Nhiều người châu Á liên tục bị phân biệt chủng tộc trên xe bus London

Một nhóm thiếu niên đã có hành vi phân biệt chủng tộc nhắm vào một số phụ nữ châu Á trên xe buýt ở London vào ngày 11 tháng 7.

Một phụ nữ người Anh gốc Nhật, chủ tài khoản Instagram mang tên @saimiyamura, và bạn của cô đang ở trên xe buýt số 46 đi về phía ga Lancaster Gate thì một nhóm các thiếu niên cũng bước lên xe.

''4 thiếu niên này bước lên xe buýt và ngay lập tức rất ồn ào nhưng tôi không bận tâm,” cô kể lại. “Chúng đi đến hàng ghế sau xe buýt (hàng thứ hai từ dưới lên), trong khi tôi cùng bạn bè ngồi dãy ghế cuối cùng.

Theo nữ hành khách, tình hình trở nên căng thẳng khi các chàng trai bắt đầu có hành vi quấy rối một phụ nữ châu Á khác ngồi gần phía trước xe buýt. “Một người phụ nữ châu Á ngồi trước mặt 2 thiếu niên và một tên chạm vào người phụ nữ đó và cô ấy lập tức bảo chúng dừng lại, nhưng chúng vẫn đâm thọt. Người phụ nữ bực mình và đi ra phía trước xe buýt nói với tài xế,” cô kể.

Mặc dù tài xế xe buýt đã nhắc nhở sau khi người phụ nữ khiếu nại, nhưng đám thanh niên vẫn chưa dừng lại.

“Tài xế hỏi: 'Ai đã làm?’ và tất cả bọn chúng đều chối biến. Tài xế bảo chúng xuống xe ngay lập tức nhưng chỉ có một tên đi xuống.”

Chưa hết, hành động của tài xế lại dẫn đến tác dụng ngược. Đám thiếu niên hành động càng táo tợn hơn và bắt đầu chế giễu người phụ nữ vì gốc gác Đông Á của cô.

“Khi một tên đã xuống xe, một cậu mặc đồ đỏ nói rằng cậu biết một bài hát rất hay trên YouTube và đến ngồi cạnh người bạn khác ở phía bên kia xe,” cô nhớ lại.

“Cậu ta bắt đầu bật một bài hát phân biệt chủng tộc về ‘Hồng Kông’ (không thực sự chắc chắn về tên bài hát), cậu ta bắt đầu hát theo và trêu chọc người phụ nữ. Chúng quay lại nhìn tôi và khi phát hiện tôi cũng là người châu Á, chúng phá lên cười.”

Do tài xế không chính thức yêu cầu nhóm thiếu niên rời khỏi xe, sự can thiệp của những hành khách khác có vẻ như vô ích:

“Chúng đã bật bài hát một lúc và một người phụ nữ trên xe buýt bảo chúng dừng nhạc vì họ cảm thấy phiền phức lắm rồi. Nhưng chúng vẫn tiếp tục trêu chọc người phụ nữ châu Á. Chúng liên tục đi lại cười khúc khích.”

Ngoài hai người phụ nữ Đông Á trên xe buýt, nhóm thiếu niên cũng bắt đầu nhắm vào một hành khách Nam Á. “Chúng nhìn người bạn Ấn Độ của tôi và bắt đầu chơi nhạc Ấn Độ và trêu chọc,” cô nói. “Người lái xe buýt chỉ nhìn qua gương và không thực sự nói bất cứ điều gì khác sau khi tên đầu tiên xuống xe.”

Đối với một quốc gia liên tục tự hào với công dân của mình rằng họ được xếp hạng là một trong số các quốc gia ít phân biệt chủng tộc nhất ở châu Âu, Vương quốc Anh đã chứng kiến một số lượng lớn các tội ác có động cơ phân biệt chủng tộc và quấy rối các nhóm người thiểu số, đặc biệt kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 của EU.

Đất nước này ngày càng bình thường hóa chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và định kiến ​​chủng tộc nhắm vào người Đông Á. Thậm chí, kênh CBBC còn bật đèn xanh cho một bộ phim truyền hình sitcom mang tên “Living with the Lams,” bị các nhà phê bình chỉ trích là đã sử dụng lời lẽ sáo rỗng mang tính phân biệt chủng tộc. Một báo cáo của NUS từ năm 2012 cũng cho thấy sinh viên Trung Quốc là đối tượng có nguy cơ bị quấy rối chủng tộc cao nhất ở Anh.

VietHome (Theo Next Shark)