông và trẻ em nam ở làng đã biến mất. Nhiều người trong số họ chỉ 11 hoặc 12 tuổi. Họ bị giấc mơ châu Âu cuốn theo nhưng phần lớn đều kết thúc trong nhà tù của Italy hay bỏ mạng trong quá trình vượt Địa Trung Hải.

    CNN cho biết, trẻ em từ những ngôi làng nhỏ ven biển của Ai Cập thường được đưa tới Sicily, Italy bằng thuyền. Sau đó, họ được đưa tới thủ đô Rome của Italy, nơi chúng trở thành nạn nhân của ma túy và mại dâm. Hàng nghìn trẻ em mạo hiểm mạng sống vượt biển để trở thành con mồi cho những kẻ buôn người, chôn vùi vĩnh viễn giấc mơ về một tương lai tốt đẹp hơn nơi xứ người.

    Nhiều bậc sinh thành nói con họ tự nguyện ra đi. Tuy nhiên, phần lớn đứa trẻ cho biết gia đình muốn chúng tới châu Âu làm việc và gửi tiền về nhà. Nhiều người cho biết họ và gia đình bị những kẻ buôn người lừa dối về thiên đường mà họ sẽ không bao giờ tới được.

    “Người dân ở những ngôi làng này đang bán con cái họ. Họ nghĩ rằng sẽ không có đủ thức ăn cho gia đình 10 người. Nếu còn 9, họ sẽ có thêm chút đồ ăn và mọi việc sẽ ổn hơn nếu chỉ còn 8 người. Nếu 2 đứa bị nhốt thì điều này vẫn tốt hơn cả gia đình cùng chết đói. Tuy nhiên, không phải mọi đứa trẻ đều tới được nhà tù ở Italy mà bỏ mạng trên biển. Chúng là nạn nhân của những ông bố bà mẹ không đủ khả năng nuôi sống gia đình”, Mahmoud nói. 

    Mahmoud và Mohammed là thuyền trưởng của một tàu chở người di cư. Thông thường, 20 trẻ nhỏ bị nhồi nhét trên chiếc thuyền đánh cá gắn động cơ. Họ đưa chúng ra biển để lên một con tàu lớn, có thể chở tới 600 người. Mahmoud và Mohammed biết họ sẽ lĩnh án 25 năm tù nếu bị cảnh sát Italy phát hiện.

    Bên cạnh việc ngồi tù, cảnh sát có thể xử phạt 17.000 USD mỗi người trên tàu chở người nhập cư, khiến tổng tiền phạt có thể lên tới hàng triệu USD. Mohammed mô tả: “Có những con cá lớn và cá nhỏ ở khu vực này. Cá nhỏ là những người đang thụ án trong nhà tù Italy trong khi cá lớn là những kẻ đang sống tự do ở Ai Cập và Italy”.

    Bản thân 2 thuyền trưởng người Ai Cập cũng cảm thấy có trách nhiệm với những người họ chuyên chở và cả những người đã chết. Họ cũng chấp nhận để CNN phát sóng cuộc phỏng vấn với hy vọng chính phủ Ai Cập sẽ biết được thực trạng đang xảy ra ở những ngôi làng buôn lậu. 

    VietHome (Theo Zing)

  • Cách đây vài giờ, ca sĩ Duy Mạnh đã bày tỏ sự phẫn nộ khi bị ''gọi hồn'' trong một scandal đi chui vào Anh.

    Trên Facebook của anh Tuan Vu thuộc công ty CED Corporation Limited chuyên về tổ chức các sự kiện âm nhạc, có đăng một ''Thông báo khẩn'' về việc cô gái Trần Thị S. được công ty này bảo lãnh sang Anh với vai trò là trợ lý của Duy Mạnh trong một show diễn hôm 9/3/2019 tại Club 701, London. Tuy nhiên sau đó cô gái này đã biến mất và không thể liên lạc, tình nghi đã trốn chui ở Anh. Việc này ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh của công ty CED, đặc biệt sẽ rất khó khăn nếu muốn bảo lãnh cho các nghệ sĩ khác sang Anh biểu diễn. Nguyên văn bài post của anh Tuan Vu như sau:

    Ca sĩ Duy Mạnh và cô gái bị tình nghi trốn lại Anh.

    ''THÔNG BÁO KHẨN

    Công ty www.cedcorporation.ltd.uk chúng tôi thông báo nếu bạn bè FB nào biết cô gái sau đây, tên thật là Trần Thị S., sinh năm 1996 (23 tuổi), sinh tại Quảng Bình, hiện đang ở địa chỉ nào ở Vương quốc Anh, bất kể từ nay về sau, xin báo cho chúng tôi được rõ (Chúng tôi sẽ giữ kín thông tin).

    Nguyên cô gái này được ca sĩ Duy Mạnh, đứng bảo lãnh với cty chúng tôi là trợ lý của ca sĩ Duy Mạnh, sang để phục vụ hát của ca sĩ Duy Mạnh buổi biểu diễn tối 9/3/2019 vừa qua tại Club 701, London. Tuy nhiên, khi sang đến nơi, cô gái này đã không có mặt trong buổi biểu diễn, và chúng tôi hoàn toàn mất liên lạc. Theo thông tin chúng tôi nhận được từ sự thừa nhận của ca sĩ Duy Mạnh và những bằng chứng thông tin khi làm việc với ca sĩ Duy Mạnh, ca sĩ Duy Mạnh đã bảo lãnh cô gái này trên cơ sở thông đồng với một vài người đang sống tại VQ Anh mục đích ăn tiền và đưa người vượt biên trái phép trên cơ sở bán đứng sự tin tưởng tuyệt đối của cty chúng tôi vào ca sĩ Duy Mạnh để bảo lãnh giấy phép lao động cho cô ta.

    * Nếu bà con cho biết thông tin thì sẽ giúp công ty chúng tôi và Phòng Điều tra Tội phạm Nghiêm trọng và Cục Di trú VQ Anh tìm ra những kẻ âm mưu đưa người vượt biên trái phép này và nghiêm trị để răn đe những người khác có ý định lạm dụng pháp luật.

    * Việc làm trên đây của ca sĩ Duy Mạnh đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cty chúng tôi trong việc tiếp tục bảo lãnh anh chị em nghệ sĩ khác từ Việt Nam qua biểu diễn tại VQ Anh.

    * Cô Trần Thị S. nếu sớm trở về VN vẫn chưa muộn. Và những người dính lứu vào việc tổ chức, bao che cho cô ta hãy kịp thời thức tỉnh.

    * Các bạn FB hãy share tin này.

    * Các phóng viên tòa báo xin liên lạc với cty chúng tôi theo email: admin@cedcorporation.ltd.uk

    Trân trọng cảm ơn bà con đã đọc tin!''


    Bài post của fb Tuan Vu.

    Tuy nhiên, ngay dưới bài post này, ca sĩ Duy Mạnh (fb Thien Manh Nguyen) đã tuyên bố mình không liên quan, bởi vì cô S. là người quen của bầu show và chuyện kí kết, lo giấy tờ cho cô S. sang đây là chuyện giữa bầu show và công ty tổ chức sự kiện. Ca sĩ Duy Mạnh chỉ có nhiệm vụ đi hát và về nước, nên nếu ai cho rằng anh ''được tiền ăn chia'' để đưa cô này sang Anh là hoàn toàn sai. Duy Mạnh không buôn người hay làm gì phạm pháp.

    Duy Mạnh còn cho rằng chắc gì cô gái đã có ý định trốn, có thể cô chỉ đi thăm người quen mà thôi. Bên cạnh đó, Duy Mạnh còn tố ngược rằng chính những người tổ chức sự kiện này đã tìm cách đưa cô gái sang với danh nghĩa trợ lý của anh. Vì mâu thuẫn trong chuyện tiền bạc mà lôi anh vào làm ầm lên vì anh là người nổi tiếng.

    Duy Mạnh tố ngược lại chủ thớt.

    Hiện vẫn chưa có thông tin gì mới về cô gái. Viethome sẽ tiếp tục thông tin đến bạc đọc.

    Viethome

  • Các nạn nhân nô lệ hiện đại đang rơi vào tâm trạng thất vọng bởi hàng loạt sai lầm của cảnh sát cũng như quyết định trả tự do cho rất nhiều kẻ bị tình nghi là chủ nô.

    Một đơn khiếu nại gửi đến Cơ quan Thanh tra Hoàng gia cho biết mặc dù các chiến dịch triệt phá tội phạm nô lệ hiện đại của cảnh sát đã tăng 250% vào năm 2018, nhưng chỉ có 7% các trường hợp được chuyển đến công tố viên.

    Tổ chức từ thiện Hestia cho biết sự thiếu nhận thức và hiểu biết về nhu cầu của các nạn nhân yếu ớt đã khiến cảnh sát từ bỏ các cuộc điều tra chống lại những kẻ buôn người, và từ chối đưa ra bằng chứng.

    Các nhà vận động cho biết, những biện pháp nghiệp vụ yếu kém trong các cuộc phỏng vấn đã làm cho các nạn nhân càng thêm căng thẳng và ở nhiều khu vực của nước Anh, cảnh sát hầu như không được huấn luyện cẩn thận.

    Một nạn nhân nô lệ hiện đại người Nigeria bị bóc lột tình dục cho biết một nam cảnh sát viên đã truy hỏi tất cả mọi vấn đề, hét vào mặt cô và lục soát người cô.

    “Anh ta thậm chí còn hỏi tại sao tôi nói tiếng Anh,” người phụ nữ nói. Sau đó, anh ta bắt đầu lục soát trên người tôi. Anh ta đổ túi xách của tôi ra và lấy ra từng món đồ. Anh ta thậm chí còn lộn túi quần và cởi giày của tôi ra. Đó là một trải nghiệm căng thẳng. Tôi không thể nhớ tất cả.

    “Anh ta nói sẽ ném tôi ra ngoài nếu tôi không nói sự thật. Anh ta hét lên để ép tôi lên tiếng. Khi tôi yêu cầu anh ta nói chậm lại vì tôi không hiểu anh ta nói gì, anh ta đã buộc tội tôi xúc phạm anh ta… Tôi đã không muốn phàn nàn sau đó, tôi không muốn dính dáng gì với cảnh sát nữa. Đó là lý do tại sao tôi đã không trình báo trường hợp của mình.”

    Ông Patrick Ryan, CEO của Hestia, cho biết những người sống sót cần được hỗ trợ để đảm bảo những kẻ buôn người sẽ bị kết án.

    “Khi một nạn nhân nô lệ hiện đại gặp phải thái độ hoài nghi thay vì hỗ trợ, mức độ truy tố những kẻ bóc lột vẫn đặc biệt thấp, cho phép bọn tội phạm tiếp tục hoạt động trên đường phố của chúng ta khiến những người yếu ớt tiếp tục trở thành nạn nhân,” ông nói thêm.

    “Cảnh sát cần được hỗ trợ và đào tạo để các nạn nhân có đủ tự tin hợp tác và hỗ trợ các vụ truy tố.”

    Khiếu nại được đưa ra sau khi số liệu mới của Cơ quan Tội phạm Quốc gia cho thấy gần 7.000 nạn nhân tiềm năng của nạn buôn người và nô lệ hiện đại đã được báo cáo cho chính quyền vào năm 2018, tăng 80% trong hai năm.

    Người dân từ 130 quốc gia khác nhau đã được xác định, nhưng nhóm nạn nhân lớn nhất lại là các công dân Anh vì sự hoành hành của các băng đảng ma túy liên tỉnh.

    Lực lượng cảnh sát trên khắp Vương quốc Anh đã cố gắng trấn áp mô hình tội phạm này, cũng như khởi động các chiến dịch đặc biệt chống lại nạn nô lệ hiện đại, dẫn đến nhiều vụ bắt giữ.

    Số vụ truy tố liên quan đến nô lệ hiện đại đã tăng một phần tư vào năm ngoái nhưng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong số hàng chục ngàn trường hợp được trình báo với chính quyền.

    Bà Kate Roberts, giám đốc của Quỹ hỗ trợ nạn nhân buôn người, phát biểu chính phủ đang không thể phân bổ đủ nguồn lực cho cuộc chiến chống lại chế độ nô lệ hiện đại.

    Bà chỉ ra rằng cảnh sát cũng chịu trách nhiệm cho việc thực thi luật nhập cư, và nhiều nạn nhân nô lệ hiện đại hiện không được ghi nhận.

    ''Cần phải có thêm sự chỉ đạo và tài trợ xung quanh vấn đề này,” bà Roberts nói thêm. “Cảnh sát có thể bị quá tải và họ không thể được kỳ vọng trở thành nhân viên xã hội, nhà trị liệu và luật sư cũng như điều tra viên''.

    “Tất nhiên chúng ta có thể chỉ trích cảnh sát nhưng rất khó để họ thực hiện tốt mọi việc nếu họ không có nền tảng.”

    Hệ thống khiếu nại, bao gồm tất cả các lực lượng cảnh sát ở Anh và xứ Wales vừa được ra mắt vào tháng 11/2018, cho phép các tổ chức thay mặt công chúng nêu lên quan ngại và phản ánh về các vấn đề mang tính hệ thống.

    Quỹ Hestia đưa ra khiếu nại của mình trong khi một tổ chức từ thiện khác cảnh báo rằng nạn nhân trẻ em của chế độ nô lệ hiện đại có thể trở thành tội phạm bởi một chương trình mới của chính phủ.

    Lệnh Phòng chống Tội phạm về Dao vừa được đề xuất sẽ được áp dụng đối với trẻ em từ 12 tuổi được phát hiện mang dao đến lần thứ hai, và các đối tượng này có thể phải nhận các lệnh hạn chế trên diện rộng cũng như bị bỏ tù.

    Ủy ban Cải cách Nhà tù và Ủy ban Thường vụ Tư pháp Thanh niên đã gửi một biên bản họp ngắn tới các nghị sĩ, cảnh báo rằng chính sách này có thể biến hàng ngàn trẻ em là nạn nhân của nạn nô lệ, buôn người và bị lạm dụng trở thành tội phạm, đồng thời khiến các em có nguy cơ bị bỏ rơi hoặc tiếp tục bị lạm dụng.

    Ông Mark Day, người phụ trách chính sách của Ủy ban Cải cách Nhà tù, cho biết đề xuất trên đe dọa sẽ mở ra cánh cửa dẫn đến nhà tù đối với hàng ngàn trẻ em và thanh thiếu niên dễ bị tổn thương, thay vì cho họ sự chăm sóc và hỗ trợ mà họ cần.

    Một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ phát biểu: “Chế độ nô lệ hiện đại là một tội ác ghê tởm mà chính phủ  đang cố gắng giải quyết bằng cách cho cơ quan thực thi pháp luật các công cụ họ cần để xác định nạn nhân và truy lùng kẻ phạm tội.

    “Đạo luật Nô lệ Hiện đại mang tính tiên phong trên thế giới của chúng tôi đã giúp hàng ngàn nạn nhân được bảo vệ và khiến hàng trăm người bị kết án. Nhưng chúng tôi biết còn nhiều việc phải làm và đang làm việc với cảnh sát để xem có thể làm gì để cải thiện phương pháp đối phó tội ác khủng khiếp này.

    “Chúng tôi hiểu rõ rằng bất cứ ai bị bóc lột hoặc dẫn dụ vào con đường tội phạm nên được các cơ quan thực thi pháp luật trước tiên coi là nạn nhân.

    “Các lệnh Phòng chống tội phạm sử dụng dao cho phép các tòa án can thiệp sớm và dẫn dắt những người trẻ tuổi ra khỏi nạn khỏi bạo lực mà không hình sự hóa vụ việc."

    VietHome (Theo Independent)

  • Người đàn ông giúp đưa lậu nhiều người nhập cư vào Anh trên một chiếc thuyền con đã bị kết án bốn năm rưỡi tù giam.

    Vào ngày 3 tháng Tám năm 2018, Egert Kajaci, 35 tuổi, đang lái xe chở bốn nam giới quốc tịch Việt nam thì bị cảnh sát chặn lại.

    Người đàn ông này là thành viên của một băng nhóm chuyên đưa người nhập cư vào Anh thông qua bờ biển Walmer, Kent. Băng nhóm này đã bị Lực lượng Biên giới và cảnh sát đưa vào tầm ngắm.

    Bảy thành viên của mạng lưới buôn người tinh vi này giờ đây đã bị kết án tổng cộng hơn 30 năm tù.

    Kajaci, đến từ Turner Driver, Oxford, đã bị tòa án tối cao St Albans kết tội âm mưu hỗ trợ người ngoại quốc nhập cư trái phép vào Anh.

    Vào tháng Hai, một đồng bọn của Kajaci cũng bị kết án, và khi đó, quan tòa Robert Winstanley cho biết cảnh sát đã thành công triệt phá một “hệ thống và cơ chế tinh vi từng đưa rất nhiều người nhập cư bất hợp pháp vào Anh.”

    Những người nhập cư sẽ phải làm việc không công suốt hai năm trời để trả tiền cho những kẻ buôn người.

    P. Tran, một trong những người đàn ông có mặt trên thuyền, trình bày trước tòa rằng anh ta rời khỏi Việt Nam rồi tới Trung Quốc, sau đó bay sang Nga. Tại đây, anh ta được hứa hẹn sẽ có công việc và điều kiện sống tốt hơn. Cuối cùng, anh ta được đưa lậu sang Pháp rồi tới Anh.

    Quan tòa Winstanley nói: “Đường dây này trải rộng từ vùng Viễn Đông tới những cơ sở làm việc tồi tàn ở Vương quốc Anh.”

    VietHome (Theo BBC)