• Các hành vi thù ghét người gốc Á không chỉ gia tăng ở Mỹ mà còn xuất hiện tại châu Âu trong năm qua, khiến nhiều người không dám ra đường.

    Sự đau buồn và phẫn nộ sau khi 6 phụ nữ gốc Á thiệt mạng trong vụ xả súng gần đây tại ba spa ở Atlanta, bang Georgia đã khiến nhiều người chú ý đến tình trạng kỳ thị chủng tộc và gia tăng bạo lực với người châu Á ở Mỹ.

    Nhưng đây không chỉ là vấn đề của Mỹ. Từ Anh đến Australia, các hành vi thù ghét người gốc Á đã gia tăng tại châu Âu trong thời kỳ đại dịch. Một số chính trị gia phương Tây đã liên tục nhấn mạnh mối liên hệ giữa Trung Quốc với Covid-19 và với bối cảnh đó, những người gốc Đông Á và Đông Nam Á tại châu lục này ngày càng trở thành mục tiêu của phân biệt chủng tộc.

    ky thi o chau au 1
    Một người biểu tình mặc áo và giơ biểu ngữ có dòng chữ "ngừng thù ghét người gốc Á" tại Texas ngày 21/3. Ảnh: AFP.

    Nhưng nhiều quốc gia châu Âu, bao gồm Pháp, Đức và Bỉ, không thu thập dữ liệu nhân khẩu học dựa trên sắc tộc vì lý do lịch sử, gây khó khăn cho việc nắm được chính xác quy mô của vấn đề.

    Tại Anh, số liệu của Cảnh sát Thủ đô London cho thấy hơn 200 tội ác thù ghét với người Đông Á đã xảy ra tháng 6-9/2020, tăng 96% so với cùng kỳ năm trước.

    Peng Wang, giảng viên người Trung Quốc tại Đại học Southampton, Anh, bị 4 thanh niên da trắng trong độ tuổi 20-25 tấn công trong lúc đang chạy bộ gần nhà hôm 23/2. "Vài gã điên rồ ngồi trong xe và hét lên với tôi từ phía bên kia đường", giảng viên 37 tuổi nói. "Họ nói 'virus Trung Quốc, cút khỏi đất nước này đi, đồ khốn'".

    Khi Wang phản bác, nhóm thanh niên ra khỏi xe, đấm vào mặt và đá anh ngã nhào xuống đường.

    ky thi o chau au 1
    Giảng viên Peng Wang bị chảy máu mũi sau vụ hành hung ở Southampton, Anh hôm 23/2. Ảnh: SCMP

    Mặc dù Wang không bị thương nặng, vụ tấn công đã để lại "bóng ma tâm lý", khiến anh sợ ra khỏi nhà, lo lắng về tương lai ở Anh và sự an toàn của cậu con trai nhỏ. "Điều họ làm thật kém văn minh, không nên xảy ra điều đó trong xã hội ngày nay. Họ đối xử với tôi như một con vật", anh nói. Cảnh sát sau đó đã bắt hai nghi phạm.

    "Khi Donald Trump làm tổng thống Mỹ, ông ấy đã gọi nCoV là 'virus Trung Quốc', điều đó hoàn toàn sai", Wang nói thêm.

    Trong cuộc tranh luận hồi tháng 10 về vấn đề phân biệt chủng tộc đối với người Hoa và gốc Đông Á tại quốc hội Anh, nghị sĩ David Linden cho biết một số cử tri "đã mô tả các nhà hàng và cửa hàng bán đồ ăn mang về bị phá hoại hay tẩy chay, nhiều nạn nhân bị đấm và nhổ nước bọt khi đi trên phố, thậm chí bị lăng mạ và đổ lỗi gây ra Covid-19".

    Một cuộc thăm dò ý kiến được thực hiện vào tháng 6 cho thấy 3/4 người gốc Hoa ở Anh từng bị lăng mạ bằng từ ngữ phân biệt chủng tộc. Khi đại dịch hoành hành khắp châu Âu, các nhà hoạt động ở Tây Ban Nha và Pháp cũng bắt đầu nhận thấy vấn đề. Các chiến dịch như lan truyền từ khóa "Tôi không phải virus" được tạo ra để nâng cao nhận thức đối với tình trạng bạo lực nhắm vào người châu Á.

    Tháng 3/2020, Thomas Siu, người Mỹ gốc Hoa 30 tuổi, cho biết anh bị tấn công ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, sau khi hai người đàn ông hét lên những lời phân biệt chủng tộc liên quan đến Covid-19.

    Siu cho biết trong tháng 1-3/2020, anh bị lăng mạ 10 lần. Sau đó, anh quyết tâm không nhẫn nhịn chịu đựng mà quát lại những người kỳ thị mình. Nhưng anh bị họ đánh bất tỉnh. "Tôi luôn biết rõ rằng có phân biệt chủng tộc ở đây nhưng mọi người không thực sự thừa nhận điều đó", Siu nói.

    Susana Ye, nhà báo Tây Ban Nha 29 tuổi, người đã thực hiện một bộ phim tài liệu về cộng đồng người Hoa ở nước này năm 2019, nói với CNN rằng vấn đề bạo lực đối với người gốc Á ở Tây Ban Nha đã bị báo chí nước này coi là điều bình thường và ít đưa tin hơn.

    "Đối với nhiều người, đó không phải là vấn đề quan trọng vì nhiều nhà báo không sống trong cộng đồng người gốc Á hoặc quen biết họ", cô nói. "Họ không có quan điểm chống phân biệt chủng tộc và họ không hiểu gì về các cộng đồng khác ngoài cộng đồng của họ".

    Cô nói rằng vấn đề tội ác thù ghét ít được quan tâm ở Tây Ban Nha do rào cản ngôn ngữ, một số người lo sợ bị trục xuất, còn người cao tuổi thường có xu hướng giữ im lặng. "Mọi người lăng mạ và hành hung chúng tôi vì họ tin rằng chúng tôi sẽ không phản ứng lại", cô nói. "Họ đã quen với việc chúng tôi không lên tiếng".

    Quan Zhou Wu, họa sĩ truyện tranh sống ở Madrid, Tây Ban Nha, đồng ý với quan điểm này. "Vụ xả súng ở Atlanta không lên trang nhất của truyền thông Tây Ban Nha, đó là một tin tức siêu nhỏ, chúng tôi như người vô hình vậy", cô nói. Một báo cáo năm 2019 của chính phủ Tây Ban Nha cho thấy 2,9% người gốc Á sống ở nước này là nạn nhân của tội ác thù ghét.

    Tại Pháp, các nhà vận động cho biết đại dịch đã khiến vấn đề kỳ thị người gốc Á trở nên tồi tệ hơn. Sun-Lay Tan, phát ngôn viên của Security for All, tổ chức đại diện cho hơn 40 hiệp hội người gốc Á, nói: "Kể từ năm ngoái, nạn phân biệt chủng tộc đã trở nên rõ ràng hơn. Nhiều người công khai nói rằng họ không thích người gốc Á và không thích Trung Quốc".

    Nhóm này ước tính rằng vào năm 2019, cứ hai ngày lại có một tội ác thù ghét với người gốc Á xảy ra chỉ riêng ở khu vực Paris. Một người từng bị đánh đến trật khớp vai vào đêm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố áp đặt lệnh phong tỏa mới vào tháng 10/2020.

    Tan cho biết lần đầu tiên anh trải nghiệm chủ nghĩa bài ngoại ở Pháp là vào tháng 2/2020, khi một người đàn ông đổi chỗ trên tàu điện ngầm sau khi Tan ngồi xuống bên cạnh.

    "Cha mẹ chúng tôi bị phân biệt chủng tộc nhưng họ chấp nhận vì họ muốn hòa nhập với đất nước. Chúng tôi là thế hệ thứ hai của những người nhập cư ở Pháp, trách nhiệm của chúng tôi là lên tiếng và làm cho nước Pháp tốt đẹp hơn cho thế hệ tiếp theo", anh nói.

    Nhà làm phim Popo Fan ở Berlin, sinh ra ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, cho biết tình hình rất tồi tệ vào đầu đại dịch. Anh sợ đi ra ngoài và sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

    "Khi đại dịch mới bùng lên, tôi đã bị nhổ nước bọt, chửi rủa trên tàu điện ngầm ở Berlin", Fan nói. "Tôi không biết phải nghĩ sao, vì kẻ tấn công tôi cũng là người nhập cư. Anh ta say rượu và có lẽ có hoàn cảnh kinh tế xã hội thấp hơn. Tôi cảm thấy như xã hội Đức đã không cung cấp cho anh ấy đủ nguồn lực hoặc giáo dục về đa dạng chủng tộc và y tế cộng đồng. Anh ấy không tiếp cận được những thông tin đó".

    Tan cho rằng trách nhiệm thuộc về giới chức Đức, những người "dường như không quan tâm đủ đến các vấn đề chủng tộc". Ngay cả trước khi đại dịch bùng phát, anh đã nhiều lần bị nhắm mục tiêu trên đường phố. "Một người hét vào mặt tôi rằng 'hãy cút về Trung Quốc đi'. Cảnh sát nói rằng họ không thể làm được gì", Tan nói.

    Đây không chỉ là vấn đề của châu Âu. Một báo cáo hồi tháng ba của Viện Lowy ở Australia cho thấy hơn 1/3 người Australia gốc Hoa cảm thấy họ bị đối xử khác biệt hoặc tiêu cực hơn trong năm qua. 18% nói rằng họ đã bị đe dọa hoặc hành hung.

    Tại Anh, Kay Leong, sinh viên Singapore kể rằng một người bán hoa hồng trên phố đã hét lên "Covid-19, Covid-19" sau khi cô từ chối mua hoa. "Tôi không phải là người gốc Hoa nhưng tôi có thể tưởng tượng tất cả người gốc Á sẽ có cảm giác như nhau trước kiểu phân biệt chủng tộc này", cô cho biết. "Nhưng tôi phải nói rằng kiểu phân biệt chủng tộc hoặc đe dọa này không phải là mới, tôi đã phải đối mặt với nó kể từ khi đến London vào năm 2016 để học đại học".

    Kate Ng, nhà báo 28 tuổi người Malaysia gốc Hoa tại tờ Independent của Anh, nói rằng mặc dù tình hình ở Anh không nghiêm trọng bằng Mỹ, nó đã đủ để khiến những người gốc Đông Nam Á ớn lạnh.

    "Tôi muốn ra ngoài một mình. Nhưng tôi tự hỏi: 'Có khả năng tôi sẽ bị lăng mạ hay tấn công hay không? Nỗi sợ hãi đó là rất rõ ràng", cô nói.

    VnExpress (theo CNN)

  • Ông Danilo Yu Chang, một người gốc Á, muốn rời khỏi San Francisco, Mỹ, sau khi vô cớ bị đánh đập tới mức bất tỉnh.

    "Có kẻ bất ngờ đẩy tôi từ phía sau và đánh tôi tới mức bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, người tôi toàn là máu", Danilo Yu Chang, 59 tuổi, người Philippines gốc Hoa, đang sống ở Mỹ, chia sẻ với ABC News hôm 17/3.

    Danilo, hiện là nhân viên du lịch, cho biết ông bất ngờ bị tấn công hôm 15/3 khi đang ra ngoài ăn trưa ở Market Street, quận Mission, San Francisco, bang California, trong ngày trở lại làm việc đầu tiên kể từ khi Covid-19 bùng phát.

    Sau vụ tấn công tàn bạo vô cớ, hai mắt Chang sưng vù và ông không thể nhìn trong vài ngày. Chang cho biết khi ông trình bày với cảnh sát rằng có thể đã bị nhắm mục tiêu vì người gốc Á, các sĩ quan lại đáp rằng "không có bằng chứng cho thấy vụ tấn công được thúc đẩy do phân biệt đối xử".

    bi danh bat tinh
    Danilo Yu Chang trước và sau khi bị tấn công vô cớ ở San Francisco. Ảnh: ABC News.

    Chang nói sau khi bị đánh tới bất tỉnh, ông rất sợ San Francisco và sẽ tìm cách chuyển về gần gia đình ở Indiana hoặc Nevada. "San Francisco đang xuống cấp. San Francisco cũ đã biến mất. Mọi thứ đã biến mất và giờ bang này trở thành nơi nguy hiểm để bạn đi bộ ngoài đường phố. Nó không còn an toàn nữa", Chang nói.

    Cùng ngày Chang bị tấn công, cảnh sát San Francisco cũng nhận được tin báo một người đàn ông 64 tuổi bị đâm vào mặt, gây nguy hiểm tới tính mạng. Cảnh sát hôm 16/3 thông báo đã bắt Jorge Davis Milton, 32 tuổi, bị nghi ngờ liên quan vụ tấn công cả Chang và người đàn ông 64 tuổi.

    Hành vi phân biệt đối xử, chống người gốc Á ngày càng lan rộng ở Mỹ. Làn sóng bài Á này phần nào xuất phát từ cựu tổng thống Donald Trump, người nhiều lần gọi nCoV là "virus Trung Quốc", bất chấp sự phản đối từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và giới khoa học.

    Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên án những "tội ác hận thù" nhằm vào người gốc Á thời Covid-19, gọi đây là hành động "phi Mỹ". Ông nói thêm trong cuộc chiến chống Covid-19 ở Mỹ, rất nhiều công dân gốc Á đang xông pha nơi tuyến đầu để cố gắng cứu đồng bào, nhưng lại phải đối mặt với nỗi sợ bị tấn công khi bước chân xuống đường.

    Một nghiên cứu từ nhóm vận động chống phân biệt Stop AAPI Hate cũng cho thấy trong giai đoạn tháng 3-12 năm ngoái, đã xảy ra hơn 2.800 hành vi phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử, bao gồm cả hình thức tấn công bằng ngôn từ, nhằm vào người gốc Á.

    VnExpress (theo ABC News)

  • Chỉ trong vòng 18h, một tài khoản trên GoFundMe đã quyên góp được hơn 440.000 USD cho cụ bà Xiao Zhen Zie, nạn nhân gốc Á bị tấn công ở San Francisco, Mỹ.

    Cháu trai của nạn nhân, anh John Chen, đã thiết lập một tài khoản gây quỹ trên GoFundMe vào tối 17/3 sau vụ tấn công cụ bà gốc Á xảy ra tại San Francisco. Nạn nhân là cụ Xiao Zhen Zie, 76 tuổi bị tấn công khiến mặt bị sưng và bầm tím. Video ghi lại phản ánh của cụ về sự chống trả kẻ tấn công đến cùng đã thu hút nhiều sự quan tâm trên mạng xã hội.

    cu ba bi danh 1
    Số tiền gây quỹ cao hơn gấp 5 lần so với mục tiêu ban đầu đề ra chỉ trong 12h. Ảnh: GoFundMe.

    Người phát ngôn của GoFundMe cho biết đây là chiến dịch gây quỹ nhận được nhiều sự quan tâm nhất trên trang web vào chiều 18/3.Trong phần miêu tả chiến dịch gây quỹ, anh Chen viết: "Bà tôi đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng về tinh thần, thể chất và cảm xúc. Bà nói rằng bà cảm thấy sợ hãi khi ra khỏi nhà. Sự kiện đau buồn này đã khiến bà bị PTSD (rối loạn căng thẳng sau chấn thương)".

    15.000 cá nhân đến từ toàn bộ 50 tiểu bang Mỹ và 42 quốc gia khác đã tham gia ủng hộ. Tính đến chiều 18/3, quỹ quyên góp đã nhận được hơn 443.000 USD.

    Anh Chen cho biết trước đó, bà anh bị ung thư và mắc bệnh tiểu đường. Bà không thể tự trang trải tất cả chi phí y tế vì vậy số tiền quyên góp được sẽ được dùng để thanh toán các hóa đơn, chi phí trị liệu và điều trị sức khỏe thường xuyên.

    Vụ tấn công xảy ra vào khoảng 10h sáng 17/3 trên đường Market và Seventh, San Francisco. Trong cuộc phỏng vấn với KPIX, bà Xie cho biết khi bà đang đứng đợi đèn giao thông để qua đường, một người đàn ông đã xông lên đấm vào mặt bà mà không có lý do.

    Ngay sau đó, theo bản năng, bà đã dùng gậy gỗ đánh liên tục vào người đàn ông này khiến ông ta chảy máu và phải nhập viện.

    Ngày 18/3, Sở Cảnh sát San Francisco thông báo nghi phạm Steven Jenkins, 39 tuổi, đã bị bắt với các tội danh hành hung và tấn công người cao tuổi.

    Theo cảnh sát, trước đó nghi phạm cũng đã tấn công một người đàn ông gốc Á 83 tuổi. Nhân viên điều tra cho biết họ đang xem xét liệu thành kiến phân biệt chủng tộc có phải động cơ gây án.

    cu ba bi danh 1
    Cảnh sát San Francisco tuần tra tại khu phố Tàu. Ảnh: EPA-EFE.

    Vụ tấn công xảy ra sau một loạt vụ xả súng ngày 16/3 tại ba spa ở khu vực Atlanta khiến 8 người chết, trong đó có sáu phụ nữ châu Á.

    Thị trưởng London Breed ngày 17/3 đã chỉ đạo Sở Cảnh sát San Francisco ngay lập tức tăng cường tuần tra tại khu vực đông người gốc Á.

    Theo Zing

  • Nhà chức trách White Plains, New York, đã bắt giữ một nghi phạm bị cáo buộc hành hung một bà cụ người Mỹ gốc Á.

    Vụ việc xảy ra tối 9/3. Nạn nhân là một phụ nữ người Mỹ gốc Hàn năm nay 83 tuổi. Người phụ nữ khi đó đang đi bộ một mình gần trung tâm thương mại ở Westchester Mall, Washington Post hôm 13/3 đưa tin.

    Nghi phạm có tên Glenmore Nembhard, 40 tuổi, bất ngờ tấn công nạn nhân dù không bị khiêu khích, ngay trên con đường đông đúc.

    Nembhard được cho là nhổ nước bọt lên người nạn nhân. Nghi phạm đã đánh nạn nhân mạnh đến mức khiến bà cụ ngã đập đầu xuống đất và bất tỉnh. Khi nạn nhân tỉnh dậy, nghi phạm đã rời khỏi hiện trường, cảnh sát White Plains cho biết.

    Hanh hung 2
    Nạn nhân bị tấn công ở New York. Ảnh: ABC.

    Cảnh sát cho biết nghi phạm là một người vô gia cư. Hồ sơ cho thấy Nembhard từng bị cảnh sát bắt 4 lần trong vòng 12 tháng qua.Nembhard bị cảnh sát bắt giữ sáng 11/3 do liên quan tới vụ tấn công. Người này bị cáo buộc tội hành hung người trên 65 tuổi, và có thể phải ngồi tù tới 7 năm.

    Cảnh sát chưa bình luận liệu vụ hành hung có liên quan tới yếu tố chủng tộc hay không. Tuy nhiên, Công tố viên quận Westchester, bà Mariam Rocah, cho biết đang điều tra theo hướng đây là vụ hành hung vì thù ghét.

    Những tuần gần đây, một số vụ tấn công người cao tuổi gốc Á liên tiếp xuất hiện, cho thấy có hiện tượng những kẻ tấn công nhắm vào đối tượng người già.

    Hồi tháng 1, một người đàn ông 84 tuổi gốc Á sống tại San Francisco đã tử vong sau khi bị xô ngã xuống đất. Người này trước đó vừa trải qua một ca phẫu thuật tim. Một thanh niên 19 tuổi đã bị bắt vì tình nghi liên quan tới vụ việc.

    Zing (theo Washington Post)

  • Thành phố Minneapolis đồng ý trả 27 triệu USD để giải quyết vụ kiện của gia đình George Floyd về cái chết của anh này dưới tay cảnh sát hồi năm ngoái.

    george duoc boi thuong
    Đám đông biểu tình đòi công lý sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd tại Brooklyn, New York, hồi tháng 6/2020. Ảnh: Reuters.

    Floyd, người đàn ông da màu 46 tuổi, chết vào tháng 5/2020 sau khi bị Derek Chauvin, cảnh sát Minneapolis da trắng, ghì gối lên gáy trong gần 9 phút. Những lời cầu xin giúp đỡ khi đang hấp hối của Floyd được ghi lại trong video, châm ngòi cho một trong những phong trào phản đối lớn nhất từng diễn ra ở Mỹ.

    Tháng 7/2020, gia đình Floyd đệ đơn kiện thành phố Minneapolis lên tòa án quận. Khoản dàn xếp 27 triệu USD đã được hội đồng thành phố thông qua với tỷ lệ đồng thuận 100%. Benjamin Crump, luật sư của gia đình Floyd, ngày 12/3 cho biết đây này là thỏa thuận dàn xếp trước xét xử lớn nhất trong lịch sử Mỹ đối với một vụ kiện vì tử vong vô cớ.

    Quy mô đó biểu thị cái chết của người da màu dưới bàn tay cảnh sát "sẽ không còn bị coi là tầm thường, không quan trọng hoặc không cần trả giá", Crump nói tại cuộc họp báo có sự tham gia của người nhà Floyd, Thị trưởng Minneapolis Jacob Frey và các quan chức khác.

    Chauvin đang bị xét xử với cáo buộc giết người và ngộ sát. Chauvin không nhận tội và khẳng định anh đã làm đúng theo cách cảnh sát được huấn luyện. Ba cảnh sát khác, Tou Thao, Thomas Lane và J. Alexander Kueng cũng đối mặt với cáo buộc liên quan đến cái chết của Floyd.

    Theo VnExpress

  • Cộng đồng người Mỹ gốc Việt tổ chức buổi thắp nến truyền đi thông điệp phản đối thù ghét và phân biệt chủng tộc đối với người gốc Á.

    Buổi thắp nến được cộng đồng người Việt tổ chức ở công viên Mile Square, thành phố Fountain Valley, tiểu bang California sáng 4/3, thu hút hàng trăm tình nguyện viên tham dự, theo Los Angeles Times.

    Lúc 3h47, ngọn nến đầu tiên được thắp sáng. Những ánh đèn giống như ngọn hải đăng giữa nền cỏ xanh thẳm. Chúng được đặt thời gian để cháy sáng trong 53.000 giây, để tưởng nhớ 53.000 nạn nhân đã tử vong ở California vì Covid-19.

    Buổi thắp nến cũng gửi đi thông điệp kêu gọi chấm dứt làn sóng phân biệt chủng tộc và hành vi tội phạm chống người gốc Á trên khắp nước Mỹ.

    Alison Edwards, quan chức hạt Orange, tiểu bang California, cho biết hạt này ghi nhận hơn 40 vụ việc người gốc Á là nạn nhân của những hành vi thù ghét trong năm 2020. Con số này lớn gấp 10 lần số vụ việc ghi nhận trong năm 2019.

    Những người tổ chức buổi thắp nến ở Fountain Valley cho biết họ đặt những ngọn nến trắng vào bên trong những túi giấy màu trắng vì ý nghĩa biểu tượng của chúng. Trong văn hóa châu Á, màu trắng là màu của than khóc.

    thap nen cau nguyen 1
    Buổi thắp nến tại Fountain Valley. Ảnh: LA Times.

    Không tiếp tục cúi đầu

    Những ánh nến trong buổi thắp sáng không chỉ để tưởng nhớ, chúng cũng là tiếng nói của cộng đồng người gốc Á tại California, rằng họ sẽ không im lặng trước sự bất công, Tam Nguyen cho biết.

    Tam là người sáng lập của "Nailing It for America" - một nhóm được thành lập trong thời gian đại dịch mới bùng phát nhằm vận động quyên góp thiết bị bảo vệ cá nhân cho các nhân viên y tế.

    "Nailing It for America" sau đó dẫn đầu chiến dịch cung cấp thực phẩm cho các trung tâm y tế, nhân viên cửa hàng tạp hóa, các trại dưỡng lão, và trung tâm cư trú. Tổ chức này cũng huy động cộng đồng người gốc Việt trên khắp nước Mỹ cùng tham gia.

    Giờ đây, cộng đồng người Mỹ gốc Việt một lần nữa cùng nhau lên tiếng phản đối tâm lý bài người gốc Á, hay đổ lỗi cho người châu Á vì sự bùng phát của đại dịch Covid-19.

    "Sự điên rồ này cần phải được giải quyết, và chúng tôi không muốn ngồi một chỗ chờ người khác giúp đỡ trong khi chúng tôi có thể huy động các thành viên trong cộng đồng của mình đứng lên", Ted Nguyen, một nhà tổ chức khác của sự kiện, nói.

    thap nen cau nguyen 1
    Một nhà sư tham gia cầu nguyện tại buổi thắp nến. Ảnh: LA Times

    Không tiếp tục cúi đầu

    "Mỗi người trong chúng tôi được nuôi lớn và dạy rằng phải cúi đầu xuống mà sống, nhẫn nại, làm việc chăm chỉ, không cản đường người khác", Tam Nguyen chia sẻ.

    Tam Nguyen cho biết tình trạng phân biệt chống người gốc Á giờ đã trở thành vấn đề lớn hơn bất cứ gia đình hay doanh nghiệp nào.

    Đối với Tam Nguyen, tình trạng phân biệt đối xử hay thù ghét chống lại cộng đồng châu Á chính là bất bình đẳng xã hội, và đã đến lúc những người Mỹ gốc Á phải lên tiếng.

    "Cha mẹ chúng tôi không ở vị thế có thể lên tiếng. Cha mẹ đã làm hết sức để chúng tôi có cái ăn, chỗ ở, để chúng tôi có cái quyền xa xỉ là tổ chức sự kiện này. Việc chúng tôi thể hiện quan điểm ở đây là điều rất quan trọng", Tam Nguyen nói.

    Christie Nguyen là một tình nguyện viên tham gia buổi thắp nến. Cô gái nói việc sử dụng những cách gọi mang tính phân biệt chủng tộc về đại dịch khiến một bộ phận người dân có những hành vi thù ghét nhắm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á.

    Christie hy vọng sự kiện sẽ lan tỏa thông điệp về công bằng, chống lại những hành vi phân biệt đối xử.

    Christie cho biết khi đến Mỹ, cha mẹ cô không biết tiếng Anh và hoàn toàn tay trắng. Tuy nhiên, họ đã lao động chăm chỉ suốt cuộc đời để mang lại cho cô cuộc sống tốt đẹp hiện nay. Nhìn vào những người như cha mẹ mình, Christie cho biết cô sẵn sàng làm mọi điều cần thiết để tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn cho cả cộng đồng.

    "Tôi làm điều này là để bảo vệ những bậc làm cha, mẹ, cũng như bảo vệ tương lai của các con mình", Christie nói.

    Theo Zing

  • Người Mỹ gốc Á đã và đang phải đối mặt với nhiều nguy hiểm kể từ khi đại dịch Covid-19 tràn tới Mỹ một năm trước.

    Gần một năm sau khi suýt bị đâm chết trong một cửa hàng ở Midland, bang Texas, anh Bawi Cung và hai con trai vẫn còn những vết sẹo lớn, theo ABC News.

    Những sang chấn tâm lý còn khó vượt qua hơn. Anh Cung không dám đến cửa hàng nào mà không nhìn khắp mọi hướng để đề phòng. Đứa con trai 6 tuổi của anh giờ không thể cử động một bên lông mày và rất sợ phải ngủ một mình.

    Vào một buổi tối thứ bảy tháng 3/2020, khi người dân đổ đi mua đồ tích trữ vì dịch bệnh, anh Cung đang tìm mua gạo thì đột nhiên bị đấm mạnh vào sau đầu. Người đàn ông lạ mặt cũng rạch mặt anh bằng một con dao. Kẻ tấn công bỏ đi rồi trở lại ngay sau đó để đâm lũ trẻ. Đứa 3 tuổi bị thương ở lưng và đứa 6 tuổi bị rách một vết lớn từ mắt phải đến cách tai phải chỉ vài cm.

    Cuộc chạm trán kinh hoàng đã cho thấy những nguy hiểm mà người Mỹ gốc Á phải đối mặt kể từ khi SARS-CoV-2 xuất hiện ở Mỹ. Nhiều vụ quấy rối và tấn công vì vấn đề chủng tộc xảy ra nhiều nơi.

    gia dinh goc a o my 1
    Anh Bawi Cung và các con, nạn nhân của vụ tấn công ở Midland, Texas. Ảnh: Egypt Independent.

    Trong trường hợp của ba cha con anh Cung, FBI cho biết thủ phạm tưởng anh và các con là người Trung Quốc. Thực ra họ là cư dân đến từ Myanmar.Đến nay, những nạn nhân đầu tiên vẫn cảm thấy việc vượt qua cú sốc này rất khó khăn. Một làn sóng tấn công gần đây nhằm vào những người Mỹ gốc Á cao tuổi, bao gồm cái chết của một người đàn ông 84 tuổi ở San Francisco, đã làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng thù địch đang trở nên tồi tệ hơn.

    Cung nói anh không chắc chuyện gì sẽ xảy ra nếu một nhân viên cửa hàng, Zach Owen, không can thiệp kịp thời hôm đó.

    “Tôi đã có thể giết kẻ tấn công. Hay người đó đã có thể giết cả gia đình tôi. Tôi không biết”, Cung nói. “Chúa đã bảo vệ gia đình tôi. Chúa đã gửi Zach đến để bảo vệ gia đình tôi ngay tại đó, đúng lúc đó”.

    Owen và một nhân viên tuần tra biên giới đang nghỉ phép đã bắt giữ nghi phạm, Jose Gomez, 19 tuổi. Owen bị đâm vào chân, cùng một vết cắt sâu ở lòng bàn tay phải.

    gia dinh goc a o my 1
    Monthanus Ratanapakdee khóc thương trước cái chết của người cha 84 tuổi. Ông người đã bị tấn công khi đang đi dạo ở San Francisco và qua đời vì vết thương. Ảnh: ABC.

    Phải nhìn thẳng vào vấn đề phân biệt chủng tộc

    Tấn công bằng lời nói cũng để lại những hậu quả lâu dài.

    Vào tháng 4, Kelly Yang, một người Mỹ gốc Hoa 36 tuổi, và các con của cô cảm thấy bị tổn thương sâu sắc sau cuộc gặp gỡ tình cờ ở một công viên ở Richmond, California.

    Cô buộc phải giảng giải cho các con, một bé trai 10 tuổi và một bé gái 7 tuổi, về vấn đề phân biệt chủng tộc chống lại người châu Á. Đây là cuộc nói chuyện mà cô đã tưởng rằng mình sẽ không phải thực hiện ít nhất trong vài năm tới. Một cặp vợ chồng da trắng lớn tuổi tỏ ra khó chịu vì con chó thả rông của Yang, gọi gia đình cô là “bọn phương Đông" và hằn học: "Hãy cút về đất nước của các người đi".

    Yang giải thích với các con rằng họ xua đuổi gia đình cô "quay trở lại châu Á".

    "Điều đó có nghĩa là chúng ta không được chào đón ở đây".

    Con trai cô bật khóc.

    Yang nghĩ rằng đôi vợ chồng kia hưởng ứng Tổng thống Donald Trump khi ông sử dụng những thuật ngữ mang tính phân biệt chủng tộc như “virus Trung Quốc”. Cô rất vui khi gần đây Tổng thống Joe Biden đã ra các sắc lệnh lên án chủ nghĩa bài ngoại chống châu Á, nhưng vẫn sợ rằng nhiều người Mỹ sẽ gạt bỏ vấn đề này như thể nó đã chấm dứt khi nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump kết thúc.

    “Tôi không biết mình có thể làm được gì”, Yang, một tác giả tiểu thuyết dành cho giới trẻ dự định đưa trải nghiệm của mình vào cuốn sách tiếp theo, cho biết. "Nhưng tôi biết sẽ phải nói về nó, thừa nhận nó, ghi nhớ nó - đó là những gì chúng ta làm đối với chiến tranh - chúng ta phải ghi nhớ những gì đã xảy ra".

    gia dinh goc a o my 1
    Hai người Mỹ gốc Á đứng ngay tại nơi mẹ họ bị tấn công tại Flushing, Queens ở New York cuối tháng 3/2021. Ảnh: New York Times.

    Douglas Kim, 42 tuổi, đầu bếp, đồng thời là chủ cửa hàng Jeju Noodle Bar ở New York, chắc chắn sự phân biệt chủng tộc do Covid-19 là nguồn cơn của vụ phá hoại nhà hàng Hàn Quốc được tặng sao Michelin của ông hồi tháng 4/2020. Ai đó đã dùng dao khắc nguệch ngoạc trên cửa "Đừng ăn thịt chó", ám chỉ một định kiến về các món ăn châu Á. Tuy nhiên, Kim không báo cảnh sát.

    “Lúc đó, tôi cũng bực mình, nhưng còn nhiều việc quan trọng hơn phải lo”, Kim nói. “Duy trì công việc kinh doanh quan trọng hơn”.

    Anh đã chia sẻ bức ảnh vẽ bậy lên Instagram để kêu gọi sự phản đối hành động thù ghét. Rất nhiều người ủng hộ, nhưng rồi cũng phai nhạt dần.

    Tuy nhiên, Kim hy vọng sẽ có ít người định kiến ​​“người Mỹ gốc Á là người nước ngoài, không phải người Mỹ” hơn.

    “Tôi nghĩ tất cả là do nền tảng giáo dục”, Kim nói. “Nếu bạn nuôi dạy con theo cách đó, chúng sẽ học theo cách đó. Tôi nghĩ mọi thứ đang thay đổi nhưng vẫn chưa phải 100%. Đó là lý do có người viết điều đó trên cửa của chúng tôi".

    Gia tăng các vụ tấn công phân biệt chủng tộc

    Hơn 3.000 sự việc đã được báo cáo về Stop AAPI Hate, một trung tâm báo cáo có trụ sở tại California dành cho người Mỹ gốc châu Á - Thái Bình Dương và các nhóm vận động là đối tác của họ, từ giữa tháng 3/2020. Điều đáng thất vọng là các vụ việc thường không đủ điều kiện để được ghi nhận là tội ác do thù hận.

    Tuy nhiên, cảnh sát ở một số thành phố lớn đã xác nhận ​​sự gia tăng mạnh mẽ những tội phạm do thù ghét nhắm vào người châu Á từ năm 2019 đến 2020, theo dữ liệu thu thập bởi Trung tâm Nghiên cứu về Chủ nghĩa thù hận & cực đoan, Đại học Bang California, San Bernardino. New York tăng từ 3 lên 27 vụ việc, Los Angeles từ 7 lên 15 và Denver có 3 vụ vào năm 2020 - lần đầu tiên được ghi nhận ở đó sau 6 năm.

    gia dinh goc a o my 1
    Người gốc Á mua đồ trang trí Tết Nguyên đán ở San Francisco. Ảnh: New York Times.

    Một loạt tội ác với nạn nhân là những người Mỹ gốc Á cao tuổi trong hai tháng qua đã làm dấy lên làn sóng phản đối kịch liệt khiến các chính trị gia và giới truyền thông chú ý hơn. Ngày 24/2, Thống đốc bang California, Gavin Newsom, đã ký ban hành Dự luật phân bổ 1,4 triệu USD cho Stop AAPI Hate và Trung tâm Nghiên cứu Người Mỹ gốc Á của UCLA. Khoản tài trợ sẽ dành cho các nguồn lực cộng đồng và theo dõi các vụ việc chống lại người gốc Á.

    Các quan chức và công dân địa phương cũng đã dành nhiều sự chú ý. Việc tăng cường sự hiện diện của cảnh sát, tình nguyện tuần tra và đường dây nóng đặc biệt về tội phạm đang có hiệu quả. Các thương hiệu lớn có trụ sở tại Bay Area như Golden State Warriors và Apple đã cam kết quyên góp hỗ trợ này.

    Cynthia Choi của Stop AAPI Hate mong muốn tin tức sẽ không chỉ tập trung vào những vụ việc mới nhất mà còn phổ biến các giải pháp đang được thảo luận. Chính sách và việc truy tố không nhất thiết phải là câu trả lời. Những vụ tấn công vì thù ghét bắt nguồn từ quan điểm chống lại người gốc Hoa và người nhập cư đã tồn tại hơn một thế kỷ qua. Cô và những người ủng hộ khác cho rằng đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và các nguồn lực cộng đồng có thể giúp giải quyết vấn đề gốc rễ đó. Choi nói thêm việc bài ngoại chống người châu Á nên trở thành một phần trong những cuộc đàm phán về phân biệt chủng tộc đang diễn ra.

    “Công việc của chúng tôi nhằm giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc chống người gốc Á cũng gắn bó chặt chẽ với việc chống lại sự phân biệt chủng tộc chống người da đen”, Choi nói. “Điều đó sẽ cần đến tất cả chúng ta, sẽ cần đến những nỗ lực giáo dục cộng đồng, sẽ cần đến những nỗ lực đoàn kết mọi chủng tộc để thực sự mang cộng đồng của chúng ta lại với nhau”.

    Trước khi nhập cư vào Mỹ 6 năm trước, Cung chưa bao giờ gặp phải sự phân biệt chủng tộc. Bây giờ, anh cảm thấy khó khăn khi nghe những câu chuyện về bạo lực chống người Mỹ gốc Á. Thời điểm đầu sau vụ tấn công, Cung vật lộn với suy nghĩ Gomez đã cố giết anh chỉ vì ngoại hình. Bây giờ, anh chỉ cầu nguyện cho kẻ tấn công mình.

    Gomez vẫn đang bị giam giữ vì ba tội danh cố ý giết người. Hình phạt cuối cùng tùy thuộc vào tòa án.

    “Tôi có thể tha thứ cho anh ta, nhưng chúng tôi không thể chấp nhận sự phân biệt chủng tộc hay sự tấn công khủng bố kiểu đó”, Cung nói. Anh đã nhận được hơn 20.000 USD quyên góp giúp đỡ trực tuyến.

    Cung hướng tới ổn định cuộc sống như một công dân Mỹ mới nhập tịch ở đất nước “tôn trọng mọi người”. Cung không màng chuyện mình có thể không phù hợp với suy nghĩ của một số người về nước Mỹ phải như thế nào.

    “Có thể cá nhân họ phân biệt chủng tộc”, Cung nói. “Tôi không quan tâm. Tôi tự hào là một người châu Á và người Mỹ gốc Á”.

    Theo Zing

  • ALHAMBRA, California (NV) – Một trường mẫu giáo do người Á Châu làm chủ bị trét phân lên cửa trước vào hôm Thứ Sáu, 12 Tháng Hai, tức ngày Mùng Một Tết.

    Theo đài ABC 7, trường mẫu giáo bị tấn công có tên Little Sunshine trên đường Valley ở Alhambra.

    truong mau giao bi tret phan
    Trường mẫu giáo Little Sunshine ở Alhambra. (Hình: Google Maps)

    Vào sáng Mùng Một Tết, ông Bo Ma, chủ trường mẫu giáo đến trường thì phát hiện một thông điệp được viết bằng phân người trên cửa trước.

    Ông thấy vậy liền gọi cảnh sát, và cho biết thông điệp đó ghi “Chúng con yêu tiền của mẹ.”

    Sở Cảnh Sát Alhambra cho biết họ đang điều tra sự việc này.

    Thị Trưởng Sasha Renee của Alhambra nói, thành phố sẽ làm mọi cách để học sinh và phụ huynh của trường mẫu giáo Little Sunshine cảm thấy an toàn.

    Bà còn kêu gọi cộng đồng gọi 911 ngay lập tức sau khi thấy các hành vi khả nghi.

    Hôm sau, ông Ma dùng mạng xã hội để cám ơn sự giúp đỡ của thị trưởng và sở cảnh sát, cũng như cám ơn sự ủng hộ của cộng đồng sau khi nghe tin trường mẫu giáo bị tấn công.

    Nhiều người cho rằng đây là một vụ kỳ thị người Á Châu trong đại dịch COVID-19.

    Trong năm 2020, khắp Hoa Kỳ có đến hơn 2,800 vụ thù ghét người gốc Á Châu, và 10% trong số đó xảy ra tại Los Angeles County, trong đó có thành phố Alhambra.

    Theo Người Việt

  • Ít nhất ba cuộc tấn công nhắm vào người Mỹ gốc Á ở Bay Area đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng kỳ thị chủng tộc liên quan đến đại dịch Covid-19.

    Trong cuộc họp báo ở khu China Town, thành phố Oakland, hôm 8/2, chưởng lý hạt Alameda, bà Nancy O'Malley, đã thông báo việc thành lập một đơn vị phản ứng đặc biệt. Đơn vị chuyên điều tra các vụ phạm tội nhắm vào người châu Á, đặc biệt là người cao tuổi.

    Bà O'Malley phát biểu: “Hành vi phạm tội nhắm vào cộng đồng người châu Á, đặc biệt là người Mỹ gốc Hoa, có xu hướng gia tăng tại hạt Alameda. Đây là điều không thể dung thứ”.

    nguoi goc a bi kt 1
    Hình cắt từ video vụ một người gốc Á cao tuổi bị tấn công hôm 31/1 ở khu Chinatown tại Oakland. Ảnh: Twitter.

    "Hoạt động tội phạm không chỉ xuất hiện ở khu China Town hay cộng đồng gốc Á. Xu hướng này gia tăng trên toàn thành phố, trên toàn địa phận hạt. Song trong thời gian gần đây, số vụ phạm tội nhắm vào người gốc Á lại gia tăng đáng kể”, bà O'Malley nhận xét.Chính quyền địa phương thành lập đơn vị đặc nhiệm sau khi khu vực bắc California ghi nhận hai vụ tấn công nhắm vào người gốc Á hồi tuần trước. Riêng khu China Town của thành phố Oakland cũng có nhiều vụ việc tương tự.

    Kỳ thị người gốc Á

    Tại thành phố San Francisco, ông Vicha Ratanapakdee, 84 tuổi, đến từ Thái Lan, đã qua đời sau khi bị tấn công bất ngờ vào sáng 28/1, chưởng lý hạt San Francisco, ông Chesa Boudin, cho biết.

    Cảnh sát đã bắt giữ nghi phạm là một thanh niên 19 tuổi. Người này bị tình nghi giết người và ngược đãi người cao tuổi. Ông Boudin cho biết trong một tuyên bố: “Đây là một vụ tấn công khủng khiếp và vô nghĩa. Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến gia đình ông Ratanapakdee”.

    Tại khu China Town thuộc thành phố Oakland, cảnh sát tiếp tục ghi nhận một vụ hành hung vào trưa 31/1. Cụ thể, một người đàn ông đã xô ngã ba người cao tuổi, khiến họ bị thương nặng. Các nạn nhân là một cụ ông 91 tuổi, một cụ ông 60 tuổi và một phụ nữ 55 tuổi.

    Theo hồ sơ tòa án, nghi phạm là một người đàn ông 28 tuổi, bị cáo buộc 3 tội danh. Đến ngày 1/2, người này bị đưa vào trại tâm thần vì một vụ hành hung khác.

    nguoi goc a bi kt 1
    Diễn viên Daniel Wu trao thưởng 25.000 USD cho thông tin tố giác những kẻ tấn công. Ảnh: KGO

    Hai vụ việc nói trên dường như không có mối liên hệ trực tiếp với nhau. Cảnh sát cũng chưa tìm ra động cơ gây án của các bị cáo. Song các vụ tấn công làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng kỳ thị chủng tộc liên quan đến đại dịch Covid-19.

    Ông John C. Yang, lãnh đạo của tổ chức dân quyền người Mỹ gốc Á Advance Justice, cho biết: “Đây là một bi kịch, và thật không may, xu hướng này đang gia tăng trong những năm qua. Có nhiều vụ việc bắt nguồn tự sự kỳ thị virus corona”.

    Ngay cả cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nhiều lần đưa ra những phát ngôn gây tranh cãi về cách gọi chủng virus chết người này, nhằm ám chỉ nơi khởi phát đại dịch là thành phố Vũ Hán. Sau đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chọn cái tên “Covid-19” để mọi người tránh liên hệ đại dịch với địa điểm cụ thể.

    Trên thực tế, một số lượng lớn người Mỹ gốc Á đã trải nghiệm việc bị phân biệt chủng tộc sau khi đại dịch hoành hành trên toàn cầu.

    Một nghiên cứu của tổ chức Pew hồi tháng 6/2020 cho biết gần 1/3 người Mỹ gốc Á phải chịu đựng lời sỉ nhục, chế nhạo có liên quan đến đại dịch. Đáng chú ý, có 26% người tham gia khảo sát nói họ lo sợ bị tấn công.

    Chống lại nạn kỳ thị chủng tộc

    Nhà hoạt động Amanda Nguyen mới chia sẻ một đoạn video, trong đó cô nêu bật những vụ tấn công, kỳ thị chủng tộc nhắm vào người châu Á. Hai diễn viên Daniel Wu và Daniel Dae Kim còn trao thưởng 25.000 USD cho thông tin tố giác những kẻ tấn công ở khu China Town, thành phố Oakland.

    Diễn viên Daniel Wu, một người lớn lên ở Bay Area, cho biết phần thưởng nhằm thu hút sự chú ý của dư luận về tình cảnh nguy cấp mà người gốc Á phải chịu đựng.

    "Chúng tôi bị tấn công trên nhiều cấp độ. Trong cộng đồng này, có những vụ phạm tội lặt vặt và họ coi chúng tôi là mục tiêu dễ dàng”, ông Wu nói. "Nhưng ở quy mô lớn hơn, nhiều người tin vào luận điệu phân biệt chủng tộc, đổ lỗi cho chúng tôi gây ra đại dịch”.

    “Do đó, người châu Á trên toàn thế giới đang trở thành mục tiêu của nạn kỳ thị chủng tộc. Chúng tôi có thể bị tấn công, bị xô đẩy, bị phỉ báng”, ông Wu lập luận.

    Chưởng lý hạt O'Malley thừa nhận tác động đặc biệt của tình trạng kỳ thị người gốc Á.

    Bà Des To, chủ tiệm bánh Alice Street ở khu phố China Town thuộc Oakland, cho biết các vụ tấn công gần đây còn liên quan đến truyền thống đón Tết Nguyên đán của người gốc Á.

    "Họ biết rằng đã gần đến Tết Nguyên đán nên người gốc Á sẽ ra ngoài mua đồ và mang theo nhiều tiền mặt hơn. Do đó, tôi tin năm nay sẽ có nhiều vụ trộm cắp hoặc những vụ phạm tội tương tự”, bà chia sẻ với CNN.

    Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã thực hiện một giải pháp khác biệt, nhằm giải quyết vấn đề này. Trong tuần đầu nhậm chức, ông Biden đã ký một bản ghi nhớ, thừa nhận "những lời lẽ quá khích và tâm lý bài xích đang khiến cộng đồng người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương (AAPI) gặp nhiều rủi ro".

    Bản ghi nhớ cũng chỉ đạo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh nghiên cứu, ban hành hướng dẫn phòng chống và thích ứng với đại dịch Covid-19, dành riêng cho cộng đồng AAPI.

    Phóng viên Weijia Jiang của CBS News đã hỏi Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 8/2 rằng liệu chính quyền Biden có thực hiện các bước tiếp theo để giải quyết vấn đề này hay không và liệu tổng thống đã xem các đoạn video tấn công người gốc Á hay chưa.

    Thư ký Psaki đáp: "Tôi không biết ông ấy đã xem các video hay chưa. Song ông ấy lo ngại về sự phân biệt đối xử, các hành động chống lại cộng đồng người Mỹ gốc Á. Đó là lý do tại sao ông ấy ký lệnh hành pháp, ông ấy thẳng thắn nói rằng các cuộc tấn công, dưới bất kỳ hình thức nào, đều không thể chấp nhận được và chúng ta cần hợp tác để giải quyết điều này”.

    Theo Zing

  • Phong trào Black Lives Matter (BLM) được nghị sĩ Na Uy Petter Eide đề cử Nobel hòa bình 2021 vì những ảnh hưởng của nó lên phong trào đòi bình đẳng chủng tộc trên thế giới.

    nobel hoa binh 1
    Một cuộc biểu tình Black Lives Matter ở Washington, Hoa Kỳ, tháng 11-2020 - Ảnh: REUTERS

    Trong đơn đề cử, ông Eide cho biết phong trào BLM đã buộc các quốc gia bên ngoài nước Mỹ đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc trong chính xã hội của họ.

    "BLM đã nâng cao nhận thức và ý thức toàn cầu về sự bất công chủng tộc", nghị sĩ Eide nói.

    Petter Eide, người trước đây đã đề cử Nobel hòa bình các nhà hoạt động nhân quyền từ Nga và Trung Quốc, cho biết điều khiến ông ấn tượng về BLM là cách phong trào "có thể huy động mọi người từ các nhóm xã hội".

    "Trao giải thưởng hòa bình cho BLM, với tư cách là lực lượng toàn cầu chống lại bất công chủng tộc, sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng hòa bình được xây dựng trên bình đẳng, đoàn kết, nhân quyền và tất cả các quốc gia phải tôn trọng những nguyên tắc cơ bản đó", đề cử của Eide kết luận.

    nobel hoa binh 1
    Nghị sĩ Na Uy Petter Eide, người đề cử giải Nobel hòa bình cho phong trào Black Lives Matter - Ảnh: Quốc hội Na Uy

    Theo tờ The Guardian, phong trào BLM ra đời vào năm 2013 bởi Alicia Garza, Patrisse Cullors và Opal Tometi nhằm phản đối việc tuyên bố trắng án cho người đàn ông đã bắn người da màu Trayvon Martin ở Mỹ.

    BLM được biết đến rộng rãi hơn vào năm 2014 sau cái chết của 2 người da màu Michael Brown và Eric Garner, đồng thời là nguồn gốc của một loạt cuộc biểu tình trên toàn cầu vào năm 2020 sau cái chết của George Floyd và Breonna Taylor.

    Bất kỳ chính trị gia nào làm việc ở cấp quốc gia đều được đề cử giải Nobel hòa bình và chỉ được dùng 2.000 từ để mô tả đề cử.

    Hạn chót nộp hồ sơ năm nay là ngày 1-2 và đến cuối tháng 3 sẽ có danh sách đề cử rút gọn. Người chiến thắng được chọn vào tháng 10 và lễ trao giải dự kiến diễn ra ngày 10-12.

  • Sau các cuộc biểu tình đấu tranh quyền lợi cho người da màu, Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 14/6 tuyên bố sẽ thành lập một ủy ban liên bộ nhằm đánh giá tình trạng phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng mà các nhóm sắc tộc thiểu số phải hứng chịu trong hệ thống giáo dục, y tế và tư pháp.

    178d1171539t8380l1
    Cảnh sát đụng độ với người biểu tình ở London. (Ảnh: AP)

    Thủ tướng Johnson cho biết Chính phủ Anh sẽ cân nhắc mọi biện pháp tác động tới các nhóm sắc tộc thiểu số và người da màu. Thủ tướng Johnson cho biết ông không thể bỏ qua phản ứng mạnh mẽ của hàng chục nghìn người tham gia biểu tình ở London cùng thành phố khác ở Anh sau vụ sát hại người đàn ông da màu George Floyd ở thành phố Minneapolis (Mỹ) hồi tháng trước.

    Cùng ngày, cảnh sát London đã lên án hành vi bạo lực “thiếu suy nghĩ và kinh hoàng” của những người biểu tình cực đoan chống đối cảnh sát tại trung tâm thành phố cách đây vài ngày.

    Sở Cảnh sát London thông báo đã bắt giữ 113 người biểu tình với các cáo buộc gây bạo động , tấn công cảnh sát, tàng trữ vũ khí, gây mất trật tự công cộng... Cảnh sát London cho rằng hành vi của những đối tượng quá khích là “hoàn toàn không thể chấp nhận” và sẽ sớm bị đưa ra xét xử.

    Trước đó, những người biểu tình cực đoan đã tập trung tại khu quảng trường đối diện trụ sở quốc hội và tòa nhà chính phủ ở thủ đô London để bảo vệ một số tượng đài tại khu vực này trước những lời đe dọa đòi dỡ bỏ tượng từ phía người biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc . Đụng độ đã xảy ra khiến hơn 20 cảnh sát bị thương.

    Theo AP

  • Cảnh sát thủ đô London, Anh đã phải tuyên bố áp đặt giới nghiêm, cấm tụ tập biểu tình tại trung tâm thủ đô từ 17 giờ ngày 13-6 (giờ địa phương) để ngăn chặn xảy ra hỗn loạn giữa nhóm biểu tình "muốn bảo vệ các tượng đài lịch sử" và nhóm biểu tình ủng hộ phong trào Black Lives Matter, trong đó có những đối tượng quá khích đòi dỡ bỏ tượng các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Anh vì cho rằng những nhân vật này có tư tưởng phân biệt chủng tộc, hoặc tham gia buôn bán người nô lệ da đen.

    apdatgioinghiem
    Cảnh sát Anh và những người biểu tình trước Quốc hội ngày 12/6. (Ảnh: Getty Images)

    Những người bảo vệ tượng đã tụ tập tại khu vực trước cửa tòa nhà Quốc hội nơi có tượng của cố Thủ tướng lừng danh nước Anh Winston Churchill và tượng đài tưởng niệm chiến tranh Cenotaph. Khoảng 200 người biểu tình, đa số là nam giới da trắng, đã có những hành động quá khích như ném vỏ chai vào cảnh sát, ném pháo sáng vào đám đông.

    Trong khi đó, những người biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc bắt đầu từ công viên Hyde Park đi lên Piccadilly Circuss, Haymarket đến quảng trường Trafalgar và kết thúc tại Whitehall.

    Chính quyền thành phố London đã cho quây che một số tượng đài được cho có thể bị một số người trong phong trào Black Lives Matter quá khích phá hỏng như tượng cố Thủ tướng Churchill tại quảng trường đối diện tòa nhà Quốc hội, tượng những người phụ nữ trong thế chiến thứ hai tại Westminster, hay tượng Charles 1 tại Charing Cross, và Robert Clive tại Whitehall.

    Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel đã lên tiếng chỉ trích những hành động quá khích và khẳng định bất cứ kẻ nào gây ra hành động phá hoại hoặc bạo lực sẽ bị pháp luật trừng trị nghiêm minh, đồng thời nêu rõ "tấn công cảnh sát là điều không thể chấp nhận được".

    Bà cũng kêu gọi người tham gia biểu tình giải tán về nhà vì nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng khi hàng nghìn người tập trung biểu tình không thể giữ được giãn cách xã hội 2 mét như yêu cầu.

    Trong khi đó, Thị trường thành phố London Sadiq Khan phê phán những người yêu cầu đòi dỡ bỏ một số tượng nhân vật lịch sử của Anh chính là những người phân biệt chủng tộc.

    Ông Khan cho rằng mọi người nên tập trung vào vấn đề bất bình đẳng kinh tế và cấu trúc, kỳ thị người da đen tại Anh hơn là vấn đề các tượng đài kỳ niệm và việc dỡ bỏ các tượng đài nhân vật lịch sử không làm thay đổi được vấn đề.

    Trước làn sóng phản đối việc để tượng một số nhân vật lịch sử gây tranh cãi liên quan đến vấn đề phân biệt chủng tộc, có ý kiến cho rằng có thể sẽ phải di chuyển một số tượng vào để trưng bày trong bảo tàng thay vì đề ở nơi công cộng như hiện nay.

    Phản đối hành động của một số đối tượng quá khích vẽ sơn lên tượng cố Thủ tướng Churchill, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã lên tiếng cho rằng, tuy Churchill có một số ý kiến "không thể chấp nhận đối với chúng ta hiện nay", nhưng ông là một vị anh hùng dân tộc, đã cứu nước Anh khỏi "kẻ bạo chúa phát xít và phân biệt chủng tộc".

    TTXVN

  • Báo The Times ngày 11/6 đưa tin các tòa án Anh đang chuẩn bị đẩy nhanh quy trình khởi tố những đối tượng có hành vi bạo lực trong các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc, sau khi các Bộ trưởng Tư pháp và Nội vụ nước này đề nghị các thẩm phán áp dụng mô hình như khi ứng phó với bạo động tại thủ đô London năm 2011.

    143851 untitled design 3
    Cảnh sát giải tán người biểu tình tham gia tuần hành phản đối bạo lực và nạn phân biệt chủng tộc tại London, Anh ngày 7/6/2020

    Kế hoạch do Bộ trưởng Tư pháp Robert Buckland và Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel đề xuất sẽ dẫn tới việc bắt và giam giữ trong 24 giờ đối với những người biểu tình có hành vi phá hoại, tấn công cảnh sát.

    Chính phủ Anh dự định sẽ công bố tham vấn về các kế hoạch tăng gấp đôi mức án cao nhất đối với hành vi tấn công các nhân viên khẩn cấp lên 2 năm tù. 

    Vào mùa Hè năm 2011, nhiều cuộc bạo động đã xảy ra tại London sau khi cảnh sát bắn chết mội đối tượng tội phạm. Cuộc điều tra sau đó cho thấy cảnh sát đã hành động theo đúng luật trong trường hợp này.

    Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng cần nỗ lực hơn để xóa bỏ định kiến và tạo cơ hội cho tất cả mọi người ở Anh. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh biểu tình không được dẫn đến bạo lực, các hành động bất hợp pháp, phớt lờ giãn cách xã hội đang được áp dụng để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

    Ngày 12/6, Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo rằng các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc tại nước này đang bị "những kẻ cực đoan giật dây", thể hiện qua các cuộc tấn công vào các di tích quốc gia nhằm "hủy hoại quá khứ của đất nước".

    Trong một tuyên bố đăng trên tài khoản Twitter, Thủ tướng Johnson nhấn mạnh: "Rõ ràng là các cuộc biểu tình đã bị các phần tử cực đoan có tư tưởng bạo lực điều khiển." 

    Theo Báo Tin Tức

  • Khi phong trào lật đổ tượng đài dâng cao ở Anh, Thị trưởng London, ông Sadiq Khan, đã phải ra lệnh cho công nhân đóng ván, dựng khung sắt quanh các bức tượng nổi tiếng ở thủ đô để bảo vệ.

    bao ve tuong dai 1
    Tượng nhà lãnh đạo W. Churchill ở Westminster tối 11/6. Tượng nhà lãnh đạo Anh bị vẽ bẩn trong biểu tình cuối tuần trước. Ảnh: w8media

    Theo tờ Dailymail, đài tưởng niệm chiến tranh Cenotaph, tượng cố Thủ tướng Anh Winston Churchill ở Quảng trường đối diện Quốc hội cùng một loạt đài nổi tiếng khác đã được dựng giàn giáo và đóng ván xung quanh.

    Giới chức London lo ngại các bức tượng này có thể lại trở thành mục tiêu phá hoại của người biểu tình trong phong trào Black Lives Matter (Mạng người da đen cũng đáng giá) vào cuối tuần này.

    bao ve tuong dai 2
    Giàn giáo kiên cố bảo vệ bức tượng trước người biểu tình. Ảnh: PA

    Cuối tuần trước, người biểu tình đã tô vẽ lên tượng của nhà lãnh đạo Anh thời chiến, nói rằng ông Churchill là “người phân biệt chủng tộc”. Lá cờ Vương quốc Anh ở đài tưởng niệm Cenotaph cũng suýt bị một kẻ du côn đốt cháy. Đây là đài tưởng niệm tri ân những người Anh đã hy sinh trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất.

    bao ve tuong dai 2
    Người biểu tình gọi ông Churchill là người phân biệt chủng tộc. Ảnh: w8media

    Giới chức Anh lo ngại sẽ có đụng độ giữa người biểu tình Black Lives Matter và những kẻ du côn phe cực hữu liên quan tới các bức tượng.

    Công nhân xây dựng cũng đóng ván quanh tượng George Washington ở Quảng trường Trafalgar, tượng Vua James II, tượng Nelson Mandela và tượng Mahatma Gandhi.

    bao ve tuong dai 2
    Công nhân dựng khung kim loại quanh đài tưởng niệm Cenotaph. Ảnh: Getty Images

    Sau khi công dân da màu George Floyd ở Mỹ bị cảnh sát da trắng giết hại, người biểu tình ở Anh đã tranh cãi về quá khứ đế quốc của Anh và các nhân vật lịch sử gắn với chế độ nô lệ và phân biệt chủng tộc.

    Chủ nhật tuần trước, người biểu tình đã kéo đổ tượng nhà buôn nô lệ Edward Colston sống ở thế kỷ 17 ở Bristol rồi đẩy xuống bến cảng.

    bao ve tuong dai 2
    Công nhân đóng ván quanh đài tưởng niệm Cenotaph. Ảnh: Getty Images

    Hành động này đã châm ngòi cho hàng loạt vụ phá bỏ tượng đài khắp nước Anh. Thị trưởng London Sadiq Khan đã cam kết thành lập ủy ban để rà soát các tượng đài ở thủ đô nhằm đảm bảo tính đa dạng chủng tộc.

    bao ve tuong dai 2
    Hình ảnh tượng đài Cenotaph bên trong khung và ván bảo vệ. Ảnh: w8media

    Người biểu tình còn lập hẳn một trang web liệt kê hơn 60 bức tượng và đài tưởng niệm khắp nước Anh mà họ cho là cần bị kéo đổ.

    Hội đồng thành phố Bristol nói rằng danh sách này khiến các bức tượng được yêu thích đứng trước nguy cơ bị phá hỏng hoặc phá hủy hoàn toàn.

    bao ve tuong dai 2
    Giàn giáo quanh tượng George Washington trên Quảng trường Trafalgar. Ảnh: EMPICS Entertainment

    bao ve tuong dai 2
    Bức tượng nằm gọn trong hộp kim loại kiên cố. Ảnh: w8media

    Bristol sẽ cho bảo vệ 24 giờ các bức tượng cho tới khi chúng được di dời an toàn hoặc mối đe dọa không còn.

    bao ve tuong dai 2
    Tượng Vua James II. Ảnh: EMPICS Entertainment

    Giới chức khắp nước Anh cũng đang đối mặt với áp lực rà soát đài tưởng niệm sau các cuộc biểu tình liên quan cái chết của George Floyd và phân biệt chủng tộc.

    Theo Báo Tin Tức

  • Một nữ cảnh sát gặp chấn thương nặng sau khi bị hất văng khỏi lưng ngựa trong lúc ứng phó với cuộc biểu tình đòi công lý cho George Floyd và chống phân biệt chủng tộc tại trung tâm thủ đô London, Anh, cuối tuần qua.

    Theo Daily Mail, một nữ cảnh sát gặp chấn thương nặng sau khi bị ngã ngựa trong lúc ứng phó với cuộc biểu tình "Black Lives Matter" (Mạng sống người da màu quan trọng) diễn ra tại thủ đô London, Anh, hôm 7/6.

    Phần lớn các cuộc biểu tình ở London diễn ra ôn hòa suốt ngày, nhưng bạo lực đã xảy ra sau đó vào khoảng 19 tối ở Whitehall.

    Trong đoạn video có thể thấy, khi người biểu tình phi một chiếc xe đạp và một số đồ vật khác vào lực lượng an ninh trong lúc hỗn loạn, con ngựa mà nữ cảnh sát này cưỡi đột nhiên phi nhanh, khiến cô va mạnh vào cột đèn giao thông và ngã xuống đường, bất tỉnh.

    canh sat nga ngua 2

    Ngay sau đó, nữ cảnh sát được đưa tới bệnh viện trong tình trạng gãy xương cổ, xương sườn và dập phổi. Cô đang được điều trị tại bệnh viện và có thể phải nghỉ việc trong 4 tháng.

    "Tôi rất buồn và thất vọng khi 14 sĩ quan cảnh sát bị thương trong các vụ tấn công gây sốc giữa biểu tình bạo lực ở London cuối tuần qua. Ngoài ra, 13 người khác bị thương trong các cuộc biểu tình hồi đầu tuần. Chúng tôi đã thực hiện một số vụ bắt giữ và công lý sẽ được thực thi. Số lượng vụ tấn công thực sự gây sốc và hoàn toàn không thể chấp nhận", Ủy viên cảnh sát thủ đô Cressida Dick nói.

    canh sat nga ngua 3
    Nữ cảnh sát được kéo khỏi hiện trường.

    canh sat nga ngua 3
    Các kỵ binh trấn áp biểu tình ở Whitehall.

    Được biết, cảnh sát Anh đã thực hiện 29 vụ bắt giữ với hàng loạt cáo buộc, trong đó có tội gây rối, vi phạm trật tự công cộng và tấn công lực lượng an ninh...

    Ông Boris Johnson khẳng định sẽ điều tra để tìm ra người cần chịu trách nhiệm trong các vụ bạo lực gần đây.

    Ngày 7/6, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc nổ ra liên tiếp tại nhiều đường phố lớn tại Anh hiện nay, đang dần trở thành cơ hội cho những thành phần “côn đồ” gia tăng bạo lực vũ trang gây nhiều thương vong cho lực lượng cảnh sát. Ông Johnson khẳng định sẽ điều tra để tìm ra người cần chịu trách nhiệm trong các vụ bạo lực gần đây.

    Đăng tải trên trang Twitter cá nhân, Thủ tướng Anh khẳng định mọi người dân có quyền phản đối chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và biểu tình một cách ôn hòa, song tuyệt đối không được tấn công cảnh sát và các lực lượng chức năng. 

    Theo DailyMail

  • Đụng độ dữ dội đã xảy ra giữa lực lượng cảnh sát và người biểu tình chống phân biệt chủng tộc tại thủ đô London, Anh, cuối tuần qua.

    canh sat dung do nguoi bieu tinh 1

    Theo Daily Mail, những người biểu tình "Black Lives Matter" quá khích đã "truy đuổi" lực lượng cảnh sát khắp các con phố trong cuộc biểu tình ở London ngày 7/6. (Nguồn ảnh: Reuters)

    canh sat dung do nguoi bieu tinh 1

    Đụng độ đã xảy ra ở Whitehall, London, khiến nhiều cảnh sát bị thương.

    canh sat dung do nguoi bieu tinh 1

    Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã viết trên Twitter rằng các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc tại Anh đang bị "biến tướng bởi nạn côn đồ", đồng thời cảnh báo những đối tượng có trách nhiệm sẽ phải chịu trách nhiệm.

    canh sat dung do nguoi bieu tinh 1

    Người biểu tình đã bỏ qua các quy định về giãn cách xã hội, đổ xuống đường phố xung quanh Đại sứ quán Mỹ ở trung tâm London trước khi tuần hành tại Westminster, phản đối bạo lực và nạn phân biệt chủng tộc.

    canh sat dung do nguoi bieu tinh 1

    Ngày 7/6, Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel đã kêu gọi chấm dứt các cuộc biểu tình trên cả nước.

    canh sat dung do nguoi bieu tinh 1

    Các cuộc biểu tình ở Anh nổ ra sau cái chết của George Floyd, một người đàn ông da màu tử vong sau khi bị cảnh sát ghì cổ ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota (Mỹ), ngày 25/5.

    canh sat dung do nguoi bieu tinh 1

    Cảnh hỗn loạn ở thủ đô London giữa biểu tình.

    canh sat dung do nguoi bieu tinh 1

    Người biểu tình đối đầu với lực lượng cảnh sát trên đường phố London.

    canh sat dung do nguoi bieu tinh 1

    Một số người biểu tình ném đồ vật về phía cảnh sát tại quảng trường Quốc hội ở thủ đô London khi cuộc biểu tình biến thành bạo lực.

    canh sat dung do nguoi bieu tinh 1

    Lực lượng an ninh Anh cố ngăn cản đám đông biểu tình quá khích.

    canh sat dung do nguoi bieu tinh 1

    Một người biểu tình bị bắt giữ ở trung tâm London hôm 7/6.

    canh sat dung do nguoi bieu tinh 1

    Một số người tháo chạy trên đường phố khi cuộc biểu tình biến thành bạo lực.

    canh sat dung do nguoi bieu tinh 1

    Cảnh sát khống chế một thanh niên trong cuộc biểu tình.

    canh sat dung do nguoi bieu tinh 1

    Hình ảnh đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình ở thủ đô nước Anh cuối tuần qua.

    canh sat dung do nguoi bieu tinh 1

    Cảnh ngổn ngang trên phố Victoria sau cuộc ẩu đả.

    Theo DailyMail

  • Bức tượng Edward Colston, một nhà buôn nô lệ thế kỷ 17, bị người biểu tình dùng dây thừng kéo đổ và ném xuống biển trong cuộc xuống đường tại Bristol, Anh.

    Video hiện trường cho thấy bức tượng bị lật đổ trong tiếng reo hò của đám đông tại Bristol hôm 7/6. Sau khi tượng đổ, người biểu tình dẫm đạp, nhảy múa trên tượng, theo Evening Standard.

    Bức tượng sau đó được kéo đến cảng Bristol và ném xuống biển.

    lat do tuong bristol 1
    Vào hôm qua, người biểu tình đã kéo sập bức tượng Edward Colston.

    lat do tuong bristol 1
    Những người biểu tình vui cười mừng rỡ khi bức tượng bị đổ xuống.

    Edward Colston (2 tháng 11 năm 1636 - 11 tháng 10 năm 1721) là một thương nhân, Thành viên của Quốc hội, nhà từ thiện và thương nhân buôn bán nô lệ người Anh. Ông đã hỗ trợ và tài trợ cho các trường học, nhà ở, bệnh viện và nhà thờ ở Bristol, London và các nơi khác.

    Tên của ông được kỷ niệm tại một số địa danh, đường phố, ba trường học và bánh ngọt tròn Colston. Nền tảng từ thiện lấy cảm hứng từ những người ông thành lập vẫn còn tồn tại.[1] Sự giàu có của ông chủ yếu có được nhờ buôn bán và bóc lột nô lệ

    lat do tuong bristol 1
    Bức tượng bị xịt sơn đỏ.

    Sự việc xảy ra trong lúc hàng nghìn người biểu tình trên khắp nước Anh đã tuần hành phản đối nạn phân biệt chủng tộc sau cái chết của George Floyd, một người đàn ông da đen tử vong sau khi bị một cảnh sát ghì đè lên cổ tại Minneapolis, Mỹ.

    Viên cảnh sát này đã dùng đầu gối đè cổ Floyd trong gần 9 phút, bất chấp việc anh ngừng cử động và nói "tôi không thở được". Để tái hiện sự việc, người biểu tình ở Bristol đã quỳ đè lên cổ tượng Edward Colston trong khoảng thời gian tương tự.

    Edward Colston là một nhà buôn tại Công ty Châu Phi Hoàng gia, nơi nắm độc quyền về mua bán nô lệ Tây Phi tại Anh vào thế kỷ 17. Trong thời gian Colston làm việc, công ty này ước tính đã vận chuyển 84.000 người châu Phi làm nô lệ, bao gồm trẻ em.

    Ông Colston cũng làm từ thiện tại quê nhà Bristol và có nhiều quỹ thiện nguyện vẫn tồn tại đến hôm nay, bao gồm Trường Colston.

    lat do tuong bristol 1
    Bức tượng được lăn tới bến cảng Bristol, nơi những con tàu chở nô lệ từng cập bến.

    lat do tuong bristol 1
    Bộ trưởng Nội vụ cho rằng hành động của những người biểu tình là ''cực kỳ ô nhục''.

    lat do tuong bristol 1
    Đám đông tập trung đông nghẹt, không còn chỗ cho giãn cách xã hội.

    lat do tuong bristol 1
    Bức tượng bị thả xuống dòng nước ở bến cảng giữa tiếng hò reo của hàng ngàn người.

    Bức tượng đồng đã đứng ở trung tâm thành phố từ năm 1895, nhưng ngày càng gây tranh cãi. Trước khi tượng bị xô ngã hôm 7/6, đã có 11.000 người ký vào thỉnh nguyện thư yêu cầu dỡ bỏ tượng.

    Trước đó, John McAllister, 71 tuổi, một người biểu tình, đã xé bỏ túi nhựa màu đen được dùng để bọc bức tượng.

    "Nó được dựng lên bởi công dân Bristol, để tưởng nhớ một trong những người con tài đức nhất của thành phố này", ông nói. "Người này là một kẻ buôn bán nô lệ. Ông ta hào phóng với Bristol nhưng làm việc đó trên lưng của nô lệ và tuyệt đối đáng khinh. Đây là một sự xúc phạm đối với người dân Bristol".

    lat do tuong bristol 1
    Bức tượng cố Thủ tướng Winston Churchill ở Parliament Square, London, cũng bị buộc một tấm bảng ghi ''Black Lives Matter''.

    lat do tuong bristol 1
    Người biểu tình giương nấm đấm và quỳ gối trước tượng.

    lat do tuong bristol 1
    Người biểu tình tập trung ở Trung tâm thành phố Bristol.

    lat do tuong bristol 1
    Có rất nhiều địa danh được đặt tên theo Edward Colston.

    lat do tuong bristol 1
    Người biểu tình ném pháo hoa vào cảnh sát ở Whitehall, London vào hôm qua.

    lat do tuong bristol 1
    Đội ngũ y tế của cảnh sát sơ cứu cho nạn nhân.

    lat do tuong bristol 1
    Người biểu tình leo lên các tòa nhà ở Whitehall, giương những biểu ngữ giận dữ.

    lat do tuong bristol 1
    Tượng Nelson Mandela cũng phải đeo tấm biểu ngữ Black Lives Matter. Ông là người đấu tranh chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc apartheid ở Nam Phi, với 27 năm bị giam giữ trong tù.

    lat do tuong bristol 1
    Bức tượng Lãnh tụ Ấn Độ Mahatma Gandhi cũng bị làm ô uế.

    lat do tuong bristol 1
    Người biểu tình quỳ gối ở Middlesbrough, Teesside bên ngoài Mima Art Gallery, Central Square.

    Theo DailyMail

  • Người thất nghiệp Mỹ hiện ngồi không ở nhà cũng có thể nhận trợ cấp đến hơn $1,000/tuần. Tại những bang như Arizona, gần 50% lao động có mức trợ cấp thất nghiệp nhiều hơn cả tiền lương.

    Hàng triệu người dân Mỹ vẫn đang chịu áp lực tài chính sau khi nước này dần mở cửa trở lại vào thời điểm dịch Covid-19 vẫn chưa chấm dứt. Tuy nhiên việc có nên tăng cường trợ cấp thất nghiệp cho người lao động hay không lại đang gây tranh cãi bởi theo quy định hiện hành, một người thất nghiệp ở nhà chẳng làm gì cũng có thể nhận hơn $1,000/tuần. Điều này khiến nhiều lao động không muốn quay lại làm việc vì mức lương quá bèo, thấp hơn cả trợ cấp.

    tang them tro cap that nghiep 1

    Nghị viện Mỹ hiện đang xem xét khoản cứu trợ 2 nghìn tỷ USD nữa cho nền kinh tế, bao gồm việc phát $1,200/người cho tầng lớp trung lưu và trợ cấp $500/trẻ dưới 17 tuổi cho mỗi hộ gia đình.

    Khảo sát của Wallet Hub cho thấy 84% số người dân Mỹ muốn nhận thêm tiền cứu trợ của chính phủ. Trong khi đó, nghiên cứu của Bankrate vào đầu tháng 4 cho thấy 31% người Mỹ nhận định rằng tình hình tài chính của họ vẫn chẳng khá hơn sau đợt cứu trợ 1 nghìn tỷ USD đầu tiên.

    "Hiện có rất nhiều người vẫn đi làm nhưng không có nhiều việc và thu nhập thấp hơn trước", Chuyên gia phân tích tài chính Greg McBridge của Bankrate nhận định.

    Ngoài những đề nghị như phát $1,200 hay trợ cấp $2,000/tháng, nhiều nghị sĩ Mỹ cũng đang đề xuất khoản phụ cấp $450/tuần cho những người đi làm hoặc nới rộng thời gian của khoản phụ thêm trợ cấp thất nghiệp $600/tuần hiện nay.

    Cụ thể, nghị sĩ Bernie Sanders, Kamala Harris cùng vài đồng cấp khác đã đề nghị một đạo luật trợ cấp thêm $2,000/tháng cho những người có thu nhập dưới $120,000/năm. Những gia đình nào có trẻ em sẽ được phụ cấp thêm $2,000/trẻ/tháng và tối đa là đến 3 trẻ.

    "Chính phủ cần trợ giúp người dân trong những thời điểm khủng hoảng như thế này", Nghị sĩ Harris nhấn mạnh khi cho rằng khoản tiền $1,200 gửi 1 lần sẽ chẳng đủ để cứu người dân hiện nay.

    Trước đó, hạ viện Mỹ đã thông qua khoản cứu trợ 3 nghìn tỷ USD, bao gồm việc gửi $1,200 tiền mặt cho người dân Mỹ và mỗi trẻ em sẽ nhận được thêm $1,200 trợ cấp. Ngoài ra, các nghị sĩ ở Hạ viện cũng đang đề xuất nới rộng thời gian khoản trợ cấp thất nghiệp phụ thêm $600/tuần đến tháng 1/2021 thay vì cuối tháng 7 như hiện nay.

    Hơn 40 triệu người lao động Mỹ đã nộp đơn trợ cấp thất nghiệp kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay. Ngoài khoản tiền trợ cấp thông thường, mỗi người sẽ nhận thêm $600/tuần từ gói cứu trợ 1 nghìn tỷ USD ban đầu, qua đó khiến mỗi người thất nghiệp có thể nhận hơn $1,000/tuần tùy từng trường hợp.

    Mặc dù nền kinh tế Mỹ đã dần mở cửa trở lại nhưng theo nhiều dự báo, tỷ lệ thất nghiệp quý IV/2020 của nước này vẫn sẽ đạt 11,7%. Con số này thấp hơn 14.7% của tháng 4/2020 nhưng vẫn cao hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ cuộc Đại khủng hoảng 1930.

    tang them tro cap that nghiep 1
    Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ cao nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng 1930.

    tang them tro cap that nghiep 1

    tang them tro cap that nghiep 1
    Tỷ lệ lao động thất nghiệp hưởng trợ cấp cao hơn cả mức lương trước đây tại từng bang (%)

    tang them tro cap that nghiep 1
    Tăng trưởng GDP của Mỹ theo quý

    tang them tro cap that nghiep 1
    Khoảng gần một nửa dân số Mỹ hiện nay thất nghiệp

    tang them tro cap that nghiep 1
    Xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ cao chưa từng thấy

    tang them tro cap that nghiep 1
    Doanh số bán lẻ của Mỹ suy giảm mạnh

    Theo CNBC

  • Giữa đại dịch, người dân trên khắp thế giới vẫn tụ tập để ủng hộ phong trào Black Lives Matter. Tại Hyde Park vào hôm qua, các đơn vị tổ chức đã cố gắng điều phối đám đông, nhằm duy trì biểu tình ôn hòa và tuân thủ quy định giãn cách của Chính phủ. 

    Phần lớn mọi người đều đeo khẩu trang và duy trì 2m, các tấm bảng được giương cao yêu cầu mọi người tự cách ly 14 ngày sau khi về nhà.

    bieu tinh sac toc hyde park 1 

    bieu tinh sac toc hyde park 1 

    Cuộc biểu tình bắt đầu lúc 1h chiều tại Speaker's Corner, kêu gọi chấm dứt sự kỳ thị của cảnh sát đối với người da đen. Vào cuối tuần trước ở Trafalgar Square, hàng ngàn người đã quỳ gối để bày tỏ tinh thần đoàn kết giữa các sắc tộc, chống lại tình trạng cảnh sát áp bức người da màu ở Mỹ. 

    bieu tinh sac toc hyde park 1 

    bieu tinh sac toc hyde park 1
    Người biểu tình quỳ gối ở Trafalgar Square.

    Cũng vào hôm qua, nam diễn viên da màu John Boyega, nổi tiếng với vai Finntrong Star Wars, đã có một bài diễn văn xúc động ở Hyde Park. 

    Anh đã khóc khi kể về những nạn nhân người Mỹ gốc Phi ở Mỹ, cũng như cái chết oan ức của thiếu niên Stephen Lawrence trên đường Well Hall, Eltham, UK. Cậu học sinh loại A bị mưu sát dã man do kỳ thị chủng tộc. (Đọc thêm ở đây: Cái chết của Stephen Lawrence: Vụ án gây hổ thẹn cho cảnh sát Anh)

    bieu tinh sac toc hyde park 1Nam diễn viên John Boyega xuất thân từ quận Peckham ở London. Anh học Cử nhân ở Đại học Greenwich, chuyên khoa phim ảnh và viết kịch bản.

    bieu tinh sac toc hyde park 1

    Nam diễn viên 28 tuổi nói với đám đông: ''Chúng ta ở đây để đại diện cho những George Floyd, Sandra Bland, Trayvon Martin và Stephen Lawrence. Tôi nói từ tận trái tim mình. Tôi không biết mình còn có thể tiếp tục sự nghiệp diễn xuất sau những lời nói này, nhưng tôi không quan tâm''.

    ''Hôm nay chúng ta nói về những con người vô tội mới sống được phân nửa cuộc đời của họ. Chúng ta không bao giờ biết George Floyd hay Sandra Bland có thể đạt được những gì. Thật đau đớn khi mỗi ngày chúng ta lại bị nhắc nhở về màu da của mình, rằng chúng ta chẳng là gì trong xã hội '', anh nói.

    ''Nhưng điều này rõ ràng là không đúng. Đừng sợ hãi khi có ai đó nói bạn là người da màu. Không ai có thể ngăn cản nỗ lực vươn lên của bạn, ngoại trừ chính bạn mà thôi''.

    ''Mỗi quốc gia được hình thành dựa trên nền tảng từng gia đình khỏe mạnh và sung túc. Những người đàn ông da màu hãy chăm sóc người phụ nữ của các anh, nuôi dạy con cái trong tình yêu thương, cố gắng trở thành người tốt hơn. Đó là những gì chúng ta cần tạo ra'', anh tiếp tục.

    ''Những người đàn ông da màu, mọi thứ bắt đầu từ các anh. Chúng ta không phải là rác rưỡi nữa. Chúng ta phải tốt hơn. Bắt đầu bằng việc giữ kiểm soát ngay lúc này, hãy biểu tình trong ôn hòa''.

    *Sandra Bland chết trong tù vào tháng 7/2015 sau khi bị bắt giữ vì vi phạm lỗi giao thông nhỏ. Còn cậu học sinh 17 tuổi Trayvon Martin bị bắt chết ở Florida năm 2012.

    Một số hình ảnh của cuộc biểu tình tại Hyde Park:

    bieu tinh sac toc hyde park 1 

    bieu tinh sac toc hyde park 1 

    bieu tinh sac toc hyde park 1 

    bieu tinh sac toc hyde park 1 

    bieu tinh sac toc hyde park 1 

    bieu tinh sac toc hyde park 1 

    bieu tinh sac toc hyde park 1 

    bieu tinh sac toc hyde park 1 

    bieu tinh sac toc hyde park 1 

    bieu tinh sac toc hyde park 1  

    Viethome (theo MyLondon)

  • Nước Anh, tháng 4/1993 trên đường Well Hall, Eltham thuộc phía nam London. Stephen Lawrence - 18 tuổi, một cậu học sinh loại A đã bị sát hại một cách dã man bởi một nhóm thanh niên da trắng phân biệt chủng tộc. Cái chết oan ức đã không được làm sáng tỏ trong suốt 18 năm và có lúc đã phải khép lại một cách không minh bạch biến vụ án trở thành một điểm đen đáng hổ thẹn trong lịch sử hiện đại của lực lượng cảnh sát Anh.

    Tuy nhiên, tội ác cuối cùng cũng bị vạch trần trước ánh sáng công lý vào ngày 3/1/2012, khi Tòa án hình sự Anh đã thu thập đủ mọi chứng cứ để khép Gary Dobson và David Norris vào tội danh giết người, giành lại công lý cho gia đình Lawrence.

     stephen 1
    Chân dung Stephen Lawrence. Ở Anh có một ngày kỷ niệm gọi là Stephen Lawrence Day.

    Những tội phạm tuổi vị thành niên

    Khi án mạng xảy ra, Gary Dobson, 17 tuổi và David Norris mới 16 tuổi chỉ bị tuyên mức án nhẹ hơn so với tội ác nếu vi phạm ở tuổi trưởng thành do cả hai vẫn đang ở độ tuổi vị thành niên. Tuy nhiên, yếu tố phân biệt chủng tộc của vụ án khiến chúng vẫn nằm trong danh sách bị kiểm soát của tòa án.

    Cảnh sát cho biết, hai kẻ phạm tội đã rất cứng đầu không chịu khai những tên còn lại trong nhóm tham gia tấn công Stephen Lawrence. Ít nhất 5 người đã có mặt trong vụ xô xát. Sau án mạng, tờ Daily Mail đã cho đăng tải hình ảnh của 5 tên giết người lên trang nhất dưới tựa đề "Những kẻ sát nhân", cùng với lời thách thức tờ báo sẵn sàng ra hầu tòa nếu đó là sai lầm.

     stephen 1
    Tờ DailyMail đăng ảnh 5 kẻ tình nghi. 

    5 kẻ này là: David Norris, Jamie Acourt, Gary Dobson, Neil Acourt và Luke Knight. Stephen Lawrence đã bị đâm hai nhát và tử vong sau khi cậu cùng người bạn thân Duwayne Brooks bị tấn công bởi nhóm người này.

    Lúc đó là 22h30 ngày 22/4/1993 khi Stephen và Duwayne đang đợi xe bus về nhà. Cả Dobson và Norris đã bị liệt vào danh sách tình nghi trong vòng 48 giờ khi án mạng xảy ra. Tuy nhiên cả hai đã tìm cách trì hoãn phiên tòa rất nhiều lần để được tiếp tục nghênh ngang trên đường phố Eltham.

    Cuộc điều tra đã mắc phải rất nhiều tranh cãi, bế tắc và cáo buộc về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và hối lộ. Người ta cho rằng bố của Norris đã có "sự quan tâm đặc biệt" đến một người trong lực lượng cảnh sát Anh để con trai ông ta được yên thân.

    Gia đình Lawrence đã tiêu tốn rất nhiều tiền trong hành trình đòi lại công lý cho con trai mình nhưng sự chậm chạp của cảnh sát London đã khiến người ta nghi ngờ rằng cảnh sát London cũng có thái độ "phân biệt chủng tộc". Ngay cả vụ truy tố cá nhân do gia đình của Lawrence tiến hành chống lại 5 nghi can chính cũng không thành công. Dư luận có lúc đã gọi đây là thái độ "phân biệt chủng tộc theo hệ thống" của cảnh sát London và cho rằng họ quá kém cỏi trong tiến trình điều tra.

    stephen 5
    Luke Knight, David Norris, Neil và Jamie Acourt bị ném trứng sau khi lấy tờ khai ở sở cảnh sát.

    Ám ảnh kinh hoàng cản trở tiến trình điều tra

    Bị chấn động tâm lý sau vụ giết người, bạn thân của Stephen, Duwayne Brooks tuy sống sót nhưng cũng phải trải qua quãng thời gian khủng khiếp sau khi tận mắt chứng kiến bạn thân của mình bị giết hại. Hiện tại Duwayne đang làm việc trong lĩnh vực chính trị ở London. Duwayne đã được chẩn đoán mắc hội chứng chấn động tâm lý sau biến cố. Điều này đã tạo ra một rào cản lớn khi Duwayne không dám nhớ lại và nhận diện những kẻ sát nhân cũng như không thể cung cấp những bằng chứng mang tính quyết định cho bên điều tra.

    Trong cuốn sách "Stephen và tôi" xuất bản năm 2003 của Duwayne, anh miêu tả cái chết của Stephen đã ảnh hưởng sâu sắc đến anh như thế nào. Anh vẫn không thể đối diện với cách họ lấy đi mạng sống của Stephen. Nó giống như cách người ta hành hình những nô lệ da đen ở các thế kỷ trước. Duwayne từng vẽ một bức tranh về chính mình, một người thanh niên trẻ, sợ hãi, không thể nhận diện những kẻ giết người và sự hợp tác nhạt nhòa với cảnh sát đã giày vò tâm trí anh ta.

    Duwayne đã viết "Những rối loạn sau vụ án dường như giết chết tôi, nó khiến tôi nói những điều mà tôi biết là không đúng". Đây cũng chính là quãng thời gian mà mối quan hệ của anh với gia đình Lawrence gặp trục trặc.

    Trong quá trình chất vấn và lấy lời khai, Duwayne xuất hiện với bộ dạng mệt mỏi, lo lắng và nhiều khi tự mình mâu thuẫn với chính lời khai của mình. Duwayne muốn chôn chặt tất cả. Anh cảm thấy không chịu nổi bởi những phiền phức từ phía cảnh sát. Các tình tiết trở nên bế tắc, thông tin về vụ án ngày càng chìm xuống.

    Trong cuốn sách của mình, anh cũng đã viết về giai đoạn mà anh tìm lại được ý nghĩa của cuộc sống. Duwayne đã tìm đến những hội từ thiện ở London để giúp đỡ mọi người, quản lý các khu an dưỡng và đội bóng đá Clapton. Năm 2009, anh trở thành người cố vấn ở Hội đồng tư vấn việc làm Lewisham. Từ đó, Duwayne thực hiện các dự án bảo vệ cộng đồng, ngăn chặn bạo lực giữa các băng nhóm đường phố.

    Tháng 11/2011, tại tòa án hình sự Anh ở Old Bailey, Duwayne dũng cảm đứng trên bục với tư cách là nhân chứng để kể trước tòa về chuyện đã xảy ra. Duwayne đã giữ một tâm lý rất vững vàng trước các câu hỏi của tòa án nhưng khi anh miêu tả lại tư thế nằm của Stephen, ướt sũng trong vũng máu trong khi hai tên giết người bỏ trốn, anh đã khóc nức nở trên bục nhân chứng và phải rất cố gắng mới lấy lại được bình tĩnh. Luật sư Mark Ellison ngỏ ý diễn tả lại chi tiết lời khai nhưng Duwayne xua tay và nói anh muốn tự mình nói chuyện gì đã xảy ra.

    Bằng chứng thép tuyên án hai kẻ sát nhân

    Phát hiện tưởng như khó xảy ra nhất sau 14 năm đã mở ra hy vọng giành lại công lý cho gia đình Lawrence. Các chuyên gia pháp y đã phát hiện tóc, máu và sợi vải quần áo của Stephen dính trên quần áo của hai bị cáo.

    Dựa vào bằng chứng mang tính quyết định này, tòa phúc thẩm đã bác bỏ tuyên bố trắng án đối với Gary Dobson và công nhận rằng hắn ta cùng với David Norris đã có chủ ý sát hại Stephen Lawrence. Dựa vào lời khai của nhân chứng và manh mối trong các vụ điều tra trước đó, cảnh sát đã tái dựng hiện trường một lần nữa.

    Tội ác của Dobson, một kẻ buôn ma túy và Norris, con trai của một tên găngxtơ đã bị vạch trần. Trong nhiều tuần, các phản biện đưa lên bồi thẩm đoàn cho rằng, quá trình điều tra đã xuất hiện một vài sơ hở và phương pháp lạc hậu trong việc thu thập và lưu trữ bằng chứng ở thập niên 90 có thể làm sai lệch sự thực.

    Chuyên gia pháp y đã sử dụng phương pháp tiên tiến nhất lúc bấy giờ để tìm kiếm ADN của Stephen ngay sau khi cậu bị sát hại nhưng vì cuộc tấn công diễn ra quá nhanh chóng và bởi vì có rất ít vết máu ban đầu dính trên người hung thủ nên họ nghĩ rằng cơ hội tìm thấy ADN của nạn nhân trên hai kẻ tình nghi là rất khó.

    Tiến trình của cuộc điều tra tưởng như chìm vào bế tắc, chứng cứ đã được gửi đến LGC - cơ quan giám định pháp y cho các vụ án phức tạp nhưng cũng không hé lộ được điều gì. Mãi đến năm 2006, với tiến bộ của công nghệ giám định pháp y, trong lúc kiểm tra lại mẫu băng dính lấy sợi vải bám trên áo khoác của Stephen, các chuyên gia đã tìm thấy sợi của chiếc áo sơ mi cậu mặc bên trong. Vì Stephen mặc chiếc áo này bên trong áo khoác nên không ai nghĩ rằng chúng vẫn ở lại trên đó lâu như vậy.

    Tương tự, các chuyên gia cũng kiểm tra lại với mẫu băng dính sợi vải trên áo khoác của Dobson và Norris. Kết quả cho thấy, sợi vải áo của hai bị cáo có xuất hiện sợi vải áo của Stephen. Lần kiểm tra lại này còn phát hiện thêm hai sợi tóc rất nhỏ trên chiếc quần jeans mà Norris đã mặc hôm xảy ra án mạng. Một trong hai sợi mang ADN trùng với ADN của Stephen, sợi kia là ADN của mẹ hắn ta. Thêm vào đó, vết máu khô rơi ra từ túi đựng chiếc áo của Dobson cũng mang ADN của Stephen.

    Điều này đã thôi thúc các bác sĩ pháp y mở một cuộc tìm kiếm hiển vi khá tốn kém thời gian và tiền bạc để tìm kiếm vết máu trên chiếc áo của Dobson. Cuối cùng, hai vệt máu có kích thước 0,5 và 0,25 mm, ngấm vào sợi vải trên cổ áo khoác đã được phát hiện. Các xét nghiệm ADN cho thấy nó chính là của Stephen.

    Luật sư biện hộ của các bị cáo đưa ra luận điểm cho rằng, vệt máu trên cổ áo đã bị các cảnh sát sơ xuất làm dính vào trong khi thu thập chứng cứ. Bên nguyên cho rằng, vết máu bị dính vào các sợi vải một ngày sau khi các chuyên gia pháp y làm xét nghiệm Phadebas (xét nghiệm kiểm tra dấu vết nước bọt đòi hỏi phải dùng nước tưới ướt áo).

    Tuy nhiên, chuyên gia pháp y Edward Jarman của phòng thí nghiệm LGC đã tiến hành các xét nghiệm kiểm tra giả thuyết này và kết quả cuối cùng cho biết điều luật sư biện hộ đưa ra là hoàn toàn không thể xảy ra. Cuộc giám định ADN đã tiêu tốn 3,8 triệu bảng và các chuyên gia ở LGC tin rằng nhờ có sự tiến bộ của khoa học, họ còn có thể tìm thấy nhiều thứ trên chiếc áo.

     stephen 1
    Gary Dobson

     stephen 1
    David Norris

    Niềm vui xen lẫn sự tức giận của gia đình Lawrence

    "Tôi cảm thấy khuây khỏa nhưng vẫn oán giận" đó là phát biểu của bà Doreen Lawrence, mẹ của Stephen trong ngày tòa án ra phán quyết buộc tội Dobson và Norris. Bà cho rằng công lý cho con trai bà đã được giành lại nhưng gia đình bà không thể lấy đó làm lý do để tổ chức ăn mừng. Cuối cùng thì những tên giết người cũng phải trả giá.

    Bà cảm thấy an lòng vì những kẻ phân biệt chủng tộc phải nhận ra rằng, họ không có quyền giết những người da đen mà vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, nhưng tức giận vì gia đình bà đã phải trải qua 18 năm đằng đẵng đấu tranh trong đau buồn, đe dọa và tuyệt vọng, không biết đến bao giờ mới giành lại được công lý.

    Tức giận bởi vì cảnh sát luôn nói rằng, vụ án này rất quan trọng đối với họ nhưng sự vụng về của họ thể hiện trong cách họ xử lý với bằng chứng thu thập được tệ đến mức mà bên bị đơn chớp lấy sơ hở, đề xuất tình tiết vết máu dính trên áo có sau khi án mạng xảy ra. Điều này khiến người ta nghĩ rằng, cảnh sát có thể làm tốt công việc của họ nhưng chỉ khi họ muốn làm mà thôi.

    Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và những cuộc tấn công của những kẻ phân biệt vẫn còn tồn tại trong lòng đất nước này nhưng bà Lawrence không muốn cảnh sát nhắc đến tên con trai bà rồi lại bảo họ phải tiếp tục vượt lên. Bố của Stephen, ông Lawrence, hiện không còn sống ở London cũng cho biết ông rất phấn khởi vì công bằng đã được trả lại. Ông đã không thể yên lòng trong suốt 18 năm qua nhưng họ không tổ chức ăn mừng vì dù thế nào thì phán quyết cũng không thể trả lại con trai cho ông.

    Vụ án của Stephen đã mang đến hai sự thay đổi lớn đối với lực lượng bảo vệ công lý ở nước Anh. Thứ nhất, là bước tiến nhảy vọt trong khoa học pháp y, đặc biệt là sự xử lý với bằng chứng ADN, kể từ thập niên 90 thế kỷ trước. Thứ hai là sự hủy bỏ đạo luật đã 800 năm tuổi về việc tiếp tục truy tố đối với một tội đã qua xét xử, trong đó quy định một người được tuyên bố trắng án sẽ không bị xét xử lần thứ hai đối với cùng một tội danh. Phán quyết cuối cùng đã khẳng định rằng công lý sẽ luôn chiến thắng và con người ở tất cả các màu da đều phải được đối xử bình đẳng như nhau.

    Nhờ đeo bám vụ án này mà Tờ Daily Mail đã được vinh danh là tờ báo của năm tại Giải thưởng báo chí Anh cùng với trang web Mail Online cũng nhận được giải thưởng trang web của năm (2011-2012).

    cand (theo Dailymail)