Phát hiện 5 người Việt sống 'tù túng, khổ sở' trong vườn ươm ở Anh

Năm người đàn ông được phát hiện đang sống trong "cảnh tù túng và khổ sở", trong đó một người 51 tuổi nói ông đến Anh bằng cách trốn sau xe tải vào năm 2014.

Các cảnh sát đã phát hiện năm người lao động Việt Nam sinh sống ngay tại chỗ làm trong chuyến ghé thăm một vườn ươm cây ở Kneesworth thuộc hạt Cambridgeshire, Anh.

Tám người từng được giải cứu khỏi trang trại này trong cuộc tìm kiếm của đội cảnh sát đặc nhiệm vào tháng 9/2018, theo BBC.

Tình trạng nô lệ là "chuyện có thật và đang diễn ra", một phát ngôn viên cảnh sát nói.

5 người đàn ông sống trên hai chiếc xe. Ảnh: Cảnh sát Cambridgeshire.

Việc kiểm tra tại chỗ, diễn ra hôm 13/12, được thực hiện bởi một nhóm kết hợp Cảnh sát Cambridgeshire, Hội đồng quận Nam Cambridgeshire và Cơ quan Chống Chủ nô và Bóc lột Lao động (GLAA).

Năm người đàn ông đang sống trong "cảnh tù túng và khổ sở", trong đó một người 51 tuổi nói ông đến Anh bằng cách trốn sau xe tải vào năm 2014, cảnh sát cho biết.

Người này bị bắt vì nghi ngờ vi phạm luật nhập cư nhưng sau đó được tại ngoại để đến một trung tâm di trú.

Thiết bị nấu ăn được tìm thấy. Ảnh: Cảnh sát Cambridgeshire.

"Mục đích của chuyến thăm này là để kiểm tra những người dễ bị tổn thương sống trong cộng đồng của chúng tôi và đảm bảo họ được bảo vệ trước mọi hình thức bóc lột", trung sĩ Emma Hilson nói.

"Mặc dù chúng tôi không tìm thấy ai thực sự làm việc tại vườn ươm cây, nhưng điều kiện sống của những người ở đó không thể chấp nhận được".

Các cảnh sát đã tìm thấy hai chiếc xe tải nhỏ, thiết bị giặt giũ và nấu ăn, cũng như động vật "bị nhốt trong điều kiện tồi tệ".

"Thường có quan niệm sai lầm rằng chế độ nô lệ là chuyện của quá khứ rồi, nhưng thật đáng buồn, đó là một chuyện có thật và đang xảy ra", trung sĩ Hilson nói thêm.

Họ sống trong trong "điều kiện chật chội và nghèo nàn". Ảnh: Cảnh sát Cambridgeshire.

"Đó là tội ác bị che đậy dù hiện diện ở khắp nơi trong hạt, ngay cả ở một số khu vực giàu có nhất của chúng tôi. Tăng cường hiểu biết trong lĩnh vực này là chìa khóa để bảo vệ người yếu thế".

Theo Zing