• Dù người dân có suy đoán gì về vai trò chính trị của Boris Johnson kể từ sau khi ông rời khỏi vị trí Bộ trưởng Ngoại vụ, không ai có thể nghi ngờ khả năng kiếm tiền của cựu chính trị gia này. Kể từ khi rời khỏi vị trí cấp cao, ông kiếm được hơn 51,000 bảng cho mỗi một lần đăng đàn diễn thuyết.

    Sổ sách tài chính mới nhất của giới nghị sĩ tiết lộ ông Johnson, người được trả mức lương gần 23,000 bảng mỗi tháng để viết bài báo hàng tuần cho tờ Daily Telegraph, đã nhận được 51,250 bảng từ công ty Ai-len Pendulum Events để diễn thuyết ở Dublin.

    Trước đó, số liệu cũng cho thấy công ty sản xuất máy xúc JCB trả cho ông Johnson 10,000 bảng 3 ngày trước khi ông có bài diễn văn tại trụ sở chính của công ty ở Staffordshire, trong đó ông liên tục ca tụng khả năng kinh doanh nhạy bén của công ty.

    JCB, sở hữu bởi Anthony Bamford, một đảng viên Đảng Bảo thủ ủng hộ Brexit, cũng trả cho cựu bộ trưởng Brexit David Davis số tiền 60,000 bảng mỗi năm để trở thành “cố vấn viên bên ngoài” cho công ty.

    Sổ sách mới nhất chỉ ra rằng ông Johnson không phải là thành viên duy nhất trong gia đình có thu nhập ngoài vượt trên mức lương của một nghị sĩ. Jo Johnson, người vừa từ chức Thứ trưởng giao thông hồi tháng Mười một, cũng được trả trước 85,000 bảng để xuất bản một cuốn sách. Chi tiết về cuốn sách này hiện vẫn chưa được hé lộ.

    Trong khi Boris Johnson rời nội các vào tháng Bảy năm ngoái vì cảm thấy kế hoạch Chequers của bà Theresa May không phải là một đối sách hợp lý dành cho Brexit, em trai ông từ chức để có thể hết lòng ủng hộ một cuộc trưng cầu lần thứ hai.

    Trong khi các nghị sĩ được quyền kiếm công việc bên ngoài trong phạm vi cho phép, các bộ trưởng đương chức không được quyền làm việc này.

    Thu nhập của ông Boris Johnson rõ ràng đã giảm khá nhiều kể từ khi ông rời nhiệm sở. Vào tháng Mười một, ông được trả 94,000 bảng cho một bài diễn thuyết tại một công ty quản lý tài sản ở New York.

    Bài diễn thuyết của ông tại JBC hồi tháng trước chủ yếu là về Brexit và có thể coi là hành động quảng bá cho chính sách lãnh đạo của Đảng Bảo thủ. Tuy nhiên, ông cũng nhắc đến JBC một vài lần và khen ngợi doanh số hơn 750,000 chiếc máy xúc loại mới của công ty.

    VietHome (Theo Guardian)

  • Giới lãnh đạo châu Âu cho rằng nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump góp phần gây bất ổn nhưng thực ra thế giới đã hỗn loạn hơn nhiều kể từ trước khi ông vào Nhà Trắng.

    Chi tiết từng nơi có thể khác nhưng sự bất ổn bùng nổ gần đây ở Anh và Pháp có chung những dòng chảy ngầm, bao gồm tâm lý chống đối toàn cầu hóa, lo ngại dân nhập cư và ngờ vực giới lãnh đạo truyền thống. Đó cũng chính là những bất mãn đã làm sục sôi Đức và nhiều quốc gia châu Âu khác, đồng thời đang khuấy đảo chính trường Mỹ.

    Bất ổn dường như đã trở thành một thứ trật tự mới hiện nay, bất kể là ở Mỹ hoặc châu Âu. Chính trị truyền thống mà các nền dân chủ châu Âu trải nghiệm nhiều thập kỷ qua (kể từ sau Thế chiến II) đang chông chênh gần như ở mọi nơi và phải vật lộn để tìm lại sự cân bằng có thể làm hài lòng người dân - những người đang bị chia rẽ bởi các biến động về kinh tế, văn hóa và xã hội.

    Tại Anh, Thủ tướng Theresa May bám víu quyền lực bằng cách cố lôi kéo các thành viên hoài nghi thuộc Đảng Bảo thủ của chính bà cùng những chính trị gia khác ủng hộ thỏa thuận Brexit với Liên minh châu Âu. Ở Pháp, sau khi lên đỉnh vinh quang một năm trước, nay Tổng thống Emmanuel Macron đau đầu trước hàng loạt cuộc biểu tình bạo lực nhằm vào các chính sách của ông. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã từ chức lãnh đạo Đảng Dân chủ Cơ Đốc giáo (dù vẫn nắm quyền lãnh đạo đất nước) sau khi đảng của bà và bản thân bà bị sụt giảm tỉ lệ ủng hộ.

    Nước Mỹ vốn đã chia rẽ giờ đây phải đối mặt viễn cảnh bất ổn nhiều hơn khi công tố viên đặc biệt Robert S. Mueller sắp gút lại cuộc điều tra về nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Người ta đang nghĩ đến các cuộc điều trần, thậm chí là khả năng luận tội Tổng thống Donald Trump, trong bối cảnh Đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát hạ viện vào đầu năm 2019.

    Biểu tình chống Brexit bên ngoài Tòa nhà Nghị viện Anh ở London hồi đầu tháng 12-2018 Ảnh: REUTERS

    Tình trạng bất ổn mới hiện nay không còn đơn giản là do xung đột giữa hai phe cánh tả - cánh hữu. Dĩ nhiên, trận chiến này vẫn còn đây đó nhưng nguyên nhân gây xáo trộn ngày càng đa dạng và đến từ nhiều góc độ hơn.

    Nói như ông Ivo H. Daalder, cựu Đại sứ Mỹ tại NATO dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, gốc rễ bất ổn đến từ "bộ phận dân số đã tích tụ oán ghét đối với việc toàn cầu hóa làm thay đổi nội tại xã hội trong 20, 30 và 40 năm qua". Hệ quả là chính trị biến đổi (bao gồm các liên minh chính trị và chính sách); hố sâu ngăn cách giữa dân thành thị và những khu vực khác; quan điểm khác biệt giữa những người thích xã hội cởi mở hơn, sẵn sàng chào đón dân nhập cư và những người muốn đóng cửa biên giới để lo chuyện trong nước trước.

    Trong số những biến đổi này, chia rẽ giữa thành thị - nông thôn thuộc loại lớn nhất và phát triển nhanh nhất, gây chia rẽ cử tri. Tại Anh, phe đòi Brexit thắng sít sao trong cuộc trưng cầu dân ý nhờ vào lá phiếu từ nhiều khu vực nông thôn bên ngoài các trung tâm đô thị lớn. Còn với Pháp, ông Macron bị tấn công bởi người biểu tình nổi giận vì thuế nhiên liệu đến từ các vùng nông thôn và thị trấn nhỏ.

    Thêm một điểm chung nữa: Các cuộc biểu tình và nổi dậy chính trị hiện mang tính tự phát hơn là được dẫn dắt bởi các nhóm hay thủ lĩnh có tiếng tăm. Bà Bronwen Maddox, Giám đốc Viện Chính phủ ở London - Anh, đúc kết một nhóm các yếu tố đã đẩy nhiều chính phủ vào thế phòng thủ, bao gồm đòi hỏi/kỳ vọng gia tăng đối với các dịch vụ, tài chính công bị thắt chặt và mất niềm tin vào lãnh đạo và các thể chế.

    Sai lầm từ phía giới lãnh đạo càng góp phần thổi bùng làn sóng dân túy này. Người tiền nhiệm của bà May, ông David Cameron, cứ nghĩ rằng trưng cầu dân ý về Brexit sẽ kết thúc dứt điểm những tranh cãi trong nội bộ đảng ông về châu Âu. Không ngờ mọi chuyện cuối cùng lại là một tính toán cực kỳ sai lầm.

    Thủ tướng Merkel cũng tạo ra một sự phản ứng dữ dội đối với quyền lực và chính sách của bà sau quyết định mở cửa biên giới Đức cho người tị nạn. Về phần mình, lên cầm quyền với chưa nhiều kinh nghiệm quản trị, đã có lúc ông Macron nhận lãnh vai trò tiên phong bảo vệ chủ nghĩa toàn cầu cũng như ủng hộ một châu Âu đoàn kết và mạnh mẽ - đối lập với chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump. Ông chủ Điện Élysée nhận được nhiều lời ca ngợi vì quan điểm đó song ông lại mắc sai lầm khi bỏ bê người dân quê nhà.

    Giới lãnh đạo châu Âu cho rằng nước Mỹ dưới thời ông Trump góp phần gây bất ổn cho các nền dân chủ phương Tây. Thay vì tìm cách thắt chặt liên minh như những người tiền nhiệm, đương kim tổng thống Mỹ lại tấn công từ NATO tới EU. Các thỏa thuận khí hậu Paris, thỏa thuận hạt nhân Iran và nhiều thỏa thuận thương mại đa phương cũng rơi vào tầm ngắm chỉ trích của ông Trump. Tuy nhiên, thế giới thực ra đã hỗn loạn đi nhiều kể từ trước khi ông Trump bước vào Nhà Trắng. Bất ổn đã trở thành tình hình chung và thử thách sức mạnh của các nhà lãnh đạo.

    Theo Người Lao Động