Nữ hoàng Anh thất vọng vì giới lãnh đạo Anh thiếu năng lực

Được biết, Nữ hoàng đã bày tỏ sự thất vọng về giới lãnh đạo chính trị Anh và "năng lực điều hành thiếu chính xác" của họ.

Người đứng đầu Hoàng gia 93 tuổi được cho là đã thể hiện sự tức giận với tầng lớp chính trị trong cuộc trao đổi cá nhân tại một sự kiện ngay sau khi Anh bỏ phiếu rời EU và ông David Cameron từ chức thủ tướng vào năm 2016.

Một nguồn tin hoàng gia tuyên bố, từ đó đến nay Nữ hoàng đã "thực sự mất tinh thần" trước tình hình hiện tại và không hài lòng với "chất lượng" của các chính trị gia Anh trong bối cảnh hỗn loạn Brexit.

Sự thất vọng của bà dường như chỉ tăng lên khi các nghị sĩ hiện đang đe dọa sẽ kéo bà vào vòng xoáy Brexit, và khi Vương quốc Anh đang tiến gần hơn đến Brexit không thỏa thuận dưới thời Thủ tướng mới, ông Boris Johnson.

Nguồn tin tiết lộ: "Tôi nghĩ rằng bà ấy thực sự mất tinh thần. Tôi đã nghe bà ấy nói về sự thất vọng của mình với giai cấp chính trị hiện tại và năng lực điều hành thiếu chính xác của họ."

Nguồn tin nói thêm: “Bà đã bày tỏ sự bực tức và thất vọng về chất lượng lãnh đạo chính trị của chúng ta, và sự thất vọng đó sẽ chỉ tăng lên.”

Nữ hoàng luôn đứng ngoài các vấn đề chính trị của đất nước và được biết đến với quan điểm trung lập tuyệt đối trong thời gian trị vì của mình.

Quan điểm của bà hiếm khi được công khai và đây được cho là một trong những tuyên bố chính trị rõ ràng nhất mà bà từng đưa ra, gây ngạc nhiên cho các cận thần.

Cung điện Buckingham từ chối bình luận về thông tin này.

Tiết lộ được đưa ra khi những thành viên có xu hướng nổi loạn trong nội bộ Đảng Tory và các nghị sĩ Lao động có ý định kêu gọi Nữ hoàng can thiệp nếu ông Johnson từ chối từ chức sau khi Hạ viện bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Bộ trưởng Tài chính đảng đối lập John McDonnell phát biểu hồi tuần trước rằng ông sẽ đáp trả bằng cách đưa lãnh đạo đảng Lao động Jeremy Corbyn đến Cung điện Buckingham "trong một chiếc taxi" để nói với Nữ hoàng rằng đảng của ông đã sẵn sàng lấy lại quyền lực.

Tuy nhiên, ông nói rằng bản thân thực sự không muốn "kéo" Nữ hoàng vào chuyện đó.

Ông Boris đã đồng ý gặp Thủ tướng Ireland Leo Varadkar để thảo luận về Brexit và Bắc Ailen.

"Vương quốc Anh đã chấp nhận đề nghị gặp gỡ của ông Varadkar và ngày chính thức đang được thảo luận", một nguồn tin của Anh cho hay.

Ông Johnson đã nói với Liên minh châu Âu rằng những cuộc đàm phán mới là vô nghĩa trừ khi các nhà đàm phán sẵn sàng hủy bỏ mọi thỏa thuận trước đây của người tiền nhiệm Theresa May.

EU cho biết họ chưa sẵn sàng mở lại thỏa thuận ly khai từng được bà May thông qua.

Thỏa thuận của bà May, từng bị quốc hội Anh từ chối ba lần, quy định rằng Vương quốc Anh sẽ vẫn ở trong một liên minh hải quan "trừ khi và cho đến khi" các thỏa thuận thay thế được thiết lập để tránh đường biên giới cứng.

Ông Johnson cho biết Anh sẽ rời EU vào ngày 31 tháng 10 dù có hay không có thỏa thuận.

Ông đã tăng cường chuẩn bị cho sự ra đi của Vương quốc Anh mà không có thỏa thuận nếu Brussels từ chối đàm phán lại, khiến một số nhà lập pháp nghi ngờ Brexit không có thỏa thuận là mục tiêu chính của ông.

Telegraph cho biết họ hy vọng cuộc gặp giữa ông Johnson và Varadkar có thể diễn ra trước hội nghị thượng đỉnh G7 ở Pháp vào cuối tháng 8.

Trong khi đó, cựu thủ tướng của Đảng Lao động Gordon Brown bày tỏ quan điểm rằng Vương quốc Anh, trước đây được cả thế giới ngưỡng mộ vì tinh thần đồng lòng và phương châm hướng ngoại, giờ đây lại trưng ra một bức tranh về sự chia rẽ, không khoan dung và hướng nội.

VietHome (Theo Mirror)