• Lực lượng chức năng của Mỹ và Việt Nam đã phối hợp bắt giữ hai nghi phạm buôn người xuyên quốc gia, Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM cho biết trong một thông cáo hôm 13/1.

    Cụ thể, hoạt động điều tra bắt đầu từ Long Island, New York. Sau khi nhận được tin báo từ một người được báo cáo là nạn nhân của vụ việc, các viên chức thực thi pháp luật của Mỹ và Việt Nam đã tiến hành cuộc điều tra tại Việt Nam và thu thập bằng chứng cho 6 điểm cáo buộc trong bản cáo trạng liên bang của toà án Quận Đông ở New York.

    Các bị cáo Manh Ngoc Nguyen và Dat Tat Ho được cho là đã vận chuyển trái phép công dân Việt Nam vào Mỹ để làm việc với mức lương thấp, trái pháp luật tại các tiệm làm tóc và làm móng tại New York và khu vực Long Island.

    Bx7AW7m
    Đường dây buôn người của Manh và Dat hoạt động từ tháng 1/2017 đến 9/2020. Ảnh: AFP.

    Các nghi phạm được cho là đã sử dụng giấy tờ giả mạo hoặc bằng mạng lưới vận chuyển người theo đường bộ từ Canada hoặc Mexico. Nếu bị kết án, Nguyen và Ho sẽ chịu mức án tối đa 15 năm tù.Từ giữa tháng 1/2017 đến 9/2020, các bị cáo và đối tượng có liên quan đã thu xếp cho nhiều công dân Việt Nam nhập cảnh trái phép vào Mỹ.

    "Cuộc điều tra này, là sự nỗ lực chung giữa Cục Điều tra An ninh Nội địa Mỹ và Bộ Công an Việt Nam, là một bi kịch điển hình khác về những người sẵn sàng tham gia đường dây vận chuyển người trái phép nhưng cuối cùng trở thành nạn nhân của những tên tội phạm máu lạnh”, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink chia sẻ.

    Đại sứ Kritenbrink cũng cho biết: “Phái đoàn Ngoại giao Mỹ luôn sát cánh cùng Chính phủ Việt Nam để xóa bỏ tận gốc các loại tội phạm nghiêm trọng dù chúng xảy ra ở bất kỳ đâu trên thế giới và đưa những người gây án ra xét xử.

    Thành công này là bằng chứng cho thấy sự hợp tác thiết thực hơn giữa các cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ và Việt Nam cũng như cam kết chung trong hoạt động đấu tranh phòng chống mua bán người và vận chuyển người trái phép qua biên giới cũng như các loại tội phạm xuyên biên giới khác".

  • Cảnh sát Scotland đã tuyển dụng hai sĩ quan Việt Nam để giải quyết nạn buôn người ngày càng gia tăng.

    scotlandht

    Sỹ quan Hiệp (phía trái) và Duy (phía phải)

    Số liệu của Bộ Nội vụ cho thấy đã có 214 nạn nhân từ 15 đến 35 tuổi bị đưa đến Scotland từ Việt Nam chỉ trong năm ngoái. Hai năm trước, con số này dừng lại ở mức 66.

    Các sĩ quan Nguyễn Hiệp và Nguyễn Duy, thuộc Bộ Công an Việt Nam, đã đến Scotland vào đầu tháng 10 để giúp giải quyết tình trạng này

    Theo dự tính, họ sẽ cung cấp "các lời khuyên về văn hóa" và hỗ trợ ngôn ngữ.

    Hôm thứ Năm (15/7), Đại học Stirling đã công bố một nghiên cứu cho thấy phần lớn nạn nhân buôn bán trẻ em ở Scotland là người Việt Nam - ở Anh, tình trạng này còn nghiêm trọng hơn.

    Nhóm nghiên cứu, được chính phủ Scotland ủy quyền, đã kêu gọi thành lập một cơ quan thống nhất để giám sát nạn buôn bán trẻ em nhằm xác định danh tính và bảo vệ các nạn nhân.

    Trước đó, cảnh sát Scotland đã phát động Chiến dịch Filibeg vào tháng 4 nhằm giải quyết tình trạng nạn nhân buôn người đến từ Việt Nam ở Scotland tăng đến 230% trong giai đoạn 2018-19.

    Các sỹ quan đang làm việc với các cơ quan thực thi pháp luật trong nước và quốc tế để hiểu hơn về trải nghiệm của các nạn nhân và mạng lưới tội phạm lợi dụng họ.

    Tác động của Covid-19 đến nạn phạm buôn người?

    Thông tin tình báo của cảnh sát cho rằng các nạn nhân đang bị buộc phải làm việc ở nông thôn vì nhiều cơ sở kinh doanh ở thành thị phải đóng cửa do dịch bệnh. Ở thành phố, các nạn nhân thường bị bóc lột sức khi làm việc tại các công trường xây dựng, nhà hàng, v.v.

    scotlandht1

    Bà Heaton cho biết các nạn nhân Việt Nam bị cưỡng bức lao động hoặc bóc lột tình dục

    Hiện tại ngày càng nhiều nạn nhân đang làm việc trong ngành nông nghiệp, thủy sản và thực phẩm.

    Sỹ quan cấp cao Judi Heaton nói rằng trong khi một số nạn nhân bị những người đàn ông dụ đến Scotland bằng “lời ngon tiếng ngọt”, phần lớn họ đều bị lừa gạt.

    "Họ bị giam giữ trong điều kiện tồi tàn, không được phép giao tiếp và không có hộ chiếu", bà Heaton nói, "Có khá nhiều người Việt Nam đến Scotland, mong muốn có một cuộc sống tốt hơn để rồi bị tước hộ chiếu và bị cưỡng bức lao động hoặc bóc lột tình dục trong các nhà thổ”.

    Bà Heaton cho biết “cũng có các nạn nhân thuộc quốc tịch khác nhưng hiện người Việt Nam chiếm đa số”.

    "Ngày càng có nhiều công việc các nạn nhân bị ép phải làm - hái trái cây và những nghề tương tự", bà Heaton nói.

    “Bị đối xử không giống con người”

    scotlandht2

    Bronagh Andrew- bà Giám đốc điều hành Tara

    Tara - trung tâm hỗ trợ những nạn nhân là phụ nữ - cho biết mặc dù buôn bán người thường được coi là vấn đề của thành phố, nhưng không có cơ quan nào ở Scotland chưa liên hệ với họ.

    Giám đốc điều hành Bronagh Andrew cho biết phụ nữ được đối xử như "hàng hóa" và Tara cũng đã chứng kiến ​​sự gia tăng đột biến số nạn nhân là người Việt.

    "Ngày càng có nhiều nạn nhân đến từ Việt Nam bị lạm dụng bằng tất cả các hình thức – các nạn nhân bao gồm cả người lớn và trẻ em", bà Andrew nói, "Rõ ràng có điều gì đó đang xảy ra ở Scotland. Tôi nghĩ đó là một trong những lý do chúng ta cần tập trung cố gắng hiểu rõ hơn vấn đề này”.

    "Họ bị đối xử không ra con người - không có sự lựa chọn, quyền tự chủ hay quyền con người của phụ nữ. Các nạn nhân bị lợi dụng để tạo ra lợi nhuận cho các nhóm tội phạm có tổ chức", bà Adrew cho biết.

    Bộ trưởng Tư pháp Humza Yousaf khẳng định chính phủ Scotland cam kết giải quyết nạn buôn người và kêu gọi xây dựng quan hệ với các đối tác mới.

    Ông nói: “Tôi hoan nghênh các sĩ quan Việt Nam làm việc với Cảnh sát Scotland. Tội buôn người là sự thiếu tôn trọng biên giới các nước cũng như vấn đề toàn cầu.

    “Chúng ta không bao giờ cho phép nạn buôn người tồn tại", ông Yousaf khẳng định.

    Viethome (Theo BBC)

  • Sáng 22/5, Sở LĐTBXH và đoàn công tác Đại sứ quán Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland đã có buổi làm việc để triển khai dự án: "Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại; Tiếp cận liên ngành nhằm thay đổi hành vi, tăng cường hỗ trợ tiếp cận pháp lý và tái hòa nhập cho nạn nhân".

    du an dau tranh chong buon nguoi 1
    Ông Đoàn Hồng Vũ - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở LĐTBXH tiếp, làm việc cùng đoàn công tác Đại sứ quán Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Ảnh: Thành Chung

    Dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại; Tiếp cận liên ngành nhằm thay đổi hành vi, tăng cường hỗ trợ tiếp cận pháp lý và tái hòa nhập cho nạn nhân” (viết tắt là TMSV) do Chính phủ Anh tài trợ và được 3 tổ chức (Tổ chức Di cư Quốc tế, Tổ chức Tầm nhìn Thế giới và Hội Đồng Anh) phối hợp triển khai ở các tỉnh, thành gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Nghệ An và Quảng Bình, trong giai đoạn từ tháng 9/2019 đến tháng 3/2021. Dự án này đã được Bộ trưởng Bộ Công an ban hành quyết định phê duyệt.

    Dự án TMVS hướng tới mục tiêu giải quyết tình trạng mua bán người từ Việt Nam sang Vương quốc Anh. Dự án triển khai các hoạt động can thiệp vào những nhóm người là nạn nhân mua bán người từ Anh trở về trong vòng 1 năm và người có nguy cơ là nạn nhân; nghiên cứu, nâng cao nhận thức, sự tham gia của cộng đồng, nâng cao năng lực cho các tổ chức, xã hội và các địa phương trong công tác phòng chống mua bán người.

    du an dau tranh chong buon nguoi 1
    Ông Stephen Lysaght, Phó Đại sứ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland bày tỏ mong muốn dự án được triển khai hiệu quả, tạo nên những cơ hội việc làm mới cho người dân. Ảnh Thành Chung

    Tại buổi làm việc, ông Stephen Lysaght, Phó Đại sứ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland đã đánh giá cao công tác phòng chống Covid-19 của Việt Nam nói chung.

    Phó Đại sứ cho rằng: “Covid-19 ở Việt Nam được ngăn chặn hiệu quả song cũng như nhiều quốc gia khác, tác động của đại dịch lên nền kinh tế Việt Nam là rất lớn. Từ đó, vấn nạn mua bán người, di cư trái phép sẽ tiếp tục nảy sinh những nguy cơ mới.

    Dự án TMSV ra đời với mong muốn giải quyết tình trạng mua bán người, di cư trái phép và rất phù hợp với bối cảnh hiện nay. Mong rằng, dự án sẽ nhận được sự hợp tác tích cực giữa các bên, triển khai hiệu quả với những sáng kiến mới, tạo nên những cơ hội việc làm mới cho người dân”.

    Trao đổi cùng đoàn công tác, ông Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An cho biết: “Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về thúc đẩy di cư hợp pháp, phòng chống di cư trái phép, Nghệ An đã đẩy mạnh công tác phòng ngừa ngăn chặn tình trạng di cư trái phép và các hoạt động tội phạm đưa người di cư trái phép; cũng như đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trước, trong và sau đại dịch Covid-19.

    du an dau tranh chong buon nguoi 1
    Sau buổi làm việc này, các sở, ngành sẽ có những tham mưu cụ thể cho UBND tỉnh Nghệ An để dự án triển khai hiệu quả, nhất là vấn đề sinh kế cho người dân. Ảnh: Thành Chung

    Thời gian tới, dự báo số lượng người dân Nghệ An sẽ di cư hợp pháp, làm việc ở nước ngoài có hợp đồng là rất lớn. Nghệ An sẽ hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động đưa người dân đi làm việc hợp pháp, có hợp đồng ở nước ngoài; hạn chế tình trạng di cư trái phép.

    Dự án TMSV có ý nghĩa rất to lớn trong việc đồng hành thực hiện chủ trương này. Tỉnh Nghệ An đồng tình cao, cam kết hợp tác tốt, tạo điều kiện thuận lợi để dự án triển khai thành công”.

    "Xung quanh các nội dung hoạt động dự án dự kiến triển khai trên địa bàn tỉnh, Sở LĐTB&XH cùng các sở, ngành khác sẽ sớm tham mưu cho UBND tỉnh Nghệ An để có những quyết định giúp dự án được triển khai hiệu quả, nhất là các vấn đề sinh kế cho người dân. Mong muốn Đại sứ quán Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland làm việc thêm cùng Bộ Công an, Bộ LĐTB&XH để có những hướng dẫn thực hiện dự án một cách cụ thể hơn" - ông Đoàn Hồng Vũ đề nghị./.

    Theo Báo Nghệ An

  • Những kẻ buôn người đang khai thác một tuyến đường mới vào Anh khiến cho việc nhập cư bất hợp pháp vào quốc gia này trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

    Chúng sắp xếp cho những người di cư bất hợp pháp đến đây thông qua các sân bay châu Âu và quảng cáo rằng hành trình này vô cùng đơn giản.

    Thông tin gây sốc này được tung ra khi một cuộc khủng hoảng di cư mới đang càn quét châu Âu và người kẻ buôn người đang làm giàu nhờ những người chạy trốn khỏi quê hương của họ.

    Một kẻ buôn người tiết lộ anh ta có thể sắp xếp cho một người di cư đến London từ Albania chỉ với giá 2,000 bảng.

    Một người Anh gốc Albania, Kledjan Kurtaj, 20 tuổi, giúp chuẩn bị các loại ID giả và sắp xếp các chuyến bay thông qua thủ đô một nước châu Âu như Dublin hoặc Paris.

    Anh ta khoe có thể kiếm được cho người di cư ID châu Âu giả từ Albania, trước khi đưa họ bay đến Ý và sau đó đến Dublin, nơi một chiếc taxi có thể đưa họ qua biên giới không người để tiến vào Bắc Ireland.

    Các nghị sĩ cho biết đây là một phát hiện ‘gây sốc’ và kêu gọi hành động để ngăn chặn các băng đảng buôn người ngang nhiên khai thác tuyến đường này vào Vương quốc Anh.

    Kurtaj giao dịch trên một trang Facebook và, khi được hỏi liệu có thể đưa người đến Anh được không, anh ta nói rằng đó là việc dễ dàng.

    Anh ta nói thêm: “Tôi làm ID Ý ở Tirana [thủ đô của Albania].”

    Anh ta cho biết sau khi bay đến sân bay Bergamo ở Ý và sau đó tới Ireland, “họ lên taxi từ Dublin để đến Anh và bạn phải trả tổng cộng £2.000.”

    Kurtaj cũng cảnh báo phóng viên đang đóng giả người muốn di cư: “Cuộc trò chuyện này phải được giữ bí mật giữa chúng ta.”

    Anh ta cũng cho biết những kẻ buôn người đã bắt đầu sử dụng một tuyến đường cho phụ nữ và thanh thiếu niên bay từ Pháp đến Luton, bởi vì họ “không bị đặt nhiều câu hỏi.”

    “Vấn đề chính là vượt qua cửa kiểm soát hộ chiếu ở Albania. Sau khi bạn rời khỏi Albania, phần còn lại của hành trình sẽ tốt đẹp thôi,” anh ta nói.

    “Các cô gái sẽ dễ dàng đi qua như bước qua cửa nhà vậy.”

    Kurtaj giải thích rằng vai trò của anh ta là giúp sắp xếp ID Ý giả, có giá từ 420 đến 670 bảng, và được thực hiện bởi những người giả mạo ở Albania.

    “Tôi sẽ cử một trong những người của tôi ở Tirana đến gặp bạn,” anh ta nói.

    “Bạn chỉ phải cung cấp cho họ ba bức ảnh làm ID, cùng một lá thư ghi rõ màu mắt và chiều cao. Đồng thời, bạn phải đưa tiền cho họ. Sau một đến ba ngày sẽ có ID. Khi bạn đã sẵn sàng, chỉ cần viết thư cho tôi.”

    Tại một thời điểm trong cuộc trò chuyện trên Facebook, anh ta khăng khăng đòi thực hiện một cuộc gọi video để anh ta có thể nhìn thấy khuôn mặt và vị trí của phóng viên bí mật. Tuy nhiên, anh ta vẫn giấu mặt mình.

    Nhưng sau đó, anh ta đã đồng ý gặp gỡ các phóng viên đóng giả là thân nhân của khách hàng tại một con phố sầm uất ở London. Khi đối mặt trực tiếp, anh ta phủ nhận tất cả nội dung các cuộc trò chuyện trên Facebook và tắt điện thoại.

    Kẻ buôn người Kledjan Kurtaj.

    Nghị sĩ Đảng Bảo thủ Philip Davies nói: “Thông tin này thật sốc và nó phơi bày những điểm yếu và sơ hở rõ ràng trong hệ thống của chúng ta. Đó là điều hoàn toàn không thể chấp nhận và là mối lo ngại lớn đối với người dân Anh. Anh ta thực sự rất ngang nhiên – việc quảng cáo trên Facebook cho thấy anh ta không sợ hậu quả.”

    Nghị sĩ DUP Ian Paisley nói rằng Vương quốc Anh cần gây áp lực lên chính quyền Ireland. “Chúng ta không thể ngăn chặn vấn đề nếu họ không đóng cửa,” ông nói.

    Các nguồn tin của Ailen từng cho biết mỗi ngày có trung bình mười người Albani tới quốc gia này với các giấy tờ nhận dạng giả mạo, hầu hết đi trên các chuyến bay từ các nước EU khác.

    Theo Cơ quan tội phạm quốc gia, Albania là nguồn buôn người nước ngoài lớn nhất ở Anh, với 947 trường hợp được nhắc đến vào năm 2018 - tăng hơn 50% kể từ năm 2015.

    Nhưng đó chỉ là những người bị bắt, và con số thật được cho là cao hơn nhiều.

    Một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ cho biết 100 kẻ buôn người đã bị bỏ tù tổng cộng 320 năm vào năm ngoái, nói thêm rằng: “Chúng tôi đang tìm mọi cơ hội để thu thập bằng chứng và thông tin tình báo để đưa những tên tội phạm này ra công lý.”

    Một phát ngôn viên của NCA cho biết: “Những kẻ buôn lậu coi người di cư như một món hàng và lợi dụng sự tuyệt vọng của họ.

    “Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác thực thi pháp luật cả trong và ngoài nước để nhắm mục tiêu vào mạng lưới những kẻ buôn lậu đang ảnh hưởng đến Vương quốc Anh.”

    VietHome (Theo Daily Mail)

  • Nhà chức trách Đức cho biết cảnh sát đã truy quét các cơ sở và đối tượng thuộc đường dây buôn người từng đưa 155 người Việt nhập cư trái phép vào Tây Âu.

    Theo SCMP, cảnh sát Đức hôm 3/3 đã truy quét 30 địa điểm tại 7 bang của nước này, một phần trong cuộc điều tra các nghi phạm buôn người đã đưa 155 người Việt Nam vượt biên trái phép vào các nước Tây Âu.

    Các cuộc truy quét tại thủ đô Berlin nhắm vào các căn hộ, cửa hàng làm đẹp và nhà hàng, theo thông báo của người phát ngôn cảnh sát liên bang.

    Cảnh sát Đức bắt giữ một nghi phạm tại Berlin. Ảnh: SCMP

    "Các đầu mối liên lạc" của đường dây buôn người tại các bang Saxony, Lower Saxony, Hesse, Rhineland-Palatinate, Baden-Wuerttemberg và Mecklenburg-Vorpommern cũng là đối tượng bị truy quét.

    Chiến dịch truy quét tiến hành hôm 3/3 có sự tham gia của 700 cảnh sát, dưới sự chỉ huy của văn phòng công tố viên Berlin. 13 đối tượng là mục tiêu điều tra, trong đó 5 lệnh bắt giữ đã được tiến hành ở Berlin. Chiến dịch được triển khai từ tháng 6/2019.

    Các điều tra viên cáo buộc những kẻ buôn người đã thu phí từ 5.000 - 20.000 USD để đưa các nạn nhân từ các khu vực khác nhau tới Đức. Nhiều người nhập cư không có giấy tờ phải làm việc tại các tiệm làm móng, nhà hàng hoặc những việc lao động chân tay khác để trả nợ cho đường dây buôn người.

    Theo Zing

  • Robert Rooney, 35 tuổi, bị tuyên án 3 năm tù giam vì tội tiếp tay đưa người nhập cư bất hợp pháp vào Anh. Ảnh: Bộ Nội vụ

    Một ông bố 3 con đã bị bỏ tù 3 năm sau khi nhét 3 người Việt Nam nhập cư vào một chiếc thùng chật hẹp trên nóc xe, và cố buôn họ vào UK. 

    Robert Rooney, 35 tuổi, nhét 2 nam giới và một cô gái 15 tuổi vào cốp nóc của chiếc Ford Focus ở Pháp vào ngày 5/10/2019. Nhưng chiếc xe bị Lực lượng Biên phòng chặn lại ở điểm kiểm soát UK tại hầm Eo biển Anh ở Coquelles. 

    Những hình ảnh đáng sợ cho thấy 3 người bị nhét trong không gian chật hẹp thiếu không khí, chỉ lớn hơn chiếc vali một chút. 

    Kẻ buôn người, đến từ Edmonton, bắc London, khai với Lực lượng Biên phòng rằng trong cốp nóc chỉ có đồ cắm trại, và hắn ta không có chìa khóa mở cốp.

    Hình ảnh cho thấy không gian nhỏ tí nhét vừa 3 người Việt. Ảnh: Bộ Nội vụ
    Rooney khai hắn ta nhét đồ cắm trại trong cốp nóc. Ảnh: Bộ Nội vụ

    Điều đầu tiên đập vào mắt cảnh sát khi họ mở cốp tại một gara gần đó là một 'cánh tay người'.

    Tài xế gốc Ireland này đã bị bắt giữ ngay lập tức. Hắn ta khai rằng: 'Tôi không biết mình đã làm gì, tôi sẽ không nói gì thêm'.

    Công tố viên Bridget Todd cho biết chiếc cốp là một chiếc hộp kín mít và thậm chí còn không được thông gió. Nếu chiếc xe này vượt qua được ải kiểm soát, chắc hẳn một thảm kịch sẽ xảy ra. 

    Công tố viên cho rằng Rooney chỉ nhằm mục đích kiếm tiền, và có thể tính phí mỗi người hàng ngàn bảng để đưa họ vào UK.

    Vẫn chưa rõ 3 người nhập cư này được đưa vào Anh để sống, hay để bóc lột sức lao động. Hiện Bộ Nội vụ đang chuẩn bị giấy tờ để trục xuất họ.

    Gia đình của Rooney đã khóc lóc khi hắn bị kết án 3 năm tù sau khi thừa nhận tội đưa người nhập cư bất hợp pháp vào UK. Luật sư của hắn, ông James Burke biện bạch rằng 'Bị cáo đang có nhiều khoản nợ ngân hàng và phải chật vật kiếm tiền'.

    Công tố viên Bridget Todd cáo buộc Rooney làm tất cả chỉ vì tiền. Ảnh: Bộ Nội vụ

    Ông Burke nói thêm: 'Bị cáo không thể cưỡng lại trước số tiền kiếm được từ việc đưa người vào UK'.

    Thẩm phán tòa án Canterbury Crown Court ở Kent tuyên bố: 'Những người này hoàn toàn không quen biết bị cáo. Đó là một hành trình vô cùng nguy hiểm trong điều kiện chật chội, thiếu không khí. Không hề có lỗ thông gió cho họ. Nếu việc vận chuyển bị trì hoãn, họ có thể sẽ chết ngộp. Và nếu họ có vào UK trót lọt, họ có thể bị bóc lột'.

    'Hành động của những người như bị cáo sẽ khuyến khích những hành vi buôn người tương tự.

    Giám đốc Lực lượng Biên phòng, ông Dan Scully nói 'buôn người vào UK theo cách này là vô cùng nguy hiểm. Nhét con người vào cốp nóc quả thật khủng khiếp. Nếu không nhờ sự cảnh giác của Lực lượng Biên phòng thì Rooney còn lâu mới bị bắt. Hắn ta đã nhắm mắt làm ngơ trước tính mạng con người'. 

    Viethome (theo Metro)

  • Bốn người đàn ông bị kết án tù do vận chuyển trái phép 29 người Việt Nam, trong đó có 17 trẻ em từ Pháp vào Cornwall, Anh bằng xe tải tồi tàn như dành cho "gia súc".

    Một băng đảng buôn người đã buôn lậu 29 người Việt Nam, bao gồm cả trẻ em, vào Anh đã bị bỏ tù 17 năm. Bốn người đàn ông đã buộc các nạn nhân lên một chiếc du thuyền chỉ dài 12m.

    Các nhân viên cảng cá Newlyn, Anh cho biết đã gọi điện cho cảnh sát khi thấy nhiều đàn ông, phụ nữ và trẻ vị thành niên người Việt nhảy khỏi một thuyền cũ nát, rồi bị chất lên một chiếc xe tải không cửa sổ và đưa đi.

    “Đây là một việc khác thường, đặc biệt là lúc 7h sáng”, Frederick Bates, một người làm việc tại cảng Newlyn cho biết. Cảnh sát Anh theo dõi lộ trình xe tải và chặn các nghi phạm lại trên cao tốc M5 tại hạt Devon, Anh, cách đó 160km.

    Khi tiếp cận và mở cửa sau xe tải tại thị trấn Cullompton thuộc hạt Devon, cảnh sát địa phương phát hiện ra 29 người nhập cư bất hợp pháp, gồm cả phụ nữ và trẻ em bị nhồi nhét bên trong.

    Hình ảnh do camera tại cảng Newlyn ghi lại cho thấy nhiều người đang được đưa xuống khỏi thuyền. Ảnh: Guardian

    Hiện danh tính những người Việt Nam trong vụ việc chưa được xác minh. Cảnh sát Anh lo ngại những người này có thể đã rơi vào tay các nhóm tội phạm có tổ chức và được vận chuyển để đưa vào làm việc trong các trang trại cần sa hoặc cơ sở mại dâm, theo Guardian.

    Trong số 4 bị cáo, Frank Walling, 73 tuổi, là người chịu trách nhiệm lái thuyền từ Pháp tới Cornell và anh họ Glen Bennett, 55 tuổi là đồng phạm. Cả hai đều từng ngồi tù vì tội buôn ma túy.

    Hai bị cáo còn lại gồm Keith Plummer, 64 tuổi và Jon Ransom, 63 tuổi, đến từ Kent, chịu trách nhiệm vận chuyển người dân Việt Nam từ Cornwall bằng đường bộ, có thể đến đông nam nước Anh. Các bị cáo từng có tiền sử trộm cắp và không trung thực.

    Một nhân viên dịch vụ, William Ives, nói rằng anh từng thấy những kẻ buôn lậu này trước đây. Cảnh sát cho biết bốn người này không đứng đầu đường dây mà có thể đã được điều khiển bởi một nhân vật tên “Mark 3” - cái tên được tìm thấy trong bộ nhớ điện thoại của một bị cáo, đồng thời cho rằng đây không phải lần đầu tiên băng nhóm này vận chuyển người trái phép vào Cornwall, Anh.

    Ngoài ra, cảnh sát cũng tìm thấy 15 bản đồ biển của nhiều địa điểm thuộc phía bắc nước Pháp và miền nam nước Anh trên thuyền, một lần nữa gợi ý rằng đây có thể không phải là phi vụ đầu tiên của những kẻ buôn lậu.

    Những người này bị phát hiện có thể vì đã tính toán nhầm thời gian và vận chuyển vào ban ngày thay vì lúc trời tối.

    “Chúng tôi hy vọng việc tuyên án sẽ là một lời răn đe rằng con người không phải là hàng hóa để bị đối xử như gia súc với sự coi thường tuyệt đối về sức khỏe và tính mạng”, thanh tra Glenn Willcock thuộc cơ quan cảnh sát Cornwall và Devon cho biết.

    Các hình ảnh được ghi lại về chiếc thuyền cho thấy phần thân vấy bẩn, trong khi bên trong chật chội và bẩn thỉu. Trong tủ có một vài hộp dầu, bồn tắm bẩn thỉu và có một nhà vệ sinh bị khóa.

    Bốn người đàn ông đã bị kết án hôm 24/2 theo mục 25 của Đạo luật Di trú: hỗ trợ nhập cư bất hợp pháp, với tổng thời gian lãnh án hơn 16 năm tù, theo tờ Cornwall Live.

    Bốn người đàn ông bị kết án. Ảnh: PA.

    “Các bị cáo đã đặt cược mạng sống của 29 con người gồm cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Họ chỉ quan tâm tới món tiền - thật may mắn là không ai đã phải trả cái giá đắt nhất”.

    Theo Zing

  • 4 người đã bị truy tố vì tham gia vào âm mưu buôn người ở Đông và Tây Scotland.

    Chuyên án Risbalit đã nhắm mục tiêu là 6 địa chỉ ở Alloa, Cowdenbeath, Inverkeithing và Glasgow vì nghi ngờ đây là một phần trong một đường dây buôn người bất hợp pháp quy mô lớn. 

    Chuyên án được các chuyên gia tội phạm tài chính và chuyên gia chống khủng bố quốc gia hỗ trợ, được chỉ đạo bởi đơn vị bảo vệ cộng đồng Edinburgh.

    3 người đàn ông trong độ tuổi 23, 24 và 41 tuổi; cùng một phụ nữ 25 tuổi đã bị bắt và bị truy tố vì tội buôn người ở 2 tòa án là Falkirk và Kirkcaldy Sheriff.

    Các nhân viên di trú đã đột kích vào các căn nhà ở Bathgate, Bonnyrigg, Edinburgh và Stirling.  

    Trước đó, vào thứ Sáu 31/1, cảnh sát đã bắt 2 người liên quan đến một trại cần sa, nơi họ phát hiện những nạn nhân tìm năng của bạn buôn người. 

    Dựa vào tin tình báo, cảnh sát đã phát hiện trang trại cần sa với quy mô lớn trên đường Swaston Street, Glasgow. 

    3 người đàn ông châu Á, nghi là người Việt Nam và có khả năng là nạn nhân buôn người, đã được tìm thấy trong trang trại.  

    Cảnh sát đã tiến hành vụ đột kích này sau khi phát hiện số lượng lớn cần sa, thuốc lắc, amphetamine và cocaine trị giá £270,000 trong 2 địa chỉ trên đường Dinart Street, cũng cùng ngày 31/1. 

    Lượng ma túy và trại cần sa được cho là có liên hệ với nhau, 2 người đàn ông 41 và 34 tuổi đã bị bắt giữ và bị truy tố tại tòa Glasgow Sheriff Court.  

    Viethome (theo Herald Scotland)

  • Cảnh sát Pháp và Hà Lan đã bắt giữ 23 người bị tình nghi đưa hàng ngàn người Kurd di cư vào Anh, cơ quan tư pháp của Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố hôm 22-1. 

    Một chiếc thuyền của những người di cư bị chính quyền Pháp chặn lại ngoài khơi cảng Dunkirk, miền Bắc nước Pháp, ngày 27-11-2018. Ảnh: AP

    23 người nói trên bị nghi ngờ "tạo điều kiện cho việc vận chuyển bất hợp pháp khoảng 10.000 di dân người Kurd đến Anh trong các xe tải đông lạnh và thuyền cao su nhỏ".

    Với giá vé cho hành trình lên tới 7.000 euro/người, tổng lợi nhuận đường dây buôn người này ước tính đạt khoảng 70 triệu euro.

    Cuộc điều tra về đường dây buôn người đã được khởi động vào tháng 8-2018 tại Pháp, với các nghi phạm đón người di cư ở các góc đậu xe nằm giữa TP Le Mans và TP Poitiers.

    Do các phương tiện được các nghi phạm sử dụng thường xuyên mang biển số xe Hà Lan nên cuộc điều tra đã sớm được mở rộng sang Hà Lan.

    Kết quả, nhà chức trách đã phát hiện một đường dây liên kết với một hệ thống ngân hàng bất hợp pháp ở Hà Lan - một hoạt động thanh toán không chính thức, mà các khoản phí buôn người đã được thanh toán thông qua đó.

    Theo số liệu từ cơ quan hàng hải Pháp, khoảng 2.758 người di cư đã cố gắng vượt qua eo biển Manche bằng thuyền vào năm 2019.

    Con số trên tăng gần gấp 5 lần so với năm trước khi 568 người di cư đã cố gắng vượt biển bất hợp pháp.

    Tình trạng gia tăng mạnh số người vượt biển cũng đi kèm với những cái chết đầu tiên, với ít nhất 4 người di cư mất mạng tại eo biển này vào năm ngoái.

    Trong khi đó, đến Vương quốc Anh bằng xe tải cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tử vong. 39 công dân Việt Nam được phát hiện đã thiệt mạng trong một chiếc xe tải đông lạnh ở Essex - Anh hồi tháng 10-2019.

    Theo Người Lao Động

  • Một thiếu nữ Việt được cho là nạn nhân của những kẻ buôn người vừa được phát hiện ở thị trấn Helensburgh của Scotland.

    Theo báo Helensburgh Advertiser, đây là người Việt là nạn nhân buôn người thứ hai được tìm thấy ở Helensburgh trong vòng bốn tháng qua.

    Tờ báo cho biết cảnh sát thị trấn Helensburgh đã phát hiện cô gái Việt trong một cuộc tuần tra trên đường Sinclair vào ngày 15-1 vừa qua. Thiếu nữ không được tiết lộ danh tính này được nhìn thấy đi lang thang ngoài đường một mình vào khoảng 11 giờ tối.

    Thấy có điều gì đó không ổn, các nhân viên cảnh sát đã chặn cô gái lại nhưng thiếu nữ này đã bỏ chạy. Cuối cùng cô gái trên đã được tìm thấy và được xác định một công dân Việt Nam 15 tuổi.

    Thiếu nữ Việt được phát hiện. Ảnh: Helensburgh Advertiser

    Thông qua người phiên dịch, cảnh sát xác định thiếu nữ này là một nạn nhân buôn người và đã trú ngụ trong một ngôi nhà không xác định ở Helensburgh trước khi cố gắng thoát ra ngoài.

    Cảnh sát cho biết cô gái đã được đưa đến nơi an toàn và một cuộc điều tra đang được tiến hành nhằm xác định rõ cô gái này vào Scotland bằng cách nào và được đưa đến nơi nào ở nước này.

    Cảnh sát nói rằng không có mối liên hệ nào giữa thiếu nữ 15 tuổi được phát hiện trên đường Sinclair với một trường hợp tương tự hồi tháng 9 năm ngoái.

    Khi đó, lực lượng cảnh sát đột kích một trang trại cần trên đường Congannan và phát hiện một số lượng cây cần sa có giá trị thị trường 80.000 bảng Anh.

    Trong vụ việc này, hai người đàn ông Việt Nam, tuổi 48 và 20, đã bị bắt tại trung tâm thị trấn và đưa đến đồn cảnh sát Clydebank để thẩm vấn. Sau đó, người đàn ông 48 tuổi bị buộc tội liên quan đến việc sản xuất chất gây nghiện thuộc diện kiểm soát và ăn cắp điện.

    Người thanh niên 20 tuổi không bị buộc tội hình sự sau khi khai với cảnh sát rằng anh ta là nạn nhân của những kẻ buôn người.

    Bà Rachel Smith thuộc tổ chức từ thiện Human Trafficking Foundation, phát biểu: “Thật đáng buồn, những bạn trẻ Việt Nam thường xuyên nằm trong số những người được xác định là nạn nhân buôn người tiềm tàng ở Anh và chúng tôi đang nghe báo cáo về việc những người trẻ này mất tích ngay cả sau khi được xác định”.

    Theo Plo

  • Cảnh sát Anh bắt Nguyen N. K., 39 tuổi, hôm 16/1 tại hạt Đông Sussex sau nhiều năm chạy trốn truy nã tội buôn người. 

    Nguyen N. K., tức K. Chan, là thành viên của một nhóm chuyên đưa người trái phép từ Việt Nam sang Anh. Y bị một tòa án ở Paris, Pháp kết án vắng mặt 8 năm tù do liên quan đến các vụ buôn người vào năm 2015 và 2017. Anh này được cho lẩn trốn ở London.

    Cơ quan Tội phạm Quốc gia Anh (NCA) đã lần theo dấu vết đến một địa chỉ tại thị trấn Bexhill, hạt Đông Sussex và bắt y hôm qua theo Lệnh Bắt giữ châu Âu.

    Nguyen N. K. bị bắt tại thị trấn Bexhill, hạt Đông Sussex ngày 16/1. Ảnh: Argus

    K. hiện đối mặt với lệnh dẫn độ sang Pháp để chấp hành án tù và sẽ bị đưa ra tòa sơ thẩm Westminster ngày 17/1.

    "Chúng tôi tin K. là một kẻ đóng vai trò quan trọng trong một nhóm tội phạm có tổ chức chịu trách nhiệm về buôn lậu người di cư trên toàn cầu", giám đốc NCA Steve Reynolds nói.

    "Những kẻ buôn người đối xử với di dân như một món hàng và thảm kịch năm ngoái tại Essex đã cho thấy những băng nhóm này rất ít quan tâm đến sự an toàn của họ. Chúng tôi quyết tâm làm tất cả những gì có thể để phá vỡ những mạng lưới tội phạm có tổ chức liên quan đến hoạt động phạm pháp này".

    Ngày 23/10 năm ngoái, 39 thi thể được phát hiện trong thùng container tại khu công nghiệp Grays, hạt Essex, đông bắc thủ đô London. Các nạn nhân sau đó được xác định đều là công dân Việt Nam nhập cư trái phép vào Anh bằng container trên phà xuất phát từ Bỉ.

    Cuối tháng 11, Anh và Việt Nam đã phối hợp đưa toàn bộ thi thể, tro cốt của những người này về nước và bàn giao cho các gia đình. Anh đã bắt 4 nghi phạm và truy tố hai người với các tội ngộ sát, tham gia âm mưu buôn người và hỗ trợ nhập cư bất hợp pháp. Việt Nam cũng bắt 11 nghi phạm liên quan đến đường dây môi giới đưa lao động sang Anh trái phép.

    VnExpress

  •  3 bị cáo đã bị tuyên án tổng cộng 22 năm tù giam vì đưa 4 thanh niên Việt Nam nhập cư bất hợp pháp từ Pháp vào Anh.


    Các bị cáo Henry Dunn, James Davis và Chritstian King (Ảnh: Dailymail)

    Thông báo của cảnh sát ngày 5/12 cho biết, thẩm phán tòa án Snaresbrook ở phía đông Anh đã tuyên án hai bị cáo Chritstian King và Henry Dunn, đều 38 tuổi, 9 năm tù giam, trong khi bị cáo James Davis, 31 tuổi, nhận 4 năm 6 tháng tù.

    Chritstian King, bị cáo từ Worcester Park ở tây nam London, đã phủ nhận cáo buộc âm mưu hỗ trợ đưa người nhập cư bất hợp pháp vào Anh. Tuy nhiên, King rốt cuộc vẫn bị tuyên án tại tòa.

    Trong khi đó, bị cáo Henry Dunn từ Sevenoaks, đông nam Anh, cũng bị kết tội tương tự sau khi được xét xử lại. Ngoài ra, Dunn còn bị buộc tội có liên quan tới các hoạt động của mạng lưới tội phạm có tổ chức.

    James Davis, bị cáo từ New Malden, tây nam London, thú nhận cả hai tội danh trên.

    Sĩ quan cảnh sát Neil Ballard từ Sở Cảnh sát London cho biết vụ việc được tiến hành với sự hợp tác của lực lượng hải quan và tuần duyên Anh, cùng các đối tác Pháp.

    “Nạn nhân đều là những thanh niên trẻ, dễ bị tổn thương, bị đưa trái phép vào châu Âu qua bờ biển của Pháp. Tại Pháp họ được đưa lên một chiếc xuồng hơi”, cảnh sát Neil Ballard cho biết.

    Theo cảnh sát Anh, chiếc xuồng sau đó đưa các thanh niên người Việt tới bờ biển Anh trong đêm tối, đặt họ vào tình huống cực kỳ nguy hiểm. Cảnh sát cho biết chiếc xuồng rất tồi tàn, không có đèn cảnh báo hay bộ đàm khẩn cấp.

    Xuồng cũng không có pháo sáng, áo phao và không được gia cố khiến nó có nguy cơ phát nổ. Chiếc xuồng gần như “vô hình” khi lướt qua những chiếc xuồng khác tại một trong những tuyến hàng hải đông đúc nhất thế giới.

    Trước đó, một cuộc điều tra bí mật đã được tiến hành từ tháng 11/2017 để theo dõi 2 đối tượng buôn người khi chúng di chuyển từ bờ biển phía nam của Anh tới bờ biển gần Boulogne, Pháp.

    Bốn người Việt Nam lần lượt 14, 15, 16 và 23 tuổi, sau đó bị cảnh sát bắt trên đường cao tốc gần cảng Folkestone, Anh.

    Theo Dân Trí

  • Kẻ đứng đầu băng đảng bắt những người di cư tuyệt vọng trả tới 8.500 bảng để đưa họ vào Vương quốc Anh trên những chiếc xe tải đông lạnh đã bị kết án bốn năm tù ở Tây Ban Nha.

    Shwana Rafiq, sinh ra ở Iraq, đẩy nhiều gia đình vào cảnh đau đớn tột cùng bằng cách giấu họ trong các xe container đi tới Anh, nơi nhiệt độ không bao giờ  trên 40F (4C).

    Cảnh sát Tây Ban Nha phát hiện ra băng đảng này từng đưa lậu hơn 100 người vào Vương quốc Anh từ năm 2017 đến 2018, đem lại thu nhập lên tới 850.000 bảng Anh.

    Shwana Rafiq, 36 tuổi, đã bị kết án bốn năm tù ở Tây Ban Nha sau khi hắn ta thừa nhận buôn lậu người Kurd sang Anh trên những chiếc xe tải đông lạnh. Hắn ta bị bắt sau khi sáu người Iraq, bốn trong số đó là trẻ vị thành niên, được giải cứu khi đang bị nhốt trong một chiếc xe tải ở Teruel, Tây Ban Nha, vào năm 2017.

    Tài xế xe tải không biết gì về chuyện này nhưng cảnh sát đã theo dõi chiếc xe từ bến phà vì phát hiện phần khóa đã bị đập vỡ.

    Shwana đã sử dụng phương thức giống hệt những kẻ buôn người gây ra cái chết của 39 người di cư Việt Nam trong một chiếc xe tải đông lạnh ở Essex vào tháng trước.

    Trong phiên xét xử tại một tòa án ở Teuruel, phía đông Madrid, các công tố viên cố gắng đề nghị một hình phạt nặng hơn đối với Shwana với tội danh rửa tiền và buôn người, nhưng cuối cùng hắn ta chỉ phải chịu một bản án có phần nhẹ tay.

    Người vợ quốc tịch Tây Ban Nha của hắn ta, Esperanza Martinez, từng phải đối mặt với hình phạt cao nhất là 12 năm do tội đồng lõa, đã nhận bản án nhẹ nhàng là hai năm tù treo cho tội buôn người, với lý do cô ta mới chỉ phạm tội lần đầu.

    Năm người khác trong băng đảng bị kết án từ sáu tháng đến một năm tù.

    Băng nhóm này còn hợp tác với một đối tượng mang hộ chiếu Anh, được xác định là Rabeen Mohamad. Tên này đã bị dẫn độ từ Thụy Sĩ sang Tây Ban Nha để tham dự phiên tòa.

    Môt phát ngôn viên của Cảnh sát Quốc gia Tây Ban Nha cho biết: “Chúng thường tập hợp một nhóm từ sáu đến tám người, thường là những gia đình bao gồm cả trẻ nhỏ, rồi đưa họ vượt biên trong những chiếc xe tải đông lạnh hướng tới Vương quốc Anh .”

    “Các thành viên của băng nhóm sẽ cố gắng tìm hiểu thông tin chi tiết về điểm đến của các phương tiện và trong khi người lái xe đang nghỉ qua đêm, chúng đưa lậu người vào thùng hàng mà không ai nhận ra.

    “Thời gian trong thùng hàng sẽ là từ 30 đến 40 giờ ở nhiệt độ không quá bốn độ C.

    “Băng đảng hoàn toàn nhận thức được những rủi ro mà những hành trình này mang lại, và chúng đã hành động với thái độ coi thường mạng sống và sức khỏe của những người mà chúng đang cố gắng buôn lậu vào Anh.”

    VietHome (theo Headlinez)

  • Tòa án tại Bỉ tuyên mức án 37 tháng tù đối với một người đàn ông gốc Việt, sống tại Brussels, sau khi người này thừa nhận hỗ trợ người vượt biên từ Bỉ vào Pháp.

    Người đàn ông tên H.T.D, 45 tuổi, gốc Việt và đang sống tại Brussels, bị bắt giữ vào ngày 30/3 khi đang vận chuyển 8 người Việt Nam đến vùng Oostduinkerke, tỉnh Tây Flanders. Chiếc Volkswagen khả nghi được phát hiện có chuyển động sau thùng xe tải khi đi đến Toekomstlaan.

    Nhóm người Việt Nam cư trú trái phép tại Bỉ. Cảnh sát còn phát hiện có 3 trẻ vị thành niên, theo Brussels Times.

    H.T.D thú nhận bắt đầu hỗ trợ hoạt động đưa lậu người vượt biên từ tháng 1. Ông đưa người Việt Nam từ Brussels đến tỉnh Tây Flanders rồi sang miền Bắc nước Pháp. Ông khẳng định mình không tham gia đường dây buôn người mà chỉ giúp đồng hương, theo Metro.

    Người đàn ông gốc Việt bị cảnh sát Bỉ bắt giữ vào tháng 3 khi hỗ trợ 8 người Việt Nam vượt biên. Ảnh: Belga

    Cơ quan điều tra thu thập được nhiều đoạn ghi âm cho thấy người này đã hỗ trợ hơn 40 người vượt biên. Ông gọi người mà mình vận chuyển là "gà", còn phương tiện ông sử dụng là "ngựa". Văn phòng Công tố Burges đề nghị mức án 5 năm tù và mức phạt 64.000 euro.

    Phía luật sư khẳng định thân chủ của họ "không giàu lên" nhờ công việc này và không chủ ý gây nguy hiểm. Ông chỉ được "hứa hẹn" trả công 200 euro để đưa 8 người Việt từ Brussels đến Oostduinkerke. Các luật sư cũng phản đối truy tố tội danh buôn lậu người, cho rằng thân chủ họ chỉ hỗ trợ nhập cư trái phép.

    Tòa án Burges ngày 13/11 kết luận bị cáo phạm tội buôn lậu người. Công dân Bỉ gốc Việt nhận mức án 37 tháng tù, trong đó có 12 tháng tù treo, theo VRT.

    Phiên tòa diễn ra chỉ một tháng sau khi cảnh sát hạt Essex, Anh, phát hiện 39 thi thể người vượt biên trong container đông lạnh ngày 23/10. Container "tử thần" được xác định có đi qua cảng tại Zeebrugge, Bỉ. Cảnh sát Anh và cơ quan chức năng Việt Nam sau đó xác nhận các nạn nhân là người Việt.

    Vụ việc khiến các nước quanh eo biển Anh gia tăng nỗ lực đối phó nạn buôn lậu người xuất phát từ Bỉ. Chính quyền Anh đã thông báo triển khai nhân viên quản lý nhập cư đến cảng Zeebrugge hỗ trợ các đồng nghiệp Bỉ.

    Theo Metro, từng có nhiều người Việt từng bị phát hiện đi lậu qua cảng Zeebrugge. Trong một vụ việc ngày 14/12/2018, có 3 người Việt được phát hiện đi cùng 10 người tị nạn khác trốn tại cảng. Các luật sư sau đó thừa nhận thân chủ của họ có thể không sống sót được hành trình qua eo biển Anh.

    Giữa tháng 3, một tài xế taxi gốc Việt cũng nhận án tù vì đưa người vượt biên từ Paris đến vùng Ypres của Bỉ. Tháng 6/2017, một công dân 51 tuổi, quốc tịch Anh, cũng nhận mức án 30 tháng tù vì hỗ trợ người vượt biên là người Việt đến Anh.

    Theo Zing

  • Nhiều tài xế xe tải trẻ tuổi tại Ireland bị các băng nhóm dụ dỗ tham gia vào đường dây buôn lậu người vượt biên từ châu Âu vào Anh, bắt đầu từ những chuyến nhỏ rồi tăng dần quy mô.

    Buôn lậu người đã trở thành hoạt động tội phạm có tổ chức tại Ireland, hoạt động táo bạo giữa ban ngày. Các băng nhóm tổ chức vận chuyển trái phép từ bia rượu, thuốc lá, dược phẩm đến buôn lậu người, cho họ ngồi cùng với tài xế hoặc giấu trong container.

    Tiết lộ với The Irish Sun, nhiều nhân vật có liên quan đến nghề lái xe tải ở Ireland nói những tên trùm băng nhóm thường nhắm đến bộ phận tài xế trẻ tuổi, mới vào nghề để dụ dỗ vào đường dây.

    Các đường dây buôn lậu người nhắm đến những tài xế trẻ, mới vào nghề để dụ dỗ tham gia. Ảnh: The Irish Sun

    Gài bẫy tài xế mới vào nghề

    Theo một nguồn tin trong giới tài xế xe tải ở Ireland, những kẻ đứng đầu đường dây sau khi thuê tài xế trẻ sẽ đẩy họ chạy những chuyến đường dài, xa nhà, sau đó gài bẫy tiếp nhận container có người vượt biên.

    "Những kẻ chủ mưu cũng tệ hại y như bọn ấu dâm. Họ nhận tài xế mới rồi bắt đi làm xa vài tuần. Sau đó, họ gài bẫy để tài xế 'nếm thử' cảm giác kiếm được nhiều tiền dễ dàng nhờ buôn lậu", nguồn tin mô tả.

    Trong chuyến buôn lậu đầu tiên, những tên trùm băng nhóm sẽ thu xếp cho một hoặc hai người vượt biên "âm thầm quá giang" theo xe tải. Người vượt biên được cung cấp thông tin để lẻn lên container khi xe đậu tại một cảng ở châu Âu. Tài xế không hề hay biết mình đang chở người vượt biên.

    "Sau đó, tài xế tiếp tục hành trình đến Anh rồi lái xe xuống phà. Khi mở cửa kiểm tra hàng hóa, anh ta sẽ phát hoảng khi nhìn thấy vài người lạ mặt đang nấp bên trong. Điều đầu tiên anh ta làm là gọi về cho sếp vì hiểu rõ nguy cơ chịu án phạt nặng nếu cảnh sát phát hiện", nguồn tin mô tả.

    Người điều hành đã đoán trước được cuộc gọi. Ông ấy sẽ nói nhân viên giữ im lặng, cho những người nhập cư trốn ra và cứ quay xe về nhà để ông ấy thu xếp mọi việc. Tài xế khi về đến Ireland sẽ được sếp gặp riêng, đưa tiền công buôn lậu người và căn dặn đừng hé miệng về vụ việc.

    Sau khi "thử" tài xế, người điều hành vài ngày sau lại dụ dỗ nhân viên làm thêm chuyến khác với số người tăng dần và số tiền lớn hơn. Mức thù lao thông thường là 500 bảng/người.

    Cảnh sát tại Calais, Pháp, kiểm tra xe tải trước khi lên đường sang Anh. Ảnh: Getty

    Đi đâu cũng gặp người trong đường dây

    Một tài xế xe tải người Ireland với 30 năm kinh nghiệm cho biết số lần ông được một người cùng nghề đề nghị "đi một chuyến" nhiều không đếm xuể.

    "Hiếm có tài xế nào chưa từng được đề nghị buôn lậu. Việc này xảy ra khắp nơi. Họ tiếp cận bạn ngay trong công ty, trạm dừng hay khu đậu xe bên cao tốc", ông nói.

    "Bọn họ sử dụng mọi cách để thuyết phục bạn, có lúc còn mang theo một cô gái là người vượt biên tìm cách dụ dỗ. Họ sẽ nói bạn có thể 'dắt cô gái ấy đi một lúc', miễn là giúp đưa thêm vài người nữa sang và vẫn được trả thêm tiền", người này tiết lộ.

    "Đề nghị gần nhất tôi nhận được là dừng xe tại một địa điểm trên đất Bỉ, gần Zeebrugge. Một trong những người điều hành trong công ty ở Ireland báo cho tôi kế hoạch. Ông ấy nói người nhập cư sẽ ngồi cùng buồng lái xe tải với tôi và một trong số họ sẽ mang theo dao", người tài xế cho biết.

    Ông cho biết đây là một trong những chiêu thức để "giữ vỏ bọc" cho tài xế.

    "Nếu bị cảnh sát chặn xe, tôi chỉ việc nhảy khỏi buồng lái rồi kêu la: 'Người trong xe có dao'. Cách này giúp tôi không bị lộ vì cảnh sát sẽ nghĩ tôi bị không chế", ông nói.

    "Phần lớn tài xế sẽ từ chối. Tôi cũng không thể chấp nhận việc trái với lương tâm mình nên không bao giờ dính đến đến họ. Nhưng đúng là số tiền kiếm được quá nhiều. Nó quá hấp dẫn nên cũng dễ hiểu vì sao những tài xế trẻ muốn lập nghiệp sẽ bị cuốn vào nhanh chóng", ông chia sẻ.

    Cảnh sát Anh chặn xe tải chở 10 người Việt vượt biên ở Buckinghamshire năm 2017. Ảnh: South West News Service.

    Tổ chức tinh vi qua mặt cảnh sát

    Các đường dây xe tải buôn lậu người được tổ chức tinh vi giữ vỏ bọc cho tài xế. Một trong những chiêu thức được sử dụng để đánh lừa cơ quan điều tra là dàn cảnh trước camera an ninh.

    "Có những lúc tài xế được chỉ đạo chạy xe vào một nơi có camera an ninh tốt, như trạm dừng hoặc một khu công nghiệp nào đó. Tài xế sẽ rời xe vào trạm dừng uống cà phê, cố tình để camera ghi lại hình ảnh của mình cả lúc vào và ra khỏi nơi đó", một nguồn tin mô tả.

    "Đó cũng là lúc người vượt biên lẻn vào trong thùng hàng. Nếu xe bị chặn kiểm tra tại cảng và cảnh sát tìm thấy người, camera an ninh sẽ được dùng làm bằng chứng cho thấy tài xế không có mặt vào thời điểm người nhập cư trốn vào xe", người này cho biết.

    "Các đường dây này có tai, mắt khắp nơi. Toàn hệ thống có sự tham gia của rất nhiều người và hoạt động không ngừng", một nguồn tin khác cho biết.

    Bia là mặt hàng được các băng nhóm buôn lậu người sử dụng phổ biến để làm giả giấy tờ. Khi một tài xế đi trước vào được Anh an toàn, giấy tờ hợp pháp sẽ được chuyền tay, gửi lại cho những tài xế đến bến cảng sau.

    "Cùng một hồ sơ có thể được dùng cho 2-3 chuyến hàng, hoặc thậm chí nhiều hơn nữa", nguồn tin này mô tả.

    "Cùng một chuyến phà thường có đến 5-6 xe tải chở theo bia. Việc kiểm tra hết số đó và đảm bảo giấy tờ đúng với thông tin của xe là công việc gần như bất khả thi. Trong khi đó, nhiều người vẫn nhầm tưởng các băng đảng ở Ireland chỉ toàn buôn súng với ma túy", người này cho biết.

    Theo Zing

  • Bức ảnh người di cư chen nhau thở qua lỗ nhỏ khoét trên thùng xe tải được chụp trên đường cao tốc bận rộn nhất nước Anh chỉ vài ngày trước khi phát hiện 39 thi thể trong một chiếc xe container ở Essex.

    tham kich xe dong lanh 1
    Ảnh: Mirrorpix

    Bức ảnh được một người lái mô tô chụp trên đường cao tốc M25 mô tả hình ảnh những người di cư tuyệt vọng ngó ra bên ngoài, tranh thủ hít thở qua một lỗ nhỏ được khoét bên hông xe tải.

    "Đây là một cảnh tượng kinh hoàng. Thật khó để nói có bao nhiêu người bên trong chiếc xe, nhưng có vẻ như họ bị nhồi nhét rất đông", theo Mirror.

    Những người di cư thường được nhìn thấy ở các điểm dịch vụ trên đường cao tốc M25 - con đường huyết mạch của London. Mỗi năm, khoảng 117 người bị bắt trên con đường này vì bị nghi nhập cư lậu.

    tham kich xe dong lanh 1
    Có vẻ rất đông người đã bị nhồi nhét trong chiếc xe này. Ảnh: Mirrorpix

    Khoảng 11h30 thứ năm ngày 27/8/2015, cảnh sát Áo nhận được tin báo về một chiếc xe tải 7,5 tấn bị bỏ lại trên đường cao tốc A4, gần biên giới với Slovakia và Hungary. Người qua đường cho rằng chiếc xe bị hỏng máy. Tuy nhiên, một số người phát hiện máu chảy ra từ thùng xe cùng với một thứ mùi khủng khiếp như mùi thi thể đang phân hủy nên đã nhanh chóng gọi điện cho cảnh sát.

    tham kich xe dong lanh 1
    Chiếc xe tải chở 71 thi thể người đang phân hủy. Ảnh: REUTERS/Heinz-Peter Bader

    Trên chiếc xe mang biển số Hungary này có ký hiệu một công ty gia cầm Slovakia. Thùng chiếc xe tải bị bỏ lại hoàn toàn kín, giúp ngăn khí lạnh thoát ra ngoài trong quá trình chở thực phẩm. Khi đến hiện trường, cảnh sát phát hiện các dung dịch lỏng hôi thối chảy từ đằng sau của chiếc xe.

    Thùng xe nhanh chóng được mở ra và hình ảnh bên trong khiến cho tất cả những người chứng kiến đều cảm thấy bàng hoàng. Trước mắt họ, rất nhiều thi thể người đang trong giai đoạn phân hủy nằm chồng chất lên nhau.

    Sau khi khám xét xe, cảnh sát xác nhận có tất cả 71 thi thể gồm 60 đàn ông, 8 phụ nữ và 3 trẻ em với độ tuổi lần lượt là 2, 3 và 8. Các nạn nhân được cho là đã chết bên trong chiếc xe được khoảng 2 ngày, khi nó đang vượt qua biên giới từ Hungary sang Áo. Chiếc xe bị phơi dưới nắng nóng nhiều ngày làm cho các thi thể phân hủy mạnh. Điều này khiến các nhà chức trách đã gặp nhiều khó khăn trong quá trình nhận dạng tử thi.

    Cuộc điều tra ban đầu cho thấy chiếc xe tải đông lạnh không có hệ thống thông khí và những người trên xe đều chết ngạt.

    Thảm kịch gây rúng động

    Ngay sau khi phát hiện ra các thi thể, một cuộc điều tra đã được tiến hành ở Áo và Hungary. Theo người phát ngôn cảnh sát Áo - Hans Peter Doskozil, đứng sau vụ việc này là một đường dây buôn lậu người móc nối giữa Bulgaria và Hungary, một cơ cấu tội phạm có tổ chức.

    Tài xế đã rời khỏi hiện trường từ trước đó rất lâu. Dựa theo các giấy tờ tìm thấy bên trong xe, cảnh sát tin rằng có thể đây là người di cư từ Syria. "Chúng tôi đã tìm thấy nhiều tài liệu được viết bằng tiếng Syria và phỏng đoán họ là những người di cư từ Syria", đại diện cảnh sát nói.

    Chiếc xe này bị bỏ lại trên đường A4 từ ngày 26/8 có dán mác công ty thực phẩm Hyza của Slovakia. Tuy nhiên, đại diện công ty này cho biết nó không nằm trong quyền kiểm soát của họ.

    Vụ việc trên làm rúng động không những nước Áo mà cả châu Âu, khu vực vốn thường xuyên phải đối mặt với cuộc khủng hoảng về tị nạn. Đường cao tốc Áo nơi phát hiện xe tải là một trong những tuyến di cư chính từ Đông sang Tây Âu. Chặng đường này được cho là ít rủi ro hơn so với đường biển Địa Trung Hải nên thường xuyên được những đường dây buôn người lựa chọn.

    Sau khi tiến hành lục soát nhà và thẩm vấn những nghi phạm có liên quan, cuối cùng cảnh sát đã xác định được ba nghi phạm là người Bulgaria và một người đến từ Afghanistan. Những người này bị nghi đều là thành viên của một mạng lưới buôn người và đã bị bắt giữ tại Hungary để phục vụ công tác điều tra.

    Đến năm 2017, có 11 người đã phải hầu tòa vì vụ án rúng động này.

    Theo Dân Việt

  • Dưới đây là các thông tin được đăng trên các báo lớn ở Anh, VietHome xin được đăng lại để bạn đọc nắm rõ. VietHome đã từ chối tham gia vào các buổi phỏng vấn như này để tập trung vào công việc hơn. 

    Theo BBC, các tổ chức chống buôn người cho biết nhiều người đi lậu từ VN đến Anh là để kiếm tiền và gửi về cho gia đình. Nhưng tại sao và bằng cách nào người người Việt lại chọn những hành trình chết chóc như vậy để đi xuyên biên giới?

    Một bài viết trên trang BBC: ''Vì sao người Việt chấp nhận con đường rủi ro để đến Anh?''

    Vì sao họ rời bỏ quê hương? 

    ''Việt Nam là một nền kinh tế bùng nổ nhưng không phải ai cũng được hưởng lợi từ đó'', Giang Nguyen, tổng biên tập BBC Tiếng Việt cho biết. ''VN quá dư thừa lao động''.

    Theo Liên Hiệp Quốc, trong khi cả nước nói chung đang giảm tỷ lệ đói nghèo, thì ở một số nơi và vùng miền người dân vẫn chưa thoát nghèo. 

    ''Phần lớn những người VN di cư đến châu Âu và Anh đều xuất phát từ một số ít tỉnh thành ở VN'', Mimi Vu, một chuyên gia về chống buôn người ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết

    ''Ở những khu vực này, có một truyền thống xuất ngoại hình thành từ 20 năm về trước, dù là đi hợp pháp hay đi chui. Mục đích của họ là kiếm việc làm ở nước ngoài và gửi tiền về nhà'', bà Vu nói.

    Những năm về trước, hiện tượng di cư từ VN vào Anh đã nhen nhóm từ thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, nhưng gần đây đã lan rộng mạnh mẽ sang 3 tỉnh trung tâm là Nghệ An, Quảng Bình và Hà Tĩnh. Các tỉnh này nhìn chung là nghèo hơn so với Quảng Ninh hay Hải Phòng. 

    Ước tính mạng lưới buôn người từ VN đã vận chuyển 18,000 người mỗi năm sang châu Âu, nhưng chỉ chưa tới 1,000 người mỗi năm sang Mỹ. 

    Một bài báo trên tờ Guardian: ''Di dân VN bị buôn vào các tiệm nail và trang trại trồng cần sa ở Anh''.

    Vì sao họ muốn đến Anh? 

    Đối với người nhập cư Việt Nam, Vương quốc Anh là điểm đến phổ biến nhất ở châu Âu. Đây là nhận định của Tiến sĩ Tamsin Barber, một giảng viên ngành chính trị xã hội của Đại học Oxford-Brookes, chuyên về vấn đề nhập cư và dân số người Anh gốc Việt.

    Họ tin rằng nếu đến được Anh, họ chắc chắn sẽ tìm được việc làm và kiếm được nhiều tiền để gửi về cho gia đình ở quê.

    Ngoài ra còn có một mạng lưới rộng lớn người Việt đã ở Anh có thể giúp đỡ những người mới tới về nơi ăn chốn ở cũng như công việc.

    Một khi đã đặt chân được đến Anh, họ sẽ có nhiều cơ hội tìm việc ở các vị trí không đòi hỏi kỹ năng như tại các nhà hàng Việt Nam, tiệm làm móng và ngành công nghiệp cần sa bất hợp pháp, theo Guardian.

    Một nội dung trên Mirror: ''Những nạn nhân nhập cư bị đưa đến các tiệm nail và nhà thổ''.

    Qua phỏng vấn một số người VN hồi hương từ Anh cho thấy, phần lớn họ làm những công việc chân tay như ''nông nghiệp và đánh bắt thủy hải sản'', nhưng đôi khi họ làm việc thời vụ hoặc điều hành doanh nghiệp nhỏ. Một số cũng có thể thất nghiệp.

    Nhưng Tiến sĩ Barber cũng nói rằng: ''Hiện nay, không có con đường hợp pháp nào cho lao động phổ thông VN ở Anh Quốc này, do đó rõ ràng họ phải lựa chọn những lộ trình bấp bênh và lòng vòng hơn''.

    Họ phải bỏ ra bao nhiêu tiền? 

    Bà Mimi Vu cho biết những người nhập cư phải trả những cái giá dao động khác nhau. Đối với những người ít tiền và chỉ đủ trả £7,800 đến £11,600, hành trình của họ sẽ gian truân hơn, bao gồm cả việc đi bộ băng rừng ban đêm và ít được cho ăn.

    Đối với những người có khả năng trả từ £31,000 đến £39,000, họ sẽ được đưa đi bằng máy bay. 

    Khoảng tiền £30,000 là tương đương với mức lương của một người trong 30 năm nếu sống ở những vùng nông thôn Việt Nam, bà Vu nhận định.

    Đó là một con số khổng lồ, nhưng nhiều gia đình lại cho rằng như vậy là đáng, vì họ tin rằng đó là cách tốt nhất để con cái và gia đình họ có một tương lai tốt hơn.

    Một bài báo trên DailyMail: ''Chán chường và nghèo túng, người di cư Việt liều mạng sống để làm giàu ở châu Âu''.

    ''Việt Nam có một nền văn hóa lấy gia đình làm trung tâm, do đó mọi thứ sẽ được làm vì gia đình chứ không vì cá nhân'', bà Vu tiếp lời.

    Theo Liên Hiệp Quốc, những người di cư VN có thể đem lại 234 triệu bảng cho các tổ chức buôn người đưa họ đến châu Âu. 

    Để có tiền xuất ngoại, nhiều người vay mượn từ người thân và người quen. Một số khác phải vay nóng trên thị trường chợ đen với lãi suất cắt cổ.  

    Và nếu hành trình thất bại, họ không ngại ngần và sẵn sàng bất chấp để cố vượt biên lần nữa. Đối với họ, đó là cách duy nhất để kiếm lại số tiền.

    Tiến sĩ Barber cho biết một số gia đình có thể gom góp tiền từ việc bán đất đai, tài sản. 

    Các gia đình VN sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn vì họ xem đây là ''cơ hội duy nhất để đưa người thân ra nước ngoài kiếm tiền'', bà nói.

    Người di cư VN đến Anh bằng cách nào?

    Thị trường buôn người cung cấp 2 dịch vụ vận chuyển người nhập cư sang Anh, gói ''premium (VIP)'' và ''economy (cỏ)'', theo điều tra của Ủy ban Độc lập Chống Nô lệ.

    Một gói VIP được quảng cáo là đi thẳng với ít rủi ro. Có trường hợp, người di cư được cấp hồ sơ xin visa Schengen và được bay thẳng đến Paris, nơi họ được trú ngụ trong những ngôi nhà an toàn trước khi di chuyển sang Anh.

    Gói ''cỏ'' thường mất thời gian tới vài tháng.

    ''Nhưng cho dù chọn gói nào, bạn vẫn phải vượt qua biên giới và vẫn bị nhồi nhét trong xe tải hay trên phà'', bà Vu nói.

    Phần lớn người VN phải đến Nga trước, rồi di chuyển đường bộ đến Đông Âu. Nhưng trước kia, nhiều nạn nhân khai báo với cảnh sát rằng họ phải đi qua Trung Quốc đế đến Anh.

    Thực tế, Trung Quốc cùng với Pháp, Nga, Đức và Ba Lan là những quốc gia trung chuyển những người Việt muốn đến Anh. 

    Một số khác thì bị trung chuyển ở Ukraina hay Ba Lan, nơi họ phải làm việc trong điều kiện bị bóc lột để kiếm tiền cho hành trình kế tiếp, hoặc kiếm tiền cho những kẻ buôn người. 

    Đoạn cuối hành trình là từ Pháp vào Anh. Ở đây, những người di cư phải trả tiền cho bọn buôn người để được ngụy trang trong thùng xe tải, hoặc lẻn vào trong một chiếc xe tải đang sắp đi qua bến cảng (mà người tài xế không biết).

    Một báo cáo gần đây của Bộ Nội vụ cho biết, dù bị lừa buôn đến Anh để bóc lột sức lao động hoặc làm mại dâm, hoặc là đi tự nguyện, thì trong suốt hành trình đi, những người VN này đều có thể bị bọn buôn người lợi dụng. Phụ nữ thường bị bọn buôn người cưỡng hiếp.

    Tuy nhiên, theo Mirror trích dẫn lời một người dấu tên cho biết: ''Những tổ chức buôn người này không bị xem là tội phạm, trái lại họ đem đến cho người di cư Việt Nam cơ hội đổi đời. Những chuyến đi rủi ro này là hợp đồng không văn bản giữa người bán và người mua''.

    Viethome

  • Những kẻ buôn người có sự tinh vi, tàn bạo của các băng đảng ma túy lớn nhất thế giới, kiếm hàng tỷ USD khi chuyển "hàng" vào Anh.

    Ngày 23/10, cái giá tàn khốc của mạng lưới buôn người vào Anh đã phơi bày hiển hiện khi 39 người, nghi là dân nhập cư, trong đó có một thiếu niên, bị phát hiện chết trong thùng xe container với nhiệt độ -25 độ C tại hạt Essex, đông bắc thủ đô London.

    Buôn người từ lâu đã là vấn đề nhức nhối ở Anh. Năm 2000, 58 người nhập cư trái phép từ Trung Quốc cũng được tìm thấy chết ngạt trong một xe tải tại cảng Dover, hạt Kent. Nhưng những năm gần đây, khi các gia đình chạy trốn chiến tranh, nghèo đói, bất ổn ở quê nhà và tìm kiếm sự an toàn tại nước Anh "giàu có", tình hình đang leo thang với tốc độ nguy hiểm.

    Chiếc xe tải được các nhân viên pháp y lái khỏi khu công nghiệp Waterglade, thị trấn Grays, hạt Essex hôm 23/10 để thu thập các thi thể và nhận dạng. Ảnh: Sky News.

    Cơ quan Tội phạm Quốc gia (NCA) cho biết số người di cư bất hợp pháp bị đưa lậu vào Anh trong xe container và xe tải đã tăng đột biến vào năm ngoái. Các băng đảng tội phạm nhập cư có tổ chức, những kẻ đưa người qua biên giới trái phép, đang "gia tăng sử dụng những mánh khóe rủi ro cao", theo báo cáo của NCA hồi tháng 5.

    "Thị trường buôn người có giá trị ít nhất 7 tỷ USD (5,45 tỷ bảng Anh) mỗi năm và dự kiến còn tăng trong tương lai", Ilias Chatzis, lãnh đạo Cơ quan Chống buôn người của Liên Hợp Quốc, nói.

    Đối với các băng đảng, buôn người là con đường kiếm tiền béo bở, không khác gì ma túy. Chúng bán lời hứa về một cuộc sống mới "như mơ", nếu họ sống sót, cho dân nhập cư với giá 10.000 bảng (gần 13.000 USD) mỗi người.

    "Buôn người còn lãi hơn cả buôn ma túy nhưng số vụ buôn người được xử lý thấp hơn nhiều so với buôn ma túy. Nó đang bị lãng quên", luật sư di trú Harjap Bhangal cho hay.

    Một băng đảng "bất khả xâm phạm" đã kiếm được cả một gia tài khổng lồ từ dịch vụ cao cấp "giao hàng tận nhà", đưa người di cư tới những địa chỉ cụ thể ở Anh, trước khi bị bắt và bỏ tù vào năm nay.

    Hồi tháng một, một kẻ buôn người Afghanistan đã khoe khoang về việc y đưa thành công 300 người vào Anh bằng xuồng cao tốc với giá 6.000 USD mỗi người.

    "Nếu cảnh sát bắt được bạn, họ sẽ không bao giờ trả bạn về nước", y nói với báo Sun tại Calais, Pháp.

    Trong nhiều trường hợp, các thủ lĩnh băng đảng buôn người thường ẩn mình trong bóng tối ở nơi rất xa nước Anh. Chúng chỉ biết thu tiền rồi nhồi nhét người nhập cư, đôi khi thành nhóm 40 đến 50 người, chật cứng sau những cỗ xe.

    "Chúng tôi thường bắt được những kẻ tay sai, lái tàu hay tài xế xe tải, nhưng chúng tôi có nhìn thấy kẻ chủ mưu đứng trước vành móng ngựa không ư? Không hề, bởi chúng thường không ở Anh", Peter Bleksley, điều tra viên thuộc Sở Cảnh sát London, cho hay.

    John Vincent, giám đốc hãng vận tải Penfro Peche, cho biết công ty của ông từng bị những kẻ buôn người nhắm tới. Chỉ vài tháng trước, ông phát hiện ra 8 người nhập cư trái phép trốn bên trong các thùng cá trên một chiếc xe tải ở Warwickshire. "Họ chỉ có thể được đưa vào Anh qua phà từ Pháp", ông suy đoán.

    Một giả thiết được các ông chủ hãng vận tải đưa ra là băng đảng buôn người hiện nay còn có xu hướng nhồi nhét các gia đình nhập cư vào xe van rồi đưa họ lên phà bởi xe van thường bị kiểm tra an ninh ít hơn xe tải.

    Khi đã lên phà, người nhập cư sẽ được chuyển sang những phương tiện lớn hơn", Vincent nói. "Chúng luôn tìm ra các cách mới để buôn người".

    Theo Richard Burnett, giám đốc điều hành Hiệp hội Vận tải Đường bộ, trụ sở ở Anh, các băng đảng buôn người giờ đây thường lẩn tránh những cảng phà lớn như Calais và chuyển hướng sang những tuyến đường mới, "an ninh lỏng lẻo" hơn.

    "Calais có những thiết bị đặc biệt như máy đo nhịp tim, đo nồng độ khí CO2 và chó đánh hơi. Chúng sẽ dễ dàng phát hiện ra người di cư nếu họ trốn trong thùng xe tải", ông nói.

    Thay vào đó, các băng đảng có thể đến những cảng nhỏ như Cherbourg hay Roscoff. Một số còn bị cáo buộc đưa tiền hối lộ cho các quan chức biên phòng.

    "Chưa tìm thấy bằng chứng Lực lượng Biên phòng Anh tham gia vào những đường dây buôn người nhưng các băng đảng nắm trong tay quyền lực rất lớn và chúng có thể mua chuộc những nhân viên bảo vệ ở các cảng châu Âu", luật sư Bhangal lưu ý.

    Với những tài xế xe tải, rủi ro của hoạt động buôn người rất rõ ràng. Họ phải cẩn thận chọn nơi đỗ xe, tiến hành kiểm tra thùng xe thường xuyên và không thể nghỉ ngơi quá lâu. Họ có thể bị phạt 2.000 bảng (gần 2.600 USD) với mỗi người nhập cư trái phép được tìm thấy trên xe của họ.

    "Hoạt động của các băng đảng buôn người đang trở nên hết sức tinh vi", Burnett cho biết. "Vào ban đêm, khi những chiếc xe tải dừng lại để nghỉ ngơi, chúng sẽ tháo chốt bản lề trên thùng xe, đưa người di cư trái phép lên rồi bắt vít lại để tài xế không nhận ra. Hoặc chúng sẽ khoan một lỗ xuyên qua nóc thùng xe".

    Bên cạnh đó, các băng đảng buôn người cũng ngày càng trở nên bạo lực hơn. Không ít nhóm còn sử dụng cả súng. Mới đây, một tài xế của Vincent đang nghỉ giữa đêm ở phía bắc Pháp thì nghe thấy "giọng nói của người châu Phi" và những tiếng súng nổ nhằm vào xe tải của anh. Tuy nhiên, cuối cùng, những kẻ buôn người bỏ đi vì không thể lên xe.

    "Chúng tôi đã khuyên các tài xế nên bỏ chạy nếu bị đe dọa bằng hành vi bạo lực", ông nói.

    Nhưng những kẻ buôn người không chỉ lợi dụng xe tải. Năm 2017, một tài xế bị phạt 3 năm tù vì giấu một người phụ nữ Albania trong khoang động cơ xe để đưa vào Anh. Giới chức biên phòng lúc bấy giờ mô tả cách thức che giấu của tài xế là "đặc biệt công phu".

    Trong bối cảnh nạn buôn người vào Anh đang gia tăng nhanh chóng, chuyên gia an ninh quốc tế Henry Bolton cho rằng London cần một chính sách liên ngành giúp "thống nhất các nguồn lực" trong việc quản lý biên giới.

    "Cách tiếp cận của chúng ta hiện nay vẫn thủ công và nghiệp dư so với các nước khác", ông nói. "Cách phản ứng với nạn buôn người đang thiếu sự gắn kết giữa các quốc gia. Chỉ xây tường bao và chắn đường không thể giải quyết vấn đề".

    Thông thường, người nhập cư thành công vào Anh "ngay lập tức sẽ biến mất không để lại dấu vết". Ngay cả khi bị phát hiện, họ vẫn có thể xin tị nạn để ở lại. Tuy nhiên, không phải ai cũng hoàn thành được hành trình. 

    "Chúng ta cần ngăn chặn ngay lập tức các băng đảng", Bhangal nhấn mạnh. "Chúng bán ước mơ cho người nhập cư nhưng hầu hết những gì họ nhận được ở cuối con đường là cái chết".

    Theo VnExpress

  • Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ cho biết 13 binh sĩ đã bị truy tố với tội danh liên quan đến hoạt động buôn người diễn ra ở biên giới Mexico.

    Ảnh minh họa

    Theo CNN, những binh sĩ này sẽ phải đối mặt với quy trình tố tụng tại tòa án binh vì cáo buộc vi phạm Quy định quân ngũ của luật Quân đội với cáo buộc bất tuân lệnh, say xỉn, nói dối, khai man, vận chuyển và âm mưu vận chuyển người nhập cư không có giấy tờ.

    "Hai trong số những binh sĩ thủy quân lục chiến, binh nhất Byron D. Law và binh nhất David J. Salazar-Quintero, bị bắt giữ bởi các nhân viên tuần tra biên giới hôm 3/7 vì cáo buộc vận chuyển và âm mưu vận chuyển người nhập cư không có giấy tờ", văn phòng báo chí của sư đoàn 1 Thủy quân Lục chiến Mỹ cho biết.

    Hồi tháng 7, 18 lính thủy đánh bộ Mỹ và một thủy thủ hải quân đã bị bắt giữ do cáo buộc liên quan đến nhiều hoạt động phi pháp khác nhau, từ buôn người cho đến các tội danh liên quan đến ma túy. Theo một thông báo gửi cho CNN từ Cơ quan Điều tra Tội phạm Hải quân (NCIS).

    Cổng vào Trại Pendleton, một trong những căn cứ lớn nhất của lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ, nơi đây cũng là địa điểm đáng nhớ với nhiều người Mỹ gốc Việt. Ảnh: AP.

    Vào thời điểm đó, một quan chức Mỹ cho biết các vụ bắt giữ liên quan đến sự việc diễn ra hồi mùa hè, khi hai lính thủy đánh bộ ở Trại Pendleton bị buộc tội vận chuyển người nhập cư Mexico vào Mỹ để kiếm lợi nhuận.

    Đầu tháng 7, các nhân viên biên phòng ở phía nam California đang kiểm tra các địa điểm ẩn nấp và theo dõi dấu chân gần đường cao tốc liên bang số 8 thì phát hiện một chiếc xe màu đen đi từ cao tốc xuống một đường nhánh.

    Binh nhất Law là người lái xe, Salazar-Quintero ngồi ở ghế hành khách. Có 3 hành khách khác ở phía sau xe và những người này nói rằng họ là công dân Mexico, không có giấy tờ di trú và không được phép đặt chân vào Mỹ.

    Law cho biết Salazar-Quintero đã gọi điện cho mình hôm 2/7 và hỏi rằng có muốn kiếm 1.000 USD bằng việc đón người nhập cư không.

    3 người nhập cư trả lời lực lượng tuần tra biên giới và cho biết họ đã dàn xếp để được đưa vào Mỹ, 2 người trong số này đã phải trả số tiền 8.000 USD cho toàn bộ quá trình.

    Viethome (theo Zing)

  • 9 công dân Việt Nam bị cảnh sát Berlin và 4 bang của Đức bắt trong chiến dịch đột kích 33 địa điểm liên quan tới hoạt động buôn người.

    Khoảng 300 cảnh sát đã tham gia vào các cuộc đột kích ở Berlin, Brandenburg, Saxony, Mecklenburg-West Pomerania và North Rhine-Westphalia, tịch thu nhiều điện thoại di động, tài liệu và tiền mặt, các công tố viên Berlin cho biết hôm 13/9.

    Chiến dịch này nhắm vào những nghi phạm bị cáo buộc dàn xếp kết hôn giả và quan hệ cha con giả để giúp các công dân Việt Nam có quyền cư trú tại Đức. Theo các công tố viên, 9 người Việt bị bắt không có quyền cư trú hợp lệ.

    Cảnh sát Đức áp giải một phụ nữ trong chiến dịch truy quét buôn người ở các nhà thổ và chung cư vào tháng 4/2018. Ảnh: Federal Police Germany

    Đức là điểm trung chuyển, tổ chức cũng là đích đến của các đường dây buôn người ở châu Âu, trong đó nhiều nạn nhân là phụ nữ và trẻ em bị cưỡng ép lao động hoặc bán dâm. Phần lớn nạn nhân đến các nước trong khu vực, ngoài ra có một phần nhỏ từ châu Phi, châu Á và châu Mỹ. 

    Theo luật pháp Đức, hành vi buôn người có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 10 năm. Tuy nhiên, thống kê của Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy phần lớn tội phạm buôn người nhằm mục đích cưỡng ép lao động và bán dâm ở Đức không phải ngồi tù, gây lo ngại rằng các hình phạt không đủ tính răn đe.

    Viethome (theo VnExpress)