Anh: Quầy thanh toán sẽ bị xóa sổ khỏi các siêu thị trong tương lai?

Tại một chi nhánh nhỏ của Sainsbury's ở trung tâm London, một đặc điểm chính phổ biến ở các siêu thị truyền thống đang vắng mặt. Đó chính là quầy thanh toán.

Bắt đầu từ tuần này, những người mua sắm tại chi nhánh High Holborn sẽ chỉ cần quét các mặt hàng họ mua bằng một ứng dụng và sau đó ra về.

Gã khổng lồ siêu thị có kế hoạch sử dụng thử nghiệm này để phát triển ứng dụng mà theo họ sẽ giúp việc mua sắm nhu yếu phẩm trở nên nhanh chóng và thuận tiện hơn. Nhưng nó cũng đồng thời thúc đẩy xu hướng sử dụng máy tính nhiều hơn và dẫn đến ít nhân viên hơn.

Như vậy, một tương lai không quầy thanh toán sẽ có ý nghĩa gì đối với các siêu thị ở Anh và cụ thể hơn là đối với 2,7 triệu người lao động đang làm việc trong ngành bán lẻ?

Rõ ràng loại bỏ quầy thanh toán tại các siêu thị có nghĩa là sẽ có ít cơ hội việc làm hơn trong ngành bán lẻ, một lĩnh vực sử dụng nhiều nhân công hơn bất kỳ ngành nghề nào khác ở Anh, vượt xa cả ngành đông nhân công thứ hai là ngành xây dựng với 1,8 triệu người.

Sainsbury's cho rằng công nghệ mới chỉ đơn giản là giải phóng nhân viên, giúp họ có nhiều thời gian giúp đỡ khách hàng và sắp xếp kho kệ.

Nhưng hiển nhiên thật vô lý khi tin rằng các nhà bán lẻ sẽ giữ lại tất cả 200.000 nhân viên thu ngân ước tính đang làm việc ở Anh khi các ông chủ không còn nhu cầu sử dụng họ.

Bên cạnh tiền thuê mặt bằng, tiền lương cho người lao động là một trong những chi phí tốn kém nhất và họ cần phải cắt giảm nhân lực nếu phải đối mặt với thách thức từ các nhà bán lẻ trực tuyến, bao gồm cả Amazon hùng mạnh.

Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) ước tính khoảng hai phần ba nhân viên thu ngân có nguy cơ cao bị thay thế bởi công nghệ. Điều đó có nghĩa là khoảng 135.000 việc làm sẽ biến mất.

Các định dạng cửa hàng mới thực sự không phải là phát kiến mới. Sainsbury’s vốn đã thử nghiệm ứng dụng tự phục vụ của mình tại các cửa hàng tiện lợi và đối thủ của họ bao gồm Marks & Spencer và Co-op đã thử nghiệm các dịch vụ tương tự của riêng họ.

Trong khi đó, hàng ngàn công việc siêu thị đã biến mất tại tất cả các hãng lớn khi các hãng này phải chiến đấu với các chương trình giảm giá liên tiếp như ở Lidl và Aldi, nơi sử dụng ít nhân viên thu ngân hơn.

Mọi người hẳn đều đã nhận thấy các siêu thị ngày càng sử dụng nhiều hơn phương thức tự thanh toán. Ứng dụng tự quét mã sản phẩm chỉ là bước tiếp theo trong xu hướng đó.

Tại sao phải bỏ tiền đầu tư công nghệ quầy thanh toán đắt tiền khi hầu hết người mua sắm hiện nay đều có máy quét mã vạch cầm tay trong túi dưới dạng điện thoại thông minh của họ?

Vì vậy, dù xu hướng tự động hóa được thiết lập tốt, nhưng đó vẫn còn một chặng đường dài.

Phần lớn chuỗi cung ứng mang thực phẩm (và các sản phẩm khác) đến tận cửa nhà chúng ta cũng có thể được tự động hóa trong vòng một thập kỷ tới.

Với trí thông minh nhân tạo, xe tự lái và robot, công nghệ thay thế người lái xe tải, nhân viên kho và nhân viên hành chính đã có mặt.

Có lẽ một nửa số công việc liên quan đến bán lẻ có thể được tự động hóa khi công nghệ được cải tiến và chi phí giảm.

Điều này không nhất thiết là một xu hướng xấu. Cải thiện hiệu quả của một trong những bộ phận quan trọng nhất của nền kinh tế nên là việc được hoan nghênh, và theo quy luật, việc làm mới sẽ được tạo ra khi những công việc cũ biến mất. Nhưng tác động của những thay đổi này phụ thuộc rất nhiều vào cách quản lý quy trình.

Tự động hóa thường được gọi là “cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.”

Chính phủ phải đóng vai trò chủ động hơn nhiều so với những cuộc cách mạng trước đó. Chính phủ phải chủ động dự báo những thay đổi và chủ động giúp đỡ những người bị ảnh hưởng được đào tạo và kiếm được việc làm khác thay vì lẩn trốn với cái cớ rằng quy luật thị trường sẽ tự làm mọi việc.

Có vẻ như các quầy thu ngân sẽ dần biến mất, nhưng nhân viên tại cửa hàng vẫn sẽ đóng một vai trò đáng kể.

Cuối cùng, mọi quyết định sẽ nằm ở ý muốn của khách hàng. Thực ra, các siêu thị đã giới thiệu các ứng dụng tự quét (không dựa trên điện thoại thông minh) vào những năm 1990 nhưng ý tưởng này chưa bao giờ thực sự được phát triển mạnh mẽ.

Liệu chúng ta sẽ sẵn sàng trả thêm một chút để đến một cửa hàng có thêm một vài nhân viên hỗ trợ hay chúng ta sẽ chọn lựa chọn rẻ nhất?

Hẳn sẽ có cả hai nhóm khách hàng. Như nhiều nhà bán lẻ cho biết, giá cả là một yếu tố quan trọng quyết định hành vi của người tiêu dùng nhưng nó không phải là duy nhất.

Do đó, sẽ có chỗ cho trải nghiệm mua sắm không rườm rà, không quầy thu ngân bên cạnh các dịch vụ truyền thống hơn, có lẽ kèm với cả một số lượng nhỏ các trợ lý bán lẻ có kiến ​​thức sâu rộng mà các đối thủ trực tuyến không thể cung cấp.

Các nhà bán lẻ truyền thống đang ngày càng nhận thức rõ nét rằng những trải nghiệm của chúng ta khi mua sắm trong một cửa hàng thực tế - hình ảnh, âm thanh, kết cấu và tương tác cá nhân - là lợi thế chính của họ.

Vì vậy, một tương lai nơi chúng ta lướt đi trong đơn độc qua các lối đi, lấp đầy giỏ của chúng ta mà không bao giờ tương tác với bất cứ ai dường như - rất may – còn khá xa xôi.

VietHome (Theo Independent)