• VietHome đã có cơ hội trò chuyện với một trong 7 người bị bắt oan trong vụ cô gái Việt 15 tuổi bị mất tích ở Anh hồi tháng 8 vừa qua.

    Sự việc đã gây ra xáo trộn lớn trong cuộc sống của những người liên quan và chúng tôi muốn chia sẻ để cộng đồng Việt ở Anh có thể tự phòng tránh khi rơi vào tình huống tương tự. Đặc biệt có 1 tình tiết rất quan trọng mọi người cần lưu ý khi làm việc với cảnh sát, tránh làm bản thân mình bị rắc rối hơn.


    Ảnh minh họa

    Anh Việt (tên nhân vật đã được thay đổi) cho biết: “Sáng hôm đó mình đang đi taxi ra town chơi thì đột nhiên 1 loạt xe cảnh sát chặn đầu, chặn đuôi vây bắt. Mình có hỏi lý do nhưng họ không nói, họ kiểm tra giấy tờ hành chính nhưng lúc đó mình không mang theo người. Họ hỏi tới đứa bé đi cùng mình là ai thì mình nói đó là con của bạn gái em. Lập tức họ tách đứa bé ra luôn và đưa mình về đồn cảnh sát.”

    “Sau đó thì họ đập vào nhà, bắt bạn gái của mình và mấy người bạn (không có giấy tờ) tới đó chơi và ngủ lại từ hôm trước đó. Tại đồn, họ tra khảo mình về 1 người tên Linh, nhưng mình không hề biết người đó là ai và cũng không hiểu vì sao mình bị bắt”.

    - VietHome: Lúc đó anh có gọi luật sư tới cùng không hay anh tự khai với cảnh sát?

    - Anh Việt: Mình chỉ nghĩ là mình không có gì phải che dấu nên không cần ai cả.

    (VietHome:  Các anh chị lưu ý là Luật của Anh Quốc cho phép mọi người được quyền Giữ Im Lặng, để mọi người tự bảo vệ mình trong các trường hợp bị tra khảo như thế này, cho tới khi có Luật Sư hỗ trợ ở đó. Đôi khi lời khai của mình có vấn đề cũng sẽ khiến mình và gia đình bị liên luỵ.)

    Anh Việt nói tiếp: “Họ tra khảo hơn 2 tiếng, tới lúc họ hỏi về người thanh niên tên Quang thì mình không nhớ ra đó là ai. Họ ra ngoài, rồi sau quay lại hỏi mình tên cúng cơm của Quang thì lúc đó mình mới nhớ ra là trước vụ mất tích vài ngày Quang có qua nhà chơi một mình”.

    (VietHome: Cảnh sát thường sẽ tới các địa chỉ mà đối tượng đã từng lưu tới trong vòng vài ngày trước khi xảy ra sự việc và họ thường xin được lệnh đi khám nhà để nhanh chóng ngăn ngừa việc phạm tội tiếp tục xảy ra).

    Anh Việt kể tiếp: “Họ giam mình 36 tiếng và thả ra vì không có bằng chứng gì cả. Đây là 36 giờ khó khăn nhất với mình. Cứ 1 lúc mình lại gọi hỏi họ về tình trạng của bạn gái và đứa bé. Hoàn toàn bị cắt ly, không có chút thông tin nào cả. Mình không biết phải làm gì nữa. Ngồi trong phòng giam mà trong lòng như lửa đốt. 2 ngày liền mình mất ăn mất ngủ, lúc đó không hiểu rõ quyền của mình được phép gọi luật sư, nên mình không làm gì cả. Mình cảm thấy quá bất công khi mình vô tội mà bị đối xử như là có tội, bị tạm giam tới tận 2 ngày."

    “Về phần người nhà mình, thì ở nhà bị cảnh sát lục tung lên, hàng xóm sau này có nói là cảnh sát quay lại 2 lần để khám xét, thu bằng chứng và thu cả tiền mặt trong nhà “

    “Họ cũng giam bạn gái của mình và những người bạn kia, có người không có giấy tờ nhưng sau 36 tiếng thì họ thả hết ra vì không có bằng chứng. Lúc thẩm vấn, họ hỏi bạn gái của mình kí vào 1 tờ đơn cho phép Bộ Xã Hội giữ con hơn tháng. May mà bạn gái của mình biết tiếng nên không kí vào tờ giấy đó. Sau này chính vì thế mà gia đình mình được gặp lại con nhanh chóng và dễ dàng hơn.

    (VietHome: Nếu anh chị không hiểu gì, hãy yêu cầu phiên dịch, tránh trả lời bừa kiểu có, không, đồng ý, hay thậm chí là gật đầu.)

    Anh Việt cho biết, sự việc này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của gia đình. Bạn gái anh thì mất việc vì mấy ngày liền không ai liên lạc được.  Giờ đây hàng xóm họ luôn nhìn mình với 1 con mắt dè chừng, họ không gần gũi như trước nữa. Bản thân đứa bé bị Bộ Xã Hội mang đi vài ngày cũng tỏ ra khó tính, hay cáu hơn. Trước đây bé rất vui vẻ, hài hòa với mọi người.

    Cách đây 1 tuần cảnh sát đã công bố những người bị tình nghi không còn trong diện điều tra liên quan tới vụ mất tích của cô bé 15 tuổi này. Anh Việt cảm thấy mình vẫn còn may mắn hơn so với gia đình ở Cannock bị dính líu tới vụ việc này. Nếu bạn gái anh kí vào tờ giấy đó (hoặc những giấy tờ khác mà bản thân không hiểu rõ), thì có lẽ gia đình sẽ còn gặp nhiều khó khăn để đòi lại con trong khi vụ án đang tiếp diễn. (Gia đình ở Cannock bị Bộ Xã Hội mang con đi hơn 1 tháng).

    Một số điều chúng ta nên lưu ý sau vụ việc này : 

    • Bạn có quyền Im Lặng, để bảo vệ quyền lợi cho mình 
    • Khi bạn bị bắt giữ, trong mắt cảnh sát bạn là người có liên quan, cho nên từng lời khai của bạn rất quan trọng. 
      Hãy mời luật sư, phiên dịch tới khi thực hiện việc thẩm vấn. 
      Nếu không hiểu, hoặc hiểu lờ mờ, tuyệt đối không được kí các văn bản hoặc trả lời đại, qua loa. 
    • Lưu giữ lại các giấy tờ, số Ref để sau này bạn có thể kiểm tra lại tình hình. Đây là bằng chứng duy nhất được công nhận khi đứng trước toà, tránh tin các lời nói ra bằng mồm, hoặc qua phone.

    VietHome

  • Viethome đã có cơ hội nói chuyện với 1 trong 7 người bị cảnh sát bắt nhầm trong vụ tìm kiếm cô bé 15 tuổi mất tịch khi du lịch ở Anh Quốc. 

    Có 1 thông tin rất đắt giá trong bài, mà chúng tôi muốn chia sẻ với mọi người để phòng tránh các sự việc đáng tiếc sau này. 


    Bài viết đang được biên soạn, xin hãy quay lại sau vài ngày hoặc bạn có thể tải App viethome để cập nhật bài viết nhanh hơn 

     

    iPhone / iOS: http://viethome.co/v/llads03

    Samsung / Android: http://viethome.co/v/llads

  • Chiều nay, ngày 19 tháng 9 năm 2019, VietHome đã nhận được thêm 1 số thông tin xác minh lại quyết định ngừng truy tố hình sự đối với những người liên quan tới vụ án mất tích của cô bé 15 tuổi. Như chúng tôi đã thông tin trước đó, do thông tin được đăng tải từ nhiều nơi hơi mập mờ, nên VietHome đã hỏi lại 1 lần nữa để mọi người nắm rõ hơn. 

    Đọc Thêm: Cơ quan chức năng ở Anh vẫn tiếp tục điều tra vụ việc liên quan cô bé Việt bị mất tích khi đi du lịch


    (Hình minh họa)

    Dưới đây là những điều chúng tôi gửi cho phía cảnh sát: 

    VietHome: 9 người đã bị bắt giữ trước đó mặc dù đã được thả ra và không bị điều tra về tội bắt cóc, nhưng do cuộc điều tra vẫn diễn ra, vậy thì 9 người đó hiện giờ có bị điều tra vì tội khác ( phạm luật nhập cư ) không ? 

    Đại diện cảnh sát: Nhìn từ góc độ điều tra tội hình sự trong vụ án được mở rộng này, họ không còn liên quan tới cuộc điều tra nữa. 

    ( Regarding the wider investigation, all arrested have been released from the police investigation, so from a criminal point of view, they are not under investigation.) 

    VietHome: còn cô bé 15 tuổi người Việt kia hiện đang ở đâu? cô bé được trả về Việt Nam,  đang bị bắt giữ  hay được chăm sóc hỗ trợ tại Anh ? 

    Đại diện cảnh sát: Chúng tôi không tiết lộ nơi cô bé này đang ở, chúng tôi chỉ có thể xác nhận là chúng tôi đang làm mọi cách để bảo vệ cho sự an toàn của cô bé. 

    ( In terms of Linh Le, we would not divulge her whereabouts, other than to say she there are safeguarding measures in place to help keep her safe.) 

    Theo nguồn tin khác của VietHome thì gia đình ở Cannock đã nhận được thư chính thức từ cảnh sát thông báo việc không còn liên quan tới vụ án, tuy nhiên con cái của họ vẫn bị Bộ Xã Hội trông nom, có thể họ sẽ phải làm thêm thủ tục ra toà để kiện và lấy lại con vì các tổ chức bên này làm việc độc lập nhau. Họ sẽ ra quyết định sao cho tốt nhất cho đứa trẻ. 

    Còn phía gia đình có 7 người bị bắt giữ hồi đầu cuộc điều tra đã được thả sau vài ngày, con của họ cũng được về nhà ngay. 

    Hiện Quang Hong Ngoc, người thanh niên bị bắt giữ và được toà huỷ truy tố tội bắt cóc trẻ em , vẫn chưa liên lạc về với gia đình. 

    Phía cảnh sát đang chuyển vụ này cho các cơ quan nhập cư khác để tiếp hành điều tra thêm về tội lừa dối luật nhập cư vào Anh Quốc. 

    >> Đọc Thêm: 36 giờ kinh hoàng của gia đình 7 người bị cảnh sát bắt nhầm

    *** Lưu ý: Khi bạn bị cảnh sát tạm giữ, bạn có QUYỀN GIỮ IM LẶNG. 

    Nhiều trường hợp gặp rắc rối vì trả lời các câu hỏi phía cảnh sát hoặc kí vào những tờ đơn mà không hiểu về nó. 
    Bạn có quyền gọi luật sư và cùng luật sư trả lời các câu hỏi phía cơ quan điều tra. 

     Viethome

  • Đính chính: Ngày 18/09 cảnh sát xác nhận họ dùng truy tố tội bắt cóc, nhưng vẫn tiếp tục điều tra về tội khác. Xin đọc thêm ở đây

    Công tố viên Anh xóa cáo trạng với Ho Ngoc Quang trong vụ mất tích của Lê Thị Diệu Linh sau khi cô tự nguyện trình diện cảnh sát.

    Tòa án thành phố York, North Yorkshire hôm 14/9 tuyên bố xóa cáo buộc bắt cóc với Hồ Ngọc Quang, 25 tuổi, quyết định trả tự do cho anh này và không điều tra theo hướng bị bắt cóc nữa. Phán quyết được đưa ra sau khi các công tố viên và cảnh sát xác định không có đủ bằng chứng để tiếp tục theo đuổi vụ án.

    Cô gái người Việt 15 tuổi Diệu Linh mất tích khi đang cùng một nhóm du khách tham quan York hôm 6/8. Cảnh sát đã phát thông báo tìm người, đồng thời tổ chức tìm kiếm Linh từ York đến Manchester và Staffordshire, bắt 8 nghi phạm liên quan đến vụ mất tích, trong đó có Quang. 

    Quang bị giam với cáo buộc bắt cóc Linh khỏi người giám hộ hợp pháp, một phụ nữ mà cô gọi là "mẹ", và vi phạm quy định về di trú khi ngăn Linh rời khỏi Anh theo visa du lịch.

    Tại tòa án, các công tố viên cho hay Linh đến Anh theo visa du lịch với điều kiện luôn có một người được mô tả là "mẹ" của cô bé đi kèm. Vài ngày trước khi mất tích, Linh và Quang đã liên hệ qua điện thoại với nhau nhiều lần. Gần 16h chiều 6/8, Quang đến ga tàu York và cùng Linh bắt taxi đến Manchester. Lần cuối Linh được nhìn thấy là tại Manchester, tuy nhiên, sau khi bị bắt, Quang khai với cảnh sát Linh đã đến Staffordshire.

    Hôm 12/8, cảnh sát tìm thấy Linh trong tình trạng an toàn và khỏe mạnh nhưng không tiết lộ địa điểm. Cùng ngày, bà Lê Thị Hương, mẹ của Linh, cho biết gia đình đã nhận được điện thoại của con gái từ Anh, thông báo rằng đã đến trình diện tại cảnh sát sở tại.

    Công tố viên Rob Galley xác nhận Linh tự nguyện trình diện cảnh sát ở phía nam Anh và không bị tổn hại gì. Cô khai rằng mình muốn gặp một trong hai người anh trai đang ở nước này.

    "Người được cho là mẹ của cô ấy có thể không phải là mẹ thật", ông Galley nói. "Chúng tôi có những quan ngại về lý do cô ấy có mặt ở quốc gia này". 

    Thẩm phán Simon Hickey cho biết giới chức đang điều tra danh tính và tuổi tác của người phụ nữ giám hộ Linh.

    Diệu Linh, quê ở xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, học hết lớp 9 thì nghỉ học ở nhà. Hơn một năm trước, cô vào TP Hồ Chí Minh sinh sống và làm việc. Gần đây, Linh tích cóp được một ít tiền và xin thêm gia đình để có đủ 75 triệu đồng mua một tour du lịch Anh quốc trong 7 ngày. Bà Hương nói con gái đi du lịch nước ngoài là để có "visa đẹp", sau này đủ tuổi dễ dàng xin xuất khẩu lao động.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Vụ án khách du lịch Linh Lê bị mất tích ở Anh đáng lẽ ra sẽ được ra toà xử vào ngày hôm nay 16/09, tuy nhiên trong một động thái bất ngờ, các nhà điều tra đã quyết định đưa vụ này ra xử trước đó vài ngày. 

    Theo thông tin Viethome nhận được thì luật sư và phía cảnh sát đã họp lại để xem xét vụ việc, họ cùng với toà án quyết định không tiếp tục truy tố Ho Ngoc Quang và đã thả người này ngay lập tức. (Tuy nhiên , cho tới nay gia đình của Quang ở Việt Nam vẫn chưa nhận được tin tức gì , nếu ai có thông tin của Quang xin hãy liên hệ VietHome )

    Công tố viên Rob Galley cho biết Linh Le tự tới đồn cảnh sát  để khai báo sau khi cả nước mở cuộc điều tra đi tìm Linh. 

    Các nhà điều tra cho biết, trước khi Linh bị mất tích vài ngày, Linh và Quang thường xuyên liên lạc với nhau qua điện thoại. Quang tới bến tàu  York Railway Station vào lúc  3.57pm ngày 6 tháng 8, và sau đó 1h cả 2 lên taxi đi về Manchester. Khi bị bắt Quang khai với các nhà điều tra rằng Linh tự bỏ đi chứ không phải do anh hay ai đó bắt cóc. 

    Sau khi tự ra khai báo , Linh nói rằng cô muốn bỏ khỏi đoàn để gặp 2 anh trai của mình cũng đang sống tại Anh. 

    Visa của Linh có điều kiện là phải đi kèm với người lớn. Người đi kèm với Linh thực ra không phải mẹ thật, cho nên các nhà điều tra đang làm rõ tên tuổi thật của Linh cũng như của người mẹ giả kia. 

    Sau khi xem xét các thông tin cần thiết, phía toà án và các nhà điều tra chính thức huỷ việc truy tố và thả Ho Ngoc Quang. 

    Tuy nhiên, cho tới nay họ vẫn chưa công bố sẽ xử lý Linh Le ra sao, hay cặp đôi gia đình Việt Nam bị bắt giữ đã được trả lại con hay chưa. 

    VietHome sẽ tiếp tục cập nhật khi có thông tin mới thêm về vụ này 

    VietHome

  • Gia đình của anh Hồ Ngọc Quang ở VN (chàng thanh niên đang bị bắt giữ và chờ ra tòa vì liên quan tới vụ việc Linh Lê đi du lịch và mất tích ở Anh Quốc) đã liên hệ với Viethome nhờ giúp đỡ tìm hiểu thông tin của Quang.

    Bài liên quan: Một người bị truy tố trong vụ Linh Le mất tích

    Theo những gì Viethome được biết thì từ ngày bị bắt giữ, gia đình không hề có bất cứ thông tin gì của Quang, trong khi đó ngày ra tòa lần 2 sẽ là vào 16/9 tới này. Bố Quang ở nhà lo lắng, đã nhiều lần phải nhập viện để điều trị.

    Quang mới chỉ sang Anh Quốc làm ăn được vài năm, anh không hề có bất cứ người thân nào bên UK nên gia đình ở VN rất lo lắng.

    Gia đình cho biết Quang chỉ là hàng xóm với Linh ở Việt Nam, do được nhờ nên đi đón hộ vào hôm định mệnh đó. Cuộc sống của Quang và mọi người bị đảo lộn ngay sau khi các cơ quan luật pháp ở Anh vào cuộc tìm kiếm sự mất tích của khách du lịch Linh Lê.

    Gia đình rất mong nếu ai đó trong cộng đồng có liên lạc được với Quang thì mong hãy chuyển lời để Quang liên lạc với gia đình, nhằm biết tình hình Quang đang bị giam giữ ở đâu, có luật sư bào chữa hay không.

    Nếu ai được Quang liên lạc ra ngoài thì có thể nhắn thông qua VietHome, chúng tôi sẽ giúp chuyển lời cho gia đình ở VN. Các bạn phiên dịch vụ này, nếu có thông tin gì xin hãy liên lạc với Viet Home nhé.  

    Hôm 16/9 ra toà, nếu ai có cơ hội tiếp xúc với Quang thì xin cho gửi lời hỏi thăm và động viên tới Quang.

    Viethome đã cố đi hỏi các luật sư để tìm cách liên lạc với Quang và tìm hiểu xem Quang đang bị giữ ở đâu nhưng đều vô ích. Họ cho biết khi bị bắt, cảnh sát Anh có thể chỉ cho phép gọi cho luật sư thôi, họ tránh việc liên lạc với người nhà để tránh ảnh hưởng tới công việc điều tra.

    Chi phí để kháng cáo các vụ như này cũng tương đối đắt, tùy vào mức độ phức tạp và thời gian, phí luật sư tư nhân có thể từ £20k.

    VietHome liên tục giữ liên lạc với phía cảnh sát North Yorkshire Police, cho tới thời điểm hôm 02/09 thì phía cảnh sát chưa cung cấp thêm thông tin gì mới về vụ việc. Hiện Linh Lê vẫn còn ở Anh Quốc và được chăm sóc cẩn thận.

    - Quang bị giam giữ chờ ngày ra tòa vì tội bắt cóc trẻ em và hỗ trợ vi phạm luật nhập cư. 
    - 1 đôi vợ chồng người Việt đang được bảo lãnh và chờ điều tra vì có liên quan vụ việc. Con cái của họ cũng đã bị Bộ Xã Hội mang đi.
    - 7 người bị oan trước đó bị bắt giữ cũng đã được thả ra.

    Bài liên quan: Một người bị truy tố trong vụ Linh Le mất tích

    Viethome

  • Khi nhắc tới việc một bé gái 15 tuổi mất tích, hầu hết mọi người đều vô cùng lo lắng cho em. Sau khi báo chí thông tin về việc có 8 người bị cảnh sát giam giữ để điều tra, rất nhiều người đều cho rằng em đã rơi vào tay băng đảng buôn người. 

    Và họ cũng thắc mắc tại sao cảnh sát Anh chỉ cung cấp thông tin nhỏ giọt? Một người dùng lên Lance cho rằng: ''Tại sao cảnh sát chỉ mô tả đó là một người đàn ông châu Á đã đi cùng cô ấy? Người châu Á rất đa dạng, có thể là người Thái, Nhật, Trung Quốc, Pakistan hay Bangladesh... Cảnh sát chỉ dùng từ Asian có phải vì ngại đụng chạm?''.

    Người dùng tên Up To The Neck thì cảm thán: ''Thật xấu hổ khi đến cảnh sát mà cũng ngại lý do chính trị. Tại sao họ không cung cấp chi tiết hơn về người thanh niên đã đi cùng cô gái để người dân có thể giúp sức tìm kiếm. ''Người đàn ông tầm 20 tuổi'', sao họ lại đưa ra một thông tin mù mờ như vậy?''.

    Bạn Im'An Arshole cho rằng: ''8 người bị bắt giữ... đó có thể là những cái tên như Mohammed, Abdul, Mahmoud, Sadiq, Tariq, Ali... Cảnh sát cho rằng cô ấy có thể ở bất cứ đâu trong nước Anh, nhưng tôi e là cô ấy đã bị đưa đi nước khác mất rồi. Khi trẻ con mất tích, khả năng quay trở về là rất thấp. Lo sợ điều tồi tệ nhất nhưng hy vọng phép màu sẽ xuất hiện''.

    Tuy nhiên, trên diễn đàn websleuths, nơi có hẳn một thread về Linh Le, xuất hiện khá nhiều ý kiến cho rằng đây không phải là một vụ mất tích đơn thuần. Mặc dù mọi người đều mừng rỡ khi cô gái đã được tìm thấy an toàn, nhưng như bạn Ironside cho rằng: ''Tôi nghĩ là cô bé sẽ bị cấm trở lại UK. Tôi thường tự làm móng ở nhà vì không thích mối liên hệ giữa tiệm nail và nạn buôn người. Có phải bọn buôn người thường lảng vảng ở York để chực chờ tóm gọn 1 cô gái Việt Nam nào đó tách toàn? Tôi không nghĩ vậy đâu, tức cả đã được lên kế hoạch hết rồi. Cô ấy đến Anh dưới dạng một du khách để rồi biến mất để sống một cuộc đời mới ở UK. Dù sao thì một cô gái ở độ tuổi này cũng có thể bị lạm dụng thậm tệ cho dù có đi cùng người quen, cho nên rất mừng là đã tìm ra cô ấy''.

    Lass from Yorkshire cũng đồng tình: ''Chắc hẳn thanh niên này đã quen biết cô gái từ trước, có thể họ đã nói chuyện online''.

    Bạn chimpface thì hy vọng cảnh sát sẽ lập một chuyên án điều tra ''ổ buôn người'' xuất phát từ vụ việc này. CoverMeCagney cũng mong muốn cảnh sát sẽ tìm ra những người Việt Nam khác đã được thông báo ''mất tích'' trước đây.

    Anh bình luận: ''Có quá nhiều trẻ em VN mất tích ở Anh. Tôi nghĩ họ đang sống và làm việc bất hợp pháp ở đây, một số khác thì bị buôn qua UK để làm những việc bất chính hơn. Bên cạnh đó, ở Anh cảnh sát dễ bắt người hơn ở Mỹ. Chỉ cần ngửi thấy chút ám mụi là họ lập tức lục soát xe và nhà cửa, thu thập chứng cứ, không vòng vo dài dòng. Ở Mỹ, những kẻ phạm tội có quá nhiều thời gian để xóa dấu vết trước khi lệnh khám xét và bắt giữ được đưa ra. Nhưng tôi không nghĩ 8 người bị bắt sẽ phải chịu tội gì. Có thể họ sẽ đưa ra một số câu trả lời về cô gái nhưng cũng chẳng có gì ngạc nhiên nếu tất cả đều được thả''. 

    CoverMeCagney tiếp tục cho rằng: ''Đây chắc hẳn là một kế hoạch đã được chuẩn bị trước. Nhìn xem, những người đi tour cùng Linh đã nhanh chóng làm những việc cần thiết với cảnh sát và đại sứ quán, và họ đã về VN ngay tắp lự không dây dưa hay chờ đợi cô gái''. 

    ZaZara cho rằng: "Nếu thanh niên này là kẻ buôn người, vậy thì hắn không thông minh lắm nhỉ? York gắn camera mọi hang cùng ngỏ hẻm, vả lại thể nào mà thành viên trong đoàn không báo cô gái mất tích. Làm sao thoát được? Và một cô gái 15 tuổi làm gì một mình ở Anh khi bố mẹ cô ấy vẫn ở VN? Chuyến đi này chẳng bình thường chút nào?''

    Maljako cũng đồng tình: ''Những kẻ buôn người thường tìm cách che đậy hành vi bắt cóc để mọi người không nhận ra mức độ nghiêm trọng của sự việc''. FrostOwl còn cho rằng đây là một âm mưu kết hôn giả. 

    Nhiều người còn không thể tin nổi một cô gái mất tích lại có thể trở về an toàn, như bạn CharlestonGal nói: ''Thật tuyệt vời. Tôi còn không nghĩ là họ sẽ tìm ra cô ấy, mà tôi cũng không nghĩ là cảnh sát lại nỗ lực gấp rút như vậy trong vụ này''. 

    Bạn ammitty cũng không nghĩ là cảnh sát lại làm việc khẩn trương như vậy: ''Ngay khi tin cô gái mất tích xuất hiện thì đã có ngay 8 người bị bắt''.

    Rosegold68 tỏ ra gay gắt: ''Trước tiên phải hỏi bố mẹ cô này trước khi chúng ta phải chi tiền của tìm kiếm con gái họ. Nghe chẳng có vẻ gì là cô ta đang gặp nguy hiểm cả''. Bạn Isabelle98 cũng không muốn nước Anh phải chi ra hàng triệu bảng để tìm kiếm cô gái. 

    chimpface lại phản bác ý kiến này: ''Dù đây có là một kế hoạch sắp đặt thì cũng không có nghĩa là cô bé không rơi vào tay của những kẻ ác. Cảnh sát nên tìm thấy cô bé càng sớm càng tốt, biết đâu cô ấy đang gặp nguy hiểm''. 

    AnnesCuthberts đồng tình: ''Một đứa trẻ 15 tuổi không nên bị trừng phạt vì tội lỗi của bố mẹ cô ấy, mà cũng chắc gì bố mẹ cô bé đã lên kế hoạch cho chuyện này''.

    Viethome

  • Sự việc Linh Le (Lê Thị Diệu Linh) - một nữ du khách 15 tuổi nghi mất tích ở Anh khi tham gia chuyến du lịch từ Việt Nam sang Anh đang thu hút sự chú ý của dư luận trong nước.

    Theo đó, Lê Thị Diệu Linh được nhìn thấy lần cuối cùng khi đi với một chàng trai châu Á trên phố Coney, khu vực tường thành cổ gần nhà ga Station Rise vào 4h40 chiều 6/8.

    Thời điểm trước khi mất tích, Diệu Linh mặc một chiếc áo khoác Ariana Grande màu trắng, quần short denim màu xanh nhạt và đeo ba lô màu trắng. Chàng trai đi cùng Linh khoảng 20 tuổi, mặc áo tối màu và đội mũ lưỡi trai màu đen.

    Cô Linh Lê, 15 tuổi, mất tích tại thành phố York, Anh khi đang đi du lịch - Ảnh: North Yorkshire Police 

    Đáng chú ý, đơn vị dẫn tour trong chuyến đi của Linh từ Việt Nam đến Anh là công ty TNHH MTV Ưu Thế Du Lịch, có tên khác là công ty Travel Plus địa chỉ tại 3/30A Thích Quảng Đức (phường 3, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) với người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Bá Thanh Tùng.

    Ngoài trụ sở nằm ở địa chỉ nói trên, công ty Travel Plus còn có chi nhánh ở 4 tỉnh, thành phố khác gồm 47 Lê Văn Hưu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), 05A Nguyễn Tri Phương (Phường Phú Hội, TP Huế) và số 11B Hòa Bình (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ).

    Dư luận đặt ra câu hỏi, việc nữ du khách 15 tuổi mất tích khi tham gia tour du lịch, công ty Travel Plus có phải chịu trách nhiệm?

    Trao đổi với báo Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, câu chuyện khách du lịch mất tích không phải là chuyện lạ và hậu quả pháp lý sẽ rất khác nhau đối với từng vụ việc và vụ việc nữ du khách 15 tuổi mất tích cũng vậy.

    “Đa số nguyên nhân khách du lịch “mất tích” thường thuộc hai trường hợp: Thứ nhất là khách du lịch chủ động trốn ở lại nước ngoài, trường hợp thứ hai là bị lạc hoặc bị bắt cóc”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

    Theo đó, với khách du lịch trốn ở lại nước ngoài thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, khách du lịch này sẽ bị xử lý theo pháp luật của nước sở tại. Nếu hãng lữ hành tiếp tay cho khách trốn ở lại nước ngoài thì cũng sẽ bị chịu chế tài của pháp luật.

    Đối với trường hợp khách du lịch bị lạc, bị bắt cóc hoặc gặp tai nạn trong quá trình thực hiện tour du lịch nếu xảy ra thì là trường hợp rủi ro, không may xảy ra đối với khách du lịch.

    “Bởi vậy, quyền lợi của khách du lịch sẽ phụ thuộc vào nội dung hợp đồng của khách du lịch đối với hãng du lịch đó. Nếu hãng du lịch đó có lỗi hoặc vi phạm hợp đồng hoặc trường hợp khách hàng gặp tai nạn, rủi ro có được dự liệu trong hợp đồng, trong trường hợp này khách hàng sẽ được đền bù, bồi thường thiệt hại... khi đó sẽ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại của hãng du lịch này”, Luật sư Đặng Văn Cường nói.

    Tuy nhiên, trong trường hợp những thiệt hại, rủi ro ngoài ý muốn, bất khả kháng xảy ra đối với khách du lịch trong quá trình thực hiện tour du lịch mà không do lỗi của bên thì đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch không có nghĩa vụ bồi thường.

    “Trong vụ việc trên, trước tiên chưa thể khẳng định được điều gì. Cần chờ kết quả xác minh của cơ quan cảnh sát nước này để kết luận nguyên nhân sự việc. Kết quả giải quyết vụ việc sẽ theo nguyên tắc xác định lỗi nêu trên (phụ thuộc vào nguyên nhân khách du lịch mất tích và nội dung hợp đồng giữa hãng du lịch này với khách hàng)”, Luật sư Cường cho biết.

    Qua vụ việc trên, Luật sư Đặng Văn Cường nhân định, đây là một bài học đối với các công ty lữ hành, du lịch cũng như đối với khách hàng trong việc kiểm soát rủi ro trong quá trình thực hiện các tour du lịch.

    “Chuyện khách du lịch bị lạc khi đi du lịch không hiếm. Tuy nhiên, lạc đường, lạc nhau thường chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định. Chuyện lạc đường dẫn đến mất tích với những người đã trưởng thành, có phương tiện liên lạc thì chuyện này cũng ít xảy ra. Bởi vậy, cảnh sát của quốc gia này sẽ thu thập các thông tin, tài liệu, các dữ liệu điện tử để xác định nguyên nhân khách du lịch bị lạc là do đâu, có phải là do lạc đường, do nguyên nhân khách quan hay là một vụ án hình sự, từ đó mới có thể kết luận được vụ việc và có hướng giải quyết phù hợp”, Luật sư Đặng Văn Cường cho hay.

    Viethome (theo Kiến Thức)

  • Như vậy là du khách Việt 15 tuổi bị mất tích ở Anh đã được tìm thấy vào chiều tối hôm thứ 2, ngày 12-08-2019. Tuy nhiên, phía cảnh sát cho biết họ vẫn điều tra vụ này nên chưa có kết luận chính thức.

    Theo các thông tin trước đó, bố mẹ của bé gái 15 tuổi này đã lên tiếng bé không bị mất tích mà bỏ đoàn ở lại chơi. Theo như lập luận logic của nhiều người thì vụ này có thể được khép lại với kết luận là do cô gái tự ý bỏ đi, chứ không có ai bắt cóc hay liên quan buôn người.

    Tuy nhiên, đó mới chỉ là suy luận ban đầu của cộng đồng. Nhìn về phía mặt luật pháp và những nhà điều tra, họ có thể có được nhiều bằng chứng khác để giải thích cho câu chuyện mất tích bí ẩn của bé gái này.

    Việc xác định liệu Linh Lê có phải là nạn nhân hay không rất quan trọng bởi từ trước tới nay chính phủ Anh luôn bị chỉ trích vì không giúp những người bị bắt cóc, bị buôn người. Đặc biệt trong năm nay, Bộ Nội Vụ còn dính nhiều phốt liên quan tới việc bắt giữ trái phép những nạn nhân bị bóc lột làm nô lệ (Đọc Thêm Link này

    Dưới đây là những kịch bản có thể xảy ra, phụ thuộc vào bằng chứng mà phía cảnh sát thu được cũng như việc họ xác định ai mới là nạn nhân chính.

    Những hướng này được Viet Home tổng hợp và rút ra từ các vụ án đã từng xảy ra trước đó. 

    1. Bản thân Linh Lê tự vi phạm luật visa và có người hỗ trợ trốn ở lại

    Có một điều ít người biết tới luật cấp Visa ở Anh Quốc, đó là Bộ Nội Vụ có thể từ chối nhập cảnh hoặc tước lại visa bất cứ lúc nào nếu bạn vi phạm các điều lệ trong đó. Điều này áp dụng với cả visa định cư vĩnh viễn ở Anh Quốc. VietHome đã có bài viết về những trường hợp bị tước visa vĩnh viễn, tham khảo tại đây

    Bé Linh mặc dù được visa 6 tháng nhưng dự định ban đầu chỉ là ở 1 thời gian ngắn cùng đoàn du lịch. Việc bé Linh tự ý thay đổi kế hoạch có thể được coi là có ý định định cư ở lại Anh Quốc vĩnh viễn và không trở lại đất nước của mình. Ngoài ra, những người giúp em làm việc này có thể phải đối mặt với tội danh hỗ trợ người khác vi phạm luật nhập cư - và đó là 1 trong những tội mà người thanh niên tên Quang - 25 tuổi đang bị khởi tố. 

    2. Linh Lê bị đường dây buôn người dụ dỗ trốn ở lại Anh

    Các câu chuyện như thế này đã trở nên quá phổ biến ở Anh trong vài năm nay. Thực tế cho thấy đã có vài người Việt bị tuyên án khi liên quan tới đường dây buôn trẻ em từ nước ngoài vào Anh để phục vụ cho việc trồng cần sa, hay bóc lột sức lao động ở các tiệm nails.

    Nếu các nhà điều tra xác định cô bé 15 tuổi là nạn nhân và họ đi theo hướng này, thì giống như các vụ trước, nạn nhân dưới tuổi thành niên sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt và không được tiếp xúc với người khác, thậm chí không cần có mặt ở toà.   Các bằng chứng sẽ được đưa ra để kết tội những người đã có liên quan.

    Lời xác nhận của bố mẹ bé trước đó cũng không có nhiều giá trị vì có thể ban đầu bé tự nguyện, nhưng sau đó bị lừa và ép buộc. (Bố mẹ của bé lúc đó không biết bé ở đâu).

    Việc có ai bị khởi tố theo hướng này hay không thì phụ thuộc rất lớn về các bằng chứng cảnh sát thu thập được trong quá trình điều tra như: người bị bắt có giấy tờ hay không? Đã bao giờ phạm tội chưa ? đã bao giờ thuê người không có giấy tờ ? Trong nhà có nhiều tiền mặt không , có chứng minh được thu nhập không?...

    3. Linh Lê được phép ở lại tị nạn vì lo sợ em không an toàn khi trở về Việt Nam

    Việc bố mẹ của Linh không đi cùng và cũng không biết con của họ đang ở đâu là một vấn đề rất nghiêm trọng đối với các cơ quan bảo vệ trẻ em ở đây.

    Nếu họ điều tra theo hướng thứ 2 ở trên thì việc trục xuất Linh về VN có thể sẽ khiến em gặp nguy hiểm hơn, vì giờ đây gia đình em có thể đang phải nợ tiền của đường dây đưa người sang Anh.

    Tại Anh, toà án đã nhiều lần từ chối đơn xin trục xuất của Bộ Nội Vụ nếu họ biết người bị trục xuất sẽ gặp nguy hiểm khi về tới đất nước của họ (vi phạm nhân quyền). Đây cũng là lý do mà nhiều người Việt được giấy tờ 2.5 năm khi xin tị nạn ở đây.

    Cách duy nhất là nước Anh phải cho Linh ở lại vì sự an toàn của cô bé.  

    Vì sao các vụ án đã từng xảy ra với người Việt thường có câu chuyện hoàn toàn khác so với những gì cộng đồng và người thân biết ?

    Việc quyết định 1 ai đó có tội hay vô tội là do 12 người dân thường tham gia vào bồi thẩm đoàn tại tòa quyết định. Những người này được chọn ngẫu nhiên và chỉ dựa vào những bằng chứng được đưa ra ở toà để quyết định 1 ai đó có tội hay không có tội.

    Bạn biết gì, hay cộng đồng biết gì không quan trọng, quan trọng là bên công tố họ có bằng chứng gì và họ đang muốn khép bạn tội gì, nó có thuyết phục hay không. Trong các vụ xử người Việt liên quan buôn người, cộng đồng đều rất quan tâm và theo ra tới tòa để cổ vũ, ủng hộ & kêu oan. Tuy nhiên, điều đó không thay đổi nhiều quyết định của toà án. (Xem thêm vụ 3 người Việt bị bắt vì buôn người)

    12 người trong bồi thẩm đoàn được chỉ định này chỉ dựa vào câu chuyện và bằng chứng chính thức để phán xét, chứ họ không có đi đọc báo, tìm hiểu sâu sa trong cộng đồng hay người thân.

    Trong các vụ có liên quan tới người Việt, hầu hết các bằng chứng đều chống lại họ, mọi thứ được liên kết lại để tạo nên 1 câu chuyện rất thuyết phục người ngoài. 

    Báo hải ngoại Viethome 

  • Cảnh sát đã dành gần 3 ngày để khám xét 2 địa điểm, trong đó có 1 tiệm nails của người Việt ở Cannock. Tuy nhiên, sau khi tìm được Linh, cảnh sát cho biết họ tìm thấy cô ở chỗ khác, không phải khu vực này.

    Những người sống quanh đây kể lại cho báo BirminghamLive rằng: “Cảnh sát tới khám nhà trên đường St James Road, Cannock từ hôm Chủ nhật. Họ dành khá nhiều thời gian khám xét trong đây, tại thời điểm đó không ai hiểu chuyện gì đang xảy ra cả.

    Những người dân sống quanh đó nói có cặp đôi người Đông Á về đó sống từ Tháng 4 vừa rồi, họ không giao tiếp nhiều và có vẻ không biết tiếng Anh. Họ còn sửa chữa ngôi nhà này nữa, đôi khi còn cho làm tới tối muộn.

    (Anh do BirminghamLive chụp lại ) 

    Chủ các doanh nghiệp cạnh shop nails này cũng xác nhận có biết cặp đôi làm việc trong này, nhưng họ không hề biết cặp đôi đã làm những gì để cảnh sát phải tới khám xét. 

    Vậy là chính thức sau 6 ngày mất tích, Linh Lê đã được tìm thấy an toàn. Mặc dù mẹ em ở Việt Nam có xác nhận em tự bỏ ra ngoài đi chơi, chứ không phải bị bắt cóc, nhưng cơ quan điều tra ở Anh hiện tại vẫn chưa thay đổi quan điểm. Họ vẫn đang điều tra về sự mất tích kì bí của em và những người có liên quan.

    Trong chiến dịch tìm kiếm này, đã có 10 người bị tạm giữ điều tra (8 người đã được thả) và 1 người bị khởi tố tội bắt cóc trẻ em và tiếp tay vi phạm luật nhập cư.

     VietHome sẽ tiếp tục cập nhật khi có thêm thông tin.

     Viethome (theo BirminghamLive)

  • Rạng sáng nay, Viet Home vừa được cảnh sát North York Shire thông báo là cô bé Linh Lê 15 tuổi đã được tìm thấy vào tối hôm qua, 12 tháng 8 năm 2019. Linh Lê được tìm thấy trong tình trạng hoàn toàn an toàn và khoẻ mạnh. 

    Cảnh sát không cho biết vị trí tìm thấy Linh Lê vì họ vẫn đang điều tra tiếp về sự mất tích này. Họ đã đi tìm ở khu vực Cannock area, nhưng đây không phải là nơi họ thấy Linh. 

    Như vậy cho tới thời điểm hiện tại, cảnh sát đã bắt giữ 10 người để thẩm vấn, trong đó 2 người bị giữ tạm giam chờ điều tra và 1 người chính thức bị khởi tố ra toà ngày hôm qua.

    Viet Home sẽ tiếp tục cập nhật thông tin mới nhất cho quý vị bạn đọc trong thời gian tới. 

    Viet Home

  • Cảnh sát được quyền ập vào nhà bạn vì nhiều lý do, từ tìm kiếm chất cấm đến kiểm tra vi phạm trật tự công cộng. Tuy nhiên, nhiều người còn nhầm lẫn về quyền và nghĩa vụ của bản thân khi phải đối mặt với một cuộc đột kích của cảnh sát, và các nhân viên cảnh sát không được phép phân biệt đối xử với bất kỳ cá nhân nào và phải chịu trách nhiệm cho hành động của họ.

    Nếu cảnh sát đột kích nhà của bạn, họ có thể đã xâm phạm quyền riêng tư và cuộc sống gia đình bạn, được quy định trong Điều 8 của Công ước châu Âu về Nhân quyền và được ghi trong luật của Anh theo Đạo luật Nhân quyền 1998.

    Nếu bạn lo ngại cảnh sát có thể đã đột kích nhà bạn trái phép hoặc vi phạm các quy tắc liên quan đến lệnh khám xét, khiến bạn phải chịu tổn thất, bài viết này giúp bạn hiểu về quyền hạn của bản thân và của cảnh sát khi tiến hành kiểm tra nhà dân.

    Quyền nào cho phép cảnh sát vào kiểm tra một căn nhà?

    Đạo luật Cảnh sát và Bằng chứng Hình sự 1984 (PACE) được đặt ra để đảm bảo rằng cảnh sát không lạm dụng quyền lực khi xâm nhập và lục soát nhà của bạn theo lệnh. Đạo luật PACE quy định rằng, trong một số trường hợp nhất định, cảnh sát được phép vào nhà và lục soát để bắt giữ người và thu giữ các tang vật liên quan đến hành vi phạm tội hoặc cả hai. Cảnh sát có thể vào và lục soát nhà của bạn:

    - Dưới sự đồng ý của bạn.

    - Sau khi bắt giữ bạn hoặc người khác có liên quan đến căn nhà của bạn. 

    - Theo lệnh khám xét.

    - Theo các đạo luật chống khủng bố.

    Quy trình đột kích KHÔNG CÓ lệnh khám xét ra sao?

    Không phải lúc nào cảnh sát cũng cần xin lệnh để khám xét nhà của bạn. Họ có một số quyền hạn khác có thể được sử dụng để xâm nhập và khám xét nhà của bạn, cả khi không có lệnh. Nhìn chung, cảnh sát KHÔNG THỂ lục soát nhà hoặc xe của bạn mà không có lệnh trừ khi:

    - Họ có được sự cho phép của người liên quan (cần có sự đồng ý bằng văn bản).

    - Chậm trễ trong việc xin lệnh có khả năng ảnh hưởng đến quá trình công lý (Ví dụ: bằng chứng có thể bị tiêu hủy).

    Cảnh sát CÓ THỂ vào mà không có lệnh nếu họ:

    - Cần ngăn chặn một hành vi tội phạm đang diễn ra. 

    - Cần ngăn chặn một tội ác mà họ nghi ngờ sắp xảy ra.

    - Cần cứu người, ngăn ngừa thương tích nghiêm trọng hoặc ngăn ngừa thiệt hại cho căn nhà.

    - Cần dàn xếp một cuộc hỗn loạn. 

    - Nghe thấy tiếng la khóc hoặc kêu cứu.

    - Cần thi hành lệnh bắt giữ. 

    - Được mời bởi người cư ngụ tại căn nhà. 

    - Đang đuổi theo một người mà họ tin rằng đã phạm tội, hoặc đang cố gắng thực hiện một tội ác nghiêm trọng.

    - Cần bắt giữ bạn hoặc nếu bạn đang bị truy nã.

    Quy trình đột kích CÓ lệnh khám xét ra sao?

    Lệnh khám xét chỉ có thể được cấp bởi quan tòa địa phương sau khi có đơn xin của cảnh sát. Cảnh sát không cần phải xuất trình lệnh bắt trước khi vào nhà bạn nếu điều đó có thể khiến người mà họ muốn bắt giữ trốn thoát hoặc cho phép người này tiêu hủy bằng chứng. Lệnh phải được xuất trình ngay khi có thể và bạn có quyền giữ một bản sao.

    Nếu cảnh sát ĐÃ xin được lệnh, họ phải: 

    - Thực hiện khám xét trong vòng ba tháng kể từ ngày lệnh được ban hành. 

    - Chỉ được vào địa điểm cần khám xét vào một lần duy nhất (trừ khi có lệnh khác) 

    - Thực hiện tìm kiếm vào một thời điểm hợp lý - trừ khi nó cản trở mục đích tìm kiếm. 

    - Trước hết, cần xin người trong nhà cho phép vào nhà (trừ các trường hợp ngoại lệ nhất định). 

    - Giới thiệu các cảnh sát có mặt và giải thích mục đích cũng như căn cứ của việc khám xét.

    - Chỉ sử dụng lực hợp lý và tương xứng để xâm nhập nếu cần thiết. 

    - Cung cấp cho người cư ngụ một bản sao của lệnh và Thông báo về Quyền và Quyền hạn. Nếu không có bản sao, các tài liệu phải được để ở một nơi nổi bật. 

    - Một cuộc tìm kiếm có thể không được tiếp tục sau khi những vật được nêu trong lệnh đã được tìm thấy, hoặc sau khi nhân viên phụ trách đồng ý rằng người họ cần tìm không có ở đó. 

    - Xem xét tính hợp lý của hành động đối với căn nhà và quyền riêng tư của người trú ngụ - không gây nhiều xáo trộn hơn mức cần thiết.

    - Một người bạn, hàng xóm hoặc người khác phải được cho phép chứng kiến ​​cuộc khám xét nếu người trú ngụ muốn - trừ khi cảnh sát phụ trách có căn cứ hợp lý để tin rằng điều đó sẽ cản trở nghiêm trọng việc điều tra hoặc gây nguy hiểm cho cảnh sát. 

    - Nếu được xâm nhập bằng vũ lực, căn nhà phải được bảo vệ an toàn sau đó.

    Nếu các thủ tục đột kích của cảnh sát không được thực hiện đúng, bạn có thể yêu cầu bồi thường cho bất kỳ đau đớn hay tổn thương nào mà bạn phải trải qua.

    Chuyện gì xảy ra nếu cảnh sát đột kích nhầm địa chỉ?

    Khi cảnh sát đột kích vào một địa chỉ, phải có căn cứ cho rằng họ có thể tìm thấy bằng chứng liên quan đến hành vi phạm tội. Tuy nhiên, điều này đôi khi có thể đồng nghĩa với việc họ đột kích ‘nơi trú ngụ cuối cùng’ của một nghi phạm - mặc dù nghi phạm không còn sống ở đó nữa. Nếu điều này xảy ra với bạn và nhà của bạn bị lục soát do nhầm lẫn, bạn có thể được bồi thường vì PACE quy định rằng ''cảnh sát cần hành động ngay bởi vì nhầm lẫn còn hơn bỏ sót''.

    Quy trình đột kích một ngôi nhà chung có gì khác biệt?

    Trong một ngôi nhà có nhiều người sống chung, cảnh sát chỉ được phép tìm kiếm một số khu vực nhất định để xác định vị trí bằng chứng, chẳng hạn như không gian chung hoặc phòng cá nhân. Nếu bạn sống trong một căn nhà cho thuê, cảnh sát không thể tiến hành khám chỉ bằng sự đồng ý của chủ nhà. Nhưng họ được phép xin sự đồng ý từ người ở cùng hoặc thành viên gia đình, những người có quyền cho phép cảnh sát vào nhà.

    Bạn có thể quay phim lại cảnh cảnh sát đột kích vào nhà bạn?

    Nếu muốn, bạn hoàn toàn có quyền quay phim khi cảnh sát khám xét nhà bạn miễn là không gây cản trở đến nhiệm vụ của họ. Ngay cả khi họ có lên tiếng đe dọa, họ cũng không thể thu giữ thiết bị ghi hình của bạn trừ khi họ tin rằng nó có chứa bằng chứng về hành vi phạm tội.

    Cảnh sát làm hỏng nhà tôi, ai sẽ đền bù? Họ có bồi thường khi phá hỏng cửa nhà tôi không?

    Nếu cảnh sát lục soát nhầm một địa chỉ nào đó, họ sẽ phải trả tiền để sửa chữa bất kỳ thiệt hại nào họ gây ra - bao gồm cả cánh cửa hỏng. Nếu việc tìm kiếm là hợp pháp và lực lượng được sử dụng là hợp lý, cân xứng và cần thiết để đạt được mục đích, người trú ngụ sẽ phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ hóa đơn sửa chữa nào do cảnh sát buộc phải xâm nhập vào nhà. Nếu bạn là người thuê nhà trong một tài sản cho thuê, chủ nhà có thể yêu cầu bạn trả tiền hoặc trừ các chi phí từ tiền đặt cọc của bạn.

    Khi cảnh sát rời đi, nhân viên phụ trách phải đảm bảo nhà bạn vẫn được an toàn bằng cách để cho người cư trú hoặc chủ nhà canh giữ nhà. Nếu những đối tượng này không có mặt, cảnh sát phải sử dụng bất kỳ phương tiện thích hợp nào có thể để bảo đảm an ninh tạm thời cho căn nhà.

    Tại sao bạn có thể yêu cầu cảnh sát bồi thường thiệt hại?

    Nếu bạn tin rằng bạn đã chịu đựng tổn thất do cảnh sát lạm dụng quyền hạn tìm kiếm của họ, luật sư có thể tư vấn cho bạn về một số lựa chọn. Cho dù cuộc khám xét có dẫn đến việc buộc tội hay không, bạn đều có thể đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại dân sự nếu một cuộc đột kích được tiến hành bất hợp pháp. Nguyên nhân có thể là do lệnh khám xét bị lỗi hoặc khi một số biện pháp nhất định không được tuân thủ chính xác.

    Việc sử dụng vũ lực không cần thiết hoặc quá mức cũng có thể được coi là một hành vi tấn công. Thật không may, một sai lầm nhỏ như đột kích nhầm nhà có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho các nạn nhân liên quan - như thiệt hại tài chính, thiệt hại danh tiếng và thậm chí là mất nhà. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc, luật sư có thể giúp bạn khiếu nại lên Văn phòng Cảnh sát Độc lập (IOPC), yêu cầu một cuộc điều và giúp bạn tiếp cận công lý mà bạn xứng đáng được hưởng.

    VietHome (Theo Hudgell Solicitors)

  • Cho tới thời điểm hiện tại, bố mẹ của Lê Linh ở Việt Nam đã xác nhận em không bị mất tích mà trốn đoàn du lịch ở lại Anh "chơi" với người thân. Mấy chục năm qua đã có rất nhiều vụ việc người Việt sang UK rồi trốn ở lại, nhưng chưa có vụ nào gây nên sự chú ý đặc biệt đối với truyền thông và cảnh sát Anh như lần này.

    Chỉ trong thời gian ngắn, đã có 10 người bị bắt giữ thẩm vấn vì nghi ngờ bắt cóc em (8 người đã được thả), 1 người bị truy tố ngay lập tức. Với kinh nghiệm làm việc lâu với cộng đồng và am hiểu tình hình ở UK, Viethome xin gửi tới quý vị những lý do chính khiến cho vụ mất tích của Lê Thị Diệu Linh trở nên nghiêm trọng và thu hút được sự chú ý hơn bao giờ hết.  

    Sinh năm 2003 nhưng ở UK họ chỉ tính là 15 tuổi

    Nếu tính theo năm và theo cách của người Việt, Linh Le có thể đã 16 tuổi. Nhưng theo luật quy định ở Anh Quốc, chỉ khi nào tới sinh nhật thì bạn mới được tính thêm 1 tuổi nữa. Linh Le sinh vào ngày 16.9.2003. Việc Linh 15 tuổi có sự khác biệt thật sự lớn so với 16 tuổi. (Linh sang UK du lịch phải đi kèm người lớn bảo trợ)  

    Luật pháp Anh Quốc quy định dưới 18 tuổi được coi là trẻ em và cần có người bảo hộ. Tuy nhiên, nếu ai đó trên 16 tuổi thì về thực tế họ gần như được coi là "người trưởng thành" . 

    Ví dụ: Nếu dưới 18 tuổi, nếu bạn tự ý bỏ nhà ra đi, bố mẹ bạn có thể xin lệnh của tòa để lôi bạn về. Nhưng thực tế, tòa hay từ chối các đơn đó nếu như bạn trên 16 tuổi, vì với họ đó là tuổi đủ trưởng thành để tự chăm lo cho bản thân. 

    Trên 16 tuổi, bạn có quyền đồng ý quan hệ tình dục với người khác và người kia sẽ không bị truy tố.

    Bạn có thể đi làm full time, hay đăng kí kết hôn (với sự đồng ý của bố mẹ) 

    Như vậy có thể thấy, Linh Lê mới chỉ 15 tuổi khi bị mất tích nên làm cho cảnh sát phải ráo riết tìm em, bởi em có thể gặp nguy hiểm. 

    Anh Quốc là đất nước của trẻ em

    Nhiều người vẫn còn coi nhẹ cách dân Anh & các cơ quan chức năng bảo vệ trẻ em. Một khi họ đã xác định được đứa trẻ có thể gặp nguy hại, họ sẽ làm tất cả mọi thứ để bảo vệ đứa trẻ này. Họ luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân, dù có mất bao nhiêu tiền và công sức họ cũng phải làm cho bằng được. Đó là lý do vì sao các tờ báo lớn nhất ở Anh Quốc đều đăng tải thông tin Linh Lê bị mất tích, trong đó có The Guardian, The Sun, BBC, ITV, The Independent, Huffingtonpost.

    Các vụ người Việt trốn ở lại trước đây hầu như là do người trưởng thành, trên 18 tuổi nên sự việc không quá nghiêm trọng, cảnh sát không có nhiều lý do để dành tiền và nhân lực đi truy tìm những người này. 

    Cô bé Madeleine bị mất tích 12 năm nay, đã tiêu tốn 11.75 Triệu bảng nhưng vẫn nhận được sự ủng hộ của chính phủ để tiếp tục tìm ra sự thật. VietHome hàng tuần luôn nhận được thông tin tìm trẻ lạc của các cơ quan chức năng bên này vì họ muốn báo chí giúp sức tìm ra các nạn nhân này. 

    Buôn người & bắt trẻ em làm nô lệ đang là vấn đề lớn ở Anh

    Nếu bạn hay theo dõi VietHome thì sẽ dễ dàng nhận ra vài năm gần đây chính phủ Anh làm rất mạnh các vụ buôn người do người Việt thực hiện với trẻ em Việt. Những vụ đó thường có chung 1 kiểu lời khai từ các nạn nhân là họ bị nhóm buôn người đưa vào Anh để đi trồng cần sa, đi làm ở tiệm nails, bóc lột sức lao động. Chính vì vậy, khi Linh Le bị mất tích và họ nhìn thấy em đi cùng người đàn ông lạ, cảnh sát lo sợ em cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự nên gấp rút thực hiện các hành động khám xét & tạm giữ người. 

    Nguồn tài chính và nhân lực cảnh sát cho mục đích chống buôn người trong thời gian này không hề thiếu. Sự phẫn nộ trong lòng người dân cũng đang tăng cao nên họ luôn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ trong các chiến dịch liên quan Nô Lệ Thời Hiện Đại.

    Trong các diễn đàn của người Anh bên này, họ rất lo lắng cho sự an toàn của Linh Lê và hoàn toàn ủng hộ cảnh sát ra quân đi tìm em về sớm nhất có thể. 

    Làm mất hình ảnh Vương Quốc Anh an toàn

    Cảnh sát và dân Anh không thực sự yên tâm khi cảnh bắt cóc trẻ em có thể thực hiện 1 cách dễ dàng giữa ban ngày & ngay trên phố phường yên bình của Anh Quốc. Sự việc này gây ảnh hưởng lớn tới hình ảnh và sự an toàn của nước Anh. Vì vậy họ cần phải gấp rút vào cuộc để truy tìm bằng được tung tích của em cũng như người đàn ông đi cùng. Đặc biệt Linh Le là 1 người nước ngoài vào Anh hợp pháp và đang du lịch ở Anh - vụ việc này mang tầm quốc tế. Bộ Ngoại Giao & ĐSQ VN tại Anh cũng đã vào cuộc tham gia tìm kiếm Linh Lê tại Anh.  

    Viethome 

  • Trao đổi với phóng viên Thanh Niên qua điện thoại, ông Nguyễn Bá Thanh Tùng, Giám đốc công ty du lịch Travel Plus cho biết, ông là người chủ động đi báo cơ quan cảnh sát Anh về việc mất tích của Lê Thị Diệu Linh (sinh năm 2003) để họ tìm kiếm. Sau đó cảnh sát cũng đi tới khách sạn để phỏng vấn từng người trong đoàn du lịch.

    “Sau đó tôi cũng báo với lãnh sự về sự việc. Dùng từ mất tích là do khách không quay lại với đoàn, chứ chưa biết thực hư như thế nào.

    Anh Tùng cho biết, người phụ nữ đi cùng Linh tên là Quyên, người này nói với công ty Travel Plus và khai báo trong hồ sơ là mẹ của Linh, sống ở TP. HCM. Họ làm visa ở nơi khác và chỉ đến công ty Travel Plus để đăng ký tour. Anh Tùng cho biết, thông thường, khách đi tour bên công ty anh được làm giúp visa luôn. Tuy nhiên, với trường hợp này, họ đã tự làm visa.

    Theo lời anh Tùng, chị Quyên, người được cho là mẹ của cháu Linh nói với Travel Plus là họ muốn đi sớm có công việc. 

    Theo lời kể của anh Tùng: thời gian mất tích của Linh là khoảng 4 giờ 30 chiều ngày 6.8.2019 (ở Anh). Linh đã tự đi đâu đó không thông báo cho ai biết, kể cả mẹ, chứ không phải bị lạc khỏi đoàn.

    Tuy nhiên, sau quá trình thu thập, báo Thanh Niên đã xác minh được địa chỉ thường trú của Lê Thị Diệu Linh tại huyện Bố Trạch, và bố mẹ ruột của Linh là ông bà Lê Cừ và Đặng Thị Hương.

    Theo thông lệ, người dưới 18 tuổi khi đi du lịch ở Anh hay một số nước có quy định chặt chẽ về việc cấp visa (thị thực) thì phải có cha hoặc mẹ đi cùng thì mới được cấp visa. Trong trường hợp cha mẹ không đi cùng, cha mẹ phải có giấy ủy quyền cho phép người khác dẫn con đi. Giấy ủy quyền này phải có sự xác nhận của địa phương.

    PV Thanh Niên đã đặt câu hỏi với vợ chồng ông Cừ về vấn đề ông bà có ủy quyền cho người khác dẫn Linh đi không, vì ủy quyền và có xác nhận của địa phương thì mới xin được visa vào Anh, nhưng ông bà Cừ tỏ ra không hiểu điều này, khi bảo có ủy quyền khi bảo không. “Nó làm ở trong kia thì nó tự xin tour nó cho đi thôi. Chắc trong đoàn có người bảo lãnh”, ông Cừ nói.

    Theo vợ chồng ông Cừ, trước khi đi Linh có về ký giấy tờ. Như vậy, có khả năng vợ chồng ông đã ký vào một giấy ủy quyền mà không rõ và không biết ủy quyền cho ai.

    Viethome (theo Thanh Niên)

  • Ngày 12.8, ông bà Lê Cừ và Đặng Thị Hương ở Quảng Bình, bố mẹ ruột của thiếu nữ Việt được truyền thông Anh cho là mất tích ở bên đó khi đi du lịch, đã làm đơn xác nhận con mình không phải bị mất tích.

    Như Thanh Niên đã đưa tin: Sứ quán Việt Nam tại Anh xác nhận vào ngày 8.8, ông Nguyễn Bá Thanh Tùng, hướng dẫn viên du lịch công ty Travel Plus đã đến Đại sứ quán Việt Nam tại Anh trình báo về vụ mất tích của nữ du khách Việt tên là Lê Thị Diệu Linh.

    Hình ảnh chân dung Linh được sử dụng để làm hồ sơ do bố mẹ Linh cung cấp. - Ảnh: Ảnh: Trương Quang Nam

    Theo lời kể của ông Nguyễn Bá Thanh Tùng, Giám đốc công ty du lịch Travel Plus: thời gian mất tích của Linh là khoảng 4 giờ 30 chiều ngày 6.8.2019 (ở Anh); Linh tự đi mà không thông báo cho ai biết, kể cả mẹ, chứ không phải bị lạc khỏi đoàn. Người phụ nữ đi cùng Linh tên là Quyên, người này nói với công ty Travel Plus và khai báo trong hồ sơ là mẹ của Linh, sống ở TP. HCM.

    Tuy nhiên, sau quá trình thu thập, báo Thanh Niên đã xác minh được địa chỉ thường trú của Lê Thị Diệu Linh tại huyện Bố Trạch, và bố mẹ ruột của Linh là ông bà Lê Cừ và Đặng Thị Hương.

    Ngõ vào nhà bố mẹ của Diệu Linh tại xã Hải Trạch - Ảnh: Trương Quang Nam

    PV Thanh Niên đã về Hải Trạch để xác minh tiếp thông tin. Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Thắng, trưởng công an xã Hải Trạch cho biết chiều hôm nay 12.8, bà Đặng Thị Hương (mẹ của Lê Thị Diệu Linh) đã đến UBND xã nộp đơn xin xác nhận. Hiện bà Hương đã gửi đơn kèm một số giấy tờ tùy thân cho phía công ty tổ chức tour.

    Trong đơn, ông Cừ, bà Hương nêu rõ: “Hôm nay, tôi xin xác nhận con của chúng tôi là Lê Thị Diệu Linh sinh ngày 16.9.2003 đã đi du lịch và ở lại thăm bà con, bạn bè chứ không phải mất tích và bắt cóc như báo chí đã đưa tin. Chúng tôi xin cam kết sự việc trên hoàn toàn đúng sự thật. Nếu có gì sai sót chúng tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm”.

    Ông Cừ và bà Hương còn viết thêm: “Qua đây chúng tôi cũng muốn gửi lời xin lỗi với các thành viên trong đoàn đi du lịch, đã làm ảnh hưởng đến chương trình của đoàn và chúng tôi cũng xin cảm ơn công ty du lịch đã nhiệt tình hỗ trợ”.

    PV Thanh Niên cũng đến tận nhà nói chuyện trực tiếp với ông Cừ và bà Hương. Nhà bố mẹ ruột của Linh ở trong một hẻm nhỏ. Ông bà có 4 người con, Linh là con út, tất cả hiện đều làm ăn ở xa nhà. Ông bà làm nghề bán đồ ăn sáng tại quê.

    Theo ông Cừ, Linh học xong lớp 9 thì nghỉ học vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn; sau đó Linh vào TP. HCM học nghề và làm thêm. Một thời gian sau, vì thích đi du lịch ở Anh nên Linh xin gia đình đi và được gia đình đồng ý. Tour du lịch của Linh tốn 75 triệu đồng, là nguồn tiền từ việc tích cóp của Linh và gia đình cho thêm.

    Bà Hương, mẹ ruột của Linh vừa đi xác nhận và gửi đơn về - Ảnh: Trương Quang Nam

    Về việc “mất tích” của Linh, ông Cừ cho biết, ngày 8.8, Linh liên lạc về với gia đình để gia đình liên lạc báo cho công ty tổ chức tour.

    PV Thanh Niên đã đặt câu hỏi với vợ chồng ông Cừ về vấn đề ông bà có ủy quyền cho người khác dẫn Linh đi không, vì ủy quyền và có xác nhận của địa phương thì mới xin được visa vào Anh, nhưng ông bà Cừ tỏ ra không hiểu điều này, khi bảo có ủy quyền khi bảo không. “Nó làm ở trong kia thì nó tự xin tour nó cho đi thôi. Chắc trong đoàn có người bảo lãnh”, ông Cừ nói.

    Theo vợ chồng ông Cừ, trước khi đi Linh có về ký giấy tờ. Như vậy, có khả năng vợ chồng ông đã ký vào một giấy ủy quyền mà không rõ và không biết ủy quyền cho ai.

    Về tình trạng của Linh hiện tại, bà Hương nói: “Nó đang chơi ở bên với bạn bè, nó điện về cho gia đình rồi, nó nói là visa 6 tháng nên cho con chơi thời gian rồi con về. Nó nói là yên tâm, họ nói mặc kệ họ”.

    “Chúng tôi không lo, vì trước khi đi là nó nói rồi. Trước thời điểm nói mất tích là nó gọi điện về rồi nên không lo. Nó đi đến đâu cũng chụp ảnh gửi về cho vợ chồng tôi biết”, bà Hương chia sẻ thêm.

    Tuy nhiên, vợ chồng ông Cừ cho hay, hiện không biết Linh ở với ai và địa chỉ nào, cũng không biết Linh đã trình báo với cơ quan chức năng Anh hay chưa.

    Viethome (theo Thanh Niên)

  • [Update] : Toà York Magistrates' Court đã  trả lại hồ sơ vụ này vì nó quá nghiêm trọng. Quang sẽ ra toà York Crown Court vào 16 tháng 9 tới đây. 

    Cảnh sát vừa quyết định truy tố 1 người đàn ông 25 tuổi vì tội bắt cóc trẻ em và hỗ trợ vi phạm luật nhập cư trong vụ bé Linh Le , 15 tuổi bị mất tích khi đi du lịch ở Anh. Hiện em Linh vẫn đang trong tình trạng mất tích. 

    Quang Ngoc Hoc, 25 tuổi, không có địa chỉ nhà ở -  sẽ ra hầu toà ở York Magistrates' Court. Trong khi 7 người bị tạm giữ trước đó đã được thả ra. 

    Cảnh sát đã ra các lệnh khám xét ở các địa điểm khu vực Staffordshire và bắt giữ thêm 2 người - 1 nam 1 nữ  nhằm tìm kiếm em Linh

    bao nguoi viet 

    bao nguoi viet

    VietHome

  • Liên quan tới vụ mất tích của một du khách Việt Nam tại Anh, Bộ Ngoại giao tối 10-8 xác nhận người mất tích là Lê Thị Diệu Linh, sinh năm 2003.

    Chân dung Linh Le, cô gái 15 tuổi mất tích tại Anh - Ảnh: Cảnh sát Bắc Yorkshire

    Theo đó, vào hôm 8-8, ông Nguyễn Bá Thanh Tùng, hướng dẫn viên du lịch Công ty Travel Plus, đã đến Đại sứ quán Việt Nam tại Anh trình báo về vụ mất tích của du khách Việt tên Diệu Linh.

    Theo ông Tùng, Diệu Linh mất tích khi đang tham quan, mua sắm tại thành phố York vào ngày 6-8-2019.

    "Ông Tùng và người đi cùng cháu Linh đã đến trình báo cảnh sát thành phố York. Sau khi lấy lời khai, cảnh sát thành phố York đã cho phép người đi cùng cháu Linh rời đi và người này đã về nước ngày 10-8-2019. Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Anh giữ liên lạc với các cơ quan chức năng sở tại trong quá trình tìm kiếm công dân được cho là mất tích nói trên, sẵn sàng thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết", thông báo của Bộ Ngoại giao cho biết thêm.

    Tính tới ngày 10-8, cảnh sát Anh đã bắt và thẩm vấn 8 người nghi liên quan tới vụ mất tích của Diệu Linh. Trong đó có một đôi vợ chồng đã bị thẩm vấn, lục tung nhà cửa và con trai chưa đầy 2 tuổi đã bị Bộ Xã hội bắt đi. 


    Post của người vợ cầu cứu cộng đồng.

    Truyền thông Anh ban đầu đưa tin cô gái mất tích có tên "Linh Le", 15 tuổi, đi cùng một đoàn khách du lịch. Linh Le không biết tiếng Anh và cũng mới lần đầu tiên đến quốc gia này.

    Lần cuối cùng người ta thấy Linh Le là khoảng 4h40 chiều 6-8 (giờ địa phương), tại những bức tường theo kiến trúc cũ ở đường Station Rise, khu vực Bắc Yorkshire, vùng Yorkshire. Trước đó 10 phút, Linh Le cũng xuất hiện ở đường Coney, gần Station Rise.

    Báo chí Anh dẫn nguồn tin cảnh sát cho hay Linh Le trước khi mất tích mặc một chiếc áo khoác trắng, quần jean ngắn màu xanh, mang giày đen, và đi cùng một người đàn ông châu Á chừng 20 tuổi. Người này mặc áo sậm màu và đội mũ bóng chày màu đen.

    Cảnh sát khu vực Bắc Yorkshire hôm 9-8 nói rằng họ "đang ngày càng lo ngại về sự an toàn của Linh Le", và cho đến nay thậm chí thừa nhận không thể nào khoanh vùng được du khách này đang ở đâu tại Anh.

    Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo sứ quán Việt Nam tại Anh giữ liên lạc với các cơ quan chức năng sở tại trong quá trình tìm kiếm công dân được cho là mất tích nói trên, sẵn sàng thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.

    Viethome (theo Tuổi Trẻ)

  • Liên quan tới vụ mất tích của một du khách Việt Nam tại Anh, Bộ Ngoại giao tối 10-8 xác nhận người mất tích là Lê Thị Diệu Linh, sinh năm 2003.

    Chân dung Linh Le, cô gái 15 tuổi mất tích tại Anh - Ảnh: Cảnh sát Bắc Yorkshire

    Theo đó, vào hôm 8-8, ông Nguyễn Bá Thanh Tùng, hướng dẫn viên du lịch Công ty Travel Plus, đã đến Đại sứ quán Việt Nam tại Anh trình báo về vụ mất tích của du khách Việt tên Diệu Linh.

    Theo ông Tùng, Diệu Linh mất tích khi đang tham quan, mua sắm tại thành phố York vào ngày 6-8-2019.

    "Ông Tùng và người đi cùng cháu Linh đã đến trình báo cảnh sát thành phố York. Sau khi lấy lời khai, cảnh sát thành phố York đã cho phép người đi cùng cháu Linh rời đi và người này đã về nước ngày 10-8-2019. Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Anh giữ liên lạc với các cơ quan chức năng sở tại trong quá trình tìm kiếm công dân được cho là mất tích nói trên, sẵn sàng thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết", thông báo của Bộ Ngoại giao cho biết thêm.

    Tính tới ngày 10-8, cảnh sát Anh đã bắt và thẩm vấn 8 người nghi liên quan tới vụ mất tích của Diệu Linh. 

    Truyền thông Anh ban đầu đưa tin cô gái mất tích có tên "Linh Le", 15 tuổi, đi cùng một đoàn khách du lịch. Linh Le không biết tiếng Anh và cũng mới lần đầu tiên đến quốc gia này.

    Lần cuối cùng người ta thấy Linh Le là khoảng 4h40 chiều 6-8 (giờ địa phương), tại những bức tường theo kiến trúc cũ ở đường Station Rise, khu vực Bắc Yorkshire, vùng Yorkshire. Trước đó 10 phút, Linh Le cũng xuất hiện ở đường Coney, gần Station Rise.

    Báo chí Anh dẫn nguồn tin cảnh sát cho hay Linh Le trước khi mất tích mặc một chiếc áo khoác trắng, quần jean ngắn màu xanh, mang giày đen, và đi cùng một người đàn ông châu Á chừng 20 tuổi. Người này mặc áo sậm màu và đội mũ bóng chày màu đen.

    Cảnh sát khu vực Bắc Yorkshire hôm 9-8 nói rằng họ "đang ngày càng lo ngại về sự an toàn của Linh Le", và cho đến nay thậm chí thừa nhận không thể nào khoanh vùng được du khách này đang ở đâu tại Anh.

    Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo sứ quán Việt Nam tại Anh giữ liên lạc với các cơ quan chức năng sở tại trong quá trình tìm kiếm công dân được cho là mất tích nói trên, sẵn sàng thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.

    Viethome (theo Tuổi Trẻ)

  • Cảnh sát Anh bắt giữ 8 người được cho là có liên quan tới vụ nữ du khách 15 tuổi người Việt Nam mất tích trong chuyến du lịch tới nước này.

    Theo Guardian, cảnh sát Anh đang điều vụ việc nữ du khách Việt Nam tên Linh Le mất tích từ hôm 6/8 tại thành phố York, vùng North Yorkshire.

    Linh Le hiện 15 tuổi, không nói được tiếng Anh, và lần đầu tiên tới Anh để du lịch. Lần cuối cùng Linh Le được nhìn thấy là hôm 6/8 gần nhà ga Station Rise vào lúc 4h40 chiều (giờ địa phương) cùng một người đàn ông châu Á. Lúc này, Linh Le mặc chiếc áo khoác in hình Ariana Grande, quần bò ngắn màu xanh nhạt và đeo túi màu trắng.

    Nữ du khách 15 tuổi người Việt Nam. Ảnh: Cảnh sát Anh 

    Người đàn ông có mặt cạnh Linh Le được miêu tả là ở độ tuổi 20, mặc áo khoác và đội mũ lưỡi trai màu đen.

    Cảnh sát Anh cho biết đã bắt giữ 8 người được cho là có liên quan tới vụ mất tích của Linh Le. Nhà chức trách cho biết Linh Le có thể đã bị đưa đi khỏi khu vực North Yorkshire.

    "Các sĩ quan đang ngày càng lo ngại cho tình trạng của Linh Le, chúng tôi đã kêu gọi sự giúp đỡ của người dân để có thêm thông tin về vị trí hiện tại của cô gái", người phát ngôn cảnh sát North Yorkshire cho biết.

    Cảnh sát Anh vào cuộc sau khi nhận được yêu cầu điều tra từ Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô London. Trước đó, một cô gái đi cùng Linh đã thông báo thông tin vụ mất tích của Linh Le và trao hộ chiếu của cô gái mất tích cho nhân viên Đại sứ quán.

    Guardian dẫn lời một nhân viên Đại sứ quán Việt Nam ở London cho biết cha mẹ của Linh Le ở Việt Nam đã được thông báo về vụ mất tích. Trong khi đó, nữ du khách đi cùng Linh Le đã trở về Việt Nam.

    Viethome (theo Zing)

  • Cảnh sát North YorkShire đang tiếp tục cuộc tìm kiếm một bé gái 15 tuổi bị mất tích tên là Linh Lê là một du khách người Việt Nam, đang bị mất tích tại York.

    Cô bé được nhìn thấy lần cuối cùng với một thanh niên Châu Á ở bức tường thành nằm phía trên Station Rise, York vào lúc 4 giờ 40 chiều ngày thứ ba 6 tây tháng 8.

    Cô bé mặc áo khoác màu trắng hiệu Ariana Grande, quần short denim màu xanh nhạt và đeo túi ba lô màu trắng vào thời điểm đó.

    Người thanh niên này khoảng 20 tuổi, mặc áo màu sậm và đội nón kiểu baseball màu đen.

    Theo điều tra, tám người đã bị bắt liên quan đến sự biến mất của cô bé và họ đang bị giam giữ để được phỏng vấn.

    Các nhân viên cảnh sát đang rất là lo lắng cho sự an toàn của Linh Lê và đang kêu gọi công chúng thông báo cho cảnh sát biết nơi ở của Linh Lê. Được tin rằng cô bé có thể ở bất kỳ nơi nào trên đất nước này.

    Nếu bạn nghĩ bạn đã nhìn thấy Linh Lê, hoặc có bất kỳ những thông tin gì, vui lòng liên hệ cảnh sát số 101 và nói số reference của cảnh sát North Yorkshire là 12190144430.

    Nếu bạn vừa mới nhìn thấy cô ấy, ngay lập tức vui lòng gọi 999.

    We would be very grateful if you could share this translated appeal to find 15-year-old Linh Le with any Vietnamese speaking friends you have. Thank you.

    Link gốc: https://www.facebook.com/137302061069/posts/10157202869196070/

    Viethome (theo Facebook North Yorkshire Police)