• 137 người đã tử vong vì coronavirus, Bắc Ailen có ca tử vong đầu tiên, bệnh nhân là một người đàn ông lớn tuổi với nhiều bệnh lý nền. Tổng cộng 6 người Scotland đã tử vong. Wales có thêm 2 ca tử vong. Hiện Bắc Ailen đã có 77 ca nhiễm corona.

    - Một bệnh nhân lớn tuổi với nhiều bệnh lý nền đã qua đời ở Northumberland vì Covid-19, tại bệnh viện Northumbria Specialist Emergency Care Hospital ở Cramlington. Sussex có ca tử vong đầu tiên tại bệnh viện Eastbourne’s District General, đó là một cụ ông 75 tuổi với một bệnh lý nền.

    - Chính phủ thừa nhận hàng triệu công dân Anh sẽ bị mắc kẹt ở nước ngoài. Đây sẽ là thách thức của chính phủ để đưa họ về nhà an toàn. 

    - London đang trong tình trạng ''shutdown'' khi 40 ga tàu điện ngầm đã ngừng hoạt động, các quán bar và nhà hàng, cửa hàng và sân bay cũng phải đóng cửa. 

    - Trường học ở UK sẽ đóng cửa vào ngày mai, việc miễn thi của các em sẽ được Viethome update trong bài viết khác. 

    - Những học sinh được ăn miễn phí ở trường nay sẽ được tặng voucher hoặc phần ăn thay thế, với giá trị cao hơn suất ăn ở trường. Nhà trường sẽ phải làm việc với các siêu thị và quán ăn để sắp xếp việc này. Có khoảng 1.3 triệu học sinh nhận được suất ăn miễn phí ở trường. 

    - IKEA sẽ đóng tất cả các cửa hàng từ 6h chiều ngày mai, kể cả nhà hàng và quán cà phê. 

    - Người dân sẽ bị phạt 1,000 bảng nếu không chịu xét nghiệm theo ''Luật Coronavirus - Coronavirus Bill''. Luật này dày 329 trang sẽ được Quốc hội thông qua vào tuần tới. Luật cho phép người tâm thần bị cấm túc, người chết sẽ được xác nhận y khoa chỉ từ 1 bác sĩ. Cảnh sát và cán bộ nhập cư có thể giam giữ người tình nghi nhiễm bệnh trong vòng 12-24 tiếng, và buộc họ phải làm xét nghiệm. Ai chống đối là phạm tội.

    - Các siêu thị phải công khai mọi thông tin về tình hình cung ứng thực phẩm, nếu không sẽ bị phạt 1% lợi nhuận. 

    - Các nhà xác có thể được mở rộng để đủ chỗ cho ít nhất 25.000 người.

    - Tiệm thuốc bán một 1 chai paracetamol với giá tới 20 bảng. Nhiều người đã phát khóc khi chứng kiến giá thuốc paracetamol tại một tiệm Jhoots Pharmacy ở Bromford and Hodge Hill, Birmingham, đã tăng đến 20 bảng, nghĩa là giá này đã tăng gấp ba so với tiêu chuẩn đối với một chai dung dịch paracetamol 200ml. Trong khi đó, giá 1 chai Calpol 100ml cũng tăng đến 10 bảng. Trong khi hơn một nửa trẻ em ở khu vực này sống trong nghèo đó. Đây là một trong những vùng nghèo nhất ở England.

    - Cũng tại tiệm này, 1 vĩ 32 viên paracetamol đã tăng giá từ £1.39 vào tuần trước lên £9.99 hiện nay. Hãng này sau đó đã lên tiếng xin lỗi và hứa sẽ hoàn tiền cho khách hàng.

    - Đám tang của một bệnh nhân coronavirus ở Greenwich chỉ có 5 người tham dự, nhằm tránh lây nhiễm virus. Đám tang do dịch vụ mai táng W. Uden and Sons cử hành.

    - Tin đồn London ''nội bất xuất, ngoại bất nhập'' là không đúng. Người dân vẫn được ra vào London như bình thường.

    - Xe tải giấy vệ sinh đã được nhìn thấy chở tới Downing Street. Phủ thủ tướng và nội các có đến hàng trăm nhân viên.

    - 667 công dân Anh trên du thuyền Braemar đã được chở về UK trên 4 chuyến bay từ Havana ở Cuba. 3 chuyến bay chở người âm tính với coronavirus đáp xuống Heathrow. Chuyến còn lại chở những người dương tính với Covid-19 hoặc có triệu chứng cúm. Chuyến này đã đáp xuống MoD Boscombe Down ở Wiltshire vào hôm nay. 

    - 25.000 hộ gia đình ở London bị cúp nước do đường ống bị bể, khiến họ không thể rửa tay thường xuyên như mong muốn. Thames Water đã gấp rút xử lý vấn đề. Các hộ bị ảnh hưởng nằm ở các mã bưu điện SW6, SW3, SW10, SW11, W14 và SW5.

    - Chính phủ đang xem xét trả trợ cấp £151/tuần cho những người bị mất việc do dịch bệnh.

    - Bắc Ailen sẽ ngừng các kỳ thi cấp bằng lái xe đến ngày 22/6/2020.

    - Burberry đóng hầu hết các cửa hàng ở châu Âu và Mỹ. 

    - Hút thuốc lá và thuốc lá điện tử (vaping) có thể khiến bạn dễ nhiễm coronavirus hơn.

    Viethome (theo Mirror)

  • Tờ South China Morning Post ngày 19.3 dẫn nghiên cứu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy người trẻ vẫn dễ bị bệnh nặng vì COVID-19 chứ không phải có sức đề kháng tốt hơn.

    Một phân tích mới của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đối với hơn 4.226 trường hợp mắc Covid-19 ở Mỹ trong tháng trước cho thấy, ít nhất 1/7 và có lẽ 1/5 số người trong độ tuổi từ 20 đến 44 dương tính với loại virus nguy hiểm này được yêu cầu nhập viện.

    Từ 2% đến 4% những người trẻ tuổi mắc bệnh phải đưa vào các đơn vị chăm sóc đặc biệt. Dù tỷ lệ tử vong hiện vẫn thấp, chỉ 0,1% đến 0,2%, nhưng nguy hiểm gấp đôi so với cúm mùa.

    Dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ trái ngược với một số thông tin do giới chức y tế công cộng ở các nơi khác trên thế giới công bố trước đây, rằng Covid-19 không gây nguy hiểm sức khỏe cho người trẻ tuổi.

    Tiến sĩ Deborah Birx, một chuyên gia hàng đầu thuộc Nhóm đặc trách chống Covid-19 của Nhà Trắng cho biết thêm, dữ liệu ban đầu từ Pháp và Italy, cả hai nước đang phải xử lý hàng nghìn trường hợp mắc Covid-19, cũng đã nhấn mạnh tới mối đe dọa đối với những người trẻ tuổi.

    Hôm 18.3, ông Michael Ryan, giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO, cũng nhấn mạnh rằng COVID-19 "không chỉ là bệnh của người già".

    "Chắc chắn là người trẻ, khỏe bị bệnh nhẹ hơn, nhưng cũng có một số đáng kể người trưởng thành khỏe mạnh vẫn bị bệnh nặng", ông nói.

    Trong khi đó, chuyên gia Deborah Birx thuộc nhóm chuyên trách đối phó dịch COVID-19 tại Nhà Trắng cho hay số liệu từ Pháp và Ý cũng thể hiện rằng có nhiều người trẻ “đang bệnh rất nặng trong đơn vị chăm sóc tích cực”.

    Trả lời phỏng các phóng viên trong cuộc họp báo diễn ra hôm qua (18/3) ở Nhà Trắng về vấn đề này, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh: “Tôi hy vọng những người trẻ tuổi lắng nghe những gì chúng tôi đã nói thời gian qua. Chúng tôi không muốn họ tụ tập đông người, song tôi vẫn thấy những người trẻ tuổi đang tụ tập trên các bãi biển và nhà hàng''.

    ''Giới trẻ đang nghĩ mình là bất khả chiến bại, nhưng họ không nhận ra rằng có thể mang những điều xấu về nhà cho ông bà và thậm chí cả bố mẹ. Do vậy, chúng tôi muốn họ lắng nghe lời khuyên và tin rằng nếu làm như vậy chúng ta sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng này.”/.

    Theo VOV

  • Chủ tịch Ủy ban Lựa chọn Quốc phòng Anh, Tobias Ellwood, tiết lộ năng lực xét nghiệm chính là "gót chân Asin" của Anh trong cuộc chiến với virus corona.

    Việc xét nghiệm sớm người nhiễm virus corona sẽ giúp các cơ quan chức năng nhanh chóng tìm ra những người mà bệnh nhân đã tiếp xúc gần để tiến hành cách ly, ngăn chặn virus lây lan âm thầm trong cộng đồng.

    "Nếu bạn bị ho, bạn sẽ đi đâu? Về nhà. Đó là khuyến cáo mà chúng ta đang đưa ra nhưng rất có thể người bệnh đã nhiễm virus corona. Nếu có thể được xét nghiệm ngay, chứng tỏ người bệnh chưa nhiễm virus, họ có thể tiếp tục công việc của mình", ông Ellwood nói, ngược lại nếu xét nghiệm cho thấy người bệnh đã nhiễm virus corona thì họ phải được cách ly để tránh lây nhiễm cho gia đình lẫn xã hội.

    Hôm qua, Giám đốc Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh, Giáo sư Chris Whitty đã cam kết sẽ tăng quy mô xét nghiệm trên toàn quốc, sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ trích các chiến thuật hiện tại của chính phủ Anh, cảnh báo rằng họ không thể "mắt nhắm mắt mở" chống lại đại dịch.

    Chủ tịch Ủy ban Lựa chọn Quốc phòng Anh, Tobias Ellwood đã tiết lộ "gót chân Asin" điểm yếu nhất trong cuộc chiến chống Covid-19 của nước này.

    Mới đây, thị trấn Vò ở Italy xóa sổ ca nhiễm mới nhờ theo cách Hàn Quốc. “Xét nghiệm, xét nghiệm, xét nghiệm” là chiến lược chống dịch Covid-19 đang mang lại kết quả tại cộng đồng nhỏ này.

    Giới chức thị trấn Vò, gần Venice, Italy đã xét nghiệm, rồi xét nghiệm lại, đối với toàn bộ 3.300 cư dân, bất kể có triệu chứng hay không, sau đó kiên quyết cách ly những người tiếp xúc mỗi khi phát hiện ca nhiễm. Nhờ vậy, thị trấn này đã hoàn toàn chặn được sự lây lan của dịch bệnh, theo Financial Times.

    Andrea Crisanti, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm từ Đại học Imperial College London, đang tham gia hỗ trợ thị trấn Vò trong kỳ công tác tại Đại học Padua, tỉnh Padua, Italy, kêu gọi những nước chưa xét nghiệm nhiều, như Anh và Mỹ, hãy nhìn vào bài học này và tăng cường xét nghiệm.

    Anh cho đến nay chưa xét nghiệm người có triệu chứng nhẹ, và tập trung vào các ca có triệu chứng hô hấp nặng. Tuy nhiên, trong một động thái thay đổi chính sách đột ngột, chính quyền Thủ tướng Boris Johnson tuần này sẽ đẩy mạnh xét nghiệm, trong nỗ lực giảm đà lây lan để hệ thống bệnh viện khỏi bị quá tải, giảm tỷ lệ tử vong.

    Ở vùng Veneto của Italy, chính quyền dự định mở rộng chiến lược xét nghiệm quyết liệt cho cả vùng, và muốn lấy 11.000 mẫu chất dịch mỗi ngày.

    “Nếu ai đó gọi đường dây nóng và nói họ bi ốm, thì mọi người trong gia đình họ, toàn bộ bạn bè và cả tòa nhà sẽ được xét nghiệm”, giáo sư Crisanti cho biết.

    Luca Zaia, chủ tịch vùng Veneto, người đã tiến hành dự án thử nghiệm ở thị trấn Vò, khẳng định lại lập trường của mình vào ngày 17/3 rằng xét nghiệm rộng là yếu tố quan trọng.

    “Một người không triệu chứng có thể lây cho 10 người”, ông nói với các phóng viên. “Xét nghiệm cứu được mạng người”.

    Xét nghiệm trên diện rộng cũng được coi là giải pháp giúp Hàn Quốc có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 tương đối - chỉ ở mức 0,7% theo BBC - thấp hơn hẳn so với ước tính khoảng 3,4% của WHO trên thế giới. (Tỷ lệ này sẽ thay đổi nhiều, một khi các nước phát hiện đầy đủ số ca bệnh).

    Tỷ lệ xét nghiệm trên dân số của Hàn Quốc là cao nhất thế giới.

    Với việc tiến hành 15.000 ca xét nghiệm/ngày, các quan chức y tế Hàn Quốc đã xét nghiệm sức khỏe cho khoảng 250.000 người từ tháng 1 tới giữa tháng 3, tức cứ 200 người Hàn Quốc thì có 1 người được xét nghiệm.

    Hàn Quốc miễn phí hoàn toàn đối với xét nghiệm dành cho người được bác sĩ yêu cầu hoặc có triệu chứng sau khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc người trở về từ Trung Quốc. Nếu không thuộc diện trên, giá mỗi lần xét nghiệm là khoảng 135 USD - không phải chi phí lớn ở một đất nước có hệ thống chăm sóc y tế toàn dân.

    Người Hàn có thể xét nghiệm tại hàng trăm cơ sở y tế khắp cả nước, chưa kể hơn 50 điểm xét nghiệm nhanh, “lái xe qua để xét nghiệm” - thời gian chỉ khoảng vài phút mỗi lần.

    Theo Zing

  • Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, tiểu bang Washington vừa có 2 người Mỹ gốc Việt tử vong vì COVID-19. Đây có thể là những người gốc Việt đầu tiên tử vong do virus SARS-CoV-2 trên thế giới.


    Một bệnh nhân COVID-19 ở viện dưỡng lão Life Care Center (TP Kirkland, Washington) được đưa ra xe cứu thương - Ảnh: REUTERS

    Thông tin về hai trường hợp này đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ xác nhận.

    Bệnh nhân thứ nhất là một phụ nữ sinh năm 1946, tử vong ngày 16/3 theo giờ Mỹ tại thành phố Seattle thuộc bang Washington, nơi hiện đang có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất ở Mỹ. Người này được phát hiện có dấu hiệu nhiễm virus SARS-CoV-2 trong một trại dưỡng lão ngày 9/3, sau đó được đưa vào một trung tâm y tế xét nghiệm và có kết quả dương tính. Bệnh nhân tử vong sau một tuần nhập viện. 

    Bệnh nhân thứ hai là một người cao tuổi khiếm thị, sống tại một viện dưỡng lão cũng ở tiểu bang Washington. Bệnh nhân có dấu hiệu sốt từ thứ 5 tuần trước và sau đó có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Mặc dù bệnh nhân đã được chuyển đến bệnh viện để chữa trị nhưng qua đời sau đó 24 giờ.

    Trước đó, tại viện dưỡng lão này cũng đã có người tử vong vì COVID-19, nhưng những người tiếp xúc với bệnh nhân không được thăm khám và xét nghiệm nếu không có triệu chứng.

    Hai bệnh nhân trên là những người gốc Việt đầu tiên tại Mỹ và trên thế giới được ghi nhận tử vong do Covid-19. Mỹ đến nay đã phát hiện hơn 9.200 ca nhiễm nCoV, trong đó hơn 150 ca tử vong.

    Bang Washington là nơi có số người chết vì nCoV cao nhất ở Mỹ, với ít nhất 50 ca, theo sau là New York với 12 ca và California với 11 ca. Viện dưỡng lão Life Care ở thành phố Kirkland, hạt King, chiếm hơn một nửa số người tử vong ở bang Washington.

    AFP hôm qua dẫn một báo cáo cho hay Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) phát hiện các nhân viên có triệu chứng nhiễm nCoV vẫn tiếp tục làm việc ở viện dưỡng lão này. Việc thiếu thiết bị bảo hộ, đào tạo về an toàn và phát hiện nCoV chậm trễ cũng là nguyên nhân khiến virus lây lan mạnh.

    Life Care đang chăm sóc khoảng 130 người, nhưng ít nhất 35 người đã tử vong vì Covid-19. Nhiều người trong cơ sở này có bệnh lý nền liên quan như huyết áp cao, bệnh tim, suy thận, tiểu đường và béo phì.

    Theo TTXVN/VOV

  • Dịch COVID-19 đang gây ảnh hưởng nặng nề khiến các cơ sở thương mại ở California (Mỹ) điêu đứng và nhiều nơi phải đóng cửa, trong đó có nhiều cơ sở của người gốc Việt ở Little Saigon như các tiệm hớt tóc và tiệm nail.

    Bà Lynn Võ, chủ tiệm tóc Hair Today gần siêu thị Green Farm ở Fountain Valley, than thở với phóng viên Người Việt hôm Thứ Ba, 17 Tháng Ba, “cả ngày hôm nay tôi không có khách nào, ngồi chơi cả buổi rồi.”

    Bà cho hay khách không chỉ vắng hôm nay thôi, mà đã vắng hơn một tuần rồi và bắt đầu từ lúc bà con nghe tin dịch bệnh đang bùng phát, đổ xô ra đường mua đồ dự trữ.

    Về lượng khách trong những ngày vừa qua, bà nói mất đến một nửa số khách vì họ sợ dịch bệnh nên không dám ra ngoài và nhiều người khác thì bận bịu đi mua đồ dự trữ, không có thời gian để làm chuyện khác.

    Cũng theo bà Lynn, không có khách nên không kêu nhân viên ra làm được và tình trạng này kéo dài cả tuần rồi.

    “Vài hôm tôi phải đóng cửa rồi về sớm một tiếng,” bà cho hay.

    Về chuyện nếu phải đóng cửa khi có lệnh của chính phủ địa phương, bà nói: “Nếu chính phủ ra lệnh thì tôi phải đóng thôi, ra sao thì ra.”

    Một người khách cũng bày tỏ suy nghĩ của mình về tình hình dịch bệnh: “Tôi thấy bà con hoảng sợ quá, nhiều khi thấy vậy mà không dám ra đường. May là đã dự trữ xong hết rồi, nên tôi rảnh hôm nay và tranh thủ ra làm tóc, một phần tự trấn an mình và một phần muốn ủng hộ bà chủ.”

    Vài nhân viên của tiệm tóc Winn's Beauty Salon gần Phước Lộc cũng cho biết họ mất đến một nửa lượng khách bình thường.

    Một nhân viên nói: “Tiệm này mở cửa hai mươi mấy năm rồi, may là lai rai có khách quen, nếu không thì không biết ra sao.”

    Bà chủ tiệm Lisa Hair & Nails ở Garden Grove cho biết tiệm đang rất vắng khách, mất đến khoảng 70% lượng khách. Bà cũng cho hay sẵn sàng đóng cửa theo lệnh của chính phủ.

    Không khá hơn các tiệm tóc, các tiệm nail cũng trong hoàn cảnh tương tự.

    Bà Phi Nguyên, chủ tiệm Angel Nails gần Walmart ở Westminster, thì cho hay tiệm bà đã đóng cửa vài ngày rồi vì quá vắng khách.

    Bà Hạnh, một thợ nail của tiệm Tip Top Nails ở Westminster, nói: “Mấy hôm nay tiệm rất vắng khách, người thì đến chậm và người thì không dám đến. Khách hẹn cũng không đến nữa. Chuyện này bắt đầu từ lúc bà con xôn xao sau khi dịch bệnh đang bùng phát.

    “Mấy người khách bản xứ thấy người Á Châu mình lo đi mua đồ dự trữ sớm thì hỏi tôi tại sao lại sợ như vậy. Bây giờ tình hình căng thẳng hơn thì đến họ đổ ra đường mua đồ,” bà kể thêm.

     

    Bà cho hay khu các cơ sở thương mại khác trong khu gần ngã tư đường Beach với đường Heil chưa đóng cửa nên chủ tiệm cũng chưa đóng cửa. Bà nghĩ tiệm nail sẽ đóng nếu những nơi khác bắt đầu đóng sau khi có lệnh từ chính phủ.

    Bà Hạnh than thở khi nói về chuyện lương bổng nếu tiệm phải đóng cửa: “Mấy hôm nay tôi mệt mỏi lắm, nghề này làm ăn tiền theo khách mà tiệm vắng khách và phải đóng cửa nữa thì tôi không biết ra sao. Tôi hy vọng dịch bệnh này qua trong thời hạn ngắn và chỉ có tìm cách chống chọi trong những ngày khó khăn thôi.”

    Không chỉ có người trong nghề nail hay nghề làm tóc ở Little Saigon bị điêu đứng, những người trong hai nghề này tại nơi khác ở Nam California cũng gặp khó khăn.

    Bà Cathy, một thợ nail của tiệm Lynn's Nail Lounge ở Santa Monica, cho biết tiệm đã đóng cửa và cũng vắng khách trước khi đóng.

    “Mỗi ngày, một thợ có khoảng một hai khách. Đến khi có thông báo đóng cửa, chúng tôi gọi khách hẹn trước ra để làm xong rồi đóng tiệm thì mỗi người có khoảng bốn năm khách,” bà nói.

    Đến chiều Thứ Ba, 17 Tháng Ba, Bác Sĩ Nichole Quick, giới chức y tế Orange County, ra lệnh cấm tụ tập chỗ công cộng hay riêng tư từ 10 người trở lên. Quận hạt còn ra lệnh đóng cửa quán rượu và không cho khách ngồi ăn cho trong nhà hàng, chỉ cho mua đem về nhà.

    Tuy chưa biết các tiệm tóc hay tiệm nail sẽ ra sao, nhưng ai trong hai nghề tóc và nail cũng lo lắng, không biết dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến chuyện làm ăn của họ đến bao lâu nữa.

    Thiện Lê/Người-Việt

  • Xin chào các bạn độc giả, VietHome xin tổng hợp nhanh những thông tin mới và quan trọng cho ngày mới hôm nay: 

    - UK có thêm 4 người tử vong - nâng tổng số lên 108 / tổng số 2626 người nhiễm.

    - No 10 xác nhận: không có kế hoạch đóng cửa mạng lưới đi lại của London. Không cấm người dân đi ra hoặc đi vào London. 

    - Chính Phủ đang bàn thảo việc hỗ trợ tiền cho doanh nghiệp để người dân không bị mất việc làm.

    - Nhân viên siêu thị được liệt vào dạng Nhân Lực Chủ Lực trong mùa dịch này.

    - Bắt đầu xuất hiện nhiều vụ lừa đảo nhắm vào người Việt ở Anh , đặc biệt là các shop nails muốn xin giảm tiền Business Rate và tiền Grant từ chính phủ. Hiện tại thông tin chính thức về cách nhận những khoản tiền này chưa được công bố. Nếu có ai gọi tới giúp bạn xin các khoản tiền này thì xin hãy cẩn thận.

    - Anh Quốc bắt đầu thử nghiệp loại thuốc hít - nhằm giúp các bệnh nhân bị hen suyễn và các bệnh nhiễm trùng phổi khác. Giải pháp này giúp các bệnh nhân có bệnh nền chống chọi với virus corona tốt hơn.

    - Nhiều bến tàu điện ngầm trong London sẽ bắt đầu đóng cửa từ ngày hôm nay.

    - Chính Phủ đã chuẩn bị tới 20000 quân lính , sẵn sàng trợ giúp khi cần thiết. 

    - Ban hành Luật Khẩn Cấp cho phép chính phủ cách ly người dân, đóng cửa sân bay. 

    - Quân đội Anh được chỉ thị sẵn sàng huy động lực lượng 20.000 người trong bối cảnh Thủ tướng Anh Boris Johnson nhắc đến khả năng phong tỏa thủ đô London trong vài ngày tới.

     

    VietHome sẽ cập nhật tin tức dịch tại Anh Quốc hàng giờ. Xin hãy quay lại kiểm tra thêm thông tin mới. 

    VietHome

     

  • Khi nhiều chuyên gia năm 2016 cảnh báo Brexit sẽ dẫn đến thảm họa, thân tín của Boris Johnson nói "nước này đã có đủ chuyên gia rồi".

    Giờ đây, Thủ tướng Johnson khẳng định Anh đang ứng phó với Covid-19 theo khuyến nghị của các chuyên gia, khi nước này ghi nhận gần 3.000 ca nhiễm nCoV, 104 người tử vong và hơn 60 người bình phục. Vấn đề là những chuyên gia cố vấn cho Johnson thường bất đồng ý kiến hoặc thay đổi quan điểm.

    Điều đó được thể hiện rõ ràng vào tuần này, khi Đại học Hoàng gia London (Imperial College London) công bố một báo cáo gây sửng sốt, cảnh báo rằng nếu không bị kiềm chế, Covid-19 thể khiến 510.000 người chết ở Anh và 2,2 triệu người chết ở Mỹ. Báo cáo khiến chính phủ Anh đột ngột thay đổi cách đối phó. Các quan chức Mỹ cho biết nó cũng khiến Nhà Trắng tăng cường biện pháp cách ly xã hội.

    Đại học Hoàng gia London đã tư vấn cho chính phủ về cách phản ứng những dịch bệnh trước đây, bao gồm SARS, cúm gia cầm và cúm lợn. Họ là một nhóm gồm 50 nhà khoa học có quan hệ với WHO, do nhà dịch tễ học nổi tiếng Neil Ferguson đứng đầu. Đại học Hoàng gia được coi là "tiêu chuẩn vàng", các mô hình họ đưa ra được chính phủ cân nhắc khi quyết định các chính sách.

    Báo cáo đưa ra kết luận đáng báo rộng rằng virus sẽ khiến hệ thống bệnh viện quá tải và chính quyền các nước không có lựa chọn nào ngoài việc áp dụng chính sách phong tỏa khắc nghiệt. Nhưng một số chuyên gia khác chỉ ra rằng đã có nhiều báo cáo hoặc các trang mạng xã hội đưa ra lời cảnh tỉnh trước Đại học Hoàng gia, nhưng không được London quan tâm.

    Một quán cá phê vắng khách gần Piccadilly Circus.

    "Vấn đề không phải là họ nói gì mà là ai nói", Devi Sridhar, giám đốc chương trình quản trị y tế toàn cầu tại Đại học Edinburgh nói. "Neil Ferguson có tầm ảnh hưởng rất lớn".

    Đại học Hoàng gia từng thuộc nhóm cố vấn đưa ra chiến lược không áp đặt các biện pháp cách ly xã hội mà chấp nhận để nCoV lây lan, với lập luận rằng nếu thả Covid-19 đạt đỉnh, họ sẽ đạt được "miễn dịch cộng đồng", khiến công chúng có sức đề kháng cao hơn nếu đối mặt đợt bùng phát thứ hai vào mùa đông tới. 

    Giờ đây, Đại học Hoàng gia không còn ủng hộ chiến lược đó, nói rằng nó sẽ khiến bệnh viện quá tải trong khi nhiều người lâm vào tình trạng nguy kịch. Họ nói rằng Anh cần thực hiện các biện pháp kiềm chế như đóng cửa trường học, cách ly người nhiễm và gia đình họ. Các biện pháp sẽ giúp giảm số ca nhiễm mới và khiến virus chậm lây lan, giúp các bệnh viện không phải tiếp nhận lượng lớn bệnh nhân cùng một lúc.

    Ferguson trình bày thẳng thắn rằng nhóm của ông bác bỏ chiến lược cũ và đưa ra kết luận mới sau khi xem xét dữ liệu mới nhất từ Italy, nơi tình trạng lây lan quá nhanh khiến bệnh viện quá tải, các bác sĩ không thể điều trị được cho tất cả bệnh nhân.

    "Theo ước tính của chúng tôi và các nhóm khác, thực sự không có lựa chọn nào khác ngoài việc học theo Trung Quốc và đưa ra các biện pháp khống chế dịch", Ferguson nói trong cuộc phỏng vấn ngày 16/3, ngay sau khi báo cáo được công bố.

    Nhóm của Ferguson viết rằng họ "mới đi đến kết luận trong vài ngày qua", sau khi hoàn tất ước tính về số bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt, dựa trên tình hình ở Italy và Anh.

    Nhưng các chuyên gia khác nói rằng việc bệnh viện chịu áp lực quá lớn là vấn đề đã rõ ràng từ khi dịch bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc tháng 12/2019. Tạp chí y khoa Anh Lancet đã đăng một bài viết vào tháng một, dựa trên nghiên cứu một nhóm nhỏ bệnh nhân, chỉ ra rằng 1/3 số người nhiễm nCoV phải được đưa vào khu chăm sóc đặc biệt.

    "Tôi không thể không tức giận khi phải mất gần hai tháng các chính trị gia và thậm chí là 'chuyên gia' mới hiểu được mức độ nguy hiểm của nCoV", Richard Horton, tổng biên tập của Lancet viết trên Twitter. "Những mối nguy hiểm đó đã rõ ràng ngay từ đầu".

    Một số người cho rằng chính phủ các nước cũng nên nhìn nhận các dự báo về chính sách dập dịch với mức độ thận trọng tương đương. Nhóm của Ferguson nói rằng các biện pháp cách ly xã hội có thể phải được áp dụng 18 tháng trở lên, cho đến khi vaccine được phát triển và thử nghiệm. Nhưng họ thừa nhận không chắc chắn về đánh giá này.

    Và chính Ferguson cũng có khả năng đã nhiễm nCoV. Ngày 18/3, ông thông báo bị sốt cao và ho khan. Mặc dù chưa làm xét nghiệm, Ferguson cho rằng ông có nguy cơ bị lây sau khi tham dự một cuộc họp báo ở số 10 phố Downing và đang tự cách ly.

    Chính phủ Anh khẳng định họ đã bỏ chiến lược cũ và chuyển sang chính sách kêu gọi mọi người không đến nơi công cộng như quán rượu, nhà hàng, nhà hát hoặc bảo tàng.

    Imperial College London.

    Ngày 17/3, cố vấn khoa học của chính phủ Patrick Vallance cho biết những hạn chế mới này có thể kéo dài vài tháng. Tất cả cuộc phẫu thuật không khẩn cấp sẽ bị hoãn lại ít nhất ba tháng, bắt đầu từ ngày 15/4, để giải phóng 30.000 giường bệnh nhằm đối phó Covid-19. Anh tụt hậu so với các quốc gia châu Âu khác trong nguồn cung máy thở. Họ đang triển khai kế hoạch để tăng số máy thở từ 8.000 lên 12.000 nhưng chưa chắc đã đủ đáp ứng nhu cầu.

    Thủ tướng Johnson đã hứng chỉ trích vì chính sách thiếu rõ ràng. Ông thúc giục mọi người tránh đến các quán rượu và nhà hàng nhưng không ra lệnh đóng cửa chúng. Thực tế, chính phủ có ý định nới lỏng luật để cho phép các quán rượu tiếp tục mở cửa và cung cấp dịch vụ giao đồ tận nhà.

    Ngay sau khi Thủ tướng Johnson phát lời kêu gọi, cha ông, cựu chính trị gia Stanley Johnson, tuyên bố sẽ tiếp tục đến quán rượu.

    VnExpress (dịch từ NYTimes)

  • Trần Vũ Kiều Phương chia sẻ với BBC News Tiếng Việt hành trình cô bị nhiễm Covid-19 và bình phục sau khi được giới chức y tế Thụy Sỹ cho cách ly tại gia.

    Virus corona: 'Tôi hồi phục sau khi nhiễm Covid sau khi tự cách ly ở nhà'. Ảnh: TVKP

    Việc bình phục nhanh chóng với Trần Vũ Kiều Phương, 28 tuổi, một du học sinh ở Thụy Sỹ, người mới đây được chẩn đoán dương tính với Covid-19, vẫn còn là điều làm chính cô ngạc nhiên.

    Phương cho hay: "Mới đây tôi đã nhận kết quả xét nghiệm âm tính. Hiện giờ tôi vẫn ở nhà để đảm bảo an toàn cho mọi người nhưng tôi đã khỏe lên rất nhiều. Thật kỳ diệu."

    Phương nói "kỳ diệu" do cô hồi phục nhanh ngoài trông đợi của chính mình. Nhưng điều mà cô muốn chia sẻ hơn cả là việc tự cách ly tại gia đối với những trường hợp còn trẻ, không có tiền sử bệnh, như cô, có thể là một biện pháp khá hữu hiệu cho chính phủ.

    Khẩu trang và dung dịch rửa tay là thứ duy nhất Phương được bệnh viện cấp sau khi được chẩn đoán dương tính với Covid-19. Ảnh: TVKP

    Ngày 29/2: Phương qua Pháp thăm một người bạn. Khi đó người bạn này kêu mệt nhưng cả nhóm không nghĩ gì khác nên vẫn chào hỏi, ôm hôn, đi chơi cùng.

    Vài ngày sau khi về lại Thụy Sỹ, Phương được tin cô bạn người Pháp đã nhập viện do nhiễm virus corona. Khi đó Phương khá hoảng sợ vì cô cũng đang cảm thấy rất mệt. Trước đó cô chỉ nghĩ có lẽ do mình học nhiều quá nên vẫn mệt như mọi khi. Cô cũng bị chảy mũi, nhưng ban đầu nghĩ do trời lạnh.

    Ngày 4/3: Phương gọi điện cho bác sỹ gia đình và được sắp xếp khám vào ngày hôm sau.

    Ngày 5/3: Sau khi khám cho Phương, bác sỹ gia đình kê cho cô thuốc giảm đau cổ họng, thuốc xịt mũi, thuốc ho, hạ sốt. Nhưng sau khi Phương cho hay mình từng tiếp xúc với người nhiễm Covid, bác sỹ lập tức gọi điện cho bệnh viện của thành phố và hỏi các thủ tục làm xét nghiệm.

    Chỉ có một vài nơi trong thành phố nơi Phương sống có thể làm xét nghiệm Covid-19, và quy định thường sau 14 ngày kể từ khi tiếp xúc với nguồn bệnh mới xét nghiệm. Phương mới được 5 ngày nhưng do cô đã có triệu chứng khá rõ nên được chấp thuận cho làm xét nghiệm ở một trung tâm y tế.

    "Ngay khi tôi nói mình tới để xét nghiệm virus corona, nhân viên y tế lập tức phát cho tôi khẩu trang và dung dịch rửa tay. Sau đó họ đưa tôi ra một lều cách ly bên ngoài để chờ, nơi đã có một số người cũng đang ngồi chờ tới lượt. Tôi phải chờ 4 tiếng mới được khám do có khoảng 4 - 5 người trước mình."

    "Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ kín từ đầu tới chân, hỏi tôi rất cặn kẽ về lịch trình tiếp xúc với người bệnh, tiểu sử bệnh tật, có bị sốt không. Sau đó họ lấy hai mũi dung dịch họng và mũi, cấp giấy hướng dẫn cách ly, yêu cầu tôi đeo khẩu trang và trở về nhà lập tức."

    Hành trình cách ly tại gia

    Thùng đồ ăn do bạn bè gửi cho Phương. Ảnh: TVKP

    Ngày 6/3: Chỉ 24 giờ sau khi làm xét nghiệm, Phương nhận kết quả: Dương tính.

    "Các bác sỹ nói tôi đừng lo lắng quá, sẽ có người chăm sóc tôi. Họ nói tôi còn trẻ, đây không phải bệnh chết người, nó chỉ nguy hiểm với người già và có tiền sử bệnh nền, nên tôi hãy yên tâm."

    "Tôi chỉ biết có vậy, cũng không được cấp phát thuốc gì, không nhập viện, không có thêm thông tin nào hết."

    "Trong những ngày ở nhà, người ở trung tâm y tế gọi điện ngày hai lần để kiểm tra tình trạng của tôi, phòng khi bệnh tôi trở nặng thì sẽ phải nhập viện ngay lập tức. Bác sỹ gia đình cũng gọi điện liên tục."

    "Cũng trong ngày nhận kết quả dương tính từ bệnh viện, tôi bắt đầu đau nhức toàn thân, mệt rã rời. Tôi có hỏi bác sỹ cho tôi thuốc và rằng tôi có cần nhập viện không, nhưng họ nói không. Họ chỉ nói tôi uống thuốc giảm đau hạ sốt và yêu cầu thường xuyên đo nhiệt độ cơ thể."

    "Cơn đau nhức lan khắp người, tới mức tôi đứng lên mà chỉ muốn té ngã. Có lúc tôi cảm thấy mình không thể thở nổi. Nhưng tôi không hề sốt."

    Kết quả xét nghiệm của bệnh viện cho hay Phương âm tính với Covid-19 sau khi cách ly tự điều trị tại gia. Ảnh: TVKP

    "Tôi là người theo Tin Lành, nên tôi thường xuyên cầu nguyện mong Chúa chữa lành và bảo vệ cho tôi. Lúc đó, tôi có niềm tin rất mạnh liệt rằng chắc chắn tôi sẽ khỏi bệnh, do đó dù mệt mỏi nhưng tôi thấy rất bình an."

    "Tôi cũng không cho phép mình lo lắng quá nhiều, vì có thể sự lo lắng khiến bệnh tình trở nặng hơn. Lúc quá mệt, đau, tôi cũng cố để không nằm bẹp một chỗ mà đi lại dọn dẹp, ăn trái cây, làm bài tập, hay tranh thủ ngủ thật nhiều. Cứ thế, tôi làm mọi cách để quên đi sự mệt mỏi, đau nhức."

    "Hàng xóm và các bạn biết tôi bị bệnh nên đã chung tay giúp đỡ. Họ mua đồ ăn mang đến đặt trước cửa. Có bạn còn kho cá gửi qua thùng thư.

    Ngày 9/3: Theo đề nghị của bác sỹ, Phương tới bệnh viện làm xét nghiệm lần hai.

    Các thủ tục xét nghiệm lần này cũng giống hệt lần một, chỉ khác là nhân viên y tế chỉ lấy dung dịch mũi để xét nghiệm.

    Kết quả: Âm tính.

    "Tôi có niềm tin mãnh liệt rằng mình không được quỵ ngã, mình sẽ khỏi bệnh, nhưng tôi cũng không ngờ là mình hồi phục nhanh đến thế,"Trần Vũ Kiều Phương chia sẻ với BBC News Tiếng Việt.

    "Bên này thông tin người nhiễm virus được bảo mật rất kỹ. Ngay cả bác sỹ gia đình gọi điện đến trung tâm y tế nơi làm xét nghiệm Covid-19 cho tôi cũng không được cung cấp thông tin. Tôi mới là người có quyền quyết định sẽ thông báo tin này hay không."

    "Để đảm bảo sự an toàn cho cộng đồng, đặc biệt do tính chất công việc tôi phải tiếp xúc với trẻ em, nên tôi đã quyết định thông báo ngay cho nhà trường và bạn bè là mình bị nhiễm virus."

    "Trường cũng ngay lập tức email trong toàn hệ thống cho sinh viên, thông báo trong khoa có người nhiễm bệnh, yêu cầu sinh viên trong khoa học online, hoặc với những người vẫn muốn đến lớp thì phải ngồi cách nhau 2m và không tiếp xúc gần."

    "Trong trường cũng có trang web riêng về vấn đề virus corona và hướng dẫn chăm sóc sức khỏe thế nào."

    "Ở đây không phải muốn đòi nhập viện là được. Những ca nhiễm virus ở Thụy Sỹ đang ngày càng nhiều lên nên chính phủ tập trung chữa cho người già và trẻ em bởi họ là đối tượng có nguy cơ cao và khi nhiễm bệnh thường bị nặng."

    "Ở Thụy Sỹ mọi người không đeo khẩu trang. Khi có ai đó đeo khẩu trang thì mọi người mặc định người đó đang bị bệnh."

    Ở đây dù có nhiễm bệnh thì vẫn điều trị ở nhà. Bác sỹ nói bệnh này nguy hiểm nhưng người trẻ, khỏe, không có tiền sử bệnh, thì chống chọi được. Quan trọng là phải cách ly, đừng để nhiễm cho cộng đồng, đặc biệt cho người già và trẻ em."

    "Cái khó là phải tự ý thức rất cao. Bởi lẽ có người không thể chịu được việc phải ở nhà một mình trong một khoảng thời gian."

    "Ở đây chỉ xét nghiệm một lần, lần hai là rất hiếm. Họ phải bàn bạc với bên bảo hiểm. Bảo hiểm của tôi chi trả hết tiền xét nghiệm, nhưng việc tôi tự điều trị ở nhà, ăn uống ra sao thì tự lo hết."

    "Ở Thụy Sỹ người dân cũng lo sợ. Chính phủ đã cho đóng cửa trường học, cấm hội họp đông người. Nhưng không đến nỗi hoảng loạn. Người nhiễm bệnh vẫn được bảo mật thông tin, không lo bị xa lánh, kỳ thị, truy tìm. Người nhiễm bệnh có trách nhiệm báo với người tiếp xúc với mình. Cuộc sống vẫn tiếp diễn."

    "Tôi mong rằng qua việc tôi chia sẻ về trường hợp của mình, sẽ thắp lên hi vọng cho cộng đồng về việc chúng ta có thể vượt qua bệnh dịch như thế nào," Trần Vũ Kiều Phương nói.

    Theo BBC News Tiếng Việt

  • Hiện ở UK đã có 2.626 người được xét nghiệm dương tính với coronavirus, tăng tới 676 ca so với hôm qua. Ít nhất 104 người đã qua đời vì căn bệnh này. 

    Số ca nhiễm bệnh ở UK đã tăng theo đường dốc đứng.

    Con số thực nhiễm có lẽ cao hơn nhiều, các chuyên gia ước tính 55.000 đang mang mầm bệnh và yêu cầu chính quyền tiến hành nhiều xét nghiệm hơn. 

    - Thủ tướng cho biết sẽ tăng cường xét nghiệm, từ 5.000 người lên 25.000 người mỗi ngày, tuy nhiên phải 4 tuần nữa thì điều này mới có thể thực hiện. Hiện đã có 56.221 người được xét nghiệm.

    - Hiện phủ thủ tướng đang làm việc với công ty Mỹ ThermoFisher, để tìm hiểu về các bộ xét nghiệm cho kết quả trong vòng 4 tiếng. Hiện nay, người dân phải chờ từ 24-72 tiếng mới nhận được kết quả xét nghiệm.

    Nhân viên công ty ThermoFisher khiêng 1 thùng đựng các bộ xét nghiệm tới phủ thủ tướng.

    - Hôm qua, chính phủ đã nhập hàng ngàn bộ xét nghiệm từ công ty Pháp, Novacyt, với chi phí 3.7 triệu bảng. Tuy nhiên, những bộ xét nghiệm này chỉ được dùng trong các bệnh viện, vì thế nhiều người nổi tiếng và các doanh nghiệp đã tự móc túi ra 375 bảng để mua bộ xét nghiệm tại nhà.

    - Wales tuyên bố sẽ đóng cửa các trường học trễ nhất vào thứ Sáu tuần này, nghĩa là kỳ nghỉ lễ Phục sinh sẽ đến sớm hơn. Scotland cũng tuyên bố đóng cửa trường học vào cuối tuần này và chưa biết khi nào mới mở lại. Ở England vẫn chưa có động tĩnh gì nhưng ông Boris Johnson hứa sẽ sớm có hành động. 

    - Bộ Ngoại giao kêu gọi công dân Anh ở Tây Ban Nha hãy quay về trước ngày 24/3, thời điểm tất cả khách sạn ở đây sẽ đóng cửa.  

    - Lễ hội âm nhạc Glastonbury 2020 và cuộc thi Eurovision Song Contest ở Rotterdam đã bị hủy.

    - Các drama của đài BBC cũng ngừng quay, bao gồm EastEnders, Casualty, Doctors, Holby City, River City và Pobol y Cwm.

    - Ngày ra mắt bộ phim tài liệu David Attenborough: A Life On Our Planet cũng bị hoãn.

    - Hãng Raynair sẽ cắt 80% các chuyến bay kể từ ngày 24/3. Sau đó, hãng sẽ ngừng tất cả các chuyến bay, trừ một số rất ít để duy trì những hoạt động cần thiết, chẳng hạn giữa UK và Ireland. 

    - Nhiều người đã xếp hàng dài bên ngoài các siêu thị và nhà thuốc trước giờ mở cửa. Bộ trưởng Scotland, ông Michael Metheson, chỉ trích những người mua hàng nhiều hơn mức họ cần là những kẻ ích kỷ, vì hành động đó ảnh hưởng trực tiếp tới những người dễ bị tổn thương. Ông kêu gọi mọi người hãy hành động có trách nhiệm vì chúng ta ''đều ở chung trên một con thuyền''.

    - Các siêu thị đã áp giới hạn sản phẩm mà mỗi người có thể mua, trong khi Tesco đã đóng các cửa hàng tiện lợi để bổ sung hàng hóa. 

     - 500 nhân viên của John Lewis đã được điều qua Waitrose hỗ trợ, để đảm bảo hàng hóa không bị thiếu hụt.

    - Các bộ trưởng yêu cầu các tài xế giao hàng và các nhân viên chăm sóc nên nghỉ ở nhà nếu thấy không khỏe. 

    - 11 cửa hàng thời trang Beales cuối cùng sẽ đóng cửa sớm 2 tuần vì quá ế ẩm, chấm dứt 139 năm tồn tại trên đường phố. 

    Viethome (Theo Mirror)

  • Một người đàn ông đã dính coronavirus trong một chuyến du lịch bí mật tới Italy với tình nhân, và giờ đang sợ hãi chuyện ngoại tình của mình sẽ bại lộ.

    Theo The Sun, anh chàng đã thú nhận tội lỗi của mình với các nhân viên y tế ở một bệnh viện tại bắc England. Người đàn ông trên 30 tuổi, nói dối vợ rằng mình đi công tác trong nước, vì thế cô không hề biết chồng đã đi Italy với bồ nhí.

    Khi trở về, anh này đã phải đến bệnh viện do xuất hiện triệu chứng, và kết quả là anh dương tính với Covid-19. Người đàn ông được miêu tả là giàu có với công việc lương cao, đã kể với các bác sĩ về chuyện ngoại tình của mình, nhưng không dám tiết lộ tên bồ nhí. 

    Ảnh minh họa

    Vợ anh hiện đang cách ly tại ngôi nhà sang trọng của họ ở bắc England, không hề biết vì sao chồng mình lại nhiễm bệnh. Cô chỉ nghĩ anh bị lây nhiễm khi đi công tác.

    ''Anh chàng đang trở thành chủ đề bàn tán của các nhân viên bệnh viện. Trường hợp của anh này có thể khá buồn cười, nếu như virus này không quá nguy hiểm'', một nguồn tin nói với The Sun. ''May mắn là anh ta sẽ sống sót, còn cuộc tình vụng trộm thì có lẽ không qua nổi''.  

    ''Bệnh nhân may mắn đã đón được máy bay về nhà trước khi các chuyến bay bị hủy. Nếu không thể quay lại England, chắc anh chàng sẽ phải giải thích với vợ mệt hơi. Anh ta khá lo lắng, không phải lo cho sức khỏe mà lo chuyện ngoại tình sẽ bị lộ'', nguồn tin cho biết. 

    Italy hiện là vùng dịch lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc đại lục, với hơn 31.000 ca nhiễm, trong đó hơn 2.500 người đã tử vong. Bệnh viện Papa Giovanni gồm 950 giường bệnh đang rơi vào khủng hoảng do Covid-19, khi hơn 400 giường đã được sử dụng cho các bệnh nhân nhiễm nCoV và ba trong 4 lãnh đạo cao cấp nhất của bệnh viện đã đổ bệnh.

    Đội xe cấp cứu của bệnh viện cũng bị quá tải, thậm chí có người bị đau tim phải chờ điện thoại gần một giờ vì các đường dây đều bận. Bác sĩ Angelo Giupponi, người điều phối bộ phận cấp cứu của Papa Giovanni, cho biết đội của ông nhận được 2.500 cuộc gọi mỗi ngày và đưa 1.500 người đến bệnh viện.

    Giupponi nói rằng nhân viên cứu thương không được đào tạo để ứng phó với dịch bệnh như Covid-19 và nhiều người đã nhiễm nCoV từ xe của họ. Nhân viên Diego Bianco, 40 tuổi, thậm chí đã tử vong vì Covid-19 dù không có bệnh lý nền.

    Bác sĩ Sergio Cattaneo, trưởng khoa gây mê và chăm sóc tích cực tại một bệnh viện công ở Brescia, miền bắc Italy, nói rằng các phòng trống trong bệnh viện đã được biến thành phòng chăm sóc đặc biệt trong 6 ngày. Một phòng giặt của bệnh viện đã được chuyển đổi thành phòng chờ xếp đầy cáng cứu thương, trong khi một lều dã chiến được dựng tạm ngoài trời để xét nghiệm những bệnh nhân nghi nhiễm nCoV.

    "Điều thực sự gây sốc mà chúng tôi không thể dự đoán và khiến chúng tôi gục ngã là sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh. Nếu sự lây lan không được kiểm soát, tất cả bệnh viện đều phải chịu thua", Cattaneo cho hay.

    Chính quyền vùng Lombardy đang thúc đẩy kế hoạch xây dựng bệnh viện dã chiến 400 giường chăm sóc tích cực tại bãi đất trống ở Milan, dù Cơ quan Phòng vệ Dân sự cảnh báo không có đủ máy thở hoặc nhân viên y tế cho một bệnh viện như vậy và thời gian cũng không còn nhiều.

    "Đây sẽ là thông điệp mạnh mẽ cho các nước khác, hãy hành động sớm để tránh xảy ra trường hợp như chúng tôi", Cattaneo nói.

    Brescia, thành phố công nghiệp gồm 200.000 dân ở phía đông Milan, chỉ đứng sau Bergamo về số ca nhiễm nCoV ở vùng Lombardy. Tuy nhiên, trong vài ngày qua, Brescia đã vượt Bergamo về số ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm nCoV lên hơn 3.300.

    7 ca tử vong tại Brescia trong tuần này là những người cao tuổi trong một viện dưỡng lão, nơi 8 người cao tuổi khác cũng đã nhiễm nCoV. Phần lớn người nhiễm nCoV chỉ bị các triệu chứng nhẹ, song tỷ lệ tử vong ở người trên 80 tuổi tại Italy lên tới 22%. Gần như tất cả các bệnh nhân nhập viện đều bị viêm phổi kẽ.

    Covid-19 đã hoàn toàn áp đảo hệ thống y tế công cộng ở miền bắc thịnh vượng của Italy, khiến quan chức khu vực phải khẩn cầu các bác sĩ về hưu quay lại làm việc và cho các sinh viên y khoa tốt nghiệp sớm. Nhân viên y tế Italy cũng phàn nàn tình trạng thiếu nghiêm trọng thiết bị, bao gồm khẩu trang và kính bảo hộ. Hơn 2.300 nhân viên y tế đã bị nhiễm bệnh, trong đó 1.900 người là bác sĩ và y tá.

    Viethome (theo news.com.au)

  • Một bé trai 9 tháng tuổi ở Manchester được tin là đứa bé thứ 2 nhiễm coronavirus ở Anh.

    Bé Cassian Coates đã bị sốt cảm lạnh suốt nhiều ngày. Bố mẹ em, Myroslava và Callum, đã đưa em đến bệnh viện. Kết quả xét nghiệm cho thấy em bị mắc coronavirus, mặc bù cả bố mẹ đều không có triệu chứng nhiễm bệnh nào.

    Bé Cassian Coates xuất hiện triệu chứng sốt và cảm lạnh.

    Hai vợ chồng hiện đang cách ly ở nhà. Còn bé Cassian được điều trị bằng Calpol, một loại thuốc dành cho các em bé bị cảm lạnh. 

    Chị Myroslava nói với Sky News: "Khi đến bệnh viện, chúng ta phải trải qua nhiều thủ tục đặc biệt. Phòng chờ có một tấm biển ghi ''tình nghi lây nhiễm''.

    Bác sĩ mang khẩu trang và chỉ kiểm tra cơ bản, đo nhiệt độ, kiểm tra tai và nói: ''Yeah, mắc coronavirus rồi''. Đôi vợ chồng đã bị sốc, vì cả nhà chưa có ai xuất hiện triệu chứng gì. 

    Myroslava nói: ''Tôi không biết con mắc bệnh từ đâu vì hai vợ chồng tôi đều khỏe. Hiện cả nhà phải cách ly trong 2 tuần và bác sĩ cho con tôi uống Calpol như thể con bị cảm lạnh''. 

    Chị Myroslava không biết con mắc bệnh từ đâu.

    Bà mẹ một con cho rằng các hướng dẫn không đủ rõ ràng. Khi họ đăng tải kết quả xét nghiệm của con mình lên mạng xã hội, rất nhiều ông bố bà mẹ đã nhảy vào bình luận với hàng ngàn câu hỏi. 

    ''Con có những lúc rất khó chịu nhưng may mắn, con đã vượt qua được'', chị nói. 

    Tuần trước, một bé sơ sinh mới chào đời ở London đã trở thành bệnh nhân trẻ tuổi nhất của coronavirus. 

    Mẹ bé được xét nghiệm dương tính sau khi sinh con. Các bác sĩ và chuyên gia đã cố gắng tìm hiểu xem em bé sơ sinh trên đã lây nhiễm COVID-19 theo con đường nào, từ trong tử cung khi còn trong bụng mẹ hay trong quá trình sinh, bởi trước nay chưa có khẳng định nào về việc COVID-19 có thể lây từ mẹ sang con. Tới ngày 15/3, một số chuyên gia lại tin rằng rất có thể em bé đã nhiễm virus từ người mẹ sau khi đã chào đời do ho hoặc hắt hơi.

    Rất may đến hiện tại, tình hình sức khỏe của em bé trên đã hồi phục hơn. Theo thông tin từ tờ The Sun, em bé này đã thoát khỏi nguy hiểm, các triệu chứng dần suy giảm và đang hồi phục tốt. Chưa có thông tin về tình hình sức khỏe hiện tại của người mẹ.

    Các nhà chức trách tại Anh đã khẳng định rằng, phụ nữ mang thai và em bé ít có nguy cơ biến chứng do virus và hầu hết đều có triệu chứng nhẹ, không ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng.

    Trước đó, bệnh nhân nhỏ tuổi nhất nhiễm Covid-19 ở Hàn Quốc là 1 bé trai 6 tuần tuổi có cha là tín đồ thuộc giáo phái Tân Thiên Địa.

    Ở Trung Quốc cũng có một bé trai mới 5 ngày tuổi tên Tiểu Mộc Ân đã nhiễm Covid-19 với những triệu chứng nặng. Bé phải điều trị một tháng mới xuất viện. Ngày thứ hai sau khi Tiểu Mộc Ân chào đời, mẹ của bé được chẩn đoán bị nhiễm virus corona. Năm ngày sau khi sinh, bé bị sốt cao và kết quả xét nghiệm cũng cho thấy bé dương tính với virus này. Tiểu Mộc Ân đã được đưa vào khu cách ly để chữa trị.

    Bé Tiểu Mộc Ân được bác sĩ cho uống sữa. Ảnh: Chinadaily

    Hiện nay các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu vì sao trẻ em ít bị nhiễm coronavirus và có nhiễm cũng không quá nặng. Đây có thể xem là một điều rất may mắn.

    Viethome (theo Manchestereveningnews)

  • NHS đã không còn khuyên bệnh nhân uống ibuprofen giữa lo ngại loại thuốc kháng viêm này có thể khiến sức khỏe của người nhiễm Covid-19 chuyển biến tệ hơn. 

    Một ông bố ở Greater Manchester đã cảnh báo rằng đứa con riêng 4 tuổi của vợ anh đã xuất hiện biến chứng rất nặng - bao gồm run rẩy, tim đập nhanh và nôn ói - sau khi uống ibuprofen.

    Sau đó, trên website chính thức, NHS đã gỡ bỏ lời khuyên uống ibuprofen khi điều trị ở nhà. Và thay bằng lời khuyên: ''Uống nhiều nước và paracetamol để giảm nhẹ triệu chứng''.

    Bộ trưởng Y tế Pháp, Olivier Veran, cũng cảnh báo các thuốc kháng viêm như ibuprogen có thể làm tăng triệu chứng coronavirus, và khuyên người bệnh chuyển qua paracetamol hay thuốc tương tự. 

    Ông nói: ''Nếu bạn đang uống ibuprofen, hãy hỏi lại bác sĩ''.

    Các chuyên gia cảnh báo ibuprofen không có lợi cho bệnh nhân nhiễm Covid-19. Ảnh: Getty Images 

    Giáo sư, Sir Patrick Vallance cũng khuyên người bệnh không nên uống ibuprofen. 

    Covid-19 là một căn bệnh hoàn toàn mới và chưa có nghiên cứu nào cho thấy ibuprofen có thể gây ra các phản ứng phụ, hay khiến triệu chứng nặng hơn. Tuy nhiên các loại thuốc kháng viêm có thể gây rủi ro đối với những người mắc bệnh lây nhiễm, vì chúng có thể cản trở hoạt động của hệ miễn dịch.

    Các cửa hàng đang cháy các loại thuốc không cần toa. Ảnh: PA 

    Cơ quan Y tế Cộng đồng Anh trước đây cho rằng không có nhiều bằng chứng cho thấy người bệnh có thể gặp rủi ro khi dùng ibuprofen. Cũng không có bằng chứng cho thấy ibuprofen gây hại cho những người bị nhiễm trùng đường hô hấp. Vì thế, cơ quan này đã không thay đổi lời khuyên của họ. 

    Tuy nhiên những ngày gần đây, các chuyên gia sức khỏe bắt đầu lo ngại về sự nguy hiểm của ibuprofen đối với người mắc Covid-19.

    Ian Jones, giáo sư virus học tại Đại học Reading, nói với Telegraph rằng ibuprofen có thể làm giảm chức năng miễn dịch, gây chậm phục hồi, và làm tăng các triệu chứng viêm phổi. Ông khuyên người bệnh dùng paracetamol để giảm sốt. 

    Ông bố chia sẻ hình ảnh con gái bị biến chứng sau khi dùng thuốc ibuprofen.

    Tiến sĩ Amir Khan phát biểu trên show GPs Behind Closed Doors rằng: ''Các loại thuốc kháng viêm gây trầm cảm, góp phần làm hại hệ miễn dịch, đặc biệt ở những người có hệ miễn dịch yếu sẵn. Bạn có thể dùng thuốc này để trị cảm lạnh thông thường, bởi vì cảm lạnh không gây suy yếu hệ miễn dịch quá nhiều, cũng không có ai chết vì cảm lạnh''.

    ''Còn đối với Covid-19, để chiến thắng nó, hệ miễn dịch phải hoạt động hết công suất''.

    ''Các tế bào mast (dưỡng bào) trong cơ thể giải phóng những hóa chất kháng viêm khi tiếp xúc với virus corona. Những hóa chất này rất cần thiết để đánh bại virus. Khả năng hoạt động hiệu quả của các hóa chất này sẽ quyết định một người sẽ gặp biến chứng hay hồi phục khi nhiễm coronavirus''.

     

    Viethome (theo Mirror)

     

  • Trong ngày 16/3, 4 chuyến bay chở 180 hành khách người Việt từ Châu Âu đã về nước. Các công dân Việt Nam trở về từ vùng dịch đều được cách ly y tế theo quy định. Dưới đây là hành trình của một trong số những người có mặt trên các chuyến bay đó.

    Những chuyến bay giải cứu cuối cùng

    Tôi may mắn được bước lên một trong những chuyến bay Vietnam Airlines cuối cùng từ tâm bão dịch châu Âu để về với Đất Mẹ. Một chuyến bay chỉ có 18 hành khách trên chiếc máy bay 300 chỗ.

    Từ đáy lòng, xin chân thành cảm ơn Tổ quốc đã dang tay cứu nạn!

    EU sẽ chính thức đóng cửa biên giới 12h trưa ngày 17/3, cấm toàn bộ các chuyến bay đến châu Âu cũng như giữa các nước châu Âu. Hiện tại có một số (4 hoặc ít hơn) máy bay của Vietnam Airlines sẽ đậu ở Heathrow, CDG và Frankfurt Airports và sẽ xuất phát lúc 14h. Các chuyến bay này sẽ là đợt bay cuối cùng đưa người Việt rời khỏi châu Âu.

    Một khung cảnh chưa bao giờ từng thấy ở quầy check-in. Một hàng dài những người châu Âu tìm cách đến Việt Nam tránh nạn. Họ đã đặt vé của Vietnam Airlines nhưng bị từ chối xuất vé vì chỉ những ai có hộ chiếu hoặc thẻ cư trú tại Việt Nam mới có thể lên những chuyến bay này. Tuy nhiên, nếu không có hộ chiếu Việt Nam nhưng là người Việt, nói tiếng Việt thì họ cũng cho lên. Trong 18 người trên chuyến bay thì 17 người là người Việt, người còn lại không phải người Việt nhưng bằng cách nào đó vẫn được lên.

    Trong cái hàng dài đó, có thể dễ nhìn thấy ánh mắt tuyệt vọng của những người đàn ông trung niên. Có một đôi trẻ van xin, cho tôi bay đi đâu cũng được, miễn là ra khỏi châu Âu. Thật không ngờ có một ngày "fall of Europe" thế này, khi mà người của lục địa già đã quá quen với việc người của họ được giải cứu từ những nơi kém phát triển hơn, nay lại phải đi lánh nạn nơi khác.

    Lượng hành khách được bay là rất ít, còn ít hơn số nhân viên ở cảng hàng không.

    Sân bay rất vắng, có lẽ là nhân viên hàng không còn nhiều hơn hành khách! Hầu hết mọi người đều đeo khẩu trang, trái ngược lại với khung cảnh kì thị khẩu trang đang diễn ra ở những nơi dịch chưa hoành hành dữ dội. Có một lúc tôi vô tình kéo khẩu trang xuống khi đang qua kiểm tra an ninh thì được một nhân viên kiểm soát người Đức nhắc "put your mask on". Tôi không tin vào tai mình. Một người châu Âu nhắc người khác đeo khẩu trang! Tôi cảm thấy tin tưởng lại tình người mà tôi đã đặt dấu chấm hỏi từ khi cái phong trào kì thị khẩu trang của hội anti-mask zombie xuất hiện.

    Khách trên chuyến bay đến từ nhiều nơi, ngoài Đức ra có Hà Lan, Na Uy, Đan Mạch, Thuỵ Điển. Họ đều quan ngại về miễn dịch bầy đàn, về chính sách, văn hoá châu Âu và cũng có nhiều câu chuyện về kì thị khẩu trang, kì thị người châu Á từ khi dịch bệnh xuất hiện. Ở Hà Lan có người bị đánh, không rõ vì là người Á, vì đeo khẩu trang hay cả hai. Một bác già có hai cháu ngoại sinh ra ở Đức chở ra sân bay, kể khi bác đeo khẩu trang lên hai đứa chúng nó cười hô hố: "ông bị hâm à?"

    Bữa ăn trên chuyến bay giải cứu được bọc cẩn thận.

    Khi lên máy bay, tất cả mọi người đều được phát khẩu trang và sát khuẩn tay. Tiếp viên mặc đồ bảo vệ từ đầu đến chân, đeo kính mắt và găng tay. Đồ ăn tất cả được bọc cẩn thận. Nhà vệ sinh của hành khách và tiếp viên riêng biệt, không dùng chung.

    Tiếp viên hàng không được mặc đồ bảo hộ kín mít.

    Tôi hầu như không ngủ trên cả chuyến bay, nghĩ đến những gì đang xảy ra ở châu Âu. Nhất là nghĩ đến con số người chết ở Ý. Trong một ngày hôm qua thôi mà gần 400 người chết. Chết nhiều thế thì người ta xử lý xác thế nào? Đối với người Việt thì luôn có sự liên kết giữa người trần và tổ tiên, chuyện thờ cúng, ma chay, cải táng là rất quan trọng. Có lẽ người châu Âu quan niệm chết đơn giản là lên thiên đàng, chết kiểu gì cũng như nhau nên họ mới chủ quan, chẳng quan tâm đến dịch bệnh đến vậy. Đại dịch này sẽ thay đổi rất nhiều thứ.

    Sống rồi!

    Khi máy bay đáp xuống Vân Đồn, mọi người đều thở phào nhẹ nhõm: "Sống rồi!", vì biết rằng về đến Việt Nam là chạy thoát khỏi ổ dịch. Điều quan trọng nhất bây giờ không phải là có bị nhiễm covid hay không, mà là có về được Việt Nam hay không! Kể cả nếu dương tính thì ngay lập tức được theo dõi chữa trị, còn ở lại châu Âu thì sẽ bị trả về nhà tự đương đầu với bệnh tật.

    Máy bay đã đáp xuống sân bay nhưng phải chờ khá lâu, tầm 1 tiếng mới được ra. Nhiều người lo lắng "nhỡ nó lại bay lại châu Âu thì sao". Tây Ban Nha thông báo sẽ đóng biên giới hôm thứ hai, nhưng "sập" quá nhanh vào thứ bảy làm một số máy bay đang bay đến phải quay đầu lại.

    Tất cả hành lý được khử trùng, mọi nhân viên mặc đồ bảo hộ kín mít.

    Khi bước khỏi máy bay, tất cả mọi người và hành lý đều được khử trùng. Tất cả mọi nhân viên hải quan, y tế lẫn lái xe đều mặc hazmat kín mít. Hiện tại chính sách là ngừng cấp thị thực cho người nước ngoài, và máy bay giải cứu chỉ dành cho người Việt, nhưng nếu có người nước ngoài nào đến được Vân Đồn thì cũng được cho đi cách ly như người Việt hết. Kiểm tra thân nhiệt và khai báo, ai nhiệt độ cao hoặc khai là có dấu hiệu ho sốt trong vòng 14 ngày đổ lại lập tức được chở đến bệnh viện để kiểm tra. Khử trùng liên tục, bước vào phòng khám khử một lần, ra khỏi phòng khử một lần nữa. Một nhân viên y tế hỏi: có ai đến từ ổ dịch không. Tất cả nói, ở châu Âu bây giờ chỗ nào chẳng là ổ dịch.

    Những chiếc xe quân sự chở Việt Kiều hồi hương đi cách ly.

    Các xe quân sự chở từng nhóm phân theo máy bay đến các trung tâm cách ly ở các tỉnh khác nhau. Trên đường đi, quan sát thấy hầu hết mọi người, kể cả ở quán xá ven đường đều đeo khẩu trang. Nhóm chúng tôi được điều đến doanh trại quân sự ở Bắc Ninh. Họ có hai lựa chọn, nếu ở doanh trại thì cách ly tập trung, 3 người một phòng, miễn phí hết mọi thứ, còn nếu ở khách sạn (cũng cách ly và có bộ đội quản lý) thì được ở một mình nhưng tự chi trả chi phí. Ai ở phòng người nấy, không được ra khỏi phòng, kể cả hành lang. Có người mang cơm nước đến. Có người đến kiểm tra sức khoẻ, đo nhiệt độ thường xuyên. Người nhà có thể đến tiếp tế đồ dùng, thực phẩm, nhưng chỉ có mang vào chứ không được mang gì ra. Tất cả những gì mang ra đều được xử lý như rác thải sinh học.

    Từ lúc lên máy bay, xuống sân bay đến nơi cách ly, có cảm tưởng như đang ở trong một cuộc chiến sinh học - biological warfare. Bây giờ đã hiểu vì sao Việt Nam phát hiện ca đầu tiên từ rất lâu, ngay sau Trung Quốc, nhưng đến giờ này số ca nhiễm rất ít và chưa có người tử vong. Đó là vì chúng ta dồn hết tâm trí lực vào cuộc chiến này, với tâm thức phòng bệnh hơn chữa bệnh, và ngay từ đầu không chủ quan cho rằng covid chỉ như cúm mùa.

    Những chiếc xe quân sự chở Việt Kiều hồi hương đi cách ly

    Các xe quân sự chở từng nhóm phân theo máy bay đến các trung tâm cách ly ở các tỉnh khác nhau. Trên đường đi, quan sát thấy hầu hết mọi người, kể cả ở quán xá ven đường đều đeo khẩu trang. Nhóm chúng tôi được điều đến doanh trại quân sự ở Bắc Ninh. Họ có hai lựa chọn, nếu ở doanh trại thì cách ly tập trung, 3 người một phòng, miễn phí hết mọi thứ, còn nếu ở khách sạn (cũng cách ly và có bộ đội quản lý) thì được ở một mình nhưng tự chi trả chi phí. Ai ở phòng người nấy, không được ra khỏi phòng, kể cả hành lang. Có người mang cơm nước đến. Có người đến kiểm tra sức khoẻ, đo nhiệt độ thường xuyên. Người nhà có thể đến tiếp tế đồ dùng, thực phẩm, nhưng chỉ có mang vào chứ không được mang gì ra. Tất cả những gì mang ra đều được xử lý như rác thải sinh học.

    Từ lúc lên máy bay, xuống sân bay đến nơi cách ly, có cảm tưởng như đang ở trong một cuộc chiến sinh học - biological warfare. Bây giờ đã hiểu vì sao Việt Nam phát hiện ca đầu tiên từ rất lâu, ngay sau Trung Quốc, nhưng đến giờ này số ca nhiễm rất ít và chưa có người tử vong. Đó là vì chúng ta dồn hết tâm trí lực vào cuộc chiến này, với tâm thức phòng bệnh hơn chữa bệnh, và ngay từ đầu không chủ quan cho rằng covid chỉ như cúm mùa.

    Theo Trí Thức Trẻ

  • Theo trang web của chính phủ Anh, một đạo luật khẩn cấp để đối phó với dịch Covid-19 tại Anh sẽ được giới chức nước này đệ trình lên nghị viện trong tuần này.

    Tờ CNN hôm 18/3 đưa tin, đạo luật khẩn cấp mới sẽ cho phép cảnh sát và lực lượng nhập cảnh bắt giữ người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 trong trường hợp cần thiết.

    "Ủng hộ và tuân thủ các nguyên tắc công cộng là rất quan trọng và chúng tôi rất biết ơn sự linh hoạt mà người dân đã thể hiện trong dịch bệnh. Tuy nhiên, chúng tôi cần đảm bảo cảnh sát và lực lượng nhập cảnh có thẩm quyền thực thi các biện pháp mạnh khi cần thiết.

    Vì vậy, đạo luật đề xuất mới này sẽ cho phép cảnh sát Anh và lực lượng nhập cảnh bắt giữ một người nhiễm hoặc có triệu chứng nhiễm, trong một khoảng thời gian giới hạn, đưa họ tới địa điểm phù hợp để kiểm tra và đánh giá kết quả", một bản phác thảo về "đạo luật chống Covid-19 mới" xuất hiện trên trang web chính phủ Anh.

    Theo CNN, đây là một bước tiến so với hướng dẫn của chính phủ hôm 3/3, nói rằng lực lượng chức năng chỉ có thể bắt giữ người không tuân thủ việc cách ly theo yêu cầu.

    Cảnh sát Anh có thể được trao quyền bắt giữ người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19. Ảnh: Getty 

    Đạo luật đề xuất mới cũng cho phép Cục Biên giới Anh (thuộc Bộ Nội vụ) có thể tạm dừng các hoạt động ở sân bay hoặc trung tâm vận chuyển "nếu không đủ nguồn lực để duy trì an ninh biên giới".

    Theo chính phủ Anh, đạo luật mới còn tăng cường sự bảo vệ cho các nhân viên y tế và người lao động tự do.

    "Đạo luật mới sẽ cho phép các nhân viên Cơ quan y tế quốc gia Anh (NHS) và nhân viên xã hội đã nghỉ hưu gần đây quay trở lại làm việc mà không ảnh hưởng đến lương hưu của họ. Thêm vào đó, các bệnh viện cũng cắt giảm thủ tục để rút ngắn thời gian xuất viện và các tình nguyện viên được tạm dừng công việc của họ trong 4 tuần.

    Điều này có thể mang lại lợi ích cho hơn 3 triệu công dân, những người tình nguyện làm việc tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe và tăng cường thêm tiềm lực cho NHS để đối phó dịch Covid-19", trang web chính phủ Anh thông báo.

    Người lao động tự do nếu phải tự cách ly dù không có triệu chứng kể từ ngày đầu tiên cũng có thể được hưởng lương bệnh tật theo luật định.

    Bộ trưởng Y tế Anh, Matt Hancock, cho biết các biện pháp của đạo luật đề xuất mới "sẽ chỉ được dùng khi thực sự cần thiết và phải được đưa ra đúng thời điểm để tối đa hóa hiệu quả của chúng nhưng quan trọng nhất là đạo luật mới trao cho chính phủ quyền lực cần thiết để bảo vệ tính mạng người dân. Với các kế hoạch chuẩn bị cho điều xấu nhất và nỗ lực tốt nhất để phòng dịch, nước Anh sẽ vượt qua thời điểm khó khăn này".

    Đạo luật đề xuất mới sẽ được đưa ra trước nghị viện Anh vào ngày 19/3 và sẽ có hiệu lực trong 2 năm. Tuy nhiên, không phải mọi biện pháp trong đạo luật đều có hiệu lực ngay lập tức, trang web chính phủ Anh thông báo.

    Theo Dân Việt

  • Lãnh đạo các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí đóng cửa biên giới của toàn khối trong 30 ngày để ngăn virus corona mới (SARS-CoV-2) lây lan.

    CNN ngày 17/3 đưa tin, EU đã đồng ý tạm thời đóng cửa biên giới đối với các di chuyển “không cần thiết” từ một nước thứ 3, trong bối cảnh khối này đang nỗ lực trong cuộc chiến chống Covid-19.

    Thông báo của EU có hiệu lực ngay tức thì và một số trường hợp ngoại lệ là những người sống ở khối EU lâu năm, các nhà ngoại giao, các bác sĩ, các nhà nghiên cứu nhằm kiểm soát cuộc khủng hoảng Covid-19. 

    Biện pháp trên sẽ kéo dài trong 30 ngày và không áp dụng cho Anh, quốc gia đã tuyên bố rời EU.

    Hàng dài phương tiện xếp hàng hướng về biên giới Ba Lan từ Đức. Ảnh: AP.

    Tuy nhiên, theo CNN, thỏa thuận này không có sự ràng buộc về mặt pháp lý và phụ thuộc vào từng quốc gia có chọn thực hiện hay không.

    “Biện pháp trên là tùy vào các nhà lãnh đạo ở các nước. Họ cho biết sẽ ngay lập tức thực hiện”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen phát biểu sau cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các nước thuộc EU.

    Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tâm dịch Covid-19 hiện đã chuyển từ châu Á sang châu Âu.

    Động thái trên diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh ở châu Âu đã gây ra căng thẳng chính trị trong các quốc gia liên minh và gây áp lực dẫn tới hành động của giới chức các nước. Trên thực tế, EU không có nhiều quyền hạn chính thức trong việc buộc các quốc gia thành viên thực hiện chính sách về biên giới hay y tế.

    EU hy vọng rằng thông qua việc đóng cửa biên giới với bên ngoài, một số quốc gia trong khối sẽ mở lại biên giới nội bộ bên trong EU sau khi Pháp, Tây Ban Nha và Đan Mạch đã đóng lại để ứng phó khủng hoảng. Sáng sớm ngày 17/3, Đức cũng tuyên bố đóng cửa biên giới ở một số khu vực.

    Giới chức EU cho rằng việc mở lại biên giới nội bộ giữa 27 nước thành viên sẽ giúp khối áp dụng biện pháp chống dịch phối kết hợp dễ dàng hơn.

    Chủ tịch Ủy ban châu Âu Von Der Leyen không đưa ra thông tin về việc có nước thành viên nào cam kết sẽ mở lại biên giới nội bộ hay không trong cuộc họp báo ngày 17/3. Tuy nhiên, bà “tin rằng sẽ có động thái tích cực được thực hiện trong giai đoạn sau”.

    Theo Dân Trí

  • Người nhóm máu A có tỷ lệ mắc Covid-19 cao, triệu chứng nghiêm trọng hơn, trong khi nhóm máu O đề kháng tốt hơn. 

    Đây là kết quả phân tích mẫu máu của hơn 2.000 bệnh nhân Covid-19 tại thành phố Vũ Hán và Thâm Quyến của nhóm nghiên cứu do Wang Xinghuan và Bệnh viện Zhongnan, Đại học Vũ Hán đứng đầu. Trong số 206 bệnh nhân Covid-19 tử vong ở Vũ Hán, có 85 người nhóm máu A (63%), nhiều hơn người nhóm máu O (52%). 

    "Những người nhóm máu A cần đặc biệt tăng cường chăm sóc, bảo vệ bản thân, giảm nguy cơ nhiễm trùng, cũng như được theo dõi cẩn thận và điều trị tích cực hơn", Wang lưu ý. "Ngược lại, người nhóm máu O có nguy cơ mắc Covid-19 thấp hơn đáng kể so với những người nhóm máu khác". 

    Người nhóm máu A thường có tỷ lệ mắc Covid-19 cao hơn. Ảnh: Shutterstock

    "Kết quả nghiên cứu cho thấy, thường xuyên cung cấp thông tin hệ máu ABO của cả bệnh nhân và nhân viên y tế có thể sẽ có ích trong quá tình đối phó với Covid-19 và các bệnh khác do virus corona gây ra, giúp đưa ra cách xử lý và đánh giá mức độ nguy cơ phơi nhiễm của con người", Wang cho hay. 

    Dù nghiên cứu mang tính sơ bộ và cần tiến hành sâu hơn, các nhà nghiên cứu có thể giúp chính phủ các nước và cơ sở y tế cân nhắc sự khác nhau giữa các nhóm máu khi đưa ra biện pháp giảm thiểu hoặc điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19.  

    "Nghiên cứu mới này có thể giúp ích cho các chuyên gia y tế, song người dân thường không nên quá coi trọng số liệu thống kê này", Gao Yingdai, nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Huyết học thực nghiệm tại Thiên Tân, cho biết. "Nếu bạn thuộc nhóm máu A, không có nghĩa bạn sẽ nhiễm Covid-19. Do đó không cần hoảng loạn. Ngược lại, nếu bạn mang nhóm máu B, bạn cũng không hoàn toàn an toàn. Bạn vẫn cần rửa tay, làm theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng". 

    Tính đến ngày 17/3, thế giới có hơn 188.000 ca dương tính nCoV và 7.510 trường hợp tử vong. Trong đó, 80.840 bệnh nhân đã hồi phục. Giới chuyên gia cho biết, bệnh ảnh hưởng nhiều hơn đến người cao tuổi và có bệnh lý nền. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các nước đẩy mạnh xét nghiệm trên diện rộng và coi đây là nòng cốt của công tác dập dịch.

    Theo VnExpress

  • Vượt qua sóng gió nhờ sự lạc quan của bản thân và sự cứu chữa tận tình của đội ngũ y tế, bác sĩ Angelo gửi lời nhắn nhủ đến những bệnh nhân nhiễm Covid-19 rằng: "Đừng sợ hãi, hãy bình tĩnh và tin tưởng vào bác sĩ. Họ sẽ giúp bạn thoát khỏi cơn viêm phổi tồi tệ đó".

    Từ một bác sĩ cứu chữa cho những bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2, bác sĩ Angelo Vavassori (53 tuổi), làm việc tại khoa hồi sức của Bệnh viện Bergamo, đã trở thành bệnh nhân nhiễm Covid-19 chỉ trong một thời gian ngắn. Ông đã trải qua những giây phút giành giật sự sống để rồi rút ra bài học đắt giá giúp mọi người thêm vững tin trong cuộc chiến chống "giặc" Covid-19.

    Phóng viên tờ Repubblica (Italy) đã có cuộc phỏng vấn với bác sĩ Angelo để nghe ông kể lại hành trình chống chọi với những con virus mà theo ông vẫn nhiều người chủ quan và coi thường nó.

    Bác sĩ Angelo Vavassori (53 tuổi) đã vượt qua tử thần để ở lại với đời sau khi chiến đấu với virus SARS-CoV-2.

    "Tôi cảm giác như không thể thở được, tôi sợ mình sẽ không bao giờ gặp lại vợ và 4 đứa con thân yêu của tôi nữa. Cho đến thời điểm đó, tôi đã chữa khỏi cho một vài bệnh nhân khác nhưng tôi cũng phải chứng kiến bệnh nhân chết, tôi biết sự hung hãn của con virus ấy. Nhưng với những người đang chiến đấu, tôi muốn nhắn nhủ rằng bạn không nên bỏ cuộc vì sợ hãi.

    Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, nhịp thở của tôi đã tăng từ 15 lên 40 trong 1 phút, tôi đã không thể thở nổi và tưởng như sắp chết. Dường như không có không khí lọt vào phổi và tôi gần như mất thị lực. Nếu tôi vẫn còn ở đây vào lúc này chính là nhờ những người đồng nghiệp của tôi. Câu chuyện của tôi trong những phút giây đen tối nhất có lẽ sẽ giúp nhiều người không từ bỏ hy vọng", ông Angelo nói và nhớ lại cuộc chiến giành giật sự sống của mình bắt đầu như thế nào...

    Các y bác sĩ bên trong một bệnh viện Italy.

    Angelo kể rằng ngày 22 tháng 2, ông đã chữa khỏi cho bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên. Vào thứ Bảy (ngày 29 tháng 2), ông bị sốt, sáng thứ 2, ông vẫn ổn, nhưng đến chiều thì cơn sốt lên tới 38,9 độ. Ông không đến bệnh viện vì biết rằng mình đã nhiễm virus rồi. Ông tự giác cách ly tại nhà.

    "Trong 2 ngày tiếp đó, gia đình tôi sẽ để thức ăn cho tôi trước cánh cửa đóng kín. Tôi phải đeo găng tay và khẩu trang liên tục, sau đó khử trùng mọi thứ. Mọi người liên lạc với tôi qua điện thoại. Vậy mà cẩn thận như thế vẫn chưa ăn thua, vợ tôi và đứa con trai lớn nhất 18 tuổi đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Chỉ có cặp song sinh 14 tuổi và con gái út 10 tuổi là chưa bị".

    Đến ngày thứ tư, tôi bắt đầu cảm thấy khó thở. Chỉ trong vài phút, tôi mất vị giác và khứu giác, mắt thì mờ đi. Do thiếu oxy, tôi bị đau đầu và tiêu chảy. Tôi gọi cho bệnh viện, nhưng không còn giường trống nữa. Tôi biết tôi không thể chống chọi được trong một thời gian dài. Tôi đang cố gắng thở, nhưng oxy không còn vào phổi nữa. Tôi bất tỉnh và thời điểm khó khăn nhất bắt đầu.

    Các đồng nghiệp kể lại rằng họ gắn cho tôi mũ áp suất Peep để có thể thở tích cực. Tôi đã cố gắng thở mà không cần gây mê để đặt nội khí quản nhưng không hề dễ dàng vì tôi đã mất nhận thức. Tôi cảm nhận được tiếng ồn điếc tai và dòng oxy nóng hổi. Tôi toát mồ hôi và thậm chí còn cảm thấy khó thở hơn trước. Nhưng chỉ sau vài phút, tôi bắt đầu cảm thấy như được sống trở lại vì không khí đã đi vào phổi. Tôi là bác sĩ hồi sức và tôi đã trải qua nhiều ngày chăm sóc các bệnh nhân lây nhiễm nên tôi biết được những triệu chứng của họ và điều này đã giúp tôi trụ lại được.

    Tôi đã bị mất nhận thức trong vài ngày nhưng khi hôn mê tôi vẫn cảm nhận được các bác sĩ và máy móc đang truyền oxy, bù nước cho tôi. Thời gian đọng lại trong một khoảnh khắc: Đó chính là khi tôi biết rằng chính sự tăng tốc này đã xóa bỏ quá khứ và hiện tại, xóa bỏ ranh giới giữa sự sống và cái chết.

    Tôi đã nghĩ rằng mình đang ở nhà và chỉ vừa mới chợp mắt ngủ một lát thôi. Nhưng không phải, bên cạnh giường của tôi là một bệnh nhân nhiễm Covid-19. Mọi thứ xuất hiện thật mới mẻ và tuyệt diệu. Câu chuyện này dạy chúng ta biết trân trọng giá trị của những điều nhỏ nhặt nhất."

    Hiện tại, tôi thở bằng mặt nạ với 70% oxy, khoảng 12 lít trong 1 phút".

    Vượt qua sóng gió nhờ sự lạc quan của bản thân và sự cứu chữa tận tình của các bác sĩ, bác sĩ Angelo gửi lời nhắn nhủ đến những bệnh nhân nhiễm Covid-19 rằng: "Đừng sợ hãi, hãy bình tĩnh và tin tưởng vào bác sĩ. Họ sẽ giúp bạn thoát khỏi cơn viêm phổi tồi tệ đó".

    Theo Nhịp Sống Việt

  • Từ châu Âu về nước tránh dịch COVID-19, một người phụ nữ kích động đám đông hành khách ở sân bay Nội Bài đòi được đưa cách ly sớm hoặc về nhà tự cách ly và chê bánh mì nhân viên sân bay mang tới.

    “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào. Đang ở chỗ nào thì yên chỗ ấy” - câu nói được dân mạng lan truyền trên Facebook như lời nhắn nhủ những ai bỏ xứ qua nước ngoài sống, làm việc nhưng khi dịch COVID-19 bùng phát thì lo sợ và quay về nước.

    Thời gian qua, rất đông người Việt ở hải ngoại đã đổ xô về nước khi dịch COVID-19 hoành hành và cướp đi sinh mạng nhiều bệnh nhân. Lý do vì họ nghe được tin Việt Nam đối xử tốt, chăm sóc tận tâm với những người cách ly và chữa trị miễn phí cho bệnh nhân nhiễm COVID-19.

    Ngoài một số trường hợp khai báo gian dối ở sân bay để trốn cách ly thì có những người không biết điều, về nước tránh dịch mà cứ tưởng như đi du lịch, đòi hỏi quyền lợi đủ thứ.

    Hôm 15.3 vừa qua, đám đông người Việt từ châu Âu về tránh dịch COVID-19 đã gây ầm ĩ ở sân bay Nội Bài (Hà Nội) vì chờ lâu trước khi xe đến đón đi cách ly. Thậm chí có người phụ nữ kích động mọi người đòi quyền lợi theo ý mình và chê bai bánh mì miễn phí mà nhân viên sân bay mang tới. Chị ta nói nếu tập trung đông người ở đây quá lâu thì có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 và dễ chết!

    Trở về từ thủ đô Warszawa (Ba Lan), chị T.M.T cảm thông cho cán bộ làm ở sân bay Nội Bài, bức xúc với cách hành xử của người này qua status dài trên Facebook.

    Kèm theo đó là clip quay lại người phụ nữ tóc ngắn, mặc váy đen lên tiếng đòi được đưa cách ly sớm cùng con hoặc về nhà tự cách ly dù cán bộ hải quan giải thích rằng: “Xe bên Ban Chỉ huy quân sự, Bộ Tư lệnh Thủ đô đưa về nơi tập trung rồi. Hiện giờ các xe đang quay lại để đón các đoàn tiếp theo. Theo các anh thông báo thì khoảng 3 rưỡi chiều xe sẽ lên đây. Việc này mong các anh chị thông cảm vì xe đón đảm bảo yếu tố phải khử trùng trước khi lên đón các anh chị”.


    Một phụ nữ đăng status chê đồ ăn miễn phí nhân viên sân bay mang tới.

    Về chuyện trên, chị T.M.T chia sẻ: “Mình định không đăng cái này lên đâu vì toàn người từ Ba Lan về, nhưng thực sự vào đọc bình luận kiểu bố đời của các bạn mà mình đành phải lên tiếng.

    Câu chuyện chiều 15.3 khi mình hạ cánh xuống sân bay Nội Bài. Mình hạ cánh lúc 13 giờ và 21 giờ mới được lên xe đi cách ly. Coi như mình chờ 8 tiếng nhưng vẫn luôn vui vẻ, chấp nhận vì biết sân bay bị quá tải. Còn các anh các chị xuống trước mình, người 7 giờ sáng, người 9 giờ, người 11 giờ, chờ lên 14 giờ thì làm loạn cái sân bay, gào thét ầm ĩ, đòi được đi cách ly. Không được đi thì đòi về tự cách ly, trả hàng, trả hộ chiếu...

    Các anh các chị ạ, trong số này có bao nhiêu người về để trốn dịch, vì sợ bên châu Âu sẽ bỏ rơi mình? Các anh chị biết đất nước sẽ không bỏ rơi anh chị nên về thì phải thông cảm với cán bộ. Nói là thông cảm cho sang thôi chứ việc chờ đợi là bắt buộc chứ không phải bố đời, mẹ thiên hạ đòi phải làm nhanh cho mình.

    Một buổi sáng hàng nghìn người ùa về. Số người làm việc có hạn vì có bao nhiêu khu cách ly khác cần cán bộ y tế. Có 5 bàn lấy mẫu bệnh phẩm, hàng trăm, hàng nghìn người ùa về thì việc bị dồn ứ không tránh khỏi.

    Các bộ phận cũng làm việc theo thứ tự, kiểm tra y tế xong chuyển sang hải quan, xong mới sang khâu đi cách ly chứ có phải lấy mẫu bệnh phẩm xong là đi được luôn đâu. Đến cả nhân viên nữ mặt đất của sân bay còn phải đi kéo hành lý lên trả cho mọi người thì cũng biết là thiếu người thế nào rồi mà vẫn còn chửi, còn than cho được.

    Đói thì có đồ cho ăn, không thiếu. Nếu chưa được ăn thì mở cái mồm ra sẽ được ăn. Mọi người không phải đi resort mà cơm bưng tận mồm hay phải có bảo mẫu chăm sóc con cho các bạn. Đã liều mạng đưa con cái về tránh dịch thì ngồi trên máy bay mười mấy tiếng, xin xít nhau còn chả thấy than, về đến sân bay ngồi chưa đến 10 tiếng tha hồ đi lại còn gào lên sợ chết, sợ lây nhiễm.

    Xác định tư tưởng trước đi, khả năng 50-50 sẽ lây trên máy bay, khả năng về sẽ đi cách ly, khả năng sẽ phải chờ đợi thì hẵng về. Đưa con về thì biết đường tự mang sữa, đồ ăn cho con chứ người ta cũng chỉ là y tế với hải quan, có đồ ăn cho là may còn đòi phải ngon, phải chăm lo cho cả con các bạn thì mình cũng chịu đấy.

    Nếu bảo để mọi người ở chung với nhau là đi vào chỗ chết thì đừng đổ lỗi cho ai mà là lỗi do bạn tự đưa mình, tự đưa con mình vào thôi hiểu chưa?

    Đừng nghĩ các anh các chị gào mồm lên nên mới được đi vì không gào lên thì xe cũng đang quay lại đón. Mọi thứ phải có trình tự chứ không phải ăn vạ là được việc đâu ạ. Tôi không gào lên thì cũng chờ từng đấy thời gian thôi.

    Thế mới thấy nhiều người quá ích kỷ, chỉ nghĩ cái lợi cho bản thân mà không nghĩ xem người khác vất vả vì dân thế nào”.


    Người phụ nữ làm ầm ĩ ở sân bay Nội Bài, đòi đi cách lý sớm hoặc về nhà tự cách ly, chê bánh mì nuốt không nổi..

    Chị T.M.T cho biết đã khuyên người phụ nữ tóc ngắn thông cảm với nhân viên sân bay nhưng bị chửi bới thậm tệ. Không nói nhiều tại thời điểm đó, chị T.M.T viết những dòng này nhắn nhủ khách nữ đó nói riêng và những ai có ý định về nước tránh dịch COVID-19 cần biết kiên nhẫn chờ đợi ở sân bay trước khi xe đến đưa đi cách ly, đừng đòi hỏi quyền lợi cá nhân quá nhiều. Cụ thể như sau: “Hôm qua mình thấy chị ấy gào lên khoảng 1 tiếng, hô hào mọi người cùng đòi quyền lợi cùng chị thì mình ra quay. Mình cũng chỉ vào khuyên là: “Chị ơi, những ngày này quá tải thì thông cảm cho cán bộ. Chị có làm ầm lên cũng làm mọi thứ rối thêm”. Thế mà các anh chị ấy xúm vào chửi mình là “Con ngu”, “Mày thích chết ở đây thì bỏ mẹ nó khẩu trang ra mà chết”…

    Eo ơi, em biết thân biết phận, biết về thời điểm nhạy cảm này nên cứ im lặng mà nghe theo chỉ đạo của các cơ quan thôi, há mồm ra nói nhiều quá virus lại bay hết vào mồm ấy.

    Đã được ăn miễn phí còn đòi ăn ngon, mà nói thật nhiều người còn đang thèm cái bánh mì mà các anh chị chê không nuốt nổi kia kìa. Ngon lắm ấy, có ăn hết không mà còn chê. Bảo sao người Việt Nam vẫn có câu 'đã ăn mày còn đòi ăn xôi gấc' quả không sai.

    Tình trạng thực tế, các anh chị nào định chạy dịch thì xác định về sẽ chờ 10 tiếng đi cho thoải mái. Coi như máy bay trễ chuyến nhưng được việc đi là ổn? Còn không chờ được, tính cậu ấm tiểu thư thì khỏi về, ở bên đó tự chữa bệnh tại gia nhé!

    Cán bộ nói năng nhẹ nhàng sau 1 tiếng nghe mọi người gào hét ầm lên, cố phân tích cho mọi người hiểu, cũng mong mọi người thông cảm. Mọi người làm như thế có thấy mắc lỗi với sự cố gắng của chính quyền không?

    Lúc nào bạn cần, có tổ quốc. Toàn dân cùng nhau đồng lòng chống dịch chứ không chống đối, tự ý thức bản thân làm cái gì đó cho xã hội, ít nhất là việc chờ đợi. Chúc mọi người luôn an toàn cùng đất nước vượt qua dịch bệnh này nhé!”.

    Từ ngày 15.3, Bộ Y tế đã cách ly, xét nghiệm tất cả người về từ vùng dịch nước ngoài ở sân bay, nhằm phát hiện kịp thời những trường hợp nhiễm COVID-19. Ca nhiễm COVID-19 thứ 58 vừa được phát hiện nhờ việc xét nghiệm "đón đầu" này. Bệnh nhân này là nữ du học sinh tại Pháp 26 tuổi, địa chỉ tại phố Yên Thế, Phường Điện Biên, Quận Ba Đình, Hà Nội, nhập cảnh tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài ngày 15.3.

    Do số lượng người về nước quá đông nên lực lượng chức năng đã có những lúng túng nhất định.

    Ban đầu Hà Nội và phía hàng không dự đoán sẽ có khoảng 400 người Việt Nam từ vùng dịch về nước hôm 15.3. Song, thực tế đến tối muộn 15.3 đã có tổng số trên 1.360 người Việt và người từ vùng dịch đủ điều kiện nhập cảnh đến sân bay Nội Bài, gấp đôi so với 1 ngày trước đó và gấp 3 so với dự kiến.

    Hà Nội đã chuẩn bị, sắp tới sẽ có thêm 10.000 test xét nghiệm được tài trợ, đảm bảo đủ xét nghiệm 100% người từ vùng dịch như yêu cầu của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19.

    Theo Một Thế Giới

  • Chính phủ thề sẽ làm mọi cách để bảo vệ nền kinh tế giữa lúc số người nhiễm bệnh đã tăng vọt lên 1.950 ca, cao hơn hôm trước 407 ca. Ít nhất 71 người được xác nhận tử vong, trong đó có 2 người ở Scotland. Một bệnh nhân 45 tuổi nằm trong số những người vừa tử vong. 

    Chính phủ tin rằng con số nhiễm bệnh có thể là 55.000 người vì rất nhiều người bệnh nhẹ đã không được xét nghiệm. Giám đốc Y khoa, Sir Patrick Vallance hy vọng bằng cách yêu cầu mọi người ở nhà, chính phủ có thể kiềm chế số người chết dưới 20.000 người, dù con số này vẫn còn rất lớn so với số người tử vong vì cúm mùa hàng năm là 8.000 người.

    Chính phủ vừa công bố một khoảng vay bảo đảm trị giá 330 tỉ bảng (tương đương 15% GDP) để giúp các doanh nghiệp cầm cự trong thời điểm dịch bệnh. Con số khổng lồ này được đưa ra sau khi chính phủ ban hành những quy tắc nghiêm ngặt hơn, yêu cầu người Anh không được đi nước ngoài trong 30 ngày tới. 

    Như vậy bất kỳ doanh nghiệp nào cần tiền để trả chi phí thuê mặt bằng, trả lương nhân viên, trả tiền nhà cung ứng hoặc mua hàng... đều có thể tham gia gói cứu trợ này của chính phủ.

    Bộ trưởng tài chính cũng sẵn sàng chi thêm tiền vì cho rằng một gói cứu trợ là không đủ. Ông Rishi Sunak phát biểu: ''Chưa bao giờ trong thời bình mà chúng ta phải chiến đấu với một sự sụt giảm kinh tế vĩ mô như thế này. Tôi sẽ làm mọi cách để bảo vệ nền kinh tế Anh''.

    NHS hủy tất cả các ca phẫu thuật thông thường trong 3 tháng. Cục Y tế Anh muốn càng nhiều bệnh nhân xuất viện càng tốt, để nhường giường cho các bệnh nhân nhiễm coronavirus. Tất cả các ca phẫu thuật không gấp sẽ bị hoãn bắt đầu từ ngày 15/4.

    Nhiều người ở Liverpool đã phớt lờ lời kêu gọi tránh tụ tập của chính phủ và vẫn cùng nhau chúc mừng ngày Thánh Patrick. Chính phủ đã yêu cầu người sức khỏe yếu, người trên 70 tuổi và phụ nữ mang thai nên tự cách ly. 

    Bộ Y tế Italy cho biết chính phủ nước này cho phép khoảng 10.000 sinh viên y khoa năm cuối bắt đầu làm việc sớm nhằm bổ sung lực lượng đối phó với Covid-19.

    Theo Reuters, Bộ trưởng Bộ Đại học Italy Gaetano Manfredi hôm 17/3 cho biết chính phủ nước này sẽ cho phép sinh viên y khoa năm cuối bắt đầu làm việc sớm khoảng 8-9 tháng so với dự kiến, đồng thời miễn các bài kiểm tra vốn là yêu cầu bắt buộc trước khi sinh viên nhận bằng tốt nghiệp.

    "Điều này có nghĩa là hệ thống y tế quốc gia sẽ được bổ sung thêm 10.000 bác sĩ, đây là bước đi căn bản nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực mà đất nước đang đối mặt", ông Manfredi nói.

    Tới thời điểm hiện tại, Italy đã ghi nhận 27.980 người nhiễm chủng mới virus corona. Kể từ khi dịch bùng phát tại nước này hôm 21/2, số người tử vong đã đạt 2.158 ca.

    Italy là quốc gia có số ca nhiễm bệnh và số ca tử vong vì virus corona nhiều thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Tuy nhiên, tỷ lệ người mắc bệnh và tỷ lệ tử vong tại Italy cao gấp nhiều lần so với Trung Quốc.

    Viethome (theo Mirror)

  • Các nhà khoa học ở London cho biết một loại vắc-xin cho coronavirus đang trên đà phát triển.

    Các nhà nghiên cứu tại Đại học Hoàng gia London, đứng đầu là Tiến sĩ Robin Shattock, phụ trách bộ phận Nhiễm trùng và Miễn dịch Mucosal, cho biết họ đã thử nghiệm thành công vắc-xin trên chuột và hy vọng nó có thể sẵn sàng thử nghiệm trên người vào tháng 6.

    Một nhà nghiên cứu thâm niên, Tiến sĩ Paul McKay, phát biểu: "Tôi thu thập được kết quả một tháng sau khi tiêm (cho chuột) và vắc-xin hoạt động thực sự rất tốt."

    Nhóm nghiên cứu đang làm việc với các nhà khoa học ở Paris để xác định hiệu quả của vắc-xin ở khỉ.

    Dr McKay cho biết họ đã nộp đơn xin tài trợ thêm từ Hội đồng Nghiên cứu Y tế để tiến hành thử nghiệm lâm sàng ở người.

    "Nếu chúng tôi nhận được tài trợ cho các thử nghiệm lâm sàng ở người, chúng tôi sẽ thử nó trên người vào tháng 6", ông nói.

    "Nếu các nhà khoa học Anh có thể phát triển một loại vắc-xin thì thật tuyệt nếu Chính phủ có thể hỗ trợ."

    Nếu thử nghiệm trên người thành công, nhóm nghiên cứu hy vọng vắc-xin sẽ được sản xuất và phục vụ bệnh nhân sau khoảng một năm.

    EU đổ tiền cho công ty Đức sau khi Mỹ tìm cách mua độc quyền vắc-xin

    Ủy ban châu Âu ngày 16/3 tuyên bố sẽ hỗ trợ tài chính cho CureVac, công ty tại Đức đang phát triển vắc-xin kháng virus corona, sau khi xuất hiện thông tin Mỹ muốn mua độc quyền.

    Theo Reuters, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 16/3 thông báo sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho CureVac khoản vay lên đến 80 triệu euro để công ty Đức mở rộng quy mô phát triển và sản xuất vắc-xin kháng virus corona tại châu Âu.

    Cam kết này được cơ quan hành pháp của Liên minh Châu Âu (EU) đưa ra chỉ một ngày sau khi xuất hiện thông tin chính phủ Mỹ đang tìm cách mua vắc-xin của CureVac và cho sản xuất độc quyền tại Mỹ.

    "Tôi tự hào khi chúng ta có những công ty hàng đầu như CureVac tại EU. Đây là nhà của họ. Vắc-xin của họ sẽ giúp ích cho mọi người, ở cả châu Âu và những nơi khác", Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhấn mạnh.

    Hỗ trợ tài chính được EC đặt ra là bảo lãnh khoản vay cho CureVac từ Ngân hàng Đầu tư Châu Âu. Khoản vay này đang được EIB cân nhắc.

    CureVac đang làm tâm điểm cuộc cạnh tranh sản xuất độc quyền vắc-xin kháng virus corona giữa Đức và Mỹ.

    Cuối tuần qua, tờ Die Welt của Đức dẫn nguồn tin chính phủ tiết lộ Tổng thống Donald Trump đã mở lời mua lại vắc-xin do CureVac phát triển với điều khoản sản xuất độc quyền trên lãnh thổ Mỹ. Tổng thống Trump đề nghị trả cho công ty CureVac khoảng 1 tỷ USD.

    Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer ngày 15/3 cho biết Thủ tướng Angela Merkel sẽ chủ trì cuộc họp khẩn cấp với các bộ trưởng và thảo luận một chiến lược để bảo vệ công ty CureVac.

    Ông Seehofer nói chính phủ không những phải đảm bảo an ninh biên giới và nguồn lương thực, mà còn phải bảo vệ “dược phẩm của chúng ta”. Nhiều quan chức chính phủ Đức cũng đã lên tiếng kêu gọi CureVac giữ vắc-xin ở lại châu Âu.

    VietHome (Theo My London)