• Minh, một cậu bé người Việt 16 tuổi, bị bắt cóc, cưỡng hiếp và bị đem bán ở Anh, sau đó cậu bị nhốt và buộc phải tham gia trồng cần sa. Khi cảnh sát tìm thấy Minh, cậu bị đối xử như một tên tội phạm thay vì là một nạn nhân.

    Ngày 25/10/2013, khi cảnh sát đến phá cánh cửa của một ngôi nhà hoang hai tầng ở Chesterfield, họ phát hiện ra bên trong ngôi nhà là một trang trại cần sa với hàng chục cây được nuôi trồng với đèn và thiết bị điện cùng một cậu bé Việt Nam.

    Cậu bé đang ngủ trên nệm ở phòng khách khi cuộc đột kích của cảnh sát bắt đầu. Cậu giật mình tỉnh giấc vì tiếng động mạnh va vào cửa và tiếng gỗ vỡ vụn ở bên ngoài. Ngôi nhà đã rất lâu không có tiếng người và ánh sáng tự nhiên, bỗng trở nên ồn ào với những tiếng la hét và bước chân rầm rập. Minh (không phải tên thật) lùi lại một góc khi bị bao vây bởi cảnh sát, những người hỏi cậu bằng thứ tiếng mà cậu không thể hiểu được.

    Minh nhớ lại khoảnh khắc đó và nói rằng: "Tôi rất sợ những người đàn ông này. Nhưng sau đó tôi bình tĩnh hơn và tin rằng họ đến để giải cứu tôi."

    Minh là một trong hàng trăm trẻ em Việt Nam bị bắt cóc và buộc phải làm việc trong các trang trại cần sa bí mật trên khắp Vương quốc Anh dưới hình thức nô lệ hiện đại. Những đứa trẻ như Minh là tài sản quý giá cho những người điều hành các trang trại cần sa: giá rẻ, dễ kiểm soát và có thể đe dọa được.

    Theo ước tính, có khoảng 13.000 cá nhân đã trở thành nô lệ hiện đại trên khắp nước Anh, và số người Việt chiếm thứ 3 trong nhóm các nạn nhân. Thêm nữa, hơn một nửa trong số đó dưới 18 tuổi.


    Minh là một trong hàng trăm trẻ em Việt Nam bị bắt cóc và buộc phải làm việc trong các trang trại cần sa bí mật trên khắp Vương quốc Anh dưới hình thức nô lệ hiện đại.

    Trong 3 năm trở lại đây, chính phủ Anh đã xác nhận có đến 491 trẻ vị thành niên Việt Nam có khả năng là nạn nhân của hoạt động buôn bán trẻ em, phần lớn chúng là những cậu bé tuổi vị thành niên bị bắt phải trồng và chăm sóc những cây cần sa. Con số này chỉ thống kê những người đã được tìm thấy, còn theo ước tính có hàng ngàn người khác đang làm việc trong những trang trại bí mật ở vùng ngoại ô, nhà hoang, nhà kho hay các khu công nghiệp vô chủ. Những người khác thì bị buộc phải làm việc trong quán bar, nhà thổ, nhà hàng hay giúp việc.

    Cuộc đời nô lệ của cậu bé Việt trên Vương quốc Anh

    Minh đến Anh khi mới 16 tuổi. Khi đặt chân đến đây, cậu không hề biết mình đang ở đâu, cậu chỉ biết rằng cậu ở đây để làm việc. Kí ức về 3 tháng bị nhốt trong nhà đã phai dần và bị bóp méo bởi nỗi sợ hãi, sự cô đơn, căng thẳng. Trong nhiều tháng, cậu chỉ tiếp xúc với một vài người đàn ông Việt Nam. Những người này cứ khoảng vài tuần sẽ đến kiểm tra xem cậu có chăm sóc cây đúng cách hay không. Họ hầu như không nói chuyện mà chỉ để lại những hộp thịt đông lạnh cho cậu hâm nóng trong lò vi sóng để ăn qua ngày.

    Những người đàn ông này luôn khóa cửa giam cậu lại một mình sau khi họ bỏ đi. Trong căn nhà thiếu ánh sáng mặt trời, ngày hòa vào đêm và cậu thui thủi trong bóng tối mỗi ngày, Minh lúc nào cũng đói và luôn sợ hết thức ăn. Ngoài ra, cậu ý thức rõ rằng mình sẽ gặp rắc rối như nào nếu những cây cần sa chết.

    Một lần, Minh cố gắng trốn thoát nhưng đã bị bắt lại và được đưa trở lại căn nhà hoang. Cậu hiểu rằng mình sẽ bị giết nếu cố gắng trốn thoát một lần nữa. Cuộc sống của Minh giống như ở một thế giới khác, cậu không thực sự cảm nhận được con người và rất nhanh chóng, Minh hiểu rằng những cái cây mà cậu đang chăm sóc còn có giá trị hơn cuộc sống của mình.

    Ngày cảnh sát đột kích căn nhà đánh dấu sự kết thúc kiếp nô lệ của Minh và giải thoát cậu khỏi những kẻ buôn người. Nhưng thử thách dành cho cậu vẫn chưa kết thúc. Thay vào đó, Minh trở thành tội phạm buôn ma túy chứ không phải là nạn nhân của những kẻ buôn người.

    Cuộc sống của Minh khi ở Việt Nam và chuyến di cư bất hợp pháp đến Anh

    Cuộc đấu tranh cho công lý của Minh đã dẫn đến một cuộc chiến ở tòa án tối cao, đặt ra những câu hỏi đau đớn và sâu sắc về cách Vương quốc Anh đối xử với những đứa trẻ nước ngoài là nạn nhân của việc buôn bán nô lệ.

    Được biết, Minh sinh ra trong một ngôi làng nhỏ nghèo khó ở miền nam Việt Nam. Mẹ và cha cậu là những người nông dân, gia đình chỉ trồng đủ lúa để nuôi cả 3 người. Năm 16 tuổi, Minh khao khát được thoát khỏi cuộc sống bần cùng và khi cơ hội đến, cậu theo một vài người bạn lên phố lớn và không gặp lại cha mẹ kể từ đó.

    Tại TP. HCM, Minh đã gặp bạn bè và họ đã đưa anh đến gặp những người đàn ông lớn tuổi. Những người này nói rằng họ biết cậu nghèo và cần một công việc, rồi họ đề nghị Minh có muốn đi Anh làm việc hay không. Bằng trực giác, cậu cảm thấy không tin tưởng những người này và nói rằng mình muốn về nhà. Minh tìm đến bạn bè để tìm kiếm sự giúp đỡ nhưng không ngờ cậu lại bị kéo vào một căn phòng rồi bị tra tấn một cách dã man.

    Vài ngày tiếp theo, Minh bị giam trong nhà, bị lạm dụng tình dục và bị hãm hiếp. Tiếp theo, Minh bị gán cho một khoản nợ là 20.000 bảng Anh cho chuyến đi Châu Âu mà cậu không hề nợ. Thêm vào đó, những người đàn ông còn đe dọa rằng chúng biết bố mẹ cậu sống ở đâu, nếu cậu không trả lại số tiền này, bố mẹ cậu sẽ gặp nguy hiểm.

    Cuộc hành trình của Minh bắt đầu từ đó. Cậu đi xuyên qua Nga, đến Đông Âu rồi Pháp và kết thúc ở Chesterfield, Anh bằng một chiếc xe tải. Trong cuộc hành trình, Minh bị chuyển từ băng đảng này sang băng đảng khác, ngủ trong những căn hộ bẩn thỉu với hàng tá những trẻ em Việt Nam khác. Cậu bị đánh đập, bỏ đói và bị tấn công. Khi đến Anh, cậu không biết mình đang ở đâu, không quen một ai, một chữ tiếng Anh bẻ đôi không biết và cậu trở nên hoảng loạn.

    Sự khác biệt giữa di cư và buôn người bất hợp pháp

    Các chuyên gia bảo vệ trẻ em cho biết sự khác biệt giữa di cư và buôn bán người bất hợp pháp là một điều mong manh. Mimi Vue, một chuyên gia tư vấn bảo vệ trẻ em cho biết: "Tôi đã phỏng vấn khoảng 40 trẻ em Việt Nam đã đi trên tuyến đường này và tất cả chúng đều không có ngoại lệ. Có một niềm tin rất sâu xa rằng trách nhiệm hiếu thảo của họ là cung cấp cho gia đình và nợ là gánh nặng của họ. Nó mang lại cho những người đang tìm cách khai thác và kiếm lợi nhuận từ họ một đòn bẩy lớn.

    Đây chỉ là những điều kiện chính để khai thác. Vào thời điểm này, những người duy nhất mà những đứa trẻ này biết và có thể dựa vào là những kẻ buôn người, những người hoàn toàn kiểm soát cuộc sống của họ.

    Những đứa trẻ Việt Nam luôn bị buôn bán bất hợp pháp, nhưng cần sa là một ngành công nghiệp hoàn hảo để khai thác. Thật dễ dàng để che giấu ai đó trong một ngôi nhà trống, cảnh sát coi việc trồng cần sa là ưu tiên thấp, và nếu họ đột kích vào nhà, đứa trẻ thường quá kinh hoàng để chia sẻ bất cứ điều gì có giá trị với họ. Và họ đã vi phạm pháp luật, vì vậy họ sẽ trở thành tội phạm."

    Khoảng thời gian bị giam cầm như một tội phạm và những trải nghiệm kinh hoàng của Minh

    Khi bị bắt vào năm 2013, Minh không hé bất kì một lời nào với cảnh sát. Vì mới 16 tuổi, Minh được trả lại cho chính quyền địa phương để quản lý. Một nhân viên xã hội gửi cậu đến B&B ở ngoại ô Chesterfield và sau đó cậu được trả tự do.

    Với số tiền là 30 Bảng Anh trong người, Minh lên xe buýt đến Sheffield. Minh cảm giác như mình đang ở trong một thành phố xa lạ. Sau đó, một cảm giác tội lỗi xuất hiện, lúc này cậu chỉ muốn được trở về nhà nhưng lại không biết làm sao để trở về.

    Cậu lang thang vô định quanh Sheffield trong 2 ngày, ngồi trong công viên, nhặt thức ăn từ thùng rác và ngủ ở ga tàu. Đến ngày thứ 3, khi đang ngồi trên ghế đá công viên, cậu được một người đàn ông lớn tuổi Việt Nam tiếp cận, nói chuyện và mời ăn uống.

    Minh sau đó ở cùng với gia đình người đàn ông này trong hơn hai năm, di chuyển từ Sheffield đến Liverpool. Nhưng tất cả đã thay đổi vào tháng 2/2016, khi cậu bị bắt trong một cuộc đột kích nhập cư ở Liverpool.

    Lần này, Minh nói với cảnh sát tất cả những gì xảy ra trong nhà trồng cần sa ở Chesterfield. Cảnh sát gọi cho Home Office, sau đó một quan chức nhập cư đã đến phỏng vấn và chuyển thông tin chi tiết của Minh cho NRM, nơi xác định và cung cấp sự bảo vệ cho các nạn nhân của nạn buôn người. Vài ngày sau, Bộ Nội vụ cho biết có cơ sở hợp lý để thấy rằng Minh là nạn nhân của nạn nô lệ.

    Tại thời điểm đó, các cáo buộc hình sự của cậu bị đình chỉ, thế nhưng luật sư của Minh do không có kinh nghiệm về các vụ buôn người nên đã khuyên cậu nhận tội. Một tháng sau, vụ án của Minh ra tòa và cậu bị kết án 8 tháng tù giam tại nhà giam giữ phạm nhân trẻ Glen Parva với tội danh sản xuất cần sa.

    Bị nhốt ở Glen Parva đã gây ra hậu quả nặng nề lên tinh thần của Minh. Trước khi nhà tù này đóng cửa vào năm 2017, Glen Parva nổi tiếng là một trong những nơi tồi tệ nhất ở Vương Quốc Anh dùng để giam giữ con người. Đây được miêu tả là một nơi nguy hiểm, bẩn thỉu, thiếu nguồn lực và các tù nhân thường xuyên chia băng đảng, bị bắt nạt và sai khiến.

    Minh khi đó bị nhốt trong phòng giam 21 giờ mỗi ngày. Cậu bị bắt nạt bởi cả tù nhân và nhân viên, không được cho ăn và bị lạm dụng. Có một số thanh niên Việt Nam khác cũng bị giam giữ ở đây, hầu hết trong số họ bị buộc tội trồng cần sa nhưng chẳng ai thoải mái với nhau.

    Trong 4 tháng tù giam, Minh được công nhận là một tù nhân mẫu mực và sẽ được hưởng khoan hồng sớm. Nhưng 2 ngày trước khi được thả ra, Minh được thông báo rằng Bộ Nội vụ đã quyết định giam giữ cậu vô thời hạn dưới quyền lực nhập cư.

    Tháng 6/2016, cậu bị đưa ra khỏi phòng giam với chiếc còng tay và tiếp tục bị giam giữ 13 tháng trong một trung tâm giam giữ người nhập cư trái phép.

    Sự thừa nhận sai lầm của Chính phủ và nỗ lực xóa bỏ tội danh cho Minh

    Bây giờ, sau 6 năm khi Minh được tìm thấy tại trang trại cần sa ở Chesterfield, cảnh sát Derbyshire đã thừa nhận những lỗi nghiêm trọng của mình dẫn đến việc cậu bị giam giữ như một tội phạm. Các sĩ quan khi tìm thấy Minh đáng lẽ phải xác định cậu là một nạn nhân tiềm năng của nạn buôn người.

    Cách tiếp cận và nhận thức về chế độ nô lệ của cảnh sát Derbyshire đã thay đổi kể từ năm 2013, đặc biệt là sau khi Đạo luật nô lệ hiện đại của nước Anh ra đời năm 2015. Vì thế, ngày nay, bất kì một đứa trẻ nào được tìm thấy trong trang trại cần sa sẽ tự động được giải thoát và được liên hệ với tổ chức chăm sóc xã hội. Tuy nhiên, hiện nay trên khắp đất nước Anh, những đứa trẻ được tìm thấy trong các trang trại cần sa vẫn đang bị hình sự hóa.

    Tháng 3/2017, Kate Macpherson, một luật sư thực tập sinh của công ty luật Duncan Lewis đã đến Brook House, một trung tâm di trú và gặp được Minh. Cô ngay lập tức nhận thấy Minh đang trong trạng thái đau khổ, khuôn mặt cậu tái nhợt và chân tay run rẩy, cơ thể nổi lên những nốt mẩn đỏ. Cậu không thể giao tiếp và ngay cả khi nói chuyện bằng tiếng Việt, cậu cũng không thể trả lời được những câu hỏi rất cơ bản. Thậm chí, cậu không thể giao tiếp được bằng mắt và cậu dường như hoàn toàn thu mình lại.

    Sau đó, Kate Macpherson và đồng nghiệp của cô là Ahmed Aydeed đã nhiều lần đến gặp Minh để tìm hiểu những gì đã xảy ra với cậu kể từ khi cậu đặt chân đến Vương quốc Anh. Mặc dù dần dần cậu cũng đã tiết lộ câu chuyện của mình nhưng Aydeed vẫn cảm thấy có một điều gì đó thực sự khủng khiếp đã xảy đến với cậu trong thời gian bị giam giữ. Phải mất vài tuần họ mới có được lòng tin của Minh trước khi cậu tiết lộ toàn bộ câu chuyện.

    Vào tháng 10/2016, một vài tháng sau khi bị chuyển đến trung tâm di trú Morton Hall, cậu bị một tù nhân khác tấn công tình dục. Cuối ngày, Minh gặp kẻ tấn công mình trong phòng ăn và một cuộc ẩu đả đã xảy ra. Khi được nhân viên ngăn lại, Minh đã thuật lại toàn bộ câu chuyện. Theo chính sách của Morton Hall, đáng lẽ họ phải lập tức mở một cuộc điều tra và báo cáo cuộc tấn công đó với cảnh sát, nhưng cuối cùng họ lại chẳng làm gì cả.

    Cuộc tấn công đó đã gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần vốn đã mong manh của Minh. Cậu đã từng nói rằng: "Tôi cảm thấy như cuộc sống của mình đã kết thúc. Tôi hiểu ra rằng tôi không có được sự an toàn dù ở bất cứ đâu. Tôi đã rất sợ những tù nhân khác và càng sợ hãi hơn khi những chuyện như thế này sẽ lại xảy ra. Tôi cũng không thể tin tưởng rằng các nhân viên ở đó sẽ bảo vệ mình."


    Trung tâm giam giữ nhập cư Morton Hall.

    Sau những lời kể kinh hoàng đó, các luật sư đã yêu cầu Home Office xem xét lại trường hợp của Minh. Ngày 12/5/2017, Home Office chính thức xác nhận Minh là nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại, nhưng vẫn từ chối xóa bỏ tội danh của cậu.

    Sau khi Minh được xác định là nạn nhân của nạn buôn người, Duncan Lewis đã đưa ra một đánh giá y tế độc lập. Tiến sĩ Frank Arnold của Forrest Medico-Legal Services, một chuyên gia toàn cầu, người giúp ghi lại những kinh nghiệm của các nạn nhân bị tra tấn, đã đến thăm Minh tại Brook House. Sau đó, Arnold đã viết một báo cáo kết luận rằng vết sẹo vật lý của Minh phù hợp với lịch sử lạm dụng thể chất, lạm dụng tình dục và cậu đang bị PTSD (Rối loạn stress sau sang chấn) cấp tính. Ông cũng báo cáo rằng Minh đã phải chịu thiệt hại đáng kể dưới bàn tay của những kẻ buôn người và Chính phủ Anh.

    Sáng ngày 14/6/2017, Minh rời khỏi nhà tù nhập cư và được đưa đến một ngôi nhà an toàn.

    Sang chấn tâm lý và những nỗ lực trở lại với cuộc sống bình thường

    Đã 3 năm 8 tháng sau khi được tự do, cậu đã luôn nỗ lực đấu tranh để thích nghi với cuộc sống hiện tại. Tuy có nhiều thanh niên Việt Nam khác tại ngôi nhà an toàn, nhưng cậu vẫn luôn trong trạng thái lo lắng cao độ vì suy nghĩ có thể ai đó sẽ đến và đưa cậu trở lại trại giam.

    Rachel Thomas, một nhà tâm lý học lâm sàng chuyên về sức khỏe tâm thần và chấn thương phức tạp, đã viết trong báo cáo của mình về trường hợp của Minh rằng: "Giấc ngủ của Minh bị giới hạn trong khoảng 4 giờ/ngày. Cậu bị đánh thức bởi những cơn ác mộng về việc bị tấn công và truy đuổi. Cậu bị ám ảnh bởi những kí ức về sự xâm hại và những trải nghiệm của mình dưới bàn tay của kẻ buôn người. Cậu trở nên căng thẳng và đau khổ hơn sau khi bị giam giữ và đỉnh điểm là sau vụ bị lạm dụng tình dục ở Morton Hall."

    Trong quá trình đánh giá, Minh đã tiết lộ một điều kinh khủng khác khiến bác sĩ Frank Arnold không thể tưởng tượng ra được, rằng sau cuộc tẩu thoát không thành khỏi nhà trồng cần sa ở Chesterfield, Minh bị những kẻ buôn người bắt giữ lại và cắt bỏ một phần bộ phận sinh dục, đồng thời chúng cũng nói với cậu rằng chúng đã nhét thiết bị theo dõi vào cơ thể của cậu.

    Rachel Thomas nói rằng, ngay cả khi không có thiết bị theo dõi thật, tác động tâm lý lên Minh vẫn vô cùng lớn. Cho dù cậu có ở nơi nào an toàn và được xã hội công nhận là nạn nhân, cậu vẫn luôn tin rằng những kẻ buôn người đang kiểm soát tối đa cuộc sống của mình.

    Sau khi Minh được thả ra, Aydeed và nhóm của Duncan Lewis đã tiến hành các thủ tục tố tụng pháp lý chống lại cả Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp vì đã không bảo vệ được Minh, và đã không mở một cuộc điều tra sau vụ tấn công tình dục tại Morton Hall.

    18 tháng tiếp theo, nhóm cũng đã theo đuổi một bản đánh giá tư pháp riêng đối với Home Office. Các luật sư lập luận rằng Minh là nạn nhân của nạn buôn bán người nhưng đã bị Home Office hình sự hóa và giam giữ bất hợp pháp trong suốt 4 năm, đồng thời cố gắng trục xuất cậu về Việt Nam trước khi vụ điều tra hình sự về buôn bán người của Minh được kết luận.

    Đối với Minh, cuộc chiến vì công lý này vô cùng quan trọng. Cậu nói rằng: "Sau vụ tấn công tình dục, tôi như trở thành người khác. Tôi không biết mình là ai nữa nhưng tôi nghĩ rằng có lẽ vẫn có cách để xây dựng lại cuộc sống của mình. Tôi đã từng nói rất nhiều và cười rất nhiều, tôi cũng từng muốn gặp gỡ mọi người và muốn được nhìn thấy mọi thứ, nhưng bây giờ tôi không còn cảm thấy như vậy nữa. Khi tôi nhìn vào gương, tôi thấy một người khác trong đó, một người mà tôi không nhận ra, già hơn và đau khổ hơn."

    Tháng 6/2018, Home Office đã thừa nhận những gì họ đối xử với anh trong suốt thời gian qua là một sự bất công và sai lầm. Chính phủ cũng đã thừa nhận rằng họ giam giữ Minh bất hợp pháp trong tù.

    Tháng 11/2018, bản án của Minh về việc trồng cần sa đã bị hủy bỏ. Cậu không còn là tội phạm trong mắt chính quyền Anh. Đối với Minh, điều này giống như một sự tái sinh. Hiện tại, Minh đang cố gắng học lại cách sống của một người bình thường và đã tìm lại được một chút bình yên cho cuộc sống của mình.

    Hiện tại, Minh được chính phủ Anh cho phép được lưu lại đất nước vì những lo sợ cậu sẽ bị buôn bán trở lại hoặc bị giết bởi chính băng đảng đã khiến cậu trở thành tội phạm. Minh nói: "Tất cả những gì tôi có thể làm là cố gắng hy vọng. Cuộc sống của tôi khởi đầu không tốt nhưng điều đó không có nghĩa là nó sẽ như thế mãi đối với tôi."

    Bài viết được lược dịch theo bài báo Enslaved on a British cannabis farm: 'The plants were more valuable than my life'  đăng tải trên The Guardian ngày 26/7/2019.

    Link gốc: https://www.theguardian.com/news/2019/jul/26/vietnamese-cannabis-farms-children-enslaved

    Viethome (theo Helino/The Guardian)

  • Theo một báo cáo từ năm 2018, hàng chục ngàn nô lệ có thể đang sống ở Anh.

    Một nghiên cứu về tình trạng nô lệ thời hiện đại của Tổ chức Walk Free cho biết có thể có hai nô lệ trên mỗi 1.000 người đang sinh sống ở Anh – tổng cộng 136.000 nạn nhân trên khắp đất nước.

    Tổ chức cũng cho rằng người tiêu dùng Anh có thể vô tình mua hàng tỷ bảng hàng hóa được sản xuất bởi những người bị mắc kẹt trong tay những kẻ buôn bán nô lệ ở các quốc gia khác.

    Vương quốc Anh nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá 14 tỷ bảng Anh (18 tỷ đô la) mỗi năm mà Walk Free tin rằng có khả năng cao được tạo ra bởi lao động nô lệ - bao gồm các thiết bị điện tử như máy tính xách tay và điện thoại di động, quần áo, cacao, mía và thậm chí cả cá. Sản xuất cacao là một ngành có tỷ lệ lao động nô lệ đặc biệt cao.

    Báo cáo tập trung vào phân tích tình hình ở các nước G20 và đưa ra kết luận rằng các nước G20 cùng nhau nhập khẩu khoảng 271 tỷ bảng (354 tỷ đô la) các sản phẩm có thể được tạo ra bởi nô lệ.

    Chỉ có bảy trong số các nước G20, bao gồm Vương quốc Anh, đã ban hành luật thể hiện nỗ lực giảm thiểu tác động của chế độ nô lệ hiện đại lên chuỗi cung ứng.

    Báo cáo lưu ý: "Đạo luật Nô lệ Hiện đại của Anh (MSA) đã được mô tả như một 'người thay đổi cuộc chơi' với mục tiêu giải quyết chế độ nô lệ hiện đại và đòi hỏi sự minh bạch về chế độ nô lệ hiện đại trong chuỗi cung ứng."

    MSA yêu cầu tất cả các công ty cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ ở Anh mà có doanh thu từ 36 triệu bảng trở lên phải nộp một báo cáo hàng năm, trong đó giải thích cách họ giải quyết chế độ nô lệ trong chuỗi cung ứng của họ.

    Kevin Hyland, ủy viên chống nô lệ độc lập của Vương quốc Anh, cho biết đạo luật này đã thành công trong việc nâng cao nhận thức về chế độ nô lệ và đã tăng số lượng nô lệ được phát hiện hàng năm.

    Ông nói thêm: "Không thể chấp nhận được rằng chế độ nô lệ hiện đại tiếp tục tồn tại với rủi ro bị phát hiện thấp và lợi nhuận cao, khiến nó trở thành tội ác được những kẻ tội phạm ưa chuộng."

    Trong một bài tiểu luận được công bố cùng với báo cáo, Fiona David, giám đốc điều hành nghiên cứu toàn cầu của Walk Free Foundation, nói: "Chỉ số nô lệ toàn cầu năm 2018 xác nhận rằng các chính phủ đang thực hiện nhiều phương án mà chúng tôi yêu cầu để giải quyết chế độ nô lệ hiện đại – bao gồm thắt chặt luật pháp, đào tạo cảnh sát, cung cấp dịch vụ và nơi trú ẩn cho nạn nhân và buộc các doanh nghiệp minh bạch trong chuỗi cung ứng của họ. "

    Nhưng cô cũng chỉ ra rằng luật pháp sẽ có ít tác động nếu không được chấp hành và thực thi, trong khi công cuộc đào tạo cảnh sát cũng là vô giá trị nếu quan tòa có thể bị mua chuộc.

    Cô David cũng chỉ trích Hoa Kỳ vì đã rút khỏi các cuộc thảo luận tại Liên Hợp Quốc về vấn đề người tị nạn và di cư.

    10 quốc gia có số lượng nô lệ hiện đại cao nhất:

    1. Triều Tiên

    2. Eritrea (châu Phi)

    3. Cộng hòa Burundi (châu Phi)

    4. Cộng hòa Liên bang Trung Mỹ

    5. Afghanistan

    6. Cộng hòa Hồi giáo Mauritania (châu Phi)

    7. Nam Sudan

    8. Pakistan

    9. Cam-pu-chia

    10. Iran

    10 quốc gia có chính sách chống nô lệ hiện đại mạnh mẽ nhất:

    1. Hà Lan

    2. Hoa Kỳ

    3. Vương quốc Anh

    4. Thụy Điển

    5. Bỉ

    6. Croatia

    7. Tây Ban Nha

    8. Na Uy

    9. Bồ Đào Nha

    10. Cộng hòa Montenegro (châu Âu)

    VietHome (Theo Sky News)

  • Trùm băng đảng lãnh đạo mạng lưới nô lệ lớn nhất từ ​​trước đến nay ở Anh đã được đưa trở lại nhà tù sau khi bị bắt ở Ba Lan.

    Ignacy Brzezinski, 52 tuổi, đã chạy trốn sau khi bị kết tội cầm đầu một băng đảng từng buôn bán hơn 400 người vào Anh.

    Gia đình của tên tội phạm giang hồ gốc Ba Lan này đã đánh đập các nạn nhân, buộc những người khốn khổ phải sống trong tình trạng bẩn thỉu và thậm chí bắt họ tắm rửa trên các kênh rạch.

    Nạn nhân của chúng được đưa đến Anh để làm việc với mức lương vỏn vẹn 50p mỗi ngày trong khi cả băng đảng có lối sống xa hoa và bỏ túi tới 2,4 triệu bảng.

    Thẻ và tiền mặt bọn chúng tịch thu từ các nạn nhân.
    Chiếc xe Bentley của tên đầu sỏ.

    Đầu tháng này, băng nhóm tám thành viên này đã bị bỏ tù với mức án tổng cộng hơn 55 năm.

    Nhưng Brzezinski - người thường dạo quanh West Midlands trên một chiếc Bentley - đã bỏ qua cuộc gặp bảo lãnh tại tòa vào đêm trước khi tuyên án và đào tẩu khỏi Anh.

    Lệnh truy nã toàn châu Âu đã được ban hành vào ngày 17 tháng 7 sau khi cảnh sát nhận được thông tin tình báo cho biết hắn ta đã trở lại quê nhà Ba Lan.

    Bảy ngày sau, Brzezinski bị cảnh sát Ba Lan bắt giữ tại một căn hộ ở thành phố Włocławek vào ngày 24 tháng 7.

    Hắn ta hiện vẫn đang bị giam giữ và chờ dẫn độ trở lại Vương quốc Anh, nơi hắn ta sẽ bắt đầu thi hành án tù 11 năm.

    Chánh thanh tra Nick Dale, thuộc Sở Cảnh sát West Midlands, cho biết: “Vụ án thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế - điều này đã giúp chúng tôi có được những manh mối quan trọng về nơi trú ẩn của Brzezinski.

    “Cục điều tra trung ương của Cảnh sát Ba Lan tìm thấy hắn ta ẩn nấp trong một căn hộ. Theo chúng tôi được biết, hắn ta không tìm cách trốn nữa mà chỉ lặng lẽ đầu hàng và có vẻ khá ngạc nhiên khi bị truy dấu đến tận căn hộ vốn không thuộc về hắn ta.

    “Brzezinski tin rằng hắn ta có thể thoát khỏi công lý với tội danh bóc lột quy mô lớn. Hắn ta không hề tỏ thái độ gì khác ngoài vẻ khinh miệt đối với các nạn nhân của hắn ta và với cả tòa án.

    “Tôi thật sự rất hài lòng khi thấy hắn ta nhanh chóng bị bắt, và chúng tôi đang làm việc với chính quyền Ba Lan để dẫn độ hắn ta càng sớm càng tốt, để các nạn nhân của hắn được thấy hắn ta thụ án cùng với những kẻ đồng phạm.”

    Nhóm năm người đàn ông và ba phụ nữ đã dụ dỗ những người dễ bị tổn thương từ Ba Lan - bao gồm cả những người vô gia cư, cựu tù nhân và người nghiện rượu - với lời hứa về việc làm, tiền bạc và chỗ ở.

    Nhưng trong thực tế, họ bị bắt ép làm việc nhiều giờ trong các trang trại, trung tâm tái chế rác và các nhà máy sản xuất gà tây với mức lương chỉ 20 bảng mỗi tuần.

    Họ phải sống trong những khu nhà đầy côn trùng, chuột bọ và rác rưởi ở các khu vực West Bromwich, Sandwell, Smethwick và Walsall ở West Midlands.

    Thường có đến bốn người bị nhồi nhét vào một căn phòng. Họ được cho thức ăn đã hết hạn và buộc phải nhặt rác để làm đệm ngủ.

    Tại một số nơi ở, không có nhà vệ sinh, máy sưởi, đồ nội thất hay nước nóng, và một số nạn nhân cho biết họ bị buộc phải tắm rửa trên các dòng kênh.

    Một nạn nhân thậm chí còn nói rằng anh ta còn thích điều kiện sống trong nhà tù Ba Lan hơn là làm việc cho băng đảng tội phạm này.

    Điều kiện sống tồi tàn của các nô lệ sau khi bị buôn tới Anh.

    Những kẻ độc ác cũng đăng ký nhận phúc lợi bằng tên các nạn nhân mà họ không hề hay biết.  

    Ước tính những kẻ lạm dụng đã kiếm được hơn 2 triệu bảng trong khoảng thời gian từ tháng 6 năm 2012 đến tháng 10 năm 2017.

    Brzezinski - sống ở West Bromwich, nhưng xuất thân từ Chelmno-Pomorskie, Ba Lan - đã chiếm quyền kiểm soát các tài khoản ngân hàng của các nạn nhân và cướp tiền lương của họ.

    Khi cảnh sát đột kích vào nhà hắn ta, họ đã tìm thấy nhiều tài liệu có tên các nạn nhân, thẻ ngân hàng và một lượng tiền mặt đáng kể.

    Có nô lệ chỉ được trả 50p/ngày.

    Tại Tòa án Tối cao Birmingham, quan tòa Mary Stacey nói rằng “hành vi coi thường đồng loại” của các bị cáo là “hoàn toàn không thể chấp nhận được.”

    Bà mô tả âm mưu buôn người của chúng là một mạng lưới nô lệ hiện đại đầy tham vọng, có quy mô rộng và ảnh hưởng lớn nhất từng được phát hiện ở Anh.

    Ông Dave Hucker, thuộc NCA International, cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng khi được tham gia đưa kẻ thủ ác Ignacy Brzezinski ra trước công lý và buộc hắn phải trả giá cho những tội ác khủng khiếp mà hắn ta đã gây ra.

    “Xác định vị trí của Brzezinski và việc bắt giữ hắn ta sau đó là kết quả của mối quan hệ tuyệt vời giữa chúng tôi và Cục Điều tra Trung ương của Cảnh sát Ba Lan.

    “Các nhân viên liên lạc quốc tế của Cơ quan Tội phạm Quốc gia được cắt cử làm việc tại các vị trí chiến lược khắp  toàn cầu để giúp phá vỡ những đường dây tội phạm nghiêm trọng và có tổ chức.”

    Băng đảng 8 tên bị bắt.

    VietHome (Theo Metro)

  • Tại Berlin và Brandenburg, theo một báo cáo truyền thông, ngày càng nhiều trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam bị mất tích – và có thể bị ép buộc lao động nô lệ. Theo báo cáo mới đây của kênh Berlin-Brandenburg (RBB), tại Brandenburg hiện có 32 trẻ vị thành niên Việt Nam bị mất tích không dấu vết.

    Kể từ năm 2013, những trẻ em và thanh thiếu niên đã bị cảnh sát tiểu bang và cảnh sát liên bang bắt giữ trong khi cố gắng xâm nhập bất hợp pháp vào Đức và đã được bàn giao cho các văn phòng phúc lợi thanh niên. Nhưng ngay sau khi được bàn giao, những đối tượng này đều nhanh chóng biến mất.

    Kể từ năm 2012, RBB đã báo cáo tổng cộng 474 người Việt Nam chưa đủ tuổi vị thành niên đã đến Berlin, rồi được báo cáo là mất tích..

    Theo RBB, cảnh sát Berlin có thông tin cho biết "trẻ em và thanh thiếu niên được các đường dây có tổ chức đưa đến Cộng hòa Liên bang Đức. Các chi phí cho chuyến đi sẽ được thanh toán qua hình thức lao động hoặc hoạt động phạm tội."

    Theo Cảnh sát Liên bang, số người Việt Nam nhập cảnh bất hợp pháp vào Đức vẫn tăng đều đặn. Những kẻ buôn người quốc tế đã đưa lậu người Việt Nam từ Moscow qua các nước Baltic và Ba Lan đến Đức và sang Tây Âu. Theo các nhà điều tra Ba Lan và Đức, Trung tâm Berlin Dong Xuan ở Lichtenberg là một trung tâm đầu mối trung chuyển.

    Người Việt Nam đến Đức bất hợp pháp sau đó sẽ phải trả chi phí 10.000 đến 15.000 euro cho những kẻ buôn lậu bằng cách làm việc. Trong vài tháng qua, các quan chức hải quan đã liên tục gặp phải những người lao động bất hợp pháp, bao gồm cả trẻ vị thành niên, trong các cuộc đột kích vào các tiệm nail Việt Nam. Theo Văn phòng Hải quan Gießen, đây không chỉ là một trường hợp riêng lẻ. Có bằng chứng cho thấy đó là một hiện tượng trên toàn quốc.

    Tổ chức Liên bang cho Trẻ em Không có Người Chăm Sóc phát biểu, "Những trẻ em và thanh thiếu niên này phải được chính phủ chăm sóc. Sự thờ ơ trước các trường hợp mất tích là không thể chấp nhận. Đặc biệt, những trẻ vị thành niên tị nạn biến mất sẽ gặp phải nhiều nguy cơ hơn. Do đó, các tổ chức phúc lợi thanh niên và cảnh sát cần tạo ra nhiều nguồn lực hơn để giải quyết vấn đề.”

    VietHome (Theo Archy Sport)

  • Nhiều trẻ em Việt Nam sống trong trại tị nạn ở Hà Lan có thể đã bị bọn buôn người chuyển sang Anh để trồng cần sa hoặc làm móng. 

    Một cuộc điều tra phối hợp giữa tờ Observer và đài phát thanh Argos của Hà Lan tiết lộ trong 5 năm qua, ít nhất 60 đứa trẻ Việt Nam biến mất khỏi những trung tâm tị nạn này. Cảnh sát cùng cơ quan quản lý di cư Hà Lan nghi ngờ những đứa trẻ đã bị buôn bán sang Anh trồng cần sa hoặc làm việc trong các tiệm làm móng.

    S, thanh niên 19 tuổi người Việt Nam, bị bắt cóc và vận chuyển sang Anh từ năm 10 tuổi để làm nô lệ trong các trang trại trồng cần sa. Ảnh: Guardian.

    Một ngày mùa đông buốt giá, giữa ngôi làng nhỏ ở miền bắc Hà Lan, một ngôi nhà gạch trông giống như mọi ngôi nhà khác xung quanh. Nhưng nếu hướng mắt nhìn lên mái nhà, người ta sẽ thấy những chiếc camera giám sát an ninh. Và điều khác biệt lớn nhất nằm ở những người sống bên trong căn nhà này: những đứa trẻ là nạn nhân của hoạt động tội phạm buôn bán người xuyên biên giới. Chính phủ Hà Lan dùng căn nhà này làm nơi trú ẩn và che chở cho những đứa trẻ thoát khỏi bàn tay của những kẻ buôn người. Nhiều em trong số đó mang quốc tịch Việt Nam.

    Nghi ngờ này trùng khớp với kết quả một báo cáo do tổ chức hoạt động vì trẻ em EPCAT công bố hồi tháng trước rằng Việt Nam là nước dẫn đầu về số lượng nạn nhân trẻ em bị buôn bán sang Anh. Trẻ em Việt Nam bị cưỡng bức lao động từ việc ép trồng cần sa, làm móng tay, hoặc phải bán dâm để trả nợ cho những kẻ buôn người đưa các em đến châu Âu.

    Kết quả của cuộc điều tra này làm dấy lên những câu hỏi về năng lực của Liên minh châu Âu trong cuộc chiến chống lại nạn buôn bán trẻ em cũng như sự bất lực của cơ quan công quyền Anh và Hà Lan trong việc bảo vệ những nạn nhân chưa đến tuổi thành niên. 

    Cảnh sát Hà Lan ghi nhận nhiều trường hợp trẻ em Việt Nam không có giấy tờ tùy thân đang trên đường di chuyển đến London và Birmingham. Cơ quan chức năng chỉ có thể xác định danh tính được rất ít các em trong số đó. 

    Những cá nhân chưa đến tuổi thành niên đến Hà Lan mà không có người lớn đến cùng sẽ được chính phủ nước này bảo trợ theo quy trình dành cho người tị nạn. Với một đứa trẻ có nguy cơ bị buôn bán, cơ quan chức năng Hà Lan sẽ đưa đứa trẻ đó vào sống trong trại tị nạn. 

    Johan van der Have, lãnh đạo của cơ quan tiếp nhận người tị nạn COA, nói mặc dù tổ chức này đã nỗ lực bảo vệ trẻ em Việt Nam, nhiều em vẫn biến mất khỏi các trại tị nạn. "Bọn trẻ cứ biến mất, dù chúng tôi có làm gì đi chăng nữa", Johan nói. 

    Hàng loạt email trao đổi giữa tổ chức COA và cảnh sát cho thấy những đứa trẻ tị nạn người Việt đã nghiên cứu kỹ bản đồ, dùng dao sắc nhọn để nậy cửa sổ hoặc dàn cảnh báo cháy giả để trốn chạy. Dù các nhân viên của COA dùng nhiều biện pháp, họ hiếm khi ngăn chặn được các vụ chạy trốn. Phát hiện này làm dấy lên nghi ngờ bọn tội phạm buôn người đã tiếp cận những trung tâm tị nạn. 

    Victoria, một điều phối viên làm việc cho COA, nghi ngờ những trung tâm tị nạn ở Hà Lan đã trở thành nơi trung chuyển của bọn buôn người. "Tôi nhận ra rằng chỗ chúng tôi trở thành điểm dừng chân (của những đứa trẻ bị buôn bán) trước khi chúng vào Anh". Bọn tội phạm thường đỗ xe ở bên ngoài khu tị nạn và đợi những đứa trẻ trốn ra ngoài.

    Tuy nhiên, Mark Harbers, bộ trưởng tư pháp và an ninh Hà Lan, cho rằng chưa có bằng chứng chứng minh những vụ trẻ em tị nạn mất tích có liên quan đến tội phạm buôn người. "Hiện các tổ chức thực thi của chúng tôi không nhận được thông tin nào cho thấy các mạng lưới buôn bán người có liên quan đến việc trẻ em vị thành niên Việt Nam mất tích", ông Harbers nói.

    Anh hiện được xem là điểm đến cuối cùng của đường dây buôn người từ Việt Nam qua ngả Đông Âu, vào Hà Lan rồi tới Pháp. Các nghiên cứu cho thấy bọn buôn người yêu cầu nạn nhân trả tới 40.000 USD chi phí đi lại và sắp xếp một công việc tốt ở Anh. Tuy nhiên, không như hứa hẹn về "công việc tốt", nạn nhân thường bị bóc lột trong các trang trại trồng cần sa hoặc các tiệm làm móng. 

    Cơ quan chức năng Anh ước tính mỗi năm có hàng trăm trẻ em Việt Nam bị buôn bán vào Anh, tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn. Kể từ năm 2009 đến 2018, thống kê của chương trình hỗ trợ nạn nhân buôn bán người (NRM) cho thấy có 3.187 người Việt Nam, bao gồm cả trẻ em, bị buôn bán vào Anh.

    Các tổ chức thiện nguyện chống nạn buôn người ra cảnh báo về thực trạng vận chuyển người Việt trái phép tới Anh. Vào năm 2015, Thủ tướng Anh lúc bấy giờ, ông David Cameron, trong một chuyến thăm Việt Nam đã nêu ra vấn đề này để cả hai bên cùng giải quyết. Lực lượng cảnh sát Anh cũng liên tục triệt phá các trang trại trồng cần sa sử dụng lao động người Việt. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nhiều người Việt đang bị bóc lột như nô lệ tại các tiệm làm móng ở Anh. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một tên tội phạm buôn người nào bị truy tố.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Các nạn nhân nô lệ hiện đại đang rơi vào tâm trạng thất vọng bởi hàng loạt sai lầm của cảnh sát cũng như quyết định trả tự do cho rất nhiều kẻ bị tình nghi là chủ nô.

    Một đơn khiếu nại gửi đến Cơ quan Thanh tra Hoàng gia cho biết mặc dù các chiến dịch triệt phá tội phạm nô lệ hiện đại của cảnh sát đã tăng 250% vào năm 2018, nhưng chỉ có 7% các trường hợp được chuyển đến công tố viên.

    Tổ chức từ thiện Hestia cho biết sự thiếu nhận thức và hiểu biết về nhu cầu của các nạn nhân yếu ớt đã khiến cảnh sát từ bỏ các cuộc điều tra chống lại những kẻ buôn người, và từ chối đưa ra bằng chứng.

    Các nhà vận động cho biết, những biện pháp nghiệp vụ yếu kém trong các cuộc phỏng vấn đã làm cho các nạn nhân càng thêm căng thẳng và ở nhiều khu vực của nước Anh, cảnh sát hầu như không được huấn luyện cẩn thận.

    Một nạn nhân nô lệ hiện đại người Nigeria bị bóc lột tình dục cho biết một nam cảnh sát viên đã truy hỏi tất cả mọi vấn đề, hét vào mặt cô và lục soát người cô.

    “Anh ta thậm chí còn hỏi tại sao tôi nói tiếng Anh,” người phụ nữ nói. Sau đó, anh ta bắt đầu lục soát trên người tôi. Anh ta đổ túi xách của tôi ra và lấy ra từng món đồ. Anh ta thậm chí còn lộn túi quần và cởi giày của tôi ra. Đó là một trải nghiệm căng thẳng. Tôi không thể nhớ tất cả.

    “Anh ta nói sẽ ném tôi ra ngoài nếu tôi không nói sự thật. Anh ta hét lên để ép tôi lên tiếng. Khi tôi yêu cầu anh ta nói chậm lại vì tôi không hiểu anh ta nói gì, anh ta đã buộc tội tôi xúc phạm anh ta… Tôi đã không muốn phàn nàn sau đó, tôi không muốn dính dáng gì với cảnh sát nữa. Đó là lý do tại sao tôi đã không trình báo trường hợp của mình.”

    Ông Patrick Ryan, CEO của Hestia, cho biết những người sống sót cần được hỗ trợ để đảm bảo những kẻ buôn người sẽ bị kết án.

    “Khi một nạn nhân nô lệ hiện đại gặp phải thái độ hoài nghi thay vì hỗ trợ, mức độ truy tố những kẻ bóc lột vẫn đặc biệt thấp, cho phép bọn tội phạm tiếp tục hoạt động trên đường phố của chúng ta khiến những người yếu ớt tiếp tục trở thành nạn nhân,” ông nói thêm.

    “Cảnh sát cần được hỗ trợ và đào tạo để các nạn nhân có đủ tự tin hợp tác và hỗ trợ các vụ truy tố.”

    Khiếu nại được đưa ra sau khi số liệu mới của Cơ quan Tội phạm Quốc gia cho thấy gần 7.000 nạn nhân tiềm năng của nạn buôn người và nô lệ hiện đại đã được báo cáo cho chính quyền vào năm 2018, tăng 80% trong hai năm.

    Người dân từ 130 quốc gia khác nhau đã được xác định, nhưng nhóm nạn nhân lớn nhất lại là các công dân Anh vì sự hoành hành của các băng đảng ma túy liên tỉnh.

    Lực lượng cảnh sát trên khắp Vương quốc Anh đã cố gắng trấn áp mô hình tội phạm này, cũng như khởi động các chiến dịch đặc biệt chống lại nạn nô lệ hiện đại, dẫn đến nhiều vụ bắt giữ.

    Số vụ truy tố liên quan đến nô lệ hiện đại đã tăng một phần tư vào năm ngoái nhưng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong số hàng chục ngàn trường hợp được trình báo với chính quyền.

    Bà Kate Roberts, giám đốc của Quỹ hỗ trợ nạn nhân buôn người, phát biểu chính phủ đang không thể phân bổ đủ nguồn lực cho cuộc chiến chống lại chế độ nô lệ hiện đại.

    Bà chỉ ra rằng cảnh sát cũng chịu trách nhiệm cho việc thực thi luật nhập cư, và nhiều nạn nhân nô lệ hiện đại hiện không được ghi nhận.

    ''Cần phải có thêm sự chỉ đạo và tài trợ xung quanh vấn đề này,” bà Roberts nói thêm. “Cảnh sát có thể bị quá tải và họ không thể được kỳ vọng trở thành nhân viên xã hội, nhà trị liệu và luật sư cũng như điều tra viên''.

    “Tất nhiên chúng ta có thể chỉ trích cảnh sát nhưng rất khó để họ thực hiện tốt mọi việc nếu họ không có nền tảng.”

    Hệ thống khiếu nại, bao gồm tất cả các lực lượng cảnh sát ở Anh và xứ Wales vừa được ra mắt vào tháng 11/2018, cho phép các tổ chức thay mặt công chúng nêu lên quan ngại và phản ánh về các vấn đề mang tính hệ thống.

    Quỹ Hestia đưa ra khiếu nại của mình trong khi một tổ chức từ thiện khác cảnh báo rằng nạn nhân trẻ em của chế độ nô lệ hiện đại có thể trở thành tội phạm bởi một chương trình mới của chính phủ.

    Lệnh Phòng chống Tội phạm về Dao vừa được đề xuất sẽ được áp dụng đối với trẻ em từ 12 tuổi được phát hiện mang dao đến lần thứ hai, và các đối tượng này có thể phải nhận các lệnh hạn chế trên diện rộng cũng như bị bỏ tù.

    Ủy ban Cải cách Nhà tù và Ủy ban Thường vụ Tư pháp Thanh niên đã gửi một biên bản họp ngắn tới các nghị sĩ, cảnh báo rằng chính sách này có thể biến hàng ngàn trẻ em là nạn nhân của nạn nô lệ, buôn người và bị lạm dụng trở thành tội phạm, đồng thời khiến các em có nguy cơ bị bỏ rơi hoặc tiếp tục bị lạm dụng.

    Ông Mark Day, người phụ trách chính sách của Ủy ban Cải cách Nhà tù, cho biết đề xuất trên đe dọa sẽ mở ra cánh cửa dẫn đến nhà tù đối với hàng ngàn trẻ em và thanh thiếu niên dễ bị tổn thương, thay vì cho họ sự chăm sóc và hỗ trợ mà họ cần.

    Một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ phát biểu: “Chế độ nô lệ hiện đại là một tội ác ghê tởm mà chính phủ  đang cố gắng giải quyết bằng cách cho cơ quan thực thi pháp luật các công cụ họ cần để xác định nạn nhân và truy lùng kẻ phạm tội.

    “Đạo luật Nô lệ Hiện đại mang tính tiên phong trên thế giới của chúng tôi đã giúp hàng ngàn nạn nhân được bảo vệ và khiến hàng trăm người bị kết án. Nhưng chúng tôi biết còn nhiều việc phải làm và đang làm việc với cảnh sát để xem có thể làm gì để cải thiện phương pháp đối phó tội ác khủng khiếp này.

    “Chúng tôi hiểu rõ rằng bất cứ ai bị bóc lột hoặc dẫn dụ vào con đường tội phạm nên được các cơ quan thực thi pháp luật trước tiên coi là nạn nhân.

    “Các lệnh Phòng chống tội phạm sử dụng dao cho phép các tòa án can thiệp sớm và dẫn dắt những người trẻ tuổi ra khỏi nạn khỏi bạo lực mà không hình sự hóa vụ việc."

    VietHome (Theo Independent)

  • Hai người đã bị bắt giữ tại một ngôi làng gần Penrith trong một cuộc điều tra tội phạm nô lệ thời hiện đại của cảnh sát.

    Các nhân chứng có mặt ở hiện trường đã bị “sốc” khi thấy nhiều cảnh sát có mặt tại một ngôi nhà liền kề ở Jacobite Gardens, Clifton, trong một “cuộc đột kích lúc bình minh” vào sáng thứ Sáu (8/3).

    Một nhân chứng kể lại: “Tôi nhìn thấy rất nhiều cảnh sát ập đến ngôi nhà này vào lúc sáng sớm, đây là một việc rất bất thường.”

    Nhân chứng cũng cho biết đã nhìn thấy một vài xe cảnh sát và một xe tải điều tra hiện trường. Một chiếc xe hơi cũng đã bị kiểm tra và đưa đi khỏi căn nhà.

    Nhân chứng nói: “Tôi chưa bao giờ thấy nhiều cảnh sát xuất hiện trong một ngôi nhà hay một vụ việc đến vậy. Thật là sốc. Rất nhiều người cũng đang thắc mắc chuyện gì đã xảy ra.”

    Nhân chứng cũng cho hay người dân rất “hiếm khi” nhìn thấy những người sống trong ngôi nhà đó, “Họ sống khá kín đáo. Thật lạ khi rèm cửa ở tầng trên luôn được kéo kín.”

    Phát ngôn viên của Sở cảnh sát Cumbria phát biểu: “Vào ngày thứ Sáu, cảnh sát đã bắt giữ hai người mang quốc tịch Việt Nam – một nam giới ở độ tuổi 20 và một nữ giới ở độ tuổi 30 – tại một địa chỉ ở Clifton.

    “Việc bắt giữ là một phần trong cuộc điều tra đang diễn ra nhắm tới tội phạm nô lệ hiện đại. Cả hai người bị bắt đều đã được cho bảo lãnh tại ngoại chờ điều tra.”

    Phát ngôn viên nói thêm: “Hai người khác cũng bị bắt vì tình nghi nhập cư bất hợp pháp. Họ đã được chuyển sang cho cơ quan nhập cư.”

    Phát ngôn viên của Bộ Nội vụ cho biết: “Hai người vi phạm luật nhập cư đã được chuyển đến Cục Di trú sau chiến dịch của cảnh sát Cumbria ngày thứ Sáu, 8/3.

    “Kết quả kiểm tra tình trạng nhập cư cho thấy hai nam giới quốc tịch Việt Nam, 20 và 28 tuổi, không có quyền lưu lại Anh hợp pháp. Nam giới 20 tuổi đã nhập cư vào Anh bất hợp pháp và người còn lại đã ở lại quá hạn visa. Cả hai người hiện đang bị tạm giữ trong khi chờ trục xuất.”

    VietHome (Theo Cumbria Crack)

  • Cô gái nói mình bị đàn ông lạ cưỡng hiếp hai lần một tuần và sống trong tình trạng không khác gì địa ngục.

    Amy bị bắt làm nô lệ ở Anh khi mới 20 tuổi.

    Nằm trên sàn phòng khách ôm lấy mặt, Amy khóc thảm thiết vì đau.

    Cô gái 20 tuổi vừa bị bà chủ của mình đánh đập tàn nhẫn. Nhưng Amy không thể làm gì vì chỉ là nô lệ của người phụ nữ.

    Amy là một trong số 136.000 nạn nhân của nạn nô lệ ở Anh. The Sun vừa có bài phỏng vấn độc quyền với Amy, hiện 25 tuổi, về trải nghiệm khủng khiếp của cô.

    Cuộc sống khốn khổ

    Amy, 18 tuổi, đã rất phấn khích khi từ quê hương Ghana bay tới Vương quốc Anh.

    Sau cái chết của cha mẹ vào năm 2013, cô kết bạn với một người phụ nữ tên Mary, người đề nghị đưa cô đến Vương quốc Anh để làm vú em.

    Amy nói với Sun Online: “Cha mẹ tôi qua đời và đột nhiên tôi chỉ có một mình. Tôi bỏ học và không có ai”.

    Amy nói về Mary: “Cô ta biết tôi không có gia đình và là một người chăm chỉ, vì vậy cô ta lấy cho tôi một hộ chiếu với giá 6.000 bảng Anh để tôi có thể đến Anh. Tôi sẽ chăm sóc cho con gái 5 tuổi của cô ta”.

    Nhưng chỉ vài ngày sau khi đến Anh, Amy nhận ra mình không đến đây để chăm sóc con của Mary.

    Khi về Anh, giọng điệu của Mary thay đổi 180 độ. Cô ta bắt Amy ngủ trên sàn nhà mà không có chăn hoặc đệm.

    Trong vòng một tuần, Amy bị buộc làm việc 20h/ngày để dọn dẹp căn hộ của Mary. Nhiều ngày Amy không có gì để ăn. Đôi khi cô ăn vụng được một chút thức ăn thừa.

    Amy nói: “Tôi đã trải qua địa ngục… Tôi phải giặt tay tất cả quần áo của Mary và con gái của cô ta và không được phép sử dụng nước nóng. Tôi bị mắc kẹt và cảm thấy muốn tự tử”.

    Bị cưỡng hiếp liên tục

    Amy nói rằng Mary đã cho người lạ cưỡng hiếp Amy để kiếm tiền.

    “Sau một tháng, cô ta bắt đầu để đàn ông ngủ với tôi. Chuyện này diễn ra hai lần một tuần – đàn ông đến, trả cho cô ta một ít tiền, hãm hiếp tôi và bỏ đi”, Amy kể.

    “Lần đầu tiên thật tồi tệ. Tôi nói với cô ta rằng tôi không thể làm điều đó và cô ta nói tôi có thể, bởi vì tôi đã bị hãm hiếp rồi”.

    Amy nói Mary còn đe dọa cô.

    “Cô ta lấy hộ chiếu của tôi và bảo tôi không được báo cảnh sát, nếu tôi làm vậy, cô ta sẽ dùng tuốc nơ vít đâm tôi”, Amy kể.

    Sau 18 tháng, Amy không thể chịu nổi.

    Một ngày khi Mary ra ngoài, Amy nắm bắt cơ hội và chạy trốn, phá khóa cửa trước.

    Amy trở thành người vô gia cư cho đến khi được trợ giúp.

    Không còn nơi nào để đi, cuối cùng cô trở thành người vô gia cư. Nhưng ngủ trên đường phố London dường như là lựa chọn tốt hơn so với việc làm nô lệ.

    Vài tháng sau, Amy tình cờ gặp Mary trên đường phố. Mary tát Amy và gọi cảnh sát, báo Amy là người nhập cư trái phép.

    Chấn thương tâm lý

    Không rõ Amy đã báo cảnh sát về việc bị ép làm nô lệ chưa và Mary có bị điều tra hay không. Nhưng Amy đã nhận được sự trợ giúp của Quỹ Sophie Hayes, một tổ chức từ thiện thành lập để giúp đỡ các nạn nhân của nạn buôn người.

    Cô sống trong một nơi ở tạm thời ở Midlands nước Anh và dần hồi phục khỏi chấn thương.

    Amy nói: “Tôi không tin người khác. Tôi ngủ không ngon và đang dùng thuốc chống trầm cảm. Trong một thời gian dài, tôi đã muốn tự tử. Tôi đã không còn thấy mục đích sống nữa”.

    Viethome (Theo Xã Luận)

  • Những ngày vừa qua scandal về visa lao động Thụy Điển trong ngành nail trên kênh truyền hình quốc gia Thụy Điển đã tạo lên một cơn địa chấn cho không chỉ cộng đồng người Việt sinh sống tại đây mà nó còn tạo ra 1 luồng sóng dư luận lớn cho toàn Thụy Điển cũng như các nước lân cận.

    Sự thật về thẻ visa lao động tại Thụy Điển của người Việt Nam đã được hé mở một phần. Nó không chỉ là cái giá bằng tiền, mồ hôi nước mắt được đưa lên phóng sự, mà nó thậm chí còn cả là tuổi thanh xuân, máu, đạo đức, nhân cách con người. Qua đó các bạn đã và đang có ý định đi lao động tại Thụy Điển nói riêng và các nước phát triển nói chung hiểu biết hơn để bảo vệ chính mình.

    1. Khi có cầu ắt có cung : dịch vụ làm visa lao động Thụy Điển mọc lên như nấm sau mưa

    Càng ngày càng có nhiều người Việt Nam khát khao làm các thủ tục xuất khẩu lao động ra nước ngoài hòng tìm kiếm cơ hội để đổi đời cũng như giúp đỡ gia đình, người thân. Ngoài những thị trường tiếp nhận lao động cũ như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc…thì giờ đây thị trường này đã mở rộng sang cả Châu Âu trong đó có Thụy Điển. Có cầu khắc có cung là các trung tâm, công ty môi giới xuất khẩu lao động mọc lên như nấm để nhằm mục đích kinh doanh trục lợi.

    2. Những kẻ hở trong pháp luật cấp visa lao động Thụy Điển giúp nhiều người Việt Nam có cơ hội định cư tại đây

    Nhu cầu về nhập khẩu lao động ở các nước phát triển tăng cao do dân số ít, thiếu lao động. Pháp luật các nước này cũng thừa nhận và khá dễ dàng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp nhận lao động từ nước khác.

    Riêng tại Thụy Điển những năm gần đây tiếp nhận khá nhiều lao động từ Việt Nam chủ yếu là trong ngành nhà hàng và ngành nail. Luật pháp của Thụy điển có quy định rất rõ ràng về các loại công việc, thời hạn visa lao động, yêu cầu được cấp…. Theo đó: một người lao động có thể được cấp visa lao động chỉ trong vòng vài tuần kể từ ngày nộp đơn. Tùy thuộc vào thời gian được cấp visa lao động là bao nhiêu 6 tháng, 1 năm, 2 năm mà người lao động sẽ có cơ hội được gia hạn tiếp và có thể định cư ở lại Thụy Điển. Thậm chí nếu lương cao, người đó có thể kéo theo vợ/chồng, con.

    3. Vấn đề nằm ở thỏa thuận giữa chủ lao động với người lao động để xin Sở di dân cấp visa lao động Thụy Điển

    Tất nhiên việc được định cư ở lại là cả một quá trình gian nan cực khổ, mà người lao động hoàn toàn phải phụ thuộc vào chủ. Để được visa lao động bạn phải có được lời mời của chủ với khoản tiền lương ít nhất là 13.000 france Thụy Điển trước thuế. Chủ của bạn phải chi trả bảo hiểm ốm đau, bảo kiểm tính mạng, bảo hiểm lao động, bảo hiểm hưu trí…

    Thông thường bạn sẽ được visa lao động từ 1-2 năm để đến Thụy điển làm việc. Trong thời gian này chủ phải đóng đầy đủ các loại bảo hiểm và đóng thuế đầy đủ cho bạn theo quy định của luật. Nếu có bất kỳ sự sai sót nào của chủ, ví dụ như khai thiếu thuế, đóng sai bảo hiểm….. dù chỉ 1 đồng thôi là người lao động hoàn toàn không có cơ hội gia hạn tiếp visa và buộc phải về nước. Trong 1-2 năm đầu người lao động phải phụ thuộc hoàn toàn vào chủ.

    4. Khi quy tắt ngầm về visa lao động Thụy Điển được phóng sự điều tra phanh phui

    ‘Quy tắc ngầm’ trong hợp tác lao động giữa người lao động Việt Nam và chủ bên phía Thụy Điển đã được đề cập trên phóng sự vừa qua: Người lao động phải mất 1 khoản tiền lớn hơn cả 1 gia tài để nhận được hợp đồng làm việc, với những lời hứa hẹn sẽ được gia hạn visa, làm việc lương cao, có chỗ ăn ở, chế độ ưu đãi, tương lai định cư ở lại….Do ước mơ về một tương lai chói lòa mà người lao động Việt Nam đã bất chấp tất cả, sẵn sàng vay mượn, bán nhà…để hòng có được visa.

    5. Sự thật khắc nghiệt và cái giá phải trả cho tấm visa lao động Thụy Điển

    Trái ngược với giấc mơ thì sự thật lại mang tới ngỡ ngàng mà rất nhiều người trong số đó có thể phải trả giá:

    – Tại Thụy Điển có khá nhiều công ty ‘ma’ hoạt động hợp tác với các trung tâm môi giới tại Việt Nam để lừa đảo. Rất nhiều người mất trắng tiền mà không được nhận visa.

    – Những ai may mắn gặp được chủ lao động thật sự. Họ nhận được visa sang lao động, thì lại bị bóc lột sức lao động với đồng lương rẻ mạt, giờ làm việc nhiều, chỗ ở chật hẹp…. Vì chủ lao động biết chắc chắn rằng họ có quyền hạn rất lớn trong việc gia hạn cho người lao động.

    – Trong suốt quá trình lao động để đợi visa gia hạn, người lao động thậm chí còn phải trả thêm một khoản tiền, hoặc các điều kiện khác của chủ để được gia hạn visa. Nếu không, họ chắc chắn sẽ phải về nước.

    – Cũng có rất nhiều người dù đã trả 1 một khoản tiền lớn rồi, đã chịu làm việc với đồng lương ít ỏi rồi, chấp nhận các điều kiện khác của chủ. Vậy mà chủ lao động vẫn xảo trá, gian lận giấy tờ, trốn thuế, không đóng bảo hiểm. Để người lao động không thể gia hạn được visa. Bao nhiêu công sức đổ xuống sông, xuống biển.

    – Tại một số nước khác đã xuất hiện việc đe dọa, đánh đập, bạo hành, lạm dụng tình dục, buôn bán phụ nữ, buôn bán nội tạng thông qua hợp đồng lao động đối với các lao động đến từ đất nước thứ 3.

    – Lừa lọc, dối trá, bán đứng bạn bè người thân, thay đổi bản chất nhân văn để có được visa là chuyện thường gặp trên hành trình tìm kiếm cơ hội định cư ở lại của người lao động.

    – Sự tham lam, dối trá, bóc lột, bất chấp pháp luật cũng là cách mà phổ biến nhiều chủ lao động đã đối xử với nhân viên.

    6. Hệ lụy khi sự thật về tấm visa lao động Thụy Điển được đưa ra ánh sáng

    Bỏ qua sự thật ai đúng ai sai trong phóng sự ngành nail vừa qua, scandal lần này đã tạo một hệ lụy ảnh hường không hề nhỏ:

    – Cánh cửa visa lao động cho nhiều người sẽ gặp khó khăn hơn. Và đặc biệt có những người đang lao động miệt mài để mong có được visa gia hạn thì đứng ngồi không yên.

    – Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nail, nhà hàng thường xuyên theo bảo lãnh người lao động sẽ thuộc tầm ngắm của chính quyền sở tại. Do đó các hoạt động kinh doanh thương mại của người Việt sẽ gặp rất nhiều hạn chế.

    – Ánh mắt của người Thụy Điển, cũng như những nước khác đối với người Việt Nam cũng có nhiều thây đổi hơi tiêu cực.

    7. Lời kết

    Cũng như lời khuyên chân thành đến các bạn đọc thân mến, hãy tìm hiểu kiến thức xã hội, pháp luật và thực tiễn cuộc sống để bảo vệ chính mình, đặt lợi ích lâu dài lên trên. Đừng vì những lợi ích cá nhân trước mắt mà làm xấu đi cả một khuôn hình đẹp. Sống gắn bó và đoàn kết ắt hẳn sẽ có niềm vui. Các bạn nên nhớ Luật nhân quả bao giờ cũng tồn tại, chỉ có điều nó đến sớm hay muộn mà thôi. Nhiều khi quả đến muộn hơn nên nhiều người lầm tưởng rằng nó sẽ không xảy ra. Chúc các bạn thành công.

    Viethome (theo congdongviet.se)

  • Theo báo cáo của Cơ quan Tội phạm Quốc gia (NCA), số lượng nạn nhân nô lệ hiện đại và buôn người đang ở mức kỷ lục trong năm qua.

    Lần đầu tiên trong lịch sử, công dân Anh là nhóm nạn nhân đông đảo nhất, theo sau là nhóm người mang quốc tịch Albania và Việt Nam.

    NCA cho biết số lượng nạn nhân được báo cáo tăng cao thể hiện nhận thức ngày càng cao về vấn nạn này.

    Giám đốc NCA, ông Will Kerr cho rằng đây là một tín hiệu tích cực, nhưng số liệu vẫn cho thấy “sự đánh giá chưa đúng mức về quy mô thực sự của nạn nô lệ và buôn người ở Anh.”

    Báo cáo chỉ ra rằng ép buộc lao động chiếm một nửa số vụ việc được trình báo – 2,352 vụ. Một phần ba số vụ (1,744) liên quan đến lạm dụng tình dục.

    Ông Kerr cho biết nạn nô lệ hiện đại ngày càng phổ biến và trở thành mối lo ngại lớn. Những kẻ buôn người đã bắt đầu sử dụng mạng internet để “dụ dỗ các nạn nhân bằng những lời hứa hẹn về việc làm, học tập hay thậm chí là quan hệ tình cảm.”

    “Chúng ta đang phải đối mặt với mối đe dọa ngày càng lớn,” ông nói. “Những kẻ tội phạm liên quan đến những loại hình bóc lột này đang xâm chiếm không gian mạng, đặc biệt là trên các trang web liên quan đến dịch vụ dành cho người lớn, sử dụng công cụ này để thực hiện hành vi tội phạm.”

    Hơn 5,000 trẻ em đã được ghi danh vào Hệ thống Tham chiếu Quốc gia, cho phép xác định và hỗ trợ các nạn nhân nô lệ và buôn người. Con số này đã tăng gần gấp ba so với 1,745 người của năm 2013, và NCA tin rằng nó sẽ vẫn tiếp tục tăng.

    NCA cho rằng nguyên nhân khiến nạn nhân trẻ em ngày càng nhiều hơn một phần là bởi sự phát triển của mạng lưới phân phối chất cấm, với tên gọi “county line”, trong đó các em nhỏ bị các băng nhóm tội phạm ở các thành phố lợi dụng để giúp chúng vận chuyển các loại chất cấm như heroine và ma túy đá tới các khu vực ven biển và ngoại ô.

    Bà Victoria Atkins, người đứng đầu bộ phận tội phạm, an ninh và người yếu thế thuộc Bộ Nội vụ, cho biết chính phủ đang “đi tiên phong trong việc đối phó với loại hình tội phạm nguy hiểm này.”

    VietHome (Theo The Week)

  • Cảnh sát cảnh báo các salon làm móng trên phố lớn ở Anh đang là cứ điểm cho tội phạm có tổ chức, bao gồm cả tội phạm buôn người và nô lệ.

    Các salon – đặc biệt là các bar làm móng của người Việt – chỉ nhận tiền mặt và đây chính là một hình thức rửa tiền cho những món lợi nhuận phi pháp thu được từ các trang trại cần sa và nhà thổ. Theo Cơ quan Tội phạm Quốc gia NCA, những kẻ tội phạm thường xuyên điều chuyển các nô lệ trẻ em từ cửa hàng này sang cửa hàng khác để tránh bị phát hiện.

    Các tiệm bar làm móng cũng có mối liên hệ với nạn nhập cư bất hợp pháp. NCA hiện đang tiến hành 500 cuộc điều tra đối với vấn đề nô lệ hiện đại. Những người mang quốc tịch Albania, Việt Nam và Anh nằm trong số những nạn nhân tiềm năng nhất.

    Ông Adam Thomson, thuộc Đội nô lệ hiện đại và buôn người của NCA, cho biết: “Các tiệm làm móng là một trong số những khu vực nơi chúng tôi thường xuyên bắt gặp các nạn nhân người Việt, thường là nam giới trẻ trong độ tuổi 18-19.

    “Các băng nhóm chiêu mộ họ từ Việt Nam. Họ sẽ được hứa hẹn, ‘Hãy đến Anh và bạn sẽ có một công việc rất tốt, bạn sẽ được trả rất nhiều tiền để gửi về cho gia đình.’

    “Sau đó, chúng thường sử dụng đường dây nhập cư có tổ chức… qua Trung Quốc rồi đến Nga và vào châu Âu và sau đó là Anh – thông thường người nhập cư sẽ bị đưa lên thùng xe tải. Sau đó, họ sẽ được chuyển cho các băng nhóm ở Anh và những kẻ này sẽ đưa họ vào làm việc tại mạng lưới các tiệm móng.

    Tổ chức Gangmasters and Labour Abuse Authority (GLAA) – cơ quan chịu trách nhiệm giám sát vấn đề nô lệ hiện đại ở Anh – báo cáo rằng số lượng các cửa hàng ép buộc nạn nhân làm việc không công để trả nợ đã tăng 35% kể từ năm ngoái.

    Cảnh sát ghi nhận 2,255 vụ nô lệ hiện đại trong năm ngoái nhưng ước tính còn cả chục ngàn vụ việc khác chưa được đưa ra ánh sáng.

    “Bản chất tồi tệ của nạn nô lệ hiện đại đồng nghĩa với việc nó sẽ hủy hoại cuộc sống của các nạn nhân. Đó là lý do tại sao chúng tôi đưa ra Bộ luật Nô lệ Hiện đại 2015 tiên phong trên cả thế giới, đồng thời tăng 2.6 triệu bảng mỗi năm cho ngân sách của GLAA nhằm giải quyết vấn nạn nô lệ hiện đại và bóc lột lao động,” bà Victoria Atkins, bộ trưởng chịu trách nhiệm vấn đề tội phạm, bảo vệ an toàn và đối tượng yếu thế, phát biểu vào đầu tháng Năm năm ngoái.

    VietHome (Theo The Week)

  • Phóng sự điều tra của đài truyền hình nhà nước Thụy Điển đã và đang tiết lộ một hệ thống được mô tả là mang hình thức buôn người ngay giữa các trung tâm mua sắm tráng lệ của Thụy Điển.

    Tiếp tục trong loạt phóng sự điều tra về nghề nail ở Thụy Điển là các tiết lộ về những người thợ nail phải dành một phần lớn tiền lương để trả ngược về cho chủ lao động.

    Clip 2 cô gái Việt tố cáo bị tiệm nail bóc lột.

    3 nhân viên tại một trong những chuỗi của hàng làm nail lớn nhất của Thụy Điển đã đứng ra làm chứng rằng họ bị buộc phải trả một phần lớn tiền lương của họ cho chủ lao động mỗi tháng. Và khi họ phàn nàn về vấn đề này, họ có nguy cơ bị trục xuất khỏi Thụy Điển.

    Các phóng viên điều tra đã gặp ba người phụ nữ làm việc cho một trong những chuỗi tiệm nail lớn nhất của Thụy Điển mang thương hiệu: Five Five Nails – với các tiệm trong tất cả các trung tâm lớn ở Stockholm và ở trung tâm thành phố Gothenburg. Họ đã đứng ra làm chứng về điều kiện làm việc giống như nô lệ. Mười giờ trong ngày làm việc, sáu ngày một tuần, không có thời gian nghỉ phép.

    Những thỏa thuận ngầm về nghề làm nail ở Thụy Điển mang tính hệ thống

    Những người phụ nữ này đã mô tả về “một hệ thống các thỏa thuận ngầm” về trả tiền lương trông đẹp mắt trên giấy tờ, nhưng thực tế lại là một thứ hoàn toàn khác. Một hệ thống mà họ chỉ nhận được 1 phần tiền lương và họ phải trả lại hàng ngàn đô la cho người chủ tiệm mỗi tháng.

    phong su nghe nail o thuy dien 1
    Chị Thu là một trong những nhân chứng trong phóng sự điều tra về tiền lương đã bị buộc phải trả ngược lại cho chủ lao động.

    Một trong số đó là chị Thu đến từ Việt Nam. Trước đây cô làm việc tại một trong những tiệm nail của chuỗi “Five Five Nails”. Nó được điều hành như một công ty riêng biệt nhưng dưới dạng hợp đồng nhượng quyền thương mại với thương hiệu Five five Nails.

    – Tháng đầu tiên tôi không nhận được tiền lương. Tháng sau tôi nhận được 7.000 SEK ( tương đương với 18 triệu 200 ngàn VND). Cô ấy nói: tôi đã nhận được tiền lương không như trong hợp đồng.

    - ''Cô phải làm việc chăm chỉ và tôi sẽ kiểm tra cô. Nếu cô làm tốt, cô có thể nhận được một mức lương tốt, ngược cô sẽ phải nhận mức lương thấp'' – Thu tường thuật về những gì chủ tiệm nói với cô.

    Những người thợ làm nail ở Thụy Điển như cá nằm trên thớt

    Thu nhận được một mức lương tốt trong tài khoản của cô như cô ước tính, nhưng sau đó sẽ phải gửi lại một phần lớn cho người quản lý của cô.

    – Chúng tôi không thể dừng lại, chúng tôi không thể làm bất cứ điều gì, bởi vì chúng tôi đang ở trong tay họ như cá nằm trên thớt. Nếu chúng tôi phạm sai lầm, chúng tôi có thể gặp rắc rối.

    Sau lần cuối cùng Thu phàn nàn về tiền lương, cô đã buộc phải thôi việc và phải trả lại căn phòng mà cô và chồng được thuê thông qua tiệm nail. Hiện nay Thu đã khởi kiện công ty này.

    “Tôi nghĩ không thể chấp nhận được việc các công ty không tuân thủ luật pháp Thụy Điển, không tuân theo thỏa thuận lao động tập thể của Thụy Điển mà họ đã ký kết với một tổ chức công đoàn và không tuân theo hợp đồng lao động cá nhân”, luật sư Kristina Ahlström nói.

    Đại diện của thẩm mỹ viện nói với Assign rằng tiền gửi lại mỗi tháng phụ thuộc vào chi phí thức ăn, tiền vay và tiền mà chủ tiệm nail đã giúp nhân viên gửi cho gia đình ở Việt Nam, điều mà Thu và người thân của cô cho là không đúng với pháp luật.

    Qui luật ngầm về tiền lương cho người thợ nghề nail ở Thụy Điển được thể hiện qua những mẫu giấy nhỏ

    Nhiều nhân viên tại tiệm Five Five nail đã đi từ Việt Nam sang làm việc ở Thụy Điển.

    Phóng viên điều tra đã liên hệ với hai phụ nữ khác làm việc cho chuỗi tiệm nail này. Họ cũng nói gần giống như Thu, một khoản tiền lớn phải được trả lại cho chủ tiệm nail sau khi tiền lương đã được trả hết.

    – Mỗi tháng anh ấy đưa cho tôi một ghi chú nhỏ, đó là số tiền tôi đã làm việc và sau đó tôi phải trả số tiền chênh lệch giữa tiền lương và tiền trong tài khoản ngân hàng của tôi, Kim, một trong những người phụ nữ được phỏng vấn kể lại.

    phong su nghe nail o thuy dien 1
    Những mẫu giấy nhỏ cho thấy những khoản trừ vào tài khoản của người lao động nghề nail ở Thụy Điển theo những qui định ngầm giờ mới được tiết lộ.

    Cô trưng ra những tờ giấy với những tính toán viết tay.

    – Tháng này tôi làm việc 26 ngày và tôi kiếm được 384 SEK mỗi ngày (khoảng 1 triệu đồng) nên tháng đó tôi có 10.000 (tương đương 26 triệu vnd) . Anh ấy đã đưa 17.478 kr vào tài khoản ngân hàng của tôi, tôi chỉ được rút ra 10.000 (tương đương 26 triệu đồng) và phải trả lại cho chủ tiệm 7478 kr (gần 19 triệu đồng).

    - Vì vậy, bạn đã phải chuyển lại 7478 kr vào tài khoản ngân hàng của anh ấy, tại sao bạn buộc phải làm như vậy?

    – Tôi không biết.

    Người quản lý tại thẩm mỹ viện nơi Kim đang làm việc không muốn trả lời các câu hỏi điều tra này.

    “Hợp tác lao động theo nghề làm nail ở Thụy Điển chỉ đơn thuần là buôn người thuần túy “

    Để có được giấy phép làm việc ở Thụy Điển, phải có một chủ tiệm nail đưa ra lời mời làm việc cho một người ở nước ngoài. Nếu người chủ tiệm này không ký gia hạn hợp đồng lao động nữa thì người lao động làm nail ở Thụy Điển sẽ phải trở về nước của mình trước đó.(*)

    Phóng viên điều tra đã nói chuyện với các nhân chứng về việc sa thải, các mối đe dọa và mất giấy phép làm việc sau khi họ phàn nàn về điều kiện làm việc.

    – Tôi muốn nhấn mạnh rằng trong nhiều trường hợp, đó là buôn bán người thuần túy. Hơn thế nữa trong tương lai gần, chúng tôi có thể không xét duyệt các hồ sơ lao động tương tự như thế này nữa cho đến khi nó được điều tra rõ ràng hơn. Điều phối viên quốc gia tại Cơ quan Thuế Thụy Điển cho biết.

    Sở Di Dân Thụy Điển đã báo cáo đến cảnh sát về nạn buôn người liên quan đến các trường hợp như vậy, trong khi một cuộc điều tra sơ bộ đang được tiến hành, riêng về Thu đã được cấp giấy phép cư trú mở rộng ở Thụy Điển. Kim, cùng với một đồng nghiệp, đã báo cáo trường hợp của mình với công đoàn sở tại, hiện đã bắt đầu một cuộc đàm phán.

    (*) Giải thích thêm về vấn đề lao động nghề nail ở Thụy Điển:

    1- Để có được giấy phép làm việc ở Thụy Điển, phải có một chủ tiệm nail đưa ra lời mời làm việc cho một người ở nước ngoài. Nếu người chủ tiệm này không ký gia hạn hợp đồng lao động nữa thì người lao động làm nail sẽ phải trở về nước của mình trước đó.(*).

    2- Tuy nhiên để có được giấy phép lao động này các chủ tiệm nail hoặc các công ty môi giới không cấp cho người lao động nghề nail ở Thụy Điển miễn phí mà bán lại cho họ với mức giá 20,000 USD ( theo như lời khai của Thu và chồng tên Hùng trong loạt phóng sự điều tra mà đài truyền hình Thụy Điển công bố ) và sau 2 năm lại tiếp tục trả thêm 25,000 USD để gia hạn giấy phép này thêm 2 năm. Tuy nhiên sau 4 năm làm việc đóng thuế đầy đủ cho nhà nước Thụy Điển thì người lao động nghề nail có thể làm đơn nhập quốc tịch Thụy Điển. Và khi đã có quốc tịch thì không cần phải gia hạn giấy phép nữa. Như vậy có thể hiểu rằng để có quốc tịch Thụy Điển theo dạng hợp tác lao động thì người lao động nghề nail ở Thụy Điển phải tốn tổng cộng trung bình khoảng 45,000 USD. Đó là lý do vì sao loạt phóng sự này lại đưa ra kết luận vì sao lao động nghề nail ở Thụy Điển là buôn người.

    Viethome (theo congdongviet.se)

    Link gốc: Link gốc :https://www.svt.se/nyheter/granskning/ug/uppdrag-granskning-avslojar-nagelskulptorer-blir-utan-stor-del-av-sin-lon-tvingas-betala-tillbaka-till-arbetsgivaren

  • [Bài viết trích từ Facebook của bạn Hoang K Anh, xin được gửi đến bạn đọc]

    Chào các anh chị,

    Vụ 03 người Việt bị kết án "tội nô lệ hiện đại" gần đây em có theo dõi. Em đã đến dự phiên tòa hôm 23/01, cũng đã nói chuyện sơ qua với một luật sư của các anh chị bị kết tội.

    Em đã sống và làm việc ở UK được một thời gian. Tuy không làm nail nhưng em khá quan tâm đến ngành nghề này.

    Nhận thấy nhu cầu thông tin về vụ việc này của cộng đồng người Việt mình vẫn rất cao, cho nên em xin phép được cố gắng làm "anh hùng bàn phím" một bữa và đóng góp những hiểu biết hạn hẹp của mình.

    Em sẽ chỉ đóng góp về mặt nội dung luật pháp và nội dung phiên tòa hôm 23/01. Các tranh cãi liên quan đến dữ kiện (fact) của vụ việc xin không bàn sâu.

    Sorry anh chị bài dài, vì thực sự vụ việc không đơn giản.

    1. Tội các anh chị trong vụ việc là tội gì?

    Một trong những điểm gây khó hiểu và tranh cãi là các anh chị Susan, Kent, và Jenny (xin phép dùng tên tiếng Anh của các anh chị cho gọn) bị kết án tội gì? Thế nào là tội "nô lệ hiện đại" theo luật Anh quốc hiện nay?

    Hiểu rõ người ta bị kết tội gì mới biết người ta bị oan không và oan tới mức độ nào.

    Em xác nhận thông tin này qua trang cập nhật thông tin pháp đình tại UK là trang [https://www.thelawpages.com/court-ca…/court-case-search.php…].

    Trang này có công cụ để search tất cả các criminal sentences (bản án hình sự) đã được cấp tòa hình sự sơ thẩm của Anh (cấp tòa Crown Courts) ban hành.

    Các anh chị đã bị xử và tuyên án tại tòa Stafford Crown Court.
    Thông tin trên trang này cho thấy:

    Chị Jenny và anh Kent đều bị kết án cả 2 tội:

    - Buôn người / Buôn người để bóc lột (Human trafficking / Trafficking people for exploitation), thể theo điều 2 - Đạo luật Nô Lệ Hiện Đại năm 2015 (Modern Slavery Act 2015).

    - Giữ người khác làm nô lệ hay phục dịch như nô lệ, hay ép người khác lao động theo một cách bị ép buộc hay theo một cách bị cưỡng bách (Holding another person in slavery or servitude or requiring them to perform forced or compulsory labour), thể theo điều 1 - Đạo luật Nô Lệ Hiện Đại năm 2015 (Modern Slavery Act 2015).

    Chị Susan chỉ bị kết án 1 tội:

    - Giữ người khác làm nô lệ hay phục dịch như nô lệ, hay ép người khác lao động theo một cách bị ép buộc hay theo một cách bị cưỡng bách (Holding another person in slavery or servitude or requiring them to perform forced or compulsory labour), thể theo điều 1 - Đạo luật Nô Lệ Hiện Đại năm 2015 (Modern Slavery Act 2015).

    Chị Jenny bị kết án 5 năm tù, anh Kent bị kết án 4 năm tù, chị Susan bị kết án 2 năm tù nhưng được hưởng án treo (custodial suspended).

    Cần lưu ý là các tội nói trên được áp dụng BẤT KỂ người được xem là nạn nhân (tức là người khai là bị ép làm nô lệ hay bị ép lao động cưỡng búc) là trẻ vị thành niên hay là người lớn.

    Tức là ngay cả khi chứng minh được rằng những người tự xưng là nô lệ kia thực ra là những phụ nữ trưởng thành chứ không phải trẻ vị thành niên, thì bản thân điều đó không chứng minh được rằng các anh chị không hề phạm các tội trên.

    Muốn chứng minh các anh chị không hề phạm các tội trên thì đơn giản là phải có nhân chứng bằng chứng rõ ràng cho thấy các anh chị không hề buôn người, không hề giữ người để ép lao động bắt buộc hay lao động cưỡng bách gì hết.

    ***

    2. Phiên tòa hôm 23/01 xử gì?

    Phiên tòa hôm 23/01 không phải là ở cấp tòa tối cao của Anh Quốc.

    Phiên tòa này là phiên xử trước ba thẩm phán thuộc tòa Phúc thẩm Anh quốc (Court of Appeal). Đây là cấp tòa cao thứ hai tại Anh. Cấp tòa tối cao ở Anh là tòa Supreme Court, vốn có trụ sở ở gần tòa nhà Quốc hội Anh ở ga Westminster (London).

    Tòa Court of Appeal này nhận các đơn kháng cáo từ cấp tòa Crown Courts (vốn là cấp tòa sơ thẩm).

    Tuy nhiên, kháng cáo chỉ được Tòa Court of Appeal này xem xét nếu bên kháng cáo chỉ ra được là thẩm phán tòa Crown Court CÓ THỂ ĐÃ CÓ sai sót về pháp lý (error of law).

    Nghĩa là Tòa Court of Appeal này KHÔNG đem vụ việc các anh chị ra xử lại từ đầu, với đầy đủ nhân chứng bằng chứng, với sự có mặt của các anh chị trong vai trò bị cáo như lần xử dưới Crown Court hồi năm 2018.

    Tòa Court of Appeal sẽ chỉ xem luật sư bên bào chữa cho các anh chị trình bày với tòa là cái sai sót pháp lý mà thẩm phán Crown Court CÓ THỂ ĐÃ CÓ là gì, có đúng đó là một sai sót pháp lý - error of law thật hay không.

    Tòa Court of Appeal không có nghĩa vụ bảo vệ bên công tố nhà nước hay bảo vệ thẩm phán tòa dưới.

    Thực tế việc tòa Court of Appeal này tuyên thẩm phán Crown Court có sai sót pháp lý, bên công tố phải truy tố lại từ đầu là chuyện xảy ra khá bình thường trong thực tiễn xử án tại Anh từ trước tới nay, không phải là trăm năm mới có một lần.

    Nếu như thẩm phán tòa Court of Appeal thấy đúng là thẩm phán tòa Crown Court có sai sót pháp lý - error of law, thì Court of Appeal sẽ tuyên là việc tuyên án hình sự các anh chị là "unsafe conviction" (kết án không dựa trên cơ sở vững vàng), theo đó các anh chị sẽ được tuyên vô tội và bên công tố nhà nước nếu muốn kết tội các anh chị sẽ phải tiến hành chuẩn bị bằng chứng nhân chứng để truy tố lại từ đầu.

    Nhưng nếu thẩm phán tòa Court of Appeal thấy là thẩm phán tòa Crown Court không có error of law, thì anh chị bị y án.

    Lưu ý là tuy tòa Court of Appeal thường chỉ nhận xử vụ việc nếu bên bào chữa chỉ ra được là CÓ THỂ ĐÃ CÓ error of law của thẩm phán cấp Crown Courts, bên bào chữa cho các anh chị bị kết án hoàn toàn có thể xin tòa Court of Appeal nay được đưa ra bằng chứng mới (vốn phải CHƯA HỀ được đưa ra trong phiên xử ở cấp tòa Crown Court).

    Như vậy, để được tòa Court of Appeal tuyên trắng án, bên các anh chị bị kết án phải thuyết phục được ba ông thẩm phán tòa Court of Appeal dựa trên một trong hai yếu tố sau (hoặc đồng thời cả hai yếu tố):

    - Thẩm phán tòa Crown Court có sai sót pháp lý - error of law, và/hoặc

    - Có bằng chứng mới giúp chứng minh là việc kết án các anh chị không thỏa đáng (unsafe).

    ***

    3. Diễn biến phiên tòa hôm 23/01

    Đội hình luật sư của các anh chị hôm 23/01 khá ấn tượng: Người trạng sư (barrister) lãnh đạo cả nhóm (cũng là người già nhất) là ông William Clegg QC (thông tin: https://www.2bedfordrow.co.uk/barrister/william-clegg-qc/).

    QC là Queen's Counsel - danh hiệu Luật Sư của Nữ Hoàng này chỉ được ban cho những luật sư thâm niên kinh nghiệm và có danh tiếng trong nghề.

    Ông Clegg là trưởng văn phòng trạng sư 2 Bedford Row - có tiếng là một văn phòng trạng sư chuyên về hình sự tốt nhất của UK.

    Ông Clegg đại diện cho cả hai gia đình: gia đình chị Jenny và gia đình anh Kent chị Susan.

    Trạng sư riêng của gia đình chị Jenny là ông Sean Kivdeh thuộc văn phòng trạng sư Charter Chambers. Trạng sư riêng của anh Kent chị Susan là ông William Davies thuộc văn phòng trạng sư 5 King's Bench Walk. Cả hai văn phòng trạng sư Charter Chambers và 5 King's Bench Walk đều là các văn phòng trạng sư danh tiếng.

    Dài dòng như thế để mọi người hiểu là đội ngũ luật sư phục vụ các anh chị bị kết án không phải là một đội tầm thường.

    Trạng sư Clegg là người trình bày vụ việc đầu tiên.

    Đầu tiên trạng sư Clegg và ba vị thẩm phán trao đổi sơ qua về vụ việc. Cả hai bên đều xác nhận là trong phiên xử hôm đó, bên công tố nhà nước (vốn có nhiệm vụ đại diện nhà nước Anh tranh luận là tòa phải y án với cả ba anh chị) đã chọn không ra tòa cãi.

    Việc chọn không ra tòa cãi này không nhất thiết là bên công tố nhà nước "biết sai nên trốn". Có thể là bên công tố nhà nước biết việc kháng án này ít khả năng thành công, không đáng công sức để họ cử người ra tòa cãi.

    Trước ngày xử 23/01, bên công tố nhà nước đơn thuần gửi một bản tóm tắt luận điểm, phản bác các luận điểm mà luật sư bên các anh chị đã đưa ra.

    Ở đây phải hiểu là theo nguyên tắc làm việc thông thường tại tòa Anh, khi nộp hồ sơ xin Tòa Court of Appeal xem xét vụ việc, bên luật sư các anh chị đã gửi trước bản trình bày tóm tắt luận điểm rồi.

    Bên công tố nhà nước đã được đọc và có phản hồi. Ba ông thẩm phán cũng đã đọc văn bản tóm tắt luận điểm của cả hai bên.

    Khi ra xử tại tòa, bên thẩm phán sẽ dựa vào các văn bản tóm tắt luận điểm của cả hai bên để đặt câu hỏi cho luật sư của cả hai bên.

    Theo diễn biến phiên xử hôm 23/01 thì có thể thấy rằng bên bào chữa cho các anh chị đã không hề đưa ra thêm bằng chứng mới nào, mà dựa vào cáo buộc rằng vị thẩm phán tòa Crown Court đã có sai sót pháp lý.

    Sai sót pháp lý đó là gì?

    Các luật sư bên các anh chị đã cãi rằng vị thẩm phán cấp Crown Court đã đưa ra hướng dẫn về luật cho bồi thẩm đoàn theo một cách thiếu sót.

    Bồi thẩm đoàn (jury) là một nhóm 12 công dân Anh là người thuộc khu vực địa phương nơi xử án. Họ sẽ nghe bên công tố chứng minh tội trạng của bị cáo, nghe luật sư bào chữa cho bị cáo, xong rồi họ sẽ họp và bỏ phiếu quyết định là bị cáo bị kết án như thế đúng người đúng tội chưa.

    Vì bồi thẩm đoàn là các công dân bình thường không có kiến thức luật pháp chuyên nghiệp, người thẩm phán chủ trì phiên tòa có nghĩa vụ phải đưa ra các hướng dẫn về luật pháp (instructions and directions) để giúp bồi thẩm đoàn hiểu rõ luật đang có liên quan, theo đó quyết định tội trạng chính xác và công bằng.

    Nếu các hướng dẫn luật pháp này thiếu sót thì tức là người thẩm phán đã có sai sót pháp lý - error of law khiến cho bị cáo bị kết án dựa trên việc bồi thẩm đoàn hiểu sai hay hiểu thiếu về luật. Bị cáo như thế là bị kết án theo một cách không thỏa đáng (unsafe conviction).

    Cụ thể trong vụ việc của các anh chị Kent, Susan, và Jenny, trạng sư Clegg tại tòa hôm 23/01 đã trình bày với tòa rằng:

    - Có một điểm mù mờ trong nội dung của điều 1 - Đạo luật Nô Lệ Hiện Đại năm 2015 (Modern Slavery Act 2015), tức là về tội Giữ người khác làm nô lệ hay phục dịch như nô lệ, hay ép người khác lao động theo một cách bị ép buộc hay theo một cách bị cưỡng bách (Holding another person in slavery or servitude or requiring them to perform forced or compulsory labour).

    - Điểm mù mờ đó liên quan đến khái niệm "đồng thuận" (consent). Cụ thể là nội dung điều 1 - Đạo luật Nô Lệ Hiện Đại quy định là việc những nạn nhận bị ép lao động kia có "đồng thuận" (tức là thể hiện sự đồng ý) với các hành động bị cáo buộc là phạm tội của bên bị cáo , thì việc có "đồng thuận" đó không ngăn cản tòa đưa ra phán quyết rằng hành vi phạm tội đã diễn ra.

    - Sở dĩ có quy định này trong luật vì đúng là trong thực tế, các nạn nhân bị buôn người hoặc bị ép lao động cưỡng bức thường bị bọn tội phạm buôn người dùng các biện pháp đe dọa, bạo lực, hay dùng các biện pháp kiểm soát tâm lý, "tẩy não" để khiến cho các nạn nhân đó phải chấp nhận làm việc không lương, chấp nhận tuân thủ vô điều kiện các mệnh lệnh của bọn tội phạm. Vậy nên, luật có điều khoản này để đảm bảo là bọn tội phạm buôn người không thể vin vào việc "nạn nhân đã đồng ý" để chối tội ép người khác lao động cưỡng bức.

    - Trạng sư Clegg cho rằng điều khoản luật về "đồng thuận" này rắc rối và gây tranh cãi, vì không thể tồn tại "đồng thuận" một khi đã bị ép buộc và thao túng, giống như một người phụ nữ không thể "đồng thuận" với việc bị cưỡng hiếp.

    - "Đồng thuận" chỉ tồn tại khi bản thân những người đang lao động kia chọn việc đi lao động xuất phát từ một lựa chọn tự do không ràng buộc (free choice). Như vậy, một khi một người đã thực sự "đồng thuận", chấp nhận lao động cho một ai đó, thì tức là người đó đang đưa ra một lựa chọn đi làm với sự tự do không ràng buộc, theo đó, thì người đó đang lao động bình thường, chứ không phải lao động vì bị ép buộc hay bị cưỡng bức gì.

    - Chính vì có sự lằng nhằng, mâu thuẫn trong nội dung luật về khái niệm "đồng thuận" như vậy, để cho bồi thẩm đoàn có thể đưa ra quyết định một cách công bằng, chính xác nhất, thì thẩm phán phải đưa ra hướng dẫn chỉ đạo với giải thích rõ ràng khái niệm "đồng thuận" này là gì, có những vướng mắc hay những điểm gây tranh cãi nào.

    - Trạng sư Clegg cho rằng thẩm phán tòa Crown Court trong vụ việc của các anh chị đã không đưa ra chỉ đạo chi tiết, cụ thể và thỏa đáng về khái niệm "đồng thuận" này.

    - Theo đó, thiếu sót này của vị thẩm phán tòa Crown Court cấu thành một sai sót pháp lý - error of law. Việc kết án các anh chị như vậy là không thỏa đáng (unsafe conviction).

    Ba vị thẩm phán tòa Court of Appeal đã lắng nghe trạng sư Clegg một cách chăm chú và đặt câu hỏi chất vấn trạng sư này gắt gao.

    Từ quan sát cá nhân em, em không thấy các thẩm phán đang xử ép hay đang cố gắng bao che cho tòa dưới, hay cho chính quyền gì.

    Các câu hỏi của họ là những câu hỏi khó, nhưng đi vào nội dung đã trình bày, và nội dung luật lệ.

    Cả thẩm phán và các trạng sư đều liên tục dẫn chiếu các tài liệu khác nhau: nội dung phiên xử ở Crown Court, văn bản ghi lại các hướng dẫn chỉ đạo mà vị thẩm phán Crown Court đã ban hành cho bồi thẩm đoàn.

    Từng đoạn văn, từng câu từ nhỏ đã được đưa ra đối chiếu, nhằm để trả lời câu hỏi:

    "Thẩm phán Crown Court hướng dẫn chỉ đạo đã đầy đủ chưa? Hay đúng là điểm về khái niệm "đồng thuận" đáng ra phải được hướng dẫn chỉ đạo kỹ cho bồi thẩm đoàn nhưng đã không được hướng dẫn chỉ đạo kỹ?"

    Sau hơn một tiếng đồng hồ tranh luận từ 10h30 đến 11h30, ba vị thẩm phán Court of Appeal tuyên bố dừng tòa để hội ý và sẽ đưa ra quyết định luôn lúc 12h trưa.

    Lúc 12h trưa, ba vị thẩm phán Court of Appeal trở lại tòa.

    Vị thẩm phán ngồi giữa (đồng thời cũng là người tra hỏi trạng sư nhiều nhất trong phiên tòa) đọc phán quyết từ một văn bản trước mặt ông.

    Đầu tiên ông trình bày tóm tắt vụ việc với các tình tiết quan trọng nhất. Sau đó ông tóm tắt lại trình bày của các trạng sư. 
    Rồi ông đi vào phần nội dung các chỉ đạo hướng dẫn bồi thẩm đoàn của vị thẩm phán Crown Court.

    Xong, ông kết luận: các hướng dẫn chỉ đạo này phản ánh đúng nội dung luật pháp, không có thiếu sót gì, khái niệm "đồng thuận" cũng được giải thích thỏa đáng với bồi thẩm đoàn.

    Việc tòa Crown Court kết án các anh chị Kent, Susan, Jenny như vậy là "safe conviction" (kết án thỏa đáng có cơ sở dựa trên luật).

    ***

    4. Những điểm chưa rõ ràng về vụ việc

    Từ nội dung những gì được nghe và được chứng kiến ở phiên tòa hôm 23/01 nói trên, em tự thấy có các điểm chưa rõ ràng về vụ việc này như sau:

    A. Nếu đúng là các anh chị bị kết án oan bằng những phiên tòa "thiên vị", "thiếu công bằng", dựa trên lời khai gian dối của một số cô gái tự xưng là nạn nhân nô lệ, thì tại sao các trạng sư không chỉ ra những điểm đó tại phiên tòa hôm 23/01?

    Nhiều anh chị đã than phiền trên mạng là các luật sư dở nên mới thua. Em không dám chắc về điều này.

    Như đã thấy ở trên, các thông tin về các trạng sư tham gia đại diện cho các anh chị trong phiên tòa hôm 23/01 cho thấy họ đều là những trạng sư có chuyên môn luật hình sự, có thâm niên kinh nghiệm, và đến từ những văn phòng trạng sư danh tiếng. Trạng sư Clegg đặc biệt còn là QC và là trưởng một văn phòng trạng sư nổi tiếng.

    Với từng đó bộ óc pháp lý, hoàn toàn có thể mong đợi là những gì có thể được xem là "thiên vị", là "thiếu công bằng" trong công tác xử án của tòa Crown Court hồi năm ngoái phải được các trạng sư này nhìn ra và dùng làm luận điểm tranh luận trước tòa.

    Nhưng từ nội dung phiên tòa mà em nghe được, em thấy các trạng sư chỉ xoáy vào một điểm - cáo buộc là vị thẩm phán tòa Crown Court đã có sai sót pháp lý trong hướng dẫn chỉ đạo về một chi tiết được xem là mù mờ trong Đạo luật Nô lệ Hiện đại năm 2015 - chi tiết về "consent" (đồng thuận).

    Em không nghe thấy các trạng sư cáo buộc là tòa Crown Court "thiên vị bên công tố" hay "xử ép".

    Em cũng để ý là từ đầu đến cuối phiên tòa không có ai nhắc gì đến việc những cô gái bị xem là nạn nhân buôn người trong vụ việc có phải là đã khai gian dối trong phiên xử ở tòa Crown Court không.

    Nếu đúng là các trạng sư biết những cô gái kia đã khai dối trá tại tòa Crown Court, chẳng lẽ họ lại không biết tận dụng điều đó để cãi cho các anh chị?

    Em để ý khi tóm tắt lại vụ việc lúc tuyên án, vị thẩm phán Court of Appeal gọi các cô gái đó là "young women" - những người phụ nữ trẻ. Như vậy, từ đầu đến cuối các tòa án Anh các cấp vẫn đã luôn xem các cô gái đó là người trưởng thành, chứ không phải là trẻ em.

    Thông thường trong các vụ kháng cáo như thế này thì đội ngũ luật sư - trạng sư của bên kháng cáo phải có những tính toán nhất định từ trước về chiến lược tranh tụng.

    Nghĩa là họ xác định các điểm nào là các điểm đáng để cãi, có khả năng cãi thành công nhất tại tòa từ trước khi diễn ra phiên xử. Khi vào phiên xử họ sẽ chỉ xoáy vào các điểm đáng cãi đó thôi.

    Cách chính xác nhất để xác định tại sao các luật sư - trạng sư chọn chiến lược tranh tụng như hôm 23/01 là hỏi chính các vị ấy.

    Hôm ra tòa em không có điều kiện hỏi kỹ càng họ.

    Luật sư bất kể tài năng, danh tiếng đến đâu thì cũng là con người. Họ có thể sai lầm.

    Chiến lược tranh tụng mà các trạng sư đã sử dụng đó có sai lầm hay không, hay thiếu sót gì, thì phải dựa vào đánh giá chuyên môn của các luật sư - trạng sư chuyên về hình sự khác mới có thể biết được.

    Nhưng nhìn từ cách các trạng sư tranh luận trong phiên tòa hôm 23/01 em thấy họ đã có chuẩn bị kỹ từ trước và họ làm việc tới nơi tới chốn chứ không phải là qua loa cho xong chuyện.

    Do đó, em nghĩ việc các trạng sư không chỉ ra những điểm "thiên vị", hay "xử ép", và không xoáy vào chuyện các cô gái tự xưng nạn nhân kia có gian dối hay không, có thể là do quyết định của chính các trạng sư, vì họ không có trong tay đủ bằng chứng để chứng minh, và vì họ biết là không thể dùng các điểm đó để thuyết phục tòa.

    B. Các anh chị bị kết án có thể làm gì tiếp theo?

    Ngồi mường tượng những gì đã có thể xảy ra chắc không còn có ích gì nữa. Vậy nên, một thắc mắc em nghĩ có ích hơn là: còn có thể làm gì trong vụ án này?

    Như đã giải thích, cấp tòa cao hơn cấp Court of Appeal là cấp tòa Supreme Court.

    Như vậy, nếu các anh chị muốn kháng án vẫn có thể kháng tiếp lên Supreme Court.

    Tuy nhiên, kháng án thế nào để thành công thì phải có ý kiến chuyên môn của luật sư - trạng sư chuyên về hình sự.

    Hiện không rõ đội ngũ luật sư - trạng sư của các anh chị đã họp bàn và tư vấn tiếp cho các anh chị chưa.

    Bên cạnh phương án Supreme Court là một cơ chế khác tại UK là Criminal Cases Review Commission (https://ccrc.gov.uk/).

    Đây là một ủy ban chuyên xem xét lại vụ án bị nghi là xử oan sai (miscarriage of justice). Đây là một ủy ban độc lập, không thuộc hệ thống tòa án và và không chịu kiểm soát từ hệ thống chính quyền Anh.

    Ủy ban này đặc biệt tiếp nhận xem xét lại các án hình sự đã kháng án và vẫn bị xử thua.

    Họ sẽ xem xét lại hồ sơ vụ việc và nếu thấy có dấu hiệu oan sai, họ sẽ gửi đơn yêu cầu bắt buộc tòa Court of Appeal phải xem xét lại vụ việc (Court of Appeal không có quyền từ chối).

    Việc có sử dụng ủy ban Criminal Cases Review Commission để giúp các anh chị Jenny, Kent và Susan được hay không cũng là một câu hỏi cho luật sư của các anh chị trả lời.

    ***

    Bản thân là một người đứng ngoài không can dự và cũng không giúp ích được gì cho các anh chị, em chỉ có thể "biết thì thưa thốt", đóng góp một số hiểu biết ít ỏi của mình như trên, để giúp cộng đồng người Việt mình hiểu rõ ràng hơn về vụ việc.

    Em nghĩ cộng đồng người Việt làm nail mình tại UK rất tốt bụng và nhiệt tình, nhưng theo em, muốn giúp đỡ người khác và giúp một cách hiệu quả thì phải hiểu rõ về vụ việc của người ta, và hiểu rõ thông qua những nguồn tin chính xác, đáng tin cậy, có chuyên môn.

    Hơi đáng tiếc là cộng đồng mình từ trước tới nay chỉ được tiếp nhận thông tin vụ việc từ người nhà các anh chị bị kết án mà chưa hề được nghe ý kiến chuyên môn của các luật sư đang đại diện cho các anh chị, hay ý kiến chuyên môn từ một chuyên gia pháp lý độc lập.

    Bệnh thì hỏi bác sĩ, vướng vòng lao lý thì hỏi luật sư. Đó là lẽ thường.

    Cảm ơn mọi người đã dành thời gian để đọc.

    Viethome (theo Facebook Hoang K Anh)

  • Số lượng người Rơm tại Anh hiện nay ước tính có đến hàng chục ngàn người.

    Mặc dù giữa Anh và Việt nam đã có một số thủ tục cho phép dẫn độ công dân trong một số trường hợp nhất định, nhưng việc xác định xem một cá nhân cụ thể có phải là người Việt "lưu lạc" từ Việt nam hay không, vì một số lý do, thường khó thực hiện nếu chỉ xuất phát từ yêu cầu của một phía.

    Ngay cả trong trường hợp, khi cơ sở pháp lý đã sẵn sàng, với số lượng khổng lồ người di cư bất hợp pháp của các sắc tộc khác nhau đã tích lũy hàng chục năm nay, không một hệ thống tập trung nào đủ lớn để có thể chứa giữ, chưa kể một ngân sách khổng lồ phải tiêu tốn nếu muốn dẫn độ họ về bản quán.

    Mặt khác nếu các chiến dịch truy quét của chính quyền thực sự làm mất nguồn sống của những người di cư bất hợp pháp trong lúc việc dẫn độ chưa thể thi hành, thì tệ nạn xã hội chắc chắn sẽ tăng mạnh khi nhiều chục ngàn người ấy bị đẩy vào bước đường cùng, xã hội Anh sẽ chính là nơi gánh chịu tệ nạn.

    Mặc dù cuộc sống tại Anh không là "màu hồng" nhưng mức thu nhập thực tế tại đây của các lao động trái phép so với cái mà họ có thể kiếm được tại quê hương họ, chắc chắn sẽ làm thất bại mọi nỗ lực hồi hương tự nguyện của chính quyền.

    Đối với ngành làm móng tay và các dịch vụ có sử dụng người bất hợp pháp khác, vì nhu cầu của xã hội là lớn trong khi lực lượng chế tài quá mỏng và chỉ hoạt động theo chiến dịch từng đợt, mọi việc có thể sẽ lại đâu lại vào đó sau những xáo trộn ngắn hạn.

    Nguy hiểm là thực trạng này có thể gửi một tín hiệu sai đến cộng đồng di dân bất hợp pháp và kể cả những người đang dự định vượt biên vào Anh rằng chính quyền bất lực và vô tình khuyến khích các đường dây buôn người.

    Những lựa chọn tốt hơn

    Từ các phân tích trên, rõ ràng các chiến dịch truy quét tại các tiệm làm móng tay không gửi được những tín hiệu đủ rõ và mạnh cho những đối tượng đang chuẩn bị lên đường từ Việt Nam.

    Có lẽ một giải pháp mang tính chất cơ chế hơn cần được nghiên cứu và áp dụng.

    Trên thị trường lao động của ngành làm móng tay, vì khan hiếm nguồn thợ, rất nhiều các chủ tiệm mới có xu hướng tìm kiếm thân nhân hay họ hàng, người đang có ý định vượt sang Anh để tuyển dụng cho doanh nghiệp của mình. Như vậy ý định vượt biên vào Anh xuất phát từ chính những đòi hỏi hay hậu thuẫn của thân nhân là những người đã có quốc tịch Anh.

    Chừng nào các địa phương tại Anh còn cho phép mở các doanh nghiệp móng tay một cách hoàn toàn tự do như hiện nay, khi đó số người Việt vào Anh sẽ vẫn tăng lên theo thời gian.

    Một chính sách ngừng cấp phép cho các tiệm làm móng mới trong vòng mười năm hoặc chỉ cấp phép thành lập cơ sở mới nếu đệ trình được danh sách xác định của một số thợ hợp pháp sẽ ngay lập tức chặn đứng nhu cầu mang người đang có ý định vượt vào Anh để tham gia chuỗi dịch vụ trên.

    Hiện nay các doanh nghiệp làm móng tay của các sắc tộc khác nhau, trong đó người Việt là đông nhất, đã có mặt tại hầu hết các khu dân cư (town) lớn và trung bình của nước Anh.

    Mặc dù nhu cầu làm móng đang tăng lên theo thời gian nhưng sự hiện diện của số lượng doanh nghiệp như trên cũng là tạm đủ trong lúc cần cân nhắc các bất lợi từ nhập cư lậu.

    Từ lâu ở Anh đã có Dịch vụ Hồi hương Tự nguyện. ''Chính phủ Anh sẵn sàng trả tiền vé cho những người rơm Việt muốn về nước và các bạn chỉ bị cấm vào Anh trong một hoặc hai năm thay vì 10 năm. Các bạn sẽ giữ được phẩm giá và lòng tự trọng vì sẽ không bị cưỡng ép đưa ra khỏi nước Anh'', trích lời ông Paul Wylie, Chỉ huy trưởng của chiến dịch Magnify, Lực lượng Kiểm soát Di trú Anh, người đã tham gia kiểm tra một số tiệm nail có người Việt làm việc.

    Trong trường hợp Người rơm Việt Nam ở Anh muốn tự nguyện hồi hương thì có thể liên hệ với Tổ chức quốc tế về Di dân hay còn thường được gọi là IOM (International Organisation for Migration) để được trợ giúp tiền xin cấp hộ chiếu, tiền vé máy bay, và cả tiền để bắt đầu cuộc sống mới tại quê nhà, thay đổi chỗ ở. Trang mạng của IOM ở Anh là www.unitedkingdom.iom.int, bạn có thể vào để tìm hiểu thêm thông tin.

    Viethome (theo BBC)

  • Những người Việt vượt biên trái phép chen chúc trong khoang chật hẹp được ngụy trang kín đáo trên chiếc xe hiệu Mercedes.

    "Khi khám xét chiếc xe, cảnh sát thấy một vách ngăn bằng gỗ, phía sau có hơn 10 người đang trốn. Ngoài ra còn có hai chai nước và nhiều lỗ nhỏ để những người này thở", theo cáo trạng được công bố tại phiên tòa ở Cherbourg hôm 21/1.

    Cảnh sát Pháp khám xe tải. Ảnh: Ludovic Ameline.

    Cảnh sát biên phòng thành phố Cherbourg, nằm tại cửa ngõ đường hầm eo biển Manche nối giữa Pháp với Anh, ngày 16/1 phát hiện 10 người mang quốc tịch Việt Nam trốn trong một chiếc xe tải hiệu Mercedes đang trên đường đến Anh, theo actu.fr.

    Tài xế 30 tuổi người Bulgari bị bắt và bị tòa án Cherbourg hôm 21/1 kết án hai năm tù vì tội vận chuyển người nhập cư bất hợp pháp và bị cấm nhập cảnh vào Anh trong 5 năm. 

    Khai trước tòa, người đàn ông Bulgari này cho biết một tài xế taxi ở thủ đô Sofia đã nhờ ông ta lái chiếc xe tải từ Pháp đến Manchester, Anh để sửa chữa với khoản tiền công 500 euro (gần 600 USD). "Tôi không biết rằng mình đang vận chuyển người nhập cư bất hợp pháp", tài xế người Bulgari nói.

    Tuy nhiên, công tố viên ở Cherbourg cho rằng lời bào chữa của bị cáo không thuyết phục, cho rằng tài xế này tham gia vào hoạt động buôn người. "Thật đáng xấu hổ! Những người nhập cư này được vận chuyển trong điều kiện kinh khủng. Họ chỉ được nhận hai chai nước và chen chúc nhau như gia súc trên xe tải. Đây là một đường dây phạm tội được tổ chức chặt chẽ", công tố viên nói. 

    Viethome (theo VnExpress)

  • Bài viết từ bạn Võ Hiếu Phúc gửi về cho Viethome, xin chia sẻ cùng bạn đọc:

    ''Thưa cộng đồng nail, sau khi xem kết quả phiên xử gia đình anh Ken và chị Jenny, thì tôi thấy đồng bào mình rất nhiều bạn còn chưa có thời gian để mà đọc kỹ câu chuyện của họ. Vậy tôi nghĩ trước hết là các bạn đọc để hiểu đi cái đã. Đọc ở đây nè các bạn. 

    (Ảnh minh họa)

    Thứ nhất, một số bạn khuyên 2 gia đình nên chứng minh tuổi xương của 2 cô gái kia, để chứng minh họ khai gian tuổi. Thì theo lời của anh Damien, con trai cô Jenny, việc này đã được làm rồi. Trích nguyên văn anh Damien: "...chúng tôi có đầy đủ các bằng chứng pháp lý về thông tin khám xét nha khoa trong vài năm vừa qua giúp xác nhận độ tuổi của các cô gái nhân chứng rằng họ 24-25 tuổi thay vì 15 tuổi như họ đã khai nhận''. Hôm 23/1 vừa qua thì tòa án cũng đã công nhận 2 cô này khai gian tuổi rồi.

    Thứ hai, tôi thấy nhân chứng quan trọng trong vụ này không biết đã ra tòa chưa. Đó là anh Jimmy, bạn trai của cô Sen, là người đã giới thiệu cô Sen tới tiệm của anh Ken. Chắc anh này là người biết rõ cô Sen đã vui vẻ đồng ý với mức lương mà anh Ken trả cho cô. Chắc anh này cũng biết rõ cô Sen được tạo điều kiện thoải mái về chỗ ăn ở. Và còn điện thoại của cô này là một vật chứng quan trọng, chắc đã bị cảnh sát tịch thu. Trong đó chắc có nhiều ảnh selfie chụp ảnh sung sướng của các cô, chứng tỏ không có nạn nô lệ. Hy vọng trong đó cũng có chụp ảnh các cô đi mua sắm, ăn uống sang chảng... chứng tỏ là được trả lương tử tế chứ không phải ''30 bảng/tháng hay không được nhận lương''.

    Các bạn có thể đọc bài viết về vụ án Thanh niên Việt bị tù 2 năm vì trồng cần sa ở Hartlepool. Anh này khai mình bị nô lệ, nhưng cảnh sát tìm thấy iPhone với hàng đống ảnh selfie của anh này và kết luận: "Anh này được thoải mái sử dụng điện thoại để liên lạc. Tòa án nói rằng một người bị bắt giữ kìm kẹp thì không thể thoải mái sử dụng điện thoại như thế''.

    Nếu 2 cô gái kia vẫn kiên quyết giữ vững lời khai của họ, thì chúng ta chỉ có thể tìm kiếm và thuyết phục những người đã từng tiếp xúc với 2 cô để ra tòa làm chứng. Tôi hy vọng cộng đồng UK rộng lớn, có thể làm được điều này. Hoặc giả tìm được người thân ở quê nhà có thể thuyết phục các cô thay đổi lời khai, khai thật về những gì đã xảy ra. Tôi nghĩ nếu các cô nói ra sự thật thì cùng lắm chỉ bị trục xuất thôi, chứ ở lại Anh cũng đừng hòng xin tị nạn, mà các shop thì cạch mặt rồi cũng chẳng xin được việc. 

    Thứ ba, cái này mới khó. Khi ập vào nhà chị Jenny, cảnh sát đã tìm thấy 60,000 bảng giấu trong con gấu bông. Nhà anh Ken cũng có nhiều tiền mặt và hàng hiệu. Và cảnh sát kết luận tiền này là do không trả lương cho nô lệ mà có được. Vậy các bị cáo phải thanh minh như thế nào? Tại sao tiền mặt kiếm được từ làm nail lại không gửi ngân hàng, tiền tại sao phải giấu trong con gấu? Vì mục đích trốn thuế hay vì gì? Tiền này có phải là hoạt động phi pháp không? Cái này tôi xin nhường lại cho ai am hiểu trả lời giúp. 

    Thứ tư, tiền bạc mồ hôi nước mắt của 2 gia đình đã bị tịch thu nên không thể thuê luật sư giỏi bào chữa. Anh Damien cho biết đã trả hơn 10,000 bảng cho luật sư mà không được việc gì. Do đó việc cộng đồng quyên góp cho họ được hơn 10,000 bảng là một điều rất quý giá, đáng ghi nhận. Thế nhưng anh Damien và em gái thì đang đi học. Chị Susan thì nuôi con nhỏ. Liệu họ có thể theo đuổi vụ kiện này đến bao giờ? Tôi chỉ sợ mọi người kiệt sức và gục ngã, lở dở cuộc đời.

    Án treo 2 năm của chị Susan tôi nghĩ là không sao, cũng vừa vặn với thời gian chị phải ở nhà trông con nhỏ. Còn anh Ken và chị Jenny, tôi nghĩ sức khỏe và tinh thần là quan trọng nhất. Tôi không rõ họ thụ án tới ngày tháng năm nào, có được trừ đi khoảng thời gian bị tạm giam chờ điều tra hay không, nhưng tôi hy vọng họ biết được sự giúp đỡ của cộng đồng và vững chãi vượt qua sự vất vả trong tù, nếu đó là điều duy nhất họ có thể làm. 

    Thứ năm, mọi người kêu gào rằng kết quả này sẽ ảnh hưởng tới cộng đồng Việt, và người Việt sẽ bị quy chụp là buôn nô lệ, nhưng mà các anh chị làm đúng luật thì đâu có sao. Tôi thấy trên các group, thợ không giấy tờ vẫn tìm việc ầm ầm và cũng đầy shop nhận người không giấy tờ. Thế còn kêu gào gì nữa, có bao nhiêu người vẫn tiếp tục làm hại đến bản thân và cộng đồng đấy thôi. Các bạn làm nô lệ cho đồng tiền, tới giờ vẫn chưa sáng mắt ra. Ai cũng nghĩ tới túi tiền của mình, chúng ta không thể ăn tiền mà sống được đâu. 

    Viethome (ghi chép từ đọc giả Võ Hiếu Phúc, ngày 24/01/2019)

  • Vào 10h sáng ngày 23/1/2019 tới đây, tại tòa án tối cao Royal Courts of Justice sẽ diễn ra phiên kháng cáo về vụ "Nô lê thời hiện đại tại tiệm nail Việt'', trong đó gia đình Ken, Susan và Jenny bị kết án tổng cộng 11 năm tù. Đây là lần ra tòa tối cao, cũng là tòa cuối cùng để kháng án.

    Đây là một vụ án oan và cộng đồng người Việt đang kêu gọi biểu tình vào sáng 23/1 tại tòa án, để minh oan cho những người bị oan, đồng thời ngăn chặn việc Pháp luật Anh đưa kết quả vụ án này thành một án lệ ''để hợp thức hoá luận điệu “Nô lệ thời hiện đại” áp đặt lên cộng đồng người Việt chúng ta tại Uk. Đây không đơn thuần là một bản án cá nhân, mà nó đánh thẳng vào chính xương sống của cả cộng đồng người Việt tại UK. Luận điệu ấy làm cho ngành nails chao đảo trong suốt hai năm qua. Khi mà khái niệm “Nô lệ thời hiện đại” được thực thi, thì tất cả ngành nails bị khám xét một cách oan uổng... làm cho lượng lao động ít đi, việc tìm kiếm thợ trở nên quá khó khăn....nhiêu đó kéo theo thu nhập ngành nails đi xuống quá sâu. Làm ảnh hưởng đến tất cả các ngành nghề khác của người Việt tại đất nước này'', trích lời MC Nguyen Duong ở Birmingham. 

    Cô Jenny và anh Ken, hai nạn nhân trong vụ oan sai đang rất cần sự giúp đỡ của người Việt.

    TÌNH TIẾT VỤ ÁN

    Ngày 2/1/2018, tại toà án hình sự Stafford Crown Court: 

    - Hai vợ chồng anh V Nguyen (Ken, 29 tuổi), chị G Tran (Susan, 23 tuổi) - đến từ Burton bị kết án vì tội âm mưu bắt, cưỡng ép người khác làm việc.

    - Anh V Nguyen bị kết thêm tội âm mưu sắp xếp, vận chuyển người với mục đích làm nô lệ lao động.

    - Cô H Nguyen (Jenny, 48 tuổi) đến từ Bath bị kết tội âm mưu cưỡng ép người khác làm việc và dàn xếp vận chuyển người để làm nô lệ lao động.

    Kết luận: Anh V Nguyen nhận án 4 năm tù, chị G Tran 2 năm tù treo (được tại ngoại nhưng nếu phạm tội tiếp sẽ phải ngồi tù), và cô T Nguyen 5 năm tù.

    Ghi nhận của cảnh sát: 

    - Tại cơ sở kinh doanh Nail Bar Deluxe ở Bath, cảnh sát đã phát hiện 2 cô gái người Việt 16,17 tuổi đang làm nails cho khách. Các cô phải làm 60 giờ mỗi tuần. Một trong 2 người chỉ được trả khoảng £30/tháng, còn người thứ 2 thì không được nhận lương. Họ sống tại một căn nhà có 4 phòng ngủ thuộc sở hữu của Jenny ở Bath. Một người sống trong 1 căn phòng nhỏ xíu, trong khi người còn lại phải ngủ trên một tấm nệm ở tầng áp mái. Cả 2 nạn nhân đã được đưa vào Anh trên xe thùng.

    - Khi đột kích nhà của Jenny, cảnh sát đã tìm thấy £60,000 được giấu trong một con gấu bông và một tủ đựng đầy những chiếc túi hàng hiệu trị giá hàng nghìn bảng Anh. Jenny cũng sở hữu một dãy phòng trọ tại Bath. 

    - Các thiếu nữ này đã được đưa tới nhà Tây nhưng đã bỏ trốn. Và sau đó được cho là bị bán đến tiệm nail của vợ chồng anh Ken tại Abbey Arcade, ở Burton-on-Trent, Staffordshire. 

    TIẾNG NÓI CỦA NGƯỜI TRONG CUỘC 

    Câu chuyện của chị G Tran (người bị tù treo 2 năm) được đăng trên một tờ báo người Việt ở Anh: 

    “Tháng 2/2016 shop của chị Hương bị kiểm tra, 2 bạn Sen và Lily bị bắt. Sau đó các bạn được đưa đến nhà Tây và đều trốn ra chỉ sau vài tuần. (Thời điểm này mình vẫn chưa biết chị Hương là ai và bạn Sen mới trốn từ nhà Tây ra.)

    Đầu tháng 3/2016, mình mở thêm shop nên có nhu cầu tuyển thợ. Khi đó có bạn Jimmy gọi điện thoại tới và nói rằng muốn tìm việc cho bạn gái. Hai bên đã liên lạc, trao đổi với nhau và bạn gái của Jimmy đồng ý tới tiệm thử việc. (Mọi liên lạc lúc này đều thông qua bạn Jimmy.)

    Sau đó vài ngày, bạn gái của Jimmy đi tàu xuống. Bạn ấy nói tên là Sen và có nhờ chồng mình ra bến tàu đón. Ngày 16/3/2016, 8 ngày sau ngày đón bạn Sen tới thử việc, cảnh sát Somerset mặc thường phục đã vào kiểm tra tiệm. Họ đi tìm trẻ bị thất lạc và được báo là “trẻ” đó đang ở shop của mình.

    Vì mới có 8 ngày nên mình cũng chưa biết gì nhiều về bạn Sen. Nhưng sau này, theo kết quả điều tra, mình mới biết rằng bạn ấy đã trốn khỏi nhà Tây và bị cảnh sát lần theo sóng điện thoại từ Somerset tới Burton-on-Trent. Mục đích kiểm tra shop hôm đó là để tìm bạn Sen vì chỉ có cảnh sát từ Somerset vào thôi, hoàn toàn không có người từ Bộ Nội vụ, kể cả cảnh sát khu vực của Burton cũng không có mặt.

    Đó là “mối liên kết” duy nhất mà bên công tố sử dụng để kết luận vợ chồng mình có âm mưu cấu kết với chị Hương và Jimmy để vận chuyển trái phép và ép người làm nô lệ. Trong vụ này bằng chứng duy nhất mà bên công tố đưa ra là dựa trên sóng điện thoại của bạn Sen khi di chuyển về đây, cùng sóng điện thoại nhà mình khi đi đón bạn ấy ở bến tàu, và theo thời gian sóng điện thoại của bạn khi ở Burton 8 ngày.

    Trong lúc shop của mình bị kiểm tra thì còn một bạn tên Bành là người mới tới shop thử việc 4 ngày. Bạn này lúc đầu ở Nottingham, sau khi liên lạc trên điện thoại, bạn ấy đã đồng ý xuống thử việc. Khi đó nhà mình có việc chạy lên Nott nên tiện đường rẽ qua đón bạn về cùng luôn. Và một lần nữa, theo sóng điện thoại, bên công tố kết luận mình vận chuyển bạn ấy xuống Burton để ép làm nô lệ.

    Mọi việc chỉ có vậy, cũng như bao shop ngoại tỉnh khác thì đa số đều bao ăn ở. Bên công tố cho rằng mình bao ăn ở cho các bạn ấy để không phải trả tiền cho các bạn nữa. (Ý là dụ dỗ vì các bạn ấy là trẻ con, không có nơi nương tựa và vì các bạn không có sự lựa chọn nào nên bắt buộc phải làm để đổi lấy chỗ ăn ở). Mọi chuyện diễn ra chỉ vỏn vẹn tất cả trong 8 ngày đó.

    Đến khi cả 2 vợ chồng bị bắt giam 30 tiếng rồi mà vẫn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra. Mọi thứ diễn tiến quá nhanh trong khi mình chưa hề lường trước được gì cả. Thời gian 8 tuần ra toà là một quãng thời gian rất dài. Lúc này đây mình mới biết chị Hương là ai và tại sao 2 gia đình cách nhau 150 dặm lại có thể liên quan tới nhau và được cho là có âm mưu cấu kết với nhau ạ.

    Tuần nào cũng từ thứ 2 tới thứ 6, 10h sáng tới 5h chiều, trong vòng 8 tuần trời, mình phải ngồi nghe những câu chuyện bên công tố vẽ ra và lập luận một cách bài bản. Mà thực sự càng nghe mình càng thấy nực cười vì nó quá sức vô lý. Về phía ông Thẩm phán, ông ấy có phần thiên vị bên công tố nhiều hơn thấy rõ. Mỗi lần trạng sư của các bị cáo lên tiếng, ông thường tìm cách bác bỏ ý kiến và không muốn lắng nghe. Cách hướng dẫn luật cho 12 người thuộc bồi thẩm đoàn cũng không rõ ràng để khiến họ nghĩ theo chiều hướng tồi tệ hơn cho các bị cáo.

    Stafford là thành phố với đa số là Tây trắng nên dù sao họ cũng hơi có hướng gọi là phân biệt đối xử với người nước ngoài. Trong thời gian toà diễn ra lại có rất nhiều bài báo đăng tin về các vụ buôn bán trẻ em, tỉ lệ các trẻ em Việt Nam trốn khỏi nhà Tây và mất tích. Cũng có thể một phần do báo chí đăng và thông tin trên mạng xã hội nhiều nên đã khiến cho các thành viên bồi thẩm đoàn càng có cái nhìn khác về người Việt Nam mình, đặc biệt đối với các bị cáo trên toà. Đó có thể là lí do mà cả 12 người thuộc bồi thẩm đoàn đều kết tội cho cả 3 bị cáo. Nếu lần tới mà chúng tôi không kháng cáo thành công thì đây sẽ là vụ án mẫu cho tất cả các bản án sau này, và dự là sẽ có rất nhiều gia đình có thể phải chịu án oan như gia đình mình và chị Hương.

    Trong 2 năm qua gia đình mình đã phải chịu bao sóng gió. Tất cả tài sản, các tài khoản đều bị niêm phong. Chân thì bị đeo Tag, không được ra khỏi nhà sau 9h tối. Đặc biệt, HÀNG NGÀY đều phải đi kí tại đồn cảnh sát trong suốt 1 năm trời. Sau bao nhiêu năm làm lụng, vất vả tích góp để giờ phút này nhìn lại mình thực sự dường như đã mất tất cả. Tiền bạc là một phần, đến quyền con người còn mất huống chi là những thứ khác.

    Con mình sinh ra thì chưa được nhìn thấy mặt cha, mình thì 1 nách nuôi 2 con nhỏ. Đối với một bà mẹ như mình thì mình biết làm gì để kêu oan được đây. Đã có thời điểm mình bị trầm cảm sau sinh vì phải lo nghĩ quá nhiều chuyện. Nhưng rồi sau tất cả, vì con mình cũng phải dũng cảm đứng dậy. Dù trái đất có sụp đổ mình cũng phải bảo vệ con mình để không bị Bộ Xã hội bắt đi. Trước đó Bộ Xã hội có nói, nếu mình có phải đi tù thì họ sẽ cố gắng tìm cho nhà tù nào mà mình có thể mang baby vào cùng. Nghe mà đau lắm, con mình nào có tội tình gì chứ. Nghĩ tới cảnh đó mình không thể cầm lòng, ắt hẳn bất cứ ông bố bà mẹ nào sau tất cả mọi chuyện cũng phải nghĩ cho con mình đầu tiên thôi à. Tại sao một đất nước văn minh thế này mà còn có án oan và giờ mình cũng không biết đặt niềm tin cuối cùng của mình vào đâu nữa''.

    CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT CÓ THỂ LÀM GÌ?

    1. Tham gia hoạt động biểu tình vào sáng 23/1 tại tòa Royal Courts of Justice.Địa chỉ như hình trên, các bạn nên đến sớm một chút nhé. Thông tin chi tiết tại link: https://www.facebook.com/events/294211034785374/

    2. Quyên góp cho quỹ “Justice for Kent, Susan and Jenny” trên trang Gofundme theo link: https://www.gofundme.com/justice-for-kent-susan-and-jenny . Hiện nay, quỹ đã kêu gọi được 4,410 bảng. Một số tiền rất đáng khích lệ.

    3. Share thông tin về hoạt động biểu tình và chiến dịch quyên góp, dùng mạng xã hội hoặc truyền miệng để tin này được lan rộng hết mức có thể. Dán tấm poster bên dưới lên shop của bạn nhé.

    Viethome tổng hợp 

  • Hai chủ nhà hàng ở vùng Bay Area, phía Bắc California, vừa bị tòa ra phán quyết phải bồi thường $1.7 triệu cho các nhân viên từng làm việc cho họ, vì đã lấy tiền “tip” của nhân viên, không trả tiền giờ làm việc phụ trội, không lo lắng vấn đề y tế và buộc họ phải sống trong những điều kiện vô cùng tồi tệ, theo giới hữu trách hôm Thứ Năm, ngày 10 Tháng Giêng.

    Theo bản tin của tờ San Francisco Chronicle, hai người chủ là Hai Jie Chen và Hak Chun Ng có 56 nhân viên làm việc trong ba nhà hàng Tàu gốc Malaysia ở vùng Bay Area, gồm Mango Garden ở Fremont, Mangle Jungle ở San Jose và Mango Blaze ở San Mateo.

    Trong hơn 3 năm, Chen và Ng hàng ngày dùng xe đưa các nhân viên này từ nơi ở đến nơi làm việc và trở về. Các nhân viên này phải làm việc tới 12 tiếng mỗi ngày trong khi không được trả tiền giờ làm phụ trội sau tám tiếng, theo các giới chức thuộc văn phòng biện lý quận Alameda County.

    Các nhân viên này cũng thường chỉ được trả mức lương $2/giờ và không được hưởng tiền “tip” khách cho.

    Hai người chủ cho họ sống trong các căn chúng cư tệ hại, đôi khi có tới 15 người trong một căn chúng cư gồm hai phòng và họ phải nằm nệm trải xuống sàn, theo giới hữu trách.

    Khi Chen và Ng biết là các nhân viên đang tính đưa đơn kiện, họ đóng cửa hai công ty của mình, mở ra công ty khác và đưa tên người khác vào làm chủ để né đơn kiện, theo văn phòng bảo vệ lao động tiểu bang California.

    Chen và Ng bị án lệnh tòa phong tỏa tài sản và phải trả số tiền lương còn thiếu là $1,006,455 lại cho các nhân viên, trả thêm $550,000 tiền phạt lao động, cùng hơn $250,000 là tiền gian lận thuế, bảo hiểm y tế và tiền thuế bán hàng.

    Văn phòng biện lý kêu gọi nếu ai bị khai thác lao động trái phép hay bị buôn người lao động hãy liên lạc với văn phòng bảo vệ công nhân thuộc biện lý Alameda ở số điện thoại 510-383-8600, cũng theo tờ San Francisco Chronicle.

    Viethome (theo Người Việt)

  • Bị chính quyền đối xử tệ, hàng trăm nạn nhân của nạn buôn người đã mất tích. Một số người đã bị trừng phạt vì những tội mà họ bị buộc phải phạm trong khi bị giam cầm.

    Hàng trăm nạn nhân trẻ em của các băng đảng buôn người đã rời khỏi các trại chăm sóc ở Anh, và có lẽ các em đã quay về với những tên tội phạm đã đưa chúng đến, sau khi bị chính quyền đối xử hà khắc.

    Người ta tin rằng một số trẻ em đã bị buôn từ các nước châu Á đang phát triển như Việt Nam. 

    Missing People - Tổ chức ‘Những người mất tích’ và Every Child Protected Against Trafficking (ECPAT) – ‘Mọi trẻ em được bảo vệ khỏi nạn buôn người’ (ECPAT) cho biết trong một báo cáo, 246 trong số 1,015 trẻ em được xác định hoặc bị nghi là nạn nhân của nạn buôn bán trẻ em, được báo cáo mất tích khỏi trại chăm sóc ít nhất một lần vào năm 2017, Thomson Reuters Foundation đưa tin. Trong năm 2015, có 167 trẻ em đã bị mất tích.

    Tổng cộng có 975 trẻ em bị buôn bán hoặc không có người đi cùng được báo cáo là mất tích từ các cơ sở chăm sóc vào năm ngoái, và 1/5 trong số đó chưa được tìm thấy.

    Trung bình, một đứa trẻ được báo cáo mất tích 7 lần. Các tổ chức từ thiện cho biết lý do là tiêu chuẩn chỗ ở kém, sợ chính quyền địa phương và sự kiểm soát liên tục của các nhóm buôn người.

    Theo Jane Hunter, giám đốc nghiên cứu cấp cao của Missing People cho biết: Những đứa trẻ bị buôn bán và không có người đi cùng tiếp tục bị thất vọng bởi hệ thống vốn dĩ phải đem lại sự an toàn và bảo vệ chúng. (Những đứa trẻ này) đặc biệt dễ bị tổn thương và có thể quay lại hoàn cảnh bị bóc lột trong tay những kẻ buôn người.

    Báo cáo cho biết những đứa trẻ bị buôn thường sợ chính quyền, và thà quay trở lại với kẻ buôn chúng. Trích dẫn từ lời của 1 đứa trẻ nói rằng, ‘con quỷ trước còn tốt hơn’.

    Catherine Baker - Cán bộ nghiên cứu cấp cao của ECPAT cho biết, các nạn nhân thường bị trừng phạt vì tội ác mà họ bị ép phạm, chẳng hạn như các tội liên quan đến ma túy tại các trang trại cần sa, nơi tìm thấy nhiều thanh niên Việt Nam. Họ bị từ chối tị nạn và bị trục xuất.

    “Thông thường, những đứa trẻ này được coi là tội phạm hoặc tội phạm nhập cư, thay vì những đứa trẻ dễ bị tổn thương cần được hỗ trợ”, cô nói.

    Trong năm 2015-17, Vương quốc Anh đã từ chối yêu cầu tị nạn của 183 trẻ em, bao gồm nhiều người châu Á, những người đã bị bán từ các nước đang phát triển. Con số này gấp đôi con số trong 3 năm trước.

    Chính phủ đang xem xét một luật năm 2015 nhắm vào nạn buôn người, sau khi bị chỉ trích rằng luật này không được thực thi nghiêm khắc để giam cầm các băng đảng liên quan, buộc các công ty ngừng lao động cưỡng bức hoặc giúp đỡ các nạn nhân.

    Viethome (theo atimes)

  • Một người phụ nữ vừa kể lại câu chuyện bị bắt cóc và bị bán làm nô lệ tình dục năm 19 tuổi ở Hà Lan.

    Sarah Forsyth, hiện 42 tuổi, đã từ Tyneside (nước Anh) đến Amsterdam (Hà Lan) sau khi nộp đơn xin việc làm y tá. Tuy nhiên, khi đến nơi, cô nhận ra mình đã bị lừa bởi một băng đảng tội phạm. Chúng cướp hộ chiếu của cô, đe dọa bằng súng và bắt cóc cô. Kí ức kinh hoàng của Forsyth vừa được kể lại trong cuốn hồi ký Cô gái nô lệ, được phát hành trong tháng này.

    Sau khi bị bắt cóc, Forsyth bị giam giữ tại một căn nhà cùng nhiều cô gái khác. Mỗi ngày họ chỉ được cho kẹo socola để ăn. Forsyth kể về lần đầu tiên bị ép tiếp khách tại nhà thổ. “Sau lần đó, tôi bắt đầu run rẩy không kiểm soát được…. Tôi rùng mình, cảm thấy như mình đã ngã vào một khoảng trống tối tăm vô định”, người phụ nữ nói.

    Người phụ nữ tiết lộ mình bị ép quan hệ tình dục với tối đa 20 người đàn ông mỗi ngày tại khu đèn đỏ của thành phố, theo Mirror.

    Forsyth nói cho đến nay, cô vẫn gặp ác mộng về trải nghiệm khủng khiếp của mình. Trong đó, có nhiều lần cô bị ép xem video quay cảnh một cô gái Thái Lan bị giết vì không kiếm đủ tiền cho nhà thổ.

    Sarah Forsyth, hiện 42 tuổi, đã bị ép làm nô lệ tình dục năm 19 tuổi.

    Forsyth sớm nghiện cocaine để “quên đi nỗi đau” – điều khiến cô trở thành nô lệ bất lực cho những kẻ đứng đầu nhà thổ. Forsyth chỉ nhận ra mình phải trốn thoát khi biết cái chết của cô gái Thái Lan được sử dụng làm cốt truyện trong một bộ phim khiêu dâm.

    Khi các cô gái bắt đầu biến mất khỏi nhà thổ, Forsyth tin rằng họ bị giết một cách có chủ đích để quay phim khiêu dâm. Forsyth đã dũng cảm trốn thoát khỏi nhà thổ vào năm 1997. Sau đó, cô được đưa đến một ngôi nhà an toàn ở Bỉ trước khi trở về nhà để đoàn tụ với mẹ.

    Forsyth ra làm chứng chống lại những kẻ bắt giữ mình. 5 kẻ đã bị kết tội buôn người và lạm dụng tại một tòa án Hà Lan. Mặc dù phải chiến đấu với chứng nghiện ma túy trong gần 10 năm sau khi trốn thoát, Forsyth nói mình vẫn may mắn vì đã thoát khỏi băng đảng tội phạm. 

    VietHome (Theo Kiến Thức)