• Hãng hàng không Anh Flybe đã chính thức đóng cửa sau khi những lo ngại về virus corona đã khiến nhu cầu đi lại bằng đường hàng không giảm mạnh trên toàn thế giới, và chính phủ Anh từ chối khoản vay 100 triệu bảng để cứu vãn hãng này.

    Với những chuyến bay cuối cùng hạ cánh xuống các sân bay ở khắp nước Anh tối hôm 4/3, công ty có trụ sở ở thành phố Exeter này đã phải tuyên bố phá sản để dàn xếp các khoản nợ sau khi lượng vé bán ra tụt giảm nghiêm trọng trong những tháng gần đây. Quyết định này sẽ khiến hơn 2.000 người mất việc làm.

    Mặc dù vào hồi tháng 1, Flybe có cho biết việc hãng này chật vật về tài chính là do “một hỗn hợp độc hại” của tỉ giá tiền tệ lên xuống thất thường, những bất an xung quanh Brexit và giá nhiên liệu tăng cao, song một người trong cuộc ở công ty này cho biết chính đợt bùng phát dịch Covid-19 quét qua châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ mới là lý do chính dẫn đến kết cục phá sản của hãng.

    “Tác động của virus corona đã khiến một tình huống đã xấu còn trở nên tồi tệ hơn”, một nguồn tin thân cận với hãng hàng không nói với tờ Financial Times. “Hãng đã ở một vị trí bấp bênh trong một thời gian rồi, và đại dịch đã đẩy họ xuống vực”.

    Trang web chính thức của hãng đã bị gỡ chỉ vài giờ sau khi chính thức tuyên bố phá sản, khiến hàng ngàn khách hàng không thể liên lạc được với hãng một cách dễ dàng.

    Nhiều hành khách đã bị kẹt lại tại Manchester sau khi một “sự cố nhiên liệu” khiến một trong những chuyến bay cuối cùng của hãng phải đổi hướng.

    Một số hành khách khác cho biết họ đã bị từ chối check-in đối với vé đã mua trên các chuyến bay, khi nhân viên sân bay thông báo rằng các chuyến bay của hãng đã bị huỷ.

    Cả hai hãng hàng không Blue Islands và Aurigny, các hãng đối tác với Flybe, đã đề nghị cung cấp các chuyến bay với giá ưu đãi cho các hành khách đang bị kẹt ở đảo Guernsey sau tuyên bố phá sản.

    Chỉ vài giờ sau, trang web của hãng đã bị gỡ xuống

    Flybe là một trong những hãng hàng không khu vực lớn nhất tại châu Âu. Hãng này gần đây đã chuyển sở hữu sang các ông chủ mới, những người đồng ý đầu tư 30 triệu bảng Anh để giữ cho hãng tiếp tục hoạt động.

    Sau đó, công ty này đã hi vọng có được một khoản vay trị giá 100 triệu bảng từ chính phủ Anh, song đã bị từ chối hôm 4/3, sau khi những thương lượng vào phút chót đã thất bại và không thể đưa ra một thỏa thuận nào – tờ Financial Times đưa tin.

    Đại dịch Covid-19 ở hàng chục quốc gia đã gây ảnh hưởng đáng kể lên các hãng hàng không trên toàn thế giới, khi rất nhiều hành khách huỷ kế hoạch di chuyển vì lo ngại về bệnh dịch.

    Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), đại dịch sẽ khiến lưu lượng di chuyển toàn cầu giảm khoảng 5%, đánh dấu lần tụt giảm trong nhu cầu đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008-2009.

    Theo Vietnamnet

  • Heathrow đã phải xin lỗi sau khi nhiều chuyến bay bị hủy vào hôm Chủ nhật vì ''lý do kỹ thuật''. 

    Sân bây ở phía tây London này xác nhận nhiều nhân viên đã được điều động để hướng dẫn hành khách ra cổng sau khi các bảng điện tử đồng loạt không hoạt động.

    Trên Twitter, Heathrow Airport thông báo: ''Chúng tôi đang gặp một số vấn đề kỹ thuật và chúng tôi đang cố gắng hết sức khắc phục. Nhằm giúp hành khách ra cổng kịp giờ, chúng tôi đã điều thêm nhiều đồng nghiệp đến các cổng dẫn ra máy bay. Chúng tôi xin lỗi vì sự cố này và sẽ tiếp tục cập nhật tình hình''. 

    Một tấm bảng điện tử gặp sự cố.

    Hãng British Airways đã phải hủy ít nhất 20 chuyến, trong khi Emirates Airlines và các hãng hàng không khác cũng phải hoãn chuyến liên tục, theo ghi nhận của Mail Online. British Airways đã đề nghị hoàn tiền cho hành khách hoặc xếp chỗ trên một chuyến bay khác có cùng điểm đến. 

    Một hành khách miêu tả tình hình ở Heathrow là ''vô cùng hỗn loạn''. Jenny Nielsen đã đăng hình ảnh những tấm bảng trắng viết tay số chuyến bay và điểm đến. Cô miêu tả: ''Hệ thống máy tính ở Heathrow thất thủ. Vé điện tử không sử dụng được, hoãn chuyến và không có thông tin gì trên bảng điện... Ôi Chúa ơi!''. 

    Nhân viên phải dùng bảng trắng bút đen. Ảnh: @JennyNielsenNPT/PA

    Các hành khách được khuyên kiểm tra ứng dụng của hãng hàng không để cập nhật thông tin mới nhất.

    Hệ thống IT chỉ trở lại bình thường vào buổi tối muộn lúc 10h30, 10 phút trước khi chuyến bay cuối cùng được lên kế hoạch cất cánh, nghĩa là đến sáng hôm nay tình hình mới trở lại ổn định. Sự cố IT đã ảnh hưởng đến 4 trạm của Heathrow. Trạm 1 (terminal one) đã ngừng hoạt động từ năm 2015.

    Tấm bảng này dường như vẫn có điện nhưng bị lỗi hệ thống. Một thông báo được dán đè lên: ''Đừng tin vào bất cứ thông tin nào trên các màn hình này''.
    Nhân viên Heathrow phải bôi xóa và cập nhật thông tin mới liên tục lên các bảng nhựa này.
    Hành khách hoang mang nhìn lên màn hình điện tử.

    Nhiều du khách đã lên mạng xã hội để trút cơn thịnh nộ. Một người viết: ''Tất cả màn hình đen như mực và không ai biết phải ra cổng nào''.

    Một người khác tweet: ''Chẳng thấy nhân viên nào của Heathrow và bàn dịch vụ khách hàng cũng đóng luôn rồi''.

    Một phụ nữ đã phát điên khi nhìn thấy chuyến bay của mình cất cánh còn cô thì không biết cổng nào để lên máy bay.

    Các hành khách khác thì bị mắc kẹt trên đường băng. Một người viết: ''Chuyến bay BA461 đã hạ cánh được 30 phút rồi. Có ai làm ơn gửi xe buýt tới đón chúng tôi không?''.

    Theo trang Which?, nếu chuyến bay bị hoãn hay hủy hơn 5 giờ đồng hồ và bạn quyết định không chờ nữa, bạn có thể đề nghị một chuyến bay khác hoặc đòi tiền'.

    Tình hình này chỉ càng làm tồi tệ hơn do trước đó, rất nhiều chuyến bay đã bị hoãn và hủy do bão Dennis và Ciara.  

    Viethome (theo Metro)

  • Chloe Haines, 26 tuổi, bị tuyên án hai năm tù vì vừa cố mở cửa chuyến bay chở 206 hành khách vừa hét lớn "tôi muốn chết".

    Tòa án Chelmsford Crown phía đông nước Anh hôm qua cho biết Haines đã uống rượu cùng với thuốc trước khi có hành vi nguy hiểm trên chuyến bay của hãng Jet2 khởi hành từ London đến Dalaman, Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 6/2019.

    Công tố viên cáo buộc Haines "lao vào" để mở cửa chiếc máy bay chở 206 người giữa không trung. Khi thành viên tổ bay và các hành khách cố ngăn cản, cô hét lên "tôi muốn chết, tôi sẽ giết tất cả các người".

    Hành vi của Haines đã buộc không quân Hoàng gia Anh triển khai hai chiến đấu cơ hộ tống máy bay trở về sân bay Stansted ở London. Hãng Jet2 sau đó đệ đơn kiện, yêu cầu Haines bồi thường 85.000 bảng Anh (110.000 USD) vì thiệt hại mà cô gây ra. Hãng cũng tuyên bố cấm bay trọn đời đối với Haines.

    Chloe Haines, nữ hành khách cố mở cửa máy bay giữa không trung trên chuyến bay của Jet2 hồi tháng 6/2019. Ảnh: PA

    Haines đã nhận tội gây nguy hiểm cho sự an toàn của máy bay và tấn công thành viên phi hành đoàn.

    "Những người bị mắc kẹt trong không gian chật hẹp của máy bay chắc chắn sẽ đau khổ, sợ hãi và khiếp đảm vì hành động của những người trong tình trạng say xỉn gây nguy hiểm đến tính mạng của họ", thẩm phán Charles Gratwicke nói khi tuyên án hai năm tù đối với Haines.

    Luật sư của Haines cho biết cô đã không uống rượu từ sau sự việc và tham dự các khóa cai nghiện rượu 4 lần một tuần. "Cô ấy không say, cô ấy chỉ không khỏe", luật sư nói, thêm rằng Haines đã được chẩn đoán có vấn đề về tâm thần và "chán ghét chính mình".

    Giám đốc điều hành Jet2 Heapy cho biết rượu rõ ràng là yếu tố góp phần trong sự cố, trong khi chính phủ Anh tuyên bố sẽ xem xét lại điều luật cho phép hành khách uống rượu thoải mái ở sân bay.

    Theo VnExpress

  • Ông chủ của Ryanair, Michael O'Leary, đã đe dọa sẽ có hành động pháp lý chống lại chính phủ vì vụ giải cứu hãng hàng không quốc nội Flybe.

    Trong một lá thư gửi Bộ trưởng Tài chính Sajid Javid, ông O'Leary yêu cầu rằng khoản trợ giá thuế hành khách dành cho hãng Flybe nên được mở rộng áp dụng cho cả các hãng khác.

    Nếu không, ông nói rằng thỏa thuận sẽ vi phạm các quy tắc cạnh tranh và viện trợ nhà nước.

    Ông cho rằng thật "vô lý" khi bộ trưởng kinh doanh Andrea Leadsom tuyên bố rằng Flybe có một mô hình kinh doanh khả thi, đồng thời ông dự đoán rằng hãng này sẽ thất bại một lần nữa.

    Trong bức thư gửi ông Javid, giám đốc điều hành Ryanair cũng kêu gọi chính phủ đưa ra chi tiết đầy đủ về việc tạm miễn thuế hành khách (APD) mà chính phủ áp dụng cho Flybe.

    Ông nói rằng chính phủ phải làm điều này, đồng thời mở rộng "tạm miễn thuế'' cho các hãng hàng không đối thủ khác ở Anh - bao gồm Ryanair, easyJet và British Airways – nếu không, trong vòng bảy ngày, Ryanair "dự định tiến hành tố tụng chống lại chính phủ".

    Ông O'Leary nói: "Hành động giải cứu Flybe của chính phủ vi phạm cả luật cạnh tranh và luật viện trợ nhà nước.

    "Mô hình Flybe không khả thi, đó là lý do tại sao các ông chủ tỷ phú của nó đang tìm kiếm một khoản trợ cấp nhà nước cho khoản đầu tư thất bại của họ."

    Trong năm ngoái, Flybe đã được tiếp quản bởi một tập đoàn do Virgin Atlantic của Sir Richard Branson đứng đầu - được sở hữu 49% bởi hãng hàng không Delta của Mỹ - cùng với tập đoàn cơ sở hạ tầng Stobart và quỹ phòng hộ Cyrus Capital.

    Đầu tuần này, nó đã được giải cứu khỏi bờ vực sụp đổ khiến hơn 2.000 nhân viên có nguy cơ mất việc, sau khi tập đoàn đồng ý bơm hàng chục triệu bảng vốn mới trong khi chính phủ đồng ý tạm hoãn hơn 100 triệu bảng thanh toán APD.

    International Airlines Group, chủ sở hữu của British Airways, đã gửi khiếu nại với Liên minh châu Âu về thỏa thuận này, trong đó giám đốc điều hành của IAG Willie Walsh mô tả đây là "sự lạm dụng công quỹ trắng trợn".

    Phố Downing đã nhấn mạnh rằng chính phủ hoàn toàn tuân thủ các quy tắc viện trợ nhà nước và rằng không hề có viện trợ nhà nước dành cho Flybe.

    Nhưng ông O'Leary đã thách thức ông Javid công bố thêm thông tin chi tiết và cho rằng thỏa thuận này là một "trò che đậy khó chịu".

    Trong lá thư của mình, ông thậm chí còn kêu gọi chính phủ chấm dứt ngay "khoản trợ cấp chính phủ sai lầm và không cần thiết này cho các tỷ phú, Richard Branson, Delta Airlines và Cyrus Capital".

    Ông đã dè bỉu những tuyên bố về Flybe, nói rằng hãng này đã "loanh quanh từ tái thiết sang tái thiết" trong suốt 20 năm qua.

    "Tuyên bố của bộ trưởng Andrea Leadsom cho rằng mô hình kinh doanh Flybe là 'khả thi' là vô căn cứ."

    Ông O'Leary cũng cho rằng Flybe chẳng hề cung cấp cái gì gọi là "kết nối độc nhất", bởi nếu không có Flybe, thì các đối thủ của hãng này vẫn thừa sức cung cấp các dịch vụ rẻ hơn và thường xuyên hơn.

    Ông cũng nhấn mạnh một khi Flybe thất bại, một số tuyến bay của nó sẽ ngay lập tức được tiếp quản bởi Ryanair, easyJet và BA.

    "Có một số tuyến nội địa sẽ không được tiếp quản, bởi vì những tuyến này đã được phục vụ tốt bởi các giải pháp thay thế như xe lửa, xe buýt và đường cao tốc, đó là lý do tại sao mô hình Flybe không thể kiếm được lợi nhuận."

    Sự can thiệp của ông O'Leary được thực hiện chỉ vài giờ sau khi cổ đông của Flybe, Stobart, tiết lộ rằng họ đã đóng góp 9 triệu bảng để giải cứu Flybe, và cùng với các thành viên khác trong tập đoàn Connect sở hữu hãng hàng không, họ đã tung ra 110 triệu bảng kể từ năm ngoái.

    Nhưng Stobart cho biết những rắc rối tài chính của Flybe bị ảnh hưởng một phần Ủy ban châu Âu chậm phê duyệt cho Connect tiếp quản Flybe.

    Bài liên quan: Chính phủ Anh giải cứu hãng hàng không khu vực lớn nhất châu Âu

    VietHome (Theo Sky News)

  • Chính phủ Anh đã đạt được thỏa thuận giải cứu nhằm duy trì hoạt động của hãng hàng không Flybe, hãng hàng không giá rẻ khu vực lớn nhất của châu Âu có trụ sở tại Anh đang làm ăn thua lỗ.

    Trong một tuyên bố, Chính phủ Anh cho biết thêm trong khuôn khổ thỏa thuận, Bộ Tài chính sẽ xem xét phí sân bay và các khoản đầu tư của các cổ đông Flybe nhằm tăng cường kết nối khu vực. Về phần mình, đại diện Flybe xác nhận hãng sẽ duy trì hoạt động như bình thường. 

    Công ty Flybe có trụ sở tại thành phố Exeter, Tây Nam nước Anh, tuyển dụng khoảng 2.000 nhân viên và sở hữu 68 máy bay. Flybe phục vụ khoảng 9 triệu lượt hành khách/năm qua lại giữa các khu vực trung tâm của Anh và 170 sân bay tại các nước khác ở châu Âu.

    Hãng đối mặt với một loạt vấn đề, trong đó có sự cạnh tranh gay gắt, nhu cầu đi lại yếu và đồng bảng Anh giảm giá do tương lai không được đảm bảo liên quan đến tiến trình Brexit.

    Cách đây 1 năm, liên minh Connect Airways (một liên danh gồm Virgin Atlantic, Stobart Group và quỹ tư vấn đầu tư Cyrus Capital) đã bỏ ra 2,2 triệu bảng Anh (2,8 triệu USD) để mua hãng hàng không làm ăn thua lỗ này.

    Flybe có nguy cơ trở thành hãng hàng không thứ hai của nước Anh dừng hoạt động. Tháng 9/2019, Tập đoàn lữ hành lớn của Anh Thomas Cook tuyên bố phá sản khiến Chính phủ Anh phải triển khai công tác đưa 140.000 hành khách mắc kẹt ở nước ngoài về nước./.

    Theo BNews

  • Chiếc máy bay của hãng hàng không British Airways đã phải chuyển hướng ngay trước khi bay vào không phận Iraq do lo ngại có thể bị tấn công.

    Theo Mirror, một chiếc máy bay Boeing 777 của hãng hàng không British Airways đã đột ngột chuyển hướng khi bay sát không phận Iraq hôm 8/1 giữa lúc đang trên đường từ Mumbai, Ấn Độ tới thủ đô London. Vụ việc diễn ra vài giờ sau khi Iran tấn công các căn cứ quân sự Mỹ tại Iraq.

    Chiếc máy bay chở hơn 200 hành khách đã được lệnh không bay qua không phận Iraq và Iran, do đó đã phải chuyển hướng đi vào không phận Kuwait và Saudi Arabia. Máy bay của hãng British Airways sau đó đi qua Địa Trung Hải và hạ cánh xuống sân bay quốc tế ở thủ đô Athens của Hy Lạp do hết nhiên liệu.

    Máy bay Boeing 777 của hãng hàng không British Airways. Ảnh: AP

    Phi công của hãng British Airways sau đó đã từ chối tiếp tục hành trình tới London với lý do phi hành đoàn đã hoạt động vượt quá thời gian cho phép mỗi ngày và cần nghỉ ngơi. Việc này khiến hàng chục hành khách Ấn Độ mắc kẹt tại sân bay tại Athens do không có thị thực Schengen để nhập cảnh vào các nước thuộc EU.

    Hãng hàng không British Airways cho biết đã sắp xếp cho các hành khách trên chiếc máy bay hạ cánh tại Athens chuyến bay sớm nhất có thể để tiếp tục hành trình tới London.

    Nhiều chuyến bay giữa London và Kuwait cùng các thành phố khác ở Ấn Độ cũng được yêu cầu không bay qua tuyến hàng không trên không phận Iran và Iraq, vì vậy phải di chuyển xa hơn, kéo dài hành trình bay thêm nhiều giờ đồng hồ.

    Trong ngày 8/1, Mỹ cũng đã yêu cầu các hãng hàng không dân dụng nước này không bay qua không phận Iran và Iraq sau khi Tehran phóng nhiều tên lửa tấn công hai căn cứ quân sự Mỹ, nhằm trả đũa cho việc Mỹ sát hại tư lệnh Qassem Soleimani hôm 3/1.

    Theo Zing

  • Dù không có chuyến bay thường lệ qua Iran, Iraq, Vietnam Airlines vẫn điều hướng các chuyến đến, đi châu Âu tránh xa khu vực Trung Đông.

    CEO Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho biết đã có kế hoạch cho các chuyến bay nối Việt Nam và châu Âu tránh không phận Trung Đông để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho hành khách và khai thác.

    Cụ thể, hãng chuyển hướng các chuyến bay giữa Việt Nam và châu Âu tránh xa các khu vực có thể chịu ảnh hưởng dù không có chuyến bay thường lệ qua không phận Iran và Iraq.

    Theo Vietnam Airlines, việc điều chỉnh có thể kéo dài thời gian bay của hành khách và phát sinh chi phí lớn cho hãng. Tuy nhiên, doanh nghiệp này sẽ duy trì điều chỉnh đường bay cho đến khi kết thúc tình trạng căng thẳng ở Trung Đông. 

    Vietnam Airlines cũng khuyến cáo khách hàng đến và đi từ châu Âu trong thời gian này nên thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin trên website của hãng.

    Đây không phải là lần đầu hãng điều chỉnh đường bay tránh xa các khu vực chiến sự. Trước đó, hãng đã điều hướng máy bay tránh xa Biển Đen - khu vực có khả năng chịu ảnh hưởng từ chiến sự tại Syria năm ngoái. Vietnam Airlines là hãng hàng không duy nhất của Việt Nam khai thác các chuyến bay từ Hà Nội, TP HCM đi châu Âu qua không phận Trung Đông.

    Nhiều hãng hàng không thông báo ngừng bay qua không phận Iran

    Tại khu vực Đông Nam Á, Singapore Airlines sáng nay cũng thông báo tránh toàn bộ chuyến bay khứ hồi đến châu Âu khỏi không phận Iran sau khi Iran bắn ít nhất 15 quả tên lửa vào hai căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq.

    Hiện Cục hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã ban hành lệnh cấm các hãng hàng không dân dụng Mỹ bay qua không phận Iraq, Iran và vùng vịnh Ba Tư, vịnh Oman.

    Emirates, Flydubai, Air Canada, Singapore Airlines, Malaysia Airlines... đã phải hoãn hoặc chuyển hướng các chuyến bay tránh qua không phận Iran và Iraq.

    Trong khi đó, hai hãng hàng không Korean Air Lines (Hàn Quốc) và Thai Airways (Thái Lan) cũng thông báo đã tránh bay qua không phận Iran và Iraq trước khi xảy ra các vụ tấn công nhằm vào căn cứ quân sự có lính Mỹ đồn trú tại Iraq.

    Cũng trong ngày 8/1, hãng hàng không Qantas của Australia thông báo sẽ thay đổi một số tuyến đường bay tới châu Âu, để tránh đi qua không phận xung quanh Iran.

    Đại diện hãng này cho biết hiện các đường bay của hãng từ thành phố Perth (bang Tây Australia) đi London được thiết lập bay qua không phận của Iran và Iraq.

    Bắt đầu từ ngày 9/1, các tuyến đường bay này sẽ chuyển sang hướng bay vòng qua Afghanistan và kéo dài hơn từ 40 đến 50 phút so với thời gian bay thông thường trước đó.

    Theo VnExpress/TTXVN

  • Biết là có sự khác biệt giữa các hạng vé máy bay, nhưng không ngờ là “một trời một vực” tới mức này.

    suat an tren may bay

    Bốn hạng ghế phổ biến tương ứng với mức giá từ cao đến thấp trên máy bay hiện nay là: Hạng nhất, hạng thương gia, hạng phổ thông đặc biệt và hạng phổ thông. Ứng với từng loại là các suất ăn đi kèm phục vụ cho hành khách nếu mua trước. Và suất ăn của hạng cao cấp như thương gia với hạng phổ thông có sự khác biệt rõ rệt, nếu không muốn nói là “một trời một vực”.

    Dưới đây là sự đối lập giữa suất ăn hạng thương gia - phổ thông của một số hãng bay nổi tiếng trên thế giới, hành khách xem xong không khỏi… chạnh lòng:

    1. British Airways

    Bên trái là suất ăn hạng phổ thông, có rau củ nghiền được quay nóng bằng lò vi sóng, phục vụ trong hộp nhựa. Bên phải (cho hạng thương gia) là sandwich cá ngừ, phục vụ bằng chén đĩa đàng hoàng, có cả rượu vang và trà để nhâm nhi.

    2. American Airlines

    Suất ăn bên trái cho hạng phổ thông toàn đồ đóng hộp, chưa ăn đã có cảm giác “nhừa nhựa” rồi! Bên phải cho hạng thương gia là món cá ngừ áp chảo thượng hạng, còn có cả 1 ly vang trắng.

    3. Virgin Atlantic

    Mỗi suất ăn hạng phổ thông (trái) của hãng này được phục vụ trên một khay nhựa (phủ lớp vỏ gỗ), còn suất hạng thương gia (phải) có bộ bát chén sứ riêng. Chất lượng món ăn thì nhìn là biết “trời vực” rồi.

    4. Qantas

    Bữa sáng của khách hạng phổ thông (trái) và hạng thương gia (phải), trông bên trái có vẻ nhiều hơn, nhưng chỉ toàn là đồ đóng gói và ít tiền thôi…

    5. Finnair

    Bữa trưa bên trái là của hạng phổ thông với mì sốt cà chua. Bên phải (hạng thương gia) trông sơ sài hơn nhưng lại toàn món cao cấp như bò áp chảo, canh miso, rượu vang…

    6. KLM Royal Dutch Airlines

    Một trong những suất ăn hạng phổ thông và thương gia có khác biệt lớn nhất về chất lượng là của KLM. Hạng phổ thông (bên trái) chủ yếu là rau, hạng thương gia (bên phải) có sushi và mì.

    7. Emirates

    Suất ăn hạng phổ thông (trái) của Emirates trông có vẻ đầy đặn (ăn cho no) nhưng suất thương gia (phải) thì thượng hạng hơn nhiều.

    8. Turkish Airlines

    Chất lượng món ăn của hai suất không quá khác nhau, nhưng nhìn một bàn đầy đồ nhựa, đóng hộp với một bàn ăn bát đĩa sứ đã chỉ rõ sự khác biệt.

    9. Air France

    Hạng phổ thông (trái) của Air France được phục vụ trên chén đĩa sứ, nhưng về độ bắt mắt và chất lượng thì không bằng hạng thương gia (phải).

    10. Delta Air Lines

    Từ cách trình bày cho đến nguyên liệu đã thấy… tổn thương vì quá khác nhau, thôi thì tiền nào của nấy thôi!

    Theo Helino

  • Nguyễn Thị Tươi (có báo ghi là Nguyễn Thị Thu), 37 tuổi, bị tòa án Osaka tuyên phạt một năm rưỡi tù vì mang gần 60 kg thịt chó sang bán cho người Việt tại đây. 

    Tòa án Osaka hôm 2/12 xét xử Nguyễn Thị Tươi, một phụ nữ người Việt sống tại thành phố Himeji, tỉnh Hyogo, vì tội buôn lậu thịt chó. Từ tháng 4, Tươi đã ba lần mang theo tổng cộng gần 60 kg thịt chó sang Nhật Bản mà không có xác nhận kiểm dịch.

    Trước tòa, nghi phạm thừa nhận rằng do biết người Việt thích thịt chó nên nhập sang để ăn và bán cho các thực tập sinh tại đây.

    Tòa án xác định Tươi đã nhập lậu thịt chó với số lượng lớn và nhằm mục đích buôn bán. Thẩm phán cho hay dù đã được cảnh báo nhiều lần về vấn đề kiểm dịch, người phụ nữ vẫn tiếp tục vi phạm.

    Tươi bị tuyên án một năm 6 tháng tù, cùng 4 năm án treo. Cùng phạm pháp với Tươi còn 2 nam đồng phạm chưa bị xử. 

    3 người Việt bị bắt giữ. Ảnh: Cắt từ video.

    Đây không phải lần đầu tiên người Việt Nam bị bắt giữ vì mang thực phẩm cấm nhập cảnh vào Nhật Bản. Hồi tháng 7, một nữ du học sinh Việt bị bắt ở Nhật Bản do đem theo 360 quả trứng vịt và 10 kg thịt lợn vào nước này, trong đó có một phần được xác định mắc virus dịch tả lợn châu Phi.

    Theo quy định, khi nhập cảnh vào Nhật Bản tại sân bay hoặc hải cảng, du khách phải khai báo về những sản phẩm từ thịt để trong hành lý.

    Sản phẩm có nguồn gốc từ động vật móng guốc (như bò, lợn, dê, cừu, hươu, nai, ngựa), gia cầm (như gà, chim cút, gà lôi, đà điểu, gà tây, vịt, ngỗng), chó, thỏ và ong mật là những thứ cần kiểm dịch.

    Ngoài những sản phẩm bị cấm, cơ quan này có thể tịch thu các sản phẩm bao bì không còn nguyên vẹn hoặc không có giấy chứng nhận kiểm dịch dù là quà lưu niệm hay đồ cá nhân.

    Dù được đóng gói trong túi hút chân không, các sản phẩm bị cấm nhập khẩu hoặc ngừng nhập khẩu và sản phẩm không có giấy chứng nhận kiểm tra cũng không được phép đưa vào Nhật Bản. Các trường hợp vi phạm cũng được lưu trong hệ thống dữ liệu. Nếu tái phạm nhiều lần, thông tin sẽ được giao cho cảnh sát xử lý. Người vi phạm có thể bị truy tố.

    Trong trường hợp cố tình đem các sản phẩm chăn nuôi không qua kiểm tra nhập khẩu vào đất nước này, du khách có thể đối mặt với mức án 3 năm tù hoặc phạt tiền một triệu yên (khoảng 208 triệu đồng).

    Theo Zing/VnExpress

  • Cảnh sát Angola cho biết một cặp vợ chồng người Việt đã bị giam giữ tại sân bay quốc tế Luanda của nước này cùng với hơn 1 triệu USD tiền mặt.

    Cặp đôi người Việt chuẩn bị lên chuyến bay số hiệu ET850 đến thủ đô Addis Ababa của Ethiopia. Hai người giấu tiền trong bốn hộp khác nhau và bị lộ khi cảnh sát kiểm tra hành lý bằng X-quang, trang MENA FN đưa tin hôm 26/11.

    Sân bay quốc tế ở Luanda, thủ đô của Angola. Ảnh: ANGOP

    Theo Carlos Silva, nhân viên Tổng cục Thuế (AGT) của Angola, cặp vợ chồng này đã vận chuyển số tiền tương ứng với mỗi người là 902.033 USD và 341.100 USD.

    Theo lời ông Silva, từ đầu năm 2019, giới chức AGT đã tịch thu hơn 4 triệu USD tại sân bay quốc tế Luanda.

    Trước đó, trang Angonoticias hồi tháng 5 đưa tin một người Việt 49 tuổi bị bắt giữ với 574.500 USD tiền mặt tại sân bay Luanda, khi đang tìm cách lên máy bay qua Dubai. 

    Giám đốc điều hành sân bay Emilio Kizua lúc đó cho biết người này đã sống ở Angola hơn 10 năm và đang tham gia các hoạt động kinh doanh như bán quần áo và đồ gia dụng. Trong một vali của người này, cảnh sát phát hiện thịt và động vật có vỏ, được cho là sử dụng để đánh lừa lực lượng an ninh sân bay.

    Người Việt bị bắt đã bị cấm bay và được bàn giao cho Cơ quan điều tra hình sự (SIC) của Angola giải quyết.

    Lemos da Silva, đại diện của Tổng cục Thuế tại Sân bay Quốc tế 4 de Fevereiro, giải thích rằng hành vi này cấu thành tội trốn thuế, vì số tiền này không được Ngân hàng Quốc gia Angola tuyên bố hoặc ủy quyền. 

    Theo quy định của Ngân hàng Quốc gia Angola, công dân nước ngoài là cư dân của nước này được phép rời khỏi Angola với tối đa 10.000 USD, còn người không cư trú tại đây được phép mang theo tối đa 5.000 USD ra nước ngoài.

    Theo Zing

  • Nam nhân viên thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội làm việc tại sân bay Nội Bài đã nhanh tay lấy trộm một phong bì đựng 2.000 euro của nữ hành khách đi từ Istanbul về Hà Nội.

    Nhiều vụ mất trộm tại sân bay Nội Bài đã được lực lượng an ninh phát hiện (ảnh minh họa). Ảnh M.H

    Sự việc xảy ra cuối tuần trước, hành khách K.T.H đi chuyến bay TK 0164 từ Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) về Hà Nội đã để quên 1 ba lô màu đen trong có quần áo và tiền euro, bên trong nhà vệ sinh nữ nhà ga hành khách T2.

    Khi đến khu vực quầy kiểm dịch y tế sân bay, hành khách K.T.H phát hiện ba lô của mình đang ở trên mặt bàn bộ phận kiểm dịch. Kiểm tra ba lô, chị H. phát hiện bị mất 1 phong bì trong có 2.000 euro.

    Sau khi nữ hành khách trình báo, lực lượng an ninh tại sân bay Nội Bài đã kiểm tra hình ảnh camera và phối hợp tìm kiếm. Kết quả xác định nam nhân viên tên N.T.Đ, thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã lấy chiếc phong bì chứa số tiền 2.000 euro trong ba lô của khách.

    Cảng vụ Hàng không miền Bắc đã yêu cầu an ninh hàng không lập biên bản sự việc, biên bản bàn giao người và tang vật vi phạm cho Đồn Công an Nội Bài xử lý theo quy định.

    Hôm 19.11, một nhân viên đóng gói hành lý tại sân bay Nội Bài cũng bị phát hiện trộm ví Louis Vuitton của hành khách. Trước đó, nam hành khách P.H.H trình báo bị mất chiếc túi bên trong có ví Louis Vuitton tại khu vực đóng gói hành lý nhà ga hành khách T2.

    Lực lượng an ninh hàng không sân bay Nội Bài đã phối hợp với các đơn vị liên quan trích xuất hình ảnh từ hệ thống camera, phát hiện nhân viên đóng gói hành lý T.H.P (thuộc Công ty TNHH  Thái Thịnh) đã lấy chiếc ví và cất vào tủ máy đóng gói. Nam nhân viên này sau đó khai đã lấy trộm chiếc ví trên để sử dụng. 

    Theo Thanh Niên

  • Một chuyến bay vào buổi sáng tinh mơ sẽ không hoàn hảo nếu thiếu đi bữa sáng đầy đủ kiểu Anh, nhưng tại một số sân bay, bữa ăn như vậy có thể rút sạch hầu bao của bạn.

    Sân bay Birmingham vừa được đánh giá là một trong những nơi cung cấp bữa sáng truyền thống nóng hổi rẻ nhất ở Anh, và hẳn đây là tin tuyệt vời cho các khách du lịch địa phương.

    Trang web so sánh chuyến bay JetCost đã khảo sát 20 sân bay bận rộn nhất UK để tìm ra nơi có bữa sáng rẻ nhất trên cả hai lựa chọn ăn chay và đầy đủ.

    Kết luận cho thấy bữa sáng kiểu Anh đầy đủ tại sân bay Birmingham rẻ thứ 5 trong danh sách, còn giá thấp nhất là 10,35 bảng Anh tại sân bay Wetherspoons.

    Người ăn chay hẳn còn vui mừng hơn nữa vì Birmingham đứng thứ hai trong danh sách nơi bán bữa sáng thuần chay giá rẻ.

    Mặt khác, nếu bạn đang tìm cách tránh các sân bay đắt tiền, hãy nhớ giá ở London là cao nhất, ở đây, bữa sáng đầy đủ kiểu Anh có giá gần 18 bảng tại nhà hàng Pilots Bar & Kitchen của London City.

    Bữa sáng ở sân bay Manchester và East Midlands cũng đắt hơn so với Birmingham, bất kể bạn có ăn thịt hay không.

    Tất nhiên, nên chú ý rằng đây là những mức giá cho bữa sáng đầy đủ - không tính tới các lựa chọn thay thế như trái cây, sữa chua, bánh mì, bánh mì tròn và cháo.

    Bạn có thể xem danh sách đầy đủ dưới đây.

     

    Bữa sáng tại sân bay rẻ nhất UK (bữa sáng đầy đủ kiểu Anh)

    1. Aberdeen - £8,95 ở The Granite City
    2. Glasgow, Edinburgh và London Heathrow - £9,55 lần lượt ở The Sandpiper, The Turnhouse và The Flying Chariot
    3. Southampton - £9,95 ở The Globe Bar & Kitchen
    4. Jersey - £10 ở The Jersey Larder
    5. Birmingham - £10,35 ở Wetherspoons
    6. London Gatwick - £10,55 ở The Flying Horse
    7. London Stansted - £10,95 ở The Windmill
    8. Liverpool - £10,99 ở The Beer House
    9. Cardiff - £11,49  ở The Beer House
    10. Belfast City và Belfast International - £11,95 lần lượt ở St George's Restaurant & Deli và Sip & Stone
    11. East Midlands và Leeds Bradford - £11,99 lần lượt ở Castle Rock Tap Room và Saltaire Bar & Eatery
    12. London Luton - £12,75 ở The Smithfield Pub & Kitchen
    13. Newcastle - £13,29  ở The Quaystone Bar & Kitchen
    14. Manchester và Bristol - £13,99 lần lượt ở The Lion & Antelope và Brunel Bar
    15. London City - £17,95 ở The Pilots Bar & Kitchen

    Giá bữa sáng chay ở sân bay rẻ nhất UK

    1. Glasgow, Edinburgh và London Heathrow - £7.45 lần lượt ở The Sandpiper, The Turnhouse và The Flying Chariot
    2. Birmingham - £7,65 ở Wetherspoons
    3. Southampton - £7,95 ở The Globe Bar & Kitchen
    4. London Gatwick và London Stansted - £8,35 lần lượt ở The Flying Horse và The Windmill
    5. Jersey - £9 ở The Jersey Larder
    6. London Luton - £9,25 ở The Smithfield Pub & Kitchen
    7. Liverpool - £9,29 ở The Beer House
    8. Belfast City và Belfast International - £9,95 lần lượt ở St George's Restaurant & Deli và Sip & Stone
    9. East Midlands, Manchester và Leeds Bradford - £9,99 lần lượt ở Castle Rock Tap Room, The Lion & Antelope, và Saltaire Bar & Eatery
    10. Bristol - £10,49 ở Brunel Bar
    11. Newcastle - £10,99 ở The Quaystone Bar & Kitchen
    12. London City - £14,95 ở The Pilots Bar & Kitchen

     VietHome (Theo Mirror)

  • Một bà mẹ tức giận nói rằng British Airways đề nghị cô bế đứa con 5 tháng tuổi của mình trên đùi trong chuyến bay kéo dài tám giờ tới Canada.

    Kate Haussauer, 34 tuổi, dự định đi du lịch cùng con trai và chồng từ sân bay Heathrow đến Toronto vào thứ Bảy, 16/11.

    Cô đã đặt một chỗ ngồi hạng cao cấp để được cung cấp giỏ hoặc nôi cho em bé nằm trong suốt chuyến bay.

    Tuy nhiên, hiện tại BA lại thông báo rằng họ sẽ sử dụng dòng máy bay Airbus mới cho chuyến bay.

    Loại nôi trẻ em được trang bị trên những chiếc máy bay mới này không an toàn cho trẻ sơ sinh và vì vậy cô được khuyên nên bế con trai trong suốt chuyến đi kéo dài tám tiếng. Ngoài ra, phi hành đoàn sẽ ''trải chăn xuống sàn'' cho cậu bé.

    Cô Haussauer nhanh chóng từ chối đề nghị này.

    Cô nói: 'Sáu tháng trước, tôi đã đặt chuyến bay đến Toronto vào thứ Bảy 16/11 cùng với chồng tôi và con trai nhỏ. Đây là lần đầu tiên tôi mang con về gặp gia đình mình.

    'Tôi đã được British Airways gọi để thông báo rằng họ đã nhận dòng máy bay Airbus mới và dùng chúng cho tuyến bay từ Heathrow đến Toronto, nhưng những chiếc nôi cho ghế hạng thường và hạng cao cấp không an toàn để sử dụng.

    "Vì vậy, con trai tôi sẽ phải được bế trong cả chuyến bay".

    Chúng tôi đặt vé hạng cao cấp từ trước cả khi em bé ra đời với mong muốn có một chiếc nôi, ít nhất là trong khi chúng tôi dùng bữa. Đây là chuyến bay đầu tiên của chúng tôi cùng em bé.

    'Tôi cũng đã gọi nhiều lần để xác nhận chỗ ngồi và được thông báo là mọi chuyện đều ổn.

    'Tôi muốn biết mình phải làm gì với đứa con nhỏ năm tháng tuổi thì BA đề nghị tôi buộc con quanh người hoặc ‘trải vài cái chăn xuống sàn'.

    'Khi tôi nói rằng đứa con trai năm tháng của tôi không thể nằm trên sàn vì việc đó rất mất vệ sinh, thì họ bảo nếu muốn hủy thì cứ chiếu theo điều khoản đặt vé, và tôi sẽ mất tất cả tiền vé trừ các loại thuế vì đã hủy vé muộn.'

    ''Tôi rất tức giận vì họ vẫn dùng loại máy bay đó dù biết rõ rằng không có sẵn nôi và còn đưa ra đề nghị đặt em bé lên sàn.'

    Cô nói thêm: 'Đây sẽ là chuyến bay đầu tiên của chúng tôi với con nhỏ mục đích là để con gặp cha mẹ đỡ đầu của mình. Chúng tôi đã đặt vé từ trước khi con chào đời và thực sự mong chờ chuyến đi.

    ‘Tôi từng là một trong những người được thông báo có thể là nạn nhân của vụ lộ dữ liệu hồi năm ngoái, và tôi ngỡ rằng họ muốn cải thiện dịch vụ khách hàng của mình.

    ‘Cuối cùng, tôi chỉ muốn có cách nào đó để con trai tôi không phải nằm trên sàn hoặc bị giữ chặt trong suốt tám giờ và tôi nghĩ dịch vụ của họ là không thể chấp nhận được.

    Một phát ngôn viên của British Airways phủ nhận việc cô Haussauer được yêu cầu đặt em bé xuống sàn. Người này nói thêm: 'Là một hãng hàng không có trách nhiệm, chúng tôi chỉ khuyên rằng một em bé sẽ được an toàn hơn trên đùi người lớn, trong một cái nôi hoặc trong một chiếc xe trẻ em phù hợp.

    'Chúng tôi không thể đảm bảo có sẵn nôi trên máy bay và đã liên hệ với khách hàng để thảo luận về các lựa chọn cho họ.'

    VietHome (Theo Daily Mail)

  • Máy bay của không quân Hoàng gia Anh chở Hoàng tử William và Công nương Kate đã phải hoãn hạ cánh 2 lần ở Pakistan vì gặp phải cơn bão nghiêm trọng.

    Hoàng tử William và vợ thăm một bệnh nhi ung thư tại Pakistan giống như người mẹ quá cố - Công nương Diana từng làm trước đây (Ảnh: Dailymail)

    Theo CNN, ngoài vợ chồng Hoàng tử, trên chiếc máy bay còn có khoảng 40 người thuộc đội ngũ cố vấn và truyền thông. Khi sự việc xảy ra vào ngày 17/10, họ đang trên đường quay trở về thủ đô của Pakistan, Islamabad sau khi thăm thành phố Lahore.

    Đây là hành trình nằm trong khuôn khổ chuyến thăm kéo dài 5 ngày của 2 vợ chồng Hoàng tử tới Pakistan.

    Theo dự kiến ban đầu, chuyến bay sẽ chỉ kéo dài khoảng 26 phút. Tuy nhiên, khi máy bay tới gần Islamabad, người ngồi bên trong có thể quan sát rõ ràng sấm sét đánh ở 2 phía máy bay. Với tình trạng thời tiết khá tệ, cơ trưởng thông báo rằng máy bay sẽ đi vòng vòng trên trời cho đến khi tìm được điểm thích hợp để bay qua vùng thời tiết xấu, theo nhà báo của CNN có mặt trên chuyến bay.

    Sau đó, máy bay đã bay gần một giờ đồng hồ trên trời để chờ bão dịu đi, nhưng hiện tượng thời tiết có dấu hiệu nghiêm trọng hơn khi nó tạo ra rung lắc dữ dội với máy bay khiến nó không thể hạ cánh trong lần đầu.

    Phi công sau đó cố gắng đưa máy bay đáp xuống một sân bay khác ở Islamabad nhưng tiếp tục gặp phải rung lắc quá mạnh tới mức họ quyết định sẽ đưa máy bay trở lại điểm xuất phát, Lahore.

    Trên thực tế, chiếc máy bay Airbus A330 chở hai nhân vật Hoàng gia Anh đã bay trên trời trong gần 2 giờ đồng hồ, trong khi kế hoạch ban đầu chỉ là chưa đầy nửa giờ.

    Đây là máy bay đã được không quân Hoàng gia Anh cải tạo để chuyên phục vụ các chuyến đi của những nhân vật quan trọng như quan chức chính phủ Anh hoặc gia đình Hoàng gia.

    Mặc dù gặp phải tình huống ngoài tầm kiểm soát, Hoàng tử William, một cựu phi công lái máy bay cấp cứu, vẫn trong tinh thần ổn định và đi ra phía sau máy bay để chào hỏi các phóng viên, thậm chí nói đùa để bầu không khí tốt hơn.

    Sau đó, Hoàng tử và Công nương đã dành thêm một ngày ở Lahore và thực hiện chuyến thăm từ thiện nhằm giúp đỡ trẻ mồ côi, bệnh viện điều trị ung thư và đi xem một trận cricket (một môn thể thao dùng gậy đánh bóng phổ biến tại nhiều quốc gia trong cộng đồng Thịnh vượng chung Anh).

    Công nương Kate bắt tay một em bé (Ảnh: Dailymail)
    Vợ chồng Hoàng tử William tươi cười với nhau (Ảnh: Getty)
    Hoàng tử và Công nương chơi cricket tại Lahore (Ảnh: PA)
    Giống như người mẹ quá cố, Hoàng tử William và em trai Harry cùng 2 người vợ rất tích cực trong các hoạt động thiện nguyện và vì cộng đồng (Ảnh: Reuters)

    Theo Dân Trí

  • Một phụ nữ Việt bị chặn lại khi cố đưa thịt lợn sống vào sân bay quốc tế Sydney, Australia, trong bối cảnh nước này đang lo ngại thịt nhiễm virus tả lợn xâm nhập.

    Người phụ nữ 45 tuổi nói trên trở thành trường hợp đầu tiên phải quay về nước từ Australia theo luật thị thực mới sau khi giới chức trách phát hiện hơn 4,6 kg thịt lợn sống và một số thực phẩm khác trong va li của cô hôm 12/10.

    Người phụ nữ Việt bị yêu cầu quay về nước khi tới sân bay quốc tế Sydney với va li chứa nhiều thực phẩm, trong đó có thịt lợn sống. 

    Bộ trưởng Nông nghiệp Australia Bridget McKenzie cho biết nước này sẽ không lùi bước trong hoạt động bảo vệ biên giới.

    “Công việc của tôi là bảo vệ các ngành công nghiệp nông trại và hàng trăm nghìn việc làm mà nó mang lại”, bà McKenzie nói. “Trên toàn cầu, chúng tôi được biết tới vì những thực phẩm an toàn và vệ sinh. Không có tiếng tăm đó, chúng tôi bị mất lợi thế cạnh tranh”.

    Bà McKenzie khẳng định sự cương quyết đối với việc yêu cầu người phụ nữ Việt Nam nói trên về nước khi cô tìm cách đưa các sản phẩm thịt lợn vào Australia.

    Ngoài thịt lợn, người phụ nữ Việt còn mang theo hơn 1 kg mực, 1,3kg chim cút, hơn 900 g tỏi và 470 g trứng.

    Dịch tả lợn châu Phi - vốn đang gây thiệt hại lớn đối với nền công nghiệp thịt lợn ở châu Á, đã được phát hiện trong 50% sản phẩm thịt lợn bị thu giữ ở các sân bay quốc tế ở Australia, tăng mạnh so với 15% của 9 tháng trước đây.

    Giới chức hải quan nước này cho biết họ đã chặn đứng hơn 27 tấn sản phẩm thịt lợn từ bên ngoài đến Australia từ tháng 1.

    Các luật an toàn sinh học nghiêm ngặt nước này được thiết lập để bảo vệ công nghiệp nuôi lợn trong nước, trị giá khoảng 5,3 tỷ USD và tạo hơn 36.000 việc làm.

    Virus dịch tả lợn châu Phi được phát biện đầu tiên ở Trung Quốc vào tháng 8/2018 và đã lan rộng tới nhiều nước châu Á khác, gần đây nhất là Timor-Leste, ngay cửa ngỏ của Australia. Bệnh dịch này lan rất nhanh và giết chết lợn với số lượng lớn, đang gây nhiều lo ngại đối với sự an toàn của đàn lợn khoảng 2,5 triệu con của Australia.

    Theo Zing

  • Một nữ hành khách 26 tuổi đã tố cáo phi hành đoàn về việc không cho phép cô sử dụng nhà vệ sinh, khiến người phụ nữ phải đi tiểu ngay trên ghế ngồi của mình.

    Vào ngày 1/10, trang WOB đưa tin, một nữ hành khách 26 tuổi đã chỉ trích phi hành đoàn của hãng hàng không Air Canada vì đã không cho cô vào nhà vệ sinh buộc người này phải "giải quyết nỗi buồn" ngay tại chỗ ngồi và chịu đựng trong điều kiện đó hơn 7 tiếng đồng hồ.

    (Ảnh minh họa)

    Nữ hành khách cho hay chuyến bay của cô đã bị hoãn lại tận hai tiếng đồng hồ. Vào lúc máy bay chưa cất cánh, cô đã 4 lần van xin phi hành đoàn cho phép mình sử dụng nhà vệ sinh nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu từ họ.

    "Khi đó máy bay vẫn chưa cất cánh, tôi đã giải thích với họ rằng tôi không thể nhịn lâu hơn được nữa nhưng họ vẫn đuổi tôi trở về chỗ ngồi với thái độ hết sức khó chịu. Cuối cùng thì tôi phải muối mặt giải quyết ngay tại ghế ngồi của mình", người này nói. Nữ hành khách tội nghiệp đã phải ngồi trong tình trạng đó trong suốt 7 tiếng đồng hồ.

    Nữ hành khách 4 lần cầu xin được sử dụng nhà vệ sinh trong 2 tiếng chờ đợi máy bay cất cánh. Ảnh minh họa.

    "Tôi đã vô cùng xấu hổ. Thật đáng thất vọng khi bị cả phi hành đoàn ngó lơ trong suốt bảy tiếng đồng hồ. Trước khi rời khỏi máy bay, tôi thẳng mặt bày tỏ sự ghê tởm với cách mà phi hành đoàn đã đối xử với tôi. Nhưng tất cả bọn họ đều không dám ra mặt mà chỉ trốn tránh ở tận cuối máy bay", nữ hành khách bức xúc kể lại. 

    Nữ hành khách sau đó phải thuê gấp một phòng khách sạn ở thành phố Canada để tắm rửa và thay ngay quần áo sau một thời gian dài chịu đựng với "bãi chiến trường". Hãng hàng không Air Canada đã ngỏ ý bồi thường nữ hành khách một voucher mua vé máy bay trị giá 500 đô la Canada (khoảng 9 triệu VND).

    Tuy nhiên, cách giải quyết này của hãng hàng không đã không xoa dịu được nữ hành khách mà còn làm cho cô tức giận thêm. Nữ hành khách này cho biết: "Cách xử lý của hãng Air Canada không đủ thuyết phục vì tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ lời xin lỗi nào từ chính phi hành đoàn đó. Ngoài ra, tôi cũng không muốn sử dụng dịch vụ của hãng Air Canada thêm một lần nào nữa nên tôi từ chối nhận chiếc voucher này".

    Cách xử lý của hãng hàng không Air Canada chưa thỏa đáng.

    Hiện nay hãng hàng không Air Canada vẫn chưa có phản hồi chính thức về quyết định của nữ hành khách.

    Viethome (theo Helino)

  • Sự sụp đổ của Thomas Cook là thất bại lớn nhất từ ​​trước đến nay của một công ty du lịch trọn gói ở Anh. Sự kiện này khiến khoảng 150.000 khách du lịch Anh bị mắc kẹt ở nước ngoài – và số người đã trót đặt kỳ nghỉ còn nhiều hơn nữa. Nếu bạn là một trong số nhiều du khách bị ảnh hưởng, bạn nên làm gì đây?

    Đầu tiên, Cơ quan Hàng không Dân dụng (CAA) khuyên những người bị ảnh hưởng nên nhanh chóng truy cập vào trang web http://thomascook.caa.co.uk. Đối với những người đang ở nước ngoài, số điện thoại để liên lạc là +44 1753 330 330. Số điện thoại miễn phí tại Vương quốc Anh là 0300 303 2800.

    Nếu bạn đang đi nghỉ ở nước ngoài, liệu bạn có thể bay về?

    Kế hoạch đưa khách du lịch về nước, được đặt tên là Chiến dịch Matterhorn, đã được khởi động với sự tham gia của các chuyến bay từ các hãng hàng không khác, bao gồm British Airways và easyJet. Hoạt động này sẽ là một thách thức vô cùng to lớn đối với CAA bởi lẽ nó có quy mô lớn hơn đáng kể so với vụ sụp đổ lớn gần đây nhất, khi Monarch Airlines đóng băng vào tháng 10 năm 2017.

    CAA cho biết vào sáng thứ Hai (23/9) rằng chương trình đưa khách du lịch về nước sẽ chỉ hoạt động trong vòng hai tuần tới (tối đa đến Chủ nhật ngày 6 tháng 10). Sau ngày này, bạn sẽ phải tự mình sắp xếp chuyến đi. Các chuyến bay hồi hương chỉ được cung cấp cho các hành khách có hành trình xuất phát từ Vương quốc Anh.

    Nếu bạn đã đăng ký bảo hiểm Atol - bảo hiểm du lịch trọn gói - chi phí khách sạn và chuyến bay về nhà của bạn sẽ được chi trả.

    Khách du lịch không nên đến sân bay cho đến khi được thông báo. Mục đích là ưu tiên những người gần đến ngày về dự kiến nhất. Hãy sẵn sàng đối mặt với việc bị chậm trễ và rất có khả năng bạn sẽ hạ cánh tại một sân bay khác ở Vương quốc Anh, sau đó được xe bus đưa đến địa điểm ban đầu mà bạn đã đặt vé.

    Tuy nhiên, tin tốt là chiến dịch giải cứu Monarch đã diễn ra tương đối suôn sẻ. Trong suốt hai tuần vào tháng 10 năm 2017, CAA đã thuê 560 chuyến bay từ 24 hãng hàng không và 98% hành khách của Monarch đã bay về nhà vào đúng ngày họ dự định về nước.

    Khách sạn bạn đang ở muốn bạn trả thêm tiền. Bạn nên làm gì?

    Các tập đoàn khách sạn thường được công ty du lịch thanh toán trong khoảng thời gian từ 60 đến 90 ngày sau khi khách du lịch kết thúc kỳ nghỉ. Do đó, một số khách sạn đã yêu cầu khách du lịch rời đi hoặc trả thêm tiền để có thể ở lại.

    CAA cho biết những khách du lịch đang gặp rắc rối với các khách sạn nằm trong vùng chi trả của Atol nên liên hệ với tổng đài Atol theo số +44 1753 330 330. CAA cho biết có thể mất vài ngày để đảm bảo dàn xếp mọi việc. Đừng thanh toán thêm cho khách sạn trừ khi được đội ngũ CAA hướng dẫn.

    Bạn đặt phòng với Thomas Cook cho một kỳ nghỉ vài ngày tới. Điều gì sẽ xảy ra với kế hoạch đặt phòng này?

    Kỳ nghỉ của bạn sẽ không được tiến hành và bị hủy bỏ. Bạn không nên đến sân bay, nhưng bạn sẽ lấy lại được số tiền mà bạn đã trả cho kỳ nghỉ với Thomas Cook.

    CAA đang sắp xếp để các khoản hoàn trả được thực hiện càng sớm càng tốt và cho biết mục tiêu của họ là hoàn tất các thỏa thuận hoàn trả trước ngày 30 tháng 9 năm 2019.

    Để biết làm thế nào để yêu cầu hoàn tiền - hãy truy cập caa.co.uk/atol-protection/

    Trong một số trường hợp, Atol có thể chỉ định một đối tác khác để cung cấp kỳ nghỉ thay thế, mặc dù việc này chỉ áp dụng cho các kỳ nghỉ được đặt sớm.

    Bạn có được bảo hiểm nếu bạn chỉ mua chuyến bay với Thomas Cook Airlines?

    Vào sáng thứ Hai, chính phủ tuyên bố rằng các khách hàng chỉ đặt chuyến bay – chiếm khoảng một nửa số giao dịch đặt trước của Thomas Cook - sẽ được bay về nhà ngay cả khi họ không có bảo hiểm Atol. Atol thường chỉ áp dụng cho khách hàng trọn gói.

    “Tất cả mọi người đang sử dụng kỳ nghỉ Thomas Cook và có chuyến bay trở về Vương quốc Anh trong vòng hai tuần sẽ được đưa về nhà,” theo Bộ Giao thông Vận tải.

    Tuy nhiên, nếu bạn chỉ đặt chuyến bay, đang ở nước ngoài và dự kiến bay về sau hơn hai tuần kể từ bây giờ, bạn sẽ phải tự đặt và tự chi trả cho chuyến bay của mình.

    Bạn dự định sẽ đi nghỉ với gói chỉ bao gồm chuyến bay của Thomas Cook. Bảo hiểm du lịch hoặc công ty thẻ tín dụng của bạn có thay Thomas Cook chi trả?

    Điều này phụ thuộc vào việc liệu chính sách bảo hiểm có chi trả cho sự cố xảy đến với các dịch vụ đặt trước của các hãng hàng không (Safi) hoặc nhà cung cấp khác hay không. Nếu có, bạn sẽ được nhận tiền. Nhưng hầu hết các chính sách bảo hiểm du lịch giá rẻ, nhiều trong số đó là một phần của ưu đãi từ tài khoản ngân hàng trọn gói, thường không bao gồm hạng mục bảo hiểm này.

    Nếu bạn đã đặt một chuyến bay bằng thẻ tín dụng của bạn, bạn sẽ được bảo vệ bởi section 75 theo Đạo luật tín dụng tiêu dùng. Để đủ điều kiện, bạn cần phải trả hơn 100 bảng cho chuyến bay của mình và sử dụng thẻ tín dụng để đặt trực tiếp, mặc dù một số công ty thẻ có thể mở rộng phạm vi cho cả các đặt chỗ qua đại lý.

    Nếu chẳng may Atol cũng phá sản, bạn có được thanh toán không?

    Kể từ ngày 31 tháng 3 năm 2018, quỹ Air Travel Trust, quỹ tài trợ cho các khoản thanh toán của Atol, có khoản thặng dư 170 triệu bảng và chính sách bảo hiểm 400 triệu bảng của riêng mình để xử lý các sự kiện tương tự như sự sụp đổ của Thomas Cook. Nhưng nó vẫn sẽ là thách thức lớn đối với quỹ này. Tin tốt là Atol được điều hành bởi CAA do chính phủ hỗ trợ, do đó, nếu quỹ gặp rắc rối vì sự việc Thomas Cook, chính phủ sẽ phải chịu áp lực mạnh mẽ và buộc phải tham gia giải quyết.

    Xem thêm: Công ty lữ hành lâu đời nhất thế giới Thomas Cook phá sản

    VietHome (Theo Guardian)

  • Thấy chiếc vòng tay Louis Vuitton của hành khách nữ trong khay soi chiếu và đi vào khu vực cách ly, một ông hành khách ở Đà Nẵng đã thản nhiên “nhặt” lấy.

    Nhà chức trách hàng không tại phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất đã ra quyết định xử phạt ông Lưu Khánh L. (29 tuổi), đi chuyến bay VN141 từ  Đà Nẵng đến Tân Sơn Nhất, 8.5 triệu đồng ($366) về tội “Trộm cắp, chiếm đoạt đồ vật, thiết bị hoặc tài sản trong cảng hàng không, phi trường, trên tàu bay mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.”

    Khu vực kiểm tra an ninh phi trường Nội Bài thường xuyên xảy ra trộm cắp. (Hình: Báo Giao Thông)

    Báo Giao Thông cho biết, hôm 16 Tháng Chín, bà Bùi Thị Thanh H. đi chuyến bay VN194 từ Đà Nẵng ra Nội Bài trình báo với an ninh phi trường Đà Nẵng về việc bị mất một vòng tay Louis Vuitton màu vàng tại điểm kiểm tra an ninh soi chiếu hành khách và hành lý xách tay.

    An ninh phi trường xem lại camera và xác định ông Lưu Khánh L. đã lấy chiếc vòng này và bỏ vào túi quần, sau đó vào khu vực cách ly lên máy bay.

    An ninh phi trường Đà Nẵng đã liên hệ với an ninh phi trường Tân Sơn Nhất, cung cấp thông tin hình ảnh kẻ trộm. Ngay khi chuyến bay VN141 vừa hạ cánh, an ninh phi trường đã bắt giữ ông L. và ông này đã thừa nhận mình trộm cắp.

    Cùng ngày, báo Tuổi Trẻ cho biết hôm 16 Tháng Chín, nhân viên an ninh tại phi trường quốc tế Nội Bài, trong lúc tuần tra thấy hai người đàn ông xô xát tại khu vực công cộng tầng 1 Nhà Ga T2. Lực lượng an ninh sau đó đã mời cả hai người về làm rõ nguyên nhân.

    Làm việc với các cơ quan liên quan, anh Nguyễn Tấn Thành L. (18 tuổi, trú ở thị xã Thủy Phương, Thừa Thiên-Huế), cho biết khoảng 7 giờ 30 sáng cùng ngày, anh đến tầng 1 Nhà Ga T2 Nội Bài đón người nhà từ ngoại quốc về Việt Nam.

    Trong lúc ngồi chờ, anh L. có để một chiếc túi xách tay màu đen tại ghế ngồi bên cạnh. Khoảng 5 phút sau, khi anh L. quay lại không thấy túi ở ghế mà thấy có một ông người ngồi hàng ghế phía sau đang lục túi xách của mình nên lao vào đánh.

    Ông Vũ Thành V. (35 tuổi, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), người lục túi xách và bị đánh, tường trình mình không trộm cắp mà “có thấy một túi xách màu đen để trên ghế chờ nên đã cầm xuống hàng ghế phía sau mở ra xem. Trong lúc đang mở thì có anh mặc áo đen, quần trắng lao vào đánh…”

    Trước đó theo báo Giao Thông, cũng trong ngày 16 Tháng Chín, tại phi trường quốc tế Nội Bài, an ninh phi trường này nhận được tin một hành khách bị mất ví tiền sau khi làm thủ tục soi chiếu tại điểm kiểm tra an ninh đi quốc nội.

    Kiểm tra camera an ninh cho thấy, hành khách tên Lee Yong K. (61 tuổi, quốc tịch Nam Hàn) đi chuyến bay VN1565 từ Hà Nội đến Cam Ranh đã cố tình “cầm nhầm” chiếc ví này và khi đó đã lên máy bay.

    Khi máy bay vừa hạ cánh, dựa trên hình ảnh mà an ninh phi trường Nội Bài cung cấp, an ninh phi trường Cam Ranh đã nhận diện và mời ông Lee Yong K. về làm việc. Vị khách Nam Hàn này sau đó phải thừa nhận đã trộm chiếc ví trên. 

    Viethome (theo Người Việt)

  • Đội ngũ an ninh tại sân bay Gatwick ở London đã được một phen bất ngờ với số "ma túy" mà họ ập vào kiểm tra.

    Nhân viên của tiệm pizza chay Purezza đang chuyển nguyên liệu làm bánh bằng vali ở sân bay Gatwick (Anh) thì bất ngờ bị cảnh sát chặn lại. Hóa ra, có một nhân viên vệ sinh đã nhận thấy những dấu hiệu bất thường và "mách" với đội ngũ an ninh sân bay.

    Cảnh sát được thông báo về "một người bị nghi ngờ vận chuyển 25 túi ma túy" từ sân bay Gatwick vào lúc 1h34 chiều ngày 28/8. 

    Khi kiểm tra hành lý của nhân viên này, các sĩ quan tìm thấy nhiều túi nylon chứa chất bột trắng rất nghi là ma túy. Tuy nhiên, sau một số câu hỏi và giám định mẫu bột trắng, cảnh sát khẳng định những túi bột trắng đó chỉ là nguyên luyện của một tiệm bánh thuần chay. 

    Số hàng đã sớm được đoàn tụ với chủ sở hữu, người đã hứa đem bánh tới cho các sĩ quan và nhân viên sân bay để "cảm ơn".

    Sau khi cả sân bay Gatwick được một phen xôn xao, sở Cảnh sát Giao thông Anh (BTP) đã yêu cầu nhà hàng nọ dán nhãn thực phẩm lên hàng hóa và "gửi một số mẫu bánh đến để kiểm tra chất lượng". BTP đăng tweet như sau: "Vụ bắt giữ ma túy lớn ở sân bay Gatwick: Hóa ra là bột làm bánh chay". 

    Sau khi nhân viên của Purezza được phép rời sân bay, người chủ của nhà hàng có địa điểm ở Brighton này đã đăng tweet: "Cảm ơn vì đã nhẹ tay! Khi đến Brighton, các bạn sẽ có bánh ăn miễn phí".

    Được biết, nhà hàng này được thành lập vào năm 2015 và là tiệm bánh pizza thuần chay đầu tiên ở Anh.

    Viethome (theo Helino)

  • Một cặp vợ chồng quốc tịch Anh sau nhiều phân vân đã chọn TP.HCM cho kỳ nghỉ của mình, thay vì Bali (Indonesia) vì chính sách cấp thị thực điện tử (e-visa) mà VN ưu đãi dành cho du khách nước này.

    Một góc khu vực bãi đỗ của sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: TỰ TRUNG

    Nhưng trải nghiệm ở ngay cổng sân bay khiến sự háo hức giảm đáng kể.

    Mất hơn 2 giờ để có thể xong thủ tục e-visa tại sân bay, thoát khỏi dãy hàng đó, là thêm gần một giờ để vượt qua "cửa ải" an ninh. 

    Chưa hết, khi ra khỏi sân bay cũng là giờ tan tầm, hàng taxi chậm chạp nối tiếp ì ạch vào trung tâm thành phố. Đến 6h chiều, đôi du khách mới nhận phòng khách sạn trong cảm giác mệt mỏi chờ đợi và nóng bức ngày hè.

    Đó là cảm giác của những vị khách đến chơi nhà. Cảm xúc của khách từ nhà ra đi cũng không dễ chịu hơn. Với nhiều người, mỗi lần ra sân bay là một lần hồi hộp. Sân bay Tân Sơn Nhất tắc từ ngoài vào trong vì tình trạng quá tải nghiêm trọng. 

    Chuyện chậm chuyến, xếp hàng ròng rã thường xảy ra vào mùa cao điểm hè hay tết thì bây giờ dễ thấy quanh năm. Trước đây, chẳng ai nghĩ sẽ có cảnh "kẹt xe" trên không thì bây giờ chuyện này xảy ra như "cơm bữa": máy bay bay vòng vòng trên trời để chờ tới lượt hạ cánh. 

    Năm 2018, du lịch TP.HCM đặt mục tiêu đón thêm 1,5 triệu lượt khách quốc tế mới sau con số 7 triệu năm ngoái, khách nội địa phấn đấu đạt 32,77 triệu lượt, lần lượt tăng khoảng 14% và 13% so với năm 2018. 

    Hơn 80% khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không nên nâng cấp hạ tầng là yếu tố then chốt để đánh giá khả năng phát triển du lịch TP cùng cả nước.

    Trên thế giới, nhiều quốc gia đã xem sân bay không chỉ là một ga đến mà còn là bộ mặt, hình ảnh quốc gia, là ấn tượng đầu tiên với khách quốc tế. Nhiều nước dùng sân bay để giới thiệu các đặc trưng văn hóa thông qua hệ thống kiến trúc, dịch vụ cung ứng ở đây, không ngừng đầu tư mở rộng, đón đầu cho xu thế phát triển kinh tế.

    Gần Việt Nam nhất, sân bay Changi (Singapore) ngay từ khi chưa xuất hiện cho đến khi được đưa vào hoạt động đã tìm cách hấp dẫn du khách bằng những dịch vụ không dễ tìm thấy tại các sân bay thông thường như rạp chiếu phim 24h, khu vui chơi giải trí, thác nước khổng lồ, thậm chí là khu trưng bày tác phẩm nghệ thuật hay hàng chục vườn cây, hoa khoe sắc...

    Từ sân bay TP.HCM đến với những trung tâm tài chính, nhộn nhịp khác trong khu vực châu Á đa số dưới 2 giờ bay, thế nhưng khoảng cách về chất lượng dịch vụ đang rất xa. Bởi sân bay Tân Sơn Nhất đang mải lo đối phó với quá tải nên các tiện ích khác cũng bị cắt giảm đi, nếu như không muốn nói mức tối thiểu, sơ sài.

     Viethome (theo Tuổi Trẻ)