100 năm trượt dốc của đồng bảng Anh

Anh sẽ được nhớ đến vì đã theo đuổi các chính sách kinh tế vĩ mô kém nhất so với bất kỳ quốc gia lớn nào khác trong suốt một thời gian dài.

dong bang anh tuot doc 100 nam

Đồng bảng Anh phản ánh rõ nét thị trường

Không phải đến tận lúc này các nhà đầu tư mới lo ngại về kinh tế Anh. Trên thực tế, cuộc khủng hoảng niềm tin vào nước Anh đã kéo dài nhiều năm và đến từ nhiều yếu tố, trong đó có tiến trình Brexit chậm chạp suốt nhiều năm qua, các hành động của một số quan chức trong đại dịch, trong đó có cả của cựu Thủ tướng Boris Johnson khiến người dân bất bình hay những bê bối trong Bộ Tài chính Anh gần đây đã khiến các nhà đầu tư không còn lòng tin.

Allan Monks, một nhà kinh tế tại tổ chức xếp hạng tín dụng toàn cầu JPMorgan ở London, cho biết các nhà đầu tư "không tin tuyên bố của chính quyền Truss rằng bà ấy sẽ mang lại một chính sách tài khóa bền vững khi mọi thứ mới dừng ở lời nói. Điều đó phản ánh sự ngờ vực rộng rãi hơn của các nhà đầu tư về cách thức hoạch định chính sách của Vương quốc Anh''.

dong bang anh tuot doc 100 nam 2
Đà giảm giá của đồng bảng Anh một thế kỷ qua. Nguồn: Bloomberg.

Sự ngờ vực của thị trường đã được thể hiện rõ bằng giá trị của đồng bảng Anh. Tỷ giá của đồng bảng Anh đã giảm từ mức cao hơn 2 USD vào năm 2007, ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính, xuống còn 1.50 USD vào thời điểm diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về Brexit và hiện đang trên đà ngang giá với đồng USD.

Nhà kinh tế cao cấp Kallum Pickering tại Ngân hàng Berenberg cho biết: "Vương quốc Anh đã làm tổn hại đến uy tín vững chắc của mình khi Brexit diễn ra yếu kém, gây ra cuộc chiến thương mại dai dẳng giữa Anh và EU''.

Hiện tại, dư luận đang chờ đợi chính phủ của bà Truss sẽ công bố chi tiết hơn về cách bù đắp cho 45 tỷ bảng Anh tiền cắt giảm thuế và thêm 60 tỷ bảng Anh nữa để bù đắp hóa đơn năng lượng. Trong khi các giải pháp bù đắp còn chưa rõ ràng thì riêng các con số trên cũng đã có thể khiến ngân sách nước này thâm hụt lớn, có thể chiếm tới 4,5% GDP. Theo đánh giá của Bloomberg, điều đó đủ để đẩy gánh nặng nợ của nước này tăng vọt, có thể đạt 101% GDP vào năm 2030.

Nhân sự lãnh đạo thay đổi xoành xoạch

Một vấn đề trọng tâm hiện tại là liệu chính quyền mới được ba tuần của bà Liz Truss có thể khôi phục uy tín của mình với các nhà đầu tư hay không. Không chỉ là những lo ngại ngắn hạn về việc cắt giảm thuế vào thời điểm lạm phát gần chạm mức cao nhất trong bốn thập kỷ và Ngân hàng Trung ương Anh không kiềm chế được tốc độ tăng chi phí sinh hoạt hàng ngày, mà đây còn phản ánh một sự ngờ vực lâu nay của giới đầu tư về nước Anh sau khi quan hệ của Anh với các đối tác thương mại thân cận nhất bị rạn nứt và sự thay đổi chính quyền liên tục trong thời gian gần đây. Những điều này khiến các nhà đầu tư không tin tưởng vào những gì các chính trị gia kế nhiệm hứa hẹn.

Peter Kinsella, trưởng bộ phận lập kế hoạch chiến lược tại ngân hàng Union Bancaire Privee UBP SA ở London, cho biết: "Đây là quyết định mới nhất trong một loạt các quyết định tự áp đặt kinh tế. Nó bắt đầu với Brexit và bây giờ là lần lặp lại mới nhất."

Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đã ra tay giải cứu Vương quốc Anh vào năm 1976, đang thúc giục chính phủ Anh xem xét lại việc cắt giảm thuế. Các nhà kinh tế nổi tiếng đang mạnh mẽ lên tiếng cảnh báo rằng Vương quốc Anh đang hành động như những thị trường mới nổi.

Vấn đề đối với bà Truss là bà ấy đã đưa việc cắt giảm thuế trở thành trọng tâm trong chương trình nghị sự của chính phủ. Do đó, nếu bà tìm cách thay đổi điều này ngay sẽ rất nguy hiểm về mặt chính trị: Vì bà chủ yếu nhờ sự hậu thuẫn của các đảng viên cấp cơ sở để trở thành Thủ tướng. Hầu hết các nghị sĩ trong đảng đã bỏ phiếu chống lại bà. Và nếu bà Truss thay đổi lập trường vào ngay lúc này, bà sẽ phải hứng chịu phản ứng dữ dội nếu họ cảm thấy các chính sách của bà sẽ dẫn đến thất bại.

Trong khi chính phủ Anh muốn cắt giảm thuế nhưng chưa tìm được nguồn tiền nào để bù vào thì các nhà đầu tư đang lo ngại về hai rủi ro chính: các ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất hơn nữa trong vòng vài tuần để tìm thêm nguồn thu và liệu Ngân hàng trung ương Anh có hỗ trợ tài chính cho chính phủ hay không.

"Giữa tình hình Brexit, Ngân hàng Trung ương Anh đã hành động chậm và bây giờ thì đến những chính sách tài khóa này, tôi nghĩ Anh sẽ được nhớ đến vì đã theo đuổi các chính sách kinh tế vĩ mô kém nhất so với bất kỳ quốc gia lớn nào khác trong suốt một thời gian dài", cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers, hiện là giáo sư tại Đại học Harvard, đưa ra ý kiến.

Còn người Anh, trong khi người Anh đang chờ xem liệu chiến lược kinh tế của bà Truss có thành công hay không thì họ cũng phải đối mặt với nguy cơ là việc đi vay ngân hàng sẽ tốn kém hơn – điều có thể kéo theo sự sụp đổ trong lĩnh vực nhà ở và làm trầm trọng thêm nguy cơ cuộc suy thoái.

Trước tình hình này, các chủ ngân hàng hàng đầu ở thành phố London ngày 28/9 đã hối thúc Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng tìm cách trấn an thị trường. Còn bà Truss cũng đang chuẩn bị cho bài phát biểu đầu tiên của mình trước hội nghị của Đảng Bảo thủ trên cương vị Thủ tướng mới vào tuần tới.

Theo Vietnamplus