Coronavirus: Hàng triệu người Anh cần phải nhiễm COVID-19 để đạt ‘miễn dịch cộng đồng’

Hàng triệu người Anh sẽ cần phải nhiễm coronavirus để kiểm soát tác động của căn bệnh có khả năng quay trở lại "hàng năm", theo cố vấn khoa học của chính phủ.

Khoảng 60% dân số Vương quốc Anh cần nhiễm coronavirus để xã hội có "miễn dịch cộng đồng" chống lại các đợt bùng phát trong tương lai, Sir Patrick Vallance nói.

Miễn dịch cộng đồng là khả năng chống lại một căn bệnh truyền nhiễm trong dân số vì đã đủ số người có miễn dịch, và do đó bệnh dịch khó lây lan hơn.

Hiện tại không có vắc-xin có sẵn cho coronavirus.

Cho đến nay, 10 người ở Anh đã tử vong vì mắc COVID-19 - căn bệnh phát triển từ coronavirus.

Số trường hợp được xác nhận ở Anh đạt tới 590 vào thứ Năm (12/3) - tăng 134 người trong 24 giờ, mặc dù Sir Patrick tin rằng số người nhiễm bệnh thực tế ở Anh vào lúc này có thể là từ 5.000 đến 10.000.

Ngài Patrick mô tả COVID-19 là một "căn bệnh khó chịu" nhưng nhấn mạnh hầu hết mọi người sẽ chỉ trải qua một đợt ốm "nhẹ".

Ông cho biết phần lớn dân số hơn 65 triệu người ở Anh cần phải bị nhiễm coronavirus để kìm hãm nguy cơ bùng phát lan rộng trong tương lai.

"Chúng tôi nghĩ rằng loại virus này có khả năng sẽ xuất hiện hàng năm, trở thành một loại virus theo mùa", ông nói với Sky News.

"Cộng đồng sẽ trở nên miễn nhiễm với nó và đó sẽ là một phần quan trọng trong việc kiểm soát lâu dài hơn. Khoảng 60% là con số cần để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng."

Mặc dù gợi ý rằng tỷ lệ tử vong do coronavirus có thể là khoảng 1% trong số những người bị nhiễm bệnh, Sir Patrick cho biết việc ước tính số lượng người chết là "khó khăn" vì có thể còn nhiều người chưa được phát hiện.

"Đó là lý do tại sao một số xét nghiệm mới đang được phát triển hiện nay sẽ đóng vai trò rất quan trọng giúp chúng ta thực sự có thể hiểu căn bệnh này lan rộng như thế nào", ông nói thêm.

Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố đại dịch toàn cầu sau sự lây lan của coronavirus trên nhiều quốc gia.

Thủ tướng Boris Johnson, vào thứ Năm, 12/3, xác nhận chính phủ đang bước vào giai đoạn ứng phó thứ hai với COVID-19 - chuyển từ kiểm soát các ca nhiễm sang trì hoãn sự lây lan của virus.

Bất cứ ai bị ho dai dẳng hoặc sốt sẽ phải tự cách ly và ở nhà trong bảy ngày, trong khi các trường học đã được khuyến nghị hủy bỏ các chuyến đi theo kế hoạch ra nước ngoài.

Các bộ trưởng đang phải đối mặt với những chất vấn về lý do tại sao Vương quốc Anh không hành động tương tự như các nước châu Âu khác, như Pháp và Ý, những nước đã thực hiện các biện pháp từ cấm các cuộc tụ họp lớn đến cách ly toàn bộ dân chúng.

Sir Patrick cho biết diễn tiến dịch bệnh ở Vương quốc Anh "chậm hơn một chút" do có hành động sớm trong việc truy tìm và cách ly những người bị nhiễm bệnh.

Sir Patrick cũng mô tả động thái hôm thứ Năm của ông Johnson là "một biện pháp rất lớn", nói thêm: "Nó sẽ có tác động khá lớn đối với một số người và một số hộ gia đình.

"Tôi nghĩ đó là một biện pháp không tầm thường chút nào."

Cấm các cuộc tụ họp đông người và cách ly toàn bộ các hộ gia đình là những bước tiếp theo đang được chính phủ xem xét, Sir Patrick tiết lộ.

Nhưng, ông lập luận, hầu hết các tình huống lây nhiễm coronavirus xảy ra trong các cuộc tụ họp nhỏ thay vì các cuộc tụ họp lớn.

VietHome (Theo Sky News)