Ước tính có 10.000 nạn nhân nô lệ hiện đại ở Anh. Tình trạng của họ trở thành tâm điểm chú ý vào tuần trước khi một nhà vô địch điền kinh hé lộ quá khứ của mình.
Hành trình thật khủng khiếp. Trong 24 giờ, Hardeep* cuộn gấp người trong cái hộp sắt tối thui, kín mít, giấu trong xe tải trên phà tới Dover.
Bụng anh réo ầm ĩ, cổ họng khô rát và khó thở, nhưng đến lúc này, không còn đường lui nữa. Người đàn ông 30 tuổi không chỉ nóng lòng để được gặp đứa con trai bé bỏng của mình, mà tài xế còn nói rõ rằng ông ta sẽ bắn Hardeep và chôn xác anh trong rừng nếu Hardeep không chịu trèo vào chiếc container nhỏ.
Các tổ chức từ thiện kêu gọi chính phủ Anh loại bỏ cách tiếp cận thù địch với người tị nạn. Ảnh: Telegraph.
“Họ nói với tôi rằng sẽ không ai biết [nếu tôi chết] vì tôi không có giấy tờ tùy thân”, Hardeep nói với Telegraph. "Tôi không thể nói không, vì tôi muốn gặp con trai mình".
Hardeep sống sót sau cuộc hành trình, đến Anh vào năm 2017, nơi anh được gặp bố vợ của mình. Anh được đưa đến làm việc trong một nhà hàng ở vùng trung du. Tại đó, Hardeep bị cưỡng ép làm việc, bị ngược đãi về thể chất, lời nói và tâm lý.
“Một ngày nọ, tôi từ nhà hàng về nhà và các tài liệu, điện thoại di động và máy tính xách tay của tôi đều biến mất”, anh nói. “Họ hắt dầu sôi vào tôi. Dấu vết vẫn còn trên tay tôi dù 5 năm đã trôi qua. Mỗi ngày tôi chỉ được ăn một lần. Họ không bao giờ cho tôi ăn trong nhà hàng. Cuộc sống của tôi đã trôi qua như vậy”.
Tội ác dưới nhiều hình thức
Ước tính có 10.000 nạn nhân nô lệ thời hiện đại ở Anh. Tình trạng của họ trở thành tâm điểm chú ý vào tuần trước, khi Sir Mo Farah - hay Hussein Abdi Kahin - tiết lộ rằng anh từng bị một người lạ mặt buôn bán sang Anh từ Đông Phi năm 9 tuổi. Khi đến đây, nhà vô địch điền kinh buộc phải trông con cho một gia đình khác ở Hounslow, phía tây London.
Ngôi sao Olympic cho biết anh đã kể lại câu chuyện của mình trong bộ phim tài liệu của BBC vì không còn có thể “giấu kín” những gì đã xảy ra với bản thân, và anh muốn nâng cao sự nhận thức đối với vấn đề nô lệ hiện đại trên khắp nước Anh. Và tới nay, các tổ chức từ thiện cho biết họ nhận thấy có nhiều người hơn tiếp cận để biết về nô lệ hiện đại, và tìm hiểu cách giúp đỡ.
Jamie Fookes, điều phối viên nhóm giám sát chống buôn người tại tổ chức Anti-Slavery International, chia sẻ: “Sự dũng cảm của Sir Mo Farah khi chia sẻ trải nghiệm nạn nhân của buôn người và nô lệ giúp việc gia đình đã khơi dậy cuộc trò chuyện công khai về nô lệ hiện đại ở Anh.
“Vương quốc Anh hiện chưa cung cấp mức hỗ trợ cần thiết cho tất cả nạn nhân nô lệ và buôn người. Vì vậy chúng tôi hy vọng rằng câu chuyện của Sir Mo Farah sẽ giúp cải thiện cách chính phủ đối xử và hỗ trợ hàng nghìn nạn nhân ở nước này”, ông Fookes nói thêm.
Sir Mo Farah - hay Hussein Abdi Kahin - tiết lộ rằng anh từng bị một người lạ mặt buôn bán sang Anh từ Đông Phi năm 9 tuổi. Ảnh: Telegraph.
Nô lệ hiện đại có thể diễn ra dưới nhiều hình thức, mặc dù bóc lột phạm tội là hình thức thường thấy nhất, theo ghi nhận của Bộ Nội vụ Anh năm 2021.
Ông Fookes cho biết: “Một tỷ lệ đáng kể trường hợp bóc lột trẻ em phạm tội ở Anh liên quan đến các vụ án, nơi trẻ em có thể bị các băng nhóm lợi dụng để vận chuyển chất bất hợp pháp”.
“Đối với người lớn, tình trạng bóc lột sức lao động là phổ biến nhất, lên tới 32% số trường hợp. Sự bóc lột sức lao động này có thể dưới hình thức giúp việc gia đình, làm nông nghiệp, tiệm thẩm mỹ và rửa xe”, ông Fookes nêu rõ.
Tuy nhiên, bất chấp nhận thức về vấn đề ngày càng gia tăng, các tổ chức từ thiện cảnh báo rằng môi trường không thân thiện của chính phủ đối với những người xin tị nạn và người tị nạn đồng nghĩa với thực tế là các nạn nhân của nô lệ hiện đại và buôn người thường lo sợ Bộ Nội vụ sẽ đối xử với họ tệ hơn những tội phạm buôn người.
Khi các nạn nhân tiết lộ tình trạng nô lệ hoặc là nạn nhân của tội phạm buôn người, nhiều người sẽ thấy mình không nhận được tin tưởng, có nguy cơ bị giam giữ, xua đuổi, hoặc bị giới chức tống giam.
“Hệ thống ở đất nước này rất hay phán xét người nhập cư”, Hardeep nói.
“Các chính trị gia đang làm cho điều đó trở nên tồi tệ đối với những người như tôi. Một nhân vật tầm cỡ vừa tiết lộ rằng anh ta từng là nạn nhân buôn người và làm nô lệ. Tiếng nói của tôi không có ở đó. Nếu đó là tôi, tôi sẽ ngồi trong trung tâm trục xuất”, Hardeep bày tỏ quan điểm, trong đó đề cập tới trường hợp của Sir Mo Farah.
Mắc kẹt trong vòng xoáy nô lệ
Hardeep lớn lên ở Bangladesh, trước khi đến Anh vào năm 2009 để học đại học và thoát khỏi một cuộc xung đột gia đình nguy hiểm tại quê nhà. Khi thị thực du học của anh đến hạn, Hardeep khát khao được ở lại. Và tình cảnh của Hardeep đã bị một người nào đó có liên hệ với Đại sứ quán Bangladesh lợi dụng.
“[Ông ta] nói nếu tôi trả góp 18.000 bảng Anh, ông ta sẽ cung cấp hộ chiếu mới và tên mới cho tôi”, Hardeep kể lại. “Tôi đã bị mắc kẹt và không có bất kỳ lựa chọn nào. Tôi không biết gì về tị nạn".
Khi không còn khả năng trả tiền cho người đàn ông này vào năm 2015, Hardeep đã bị trình báo tới cảnh sát, bị bắt giữ và được yêu cầu rời khỏi nước Anh ngay lập tức.
Không thể quay trở lại Bangladesh, nơi tính mạng của bản thân đang đối mặt nguy hiểm, Hardeep cuối cùng đã đến Bồ Đào Nha. Tại đây, Hardeep kết hôn với con gái của một gia đình người Anh gốc Bangladesh.
Tuy nhiên, ngay sau khi vợ của Hardeep có thai, tình hình ngày càng xấu đi. Vợ của Hardeep đã trở lại Vương quốc Anh và hứa sẽ thu xếp thị thực vợ chồng. Điều đó chưa bao giờ thành hiện thực.
Và hành trình khốn khổ đã đến. Hardeep đã bị nhét vào chiếc container trên xe tải từ Paris tới Bỉ để bắt chuyến phà sang Anh.
Trong năm tiếp theo, Hardeep bị mắc kẹt, không có thị thực và rơi vào vòng xoáy nô lệ hiện đại. Khi bị vợ ném một chiếc tã bẩn vào mặt năm 2018, Hardeep đã “vỡ vụn”. Anh vào phòng tắm với chiếc điện thoại không dây tại nhà và gọi cho Đường dây Trợ giúp Nô lệ hiện đại.
Mặc dù những tháng và năm sau cuộc giải cứu là khoảng thời gian Hardeep thoát khỏi bị lạm dụng, việc đối mặt với những rào cản dường như vô tận trong hệ thống nhập cư của Vương quốc Anh thật sự khó khăn.
Bộ Nội vụ áp lên Hardeep một lệnh cấm học tập. Lệnh này được gỡ bỏ sau khi Hardeep kháng cáo thành công. Anh tiếp tục duy trì cuộc sống với mức thu nhập 40 bảng mỗi tuần.
Kể từ Đạo luật về Nô lệ hiện đại ra đời năm 2015, đã có những tiến bộ trong việc hỗ trợ và bảo vệ các nạn nhân, người sống sót của nạn nô lệ hiện đại và buôn người trên khắp nước Anh. Tuy nhiên, những người làm việc trong lĩnh vực này lo ngại rằng Đạo luật Quốc tịch và Biên giới, được thông qua vào tháng 5, sẽ là một bước lùi.
Ông Fookes nói: “Nếu chính phủ nghiêm túc trong việc ngăn chặn nạn buôn người, họ có thể thực hiện các biện pháp chủ động hơn để xây dựng Đạo luật về Nô lệ hiện đại".
“Có thể kết hợp chính sách Cộng đồng châu Âu Chống buôn người vào luật nội địa của Vương quốc Anh, tăng tài trợ cho các dịch vụ địa phương được thiết kế để giải quyết vấn đề nô lệ, thực hiện phương pháp tiếp cận chủ động trong việc xác định và hỗ trợ nạn nhân, tăng cường truy tố những tội phạm buôn người bằng cách đảm bảo nạn nhân của họ có thể theo đuổi công lý một cách an toàn với sự hỗ trợ”.
Thái độ thù địch nhằm vào người tị nạn
Quan trọng nhất là các tổ chức từ thiện muốn thấy chính phủ chấm dứt tình trạng buôn lậu, buôn người, đồng thời loại bỏ cách tiếp thù địch ra khỏi việc bảo vệ chống buôn người. Các nạn nhân cũng cần một nơi an toàn để phục hồi.
Bà Mischa Macaskill của City Hearts, một tổ chức từ thiện ở nam Yorkshire hỗ trợ các nạn nhân nô lệ hiện đại, cho biết: “Những người sống sót thường được đặt ở một vị trí không xác định với những người mà họ không biết khi họ được đưa vào nơi an toàn”.
“Họ cần thời gian để xử lý những gì đã xảy ra với bản thân, thời gian để chia sẻ nó theo cách riêng của họ. Lời khuyên pháp lý có thể bước tiếp cận là rất quan trọng để ngăn ngừa tổn hại thêm. Nơi ở ổn định và hỗ trợ thu nhập cũng rất quan trọng, vì nó cho phép họ tiếp cận tư vấn hoặc liệu pháp chấn thương tâm lý một cách an toàn”.
Phản hồi những lời chỉ trích, người phát ngôn của Bộ Nội vụ nhấn mạnh rằng Vương quốc Anh “đã bỏ xa thế giới trong việc bảo vệ các nạn nhân của nô lệ hiện đại”.
“Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ những người đã phải chịu đựng sự lạm dụng không thể chịu đựng được dưới bàn tay tội phạm và những kẻ buôn người, bất kể hoàn cảnh của họ như thế nào”, người phát ngôn khẳng định.
“Dự án ‘The Modern Slavery Victim Care Contract’ trị giá hơn 300 triệu bảng Anh, cung cấp hỗ trợ chuyên môn cho hàng nghìn nạn nhân trưởng thành trong khi Đạo luật chống Nô lệ hiện đại xác định thủ phạm phải đối mặt với mức án chung thân”, người này nhấn mạnh.
Đối với Hardeep, có một số hy vọng ở phía chân trời - City Hearts đã đưa anh vào một ngôi nhà an toàn và cung cấp một nhân viên phụ trách hiệu quả. Hardeep vừa hoàn thành năm thứ hai đại học để lấy bằng luật, và đang chờ quyết định tị nạn cuối cùng.
Các tổ chức từ thiện hy vọng rằng sự lên tiếng gần đây của Mo Farah sẽ giúp được hàng nghìn người cùng cảngộ, bằng cách nâng cao nhận thức về nô lệ hiện đại và gây áp lực lớn hơn lên chính phủ.
(*) Tên nhân vật được thay đổi để tránh gây nguy hiểm cho nạn nhân.
Theo Zing