Đêm trước cú quay đầu gấp gáp của thủ tướng Anh

Thủ tướng Anh Liz Truss đã hủy bỏ quyết định cắt giảm thuế cho những người giàu nhất nước này trước sức ép từ thị trường và các thành viên trong đảng.

Trong khi Thủ tướng Liz Truss chờ đợi để lên sân khấu tại một sự kiện dành cho các nghị sĩ miền Bắc nước Anh, nằm trong hội nghị của đảng Bảo thủ vào tối 2/10, bà đã được Chủ tịch đảng Jake Berry nhiệt tình giới thiệu là “thủ tướng cắt giảm thuế”.

Chỉ hơn nửa giờ sau, thủ tướng đã đưa ra triết lý của mình về thuế trước các thành viên đảng trong bữa tiệc cocktail trên tầng 25 của tòa nhà Cube sang trọng ở Birmingham.

Một số người sau đó so sánh bà với Margaret Thatcher, cựu Thủ tướng Anh được mệnh danh là người đàn bà thép, vì thái độ cứng rắn khi tung ra kế hoạch cắt giảm thuế suất 45% đối với các khoản thu nhập cao.

Hơn 12 giờ trước đó, bà Truss đã khẳng định với BBC rằng bà giữ vững lập trường của mình, bất chấp phản ứng dữ dội từ thị trường.

Không dừng lại ở đó, ngay sau khi thủ tướng Anh xuất hiện trên truyền hình, nhóm của Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng cũng hé lộ bài phát biểu trước hội nghị của ông. Theo đó, ông Kwarteng dự kiến ​​nói rằng: “Chúng ta phải tiếp tục đi đến cùng. Tôi tự tin rằng kế hoạch của chúng tôi là đúng đắn”.

Tuy nhiên, trên thực tế, ở đằng sau hậu trường, các cuộc trao đổi về khả năng “quay đầu” đã diễn ra. Ngay từ hôm 30/9, Thủ tướng Truss và các thành viên trong văn phòng số 10 phố Downing đã gọi cho một số nghị đảng Bảo thủ.

“Tôi kể với bà ấy rằng tôi vừa được nghe người ta nói thật bất công khi chúng tôi (đảng Bảo thủ) bảo vệ người giàu, trong khi các cử tri lo lắng về việc trả tiền thế chấp”, một cựu bộ trưởng nói.

nuoc anh doi chinh sach thue 1
Thủ tướng Anh Liz Truss tham dự hội nghị thường niên của đảng Bảo thủ tại Birmingham. Ảnh: Reuters.

Các cuộc gọi

Trước đó, trong kế hoạch “Ngân sách ngắn hạn” được trình bày trước Quốc hội, chính quyền của bà Truss đã đưa ra biện pháp cắt giảm thuế - động thái được cho sẽ có lợi cho những người có thu nhập siêu cao.

Điều này đã đẩy giá trị đồng bảng Anh xuống mức thấp nhất lịch sử so với đồng USD, và khiến thị trường trái phiếu Anh hỗn loạn, khi London sẽ phải tăng vay để bù đắp nguồn chi phí, theo Wall Street Journal.

Trong bối cảnh đó, một số người nghi ngờ có điều gì đó đã xảy ra khi nghị sĩ đặc biệt của đảng Bảo thủ - những người hoạt động với tư cách là bên trung gian giữa chủ tịch và các thành viên khác, nhằm đảm bảo đủ số lượng người ở nghị viện bỏ phiếu - không có động thái dò xét thái độ của thành viên như thường lệ.

“Điều đó có vẻ kỳ lạ, đặc biệt là sau một tuần đầy biến động như vậy”, một nghị sĩ nói. “Nhưng điều đó có thể có nghĩa chính bản thân họ cũng không chắc chắn liệu họ có đủ số lượng người ủng hộ để chính sách được Hạ viện thông qua hay không”.

Trong suốt những ngày thị trưởng Anh rơi vào cảnh hỗn loạn, Bộ trưởng Kwarteng đã có nhiều cuộc gọi, bao gồm với cựu Bộ trưởng Giao thông vận tải Grant Shapps, người đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch cắt giảm thuế của chính phủ, vào hôm 1/10.

“Rõ ràng là họ (chính phủ Truss) sẽ không thể vượt qua được cơn bão này”, ông Shapps nói.

Theo nguồn tin bên trong văn phòng phố Downing, Thủ tướng Truss và bộ trưởng của bà thường xuyên liên lạc vào cuối tuần, và các cuộc gọi tăng lên vào hôm 2/10 khi tiếng nói phản đối ngày càng gia tăng.

Thủ tướng Anh cũng đã gặp gỡ người phụ trách đảng Wendy Morton và nhận được cảnh báo về một số nguy cơ. Cùng ngày, vào đầu giờ tối, khi Bộ trưởng Kwarteng tham dự bữa tiệc doanh nghiệp trong thời gian ngắn, một người cho biết “ông ấy bắt đầu cảm thấy ít tự tin hơn về hiệu quả của chính sách cắt giảm thuế so với trước đây”.

Quyết định đảo ngược chính sách

Ông Kwarteng sau đó có bữa tối nhanh với các nhà báo cấp cao của tờ Sun tại khách sạn Malmaison, trước khi trở lại khu vực hội nghị, nơi vào lúc 22h, ông có mặt cùng Thủ tướng Truss và các trợ lý thân cận nhất trong phòng của bà tại khách sạn Hyatt ở Birmingham.

Cả hai được cho là có tâm trạng đầy tồi tệ sau khi thảo luận về những gì đã diễn ra trong các cuộc trò chuyện của họ với những nghị sĩ đảng Bảo thủ khác.

Họ đã gặp lại nhau vào khoảng 23h, sau khi thủ tướng tham gia bữa tiệc cocktail tại Cube và những dòng tiêu đề có tính hủy diệt về cuộc “binh biến” của các nghị sĩ đảng Bảo thủ bắt đầu xuất hiện.

Theo Guardian, đó là lúc họ biết họ phải làm gì: Hủy bỏ chính sách ngay lập tức.

Quyết định bộ trưởng sẽ thông báo rút bỏ kế hoạch trong cuộc phỏng vấn sáng hôm sau đã được đưa ra. Nó diễn ra chỉ 24 giờ sau khi bà Truss thừa nhận sai sót trong khâu chuẩn bị, nhưng vẫn muốn chúng được thực thi.

Tin tức về quyết định được lộ ra ngay sau đó, khiến những người đang có mặt tại quán bar của khách sạn Hyatt vào đêm khuya bất ngờ, dừng cuộc chơi và đưa điện thoại cho nhau xem, trong khi một bộ trưởng thể hiện sự ngán ngẩm.

Các trợ lý của văn phòng phố Downing sau đó đã buộc phải làm việc từ tờ mờ sáng để chuẩn bị cho thông báo lúc 7h.

nuoc anh doi chinh sach thue 1
Chính phủ Anh đã quyết định đảo ngược kế hoạch cắt giảm thuế sau khi nhận được những phản ứng dữ dội từ thị trường. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, các bộ trưởng trong nội các - những người không đồng ý với chính sách ban đầu - đã được thông báo về “cú quay đầu” chỉ vài phút trước khi ông Kwarteng đăng dòng tweet nói rằng "chúng tôi hiểu và chúng tôi đã lắng nghe" vào lúc 7h30 hôm 3/10.

Một số cho biết họ tin rằng đó là quyết định đúng đắn. “Tôi nghĩ rằng đó là điều không thể tránh khỏi”, một người nói.

Bộ trưởng Tài chính Anh sau đó đã tỏ ra bối rối khi được các kênh truyền thông như BBCLBC và Today hỏi ai là người đưa ra quyết định cuối cùng này.

Ban đầu, ông nói rằng Thủ tướng Truss đã “quyết định dừng xúc tiến kế hoạch bãi bỏ”, nhưng ngay sau đó bổ sung thêm: “Không, chúng tôi đã nói chuyện cùng nhau. Tôi nói đây là điều tôi muốn làm và chúng tôi đã quyết định cùng nhau”.

Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ của đảng Bảo thủ lo sợ rằng, dù ai đưa ra quyết định cuối cùng thì mọi chuyện cũng đã quá muộn.

"Thiệt hại đã xảy ra", một người nói. “Chúng tôi sẽ luôn hiện lên là một đảng cố gắng cắt giảm thuế cho người giàu và gây bất lợi cho người nghèo. Dù còn lâu mới đến cuộc bầu cử tiếp theo, nhưng điều này sẽ còn đi theo mãi”.

Và trong khi cả bà Truss và ông Kwarteng đều không trực tiếp đưa ra lời bào chữa, nhiều người “đau đớn” chỉ ra rằng không có nhiều công việc mà dù khiến Ngân hàng Anh phải bơm 65 tỷ bảng để ổn định nền kinh tế nhưng vẫn không mất ghế.

“Tưởng tượng bạn làm mất 65 tỷ bảng (khoảng 73 tỷ USD) và vẫn được làm việc xem", một người viết trên Twitter.

Theo Zing