Tại sao "để Covid-19 lan truyền tạo miễn dịch cộng đồng" là một quan điểm cực kỳ nguy hiểm?

Những ngày gần đây trên mạng xã hội lan truyền một thông tin cho rằng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh như đóng cửa trường học, ngừng khai thác một số đường bay quốc tế và đặc biệt là cách ly kiểm dịch là quá mức cần thiết. Quan điểm này gợi ý việc để virus lan truyền nhằm tạo miễn dịch nhanh trong cộng đồng là điều mà một số nước phương Tây đang áp dụng.

Tuy nhiên, quan điểm ''để Covid-19 lan truyền đạt đỉnh'' đang trên bờ vực phá sản. 

Ngay cả các nước phương tây như Mỹ hiện giờ cũng đã bắt đầu thực hiện các biện pháp can thiệp mạnh, bao gồm đóng cửa các đường bay tới Châu Âu.

Trong một cuộc họp báo đầu tuần, Deborah Birx, điều phối viên phản ứng với virus corona của Nhà Trắng và Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ cũng ban hành một bộ hướng dẫn người dân Mỹ thực hành các biện pháp vệ sinh và giữ khoảng cách xã hội để hạn chế tối đa nguy cơ khiến Covid-19 lây lan trong cộng đồng.

Nhiều trong số đó là những biện pháp mà Việt Nam đã áp dụng từ thời điểm ban đầu của dịch bệnh – khoảng thời gian vàng để thực hiện các biện pháp này.

Các biện pháp giữ khoảng cách xã hội bao gồm cách ly bắt buộc đối với những người đã nhiễm bệnh, truy tìm và liên lạc với những người đã tiếp xúc với người bệnh, cách ly những người có thể đã phơi nhiễm, đóng cửa trường học, doanh nghiệp khi cần thiết và tránh các hoạt động tụ tập thành đám đông…

Mục tiêu của các biện pháp này là để "làm phẳng đường cong", trì hoãn đỉnh dịch và hạn chế sự quá tải cho các bệnh viện.

Ngược lại, để virus lan truyền một cách tự nhiên và mạnh mẽ trong cộng đồng mặc dù có thể tạo miễn dịch cộng đồng và khiến virus biến mất nhanh chóng, tuy nhiên, nó sẽ gây quá tải cho hệ thống y tế của chúng ta vì sẽ có nhiều người bệnh hơn, nhiều ca bệnh nặng hơn và chắc chắn là nhiều ca tử vong hơn.

Một nghiên cứu của các nhà dịch tễ học Australia đã đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp vệ sinh và giữ khoảng cách xã hội:

"Chúng tôi đề nghị thực hiện các biện pháp can thiệp chi phí thấp trước cả khi dịch bệnh xuất hiện và dự đoán xảy ra sự lây nhiễm trong cộng đồng. Các can thiệp này nên được xem xét vì chúng có thể giúp giảm cả tổng số ca nhiễm và mức độ nghiêm trọng của các ca bệnh", các tác giả viết.

Các biện pháp được thiết kế được trên 2 nguyên tắc: Giữ khoảng cách xã hội và cải thiện vệ sinh. Theo mô hình nghiên cứu này xây dựng, điều này có thể làm trì hoãn đỉnh dịch, hạn chế sự quá tải cho các bệnh viện và đơn vị chăm sóc đặc biệt.

Nó cho phép các nhân viên y tế có thời gian chăm sóc bệnh nhân tốt hơn, hoặc khi chính họ bị nhiễm Covid-19 có thể hồi phục và đi làm trở lại. Trì hoãn đỉnh dịch cũng có thể giúp cầm cự cho tới khi chúng ta có được một loại vắc-xin để đối phó với Covid-19.

"Làm phẳng đường cong" được đề cập đến ở đây chính là trì hoãn và giảm thấp đỉnh dịch xuống dưới mức mà hệ thống y tế có thể đáp ứng. Nếu để virus lây lan một cách tự nhiên, hệ thống chăm sóc sức khỏe của mọi quốc gia, ngay cả Hoa Kỳ cũng có thể bị quá tải khi các phòng cấp cứu và bệnh viện sẽ tràn ngập các bệnh nhân suy hô hấp vì Covid-19.

Một thống kê ở tiểu bang New York năm 2015 cho biết họ chỉ có 7.241 máy thở đang được khai thác và 1.750 máy trong kho dự trữ. Các cỗ máy thở là thiết bị đặc biệt cần thiết dùng để điều trị các ca bệnh Covid-19 có triệu chứng nghiêm trọng, trong đó người bệnh đã bị suy hô hấp nặng.

Tuy nhiên, trong kịch bản một đại dịch cúm xuất hiện, tiểu bang New York cho biết họ chỉ dành ra được 15% máy thở để chăm sóc người bệnh mới, bởi các máy thở có sẵn đang phải phục vụ các bệnh nhân mắc các căn bệnh khác trước đó.

Trong điều kiện và khả năng có hạn của hệ thống y tế, việc làm phẳng đường cong và trì hoãn đỉnh dịch là nhiệm vụ tối quan trọng.

Để làm được điều này, mọi quốc gia đều phải áp dụng mọi biện pháp mà họ có thể trong đại dịch Covid-19. "Chúng ta cần nhớ rằng nếu chúng ta hành động sớm và quyết đoán, chúng ta có thể làm chậm virus và ngăn ngừa sự lây nhiễm", Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom cho biết trong một bình luận.

Theo Trí Thức Trẻ