Sacombank đứng sau vụ công ty chuyển tiền Việt - Úc gian dối hàng trăm triệu đôla

Một nhóm năm người và công ty chuyển tiền tên Vina Money Transfer vừa bị truy tố vì điều hành một băng nhóm thỏa hiệp tội phạm, trong đó có hành vi ấn định tỉ giá và phí dịch vụ chuyển tiền. Cảnh sát buộc tội nhóm này đã đổi trái phép hàng trăm triệu đô la Úc qua tiền đồng Việt Nam, thông qua các cửa hàng chuyển tiền ở Sydney và Melbourne.

Theo sau một cuộc điều tra phối hợp giữa Cảnh sát Liên bang Úc (AFP) và Ủy ban Cạnh tranh và Người Tiêu dùng Úc (ACCC), Operation EUPORIE năm 2014, trong đó phát hiện các hành vi băng nhóm thỏa hiệp (cartel conduct) từ năm 2011 và 2016 của các công ty chuyển tiền, trong đó có Vina Money Transfer.

Theo đó, cáo buộc Vina Money Transfer, bao gồm các chi nhánh ở tiểu bang Victoria (Footscray, Springvale) và New South Wales (Bankstown, Blacktown, Cabramatta, Hurstville), ấn định tỉ giá trao đổi tiền đô Úc qua tiền đồng Việt Nam và phí chuyển tiền mà khách hàng phải trả, trái với Đạo luật Cạnh tranh và Tiêu dùng 2010 (Cth).

Cảnh sát cho rằng hoạt động này do Ngân hàng Thương Mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín Sacombank tại Việt Nam “chỉ đạo”.

Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc Rod Sims mô tả hành vi bị cáo buộc, mà cảnh sát tuyên bố liên quan đến việc thỏa thuận để thiết lập tỷ giá và phí dịch vụ chuyển tiền giữa ba doanh nghiệp chuyển tiền, là “vô cùng nghiêm trọng”.

“Ấn định giá (price fixing) là hành vi các đối thủ đồng thuận với nhau một mức giá thay vì cạnh tranh công bằng với nhau. Hành vi băng nhóm thỏa hiệp như vậy lừa dối người tiêu dùng, và gây thiệt hại cho các doanh nghiệp khác và toàn bộ nền kinh tế.”

Ông Sims dùng chữ “chuyện làm ăn lớn” khi mô tả việc chuyển tiền từ Úc về Việt Nam.

“Tiền gửi từ Úc về Việt Nam – thường là từ người Việt sống ở đây (Úc) gửi tiền về quê nhà – khoảng $700 triệu đôla mỗi năm,” ông Sims cho biết.

Đồng nhất với số liệu của Ngân hàng Thế giới ước tính, tổng số tiền đã được chuyển từ Úc về Việt Nam trong giai đoạn này khoảng $700 triệu đôla mỗi năm.

Tuy nhiên Cảnh sát Liên bang Úc (AFP) và Ủy ban Cạnh tranh và Người Tiêu dùng Úc (ACCC) không tiết lộ lợi nhuận mà các bị cáo kiếm được khi làm việc cho doanh nghiệp bị cáo buộc phạm pháp này.

Ông Sims cho biết hành vi bị cáo buộc chiếm hơn hai phần ba tổng số giao dịch chuyển tiền và gần một phần tư tổng số tiền được chuyển từ Úc sang Việt Nam trong thời gian này.

Trên cơ sở đó, 25 phần trăm của $700 triệu đôla tương đương với $175 triệu đô la mỗi năm.

“Ngoài những khoản tiền phạt rất lớn có thể được áp dụng đối với các tập đoàn có hành vi liên quan đến tội phạm băng nhóm thỏa hiệp hình sự, những cá nhân bị kết tội có liên quan đến tội phạm băng nhóm thỏa hiệp hình sự có thể bị phạt tù tới 10 năm và bị phạt tiền lên tới $420,000 đô la cho mỗi vi phạm,” ông Sims cho biết.

Công ty Vina Money Transfer phải đối mặt với bảy buộc tội cho việc lập và thực hiện các hợp đồng, thỏa thuận hoặc hiểu biết (CAU), theo hiểu biết của tập đoàn, có các điều khoản băng nhóm thỏa hiệp, liên quan đến việc ấn định tỷ giá và phí chuyển tiền.

Hôm qua, ông Van Ngoc Le, 58 tuổi, ở Cabarita NSW ra Tòa Sơ thẩm Melbourne, bị buộc sáu tội, biết và có liên quan đến một số hoặc tất cả các hành vi được cho là phạm tội của Vina Money Transfer với tư cách là cựu thư ký và giám đốc của doanh nghiệp.

Jamie Le, 30 tuổi, đến từ NSW và từ Queensland, Tony Le, 32 tuổi, cùng sống ở Cabarita, đối mặt với một buộc tội tương tự nhau, làm việc với Vina Money Transfer với tư cách là thư ký và giám đốc, và cựu thư ký và giám đốc.

Cả ba đều được tại ngoại hầu tra.

Van Khai Tran, 63 tuổi, ở Mitcham VIC, bị buộc tội với hai tội danh tương tự, liên quan đến hoạt động chuyển tiền nhanh của Hong Vina Fast Money Transfer với tư cách là cựu thư ký và giám đốc.

Thi Nguyen, cựu cổ đông của Hong Vina, 58 tuổi ở Springvale bị buộc sáu tội, biết và có liên quan đến một số hoặc tất cả các hành vi được cho là phạm tội của Hong Vina Fast Money Transfer.

Cả năm người này sẽ ra Tòa Sơ thẩm Melbourne lần nữa vào ngày 18 tháng 7 năm 2019, và được cho là sẽ chuyển lên tòa Liên bang nếu Tòa Sơ thẩm thấy đủ bằng chứng.

Công ty chuyển tiền thứ ba liên quan đến hành vi cáo buộc ấn định giá là Hai Ha Money Transfer.

Theo những gì SBS Vietnamese tìm hiểu được, cảnh sát cáo buộc cả ba công ty có tên trên đã được ngân hàng Sacombank tiếp cận để khớp với tỷ giá hối đoái. Cả ba công ty này đều thực hiện thanh toán tại Việt Nam thông qua ngân hàng Sacombank.

Viethome (theo SBS Vietnamese)