• Anh loại công ty Trung Quốc CGN khỏi dự án xây nhà máy điện hạt nhân Sizewell C, sau khi Thủ tướng Sunak tuyên bố kết thúc "kỷ nguyên vàng" với Bắc Kinh.

    Bộ Chiến lược Kinh doanh, Năng lượng và Công nghiệp (BEIS) của Anh hôm nay cho biết chính phủ Anh sẽ chi 843 triệu USD mua lại cổ phần, mọi khoản thuế và các thỏa thuận thương mại để China General Nuclear (CGN) rời khỏi dự án Sizewell C.

    ky nguyen vang trung quoc
    Hình ảnh mô phỏng dự án Sizewell (phải), cạnh nhà máy Sizewell B, ở Suffolk, Anh. Ảnh: EDF.

    Với thông báo này, chính phủ của Thủ tướng Rishi Sunak tước bỏ 20% cổ phần gây tranh cãi của CGN trong dự án nhà máy điện hạt nhân Sizewell. Nhà máy sẽ được xây dựng với đối tác còn lại của dự án là tập đoàn điện lực EDF của Pháp, với tỷ lệ cổ phần mỗi bên là 50:50.

    "CGN đã quyết định rút khỏi dự án vào thời điểm này, sau các cuộc thương lượng mang tính xây dựng", một phát ngôn viên chính phủ Anh cho hay. CGN và chính phủ Trung Quốc chưa bình luận về thông tin.

    Thông báo được đưa ra một ngày sau khi Thủ tướng Sunak cảnh báo "kỷ nguyên vàng" trong quan hệ Anh - Trung đã kết thúc. Ông thêm rằng Bắc Kinh đang đặt ra "thách thức mang tính hệ thống" đối với lợi ích và giá trị của Vương quốc Anh.

    Nhà máy điện hạt nhân Sizewell C, được phát triển trên bờ biển Suffolk ở miền đông nước Anh, sẽ cung cấp năng lượng cho khoảng 6 triệu hộ dân khi đi vào hoạt động. Nhà máy dự kiến bắt đầu sản xuất điện sớm nhất vào năm 2035.

    Năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo được cho là chìa khóa giúp tăng cường an ninh năng lượng Anh, sau khi hóa đơn khí đốt và điện của người dân nước này tăng vọt vì xung đột Nga - Ukraine. Anh cho biết Sizewell C sẽ cung cấp năng lượng sạch hơn nhiên liệu hóa thạch và tạo ra hàng nghìn việc làm cho địa phương và nền kinh tế quốc gia.

    Dự án Sizewell đại diện cho "sự hồi sinh" ngành công nghiệp hạt nhân của Anh và đây là dự án hạt nhân đầu tiên trong hơn ba thập kỷ qua nhận được hỗ trợ từ chính phủ.

    VnExpress (theo AFP)

  • Cuộc gặp đầu tiên giữa hai lãnh đạo Trung Quốc và Anh sau 5 năm đã bị hủy vì cuộc họp khẩn liên quan đến việc tên lửa bắn trúng lãnh thổ Ba Lan gần biên giới Ukraine.

    anh trung quoc gap go 9
    Thủ tướng Rishi Sunak nói rằng giá năng lượng leo thang vượt ngoài tầm kiểm soát của chính phủ Anh. Ảnh: Metro

    Phố Downing cho biết nhiều thay đổi trong lịch trình khiến cuộc gặp giữa Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20 bị hủy, song nói thêm Thủ tướng Sunak đã kỳ vọng sẽ gặp được ông Tập, Guardian đưa tin.

    Đã 18 tháng kể từ lần gần nhất một thủ tướng Anh điện đàm với chủ tịch Trung Quốc, và lần gần nhất lãnh đạo hai nước gặp nhau là vào đầu năm 2018, khi cựu Thủ tướng Anh Theresa May thăm Bắc Kinh.

    Ông Sunak có lý do để muốn gặp trực tiếp ông Tập. Các quan chức cho rằng cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo dự kiến có mục tiêu tìm những lĩnh vực mà cả hai nước có thể phát triển, bao gồm an ninh năng lượng và giải quyết khủng hoảng khí hậu.

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh không đưa thêm chi tiết về việc cuộc gặp bị hủy. "Tôi muốn nhấn mạnh Trung Quốc cam kết thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ Trung Quốc - Anh", bà nói, theoSouth China Morning Post.

    anh trung quoc gap go 2
    Gia đình cựu Thủ tướng Anh Theresa May (trái) gặp gia đình Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 1/2018. Ảnh: Pool.

    Trong khi đó, ông Sunak đã gặp người đồng cấp Canada Justin Trudeau, cũng như điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Cả hai cuộc trò chuyện đều diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng sự cố tên lửa rơi ở Ba Lan ít khả năng là do Nga khai hỏa.

    Việc ông Sunak sắp xếp để gặp ông Tập cũng khiến một số nghị sĩ đảng Bảo thủ chỉ trích, khi nhiều người gây sức ép buộc chính phủ phải coi Trung Quốc là "mối đe dọa".

    Ông Sunak được cho là có cách tiếp cận mềm mỏng hơn với Trung Quốc, so với người tiền nhiệm Liz Truss. Trước khi từ chức, bà Truss đã có kế hoạch coi Trung Quốc là mối đe dọa, đồng thời làm mới các ưu tiên đối ngoại và quốc phòng của Anh. Chiến lược được công bố gần nhất của chính phủ Anh coi Bắc Kinh là "đối thủ cạnh tranh có hệ thống".

    Theo Zing

  • Đan Mạch, Đức và Thụy Điển đều đang điều tra các vị trí đường ống Nord Stream bị vỡ nhưng vẫn chưa hé lộ về thủ phạm phá hoại và lý do phá hoại. 

    duong ong nord stream 1
    Một trong 4 điểm rò rỉ khí đốt của đường ống dẫn khí Nord Stream trên Biển Baltic. Ảnh: AFP

    3 quốc gia mở cuộc điều tra

    Nửa đêm một ngày thứ Hai vào cuối tháng 9, các máy đo địa chấn ở Thụy Điển bất ngờ phát hiện một nhiễu động dữ dội làm rung chuyển lòng biển Baltic ở phía nam đảo đá Bornholm của Đan Mạch. Nhiều giờ sau - lúc 19h, giờ địa phương - sự việc tương tự tái diễn: Một loạt vụ nổ dưới nước ở phía đông bắc của hòn đảo.

    Sáng hôm sau, hình ảnh những đám bọt khí mêtan khổng lồ trên bề mặt biển phía trên 2 vị trí nổ đã xác nhận những báo cáo sụt áp ở Nord Stream 1 và 2 - đường ống khí đốt nối Nga và Đức.

    Giờ đây, một tháng sau những vụ nổ làm thủng đường ống Nord Stream ở vùng biển quốc tế đông đúc, rò rỉ khí đốt đã dừng lại, những hình ảnh dưới nước đầu tiên về các mảnh kim loại xoắn, đường ống vỡ đã được công bố và 3 quốc gia đang điều tra.

    duong ong nord stream 1
    Đường ống dẫn khí Nord Stream 1 ở Lubmin, Đức. Ảnh chụp màn hình

    Nhưng ngoài việc thừa nhận rằng chất nổ được sử dụng trong vụ phá hoại, các nhà điều tra tiết lộ rất ít chi tiết về những gì phát hiện được.

    Giữa những đồn đoán về thủ phạm gây ra vụ nổ - rằng đó là người Nga đang tìm cách dằn mặt phương Tây, người Mỹ đang tìm cách cắt đứt huyết mạch kinh tế của Nga hay người Ukraina đang cố trả thù Nga - những gì chưa biết vẫn còn rất nhiều. 

    Đan Mạch, Đức và Thụy Điển đã mở các cuộc điều tra riêng về vụ phá hoại. Đan Mạch và Thụy Điển điều tra vì vụ nổ xảy ra ở vùng đặc quyền kinh tế trong khi Đức điều tra vì là điểm cuối của các đường ống.

    Trong thư gửi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc từ ngày 29.9, 3 ngày sau khi sự cố xảy ra, Đan Mạch và Thụy Điển tin rằng "vài trăm kg" chất nổ đã được sử dụng để phá hoại đường ống có đường kính 1m được làm từ thép bọc bê tông chịu lực.  

    Cả ba quốc gia đều từ chối tiết lộ thêm bất kỳ thông tin nào. Căng thẳng địa chính trị quanh nhũng vụ nổ đường ống Nord Stream xảy ra trong bối cảnh giao tranh ác liệt ở Ukraina và cuộc chiến kinh tế giữa Mátxcơva và phương Tây - khiến mức độ cảnh giác tăng cao. 

    Jens Wenzel Kristoffersen - chỉ huy Hải quân Đan Mạch, nhà phân tích quân sự tại Trung tâm Nghiên cứu Quân sự thuộc Đại học Copenhagen - cho biết: “Có rất nhiều bí mật vẫn đang diễn ra. Lý do đơn giản là vì họ phải chắc chắn một cách tuyệt đối. Khi có kết quả, họ phải dựa trên những dữ kiện chắc chắn chứ không chỉ là suy đoán".

    duong ong nord stream 1
    Tàu Đan Mạch giám sát vụ rò rỉ khí đốt ở Biển Baltic ngoài khơi Đan Mạch vào tháng 9. Ảnh: Danish Defence Command

    Ông Kristoffersen tin rằng không có khả năng bất kỳ điều tra viên nào tiết lộ thông tin cho đến khi họ có bằng chứng rõ ràng bởi những phát hiện chưa đầy đủ “có thể dẫn đến những phản ứng không hữu ích vào thời điểm này”.

    Chính phủ Đức nhấn mạnh, sự phức tạp của việc giám định tại những vị trí thiệt hại “gần như chắc chắn sẽ không cho phép đưa ra bất kỳ tuyên bố ngắn hạn, đáng tin cậy nào” về thủ phạm tấn công. 

    Tăng cường an ninh cơ sở hạ tầng năng lượng

    Đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 thuộc sở hữu của Gazprom - tập đoàn khí đốt thuộc sở hữu của nhà nước Nga. Cổ phần thiểu số trong Nord Stream 1 do 4 công ty năng lượng khác nắm giữ gồm: Wintershall Dea và E.On - đều có trụ sở tại Đức, Gasunie ở Hà Lan và Engie ở Pháp. 

    Đường ống dài 1.200km trải dài từ bờ biển phía tây bắc Nga đến Lubmin, phía đông bắc nước Đức, luôn là tâm điểm của căng thẳng quốc tế. Đường ống Nord Stream 1 hoàn thành năm 2011 với chi phí hơn 12 tỉ USD, bị chỉ trích là cách tốn kém để Gazprom vận chuyển khí đốt Nga đến Đức trong khi có thể vận chuyển qua Ukraina. 

    Nhiều năm sau, ý tưởng về Nord Stream 2, đường ống sẽ tăng gấp đôi công suất của đường ống ban đầu, đã bị nhiều nước Trung và Đông Âu, cũng như Mỹ phản đối. Dù đường ống trị giá 11 tỉ USD đã hoàn thành năm 2021 nhưng giới chức Đức hoãn phê duyệt ngay trước khi Nga phát động chiến sự ở Ukraina hồi tháng 2 năm nay. 

    Mặc dù Nord Stream 2 chưa từng đi vào hoạt động và Nord Stream 1 không giao khí đốt kể từ tháng 7 bởi các vấn đề kỹ thuật như Gazprom tuyên bố nhưng cả 2 đường ống đều chứa đầy khí mê-tan có áp suất cao để giúp đường ống chịu được sức ép dưới đáy biển.

    Cả Nord Stream 1 và 2 đều có 2 tuyến song song. Những vụ nổ dẫn tới rò rỉ dọc theo cả 2 tuyến của Nord Stream 1 nhưng chỉ một tuyến của Nord Stream 2 bị hư hại, tuyến còn lại vẫn nguyên vẹn. 

    Tuần trước, tờ báo Thụy Điển Expressen công bố những bức ảnh dưới đáy biển cho thấy sức công phá của vụ nổ với Nord Stream 1 và cho thấy một số đoạn của đường ống dẫn khí đã bị cắt đứt. 

    Trond Larsen - nhà điều hành thiết bị lặn không người lái đã cung cấp hình ảnh cho tờ báo Thụy Điển nêu trên - chỉ ra, khi đường ống nổ tung, khi có áp suất cao đã làm xáo trộn lồng biển, chôn vùi cả đoạn đường ống hư hỏng. Ông Larsen cho hay, có rất ít mảnh vỡ trong khu vực, có lẽ do khí nóng đã đẩy tất cả đi, hoặc các nhà điều tra Thụy Điển đã lấy những mảnh vỡ đi.

    Tuần trước, các nhà điều tra Đức cũng đã cử một tàu lặn và một robot lặn để rà soát đáy biển trong cùng khu vực để có thêm bằng chứng về vụ nổ.

    Các nhà chức trách Đan Mạch vẫn chưa dỡ bỏ các hạn chế giao thông đường biển trong vùng đặc quyền kinh tế ở phía trên địa điểm nổ đường ống Nord Stream. 

    Kể từ sau vụ nổ Nord Stream, các cuộc tuần tra đã tăng lên ở  Biển Baltic và Biển Bắc -  nơi có mạng lưới cáp và đường ống rộng lớn nối Na Uy - nhà xuất khẩu năng lượng quan trọng nhất của Châu Âu kể từ khi xung đột Nga - Ukraina bùng phát - với Anh và lục địa Châu Âu. An ninh dọc theo một đường ống dẫn khí mới mở gần đây, Baltic Pipe, dẫn khí đốt của Na Uy đến Ba Lan cũng được tăng cao. 

    Theo Lao Động

  • 61% thành viên nội các đầu tiên của tân thủ tướng Anh từng theo học tại trường tư thục. Trong khi đó, chỉ khoảng 7% dân số nước này đủ điều kiện để nhận nền giáo dục tư nhân.

    noi cac hoc truong tu 1
    Tân Thủ tướng Anh kiện toàn nội các ngay sau khi nhậm chức Ảnh: Stefan Rousseau/Pool

    Nghiên cứu từ Sutton Trust, tổ chức từ thiện giáo dục ở Vương quốc Anh cho thấy 61% thành viên nội các đầu tiên của tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak được đào tạo từ các trường tư thục.

    Tỷ lệ này (61%) gần tương đương tỷ lệ trong nội các của cựu Thủ tướng Liz Truss - với 68% bộ trưởng từng học tại trường tư thục.

    Trong đó, thủ tướng từng học tại Winchester College - trường nội trú ưu tú, nơi học phí ngày nay lên đến hơn 45.000 bảng/năm.

    Bốn thành viên quan trọng của nội các, bao gồm thủ tướng, bộ trưởng Tư pháp, người lãnh đạo Ngoại giao đều học tại các trường tư. Trong khi đó, chỉ 7% dân số tại Anh được hưởng giáo dục tư nhân.

    noi cac hoc truong tu 1
    Tỷ lệ thành viên nội các học tại tại trường tư qua các đời thủ tướng Anh Ảnh: Sutton Trust.

    Trước đó, chiều 25/10 (theo giờ địa phương), sau khi được Vua Charles III bổ nhiệm làm Thủ tướng Anh tiếp theo, ông Rishi Sunak đã có bài phát biểu đầu tiên trước công chúng Anh tại số 10 phố Downing.

    Thủ tướng Rishi Sunak cam kết sẽ thành lập một chính phủ "nhân tài" trong bối cảnh các thành viên cấp cao của đảng Bảo thủ kêu gọi bổ nhiệm các bộ trưởng tốt nhất hiện có, thay vì bổ nhiệm những người trung thành với ông như hai người tiền nhiệm - cựu Thủ tướng Boris Johnson và Liz Truss - đã làm.

    Bên cạnh đó, Thủ tướng Sunak cam kết mang đến sự ổn định kinh tế cho nước Anh, nhưng nói thêm rằng điều này đồng nghĩa sẽ có "những quyết định khó khăn".

    Theo Zing

  • Một người biểu tình Hồng Kông hôm Thứ Tư, 19 Tháng Mười, đã kể lại việc bị kéo vào tòa lãnh sự Trung Quốc ở Manchester, Anh, và bị một số nhân viên tòa lãnh sự đánh đập, trong một sự việc làm leo thang căng thẳng giữa Anh và Trung Quốc, theo AP.

    Anh Bob Chan, người biểu tình Hồng Kông bị đánh trong vụ này, cho biết anh cùng những người khác đang tổ chức một cuộc biểu tình ôn hòa chống chính phủ Trung Quốc bên ngoài tòa lãnh sự vào hôm Chủ Nhật thì những người đàn ông đeo mặt nạ bước ra, xé biểu ngữ của họ và kéo anh Chan vào bên trong cổng tòa nhà.

    TS BobChan 102022 1536x1024
    Anh Bob Chan. (Hình: Ben Stansall/AFP via Getty Images)

    Phát biểu trong cuộc họp báo ở London, anh Chan bác bỏ tuyên bố của chính phủ Trung Quốc rằng anh không những vào tòa lãnh sự bất hợp pháp mà còn đe dọa an ninh của nơi này.

    “Vụ tấn công chỉ dừng lại khi cảnh sát kéo tôi ra ngoài. Tôi xin nói lại: Rõ ràng là tôi bị lôi vào tòa lãnh sự. Tôi không cố gắng vào tòa lãnh sự một cách tự nguyện,” anh nói.

    Các nhà lập pháp Anh, bao gồm cả ông Iain Duncan Smith, cựu lãnh đạo đảng Bảo Thủ, đã thúc giục chính phủ Anh trục xuất bất kỳ nhà ngoại giao Trung Quốc nào liên quan.

    Những người ủng hộ anh Chan cáo buộc tổng lãnh sự Trung Quốc tại Manchester và các nhà ngoại giao Trung Quốc khác đã tham gia vào vụ tấn công nói trên.

    Chan cho biết anh bị thương ở mắt, lưng và vùng đầu – nơi bị nắm tóc. Anh mô tả vụ tấn công là “man rợ” và “vô cớ.”

    Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết một người biểu tình đã “xâm nhập bất hợp pháp” vào tòa lãnh sự và “gây nguy hiểm cho an ninh của cơ quan ngoại giao Trung Quốc.” Các trụ sở ngoại giao của Trung Quốc ở nước sở tại có quyền thực hiện “các biện pháp cần thiết” để duy trì an ninh.

    Ông Uông Văn Bân (Wang Wenbin), phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, hôm Thứ Tư cho biết Trung Quốc đã khiếu nại với chính phủ Anh về “hành vi quấy rối có chủ ý cnhắm vào tổng lãnh sự Trung Quốc ở Manchester.”

    “Do hành vi bất hợp pháp và quấy rối có chủ đích cùng với việc cố ý xâm nhập vào tổng tòa lãnh sự Trung Quốc, nhiều cán bộ Trung Quốc đã bị thương và an ninh của các trụ sở của tòa lãnh sự bị đe dọa,” ông Uông nói tại Bắc Kinh.

    Cảnh sát Manchester cho biết các điều tra viên đang xem xét bằng chứng để thiết lập hình ảnh rõ ràng về những gì đã xảy ra. Ông Rob Potts, phụ tá cảnh sát trưởng, cho hay cảnh sát ý thức được sự việc này gây ra “cú sốc và lo ngại” nhưng cũng nhấn mạnh rằng cuộc điều tra sẽ mất nhiều thời gian.

    Anh chưa bắt giữ ai cho đến nay. 

    Theo Người Việt

  • Việc hoãn cuộc gặp giữa Thủ tướng Anh Liz Truss và Tổng thống Mỹ Joe Biden từ khi người đứng đầu Nhà Trắng sang Anh dự lễ tang của Nữ hoàng Elizabeth II sang thời gian bà Liz Truss thăm Mỹ đã làm dấy lên nhiều đồn đoán về sự mặn mà của phía Mỹ với cuộc gặp này.

    Cuộc gặp đầu tiên giữa tân Thủ tướng Anh Liz Truss và Tổng thống Mỹ Joe Biden theo dự kiến diễn ra trong dịp tổ chức tang lễ cho Nữ hoàng Anh Elizabeth II đầu tuần này tại Anh. Tuy nhiên cuộc gặp này đã bị hoãn cho tới phiên họp lần thứ 77 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

    cuoc gap giua liz truss va biden
    Thủ tướng Anh Liz Truss va Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: The Guardian

    Nguyên nhân của việc trì hoãn này đến từ nhiều phía. Trước hết, từ phía Anh, một cuộc gặp Thượng đỉnh Anh-Mỹ vào thời điểm đó có lẽ là không thích hợp, bởi đó là quãng thời gian mà toàn bộ nước Anh đang dồn các nguồn lực lớn nhất về an ninh để đảm bảo tổ chức thành công tang lễ thế kỷ cho Nữ hoàng Elizabeth II, sự kiện lớn nhất mà nước Anh tổ chức trong nhiều thập kỷ qua.

    Sự chú ý của toàn bộ giới truyền thông cũng như dư luận Anh khi đó cũng tập trung vào các hoạt động thăm viếng và tiễn đưa Nữ hoàng Elizabeth II. Bản thân chính phủ Anh cũng phải đón tiếp rất nhiều đoàn cấp cao các nước đến dự tang lễ. Do đó, một cuộc gặp thượng đỉnh Anh-Mỹ vào thời điểm đó là không thật sự thích hợp về mặt lễ tân và cũng không làm nổi bật được tầm quan trọng của cuộc gặp. Đó là nguyên nhân khách quan. 

    Tuy nhiên, giới phân tích tại Anh và Mỹ đề cập đến nhiều khía cạnh khác, đặc biệt là các khác biệt trong quan điểm của bà Liz Truss đối với mối quan hệ đồng minh đặc biệt Anh-Mỹ. Khi còn làm Ngoại trưởng Anh, trong lần gặp đầu tiên với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tháng 9/2021, bà Liz Truss từng lên tiếng hoài nghi về “mối quan hệ đặc biệt” Anh-Mỹ khi cho rằng bà không thấy có những minh hoạ hữu hình nào chứng minh rằng quan hệ Anh-Mỹ đặc biệt và độc nhất.

    Bà Liz Truss khi đó cho rằng Vương quốc Anh còn có quan hệ thương mại với Canada, Nhật Bản và Mexico tốt hơn với Mỹ và Anh-Mỹ thậm chí còn xảy ra tranh chấp về thuế đánh vào thép nhập khẩu. Giới phân tích Anh-Mỹ nhận định, các quan điểm và cách thể hiện của bà Liz Truss khiến chính quyền Mỹ không thật sự mặn mà bởi việc một Thủ tướng Anh tỏ ý hoài nghi về mối quan hệ đồng minh đặc biệt vốn là trụ cột quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Vương quốc Anh kể từ sau Thế chiến II là điều mà chính quyền Mỹ không hài lòng.

    Ngoài ra, ngay từ khi bà Liz Truss lên làm Thủ tướng Anh, chính quyền của ông Joe Biden cũng đã công khai phát đi cảnh báo rằng việc nước Anh đơn phương hành động trong vấn đề Bắc Ireland của Thoả thuận Brexit sẽ có tác động tiêu cực đến các đàm phán thương mại Anh-Mỹ. Do đó, cả hai phía Anh và Mỹ đều tránh việc phải thảo luận một bất đồng lớn giữa hai bên ngay trong lần gặp đầu tiên giữa bà Liz Truss và ông Joe Biden vào lúc đang diễn ra tang lễ Nữ hoàng Anh Elizabeth II, một thời điểm mà các nước phương Tây, đặc biệt là khối các nước Anglo-Saxon cần thể hiện sự đoàn kết hơn bao giờ hết.

    Vấn đề Ukraine trong mối quan hệ giữa Anh và Mỹ

    Kể từ khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine tháng 2/2022, quan điểm của chính quyền Anh và Mỹ hầu như đồng nhất. Đây cũng chính là hai quốc gia phương Tây viện trợ quân sự nhiều nhất cho Ukraine và mang các quan điểm cứng rắn, chống Nga, theo đuổi việc leo thang quân sự rõ ràng nhất. Do đó, trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine đang chứng kiến các động thái mới rất nguy hiểm sau khi Nga tuyên bố huy động thêm 300.000 quân, chắc chắn các quan điểm của Anh và Mỹ cũng sẽ nhất quán.

    Trong số các lãnh đạo phương Tây, Thủ tướng Anh Liz Truss có lẽ là một trong những lãnh đạo thể hiện các quan điểm cứng rắn nhất đối với xung đột này. Điều này phù hợp với chiến lược mà chính quyền của ông Joe Biden theo đuổi, đó là tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự mọi mặt cho Ukraine để kéo dài xung đột. Tuy nhiên, thái độ quá diều hâu từ phía bà Liz Truss, thể hiện trong thời gian bà làm Ngoại trưởng Anh, không phải lúc nào cũng khiến phía Mỹ hài lòng.

    Giới phân tích nêu ra một số ví dụ, như khi bà Liz Truss hồi tháng 4/2022 có kêu gọi phương Tây triển khai một “kế hoạch Marshall mới” để tái thiết Ukraine, giống như khi Mỹ đã thực hiện với châu Âu sau Thế chiến II. Nhiều quan chức Mỹ  tỏ ý không hoan nghênh các tuyên bố này khi cho rằng phía Anh chỉ mới chi ra rất ít tiền trợ giúp Ukraine so với Mỹ nhưng lại luôn thể hiện như là người đi tiên phong đưa ra các ý tưởng. 

    Ngoài ra, bà Liz Truss cũng luôn có xu hướng thúc giục phía Mỹ thực thi chính sách cứng rắn hơn nữa với Nga mà không quá bận tâm đến các rủi ro leo thang xung đột trực diện với Nga, điều mà chính quyền Mỹ luôn phải tính toán cẩn trọng về mặt chiến lược.

    Về tổng thể, nhiều nhà phân tích tại Anh và Mỹ nhận định, tân Thủ tướng Anh Liz Truss thể hiện tầm nhìn đôi khi quá đơn giản, tư duy nhị nguyên theo kiểu “trắng-đen” quá rõ ràng trong khi cuộc xung đột Nga-Ukraine và đối đầu Nga-phương Tây hiện nay là khủng hoảng địa chính trị lớn nhất trong hơn 3 thập kỷ qua và tất cả các bên đều phải tiếp cận một cách thận trọng. Tuy nhiên, về cơ bản, chính sách về Ukraine của chính quyền bà Liz Truss không có nhiều khác biệt so với chính quyền của ông Joe Biden, do đó, vấn đề Ukraine sẽ là điểm kết nối quan trọng giữa hai bên.

    Những khúc mắc về thương mại song phương

    Theo các thông cáo báo chí do cả phía Anh và Mỹ đưa ra, trong cuộc gặp đầu tiên giữa bà Liz Truss và ông Joe Biden, vấn đề đầu tiên được cả hai đề cập là về Nghị định thư Bắc Ireland trong Thoả thuận Brexit.

    Ngay trong lời mở đầu, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho biết muốn lắng nghe các ý kiến của bà Liz Truss về vấn đề Bắc Ireland. Điều này cho thấy chính quyền Mỹ đặc biệt coi trọng việc Anh giải quyết khúc mắc với Liên minh châu Âu trong vấn đề Bắc Ireland ra sao.

    Điều này có hai lí do chính. Một, đó là Mỹ không muốn mâu thuẫn giữa Anh và EU trong vấn đề Bắc Ireland đe doạ đến Thoả thuận “Ngày thứ Sáu tốt lành” trên đảo Ireland, có nguy cơ làm bùng phát trở lại các xung đột trên mảnh đất mà nước Mỹ có rất nhiều mối liên hệ về lịch sử và văn hoá này. Hai, Mỹ hoàn toàn không muốn Anh và EU xảy ra bất đồng nghiêm trọng vào thời điểm phương Tây cần đoàn kết hơn bao giờ hết để ứng phó với xung đột Nga-Ukraine cũng như khủng hoảng kinh tế toàn cầu. 

    Về vấn đề Hiệp định tự do thương mại Anh-Mỹ, cả ông Joe Biden lẫn bà Liz Truss đều tránh đề cập đến trong cuộc gặp đầu tiên. Về phía Anh, ngay trước chuyến đi đến New York, bà Liz Truss đã thừa nhận rằng sẽ không sớm có Hiệp định tự do thương mại Anh-Mỹ trong thời gian tới, dù chính quyền của ông Boris Johnson, trong đó bà Liz Truss giữ hai vị trí Bộ trưởng Ngoại thương và Ngoại trưởng, từng hứa hẹn rằng Anh và Mỹ sẽ đạt được Hiệp định tự do thương mại trong năm 2022, như là một bù đắp xứng đáng cho Brexit.

    Trên thực tế, phía Anh nhận thức rõ ràng điều này là không khả thi trong bối cảnh hiện nay bởi thời gian qua không có bất cứ đàm phán nào giữa hai bên. Quan trọng nhất, chính quyền của ông Joe Biden không coi việc ký Hiệp định tự do thương mại với Anh là một ưu tiên bởi mối bận tâm của ông Joe Biden là bảo vệ việc làm cho người lao động Mỹ trước tiên.

    Vào thời điểm 2016 khi Brexit diễn ra, chính quyền của ông Barack Obama, mà khi đó ông Joe Biden làm Phó Tổng thống, cũng từng tuyên bố rằng việc nước Anh lựa chọn Brexit sẽ khiến nước Anh xếp cuối hàng trong nhóm nước được Mỹ ưu tiên đàm phán thoả thuận thương mại. Đó có lẽ là lí do mà chính bà Liz Truss là người đầu tiên thừa nhận khả năng không có Hiệp định tự do thương mại Mỹ-Anh trong trung hạn. Đó cũng là cách để bà Liz Truss chủ động giải toả sức ép từ phía Mỹ sau khi Mỹ phát cảnh báo rằng các đàm phán thương mại Mỹ-Anh sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nếu nước Anh hành động đơn phương trong vấn đề Bắc Ireland, với ngầm ý rằng chính quyền Mỹ không thể lấy thoả thuận thương mại ra để tác động đến chính sách của chính quyền Anh về Bắc Ireland./.

    Theo VOV

  • Các chuyên gia lịch sử và chính trị tại Đại học Cardiff (xứ Wales) nói sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II sẽ góp phần thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc hiện hữu bên trong Vương quốc Anh.

    Tại khu phố cổ của Edinburgh, khi tuyên ngôn dành cho Vua Charles III được đọc lên và tiếng súng mừng vang lên từ lâu đài cổ kính của thành phố, một nhóm người biểu tình nhỏ bắt đầu ồn ào, theo Reuters.

    Một thanh niên mặc chiếc áo phông có dòng chữ "Có thể có một Scotland khác". Những người biểu tình khác giơ các tấm biển có nội dung: "Cộng hòa ngay bây giờ".

    Vua Charles III lên ngôi vào thời điểm chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy ở Scotland, Wales và Bắc Ireland. Hai đảng chính trị lớn nhất ở Scotland và Bắc Ireland muốn rời khỏi Vương quốc Anh, trong khi 1/4 dân số ở Wales ủng hộ độc lập.

    tuong lai lien hiep anh 1

    Thủ hiến Scotland thậm chí tuyên bố bà muốn mở cuộc trưng cầu dân ý thứ 2 về việc tách khỏi Anh. Nếu điều này thành công, một số chuyên gia cho rằng Scotland sẽ dẫn đường cho các vùng còn lại của Vương quốc Anh thực hiện bước đi cụ thể hơn để đạt được độc lập.

    “Một cuộc trưng cầu dân ý như vậy đang có nhiều khả năng thành công hơn ở Scotland”, giáo sư Justin Lewis - chuyên gia về truyền thông, văn hóa và chính trị của Trường Báo chí, Truyền thông và Văn hóa thuộc Đại học Cardiff, trường đại học hàng đầu xứ Wales - chia sẻ.

    Trong khi đó, Marion Loeffler - giáo sư lịch sử xứ Wales tại Trường Lịch sử, Khảo cổ học và Tôn giáo thuộc Đại học Cardiff - không đưa ra dự đoán nhưng phân tích “nếu Scotland độc lập khỏi Anh, thì những nỗ lực của xứ Wales cũng sẽ được tăng cường hơn nữa.

    "Ngoài ra còn có những nỗ lực để tái thống nhất Cộng hòa Ireland với Bắc Ireland - vùng lãnh thổ vẫn là một phần của Vương quốc Anh”, vị chuyên gia nói.

    Vì sao Scotland muốn độc lập?

    Hồi tháng 9/2014, khi Scotland tổ chức cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên về việc tách khỏi Vương quốc Anh, kết quả cuộc bỏ phiếu khá sát nhau giữa 2 luồng ý kiến. Cuối cùng, Scotland ở lại với 55% phiếu chống và 45% phiếu thuận.

    Kể từ đó đến nay, ý định này vẫn chưa từng biến mất. Thủ hiến Nicola Sturgeon đã kêu gọi cuộc trưng cầu dân ý khác - "indyref2" - ngay sau khi toàn bộ Vương quốc Anh bỏ phiếu rời EU trong cuộc trưng cầu Brexit năm 2016, trong khi phần lớn người Scotland không mong muốn điều đó.

    Những người ủng hộ nền độc lập cho rằng Scotland nên tự nắm lấy tương lai của mình và thôi bị ràng buộc bởi Anh và chính phủ đảng Bảo thủ cầm quyền của họ.

    Kể từ đó, thủ hiến Scotland đã nhiều lần nỗ lực thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu khác nhưng vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào với chính phủ Anh. Bà Sturgeon gần đây tiếp tục theo đuổi ý định mở cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập của Scotland, mà bà mong muốn diễn ra vào ngày 19/10/2023.

    Giờ đây, vấn đề này một lần nữa trở nên nổi cộm, với việc nhiều người cho rằng sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II là thời điểm thích hợp để chấm dứt nền quân chủ.

    Vào tháng tới, tòa án hàng đầu của Anh sẽ xem xét để ra phán quyết về việc liệu Scotland có thể tổ chức hợp pháp cuộc trưng cầu dân ý thứ hai hay không.

    Theo các chuyên gia về lịch sử và chính trị Anh, mong muốn tách khỏi Anh của Scotland vốn xuất phát từ lịch sử độc lập cách đây hơn 300 năm của vùng đất này, kèm theo đó là những khác biệt trong thể chế, và trong mong muốn có tiếng nói riêng của người dân.

    “Scotland chỉ được thống nhất với Anh vào năm 1707, như là một ‘Liên minh vương thất’ hơn là một sự hợp nhất giống ‘Đạo luật Liên hiệp’ đã hợp nhất Wales vào Anh vào năm 1536 và 1542”, bà Marion Loeffler nói.

    Scotland vẫn giữ nhiều thể chế riêng và có giáo hội riêng, trong khi sự khác biệt của Wales so với Anh chủ yếu được thể hiện trong văn hóa và ngôn ngữ xứ này, bà nói thêm.

    Trong khi đó, giáo sư Justin Lewis cho rằng nếu cuộc trưng cầu dân ý được cho phép, dù kết quả vẫn còn khó đoán, đây dường như là thời điểm mang lại nhiều cơ hội hơn cho Scotland.

    “Tôi cho rằng cơ hội thành công trong cuộc trưng cầu dân ý như vậy sẽ cao hơn khi đảng Bảo thủ đang không cầm quyền ở Scotland, đặc biệt là sau thời gian dài. Cuộc trưng cầu dân ý dường như cũng hình thành từ việc nhiều người dân Scotland cảm thấy không được đại diện trong đảng cầm quyền (Anh)”, vị giáo sư nêu quan điểm.

    Có ba đảng chính ở Scotland, gồm Công đảng, đảng Dân tộc Scotland, và đảng Bảo thủ. Trong thời gian dài, đảng Bảo thủ - vốn là đảng cầm quyền của chính phủ Anh nói chung nhưng ít phổ biến hơn ở Scotland - đã không được bầu làm đảng quản lý vùng lãnh thổ này. Đảng Dân tộc Scotland cầm quyền hiện tại ủng hộ việc độc lập.

    “Tôi nghĩ ở Scotland có tâm lý thất vọng vì cho rằng dù người dân đây bỏ phiếu cho điều gì, đảng cầm quyền Anh sẽ làm điều gì đó khác so với mong muốn của họ. Vì vậy, họ có cảm giác như lá phiếu của mình không có trọng lượng”, ông Lewis nói rõ.

    Ông nêu ra Brexit là một ví dụ điển hình cho việc này. Scotland đã bỏ phiếu khá dứt khoát để ở lại EU, nhưng họ buộc phải rời EU vì kết quả diễn ra theo chiều ngược lại trên toàn nước Anh.

    “Tôi nghĩ đó là nguồn gốc của việc Scotland muốn độc lập. Tôi cho rằng Scotland cũng nhìn vào một số quốc gia khác gần họ, đặc biệt là các nước Bắc Âu, những quốc gia dân chủ xã hội nhỏ nhưng rất thành công. Và họ nghĩ ‘Chúng ta cũng có thể được như vậy’”.

    Viễn cảnh nếu Scotland rời Vương quốc Anh

    Các chuyên gia cho rằng nếu Scotland thành công tách khỏi Vương quốc Anh, điều này sẽ kéo theo nhiều thay đổi lớn về kinh tế và chính trị.

    Giáo sư Loeffler cho rằng giữa lúc phong trào dân tộc nổi lên trên khắp Vương quốc Anh chứ không chỉ riêng Scotland, thì việc Scotland độc lập có thể sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn phong trào ở xứ Wales, cũng như nỗ lực tái thống nhất Bắc Ireland với Cộng hòa Ireland.

    Trong trường hợp tệ nhất, “điều này sẽ dẫn đến sự sụp đổ của Liên hiệp Vương quốc Anh”, giáo sư Loeffler nói.

    Dẫu vậy, bà nói rằng mức độ ảnh hưởng của sự kiện này tới chế độ quân chủ và hoàng gia vẫn còn phải xem xét. “Quốc vương Anh vẫn là người đứng đầu khối Thịnh vượng chung, và nếu Scotland, Wales hay Bắc Ireland tách khỏi Anh thì họ vẫn có thể là thành viên của khối này. Người ta khi đó cũng có thể hình dung quần đảo Anh là một liên minh của các quốc gia độc lập”, vị chuyên gia nói.

    Ông Lewis đồng ý và phân tích thêm về tầm ảnh hưởng của hoàng gia Anh nếu viễn cảnh này xảy ra.

    Ông cho rằng công chúng Scotland, giống như nhiều vùng khác của Anh, có sự chia rẽ trong thái độ đối với gia đình hoàng gia. Có những người xem chế độ quân chủ là điều tốt, có người không.

    “Có thể thấy điều này ở mức độ rộng hơn, trong số các nước thuộc khối Thịnh vượng chung. Có phong trào cộng hòa mạnh mẽ ở các nước như Australia, Canada và Jamaica. Khi điều đó bắt đầu xảy ra, có thể thấy mọi người có lẽ đang từng chút một rời xa hoàng gia”, vị giáo sư phân tích.

    “Tôi nghĩ rằng việc hài hòa những mâu thuẫn đó luôn là điều khó khăn cho nữ hoàng, nhưng bà đã khá thành công, bởi sự chăm chỉ và khiêm tốn trong cách ứng xử của bà”, ông nói thêm.

    Ngoài ra, giáo sư Lewis cũng phân tích thêm về cái lợi và bất lợi nếu Scotland độc lập.

    “Rõ ràng sẽ có những bất lợi về kinh tế, như chúng ta đã thấy đối với Brexit. Các nhà kinh tế khá chắc chắn rằng điều đó không tốt cho Anh. Brexit dẫn đến những tác động tiêu cực đến kinh tế của đất nước. Tôi nghĩ điều tương tự cũng có thể xảy ra với Scotland khi tách khỏi Anh”.

    Tuy nhiên, vị giáo sư cho rằng nếu thành công (độc lập), "Scotland có thể tái gia nhập EU. Về lâu dài điều này có thể mang lại lợi thế kinh tế và sẽ hóa giải được một số bất lợi”.

    Quan hệ giữa hoàng gia Anh và xứ Wales

    “Mối quan hệ giữa Vua Charles và Wales - cũng như các vị thân vương trước đó - không thân thiết như mối quan hệ của ông với công chúng Anh và các bộ phận công chúng Scotland”, giáo sư Loeffler cho biết.

    tuong lai lien hiep anh 1
    Nữ hoàng Elizabeth II giới thiệu thái tử Charles với người dân xứ Wales sau khi ông được phong làm thân vương xứ Wales vào tháng 7/1969. Ảnh: Popperfoto.

    Thái tử Charles và các “thân vương xứ Wales” khác đã được coi là biểu tượng của mối quan hệ thuộc địa giữa Anh và Wales. Trong lịch sử, xứ Wales từng có người cai trị riêng là người bản xứ.

    Theo giáo sư Lewis, các hoàng tử bản xứ của Wales có xu hướng chống lại người Anh. Một trong số họ rất nổi tiếng và vẫn là một nhân vật lịch sử được tôn kính ở Wales, Owain Glyndwr. Ông cũng là người cai trị bản xứ cuối cùng của vùng đất này kể từ những năm 1400.

    Các cuộc thăm dò cho thấy khoảng 25% người dân Wales ủng hộ độc lập, trong đó có rất nhiều người trẻ tuổi. Trong khi phần lớn thế hệ trước (trên 50 tuổi) vẫn tin rằng chế độ quân chủ Anh phù hợp với xứ Wales, ý kiến này ​​lại gây chia rẽ trong thế hệ trẻ.

    Theo giáo sư Loeffler, Vua Charles đã cố gắng củng cố mối quan hệ của mình với xứ Wales. Năm 2000, ông làm sống lại một truyền thống trong hoàng gia ở xứ Wales khi khôi phục vị trí nghệ sĩ đàn hạc hoàng gia, sau hơn 100 năm vị trí này bị bỏ trống. Lần gần nhất vị trí này có người đảm nhiệm là vào năm 1871.

    Ông cũng đã phát động “Chiến dịch len” toàn cầu năm 2010 nhằm giáo dục người tiêu dùng về lợi ích của len và giúp hỗ trợ và phát triển ngành công nghiệp len ở Wales.

    Tuy nhiên, việc ông ngay lập tức phong Hoàng tử William và phu nhân Kate là thân vương và công nương xứ Wales mà không tham vấn với nhà lãnh đạo chính trị của Wales Senedd Mark Drakeford đã dẫn đến sự phản đối từ một bộ phận người dân xứ này.

    Giáo sư Lewis bổ sung dẫn chứng về tranh cãi gần đây xoay quanh việc cây cầu nối Wales với Anh được đặt tên là cầu Thân vương xứ Wales. “Rất nhiều người ở xứ Wales cảm thấy không hài lòng khi họ không được hỏi ý kiến”, ông nói.

    tuong lai lien hiep anh 1
    Một cuộc biểu tình ủng hộ độc lập ở Edinburgh, Scotland, năm 2018. Ảnh: Jeff J Mitchell

    Nói về những kỳ vọng của dân chúng đối với tân vương về việc đoàn kết đất nước trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc nổi lên, các vị chuyên gia thừa nhận Vua Charles có thể phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng lưu ý rằng nhà vua không phải là nhân vật mấu chốt có thể giải quyết vấn đề.

    “Nếu nhìn vào các phong trào độc lập, ở cả Scotland, Wales và Bắc Ireland hiện nay, rất khó để nói rằng chúng tôi đoàn kết. Chúng tôi đã có một nền chính trị chia rẽ rất rõ ràng trong vài năm qua. Các ý kiến xung quanh Brexit là một ví dụ rất điển hình”, ông Lewis nói.

    “Brexit đã dẫn đến tăng giá và các vấn đề với nguồn cung hàng hóa tiêu dùng. Chúng tôi cũng vừa có thủ tướng mới, và chúng tôi đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng với giá cả tăng chóng mặt”, giáo sư Loeffler bổ sung.

    “Những tháng tiếp theo sẽ rất quan trọng trong việc quyết định liệu vua Charles III, cũng như thân vương và công nương mới của xứ Wales, có thể thiết lập lại mối quan hệ của họ với xứ này hay không”, bà nói thêm.

    Theo Zing

  • Nội các của tân Thủ tướng Anh Liz Truss lần đầu tiên không có đàn ông da trắng đảm nhiệm ở cả 4 chức vụ quan trọng nhất.

    Sau khi trở thành tân Thủ tướng Anh hôm 6/9, bà Liz Truss đã bổ nhiệm các vị trí Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Nội vụ và Ngoại trưởng. Nhóm 4 quan chức quan trọng nhất trong chính phủ Anh gồm thủ tướng và ba bộ trưởng này.

    Bà Truss bổ nhiệm ông Kwasi Kwarteng, người gốc Phi, giữ chức Bộ trưởng Tài chính Anh, vai trò được đánh giá quan trọng trong bối cảnh đất nước đối mặt cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

    Ông Kwarteng đã đăng lên Twitter gọi đây là "vinh dự cả đời" và cam kết sẽ đưa ra "gói hỗ trợ khẩn cấp để hỗ trợ chi phí các hóa đơn năng lượng sinh hoạt".

    noi cac ba liz truss 1
    Tân Thủ tướng Anh Liz Truss trong bài phát biểu đầu tiên bên ngoài số 10 phố Downing, London, hôm 6/9. Ảnh: AFP.

    Tân thủ tướng Anh cũng bổ nhiệm Ngoại trưởng da màu đầu tiên của đất nước là James Cleverly. Ông Cleverly nhiều lần chia sẻ chuyện bị bắt nạt lúc nhỏ vì màu da và đã nêu vấn đề này tại các hội nghị của đảng Bảo thủ.

    Ông Cleverly sẽ đóng vai trò là nhà ngoại giao hàng đầu của Anh trong bối cảnh quan hệ của quốc gia này với 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang rạn nứt.

    Bà Suella Braverman, có cha mẹ là người nhập cư từ Kenya và Mauritius 6 thập kỷ trước, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nội vụ, vị trí chịu trách nhiệm về lực lượng cảnh sát cùng vấn đề nhập cư.

    noi cac ba liz truss 1
    Từ trái qua phải: Ngoại trưởng Anh James Cleverly, Bộ trưởng Nội vụ Anh Suella Braverman và Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng. Ảnh: AFP.

    Sự đa dạng trong nội các của tân Thủ tướng Truss cho thấy đảng Bảo thủ những năm gần đây đã tăng cường giới thiệu những ứng viên mang nhiều sắc tộc, màu da vào quốc hội.

    Bà Truss, 47 tuổi, hôm 5/9 được công bố là người kế nhiệm ông Boris Johnson trong vai trò lãnh đạo đảng Bảo thủ và Thủ tướng Anh, trở thành nữ thủ tướng thứ ba trong lịch sử nước này.

    Trong phát biểu đầu tiên sau khi nhậm chức, bà Truss cho biết giờ là lúc giải quyết những vấn đề kìm hãm nước Anh để biến quốc gia này thành "quốc gia khát vọng".

    VnExpress (Theo Reuters/Washington Post)

  • Vừa rời cảng Portsmouth để đến Mỹ, HMS Prince of Wales, tàu sân bay 3.5 tỷ USD của Anh, bị hỏng chân vịt và phải neo gần bờ để kiểm tra.

    Sự cố với chân vịt xảy ra một ngày sau khi tàu sân bay HMS Prince of Wales của hải quân Anh khởi hành từ cảng Portsmouth, bắt đầu đợt triển khai kéo dài bốn tháng đến Mỹ.

    Một phát ngôn viên hải quân Anh ngày 28/8 xác nhận tàu sân bay dài 284 mét, trị giá 3.5 tỷ USD này vẫn đang neo đậu tại khu vực huấn luyện gần đảo Wight trên eo biển Manche để giới chức "điều tra một vấn đề cơ khí mới xuất hiện".

    Theo Navy Lookout, thợ lặn đã kiểm tra con tàu ngay sau khi có thông tin về sự cố với trục chân vịt.

    tau san bay hms prince of wales
    Tàu sân bay HMS Prince of Wales (trái) và HMS Queen Elizabeth tại bến Portsmouth ở Hampshire, Anh, ngày 4/2. Ảnh: Reuters.

    HMS Prince of Wales là tàu chiến lớn nhất của Anh, cũng là tàu sân bay chủ chốt của lực lượng NATO. Tuy nhiên, hồi tháng 10/2020, con tàu bị ngập do sai sót trong thi công, khiến hệ thống ống nước chữa cháy chính bị vỡ. Dòng nước chảy xuống từ thang và nhấn chìm nhiều tủ thiết bị điện.

    Một thủy thủ còn nói rằng khoang động cơ của tàu khi đó đã chìm dưới gần một mét nước. Trước đó nửa năm, một sự cố khác đã khiến nước tràn vào khu vực sinh hoạt của thủy thủ đoàn.

    Trong hai năm đầu tiên sau khi được biên chế, HMS Prince of Wales ra biển trong chưa đầy 90 ngày.

    Con tàu dự kiến vượt Đại Tây Dương với 1.600 thành viên thủy thủ đoàn. Các thủy thủ dự kiến tham gia chương trình huấn luyện tiêm kích F-35B cùng quân đội Mỹ và hải quân Canada.

    HMS Prince of Wales là chiếc thứ hai của lớp Queen Elizabeth và là một trong hai tàu chiến lớn nhất lịch sử hải quân Anh. Tàu có lượng giãn nước 65.000 tấn và mặt boong có diện tích 16.000 mét vuông, gấp 2,5 lần diện tích sân vận động Wembley. HMS Prince of Wales có khả năng chở tối đa 36 máy bay F-35B và 4 trực thăng cảnh báo sớm Crowsnest.

    VnExpress (theo Guardian)

  • Tổng thống Macron cảnh báo Pháp và Anh sẽ đối mặt nhiều vấn đề nghiêm trọng nếu không thể nhận đối phương là bạn hay thù.

    "Anh là bạn của Pháp, tôi chưa nghi ngờ điều đó dù chỉ một giây. Nếu Pháp và Anh không thể xác nhận đối phương là bạn hay thù, chúng ta đang đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói hôm 26/8.

    Ông Macron nói thêm Anh là quốc gia thân thiện, không phụ thuộc vào lãnh đạo nước này và thậm chí "bất kể họ là ai".

    Tuyên bố của Tổng thống Pháp được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Anh Liz Truss, ứng viên hàng đầu cho vị trí thủ tướng Anh, không xác nhận bà coi Tổng thống Pháp Macron là bạn hay thù.

    "Nếu tôi trở thành thủ tướng, tôi sẽ đánh giá ông ấy qua hành động, chứ không phải lời nói", Ngoại trưởng Anh trả lời khi được hỏi liệu bà coi lãnh đạo Pháp là bạn hay thù.

    tu ban thanh thu
    Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Algiers hôm 26/8. Ảnh: AFP.

    Tổng thống Macron khẳng định nếu được nhận câu hỏi như Ngoại trưởng Truss, ông sẽ "không do dự dù chỉ một giây". "Anh là một người bạn của Pháp", ông Macron nói, đồng thời cảnh báo "mất niềm tin vào cuộc sống chưa bao giờ là điều tốt".

    Thủ tướng Anh Boris Johnson, người sắp rời vị trí, nói bằng tiếng Pháp rằng ông Macron "là người bạn rất tốt của đất nước chúng tôi" nhằm bày tỏ sự ủng hộ nồng nhiệt.

    "Tôi cho rằng mình có quan hệ rất tốt với ông Macron", Thủ tướng Johnson phát biểu khi tới thăm một phòng khám chỉnh hình ở miền nam nước Anh. "Tôi nghĩ quan hệ giữa Anh và Pháp có tầm quan trọng rất lớn"

    Thủ tướng Anh Johnson tuyên bố từ chức sau nhiều bê bối, nhưng tiếp tục giữ vị trí cho đến khi lãnh đạo mới được bầu. Hai ứng viên đang cạnh tranh là Ngoại trưởng Truss và cựu bộ trưởng tài chính Rishi Sunak. Khoảng 200.000 đảng viên Bảo thủ sẽ bỏ phiếu và kết quả được công bố vào ngày 5/9.

    Liz Truss, 46 tuổi, giữ chức ngoại trưởng từ tháng 9/2021. Bà được đánh giá có khả năng cao trở thành tân lãnh đạo đảng Bảo thủ vào ngày 5/9 và trở thành nữ thủ tướng thứ ba của Anh một ngày sau đó.

    Theo VnExpress

  • Ngoại trưởng Liz Truss cho biết bà sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp cần thiết, nếu trở thành thủ tướng Anh.

    Tại một sự kiện ở Birmingham ngày 23/8, người dẫn chương trình John Pienaar nêu kịch bản nếu trở thành thủ tướng, bà Liz Truss phải đối mặt với lựa chọn có cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân như "phương sách cuối cùng" hay không. "Điều này có nghĩa là hủy diệt toàn cầu. Nếu tôi ở trong vị trí đó, tôi sẽ cảm thấy rất bối rối. Bà nghĩ thế nào về nhiệm vụ đó?", ông Pienaar nói.

    "Tôi nghĩ đó là một nhiệm vụ quan trọng của thủ tướng, tôi sẵn sàng làm vậy", Ngoại trưởng Anh Liz Truss nhấn mạnh.

    vu khi hat nhan
    Ngoại trưởng Anh Liz Truss phát biểu trong một sự kiện ở Manchester, tây bắc nước Anh, ngày 19/8. Ảnh: AFP.

    Theo Bộ Quốc phòng Anh, chương trình hạt nhân của nước này có mục đích "ngăn chặn những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh quốc gia và sự sống còn của Anh, điều không thể thực hiện bằng các phương thức khác". Trong chiến dịch tranh cử, bà Truss đã báo hiệu ý định đổi mới hệ thống răn đe hạt nhân của Anh.

    Tháng trước, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố từ chức sau nhiều bê bối, nhưng tiếp tục giữ vị trí cho đến khi lãnh đạo mới được bầu. Hai ứng viên đang cạnh tranh là cựu bộ trưởng tài chính Rishi Sunak và Ngoại trưởng Truss, Khoảng 200.000 đảng viên Bảo thủ sẽ bỏ phiếu và kết quả được công bố vào ngày 5/9.

    Liz Truss, 46 tuổi, giữ chức ngoại trưởng từ tháng 9/2021. Ban đầu bà Truss ủng hộ Anh ở lại Liên minh châu Âu trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016. Tuy nhiên, bà thay đổi quan điểm vào năm 2017. Truss được bổ nhiệm làm trưởng đoàn đàm phán của chính phủ với EU vào tháng 12/2021. Bà có lập trường cứng rắn với Brussels trong các cuộc đàm phán hậu Brexit.

    Bà Truss cũng có quan điểm rất cứng rắn với Moskva và đã cam kết sẽ giải mật thêm thông tin tình báo để "vạch trần những nỗ lực của Nga nhằm phá hoại phương Tây". Điện Kremlin hồi tháng hai chỉ trích Ngoại trưởng Truss, nói rằng bà đưa ra những tuyên bố "không thể chấp nhận được" về khả năng xảy ra đụng độ giữa NATO và Nga.

    Nếu bà Truss chiến thắng, Anh sẽ có nữ thủ tướng thứ ba trong lịch sử. Nếu ông Sunak đắc cử, Anh sẽ có thủ tướng da màu đầu tiên.

    VnExpress (theo Mirror)

  • Ông Paul Carney, thuộc lục quân Anh, mới đây có bài viết cho rằng các binh sĩ nước này phải sẵn sàng chiến đấu chống lại Nga và nên chuẩn bị cho gia đình của họ trước khả năng có một đợt triển khai “kéo dài”.

    Trong bài viết cho số mới nhất của tạp chí SOLDIER, ông Carney viết rằng “lục quân đang tự định hình để đối phó mối đe dọa từ Nga” và “với thiết bị phù hợp, chúng ta sẽ sẵn sàng đóng vai trò trong việc răn đe một cuộc chiến tranh tương lai ở châu Âu”.

    Ông Carney giữ "vị trí cấp cao nhất đối với một binh sĩ", đóng vai trò truyền đạt chỉ đạo của các chỉ huy cấp cao cho binh sĩ và chuyển những ý kiến phản hồi từ binh sĩ cho giới chỉ huy, theo trang Army Times. Vị trí của ông Carney báo cáo trực tiếp cho Tham mưu trưởng lục quân Anh.

    binh si anh chong nga
    Binh sĩ Anh trong một cuộc huấn luyện ở Estonia như là một phần trong chiến dịch tăng cường hiện diện của NATO. Ảnh CHỤP MÀN HÌNH RT

    “Răn đe” trong trường hợp này dường như có nghĩa là triển khai, theo Đài RT. “Tôi muốn tất cả chúng ta kiểm tra xem chúng ta có đủ sức khỏe để chiến đấu hay không. Và điều quan trọng nữa là chúng ta chuẩn bị cho những người thân yêu và gia đình, những người thường có vai trò khó khăn nhất khi chúng ta vắng mặt", ông Carney viết.

    “Đề nghị của tôi là bây giờ các bạn nên thảo luận với họ về việc triển khai tiềm năng… Chúng ta có thể mất liên lạc trong thời gian dài trong cuộc triển khai tiềm năng này”, ông Carney viết tiếp.

    Ông Carney đưa ra lời kêu gọi trên không lâu sau khi tân Tổng tham mưu trưởng quân đội Anh Patrick Sanders hồi tháng 6 ám chỉ quân đội Anh coi Nga là đối thủ lớn tiếp theo của mình và tuyên bố các lực lượng nước này phải có khả năng “đánh bại Nga trong trận chiến”, theo RT.

    Tuy nhiên, lời kêu gọi của ông Carney không báo hiệu sự thay đổi sắp xảy ra trong vai trò của Anh trong cuộc xung đột Nga-Ukraine hiện nay, theo RT. Anh đã viện trợ quân sự cho Ukraine 2,3 tỉ bảng Anh (2,7 tỉ USD) kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24.2. Lực lượng Anh hiện đang huấn luyện các tân binh Ukraine tại Anh, và các cơ quan tình báo của nước này được cho là đã chia sẻ thông tin với các đối tác Ukraine.

    Anh là một thành viên của NATO và trong trường hợp nước này tham gia vào cuộc chiến tranh công khai với Nga, 29 quốc gia thành viên khác của NATO, bao gồm cả Mỹ, sẽ có nghĩa vụ tham gia vào cuộc xung đột, theo RT.

    Theo Thanh Niên

  • Đại sứ Trung Quốc tại London Trịnh Trạch Quang cảnh báo sự can thiệp của Anh và Mỹ vào Đài Loan có thể dẫn tới xung đột.

    "Những năm qua, Mỹ đã sử dụng 'con bài Đài Loan' để kiềm chế Trung Quốc bằng cách chấp thuận bán vũ khí cho hòn đảo, nâng cấp quan hệ với chính quyền tại đây và xóa bỏ nguyên tắc Một Trung Quốc", Đại sứ Trung Quốc tại Anh Trịnh Trạch Quang viết trong bài xã luận trên Guardian hôm 16/8.

    Đại Sứ Trịnh nhận định Đài Loan đã trở thành "vấn đề chung" đối với Trung Quốc, Mỹ và Anh. Ông cảnh báo sự can thiệp của London và Washington vào hòn đảo có thể dẫn tới chiến tranh.

    "'Đài Loan độc lập' đồng nghĩa với chiến tranh và sẽ dẫn tới ngõ cụt. Phản đối và đánh bại những nỗ lực như vậy đồng nghĩa với tránh chiến tranh, bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực", ông Trịnh nói.

    trung quoc canh bao anh
    Ông Trịnh Trạch Quang tại Bắc Kinh, Trung Quốc, hồi tháng 12/2019. Ảnh: Reuters.

    Đại sứ Trung Quốc cũng kêu gọi Anh "tránh tiếp bước theo Mỹ", ám chỉ những chuyến thăm gần đây của các nghị sĩ Mỹ tới Đài Loan. "Đài Loan luôn là vấn đề nhạy cảm ở trọng tâm của mối quan hệ giữa Anh và Trung Quốc", ông Trịnh nhấn mạnh, thêm rằng London không nên "vượt lằn ranh đỏ".

    Ngoại trưởng Anh Liz Truss tuần trước triệu Đại sứ Trịnh để yêu cầu giải thích các hành động của Bắc Kinh với Đài Loan sau chuyến thăm hòn đảo của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.

    Sau cuộc gặp với giới chức Anh, đại sứ quán Trung Quốc tại Anh cho biết Đại sứ Trịnh đã "kiên quyết bác bỏ và lên án mạnh mẽ lời lẽ vô trách nhiệm của Anh đối với phản ứng hợp pháp và cần thiết của Trung Quốc về chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ".

    Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi thăm Đài Loan ngày 2-3/8 khiến căng thẳng ở eo biển này dâng cao. Phái đoàn nghị sĩ Mỹ sau đó tiếp tục tới Đài Loan hôm 14/8, bất chấp phản ứng gay gắt trước đó của Trung Quốc như tập trận bắn đạn thật quy mô lớn chưa từng có tại 6 khu vực xung quanh Đài Loan và áp lệnh trừng phạt bà Pelosi.

    Một đoàn nghị sĩ Anh dự định thăm đảo Đài Loan cuối năm nay. Ông Trịnh hôm 2/8 đã cảnh báo về "hậu quả nghiêm trọng" nếu chuyến thăm diễn ra.

    VnExpress (theo Guardian/Reuters)

  • cuoc song hac loan 1

    Báo Guardian của Anh mới đây đã tiếp cận được một loạt email giúp tiết lộ nhiều thông tin về đời sống của Saif al-Islam, người con trai cả của cố lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi.

    Vào những ngày cuối năm 2006, một đơn vị tổ chức sự kiện ở Uruguay nhận được yêu cầu từ vị khách hàng muốn có bữa tiệc tại Punta del Este - khu nghỉ mát sang trọng nhất ở bờ biển nước này.

    Nhân viên của công ty quảng cáo rằng họ có khả năng tổ chức "bữa tiệc ấn tượng nhất tại Punta del Este", với một hệ thống âm thanh, DJ chơi nhạc, không gian trang trí theo chủ đề, pháo hoa và thậm chỉ cả "những người mẫu không mặc gì trong bể bơi".

    cuoc song hac loan 1
    Trước khi nội chiến Libya nổ ra, Saif al-Islam Gaddafi từng được coi là người sẽ kế vị "ngai vàng" của đại tá Muammar Gaddafi. Ảnh: Reuters.

    "Người được chọn"

    Khách hàng là một người có liên hệ mật thiết với gia đình Gaddafi - vốn khi đó vẫn nắm giữ quyền lực ở Libya. Người này đồng ý sử dụng tất cả dịch vụ của công ty tổ chức sự kiện, ngoại trừ pháo hoa.

    Vị khách nhanh chóng chuyển hơn 34.000 USD vào tài khoản của công ty tổ chức sự kiện và yêu cầu mỗi ngày sẽ có một con cừu nướng được đưa tới bữa tiệc, dự kiến kéo dài một tuần từ 30/12/2006 đến 6/1/2007. Nhân vật chính trong bữa tiệc và cũng là ông chủ của vị khách trên chính là Saif al-Islam Gaddafi, con trai cả của đại tá Gaddafi.

    Saif al-Islam có lý do để ăn mừng. Với tư cách là "người được chọn" để kế vị cha mình, Saif Gaddafi đã tham gia nhiều hơn vào các hoạt động ngoại giao của chính phủ Libya mặc dù không chính thức nắm giữ vị trí nào. Ông vừa mới cùng người đứng đầu các nỗ lực đàm phán với chính phủ Anh về việc khắc phục hậu quả của vụ đánh bom khủng bố máy bay Pan Am 103 trên bầu trời Lockerbie năm 1988.

    Với bằng tiến sĩ triết học tại London School of Economics, một trong những trường đại học hàng đầu ở Anh, ông Saif Gaddafi được coi là gương mặt dễ chấp nhận hơn của giới cầm quyền Libya, trong bối cảnh đại tá Gaddafi bị phương Tây coi là một nhà độc tài toàn trị. "Thái tử" nhà Gaddafi thậm chí còn được Diễn đàn Kinh tế Thế giới đưa vào danh sách "Nhà lãnh đạo Trẻ Toàn cầu".

    Báo Guardian của Anh mới đây đã tiếp cận được một loạt tài liệu giúp làm sáng tỏ những hoạt động của Saif al-Islam Gaddafi vào một thời điểm quan trọng. Đó là khi nhân vật này dẫn đầu nỗ lực để hâm nóng mối quan hệ giữa Libya và phương Tây, sau nhiều thập kỷ nguội lạnh.

    Cuộc sống với tiền, quyền lực và những mối quan hệ của Saif Gaddafi cứ thế tiếp diễn, cho đến tận năm 2011, khi cuộc nội chiến Libya bùng nổ. Phe nổi dậy sau đó đã bắt và hành quyết đại tá Gaddafi một cách man rợ.

    Saif Gaddafi cũng bị bắt giữ sau đó ở phía nam đất nước, nhưng may mắn cho ông là những người bắt giữ ông là dân quân Zintan, một nhánh có tư tưởng độc lập hơn bên phía phe nổi dậy. Chính lực lượng này đã bảo vệ Saif Gaddafi khỏi các phe phái khác và đưa ông đến căn cứ của họ ở vùng núi phía tây nam thủ đô Tripoli.

    Kể từ đó, trong khi đất nước Libya chìm trong hỗn loạn và nội chiến, người ta cũng không còn nhìn thấy Saif al-Islam Gaddafi. Có tin đồn rằng ông đã chết, và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền thì cho biết lần cuối người ta nhìn thấy nhân vật này là vào năm 2014.

    Nhưng đúng một thập kỷ sau, vào tháng 7/2021, con trai đại tá Gaddafi bất ngờ xuất hiện với một bài phỏng vấn trên báo New York Times. Cũng vào cuối năm đó, ông thông báo sẽ tranh cử tổng thống, ký vào lá đơn bằng bàn tay phải đã bị mất một phần ngón cái và ngón trỏ. Đó là hậu quả của một lần ông bị không kích bởi máy bay NATO trong cuộc nội chiến năm 2011.

    cuoc song hac loan 1
    "Thái tử" nhà Gaddafi sau khi bị bắt giữ bởi phiến quân Zintan hồi năm 2011. Ảnh: Reuters.

    Cuộc bầu cử này tới nay vẫn chưa được tổ chức, do sự bất đồng giữa các phe phái với mối quan hệ phức tạp ở Libya. Liên Hợp Quốc đang cố gắng làm việc với các phe phái này để thúc đẩy một thỏa thuận về ngày bỏ phiếu mới.

    Điều đáng chú ý là một số nhà phân tích cho rằng Saif Gaddafi có thể sẽ thu hút được một bộ phận lớn cử tri. Bởi vì nhiều người Libya đã quá mệt mỏi với một thập kỷ hỗn loạn và bạo lực vừa qua, họ giờ chỉ mong mỏi sự ổn định của những năm tháng dưới thời Gaddafi.

    Tất nhiên là sẽ có những trở ngại với tham vọng của Saif Gaddafi. Ông sẽ phải hầu tòa tại Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) với những cáo buộc về tội ác của lực lượng an ninh do ông kiểm soát trong những năm chiến tranh.

    Cuộc sống xa hoa và quyền lực ở London

    Khi Saif Gaddafi chuyển đến London vào năm 2002, một nhóm các quan chức và nhân viên chính phủ Libya đã được tập hợp để hỗ trợ cho ông. Những công việc hành chính sẽ được xử lý bởi LIFC, một công ty bình phong của chính phủ Libya ở London.

    Trong khi đó, các hoạt động tiệc tùng sẽ được phụ trách bởi một nhóm những người Libya khác, bao gồm Faisal Zuwawi, một quan chức trong liên đoàn bóng đá nước này. Chính Zuwawi là người đã đứng ra tổ chức bữa tiệc ở Punta del Este.

    Uruguay chỉ là một trong nhiều điểm ăn chơi của "thái tử" Libya khi đó. Faisal Zuwawi cũng đứng ra thuê các du thuyền ở Địa Trung Hải, đặt chỗ VIP tại các câu lạc bộ ở vùng biển Caribe, thuê phi cơ riêng cũng như gái gọi để phục vụ ông chủ.

    Việc đầu tiên mà Saif Gaddafi làm khi tới London là yêu cầu LIFC thu xếp cho mình một căn hộ ở khu Belgravia - một trong những nơi cao cấp nhất thủ đô. Thái tử nhà Gaddafi cũng có những cuộc gặp với đại diện chính phủ Anh khi đó. Họ có rất nhiều điều cần phải bàn bạc.

    Vào năm 2003, sau thời gian dài đàm phán, Saif Gaddafi tuyên bố Libya sẽ "nhận trách nhiệm" về vụ đánh bom Lockerbie, và sẵn sàng trả khoản tiền 2,7 tỷ bảng Anh để đền bù cho gia đình các nạn nhân.

    Ưu tiên tiếp theo của Saif Gaddafi là mặc cả với chính phủ Anh để trả tự do sớm cho Abdelbaset al-Megrahi, thủ phạm duy nhất bị kết án (chung thân) trong vụ đánh bom Lockerbie. Người này khi đó được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt khi đang bị giam giữ gần Glasgow.

    Saif Gaddafi thuê các hãng quan hệ công chúng và đạo diễn một chiến dịch PR để thực hiện nhiệm vụ này. Có hẳn một trang web được tạo dựng để kêu gọi việc trả tự do cho al-Megrahi. Các trợ lý của Gaddafi cũng thu xếp để một giáo sư nghiên cứu về ung thư ở London đến làm các xét nghiệm cho al-Megrahi, và kết luận rằng người này không còn sống được bao lâu nữa.

    Bản thân Saif Gaddafi cũng vận động chính phủ Thủ tướng Gordon Brown trong việc này. Các email cho thấy trợ lý Zuwawi của Gaddafi đã thuê một du thuyền đến đảo Corfu, Hy Lạp. Saif Gaddafi đến đó để gặp gỡ Peter Mandelson, người giữ vị trí cao nhất trong nội các của ông Brown. Cả hai nghỉ lại tại dinh thự bên bờ biển thuộc sở hữu của nhà tư bản Jacob Rothschild.

    Thái tử nhà Gaddafi cũng có những cuộc gặp trực tiếp với Simon McDonald, người khi đó là cố vấn chính sách đối ngoại của Thủ tướng Anh Gordon Brown. Ông McDonald chia sẻ với báo Guardian rằng khi đến gặp Saif Gaddafi tại trang trại ở gần thủ đô Tripoli, ông thấy một con hổ trắng được nuôi trong nhà.

    Những nỗ lực này đã đem lại thành quả, khi vào năm 2009 chính quyền Scotland chấp thuận trả tự do trước thời hạn cho al-Megrahi. Trong cuộc phỏng vấn với New York Times hồi năm ngoái, Saif Gaddafi cho rằng đó là một trong những điều khiến ông tự hào nhất.

    cuoc song hac loan 1
    Saif al-Islam Gaddafi khi ký đơn tranh cử tổng thống hồi cuối năm ngoái. Ảnh: AFP

    Saif Gaddafi dường như cũng có mối quan hệ với một số nhân vật thượng lưu ở Mỹ. Một email mà báo Guardian có trong tay cho thấy đã có những trao đổi giữa siêu mẫu Naomi Campbell với thái tử nhà Gaddafi, về việc sắp xếp để một người bạn của siêu mẫu là Ghislaine Maxwell đến thăm Libya.

    Nhà sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới, ông Klaus Schwab cũng đích thân mời Saif Gaddafi đến Davos hồi tháng 1/2011, ngay trước khi nội chiến Libya nổ ra. Hai tuần sau đó, khi Saif Gaddafi lên sóng truyền hình tuyên bố sẽ chiến đấu đến người cuối cùng để chống lại phe nổi dậy, tổ chức này mới cắt đứt mọi liên hệ với thái tử nhà Gaddafi.

    Theo Zing

  • Trong khuôn khổ chương trình thăm chính thức Vương quốc Anh, ngày 29/6 (theo giờ địa phương), tại Thủ đô London, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Anh Lindsay Hoyle.

    Chủ tịch Hạ viện bày tỏ vui mừng đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu Việt Nam đến thăm Anh, hội đàm tại toà Nhà Quốc hội với rất nhiều dấu ấn lịch sử của Vương quôc Anh. Về phần mình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chân thành cảm ơn Ngài Chủ tịch Hạ viện Linsay Hoyle đã mời và dành sự đón tiếp trọng thị, thân tình dành cho Đoàn.

    Chủ tịch Hạ viện bày tỏ khâm phục trước thành tựu phát triển ấn tượng của Việt Nam, đánh giá cao Việt Nam đã sớm kiểm soát thành công dịch COVID-19 và nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; tin tưởng Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu như kỳ vọng.

    hoi dam anh viet 1
    Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Anh Lindsay Hoyle chào đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

    Hai bên đã trao đổi nhiều vấn đề về hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Hạ viện Anh, quan hệ song phương cũng như hợp tác trên diễn đàn đa phương, về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

    Hai nhà lãnh đạo cùng bày tỏ rất coi trọng quan hệ hợp tác với nhau, trên tinh thần đó, tập trung thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Anh, trong đó có vai trò thúc đẩy quan trọng của Quốc hội hai nước.

    Tiến tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023), hai bên nhất trí tổ chức nhiều hoạt động đa dạng, có ý nghĩa về hợp tác thương mại, đầu tư, văn hóa, đặc biệt là trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao. Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm Vương quốc Anh lần này với mong muốn hai Bên, đặc biệt là 2 Nghị viện, cùng nhau thống nhất đề ra những định hướng, giải pháp mới nhằm làm sâu sắc, hiệu quả hơn nữa quan hệ hợp tác song phương trên các lĩnh vực và phối hợp trên các diễn đàn đa phương…

    Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cảm ơn và đề nghị Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Anh tạo điều kiện cho công đồng người Việt Nam sinh sống và hoà nhập, đóng góp vào kinh tế, xã hội sở tại, đồng thời hướng về xây dựng quê hương Việt Nam. Chủ tịch Hạ viện nhất trí cho rằng, người Việt Nam và sinh viên Việt Nam chính là cầu nối rất quan trọng giữa hai nước.

    hoi dam anh viet 1
    Quang cảnh hội đàm

    Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao hợp tác hai bên về y tế, khoa học - công nghệ, trân trọng cảm ơn Anh đã hỗ trợ vaccine phòng COVID-19 cho Việt Nam với tổng số gần 3 triệu liều vaccine qua cơ chế song phương và COVAX cùng với các trang thiết bị y tế trị giá 500.000 bảng Anh qua UNICEF.

    Hai bên nhất trí cần tăng cường hợp tác trong giải quyết các vấn đề toàn cầu như phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, chống buôn bán người, chống rửa tiền, an ninh mạng… Đặc biệt, trong vấn đề biến đổi khí hậu, các nước phát triển phải có trách nhiệm thực hiện cam kết cũng như hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện cam kết. Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Anh hỗ trợ Việt Nam về tài chính, kỹ thuật, đào tạo, nâng cao năng lực nhằm thực hiện các cam kết tại COP26, khẳng định Quốc hội Việt Nam ủng hộ, đồng hành với Chính phủ, tăng cường vai trò lập pháp, giám sát, phân bổ ngân sách và để đảm bảo việc thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam. Chủ tịch Hạ viện Anh đánh giá cao quyết tâm của Việt Nam thể hiện tại COP26 và cho biết sẽ vận động phía Anh và châu Âu hỗ trợ cho Việt Nam.  

    Hai bên đánh giá cao hợp tác hai nước tại các cơ chế đa phương như Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) và khuôn khổ hợp tác ASEAN – Anh. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ Anh đẩy mạnh hợp tác với ASEAN, sẵn sàng là cầu nối để Anh mở rộng hợp tác với các nước ASEAN, đề nghị Anh ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN. Chủ tịch Hạ viện Lindsay cho biết trong Quốc hội Anh có các nghị sỹ luôn ủng hộ Việt Nam như những người bạn, trong đó có những nghị sỹ có vai trò và tiếng nói quan trọng tại nghị viện châu Âu, đây chính là cầu nối quan trọng giữa Việt Nam với Nghị viện châu Âu…

    Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng mời Chủ tich Hạ viện Lindsay Lohane sớm thăm Việt Nam và Chủ tịch Hạ viện Anh đã cảm ơn, vui vẻ nhận lời.

    Theo Công Luận

  • Cựu Thủ tướng Tony Blair đã kêu gọi các quốc gia phương Tây cùng nhau phát triển một chiến lược chặt chẽ nhằm chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách là “siêu cường thứ hai trên thế giới”.

    Phát biểu hôm 16/7, cựu thủ tướng Anh kêu gọi chính sách đối với Bắc Kinh là "sức mạnh cộng với sự can dự" và cảnh báo kỷ nguyên thống trị kinh tế và chính trị của phương Tây sắp kết thúc.

    Ông cho biết các cường quốc phương Tây cần tăng chi tiêu quốc phòng để duy trì ưu thế quân sự đồng thời mở rộng “quyền lực mềm” bằng cách xây dựng quan hệ với các quốc gia đang phát triển. Đồng thời, họ cần khẩn trương chấm dứt sự “điên rồ” trong nền chính trị trong nước và khôi phục “lý trí và chiến lược”.

    suc manh chau au

    “Sự điên rồ trong chính trị của chúng ta phải dừng lại. Chúng ta không thể chấp nhận những ảo vọng dễ dãi. Chúng ta cần khôi phục lý trí và chiến lược. Và chúng ta cần phải khẩn trương ” - ông nói.

    Về Trung Quốc, cựu Thủ tướng Blair nói rằng họ đã bắt kịp Mỹ trong nhiều lĩnh vực công nghệ. Đồng thời, chiến sự Nga - Ukraine cho thấy họ không còn có thể tự động trông đợi các cường quốc trên thế giới tuân theo các chuẩn mực quốc tế đã được chấp nhận.

    Ông nói: “Do hậu quả của những hành động của Tổng thống Putin, chúng ta không thể tin tưởng vào việc lãnh đạo Trung Quốc hành xử theo cách mà chúng ta cho là hợp lý”. Ông cho rằng Trung Quốc đang tranh giành ảnh hưởng một cách quyết liệt.

    Cựu Thủ tướng Anh nói, Bắc Kinh sẽ cạnh tranh “không chỉ vì quyền lực mà còn chống lại hệ thống của chúng ta, cách thức quản lý và lối sống của chúng ta” và rằng phương Tây cần phải đủ mạnh để bảo vệ các hệ thống và giá trị của mình.

    Ông nói: “Sự thay đổi địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ này sẽ đến từ Trung Quốc, không phải Nga. “Chúng ta đang đi đến giai đoạn cuối của sự thống trị chính trị và kinh tế của phương tây. Thế giới sẽ ít nhất là lưỡng cực và có thể là đa cực. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, phương đông có thể ngang hàng với phương tây”.

    Ông nói rằng phương tây không được để Trung Quốc vượt qua về mặt quân sự. “Chúng ta phải tăng chi tiêu quốc phòng và duy trì sự vượt trội về quân sự” - ông nói. Mỹ và đồng minh “phải vượt trội đủ để đáp ứng bất kỳ tình huống nào hoặc loại xung đột nào và trong mọi lĩnh vực”. 

    Với việc Trung Quốc - cũng như các nước như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran - đang đổ nguồn lực vào thế giới đang phát triển trong khi xây dựng các liên kết chính trị và quốc phòng mạnh mẽ, Blair cho rằng phương tây không được quên tầm quan trọng của quyền lực mềm. 

    Ông cho rằng phương tây vẫn đang có cơ hội bởi các nước đang phát triển thích lề lối làm việc của phương tây và nghi ngờ Trung Quốc nhiều hơn. 

    Theo motthegioi

  • Sau sức ép từ làn sóng từ nhiệm của hơn 50 quan chức trong chính quyền, Thủ tướng Anh Boris Johnson đồng ý từ chức lãnh đạo đảng cầm quyền nhưng kèm theo điều kiện.

    Guardian đưa tin, Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm nay 7/7 đã thông báo với chủ tịch ủy ban 1922 của đảng Bảo thủ Graham Brady rằng, ông đồng ý từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền. Tuy nhiên, ông muốn tiếp tục điều hành chính phủ cho đến khi đảng Bảo thủ bầu ra lãnh đạo mới vào tháng 10 tới. Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết, ông Johnson sẽ có bài phát biểu trong ngày hôm nay về vấn đề này.

    Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh ông Johnson phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn chưa từng có khi các quan chức chính quyền lần lượt từ chức. Chỉ trong vòng 2 ngày, hơn 50 quan chức, trong đó có các bộ trưởng chủ chốt của nội các Anh, đã đệ đơn từ chức trong động thái được cho là nhằm phản đối cách điều hành của Thủ tướng Boris Johnson. Theo CNBC, trong số 54 quan chức Anh từ nhiệm có 4 bộ trưởng nội các.

    thu tuong anh tu chuc

    Sau những lá đơn từ chức đầu tiên, Thủ tướng Johnson đã lập tức bổ nhiệm người thay thế. Tối 6/7, ông cũng có cuộc họp với những thành viên còn lại của nội các, nhiều người trong số đó được cho là đã kêu gọi ông từ chức. Tuy nhiên, ông Johnson từ chối ra đi khi chưa "đấu tranh". James Duddridge, một trợ lý của ông Johnson, cho biết nhà lãnh đạo Anh "tiếp tục đấu tranh bởi ông ấy tin mình sẽ chiến thắng". Ngược lại, Thủ tướng Anh lập tức sa thải ông Michael Gove, một bộ trưởng trong nội các vốn là đồng minh thân cận của ông Johnson.

    Trong nhiệm kỳ của mình, ông Johnson đối mặt với không ít lùm xùm. Những tháng gần đây, ông hứng chỉ trích sau khi có thông tin ông mở tiệc giữa lúc Anh phòng tỏa vì Covid-19 hồi năm 2020.

    Gần đây nhất, vụ việc gây bất bình liên quan đến một quan chức trong đảng Bảo thủ của ông Johnson. Nghị sĩ Chris Pincher phải từ chức Phó Lãnh đạo văn phòng kỷ luật đảng Bảo thủ do vướng cáo buộc quấy rối tình dục hai vị khách trong một bữa ăn tối riêng. Dù ông Pincher không trực tiếp thừa nhận cáo buộc, nhưng viết trong một bức thư gửi cho Thủ tướng Johnson rằng "đêm đó tôi đã uống quá nhiều" và đã hành động "khiến bản thân và những người khác hổ thẹn".

    Vào ngày 5/7, cũng có thông tin rằng đã có một đơn tố cáo ông Pincher tại Bộ Ngoại giao Anh khoảng 3 năm trước nhưng bị rơi vào quên lãng. Sau khi những báo cáo này xuất hiện, ông Johnson đã hứng chịu nhiều chỉ trích về việc bổ nhiệm một quan chức như vậy.

    Bất bình với chính phủ của ông Johnson cũng gia tăng trong bối cảnh Anh có nguy cơ suy thoái do khủng hoảng nhiên liệu toàn cầu. Tuy đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hồi tháng trước, nhưng nhiều người vốn ủng hộ ông giờ đây đã thay đổi lập trường.

    Trong trường hợp ông Johnson từ chức, đảng Bảo thủ của ông sẽ tiến hành một cuộc bỏ phiếu nội bộ để chọn lãnh đạo mới, người sau đó sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Anh cho đến khi tổng tuyển cử diễn ra vào năm 2024.

    Dân Trí (theo Guardian)

  • Thủ tướng Anh Boris Johson khẳng định, việc tiếp tục trong "hoàn cảnh khó khăn" là nhiệm vụ của ông, ngay cả khi đã có tới 18 quan chức đệ đơn từ chức.

    Theo Sky News, tính tới tối ngày 6/7, đã có tới 18 quan chức nộp đơn xin từ chức, trong số này có rất nhiều Bộ trưởng ở những lĩnh vực trọng yếu. 

    Trong cuộc họp với Quốc hội Anh, khi được một nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ hỏi "liệu ông có suy nghĩ tới việc từ chức hay không", Thủ tướng Johnson nhấn mạnh chỉ làm như vậy khi "cảm thấy không thể tiếp tục được nữa".

    "Đối diện với những khó khăn và bất ổn là nhiệm vụ của người đứng đầu chính phủ. Tôi sẽ không bỏ đi, tôi sẽ tiếp tục công việc, đó là điều mà một Thủ tướng nên làm. Gánh nặng của cương vị này rất lớn, nhưng tôi sẽ tiếp tục cho tới khi nào cảm thấy không còn đủ năng lực nữa", ông Johnson nói.

    bo truong michael gove tu chuc
    Bộ trưởng Michael Gove bị Thủ tướng Boris Johnson sa thải. Ảnh: Reuters

    Làn sóng từ chức của các bộ trưởng bắt đầu diễn ra sau khi Văn phòng Số 10 phố Downing thừa nhận việc Thủ tướng Johnson đã biết về những tai tiếng của nghị sĩ Pincher nhưng lại lờ đi, khiến nhiều quan chức "mất niềm tin" vào chính phủ đương nhiệm.

    Cách đây ít lâu, Văn phòng Thủ tướng Johnson khẳng định rằng nhà lãnh đạo Anh không biết về bất kỳ cáo buộc nào chống lại ông Pincher tại thời điểm bổ nhiệm ông này vào tháng 2. Nhưng khi ông này từ chức sau cáo buộc sờ soạng hai vị khách tại một bữa tiệc, phía Thủ tướng Johnson lại nói rằng nhà lãnh đạo Anh đã được thông báo ngắn gọn về vụ việc, nhưng đã quên việc ông Pincher từng bị khởi kiện trước đó.

    Vài tháng trở lại đây, Thủ tướng Johnson liên tục phải đối mặt với các chỉ trích về hành vi của ông và chính phủ, bao gồm cáo buộc tổ chức tiệc tùng trong lúc nước Anh đang áp lệnh phong tỏa vì Covid-19 vào năm ngoái. Tới tháng 4, ông Johnson đã xin lỗi trước quốc hội sau khi trở thành lãnh đạo Anh đầu tiên bị phạt vì vi phạm quy định phong tỏa. Tuy vậy, ông vẫn vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào tháng trước và tiếp tục nắm giữ chức Thủ tướng.

    Theo Sky News, hiện đã có tổng cộng 18 quan chức rời khỏi nhiệm sở của mình. Đáng chú ý nhất trong số đó là Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak, Bộ trưởng Y tế Sajid Javid, Bộ trưởng Giáo dục Robin Walker, Bộ trưởng Môi trường Jo Churchill và Bộ trưởng Tư pháp Victoria Atkins.

    Khuyên Thủ tướng Boris Johnson từ chức, Bộ trưởng Michael Gove bị sa thải ngay sau đó

    Theo Guardian, vào tối 6/7 (giờ địa phương), Bộ trưởng Nhà ở, Cộng đồng và Chính quyền địa phương - Michael Gove đã bị Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố sa thải.

    Động thái được ông Johnson đưa ra sau khi ông Gove kêu gọi Thủ tướng Anh hãy nghĩ đến việc từ chức, khi mà làn sóng rời bỏ nhiệm sở của các quan chức đang ngày một lan rộng hơn. Tính đến hiện tại, đã có tổng cộng 44 quan chức rời khỏi chính phủ, do mất niềm tin vào sự lãnh đạo của ông Johnson và những bê bối liên quan đến ông Pincher thời gian vừa qua.

    "Thủ tướng Johnson đã đích thân gọi điện cho ông Gove để nói về việc sa thải. Không thể để một thành viên đáng lẽ phải cùng sát cánh vượt qua những khó khăn lên trước truyền thông kêu gọi Thủ tướng từ chức", Văn phòng số 10 phố Downing cho biết.

    Được biết, ông Gove từng được coi là một trong những đồng minh thân cận nhất của ông Johnson, khi từng có thời gian giữ chức Chánh văn phòng Nội các. Ngoài ông Gove, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề xứ Wales - Simon Hart cũng là một quan chức trong nội các của Thủ tướng Johnson đã tuyên bố từ chức.

    Trước đó, trong phiên họp Quốc hội Anh, Thủ tướng Johnson bác bỏ khả năng từ chức. Bất chấp việc những quan chức đang lần lượt rời bỏ bộ máy chính phủ.

    Theo Vietnamnet

  • them 2 bo truong tu chuc 1

    Thêm hai bộ trưởng và một thứ trưởng Anh từ chức, tăng áp lực lên Thủ tướng Johnson sau sự ra đi của các bộ trưởng y tế, tài chính.

    "Tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài nộp đơn xin từ chức", Bộ trưởng Trẻ em và Gia đình Anh Will Quince hôm nay cho hay, trong khi Thứ trưởng Giao thông Laura Trott cho biết bà từ chức vì mất "niềm tin" vào chính phủ.

    Bộ trưởng Trường học Robin Walker cũng từ chức vì "không còn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Thủ tướng". Ông Walker, từng là bộ trưởng giáo dục, viết trong thư từ chức rằng Thủ tướng Johnson đã "mắc quá nhiều sai lầm".

    Bộ trưởng Trẻ em và Gia đình Anh Will Quince phát biểu tại một sự kiện ở London hôm 16/6. Ảnh: AFP.

    Động thái diễn ra sau khi Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Bộ trưởng Y tế Sajid Javid từ chức để phản đối Thủ tướng Boris Johnson. Sunak được cho là có nhiều bất đồng với Thủ tướng Johnson về chi tiêu chính phủ.

    them 2 bo truong tu chuc 1
    Bộ trưởng Trẻ em và Gia đình Anh Will Quince phát biểu tại một sự kiện ở London hôm 16/6. Ảnh: AFP.

    Trong khi đó, Bộ trưởng Javid cho biết nhiều nhà lập pháp Anh và công chúng đã mất niềm tin vào năng lực điều hành chính phủ vì lợi ích quốc gia của Thủ tướng Johnson.

    Việc 4 bộ trưởng và một thứ trưởng liên tiếp từ chức tăng áp lực chính trị đáng kể với Thủ tướng Johnson, người đang đối mặt với hàng loạt bê bối cùng những lời chỉ trích vì mở tiệc giữa lúc Anh phong tỏa vì Covid-19 hồi năm 2020.

    Tuy nhiên, nhiều bộ trưởng còn lại trong nội các vẫn ủng hộ ông Johnson. Ngoại trưởng Liz Truss khẳng định bà "ủng hộ Thủ tướng 100%". Ông Johnson nhiều khả năng sẽ phải tiến hành một cuộc cải tổ nội các để thay thế các vị trí còn trống sau loạt đơn xin từ chức.

    Sức ép với Thủ tướng Johnson được cho là sẽ tăng thêm khi các nhà kinh tế dự đoán Anh có nguy cơ bước vào thời kỳ suy thoái vì những bất ổn hiện nay liên quan đến tình trạng lạm phát và khủng hoảng nhiên liệu toàn cầu.

    VnExpress (Theo AFP, Guardian)

  • Bộ trưởng Y tế và Tài chính Anh ngày 5/7 nộp đơn xin từ chức vì không hài lòng với cách điều hành chính quyền của Thủ tướng Boris Johnson.

    "Với tôi, từ chức trong lúc thế giới đang đối mặt với những hậu quả kinh tế của đại dịch, cuộc xung đột ở Ukraine cùng những thách thức nghiêm trọng khác không phải một quyết định dễ dàng", Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak cho hay. "Công chúng thực sự mong đợi chính phủ được điều hành một cách đúng đắn, hợp lý và nghiêm túc. Tôi nhận ra đây có thể là chức bộ trưởng cuối cùng của mình, nhưng tôi tin rằng những tiêu chuẩn này đáng để đấu tranh và đó là lý do tôi từ chức".

    2 bo truong tu chuc 1
    Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak tại Phố Downing ở London hồi năm 2020. Ảnh: Reuters.

    Bộ trưởng Sunak được cho là có nhiều bất đồng với Thủ tướng Anh Boris Johnson về chi tiêu chính phủ. Ông nhận được nhiều lời khen ngợi vì cách phản ứng với tình trạng bất ổn kinh tế do đại dịch Covid-19, nhưng bị tổn hại uy tín nặng nề vì thông tin rằng vợ ông đã trốn một số loại thuế ở Anh.

    Bộ trưởng Y tế Sajid Javid trong khi đó cho biết nhiều nhà lập pháp Anh và công chúng đã mất niềm tin vào năng lực điều hành chính phủ vì lợi ích quốc gia của Thủ tướng Johnson.

    "Rõ ràng tình hình này sẽ không thay đổi dưới sự lãnh đạo của ngài và do đó ngài cũng đã đánh mất niềm tin của tôi", ông viết trong đơn từ chức gửi Thủ tướng Anh.

    Sau quyết định của Bộ trưởng Sunak và Javid, Thủ tướng Johnson đã lập tức bổ nhiệm Bộ trưởng Giáo dục Nadhim Zahawi làm Bộ trưởng Tài chính mới. Chánh văn phòng Nội các Anh Steve Barclay được điều động giữ chức Bộ trưởng Y tế.

    2 bo truong tu chuc 1
    Bộ trưởng Y tế Sajid Javid rời nhà riêng ở London hồi tháng 6/2021. Ảnh: Reuters.

    Ngoài Sunak và Javid, các bộ trưởng khác trong nội các của Thủ tướng Anh vẫn thể hiện ủng hộ ông. Ngoại trưởng Liz Truss, được coi là ứng viên hàng đầu thay thế Johnson, cho biết bà "ủng hộ Thủ tướng 100%".

    Thủ tướng Johnson đang đối mặt hàng loạt bê bối, đối mặt chỉ trích vì mở tiệc giữa lúc Anh phong tỏa vì Covid-19 hồi năm 2020. Các nhà kinh tế dự đoán Anh có nguy cơ bước vào thời kỳ suy thoái vì những bất ổn hiện nay liên quan đến tình trạng tăng giá và khủng hoảng nhiên liệu toàn cầu.

    VnExpress (theo Reuters)