Du học sinh Anh bị bóc lột, làm việc suốt 24 tiếng không được nghỉ

Sinh viên sang Anh theo thị thực du học bỗng biến mất rồi xuất hiện cách trường hàng trăm km, bị bóc lột sức lao động như nô lệ.

Các đại học ở Anh được kêu gọi cảnh giác cao độ với nạn buôn người sau khi nhiều nạn nhân bị nghi ngờ đến Anh bằng thị thực sinh viên rồi biến mất và được phát hiện đang bị bóc lột lao động ở khu vực cách trường hàng trăm km.

greenwich dh
Sinh viên quốc tế từ Ấn Độ đến Anh để theo học ĐH Greenwich nhưng được phát hiện tại trung tâm dịch vụ chăm sóc ở xứ Wales.

Du học sinh trở thành nô lệ

Observer dẫn báo cáo của Cơ quan Quản lý vấn đề lạm dụng lao động và thuê lao động trái phép (GLAA) cho biết trong một vụ gần đây, du học sinh người Ấn Độ tại các trường ĐH Greenwich, Chester and Teesside dừng theo học khi chỉ mới đến Anh được thời gian ngắn.

Những người này sau đó được tìm thấy tại một trung tâm dịch vụ chăm sóc (thường dành cho người già và người khuyết tật) ở xứ Wales. Họ sống trong điều kiện bần cùng. 12 người chen chúc trong một căn phòng nhưng chỉ có 3 chiếc giường. Không những vậy, họ phải làm việc đến 80 tiếng/tuần, nhiều hôm tăng ca gấp đôi song chỉ nhận lương dưới mức tối thiểu.

"Các sinh viên ít hoặc không vào lớp. Trong một số trường hợp, người lạ đăng nhập vào lớp học trực tuyến để đánh lừa trường rằng sinh viên quốc tế vẫn theo học", báo cáo trên cho hay.

Theo The Guardian, cuộc điều tra của Observer đã phát hiện các nạn nhân thường bị bóc lột lao động tại các trung tâm chăm sóc tại nhà trên khắp nước Anh.

Người từ Ấn Độ, Philippines và các quốc gia ở châu Phi phải trả phí tuyển dụng bất hợp pháp lên tới 18.000 bảng Anh (hơn 500 triệu đồng). Một số trường hợp bị ép làm việc không lương để trả dần số nợ này. Họ còn bị tịch thu hộ chiếu.

Trong những người đó, nhiều người được cho đến Anh bằng thị thực lao động có tay nghề, hợp pháp do Bộ Nội vụ Anh cấp nhằm giảm tình trạng thiếu hụt lao động trong lĩnh vực chăm sóc người già.

Các bằng chứng mới phát hiện gần đây tiết lộ con đường khác mà kẻ buôn người, hội lừa đảo lợi dụng để có người lao động giá rẻ.

GLAA xác định trường hợp các công nhân chỉ được đào tạo trực tuyến 16 giờ đào tạo, hầu hết không trải qua kiểm tra lý lịch hình sự. Điều này làm tăng lo ngại rủi ro tiềm ẩn đối với người già và người khuyết tật. Các công ty dịch vụ chăm sóc thuê người mà không hề biết về lý lịch của họ vì bên môi giới cung cấp thông tin sai lệch.

Trong một trường hợp sử dụng lao động trái phép khác, họ phát hiện nhiều sinh viên sống trong một khu nhà ở Birmingham. Những người này cũng bị tịch thu hộ chiếu và bóc lột sức lao động. Tổ chức từ thiện Unseen UK đánh giá đây là đường dây nô lệ hiện đại.

Các sinh viên này là người Ấn Độ, không biết mấy từ tiếng Anh. Họ phải làm việc theo ca kéo dài 24 tiếng, không được nghỉ giải lao và nhận mức lương thấp đến mức không đủ tiền ăn. Cảnh sát đã tiếp nhận và đang xử lý trường hợp này.

Bà Meri Åhlberg, Giám đốc Nghiên cứu tại tổ chức từ thiện Focus on Labour Exploitation, cho biết trong bối cảnh Anh thiếu người lao động, mối lo về nạn bóc lột người nước ngoài sang làm việc bất hợp pháp theo thị thực sinh viên ngày càng gia tăng.

"Nhiều sinh viên chịu áp lực, phải làm việc trái với quy định trong thị thực của họ. Điều này khiến họ dễ bị bóc lột khi chủ lao động dọa báo lên cơ quan quản lý nhập cư hoặc bị tước quyền sống ở Anh", bà Meri Åhlberg nói.

Ngăn chặn tình trạng bóc lột lao động sinh viên

Từ những vụ việc trên, các tổ chức kêu gọi tăng cường giám sát thị thực sinh viên và trường đại học cần nâng cao cảnh giác. GLAA lưu ý trường cần xem xét kỹ việc đăng ký xét tuyển, tham gia học, đóng các loại phí của du học sinh để xác định liệu đó có phải nạn bóc lột lao động núp bóng du học.

Rights Lab của ĐH Nottingham - nhóm nghiên cứu lớn nhất về nô lệ hiện đại - cho rằng việc xét tuyển sinh viên quốc tế là lĩnh vực rủi ro cao tại các trường đại học ở Anh. Trong một báo cáo gần đây, họ cảnh báo thị thực sinh viên có thể được sử dụng làm vỏ bọc cho nạn buôn người.

Bất chấp rủi ro gia tăng, theo chuyên gia tại Rights Lab, nhận thức về đối tượng sinh viên yếu thế còn hạn chế khi chỉ 7,7% trường đại học mà họ khảo sát có chương trình đào tạo nhân viên chuyên về mảng hỗ trợ người học.

Rights Lab cũng được đưa kế hoạch chi tiết nhằm giúp các trường giải quyết vấn nạn nô lệ hiện đại, khuyến nghị trường tăng cường đào tạo nhân viên và có các nhóm hỗ trợ hoạt động tích cực.

Theo Cơ quan Thống kê Giáo dục Đại học, sinh viên quốc tế là nguồn thu chính của các trường đại học. Năm học 2020-2021, Anh có khoảng 605.130 du học sinh. Trong đó, 3/4 người đến từ các nước ngoài EU. Viện Nghiên cứu Tài khóa ước tính học phí từ sinh viên quốc tế chiếm khoảng 17% tổng thu của ngành giáo dục.

Các đại học hoạt động hợp pháp có thể bảo lãnh sinh viên đến Anh học tập với điều kiện người đó trúng tuyển một khóa học và đủ điều kiện tài chính đủ để lo cho bản thân, chi trả sinh hoạt phí và thành thạo tiếng Anh. Trường có trách nhiệm theo dõi quá trình học tập, sinh sống của sinh viên quốc tế khi họ đến Anh.

Trước thông tin đường dây buôn người núp bóng việc cấp thị thực cho sinh viên quốc tế, tổ chức các trường đại học ở Anh Universities UK cho rằng tỷ lệ sinh viên bị bóc lột lao động rất thấp. Các trường đã thực hiện "vượt mức yêu cầu" từ Bộ Nội vụ để ngăn chặn tình trạng sinh viên bị bóc lột.

Universities UK cũng khuyến nghị các trường thực hiện các bước bổ sung như gọi điện sàng lọc nhằm đảm bảo ứng viên là người muốn và đủ điều kiện theo học, tăng số tiền đặt cọc.

Là một trong những trường có sinh viên quốc tế bị bóc lột lao động, ĐH Teesside vẫn khẳng định họ có quy định nghiêm ngặt về an toàn và phúc lợi cho sinh viên. Họ thường xuyên theo dõi mức độ chuyên cần của người học, đồng thời có kênh hỗ trợ sinh viên.

Đại diện phát ngôn của Bộ Nội vụ thông tin thêm cuộc kiểm tra gần đây cho thấy quy trình của ĐH Teesside tuân thủ các tiêu chuẩn cần thiết.

Guardian cũng liên hệ 2 trường khác liên quan đến nạn sinh viên quốc tế bị bóc lột sức lao động là ĐH Chester và Greenwich để xin thông tin, phản hồi vụ việc.

"Những kẻ ép người khác trở thành nô lệ sẽ bị đưa ra công lý. Chúng tôi đã trao quyền hạn, nguồn lực cho các cơ quan thực thi pháp luật để họ hành động khi phát hiện tình trạng bóc lột lao động", đại diện Bộ Nội vụ Anh nhấn mạnh.

Zing (theo Guardian)