Anh tăng cường tuyển lao động thời vụ nhập cư, tăng nguy cơ nô lệ hiện đại

Sẽ ngày càng nhiều người có nguy cơ trở thành nô lệ hiện đại trong các nông trại ở Anh nếu giới hạn tuyển dụng lao động mùa vụ được mở rộng, các chuyên gia về quyền của người lao động cảnh báo. Những lao động người Indonesia đến Uk theo diện visa lao động thời vụ. Họ phải gánh khoản nợ lên tới £5,000 cho mỗi mùa thu hoạch hoa quả ở Kent.

Thủ tướng Liz Truss đang có ý định nới rộng số lượng lao động nước ngoài được tuyển đến UK để làm việc trong các vụ mùa nông nghiệp. Đây là một phần trong chính sách visa mà chính phủ đang xem xét để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động.

Ý định này xuất hiện tại thời điểm mà nước Anh vẫn chưa có ủy viên chống nô lệ hiện đại, nhằm đánh giá các bất lợi đối với người lao động trong đường lối của chính phủ.

Bà Sara Thornton từng là ủy viên chống nô lệ hiện đại, nhưng đến tháng 4/2022 bà đã thôi chức này. Bà cho biết chính phủ ''cần phải giải quyết nguy cơ người lao động bị lạm dụng, và nguy cơ nợ nần đối với họ'', trước khi mở rộng chính sách tuyển dụng lao động nước ngoài.

lao dong thoi vu 2
Ảnh minh họa: deJetleyMarks Photography

Bà Thornton hiện là giáo sư về chính sách nô lệ hiện đại tại Đại học Nottingham, nói: ''Chúng ta phải thật thận trọng. Tôi hiểu rằng nước Anh cần lao động nhập cư, nhưng chính sách này chỉ đẩy những người nhập cư vào con đường bất lợi. Chính phủ cần đảm bảo họ không phải đóng các khoản phí tuyển dụng đắt đỏ. Chính phủ phải đảm bảo họ không lâm vào cảnh nợ nần chồng chất để đến được đây. Và họ phải được ký một hợp đồng bằng chính ngôn ngữ của họ. Và họ phải được tạo điều kiện để phản ánh môi trường làm việc của mình''.

Chính sách cấp visa cho lao động mùa vụ đã được mở rộng nhanh chóng. Trong năm 2022 có 40,000 visa được cấp. Vào năm 2019 chỉ có 2,500 visa thí điểm được cấp.

Brexit và chiến sự Ukraine khiến cho Vương quốc Anh buộc phải tuyển dụng lao động từ các quốc gia xa xôi hơn. Những quốc gia này có chính sách bảo vệ lao động yếu kém hơn so với châu Âu. Các chuyên gia cho biết sự gia tăng chi phí vé máy bay và visa cũng đủ khiến cho các lao động rơi vào cảnh nợ nần, chưa nói đến các khoản phí bóc lột khác.

Guardian cho biết vào tháng 8-2022, các lao động Indonesia đến UK theo visa lao động thời vụ đều phải gánh khoản nợ lên tới £5,000 cho 1 mùa hái trái cây ở Kent. Một cuộc điều tra đang được Cơ quan chống Lạm dụng Lao động (Gangmasters and Labour Abuse Authority - GLAA) tiến hành.

Tuy nhiên GLAA hiện đang đối mặt với việc cắt giảm ngân sách nghiêm trọng. Đến tháng 8 năm nay, họ chỉ mới kiểm tra được 12 trong số hơn 1,000 cơ sở tuyển dụng. Và họ phải mất hơn 10 tháng mới đánh giá được một doanh nghiệp có bóc lột lao động hay không. 

Dù nạn bóc lột lao động ngày càng trầm trọng ở UK, nhưng ngân sách dành cho GLAA ngàng càng thu hẹp, từ 7 triệu bảng xuống chỉ còn £300,000 trong 5 năm qua. Với tình hình lạm phát hiện tại, ngân sách được tăng lên £500,000, nhưng vẫn không đủ để giải quyết vấn đề thiếu thốn nhân sự của chính cơ quan này.

Ngoài ra, GLAA còn làm nhiệm vụ cấp phép cho các doanh nghiệp tuyển dụng lao động nước ngoài. Nếu không có giấy phép từ GLAA, doanh nghiệp sẽ không được phép tuyển lao động nước ngoài để đưa tới các nông trại, nhà máy...

Do đó nếu chính phủ mở rộng chính sách tuyển dụng lao động nước ngoài, thì nguy cơ sẽ có nhiều người hơn rơi vào tình trạng nô lệ lao động, đặc biệt là lâm vào cảnh nợ nần. Do đó, chính phủ cần phải tăng nhân lực cho đội ngũ giám sát doanh nghiệp.

Người phát ngôn chính phủ nói: ''Lộ trình tăng cường tuyển dụng lao động nước ngoài đã vận hành được 3 năm và mỗi năm đều có cải thiện để ngăn ngừa nạn bóc lột lao động, nâng cao điều kiện lao động cho người có visa vào Anh. Chính phủ Anh rất chú trọng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động nhập cư''.

Viethome (theo Guardian)