Cặp vợ chồng thắng kiện £120k sau khi bị cấm nhận con nuôi vì lý do chủng tộc

Một cặp vợ chồng Sikh đã được trao gần 120.000 bảng tiền bồi thường sau khi bị dịch vụ nhận con nuôi địa phương từ chối vì lý do họ là người gốc Ấn Độ.

Sandeep và Reena Mander kiện The Royal Borough of Windsor và Hội đồng Maidenhead trong một vụ việc mang tính bước ngoặt sau khi họ bị trung tâm giới thiệu nhận con nuôi Adopt Berkshire từ chối ba năm trước đây.

Cặp vợ chồng này, được tòa án Hạt Oxford trao quyết định bồi thường sau phiên điều trần bốn ngày hồi tháng trước, đã được thông báo cơ hội nhận con nuôi của họ sẽ cao hơn nếu họ tìm kiếm ở Ấn Độ hoặc Pakistan.

Ông bà Mander, những người đang ở độ tuổi 30, trú tại Maidenhead, Berkshire, đã kiện Hội đồng tội phân biệt đối xử và vụ kiện của họ đã được hỗ trợ bởi Ủy ban Bình đẳng và Nhân Quyền.

Phiên điều trần được biết khi anh Mander tuyên bố cả hai đều sinh ra và lớn lên ở Anh nhưng bố mẹ họ sinh ra ở Ấn Độ, thì cơ quan này kết luận họ khó có thể được chấp nhận là người nhận nuôi tiềm năng do ‘nguồn gốc Ấn Độ' của mình, bởi vì ở Berkshire và khu vực xung quanh, chỉ có những đứa trẻ da trắng đang chờ được nhận nuôi.

Cặp vợ chồng, được mô tả là 'người có thu nhập cao' và sở hữu một số bất động sản bao gồm cả ngôi nhà năm phòng ngủ của họ, đã trải qua bảy lần điều trị hiếm muộn không thành công. Sau đó, họ đã nhận nuôi một đứa trẻ từ Hoa Kỳ.

Thẩm phán Clarke tuyên bố mỗi người được nhận bồi thường £29.454,42 cho thiệt hại chung và khoản bồi thường thiệt hại đặc biệt tổng cộng £60.013,43 cho chi phí nhận nuôi một đứa trẻ từ nước ngoài.

Sau khi nhận phán quyết, vợ chồng Mander phát biểu: 'Quyết định này đảm bảo rằng dù bạn thuộc chủng tộc, tôn giáo hay màu da nào, bạn cũng nên được đối xử bình đẳng và được đánh giá khả năng nhận con nuôi giống như bất kỳ người nhận nuôi nào khác'.

Thẩm phán Melissa Clarke nói trong phán quyết của mình: 'Tôi thấy rằng các bị cáo trực tiếp phân biệt đối xử với ông bà Mander với lý do chủng tộc.'

Thẩm phán cũng đưa ra tuyên bố rằng hội đồng 'phân biệt đối xử trực tiếp' vì lý do chủng tộc đối với cặp vợ chồng trong việc cung cấp dịch vụ nhận con nuôi.

Nhưng bà đã từ chối cáo buộc của gia đình Mander rằng họ cũng đã phải chịu sự phân biệt đối xử theo Điều 12 của Công ước Nhân quyền Châu Âu và quyền 'tìm kiếm một gia đình'.

Trong bản án của mình, Thẩm phán Clarke nói: 'Tôi cho rằng có bằng chứng rõ ràng cho thấy ông bà Mander, những người bày tỏ sẵn sàng xem xét nhận một đứa trẻ thuộc bất kỳ dân tộc nào, đã nhận được cách đối xử ít thuận lợi hơn so với một cặp vợ chồng khác.

'Tất cả những điều này được tiết lộ qua những gì nhân viên xã hội đã nói trong cuộc gọi điện thoại đầu tiên với ông Mander, cụ thể là việc Adopt Berkshire thực hiện chính sách sắp xếp con nuôi với cha mẹ đến từ cùng một chủng tộc.

'Tôi tin rằng chủng tộc là tiêu chí khiến nhân viên xã hội quyết định không sắp xếp chuyến thăm viếng lần đầu với ông bà Mander vì các bị cáo không chỉ ra được có bất kỳ tiêu chí nào khác được áp dụng bởi nhân viên xã hội đó.

'Tất cả các bằng chứng chỉ ra lời từ chối của Adopt Berkshire đối với vợ chồng Mander được đưa ra với giả định rằng việc sắp xếp bố mẹ không cùng chủng tộc sẽ không mang lại lợi ích cho đứa trẻ.

'Giả định này biến vấn đề chủng tộc thành yếu tố quan trọng khi đánh giá phúc lợi của trẻ em và chỉ khi loại bỏ giả định đó, chúng ta mới tránh được những chậm trễ gây ra bởi nỗ lực ghép cặp cha mẹ-con cái dựa theo chủng tộc, điều đã được ông Michael Gove, với tư cách là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, quy định trong Kế hoạch hành động năm 2011 và sửa đổi năm 2013 cho Đạo luật năm 2002.'

Sau phán quyết, ông Mander và vợ, người sinh ra ở Leamington Spa, Warwickshire, nói thêm: 'Chúng tôi tin rằng trải nghiệm của chúng tôi với Adopt Berkshire không chỉ là một sự kiện đơn lẻ.

'Khi chúng tôi trải qua quá trình nhận con nuôi giữa các quốc gia, chúng tôi đã bắt gặp nhiều cặp vợ chồng có trải nghiệm tương tự.

‘Chúng tôi muốn nói rõ rằng phúc lợi của một đứa trẻ là điều quan trọng nhất khi tìm kiếm người nhận nuôi.

'Tuy nhiên, việc kết hợp các giá trị văn hóa và tín ngưỡng chỉ là một trong nhiều lĩnh vực cần được đánh giá khi xem xét khả năng nhận nuôi.’

Họ nói thêm, 'Chúng tôi cảm thấy cần phải có một sự thay đổi. Đó là tất cả ý nghĩa của vụ kiện này, để đảm bảo tình trạng phân biệt đối xử như thế này sẽ không xảy ra với những người khác muốn nhận con nuôi.

'Và phán quyết mang tính bước ngoặt ngày nay sẽ đảm bảo điều này không xảy ra lần nữa.'

Một phát ngôn viên của hội đồng cho biết: 'Chúng tôi rất thất vọng về phán quyết trong trường hợp này, giờ đây chúng tôi sẽ dành thời gian để xem xét đầy đủ lại sự việc.

'Chúng tôi đã xem xét các chính sách của mình để đảm bảo chúng phù hợp với mục đích và tự tin rằng chúng tôi không loại trừ những người nhận nuôi tiềm năng với lý do chủng tộc.

'Cuối cùng, chúng tôi luôn đặt lợi ích tốt nhất của trẻ em vào bất kỳ quyết định nhận con nuôi nào và cam kết cung cấp dịch vụ nhận con nuôi tốt nhất.'

VietHome (Theo Daily Mail)