• London hôm nay vẫn mở cửa, nhiều cửa hàng và quán cà phê vẫn hoạt động như bình thường và có khách ổn định giữa mối lo về lệnh phong tỏa 12 tuần của ông Boris Johnson.

    Hôm qua, người dân Anh được khuyên tránh xa các quán rượu, hộp đêm và rạp chiếu phim, rạp hát nhằm tránh sự di chuyển không cần thiết. Tuy nhiên, vì đây chưa phải là quy định bắt buộc nên hầu hết những nơi này vẫn mở cửa.

    Tại Waterloo Station, các cửa hàng Pret, Costa, McDonald's và Bagel Factory vẫn đông khách xếp hàng sáng nay. 

    Một buổi diễn do diễn viên Canada, William Shatner dẫn chương trình tại nhà hát Hammersmith Apollo vẫn có 70% khán giả vào đêm qua. London Palladium vẫn có một buổi biểu diễn vào tối nay.  

    Khách hàng mua cà phê ở Pret.
    Vẫn đông người xếp hàng tại McDonad's.

    Một vài doanh nghiệp phàn nàn rằng được phép mở cửa nhưng lại vắng khách thật sự là điều tồi tệ nhất, vì họ sẽ không đòi được tiền bảo hiểm. Tuy nhiên, một số khác nói với MailOnline rằng đằng nào thì họ cũng chẳng được bảo hiểm chi trả, nên tốt nhất là mở cửa hoạt động.

    Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak tiết lộ rằng hàng tỉ bảng Anh sắp được chi để giải cứu hàng nghìn doanh nghiệp. 

    Hôm nay, các tiểu thương tại khu chợ Southbank ở London cho biết họ sợ đi làm sau khi chính phủ thuyết phục người dân ở nhà.

    Nina Mainente, quản lý Big Melt café, cho biết: ''Chúng tôi cố gắng duy trì càng lâu càng tốt nhưng tôi không nghĩ chúng tôi sẽ sống sót. Người ta không đi ăn hàng nữa. Cách đây 2 hôm chúng tôi đã ra thực đơn mới nhưng vẫn không có khách. Rất vắng khách. Chẳng ai biết chuyện gì sẽ xảy ra. Chuyện tới đâu thì hay tới đó thôi''. 

    Sarra Darragi, chủ nhà hàng và quán bar Fitology Kitchen, nói: ''Chúng ta rồi sẽ phá sản hết. Tình hình hôm nay đã nguy kịch lắm rồi. Ai cũng lo sốt vó. Mùa đông khách đã rất vắng, chúng tôi chỉ có thể trông chờ vào mùa hè. Mà lại thế này đây''. 

    Tại chợ Borough, các chủ sạp đang chứng kiến lượng khách giảm nghiêm trọng. 

    Melodie Yahiaoui, chủ hàng thịt nguội Alpine Deli, nói: ''Không có khách du lịch, nhiều văn phòng quanh đây cho nhân viên nghỉ hết nên chúng tôi không có khách. Dù vậy chúng tôi vẫn phải bình tĩnh và tiếp tục''.

    Jed Hall, bán cá tại sạp Shellseekers, nói: ''Rất yên ắng, tình hình càng lúc càng tệ. Chính phủ nói sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ nhưng liệu có hiệu quả gì không''.

    Anh chàng bán phô-mai Matthew Cookson nói: ''Chính phủ nói mọi người vẫn có thể ra ngoài đi chợ nên chúng ta cứ hy vọng. Ở đây chỉ có tôi và 2 tiệm khác bán phô-mai, nên cũng không phải cạnh tranh lắm. Đây là những lý do giúp chúng tôi còn sống''.

    Các phòng khám nha khoa có thể mở cửa như bình thường nhưng lại không mua được đồ bảo hộ, không được NHS hỗ trợ gì, trong khi nghề nghiệp của họ rất nguy hiểm.

    Một số doanh nghiệp phản ứng giận dữ vì họ chỉ được khuyên nên đóng cửa, chứ không bị buộc phải đóng cửa, nghĩ là họ sẽ không đòi được tiền bảo hiểm. 

    Nik Antona từ tổ chức Campaign for Real Ale, nói: ''Những hướng dẫn thiếu quyết đoán của chính phủ khiến các quán rượu rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Khách hàng sẽ rời bỏ họ, nhưng họ không được trả bảo hiểm và cũng không ai giúp họ qua nạn kiếp này''.

    ''Chính phủ không nói rõ là người dân nên tránh xa các quán rượu trong bao lâu, nhưng chắc chắn chỉ trong thời gian ngắn, các cửa tiệm ở đây sẽ sập và không bao giờ hồi phục được nữa''. 

    Một nguồn tin nói với MailOnline rằng nhiều công ty đã bảo hiểm đã từ chối trả tiền cho các hàng quán phá sản, và dù có trả thì tiền cũng sẽ đến rất trễ, không thể đảo ngược tình thế. 

    Một số công ty bảo hiểm đã nêu rõ trong hợp đồng là không trả tiền cho những trường hợp bất khả kháng. Chính phủ cần giúp doanh nghiệp trả lương ngay lúc này.

    Viethome (theo Dailymail)

  • Một y tá đã bị một cặp vợ chồng hành hung và tấn công chủng tộc khi cô đang trên đường đi làm ca đêm thêm giờ để giúp các đồng nghiệp NHS đang gặp khó khăn trong bối cảnh dịch coronavirus bùng phát.

    Reizel Quaichon đang trong tình trạng kiệt quệ vì nỗ lực làm việc nhiều giờ trong cuộc khủng hoảng COVID-19 thì vụ tấn công gây sốc xảy ra.

    Chia sẻ câu chuyện của mình trên Facebook, Reizel nói rằng cô đã bị đẩy sang một bên và bị gọi bằng những từ ngữ tục tĩu.

    Cô viết: “Ngày hôm qua, tôi đã bị một cặp vợ chồng ở nhà ga tấn công chủng tộc trên đường đến làm ca đêm tại bệnh viện.

    "Một người đàn ông thúc khuỷu tay vào sườn tôi, cố tình đẩy tôi sang một bên, người phụ nữ đi cùng ông ta sau đó hét lên những lời lẽ phân biệt chủng tộc: ‘Ít nhất chúng tao là người da trắng, đồ ***.’”

    Reizel nói: "Các bác sĩ, y tá và nhân viên chăm sóc sức khỏe thực sự đang mạo hiểm mạng sống của họ ở tuyến đầu với nguồn lực hạn chế trong khi một số người cảm thấy cần phải thể hiện sự thù hận và nỗi sợ hãi nhiều hơn nữa.

    "Tôi thách bất cứ ai không làm việc trong môi trường chăm sóc sức khỏe đến và quan sát chỉ MỘT ngày trong bệnh viện để nhìn xem các nhân viên chăm sóc y tế đang thực sự vật lộn như thế nào để đối phó với những áp lực to lớn đến từ sự thiếu hụt nhân viên và thiếu nguồn lực cùng với nỗi sợ hãi và hoảng loạn bao trùm xung quanh."

    Nữ y tá cũng đề nghị mọi người ngừng dùng dịch coronavirus như một cái cớ để phân biệt đối xử "và kêu gọi mọi người hãy “hợp tác” khi các nhân viên y tế đang ngày càng kiệt quệ về cả tinh thần lẫn thể xác.

    Cô nói: “Tôi nghĩ rằng tôi phải chia sẻ video này vì tôi vừa được chứng kiến tình trạng xã hội ngày nay.

    “Khi đó, tôi vừa ra khỏi ga tàu, chỉ để ý đến công việc của mình, cố gắng thoát ra khỏi những rào cản để đến nơi làm việc.

    “Và cặp đôi này xuất hiện rồi tấn công tôi cả về thể chất và tinh thần chỉ vì chủng tộc của tôi.

    “Tôi nhận ra có rất nhiều hành vi phân biệt và ghét bỏ xảy ra tại thời điểm này do coronavirus nhưng vi rút không phải là lý do để phân biệt chủng tộc hoặc phân biệt đối xử với bất kỳ ai.

    "Bạn biết đấy, coronavirus sẽ biến mất, nó sẽ biến mất nhưng sự phân biệt đối xử sẽ để lại tác động vĩnh viễn.

    “Ý tôi là, hãy nhìn tôi, tôi đang cố gắng làm tròn công việc của mình, đi làm, cảm thấy hoàn toàn suy sụp tinh thần chỉ vì trải nghiệm đó.

    “Tôi chỉ cảm thấy thật ghê tởm, tôi thậm chí không thể nói với các bạn tôi cảm thấy thế nào khi, thật vậy đấy. Tôi chắc chắn rất nhiều người đã trải qua chuyện tương tự và không lên tiếng hoặc chỉ cố quên nó đi… vì tôi cũng từng như vậy.

    “Trong tháng trước, tôi đã cố gạt nó khỏi đầu…ôi, các bạn biết đấy, cố thờ ơ với mọi chuyện.

    “Tôi cảm thấy như vi-rút này là một bài kiểm nghiệm đối với toàn nhân loại.

    "Mọi người cần thức tỉnh và nhận thức rằng vi-rút không phải là lý do để phân biệt chủng tộc hoặc phân biệt đối xử với mọi người.

    “Mọi người cần phải lại gần nhau, NHS đang vật lộn, trời ơi, chúng tôi không có nhân viên, không có bác sĩ, không có gì cả.

    “Tôi đang đi làm vì đó là nhiệm vụ của tôi. Vậy mà giờ đây, tôi thậm chí không thể đi ra ngoài và tập trung vào công việc của mình mà không cần lo lắng sẽ bị tấn công, thật điên rồ.

    “Chuyện này không nên tiếp diễn. Tôi thực sự cảm thấy buồn và hy vọng mọi người sẽ lên tiếng khi họ bắt gặp những kẻ có hành vi như vậy.

    “Đây là thời điểm mà mọi người nên xích lại gần nhau. Nó không nên là một cái cớ để đào sâu khoảng cách. Tôi cảm thấy như vi-rút đang thử thách tất cả mọi người, tất cả chúng ta chỉ cần làm việc cùng nhau và bảo vệ lẫn nhau.

    “Vì bạn biết điều đó rất khó, đặc biệt là đối với những người ở tiền tuyến và cố gắng làm hết sức mình với nguồn lực hạn chế mà họ có.

    “Vì vậy, nạn phân biệt chủng tộc, sự phân biệt đối xử này cần được xóa bỏ. Hãy chung tay hành động và bảo vệ lẫn nhau. Hãy cư xử đúng đắn. Hãy sống tử tế, đó là tất cả những gì bạn có thể làm vào lúc này."

    Kể từ khi được đăng, đoạn video của Reizel đã nhận được hơn 10.000 lượt chia sẻ.

    Hàng ngàn người đã bình luận bày tỏ sự ủng hộ và thậm chí đề nghị giúp đỡ.

    Một người đã viết: "Tôi rất vui nếu được hộ tống bạn đi làm và đảm bảo an toàn cho bạn. Bạn không đáng bị đối xử như vậy.

    "Trước khi làm việc trong NHS, tôi đã ở trong lực lượng sau quân đội và sau đó là cảnh sát, nếu có bất cứ điều gì khiến tôi phát ốm thì đó chính là những kẻ hèn nhát bắt nạt phụ nữ, người già và người dễ bị tổn thương.

    "Hãy tiếp tục làm những gì bạn cần làm và yêu cầu bất kỳ ai xung quanh giúp đỡ nếu bạn cảm thấy bị đe dọa một lần nữa, chắc chắn họ sẽ giúp đỡ."

    Một người khác nói thêm: "Tôi cảm thấy thật buồn khi thấy vi-rút khiến mặt xấu của nhân loại phơi bày. Tôi đồng cảm với nữ y tá này. Cô ấy chỉ làm một công việc mà nhiều người không sẵn lòng làm và rồi bị tấn công, tất cả chúng ta nên xấu hổ về bản thân vì chuyện này. "

    Một người thứ ba nhận xét: "Tôi rất tiếc khi nghe và đọc những gì bạn đã trải qua. Bạn là người dũng cảm, mạnh mẽ và biết vươn lên. Bạn đang đối mặt với nhiều rủi ro và phải làm thêm giờ. Tôi biết ơn bạn, hãy hiểu rằng tất cả chúng tôi đều ở đây phía sau bạn. Gửi những cái ôm ấm áp cho bạn và đồng nghiệp của bạn."

    Một số vụ việc phân biệt chủng tộc liên quan đến coronavirus đang được cảnh sát điều tra.

    Nhà làm phim Lucy Sheen đang trên đường đến một buổi diễn thử thì một nam giới da trắng thì thầm vào tai cô: "Tại sao mày không trở về Trung Quốc và mang theo đồ bẩn thỉu đó đi."

    Và một sinh viên đến từ Singapore đã đăng những bức ảnh gây sốc cho thấy những thương tích mà anh phải hứng chịu trong một cuộc tấn công liên quan đến 'coronavirus' và mang tính phân biệt chủng tộc. Jonathan Mok bị những tên côn đồ ở London nhắm tới. Chúng hét "coronavirus" với khi anh đi ngang qua và sau đó đánh anh khi anh lên tiếng phản đối.

    Sau khi dịch bệnh bùng phát, đại sứ Trung Quốc tại Anh đã lên án "thái độ thù hận" đối với người dân Trung Quốc ở nước này.

    VietHome (Theo Mirror) 

  • Cơ quan giám sát cạnh tranh CMA đã cảnh báo các nhà bán lẻ rằng họ có thể bị truy tố vì tìm cách "lợi dụng" sự bùng phát coronavirus.

    Cơ quan này cho biết bất cứ ai bị phát hiện bán các sản phẩm phòng chống dịch ở mức giá cao hơn bình thường có thể bị phạt.

    Trong một thông báo chính thức, cơ quan cạnh tranh và thị trường (CMA) cho biết họ sẽ xem xét bất kỳ bằng chứng nào cho thấy các công ty có dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh hoặc luật bảo vệ người tiêu dùng, ví dụ tính giá quá cao hay đưa ra quảng cáo sai lệch về hiệu quả của sản phẩm.

    Tuyên bố nói thêm rằng CMA vẫn "giám sát các báo cáo" về những thay đổi đối với hoạt động bán hàng và giá cả kể từ khi dịch coronavirus bùng phát.

    Nếu cần thiết, họ sẽ yêu cầu Chính phủ đưa ra các biện pháp kiểm soát giá.

    Chủ tịch CMA, Lord Tyrie, nói: "Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể để chống lại các vụ lừa đảo và quảng bá sai lệch, sử dụng bất kỳ hoặc tất cả các công cụ chúng tôi có; và nếu gặp trường hợp không thể can thiệp, chúng tôi sẽ tư vấn cho chính phủ về các bước tiếp theo, nếu cần thiết.”

    Giám đốc điều hành CMA, Andrea Coscelli, cho biết: "Chúng tôi kêu gọi các nhà bán lẻ hành xử có trách nhiệm trong suốt đợt bùng phát coronavirus và không đưa ra tuyên bố sai lệch hoặc tính giá quá cao. Chúng tôi cũng nhắc nhở người dân rằng những quy tắc này áp dụng cả cho họ nếu họ bán lại hàng hóa, ví dụ như trên các trang bán hàng trực tuyến."

    Trong khi các cơ quan y tế đang cảnh báo mọi người thường xuyên rửa tay và mang theo nước rửa tay khô, nhiều cửa hàng đã cháy hàng.

    Boots đã áp số lượng chai nước rửa tay tối đa mà mỗi khách hàng được mua do khan hàng.

    Ở High Street Kensington, một tấm biển ghi: "Do nhu cầu cao, chúng tôi chỉ bán tối đa hai chai nước rửa tay cho mỗi người. Xin lỗi vì sự bất tiện này."

    Trong khi đó, những người bán hàng trên eBay bán những lọ gel rửa tay vốn có giá 50p với mức giá 40 bảng.

    VietHome (Theo Mirror)

  • Tiến sĩ Clare Gerada, 60 tuổi là bác sĩ thâm niên trong nghề. Bà bị nhiễm virus sau khi trở về Anh từ một hội nghị ở New York.

    Bà đã nằm liệt giường suốt nhiều ngày tại ngôi nhà của mình ở Nam London, tuy nhiên giờ bà đã khỏe và kể lại câu chuyện của mình.

    Bác sĩ Gerada là cựu trưởng khoa của trường y Royal College of GPs, cho biết bà đi làm ngay sau khi trở về từ New York. Lúc này các triệu chứng bắt đầu xuất hiện, bà bị ho khan và mệt mỏi, nhưng bà chỉ nghĩ đó là hậu quả của một chuyến bay dài.

    Nhưng sau đó bà bị đau họng, run người và sốt cao. Bà quyết định không đi làm nữa và lên mạng tìm hiểu thông tin. 

    ''Rồi tôi gửi email cho 111, nhưng không ai hồi âm. Vậy là tôi đến xét nghiệm tại một ki-ốt ở bệnh viện địa phương. Tôi đoán là mình nhiễm coronavirus, vì bình thường tôi chẳng bao giờ ốm như vậy cả, và bây giờ cũng không phải thời điểm của dịch cúm mùa'', bà kể.

    Sau khi thân nhiệt tăng lên gần 39 độ C, bệnh tình của bà bắt đầu lộ rõ. Chỉ trong vài giờ, mũi của bà đã bị loét và cổ họng cũng vậy. Bà nằm chập chờn trên giường suốt 5 ngày do sốt cao, và chỉ dậy để đi vệ sinh. 

    Hai ngày đầu bà không ăn uống được gì, trong miệng rất khó chịu và bà không muốn ăn chút nào. Nhưng bà ép mình phải uống nhiều, đặc biệt là nước chanh và nước chanh đắng (bitter lemon). Bà không thể uống trà vì cổ họng quá đau. Cứ cách 8 tiếng bà lại uống 2 viên paracetamol.

    ''Tôi gọi cho chồng mình, Simon. Anh ấy từ cơ quan về nhà và chúng tôi giữ khoảng cách. Ấy ấy ngủ trong căn phòng trống. Tôi tự cho ly tách của mình vào máy rửa bát và chúng tôi không dùng chung khăn. Kết quả là chồng tôi không lây bệnh dù chúng tôi ở trong một nhà.

    Sau 5 ngày, các triệu chứng biến mất, bà chỉ cảm thấy mệt chứ không còn ho sốt nữa. Và sau đây là 3 vũ khí giúp bà hồi phục.

    ''Dù đã ở độ tuổi bên kia ngọn đồi, nhưng tôi không có bệnh lý nền. Tôi uống paracetamol 3 lần mỗi ngày, mỗi lần 2 viên. Tôi cũng uống nước chanh cả ngày'. Tôi cũng uống penicillin, ăn súp gà giúp tôi thấy ngon miệng'', bà nói.

    Clare cho biết coronavirus là căn bệnh nặng nhất mà bà từng trải qua, bà so sánh nó với sự đau đớn khi sinh nở. Cách đây 15 năm bà từng bị cúm và nó chỉ kéo dài nửa ngày.  

    ''Rất đau và đáng sợ. Tôi không sợ chết nhưng việc ốm yếu bệnh tật quả thật rất đáng sợ'', bà chia sẻ.

    Mãi đến khi bệnh tình của bà khá hơn thì bà mới nhận được kết quả xét nghiệm, khẳng định bà dương tính với corona, điều mà bà đã đoán được ngay từ đầu.

    Tới ngày thứ sáu kể từ khi trở về từ New York, bà bắt đầu ăn được các món hầm và món súp. 

    ''Rất may chồng tôi và các đồng nghiệp mà tôi đã tiếp xúc ở London đều không bị ốm. Tôi đã có thể ra ngoài đi dạo với một chiếc khẩu trang''.

     ''Trong suốt 35 năm làm bác sĩ, tôi đã chứng kiến rất nhiều điều đáng sợ, bao gồm các ca nhiễm SARS và dịch viêm màng não, nhưng corona đáng sợ hơn hẳn vì nó gây hại cho nền kinh tế và khiến dân chúng mất niềm tin''.

    ''Chúng ta sợ vì không biết nó là gì. Nhưng đối với tôi, đó chỉ là 7 ngày ốm nặng, và tôi tin đây cũng là trải nghiệm của nhiều người. Những người không qua khỏi thường có nhiều bệnh nền, và cơ quan hô hấp bị quá tải. Vì thế chúng ta nên nhường giường ở bệnh viện cho họ''.

    ''Cơ thể 60 tuổi của tôi đã xây dựng được một hàng rào chống lại virus này. Nó đã tập trung được các kháng thể. Nếu bạn xét nghiệm mẫu máu của tôi bây giờ, bạn sẽ thấy trong đó đầy kháng thể, giúp bảo vệ phổi, tim và thận của tôi. Giờ tôi chỉ còn loét nhẹ ở mũi và họng nhưng đang lành'', bà nói.

     Viethome (theo Mirror)

  • Nhiều nhà bán lẻ đã phải lên tiếng kêu gọi người dân hợp tác và chỉ mua đủ dùng, không nên lấy quá nhiều.

    Câu chuyện xảy với bà mẹ trẻ, người đã bật khóc nức nở trong siêu thị vì không tài nào kiếm được sữa cho đứa con mới sinh 3 ngày của cô, theo Glasgow Live đưa tin.

    Người dân không chỉ ở mỗi vương quốc Anh mà toàn thế giới đang mua sắm một cách hoảng loạn khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở toàn cầu. Các cửa hàng, siêu thị ở Anh đều đang gặp khó khăn trong việc cung cấp đủ nhu yếu phẩm cho khách hàng bởi nhu cầu mua sắm quá cao đã càn quét sạch mọi gian hàng.

    Ảnh minh họa

    Sữa, bánh mỳ, thuốc men và các sản phẩm vệ sinh đều hết sạch trên các kệ hàng của Asda - một chuỗi siêu thị bán lẻ ở Govan, Glasgow, Scotland. Đây cũng chính là điều mà nhân viên siêu thị nói với Gemma Connolly.

    "Thật kinh khủng, mọi thứ đều hết: giấy vệ sinh, sữa, bánh mỳ...mọi thứ đều hết sạch. Một nhân viên đã nói với tôi rằng có một người phụ nữ trẻ tuổi đã bật khóc vì cô ta không thể tìm được sữa cho đứa con 3 ngày tuổi của mình." - Gemma nói. Ngoài ra, anh còn kể lại rằng một bà cụ cũng cần mua chỉ 1 cuộn giấy vệ sinh nhưng chẳng còn gì.

    "Cứ như tận thế sắp đến vậy, cách cư xử của con người thật khó có thể chấp nhận nổi."

    Giấy vệ sinh, bánh mỳ, sữa là những mặt hàng bị cháy trong cơn mua sắm hoảng loạn của người dân khắp nước Anh cũng như thế giới.

    Tâm lý mua sắm hoảng loạn này đã khiến thương hiệu bán lẻ của Đức - Aldi phải đặt ra quy định rằng mỗi người chỉ được phép mua nhiều nhất 4 sản phẩm/mặt hàng và áp dụng với toàn bộ sản phẩm được bán ở đây. Nhiều siêu thị cũng đã áp dụng việc giới hạn mua sắm nhưng theo Mirror, duy chỉ có Aldi là áp dụng lệnh cấm của họ lên toàn bộ mặt hàng.

    "Mỗi khách hàng chỉ được mua 1 bịch giấy vệ sinh"

    Các nhà bán lẻ cũng đã kêu gọi người mua hàng có trách nhiệm trong việc mua sắm để đảm bảo cho mọi người đều có đủ nhu yếu phẩm cần thiết. Hiệp hội bán lẻ Anh trong một bức thư gửi người tiêu dùng đã nói rằng họ đang làm việc ngày đêm để giữ cho quốc gia có đủ nhu yếu phẩm, trong thư nói:

    "Chúng tôi biết mọi người đều đang lo sợ về sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 và chúng tôi cũng đang làm hết tất cả mọi thứ để đảm bảo cho mọi gia đình đều có thứ mà họ cần. Nhưng chúng tôi cũng cần mọi người hợp tác nữa. Hãy cân nhắc mỗi khi bạn định mua một thứ gì đó. Ai cũng đồng cảm với nỗi lo này nhưng mua nhiều hơn mức sử dụng sẽ khiến người khác không có để dùng. Mọi người đều sẽ có đủ nhưng chúng ta cần phải phối hợp cùng nhau."

    Helen Dickinson, giám đốc của British Retail Consortium nói rằng: "Các nhà phân phối đang làm việc cật lực với cửa hàng để đảm bảo cho hàng hóa luôn dồi dào. Nhưng đối mặt với một nhu cầu mua sắm lớn như trong thời buổi đại dịch Covid-19 này, nhiều nhà phân phối đã phải lên tiếng kêu gọi khách hàng hợp tác và hỗ trợ để tất cả đều được vận hành một cách trơn tru, đảm bảo không một ai bị thiếu."

    Trí Thức Trẻ (theo Mirror)

  • Sự kiện khiến dư luận Anh Quốc cảm thấy phẫn nộ vô cùng, khi các bên tổ chức đang tỏ ra thiếu trách nhiệm trước tình hình dịch bệnh lan rộng.

    Các chuyên gia tại Anh ở thời điểm hiện tại đánh giá dịch Covid-19 tại quốc gia này đang có sự lây lan hết sức đáng ngại. Tính đến đầu ngày 17/3, đã có 53 người tử vong và hơn 1500 ca nhiễm phải virus corona chủng mới (SARS-CoV-2).

    Trước tình hình dịch bệnh leo thang, việc nên làm là giữ khoảng cách xã hội, hạn chế ra ngoài và tụ tập đông người. Tuy nhiên mới đây, một video cho thấy cảnh hàng nghìn người tụ tập xem ca nhạc đang được lan truyền trên mạng xã hội của Anh Quốc, và nó khiến cộng đồng mạng cảm thấy tức giận.

    Người Anh dự hòa nhạc bất chấp bão dịch Covid-19.

    Sự kiện xảy ra tại thành phố Cardiff, khi hàng nghìn người hâm mộ đã cùng tham dự buổi diễn của band nhạc rock Stereophonics vào ngày 15/3/2020. Video do chính Twitter của ban nhạc đăng tải, cho thấy khán giả đứng chen chúc nhau bên dưới, cùng nhau hát vang hết sức vui vẻ. Và ở mức độ như vậy thì tất nhiên, chẳng ai đeo khẩu trang.

    Cộng đồng mạng ngay sau đó đã có những chỉ trích nhắm đến ban nhạc này, khi cố tình tổ chức tour diễn bất chấp bối cảnh dịch Covid-19 đang lây lan.

    "Thực sự là ích kỷ. Những khán giả ở đây có lẽ không phải nhóm chịu rủi ro cao (họ còn trẻ), nhưng hoàn toàn có thể lây nhiễm cho những người thân, bạn bè, đồng nghiệp... cao tuổi hơn." - một người dùng chia sẻ.

    "Quá sức vô trách nhiệm! Chỉ cần một người nhiễm ở đó và mọi thứ sẽ trở nên hỗn loạn. Làm ơn giúp mọi người giữ khoảng cách xã hội, và dừng tổ chức tour diễn đi."

    Cũng trong cùng ngày tại thành phố cảng Liverpool, một cuộc thi chạy marathon kéo dài 16km với hơn 6000 người tham gia cũng đã được tổ chức, bất chấp việc thành phố đã có 8 ca nhiễm, và tổng cộng 14 trường hợp dương tính được xác nhận tại vùng Merseyside.

    Tại thành phố Leeds, các sinh viên trường ĐH Leeds đã quyết định đến ít nhất 16 quán bar lớn nhỏ trong thành phố, sau khi nhà trường hủy lịch dạy vào ngày 16/3.

    Ở phía nam, tại thành phố Bath Half, sự kiện marathon khác cũng đã được tổ chức với hơn 12.000 người tham gia, bất chấp nghị sĩ Wera Hobhouse trước đó lên tiếng cảnh báo rằng "cuộc thi này không đáng để đánh đổi với rủi ro."

    "Tôi kêu gọi các nhà tổ chức hãy hủy bỏ sự kiện này. Chính phủ đã quyết định sẽ ngưng mọi sự kiện tập trung đông người."

    "Việc không hủy sự kiện marathon cho thấy sự thiếu tôn trọng đối với những người già, người có hệ miễn dịch yếu và các đối tượng dễ tử vong vì virus. Đó là chưa kể, nó có thể đặt gánh nặng lên các bệnh viện và hệ thống y tế." - Betsan Corkill, một huấn luyện viên thể chất chia sẻ.

    Báo Dân Sinh/Daily Mail, Stereophonics Twitter

  • Ai cũng phải rửa tay, nhưng bạn có chắc là bạn biết cách để rửa tay thật sạch không? 

    Để kiểm tra xem lượng vi khuẩn có còn sót lại trên da sau khi chúng ta rửa tay - các chuyên gia đã sử dụng đến Glo Germ – một dạng kem mô phỏng vi khuẩn trên da. Dạng kem này thường được các y tá sử dụng để luyện tập giữ vệ sinh.


    Khi chưa rửa tay

    Kem này khi phủ lên tay sẽ trong suốt, nhưng lại phát ra ánh sáng trắng dưới tia UV. Bức ảnh càng trắng đồng nghĩa với việc có nhiều vi khuẩn vẫn còn bám lại trên da.

    Rửa qua loa và vẩy khô

    Khi đang vội hoặc không có xà phòng, rất nhiều người có thói quen rửa tay qua bằng nước, gần như chỉ “nhúng” tay vào nước trong vài giây rồi vẩy khô.

    Tuy nhiên, như bạn đã thấy, cách rửa này hoàn toàn không đem lại hiệu quả gì. Chỉ có một số ít vi khuẩn trú tại ngón tay bị rửa trôi, trong khi phần lớn mu bàn tay vẫn còn rất nhiều vi khuẩn.

    Theo tiến sĩ Lisa Ackerley  - chuyên gia dịch tễ hàng đầu tại ĐH Salford (Anh): “Rửa tay qua loa không bao giờ là đủ. Chúng ta cần rửa tay đúng cách, đặc biệt là sau khi sử dụng nhà vệ sinh”.

    Tiến sĩ Val Curtis – chuyên gia dịch tễ và sức khỏe cộng đồng tại London thì cho biết rất nhiều người trong chúng ta đang có “vi khuẩn phân” – tức vi khuẩn có trong phân người – trú ngụ trên tay. Tại Anh, con số này là 28%.

    Theo tiến sĩ Curtis: “Mọi người thường không chịu rửa tay tại các nhà vệ sinh bẩn, hoặc rửa rất qua loa vì tâm lý sợ nhiễm bệnh nếu ở lâu. Tuy nhiên, đây mới chính là nơi các bạn cần rửa tay sạch sẽ”.

    Rửa tay trong 6 giây nhưng không dùng xà phòng

    Theo thống kê của các khoa học gia, 6 giây là khoảng thời gian trung bình chúng ta thường rửa tay.

    Nhưng theo thí nghiệm này thì bạn có thể thấy rõ là vẫn còn một lượng lớn vi khuẩn trên tay, dù cách làm này có hiệu quả hơn việc “rửa qua loa”  nêu trên khi vi khuẩn trong lòng bàn tay đã được rửa trôi.

    Theo tiến sĩ Ackerley, nếu bạn đang vội, phải rửa tay nhanh, ít nhất cũng nên đảm bảo việc lau khô tay sau khi rửa.

    Ackerley cho biết:“Lau khô tay rất quan trọng. Nếu bạn rửa tay không kỹ, quá trình lau khô tay sẽ giúp bạn loại bỏ thêm phần lớn vi khuẩn. Ngoài ra, vi khuẩn lây lan dễ hơn nếu tay bạn ướt”.

    Cô bổ sung thêm: “Các loại vi sinh vật như norovirus – một loại virus gây bệnh đường ruột – có thể sống rất lâu trên các bề mặt cứng như tay nắm cửa. Vì thế việc để tay ướt sau khi rửa tay đồng nghĩa với việc bạn đã gián tiếp lan truyền virus cho người khác”.

    Rửa tay 6 giây với xà phòng

    Theo tiến sĩ Curtis thì điều quan trọng nhất khi rửa tay là sử dụng xà phòng: “Sử dụng xà phòng mang lại hiệu quả cao. Xà phòng có tính kết dính khá cao, do đó vi khuẩn sẽ theo đó bị rửa trôi”.

    Như đã thấy, việc rửa tay với xà phòng chỉ trong 6 giây đã rửa trôi phần lớn vi khuẩn. Tuy nhiên, khu vực cổ tay, ngón tay và kẽ móng tay vẫn còn khá nhiều vi khuẩn.

    Tiến sĩ Ackerley giải thích: “Đây là những khu vực thường bị bỏ qua khi rửa tay. Điều này khá nguy hiểm, đặc biệt là với những người có thói quen cắn móng tay”.

    Rửa tay trong 15 giây với xà phòng

    Các chuyên gia trên toàn thế giới đều khuyên rằng chúng ta nên rửa tay trong ít nhất là 15 giây. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều khó có đủ kiên nhẫn để thực hiện điều này.

    Theo một nghiên cứu của ĐH Michigan (Mỹ), chỉ có 5% số người được hỏi cho biết họ rửa tay trong 15 giây hoặc hơn.

    Còn trong ảnh trên, chúng ta có thể thấy rõ hiệu quả của quá trình này, khi hầu hết vi khuẩn đã bị loại bỏ, ngay cả vi khuẩn trên cổ tay. Chỉ còn sót lại một lượng nhỏ vi khuẩn tại khu vực kẽ móng tay mà thôi.

    Tiến sĩ Ackerley cho biết: “15 giây là khoảng thời gian vừa đủ để chúng ta rửa tay sạch”.

    Rửa tay trong 30 giây với xà phòng

    15 giây đã cho kết quả tuyệt vời, nhưng rửa lâu hơn thì sao?

    Rửa tay trong 30 giây dường như không hơn gì so với 15 giây. Theo như Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh tại Mỹ, 15 giây rửa tay là khoảng thời gian vừa đủ để rửa trôi phần lớn vi khuẩn. Do đó dù rửa tay lâu hơn, kết quả đem lại cũng không quá khác biệt.

    Trí Thức Trẻ (theo DailyMail)

  • Giữa mùa dịch Covid-19, một nhà hàng thông báo chấp nhận cho khách hàng thanh toán bằng giấy vệ sinh thay vì tiền mặt.

    Kể từ khi virus corona chủng mới bùng phát ở Trung Quốc rồi lan rộng sang các quốc gia khác trên thế giới, một số mặt hàng trong đó có giấy vệ sinh trở nên bán chạy đột biến trên thị trường. Thậm chí tại một số nơi, chúng được coi là "đồ xa xỉ" vì bị bán giá cao gấp đôi gấp ba ngày thường.

    Thông báo nhận giấy vệ sinh để thanh toán thay cho tiền mặt ở một nhà hàng tại Sydney.

    Và thậm chí một nhà hàng ở Sydney, Australia, còn chấp nhận để khách hàng thanh toán bằng giấy vệ sinh thay vì dùng tiền mặt.

    Trên diễn đàn Subtle Asian Traits, một tài khoản có tên Erica Phan đã chia sẻ hình ảnh cùng bài viết liên quan tới nhà hàng này. "Gửi những khách hàng thân yêu của chúng tôi. Hiện quán sẽ chấp nhận thanh toán bằng giấy vệ sinh. Xin cảm ơn", một phần của nội dung thông báo cho biết.

    Người dân khắp nơi đổ xô đi mua giấy vệ sinh, giữa bối cảnh dịch Covid-19 lây lan.

    Đây là câu chuyện tưởng đùa, nhưng lại có thật trong hoàn cảnh hiện tại. Tấm biển này xuất hiện giữa bối cảnh giấy vệ sinh đang trở thành mặt hàng khan hiếm tại Australia, khi nhu cầu của người dân tăng đột biến vì những lo ngại dịch bệnh Covid-19.

    Một số WC công cộng ở Nhật đã dùng khóa để tránh nạn trộm cắp giấy vệ sinh.

    Ở Australia thời gian gần đây, những kệ hàng bán giấy vệ sinh ở siêu thị đều trống trơn. Bên cạnh "xứ sở chuột túi", hàng loạt quốc gia từ Nhật Bản, Mỹ... cũng trong trạng thái tương tự.

    Thậm chí tại Hong Kong, một công ty còn dùng giấy vệ sinh tặng cho khách hàng. Hay một số nhà vệ sinh công cộng ở Nhật Bản phải áp dụng biện pháp khóa chặt để ngăn nạn trộm giấy vệ sinh.

    Trên mạng xã hội, hashtag #toiletpapercrisis (tạm dịch: Khủng hoảng giấy vệ sinh) đang trở thành một trong những từ khóa được nhiều người quan tâm, bên cạnh đại dịch Covid-19.

    Theo Dân Trí

  • Một nhà thờ tại tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc) đã xịt nước muối vào miệng những người đi lễ vì tin rằng biện pháp này sẽ tiêu diệt được virus Corona mới (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19.

    Thành viên nhà thờ ở tỉnh Gyeonggi dùng chung vòi xịt nước muối cho nhiều người. Chụp từ clip

    Tờ South China Morning Post ngày 16.3 dẫn lời giới chức Hàn Quốc xác nhận nhà thờ tại tỉnh Gyeonggi đã dùng cùng một chai xịt nước muối mà không khử trùng vòi phun cho nhiều người, dẫn đến 46 người đi nhà thờ bị nhiễm bệnh COVID-19.

    Hình ảnh từ clip quay tại nhà thờ cho thấy 1 thành viên nhà thờ đưa vòi bình xịt vào sâu trong miệng của từng người trong buổi lễ có khoảng 100 thành viên tham dự từ ngày 1-8.3. Trong số những người mắc COVID-19 có cả vợ chồng mục sư.

    “Đúng là họ đã đưa vòi bình xịt vào miệng một người sau đó được xác nhận nhiễm COVID-19, và tiếp tục làm như vậy với những người đi lễ khác mà không khử trùng vòi xịt. Hành động này khiến SARS-CoV-2 càng lây lan thêm. Họ cứ tưởng nước muối có thể tiêu diệt được virus Corona”, ông Lee Hee-young, người đứng đầu lực lượng ứng phó dịch COVID-19 tại tỉnh Gyeonggi, cho hay.

    Nhà thờ này hiện bị đóng cửa và mọi tín đồ đều được đưa đi xét nghiệm COVID-19.

    Hàn Quốc là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 bên ngoài Trung Quốc, dù số ca nhiễm mới Italy và Iran đã vượt qua Hàn Quốc. Các sự kiện tập trung đông người như sự kiện âm nhạc K-pop, các trận đấu thể thao đã bị hủy bỏ để ngăn chặn sự lây lan của virus.

    Các trường học trên toàn quốc đóng cửa thêm 3 tuần. Từ số ca nhiễm mới tăng chóng mặt mỗi ngày, Hàn Quốc đã kiềm chế được sự bùng phát của dịch bệnh. Ngày 16/3, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) đã công bố 74 ca nhiễm mới, ngày thứ 2 liên tiếp có số ca nhiễm mới dưới 100.

    Số người chết do Covid-19 ở Hàn Quốc vẫn giữ nguyên ở 75 người. Cơ quan y tế Hàn Quốc đã đẩy mạnh việc xét nghiệm, sàng lọc cho những bệnh nhân tiềm năng với khoảng 250.000 người được xét nghiệm vào ngày 15/3.

    Dù số ca nhiễm COVID-19 có dấu hiệu giảm trong hai ngày qua, song Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun cho hay “còn quá sớm để mất cảnh giác, chính phủ sẽ nỗ lực hết sức ngăn chặn các chùm  lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng”.

    Theo Thanh Niên

  • Với việc các chuyến bay gần đây vào Việt Nam liên tục có người mắc Covid-19, Thủ tướng quyết định sẽ tạm ngưng cấp visa với toàn bộ các nước trên thế giới để hạn chế đầu vào.

    Bộ Y tế đã thống kê 6 chuyến bay quốc tế vào Việt Nam gần đây có người nhiễm Covid-19. Ảnh Đậu Tiến Đạt

    Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội chiều 16.3, Phó chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý đã thông báo với các thành viên ban chỉ đạo và lãnh đạo các địa phương của Hà Nội về những chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng liên quan đến biện pháp chống dịch.

    Theo đó, Thủ tướng hoan nghênh các ngành, các cấp, các tỉnh/thành đã triển khai tốt các biện pháp phòng chống dịch, đạt kết quả tốt, đặc biệt là giai đoạn 1.

    Tuy nhiên, hiện cả nước đã vào giai đoạn 2, mà Thủ tướng nhấn mạnh, đây là giai đoạn khốc liệt, thời điểm vàng để góp phần ngăn chặn sự lây lan của dịch và hạn chế tối đa số ca tử vong trên địa bàn cả nước.

    Do đó, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương cần tập trung vào một số giải pháp, bao gồm:

    Một là tiếp tục hạn chế đầu vào bằng việc tạm dừng cấp visa vào Việt Nam với tất cả các nước trên thế giới trong vòng 15 đến 30 ngày. Hiện Chính phủ vẫn chưa thông báo thời điểm chính thức áp dụng chính sách này.

    Nếu như vài ngày trước, Thủ tướng chỉ quyết định tạm dừng việc đơn phương cấp thị thực và tạm thời chưa cho nhập cảnh đối với khách du lịch đến từ hoặc đã đi qua các nước thuộc khu vực Schengen và Vương quốc Anh và Bắc Ai-len trong vòng 14 ngày trước ngày dự kiến đến Việt Nam, thì nay đã quyết định mở rộng phạm vi với toàn bộ các nước trên thế giới để hạn chế đầu vào.

    Chính phủ coi đây là một biện pháp hết sức quan trọng để kiềm chế dịch.

    Thủ tướng cũng chỉ đạo tiếp tục hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người ở tất cả các tỉnh, TP, quận, huyện, thị xã; bao gồm các hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar…

    Việt Nam cũng sẽ tiếp tục thực hiện 3 hình thức cách ly: cách ly tập trung do quân đội quản lý, cách ly tại gia đình và cách ly theo nhóm (với các chuyên gia nước ngoài, những người mang hộ chiếu công vụ vào Việt Nam công tác).

    Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng sẽ xét về mức ăn và chế độ chính sách cho những người tham gia phòng, chống dịch - những người phải làm việc trong điều kiện hết sức vất vả nhưng chế độ còn hạn chế; quyết định bổ sung vật tư y tế; chuẩn bị cơ sở cách ly phòng ngừa cho khoảng 5 đến 6 vạn người; chuẩn bị đội ngũ y, bác sĩ sẵn sàng cho phương án dịch lan rộng...

    Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu thực hiện tốt Nghị quyết 11 của Chính phủ về phát triển kinh tế trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh.

    Theo thống kê, 8 chuyến bay có hành khách mắc Covid-19 được Bộ Y tế đưa ra tối 16.3, có các chuyến bay đến từ Singapore, Kuala Lumpur (Malaysia), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Moscow (Nga).

    Trong các ca lây nhiễm mới, Việt Nam đã có nguồn bệnh đến từ châu Âu (Anh, Pháp), Mỹ, Đông Nam Á (Malaysia), Hàn Quốc (Daegu). 16 ca Covid-19 của giai đoạn 1 đều có nguồn gốc lây nhiễm từ Trung Quốc (Vũ Hán).

    Theo Thanh Niên

  • Hôm nay đã có thêm 171 người được xét nghiệm dương tính với Covid-19, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 1.543 ca, trong đó 40 người đã tử vong.

    - Wales đã ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên vì coronavirus. Đó là một bệnh nhân 68 tuổi. 

    - Hãng Virgin Atlantic, easyJet và British Airways đã ngừng hầu hết các chuyến bay. 

    - Bệnh nhân Covid-19 được khuyên nên tiếp tục uống các loại thuốc kháng viêm như ibuprofen sau khi một bài đăng trên mạng xã hội tuyên truyền nội dung ngược lại. Đại diện Cơ quan Dịch vụ Y tế Ireland khuyên: ''Bất cứ ai nhiễm Covid-19 nên tiếp tục uống các loại thuốc bạn được kê toa, trừ khi bạn nhận được lời khuyên khác từ một bác sĩ. Các loại thuốc này bao gồm ibuprofen, naproxen và diclofenac. Chỉ nên uống 1 loại kháng viêm 1 lúc. Nhưng bạn có thể cùng lúc uống kháng viêm và paracetamol''.

    - Sếp cấp cao ở Heathrow sẽ phải làm việc 3 tháng không lương. Ông John Holland-Kaye sẽ tiếp tục công việc cho tới tháng Sáu mà không được trả lương. Mức lương của ông là £751,000/năm. Các thành viên ban điều hành cấp cao cũng chấp nhận 1 tháng không lương. 

    - Raynair không thu phí đổi vé máy bay. Thông thường hãng này sẽ tính phí £65 - £95 nếu hành khách đổi vé, nhưng từ nay đến tháng Tư, phí này sẽ không còn.

    - Hãng xe Vauxhall đóng cửa 2 chi nhánh ở cảng Ellesmere và Luton cho đến ngày 27/3. 

    - Tỷ phú Richard Branson được đề nghị bán bớt một hòn đảo để tặng tiền cho các nhân viên bị ảnh hưởng bởi coronavirus. Hãng Virgin Atlantic của ông đã yêu cầu nhân viên nghỉ phép 8 tuần không lương. Ông Branson đã bị chỉ trích khi cố thuyết phục Thủ tướng Anh phê chuẩn gói cứu trợ 7.5 tỉ bảng Anh cho hãng này. 

    - Bộ Ngoại giao đang làm việc để giải cứu 667 công dân Anh từ du thuyền Braemar đang neo ở Bahamas. Có 20 hành khách và 20 thủy thủ đoàn đã bị cách ly vì xuất hiện triệu chứng giống cúm. Trong đó, 5 người đã được xác nhận dương tính với Covid-19 khi còn tàu dừng ở đảo Curacao hôm 10/3.

    - Website của Waitrose đã bị sập, khiến hàng ngàn người không thể tiếp tục đơn hàng. Tiếp bước Aldi và Tesco, siêu thị này cũng đã đặt giới hạn số lượng sản phẩm sát khuẩn mà một người có thể mua online. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể mua thoải mái ở cửa hàng.

    - Trong khi đó, Ocado đã ngừng nhận khách hàng mới. 

    - Một huấn luyện viên bóng đá mới 21 tuổi người Tây Ban Nha đã trở thành một trong những người trẻ nhất tử vong vì Covid-19. Khi cảm thấy khó thở, anh Francisco Garcia đã đến bệnh viện xét nghiệm và đau đớn nhận ra mình bị bệnh bạch cầu, khiến anh dễ tổn thương khi nhiễm Covid-19. 

    - Studio 338, một trong những hộp đêm lớn nhất ở London, đã biến không gian của mình thành trung tâm cung cấp thực phẩm cho người già và người dễ bị tổn thương. Hộp đêm đang kêu gọi các thanh niên tình nguyện đến giúp họ phân phối đồ ăn đến cho những người đang cần. 

    - Các bậc phụ huynh phải hỏi xin ý kiến nhà trường nếu muốn con học ở nhà. Việc tự ý cho con nghỉ học trong khi trường vẫn hoạt động bình thường, là vi phạm pháp luật. 

    Viethome (theo Mirror)

  • Hàng triệu lao động khắp UK đã bắt đầu làm việc tại nhà để ngăn ngừa dịch Covid-19 lây lan, khiến tàu xe và đường xá vắng tanh.

    Nhiều chuyến tàu đã bị ngừng hoạt động khi Bộ Giao thông Vận tải nhận thấy lượng hành khách sụt giảm 15-20%. Giao thông hôm nay còn vắng lặng hơn cả Christmas.

    Sáng này đường District Line chỉ có vài người trên tàu, bình thường tàu này luôn chật ních. Tại ga London Euston nối London với Birmingham, Glasgow và Chester cũng vắng bóng người. Không chỉ thủ đô mà nhiều nơi khác, bao gồm cả Bristol và Nottingham, giao thông cũng khá yên tĩnh.

    Hiện chính phủ vẫn chưa yêu cầu doanh nghiệp đóng cửa nhưng có lẽ các công ty ở UK đã quyết định ''tự lo lấy thân'' và cho nhân viên làm việc ở nhà. Tuy vậy, vẫn có hàng người ''keep calm and carry on'' trên những cung đường quen thuộc của họ. 

    Trong khi ga Waterloo và Euston khá yên tĩnh thì đường Central Line sáng nay vẫn bận rộn. Nhiều hành khách di chuyển từ Epping vẫn chen kín trên tàu.  

    District Line vắng bóng người.
    Một nam giới đeo mặt nạ chống độc và găng tay trong khi chờ bạn ở ga Euston, London. 
    Đường M11 ở Cambridge vào sáng nay rất thoáng đãng.
    Ga Waterloo lúc 7h20 sáng, hôm nay chỉ có 1-2 khách đi tàu.
    Một chuyến tàu vắng.
    Đường M25, giao lộ 2 trên đường M61 ở Salford, gần như không có xe chạy vào giờ cao điểm.
    Đường vắng vào giờ cao điểm ở trung tâm thành phố Bristol.
    Tại một ga tàu vốn đông đúc ở Nottingham, chỉ có 2 khách lên tàu.

    Giáo sư vi khuẩn học Hugh Pennington thuộc Đại học Aberdeen cho biết việc tiếp xúc gần với đồng nghiệp trong 15 phút mới dẫn tới lây nhiễm. ''Chẳng hạn, nếu bạn làm thu ngân và tiếp xúc với khách hàng, thì thường sẽ không đủ thời gian để virus nhảy từ người A sang người B. Tương tự, một bồi bàn sẽ không tiếp xúc với thực khách đủ lâu để nhiễm virus. Chỉ khi nào người bệnh ho hoặc hắt hơi trực tiếp vào bạn thì giọt bắn mới có thể khiến bạn bị nhiễm bệnh'', ông nói.

    Giao thông hôm nay còn vắng lặng hơn cả Christmas.
    Tại Nottingham City Centre sáng nay chỉ có vài người đi lại.
    Giao lộ Hermiston Gait trên đường M8 thường ngày rất đông xe rẽ vào đường A720.

    Tuần trước, một báo cáo cho biết 20 triệu trong tổng số 33 triệu lao động ở Anh có thể làm việc tại nhà. Deloitte và JPMorgan đã cho nhân viên ở nhà, nhiều doanh nghiệp khác chắc chắn sẽ nối gót. Hãng bán lẻ Urban Outfitters cũng thông báo đóng cửa hàng.  

    Trong khi đó, hãng The Vintage Kilo Sale chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ để nhân viên không phải cầm tiền mặt. Chuỗi phòng gym Sweat It ở London cũng chỉ hoạt động 50% công suất. Trong khi đó, các phòng gym của Swedish Fit đều ngưng hoạt động.

    Heathrow vắng bóng vì nhiều chuyến bay bị hủy.
    Chẳng có mấy hành khách ở ga xe lửa Cambridge.
    Bristol City Centre vắng lặng như tờ.

    Một kiến nghị yêu cầu chính phủ đóng cửa trường học đã nhận được hơn nửa triệu chữ ký. Con số này không ngừng tăng lên. Nhiều người đề nghị hoãn các kì kiểm tra tới tháng 9 sau khi các em nghỉ hè. 

    Hàng ngàn học sinh quyết định ở nhà thay vì chờ đợi chính phủ ra tay. Bubble, một ứng dụng cung cấp dịch vụ trông nom trẻ em, cho biết hãng có thể nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các bậc phu huynh không thể trông con.
    Chính phủ vẫn không đồng ý cho học sinh ở nhà hoặc kéo dài kì nghỉ lễ Phục sinh.

    Viethome (theo Daily Mail)

  • VietHome xin gửi tới quý bạn đọc và cộng đồng Việt ở Anh những vấn đề chính liên quan tới tình hình dịch cúm Corona đang diễn ra tại Anh Quốc. 

    Cho tới 10h40 ngày 16/03/2020:

    - ở Anh đã ghi nhận 1391 người bị nhiễm - Bình phục 20 người, tử vong 35 người và còn đang điều trị 1336.

    - Ông Nick Matthews - 59 tuổi là người trẻ nhất ở Anh bị tử vong cho tới thời điểm hiện tại

    - Từ hôm nay chính phủ Anh sẽ họp báo hàng ngày, để cập nhập thông tin tình hình dịch cho công chúng. VietHome sẽ cố gắng theo sát các thông tin quan trọng do chính phủ đưa ra.

    - Hơn 10 triệu binh lính Anh được chuẩn bị để sẵn sàng trợ giúp người dân nếu cần thiết.

    - Bà Nghị Sĩ Đảng Lao Động Jarrow Kate Osborne vừa có kết quả kiểm tra bị nhiễm virus corona. Hiện đã có ít nhất 13 nghị sĩ phải cách ly, bao gồm nghị sĩ Bảo thủ Andrew Bridgen. Ông Andrew Bridgen có một con trai 18 tháng tuổi, được hứa sẽ có người đến xét nghiệm cho ông. Nhưng 72 giờ trôi qua vẫn chưa thấy cán bộ y tế nào tới. Ông phải ở cuối nhà, còn gia đình thì ở đầu bên kia ngôi nhà. ''Tôi chưa bao giờ ốm nhưng bây giờ tôi thấy rất mệt. Thật đau lòng khi nghe tiếng con khóc mà không thể tới dỗ nó''.

    - Những người già tầm 70 tuổi có thể sẽ bị yêu cầu tự cách ly ở nhà. Tuy nhiên, thông tin này chưa được chính thức xác nhận và ban hành bởi chính phủ Anh .

    - UK hiện đang trong bước thứ 2 : Làm chậm lây nhiễm ( có tổng 4 bước). 

    - Trước đó ngày 10/02/2020,  Anh Quốc đã ban hành Bộ Luật Quy định bảo vệ sức khỏe (coronavirus) 2020 - Health Protection (Coronavirus) Regulations 2020), trong đó có quy định: người dân có thể bị tạm giữ cách ly 14 ngày ở bệnh viện hoặc nơi an toàn khác. Nếu tự ý trốn cách ly thì sẽ bị bắt giữ, bị phạt £1,000 hoặc bỏ tù. Những người bị nghi là nhiễm bệnh, phải cho phép cơ quan y tế xét nghiệm máu, lấy mẫu xét nghiệm. Họ phải khai báo với cơ quan quản lý những người và những nơi họ đã từng đi qua. 

    VietHome 

  • Theo Quy định Bảo vệ Sức khỏe phòng chống virus corona năm 2020 được công bố trên trang web của chính phủ Anh, những công dân không tuân thủ các quy tắc kiểm dịch, bao gồm tự cách ly sẽ bị phạt 1,000 bảng, thậm chí phạt tù.

    Theo Mirror, cảnh sát Anh đã được cấp quyền bắt giữ khẩn cấp bất cứ ai từ chối tự cách ly trong trường hợp được giới chức y tế yêu cầu.

    Những người không tuân thủ quy tắc kiểm dịch bao gồm tự cách ly sẽ bị phạt ở mức 1.200 USD, thậm chí phạt tù. Theo Quy định Bảo vệ Sức khỏe phòng chống virus corona năm 2020, những người bị nghi ngờ mắc bệnh được yêu cầu cách ly trong 14 ngày.

    Nếu những người này tự ý rời khỏi nơi cách ly mà họ được đưa đến, họ có thể bị giam giữ trước khi được đưa trở lại nơi cách ly ban đầu.

    Ngoài ra, những người bị nghi ngờ nhiễm bệnh cũng phải đồng ý xét nghiệm. Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cũng vừa cho biết, những người trên 70 tuổi ở Anh được yêu cầu tự cách ly trong những tuần tới tối đa 4 tháng để bảo vệ chính họ khỏi virus corona và nhấn mạnh virus corona là "một thách thức rất đáng ngại sẽ ảnh hưởng đến "cuộc sống của hầu hết mọi người".

    Phát biểu trên Sky News hôm 15/3, ông Hancock nhấn mạnh: "Các biện pháp mà chúng tôi đang thực hiện, rất, rất quan trọng để ngăn chặn sự lây lan của virus và chúng có thể phá vỡ cuộc sống bình thường của hầu hết mọi người trong nước". 

    Tài liệu mật của Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) mới bị rò rỉ cũng cảnh báo khoảng 15% dân số, tương đương 7,9 triệu người Anh, có thể phải nhập viện trong 12 tháng tới. Tình hình kinh tế sẽ ảm đạm tới năm 2021.

    Chính phủ Anh đã tiến thêm một bước trong tiến trình phòng chống dịch Corona virus khi chi ra 2.4 triệu bảng mỗi ngày để thuê 8.000 giường bệnh tư.

    8.000 giường thuộc 570 bệnh viện tư này sẽ có tác dụng giảm tải gánh nặng lên NHS. Hiện nay NHS có 128,000 giường cho bệnh nhân nhập viện, và dự báo sẽ sớm không còn chỗ trống.

    Quân đội cũng được huy động trong 3 tuần để giúp cuộc sống vận hành nhịp nhàng nhất có thể. Các bệnh viện quân đội cũng có thể được trưng dụng.

    Những bước đi mạnh mẽ của chính phủ sẽ có hiệu lực trong vòng 20 ngày nhằm cứu được nhiều sinh mạng nhất và ngăn ngừa NHS ''đổ vỡ''.

    Tuần này, việc tụ tập trên 500 người có thể bị cấm. Những cuộc họp bàn về Brexit cũng sẽ được tổ chức từ xa. 

    Hiện đã có ít nhất 13 nghị sĩ phải cách ly, bao gồm nghị sĩ Bảo thủ Andrew Bridgen. 

    Ông Andrew Bridgen 55 tuổi, có một con trai 18 tháng tuổi, được hứa sẽ có người đến xét nghiệm cho ông. Nhưng 72 giờ trôi qua vẫn chưa thấy cán bộ y tế nào tới. Ông phải ở cuối nhà, còn gia đình thì ở đầu bên kia ngôi nhà. ''Tôi chưa bao giờ ốm nhưng bây giờ tôi thấy rất mệt. Thật đau lòng khi nghe tiếng con khóc mà không thể tới dỗ nó''.  

    Viethome (theo Mirror)

  • Người đàn ông đã tích trữ 17.700 chai nước khử trùng đang hứng chịu sự lên án của cộng đồng, trong khi chính quyền bang ra lệnh điều tra về việc thu lợi bất chính từ khủng hoảng.

    Matt Colvin, một người bán hàng trực tuyến trên nền tảng thương mại điện tử của Amazon, bên ngoài Chattanooga, bang Tennessee đang hứng chịu sự chỉ trích, phẫn nộ của công chúng và chính quyền bắt đầu điều tra về việc thu lợi bất chính trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng ở Mỹ, New York Times đưa tin.

    Colvin cùng với em trai Noah Colvin đã tích trữ 17.700 chai nước khử trùng trong bối cảnh sản phẩm này cháy hàng tại các cửa hàng, siêu thị, khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Mỹ.

    Anh em nhà Colvin đã bán được 300 chai nước khử trùng trong một bài đăng trên Amazon, trước khi tài khoản của họ bị xóa do kiếm lời bất chính từ sự sợ hãi của người dân Mỹ trước dịch bệnh.

    Câu chuyện tích trữ hàng chục nghìn chai nước khử trùng của anh em nhà Colvin đã được New York Times đề cập trong một bài viết đăng tải hôm 14/3. Bài viết đã gây ra sự phẫn nộ của công chúng. Hàng nghìn người đã đăng những bình luận giận dữ trên Internet về hành động của họ.

    Nhiều người thậm chí còn liên lạc trực tiếp với anh em nhà Colvin để trút giận và dọa giết họ. Một người đàn ông đã đập phá cửa nhà họ vào tối 14/3.

    Hối hận có muộn màng?

    Trong cuộc phỏng vấn kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ với New York Times, ông Colvin bày tỏ sự hối hận về hành động của mình. Ông nói rằng khi quyết định tích trữ nước khử trùng và giấy kháng khuẩn đã không nhận ra được sự nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, hoặc sự thiếu hụt nguồn cung.

    Hành động gom và tích trữ hàng nghìn chai nước khử trùng của anh em nhà Colvin hứng chịu sự lên án của cộng đồng mạng. Ảnh: New York Times.

    “Tôi đã mua và bán những sản phẩm này được 10 năm rồi. Đã có những sản phẩm cháy hàng đối với mặt hàng mới nào đó, nhưng vấn đề là luôn có một cái khác trên kệ. Khi chúng tôi thực hiện việc thu gom này, tôi không biết rằng các cửa hàng không có nguồn cung bổ sung”, ông Colvin chia sẻ với New York Times.

    Ông cho biết sự phẫn nộ của công chúng là điều đáng sợ đối với ông và gia đình. Nhiều người liên tục gọi điện, đăng địa chỉ nhà ông lên mạng và gửi bánh pizza đến nhà ông. Hộp thư của ông tràn ngập những tin nhắn tức giận. Một số email gửi đến nói rằng “hành động của ông sẽ kết thúc với việc ai đó giết vợ và con của ông”.

    “Tôi không bao giờ có ý định giữ những vật dụng y tế cần thiết ngoài tầm tay những người cần nó. Đó không phải là con người của tôi và như những gì tôi đã nói trong 48 giờ qua là tôi rất hối hận”, Colvin nói.

    Đối mặt với án phạt từ chính quyền

    Giờ đây, anh em nhà Colvin đang đối mặt với hậu quả. Hôm 15/3, các nền tảng thương mại điện tử Amazon và eBay đã xóa tài khoản của anh em nhà Colvin khỏi nền tảng của họ, đó là cách mà họ kiếm tiền trong nhiều năm qua.

    Công ty nơi anh em nhà Colvin thuê làm kho lưu trữ đã cắt hợp đồng và đuổi họ ra khỏi đó. Văn phòng tổng chưởng lý bang Tennessee đã gửi văn bản đình chỉ hoạt động kinh doanh online của họ và mở cuộc điều tra.

    Chính quyền bang Tennessee đang mở cuộc điều tra về thu lợi bất chính từ khủng hoảng. Ảnh: New York Times.

    “Chúng tôi sẽ không tha thứ cho bất kỳ ai đẩy giá bán các mặt hàng thiết yếu trong bối cảnh nhu cầu của người dân tăng cao, chúng tôi sẽ có hàng động quyết liệt để ngăn chặn điều đó”, Herbert H. Slatery II, tổng chưởng lý bang Tennessee nói trong một thông báo.

    Luật pháp quản lý giá ở bang Tennessee nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân đẩy giá bán quá cao cho các mặt hàng thiết yếu, gồm thực phẩm, khí đốt, vật tư y tế, sau khi thống đốc bang tuyên bố trình trạng khẩn cấp. Người vi phạm có thể bị phạt 1.000 USD cho mỗi lần vi phạm.

    Tuy nhiên, anh em nhà Colvin có thể lách luật trong tình huống này. Thống đốc Bill Lee ban bố tình trạng khẩn cấp ở bang Tennessee vào ngày 12/3 và kích hoạt luật kiểm soát giá bán. Anh em nhà Colvin đã mua và bán nước khử trùng, khẩu trang trước thời điểm đó. Ông Colvin nói rằng đã không bán bất kỳ thứ gì sau ngày 12/3.

    Người phát ngôn văn phòng tổng chưởng lý bang Tennessee, cho biết ngay cả trong trường hợp anh em nhà Colvin không bán hàng sau ngày 12/3, chính quyền bang vẫn sẽ cân nhắc các biện pháp xử phạt theo luật bảo vệ người tiêu dùng.

    Trong một động thái nhằm sửa sai, anh em nhà Colvin đã quyên góp hai phần ba kho dự trữ nước khử trùng để vận chuyển đến nhà thờ và phân phát cho những người có nhu cầu trên khắp bang Tennessee.

    Văn phòng tổng chưởng lý bang cũng đã tịch thu một phần ba kho dự trữ để cung cấp cho người dân bang Kentucky. Anh em nhà Colvin đã gom một số lượng vật tư y tế từ bang này vào tháng trước.

    Theo Zing

  • Chuyến bay VN36, Frankfurt - Nội Bài, ngày 10/3 đón hai khách đặc biệt, một bé 2 tháng tuổi và chị gái 3 tuổi về Việt Nam mà không có cha mẹ đi cùng.

    Bầu trời Frankfurt (Đức) chiều ấy âm u, cặp vợ chồng người Việt dứt ruột trao hai con gái cho bà ngoại. Vì công việc họ không thể về nước, cũng không đành lòng để con ở lại với rủi ro khi Covid-19 lan rộng. Các biện pháp phòng chống của nước sở tại khiến họ không yên tâm. Bà ngoại ở Hải Phòng được cầu cứu sang đón các cháu về Việt Nam.

    Trên chuyến bay xuyên đại dương, hai em bé thiu thiu ngủ. Nhưng chỉ được một lúc, cô em hai tháng bắt đầu quấy khóc, rồi đến cô chị ba tuổi. Bà ngoại mỏi rời tay, hết bế em lại quay sang dỗ chị. Tiếng khóc của hai đứa trẻ vang lên trong khoang hành khách ù ù khiến nhiều người quay sang nhìn, nhăn mặt.

    Tiếp viên trưởng Lưu Phương Anh xuất hiện. Kinh nghiệm của người mẹ khiến chị nhận ra em bé có vẻ bị nóng. Chị xin phép bà cởi bớt áo cho con rồi bế lên dỗ dành. Bởi khi con khóc là lúc thèm sữa mẹ. Chị vỗ lưng nhè nhẹ để em bé ợ hơi, dễ chịu hơn sau khi uống sữa. Như phản xạ, bạn nhỏ rúc vào người nữ tiếp viên tìm hơi mẹ, được một lúc đã ngủ say. Lúc ru em bé, chị đã nghĩ rằng hẳn người mẹ ấy cũng sẽ rất nhớ thương con.

    Tiếp viên trưởng Lưu Phương Anh bế, dỗ vị khách nhí trở về từ Đức vì lo sợ dịch, trên chuyến bay ngày 10/3. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Chị trao em bé cho bà rồi tiếp tục làm nhiệm vụ. Từ lúc ấy, ba bà cháu được chăm sóc nhiều hơn trên chuyến bay. Cách nửa tiếng, các tiếp viên lại thay nhau bế cô em và mang thêm đồ chơi cùng cô chị.

    6h10' sáng 10/3, máy bay hạ cánh xuống Nội Bài. Sau hành trình dài 12 tiếng, ba bà cháu được người nhà đón ngay tại cửa. Phương Anh và tổ bay cũng yên tâm hơn.

    "Thương bố mẹ bé một phần, thương hai bạn nhỏ ngàn lần khi phải xa vòng tay cha mẹ", chị nói. Trên xe ôtô về trung tâm Hà Nội, hình ảnh hai đứa trẻ cứ xuất hiện trong đầu, khi bộ áo dài vẫn còn vương mùi sữa trẻ con. Nhiều năm trong nghề, lần đầu tiên chị trải qua tình huống ấy.

    Chiều 11/3, Nguyễn Kim Chi, 22 tuổi ôm cháu trai Nguyễn Nhật Khánh Đăng, 6,5 tháng tuổi hoà vào dòng người rời khỏi khu cách ly ở Sơn Tây, Hà Nội. Hai cô cháu lập tức ra đón chuyến bay về Vinh (Nghệ An) rồi từ đó đi ôtô về quê nhà ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Nửa tháng qua, bé Khánh Đăng đã sống trong vòng tay cô ruột mình, còn cha mẹ em đang ở Busan, Hàn Quốc, cách con hơn 4.000 cây số.

    Trên đất khách, anh trai Kim Chi làm công nhân nhà máy, còn chị dâu vừa nghỉ sinh bé, vẫn chưa đi làm lại. Như nhiều cặp vợ chồng đi xuất khẩu lao động thường gửi con về quê khi tròn 6 tháng hay một tuổi, anh chị của Chi cũng có ý định sẽ gửi Khánh Đăng về quê vào tháng 4 này.

    Giữa tháng 2 vừa qua, "bệnh nhân 31" siêu lây nhiễm gây ra nỗi kinh hoàng cho cả nước Hàn Quốc. Nhiều người Việt học tập và lao động tại đây sợ hãi trở về Việt Nam. "Anh chị em vì miếng cơm, manh áo không thể về nước, đành phải gửi bé về", Chi chia sẻ.

    Khánh Đăng còn chưa cai sữa đã phải rời vòng tay mẹ. Cậu bé lên chuyến bay cùng với người dì vào ngày 25/2. Cùng ngày, Kim Chi cũng từ quê bay ra Nội Bài đón cháu. Đến nơi cô mới biết Khánh Đăng phải theo dì vào khu cách ly.

    Đêm đó Chi thuê nhà nghỉ bên ngoài Trường quân sự ở thị xã Sơn Tây, nóng ruột lo cho cháu ở trong. Bố mẹ bé và ông bà ở quê nhà cũng lo lắng khôn nguôi. "Sáng hôm sau em được vào với cháu. Nghe kể cháu khóc suốt từ chiều tới cả đêm vì nhớ mẹ, em cũng ứa nước mắt theo", Chi kể.

    Kim Chi và bé Khánh Đăng chiều 10/3 tại tầng 4, khu cách ly Trường quân sự Sơn Tây. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Chưa từng gặp cháu nhưng may sao ngay từ lúc sang tay Chi, Khánh Đăng nín khóc, chịu bú bình và chịu ngủ. Suốt hai tuần, tại phòng 403 khu cách ly, cậu bé là niềm vui cho 17 người trong phòng. Ở một phòng khác cũng có một bé gái 6 tháng tuổi "chạy dịch" cùng chuyến bay với Khánh Đăng.

    "Ở trong này chẳng thiếu thứ gì, nhưng em mong được về nhà và biết cháu cũng như vậy", Chi nói.

    Trở về vòng tay của ông bà và người thân đêm 11/3, Khánh Đăng không hề lạ lẫm. Từ đây, cậu bé sẽ lớn lên ở vùng biển Cương Gián quê nhà, để cha mẹ phương xa yên tâm làm việc.

    Đại diện Vietnam Airlines cho biết, kể từ khi Covid-19 vượt khỏi biên giới Trung Quốc, nhiều chuyến bay đã đón thêm hành khách đặc biệt là các em bé còn bế ngửa trở về Việt Nam. Ngoài những trường hợp trên, chuyến bay ngày 5/3, từ Incheon, Hàn Quốc về Vân Đồn, Quảng Ninh cũng đón 6 bé, trong đó có 2 bé còn ẵm ngửa.

    Bố mẹ, gia đình tiễn em ở sân bay Incheon và uỷ quyền cho người quen trên chuyến bay ẵm về Việt Nam tránh dịch. Trên chuyến bay bé được nhân viên y tế và các thành viên phi hành đoàn cùng chăm sóc. Khi về đến sân bay Vân Đồn, bà của bé đã đón. Hiện hai bà cháu đang ở trong khu cách ly theo đúng quy trình. 

    Theo VnExpress

  • Nỗi sợ Covid-19 khiến người dân Anh xếp hàng dài tại các siêu thị khắp cả nước để mua đồ tích trữ; giấy vệ sinh và đồ hộp "cháy hàng".

    Các siêu thị trên khắp nước này chứng kiến một cuộc "càn quét" vào cuối tuần qua, khi người dân đổ xô đi mua nhu yếu phẩm do lo ngại trước sự lan rộng của Covid-19. Trong ảnh, khách hàng tại một siêu thị ở London hôm 15/3.

    Anh hiện ghi nhận gần 1.400 ca nhiễm nCoV, trong đó 35 ca tử vong. Tất cả những người tử vong đều trên 60 tuổi, có bệnh lý nền.

    Dòng người xếp hàng dài ở các siêu thị thậm chí trước cả giờ mở cửa, sau đó lại xếp hàng dài ở các quầy thanh toán với những chiếc xe đẩy chất đầy đồ. Trong ảnh là một siêu thị ở London hôm qua. 

    Cơn sốt giấy vệ sinh tiếp diễn khắp cả nước do lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Các siêu thị cho hay lượng người mua hàng không khác gì thời gian cao điểm trước Giáng sinh và kêu gọi người dân ngừng mua sắm thái quá để dành phần cho người khác.

    Người dân rồng rắn xếp hàng tại một siêu thị Costco ở Anh.

    Các kệ giấy vệ sinh từ London (trong ảnh) đến các thành phố khác đều nhanh chóng hết sạch hàng. 

    Tại siêu thị Savers ở Harringay, phía bắc London (ảnh), một người đàn ông 56 tuổi thậm chí bị cướp giấy vệ sinh chỉ vài phút sau khi rời khỏi đây hôm 14/3.

    Siêu thị Tesco ở quận Colney Hatch, London, sau cuộc "càn quét" hôm qua. Các chuỗi siêu thị lớn đều thông báo hết hàng. Một siêu thị ở đông bắc London buộc phải đóng cửa và gọi cảnh sát sau khi xảy ra tình trạng khách hàng giẫm đạp lẫn nhau.

    Kệ rau củ tại một siêu thị ở London hôm 13/3, một ngày sau khi Thủ tướng Boris Johnson khuyến cáo những người mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ nên tự cách ly ít nhất 7 ngày. Chính phủ Anh cũng cho hay những người trên 70 tuổi sẽ được yêu cầu tự cách ly để bảo vệ bản thân trước nCoV "trong những tuần tới".

    Siêu thị ở Cardiff, xứ Wales thông báo hết sạch nước rửa tay hôm 14/3. 

    Hai khách hàng tích trữ nước đóng chai đi qua kệ hàng rỗng ở một siêu thị tại London.

    Đại diện các nhà bán lẻ thực phẩm Anh cho biết đang phối hợp chặt chẽ với chính phủ và các nhà cung cấp để đảm bảo phân phối hàng nhanh chóng, không để xảy ra thiếu hụt. Dịch vụ giao hàng trực tuyến cũng đang hoạt động hết công suất.

    Dòng người xếp hàng chờ tới lượt thanh toán ở siêu thị London hôm 14/3. Ngoài giấy vệ sinh, mỳ ống, đồ hộp và những sản phẩm có hạn sử dụng dài được nhiều người chọn mua. 

    Cảnh đông đúc ở một siêu thị London hôm qua. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho hay chính phủ tự tin đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm và mọi người cần mua sắm một cách có trách nhiệm để đóng góp vào nỗ lực chống Covid-19 của quốc gia. 

    Eddy Chapman, chủ một máy chơi gắp thú ở thị trấn Bridlington, Đông Yorkshire, đã tranh thủ dịp này để nghĩ ra ý tưởng kinh doanh mới. Anh thay những con thú bông bằng các cuộn giấy vệ sinh.

    "Tôi hy vọng mọi người bình tĩnh và lan tỏa chút niềm vui giữa cuộc khủng hoảng Covid-19", Chapman nói. 

    Tài liệu mật của Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) được Guardian tiết lộ hôm nay cảnh báo "80% dân số có thể nhiễm nCoV trong 12 tháng tới và tối đa 15%, tương đương 7,9 triệu người, sẽ phải nhập viện điều trị".

    VnExpress (tổng hợp từ AFP, Reuters, PA, Mirror, Metro, SWNS)

  • Giới chức y tế Anh cảnh báo khoảng 15% dân số, tương đương 7,9 triệu người, có thể phải nhập viện do Covid-19 lây lan trong 12 tháng tới.

    "80% dân số có thể nhiễm nCoV trong 12 tháng tới và tối đa 15%, tương đương 7,9 triệu người, sẽ phải nhập viện điều trị", tài liệu mật của Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) được Guardian tiết lộ hôm nay có đoạn viết.

    Đây là lần đầu tiên giới chức y tế Anh thừa nhận mức độ nghiêm trọng của Covid-19, cũng như nguy cơ Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) bị quá tải. Giáo sư Chris Whitty, cố vấn y tế chính phủ Anh, từng mô tả đây là kịch bản xấu nhất, số người nhiễm nCoV trên thực tế có thể thấp hơn.

    Người dân trên đường phố trung tâm London hôm 14/3. Ảnh: AFP

    Tài liệu do đội phản ứng khẩn cấp của PHE soạn thảo, được phê chuẩn bởi tiến sĩ Susan Hopkins, quan chức dẫn đầu hoạt động ứng phó Covid-19 của cơ quan này. Nó đã được chia sẻ với lãnh đạo các bệnh viện và NHS.

    "Dịch vụ y tế không thể đáp ứng số lượng khổng lồ người có triệu chứng cần được xét nghiệm, bởi các phòng thí nghiệm đang chịu áp lực đáng kể. Chỉ những người ốm rất nặng và đang nhập viện, cũng như nhân viên phụ trách cơ sở chăm sóc sức khỏe và nhà tù có ca nhiễm nCoV mới được xét nghiệm", tài liệu có đoạn viết.

    PHE cho rằng các cơ sở xét nghiệm đang quá tải đến mức nhân viên NHS cũng không được kiểm tra, dù họ đóng vai trò chủ chốt trong nỗ lực chống Covid-19 và cũng gây nguy cơ lây lan virus sang bệnh nhân chưa mắc bệnh.

    Quan chức cấp cao của NHS cảnh báo nửa triệu người có thể chết vì nCoV nếu 80% dân số Anh mắc bệnh. "Nếu tỷ lệ tử vong là 1% như nhiều chuyên gia ước tính, con số người chết có thể lên tới 531.100. Nếu tỷ lệ này là 0,6% như giáo sư Whitty khẳng định, vẫn có khoảng 318.660 người sẽ chết vì Covid-19", quan chức này cho hay.

    Dự đoán Covid-19 có thể kéo dài trong 12 tháng tới dường như sẽ hủy hoại hy vọng bệnh dịch được kiểm soát khi thời tiết ấm lên. Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế cho rằng dự đoán này không phản ánh hoàn toàn tình hình thực tế.

    "Bệnh dịch kéo dài một năm là hoàn toàn có khả năng. Tôi nghĩ rằng con số sẽ giảm mạnh vào mùa hè, sau đó tăng trở lại khi mùa đông đến, tương tự bệnh cúm mùa thông thường. Tôi nghĩ nó sẽ tồn tại mãi, nhưng dần trở nên vô hại khi hệ miễn dịch được cải thiện", giáo sư y khoa Paul Hunter tại Đại học Đông Anglia nêu quan điểm.

    Anh hiện ghi nhận gần 1.400 ca nhiễm nCoV, trong đó 35 người đã chết. Covid-19 xuất hiện tại 157 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 160.000 người nhiễm, hơn 6.400 người chết và hơn 76.000 người bình phục.

    Theo VnExpress

  • Để kiểm tra được hiệu quả của vaccine, nhóm nghiên cứu cần thí nghiệm lâm sàng trên người thật, và đó là khi công việc tình nguyện bị phơi nhiễm một cách an toàn với những chủng Corona ra đời.

    Trước đại dịch Covid-19 bùng phát bởi virus SARS-Cov-2, các phòng thí nghiệm trên toàn câu hiện đang khẩn trương nghiên cứu loại vaccine phòng chống và thuốc chống virus Corona chủng mới. Tuy nhiên, để kiểm tra được hiệu quả của vaccine, những nhóm nghiên cứu cần thí nghiệm lâm sàng trên người thật, và đó là khi công việc tình nguyện bị phơi nhiễm virus Corona được ra đời.

    Một cựu tình nguyện viên từng tham dự án nghiên cứu đã viết: “Khi tôi nằm trên giường bệnh viện trong phòng khám vô trùng, một y tá mặc áo xanh với tấm che mặt gắn dụng cụ thở nhìn tôi qua mắt kính. Những chiếc băng đỏ dán xung quanh cửa báo hiệu đây là khu vực nguy hiểm. Tôi đang ở Trại Cúm, nơi mà 24 tình nguyện viên chuột bạch sẽ sẵn sàng bị phơi nhiễm một chủng virus Corona trong vài tháng sắp tới. Cơ sở thí nghiệm này có thể đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại Covid-19 bằng cách giúp tạo ra một loại vaccine hoặc thuốc chống virus (anti-viral drug)”.

    Để kiểm tra được hiệu quả của vaccine, những nhóm nghiên cứu cần thí nghiệm lâm sàng trên người thật, và đó là khi công việc tình nguyện bị phơi nhiễm virus Corona được ra đời.

    Những tình nguyện viên chấp nhận bị phơi nhiễm có thể kiếm được từ 3.000 đến 4.000 bảng Anh (90 đến 119 triệu đồng). Vì vậy, hàng chục nghìn người đã tham gia vào công tác này.

    Bác sĩ Andrew Catchpole – nhà khoa học trưởng tại Hvivo, người điều hành cơ sở thí nghiệm, cho biết: “Đây là một bước quan trọng để theo dõi nhanh sự phát triển của các loại thuốc chống virus và vaccine phòng Covid-19. Chúng tôi đang cố gắng sử dụng chuyên môn của mình trong lĩnh vực này để xem có thể làm được gì cho tình hình hiện tại”.

    Những tình nguyện sẽ không bị nhiễm Covid-19, nhưng các chủng “vô hại”  khác của Corona là OC43 và 229E sẽ được tiêm vào người họ để gây ra bệnh hô hấp rất nhẹ. Mục đích của việc này là khiến các tình nguyện viên phơi nhiễm một cách an toàn với những chủng Corona có họ hàng gần với chủng virus chết người SARS-CoV-2, góp phần giúp các hãng dược thử nghiệm những loại vaccine tiềm năng.

    Những tình nguyện sẽ không bị nhiễm Covid-19, nhưng các chủng “vô hại” khác của Corona là OC43 và 229E sẽ được tiêm vào người họ để gây ra bệnh hô hấp rất nhẹ.

    Tiến sĩ Catchpole nói thêm: “Nếu vaccine có hiệu quả với virus của chúng tôi, thì không có lý do gì mà nó không hiệu quả với Covid-19”.

    Cathal Friel, chủ tịch điều hành của Hvivo, chủ sở hữu Open Orphan, nói thêm: “Công ty đang bắt đầu quá trình phát triển mô hình nghiên cứu Virus Corona đầu tiên trên thế giới. Về cơ bản, chúng tôi có một phiên bản Corona có thể được sử dụng và theo dõi. Chúng tôi là một công ty của Anh, là trung tâm virus học thế giới”.

    Cơ sở Hvivo đã thực hiện các thử nghiệm lâm sàng đối với vi-rút cúm và cảm lạnh từ năm 2001. Họ đã chứng kiến hơn 10.000 ứng dụng chưa từng có áp dụng cho việc xét nghiệm Corona tại trụ sở ở Whitechapel, phía Đông London.

    Những tình nguyện viên chấp nhận bị phơi nhiễm có thể kiếm được từ 3.000 đến 4.000 bảng Anh (90 đến 119 triệu đồng). Vì vậy, hàng chục nghìn người đã tham gia vào công tác này.

    Bác sĩ Catchpole cho biết: “Hiện tại, chúng tôi muốn những cá nhân thực sự khỏe mạnh để chắc rằng họ phơi nhiễm có kiểm soát. Chúng tôi sẽ lấy mẫu máu của họ và xét nghiệm khả năng miễn dịch tiền phơi nhiễm. Chúng tôi sẽ thử nghiệm tất cả các họ của Corona và kiểm tra được các mức độ miễn dịch khác nhau. Chúng tôi cần sàng lọc mọi người vì vậy chúng tôi chỉ tiêm virus cho những người có khả năng phát triển bệnh. Điều đó có thể loại bỏ tới 80% đối tượng. Sau khi các tình nguyện viên khỏi bệnh, chức năng phổi và gan của họ sẽ được kiểm tra sau đó và sẽ được mời trở lại để kiểm dịch”.

    Một tháng trước thời gian cách ly của các tình nguyện viên, một nửa nhóm sẽ được tiêm vaccine Covid-19 đang được nghiên cứu và phát triển bởi một bên thứ ba, 50% còn lại sẽ nhận được một giả dược. Sau đó một tháng, tất cả tình nguyện viên sẽ cố tình để nhiễm vi-rút cùng họ Corona nhưng ít nguy hiểm hơn thông qua bình xịt mũi. Sau khi phơi nhiễm có chủ đích, họ sẽ phải cách ly 2 tuần trong các phòng rộng khoảng 4 – 5m vuông, nửa trong số đó không có cửa sổ.

    Sau khi phơi nhiễm có chủ đích, họ sẽ phải cách ly 2 tuần trong các phòng rộng khoảng 4 – 5m vuông, nửa trong số đó không có cửa sổ.

    Các nhân viên y tế mang đồ bảo hộ cấp độ cao sẽ đến nhiều lần trong ngày để lấy tăm mũi và thực hiện các xét nghiệm thông thường. Lượng dịch và chất nhầy (nước mũi) tiết ra của những tình nguyện viên sẽ được cân hàng ngày. Bác sĩ Catchpole giải thích: “Khi bạn bị cảm lạnh, bạn cần xì mũi, đó là một thước đo hiệu quả về mức độ của các triệu chứng mà bệnh nhân mắc phải. Vì vậy, chúng tôi cung cấp cho họ những tờ khăn giấy đã được cân trước để xì mũi. Sau đó, chúng tôi sẽ cân lại khối lượng cuối ngày của những tờ giấy đựng trong một túi kín và trừ lại khối lượng ban đầu để biết lượng chất nhầy của họ”. 

    Các nhân viên y tế mang đồ bảo hộ cấp độ cao sẽ đến nhiều lần trong ngày để lấy tăm mũi và thực hiện các xét nghiệm thông thường. Lượng dịch và chất nhầy (nước mũi) tiết ra của những tình nguyện viên sẽ được cân hàng ngày.

    Các bữa ăn đựng trong từng khay sẽ được cung cấp cho người tham gia. Họ cũng được xem TV, chơi game, kết nối wifi, và một vài tiện nghi khác trong phòng để giúp bớt nhàm chán trong hai tuần cách ly đơn độc.

    Quản lý trang web Laura Krizman cho biết: “Những người tham gia được khuyến khích mang theo máy tính xách tay, sách, còn sinh viên thì mang theo bài học. Một số người mang cả gấu bông. Tất cả đồ đạc cá nhân của họ đều được khử trùng sau khi kết thúc thí nghiệm”.

    Họ cũng được xem TV, chơi game, kết nối wifi, và một vài tiện nghi khác trong phòng để giúp bớt nhàm chán trong hai tuần cách ly đơn độc.

    Một số tình nguyện viên từng tham gia nghiên cứu đã để lại những reviews trên trang web của Trại Cúm, trong đó có một bình luận như sau: “Đây là một trải nghiệm tuyệt vời. Tôi có TV và máy chơi game Play Station, wifi cũng thật tuyệt vời vì bạn có thể xem Netflix. Nói chung, tôi nghĩ đây là một cách rất hay để kiếm thêm tiền và thư giãn trong thời gian ngắn”.

    Ý nghĩ về hai tuần ở Trại Cúm sẽ khiến hầu hết mọi người sợ hãi. Vì vậy, các tình nguyện viên tham gia dự án thực sự là những người đáng ngưỡng mộ vì họ sẵn sàng dũng cảm phơi nhiễm để góp phần tiến gần hơi đến thành công trong việc đẩy lùi hoàn toàn dịch Covid-19.

    Tìm hiểu thêm thông tin tại https://hvivo.com/

    Saostar (dịch từ Mirror)

  • Tính đến 9h sáng ngày Chủ nhật, đã có thêm 232 người cho xét nghiệm dương tính với virus corona, đẩy tổng số người nhiễm Covid-19 tăng lên con số 1,372. Trong đó, 34 người tử vong ở England, 1 ca tử vong ở Scotland. Tổng cộng 40.279 người đã được cho xét nghiệm. 

    NHS England cho biết những bệnh nhân tử vong nằm trong độ tuổi từ 59-94 và có bệnh nền. Họ được chăm sóc tại 12 bệnh viện thuộc NHS Trusts trên khắp cả nước, bao gồm các trung tâm ở Manchester, Epsom, Wolverhampton và Bristol.

    Người đàn ông 59 tuổi đã trở thành bệnh nhân trẻ nhất ở Anh tử vong vì coronavirus. Anh này có nhiều bệnh nền và đã qua đời tại một bệnh viện ở trung tâm thành phố Bristol.

    Bộ trưởng Y tế Matt Hancock xác nhận rằng bất cứ ai trên 70 tuổi ở Anh sẽ phải cách ly 4 tháng nhằm bảo vệ bản thân khỏi virus Covid-19. Ông Hancock thừa nhận rằng việc yêu cầu người già cách ly trong thời gian dài là điều hết sức khó khăn. 

    Đây là một trong hàng loạt biện pháp mà chính phủ sẽ áp dụng trong những tuần tới, bao gồm cấm tụ tập đồng người, trường học và quán rượu đóng cửa, quân đội sẽ tiếp tế hàng hóa. 

    Hiện nay cảnh sát có quyền bắt giữ những người ốm mà không chịu cách ly. Chính phủ có quyền dùng vũ lực buộc người dân cách ly, đóng cửa shop, nhà hàng... Các quyền hạn mới của chính phủ sẽ được thông qua trong tuần này.


    Hàng dài người chờ đợi bên ngoài một cửa hàng Superdrug ở Woolwich, đông nam London. Ảnh: Newsflare

    Danh sách các nước cấm công dân Anh nhập cảnh:

    - Argentina, Australia, Israel, Malta, New Zealand, Na Uy: Khi nhập cảnh phải cách ly 14 ngày dù không có triệu chứng.

    - Hoa Kỳ, Việt Nam, Benin, Bhutan, Colombia, Séc, Đan Mạch, El Salvador, Gabon, Guatemala, Ấn Độ, Kuwait, Latvia, Morocco, Triều Tiên, Oman, Peru, Philippines, Arap Saudi, Solomon Islands, Venezuela: Cấm nhập cảnh

    - Cyprus: Phải có chứng nhận y tế không mắc bệnh.

    - Trung Quốc: Công dân Anh đến Bắc Kinh phải cách ly 14 ngày, dù không bay từ nước Anh.

    - Italy, Hàn Quốc, Uganda: Công dân Anh được nhập cảnh, chỉ bị kiểm tra y tế ở sân bay.

    - Maldives: Cấm du thuyền 


    Khách hàng ''thủ sẵn'' xe đẩy dù siêu thị Tesco chưa mở cửa. Ảnh: Facebook


    Các kệ hàng trống rỗng, khung cảnh bừa bộn bên trong một siêu thị Tesco ở Colney Hatch vào sáng nay. Ảnh: Michelle Davies/Twitter


    Anh Eddy Chapmon nghĩ ra trò chơi gắp giấy vệ sinh thay cho thú nhồi bông.

    Hơn 245 nhà khoa học và nhà toán học đã lên án kế hoạch của chính phủ nhằm đạt được khả năng miễn dịch bầy đàn bằng cách trì hoãn các biện pháp ngăn chặn virus lây lan.

    Theo Guardian, nhiều nhà khoa học cảnh báo phản ứng chậm trễ của chính phủ Anh đối với dịch virus corona "gây rủi ro cho nhiều mạng sống hơn cần thiết".

    Trong thư ngỏ được công bố tối 14/3, hơn 295 học giả sống và làm việc tại Vương quốc Anh kêu gọi áp dụng các biện pháp tức thời nhằm hạn chế sự lây lan của Covid-19.

    Họ chỉ trích chiến lược trì hoãn các hạn chế của Vương quốc Anh để đạt được "miễn dịch bầy đàn", lập luận rằng điều đó sẽ khiến NHS chịu nhiều áp lực hơn.

    Trong khi đó, Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội bác bỏ những lời chỉ trích trong thư.

    "Miễn dịch bầy đàn không phải là một phần trong kế hoạch hành động của chúng tôi, nhưng là kết quả phụ tự nhiên của một dịch bệnh", một phát ngôn viên cho biết. "Mục tiêu của chúng tôi là cứu người, bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất và giảm bớt áp lực cho NHS".

    Bức thư đã được ký bởi một loạt nhà khoa học tại các trường đại học Vương quốc Anh, bao gồm các giáo sư, giảng viên và nghiên cứu sinh về toán học, sinh học, y học và khoa học máy tính.

    Phản ứng trên của giới khoa học được đưa ra sau khi trưởng cố vấn khoa học chính phủ Anh - ông Patrick Vallance nói sẽ cần khoảng 60% dân số Anh nhiễm virus gây bệnh Covid-19 để tạo "miễn dịch cộng đồng".

    Hiện nay, Việt Nam đã tạm thời ngừng nhập cảnh đối với người nước ngoài đến từ Anh và 26 nước châu Âu thuộc khối Schengen, hoặc đã đi qua các nước này trong vòng 14 ngày.

    Viethome (theo Mirror)