• Gần phân nửa số nạn nhân của các vụ án bóc lột hình sự ở UK là các thiếu niên quốc tịch Anh dưới 18 tuổi. Phân tích do tổ chức tham mưu Centre for Social Justice (CSJ) và quỹ từ thiện Justice and Care tiến hành. 

    Báo cáo cho thấy bóc lột hình sự là hình thức nô lệ hiện đại phổ biến nhất ở Vương quốc Anh trong 4 năm qua. Các tổ chức đang kêu gọi chính phủ ban hành luật để thừa nhận các thiếu niên này là nạn nhân nô lệ hiện đại.

    Báo cáo cho thấy 45% nạn nhân bóc lột hình sự ở UK là bé trai quốc tịch Anh dưới 18 tuổi. Những nạn nhân còn lại cũng đều ở độ tuổi teen hoặc người trưởng thành có hoàn cảnh khó khăn. Họ bị dụ dỗ, ép buộc phạm tội vì lợi ích của người khác. 

    Tuy nhiên các hình thức bóc lột này lại không được chính quyền thừa nhận, rất nhiều những nạn nhân trẻ tuổi này bị xem là tội nhân. 

    Lạm dụng chất cấm, hoàn cảnh già đình, chán học, bị đuổi học, tình trạng đói nghèo đều là nguyên nhân đẩy con người vào nguy cơ bị lợi dụng, bóc lột. Báo cáo cho thấy 25% những người sống trong khu vực nghèo đói dễ trở thành nô lệ hiện đại, so với chỉ 15% ở những khu vực khá giả. 

    Cụ thể, các em dễ bị lôi kéo vào đường dây buôn bán ma túy liên tỉnh. Các em có thể bị đe dọa bằng bạo lực, bị thao túng hoặc bị ép buộc mắc nợ. Một số em bị buộc phải cất giữ vũ khí hoặc tài sản phạm tội tại nơi ở của mình. 

    Bài liên quan: Tiếng kêu cứu của những đứa trẻ tị nạn ở Anh

    Báo chí trong và ngoài nước Anh thời gian gần đây hướng chú ý về sự an toàn của người tị nạn tại quốc gia này. Từ vụ việc một người đàn ông ném bom xăng vào trại tị nạn ở Dover hồi cuối năm ngoái đến vụ nổi loạn do các phần tử cánh hữu tổ chức tại Knowsley, chưa bao giờ người tị nạn lại gặp nguy hiểm trên đất Anh như lúc này. Vậy nhưng theo nhiều chuyên gia, người tị nạn, đặc biệt là trẻ em tị nạn, chưa bao giờ thực sự an toàn tại đảo quốc sương mù.

    Tiếng kêu cứu của những đứa trẻ

    Theo luật pháp Anh, người tị nạn nước ngoài đến Anh mà không làm thủ tục từ trước sẽ phải ở tại trại tị nạn trong thời gian giấy tờ của họ được xử lý. Một phần vì chính sách cắt giảm nhân sự của chính phủ đảng Bảo thủ, một phần vì mức lương không hấp dẫn được người lao động mà bộ máy xử lý giấy tờ tị nạn thuộc chính quyền Anh không thể đuổi kịp được số người tị nạn đến nước này. Nhiều người tị nạn có thể phải chờ đến hơn một năm mới được xử lý giấy tờ. Đứng trước những trại tị nạn đã chật kín người, chính phủ Anh không còn sự lựa chọn nào khác là thuê phòng khách sạn để người tị nạn tạm trú.

    bi kich cua tre ti nan 1
    Cảnh sát Anh đột kích một cơ sở sản xuất sử dụng nô lệ trẻ em.

    Tại các khách sạn cho người tị nạn ở thành phố Brighton mới đây đã xảy ra một vấn đề khiến cả nước Anh phải sững sờ: 222 trẻ tị nạn đã bị bắt cóc khỏi nơi các em và gia đình đang trú ngụ. Đa phần các trẻ bị bắt cóc nằm trong độ tuổi 13-16 và đến từ Albania. Cảnh sát mới chỉ tìm thấy và đưa về gia đình 60 trẻ. Nhiều em cho biết mình đang đi bộ trên đường thì bị những người đàn ông lạ mặt bắt đi và chở đến những ngôi nhà để chờ đến ngày bị bán lại cho người khác.

    Điều kinh hoàng nhất là con số 231 vụ bắt cóc chỉ mới được tổng hợp từ tháng 7 năm 2021, và trước đó không biết đã có bao nhiêu vụ việc như vậy. Một vấn nạn kinh khủng như vậy nhưng công chúng lại không hay biết gì do thông tin bị cảnh sát và chính quyền địa phương giấu kín. Khi mọi chuyện vỡ lở, Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman và cơ quan dưới quyền bà đã phải chịu sự chỉ trích nặng nề từ quốc hội Anh vì tội thiếu trách nhiệm và không trung thực.

    Những trẻ tị nạn bị bắt cóc đã đi về đâu? Theo Quỹ Trẻ em & Vị thành niên (TACT), một tổ chức từ thiện hoạt động vì quyền trẻ em, thì đa số các nạn nhân bị buộc trở thành nô lệ: “Ở các trung tâm công nghiệp như Sheffield, Bristol và Milton Keynes có không ít cơ sở sản xuất đang sử dụng trẻ em bị bắt cóc làm nhân công. Họ sẵn sàng phạm luật chỉ để không phải trả thêm vài bảng mỗi tiếng cho người lớn làm... Các cơ sở sản xuất bắt đầu sử dụng lao động ngoại quốc với giá rẻ mạt kể từ khi chính phủ của ông Tony Blair nới lỏng các quy định lao động và mở cửa biên giới cho người nước ngoài đến từ những quốc gia EU khác. Brexit và sau đó là đại dịch khiến cho số người châu Âu muốn đến Anh làm việc giảm rất mạnh. Điều này lại càng khiến tội phạm bắt cóc thêm nhiều trẻ tị nạn, sau đó bán đi làm lao động khổ sai”.

    Các nguồn tin từ cảnh sát Anh cho biết có một sợi dây liên kết giữa trẻ em bị bắt cóc và những cơ sở sản xuất hàng giả. Thanh tra Neil Blackwood, chỉ huy Chiến dịch Vulcan của cảnh sát Anh nhằm chống hàng giả, cho biết: “Các băng nhóm tội phạm có thể bắt cóc 20, 30 trẻ em cùng một lúc. Thường chúng có “tay trong” trong các tổ chức đưa người tị nạn vượt biển trái phép lẫn đội ngũ phục vụ khách sạn nơi người tị nạn ở... Rất nhiều trẻ em tị nạn sẽ được đưa đến Cheetham Hill để lao động trong những cơ sở làm hàng giả. Mỗi cái túi xách, dây lưng hay son môi không rõ xuất xứ trên thị trường hoàn toàn có thể có dấu tay của trẻ em bị bắt cóc”.

    bi kich cua tre ti nan 1
    Một cuộc tuần hành của người Anh yêu cầu chính phủ phải có hành động bảo vệ trẻ em tị nạn.

    Phố Cheetham Hill tại thành phố Manchester được gọi là “thủ đô hàng giả” của nước Anh. Nơi đây từng là một trung tâm hàng may mặc lớn nhưng hiện nay còn sản xuất đủ thứ hàng hóa không nhãn mác xuất xứ. Trẻ em bị bắt cóc lao động và sinh hoạt ngay tại các nhà xưởng đặt dưới tầng hầm những ngôi nhà liền kề. Một lý do mà các cơ sở làm hàng giả tại Cheetham Hill sẵn sàng sử dụng trẻ em tị nạn làm người lao động là vì tại đây vốn có rất nhiều gia đình nhập cư từ Nam Á, Bắc Phi và vùng Caribe, tạo điều kiện cho tội phạm dễ dàng giấu  nạn nhân bắt cóc. Một đối tượng làm giấy tờ giả ở Manchester khai: “Phần đông khách hàng của tôi muốn mua thẻ căn cước và giấy khai sinh giả để biến trẻ em ngoại quốc thành trẻ em Anh. Có những gia đình mà có tận chục “đứa con” được “thêm thắt” vào”.

    Trong khi triển khai Chiến dịch Vulcan, cảnh sát Anh đã mở không ít chiến dịch đột kích vào những cơ sở làm hàng giả tại Manchester và giải cứu 46 trẻ tị nạn bị bắt cóc. Một em nhỏ Syria mô tả cảnh sống trong giam cầm của mình: “Chúng em ngủ dậy rồi đi làm, làm xong thì ăn rồi lại làm đến khi được cho phép ngủ. Mọi thứ chúng em làm đều theo lệnh của ông chủ. Đôi khi ông chủ lại bảo chúng em chạy sang những nhà khác trên phố để tránh cảnh sát... Ngày mà các chú cảnh sát đưa em ra ngoài, em không nhìn thấy gì một lúc vì lâu lắm rồi em không nhìn thấy ánh nắng mặt trời”.

    Ngoài Manchester, cảnh sát Anh còn tìm thấy trẻ tị nạn bị bắt cóc rồi đưa đến West Yorkshire, Cleveland, Nottingham, Merseyside, Somerset, Kent, London, Scotland và Xứ Wales. Không ít trẻ sau khi được bán cho cơ sở sản xuất, trang trại, v.v... bị đối xử tàn tệ, thậm chí là chịu tra tấn như trường hợp một em trai 16 tuổi từ Afghanistan bị buộc làm công cho một nhóm đối tượng trồng cần sa trái phép. Khi cảnh sát giải cứu được em nhỏ, trên người em có rất nhiều vết thương do bị đánh bởi dây thép gai. Một số vết thương đã nhiễm trùng vì không được rửa sạch và băng bó đúng cách. Nếu như nạn nhân còn ở trong chỗ “địa ngục trần gian” thêm một thời gian nữa, rất có thể mạng sống của em sẽ gặp nguy hiểm.

    Thảm cảnh và phản ứng

    Câu truyện của cậu bé người Afghanistan minh họa cho một vấn đề khác trong vấn nạn trẻ tị nạn bị bắt cóc tại Anh - Sức lao động của các em bị lạm dụng bởi tội phạm có tổ chức. Những băng nhóm buôn lậu, sản xuất - mua bán ma túy, cờ bạc, v.v... coi trẻ tị nạn như nguồn lao động hoàn hảo do các em dễ bị đe dọa làm theo lời chúng hơn là trẻ em Anh. Mặt khác, trong trường hợp các em bị bắt, rào cản ngôn ngữ và nỗi sợ nhà chức trách sẽ khiến các em gặp rất nhiều khó khăn nếu muốn hợp tác với cảnh sát.

    Bà Patricia Durr, giám đốc tổ chức chống buôn bán trẻ em ECPAT UK, trả lời phóng viên tờ The Guardian: “Nước Anh đang trải qua một cuộc khủng hoảng về chăm sóc trẻ em, và trẻ em tị nạn là các nạn nhân lớn nhất... Mục tiêu của tội phạm là tách rời các em khỏi gia đình cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Khi trẻ em bị “rơi tự do” như thế, các em sẽ sẵn sàng làm mọi việc mà người lớn yêu cầu.”

    bi kich cua tre ti nan 1
    Nhóm người tị nạn đi thuyền từ Pháp sang Anh.

    Một thanh tra giấu tên tại sở cảnh sát London cho biết: “Chỉ trong vòng một tuần qua chúng tôi đã bắt bốn trẻ em là người tị nạn vì tội móc túi. Cả bốn em đều là trẻ mất tích có gia đình đang trú tại các khách sạn ở Eastbourne. Hai trong số bốn em bị bắt cóc, còn hai trường hợp kia vì nghe dụ dỗ của kẻ xấu mà đi theo chúng. Tất cả đều bị bắt đi móc túi để có cái ăn”.

    Theo nhiều chuyên gia, không ít trẻ em tị nạn đang bị buộc làm việc trái ý mình trong quá trình sản xuất, chế biến và mua bán ma túy. Trong khi Nam Mỹ vẫn là nhà cung cấp heroin và ma túy tổng hợp lớn nhất tại Anh, nước này đang càng ngày dựa vào nguồn cung cần sa trong nước. Không khó để người Anh tìm mua trên mạng xã hội hạt cây cần sa, giàn lưới, đèn, v.v... để bắt đầu canh tác gai dầu. Và nguồn lao động chính là trẻ em tị nạn bị bắt cóc.

    Ngoài việc trồng, chăm sóc và thu hoạch ma túy, trẻ bắt cóc còn đang bị buộc tham gia buôn bán ma túy. Số liệu từ cảnh sát Manchester cho biết họ đang tạm giữ 16 trẻ em tị nạn mang trong người ma túy. Các em khai mình được giao việc đứng đường rao hàng hoặc mang ma túy đến chỗ khách hàng đặt. Bà Patricia Durr và ECPAT UK hiện đang tìm cách đưa các em đoàn tụ với gia đình. Bà Patricia cho biết: “Một em đang bị viêm phổi nặng vì hằng ngày phải đứng 10 tiếng ở góc đường để bán ma túy kể cả khi trời mưa. Em ấy nói rằng làm vậy thì một ngày được trả 20 bảng. Em gửi hết số tiền đấy về cho mẹ và sáu em gái đang ở khách sạn tại Kent”.

    Chưa hết, tội phạm băng đảng đang lôi kéo trẻ em tị nạn vào vòng xoáy bạo lực. Mới đây thôi một người phụ nữ đã bị đánh hội đồng đến bất tỉnh sau khi cãi nhau về giá với một cửa hàng bán túi xách ở Cheetham Hill. Hai ngày sau đó, bốn thiếu niên được đưa vào viện sau khi một nhóm 20 người xô xát có đổ máu vì vấn đề tranh giành địa bàn rửa tiền. Tất cả những đối tượng thực hiện hai tội ác nói trên đều là trẻ tị nạn đã gia nhập hai băng đảng Cheetham Hill và Gooch khét tiếng trong vùng. Hồi thập niên 1980, hai băng nhóm này từng không ít lần xô xát vũ trang hay thậm chí là ám sát thành viên của nhau. Ngày nay chúng bắt trẻ em tị nạn đổ máu thay chúng. Hậu quả đối với tính mạng và tương lai của các em khó mà ước lượng hết được.

    Cảnh sát Anh đang dồn hết sức vào vấn đề trẻ tị nạn bị bắt cóc và lạm dụng sức lao động. Chỉ riêng trong Chiến dịch Vulcan cảnh sát đã triệt phá 70 cơ sở sản xuất và buôn bán có sử dụng lao động trẻ em, tịch thu 260 tấn đồ giả và 218 kg ma túy cùng 250.000 bảng. Vậy nhưng theo chính ngài Mark Rowley, Ủy viên Cảnh sát Đô thị toàn Anh, thì: “Đây là một vấn đề xã hội mà một mình cảnh sát không thể giải quyết nổi”. “Chìa khóa” vấn đề nằm ở chỗ tháo gỡ việc dồn ứ giấy tờ nhập cư, giải quyết hành chính cho hàng trăm gia đình người tị nạn để họ sớm có cơ hội hòa nhập với xã hội thay vì ở trong tình cảnh “sống dở chết dở” như hiện nay.

    Theo CAND

    Viethome (theo Guardian)

  • trai can sa no le 1
    Một trại cần sa nằm trên đường Lorne Street, và một trại khác nằm trên đường Greta Street. Ảnh: Celveland Police

    Hai người bị nghi ngờ là nô lệ hiện đại đã được bảo vệ an toàn. Hai trại cần sa trị giá hơn £360,000 đã bị tịch thu ở Middlesbrough vào ngày 11/1/2024.

    Hội đồng Middlesbrough đã cảnh báo Sở Cảnh sát Cleveland về một mùi đáng ngờ, sau đó cảnh sát xác định được mùi này xuất phát từ một cơ sở trong một khu công nghiệp trên đường Lorne Street. 

    Một trại cần sa 212 cây với giá trị chợ đen ước tính £178,000 đã bị phát hiện. Một người đàn ông ngoài 30 tuổi đã được tìm thấy trong cơ sở này. Anh ta được xem là nạn nhân nô lệ hiện đại. Anh này đã được đưa vào bệnh viện để kiểm tra. 

    Sau đó, cảnh sát phát hiện thêm một trại cần sa thứ 2 nằm tại một khu công nghiệp khác trên đường Greta Street. Cảnh sát đã phá cửa vào và tìm thấy một người đàn ông ngoài 40 tuổi trong trại. Người này cũng được xem là nạn nhân buôn người và đã được hỗ trợ bởi lực lượng cảnh sát. Bên trong trại này có 225 cây với giá trị chợ đen ước tính là £189,000.

    trai can sa no le 1
    Có 225 cây trong một trại cần sa trên đường Greta Street. Ảnh: Cleveland Police

    Cảnh sát đã ngay lập tức bảo vệ những nạn nhân tiềm năng của nô lệ hiện đại, và các chuyên gia từ Đội chống bóc lột (Complex Exploitation Team) thuộc Sở Cảnh sát Cleveland đang tiến hành điều tra. 

    Thanh tra cảnh sát John Sproson cho biết: "Vụ việc này một lần nữa nhấn mạnh mối liên quan giữa hoạt động sản xuất cần sa và nô lệ hiện đại, cũng như nguồn tài chính cho các tội phạm có tổ chức. Những kẻ lợi dụng bóc lột người khác để phạm tội sẽ bị đưa ra ánh sáng công lý. Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi thông tin trình báo trong dân chúng. Nếu bạn cảm thấy có hoạt động ma túy đáng nghi trong khu vực của mình, hãy liên hệ với Sở Cảnh sát Cleveland hoặc Crimstoppers".

    Viethome (theo ITV News)

  • Một phụ nữ ở West Sussex đã bị bỏ tù vì tội bóc lột người khác như nô lệ hiện đại. Tòa án yêu cầu bà ta phải chi trả cho nạn nhân £200,000 tiền bồi thường cho những khoản thu nhập, trợ cấp và tiền bảo hiểm mà nạn nhân bị tước đoạt.

    Cảnh sát Sussex cho biết Farzana Kausar, 59 tuổi, ở Worthing, đã kiểm soát tài chính của một người phụ nữ yếu thế, thuyên chuyển nạn nhân giữa Sussex và London.

    Kausar bắt nạn nhân phải trông con cho mình, nấu ăn dọn dẹp nhà cửa mà không hề trả lương. Hành vi bóc lột kéo dài suốt 7 năm.  

    Vào tháng 12/2022, Kausar đã bị bỏ tù 6 năm 8 tháng vì tội bắt giữ người khác như nô lệ hiện đại, 

    Tại Tòa án Lewes Crown Court vào ngày 13/10/2023, Kausar được yêu cầu phải chi trả tổng cộng £198,000 cho nạn nhân, bao gồm tiền lương, các khoản trợ cấp nhà ở và trợ cấp chính phủ mà bà ta cướp của nạn nhân. Bà ta cũng phải đóng cho nạn nhân £7,000 tiền bảo hiểm quốc gia.

    Tòa án nhận thấy Farzana Kausar có đủ khả năng trả tiền bồi thường. Cô ta được cho 3 tháng để hoàn thành nghĩa vụ, nếu không án tù sẽ tăng nặng.

    Kausar, 59 tuổi, thường trú trên đường Selden Road ở Worthing, đã ép buộc một người phụ nữ 62 tuổi làm nô lệ trong suốt 7 năm, với một loạt các hành vi bạo hành thể chất và tinh thần.

    Kausar sẽ thuyên chuyển nạn nhân giữa Sussex và London, bắt nạn nhân phải trông con cho mình, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa và làm vô số việc không tên khác.

    Kausar sẽ đi cùng nạn nhân đến mọi cuộc hẹn khá bệnh, nói rằng mình là người chăm sóc của nạn nhân. Kausar cũng kiểm soát hoàn toàn tài chính của nạn nhân, mở các tài khoản ngân hàng dưới tên nạn nhân, tự ý rút tiền của nạn nhân, làm đơn xin hưởng trợ cấp dưới tên của nạn nhân.

    slave

    Tài khoản ngân hàng của nạn nhân được sử dụng để trả hóa đơn cho "đế chế" bất động sản của Kausar, và tên của nạn nhân được sử dụng để đăng kí cho chiếc xe của Kausar. Chiếc xe này được đăng kí cho người tàn tật sử dụng, cho phép cô ta đậu xe ở phần dành cho người tàn tật, và còn được miễn giảm thuế đường bộ.

    Cảnh sát nhận được thông tin chỉ điểm hồi tháng 5/2019, khi một bảo mẫu được Kausar thuê phát hiện một trong số những người giúp việc bị đối xử khác thường. Cô ta bị bạo hành, bị bắt phải làm mọi việc từ nhỏ đến lớn, và sống luôn tại nhà của Kausar.

    Cảnh sát tới nhà của Kausar thì phát hiện tất cả đồ đạc của nạn nhân đều đựng trong túi rác đen, nạn nhân phải ngủ trong phòng của trẻ em.

    Mọi giấy tờ của nạn nhân đều ở trong tay Kausar, bao gồm hộ chiếu và thẻ ngân hàng. Các giấy tờ này được cất trong một căn phòng khóa kín, cùng với các giấy tờ tài chính ghi tên của nạn nhân và một địa chỉ mà bà không biết.

    Kausar bị bắt vì tình nghi buôn nô lệ hiện đại và bạo hành người khác. Cô ta đã đã được phóng thích trong quá trình điều tra.

    Nạn nhân di chuyển qua lại giữa một ngôi nhà ở Brighton và một căn khác ở Hove. Ban đầu nạn nhân được sự hỗ trợ của các dịch vụ xã hội, nhưng sau đó nạn nhân biến mất. 

    Ngày 13/10/2022, một bồi thẩm đoàn chỉ mất 3 giờ để thừa nhận Kausar có tội.

    Viethome (Theo ITV News

  • Sẽ ngày càng nhiều người có nguy cơ trở thành nô lệ hiện đại trong các nông trại ở Anh nếu giới hạn tuyển dụng lao động mùa vụ được mở rộng, các chuyên gia về quyền của người lao động cảnh báo. Những lao động người Indonesia đến Uk theo diện visa lao động thời vụ. Họ phải gánh khoản nợ lên tới £5,000 cho mỗi mùa thu hoạch hoa quả ở Kent.

    Thủ tướng Liz Truss đang có ý định nới rộng số lượng lao động nước ngoài được tuyển đến UK để làm việc trong các vụ mùa nông nghiệp. Đây là một phần trong chính sách visa mà chính phủ đang xem xét để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động.

    Ý định này xuất hiện tại thời điểm mà nước Anh vẫn chưa có ủy viên chống nô lệ hiện đại, nhằm đánh giá các bất lợi đối với người lao động trong đường lối của chính phủ.

    Bà Sara Thornton từng là ủy viên chống nô lệ hiện đại, nhưng đến tháng 4/2022 bà đã thôi chức này. Bà cho biết chính phủ ''cần phải giải quyết nguy cơ người lao động bị lạm dụng, và nguy cơ nợ nần đối với họ'', trước khi mở rộng chính sách tuyển dụng lao động nước ngoài.

    lao dong thoi vu 2
    Ảnh minh họa: deJetleyMarks Photography

    Bà Thornton hiện là giáo sư về chính sách nô lệ hiện đại tại Đại học Nottingham, nói: ''Chúng ta phải thật thận trọng. Tôi hiểu rằng nước Anh cần lao động nhập cư, nhưng chính sách này chỉ đẩy những người nhập cư vào con đường bất lợi. Chính phủ cần đảm bảo họ không phải đóng các khoản phí tuyển dụng đắt đỏ. Chính phủ phải đảm bảo họ không lâm vào cảnh nợ nần chồng chất để đến được đây. Và họ phải được ký một hợp đồng bằng chính ngôn ngữ của họ. Và họ phải được tạo điều kiện để phản ánh môi trường làm việc của mình''.

    Chính sách cấp visa cho lao động mùa vụ đã được mở rộng nhanh chóng. Trong năm 2022 có 40,000 visa được cấp. Vào năm 2019 chỉ có 2,500 visa thí điểm được cấp.

    Brexit và chiến sự Ukraine khiến cho Vương quốc Anh buộc phải tuyển dụng lao động từ các quốc gia xa xôi hơn. Những quốc gia này có chính sách bảo vệ lao động yếu kém hơn so với châu Âu. Các chuyên gia cho biết sự gia tăng chi phí vé máy bay và visa cũng đủ khiến cho các lao động rơi vào cảnh nợ nần, chưa nói đến các khoản phí bóc lột khác.

    Guardian cho biết vào tháng 8-2022, các lao động Indonesia đến UK theo visa lao động thời vụ đều phải gánh khoản nợ lên tới £5,000 cho 1 mùa hái trái cây ở Kent. Một cuộc điều tra đang được Cơ quan chống Lạm dụng Lao động (Gangmasters and Labour Abuse Authority - GLAA) tiến hành.

    Tuy nhiên GLAA hiện đang đối mặt với việc cắt giảm ngân sách nghiêm trọng. Đến tháng 8 năm nay, họ chỉ mới kiểm tra được 12 trong số hơn 1,000 cơ sở tuyển dụng. Và họ phải mất hơn 10 tháng mới đánh giá được một doanh nghiệp có bóc lột lao động hay không. 

    Dù nạn bóc lột lao động ngày càng trầm trọng ở UK, nhưng ngân sách dành cho GLAA ngàng càng thu hẹp, từ 7 triệu bảng xuống chỉ còn £300,000 trong 5 năm qua. Với tình hình lạm phát hiện tại, ngân sách được tăng lên £500,000, nhưng vẫn không đủ để giải quyết vấn đề thiếu thốn nhân sự của chính cơ quan này.

    Ngoài ra, GLAA còn làm nhiệm vụ cấp phép cho các doanh nghiệp tuyển dụng lao động nước ngoài. Nếu không có giấy phép từ GLAA, doanh nghiệp sẽ không được phép tuyển lao động nước ngoài để đưa tới các nông trại, nhà máy...

    Do đó nếu chính phủ mở rộng chính sách tuyển dụng lao động nước ngoài, thì nguy cơ sẽ có nhiều người hơn rơi vào tình trạng nô lệ lao động, đặc biệt là lâm vào cảnh nợ nần. Do đó, chính phủ cần phải tăng nhân lực cho đội ngũ giám sát doanh nghiệp.

    Người phát ngôn chính phủ nói: ''Lộ trình tăng cường tuyển dụng lao động nước ngoài đã vận hành được 3 năm và mỗi năm đều có cải thiện để ngăn ngừa nạn bóc lột lao động, nâng cao điều kiện lao động cho người có visa vào Anh. Chính phủ Anh rất chú trọng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động nhập cư''.

    Viethome (theo Guardian)

  • Báo cáo từ các tổ chức cho thấy khoảng 50 triệu người trên thế giới đang là nô lệ hiện đại, với nguyên nhân là Covid-19, xung đột vũ trang.

    Khoảng 50 triệu người trên thế giới được cho đang là nạn nhân của hôn nhân cưỡng bức và lao động cưỡng bức, tăng 25% so với năm 2016, theo báo cáo được công bố ngày 12/9 bởi Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), tổ chức độc lập vì nhân quyền Walk Free và Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM).

    no le hien dai toan cau
    Một người bị bắt vì tình nghi giam giữ nô lệ hiện đại. Ảnh: The Times UK

    Nô lệ hiện đại thường đề cập đến hôn nhân cưỡng bức và lao động cưỡng bức, khi một người không thể từ chối tuân thủ hoặc chạy trốn vì bị đe dọa, bạo lực và lừa đảo. Các nhà nghiên cứu đã thực hiện khảo sát tại hơn 180 quốc gia và đưa ra kết luận trên.

    Báo cáo ước tính 22 triệu người đang trong các cuộc hôn nhân cưỡng bức, tăng 43% so với năm 2016. Hơn 2/3 trong số này là phụ nữ và các bé gái. Số trường hợp hôn nhân cưỡng bức tăng tại châu Á và Thái Bình Dương. Nếu tính theo quy mô dân số, các nhà nghiên cứu thấy tình trạng này phổ biến hơn ở các nước Arab.

    no le hien dai toan cau
    Trẻ em Afghanistan làm việc tại một lò gạch ở thủ đô Kabul ngày 21/7/2016. Ảnh: AFP

    Số người lao động cưỡng bức tăng 11% lên 28 triệu người, cứ 8 trường hợp thì có một trường hợp là trẻ em, khiến vấn đề này trở nên "đặc biệt cấp bách". Hơn nửa số trẻ em bị bóc lột tình dục.

    "Các nghiên cứu định tính chỉ ra rằng trẻ em có thể bị đe dọa và lạm dụng dưới nhiều hình thức nghiêm trọng như bắt cóc, đánh thuốc mê, giam cầm, lừa đảo và thao túng nợ", theo báo cáo. "Một số trường hợp lạm dụng tồi tệ nhất xảy ra trong các tình huống xung đột vũ trang".

    Khoảng 86% trường hợp lao động cưỡng bức được phát hiện trong lĩnh vực tư nhân ngành sản xuất, xây dựng và nông nghiệp, với châu Á và Thái Bình Dương chiếm hơn 50% tổng số toàn cầu.

    Theo báo cáo, đại dịch Covid-19, các cuộc xung đột vũ trang và khủng hoảng khí hậu đã tạo ra "sự gián đoạn chưa từng có" về việc làm và giáo dục, dẫn đến tình trạng đói nghèo, nhập cư không an toàn và bạo lực giới tính gia tăng.

    Tuy nhiên, tổng giám đốc ILO Guy Ryder cho rằng "không có gì có thể biện minh cho sự lạm dụng nhân quyền dai dẳng này".

    Báo cáo nhận định có thể giảm đáng kể, hoặc chấm dứt tình trạng nô lệ hiện đại trong tương lai bằng luật pháp tốt hơn, sự bảo vệ pháp luật mạnh hơn và tăng cường ủng hộ phụ nữ, các bé gái, người dễ tổn thương.

    "Chúng ta biết cần phải làm gì và có thể làm được gì. Các chính sách và quy định quốc gia hiệu quả chính là nền tảng. Nhưng các chính phủ không thể làm việc này một mình", ông nói.

    VnExpress (theo CNN)

  • Ước tính có 10.000 nạn nhân nô lệ hiện đại ở Anh. Tình trạng của họ trở thành tâm điểm chú ý vào tuần trước khi một nhà vô địch điền kinh hé lộ quá khứ của mình.

    Hành trình thật khủng khiếp. Trong 24 giờ, Hardeep* cuộn gấp người trong cái hộp sắt tối thui, kín mít, giấu trong xe tải trên phà tới Dover.

    Bụng anh réo ầm ĩ, cổ họng khô rát và khó thở, nhưng đến lúc này, không còn đường lui nữa. Người đàn ông 30 tuổi không chỉ nóng lòng để được gặp đứa con trai bé bỏng của mình, mà tài xế còn nói rõ rằng ông ta sẽ bắn Hardeep và chôn xác anh trong rừng nếu Hardeep không chịu trèo vào chiếc container nhỏ.

    phat hien chan dong 1
    Các tổ chức từ thiện kêu gọi chính phủ Anh loại bỏ cách tiếp cận thù địch với người tị nạn. Ảnh: Telegraph.

    “Họ nói với tôi rằng sẽ không ai biết [nếu tôi chết] vì tôi không có giấy tờ tùy thân”, Hardeep nói với Telegraph. "Tôi không thể nói không, vì tôi muốn gặp con trai mình".

    Hardeep sống sót sau cuộc hành trình, đến Anh vào năm 2017, nơi anh được gặp bố vợ của mình. Anh được đưa đến làm việc trong một nhà hàng ở vùng trung du. Tại đó, Hardeep bị cưỡng ép làm việc, bị ngược đãi về thể chất, lời nói và tâm lý.

    “Một ngày nọ, tôi từ nhà hàng về nhà và các tài liệu, điện thoại di động và máy tính xách tay của tôi đều biến mất”, anh nói. “Họ hắt dầu sôi vào tôi. Dấu vết vẫn còn trên tay tôi dù 5 năm đã trôi qua. Mỗi ngày tôi chỉ được ăn một lần. Họ không bao giờ cho tôi ăn trong nhà hàng. Cuộc sống của tôi đã trôi qua như vậy”.

    Tội ác dưới nhiều hình thức

    Ước tính có 10.000 nạn nhân nô lệ thời hiện đại ở Anh. Tình trạng của họ trở thành tâm điểm chú ý vào tuần trước, khi Sir Mo Farah - hay Hussein Abdi Kahin - tiết lộ rằng anh từng bị một người lạ mặt buôn bán sang Anh từ Đông Phi năm 9 tuổi. Khi đến đây, nhà vô địch điền kinh buộc phải trông con cho một gia đình khác ở Hounslow, phía tây London.

    Ngôi sao Olympic cho biết anh đã kể lại câu chuyện của mình trong bộ phim tài liệu của BBC vì không còn có thể “giấu kín” những gì đã xảy ra với bản thân, và anh muốn nâng cao sự nhận thức đối với vấn đề nô lệ hiện đại trên khắp nước Anh. Và tới nay, các tổ chức từ thiện cho biết họ nhận thấy có nhiều người hơn tiếp cận để biết về nô lệ hiện đại, và tìm hiểu cách giúp đỡ.

    Jamie Fookes, điều phối viên nhóm giám sát chống buôn người tại tổ chức Anti-Slavery International, chia sẻ: “Sự dũng cảm của Sir Mo Farah khi chia sẻ trải nghiệm nạn nhân của buôn người và nô lệ giúp việc gia đình đã khơi dậy cuộc trò chuyện công khai về nô lệ hiện đại ở Anh.

    “Vương quốc Anh hiện chưa cung cấp mức hỗ trợ cần thiết cho tất cả nạn nhân nô lệ và buôn người. Vì vậy chúng tôi hy vọng rằng câu chuyện của Sir Mo Farah sẽ giúp cải thiện cách chính phủ đối xử và hỗ trợ hàng nghìn nạn nhân ở nước này”, ông Fookes nói thêm.

    phat hien chan dong 1
    Sir Mo Farah - hay Hussein Abdi Kahin - tiết lộ rằng anh từng bị một người lạ mặt buôn bán sang Anh từ Đông Phi năm 9 tuổi. Ảnh: Telegraph.

    Nô lệ hiện đại có thể diễn ra dưới nhiều hình thức, mặc dù bóc lột phạm tội là hình thức thường thấy nhất, theo ghi nhận của Bộ Nội vụ Anh năm 2021.

    Ông Fookes cho biết: “Một tỷ lệ đáng kể trường hợp bóc lột trẻ em phạm tội ở Anh liên quan đến các vụ án, nơi trẻ em có thể bị các băng nhóm lợi dụng để vận chuyển chất bất hợp pháp”.

    “Đối với người lớn, tình trạng bóc lột sức lao động là phổ biến nhất, lên tới 32% số trường hợp. Sự bóc lột sức lao động này có thể dưới hình thức giúp việc gia đình, làm nông nghiệp, tiệm thẩm mỹ và rửa xe”, ông Fookes nêu rõ.

    Tuy nhiên, bất chấp nhận thức về vấn đề ngày càng gia tăng, các tổ chức từ thiện cảnh báo rằng môi trường không thân thiện của chính phủ đối với những người xin tị nạn và người tị nạn đồng nghĩa với thực tế là các nạn nhân của nô lệ hiện đại và buôn người thường lo sợ Bộ Nội vụ sẽ đối xử với họ tệ hơn những tội phạm buôn người.

    Khi các nạn nhân tiết lộ tình trạng nô lệ hoặc là nạn nhân của tội phạm buôn người, nhiều người sẽ thấy mình không nhận được tin tưởng, có nguy cơ bị giam giữ, xua đuổi, hoặc bị giới chức tống giam.

    “Hệ thống ở đất nước này rất hay phán xét người nhập cư”, Hardeep nói.

    “Các chính trị gia đang làm cho điều đó trở nên tồi tệ đối với những người như tôi. Một nhân vật tầm cỡ vừa tiết lộ rằng anh ta từng là nạn nhân buôn người và làm nô lệ. Tiếng nói của tôi không có ở đó. Nếu đó là tôi, tôi sẽ ngồi trong trung tâm trục xuất”, Hardeep bày tỏ quan điểm, trong đó đề cập tới trường hợp của Sir Mo Farah.

    Mắc kẹt trong vòng xoáy nô lệ

    Hardeep lớn lên ở Bangladesh, trước khi đến Anh vào năm 2009 để học đại học và thoát khỏi một cuộc xung đột gia đình nguy hiểm tại quê nhà. Khi thị thực du học của anh đến hạn, Hardeep khát khao được ở lại. Và tình cảnh của Hardeep đã bị một người nào đó có liên hệ với Đại sứ quán Bangladesh lợi dụng.

    “[Ông ta] nói nếu tôi trả góp 18.000 bảng Anh, ông ta sẽ cung cấp hộ chiếu mới và tên mới cho tôi”, Hardeep kể lại. “Tôi đã bị mắc kẹt và không có bất kỳ lựa chọn nào. Tôi không biết gì về tị nạn".

    Khi không còn khả năng trả tiền cho người đàn ông này vào năm 2015, Hardeep đã bị trình báo tới cảnh sát, bị bắt giữ và được yêu cầu rời khỏi nước Anh ngay lập tức.

    Không thể quay trở lại Bangladesh, nơi tính mạng của bản thân đang đối mặt nguy hiểm, Hardeep cuối cùng đã đến Bồ Đào Nha. Tại đây, Hardeep kết hôn với con gái của một gia đình người Anh gốc Bangladesh.

    Tuy nhiên, ngay sau khi vợ của Hardeep có thai, tình hình ngày càng xấu đi. Vợ của Hardeep đã trở lại Vương quốc Anh và hứa sẽ thu xếp thị thực vợ chồng. Điều đó chưa bao giờ thành hiện thực.

    Và hành trình khốn khổ đã đến. Hardeep đã bị nhét vào chiếc container trên xe tải từ Paris tới Bỉ để bắt chuyến phà sang Anh.

    Trong năm tiếp theo, Hardeep bị mắc kẹt, không có thị thực và rơi vào vòng xoáy nô lệ hiện đại. Khi bị vợ ném một chiếc tã bẩn vào mặt năm 2018, Hardeep đã “vỡ vụn”. Anh vào phòng tắm với chiếc điện thoại không dây tại nhà và gọi cho Đường dây Trợ giúp Nô lệ hiện đại.

    Mặc dù những tháng và năm sau cuộc giải cứu là khoảng thời gian Hardeep thoát khỏi bị lạm dụng, việc đối mặt với những rào cản dường như vô tận trong hệ thống nhập cư của Vương quốc Anh thật sự khó khăn.

    Bộ Nội vụ áp lên Hardeep một lệnh cấm học tập. Lệnh này được gỡ bỏ sau khi Hardeep kháng cáo thành công. Anh tiếp tục duy trì cuộc sống với mức thu nhập 40 bảng mỗi tuần.

    Kể từ Đạo luật về Nô lệ hiện đại ra đời năm 2015, đã có những tiến bộ trong việc hỗ trợ và bảo vệ các nạn nhân, người sống sót của nạn nô lệ hiện đại và buôn người trên khắp nước Anh. Tuy nhiên, những người làm việc trong lĩnh vực này lo ngại rằng Đạo luật Quốc tịch và Biên giới, được thông qua vào tháng 5, sẽ là một bước lùi.

    Ông Fookes nói: “Nếu chính phủ nghiêm túc trong việc ngăn chặn nạn buôn người, họ có thể thực hiện các biện pháp chủ động hơn để xây dựng Đạo luật về Nô lệ hiện đại".

    “Có thể kết hợp chính sách Cộng đồng châu Âu Chống buôn người vào luật nội địa của Vương quốc Anh, tăng tài trợ cho các dịch vụ địa phương được thiết kế để giải quyết vấn đề nô lệ, thực hiện phương pháp tiếp cận chủ động trong việc xác định và hỗ trợ nạn nhân, tăng cường truy tố những tội phạm buôn người bằng cách đảm bảo nạn nhân của họ có thể theo đuổi công lý một cách an toàn với sự hỗ trợ”.

    Thái độ thù địch nhằm vào người tị nạn

    Quan trọng nhất là các tổ chức từ thiện muốn thấy chính phủ chấm dứt tình trạng buôn lậu, buôn người, đồng thời loại bỏ cách tiếp thù địch ra khỏi việc bảo vệ chống buôn người. Các nạn nhân cũng cần một nơi an toàn để phục hồi.

    Bà Mischa Macaskill của City Hearts, một tổ chức từ thiện ở nam Yorkshire hỗ trợ các nạn nhân nô lệ hiện đại, cho biết: “Những người sống sót thường được đặt ở một vị trí không xác định với những người mà họ không biết khi họ được đưa vào nơi an toàn”.

    “Họ cần thời gian để xử lý những gì đã xảy ra với bản thân, thời gian để chia sẻ nó theo cách riêng của họ. Lời khuyên pháp lý có thể bước tiếp cận là rất quan trọng để ngăn ngừa tổn hại thêm. Nơi ở ổn định và hỗ trợ thu nhập cũng rất quan trọng, vì nó cho phép họ tiếp cận tư vấn hoặc liệu pháp chấn thương tâm lý một cách an toàn”.

    Phản hồi những lời chỉ trích, người phát ngôn của Bộ Nội vụ nhấn mạnh rằng Vương quốc Anh “đã bỏ xa thế giới trong việc bảo vệ các nạn nhân của nô lệ hiện đại”.

    “Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ những người đã phải chịu đựng sự lạm dụng không thể chịu đựng được dưới bàn tay tội phạm và những kẻ buôn người, bất kể hoàn cảnh của họ như thế nào”, người phát ngôn khẳng định.

    “Dự án ‘The Modern Slavery Victim Care Contract’ trị giá hơn 300 triệu bảng Anh, cung cấp hỗ trợ chuyên môn cho hàng nghìn nạn nhân trưởng thành trong khi Đạo luật chống Nô lệ hiện đại xác định thủ phạm phải đối mặt với mức án chung thân”, người này nhấn mạnh.

    Đối với Hardeep, có một số hy vọng ở phía chân trời - City Hearts đã đưa anh vào một ngôi nhà an toàn và cung cấp một nhân viên phụ trách hiệu quả. Hardeep vừa hoàn thành năm thứ hai đại học để lấy bằng luật, và đang chờ quyết định tị nạn cuối cùng.

    Các tổ chức từ thiện hy vọng rằng sự lên tiếng gần đây của Mo Farah sẽ giúp được hàng nghìn người cùng cảngộ, bằng cách nâng cao nhận thức về nô lệ hiện đại và gây áp lực lớn hơn lên chính phủ.

    (*) Tên nhân vật được thay đổi để tránh gây nguy hiểm cho nạn nhân.

    Theo Zing

  • Sinh viên sang Anh theo thị thực du học bỗng biến mất rồi xuất hiện cách trường hàng trăm km, bị bóc lột sức lao động như nô lệ.

    Các đại học ở Anh được kêu gọi cảnh giác cao độ với nạn buôn người sau khi nhiều nạn nhân bị nghi ngờ đến Anh bằng thị thực sinh viên rồi biến mất và được phát hiện đang bị bóc lột lao động ở khu vực cách trường hàng trăm km.

    greenwich dh
    Sinh viên quốc tế từ Ấn Độ đến Anh để theo học ĐH Greenwich nhưng được phát hiện tại trung tâm dịch vụ chăm sóc ở xứ Wales.

    Du học sinh trở thành nô lệ

    Observer dẫn báo cáo của Cơ quan Quản lý vấn đề lạm dụng lao động và thuê lao động trái phép (GLAA) cho biết trong một vụ gần đây, du học sinh người Ấn Độ tại các trường ĐH Greenwich, Chester and Teesside dừng theo học khi chỉ mới đến Anh được thời gian ngắn.

    Những người này sau đó được tìm thấy tại một trung tâm dịch vụ chăm sóc (thường dành cho người già và người khuyết tật) ở xứ Wales. Họ sống trong điều kiện bần cùng. 12 người chen chúc trong một căn phòng nhưng chỉ có 3 chiếc giường. Không những vậy, họ phải làm việc đến 80 tiếng/tuần, nhiều hôm tăng ca gấp đôi song chỉ nhận lương dưới mức tối thiểu.

    "Các sinh viên ít hoặc không vào lớp. Trong một số trường hợp, người lạ đăng nhập vào lớp học trực tuyến để đánh lừa trường rằng sinh viên quốc tế vẫn theo học", báo cáo trên cho hay.

    Theo The Guardian, cuộc điều tra của Observer đã phát hiện các nạn nhân thường bị bóc lột lao động tại các trung tâm chăm sóc tại nhà trên khắp nước Anh.

    Người từ Ấn Độ, Philippines và các quốc gia ở châu Phi phải trả phí tuyển dụng bất hợp pháp lên tới 18.000 bảng Anh (hơn 500 triệu đồng). Một số trường hợp bị ép làm việc không lương để trả dần số nợ này. Họ còn bị tịch thu hộ chiếu.

    Trong những người đó, nhiều người được cho đến Anh bằng thị thực lao động có tay nghề, hợp pháp do Bộ Nội vụ Anh cấp nhằm giảm tình trạng thiếu hụt lao động trong lĩnh vực chăm sóc người già.

    Các bằng chứng mới phát hiện gần đây tiết lộ con đường khác mà kẻ buôn người, hội lừa đảo lợi dụng để có người lao động giá rẻ.

    GLAA xác định trường hợp các công nhân chỉ được đào tạo trực tuyến 16 giờ đào tạo, hầu hết không trải qua kiểm tra lý lịch hình sự. Điều này làm tăng lo ngại rủi ro tiềm ẩn đối với người già và người khuyết tật. Các công ty dịch vụ chăm sóc thuê người mà không hề biết về lý lịch của họ vì bên môi giới cung cấp thông tin sai lệch.

    Trong một trường hợp sử dụng lao động trái phép khác, họ phát hiện nhiều sinh viên sống trong một khu nhà ở Birmingham. Những người này cũng bị tịch thu hộ chiếu và bóc lột sức lao động. Tổ chức từ thiện Unseen UK đánh giá đây là đường dây nô lệ hiện đại.

    Các sinh viên này là người Ấn Độ, không biết mấy từ tiếng Anh. Họ phải làm việc theo ca kéo dài 24 tiếng, không được nghỉ giải lao và nhận mức lương thấp đến mức không đủ tiền ăn. Cảnh sát đã tiếp nhận và đang xử lý trường hợp này.

    Bà Meri Åhlberg, Giám đốc Nghiên cứu tại tổ chức từ thiện Focus on Labour Exploitation, cho biết trong bối cảnh Anh thiếu người lao động, mối lo về nạn bóc lột người nước ngoài sang làm việc bất hợp pháp theo thị thực sinh viên ngày càng gia tăng.

    "Nhiều sinh viên chịu áp lực, phải làm việc trái với quy định trong thị thực của họ. Điều này khiến họ dễ bị bóc lột khi chủ lao động dọa báo lên cơ quan quản lý nhập cư hoặc bị tước quyền sống ở Anh", bà Meri Åhlberg nói.

    Ngăn chặn tình trạng bóc lột lao động sinh viên

    Từ những vụ việc trên, các tổ chức kêu gọi tăng cường giám sát thị thực sinh viên và trường đại học cần nâng cao cảnh giác. GLAA lưu ý trường cần xem xét kỹ việc đăng ký xét tuyển, tham gia học, đóng các loại phí của du học sinh để xác định liệu đó có phải nạn bóc lột lao động núp bóng du học.

    Rights Lab của ĐH Nottingham - nhóm nghiên cứu lớn nhất về nô lệ hiện đại - cho rằng việc xét tuyển sinh viên quốc tế là lĩnh vực rủi ro cao tại các trường đại học ở Anh. Trong một báo cáo gần đây, họ cảnh báo thị thực sinh viên có thể được sử dụng làm vỏ bọc cho nạn buôn người.

    Bất chấp rủi ro gia tăng, theo chuyên gia tại Rights Lab, nhận thức về đối tượng sinh viên yếu thế còn hạn chế khi chỉ 7,7% trường đại học mà họ khảo sát có chương trình đào tạo nhân viên chuyên về mảng hỗ trợ người học.

    Rights Lab cũng được đưa kế hoạch chi tiết nhằm giúp các trường giải quyết vấn nạn nô lệ hiện đại, khuyến nghị trường tăng cường đào tạo nhân viên và có các nhóm hỗ trợ hoạt động tích cực.

    Theo Cơ quan Thống kê Giáo dục Đại học, sinh viên quốc tế là nguồn thu chính của các trường đại học. Năm học 2020-2021, Anh có khoảng 605.130 du học sinh. Trong đó, 3/4 người đến từ các nước ngoài EU. Viện Nghiên cứu Tài khóa ước tính học phí từ sinh viên quốc tế chiếm khoảng 17% tổng thu của ngành giáo dục.

    Các đại học hoạt động hợp pháp có thể bảo lãnh sinh viên đến Anh học tập với điều kiện người đó trúng tuyển một khóa học và đủ điều kiện tài chính đủ để lo cho bản thân, chi trả sinh hoạt phí và thành thạo tiếng Anh. Trường có trách nhiệm theo dõi quá trình học tập, sinh sống của sinh viên quốc tế khi họ đến Anh.

    Trước thông tin đường dây buôn người núp bóng việc cấp thị thực cho sinh viên quốc tế, tổ chức các trường đại học ở Anh Universities UK cho rằng tỷ lệ sinh viên bị bóc lột lao động rất thấp. Các trường đã thực hiện "vượt mức yêu cầu" từ Bộ Nội vụ để ngăn chặn tình trạng sinh viên bị bóc lột.

    Universities UK cũng khuyến nghị các trường thực hiện các bước bổ sung như gọi điện sàng lọc nhằm đảm bảo ứng viên là người muốn và đủ điều kiện theo học, tăng số tiền đặt cọc.

    Là một trong những trường có sinh viên quốc tế bị bóc lột lao động, ĐH Teesside vẫn khẳng định họ có quy định nghiêm ngặt về an toàn và phúc lợi cho sinh viên. Họ thường xuyên theo dõi mức độ chuyên cần của người học, đồng thời có kênh hỗ trợ sinh viên.

    Đại diện phát ngôn của Bộ Nội vụ thông tin thêm cuộc kiểm tra gần đây cho thấy quy trình của ĐH Teesside tuân thủ các tiêu chuẩn cần thiết.

    Guardian cũng liên hệ 2 trường khác liên quan đến nạn sinh viên quốc tế bị bóc lột sức lao động là ĐH Chester và Greenwich để xin thông tin, phản hồi vụ việc.

    "Những kẻ ép người khác trở thành nô lệ sẽ bị đưa ra công lý. Chúng tôi đã trao quyền hạn, nguồn lực cho các cơ quan thực thi pháp luật để họ hành động khi phát hiện tình trạng bóc lột lao động", đại diện Bộ Nội vụ Anh nhấn mạnh.

    Zing (theo Guardian)

  • Maros Tancos và Joanna Gomulska đã đưa trái phép ít nhất 29 người đến Anh quốc sau khi hứa hẹn với họ về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Các nạn nhân bị giam giữ như những ''tù nhân'' trong một căn nhà tồi tàn. Họ phải làm việc mà không được trả công. Toàn bộ tiền công của họ đều bị cặp đôi sử dụng để mua sắm xe cộ và chơi bài bạc. 

    Cặp đôi này đã bị bỏ tù 25 năm vì tội giam giữ nô lệ hiện đại trong một căn nhà bẩn thỉu ở Bristol, nơi được gọi là ''cánh cổng đến địa ngục''.

    Maros Tancos và Joanna Gomulska đã buôn 29 người dễ bị tổn thương đến UK. Một vài người trong số này lớn lên ở các trại trẻ mồ côi tại Slovakia. Cặp đôi hứa hẹn sẽ cho họ một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng thực tế, những người này bị giam giữ như ''tù nhân'', bị đánh đập và dọa giết.

    Các nạn nhân phải làm việc không công tại tiệm rửa xe của Tancos ở Bristol. Vào ban đêm, họ phải làm thêm những công việc khác. Tiền bạc kiếm được đều bị cặp đôi tịch thu để mua sắm xe cộ và chơi bài bạc.

    Một nạn nhân bị bắt phải làm việc ở tiệm rửa xe dù đang bị gãy tay. Một người khác đã bỏ trốn sau khi dính bầu và sinh ra một đứa trẻ suy dinh dưỡng. 

    Tancos 45 tuổi và Gomulska 46 tuổi đã bị tòa án Bristol Crown Court kết tội buôn bán nô lệ hiện đại. Tancos bị tù 16 năm, còn Gomulska bị tù 9 năm.

    no le hien dai o bristol 1
    Maros Tancos (phải) và Joanna Gomulska

    Nhiều tội trạng bạo hành

    Thanh tra viên Mark Morrison thuộc Cục Phòng chống Tội phạm Quốc gia (NCA) cho biết các nạn nhân phải sống trong điều kiện tồi tàn, chăn mền bẩn thỉu trên sàn, thảm trải sàn dơ bẩn kinh tởm.

    Các nạn nhân trong độ tuổi 20-30, hầu hết là nam giới và không biết nói tiếng Anh. Một người bị dọa giết nếu định bỏ trốn. Ngôi nhà 3 phòng ngủ nhưng lúc nào cũng bị nhồi nhét tới 10 người. Tancos và Gomulska nhốt họ bên trong khi cả hai có việc đi ra ngoài. 

    no le hien dai o bristol 1
    Điều kiện sống của các nạn nhân ở Bristol. Ảnh: NCA

    Thanh tra viên Morrison nói: ''Cặp đôi bị cáo buộc nhiều tội trạng bạo hành, bao gồm đánh đập. Những tra tấn về mặt tinh thần mà các nạn nhân đã trải qua thật sự không thể chấp nhận được. 

    Tancos xuất thân từ Slovakia, đã móc nối đường dây với các trại trẻ mồ côi tại quê hương. Do đó hắn luôn có sẵn nguồn cung.

    no le hien dai o bristol 1
    Một số nạn nhân từng sống trong điều kiện thê thảm ở Slovakia trước khi đến UK. Ảnh: NCA

    no le hien dai o bristol 1
    Nơi ở bẩn thỉu tại Slovakia. Ảnh: NCA

    Những kẻ buôn người bị tóm như thế nào?

    Ngay khi đặt chân đến Anh, các nạn nhân đã bị Tancos và Gomulska kiểm soát. Không có tiền, họ cũng không có giấy tờ, điện thoại, thẻ ngân hàng. Tất cả đều bị Tancos và Gomulska tịch thu. Sau đó cặp đôi này dùng giấy tờ này để vay tiền và mở thẻ tín dụng dưới danh nghĩa các nạn nhân.

    Từ năm 2010 - 2017, gần 300,000 bảng đã được chuyển từ tài khoản của các nạn nhân. Tancos cũng không trả tiền công £923,000 cho những nô lệ làm việc tại tiệm rửa xe của hắn. 

    no le hien dai o bristol 1
    Tiệm rửa xe ở Bristol. Ảnh: NCA

    NCA đã được chính quyền Slovakia cảnh báo về vấn đề này vào năm 2017, rằng một người Slovakia đã ''trốn thoát khỏi tình trạng nô lệ'' tại một ngôi nhà ở Bristol. Báo cáo này đã dẫn tới một cuộc điều tra vào tháng 2/2017.

    Tancos và Gomulska bị bắt giữ vào tháng 7 cùng năm. 5 người đàn ông Slovakia được phát hiện trong nhà vào thời điểm bắt giữ.

    Theo Sky News

  • Người đàn ông sống trong nhà kho chật chội, tăm tối, lạnh lẽo và làm việc với đồng lương rẻ mạt suốt 40 năm, cho đến khi được giải cứu năm 2018.

    Ngày 3/10/2018, sau khi nhận tin tố giác qua điện thoại, cảnh sát khám xét một nhà kho nhỏ màu xanh lá cây tại Carlisle, Cumbria, tây bắc nước Anh. Họ phát hiện người đàn ông, khi đó 58 tuổi, sống trong không gian chật chội, không có hệ thống sưởi, chỉ có chiếc chăn bông bẩn trên sàn và một tivi cũ.

    Khi họ gõ cửa, nạn nhân tỏ ra thất thần và bị kích động, nói rằng ông đã ở đó 40 năm. Sau đó ông hỏi liệu có thể tắm rửa được không và chỉ ra bồn rửa nhà bếp cạnh nhà kho của mình.

    no le hien dai o anh 1
    Căn nhà kho bằng gỗ mà nạn nhân ở suốt 40 năm tại Cumbria, tây bắc nước Anh. Ảnh: PA.

    Cơ quan Quản lý Băng đảng và Tình trạng Lạm dụng Lao động (GLAA) cho biết nhà kho tồi tàn, chỉ có một cửa sổ không thể đóng hoàn toàn. Nó hoàn toàn chìm trong bóng tối khi các cánh cửa đóng lại. Họ cũng lưu ý một chiếc chuồng chó gần đó thậm chí ở trong tình trạng tốt hơn nhiều.

    Nạn nhân khai với các nhà điều tra rằng ông phải làm các công việc trong trang trại kể từ khi 16 tuổi và được trả khoảng 10 bảng (13,6 USD) mỗi ngày.

    Peter Swales Jr và cha là Peter Swailes bị cáo buộc ép buộc người khác làm nô lệ thời hiện đại. Cả hai ban đầu phủ nhận cáo buộc, nhưng Peter Swales Jr ngày 18/1 đã nhận tội tại Tòa án Carlisle Crown và đang chờ bản án, trong khi người cha đã qua đời năm ngoái ở tuổi 81, trước khi hầu tòa. Swailes, hiện được tại ngoại, sẽ ra tòa để nghe tuyên án vào ngày 4/2.

    "Nạn nhân đã bị bóc lột trong suốt cuộc đời trưởng thành của mình, cho đến vài năm trước. Ông ấy giờ đã ngoài 60. Trong suốt 4 thập kỷ, ông ấy bị giữ như nô lệ", điều tra viên cấp cao Martin Plimmer nói.

    Người đàn ông đã được chấp nhận vào Cơ chế Giới thiệu Quốc gia (NRM) của chính phủ, chương trình hỗ trợ nạn nhân nô lệ hiện đại, vào ngày được giải cứu và tiếp tục được chuyên gia hỗ trợ.

    "Trong suốt những năm tháng làm công tác thực thi pháp luật, tôi chưa từng thấy trường hợp nô lệ hiện đại nào bị bóc lột trong thời gian dài như vậy", Plimmer nói thêm. "Tôi cam kết đảm bảo ông ấy tiếp tục nhận được sự hỗ trợ mà ông ấy cần để có cuộc sống bình thường nhất có thể trong mọi hoàn cảnh".

    no le hien dai o anh 3
    Peter Swales Jr, kẻ đã cùng cha giam người đàn ông làm nô lệ suốt 40 năm. Ảnh: NCA

    VnExpress (theo Mirror)

  • Vào ngày thứ Bảy 2/5, Bộ trưởng Cộng đồng Robert Jenrick vừa công bố gói hỗ trợ 76 triệu bảng dành cho những người sống sót sau khi phải chịu đựng bạo lực gia đình, bạo lực tình dục, trẻ em dễ bị tổn thương cùng gia đình của các em, và nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại.

    Gói hỗ trợ trị giá 76 triệu bảng chưa từng có tiền lệ này nhằm mục đích đảm bảo những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội nhận được sự giúp đỡ mà họ cần trong đại dịch.

    Những đối tượng được trợ giúp bao gồm những người sống sót sau khi phải chịu đựng bạo lực gia đình, bạo lực tình dục và nô lệ hiện đại cũng như trẻ em và thanh thiếu niên dễ bị tổn thương.

    Các quy tắc cũng được thay đổi, cho phép những người rơi vào tình trạng vô gia cư do chạy trốn khỏi bạo lực gia được hội đồng nhà khu vực đưa vào diện ưu tiên cấp nhà ở - đảm bảo nhiều người sống sót sau bạo lực gia đình được tiếp cận với một ngôi nhà an toàn.

    Những tội ác này không bao giờ nên xảy ra, nhưng chính phủ hiểu rằng yêu cầu người dân ở nhà trong giai đoạn dịch bệnh sẽ gây căng thẳng cho một số người. Các tổ chức từ thiện tuyến đầu đã phải vật lộn để duy trì một số công việc của họ trong đại dịch và đồng thời, những người bị mắc kẹt trong các tình huống lạm dụng hoặc bóc lột sẽ phải đối mặt với nguy cơ cao hơn.

    Những người dễ bị tổn thương này cần phải được tiếp cận với sự giúp đỡ mà họ cần, bao gồm hỗ trợ thêm cho những người sống sót sau bạo lực gia đình và bạo lực tình dục, cung cấp không gian và chỗ ở an toàn hơn cho những người sống sót sau bạo lực gia đình và con cái họ. Bất cứ ai đang đối mặt với nguy cơ nên nhanh chóng liên hệ với cảnh sát.

    Khoản tài trợ này cũng sẽ giúp các tổ chức từ thiện tiền tuyến cung cấp các hỗ trợ khác nhau cho những người có nhu cầu, bao gồm thông qua các dịch vụ trực tuyến hoặc qua điện thoại, cũng như hỗ trợ trực tiếp cho các gia đình có trẻ em khuyết tật bằng cách cung cấp hàng hóa bao gồm các thiết bị gia dụng và đồ chơi giác quan.

    govuk schema placeholder 16x9 fcf616879a7b37970df4d2117de962e08f7d057674ef1af6063dcdd529424eee

    Gói tài trợ vừa được công bố là một phần của các biện pháp toàn diện hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong đại dịch. Chính phủ đang hợp tác chặt chẽ với các hội đồng, tổ chức từ thiện và các đối tác khác để đảm bảo họ nhận được sự hỗ trợ cần thiết.

    Bộ trưởng Cộng đồng Robert Jenric, cho biết: “Những người dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng của chúng ta nên tiếp tục nhận được sự hỗ trợ quan trọng mà họ cần trong đại dịch này.

    “Gói hỗ trợ hàng triệu bảng này là sự thúc đẩy dành cho các tổ chức từ thiện hoạt động trên tuyến đầu đang cung cấp hỗ trợ hoặc dịch vụ thường xuyên tại thời điểm chưa từng có này.

    “Điều này bao gồm hỗ trợ thiết yếu cho các nạn nhân bạo lực gia đình, những người phải sống trong sợ hãi ở nơi mà lẽ ra họ phải cảm thấy an toàn nhất - nhà của họ.”

    Bộ trưởng tài chính Rishi Sunak nói: “Bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội của chúng ta là việc rất quan trọng trong thời điểm khó khăn này. Trong khi việc ở nhà trong một thời gian dài là một thách thức đối với tất cả chúng ta, đối với một số người, nó lại là một kiểu vật lộn khác, diễn ra đằng sau cánh cửa đóng kín.

    “Đối với những người sống sót sau bạo lực gia đình, bạo lực tình dục và nô lệ hiện đại, khoản tài trợ này sẽ đảm bảo họ có thể tiếp tục nhận được sự hỗ trợ mà họ rất cần để xây dựng lại cuộc sống, cho dù đó là nơi ở an toàn hay tư vấn chuyên gia.”

    Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel cho biết: “Từ ngày đầu tiên bắt đầu tình trạng khẩn cấp y tế quốc gia, chúng tôi đã làm việc với chính phủ, cơ quan thực thi pháp luật và các tổ chức từ thiện, để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất khỏi bị lạm dụng.

    “Tôi đã rất vui mừng khi chúng tôi có thể chung tay cung cấp khoản tài trợ trị giá hàng triệu bảng này để giúp đảm bảo các dịch vụ quan trọng vẫn có thể đến được với các nạn nhân.”

    Lord Chancellor kiêm Bộ trưởng Tư pháp Robert Buckland QC MP phát biểu: “Bạo lực gia đình và bạo lực tình dục là tội ác và giờ đây, hơn bao giờ hết, các nạn nhân nên biết rằng họ không đơn độc.

    “Trong suốt đại dịch, chính phủ đã ưu tiên bảo vệ những người có nguy cơ bị lạm dụng và khoản hỗ trợ mới quan trọng này sẽ đảm bảo các dịch vụ trợ giúp luôn sẵn sàng khi cần thiết.

    “Bất chấp thời điểm thử thách này, chúng tôi sẽ luôn làm mọi thứ trong khả năng của mình để đưa thủ phạm ra trước công lý và sát cánh với những người đã phải trải nghiệm những tội ác kinh hoàng như vậy.”

    Bộ trưởng Giáo dục, ông Gavin Williamson nói: “Ưu tiên tuyệt đối của tôi là sự an toàn của những đứa trẻ dễ bị tổn thương và sự hỗ trợ mà các em nhận được trong suốt đại dịch này. Khi chúng ta hành động để khắc phục tình huốngchưa từng có này, tất cả chúng ta phải hợp tác cùng nhau để giữ an toàn cho trẻ em.

    “Cam kết tài chính này sẽ giúp những người ở tuyến đầu tiếp tục công việc quan trọng của họ trong các cộng đồng trên cả nước.”

    Bộ trưởng Văn hóa Oliver Dowden cho biết: “Các tổ chức từ thiện tuyệt vời của chúng ta đóng vai trò rất quan trọng trong nỗ lực quốc gia đánh bại coronavirus và khoản đầu tư này sẽ cung cấp hỗ trợ rất cần thiết cho một số người dễ bị tổn thương nhất ở Anh.

    “Đây là khoản phân bổ đầu tiên của số tiền 750 triệu bảng chưa từng có tiền lệ mà chính phủ cam kết cung cấp để các tổ chức từ thiện ở tuyến đầu có thể giúp đỡ những người có nhu cầu ngay bây giờ.”

    Khoản tài trợ này đến từ gói hỗ trợ trị giá 750 triệu bảng dành cho các tổ chức từ thiện do Thủ tướng công bố vào tháng trước, với mục đích đảm bảo họ có thể tiếp tục công việc quan trọng của mình trong đại dịch coronavirus.

    Bộ Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao chịu trách nhiệm điều hành phân bổ tài trợ để hỗ trợ các tổ chức từ thiện chuyên giúp đỡ những người dễ bị tổn thương trong cuộc khủng hoảng.

    Sau đây là thông tin mới nhất về các khoản hỗ trợ:

    Trẻ em dễ bị tổn thương: Tổng cộng 34,15 triệu bảng sẽ được chi để hỗ trợ bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương bao gồm trẻ em khuyết tật, những người bị bệnh nặng, người chăm sóc và trẻ em trong những năm đầu đời. Khoản tài trợ cũng sẽ cho phép các tổ chức từ thiện cung cấp các dịch vụ hỗ trợ theo những phương thức mới, ví dụ, sử dụng các giải pháp công nghệ và làm việc từ xa để giúp giải quyết các mối đe dọa tội phạm và giảm thiểu rủi ro cho trẻ em và thanh thiếu niên dễ bị tổn thương trong đại dịch coronavirus

    Những người sống sót sau bạo lực gia đình: 28 triệu bảng được sử dụng để giúp những người sống sót sau khi bị lạm dụng trong gia đình và con cái họ bằng cách cung cấp nhiều không gian an toàn hơn, chỗ ở và tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ trong đại dịch coronavirus.

    Những người sống sót sau bạo lực tình dục: 10 triệu bảng đã được công bố để hỗ trợ nạn nhân bạo lực tình dục tiếp cận với tư vấn và hỗ trợ thông qua việc phát triển công nghệ cho phép các tổ chức từ thiện cung cấp dịch vụ từ xa. Chính phủ cũng rót thêm 3 triệu bảng mỗi năm cho đến năm 2022, đồng thời tuyển dụng thêm nhiều Cố vấn Bạo lực Tình dục độc lập trên toàn quốc.

    Những người sống sót sau khi chịu cảnh nô lệ hiện đại: 1,73 triệu bảng sẽ được dành để cung cấp hỗ trợ khẩn cấp cho các tổ chức từ thiện nô lệ hiện đại. Khoản tài trợ này sẽ dành cho các cá nhân được hỗ trợ thông qua Hợp đồng chăm sóc nạn nhân nô lệ hiện đại và sẽ cho phép các nạn nhân nhận được chỗ ở an toàn do chính phủ tài trợ trong ba tháng tới, tiếp cận hỗ trợ tài chính, tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ từ xa và đảm bảo chúng ta có thể đáp ứng nhu cầu dịch vụ tăng cao trong giai đoạn này.

    Thông tin thêm

    Kế hoạch tài trợ được xây dựng và phân bổ như sau:

    • Bộ Nhà ở, Cộng đồng và Chính quyền Địa phương sẽ cung cấp 10 triệu bảng cho các dịch vụ lưu trú an toàn. Tài trợ này chỉ áp dụng cho nước Anh. Thông báo về việc tự động xem xét ưu tiên cấp nhà ở cũng chỉ áp dụng cho Anh.
    • Bộ Giáo dục sẽ cung cấp 26,4 triệu bảng để hỗ trợ trẻ em dễ bị tổn thương, bao gồm hỗ trợ cho các gia đình có trẻ em khuyết tật và bảo vệ những đứa trẻ dễ bị tổn thương bao gồm cả người chăm sóc và trẻ em trong những năm đầu đời. Khoản tài trợ này áp dụng cho Anh, ngoại trừ tài trợ cho Childline, được áp dụng cho toàn bộ Vương quốc Anh.
    • Bộ Tư pháp cung cấp 25 triệu bảng để giúp các nạn nhân bạo lực gia đình và bạo lực tình dục trong các dịch vụ hỗ trợ tiếp cận cộng đồng trong giai đoạn đại dịch, và đầu tư bổ sung thêm 3 triệu mỗi năm cho kế hoạch Cố vấn Bạo lực Tình dục Độc lập cho đến năm 2022. Khoản tài trợ này áp dụng cho Anh và xứ Wales.
    • Bộ Nội vụ sẽ cung cấp 3,8 triệu bảng cho các dịch vụ bạo lực gia đình và các dịch vụ nô lệ hiện đại tại cộng đồng, và để hỗ trợ thêm cho các tổ chức từ thiện nô lệ hiện đại đã bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát của coronavirus. Bộ Nội vụ sẽ hỗ trợ khẩn cấp 7,8 triệu bảng cho các tổ chức từ thiện chuyên giúp đỡ trẻ em dễ bị tổn thương bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát của coronavirus. Tài trợ này áp dụng cho Anh và xứ Wales.

    VietHome (Theo Gov.uk)

  • Người phụ nữ đã đi bộ suốt 26 tiếng đồng hồ và đón 3 chuyến xe buýt trước khi một người qua đường thấy lo lắng và gọi điện báo cảnh sát. 

    Một người phụ nữ Việt đã được tìm thấy trên đường Littleton Road ở Salford, sau khi trốn khỏi một ngôi nhà thuộc một khu vực khác cũng ở Greater Manchester.

    Cô đã xin người qua đường giúp đỡ sau khi trốn khỏi một ngôi nhà mà cô bị ép làm nô lệ tình dục. 

    Không biết ngôi nhà mà cô trốn thoát là ở đâu, nhưng cảnh sát cho biết cô đã đi bộ suốt 26 tiếng và đón 3 chiếc xe buýt trong khu vực. Ít nhất một trong 3 chuyến này kéo dài đến nửa tiếng.

    Cuối cùng, người dân đã cho cô thức ăn và tiền khi cô dũng cảm hỏi xin sự giúp đỡ.

    Cảnh sát đã tiến hành một cuộc điều tra vì có dấu hiệu bóc lột nô lệ thời hiện đại, và muốn nói chuyện với bất cứ ai đã gặp gỡ hoặc tiếp xúc với người phụ nữ này ở Manchester, trong khoảng thời gian từ 3h sáng ngày 4/3 tới 5h30 sáng ngày 5/3. 

    0 nguoi viet no le

    Thanh tra Yanica Weir thuộc Sở Cảnh sát Greater Manchester, quận Salford nói: ''Người phụ nữ đáng thương đã trải qua quảng thời gian khủng khiếp trong cuộc đời, và các chuyên viên của chúng tôi đã cố gắng giúp đỡ cô vượt ra giai đoạn khó khăn này. 

    ''Tôi kêu gọi bất cứ ai đã giúp người phụ nữ này vào sáng sớm thứ Năm, ngày 5/3, hoặc bất cứ ai cho rằng mình đã từng nhìn thấy cô ấy thì hãy liên hệ với cảnh sát''.

    ''Chúng tôi đang tiến hành điều tra để tìm ra ngôi nhà nơi người phụ nữ bị giam cầm, và kêu gọi bất cứ ai có thông tin liên quan hãy liên hệ với cảnh sát ngay lập tức''.

    Số điện thoại cảnh sát là 0161 856 2895, trích dẫn mã số vụ việc 363 of 05/03/2020.

    Hoặc bạn có thể liên hệ Crimestoppers ở số 0800 555 111.

    Theo một báo cáo từ năm 2018, hàng chục ngàn nô lệ có thể đang sống ở Anh. Một nghiên cứu về tình trạng nô lệ thời hiện đại của Tổ chức Walk Free cho biết cứ 1.000 người ở Anh, lại có 2 người đang sống đời nô lệ, tổng cộng 136.000 nạn nhân trên khắp đất nước.

    Lực lượng cảnh sát trên khắp Vương quốc Anh đã cố gắng trấn áp mô hình tội phạm này, cũng như khởi động các chiến dịch đặc biệt chống lại nạn nô lệ hiện đại, dẫn đến nhiều vụ bắt giữ.

    Số vụ truy tố liên quan đến nô lệ hiện đại đã tăng một phần tư vào năm 2018 nhưng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong số hàng chục ngàn trường hợp được trình báo với chính quyền.

    Viethome (theo Manchestereveningnews)

  • Năm người đàn ông được phát hiện đang sống trong "cảnh tù túng và khổ sở", trong đó một người 51 tuổi nói ông đến Anh bằng cách trốn sau xe tải vào năm 2014.

    Các cảnh sát đã phát hiện năm người lao động Việt Nam sinh sống ngay tại chỗ làm trong chuyến ghé thăm một vườn ươm cây ở Kneesworth thuộc hạt Cambridgeshire, Anh.

    Tám người từng được giải cứu khỏi trang trại này trong cuộc tìm kiếm của đội cảnh sát đặc nhiệm vào tháng 9/2018, theo BBC.

    Tình trạng nô lệ là "chuyện có thật và đang diễn ra", một phát ngôn viên cảnh sát nói.

    5 người đàn ông sống trên hai chiếc xe. Ảnh: Cảnh sát Cambridgeshire.

    Việc kiểm tra tại chỗ, diễn ra hôm 13/12, được thực hiện bởi một nhóm kết hợp Cảnh sát Cambridgeshire, Hội đồng quận Nam Cambridgeshire và Cơ quan Chống Chủ nô và Bóc lột Lao động (GLAA).

    Năm người đàn ông đang sống trong "cảnh tù túng và khổ sở", trong đó một người 51 tuổi nói ông đến Anh bằng cách trốn sau xe tải vào năm 2014, cảnh sát cho biết.

    Người này bị bắt vì nghi ngờ vi phạm luật nhập cư nhưng sau đó được tại ngoại để đến một trung tâm di trú.

    Thiết bị nấu ăn được tìm thấy. Ảnh: Cảnh sát Cambridgeshire.

    "Mục đích của chuyến thăm này là để kiểm tra những người dễ bị tổn thương sống trong cộng đồng của chúng tôi và đảm bảo họ được bảo vệ trước mọi hình thức bóc lột", trung sĩ Emma Hilson nói.

    "Mặc dù chúng tôi không tìm thấy ai thực sự làm việc tại vườn ươm cây, nhưng điều kiện sống của những người ở đó không thể chấp nhận được".

    Các cảnh sát đã tìm thấy hai chiếc xe tải nhỏ, thiết bị giặt giũ và nấu ăn, cũng như động vật "bị nhốt trong điều kiện tồi tệ".

    "Thường có quan niệm sai lầm rằng chế độ nô lệ là chuyện của quá khứ rồi, nhưng thật đáng buồn, đó là một chuyện có thật và đang xảy ra", trung sĩ Hilson nói thêm.

    Họ sống trong trong "điều kiện chật chội và nghèo nàn". Ảnh: Cảnh sát Cambridgeshire.

    "Đó là tội ác bị che đậy dù hiện diện ở khắp nơi trong hạt, ngay cả ở một số khu vực giàu có nhất của chúng tôi. Tăng cường hiểu biết trong lĩnh vực này là chìa khóa để bảo vệ người yếu thế".

    Theo Zing

  • Một vài trẻ em và người lớn đã được hỗ trợ và chăm sóc y tế sau khi cảnh sát tìm thấy họ làm việc trong điều kiện nghèo nàn ở các tiệm nail vùng đông nam London.

    Cảnh sát đã bất ngờ ập vào 5 tiệm nails ở Southwark vào Thứ Năm 5/12, do tình nghi một số lao động ở đây bị đối xử trái pháp luật. 

    Tổng cộng 13 người đã bị bắt giữ vì tội buôn người và nô lệ thời hiện đại. Một người bị bắt vì nghi ngờ vi phạm luật nhập cư. Tất cả đều được đưa về các đồn cảnh sát ở nam London để chịu thẩm vấn. 

    Những người làm việc tại các tiệm nail này, bao gồm 19 người lớn và 5 trẻ em, hầu hết là người Việt Nam và Trung Quốc. 

    Cảnh sát đột kích tiệm nail ở Southwark. (Ảnh: itv)

    Clip: Cảnh sát kiểm tra 1 tiệm nail ở Southwark.

    ''Tôi rất hài lòng với kết quả của chuyên án kết hợp này. Chúng tôi muốn bảo vệ những người yếu thế, truy bắt đầu sỏ của các hoạt động tội phạm và bảo vệ cuộc sống yên bình cho người dân. Buôn người, nô lệ thời hiện đại và hoạt động mại dâm thường diễn ra rõ mồn một. Những kẻ phạm tội săn tìm những người có hoàn cảnh khó khăn, những người đã đánh đổi nhiều thứ để đến đất nước này hòng mưu cầu hạnh phúc. Những kẻ phạm tội biết rõ con mồi của chúng chấp nhận bị bóc lột để đổi lấy đồng tiền nhỏ nhoi'', trưởng tranh tra Mark Rogers cho biết. 

    Những ngành nghề có nhiều nô lệ hiện đại nhất ở Anh bao gồm:

    - xây dựng

    - nông nghiệp

    - nhà hàng khách sạn

    - giúp việc gia đình

    - rửa xe và làm móng.

    Các nạn nhân thường bị ép phục dịch sau những cánh cửa đóng chặt. Một cơ sở kinh doanh có thể dính dáng đến nô lệ hiện đại nếu giá thành quá mềm, chỉ cho phép thanh toán bằng tiền mặt và các nhân viên không sử dụng tiếng Anh. Bạn cần tự hỏi: ‘Tại sao lại rẻ đến vậy và vai trò của tôi ở đây có thể là gì? Ví dụ, giá thực sự cho việc rửa một chiếc xe bằng tay trung bình ở mức 20 bảng. Nếu bạn trả ít hơn con số đó, bạn cần phải tự hỏi tại sao và làm thế nào'.

    Cảnh sát Anh liên tục cảnh giác người dân về nạn nô lệ trong các tiệm làm móng

    Cảnh sát cảnh báo các salon làm móng trên phố lớn ở Anh đang là cứ điểm cho tội phạm có tổ chức, bao gồm cả tội phạm buôn người và nô lệ.

    Các salon – đặc biệt là các bar làm móng của người Việt – chỉ nhận tiền mặt và đây chính là một hình thức rửa tiền cho những món lợi nhuận phi pháp thu được từ các trang trại cần sa và nhà thổ. Theo Cơ quan Tội phạm Quốc gia NCA, những kẻ tội phạm thường xuyên điều chuyển các nô lệ trẻ em từ cửa hàng này sang cửa hàng khác để tránh bị phát hiện.

    Các tiệm bar làm móng cũng có mối liên hệ với nạn nhập cư bất hợp pháp. NCA hiện đang tiến hành 500 cuộc điều tra đối với vấn đề nô lệ hiện đại. Những người mang quốc tịch Albania, Việt Nam và Anh nằm trong số những nạn nhân tiềm năng nhất.

    Ông Adam Thomson, thuộc Đội nô lệ hiện đại và buôn người của NCA, cho biết: “Các tiệm làm móng là một trong số những khu vực nơi chúng tôi thường xuyên bắt gặp các nạn nhân người Việt, thường là nam giới trẻ trong độ tuổi 18-19.

    “Các băng nhóm chiêu mộ họ từ Việt Nam. Họ sẽ được hứa hẹn, ‘Hãy đến Anh và bạn sẽ có một công việc rất tốt, bạn sẽ được trả rất nhiều tiền để gửi về cho gia đình.’

    “Sau đó, chúng thường sử dụng đường dây nhập cư có tổ chức… qua Trung Quốc rồi đến Nga và vào châu Âu và sau đó là Anh – thông thường người nhập cư sẽ bị đưa lên thùng xe tải. Sau đó, họ sẽ được chuyển cho các băng nhóm ở Anh và những kẻ này sẽ đưa họ vào làm việc tại mạng lưới các tiệm móng.

    Tổ chức Gangmasters and Labour Abuse Authority (GLAA) – cơ quan chịu trách nhiệm giám sát vấn đề nô lệ hiện đại ở Anh – báo cáo rằng số lượng các cửa hàng ép buộc nạn nhân làm việc không công để trả nợ đã tăng 35% kể từ năm ngoái.

    Cảnh sát ghi nhận 2,255 vụ nô lệ hiện đại trong năm ngoái nhưng ước tính còn cả chục ngàn vụ việc khác chưa được đưa ra ánh sáng.
    “Bản chất tồi tệ của nạn nô lệ hiện đại đồng nghĩa với việc nó sẽ hủy hoại cuộc sống của các nạn nhân. Đó là lý do tại sao chúng tôi đưa ra Bộ luật Nô lệ Hiện đại 2015 tiên phong trên cả thế giới, đồng thời tăng 2.6 triệu bảng mỗi năm cho ngân sách của GLAA nhằm giải quyết vấn nạn nô lệ hiện đại và bóc lột lao động,” bà Victoria Atkins, bộ trưởng chịu trách nhiệm vấn đề tội phạm, bảo vệ an toàn và đối tượng yếu thế, phát biểu vào đầu tháng Năm năm ngoái.

    Viethome (theo itv)

  • Trong những tuần qua, nhiều trẻ em người Việt đã liên hệ với các cơ quan chức năng tại thủ phủ Edinburgh của Scotland để tìm kiếm sự giúp đỡ.

    Cảnh sát tại Scotland đã thành lập đơn vị đặc biệt điều tra các băng nhóm buôn lậu trẻ em người Việt. Nhóm cảnh sát tinh nhuệ có nhiệm vụ triệt phá mạng lưới tội phạm có tổ chức, chuyên ép người nhập cư trở thành lao động nô lệ, theo Daily Record.

    Trong những tuần qua, ít nhất 10 thiếu niên người Việt Nam, đều dưới 18 tuổi, đã tìm cách cầu cứu giới chức tại Edinburgh, thủ phủ của Scotland, đất nước thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland.

    Đội điều tra đặc biệt đang lấy lời khai của các em, tìm hiểu con đường đưa những nạn nhân đến Edinburgh. Điều tra sơ bộ cho thấy các em bị buôn lậu từ Việt Nam đến Anh, sau đó phải làm việc tại những trại trồng cần sa, tiệm làm móng hoặc rửa xe. Cảnh sát cũng đặt giả thuyết một số bị buôn lậu vào Scotland để hoạt động mại dâm.

    Cảnh sát Anh đầu tháng 10 giải cứu 3 thiếu niên người Việt tại một cơ sở trồng cần sa ở ngoại ô thành phố Manchester. Ảnh: Cảnh sát Manchester.

    Theo Daily Record, đơn vị chống buôn người của cảnh sát Scotland từ tháng 1 đến ngày 13/11 đã ghi nhận được 397 trường hợp buôn người, trong đó 196 nạn nhân là người Việt Nam, với 90 đối tượng dưới 18 tuổi. Con số này cao hơn năm 2018 gần 20%.

    "Buôn lậu người trở thành một vấn đề ngày một nhức nhối không chỉ tại thành phố mà còn trên khắp Scotland", nguồn tin trong hội đồng thành phố Edinburgh cho biết.

    "Ít nhất 10-12 trẻ em đã liên hệ với hội đồng, hoặc được xác nhận bởi cảnh sát rằng các em đến đây bất hợp pháp, là nạn nhân của nạn buôn lậu người. Cảnh sát Scotland đã thành lập một đội điều tra thông tin", nguồn tin cho biết.

    Người này cho rằng quá trình điều tra sẽ rất phức tạp và gặp nhiều khó khăn. Cảnh sát Scotland phải làm việc với những nhân chứng không thể nói tiếng Anh và đang trong tâm lý hoảng loạn. Nguồn tin mô tả nhiều trẻ phải làm việc tại các trại cần sa gần 18 tiếng/ngày, không có đủ thức ăn và không được ra ngoài trừ khi nào có người của đường dây theo cùng.

    "Các em thường không được trả công, nếu có thì cũng rất ít. Các em đã vô cùng can đảm khi tìm đến cơ quan chức năng. Tôi biết cảnh sát đang huy động nguồn lực rất lớn để truy tìm những kẻ chủ mưu và nếu có thể thì giúp các em được đoàn tụ với gia đình", nguồn tin cho biết.

    Hiện trường vụ 39 người Việt được phát hiện tử vong trong container đông lạnh ngày 23/10. Ảnh: AFP.

    Theo nguồn tin khác trong hội đồng thành phố Edinburgh, một trong các nạn nhân khẳng định mình được đưa đến Anh theo cùng cách của các nạn nhân tại Essex. Trong khi đó, cảnh sát Scotland đang thu thập thông tin và điều tra mối liên hệ giữa các nhóm tội phạm. Cơ quan điều tra từng phát hiện những băng nhóm châu Á phối hợp cùng tội phạm tại Đông Âu.

    Cảnh sát Scotland mở cuộc điều tra về buôn lậu trẻ em Việt chỉ vài tuần sau thảm kịch 39 thi thể người vượt biên được phát hiện trong container đông lạnh tại Essex, Anh. Toàn bộ các nạn nhân được tìm thấy ngày 23/10 đã được cảnh sát Anh vào đầu tháng 11 xác nhận là công dân Việt Nam.

    Nạn nhân trẻ tuổi nhất trong vụ việc chỉ mới 15 tuổi. Một tờ báo tuần qua tại Hà Lan cho biết nạn nhân từng được đưa vào trung tâm dành cho người tị nạn ở nước này nhưng sau đó biến mất bí ẩn.

    Theo Zing

  • Các hội đồng địa phương cho biết số lượng các vụ nô lệ trẻ em được ghi nhận đã tăng 800% trong 5 năm qua, và điều này khiến hoạt động của hệ thống bị dồn ứ và "chậm lại”.

    Trong cuộc phỏng vấn truyền hình đầu tiên của mình kể từ khi bước vào chiếc ghế ủy viên chống nạn nô lệ, bà Dame Sara Thornton yêu cầu Bộ Nội vụ cần hồi đáp "rõ ràng hơn" đối với các nạn nhân đang chờ tị nạn.

    Ủy viên chống nô lệ độc lập nói rằng hệ thống này đang "chậm lại" vì số nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại ngày càng tăng, "có thể đến 20% trong năm nay".

    Thông tin được đưa ra khi số lượng các đối tượng trẻ em có thể là nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại được các hội đồng ở Anh ghi nhận và trình báo đã tăng 800% trong 5 năm, theo Hiệp hội chính quyền địa phương (LGA).

    Sử dụng số liệu của Cơ quan tội phạm quốc gia, LGA cho biết các lượt báo cáo trẻ em nghi ngờ là nạn nhân nô lệ hiện đại ở Anh đã tăng từ 127 năm 2014 lên 1.152 vào năm 2018.

    Các tiệm nails của người Việt được xác định là có số lượng nô lệ trẻ em khá đông đảo. Ảnh: Sky News

    Chính phủ trước đây ước tính có khoảng 10.000 đến 13.000 nạn nhân của chế độ nô lệ thời hiện đại ở Anh, bà Sara Thornton nói rằng ước tính này "thấp hơn số lượng thực tế rất nhiều".

    Chỉ số Nô lệ Toàn cầu (Global Slavery Index) gần đây nhất ước tính Anh là nơi có ít nhất 136.000 nô lệ hiện đại.

    Bà Sara Thornton nói: "Tôi lo ngại rằng họ thường phải chịu cảnh nghèo khổ hoặc vô gia cư hoặc tiếp tục bị buôn bán lại, vì vậy tôi muốn kêu gọi hành động nhiều hơn nữa để có thể đạt được kết quả lâu dài.

    "Rất nhiều (nạn nhân) phải chờ đợi một thời gian dài để nhận quyết định về việc họ có thực sự bị buôn bán hay không và nếu họ không phải công dân EU thì sao. Họ đang phải chờ đợi quyết định tị nạn với thời gian vô hạn định

    “Tôi lo ngại về điều đó bởi vì tôi không nghĩ việc chờ đợi có lợi cho sức khỏe thể chất hay tinh thần của họ."

    Thông tin có được từ quyền tự do thông tin của tổ chức từ thiện After Exploitation cho thấy vào năm 2018, 507 người có khả năng là nạn nhân của nạn buôn người đã bị giam giữ và 29 người đã được xác nhận là nạn nhân buôn người đã bị giam giữ.

    "Rachel" được hứa hẹn một cuộc sống tốt hơn ở Anh, nhưng khi đến nơi, cô bị buộc phải làm việc không lương.

    Cô nói: "Thường thì bạn sẽ bị tước hộ chiếu, bạn bị tẩy não về việc nên hay không nên nói chuyện với ai, … tổn thương đó sẽ gắn bó với bất kỳ ai trong suốt phần đời còn lại của họ. "

    Sau khi trốn thoát và được xác định là nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại, Rachel đã bị Bộ Nội vụ từ chối tị nạn. Cô sợ rằng trở về nhà đồng nghĩa với việc rơi trở lại vào tay những kẻ buôn người.

    Rachel nói: "Thật là bi thảm, đến mức bạn phải nghĩ rằng chính phủ thậm chí còn tồi tệ hơn những kẻ buôn người. Họ hứa với bạn điều này, họ hứa với bạn điều kia, và họ không thực hiện.

    "Họ nên ngừng sử dụng chúng tôi cho những trò chơi chính trị, họ đang phải làm việc với vận mệnh của con người. Chúng tôi là con người như mọi người khác, chúng tôi cần tự do.

    "Bạn sống trong cảnh là nạn nhân bị buôn bán, theo đó bạn không được phép làm quá nhiều thứ, tự do sẽ bị tước đi và bạn tìm đến với chính phủ, họ nói rằng họ đang hỗ trợ bạn, họ nói rằng họ muốn hỗ trợ bạn đầy đủ, và bạn tìm đến chính phủ nhưng bạn vẫn bị giữ trong một ngôi nhà nhưng lại còn không được phép làm việc … chẳng phải chúng tôi lại bị bán đi một lần nữa sao? "

    Người phát ngôn của Bộ Nội vụ cho biết: "Chế độ nô lệ và buôn người hiện đại là những tội ác man rợ và chúng tôi vẫn cam kết giải quyết triệt để vấn nạn này và hỗ trợ nạn nhân.

    "Ngày càng có nhiều nạn nhân được xác định và bảo vệ do nhận thức và hiểu biết về chế độ nô lệ hiện đại đã được cải thiện.

    "Những cải cách quan trọng gần đây trong Cơ chế Trình báo Quốc gia (National Referral Mechanism), như chính sách Single Competent Authority mới được áp dụng và mẫu báo cáo kỹ thuật số mới được giới thiệu, sẽ giúp đảm bảo đưa ra quyết định nhanh chóng và chắc chắn và đáng tin tưởng hơn."

    Cựu ủy viên chống nô lệ độc lập Kevin Hyland đã từ chức vì lý do chính phủ can thiệp vào vai trò của ông.

    Ông chỉ trích Bộ Nội vụ vì đã không thực hiện các đề xuất mà trước đó họ đã đồng ý.

    Bà Sara cho biết kể từ đó, đánh giá độc lập về Đạo luật nô lệ hiện đại đã được cải thiện: "Tôi sẽ đấu tranh cho sự độc lập, khách quan, vô tư, trung lập của mình hoàn toàn trong vai trò của tôi."

    VietHome (Theo Sky News)

  • Một nam giới người  Việt Nam đã bị giam giữ trong hai năm bất chấp những bằng chứng cho thấy anh bị buôn bán sang Anh và bị buộc phải làm việc trong một trang trại cần sa.

    Các bộ trưởng đã buộc tội Bội Nội vụ vì “hình sự hóa” các nạn nhân nô lệ hiện đại bằng cách bác bỏ những bằng chứng quan trọng.

    Trước đó, thanh niên kể trên vẫn bị tạm giữ nhập cư dù có những bằng chứng y tế cho thấy anh là nạn nhân của nạn buôn người và bóc lột lao động.

    Thông tin này được tiết lộ sau khi thi thể của 39 người, tất cả được cho là công dân Việt Nam, được phát hiện trong một chiếc xe tải ở Essex vào tháng trước - một sự cố bi thảm khiến nhiều người lo ngại rằng các biện pháp nhập cư mang tính trừng phạt đang đẩy người di cư vào tay những kẻ buôn lậu.

    Thảm kịch kinh hoàng trên cũng đã đặt ra câu hỏi về cách thức nước Anh đối phó với chế độ nô lệ hiện đại. Theo đó, các nhà vận động cảnh báo rằng nạn nhân thường sợ hãi không dám trình báo việc mình bị lạm dụng do nỗi lo ngại sẽ bị giam giữ và trục xuất.

    Nam thanh niên không được nêu tên trong vụ việc kể trên đã bị đưa tới Vương quốc Anh vào năm 2015 trên chiếc xe chở rau quả cùng với 11 người quốc tịch Việt Nam khác. Hai năm sau, anh bị bắt khi cảnh sát đột kích vào một trang trại cần sa nơi anh làm việc.

    Trường hợp của anh đã được chuyển đến National Referral Mechanism (NRM) – cơ chế giúp xác định nạn nhân buôn người - nhưng anh vẫn bị kết án 18 tháng vì trồng cần sa trước khi có kết luận chính xác.

    Gần một năm sau, NRM đưa ra kết quả cho rằng anh không phải là nạn nhân của nạn buôn người, và do đó, anh bị tạm giữ nhập cư.

    Trong khi bị giam giữ, nhiều báo cáo y tế của cả hai bác sĩ trong trung tâm tạm giữ - được gọi là báo cáo Quy tắc 35 - và các chuyên gia y tế bên ngoài đều bày tỏ lo ngại rằng thanh niên này từng bị tra tấn, và nhấn mạnh một số chỉ số cho thấy anh từng bị bóc lột và lạm dụng.

    Một báo cáo Quy tắc 35 từ tháng 7 năm 2018 có đoạn: “Anh ấy đã bị tấn công và đánh đập nhiều lần trong một ngôi nhà ở Anh - anh ấy không biết mình đang ở đâu. Anh ấy bị giam giữ và buộc phải làm việc và sẽ bị đánh đập nếu không tuân thủ. Anh ấy bị đấm và đá và có dấu vết axit trên mặt. Anh ấy nói anh ấy không thể nhìn bằng mắt trái. Anh ấy cũng bị đánh bằng gậy.

    “Anh ấy gặp ác mộng, bị trầm cảm và cảm thấy các triệu chứng trầm trọng hơn kể từ khi bị giam giữ. Ý kiến ​​của tôi là việc tiếp tục bị giam giữ sẽ khiến tình trạng tâm lý của anh ấy trở nên tồi tệ hơn.”

    Một báo cáo Quy tắc 35 khác, từ tháng 7 năm 2019, chỉ ra rằng mặc dù đã được điều trị chống trầm cảm và rối loạn tâm thần trong vài tháng, trạng thái tinh thần của người bệnh vẫn không được cải thiện.

    Báo cáo nói thêm: “Anh ấy cũng đang gặp ác mộng liên quan đến những chấn thương trong quá khứ và bị khó ngủ. Anh ấy có thể mắc các triệu chứng khởi phát muộn của hậu chấn tâm lý, căn bệnh không thể được điều trị thỏa đáng trong môi trường bị giam giữ. Kết quả là sức khỏe tinh thần của anh ấy bị ảnh hưởng xấu bởi việc bị giam giữ.”

    Bộ Nội vụ đã bác bỏ các báo cáo này. Nam thanh niên đã được thả ra vào tuần trước khi luật sư của anh, Shalini Patel thuộc công ty luật Duncan Lewis, viết thư cho Bộ sau khi cơ quan này không có bất cứ hồi đáp nào cho báo cáo Quy tắc 35 gần đây nhất. Báo cáo lần này được viết bởi một nhà tâm lý học lâm sàng cao cấp, trong đó cảnh báo rằng anh đang được theo dõi chặt chẽ vì có ý định tự tử và không nên tiếp tục bị giam giữ.

    Nhưng mặc dù báo cáo đề xuất cần kết nối bệnh nhân với nhóm chăm sóc sức khỏe tâm thần trước khi anh được thả, bộ trưởng Patel nói việc này đã không xảy ra, và thay vào đó, anh được thả ra mà không được cung cấp bất kỳ loại thuốc nào. Bên cạnh đó, cũng không có thông tin chi tiết về việc liệu anh có thể đăng ký gặp bác sĩ bằng cách nào.

    Và mặc dù anh đã được thả, nhưng Bộ Nội vụ đã từ chối hoàn toàn việc xem xét thử chuyển trường hợp của anh vào NRM một lần nữa. Điều này đồng nghĩa với việc anh có thể bị tạm giữ lần nữa.

    Các nhà vận động cho biết vụ việc là minh chứng cho thấy chính phủ đã hình sự hóa nạn nhân của nạn buôn người và không thể bảo vệ các cá nhân dễ bị tổn thương, bất chấp có bằng chứng cho thấy họ không phù hợp để bị giam giữ.

    Bà Patel phát biểu: “Người này đã bị giam giữ nhập cư trong một quãng thời gian dài hơn cả thời gian ở tù vì một bản án hình sự với tội danh anh ta không hề phạm phải. Thật đáng trách khi một người có thể vừa được coi là nạn nhân tiềm năng của nạn buôn người vừa đồng thời bị kết án vì một tội danh mà anh ta dính dáng chỉ vì bị buôn bán.

    “Cảnh sát muốn các nạn nhân trình báo tình trạng bị lạm dụng, nhưng ai dám ra mặt khi đây là cách họ bị đối xử? Đã đến lúc chính quyền sử dụng các bằng chứng để bảo vệ những người dễ bị tổn thương và nhắm vào những kẻ buôn người.”

    Bộ trưởng nội vụ đảng đối lập Diane Abbott bày tỏ trường hợp của nam thanh niên này là hoàn toàn không thể chấp nhận được và đó chính là một sản phẩm của chính sách môi trường thù địch. Bà nói: “Nó làm suy yếu toàn bộ cuộc chiến chống lại hành vi buôn bán xấu xa này, vì nạn nhân sẽ từ chối ra mặt.”

    Emily Kenway, cố vấn cấp cao của tổ chức Focus on Labour Exploitation, cho biết vụ việc này là một ví dụ điển hình khác chứng minh Bộ Nội vụ không ngừng ưu tiên các vấn đề hành chính hơn so với quyền và nhu cầu của nạn nhân, và các bộ trưởng bị cáo buộc đã lờ đi các bằng chứng về nạn buôn người.

    “Xuyên suốt vụ việc của người đàn ông này, các cơ quan chính phủ đã lộ ra những thất bại đáng xấu hổ. Rõ ràng, [anh ta] không bao giờ nên bị kết án trong khi tình trạng nô lệ hiện đại của anh ta vẫn đang được xem xét và chúng ta cần đặt câu hỏi về việc tại sao chuyện này có thể xảy ra,” cô nói.

    Vụ việc được phơi bày sau khi một báo cáo hồi tháng 7 tiết lộ rằng chính phủ đã cố tình giam giữ trái phép hàng trăm nạn nhân nô lệ hiện đại trong các trung tâm nhập cư, trong đó một số trường hợp được cho là có mục đích bảo vệ các cá nhân dễ bị tổn thương và đã bị tổn thương.

    Cô Kenway cáo buộc chính phủ đã thất bại trong việc đảm bảo trách nhiệm của mình theo công ước của Hội đồng châu Âu về buôn người. Họ đã không thể hỗ trợ nạn nhân trong quá trình phục hồi vì luôn có xu hướng đối xử với những người di cư không có giấy tờ như tội phạm.

    Cô nói thêm: “Đáng buồn thay, trường hợp này không phải là cá biệt. Hàng trăm nạn nhân của nạn buôn người đang bị nhốt trong các trung tâm nhập cư ở Anh ngay lúc này. Hành động này phải bị chấm dứt ngay lập tức.”

    Pierre Makhlouf, trợ lý giám đốc của Bail for Immigration Detainees (tạm dịch: Tổ chức đòi quyền Tại ngoại cho người Nhập cư bị Cấm túc), cho biết: “Chúng tôi thường xuyên gặp được những người rất dễ bị tổn thương, bị kiểm soát và bóc lột bởi những kẻ buôn người, sau đó lại bị hệ thống tư pháp buộc tội và giam cầm.

    “Bộ Nội vụ hoàn toàn nhận thức được quy mô của thảm kịch đang diễn ra nhưng lại luôn sẵn sàng gây nguy hại nghiêm trọng cho các nạn nhân trong quá trình thực thi việc thắt chặt quy định di trú.”

    Phát ngôn viên của Bộ Nội vụ tuyên bố: “Chế độ nô lệ hiện đại là một tội ác ghê tởm và Chính phủ cam kết giải quyết triệt để tình trạng này. Tất cả nhân viên của Bộ Nội vụ làm việc trong hệ thống tạm giữ nhập cư đều được đào tạo để đảm bảo xác định và hỗ trợ các nạn nhân tiềm năng của nạn buôn người và nô lệ.

    “Quyết định về việc giam giữ, trục xuất và xác định liệu một cá nhân có phải là nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại hay không được thực hiện trên cơ sở từng trường hợp riêng biệt.”

    VietHome (Theo Independent)

  • Các nạn nhân nô lệ hiện đại đã thoát khỏi những kẻ lạm dụng vẫn có nguy cơ bị lôi kéo trở lại bởi họ cần tiền để duy trì cuộc sống sau khi bị cắt giảm hỗ trợ tài chính.

    Số tiền trợ cấp sinh hoạt hàng tuần cho những người xin tị nạn đã giảm từ £65 xuống còn £37,95. Quyết định cắt giảm đã được thông qua và sẽ dần được triển khai đến tất cả các nạn nhân nô lệ hiện đại.

    Các luật sư cho biết những nạn nhân bị cắt giảm hỗ trợ sẽ phải vật lộn để đảm bảo những điều kiện sinh hoạt cơ bản như thực phẩm và đi lại. Tình cảnh khó khăn khiến họ có nguy cơ cao tiếp tục bị bóc lột về tài chính, tình dục và tình cảm.

    Một phiên tòa xét xử hồi đầu tháng này cho biết một nạn nhân của nạn buôn bán tình dục, người nhiễm HIV do bị bóc lột, đã không còn đủ tiền để có được chế độ ăn uống phù hợp cho việc điều trị y tế của mình và có nguy cơ bị khai thác trở lại.

    Phiên điều trần là một phần của vụ kiện đang diễn ra tại Tòa án tối cao với mục đích đảo ngược quyết định của chính phủ về việc cắt giảm số tiền sinh hoạt phí. Quan tòa trong phiên điều trần vào ngày 4 tháng 10 cho biết ông rất quan tâm đến tình huống này.

    Nhiều nhân viên xã hội đã bày tỏ lo ngại về tác động tiêu cực của việc cắt giảm vì các tổ chức từ thiện được chính phủ ký hợp đồng chăm sóc các nạn nhân không muốn lên tiếng chống lại Bộ Nội vụ.

    Chính phủ xác định và hỗ trợ nạn nhân buôn người thông qua cơ chế National Referral Mechanism (NRM), yêu cầu Bộ Nội vụ hỗ trợ để phục hồi và đưa nạn nhân đến những khu nhà ở an toàn nếu cần thiết.

    Sự hỗ trợ dành cho các nạn nhân trong giai đoạn này được sắp xếp thông qua Hợp đồng chăm sóc nạn nhân, hiện đang được nắm giữ bởi Salvation Army, và tổ chức này sẽ tiếp tục phân bổ hợp đồng cho 12 tổ chức từ thiện khác.

    Bộ Nội vụ cho biết kế hoạch cắt giảm mức trợ cấp sinh hoạt xuống còn 37,95 bảng mỗi tuần vẫn chưa được thực hiện. Nhưng Salvation Army cho biết gần đây đã có những thay đổi trong quy trình xử lý các mức trợ cấp cho nạn nhân nô lệ hiện đại muốn xin tị nạn.

    Ông Kevin Hyland, cựu Ủy viên của Independent Anti-Slavery, đã viết thư cho Bộ trưởng Nội vụ vào tháng 6 để nêu lên các mối lo ngại về việc giảm trợ cấp sinh hoạt phí.

    Ông cảnh báo rằng những thay đổi đã được đưa ra mà “không có cảnh báo chính thức” và đang gây nên “ảnh hưởng bất lợi đối với cuộc sống và khả năng phục hồi của các nạn nhân, có nguy cơ khiến họ càng trở nên dễ bị tổn thương và bị khai thác, đồng thời giảm các hỗ trợ mà họ nhận được trong quá trình truy tố.”

    “Khi không nhận được hỗ trợ đầy đủ trong giai đoạn phục hồi này, các nạn nhân có nguy cơ bị bóc lột thêm, bao gồm cả nguy cơ bị bán trở lại trong khi cố gắng tìm cách tự đáp ứng nhu cầu thiết yếu của bản thân,” bức thư có đoạn.

    Một cựu nhân viên xã hội cho biết, vì bị cắt giảm trợ cấp, những người xin tị nạn đã quay trở lại làm những công việc bất hợp pháp như ở tiệm nail, công việc nhận tiền mặt trực tiếp hay ở các cửa hàng takeaway.

    Nhân viên phụ trách xin được giấu tên nói: “Họ vật lộn để có đủ tiền mua thực phẩm và nhu yếu phẩm. Họ thiếu thốn những thứ có thể giúp hỗ trợ phục hồi. Rất nhiều cuộc hẹn mà họ cần tham dự, như trị liệu hoặc từ thiện, đều đòi hỏi chi phí đi lại.

    “Tôi biết nhiều người đã quay trở lại làm việc bất hợp pháp vì họ không có đủ tiền. Thật khó khăn khi bạn chỉ yêu cầu họ không được làm việc bất hợp pháp, nhưng đồng thời bạn phải hiểu rằng mọi người cần phải làm việc để sống.”

    Nhân viên phụ trách cho biết anh không nhận được hồi đáp khi nêu lên những bất cập này trong tổ chức. Bản thân anh đã nhiều lần đề cập vấn đề với những người quản lý nhưng không hề được lắng nghe.

    “Họ chỉ nói rằng nó nằm ngoài tầm kiểm soát của họ,” anh nói. “Là một nhà thầu phụ, chúng tôi chỉ cần làm theo những gì Salvation Army nói với chúng tôi.

    “Vấn đề là đó không phải là tiền của chúng tôi. Đó là tiền của chính phủ, vì vậy nếu họ nói sẽ xuất ra ít hơn, chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác. Chúng tôi không được nói bất cứ điều gì tiêu cực về Bộ Nội vụ.”

    Như đã nhắc đến ở trên, một nạn nhân buôn bán tình dục đang phải điều trị HIV và quá trình chữa bệnh đòi hỏi một chế độ ăn uống cân bằng. Nhưng cô đã phải vật lộn để mua thức ăn thiết yếu nhằm đáp ứng nhu cầu y tế của bản thân.

    Người phụ nữ này còn mắc chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương, gần đây được đánh giá là có nguy cơ tự tử và tự làm hại bản thân. Sức khỏe tinh thần của cô đã xấu đi vì buộc phải bỏ lỡ các buổi trị liệu do không đủ khả năng chi trả cho việc đi lại.

    Trước đây từng bị bóc lột tình dục trong hoàn cảnh nghèo khổ và tuyệt vọng, giờ đây người phụ nữ này lại tiếp tục đối mặt với nguy cơ bị lạm dụng trở lại, theo một báo cáo của chuyên gia tâm lý học lâm sàng được trình lên tòa án.

    Nusrat Uddin, một luật sư tại WilsonP Solicitor LLP, đại diện cho người phụ nữ, nói rằng việc cắt giảm trợ cấp đã làm suy yếu các nỗ lực đối phó với chế độ nô lệ hiện bởi nó khiến nạn nhân trở nên dễ bị tổn thương hơn trong giai đoạn quan trọng khi họ đang hồi phục sau chấn thương.

    Bà nói thêm: “Bộ Nội vụ biết rằng thân chủ của chúng tôi bị nhiễm HIV do bị bóc lột tình dục và cô ấy bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương do những trải nghiệm khủng khiếp này.

    “Họ đã có bằng chứng đầy đủ về hoàn cảnh khó khăn của cô ấy nhưng không hề cân nhắc đến hoàn cảnh này khi quyết định cắt giảm 40% các khoản tiền sinh hoạt hàng tuần của cô ấy.

    “Chính phủ đã cam kết bảo vệ nạn nhân và hỗ trợ họ hồi phục, tuy nhiên những cắt giảm gần đây đối với nạn nhân lại thể hiện thái độ hoàn toàn khác.”

    Ông Vernon Coaker, chủ tịch của nhóm nghị sĩ toàn đảng về chế độ nô lệ hiện đại và buôn người, cho biết vấn đề cắt giảm mức sinh hoạt phí đã được báo cáo với chính phủ, nhưng cho đến nay chính phủ vẫn không hề lắng nghe.

    “Nó đang gây khó khăn rất lớn cho nạn nhân và có thể dẫn đến việc bị bán trở lại. Việc cắt giảm này vừa tàn nhẫn vừa không cần thiết và cần được thay đổi ngay lập tức,” ông nói thêm.

    Khi nhắc đến việc các nhân viên phụ trách cảm thấy không thể nói ra mọi chuyện, ông Coaker nói: “Một trong những trách nhiệm của nhân viên phụ trách là hỗ trợ các nạn nhân và bảo vệ tốt nhất quyền lợi của họ.

    “Nếu có bằng chứng cho thấy nhân viên phụ trách cảm thấy không thể lên tiếng thay mặt cho những người mà họ chăm sóc, chúng ta đã khiến những nạn nhân tới để được giúp đỡ phải thất vọng.

    “Đây là lý do tại sao cần phải có các tiêu chuẩn chăm sóc tối thiểu, minh bạch và quy trình kiểm tra độc lập rõ ràng trong tất cả các dịch vụ hỗ trợ dành cho nạn nhân buôn người.”

    Trả lời các báo cáo cho rằng nhân viên phụ trách đã cảm thấy không thể nói lên mối lo ngại, bà Kathy Betteridge, giám đốc chống buôn người và nô lệ hiện đại tại Salvation Army, cho biết tổ chức từ thiện vẫn đang nỗ lực hết mình trong quan hệ đối tác chặt chẽ với cả Bộ Nội vụ và các nhà thầu phụ.

    “Quan tâm lớn nhất của chúng tôi là đảm bảo kết quả tốt nhất có thể cho những người mà chúng tôi chăm sóc và do đó chúng tôi luôn liên tục đối thoại và, khi cần thiết, phản hồi mạnh mẽ về tác động của bất kỳ thay đổi nào đối với sự an toàn khách hàng.”

    Bà Betteridge nói thêm: “Đồng thời, tất cả chúng tôi đều đang tìm kiếm những cách thức mới để cải thiện điều kiện tiếp cận hỗ trợ cho nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại.”

     

    Một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ phát biểu: “Chế độ nô lệ hiện đại và buôn người là tội ác ghê tởm và chính phủ cam kết sẽ giúp những người sống sót phục hồi sau khi bị bóc lột và hỗ trợ họ xây dựng lại cuộc sống.

    “Chính phủ đã lắng nghe các đối tác quan trọng của mình và đang cố gắng kéo dài khoảng thời gian mà các nạn nhân được nhận được hỗ trợ tài chính trong khi tái hòa nhập cộng đồng, và các nạn nhân dễ bị tổn thương nhất - phụ nữ mang thai và trẻ em - sẽ nhận được nhiều tiền hơn so với hệ thống trước đó.

    “Bằng cách thay đổi mức thanh toán, tổng số tiền tài trợ dành cho các nạn nhân sẽ vẫn như cũ, nhưng họ sẽ nhận được hỗ trợ trong một khoảng thời gian dài hơn, và đáp ứng khi họ cần nhất, nhằm ngăn chặn nguy cơ khiến họ bị bóc lột trở lại.

    “Các nạn nhân nô lệ hiện đại sẽ tiếp tục nhận được hỗ trợ đặc biệt, bao gồm chỗ ở miễn phí, trợ giúp pháp lý và tiếp cận với tư vấn và chăm sóc y tế.”

    VietHome (Theo Independent)

  • Mới đây, một tài xế taxi anh hùng đã cứu một phụ nữ mang thai thoát khỏi cảnh nô lệ tình dục sau khi kẻ buôn người gọi một chiếc taxi.

    Kẻ buôn bán nô lệ tình dục Robert Enescu, 26 tuổi, yêu cầu anh Tahir Mehmood lái xe đưa người phụ nữ đến nhà thổ nhưng thay vào đó, tài xế taxi này đã gọi cảnh sát sau khi đón người phụ nữ có bộ dạng khốn khổ.

    Robert Enescu

    Enescu đã lừa cô gái từng là nhân viên khách sạn đã kết hôn, đưa cô đến Vương quốc Anh từ quê hương Rumani sau khi mời cô tới làm "nhân viên mát xa".

    Cô bị giam lỏng tại một nhà thổ ở London trước khi được chuyển đến thành phố Coventry, nơi cô bị buộc phải tạo dáng với trang phục nội y để chụp ảnh cho các trang web người lớn.

    Anh Mehmood, người cha đã kết hôn và có hai con, đến từ thành phố Coventry, kể lại: "Người phụ nữ lên xe taxi. Khi đi được một đoạn, cô ấy trông vô cùng buồn khổ. Cô ấy đã khóc.

    "Tôi đã nói ‘Chuyện gì vậy cô gái? Tại sao cô lại khóc?’ Tôi đã dừng xe và nói ‘Hãy nói cho tôi biết chuyện gì đã xảy ra.’

    "Cô ấy nói ‘Tôi không biết nơi này. Tôi mới đến đây bốn ngày trước, đến đây để làm massage, nhưng họ bắt tôi đi bán dâm, làm chuyện ấy, nhưng tôi không muốn làm chuyện đó.’

    "Tôi đã nói‘ Ok, tôi sẽ gọi cảnh sát và họ có thể giúp cô. Đừng lo lắng, cảnh sát sẽ lo mọi chuyện, cảnh sát sẽ giúp cô.’”

    Vụ việc xảy ra vào ngày 20 tháng 2 năm 2018. Tài xế anh hùng Mehmood đã nhận được lời khen ngợi từ Cảnh sát West Midlands vì đã giúp cứu người phụ nữ đáng thương.

    Enescu bị kết tội buôn người phục vụ mục đích bán dâm và bị kết án 9 năm vắng mặt do tên này đã bỏ trốn sau khi được tại ngoại.

    Lệnh truy nã toàn châu Âu đã được ban hành để tìm kiếm gã buôn người. Nạn nhân của hắn ta đã đứng ra làm nhân chứng qua video call tại phiên tòa.

    Người phụ trách vụ án, Thanh tra Clive Leftwich, nói: "Cô ấy muốn Robert Enescu bị trừng phạt vì những gì hắn ta đã làm. Cô ấy không muốn hắn ta còn có cơ hội làm điều này với bất kỳ ai khác.

    "Cô ấy nói rằng cô ấy cảm thấy lo cho những cô gái khác từng ở cùng cô ấy ở London, bởi vì chúng tôi không thể tìm thấy những người đó."

    Cảnh sát West Midlands cho biết trong một tuyên bố trên Facebook: "Các sĩ quan của chúng tôi đã giải cứu người phụ nữ khỏi một chiếc taxi sau khi Enescu đẩy cô ấy vào đó với một túi chứa 50 chiếc bao cao su. Tài xế taxi đã tình cờ nghe được một phần của cuộc trò chuyện và gọi chúng tôi để trình báo.

    "Kết quả điều tra cho thấy Enescu đã giam giữ người phụ nữ - đang mang thai ba tháng - trong tình trạng tồi tệ tại một căn nhà ở Coventry trong hai ngày.

    "Hắn ta bị kết tội buôn người phục vụ mục đích bán dâm nhưng hắn ta đã bỏ trốn sau khi được tòa án cho tại ngoại.

    "Chúng tôi hiện đang làm việc với các lực lượng cảnh sát trên khắp Vương quốc Anh và #Europol để bắt lại gã đàn ông 26 tuổi này và đưa hắn ta ra trước công lý. Nếu bạn biết Enescu đang ở đây, hãy liên hệ với chúng tôi qua đường dây 101."

    VietHome (Theo Evening Standard)

  • Người chủ một cơ sở cứu hộ động vật đã giam giữ một người cao tuổi, bóc lột người này như nô lệ thời hiện đại trong hơn bốn năm và bắt bà ăn thức ăn của thú nuôi.

    Nạn nhân, hiện 74 tuổi, thường bị nhốt trong căn nhà ở Chingford của Maria Miller và bị buộc phải ngủ trong nhà kho. Bà cũng phải ăn thức ăn đóng hộp cho chó mèo để có thể sống sót.

    Trong khi bà lão sống trong điều kiện tồi tàn, Miller đã cướp trắng các khoản trợ cấp và lương hưu của nạn nhân để mua sắm quần áo hàng hiệu, đi nghỉ ở nước ngoài và mua cho mình một chiếc xe mới.

    Maria Miller

    Miller, 65 tuổi, bị kết án hai tội danh giam giữ người bất hợp pháp và một tội danh trộm cắp.

    Vào ngày thứ Sáu (30/8), tại Tòa án Tối cao Snaresbrook, Miller đã bị kết án ba năm tù.

    Tòa án được biết Miller gặp nạn nhân lần đầu bên ngoài một cửa hàng thú cưng và mời bà tình nguyện làm việc ở cửa hàng từ thiện của mình.

    Năm 2012, bà ta thuyết phục người phụ nữ cao tuổi, người có chút vấn đề về nhận thức, chuyển đến sống ở nhà của mình.

    Sau đó, bà ta bắt bà cụ ngủ trên sàn nhà và làm các công việc như nhổ cỏ trong vườn hay dọn dẹp chuồng thú để đổi lấy bữa ăn hoặc để được quay trở vào trong nhà, đồng nghĩa với việc bà lão thường bị bỏ lại bên ngoài để làm việc đến tận đêm khuya.

    Miller cũng nắm quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng của nạn nhân, trở thành người được ủy thác duy nhất trong di chúc của bà lão. Bà ta cũng cố gắng thuyết phục nạn nhân bán căn nhà mà bà sở hữu, cũng như cấm bà lão sử dụng điện thoại di động, tiền hay nhận khoản lương hưu của chính mình.

    Bà lão đáng thương cũng sụt cân nghiêm trọng vì Miller thường bỏ đói bà trong vài ngày và buộc bà phải ngủ trên sàn nhà.

    Vào tháng 6 năm 2016, nạn nhân đã trốn thoát khỏi căn nhà địa ngục và báo cáo việc bị lạm dụng cho cảnh sát.

    Miller cuối cùng đã bị buộc tội vào tháng 11 năm ngoái.

    Thanh tra James Earle, người đứng đầu cuộc điều tra, cho biết Miller đã "nhắm vào một trong những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội".

    "Bản án bị cáo nhận được hôm nay phản ánh mức độ nghiêm trọng của hành động", ông Earle nói.

    “Đây là một cuộc điều tra dài và đầy thách thức nhưng chúng tôi rất vui vì Miller đã được đưa ra trước công lý.

    “Chúng tôi biết rằng nạn nhân sẽ không bao giờ quên những năm tháng sống trong nỗi sợ hãi mà bà ấy phải trải qua nhưng chúng tôi hy vọng rằng bà ấy sẽ vượt qua khi giờ đây Miller đã bị bỏ tù.

    “Sự dũng cảm của bà ấy khi tới gặp cảnh sát và hồi tưởng lại một số trải nghiệm tồi tệ nhất trong cuộc đời là minh chứng cho sức mạnh của bà ấy, và chúng tôi hy vọng vụ việc này sẽ gửi đi một thông điệp rằng Cảnh sát Thủ đô sẽ tìm cách bắt những kẻ tội phạm phải chịu hình phạt thích đáng nhất."

    VietHome (Theo Evening Standard)

     

  • Một phụ nữ gốc Việt thuê người nhập cư bất hợp pháp tại một tiệm nail ở Staffordshire Moorlands đã bị tuyên án 6 năm tù giam. 

    A.T.M.Ha, 27 tuổi, đã bị tuyên án vào ngày 21/8 tại tòa án hình sự Stoke-on-Trent Crown Court. Bị cáo cũng bị buộc tội âm mưu sản xuất cần sa. Đồng phạm T.M.Nguyen, 39 tuổi, cũng bị tù 5 năm vì tội âm mưu sản xuất cần sa. 

    Tòa án được biết Cảnh sát Staffordshire đã đột kích tiệm nail của bị cáo trên phố High Street, Cheadle vào ngày 16/3/2017 sau khi nhận được tin tình báo có người nhập cư bất hợp pháp làm việc trong khu vực. 


    Bị cáo A.T.M.Ha và tòng phạm T.M.Nguyen

    Bị cáo Ha đã cho thuê lại shop này và sống gần đó tại phố Prince George ở Cheadle. Tiệm nail đang mở cửa kinh doanh bình thường khi cuộc đột kích diễn ra, nhưng lúc đó tiệm không có khách. 

    Nhà của Ha bị lục soát. Có 2 phòng ngủ trên lầu, mỗi phòng có một nệm ngủ và quần áo phụ nữ, 3 vali quần áo hàng hiệu và một hóa đơn mua túi xách ở London vào tháng 2/2017 trị giá £570. Cảnh sát cũng tìm thấy một số vé tàu lửa chuyến Stoke và London. Phòng khách được dùng làm phòng ngủ thứ ba.

    Kiểm tra dữ liệu điện thoại, cảnh sát đã lần ra T.M.Nguyen, ở Orford Avenue, Warrington, và ngay lập tức bắt giữ anh này.

    Cảnh sát cũng tìm ra một người nam tên Dung Nguyen đang làm việc ở tiệm tại Cheadle, và phát hiện một người nữ đang trốn cạnh nhà vệ sinh. Cô này khai tên là Linh Thuy Nguyen. Dung và Linh bị bắt vì vi phạm Luật Nhập cư. 

    Sau đó, cảnh sát phát hiện tên thật của Linh là Trinh Thi Thuy Duong. Ban đầu cô khai mình 16 tuổi, nhưng chính quyền Việt Nam xác nhận cô này đã 22 tuổi. Cô xuất hiện tại tòa Stoke-on-Trent Crown Court vào tháng 10/2018 và bị kết tội bóp méo tiến trình công lý. Cô bị giam 8 tháng tù. Dung đã bỏ trốn trước khi cảnh sát tìm ra nhân dạng thật của người này. 

    Xem thêm vụ của Trinh Thi Thuy Duong: Cô gái Việt bị tù 8 tháng vì khai gian tuổi để xin tị nạn ở Anh

    Thanh tra viên Phil White thuộc Sở Cảnh sát Staffordshire cho biết: ''Đây là trường hợp thuê người nhập cư bất hợp pháp đầu tiên bị phát hiện ở Staffordshire. Chúng tôi đã buộc tội thành công một người khai man mình là nô lệ thời hiện đại và người chủ thuê thợ bất hợp pháp cũng bị kết án. Chúng tôi rất biết ơn sự hỗ trợ tận tình của các đơn vị liên quan''.

    Ông Phil White cho biết chuyên án này thành công nhờ sự hợp tác thông suốt giữa CPS, Lực lượng Di trú ở Stoke-on-Trent, Cơ quan phòng chống buôn người và nô lệ hiện đại NCA, các tổ chức xã hội, chính quyền Việt Nam, Cảnh sát Merseyside và Cảnh sát Cheshire. 

    ''Chúng tôi không chỉ đưa được các bị cáo vào tù mà còn tịch thu được 70,000 bảng tiền mặt. Chúng tôi cũng muốn gửi đi một thông điệp rằng hành vi thuê người không giấy tờ, khai man là nô lệ hiện đại hay nạn nhân buôn người, tài trợ cho các hoạt động phạm tội, sẽ bị truy quét đến cùng''.

    Viethome (theo staffordshire)