• Một người phụ nữ đã ra lệnh cho chú chó giống Terordshire Terrier của mình lao vào một nhân viên cửa hàng người châu Á trong một cuộc tấn công phân biệt chủng tộc. Bà ta đã bị yêu cầu trả cho nạn nhân 150 bảng tiền bồi thường.

    Sonya Wadsworth, 41 tuổi, đã cố tình để con chó Tyson của mình xồ ra và khuyến khích nó cắn Varun Ditta khi người nhân viên cửa hàng này phát hiện bà ta lén lấy kẹo bỏ vào trong túi áo khoác.

    Con vật cắm phập răng vào đùi anh Ditta trong khi Wadsworth cười và nói: 'Haha mày không thể làm gì tao. Con chó của tao sẽ cắn mày.'

    Bà ta cũng dùng những từ tục tĩu để gọi anh Ditta, cư xử thô bạo với đồng nghiệp của anh và nói: 'Mày đang làm cái quái gì ở đây? Cút về đất nước của mày đi'. Anh Ditta mặc quần jean dày nhưng vẫn bị một vết cắn ở chân trái sau vụ tấn công.

    Wadsworth và con chó hung dữ.

    Sau đó, khi bị thẩm tra về vụ tấn công, bà Wadsworth, trú tại Wythenshawe, Manchester, tuyên bố con chó đang hành động để 'tự vệ' và nói: 'Con chó của tôi chỉ đang sợ hãi khi thấy chủ của mình bị tấn công.'

    Con chó này đã chết sau cuộc tấn công vào ngày 28 tháng 8 năm ngoái.

    Tại Tòa án Sơ thẩm Manchester, Wadsworth bị kết án 300 giờ lao động công ích do các tội danh tấn công chủng tộc nghiêm trọng, quấy rối chủng tộc nghiêm trọng và khiến một con chó mất kiểm soát gây nguy hiểm.

    Bà này cũng được lệnh phải trả án phí 620 bảng.

    Vụ việc xảy ra vào lúc 3 giờ chiều khi anh Ditta, thường được biết đến với cái tên Jimmy và đồng nghiệp Mansoor Wahid, người có biệt danh Max, đang làm việc tại cửa hàng Around A Pound Plus ở Wythenshawe.

    Anh Ditta nói: 'Tôi ở phía sau cửa hàng, đặt đồ uống lên kệ trong khi Max đang ở quầy tính tiền.

    'Tôi bắt đầu nghe Max và Sonya cãi nhau vì cô ta đã trộm đồ.

    'Tôi bắt đầu tiến về phía họ và hỏi chuyện gì đã xảy ra nhưng cô ta bắt đầu lăng mạ Max.

    'Max nói rằng cô ta đã ăn cắp đồ. Anh ấy nói rằng cô ta phải trả tiền hoặc trả lại các món đồ nhưng cô ta rất hung hăng. '

    Wadsworth lấy những chiếc kẹo ra khỏi túi và ném chúng vào Max, Ditta kể lại.

    'Cô ta đã rất hung hăng và sử dụng những từ ngữ lăng mạ với chúng tôi’, anh nói. 

    'Max tiếp tục nói ‘dừng lại Sonya. Tôi không muốn tranh cãi với cô. Cô đi về ngay đi '.'

    Max sau đó đi vòng ra từ phía sau quầy và Wadsworth túm lấy cổ áo anh.

    "Cô ta có một con chó được buộc vào cột bên ngoài cửa hàng và cô ta đã thả nó ra", anh nói. 'Con chó chắc chắn đã được huấn luyện và cô ta cầm dây buộc con chó và sử dụng nó làm vũ khí.

    'Con chó luôn rất hung dữ. Khi khách hàng bước vào cửa hàng, họ đã nói đến việc con chó rất hung hăng ở bên ngoài. Nó sủa khách hàng khi họ đến cửa hàng.

    'Đây là một con chó nguy hiểm và nó khiến tôi và Max cảm thấy rằng nó sắp tấn công. Sonya đã cười và khuyến khích con chó cắn tôi.

    'Tôi nghĩ rằng con chó đã được huấn luyện và hành vi thả nó đi rồi kéo nó trở lại bằng sợi dây rồi lại để nó đi một lần nữa có nghĩa là ‘hãy vồ chúng nó đi'.'

    Anh nói tiếp: 'Con chó cắn vào đùi trái của tôi. Tôi đã mặc quần jean dày mà vẫn bị một vết cắn sâu. Tôi chạy ra ngoài cửa hàng và yêu cầu cô ta về nhà. Cô ta đang say và tôi chỉ muốn cô ta rời đi.

    'Cô ta đã cười :Haha, mày không thể làm gì tao, con chó của tao sẽ cắn anh'. Tôi chỉ nghĩ rằng 'tại sao cô ấy ta dám làm điều này?' Nó làm tôi tức giận và sợ hãi. '

    Wadsworth phủ nhận việc làm sai trái của mình. Một báo cáo quản chế tại tòa án cho biết: 'Kể từ khi vụ việc xảy ra, cô ấy đã dùng thời gian của mình để làm rất nhiều công việc tự nguyện. Cô ấy nói về việc thành lập một cơ sở làm vườn, học đại học và lấy bằng sửa chữa ống nước và khí đốt.'

    Luật sư bào chữa Nnamdi Inegbo nói: 'Sonya vẫn cảm thấy khó có thể chấp nhận bản án nhưng dù thế nào, cô ấy vẫn sẽ tôn trọng kết luận của tòa án. Con chó không còn trên đời nữa. Tôi tin rằng nó có một khối u não do đó mọi người muốn giúp nó thoát khỏi nỗi đau và nó đã được đưa vào giấc ngủ vĩnh viễn.

    'Cô ấy hiện đang sử dụng thời gian của mình một cách hiệu quả bằng cách tham gia vào cộng đồng với công việc tình nguyện.

    'Cô ấy nói rằng con chó đã hành động hơi kỳ lạ dẫn đến sự cố như vậy. Cuối cùng, cô ấy không có toàn quyền kiểm soát như cô ấy muốn với con chó.'

    Wadsworth bên ngoài tòa án.

    VietHome (Theo Daily Mail)

  • Cảnh sát đang tìm kiếm một người phụ nữ mang giày cao gót màu trắng đã chạy trốn khỏi một cuộc tấn công phân biệt chủng tộc.

    Nghi phạm đang đi cùng với một nhóm đông người sau một lễ hội ở Worcester vào tháng trước thì một hành khách đi tàu bị đánh đập do tranh cãi với đám đông phân biệt chủng tộc.

    Nạn nhân đã lên tiếng phản đối đám đông trên tàu sau khi họ bắt đầu có hành vi phân biệt chủng tộc vào ngày 10 tháng 8.

    Người phụ nữ yêu cầu họ dừng lại nhưng sau đó bị đe dọa và đấm vào mặt ba lần khi cô cố gắng thoát ra.

    Mắt cô tím bầm sau vụ đánh đập dã man này và cảnh sát giao thông đã mở một cuộc săn lùng nữ nghi phạm.

    Một tuyên bố từ Cảnh sát Giao thông Anh cho biết: "Vụ việc xảy ra vào lúc 8h20 tối thứ Bảy ngày 10 tháng 8 ở đoạn đường tàu giữa hai ga Worcester và Stourbridge Junction.

    "Một nhóm đông người gồm cả đàn ông và phụ nữ, những người đã tham gia một lễ hội ở Worcester, được báo cáo là đã có lời nói phân biệt chủng tộc.

    "Một hành khách đã phản đối hành vi của họ và yêu cầu họ dừng lại. Sau đó, cô ấy bị một người phụ nữ trong nhóm đe dọa.

    "Khi nạn nhân rời khỏi tàu ở Stourbridge, một người phụ nữ trong nhóm đã đấm vào mặt cô ba lần. Nạn nhân bị tím bầm và sưng hai bên mắt.

    "Bất cứ ai nhận ra người phụ nữ trong ảnh hãy liên hệ với BTP bằng cách nhắn tin 61016 hoặc gọi 0800 40 50 40 và trích dẫn số tham chiếu vụ việc 591 ngày 10/08/19.

    "Ngoài ra, bạn có thể gọi ẩn danh tới 0800 555 111."

    VietHome (Theo The Sun)

  • Bộ Nội vụ đã bị chỉ trích là "thô thiển" và "xúc phạm" khi cố gắng đối phó với vấn nạn tội phạm dùng dao bằng biện pháp phân phối các hộp đựng in dòng hashtag #knifefree cho các cửa hàng gà rán.

    Hơn 321.000 hộp giấy đựng gà rán đã được gửi đến hơn 210 cửa hàng ở Anh và xứ Wales.

    Những chiếc hộp này sẽ thay thế bao bì tiêu chuẩn trong các chuỗi cửa hàng như Morley's, Cottage Cottage và Dixy Chicken. Trên hộp được in câu chuyện đời thực của những người trẻ tuổi đã chọn cách từ bỏ việc mang dao theo người.

    Người đứng đầu ngành cảnh sát, ông Kit Malthouse, tuyên bố những chiếc hộp sẽ "tuyên truyền cho hàng ngàn người trẻ những hậu quả bi thảm của việc mang theo dao và phản đối ý tưởng cho rằng nó giúp bạn an toàn hơn".

    "Chính phủ sẽ làm mọi cách có thể để giải quyết tình trạng bạo lực vô nghĩa đang gây tổn hại cộng đồng và cướp đi quá nhiều sinh mạng trẻ tuổi. Các biện pháp bao gồm củng cố đội ngũ cảnh sát với 20.000 cảnh sát mới trên đường phố của chúng ta", ông nói thêm.

    Sau khi nhận được "phản hồi tích cực" cho cuộc thử nghiệm tại 15 cửa hàng của Morley's vào tháng 3, Bộ Nội vụ đã mở rộng chiến dịch, nhắm vào những người trẻ từ 10 đến 21 tuổi đến từ mọi tầng lớp.

    Nghiên cứu của bộ cho thấy 67% khách hàng của các cửa hàng gà rán có độ tuổi từ 16 đến 24, và những người tham gia thử nghiệm cũng cho biết cửa hàng thức ăn nhanh là một trong những địa điểm gặp gỡ bạn bè yêu thích của họ.

    Nhưng sáng kiến tưởng chừng ý nghĩa trên ​​đã gây ra phản ứng dữ dội và nhận về những lời buộc tội phân biệt chủng tộc.

    Bộ trưởng Nội vụ đảng đối lập Diane Abbott nói: "Thay vì đầu tư vào một phương pháp y tế công cộng giải quyết tội phạm bạo lực, Bộ Nội vụ đã chọn một chiến dịch thô thiển, gây khó chịu và có thể rất tốn kém.

    "Họ có thể làm tốt hơn nếu đầu tư vào cộng đồng của chúng ta chứ không phải biến người dân thành kẻ ác."

    Nghị sĩ đảng Lao động, David Lammy, bày tỏ: "Bộ Nội vụ đang sử dụng tiền của người nộp thuế để tài trợ cho một chiến dịch lỗi thời.

    "Boris Johnson đã gọi người da đen là những ‘pickaninny với nụ cười dưa hấu.’ (pickaninny là từ phân biệt chủng tộc, ám chỉ những đứa bé da màu).

    "Bây giờ thì chính phủ của ông ta lại đang tuyên truyền định kiến ​​rằng người da đen thích gà rán.

    "Ngài lãnh đạo bù nhìn lố bịch này rõ ràng là kẻ phân biệt chủng tộc hoặc một kẻ ngu ngốc không thể tin nổi.

    "Tôi biết có thể tốn thêm một chút thời gian, công sức và tiền bạc, nhưng tôi sẽ thích hơn nếu ông công bố một chương trình đầu tư vào cộng đồng địa phương của chúng ta thay vì dành năm phút cho một mánh lới quảng cáo độc hại."

    VietHome (Theo Sky News)

  • Một nhóm thiếu niên đã có hành vi phân biệt chủng tộc nhắm vào một số phụ nữ châu Á trên xe buýt ở London vào ngày 11 tháng 7.

    Một phụ nữ người Anh gốc Nhật, chủ tài khoản Instagram mang tên @saimiyamura, và bạn của cô đang ở trên xe buýt số 46 đi về phía ga Lancaster Gate thì một nhóm các thiếu niên cũng bước lên xe.

    ''4 thiếu niên này bước lên xe buýt và ngay lập tức rất ồn ào nhưng tôi không bận tâm,” cô kể lại. “Chúng đi đến hàng ghế sau xe buýt (hàng thứ hai từ dưới lên), trong khi tôi cùng bạn bè ngồi dãy ghế cuối cùng.

    Theo nữ hành khách, tình hình trở nên căng thẳng khi các chàng trai bắt đầu có hành vi quấy rối một phụ nữ châu Á khác ngồi gần phía trước xe buýt. “Một người phụ nữ châu Á ngồi trước mặt 2 thiếu niên và một tên chạm vào người phụ nữ đó và cô ấy lập tức bảo chúng dừng lại, nhưng chúng vẫn đâm thọt. Người phụ nữ bực mình và đi ra phía trước xe buýt nói với tài xế,” cô kể.

    Mặc dù tài xế xe buýt đã nhắc nhở sau khi người phụ nữ khiếu nại, nhưng đám thanh niên vẫn chưa dừng lại.

    “Tài xế hỏi: 'Ai đã làm?’ và tất cả bọn chúng đều chối biến. Tài xế bảo chúng xuống xe ngay lập tức nhưng chỉ có một tên đi xuống.”

    Chưa hết, hành động của tài xế lại dẫn đến tác dụng ngược. Đám thiếu niên hành động càng táo tợn hơn và bắt đầu chế giễu người phụ nữ vì gốc gác Đông Á của cô.

    “Khi một tên đã xuống xe, một cậu mặc đồ đỏ nói rằng cậu biết một bài hát rất hay trên YouTube và đến ngồi cạnh người bạn khác ở phía bên kia xe,” cô nhớ lại.

    “Cậu ta bắt đầu bật một bài hát phân biệt chủng tộc về ‘Hồng Kông’ (không thực sự chắc chắn về tên bài hát), cậu ta bắt đầu hát theo và trêu chọc người phụ nữ. Chúng quay lại nhìn tôi và khi phát hiện tôi cũng là người châu Á, chúng phá lên cười.”

    Do tài xế không chính thức yêu cầu nhóm thiếu niên rời khỏi xe, sự can thiệp của những hành khách khác có vẻ như vô ích:

    “Chúng đã bật bài hát một lúc và một người phụ nữ trên xe buýt bảo chúng dừng nhạc vì họ cảm thấy phiền phức lắm rồi. Nhưng chúng vẫn tiếp tục trêu chọc người phụ nữ châu Á. Chúng liên tục đi lại cười khúc khích.”

    Ngoài hai người phụ nữ Đông Á trên xe buýt, nhóm thiếu niên cũng bắt đầu nhắm vào một hành khách Nam Á. “Chúng nhìn người bạn Ấn Độ của tôi và bắt đầu chơi nhạc Ấn Độ và trêu chọc,” cô nói. “Người lái xe buýt chỉ nhìn qua gương và không thực sự nói bất cứ điều gì khác sau khi tên đầu tiên xuống xe.”

    Đối với một quốc gia liên tục tự hào với công dân của mình rằng họ được xếp hạng là một trong số các quốc gia ít phân biệt chủng tộc nhất ở châu Âu, Vương quốc Anh đã chứng kiến một số lượng lớn các tội ác có động cơ phân biệt chủng tộc và quấy rối các nhóm người thiểu số, đặc biệt kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 của EU.

    Đất nước này ngày càng bình thường hóa chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và định kiến ​​chủng tộc nhắm vào người Đông Á. Thậm chí, kênh CBBC còn bật đèn xanh cho một bộ phim truyền hình sitcom mang tên “Living with the Lams,” bị các nhà phê bình chỉ trích là đã sử dụng lời lẽ sáo rỗng mang tính phân biệt chủng tộc. Một báo cáo của NUS từ năm 2012 cũng cho thấy sinh viên Trung Quốc là đối tượng có nguy cơ bị quấy rối chủng tộc cao nhất ở Anh.

    VietHome (Theo Next Shark)

  • Một ông lão về hưu đã đe dọa một người phụ nữ da màu rằng “cô sẽ phải biến khỏi đây khi Brexit đến.” Vì hành vi bạo hành ngôn từ này, ông ta đã phải nhận về khoản phạt 600 bảng.

    Ông John Keogh thừa nhận sự việc xảy ra tại một nhà cái của Coral ở Peckham High Street, phía nam London.

    Người đàn ông 74 tuổi ban đầu phủ nhận, nhưng sau đó đã nhận tội vi phạm trật tự công cộng nghiêm trọng về chủng tộc.

    Các công tố viên cho biết ông đã tuôn ra một tràng lời lẽ bạo hành và phân biệt chủng tộc vì cảm thấy tức giận khi người phụ nữ đặt số tiền thắng cược £200 của ông lên quầy thay vì đặt thẳng vào tay ông.

    Ông John Keogh

    Ông ta trở nên thiếu kiên nhẫn và khi được nhận tiền, ông nói: ‘Cô sẽ phải biến khỏi đây khi Brexit đến', công tố viên Jacqui Hughes trình bày trước Tòa án Sơ thẩm Croydon.

    Người phụ nữ đã hỏi lại ý ông ta là gì và yêu cầu ông ta rời đi.

    Nạn nhân Anneka Davis kể lại ông ta đã sử dụng cụm từ phân biệt chủng tộc để gọi cô và siết chặt nắm đấm khi đến gần cô, khiến cô lo lắng cho an nguy của mình.

    Nhân viên tại chi nhánh nhận ra Keogh khi ông ta lên xe buýt vài ngày sau đó và quyết định tố cáo ông ta với cảnh sát.

    Cô Davis nói với tòa án rằng cô không thể làm việc vì quá căng thẳng trong suốt năm ngày sau vụ việc xảy ra hồi tháng 8 năm 2018.

    "Do lời lẽ của người đàn ông đó, tôi đã tự hỏi liệu tôi có được chào đón ở đất nước này với tư cách là một người da màu hay không,” cô bày tỏ.

    "Tôi sinh ra ở đất nước này và tôi đã sống ở đây cả đời. Tôi không thể quyết định việc mình sinh ra với màu da nào.”

    Luật sư biện hộ Tariq Al-Mallak cho biết thân chủ của anh mắc chứng rối loạn kiểm soát PTSD sau một vụ tai nạn xe hơi nhưng công nhận rằng “không có lời giải thích nào có thể biện minh cho hành vi đó.”

    Ông Keogh, trú tại đường Lindsey ở thành phố Bermuda, đã chấp nhận một tội danh quấy rối nghiêm trọng về chủng tộc và một tội danh sử dụng lời nói và hành vi đe dọa, lăng mạ hoặc gây gổ.

    Quan tòa Douglas Hunter đã kết án một năm tù treo và lệnh giới nghiêm hàng đêm trong 10 tuần.

    Keogh cũng phải trả 250 bảng tiền bồi thường cho bà Davis cùng chi phí tòa án 350 bảng và bị cấm đến Coral trong một năm.

    VietHome (Theo Independent)

  • Một kiến ​​nghị vừa được khởi động để ủng hộ một bác sĩ gia đình đang bị điều tra vì yêu cầu một người phụ nữ Hồi giáo vén khăn che mặt để ông có thể nghe cô nói rõ hơn.

    Khi sự việc xảy ra, bác sĩ Keith Wolverson, 52 tuổi, đang cố gắng tìm hiểu điều gì đã xảy ra với con gái của người phụ nữ, do đó, ông yêu cầu cô vén chiếc khăn niqab để nghe rõ hơn.

    Mặc dù người phụ nữ đồng ý và cô ấy không có vấn đề gì với yêu cầu này, chồng cô đã phàn nàn và những rắc rối kéo theo khiến Bác sĩ Wolverson không thể tìm được việc làm. Ông nói rằng ông đang cân nhắc việc bỏ ngành y để chuyển sang làm chuyên viên thẩm mỹ.

    Bác sĩ Wolverson đã nhận được một lá thư từ Hội đồng Y khoa về vấn đề phân biệt chủng tộc và hình phạt nặng nhất có thể khiến ông bị đuổi khỏi ngành.

    Ông nói: “Thật không may, tôi không thể làm việc vào lúc này vì tôi là một bác sĩ địa phương và không ai thuê bạn trong khi bạn đang bị GMC điều tra.

    “Tôi cảm thấy mình không có cách nào khác ngoài việc đi tìm việc khác.

    “Tôi đã nhận được rất nhiều tin nhắn hỗ trợ kể từ khi thông báo quyết định của mình, tôi cảm thấy được an ủi. Hầu hết mọi người chẳng có lý do gì để không ủng hộ tôi.”

    Hiện tại, một kiến ​​nghị đã được khởi động trực tuyến để ủng hộ vị bác sĩ.

    Bác sĩ Wolverson đã làm việc trong ngành y trong 23 năm và đang làm việc tại Bệnh viện Đại học Hoàng gia Stoke khi vụ việc xảy ra vào tháng 6 năm ngoái.

    Khiếu nại buộc tội ông đã “nhìn đểu” bệnh nhân, nhưng ông nói rằng khi đó ông chỉ đang cố gắng để hiểu rõ hơn về người mẹ nhằm tìm ra vấn đề của con cô ấy.

    Ông bày tỏ: “Tôi không phân biệt chủng tộc. Điều này không liên quan gì đến chủng tộc, tôn giáo hay màu da - nó chỉ liên quan đến tính rõ ràng trong giao tiếp.”

    GMC cho biết các chuyên gia y tế đeo khẩu trang phải cởi bỏ chúng nếu bệnh nhân thấy đó là một trở ngại trong giao tiếp nhưng không có lời khuyên nào cho tình huống ngược lại.

    Hiệp hội bác sĩ tại Vương quốc Anh đã kêu gọi phải có quy định rõ ràng.

    Người phát ngôn nói: “Mong muốn tôn giáo của bệnh nhâni cần phải được tôn trọng. Tuy nhiên, rõ ràng có một số trường hợp trong đó việc cởi bỏ niqab hoặc burka là cần thiết để đánh giá và điều trị y tế.

    “Bất kể khiếu nại này có được giữ nguyên hay không, Hội đồng Y khoa nên xem xét ban hành các hướng dẫn rõ ràng để bảo vệ cả bác sĩ và bệnh nhân của chúng tôi.”

    VietHome (Theo Metro)

  • Một đoạn video gây sốc đang được lan truyền trên mạng cho thấy hình ảnh một người phụ nữ say rượu xúc phạm một người đàn ông trên tàu điện ngầm London bởi ‘vì anh ta là gay’.

    Trong đoạn clip, người phụ nữ còn cố giật lấy điện thoại của người đàn ông trước khi nhổ nước bọt vào anh này và công khai thừa nhận muốn ‘bắt nạt’ và ‘tấn công’ anh ta.

    Cảnh sát đang kêu gọi thêm thông tin sau khi đoạn video, được quay lại trên tuyến Jubilee vào lúc 5h30 sáng 3/5, được chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội.

    Đoạn video cho thấy người phụ nữ hét lên: “Không, bởi vì mày là thằng đồng tính, tao thậm chí chỉ muốn đánh mày,” đối với người đàn ông ngồi trước mặt.

    Một nhân chứng kể lại người phụ nữ rõ ràng đã say rượu khi cô ta lên tàu đi về hướng tây tại ga London Bridge. Một người phụ nữ cố gắng xoa dịu tình hình bằng cách nói ‘Thôi nào, hãy im đi’ nhưng chẳng có ích gì.

    Người phụ nữ tiếp tục nói những câu xúc phạm đồng tính: “Tôi muốn chửi anh ta. Tôi không quan tâm tôi sẽ chửi anh ta, tôi sẽ chửi anh ta vì anh ta đã cố gắng trò chuyện với tôi.”

    Người quay video, muốn được giấu tên, cho biết nạn nhân đã cố gắng phớt lờ nhưng kẻ bắt nạt không để cho anh yên và cố gắng chạm vào mặt anh.

    Họ nói rằng anh đã rất bình tĩnh yêu cầu cô ta dừng lại cho đến khi cô ta cố giật lấy điện thoại của anh, lúc này anh đã có hành động đá vào chân người phụ nữ.

    Xem clip người phụ nữ sỉ nhục nam hành khách trên tàu điện ngầm London.

    Sau đó, cô ta nhổ nước bọt vào anh trước khi bỏ đi nhưng người quay phim nói rằng người đàn ông đó vẫn rất “bình tĩnh” và bày tỏ lòng biết ơn khi các hành khách khác đưa khăn giấy cho anh lau mặt.

    Khi người phụ nữ chuẩn bị xuống tàu, một hành khách khác túm tóc cô ta và nói: “Đừng có nói chuyện với người đàn ông đó như thế, cô còn chẳng biết anh ta. Đừng có nói chuyện theo kiểu đó.”

    Theo người quay đoạn phim, người phụ nữ hung hăng đó đã đáp lại rằng: “Nhưng mày là bạn thân của tao, tại sao mày lại làm thế với tao? Tao say, bạn bè của tao không nên để tao một mình.”

    Các nhân chứng nói rằng sau đó người phụ nữ hét to ở ga Green Park ‘Bạn yêu, bạn đang ở đâu, bạn đang ở đâu?” trước khi ngã sấp mặt xuống cầu thang.

    Cảnh sát giao thông Anh đã biết thông tin về đoạn video và kêu gọi thông tin chi tiết từ bất cứ ai chứng kiến sự việc.

    VietHome (Theo Metro)

  • Theo một nghiên cứu mới đây, những người da đen ở Anh và xứ Wales có nguy cơ bị cảnh sát chặn lại và lục soát cao hơn 40 lần so với người da trắng.

    Các số liệu được đưa ra sau khi Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid gần đây đã trao cho cảnh sát nhiều quyền lực hơn để tìm kiếm và lục soát người bị tình nghi theo lệnh số 60.

    Nếu cảnh sát có lý do hợp lý để nghi ngờ một người có mối liên hệ với tội phạm bạo lực, thì lệnh này cho phép họ tìm kiếm người trong một khu vực cụ thể.

    Nhưng một phân tích trên các số liệu năm 2018 cho thấy người da đen có khả năng bị chặn lại cao hơn gấp 40 lần so với 14 lần trong năm 2017.

    Các số liệu này được tính toán dựa trên dữ liệu nội bộ của Bộ Nội vụ, cho thấy ông Javid có thể đã biết chiến lược “triệt phá” tội phạm có thể khiến nhiều người có nguy cơ bị phân biệt đối xử.

    Dữ liệu cho thấy vào tháng 3 năm 2018, người da đen ở Anh và xứ Wales, ngoại trừ London, có khả năng bị dừng lại cao hơn gấp 26 lần, trong khi ở thủ đô con số là 12 lần.

    Người đứng đầu cảnh sát Sở Cảnh sát London, Cressida Dick, lập luận rằng các biện pháp chặn và lục soát đã giúp giảm 25% tỷ lệ giết người ở Luân Đôn so với năm ngoái.

    Nhưng các nhà vận động đã phân tích dữ liệu khẳng định biện pháp này là một ‘hành vi phân biệt đối xử và đang gây thiệt hại không thể kể xiết đối với niềm tin của cộng đồng.’

    Rosalind Comyn, thuộc tổ chức từ thiện dân quyền Liberty, bày tỏ: 'Những thống kê này cho thấy sự bất cân xứng về chủng tộc trong việc sử dụng quyền hạn của điều lệnh 60 rõ ràng đang gia tăng với tốc độ đáng kinh ngạc.”

    Bà nói thêm:' Bằng cách mở rộng thêm quyền hạn theo quy định của điều lệnh 60, Bộ Nội vụ đã thể hiện thái độ sẵn sàng bỏ qua bằng chứng và chỉ nhắm đến những dấu hiệu bắt mắt liên quan đến tội phạm dùng dao '.

    Người phát ngôn của Bộ Nội vụ cho biết dừng và lục soát là một công cụ quan trọng của cảnh sát nếu nó được sử dụng theo cách nhắm đến mục tiêu sẵn có và thật công bằng.

    Họ nói thêm: “Chúng tôi hiểu rõ rằng không ai nên bị chặn lại do chủng tộc hoặc sắc tộc của họ, và các lực lượng phải đảm bảo rằng cảnh sát sử dụng các quyền lực xâm phạm này một cách công bằng, hợp pháp và hiệu quả.”

    VietHome (Theo Metro)

  • Một cố vấn chính phủ đã bị cách chức sau những cáo buộc ông sử dụng ngôn ngữ phân biệt chủng tộc trong một cuộc phỏng vấn trên tạp chí.

    Ngài Roger Scruton, một học giả, chủ tịch Ủy ban Building Better Building Beautiful, đã bị cách chức sau khi phát biểu với tờ New Statesman rằng Islamophobia là "một từ ngữ mang tính tuyên truyền được phát minh bởi tổ chức Huynh đệ Hồi giáo để chấm dứt việc thảo luận về một vấn đề quan trọng".

    Trong cùng một cuộc phỏng vấn, ông nói "mỗi người Trung Quốc là một bản sao của một người khác" và bảo vệ lập trường chống nhập cư của Tổng thống Hungary Victor Orban, khẳng định người Hungary đã "hoảng hốt trước sự xâm lăng bất ngờ của các bộ lạc Hồi giáo đông đúc đến từ Trung Đông".

    Quý ngài Roger Scruton

    Phát biểu với các phóng viên vào giờ ăn trưa, phát ngôn viên chính thức của các quan chức nói rằng các bình luận sẽ được "xem xét", nhưng nói thêm: "Ông ấy là một cố vấn về nhà ở nên nghe có vẻ như trong những bình luận đó ông ấy không phải đang thay mặt chính phủ."

    Tuy nhiên, vài giờ sau đó, người phát ngôn của Bộ Nhà ở, Cộng đồng và Chính quyền địa phương đã xác nhận việc sa thải.

    "Giáo sư Sir Roger Scruton đã bị cách chức chủ tịch Ủy ban Building Better Building Beautiful với hiệu lực thi hành ngay lập tức sau những bình luận không thể chấp nhận được của ông," họ nói.

    "Một chủ tịch mới sẽ được bổ nhiệm bởi bộ trưởng, để tiếp tục thúc đẩy nhiệm vụ quan trọng này trong thời hạn cho phép."

    Chính phủ trước đó đã phải đối mặt với những lời kêu gọi sa thải Sir Roger vào năm ngoái vì những nhận xét mà các nhà phê bình cho là phiến diện, kỳ thị Hồi giáo và kỳ thị đồng tính.

    Bộ trưởng đảng đối lập phụ trách vấn đề phụ nữ và bình đẳng, bà Dawn Butler, trước đó đã yêu cầu sa thải ông Rogers, mô tả những bình luận của ông là "đáng khinh", cho rằng những phát ngôn đó  “là những ngôn từ của những kẻ mang tư tưởng người da trắng thượng đẳng".

    "Tuyên bố của ông ấy rằng việc kỳ thị Hồi giáo không tồn tại, một vài tuần sau vụ tấn công tàn khốc ở Christchurch, là vô cùng nguy hiểm, và quan điểm bảo vệ định kiến ​​của chính phủ Viktor Orban ở Hungary thực sự đáng sợ", bà nói thêm.

    "Bà Theresa May phải sa thải Roger Scruton ngay lập tức.

    "Nếu bà ấy không thực hiện việc này, đó sẽ lại là một bằng chứng nữa cho thấy bà ấy đang nhắm mắt làm ngơ trước những định kiến ​​và quan điểm phân biệt chủng tộc sâu sắc trong Đảng Bảo thủ, và một lần nữa sẽ chứng minh chính phủ của bà ấy tán thành những quan điểm đáng kinh tởm này."

    Trong một bài đăng trên Twitter, cựu thủ tướng George Ostern nói rằng chính phủ không có lựa chọn nào khác ngoài việc sa thải Sir Roger.

    "Hôm qua, những người bảo thủ hàng đầu đã hỏi họ có thể làm gì để kết nối lại với nước Anh hiện đại", ông viết.

    "Hôm nay, những nhận xét nghiêm trọng này đến từ người đàn ông mà họ chỉ định để tư vấn về nhà ở. Làm thế nào Downing Street có thể giữ Roger Scruton làm cố vấn chính phủ?"

    Người phát ngôn của Hội đồng Hồi giáo Anh cho biết những bình luận của Sir Roger đã nhấn mạnh sự cần thiết phải điều tra về tình trạng kỳ thị Hồi giáo trong Đảng Bảo thủ.

    "Trong khi chúng tôi hoan nghênh hành động của chính phủ, có những câu hỏi nghiêm trọng cần trả lời, ví dụ như lý do tại sao Sir Roger được bổ nhiệm ngay từ đầu", họ nói.

    "Đây không phải là lần đầu tiên ông ấy bày tỏ quan điểm đả kích Hồi giáo.

    "Đây là một dấu hiệu khác cho thấy Đảng Bảo thủ vẫn chưa nắm bắt được vấn đề Hồi giáo. Chỉ một cuộc điều tra độc lập mới có thể làm rõ mọi việc."

    VietHome (Theo Sky News)

  • Một đoạn video gây sốc đang được lưu truyền đã ghi lại cảnh một người đàn ông da trắng trèo lên ghế ngồi và đóng giả khỉ đột như một động thái tấn công chủng tộc đối với một hành khách da màu trên chuyến tàu điện ngầm ở London.

    Mohammed Dirir, 27 tuổi, đã quay video cảnh một người đàn ông da trắng xúc phạm chủng tộc đối với anh vào đêm thứ Sáu (8/3) trên một chuyến tàu thuộc tuyến Northern Line, trước khi tới ga Kennington.

    Thanh niên làm trò khỉ trên tàu.

    Anh cho biết người đàn ông này đã đóng giả làm khỉ đột trước khi anh bắt đầu quay video, vì thế anh đã yêu cầu anh ta lặp lại hành động đó để mình quay lại và đăng lên mạng xã hội.

    Mặc dù hoàn toàn ý thức được việc mình đang bị quay phim, người đàn ông da trắng vẫn nhảy lên ghế, đu lên cột và phát ra những âm thanh như tiếng khỉ kêu.

    Mặc dù bị phê phán vài lần, người đàn ông – đi cùng một nhóm sáu người da trắng – không hề có ý định xin lỗi và liên tục cười đùa trong quá trình xúc phạm người da màu.

    Anh Mohammed viết khi đăng đoạn video lên Instagram: “Phân biệt chủng tộc vẫn còn tồn tại. Gửi tới tất cả những người da màu trên toàn thế giới, hãy luôn vững vàng. Hãy cùng chấm dứt đại dịch này vĩnh viễn.”

    Một người bạn của nạn nhân cũng đăng lại video này lên Twitter và nó nhanh chóng được chia sẻ khắp nơi.

    Người đàn ông da trắng nhảy lên ghế và đu cột giống như khỉ đột.

    Người bạn viết: “Sáu người da trắng phân biệt chủng tộc đã giả tiếng khỉ kêu trên tàu để xúc phạm bạn tôi chỉ vì anh ấy là người da màu, một trong số đó còn đu lên cột và lại gần anh ấy. Họ cần được chỉ mặt và nhận hình phạt, say rượu KHÔNG phải là lý do hợp lý.”

    Mohammed chuyển đến London từ Hà Lan vào tám năm trước, và anh đang điều hành một công ty start-up.

    Anh kể với MailOnline: ''Tôi đang trên tàu và nghĩ về việc riêng của mình. Rồi 6 người đàn ông kia nhìn thấy tôi và bắt đầu làm trò khỉ trước mặt tôi. Tôi cố gắng không để tâm nhưng một người trong số đó chỉ ngón tay cái về phía tôi, ý bảo tôi đã trở thành mục tiêu. Tôi hỏi ''Anh không sao chứ?'' thế là hắn bảo tôi là đồ ngu và tôi không thể chấp nhận được''.

    ''Tôi không muốn gây sự đánh nhau. Tại sao phải giải quyết thù hận bằng thù hận, tôi không muốn thêm dầu vào lửa mà muốn dùng lòng vị tha để nêu lên vấn đề này''. 

    Phát ngôn viên của Cảnh sát Giao thông Anh cho biết họ đã được thông báo về đoạn video.

    “Chúng tôi xem xét tất cả các trình báo một cách nghiêm túc và kêu gọi bất cứ ai đã chứng kiến vụ việc hoặc có thông tin, hãy liên hệ với BTP bằng cách nhắn tin tới số 61016 hoặc gọi tới 0800 40 50 40 nêu mã số vụ việc 711 ngày 08/03/19.”

    VietHome (Theo Metro)

  • Các bạn trẻ thân mến, tuổi trẻ đầy nhiệt huyết và đam mê, sẵn sàng đương đầu với thử thách, cộng với thời giờ đã có điệu kiện hơn rất nhiều. Việc các bạn muốn lao ra đại dương, đương đầu với sóng lớn thiệt là rất tốt, rất mạnh mẽ. Nhưng khi xác định mục tiêu, các bạn đã biết gì về nước Đức, về chương trình học của Đức chưa? Tôi xin kể đôi điều về trải nghiệm của tôi ở nước Đức, dù nó không còn mới, tức là trải nghiệm này cũng lâu rồi, nhưng mong nó mang lại cho các bạn những hình dung ban đầu.

    Tôi, bước chân vào Đức khi đã có một tấm bằng đại học Mỹ và bằng C1 Đức, lúc đấy tôi từng nghĩ oách xà lách lắm, tiếng Anh tốt rồi, tiếng Đức với C1 chỉ chút xíu cố gắng là tôi ok à nghen. Vậy mà, mọi thứ đột nhiên khác hẳn.

    Thứ tiếng Đức C1 bập bõm của tôi, chỉ đủ nghe TV thời sự, chứ nghe dân (dân nhé, chứ sinh viên nói thì vẫn hiểu) nói chuyện hay nghe giáo sư giảng bài coi như lỗ tai của tôi như bị hỏng luôn rồi. Đứt cước các bạn ạ, cả nửa kỳ đầu tôi loay hoay, bài đọc và đọc tài liệu thì tất nhiên vẫn hiểu. Nhưng để nói rõ ràng cho người khác hiểu lại khác hẳn và để giao tiếp thì đúng là tôi thấy mình ngất ngơ, sao lại có thể họ cười mà tôi cũng ngoác mõm tôi ra, nhưng thực ra tôi chẳng 1 tí teo gì hiểu. Trời ơi, tôi thấy mình ngốc như 1 con bò luôn, y chang phomai bò cười. Tôi cảm thấy bị sỉ nhục.

    Trong tâm trí người Đức, chỗ đứng của người Việt chỉ là lau nhà, quét dọn, quán nhỏ, và moi móc mọi thứ, mọi ngóc ngách để tìm cách ở lại.

    Tôi đi học nhóm dành cho sinh viên nước ngoài, bình thường, là 1 Dozent (tức là kiểu master hay phd giảng bài tập hoặc bài thực hành cho sinh viên thôi). Hôm ý chắc giáo sư bị rảnh ý, hay là đầu óc không thông được vấn đế, đến nhóm nói chuyện.

    Lúc ý đã gần thi, nhóm 10 người, toàn nước ngoài, khoảng 1 chú Nga, 1 chú Ba Lan, 3 Trung Quốc, 1 Việt Nam là tôi, và vài người nước Ý gì đấy. Giáo sư hỏi, chúng mày có hiểu không, ờ, giáo sư hỏi thì trả lời, cũng tạm, hỏi bọn mày từ đâu đến, trả lời. Rồi đột ngột lão hỏi, mấy đứa Trung Quốc, mày học xong kế hoạch thế nào. Bọn nó bảo, tao muốn làm công ty lớn, học tập kĩ thuật của chúng mày rồi về nước, (vâng nó trắng trợn thế đấy), lão hỏi, nếu không có công ty nhận, bọn mày làm sao, 3 đứa bảo, về thôi. Lão gật gật cái đầu, mặt trầm ngâm.

    Quay sang tôi, giáo sứ hỏi, còn mày? Tao về, tôi trả lời thế thôi, đơn giản chỉ là tôi nghĩ nói thêm họ cũng chẳng hiểu.

    Vậy mà, Giáo sư hỏi lại, thế không phải là dù mày kém hay giỏi, ra trường hay không, mày đều tìm cách ở lại như bao người Việt khác à?

    Ôi, mặt tôi đỏ bừng bừng, tức vãi cả kèn ra luôn. Tôi trả lời luôn bằng tiếng Anh. Người Việt mày gặp không đại diện cho toàn bộ người Việt Nam. Tao không giỏi nhất, nhưng tao sẽ khá hơn phần đông. Và tao chưa bao giờ nghĩ tao sẽ ở lại đây, có làm việc tao sẽ chọn 1 nước nói tiếng Anh. Lão ý chỉ cười mỉm một cái, cái cười đó là cái gì, là mỉa mai hay chấp nhận, tôi không rõ. Nhưng tất cả các môn khác có trượt, môn ý của tôi cũng phải cao nhất, và vỗ vào mặt lão ý, cả cái đề tài của tôi luôn, rồi tôi cắp vali về nước. Đúng thời hạn, với điểm không cao nhất toàn khoa, nhưng cao nhất trong năm ấy tại module của lão.

    Tôi kể ra, không để khoe, nhưng tôi muốn nói rằng, trong tâm trí người Đức, chỗ đứng của người Việt chỉ là lau nhà, quét dọn, quán nhỏ, và moi móc mọi thứ, mọi ngóc ngách để tìm cách ở lại. Các bạn trẻ, các bạn thế hệ mới chính các bạn là người sẽ quyết định, tương lai con các bạn được người ta nhìn như thế nào. Em các bạn, con các bạn, cháu các bạn sẽ được nhìn nhận ban đầu là công nhân, là kỹ sư, là nhà khoa học hay không? Phụ thuộc đầu tiên vào việc các bạn như thế nào, cố gắng ra sao, nhân cách như nào.

    Hãy nghĩ đến bố mẹ các bạn, bố mẹ các bạn nuôi các bạn ăn, dạy các bạn học 18-20 năm trời, có điều kiện cho các bạn đi học là mong các bạn trở thành người giúp ích cho xã hội, cho đất nước và là để các bạn ngẩng cao đầu mà sống, chứ không ai muốn các bạn cúi mặt trở thành người quét rác, lau toiilet, hay làm việc chui lủi, ở một đất nước khác.

    Bởi vậy, khi bước chân vào nước Đức bạn hãy học cách sống thẳng, nếu là đi học, hãy bỏ công sức, quyết tâm và nghị lực ra học, nếu thấy không kham nổi, thì tìm hiểu chương trình Ausbildung để mà sang, khi sang thì phải quyết tâm là thực hiện mục tiêu đề ra, đừng sang chỉ vì nghĩ nước họ tốt hơn nước mình. Vì sao?

    Học tại nước Đức, các bạn phải hiểu, học ở đây rất nặng, có rất nhiều người Việt học 10 năm chưa ra được trường, hoặc phải chuyển trường liên tục. Khó khăn lớn nhất là do tiếng Đức có nhiều từ, nhiều nghĩa bóng hơn tiếng Anh rất nhiều, và người Đức nói chuyện cũng rất mỉa mai.

    Bản chất người Đức, thực sự, họ không quá phân biệt chủng tộc, không kì thị giàu nghèo, nhưng họ rất coi trọng bằng cấp và họ phân biệt tầng lớp nặng nề. Ngoài ra do lòng tự tôn với dân tộc họ rất cao, nên họ rất coi thường những người nước ngoài không có lòng tự trọng, không có nỗ lực để vươn lên. Ngoài ra, họ cũng rất thực tế, thực tế đến mức thực dụng, nếu bạn không giỏi bằng và hơn họ, họ sẽ không muốn tiếp xúc với bạn, vì tiếp xúc với bạn không đem lại cái gì cho họ. Họ sống lạnh lùng, khép kín, và chỉ mở lòng với những người thực sự hợp với họ. Nên việc giao tiếp hay không, đối với họ không quá quan trọng. 

    Thứ 2, các bạn đừng gào lên ở VN không có công ăn việc làm, đầy. Vấn đề chỉ là các bạn chê, lương thấp, nhưng tôi nói, lương VN lại đang là quá cao so với sức lao động bỏ ra. Lương ra trường có thể 3 tr, 5 tr. Nhưng sau 3 năm bạn cố gắng hết mình, mức lương đấy đã gấp đôi, thậm chí gấp 3, và sau 5-7 năm, lương ở VN cao hơn ở bên này.

    Lương bên này, khởi điểm của người nước ngoài khoảng 1200-1500eur sau khi thuế và các thể loại, thuê cái nhà ở chung với hàng tá người khác, đã khoảng 300-400, chưa kể ăn uống, chơi bời, bảo hiểm. Và sau 5 năm, nếu hết sức ưu tú, chỉ khoảng 2000-2200eur. Tiết kiệm chả được là bao nếu mỗi năm các bạn muốn về VN thăm nhà 1 lần. Chưa kể, để được đi làm bên này, các bạn phải học giỏi, điểm tốt, giao tiếp tốt. Thật sự là rất thách thức. P/S: Nhiều bạn thắc mắc về lương quá nhỉ? Thực ra tôi, chưa hề nghĩ nó quan trọng, tôi chỉ nghĩ là các bạn sang học, thì hãy học cho tốt, và làm gì để học tốt đã.

    Còn mức lương kia, là mức lương trung bình đã tính thuế bậc 4 (lương sau thuế dành cho người độc thân)

    Vậy các bạn sang bên này làm gì? Làm nhà hàng? tớ chỉ nói thế này thôi, có quá nhiều người Việt làm quán, nhưng vẫn hưởng trợ cấp cho người nghèo. Đánh giá thế nào tùy các bạn đối với tớ là XẤU. Nhưng điểm xấu mà tớ còn không thể chấp nhận được ở cái nghề này là quá PHŨ, có những người sang bên này mở nhà hàng 10 năm rồi không dám về VN vì sợ mất khách. Bố mẹ CHẾT khóc qua máy tính, vâng. Các bạn muốn con đường đi của các bạn thế nào???????

    Tôi kể ra, chỉ mong các bạn hãy trang bị cho mình, đầy đủ tâm lý và kiến thức để bước vào thực hiện giấc mơ của bạn thôi. Tôi mong thế hệ trẻ Việt Nam ra nước ngoài càng nhiều càng tốt, nhưng trước khi đi, phải tìm hiểu thật rõ, nơi mình đến, nên tôn trọng luật pháp và kỉ luật của nước mình cũng như nước sở tại. Ở Đức, tính kỉ luật rất cao, ngay cả tàu điện chỉ chậm khoảng 1 phút thôi là vô số khuôn mặt thất vọng và khó chịu rồi. Các bạn có kỉ luật không? có làm việc đúng giờ không? có thực hiện mục tiêu đúng lúc, đúng kỉ luật, đúng thời hạn hạn không?

    Điều đặt ra cho các bạn khi các bạn bước chân vào nước Đức là phải học và đặc biệt phải học tiếng Đức thật tốt. Chỉ có tiếng Đức tốt, bạn mới học được và đi làm thêm được. Xét một cách tổng quan, chương trình học ở Việt Nam cũng rất nặng lý thuyết, và nếu bạn học tốt ở Việt Nam, lượng kiến thức mới ở Đức bạn sẽ dễ dàng tiếp thu. Thế có nghĩa là tất cả chỉ là tiếng Đức của bạn, tốt nhất có thể, với tôi, nên là ở C1 trở lên hãy đi học.

    Đối với người Đức ” Lý thuyết là tối ưu của thực tế” ngược hẳn với câu ” Lý thuyết muôn đời là màu xám”. Nếu muốn được họ coi trọng, bạn phải là người hiểu họ nói, nói họ hiểu, và có kiến thức, mục tiêu sống mạnh mẽ với nghị lực bền bỉ. Và người Đức cũng có câu, “chúng tôi không muốn có một vì sao sáng, vì chúng tôi có cả một bầu trời sao”. Điều đó, có nghĩa là gì, họ không cần 1 cá nhân nổi bật, họ cần tất cả đều thành công như nhau, tất cả đều được hưởng những điều tốt đẹp, đây cũng trả lời cho câu hỏi “Vì sao kinh tế họ phát triển bền vững”.

    Về quan điểm cá nhân, tôi thấy nên tốt nghiệp đại học, ít nhất ở Việt Nam rồi hãy đi Đức, vì ít nhất các bạn đã có bằng đại học. Trong thời gian các bạn học đại học, tầm từ năm thứ 2 trở đi, hãy dành thời gian học tiếng Đức nếu muốn đi, học ở trung tâm hoặc ở trường đại học.., học thuộc lòng tất cả những gì bạn có bằng tiếng Đức, hiểu rõ từ, xem phim, ảnh, ti vi,…..Khi đó, tôi hi vọng con đường đi của các bạn sẽ đỡ gập ghềnh hơn. Tỉ lệ ra trường đúng hạn và thành công sẽ cao hơn.

    Nếu các bạn sang đây học tiếng, học DSH, các bạn sẽ đứng trước tình trạng học tiếng không thành, rồi bị về nước, như thế quả thực là rất tiếc, rất tốn thời gian, tiền bạc, các bạn xấu hổ với gia đình, bạn bè và các bạn lại muốn làm liều, lại một thế hệ Việt Nam liều khác ….. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là ai cũng bị trượt DSH, ai cũng bị về nước. Chỉ là, dù các bạn có đỗ DSH, nhưng từ DSH đến việc học tốt, và ra trường nó cũng khác nhau rất nhiều, nó cũng là một con đường rất dài và khó khăn. Hãy cố gắng cẩn thận xây tương lai của bạn từ viên gạch đầu tiên, bởi thời gian qua không bao giờ lấy lại được, và xây lại lần thứ hai bao giờ cũng khó hơn lần đầu.

    Đôi lời chia sẻ.

    Viethome (theo Mai Popo)

  • Video quay cảnh một người phụ nữ da trắng tấn công và hét những lời lẽ mang tính phân biệt chủng tộc nhằm vào một nữ hành khách gốc Á trên tàu điện ngầm ở New York, Mỹ đã được chia sẻ chóng mặt trên mạng.

    Anna Lushchinskaya dùng ô tấn công hành khách gốc Á (Ảnh chụp màn hình).

    CNN đưa tin, Sở cảnh sát New York cho hay Anna Lushchinskaya, 40 tuổi, đã bị buộc tội tấn công nghiêm trọng sau tranh cãi xảy ra trong giờ cao điểm vào một buổi sáng trên chuyến tàu D tại Brooklyn, New York.

    Video ghi lại vụ việc được một hành khách ngồi gần đó ghi lại cho thấy Lushchinskaya đã tấn công một phụ nữ gốc Á 24 tuổi. Sự việc bắt đầu khi Lushchinskaya va phải nữ hành khách gốc Á. Lushchinskaya hét lớn với những từ ngữ thô tục nhằm vào người phụ nữ, trước khi buộc tóc gọn gàng và cất kính vào túi để tấn công nữ hành khách.

    Lushchinskaya bị ghi hình cảnh cầm ô và chìa khóa tấn công hành khách gốc Á, trong khi miệng liên tục chửi rủa. Khi những hành khách khác can thiệp để ngăn cản Lushchinskaya, cô này giận dữ chống cự nhưng vẫn không ngừng tấn công nữ hành khách trên cùng tàu điện ngầm.

    Cảnh sát cho biết nữ hành khách gốc Á đã bị chảy máu với những vết xước trên mặt. Một hành khách khác can ngăn cũng bị thương nhẹ. “Tôi may mắn vì cô ta không mang những thứ như vũ khí trên người, như dao và súng, vì nếu như vậy tình hình có thể nghiêm trọng hơn nhiều”, hành khách gốc Á giấu tên cho biết sau vụ việc, theo chương trình Channel 7 Eyewitness News tại New York.

    Lushchinskaya đã bị buộc tội tại tòa hình sự quận Kings ở New York sau vụ việc. Cô này không thừa nhận phạm tội và đã nộp 1,000 USD tiền thế chân để rời tòa. Sau đó cô này tiếp tục phải hầu tòa vào ngày 22/1.

    Video về vụ việc trên đã thu hút 4,5 triệu người xem và hơn 1.700 bình luận khi mới xuất hiện trên mạng. Một số người phàn nàn rằng những người xung quanh đã không hành động đủ mạnh để chấm dứt vụ tấn công.

    Đây là lần thứ 2 Lushchinskaya bị bắt giữ liên quan tới các vụ cãi cọ trên tàu điện ngầm tại New York. Hồi tháng 6, cô này cũng bị bắt vì xịt hơi cay vào một phụ nữ và một nam giới. Lushchinskaya đã bị buộc tội gây rối, đe dọa bằng vũ khí và âm mưu tấn công.

    Viethome (theo Dân Trí)

  • Đạo diễn trẻ Lê Bình Giang trong một buổi giao lưu, khi được hỏi về cảm giác lần đầu đến Ba Lan, đã trả lời là mới chỉ trong vòng mấy ngày có mặt tại Ba Lan thôi mà đã gặp hiện tượng kỳ thị, phân biệt chủng tộc.

    Đạo diễn trẻ hỏi lại người dẫn buổi giao lưu và khán giả: "Phải chăng người Ba Lan không ưa thích người châu Á?"

    Người dịch, một cô gái Việt Nam thế hệ hai, đã bỏ mất phần hai của câu về sự phân biệt chủng tộc.

    Nhưng có thể nói đây là lần đầu tiên một người Việt nói về vấn đề kỳ thị trên một diễn đàn công cộng nằm bên ngoài những diễn đàn, hội thảo, hội nghị do các tổ chức phi chính phủ của Ba Lan tổ chức.

    Nhiều người Việt Nam ở Ba Lan đi lên từ nghề buôn bán quần áo.

    Gia tăng và lan sang cả người Việt

    Hiện tượng kỳ thị phân biệt đối xử đối với người nước ngoài, nhất là từ Phi châu, gốc Ả Rập, đạo Hồi tại Ba Lan là có và càng ngày càng gia tăng. 

    Tại các thành phố lớn như thủ đô Warszawa hay Kraków, điều này thường xuyên diễn ra, và đối với những người di dân nói trên hiện tượng này xuất hiện nhiều dưới dạng bạo lực.

    Hiện nay Ba Lan có chính phủ cánh hữu, thiên về dân tộc chủ nghĩa và họ dường như coi thường vấn đề này, không dứt khoát lên án, loại trừ.

    Theo nhiều chính trị gia đối lập thì chính phủ của Đảng Pháp luật và Công lý (PiS) còn khuyến khích tinh thần bài ngoại.

    Nhiều chính trị gia cánh hữu đã công khai bài ngoại, và đổ cho người di dân mang tới Ba Lan 'nguy cơ truyền bệnh' và những tệ nạn xã hội, là nguyên nhân của những hành xử tiêu cực.

    Họ cho rằng hạn chế nhập cư, nhất là người dân từ các nền văn hóa và tôn giáo khác, là để đảm bảo cho nền an ninh quốc gia, cho an toàn cho người dân và cho sự thịnh vượng và hạnh phúc cho người dân Ba Lan.

    Một yếu tố nữa có tác dụng mạnh cho vấn đề này là truyền thông quốc gia, Đài truyền hình TVP và đài phát thanh PR nằm hoàn toàn trong tay đảng cầm quyền và hoàn toàn thực hiện các chính sách của cánh hữu dân tộc chủ nghĩa.

    Có thể nhận thấy, tuy không phải thật sự rõ nét, có những yếu tố "bài Việt" trong chương trình của đài truyền hình quốc gia Ba Lan. Những tin tức, những phóng sự nhấn mạnh đến tính tiêu cực của cộng đồng người Việt, ngay cả trong thế hệ thứ hai, đã được phát sóng trong năm nay.

    Song song với vấn đề phân biệt và kỳ thị các xu hướng phát-xít và dân tộc chủ nghĩa khá phổ biến và gia tăng tại Ba Lan, nhất là trong giới trẻ.

    Đầu năm nay một phóng sự đặc biệt của các nhà báo Ba Lan của đài truyền hình tư nhân TVN đã đưa các hình ảnh các cuộc gặp gỡ của các nhóm tân Nazi Ba Lan, tôn thờ Adolf Hitler và cùng các nhóm tân Nazi của Đức hô lớn "Sieg Heil!".

    Người nước ngoài gốc Á châu, Đông Nam Á, người Việt Nam gặp phải kỳ thị và phân biệt chủng tộc thường dưới dạng nhẹ hơn là chỉ qua cử chỉ và lời nói. Chính vì vậy các trường hợp này ít xuất hiện trên truyền thông Ba Lan và trong cộng đồng người Việt thường có khái niệm nhẫn nhục và chấp nhận, hoặc tự vệ bằng cách trả thù vặt… sau lưng.

    Nhân làn sóng các bình luận mang tính kỳ thị, phân biệt chủng tộc nổ ra khi một sinh viên Ba Lan gốc Việt, Ola Nguyễn Minh Tâm, đạt danh hiệu Vua đầu bếp của cuộc thi MasterChef Ba Lan.

    Trang web của đài TVN tổ chức ra cuộc thi đã phải xóa bỏ nhiều bình luận của người xem truyền hình Ba Lan không chỉ đả kích các ứng viên Việt Nam và Romania, mà còn cho rằng cuộc thi không nên để một cô gái gốc Việt chiến thắng.

    Cô gái Việt chiến thắng Masterchef Ba Lan.

    Đây là dịp cộng đồng Việt Nam tại đây có cơ hội bàn về vấn đề này.

    Không phải là nhà xã hội học cũng có thể nhận thấy rằng hiện tượng xuất hiện nhiều hay ít phụ thuộc vào môi trường làm việc, môi trường sống và những yếu tố cá nhân của mỗi một người.

    Đối với người Việt thế hệ thứ nhất tại Ba Lan, nhất là những người mới sang, không biết tiếng Ba Lan không biết nhiều về văn hóa và xã hội Ba Lan thì "không hiểu, không biết, nhẫn nhục và chấp nhận" là phản ứng thường xuyên và phổ biến.

    Nhưng tệ hơn là nhiều thanh thiếu niên Ba Lan, ngay cả trong nhà trường, có xu hướng kỳ thị phân biệt với các bạn đồng lứa gốc Việt Nam của mình. Việc gọi các bạn Việt Nam bằng từ miệt thị, hoặc nói bóng gió về màu da, màu tóc được nhiều gia đình ghi nhận qua lời kể của con em họ.

    Như đã nói ở trên hiện tượng có xu thế gia tăng và được nhiều chính trị gia, chính khách chấp nhận như là để bảo vệ cho tính thuần chủng của dân tộc Ba Lan, tính yêu nước và chủ nghĩa dân tộc của mình.

    Nếu kỳ thị và phân biệt chủng tộc không có ý nghĩa đặc biệt với người Việt trưởng thành, thế hệ thứ nhất, thì hiện tượng này trong nhà trường và xã hội đối với các cháu thanh thiếu niên gốc Việt lại là một vấn đề nghiêm trọng mà cả chính quyền Ba Lan và cộng đồng người Việt vẫn chưa những phương pháp đối phó, phản ứng thích hợp.

    Người Việt có những hạn chế cố hữu

    Những hạn chế trong cộng đồng Việt Nam cũng tạo thuận lợi cho sự kỳ thị và phân biệt chủng tộc.

    Người Việt có mặt tại Ba Lan đáng kể từ sau năm 1989, ngoài thế hệ sinh viên nghiên cứu sinh và gia đình họ, xuất hiện những người sang Ba Lan trực tiếp từ Việt Nam và từ các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa khác.

    Thông cảm, thương hại, đồng cảm hoặc miễn cưỡng chấp nhận là tình cảm chung của người Ba Lan trong vòng hai chục năm sau khi họ dành lại tự do và dân chủ cho người Việt.

    Về nghề nghiệp, người Việt có mặt chủ yếu trong ngành buôn bán và ẩm thực, nơi họ phải tiếp xúc hàng ngày với người bình dân Ba Lan, và va chạm trong giao tiếp liên quan đến tiền bạc, chất lượng hàng hóa, dịch vụ là đương nhiên.

    Gần 30 năm sau Hội nghị Bàn tròn năm 1989, thay đổi thể chế từ xã hội chủ nghĩa sang dân chủ, cộng đồng người Việt tại Ba Lan cũng như tại các nước hậu cộng sản, đã phát triển mạnh và có nhiều thay đổi, có những gương mặt tươi sáng của thế hệ thứ hai.

    Nhưng trong nhiều khía cạnh thì nhiều thành viên của cộng đồng này thật sự đã dậm chân tại chỗ.

     

    Trong số họ luôn có những nhóm mới sang, luôn có đại đa số không biết và không muốn biết tiếng nói và văn hóa của nước sở tại.

    Cũng luôn có những nhóm chỉ muốn nhanh chóng làm giàu - bất chấp pháp luật - để quay về Việt Nam sinh sống.

    Luôn có những người sẵn sàng giết chó tại đây để làm thịt vì thịt bò, thịt lợn… quá thừa mứa và nhàm chán.

    Và nếu không thể giết thịt tại chỗ, họ sẵn sàng nhập khẩu trong vali sau mỗi một lần về Việt Nam.

    "Nhập gia tùy tục" chỉ là những khẩu hiệu suông như vô vàn các khẩu hiệu khác từ Việt Nam.

     

    Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, ông Ngô Văn Tưởng, cựu sinh viên du học Ba Lan và hiện sống tại Warsaw.

    Viethome (theo BBC)

  • Cổ động viên đội bóng Chelsea, ông Colin Wing – người bị buộc tội có lời nói phân biệt chủng tộc đối với Raheem Sterling – đã bị đuổi việc.

    Người đàn ông 60 tuổi này cho biết ông đã gọi cầu thủ Anh này là ‘tên khốn Manc’ chứ không phải ‘tên khốn da đen’. Ông bác bỏ cáo buộc dùng từ ngữ mang tính phân biệt chủng tộc. Cổ động viên đến từ Beckenham này cũng cho biết ông đã bị mất việc vì vụ rắc rối này. Nhưng ông không tiết lộ nghề nghiệp của mình là gì.

    Ông Wing nói: “Tôi thực sự xấu hổ vì hành vi của mình và cảm thấy rất tồi tệ. Tôi đã ủng hộ đội Chelsea suốt 50 năm và vì vị trí ngồi của mình, hầu như tuần nào camera cũng quay được mặt tôi. Nếu tôi từng nói những lời lẽ như vậy, có thể tôi đã bị bắt từ lâu rồi. Không có ai ngồi gần tôi nói rằng họ nghe thấy tôi nói vậy.

    “Tôi muốn được xin lỗi Raheem và hy vọng cậu ấy là người tốt bụng hơn tôi và chấp nhận lời xin lỗi này. Tôi muốn gửi tới cậu ấy lời xin lỗi chân thành nhất. Kể cả khi nó không phải là hành vi phân biệt chủng tộc, tôi cũng không đúng khi nói như vậy. Ngay cả việc chửi thề cũng đã là quá tệ - nhưng khi đó tôi không kiểm soát được mình.

    “Tôi đã hành động mù quáng, nhưng giờ đây tôi đã bị mất việc và vé tham dự mùa giải, vì thế mọi người đều có được thứ mà họ muốn rồi. Vậy thì tại sao không làm ơn để cho tôi yên?”

    Phát ngôn viên cảnh sát cho biết: “Chúng tôi đã biết đến đoạn video được chia sẻ trên mạng, trong đó có người bị buộc tội dùng lời lẽ phân biệt chủng tộc với một cầu thủ. Chúng tôi đang tiếp tục xem xét đoạn băng và CCTV để xác định xem có hành vi vi phạm pháp luật hay không. Hiện chưa có ai bị bắt giữ và việc xét hỏi vẫn đang tiếp tục.”

    Raheem Sterling trong trận đấu với Chelsea hôm thứ Bảy.

    Phát ngôn viên giải Premier League nói: “Câu lạc bộ và cảnh sát đang nghiêm túc điều tra vấn đề nghiêm trọng này. Premier League và các câu lạc bộ đều phản đối tất cả các hành vi phân biệt trong bóng đá và nếu bất cứ ai được phát hiện có hành động tấn công chủng tộc đối với cầu thủ thuộc Premier League, họ sẽ bị trừng phạt. Chúng tôi sẽ ủng hộ tất cả các động thái của câu lạc bộ cũng như chính quyền.”

    Câu lạc bộ Chelsea đã đình chỉ vé của bốn người hâm mộ sau vụ việc của Raheem Sterling. Câu lạc bộ cho biết các cổ động viên bị cấm tới xem những trận đấu trong tương lai và họ đang hợp tác với Cảnh sát London để điều tra vụ việc.

    VietHome (Theo Birmingham Live)